Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Tào tặc - Hồi 272

Tào tặc
Trọn bộ 607 hồi
Hồi 272: Rút lui khỏi Diên Tân
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-607)

Viên Thiệu nghe hai người này tranh cãi mà thấy đau đầu.

-Thư tiên sinh, Công Tắc, các ngươi im cả đi.

Thư Thụ và Quách Đồ giờ mới ngậm miệng lại. Nhưng hai người này chẳng khác nào hai con gà chọi, căm túc lẫn nhau, không ai chịu cúi đầu trước đối phương.

Viên Thiệu thở dài, đang định mở miệng nói.

Chợt nghe viên tiểu giáo bên ngoài trướng vải báo cáo:

-Chủ công, chuyện lớn không hay rồi!

-Có chuyện gì mà hoảng hốt thế?

-Theo tin mới nhận được, tướng quân Văn Sú, tướng quân Văn Sú đã...

Viên Thiệu giật mình, run rẩy, quát lớn:

-Tân Ất làm sao?

-Văn Sú tướng quân gặp mai phục ở Thập Lý doanh, bị Tào quân giết rồi.

-A a a!

Viên Thiệu thấy trời đất như quay cuồng, choáng váng đầu óc.

-Ngươi nói lại xem nào?

-Văn Sú tướng quân bị Tào quân giết chết. Cao Lãm tướng quân cũng bị Tào quân bắt rồi.

-A a a!

Viên Thiệu ngồi thụp xuống, ngây ra như phỗng, một hồi lâu không nói nổi câu gì.

Mọi người trong trướng thấy thế mà sợ hãi. Cả đám người cùng đồng thanh gọi "Chủ công, chủ công mau tỉnh lại". Cũng có người ấn huyệt nhân trung ở giữa mũi và miệng, vất vả hồi lâu mới thấy Viên Thiệu tỉnh lại. Hắn lòng đau như cắt, đứng dậy, lớn tiếng quát hỏi:

-Là người nào giết Tân Ất?

-Chuyện này không rõ lắm.

-Không rõ lắm, không rõ lắm, không rõ lắm...

Viên Thiệu nổi trận lôi đình, giơ chân đạp bay án thư trước mặt, tay nắm lấy bảo kiếm:

-Chuyện này các ngươi còn không rõ lắm thì ta nuôi các ngươi làm gì?

Nói xong, Viên Thiệu giơ tay vung kiếm. Một kiếm chém chết tên quân tốt xuống đất.

-Lập tức điểm binh mã, ta muốn tái chiến với Tào tặc.

-Chủ công xin hãy suy nghĩ kỹ!

Quách Đồ cũng hoảng sợ, vội bước lên trước ngăn cản:

-Chủ công, tối nay mưa to, Tào tặc vừa đánh lén, ắt đã có sự chuẩn bị. Hơn nữa, bằng vào khả năng của Tân Ất tướng quân, lẽ nào lại có thể do người bình thường giết sao? Nếu chẳng may Tào tặc có mai phục, vậy chẳng khác nào chúng ta đã chui đầu vào rọ sao? Theo Đồ thấy, đợi đến sau khi trời sáng, chủ công mới điểm binh mã, quyết một trận tử chiến với Tào tặc. Để xem lúc đó Tào tặc còn chiêu gì nữa đây?!

Viên Thiệu cuối cùng đã bình tĩnh lại.

Nhưng cứ nghĩ đến chuyện Văn Sú bị giết, hắn đứng ngồi không yên.

Nhan Lương và Văn Sú đều là ái tướng của hắn, chẳng khác nào hai bàn tay của hắn cả. Giờ, hai bàn tay đã mất, cánh tay đau đớn sao có thể chịu thấu đây?

-Ngày mai, ngày mai, ta thể sẽ lấy đầu Tào tặc.

Viên Thiệu nắm chặt hai bàn tay lại, nhất thời ngửa mặt lên trời thét dài một tiếng.

Ngày mười chín tháng một năm Kiến An thứ năm, đại quân của Viên Thiệu vượt sông Hoàng Hà, chuẩn bị quyết chiến với Tào Tháo.

Gần như cùng lúc đó, Lưu Bị dẫn tàn binh bại tướng đến quận Đông Hải. Bất ngờ, thái thú Xương Hi của quận Đông Hải khởi binh tạo phản ở Giáp huyện.

Chiến sự hết sức rối ren!

...................

Mưa xuân kéo dài, u ám.

Đặng Tắc đứng trên hành lang, nhìn mưa chảy từ nóc nhà xuống, cau mày, vừa lo lắng vừa nôn nóng, bất an.

Thái thú Đông Hải Xương Hi tạo phản, khiến Đặng Tắc phải trì hoãn thời gian rời khỏi Hải Tây.

Thứ sử Từ Châu lại nhờ y tới Hạ Bi, giúp đỡ, bảo chuyện tới Hứa Đô của y nên hoãn một thời gian nữa đã.

Ngay cả Đặng Chi cũng cho rằng Đặng Tắc không nên rời khỏi vào lúc này. Hắn đưa ra rất nhiều lý do đầy đủ, nói Đông Hải tiếp giáp Hải Tây, Xương Hi tập trung mấy vạn dân, nghênh đón Lưu Bị đến. Lúc đó, Hải Tây ắt sẽ bị uy hiếp lớn. Đặng Tắc thật không nên rời khỏi lúc này.

Dù sao, Đặng Tắc làm việc ở Hải Tây đã bốn năm, danh vọng không phải tầm thường.

Phần lớn dân chúng địa phương đều muốn giữ y ở lại. Nếu lúc này, y rời khỏi Hải Tây, tất sẽ khiến lòng dân bất an.

Đặng Chi còn nói:

-Hải Tây vốn là Hải Tây của huynh. Bốn năm làm ăn, giờ có chuyện lại không ra tay giúp đỡ, đó là đạo lý gì? Huynh ở Hải Tây còn có trời cao biển rộng, còn có rất nhiều đất đai. Nếu huynh trở về Hứa Đô, e rằng huynh khó có cái gì để làm thôi.

Lời này của Đặng Chi nói hơi quá.

Nhưng không thể phủ nhận, Đặng Tắc hơi dao động.

Hải Tây là do y một tay xây dựng, phát triển cho đến giờ, đã tiêu tốn của y bao nhiêu tâm huyết.

Mặc dù là để Bộ Chất tiếp chưởng, Đặng Tắc cũng có phần luyến tiếc, không nỡ bỏ. Hơn nữa, y ở Hải Tây chẳng khác nào vua một mõi, ngay đến Thứ sử Từ Cầu cũng phải nể mặt y vài phần. Nếu rời khỏi Hải Tây, trở về Hứa Đô, giữa bao nhiêu viên quan lại, ai sẽ để ý y đây? Ở ngoài bốn năm, Đặng Tắc đã không còn là viên tham quân cụt tay luôn làm việc cẩn trọng như đi trên băng mỏng khi mới tới Hứa Đô lúc xưa nữa. Ở Hải Tây, y đã trải qua rất nhiều sự việc, cũng có những chuyện rất sảng khoái. Ước vọng năm xưa chỉ mong trở thành một viên đình úy nên cứ chậm rãi chịu đựng, bồi đắp kinh nghiệm, chờ được đề bạt giờ đã sớm bị y vứt bỏ từ lâu.

Đi hay là không đi?

Đặng Tắc có hơi do dự.

-Lão gia, Bộc Dương tiên sinh tới rồi.

-A, mau mời.

Đặng Tắc nghe thấy thế, vội vàng mở miệng.

Tuy nói Bộc Dương Khải giờ đã không còn giữ chức Y Lô trưởng nhưng ở Hải Tây, y vẫn là nhân vật đứng thứ hai sau Đặng Tắc.

Quan trọng nhất là Bộc Dương Khải vẫn là tâm phúc của Đặng Tắc.

Không lâu sau, Bộc Dương Khải xuất hiện dưới mưa.

-Thúc Tôn, ngươi tìm ta sao?

-Tiên sinh mau tới đây. Hôm nay mưa phùn thế này, thời tiết thật mát mẻ. Ta mới có chút rượu ngon, đang định mời tiên sinh thưởng thức.

Đặng Tắc nhanh chân tiến lên, đón Bộc Dương Khải.

