← Hồi 11 | Hồi 13 → |
Trời về chiều, chủ thuyền gặp Thúy Hường đề nghị:
– Trời tối rồi, chúng tôi phải neo thuyền tại bến này, rồi mai đi tiếp. Tuy nhiên đêm nay trăng sáng, nếu quý khách muốn, tôi có thể cho thuyền đi trong đêm đến Giang Tân.
Địa Lô vui vẻ:
– Ừ! Thuyền đi trong đêm, chúng tôi được ngắm sông Trường giang dưới trăng thì còn gì bằng.
Địa Lô vừa về khoang thì Thúy Hường gõ cửa bước vào:
– Các anh có thấy thương cho phu quân của Tô lịch thất tiên không? Trong khi các ông thương nhớ các nàng, thì các nàng lại cảm thấy hạnh phúc, hãnh diện khi được dâng thân xác cho bọn Thát đát không? Từ Vương Kiên, Hoa sơn ngũ hiệp, cho đến chúng ta đều làm cái công việc gánh vàng đi đổ sông Ngô mất rồi.
Dã Tượng an ủi Thúy Hường:
– Em phải bình tĩnh. Ta cần im lặng để các nàng lộ chân tướng ra hết. Đêm nay, có thể gian tế sẽ liên lạc với các nàng.
– Sao anh biết?
– Hồi trưa, anh thấy vợ chồng tên Trịnh Ngọc phi ngựa theo thuyền chúng ta trên bờ. Tuy chúng đã hóa trang, nhưng anh vẫn nhận được, vì chim ưng báo chỉ điểm. Còn con thuyền phía sau kia nữa, không biết của phe phái nào đang theo mình?
Thúy Hường đi rồi, Dã Tượng bàn:
– Chúng ta phải phúc trình cho Khu mật viện và Vũ Uy vương biết. Nhất là những gì đã xuất ra ở bẩy nàng Tô lịch.
Hai anh em viết tấu chương rồi sai chim ưng mang đi.
Dã Tượng là người chân thật, nên trước sự lộ diện của Thất tiên, chàng muốn nổi đóa. Còn Địa Lô là người đọc sách, nên rất bình tĩnh. Chàng nói với Dã Tượng:
– Anh đừng quên mình đang đi sứ Mông cổ, mình không nên lộ ý chống đối chúng. Tính tình phụ nữ vốn đa dạng, thâm sâu, ta cần phải hiểu rõ, rồi chờ Khu mật viện quyết định.
Chợt Địa Lô hiệu im lặng, tay chỉ vào tai ngụ ý lắng nghe. Hồi này nội công Dã Tượng đã thâm sâu. Chàng cũng nghe rõ có tiếng nước long bong, khác hẳn tiếng sóng. Chứng tỏ có người đang bơi lại mạn thuyền. Địa Lô nói vào tai Dã Tượng:
– Anh ở trong này, để em ra ngoài quan sát xem, những gì đang xẩy ra.
Địa Lô chui ra khỏi khoang, con thuyền nhờ sức gió thổi, hai cánh buồm căng no, vẫn chạy ngược giòng, sóng vỗ róc rách. Chàng bò lên trên sàn. Ánh trăng không sáng lắm, nhưng cũng đủ cho chàng nhìn rõ một người vừa từ dưới nước đang men theo mạn thuyền nghe ngóng. Hình như y vừa từ con thuyền vẽ hình lưỡi liềm phía sau, chạy bằng buồm vẫn theo xa xa từ Bồ lăng. Có tiếng ho của Hồng Hoa, bóng đen men tới khoang của nàng. Cánh cửa khoang mở ra, bóng đen chui vào trong. Địa Lô men tới phía ngoài cửa sổ, ghé mắt nhìn qua kẽ hở: bên trong Tử Hoa ngủ say, đang gáy nhè nhe, có lẽ bị đánh thuốc mê. Còn Hồng Hoa thì ôm một người đàn ông y phục ướt nước nhỏ lộp bộp. Da tên này đen, mũi cao, mắt sâu, y là ngươi Hồ chứ không phải người Hoa. Hồng Hoa nói tiếng Việt:
– Anh! Anh định sao đây?
Người đàn ông nói tiếng Việt lơ lớ:
– Em có biết bọn chúng sẽ đi theo đường nào không? Vùng này thuộc địa phận Tống đóng binh, anh không giải cứu em được. Này em, chúng định đi đâu vậy?
– Chúng từ Hợp giang tới đây, tiếp theo tới Giang an, rồi đổi đường thủy, đi đường bộ tới Chiêu thông. Cuối cùng đi Khâu bắc, Văn sơn.
– Như vậy anh phải báo cho Mông cổ biết, để họ giải cứu các em.
Hồng Hoa gắt:
– Anh nói! Nếu để bọn chúng đem em về Thăng long, thì chúng mình mới có dịp hội ngộ. Chứ Mông cổ đem bọn em đi thì tuyệt đường chim xanh.
Câu nói làm Địa Lô rợn tóc gáy:
– Thì ra Hồng Hoa đã từng bán thân cho tên Hồ này. Khi nàng về làm phu nhân Vũ kị thượng tướng quân, mà chưa thỏa lòng, vẫn bí mật gian dâm với tên Hồ, cung cấp tin tức chiến cuộc cho y. Tên Hồ là Tế tác cho Mông cổ. Với tội trạng này thì Vũ kị thượng tướng quân bị chặt đầu. Còn Hồng Hoa với tên Hồ bị tội xẻo thịt, toàn gia bị xử tử. Của cải bị xung công.
Tên Hồ hỏi:
– À này! Cái tên mới tới là tên nào vậy?
– Tên nó là Nguyễn Địa Lô. Nó là một trong Thiên trường ngũ ưng đấy.
– Thiên trường ngũ ưng à? Sao anh chưa nghe qua?
– Thiên trường ngũ ưng là năm tên còn trẻ, nhưng đó là những thiên tài. Năm đứa kết huynh đệ theo thứ tự Dã Tượng, Yết Kiêu, Cao Mang, Đại Hành, Địa Lô.
– Tài năng của nó so với Dã Tượng thế nào?
– Dã Tượng chỉ là một con voi, thể lực mạnh, có thiên tài về Ngưu binh. Còn tên Địa Lô này nổi tiếng là một mỹ nam tử, miệng lưỡi như gươm treo. Y có trí nhớ siêu việt. Vì vậy y nói được tiếng Hoa vùng Quảng, vùng Lâm an, vùng Thục. Y nói, viết tiếng Mông cổ như những danh sĩ. Y xuất thân phái Sài sơn, từ Nho, Y, Lý, Số, Xạ, Ngựï, Thư, Họa đều đạt tới trình độ siêu đẳng. Cho nên đàn bà, dù là thiếu nữ khuê các, dù bà già tám chục, thấy y đều ngây ngất. Y là người thâm cơ, mưu trí trùm thiên hạ.
– Em phải lòng y rồi hả?
– Không phải mình em mà cả bẩy đứa đều ước mơ được y ôm một đêm rồi bị ngựa xé, voi dầy cũng cam tâm.
– Em dạn dầy kinh nghiệm phòng the, sao em không dẫn dụ được nó ư?
– Em đã làm, nhưng thất bại.
Rồi Hồng Hoa thản nhiên thuật lại việc nàng giả đau bụng kinh để kích động Địa Lô mà không thành.
– Chà! Phải đối đầu với tên này thực là đại họa. Có cách nào mua y được không? Y thích gì? Vàng bạc, châu báu, gái?
– Y xuất thân bần hàn. Có lẽ y thích vàng. Còn đàn bà thì không được đâu, vì y đã đẹp, lại có tài đàn ca, đàn bà nào cũng muốn chạy theo y, thì anh dùng đàn bà tối vô ích. Được, em sẽ thử đem vàng dụ y xem.
– Nếu ai trong Tô lịch mua được nó, hay dùng nhan sắc bắt con nai này thì anh trả cho một nghìn lượng vàng.
– Một nghìn?
– Anh hứa chắc mà.
Đến đây Hồng Hoa ngửa mặt nhìn gã đàn ông như mời gọi, như thúc dục. Hai người ôm nhau ngã xuống giường. Địa Lô là người chính nhân quân tử, một anh hùng thời Đông A. Chàng không muốn nhìn cảnh dâm bôn. Nhưng vẫn ghé tai nghe ngóng bên trong, chỉ có tiếng sột soạt y phục, tiếng thở hổn hển của tên rợ, tiếng Hồng Hoa rên rỉ. Khoảng ba khắc sau, cửa sổ thuyền mở ra, gã đàn ông từ từ tụt xuống nước rồi bơi đi đến con thuyềnlưỡi liềm. Địa Lô định gọi chim ưng theo dõi, thì nghe tiếng chúng kêu trên không. Chàng huýt sáo ra lệnh cho chúng bay theo gã đàn ông.
Địa Lô trở về khoang thuyền mình, Dã Tượng hỏi:
– Thế nào?
Chàng thuật lại mọi diễn biến. Dã Tượng than:
– Mưu trí em hay thực. Ta không lột mặt nạ Thanh Hoa, bây giờ biết thêm Hồng Hoa làm gian tế cho giặc. Không biết gã đàn ông này lý lịch ra sao? Hình như y không phải là quan chức Mông cổ, mà chỉ làm gian tế cho chúng. Y từng ở Thăng long, từng gian díu với Hồng Hoa.
– Chim ưng đang theo dõi y. Sáng mai ta sẽ truy tìm cũng chưa muộn.
– Tại sao em không điểm huyệt, bắt y?
– Bắt y làm gì? Ta đang đi sứ sang Mông cổ, mà ta bắt y, rồi phải cung kính thả y thì vô ích. Hồng Hoa còn tại đây thì y còn trở lại. Ta cần im lặng theo dõi xem trong bẩy mụ, còn mụ nào làm gian tế cho chúng không?
– Qua vụ Hồng Hoa anh nghĩ Tử Hoa không làm gian tế cho giặc vì vậy nàng bị Hồng Hoa đánh thuốc mê.
– Anh khờ thực.
Địa Lô lắc đầu: Anh phải nhớù rằng phàm tổ chức ngoại gián trong một nhóm người thì không bao giờ dùng quá một người, như vậy dễ bị lộ. Bố trí một người khi bị lộ chỉ mất một người mà thôi. Qua những biến cố, ta biết Thanh Hoa làm gian tế có liên quan tới bọn Mông cổ chỉ huy tên họ Trịnh. Bây giờ ta lại biết gian tế thứ nhì là Hồng Hoa, do một tên tình nhân của nàng cầm đầu.Tên này không phải Mông cổ, y từng đến Thăng long. Tương lai y còn về Thăng long, nên Hồng Hoa mới nói hy vọng gặp lại y ở Thăng long. Biết đâu các nàng Hoa còn lại không làm gian tế cho Tống? Cho bọn Mông cổ?
Chiều hôm sau, thuyền đến một thị trấn nhỏ tên Giang tân. Chủ cho thuyền ghé bến:
– Thưa quý khách, thuyền nghỉ nửa ngày để quét dọn, mua thực phẩm. Mời quý khách lên bờ dạo chơi cho đỡ cuồng cẳng.
Dã Tượng chỉ vào tảng đá trên bến nói với Thất tiên:
– Xin bẩy chị đi cùng với nhau, đã có chú Địa Lô theo hộ vệ. Tôi với Thúy Hường ngồi đây canh giữ thuyền.
Địa Lô chắp tay xá:
– Xin mời Thất tiên.
Thất tiên được đi bên cạnh một thiếu niên anh tuấn, tài hoa, nàng nào cũng cố tạo ra những nụ cười thực đẹp, liếc mắt đưa tình với chàng. Địa Lô luôn tỏ ra bặt thiệp, nụ cười phơi phới với tất cả các nàng. Nàng nào cũng tự cho rằng mình đã bắt được con nai nổi danh Nam thiên đệ nhất mỹ nam tử.
Trấn Giang tân tuy nhỏ, nhưng cũng có hằng trăm dẫy phố. Đến một cửa hàng bán sách, giấy bút, Địa Lô vào mua bút, mực, giấy rồi nói:
– Để tôi vẽ một bức tranh kỷ niệm Thất tiên qua đây.
Chàng mượn nhà hàng một cái bàn, trải giấy ra, rồi mài chín thứ mực khác nhau, tay thoăn thoắt vẽ. Thoáng một cái chàng đã vẽ xong. Người qua lại thấy bẩy cô gái nhan sắc diễm lệ thì trố mắt ra nhìn. Lại thấy bẩy nàng y phục xanh, đỏ khác hẳn y phục xứ Thục, họ thì thầm:
– Người ta nói đẹp như tiên nữ. Không biết tiên nữ có đẹp bằng bẩy cô này không? Lại còn chàng trai tuấn tú kia, đẹp đến như thế là cùng.
Họ xúm vào xem tranh. Địa Lô cầm tranh lên rao bằng tiếng Thục:
– Tranh bẩy tiên nga trên thượng giới giáng trần. Ai mua không?
– Giá bao nhiêu?
– Rẻ thôi! Một lượng vàng.
– Đắt quá.
– Tranh tiên vô giá mà.
Có hai người khách trang phục rất lạ. Một người đầu đội khăn mầu nâu, phía trước nhọn, phía sau tròn, da họ nâu nâu, mũi cao, mắt sâu. Rõ ràng yï là người xứ Hồ chứù không phải người Trung nguyên. Một người trông dáng như người Hán. Người Hồ chỉ Hồng Hoa, nói:
– Nếu vẽ hình tiên cô này, tôi xin trả hai lượng vàng.
Nghe giọng nói, Địa Lô trấn động tâm thần, vì y chính là người vào khoang thuyền Hồng Hoa đêm qua. Thì ra tên này không phải là người Mông cổ. Chàng đóng kịch:
– Được! Tôi xin vẽ.
Chàng đưa bút một lát, bức tranh đã vẽ xong. Chàng trao cho Thất tiên xem. Cả sáu cùng nhìn Hồng Hoa:
– Tươi! Đẹp như người thực.
Người Hồ cầm bức tranh, tỏ vẻ hài lòng. Y móc túi đưa ra hai lượng vàng trao cho Địa Lô. Chàng nói tiếng Hoa vùng Thục:
– Xin ông cho biết quý danh!
– Quý danh của tôi là Mộ Hợp Mễ An Hat San (Mohamed Al Hassan).
Phàm người Hoa, Người Việt khi hỏi tên ai thường dùng sáo ngữ “Quý danh, Đại danh”. Còn khi nói về mình thì dùng chữ “Tiện danh, Ngu danh”. Tên Hồ này không biết thế, thấy Địa Lô hỏi quý danh, y cũng nhắc lại.
Địa Lô trao tranh cho y, tay tiếp vàng. Muốn thử xem y có biết võ hay không? Công lực y đến đâu, chàng vận khí ra bàn tay tấn công y. Khi y vừa tiếp bức tranh, thì cảm thấy một luồng điện truyền vào tay. Y lảo đảo muốn ngã. Hồng Hoa kêu thét lên:
– Oái! Sao vậy?
Nàng định chạy lại đỡ y. Nhưng chợt nhớ thân phận mình, nàng buông tay, lùi lại. Địa Lô an tâm: tên Hồ Hát San này không biết võ, y đúng là tên đã gian dâm với Hồng Hoa đêm qua.
Hai người mua tranh trở về con thuyền lưỡi liềm. Thuyền có hai tấm ván bắc cầu. Thuyền phu dùng một cầu chuyển hàng lên bờ. Một cầu chuyển hàng xuống. Hàng đem xuống là những tấm gấm, lụa. Hàng đem lên là những bao gì không rõ.
Dã Tượng đề nghị toàn đoàn ăn trưa tại nhà hàng lớn nhất tên Trường giang tân lâu. Tất cả mười người ngồi vào một bàn. Gã người Hồ cũng đã dành hai bàn, cho 19 người của họ. Đoàn của người Hồ gồm 10 người Hán, trong đó có người Hán đã xem tranh và 9 người Hồ. Những người này đều giống nhau: mũi cao, da ngăm ngăm đen, mắt sâu. Họ nói tiếng Hán lẫn với tiếng rất lạ, không phải tiếng Mông cổ. Địa Lô chú ý tới một điểm: những món ăn của họ toàn cá, thịt bò, thịt gà mà không có thịt lợn. Họ cũng không uống rượu. Trước khi ăn họ cùng chắp tay rồi đọc kinh.
Địa Lô dùng lăng không truyền ngữ nói với Dã Tượng, Thúy Hường:
– Phải cẩn thận, vì trong đám người Hồ có người biết nói tiếng Việt.
Vì vậy trong suốt bữa ăn cả đoàn chỉ bàn luận về ca hát, âm nhạc. Giữa bữa ăn Địa Lô xin phép ra ngoài tìm hiệu thuốc, mua mấy hộp thuốc phòng đau bụng. Nhưng chàng tới tiệm thịt tên Thành hưng mua hai cái thủ lợn luộc. Chàng gói cẩn thận mang về dấu trong khoang mình, rồi trở lại Trường giang tân lâu, tiếp tục ăn. Ăn xong, mọi người về thuyền. Địa Lô đóng cửa khoang lại. Dã Tượng hỏi:
– Em nghĩ xem bọn thuyền lưỡi liềm là loại người nào?