Bộc Dương Khải cười nói:

-Ta cũng đang có tâm sự muốn nói với Thúc Tôn.

-Ồ, thật trùng hợp. Vậy chúng ta vừa uống rượu vừa nói chuyện đi.

Hai người đi dọc theo hành lang uốn lượn, xuyên qua trung các, đi vào hậu viện.

Một đình nghỉ mát nho nhỏ, đứng giữa không gian xanh nhạt, mưa bụi miên man chẳng khác nào một lớp lụa mỏng manh bao phủ lấy khu vườn.

Hai người ngồi xuống đình, Hồ Ban dẫn theo gia nhân mang thức ăn lên, hâm nóng rượu trên lư.

Hồ Ban xua tay, ra hiệu gia nhân lui xuống.

Rồi sau đó, lão ngồi bên cạnh lư, chăm chú hâm rượu.

-Chớp mắt đã hơn ba năm rồi.

Bộc Dương Khải chợt mở miệng, nói:

-Lúc trước, ta đã nản lòng thoái chí, mới nghe theo lời Thúc Tôn, cùng nhau đi đến nơi hoang vu này. Giờ, biên hoang đã thành viên minh châu của Đông Hải. Hải Tây lại có nhiều triển vọng sáng sủa. Ta từng nghĩ cả đời này cứ mãi như thế, nào ngờ còn có lúc về nhà.

Triều đình truyền chiếu lệnh, lệnh Bộc Dương Khải trở về Hứa Đô, đảm nhiệm chức tiến sĩ thái học ngũ kinh.

Đặng Tắc hồi hộp, trong lòng thầm xúc động.

-Khải công, Tắc có được như ngày hôm nay cũng là nhờ có sự giúp đỡ rất nhiều của tiên sinh, xin kính tiên sinh một chén.

Bộc Dương Khải vui vẻ nhận lấy.

Hai người uống chén tiếp theo. Bộc Dương Khải nói:

-Thúc Tôn hình như đang có tâm sự?

-A, nào có đâu.

-Ha ha, ta giao du với Thúc Tôn đã hơn ba năm. Trong lòng ngươi có việc, ta cũng có thể đoán ra phần nào. Thật ra, hôm nay ta đến cũng là có lời nhờ vả của người khác, muốn đến giãi bày với Thúc Tôn.

Đặng Tắc ngẩn ra:

-Ai nhờ tiên sinh?

-Y lô trưởng Công Miêu. Trước khi ta đi, hắn từng nói với ta hy vọng Thúc Tôn ngươi ở lại.

Hai gò má của Đặng Tắc giật giật, y ngẩng đầu nhìn Bộc Dương Khải.

-Mấy ngày nữa, Tử Sơn sẽ đến Hải Tây. Đến lúc đó, Thúc Tôn định làm thế nào?

-Chuyện này...

-Ta biết tâm ý của Thúc Tôn, Lưu Bị làm loạn ở Đông Hải. Thúc Tôn muốn nhân cơ hội này ở lại. Nhưng ngươi chớ có quên Tử Sơn là do A Phúc tiến cử.

-Ta biết.

Đặng Tắc cúi đầu, không biết nên nói như thế nào.

Bộc Dương Khải nhấp một ngụm rượu, thở dài một hơi:

-Công Miêu cho rằng Thúc Tôn ngươi nên ở lại. Nhưng ta không nghĩ như vậy. Ta đọc sách cả đời, bản tính có phần ngang bướng, nhưng không phải là người không hiểu rõ thời cuộc. Thúc Tôn ngươi ở lại, có thể làm được gì đây? Nói không dễ nghe gì thì là Hải Tây đã phát triển đến giờ đã gần mức cực hạn rồi. Nếu năm sau Hoài Nam cũng thi hành đồn điền, vị thế của Hải Tây ắt sẽ giảm xuống. Đương nhiên, Thúc Tôn ngươi là đồn điền đô úy, có thể tiếp tục quản lý việc đồn điền ở Hoài Nam. Nhưng vấn đề là, Thúc Tôn, ta hỏi ngươi một câu, ngươi cảm thấy so với Lã Bố, ngươi có thể mạnh hơn không?

Đặng Tắc giật mình, nhìn Bộc Dương Khải.

-Khải công nói thế là có ý gì?

-Đúng vậy, Hải Tây là do một tay ngươi thúc đẩy đồn điền, lại một tay ngươi xây dựng mà ra. Nhưng ngươi là người khai hoang, chứ không phải vua một cõi. Cho dù ngươi có thống trị Hải Tây thì cũng phải dưới quyền của triều đình. Triều đình lệnh người rời khỏi đây, ngươi không muốn đi, thế có phải không trung thành không? Thúc Tôn, nếu ngươi cảm thấy bản thân lợi hại hơn Lã Bố thì cứ ở lại, cũng không có gì đáng lo cả.

Cuộc nói chuyện này rất nặng nề.

Đặng Tắc cắn môi, nắm chặt chén đồng trong tay.

Cứ cho là ta lợi hại hơn Lã Bố thì sao? Lã Bố chẳng phải đã chết trong tay Tào tư không sao?

-Ta biết tâm sự của Công Miêu luôn cho rằng Hải Tây là của Đặng thị. Ta cũng biết Công Miêu vẫn mời ngươi trở lại làm tộc nhân ở Cức Dương. Hai năm nay, người họ Đặng đến Hải Tây đã có đến nghìn người chưa? Bản thân ngươi tự hiểu rõ. Trong nha đường, trong công phòng, mười người thì có ba người họ Đặng, nhìn thì tưởng như hùng mạnh, nhưng thực tế thì.... Thúc Tôn, ta hỏi ngươi. Lão Chu có theo ngươi hay không? Đầu Hổ có nghe lệnh ngươi hay không? Phan Văn Khuê có nguyện ý giao mạng cho ngươi không? Phùng Siêu có đồng ý để ngươi phát triển dòng họ Đặng thị rầm rộ như thế không? Lúc bình thường, bọn họ sẽ nghe lời ngươi. Nhưng nếu trong lòng ngươi có suy nghĩ mờ ám, ngươi cứ xem thử xem bọn họ có đáp ứng ngươi không. Ta biết ngươi muốn chấn hưng gia tộc. Nhưng vấn đề là bây giờ ngươi còn chưa có năng lực và vốn. Ngươi xem A Phúc xem, hắn đã là tộc nhân của Tào công thì thế nào? Không phải hắn luôn nghe theo mệnh lệnh của Tào Công sao, y bảo hắn làm gì, hắn tuyệt đối không do dự nửa điểm. Bởi vì hắn hiểu rõ tình thế hơn ngươi. Ngươi muốn ở lại vậy còn thê tử của ngươi, hài tử của ngươi nên làm sao bây giờ? Ngươi thực sự nghĩ rằng người Hải Tây sẽ một lòng với ngươi sao?

-Ta...

-Đặng thị ở Cức Dương là chuyện của Đặng thị ở Cức Dương. Giờ ngươi đã thoát ly khỏi Đặng thị ở Cức Dương, cần gì phải lưu luyến mãi không rời như thế? Công Miêu mưu trí dù giỏi đến đâu, nhưng tâm tư lại hơi sâu xa quá. Tâm tư sâu xa quá không phải là chuyện tốt. Đặc biệt khi người đó làm tâm phúc của ngươi, khi ngươi khuất mắt, ắt sẽ có lúc mang họa mất đầu.

-Vậy ta trở về.

-Không, giờ ngươi không nên trở về.

-A?

-Ta thấy thật ra giờ ngươi không thích hợp trở về Hứa Đô, mà nên đi Hạ Bi, giúp đỡ Từ Cầu. So về chính sự, Tử Sơn không thua kém gì ngươi, thậm chí còn mạnh hơn. Nhưng y vẫn theo lời A Phúc ở lại Hoài Nam, chuyện này còn chưa biết thế nào. Lần này, ba mươi bảy huyện của Đông Hải tạo phản, Tử Sơn dù có năng lực ứng phó, nhất thời cũng khó làm gì được. Nếu ngươi buông tay rời đi, lại ngại có người phiền lòng. Còn Công Miêu rất có thể sẽ nhân cơ hội đó làm khó Tử Sơn, đến lúc đó, người gặp phiền phức cũng lại là ngươi thôi.

-Vậy ta nên làm thế nào mới phải?