– Em đã tìm ra, nhưng chưa chắc lắm. Chúng là người Hồi, chuyên buôn bán. Đêm nay chúng ta thử dò xem mới biết được. Bọn Hồi từng mở nhiều cửa hàng buôn bán ở Thăng long. Trịnh Ngọc là tên lai Việt- Hồi. Mẹ nó có chồng tên Trịnh Văn Thư. Nhưng mụ thả nái với tên Hồi hột sinh ra nó.
Dã Tượng từng đến cửa hàng Hồi mua một số vật dụng như dao, kéo, búa. Đồ kim khí của chúng rất tốt. Chợt nhớ ra một truyện, chàng nói với Địa Lô:
– Anh nghĩ ra rồi, cái đêm mà Thanh Hoa dùng cưa cắt khoen khóa nhà tù cứu bọn họ Trịnh, anh cứ tự hỏi cô ta kiếm đâu được cái cưa con sắc như vậy, thì ra bọn Hồi cung cấp cho cô ta. Thế thì tên Trịnh Ngọc, Thanh Hoa, Hồng Hoa cùng liên hệ với tên Hồi An Hut San. Có lẽ hai cô đã từng đi khách với tên này.
– Bên trong còn nhiều bí ẩn. Đêm nay anh em mình thám thính con thuyền lưỡi liềm xem sao.
Dã Tượng tỏ vẻ quan tâm đến bọn Hồi, chàng hỏi Địa Lô:
– Anh thường thấy nhiều thương đoàn Hồi lập cửa hàng buôn bán ở kinh thành, và hầu hết ở các trấn trên đất Trung nguyên. Ngay trong lãnh thổ Đai Việt ta cũng vậy. Họ rất hiền lành, biết nói tiếng Việt. Nhưng có điều là khi họ nói với nhau thì lại bằng tiếng Hán, tiếng Chiêm, tiếng Mông cổ và nhiều tiếng rất lạ. Không biết nước Hồi ở đâu?
Địa Lô hắng giọng rồi nói rất chậm:
– Hồi không phải là giống người, cũng không phải là một nước. Hồi là một tôn giáo giống như Phật giáo của ta, chứ không phải là một nước, một tộc. Hồi được khai đạo vào năm Tân Mùi (611 sau Tây lịch), tương đương với Trung-nguyên vào những năm cuối đời Tùy sang đời Đường. Bấy giờ nước ta đang bị Bắc thuộc. Đạo này truyền sang khắp 48 nước thuộc Tây thổ. Gần đây truyền vào Chân lạp, Chiêm thành.
Địa Lô ngừng một lát rồi tiếp:
– Giáo chủ của đạo này tên là Mộ Hợp Mễ (Mohamed). Ông sinh năm Tân Mão (Dl 571) nhằm niên hiệu Hậu Lý Nam đế nguyên niên của Đại Việt. Bên Trung nguyên là niên hiệu Thái kiến năm thứ ba của Trần Tuyên đế. Ông mồ côi cả cha lẫn mẹ rất sớm, vô sở, bất chí, phải đi ở, chăn cừu, chăn bò. Lớn lên ông làm trung gian mại bản cho các thương gia, chuyên chở hàng hóa trong các nước Tây vực. Đặc biệt ông làm công cho góa phụ Khả Dị Giả (Khadija). Khả Dị Giả là một thương gia lớn hơn ông 15 tuổi đã trải qua hai đời chồng, có nhiều con. Bà này tín nhiệm ông cực kỳ. Năm hai mươi lăm tuổi, ông kết hôn với thiếu phụ này.
Dã Tượng mở to mắt kinh ngạc. Địa Lô biết rằng ông anh mình thâm nhiễm văn hóa tộc Việt. Mà văn hóa tộc Việt bấy giờ không thể chấp nhận cho người đàn bà góa tái giá. Huống hồ bà này đã hai đời chồng, lại kết hôn với trai tơ.
Chàng tiếp:
– Năm 35 tuổi ông ta chán mùi thế tục, lên núi Hi ra ẩn cư, hy vọng nhận được lời phán truyền của Thượng đế. Thế rồi năm năm sau, ông toại nguyện. Vào một đêm, ông nghe văng vẳng trên không có tiếng gọi tên ông, rồi ánh sáng đỏ chói từ trời chiếu vào núi. Lúc đầu ông cho rằng đó là giấc mơ, nhưng không, ông đang thức. Ông lại cho rằng đó là tiếng ma quỷ. Từ đó ông sống trong hoảng hốt, ông cho rằng mình bị điên loạn. Bà vợ an ủi ông: “Ông không điên đâu, ông cũng không bị quỷ ám đâu. Thượng để khải ngộ cho ông đấy”. Thế rồi tiếng nói lạ nhập vào tai ông, đó là tiếng của Thượng đế. Ông không biết chữ, nên ông đọc những gì nghe được cho người ta chép lại, đó là kinh Cổ lăng (Coran). Kinh Cổ lăng rất huyền diệu, lại chứa những lời đạo đức gần giống Nho giáo, Phật giáo của ta. Mộ Hợp Mễ trở thành giáo chủ thứ nhất của đạo Hồi. Đạo này truyền sang các nước Tây phương đã đành, mà còn truyền sang Chân lạp, Chiêm thành. Nhưng tại phía cực tây đã có một tôn giáo, tổ chức chặt chẽ, nghiêm trang là Thập tự giáo gọi là Da Tô giáo (ghi chú: tức Thiên chúa giáo). Giữa hai tôn giáo đều đạo đức, nhưng do giáo chúng, giáo sĩ có xung đột nhỏ, rồi đi đến các nước theo Gia tô, Hồi giáo liên kết lại đánh nhau liên miên. Khi Thái tổ của Mông cổ là Thành Cát Tư Hãn đánh sang Tây vực là lúc mà thế lực Hồi hột thắng thế. Nhờ quân Mông cổ phá tan các chủ lực của những nước theo Hồi, mà chiến tranh giữa hai tôn giáo tạm ngưng.
– Anh không hiểu tại sao các giáo sĩ có thể thuyết phục vua chúa đem quân đi đánh nhau?
– Vấn đề như thế này.
Địa Lô giảng giải: do kinh điển của tôn giáo. Bên mình, Phật giáo vốn xuất thế, gốc từ đức Phật đang đêm bỏ địa vị Thái tử đi tìm lẽ giải thoát. Khi Phật giáo truyền vào Đại Việt, tuy các vua chúa tôn trọng chư tăng ni thực, nhưng tăng ni không hề tham dự vào việc triều chính. Triều Lý, nhiều vị tăng được tôn làm Quốc sư, song các ngài chỉ góp ý kiến với vua, chứ không trực tiếp cầm quyền. Ngược lại Da Tô giáo, Hồi giáo, uy quyền các giáo sĩ rất lớn. Vua chúa lên ngôi, phải do giáo chủ làm lễ tuyên phong mới được dân chúng tuân lệnh. Đạo Hồi còn dành cho giáo sĩ quyền tư pháp, xử tội nhân, căn cứ vào kinh Cổ lăng (Koran)
Dã Tượng hỏi:
– Có một điều mà anh không hiểu được là: tại sao những người Hồi lại chuyên việc buôn bán mà không làm nghề gì khác?
Địa Lô trả lời: người Hồi ở trong nước họ, họ cũng làm đủ nghề như người Hán, người Chà và, người Ấn độ. Có điều giáo chủ của họ xuất thân là thương gia, nên họ có nhiều kinh nghiệm về buôn bán. Khi quân Mông cổ chiếm các nước miền Tây vực thì Thành Cát Tư Hãn cho tổ chức những thương đoàn Hồi đi khắp các nơi, rồi cho Tế tác (trinh sát) trà trộn vào để dò xét tình hình vua chúa, binh tình, địa lý v.v. Nước ta cũng bị cái nạn này. Nhưng Khu mật viện đã biết hết, nên lờ đi để lợi dụng chúng.
Trời tối xụp xuống. Địa Lô đem ra cái bọc vải, trong có hai cái thủ lợn.
Dã Tượng hỏi:
– Cái gì vậy? Em định làm gì vậy?
– Lúc ăn em gỉa đứng lên xin đi mua thuốc chứ thực sự em mua hai cái thủ lợn luộc rồi cất đi, lát nữa ta phải dùng tới.
– Anh không hiểu!
– Trong đạo Hồi, coi lợn là con vật ô uế. Giáo chúng bị cấm ăn thịt lợn. Họ cũng không nuôi lợn. Khi chết mà người bị máu lợn đổ vào thì không được lên Thiên đường. Lát nữa mình treo hai cái thủ lợn trong thuyền của chúng. Nếu thấy chúng bình tĩnh, hoặc cắt ra ăn thì bọn chúng không phải theo Hồi giáo. Còn chúng kinh hoảng, thì đúng. Chúng ta khắc có biện pháp đối phó.