-Đi Hạ Bi, bàn mưu tính kế giúp Từ Cầu. Còn loạn ở quận Đông Hải, ngươi có thể truyền đạt suy nghĩ của ngươi qua miệng Từ Cầu. Như thế, dù Công Miêu có bất mãn cũng không dám trái lệnh. Còn Tử Sơn cũng có thể ung dung sắp xếp. Đợi đến khi y thu xếp ổn định rồi, Công Miêu dù có bất mãn cũng không còn cách nào khác cả.

Đặng Tắc trầm ngâm một lát, nhẹ nhàng gật đầu.

-Tiên sinh, nếu cứ như vậy, Công Miêu liệu...

Bộc Dương Khải uống một ngụm rượu, trầm giọng nói:

-Công Miêu tài hoa hơn người không sai, nhưng tâm tư quá nặng. Thật ra ta cảm thấy để y ở lại bên cạnh để rèn luyện cũng tốt. Có tâm tư không phải là chuyện xấu, chỉ sợ là tâm tư có nhưng lại để mắt nơi khác mà thôi.

Đặng Tắc trầm mặc.

Bộc Dương Khải nói một hồi khiến y như bị dội một gáo nước lạnh.

Bộc Dương Khải nói Đặng Chi sao?

Chưa chắc.

Chỉ sợ là y đang nhắc nhở Đặng Tắc mà thôi.

Đặng Tắc quan cao chức trọng hơn Bộc Dương Khải, nhưng có một số vấn đề, Bộc Dương Khải lại thấu đáo hơn Đặng Tắc.

Hai năm nay, tâm tư Đặng Tắc đã lớn lên nhiều, suy tính cũng khác đi nhiều. Thậm chí có đôi lúc, y còn có ý muốn tranh đấu với Tào Bằng. Rất nhiều người đều đang nói thành tựu Đặng Tắc có được ngày hôm nay đều là nhờ vào Tào Bằng, ngay cả rất nhiều chức vị trọng yếu ở Hải Tây đều là do người của Tào Bằng nắm giữ. Nói cách khác, Đặng Tắc được Tào Bằng để lại cho vốn liếng ban đầu mà phát triển. Chưa kể danh vọng của Tào Bằng ngày càng lớn, khiến Đặng Tắc sinh lòng đố kỵ. Một khi đã như vậy, khó tránh khỏi chuyện các quan viên ủy nhiệm ở Hải Tây nhìn ra sự thay đổi trong lòng Đặng Tắc. Những người lúc trước Tào Bằng để lại dần bất hòa với Đặng Tắc, y cũng dần giao việc cho con cháu Đặng thị.

Bộc Dương Khải vẫn luôn muốn nói với Đặng Tắc nhưng khốn nỗi lại không có cơ hội.

Lần này, nhân cơ hội chuyển chức, y mới nói rõ ràng mọi chuyện một lần.

Ngươi đừng nên nghĩ đến chuyện tranh giành với huynh đệ ngươi làm gì. Nói thật ra, huynh đệ của ngươi vốn không để mắt đến chuyện đó, hắn và ngươi đi hai con đường khác nhau.

Mưa đã ngừng rơi.

Đặng Tắc vẫn ngồi yên trong đình.

Bộc Dương Khải rời đi lúc nào, y không nhớ rõ lắm, trong lòng chợt thấy mất mát rất nhiều thứ.

Có lẽ y thực sự nên rời khỏi Hải Tây.

Hải Tây tuy phát triển khá tốt, nhưng dù sao cũng là một vùng lớn. Bản thân y cứ canh giữ nơi này, tự cho mình là trác tuyệt, nhưng thực tế thì sao? Nhớ ngày đó, Quách Gia giúp y là hy vọng y có thể từng trải thêm một chút. Nhưng về sau này, Đặng Tắc dường như đã quên mất chuyện đó.

-Hồ Ban, gần đây ta đã thực sự thay đổi rồi sao?

Hồ Ban hạ giọng nói:

-Lão gia, ngài đã rất lâu rồi không viết thư cho phu nhân.

-A?

Đặng Tắc ngẩng đầu:

-Thật vậy sao?

-Từ năm ngoái, sau khi phu nhân đi, ngài đã viết ba phong thư, sau đó không viết nữa. Phu nhân gửi thư, ngài cũng không hồi đáp.

Trong lòng Đặng Tắc chợt ngập tràn cảm giác áy náy.

Y hít sâu một hơi, chua xót.

Hóa ra ta đã thật sự thay đổi rồi.

Nhớ năm xưa, Tào Nam và y đồng cam cộng khổ, lặng lẽ chịu đựng bao nhiêu ủy khuất. Khi rời khỏi Hứa Đô, Đặng Tắc thường xuyên nhớ thê nhi, nhưng một năm nay, số lần y nhớ tới thê nhi rõ ràng ít đi rất nhiều. E rằng Tào Nam cũng không nói cho ai biết, nếu không A Phúc sớm đã gửi thư trách cứ y rồi. Cẩn thận suy ngẫm lại, Đặng Tắc cảm thấy Bộc Dương Khải nói không hề sai: Y thực sự chưa từng khống chế được Hải Tây.

Tuần binh của Hải Tây do Phùng Siêu quản lý.

Hương dũng của Hải Tây do Chu Thương chỉ huy.

Phan Chương là người do Tào Bằng thu nhận; Vương Mãi là huynh đệ của Tào Bằng.

Người ta nói Đặng Tắc xây dựng nên Hải Tây ngày hôm nay, chẳng bằng nói Tào Bằng đã một tay xây dựng nên cơ sở kiên cố cho y.

Ngẫm lại thì nếu y trở mặt với Tào Bằng, những người dưới trướng y này sẽ không chút do dự mà rời bỏ y. Nhưng trước đây, Đặng Tắc chưa từng cảm thấy thế. Y vẫn luôn nghĩ rằng chính y đã tạo ra Hải Tây ngày hôm nay, giờ nghĩ lại mới thấy không phải là như thế.

Khu chợ phát đạt nhất Hải Tây là do Tào Bằng một tay tổ chức.

Thanh danh của Tào Bằng ở đây ngày càng vang dội, mà ở Trung Nguyên cũng càng lúc càng lớn. Trước đây, kim thị hành thủ Hoàng Chỉnh từ Tuy Dương đến còn khen ngợi, đánh giá Tào Bằng rất cao. Khi đó, Đặng Tắc không nghe vào một câu nào, chỉ mê đắm trong cái thế giới nho nhỏ của y.

Không được, nếu ta tiếp tục ở lại chỗ này, càng lúc ta sẽ càng kém xa A Phúc.

Ta là tỷ phu của hắn, sao có thể thua kém hắn được?

Trở về Hứa Đô, chỉ có trở về Hứa Đô, ta mới có thể tiến xa hơn được...

-Hồ Ban, thu dọn hành lý đi. Đợi Tử Sơn đến, chúng ta sẽ đi Hạ Bi.

Hồ Ban nghe thấy thế, tức thì mỉm cười.

-Nô tài sẽ sắp xếp ngay.

Hải Tây quá nhỏ, quá nhỏ bé rồi...

Ngày hai mươi ba tháng giêng năm Kiến An thứ năm, Bộ chất đảm nhiệm chức đô úy Hải Tây.

Sau khi Đặng Tắc rời bỏ chức vụ chưa trở về Hứa Đô ngay mà dẫn theo nô bộc và gia thần đến thẳng Hạ Bi.

Sau khi bí mật bàn bạc với Từ Cầu, hắn tạm thời phong Đặng Tắc làm tòng sự Từ Châu, cũng sai người tấu lên triều đình, thông báo tình hình hiện tại.

Ngày hai mươi lăm, Lưu Bị nổi dậy ở Đàm huyện, dùng hịch văn Trần Lâm làm truyền đi khắp Đông Hải, kết hợp từ xa với Viên Thiệu.

Đồng thời, Lưu Bị lại lệnh cho con nuôi của Lã Bố là Lã Cát là huyện trưởng Cù huyện, trấn thủ ở huyện này, uy hiếp Y Lô. Ngay khi Lã Cát vừa rời Đàm Huyện, Chu Thương liền dẫn thủy quân, xuất phát từ Úc Châu sơn, đổ bộ đến Cù Sơn. Y Lô trưởng Đặng Chi lãnh binh xuất kích, chiếm lấy Cù huyện.

Bất ngờ, kỵ binh đô úy Phan Chương xuất kích. Ngày hai mươi bảy, y phục kích Lã Cát ở Vũ Sơn, toàn thắng.

*****

Âm Câu Độc Đình.

Cái tên này vì sao nghe lại cảm giác kỳ quái đến thế?

Âm Câu?

Không biết là người nào nghĩ ra cái tên quỷ dị như vậy. Có lẽ bởi Âm Câu cùng âm với Hoàng Hà, cho nên mới gọi tên như thế chăng?

Dù sao Tào Bằng cũng không thích nơi này lắm.

Nơi Tào Bằng đóng quân tên là Độc Đình.

Phía tây nam Toan Tảo, dòng Âm Câu và Tế thủy giao với nhau tại đây, tạo thành hình chữ thập.

Bởi vậy hướng đông nam, qua Tế thủy chính là huyện Phong Khâu. Vượt qua Độc Đình là có thể tới thẳng Trung Mưu, cũng chính là chiến trường Quan Độ.

Lúc này, nhân mã bản bộ của Hứa Đô đang khua chiêng gióng trống rùm beng ở Quan Độ.

Vì thế, Tuân Úc thậm chí còn an bài cả Quách Gia, Giả Hủ và Trình Dục ở Quan Độ, chính là để chờ đến thời khắc quyết chiến với Viên Thiệu.

Nói chung, Tào Bằng có thể hiểu được mệnh lệnh của Tào Tháo khi giao cho hắn đóng quân ở Độc Đình. Thật ra, y muốn đem đường lui của quân mình giao cho Tào Bằng.

Đây vừa là sự tín nhiệm, đồng thời cũng là áp lực. Ít nhất trong mắt Tào Bằng, áp lực khi đóng quân ở Độc Đình xem ra còn lớn hơn nhiều so với khi ở Bạch Mã. Một khi Độc Đình xảy ra chuyện, chẳng như hơn vạn quân tinh nhuệ đóng ở Toan Tảo đi đời, mà ngay đến Tào Tháo cũng gặp nguy hiểm. Chính vì thế, Độc Đình này chẳng những nhất định phải bảo vệ, mà còn phải bảo vệ thật tốt, phòng thủ không được phép có chút sai sót nào.

-Quốc Nhượng, Độc Đình hiện có bao nhiêu binh mã?

Điền Dự tức thì trả lời:

-Bốn bộ, tổng cộng tám trăm người.

-Chỉ có tám trăm người?

Tào Bằng hơi giật mình, ngạc nhiên nhìn Điền Dự:

-Không phải là bốn bộ nhân mã sao?

Theo quy định quân đội Đông Hán, về cơ bản, được tính theo bội số hai và năm. Như đã từng nói, đơn vị nhỏ nhất của quân Hán là ngũ, một ngũ là năm người, hai ngũ là mười người, năm ngũ cũng chính là năm mươi người, tạo thành một đội nhân mã. Rồi sau đó, hai đội tạo thành một truân, có truân trưởng, còn gọi là đô bá. Người làm truân trưởng về cơ bản được tính như quan quân chính thức, so với đội soái cao hơn một cấp.

Trên đô bá là khúc trưởng.

Hai truân thành một khúc, khúc trưởng được gọi là quân hầu; hai khúc thành một bộ, một bộ có bốn trăm người, đứng đầu có tư mã quân.

Căn cứ theo sự khác nhau giữa quân ở biên ải và kinh đô cùng quân các vùng lân cận, số người ở mỗi bộ cũng khác nhau. Ví như biên quân, một bộ khoảng chừng tám trăm đến một ngàn người, còn quân ở kinh đô và các vùng lân cận mỗi bộ nhiều lắm cũng chỉ là bốn trăm người. Thường thì năm bộ lập thành một doanh, do kiểm nghiệm giáo úy hoặc giáo úy thống lĩnh.

Dựa theo cách tính toán này, một doanh trại của biên quân có từ bốn ngàn đến năm ngàn người.

Vũ khí và trang bị của quân ở kinh đô và các vùng lân cận rất tốt lại đầy đủ, hơn xa biên quân. Cho nên quân số một doanh nhiều cũng chỉ đến hai ngàn người. Còn nói về sức chiến đấu, đúng là khó có thể nói ai hơn ai kém. Biên quân hàng năm tác chiến ở chiến trường khốc liệt, còn quân thủ vệ ở kinh đô và các vùng lân cận lại được huấn luyện rất chu toàn.

Chẳng qua hiện giờ, tình hình chưa thể biết được bên nào lợi hại hơn.

Tào Bằng nghe Điền Dự nói, chợt thốt lên:

-Là binh mã Bắc quân sao?

Điền Dự lắc đầu:

-Là biên quân.

Biên quân hiện giờ chính là hương dũng của quận binh.

Tào Bằng nhíu mày:

-Sao lại thế này?

Điền Dự cười khổ, nói:

-Hương dũng này vốn là binh mã Tuấn Nghi thuộc quyền quản lý của tướng quân Diệu Tài. Nhưng sau tướng quân Diệu Tài bị điều đi, bọn họ quy về Quảng Xương Đình Hầu. Mới gần đây thôi, chủ công đoạt lại được Bộc Dương, vẫn còn chưa đến Toan Tảo. Quảng Xương Đình Hầu tạm thời dẫn binh sĩ của Trần Lưu, mấy lần giao phong với Viên quân. Kết quả...Ngài cũng biết Văn Sú kia không phải người tầm thường. Mấy lần giao phong, Quảng Xương Đình Hầu chịu tổn thất không nhỏ. Giáo úy của binh mã trong doanh này tên là Trần Trĩ, đã bị Văn Sú chém chết. Bộ đội sở thuộc tan tác, sau này khi thu nạp lại chỉ còn có nhiêu người vậy thôi.

Hóa ra là một đội quân bại trận.

Chẳng trách khi Điền Dự nhắc tới đội binh mã này lại cứ ấp a ấp úng.

Trên thực tế, trong tay Tào Tháo ngoài Bắc quân ngũ giáo, hai quân Hổ Bôn và Võ Vệ, và Hổ Báo kỵ ra, binh mã cơ bản vốn được hình thành từ quận binh hương dũng. Những người này sức chiến đấu khó có thể nói lợi hại đến đâu, nhưng một khi bị tan tác, tức khắc sẽ có rất nhiều đào binh.

Nói như vậy, chỉ cần lâm trận chiến đấu, nhân mã tổn thất một hồi, ắt quân sẽ tan tác.

Nếu chủ tướng chết trận, vậy chẳng tránh khỏi hiện tượng đào binh. Những người này sau khi chạy trốn khỏi chiến trường, rất nhiều người sẽ không dám trở về đơn vị nữa. Hoặc là đầu hàng, hoặc là trở thành giặc cỏ, dù sao cũng khó có thể nói được tung tích chính xác của bọn họ. Những năm cuối Đông Hán, việc điều tra nhân khẩu rất khó tiến hành. Giặc cỏ các nơi càng giết lại càng thấy nhiều, thật ra đám giặc cỏ ấy chính từ quan quân mà ra.

Tám trăm quân tốt.

Nói cách khác, binh tướng Tuấn Nghi chỉ còn lại hai phần binh lực.

Tào Bằng quay đầu lại, nhìn đám binh mã bản bộ đi theo hắn, không khỏi cười khổ.

Lần này, hắn đến Độc Đình, dẫn theo tất cả sáu trăm người.

Một bộ kỵ quân với hai trăm người, một bộ bộ quân bốn trăm người. Một nửa trong số đó là cấp dưới của hắn từ trước, còn lại là những người do Tào Tháo điều động từ ba trăm võ tốt tinh nhuệ mà thành. Cho dù có cộng thêm tám trăm tàn quân ở Độc Đình này cũng chưa đủ một doanh.

-Chỉ có tám trăm người này, sao còn phải chia làm bốn bộ làm gì?

Điền Dự cười khổ, nói:

-Tư mã quân của cả bốn bộ đều còn đó, đều có nhân mã riêng. Bộ nhiều nhất có hơn ba trăm người, bộ ít nhất còn chưa đến trăm người. Vấn đề là ai cũng không chịu cúi đầu, tạm thời đành phải để nguyên theo quân sở bộ ban đầu. Tư Không vẫn muốn thu lại đám bại binh này, nhưng vì Viên quân bức bách quá, nên vẫn chưa hành động được.