Địa Lô lại lôi ra cái bọc vải nữa, có 5 gói giấy, một con dao dài khoảng hơn gang tay, sống dao là cái cưa.
– Cái gì vậy?
– Em trộm của Thanh Hoa đấy.
Dã Tượng cầm con dao lưỡi bằng thép rất dầy, chàng vận khí đâm xuống sàn thuyền, chít một tiếng, con dao ngập tới chuôi:
– Thì ra con dao này Thanh Hoa dùng để cưa khoen sắt cứu ba tên họ Trịnh đây.
Địa Lô mở năm gói giấy ra, mỗi cái có một mầu khác nhau, trong là bột. Chàng đưa lên mũi ngửi, có 5 mùi khác nhau. Chàng than:
– Không biết thuốc gì đây? Có lẽ là thuốc của Hồi. Thôi ta tìm cách trả lại cho mụ, bằng không khi khám phá ra mất đồ, mụ đề phòng.
Dã Tượng hỏi:
– Bây giờ chúng ta thám tính con thuyền lưỡi liềm. Em đi hay anh đi?
– Em đi! Vì anh đi sợ chúng nói tiếng Mông cổ, anh không hiểu hết.
Địa Lô đeo cái bọc có hai cái thủ lợn trên vai, rồi lên bờ. Con thuyền lưỡi liềm vẫn để tấm cầu ván như ban ngày, không có người canh gác. Địa Lô tung mình qua cầu, đáp nhẹ nhàng xuống mạn thuyền rồi đi về phía mũi: trong chòi lái không có người. Chàng sẽ đẩy cửa, bước vào trong, đem hai cái thủ lợn treo ngay trước chỗ tài công ngồi.
Có nhiều tiếng nói ở khoang chính vọng ra. Chàng lại men theo mạn thuyền tới cửa sổ khoang chính; ánh sáng chiếu qua khung cửa sổ khá sáng. Chàng vận khí, sẽ chọc một lỗ rồi ghé mắt nhìn vào: đó là một khoang bằng gỗ, trang trí cực kỳ mỹ lệ. Bốn bức vách chạm trổ xà cừ rất tinh vi. Ánh nến dọi vào vách phản chiếu ra lung linh. Người đàn ông xưng là An Hát San ngồi vào vị trí chủ vị. Còn lại hai chục người ngồi làm hai hàng. Hàng bên trái 10 người Hồ, hàng bên phải 13 người da vàng. Trong đó có bọn họ Trịnh.
Tên Trịnh Ngọc dùng tiếng Việt nói với Hat San:
– Cha ơi! Vợ chồng con trải biết bao nhiêu gian nguy, hôm nay mới được đoàn tụ với cha. Con không về với Mông cổ nữa đâu. Từ nay con theo cha, giang hồ buôn bán, về với Mông cổ thì Ngột Lương Hợp Thai sẽ giết con, vì không cứu được bẩy vô gái.
Hat San nói với Trịnh Ngọc bằng giọng ngọt ngào:
– Con ơi! Sự nghiệp buôn bán của mình phải nhờ thế lực Mông cổ mới thành công. Nếu ta không làm việc cho Mông cổ thì sẽ mất hết.
– Nhưng làm thế nào để cứu bẩy cô gái đem về cho Mông cổ?
Hat San cười, vỗ tay lên đầu gã Trịnh Ngọc:
– Sao con khờ quá vậy. Khi thuyền gần tới Giang an, thì ta sẽ ra lệnh cho cô Thanh Hoa bỏ thuốc độc vào thức ăn giết chết bọn nhà đò cũng như tên Dã Tượng, Địa Lô. Sau đó ta đánh chìm đò, đưa bẩy cô gái về thuyền mình. Rồi đem bẩy cô đi Độ khẩu, dâng cho Mông cổ.
Thôi chúng ta đọc kinh rồi đi ngủ.
Hat San cùng mọi người hướng vào bàn thờ lạy liên tiếp rồi đọc kinh bằng tiếng gì rất lạ.
Bên cạnh khoang chính, còn một khoang nữa, trong có ánh sáng chiếu ra. Địa Lô ghé mắt nhìn vào, trong có một người đàn ông, tướng mạo uy vũ, đang ngồi luyện công. Nhìn lối luyện công Địa Lô nhận ra đây là lối luyện công của người Thổ phồn (Tây tạng).
Thấy không còn gì theo dõi nữa, Địa Lô nhún mình vọt lên bờ, rồi về thuyền mình.
Nghe Địa Lô thuật lại cuộc thám thính, Dã Tượng thở phào nhẹ nhõm:
– Mọi thắc mắc bây giờ mới được sáng tỏ: Mộ Hợp Mễ An Hat San là người Hồi, chỉ huy một hệ thống thương mại lớn trên đất Trung nguyên, Đại Việt. Y được Mông cổ trợ giúp đi lại buôn bán. Vì vậy y phải làm Tế tác cho Mông cổ. Y từng đến Đại Việt mở nhiều cửa hằng buôn bán. Nhân thấy vợ tên Trịnh Văn Thư có nhan sắc, y bỏ tiền ra mua chuộc. Sau nhiều lần gian dâm, mụ này có thai, sinh ra Trịnh Ngọc. Vì vậy Trịnh Ngọc theo cha giang hồ buôn bán, cho nên y biết tiếng Hán, Mông, Hồi. Trong những ngày trước cuộc chiến, Hat San thường lui tới quán văn Tô Lịch, y không tiếc tiền, bỏ vàng bạc mua chuộc Tô lịch thất tiên. Khi Thất tiên trở thành đại phu nhân, Hat San vẫn tiếp tục dan díu để thỏa lòng dâm, cũng như lấy tin tức cho Mông cổ.
Dã Tượng hỏi Địa Lô:
– Mình phải làm gì? Anh nghĩ mình là biên cương sứ thần, tội trạng bẩy con quỷ Tô lịch đã rõ ràng, mình xử tử chúng ngay, để tránh nguy hiểm cho anh em mình, cho Thúy Hường. Bằng không khi bẩy con quỷ này về nước, chúng sẽ bị xử lăng trì, toàn gia bị tru lục, của cải bị xung công. Còn bẩy ông chồng nếu đức vua xử nhẹ thì bị cách chức. Nặng thì bị chặt đầu.
– Không nên xửû tử hình chúng vội. Trước hết gửi tấu chương về Khu mật viện, cũng như Vũ Uy vương để xin ý kiến.
Nói rồi Địa Lô ngồi viết tấu chương gửi đi liền. Chim ưng bay đi, hai anh em vào khoang ngủ.
Ghi chú,
Dã Tượng là một đại tướng, nhưng lại là người lòng dạ trung thuần, nhân từ. Nhưng tại sao ông lại muốn xuống tay giết Tô lịch thất tiên? Nguyên do luật đời Trần rất nghiêm khắc với đàn bà ngoại tình.
Luật Hồi- giáo kết tội người đàn bà ngoại tình thì bị ném đá cho đến chết. Vậy tội ngoại tình trong xã hội Việt Nam xưa kết tội ra sao? Đàn ông ngoại tình có bị chế tài gì không?
Do phong tục, do luân lý và do luật pháp, nghĩa vụ trung thành chỉ đặt ra với người đàn bà, mà không đặt ra với đàn ông. Nghĩa vụ trung thành không đặt ra với người chồng. Người chồng được lấy nhiều vợ. Vợ là những người phải cưới. Vợ cả gọi là thê, vợ thứ gọi là thiếp. Thiếp không giới hạn là bao nhiêu người. Ít thì một, nhiều thì hằng trăm hằng nghìn. Ngoài ra, người đàn ông có thể nạp thêm nàng hầu, không cần phải cưới. Nàng hầu vừa là người phục vụ trong gia đình, bất cứ lúc nào ông chủ muốn, thì cứ việc đem về phòng ngủ của mình và sex như với thê-thiếp. Tội ngoại tình trong cổ luật gọi là thông gian. Dù thê, thếp, nàng hầu mang tội thông gian thì:
Luật triều Trần (1225-1400) quy định: Người chồng phải giết gian phu, dâm phụ. Nếu vì thương con, người chồng chỉ có quyền tha tội chết cho vợ, có quyền bán vợ cho người khác làm tỳ thiếp, làm tôi tớ. Còn người chồng tha cho dâm phu, thì chính người chồng sẽ bị tội xử giảo (thắt cổ chết), dâm phu bị tội chém ngang lưng.
Luật Hồng Đức điều 401 (áp dụng từ năm 1470 đến năm 1802), vợ chính hay vợ thứ phạm tội thông gian, phải tội lưu, điền sản dành cho người chồng.
Luật Gia Long, điều 332 (áp dụng suốt triều Nguyễn, từ năm 1802 đến 1945), phạt thê, thiếp, nàng hầu phạm tội thông gian, và gian phu 100 trượng. Người chồng được quyền tha cho vợ, hoặc bán vợ cho người khác. Tuy nhiên nếu bán cho dâm phu, thì cả chồng lân gian phu bị phạt 80 trượng. Người vợ phải trở về sống với bản tông.
Sáng hôm sau chim ưng mang lệnh của Vũ Uy vương tới:
“ Bằng mọi giá phải:
Bảo vệ tính mệnh cho bẩy nàng Tô Lịch,
Phải tỏ ra tin cậy bẩy ả hơn nữa. Giả ngây ngô không đề phòng, để chúng sẽ lộ thêm chân tướng”.
Có tiếng gõ cửa khoang, Thúy Hồng gọi:
– Hai anh dậy mà coi! Mau mau.
Dã Tượng, Địa Lô mở cửa khoang hỏi:
– Cái gì vậy?
Thúy Hồng chỉ ra mũi thuyền. Trên mặt sàn thuyền, từ chủ thuyền cho đến nhà bếp, Thất tiên đều đứng lố nhố nhìn sang bên con thuyền lưỡi liềm: Hat San cùng hơn 20 người rời khỏi thuyền, đang quỳ gối cúi đầu hướng chòi lái chắp tay lạy liên tiếp, miệng đọc kinh. Duy người đàn ông luyện Thiền công Tây tạng, thì đứng thản nhiên nhìn trời.
Địa Lô suýt bật cười, chàng biết rõ đây là kết quả của việc chàng treo đầu lợn. Chàng dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai Dã Tượng:
– Anh đừng bật cười, bằng không chúng sẽ biết anh em mình làm. Chắc sáng nay chúng thức dậy, khám phá ra hai cái thủ lợn treo trong buồng lái thì kinh hoảng hô hoán lên, rồi tất cả bỏ thuyền lên bờ đọc kinh.
Dã Tượng làm bộ ngây ngô hỏi Thất Tiên:
– Các chị có biết họ làm gì không? Hình như họ điên thì phải?
Hoàng Hoa giải thích:
– Con thuyền lưỡi liềm là của thương gia người Hồi. Người Hồi coi lợn là giống vật đơ bẩn, kinh khiếp, không biết ai đã treo hai cái thủ lợn trong chòi lái thuyền của họ, nên họ kinh hãi, bỏ chạy lên bờ đọc kinh xin A La của họ che chở, tha tội.
– Kiến thức cô rộng quá nhỉ,
Dã Tượng vờ khen: tại sao cô biết rõ vậy? A La là ai?
– Người Hồi mở cửa hàng buôn bán ở Thăng long đông lắm. Hồi còn hát ở quán văn Tô Lịch, tôi đã gặp họ khá nhiều. Họ rất hào phóng với ca nhi, tiểu bảo. Khi họ thích một ca nhi nào thì bằng mọi giá họ bỏ vàng ra để đạt cho được. Còn A La của họ cũng giống như Ngọc Hoàng Thượng Đế của mình vậy. Cái ông mua tranh của Địa Lô hôm qua là giáo sĩ của đạo Hồi đấy.
Hoàng Hoa còn định nói nữa thì Hồng Hoa tằng hắng một tiếng, Hoàng Hoa vội nói lảng:
– Trẻ con ở Thăng long đều biết họ sợ lợn, nên thường cầm vạt áo, hoặc khăn như hình tai lợn rồi vẫy vẫy trước mặt họ. Lập tức họ đuổi đánh.
Địa Lô dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai Dã Tượng:
– Anh thấy không, ả Thanh Hoa làm gian tế đã rõ ràng. Khi thấy Hoàng Hoa báo cho anh biết trong đoàn có gian tế, anh cho rằng Hoàng Hoa không phải là gian tế. Khu mật viện ra lệnh cho mình phải đề phòng cả Hoàng Hoa. Bây giờ đãõ rõ ba năm bẩy mười rồi: nàng biết rất rõ về Hồi giáo, định nói nữa thì Thanh Hoa cản. Kết lại: Thanh Hoa là gian tế, ả cản Hoàng Hoa, thì Hoàng Hoa cũng là gian tế.
Lan Hoa tiếp lời Hoàng Hoa:
– Các giáo sĩ được quyền có vợ con, có tài sản riêng, có quyền làm thương gia, làm quan, làm vua. Người Hồi thích con gái Hoa, Việt, Chiêm. Khi họ đến Thăng long làm ăn thì không có đàn bà, con gái theo đi. Vấn đề phòng the của họ bị khiếm khuyết, họ thường tìm đến các lầu xanh, các kĩ viện tìm gái giải khuây. Khi thấy ca kĩ, gái mại dâm xinh đẹp, thì dù giá đắt nhất họ cũng bỏ tiền ra để hưởng thụ.
Thúy Hường thắc mắc:
– Em nghe nói có một kĩ nữ vì tham tiền, bị một gã Hồ hành dâm đến chết. Không biết sự thực ra sao?
Lan Hoa cười khúc khích:
– Truyện này khắp các lầu xanh, kĩ viện đều biết. Bấy giờ vào niên hiệu Thiên ứùng Chính bình (2), đức vua chưa trực tiếp chấp chính. Thái sư Trần Thủ Độ phụ chính. Có một gã người Hồ thân thể to lớn tên A Li Si Ti (Ali Siti) tới Thăng long buôn bán. Hắn đến các kĩ viện tìm giái. Cô nào tiếp hắn xong cũng bị mệt ngất ngư đến nỗi đi không nổi, vì vậy chỉ ít lâu sau, y đến kĩ viện nào cũng bị kĩ nữ từ chối. Một lần hắn đến kĩ viện Ngọc Thụy tìm gái, y hứa ai tiếp y, y sẽ trả cho mười lượng bạc, trong khi giá một lần tiếp như vậy chỉ có một lượng. Tuy thấy bạc nhiều, nhưng không kĩ nữ nào dám tiếp y. Bấy giờ có kỹ nữ mới nhập viện tên Hồ Thanh Tuyền, tuổi 16, không biết gì về y, thấy tiền nhiều tối mắt lại, nhận lời. Sau một đêm ngủ với A Li, Hồ Thanh Tuyền chết. Phủ thừa Thăng Long sai hình quan điều tra, kết quả: vì thân thể của A Li quá lớn, nên lúc giao hoan, âm hoa Thanh Tuyền rách ra, chảy máu. Nhưng A Li cứ tiếp tục hết trận này đến trận khác. Vừa mất máu, vừa quá mệt, Thanh Tuyền chết. Phủ thừa Thăng Long kết án A Li can tội cố sát, phải chém ngang lưng. Án đệ lên đức vua phê chuẩn. Thái sư Trần Thủ Độ bút phê rằng:
« A Li không hề hiếp dâm Hồ thị Thanh Tuyền. Chính y thị đồng ý bán thân cho A Li. Vì vậy A Li không có tội. Tuy nhiên Thanh Tuyền qua đêm với A Li, thì cũng như vợ A Li. Một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng. Vậy A Li phải bồi thường cho cha mẹ Thanh Tuyền mười lượng vàng, và phải làm lễ tống táng cho Hồ Thị Thanh Tuyền ».(1)
Thanh Hoa hỏi:
– Rồi sau A Li có còn ở Thăng Long hay không? Tiếc quá.
Lan Hoa phì cười:
– Không phải mình chị tiếc đâu! Sau vụ án, A Li nổi tiếng không những khắp Thăng long mà sang cả Quảng Đông bên Trung nguyên, dĩ chí Chiêm thành, Chân lạp. Y không phải bỏ tiền vào kĩ viện nữa, mà đàn bà tham dâm tự tìm đến y. Chị Thanh Hoa tiếc thì cứ tiếc, bởi A Li chết lâu rồi. Nếu y còn sống thì năm nay cũng tám mươi tuổi hơn thì còn làm ăn gì được nữa mà tiếc.
Nói về nghệ thuật chỉ huy Ngưu binh xung trận, nói về tư cách lãnh đạo tướng sĩ, thì có lẽ Dã Tượng là một nhân tài xuất chúng. Triều đình đã phong hàm Tả thiên ngưu vệ thượng tướng quân. Nhưng về vấn đề nam-nữ chàng mới chỉ nếm mùi hương nhẹ nhàng thoang thoảng qua lần tuyển phu của Thanh Nga. Chàng lại sống bên cạnh những người đạo đức, tài trí bậc nhất thời Đông A, ngày đêm tắm trong nếp sống chủ đạo của tộc Việt. Lại chỉ nghe những lời trung nghĩa. Nên truyện tình dục trai gái, chàng như con nai tơ, như con chim mới mọc lông cánh. Từ hôm cứu Tô lịch thất tiên, dần dần các nàng lộ ra là những đàn bà từng trải, dâm dật kinh khủng, không còn một chút phẩm hạnh của con cháu vua Trưng. Dã Tượng từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Hôm nay nghe các nàng Tô lịch nói, chàng lại ngạc nhiên hơn nữa:
– Chị Lan Hoa ơi, chị nói sao nghe lạ tai quá. Tôi tưởng sau vụ án Hồ thị chết, thì đàn bà thấy y phải tránh xa, chứ có đâu tìm đến y?