Tào Bằng đã hiểu được nguyên do đại khái.

Đều đã là tư mã quân, cho dù không có bộ khúc, bọn họ cũng không muốn bị người khác chiếm đoạt mất vị thế.

Bị chiếm đoạt đồng nghĩa với việc địa vị của bản thân bị giảm sút. Kết quả là bốn tư mã quân ai cũng không chịu cúi đầu, cứ thế giằng co ở đây.

E rằng đám tàn binh cùng rơi vào cảnh này không ít.

Nhưng bởi vì Tào Tháo không rảnh tay lúc nào, cho nên tạm thời vẫn để bọn họ như thế.

Tào Tháo phái hắn đến chính là vì hy vọng Tào Bằng có thể thu nạp đám bại binh này. Y không cần hắn xung phong ra trận, chỉ cần cứ ở lại phía sau, đảm bảo đường lui cho y. Độc Đình có một cây cầu nổi (phù kiều) dài hơn sáu mươi mét, chính là đường lui của Tào quân.

Từ thời Hán tới nay, cầu đường phát triển rất nhanh.

Loại cầu phổ biến nhất ở thời Đông Hán này chính là sử dụng đá xây cầu, loại cầu này được gọi là bá kiều ở Trường An.

Có điều, năm Hán Quang Vũ Đế, cũng chính là năm công nguyên 34, ở Nghi Đô và Nghi Xương xuất hiện một loại cầu nổi trên mặt sông. Cây cầu nổi này, còn gọi là phù kiều. Phù kiều ở Độc Đình về cơ bản được xây dựng theo dạng cầu của Nghi Đô, một lúc có thể cho hai chiếc xe ngựa chạy qua.

Tào Bằng ghìm cương ngựa, tay chỉ về mảnh rừng thưa phía trước:

-Quốc Nhượng, chúng ta nghỉ một chút đi.

Toan Tảo cách Độc Đình không xa, chỉ cần mất chừng hai canh giờ đã đến nơi.

Tào Bằng bất ngờ dừng lại, rõ ràng là sau khi nghe về tình hình ở Độc Đình, đã có một vài ý tưởng gì đó, muốn dừng lại thảo luận.

Điền Dự đại khái có thể hiểu được suy nghĩ của Tào Bằng, vì thế liền gật đầu đồng ý.

Binh mã nghỉ ngơi và hồi sức ngay bên ven đường. Đám người Tào Bằng sau khi vào rừng thưa liền tìm khoảng đất trống ngồi xuống.

-Quốc Nhượng, còn tình hình gì nữa, ngươi nói nốt ra xem.

Điền Dự thân là quân mưu duyện của Tư không, đương nhiên vô cùng hiểu biết về tình hình nơi đây. Gần như tất cả quân tình, chiến báo đều đã qua tay y xử lý. Tào Bằng hỏi y thực là hỏi đúng người.

Ngẫm nghĩ một chút, Điền Dự nghiêm mặt nói:

-Trong bốn bộ tư mã quân này, thế lực lớn nhất chính là Thư Cường.

-Thư Cường?

-Người này là tộc nhân Thư thị ở Trần Lưu. Thúc phụ của người này là Thư Thiệu, phụ lăng trưởng dưới trướng Viên Thuật. Quân bản bộ phần lớn đều là con cháu Thư thị, cho nên hết sức ngang ngược, kiêu ngạo. Khi tướng quân Diệu Tài còn ở đây, cũng từng khen người này võ nghệ không tầm thường, cho nên... Dưới tay gã dù không có đến hai trăm người nhưng đồng lòng nhất trí. Thường thì Thư Cương nói một câu, trong doanh không ai dám cãi lại. Nếu có chút phản kháng, ắt sẽ bị đánh. Nhạc tướng quân cũng vì thấy người này quá ngang ngược, kiêu ngạo nên mới không chịu nhận, sợ có người này trong quân sẽ hỏng cả quân kỷ.

Lại vẫn là con cháu nhà thế gia sao?

Tào Bằng gãi gãi đầu, vẻ mặt hơi khó coi.

E rằng cứ động đến bọn con cháu thế gia này, rất dễ dàng gặp phải tai họa a.

-Còn gì nữa?

-Ngô Ban ở Trần Lưu, tự là Nguyên Hùng, binh mã trong tay nhiều nhất, gần ba trăm người. Người này nổi danh hào hiệp, tuổi tác không lớn, thân thủ lại nhanh nhẹn, dũng mãnh. Hắn cũng là con cháu của một đại tộc ở Trần Lưu. Sau khi Trần Trĩ bị giết, quân bản bộ của hắn chịu ít tổn thất nhất, binh mã gần như vẫn còn đầy đủ nhất. Nhưng Ngô Ban lại không thích nhiều lời, hầu hết đều trầm lặng. Thư Cường dù ngang ngược, kiêu ngạo, nhưng cũng không dám trêu chọc Ngô Ban. Chính vì thế, chỉ cần làm Ngô Ban phải cúi đầu, giáo úy đã có thể khống chế được Độc Đình rồi.

*****

Cũng như vậy, vị đại tướng bậc nhất của Thục quốc, Mã Trung (Hồ Đốc) đã lập công lớn trong việc dẫn binh ra khỏi Kỳ Sơn của Gia Cát Lượng, cũng được Lưu Bị hết lời khen ngợi. Sau khi đàm đạo với Hồ Đốc, gã còn cho rằng nước Thục không thiếu hiền tài. Chuyện này cũng đủ chứng minh, khả năng nhìn người của Gia Cát Lượng chênh lệch rất nhiều so với Lưu Bị.

Tào Bằng không biết rằng trong lịch sử, Điền Dự này đích thật là một nhân vật rất nổi tiếng.

Người này vẫn sống đến năm Gia Bình thứ hai, cũng chính là năm Công Nguyên thứ 252. Y làm tới chức thái trung đại phu, hưởng thọ tám mươi hai tuổi, nổi tiếng là danh thần của Tào Ngụy thời ấy.

Tuy nhiên, chuyện này cũng không ảnh hưởng đến sự coi trọng của Tào Bằng đối với Điền Dự.

-Tử U!

-Ừ?

-Nếu đã như vậy, sau này, ngươi cũng nên tiếp xúc một chút với Điền Dự.

-Được!

Tào Bằng biết Điền Dự không thể nào sẽ như Hám Trạch đến giúp đỡ hắn.

Y đã từng làm việc dưới trướng Lưu Bị, Công Tôn Toản và Tào Tháo, giờ lại làm quân mưu duyện ở phủ Tư Không, địa vị không hề tầm thường. Muốn một người như thế thuần phục mình rõ ràng rất khó khăn. Nhưng Tào Bằng vẫn có thể kéo gần quan hệ với y. Nếu Hạ Hầu Lan và Điền Dự đều từng ở dưới trướng Công Tôn Toản, như vậy giữa bọn họ có thể có tiếng nói chung. Tào Bằng tin rằng Điền Dự sẽ không lờ đi, coi như không biết ý tốt của hắn.

Đời sau vẫn có câu nói: Thêm bạn bè là thêm một con đường.

Tào Bằng biết bản thân ở dưới trướng Tào Tháo, còn phải đi một con đường rất dài. Nếu có thể kết thêm một người bạn tài ba, ngày sau ắt sẽ có thêm một cánh tay đắc lực.

Sau khi nghỉ ngơi một lát, đội ngũ lần nữa lại xuất phát.

Buổi chiều tối hôm đó, Tào Bằng đến Âm Câu Độc Đình, xa xa đã thấy một binh doanh điêu tàn, hơi đổ nát đứng cô tịch dưới ánh tà dương.

-Binh mã nào đó?

Khi Tào Bằng dẫn bộ khoái đến thân binh doanh, hơn mười quân tốt từ hai bên rừng thưa lao ra, ngăn đường đi của hắn.

-Tân kiểm nghiệm giáo úy Tào Bằng, phụng lệnh Tư Không tiếp chưởng đại doanh Độc Đình. Các người là ai?

Hạ Hầu Lan giục ngựa đi lên, lớn tiếng quát.

-Tân kiểm nghiệm giáo úy?