Lan Hoa chưa kịp trả lời thì Thanh Hoa đã lên mặt kinh lịch:
– Trần tướng quân! Tôi nói tướng quân đừng giận nghe. Chỉ mấy năm nữa đàn bà con gái cũng tìm đến tướng quân như tìm A Li vậy! Thời còn là trinh nữ thì được cha mẹ giáo dục đức trinh tĩnh, trong sạch tam tòng, tứ đức. Cho nên nghe đến truyện trai gái thì đỏ mặt xấu hổ. Nhưng khi có chồng rồi, đã nếm mùi phòng the, thì như được cho ăn món ăn trân quý. Cứ mười người thì chín người trở thành tham ăn, chồng cho ăn một thì muốn ăn hai. Như vậy họa chăng ông chồng có sức voi như tướng quân mới đủ. Bây giờ nghe A Li sung sức đến nỗi dạn dầy như Hồ Thị Thanh Tuyền mà chịu không nổi, đến nỗi chết, hỏi các bà sồn sồn nào không ước mơ A Li. Mà dù có chết như Thanh Tuyền là chết sướng.
Qua lời nói của Hoàng Hoa, rồi Hồng Hoa tằng hắng; Dã Tượng được Địa Lô giảng cho biết Hoàng Hoa cũng là gian tế Mông cổ qua tên An Hat San. Nhưng chàng không hiểu nổi tại sao Hoàng Hoa lại báo cho mình biết là trong Tô lịch thất tiên có người làm gian tế?
Dã Tượng hỏi Địa Lô:
– Bây giờ chúng ta phải đề phòng Tô lịch thất tiên. Cứ như quyết định của An Hat San, y ra lệnh cho Thanh Hoa đánh thuốc độc giết toàn thể nhà đò, với anh em mình. Chúng chỉ chừa lại Thúy Hồng. Trên đường đi làm sao có thể đề phòng được? Giết quách chúng đi cho rồi.
Địa Lô mỉm cười:
– Chúng ta có thể căn cứ vào luật: tướng ngoài mặt trận không nhất thiết phải tuân lệnh đức vua, rồi giết bẩy con quỷ cái thì dễ dàng quá. Giết thì phải giết quang minh chính đại, nghĩa là tuyên bố tội trạng rồi hành hình. Nhưng này anh! Anh là con nuôi Hưng Đạo vương, công lao anh tuy không nhỏ. Liệu anh có khả năng chống lại 7 ông chồng của bẩy con quỷ không? Nghe tin anh xử tử chúng, bẩy ông chồng sẽ nhảy dựng lên. Liệu anh có chống lại bẩy miệng lưỡi các ông không?
– Anh vì sự nghiệp của vua Hùng vua Trưng mà hành động. Cây ngay không sợ chết đứng.
– Thế mà có rất nhiều cây ngay chết đứng trong lịch sử rồi đó.
– Kể cho anh nghe thử.
– Tăng Tử là người hiền, Tăng mẫu là người hiểu con mình. Một ngày kia, có kẻ sát nhân trùng tên với Tăng Tử. Tăng mẫu đang dệt vải. Có người nói: Tăng Sâm giết người. Tăng mẫu thản nhiên: con tôi là người hiền đâu có làm việc đó. Một lát có người thứ nhì nói: Tăng Sâm giết người. Tăng mẫu vẫn thản nhiên: con tôi là người hiền đâu có làm việc đó. Lát sau, người thứ ba nói: Tăng Sâm giết người. Tăng mẫu kinh hoảng ném thoi, bỏ khung cửi mà chạy. Hiền không ai bằng Tăng Tử. Hiểu con không ai bằng Tăng mẫu. Nay đức độ hiền của anh không bằng Tăng Tử. Triều đình khó có ai hiểu anh bằng Tăng mẫu hiểu con?
– Vậy làm sao bây giờ?
– Cứ lờ đi, đề phòng cẩn thận. Trong năm gói thuốc của Thanh Hoa ắt có thuốc mê, hoặc thuốc giết người. Em đã ngửi 5 gói thuốc của Thanh Hoa. Bây giờ em lên bờ mua 5 vị thuốc có mùi hơi giống với 5 vị thuốc đó, rồi đánh tráo đi. Khi mụ ra tay, thì không kết quả.
Cứ mỗi lần Dã Tượng nghĩ đến bọn họ Trịnh là chàng lợm giọng. Chàng nói với Địa Lô:
– Anh định dùng mưu nhờ tay Tống giết ba đứa này đi, cắt đứt đường dây liên lạc của tên Hat San.
Địa Lô phì cười:
– Em biết mưu anh rồi. Em sẽ thực hành như ý anh muốn.
– Em thử nói xem có đúng ý anh không?
– Anh sai chim ưng báo cho Kim sơn tam kiệt biết rằng bọn Trịnh đang dùng ngựa của họ đi lại song song với chúng ta trên bờ. Tam kiệt sẽ đuổi theo bắt chúng, chặt đầu chúng dùm ta.
Dã Tượng cười:
– Đúng vậy.
– Nếu ba tên họ Trịnh bị giết, ta mất đi nhân chứng chính về 7 con quỷ.
– Ừ nhỉ. Phải để chúng sống. Ta cần bắt chúng đem về nước. Làm sao bây giờ?
– Lượng tiểu phi quân tử. Vô độc bất trượng phu. Ta giúp Kim sơn tìm được ngựa để trả nghĩa Hoa sơn ngũ hiệp, Kim sơn tam kiệt đã giúp mình. Tuy nhiên ta nên nhân dịp này bưng thêm mâm cỗ biếu Kim sơn để lưu lại cảm tình mai hậu.
– Nghĩa là?
– Khi ta viết thư cho Kim sơn tam kiệt, ta kể rõ bố tên Trịnh Ngọc là gã Hat San. Hat San buôn bán khắp Đại Việt, Chiêm Thành, Chân lạp, Hoa Nam. Y giầu có súc tích. Tam kiệt bắt ba tên họ Trịnh, rồi đòi Hat San chuộc một số tiền lớn bằng không thì giết chết. Thế là ta báo ơn Kim sơn tam kiệt, mà làm cho bọn Hat San tốn bạc. Khi Tam kiệt tha chúng ra. Bấy giờ ta mới bắt chúng đem về nước.
Suốt dọc đường không có gì xẩy ra. Con thuyền lưỡi liềm vẫn theo sát thuyền của Dã Tượng.
Trưa hôm ấy, thuyền đến Giang an. Giang an là tuyến lửa đầu giữa Tống với Mông cổ, nên việc tuần phòng của Tống rất cẩn mật. Khi thuyền vừa cập bến thì con thuyền lưỡi liềm cũng cập cách đó chừng năm chục trượng (100 m). Người Hán luyện Thiền công lên bờ với hai người khác, thủng thỉnh dạo phố, thỉnh thoảng lại vào một cửa hàng hỏi han gì đó.
Dã Tượng dặn Thất tiên:
– Đây là trấn lớn, tiếp giáp với vùng đóng quân của Mông cổ. Thủy, bộ quân Tống rất đông. Tuy nhiên mình là sứ đoàn, lại có thẻ bài của Vương Kiên thì không sợ bị làm khó dễ. Các chị muốn mua bán gì hãy lên bờ tìm mua. Vùng này họ nói tiếng Thục. Địa Lô, Thúy Hồng đều biết nói tiếng Thục. Vậy tôi để cả hai đi làm thông dịch cho các chị.
Hoàng Hoa hỏi:
– Thế Tướng quân làm gì?
– Tôi ở lại thuyền ngủ cho hồi sức.
Chín người ra đi một lát thì có một kị mã Tống mặc chiến bào cấp Đô thống dừng chân trước ván xuống thuyền. Người này nói với thuyền phu:
– Tôi muốn gặp vị khách thuê thuyền của ông!
– Các khách lên bờ hết rồi. Chỉ còn một người thôi. Để tôi mời ông đó ra đây.
Vừa trông thấy kị mã, Dã Tượng kêu lên:
– Nhị kiệt. Đệ đây. Mời Nhị kiệt xuống thuyền. Có nhiều truyện phải nói.
Vào khoang thuyền, Nhị Kiệt hỏi:
– Chim ưng mang thư của Quốc Kinh tới, chúng tôi vội đến đây bắt ba tên họ Trịnh. Nhưng tìm không thấy chúng.