Viên thập trưởng dẫn đầu nhóm người kia ngẩn ra, tiến lên một bước nói:

-Ti chức là thập trưởng dưới trướng Ngô tư mã của Tuấn Nghi bộ. Xin hỏi tân giáo úy có phải là Tào Bát Bách, Tào trung hầu đã hỏa thiêu Bạch Mã hay không?

Một thập trưởng nho nhỏ không ngờ cũng biết hắn sao?

Tào Bằng thúc ngựa tiến lên:

-Ta chính là Tào Bằng. Các ngươi vì sao lại làm như thế này? Chẳng lẽ muốn noi theo hành động của đám đạo tặc, thổ phỉ sao?

Thập trưởng hoảng sợ, vội vàng nói:

-Giáo úy chớ hiểu lầm. Chúng ta phụng lệnh Ngô tư mã thủ vệ, không phải là làm chuyện cướp bóc như bọn thổ phỉ.

-Ồ?

Tào Bằng nheo mắt:

-Ngươi tên là gì?

-Khởi bẩm giáo úy, ti chức tên là Cao Nguyệt, người Tuấn Nghi. Ngô tư mã nói Độc Đình tuy là hậu phương nhưng không xa Diên Tân lắm, vị trí đặc biệt quan trọng, cho nên mới lệnh cho chúng ta ở hai bên cánh rừng lập hai tiểu doanh nhỏ, thay phiên canh gác. Ti chức vẫn chưa nhận được thông báo giáo úy sẽ đến tiếp chưởng Độc Đình. Xin giáo úy cho ti chức xem binh phù hay lệnh bài. Đợi sau khi ti chức kiểm tra, giáo úy mới có thể đi qua được.

Khi Cao Nguyệt nói chuyện không kiêu ngạo cũng không xiểm nịnh.

Tào Bằng nhẹ nhàng gật đầu, quay đầu nhìn Hám Trạch, liếc mắt một cái.

Hám Trạch lấy ra binh phù của Giáo úy, cùng độ điệp và các thứ khác đưa cho Cao Nguyệt.

-Xin giáo úy chờ một chút, ti chức đi bẩm báo tư mã.

Tào Bằng không đáp lời, chỉ gật gật đầu với Cao Nguyệt.

Cao Nguyệt chạy về, nói với bộ hạ vài câu, rồi nhảy lên một con ngựa gầy, chạy về phía đại doanh.

Điền Dự chợt mở miệng nói:

-Ngô Ban này thật ra là một nhân tài.

-Dựa vào đâu mà nói thế?

-Đại doanh Độc Đình vẫn chưa hề có nhiệm vụ gì nên mới chia năm xẻ bảy. Ngô Ban này vẫn có thể duy trì thám báo và quân trấn thủ, chứng tỏ người này trị quân cẩn trọng, nghiêm túc. Nói cách khác, rất có thể y đã nhìn ra tầm quan trọng của Độc Đình, cho nên mới lập trạm kiểm soát ở chỗ này.

Điền Dự dứt lời, liền ngậm miệng lại.

Nhưng Tào Bằng nghe những lời này lại có suy nghĩ khác.

Điền Quốc Nhượng, ngươi cũng quá coi thường ta rồi!

Trong lòng Tào Bằng thầm thấy mất hứng: "Ngô Ban này làm đúng với cương vị của mình, ta sao có thể vì chuyện y lập trạm kiểm soát, cản đường ta mà cố ý làm khó y chứ?"

Đúng lúc này, một đội kỵ quân ước chừng hơn hai mươi người phi nhanh từ phía quân doanh tới.

Cầm đầu là một viên tiểu tướng, ước chừng khá cao, mặc một bộ chiến bào cũ nát, sờn mòn, khoác bộ giáp sắt chỉnh tề. Gã giục ngựa đi đến nơi, nhảy xuống chiến mã, nhanh chân bước tới, cất cao giọng nói:

-Tư mã bộ quân Tuấn Nghi Ngô Ban đặc biệt tới nghênh đón Tào giáo úy. Xin hỏi ai là Tào Bằng - Tào giáo úy?

Ánh mắt gã theo bản năng quét qua nhìn đám người Hạ Hầu Lan và Cam Ninh đứng trong đội ngũ.

Cao Nguyệt liền bước lên phía trước, nói nhỏ hai câu bên tai Ngô ban, lại khẽ chỏ về phía Tào Bằng.

Ngô Ban ngẩn ra. Khi nhìn Tào Bằng, ánh mắt gã không khỏi có chút thất vọng, nhưng chỉ thoáng qua, rồi gã lại lấy lại thái độ bình tĩnh.

-Mạt tướng Ngô Ban bái kiến Tào giáo úy.

Ánh mắt thất vọng của gã đã lọt vào mắt Tào Bằng.

Tuy rằng không rõ vì sao Ngô Ban lại có vẻ mặt như vậy nhưng ngoài mặt Tào Bằng vẫn tỏ thái độ thân thiết, xuống ngựa đi lên trước.

-Ngô tư mã làm tốt lắm!

Ngô Ban nghi hoặc nhìn Tào Bằng, không hiểu được ý tứ của hắn.

-Độc Đình tuy không phải Diên Tân nhưng Ngô tư mã vẫn giữ vững cảnh giác, lập trạm kiểm soát, đủ biết Ngô tư mã đã nhọc lòng thế nào. Tào Bằng còn trẻ, lại mới tới Độc Đình, còn rất nhiều chuyện chưa hiểu rõ, còn phải phiền Ngô tư mã giúp đỡ nhiều. Nhưng hai tiểu doanh này chỉ có thể làm trạm kiểm soát. Nếu Viên quân đánh lén, e rằng khó có thể ngăn cản được, cho nên cần đốc thúc mạnh hơn nữa. Hách Chiêu, Hàn Đức.

-Có mạt tướng.

-Hai người các ngươi lập tức tiếp nhận trạm kiểm soát, đẩy mạnh về phía đông mười dặm. Ta nhớ rõ ở cách đây mười dặm có một nơi được gọi là Tiểu Đàm. Hai người các ngươi lập doanh trại tại đó, nghiêm mật giám sát chiến sự ở Diên Tân. Nếu có bất cứ biến động bất thường nào, lập tức bẩm báo cho ta, không được phép có sai lầm.

-Vâng!

Tiểu Đàm là một đầm nước, diện tích không lớn lắm.

Nơi này cách Toan Tảo ước chừng hai mươi dặm, cũng là con đường nhất định phải qua để đi từ Toan Tảo đến Độc Đình.

Ánh sáng chợt lóe lên trong mắt Ngô Ban, gương mặt gã chợt thoáng cười. Thật ra, gã cũng biết lập trạm kiểm soát chỉ có tác dụng đơn giản là báo cáo trước tình hình mà thôi. Nếu Viên quân đột kích, chỉ dựa vào một trạm kiểm soát, rõ ràng chẳng có tác dụng gì. Trước đây, gã từng cùng ba gã tư mã quân kia thảo luận, đẩy mạnh trấn thủ mười dặm về phía đông, lập một tòa tiểu doanh ở đó. Bốn bộ binh mã có thể thay phiên canh gác.

Nhưng ba người kia, đặc biệt là Thư Cường lại kiên quyết phản đối.

Trong mắt bọn họ, Độc Đình không phải là chiến trường, vốn không cần làm như thế.

Nếu Tào Tháo không thể ngăn cản Viên quân ở Toan Tảo, thì một Độc Đình nho nhỏ sao có thể làm được?

Mặt khác, sau khi vỡ trận, sĩ khí giảm sút; thêm vào đó, mỗi vị tư mã quân đều có tâm tư riêng, không ai chịu làm việc như vậy.

Ngô Ban cũng vì bất đắc dĩ, đành phải phái người canh giữ ở đây.

Chưa nói đến chuyện có thể ngăn cản Viên quân hay không, ít nhất bọn họ cũng có thể tránh chuyện Viên quân đến mà quân bản bộ ở đại doanh không hề phát hiện.

Tào Bằng vừa đến đã lập tức tán thành cách làm của gã, lại điều động binh mã thiết lập doanh trại tiền đồn ở Tiểu Đàm khiến Ngô Ban hết sức cao hứng.

Đừng coi thường hai tiểu doanh này!