– Dễ mà, tôi sai chim ưng dẫn đường cho Nhị Kiệt.
Chàng chỉ vào con thuyền lưỡi liềm:
– Nhị Kiệt có biết con thuyền kia không?
– Biết! Chủ nhân của thuyền ấy tên Mộ Hợp Mễ An Hat San. Y là một thương gia giầu có, đi lại trên sông Kim sa giang, Trường giang, cho tới biển. Y giao thiệp rất rộng, đóng thuế đầy đủ.
Dã Tượng mỉm cười:
– Phen này Tam kiệt phát tài lớn. Hat San có cơ sở buôn bán vĩ đại ở Đại Việt, Kinh châu, Tứ xuyên, Đại lý, Lưỡng Quảng. Cái tên Trịnh Ngọc là con y. Trịnh Ngọc làm Tế tác cho Mông cổ. Bây giờ Tam kiệt bắt ba tên họ Trịnh về tội ăn cắp ngựa chiến, sai điệu ra bờ sông tuyên án tử hình. Cần phải lờ việc bọn chúng làm Tế tác cho Mông cổ. Dĩ nhiên tên Hat San không thể nhìn con bị giết, y phải xin chuộc. Tam kiệt đòi mỗi mạng một nghìn lượng vàng. Nhận vàng, Tam kiệt thả chúng ra, tôi sẽ tìm cách bắt chúng lại đem về Đại Việt xử tội.
– Nhưng tôi không biết chúng ở đâu?
– Chim ưng của tôi theo dõi chúng từ mười ngày nay. Bây giờ tôi sai chim ưng dẫn đường. Nào chúng ta cùng đi.
Nhị Kiệt lên bờ đi tìm Nhất, Tam Kiệt. Lát sau cả ba đều tập trung trên bờ sông. Nhất Kiệt, Tam Kiệt cùng nhỏ người. Hai anh em cỡi chung một ngựa. Dã Tượng cỡi một ngựa. Chim ưng bay trên đầu dẫn đường. Đi hơn một khắc ra khỏi thị trấn, rồi hơn khắc sau tới một làng nhỏ. Vừa vào trong làng đã thấy ba chiến mã của Kim sơn tam kiệt cột trong sân một ngôi nhà khá khang trang. Cả bốn nhảy xuống ngựa. Nhất Kiệt hú lên một tiếng gọi ngựa của mình. Ba con ngựa nghe tiếng chủ cùng hí lên tỏ vẻ vui mừng.
Bốn người lăm lăm vũ khí tìm bắt bọn họ Trịnh. Khi vào trong sân ngôi nhà, bất giác cả bốn cùng ngừng lại mở to mắt ra nhìn: bọn họ Trịnh bị trói nằm dưới đất. Lối trói rất đặc biệt: hai vợ chồng tên Ngọc quay lưng vào nhau. Tay trái của vợ bị trói vào tay phải của chồng. Còn thằng con tên Long thì tay chân bị trói như trói lợn.
Có tiếng nói vọng ra:
– Dã Tượng! Sao anh chậm quá vậy?
Một người cao lêu khêu bước ra. Thì ra người đó là Cao Mang, đứng thứ ba trong Thiên trường ngũ ưng. Dã Tượng giới thiệu Kim sơn tam kiệt với Cao Mang. Cao Mang nói tiếng Hoa rất chuẩn. Chàng cung tay:
– Rất hân hạnh được biết ba vị anh hùng đánh Mông cổ.
Thấy Cao Mang cao lênh khênh, Nhị Kiệt chạy lại bên cạnh đứng sóng vai:
– Cao huynh cao hơn tôi một cái đầu. Hơn năm trước võ lâm Trung nguyên thường không ngớt ca tụng tài thiện xạ của Cao huynh bách phát, bách trúng. Xạ lực xa đến hơn trăm trượng (200 m ngày nay).
Nhất Kiệt chỉ cây cung Cao Mang đeo trên lưng:
– Cao huynh cho chúng tôi xem cây cung đặc biệt của Cao Huynh một chút được không?
Cao Mang tháo cung trao cho Nhất Kiệt: cánh cung không phải bằng tre, bằng gỗ mà bằng thép đúc, dây bằng gân bò. Cung có hai bậc, một bậc bắn xa, một bậc bắn gần. Nhất Kiệt cầm mấy mũi tên xem. Có ba loại tên, một loại bằng gỗ, mũi nhọn bịt thép. Một loại bằng thép, mũi bằng, sắc, giống như con dao nhỏ. Một loại nữa đầu cuốn vải.
Nhất Kiệt hỏi:
– Công dụng của ba loại tên này khác nhau thế nào?
– Loại mũi thép dùng để bắn người, ngựa. Loại như con dao dùng để phá thuẫn. Loại cuốn vải dùng để tẩm dầu bắn lửa.
Dã Tượng ghét mặt bọn họ Trịnh, chàng nói với Cao Mang:
– Bây giờ anh treo hai vợ chồng tên ghẻ lở này lên cây cách xa trăm trượng, rồi em biểu diễn cho Tam kiệt xem. Mũi thứ nhất em bắn tên bịt thép xuyên qua mông y. Mũi thứ nhì em bắn tên thép, cắt đứt chân tay y. Mũi thứ ba em bắn tên tẩm dầu đốt cháy quần áo y.
Nói là làm. Dã Tượng treo vợ chồng tên Trịnh Ngọc lên một cành cây. Mụ Mỹ Liên kinh hoảng:
– Trăm lạy tướng quân, nghìn lạy tướng quân! Xin đừng thử tiểu nhân. Tướng quân mà thử thì nhất định tiểu nhân sẽ chết ngay.
Dã Tượng càng dọa già:
– Chỉ bắn thử thôi, chỉ bắn thủng mông, đứt chân, tay thì chết thế nào được?
– Nhất định chết. Xin tướng quân đừng thử.
Mụ năn nỉ mặc mụ năn nỉ, Cao Mang lấy cung, dương lên, mũi tên xé gió, vèo một cái xén mất búi tóc trên đầu mụ. Mụ rú lên kinh khủng. Lại mũi tên bằng phẳng bắn ra, chát một tiếng, cành cây to bằng bắp tay bị tiện đứt rơi xuống đất. Kim sơn tam kiệt biết Cao Mang chỉ muốn đùa cợt, dọa vợ chồng tên Ngọc. Nhất Kiệt can thiệp:
– Xin Cao huynh ngừng tay, bằng không vợ chồng tên này sợ quá vỡ mật ra mà chết mất.
Bây giờ Dã Tượng mới hỏi Cao Mang:
– Tại sao em lại ở đây?
– Thì có gì lạ đâu. Hưng Đạo vương sai Đại đởm thượng tướng quân đem Đại đởm thập tam kiệt đi tiếp viện cho anh. Em cũng xin đi theo. Trước khi lên đường Khu mật viện giảng cho bọn em biết hết tình hình. Cả đoàn đi đường tắt tới đây. Vừa gặp bọn này, Thập tam kiệt nhận ra chúng là bọn Việt gian theo Mông cổ. Tướng quân Nguyễn Thiên Sanh ra lệnh bắt trói chúng. Thấy chim ưng bay lượn trên đầu thì em biết anh sắp tới. Em ngồi chờ anh.
Chàng cho tay lên miệng hú một tiếng dài. Lập tức có có tiếng hú đáp lại. Mười ba kị mã phi ngựa tới. Dã Tượng cung tay chào Nguyễn Thiên Sanh:
– Đệ xin kính chào trưởng bối.
– Miễn lễ.
Theo quân luật Đông A, khi tập hợp nhiều tướng sĩ thì người nào có hàm cao nhất sẽ là người chỉ huy. Hàm của Dã Tượng là Tả thiên ngưu vệ thượng tướng quân, tước chưa có. Hàm của Cao Mang là Đô thống còn nhỏ hơn nữa. Trong khi hàm của Nguyễn Thiên Sanh là Đại đởm thượng tướng quân, tước An xuyên bá. Cao hơn Dã Tượng đến bốn bậc. Nghiễm nhiên Thiên Sanh là người chỉ huy.
Thiên Sanh ra lệnh:
– Chúng ta trao bọn họ Trịnh cho ba vị Đô thống Kim sơn. Nhiệm vụ của anh là trợ giúp em đã xong. Bọn anh về nghe.
Thiên Sanh nói sẽ vào tai Dã Tượng:
– Biết rằng trong đoàn của em có gian tế. Nên Khu mật viện ra lệnh cho em rằng khi đến Giang an thì lên bộ tiến về Chiêu thông. Đó là lệnh giả nhằm đánh lừa bọn Mông cổ. Bây giờ em không lên bộ nữa, đem thuyền vào Hoành giang, xuôi về Chiêu thông. Anh đi trước tuần phòng, sẵn sàng tiếp cứu em.