Có hai tiểu doanh này, quân tốt đại doanh Độc Đình ít nhất cũng có thể ngủ yên giấc.

Xem ra vị Tào giáo úy này cũng là người biết dùng binh, có thể nhanh chóng phản ứng với tình hình, ít nhất cũng không phải một kẻ chỉ biết ăn chơi trác táng, không từng trải.

Điền Dự nói Ngô Ban là tộc nhân của Ngô thị ở Trần Lưu, có quan hệ với Ngô lão phu nhân.

Nhưng thực ra, Ngô thị ở Trần Lưu sớm đã suy tàn, không còn thịnh vượng như năm xưa. Phụ thân Ngô Ban là Ngô Khuông từng là thuộc cấp của đại tướng quân Hà Tiến. Năm nguyên niên Quang Hi, Hà Tiến âm mưu giết thập thường thị thất bại, bị giết chết. Ngô Khuông oán hận xa kỵ tướng quân cũng là Hà Miêu, huynh đệ của Hà Tiến. Hai người vốn đã bất hòa với nhau từ trước, thậm chí Ngô Khuông còn nghi ngờ Hà Miêu đồng mưu với hoạn quan mới khiến cho Hà Tiến bị giết, vì thế liền dẫn binh lính đi giết Hà Miêu trả thù.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, Ngô Khuông cũng có xuất hiện, cùng liên kết với Đổng Trác giết Hà Miêu.

Nhưng cũng chính bởi chuyện này mà Ngô Khuông bị người kết tội. Y lại trung thành với thiếu đế Lưu Biện, vì thế mà phản bội Đổng Trác. Sau khi Đổng Trác vào kinh, Ngô Khuông thấy lão binh ít, vì thế liền liên lạc với những người khác chuẩn bị tấn công, giết chết lão. Không ngờ Đổng Trác gian xảo, lệnh binh mã dưới trướng ra khỏi thành vào ban đêm, rồi đêm lại vào thành, khiến rất nhiều người lầm tưởng rằng nhân mã của lão luôn tăng.

Ngô Khuông thấy không có người nào hưởng ứng, bản thân lại cũng sợ hãi, vì thế liền từ quan mà bỏ chạy, trở về quê hương ở Trần Lưu. Trong sử sách, sau này Ngô Khuông trở thành thuộc cấp của Trương Phi.

Nhưng hiện tại, bởi vì Lưu Bị không thể đứng vững chân ở Dự Châu, sau đó lại dẫn quân bỏ chạy, Ngô Khuông không những không trở thành thuộc cấp của Trương Phi mà còn làm Ung Khâu lệnh. Y vốn có quen biết với Tào Tháo từ trước, nhưng quan hệ không thân thiết lắm. Chẳng qua bởi Ngô Khuông không biết trong tộc nhân của gia tộc mình còn có một vị tổ mẫu đã nuôi dưỡng Tào Tháo. Ngô lão phu nhân sau khi vào cung cũng cắt đứt liên hệ với gia đình, cho nên Ngô thị ở Trần Lưu không rõ lắm mối quan hệ giữa bọn họ và Tào Tháo. Ngô thị ở Trần Lưu hiện giờ chỉ còn lại có hai chi. Ngô Khuông chính là người của một chi.

Một nhân vật khác đại diện cho chi khác tên là Ngô Ý.

Năm thứ sáu Trung Bình, người này dẫn gia tộc theo Lưu Yên đi vào đất Thục, hiện giờ đảm nhiệm chức trung lang tướng ở Ích Châu, làm việc dưới trướng Lưu Chương.

Ngô Ban còn trẻ mà anh dũng, đảm lược, hào hiệp, là thiếu niên du hiệp cực kỳ nổi tiếng ở quận Trần Lưu. Sau khi trận chiến Quan Độ xảy ra, Hạ Hầu Uyên hạ lệnh tuyển mộ binh lính hương dũng. Ngô Ban vì nổi danh mà được Hạ Hầu Uyên thâu nhận, đảm nhiệm chức tư mã quân quận Trần Lưu, cũng khá có chiến công.

Tuy nhiên, Ngô Ban thật không ngờ quân Trần Lưu ở Diên Tân lại đại bại, chủ tướng bị Văn Sú giết chết.

Quân Trần Lưu theo đó mà tán loạn, Ngô Ban nỗ lực bảo vệ Tuấn Nghi bộ. Sau khi lùi về Phong Khâu lại phụng lệnh của Nhạc Tiến, tiến hành nghỉ ngơi và hồi sức ở Độc Đình.

Dù chưa nhìn ra ý đồ thực sự của Tào Tháo, nhưng Ngô Ban cũng biết Độc Đình này khá quan trọng.

Vì thế, hắn nỗ lực ổn định đại doanh. Trong bốn bộ, chỉ có Tuấn Nghi bộ đến giờ vẫn duy trì việc luyện tập của binh mã.

Hai tư mã quân của hai bộ khác cũng theo Ngô Ban tiến đến ngênh đón Tào Bằng nhưng Tào Bằng lại không hề có ý định gần gũi với hắn, lại càng chẳng muốn nhớ tên bọn hắn.

-Thư Cường đâu?

Sau khi ngồi xuống doanh trại trung quân trong đại doanh, Tào Bằng nhìn khắp lượt mọi người trong đại trướng.

Theo lý mà nói, khi có quan mới đến nhậm chức, các tướng lãnh bộ khúc phải đến nghênh đón đầy đủ nhưng trong đại trướng này lại thiếu Thư Cường của Trần Lưu bộ.

Thấy sắc mặt Tào Bằng không mấy vui vẻ, một vị tư mã quân vội vàng đứng dậy giải thích:

-Thư tư mã hôm nay dẫn quân tuần tra, cho nên không ở trong doanh.

-Hừ!

Ngô Ban chợt hừ lạnh một tiếng, vẻ mặt đầy khinh thường.

Vị tư mã quân vừa nói kia tức thì xấu hổ, không biết nên làm thế nào.

Tào Bằng liếc mắt nhìn vị tư mã quân kia một cái, chợt đổi chủ đề, nhìn Ngô Ban, nói:

-Ngô tư mã, có thể nói qua tình hình trong doanh với ta không?

Ngô Ban vội đứng dậy, chắp tay nói:

-Khởi bẩm giáo úy, đại doanh Độc Đình hiện có bốn bộ binh mã, cả thảy có tám trăm bảy mươi người. Binh mã bản bộ của Ban gồm có hai trăm tám mươi ba người, tập trú ở phía đông phù kiều của Độc Đình. Ba bộ còn lại đều đóng giữ trong đại doanh, nhưng hầu hết mọi lúc, Trần Lưu bộ đều ra khỏi doanh trại tuần tra, tập trung ở Tháp Thôn phía bắc đại doanh. Tình hình cụ thể mạt tướng không rõ lắm.

-Tháp Thôn?

Đôi mắt Tào Bằng chợt sáng lên.

Một tư mã quân vội vàng giải thích:

-Đó không phải là chủ ý của Thư tư mã. Y tập trung trú ở Tháp Thôn cũng là để có thể phối hợp cùng đại doanh mà thôi.

-Tháp Thôn này kéo dài chừng mười sáu dặm, phía tây của Âm Câu chính là Dương Vũ.

Điền Dự chợt nói, giải thích với Tào Bằng.

Tào Bằng nghe thấy thế nét mặt thoáng thay đổi, mơ hồ nghe được chuyện bí ẩn gì đó. Tên kia liệu có phải dẫn theo đám bịa binh tập kích quấy rối thôn xóm không?

-Tháp Thôn có bao nhiêu người?

-Nhân khẩu không nhiều lắm, khoảng bảy tám mươi hộ, chỉ chừng ba bốn trăm người mà thôi.

-Mang bản đồ đến đây.

-Vâng!

Tào Bằng ngẩng đầu:

-Một khi bản quan đã đi vào Độc Đình, dĩ nhiên sẽ làm hết chức trách. Nếu có gì đắc tội, mong mọi người thứ cho. Ngô Ban, ngươi đi nói với Thư Cường một chút, bảo bản quan đến nhận chức, ngày mai sẽ điểm binh và thao diễn trong doanh vào giờ mão. Các bộ binh mã đều phải đến đúng giờ.

Ngô Ban vội vàng đứng dậy, tuân lệnh.

-Kể từ bây giờ, viên môn của đại doanh Độc Đình đóng cửa, thiết lập trạm gác.

Sau khi về đêm, nếu không có binh phù của bản quan, quân tốt tất cả các bộ trong doanh không được phép tùy ý hành động. Nếu có bất kỳ ai vi phạm, xử theo quân pháp!

..........

Xử theo quân pháp?

Thư Cường cười lạnh một tiếng:

-Nhóc con miệng còn hôi sữa, chưa đủ lông đủ cánh thì hiểu cái gì là quân pháp.

Trong phòng, quân hầu bộ khúc không nén được nở nụ cười. Một người khác liên tục gật đầu, nói:

-Giờ mão điểm cái gì chứ? Chẳng qua là trò chơi của tiểu hài tử mà thôi? Cứ tưởng đốt Bạch Mã thì là thiên hạ vô địch sao? Ta nghe nói Tào Bằng này cũng chẳng có gì, chẳng qua là nhờ vào bậc phụ bối mới có được thành tựu như ngày hôm nay. Tuy hắn là tộc nhân của Tư Không nhưng tộc nhân của Tư Không nhiều đến thế nào chứ? Nói cái gì là tộc nhân, theo ta thấy đó chẳng qua chỉ là thủ đoạn lôi kéo người của Tư Không mà thôi. Giờ ngay đến Tư không còn khó bảo toàn tính mạng, hắn muốn xưng vương ở Độc Đình còn phải hỏi xem Tư không có đồng ý hay không. Độc Đình này ngoài tư mã ra, làm gì có giáo úy chứ.

Thư Cường cười ha hả, đầy vẻ phóng túng.

Một ngàn tám trăm năm sau, Tháp Thôn trở thành xã Mệnh Tháp, thuộc Diên Tân, Hà Nam.

Mặt sau của Tháp Thôn dựa vào Khúc Ngộ, đi qua Âm Câu là đến Dương Vũ. Lý do Thư Cường chọn đóng quân ở Tháp Thôn chính là bởi nơi này có đường thuyền bè dẫn về Khúc Ngộ.

Một khi Tào Tháo bại trận, gã có thể nhanh chóng dùng đò vượt qua Âm Câu, trốn vào bên trong huyện Dương Vũ.

Bằng vào những người trong tay, gã đủ sức để tồn tại ở đó. Thủ hạ của Thư Cường gồm có một trăm tám mươi bảy người, tất cả đều là tộc nhân của Thư thị ở Trần Lưu, đều một lòng một dạ. Thúc phụ Thư Cường là Thư Thiệu từng làm việc dưới trướng Viên Thuật nhưng Viên Thuật vừa chết, Thư gia cũng theo đó mà suy vong.

Thư Cường dẫn theo đám con cháu lụi bại của mình gia nhập hương dũng.

Sau trận chiến Diên Tân, gã dẫn theo đám tàn binh bại tướng đi vào Độc Đình, rất nhanh lập ra một thế lực riêng trong quân. Con cháu Thư thị nhiều, lại đồng lòng nhất chí, hiển nhiên luôn hoành hành ngang ngược. Chỉ có điều, quân tốt dưới tay Ngô Ban cũng không ít, sức chiến đấu lại không hề yếu. Thư Cường không hy vọng nảy ra xung đột với Ngô Ban, lại không muốn ở dưới trướng hắn, vì thế mới rời khỏi đại doanh Độc Đình, dẫn theo đám con cháu Thư thị đồn trú tại Tháp Thôn nho nhỏ này.

Trong thôn có hai ba trăm người dân, chắc chắn bọn họ không dám cầm vũ khí đối đầu với Thư Cường.

Chính vì thế, Thư Cường liền ở lại luôn Tháp Thôn, đồng thời nói với Ngô Ban, mọi người nước sông không phạm nước giếng, không ai tìm ai gây phiền nhiễu. Ngô Ban mặc dù không vừa mắt Thư Cường nhưng cũng không gây chuyện với gã. Người của hắn mặc dù nhiều hơn Thư Cường nhưng không gây sự vẫn tốt hơn. Dù sao, mọi người đều là đồng hương cả. Thư Cường không gây chuyện với Ngô Ban, Ngô Ban cũng không muốn làm phức tạp mọi chuyện.

Sau khi nhận được mệnh lệnh của Tào Bằng, Ngô ban suốt đêm đi đến Tháp Thôn, thông báo quân lệnh cho Thư Cường nghe.

Có điều, Thư Cường ngoài miệng đồng ý, nhưng trong lòng lại không thèm bận tâm.

Thư Cường cho rằng Tào Bằng chẳng qua chỉ là thư sinh viên được mấy bài văn, sao có bản lĩnh gì? Hơn nữa, gã đang ở Tháp Thôn hết sức thoải mái, sao phải chú ý đến Tào Bằng? Giờ mão điểm binh ư? Bắt đầu thao diễn ư? Đi cái con mẹ nó ấy! Tào Tháo chẳng qua cũng là Bồ Tát qua sông, nói không chừng chưa biết lúc nào sẽ bị Viên Thiệu xử lý. Bảo lão tử thao diễn binh mã ư? Muốn ta đi chịu chết sao? Đám binh trong tay ta đi đến đâu mà chả sống được cơ chứ.

Chính vì thế, Thư Cường không thèm nghe theo quân lệnh của Tào Bằng.

Ngày hôm sau, Tào Bằng đội mũ và giáp, đúng giờ đánh trống lên trướng.

Giờ mão vừa đến, Tào Bằng đã bắt đầu điểm danh, nhưng hô liền ba lần tên Thư Cường vẫn không có người trả lời.

Hai vị tư mã quân đều cười cười mỉa mai, thấy Tào Bằng mặt đổi sắc trong đại trướng liền không hẹn cùng lén cười cượt.

-Ngô Ban có truyền lệnh của ta chưa?

Ngô Ban nói:

-Tối hôm qua, mạt tướng đã đích thân đến Tháp Thôn thông báo rồi.

-Vậy Thư Cường vì sao không tới?

-Mạt tướng không biết.

Tào Bằng sầm mặt, trừng mắt nhìn Ngô Ban, lớn tiếng quát:

-Ngươi không biết? Vì sao ngươi không biết?

Ngô Ban cũng hơi nổi giận:

-Thư Cường không phải bộ khúc của mạt tướng, gã có tới hay không sao mạt tướng có thể biết được? Giáo úy là chủ tướng của Độc Đình, sao không đích thân đến Tháp Thôn xem sao?

-Ngươi...

-Tào giáo úy, nếu không còn chuyện gì nữa, mạt tướng xin cáo lui trước.

Ngô Ban là người tính tình nóng nảy, xoay người liền rời khỏi đại trướng trung quân.

Một gã tư mã quân nói:

-Tào giáo úy còn muốn tiếp tục thao diễn sao?

Tào Bằng ngồi sau bàn, hai tay nắm thành nắm đấm, chợt giáng mạnh xuống bàn:

-Giải tán. Bốn bộ binh mã chỉ có ba bộ. Bộ không tới lại là bộ nhân mã quan trọng nhất! Thư Cường không tới thì thao diễn cái gì?

Tào Bằng nổi giận đùng đùng bỏ đi, sau khi hai viên tư mã quân ra khỏi đại trướng trung quân liền nhìn nhau cười cười.

Cái gì là Tào Bát Bách, cái gì là Hỏa thiêu Bạch Mã?

Nói thẳng ra, chẳng qua hắn may mắn mà thôi.

Nếu hắn không phải là tộc nhân của Tào Tháo, làm sao đến một tiểu hài tử như hắn làm giáo úy chứ? Nhìn thì tưởng cứng rắn, mạnh mẽ, chẳng qua chỉ là bao cỏ mà thôi!

-Lý tư mã, nếu hôm nay không thao diễn, chúng ta uống rượu đi.

-Ha ha, ta đang có ý này.

Hai viên tư mã quân cùng rời đi, hết sức ung dung, thoải mái.

Chính ngọ, khi Thư Cường nhận được tin tức liền phá lên cười:

-Ta đã sớm nói rồi, chẳng qua là một tên nhóc con miệng còn hôi sữa, sao có thể làm khó dễ được ta?

Hai viên quân hầu cũng cười.

Crypto.com Exchange

Hồi (1-607)


<