Nhất Kiệt tấm tắc:
– Chúng tôi ở Trung nguyên mà từng nghe danh Đại đởm thập tam kiệt như sấm động bên tai. Phải chi bên Tống cũng có một đội dũng sĩ như vậy thì hay biết bao!
Thiên Sanh nắm tay Nhất Kiệt:
– Có rồi. Từ sau trận Mông cổ xâm Đại Việt thì Hưng Đạo vương đã ban lệnh chỉ truyền chúng tôi huấn luyện cho mỗi Quân một đội Đại đởm. Đó là binh Việt. Sau khi Dã Tượng sang hội kiến với Vương Kiên, vương tổ chức các Hoa kiều yêu nước thành một Hiệu binh. Hiệu binh này được trang bị, huấn luyện như quân Đại Việt. Mỗi Hiệu có bốn Quân. Như vậy tương lai có đến bốn đội Đại đởm trở về quê hương chống Thát đát. Không lâu nữa, Hiệu binh này sẽ về Trung nguyên cùng với hơn nghìn cao thủ võ lâm chiến đấu cho quê hương.
Đại đởm thập tam kiệt từ biệt Kim sơn tam kiệt. Còn Cao Mang thì đi theo Dã Tượng.
Cả đoàn người ngựa tiến vào thị trấn Giang an. Giang an thuộc quyền trấn nhậm của Vương Kiên. Đô đốc Giang an cũng đã tới. Nhất Kiệt trình bầy chi tiết tội trạng ba tên họ Trịnh, rồi nói nhỏ:
– Ba tên này là người Việt, chúng làm gian tế cho Mông cổ. Ta không kết tội chúng làm gian tế, mà chỉ kết tội ăn cắp chiến mã. Mục đích dụ cho tên Hat San đem vàng chuộc. Khi ta lấy vàng xong thì phóng thích chúng. Đại Việt sẽ bắt lại.
Ba tên họ Trịnh bị điệu ra bờ sông trói vào ba cái cột. Đô đốc Giang an sai người cầm loa đi báo cho dân chúng tới xem xử tử ba tên tội phạm ăn cắp chiến mã.
Chỉ hai khắc sau, dân chúng nườm nượp kéo đến xem xử tội. Aån trong dân chúng có cả Địa Lô, Tô lịch thất tiên, Thúy Hồng. Dã Tượng, Cao Mang cũng ẩn vào dân chúng. Lát sau tên Hát San, người Hán luyện Thiền công cùng đám người Hồi cũng tới. Thấy con, cháu, dâu bị bắt, y luống cuống ra mặt.
Đô đốc Giang an cho lệnh đánh ba hồi chiêng trống rồi tiến ra cầm tờ giấy tuyên án ba tên họ Trịnh về tội trộm chiến mã. Cả ba bị kết án tử hình, chém ngang lưng. Bây giờ là giờ Ngọ, đến giờ Thân thì thi hành án. Bản án cũng nói: theo luật của Tống triều, vì ba tên họ Trịnh gốc là người Việt, nên có khoản châm trước. Tội nhân được quyền dùng vàng chuộc mạng. Mỗi mạng một nghìn lượng vàng.
Tuyên án xong, Đô đốc Giang an cùng Kim sơn tam kiệt về dinh trấn thủ, đợi giờ thân sẽ tới làm giám trảm.
Dã Tượng gặp lại Cao Mang thì mừng chi siết kể. Khác với Địa Lô là người đọc sách, tài hoa. Cao Mang từng là ngưu tướng, từng cùng Dã Tượng dự tất cả bẩy trận đuổi Mông cổ, nên anh em có nhiều kỷ nịệm vui buồn. Dã Tượng là thống lĩnh Ngưu binh. Cao Mang làm phó. Khi Dã Tượng lên đường thì Cao Mang thay thế.
Dã Tượng phất tay cho Địa Lô dẫn Cao Mang, Thúy Hồng, Tô lịch về thuyền mình. Vào trong khoang, nhìn nét mặt bẩy cô Tô lịch hiện ra vẻ lo lắng luống cuống. Địa Lô nháy Dã Tượng ngụ ý im lặng chờ xem phản ứng của bẩy con quỷ cái ra sao?
Vừa lúc đó thuyền phu báo:
– Có đạo sĩ Mộ Hợp Mễ An Hat San muốn xin tiếp kiến tướng quân Dã Tượng.
– Cho mời vào.
Phân ngôi chủ khách, Dã Tượng ngồi vào chủ vị, tiếp theo đến Cao Mang, Địa Lô, Thúy Hồng. Hat San ngồi vào vị trí khách. Bẩy nàng Tô lịch ngồi vào vị trí quan sát. Hat San chắp tay vái Dã Tượng:
– Bần đạo lớn gan xin tướng quân giúp cho một việc.
– Tại sao đạo sư biết tôi có thể giúp cho đạo sư?
– Suốt thời gian nửa tháng qua, thuyền của chúng tôi đi sau thuyền của tướng quân, nên tôi nhận ra tướng quân. Tôi biết tướng quân từ mấy năm trước tại Thăng long.
Địa Lô lờ đi như không biết gì:
– Kính chào đạo sư. Năm trước trong lần về Thăng long, tôi có hân hạnh đến cửa hàng của đạo sư mua một thanh đao, cùng ít thước vải. Mấy hôm nay tuy biết đạo sư đi trong con thuyền lưỡi liềm. Nhưng trên đất Tống tôi không dám nhận đạo sư, sợ Tống làm khó dễ thương thuyền của đạo sư.
Cao Mang tiếp:
– Người Việt chúng tôi có câu: Vạn lý tha hương ngộ cố tri. Nghĩa là xa quê hương vạn dặm mà gặp người mình quen biết, là điều vui vô cùng. Luật của Đại Việt định rằng: bất cứ người nào cư trú hợp pháp trên toàn lãnh thổ Đại Việt năm năm thì được trở thành người Việt. Đạo sư từng cư ngụ ở Thăng long mấy chục năm thì đạo sư là con dân Đại Việt. Hiện diện ở đây thì tướng quân Dã Tượng là trưởng sứ đoàn, tướng quân có bổn phận phải cứu giúp con dân Đại Việt. Vậy đạo sư có gì khó khăn cứ nói ra; sứ đoàn sẽ hết sức chu toàn.
Hat San chắp tay:
– Gã Trịnh Ngọc kia là con ngoại hôn của bần đạo, cùng vợ con làm thông ngôn cho Mông cổ. Chúng từng giúp bần đạo rất nhiều khi buôn bán qua vùng Mông cổ chiếm đóng. Nay chúng bị Tống kết án tử hình. Bần đạo muốn dùng vàng chuộc chúng ra. Mong tướng quân giúp cho.
Dã Tượng nghĩ:
– Mày muốn giả trá thì tao cũng giả trá. Bộ tao thua mày ư?
Chàng nói:
– Ấy à! Khó quá. Để tôi hỏi Tô lịch thất tiên xem.
Chàng quay lại hỏi Hoàng Hoa:
– Trong Tô lịch thất tiên, thì tôi phải gọi cô bằng cô, vì cô là phu nhân của thầy Khai sơn hầu Tạ Quốc Ninh. Ba người họ Trịnh dẫn giải cô từ đâu đến Trấn trì rồi gặp đám Hoa sơn ngũ hiệp?
Hoàng Hoa đáp:
– Trịnh Ngọc được Thái sư Ngột Lương Hợp Thai sai đưa chúng tôi từ Thăng long lên Khâu bắc, vì sợ ở Thăng long không an ninh. Sau lại ra lệnh đưa chúng tôi từ Khâu bắc đi Côn minh. Giữa đường gặp Hoa sơn ngũ hiệp.
Địa Lô hỏi:
– Trong khi đi đường chúng có cử chỉ khinh bạc, hoặc vô lễ với cô không?
– Không! Tuyệt đối không! Chúng hầu hạ cung phụng chúng tôi rất chu đáo. Xin tướng quân cứu mạng bọn y.
Thanh Hoa tiếp lời Hoàng Hoa:
– Trước kia thì Mông cổ với Đại Việt có chiến tranh. Bây giờ hai nước đã giảng hòa. Đại Việt chịu xưng thần, gửi Vũ Uy vương sang làm con tin, tuế cống. Mà ba người họ Trịnh hộ tống chúng tôi đi Côn minh cho Thái sư, nay tướng quân là người của sứ đoàn theo con tin, thì cũng là thần tử Mông cổ. Tướng quân phải cứu ba người họ Trịnh để lập công với đại vương Hốt Tất Liệt.
Thấy Thanh Hoa lộ nguyên hình là kẻ vong quốc, Dã Tượng, Địa Lô, Cao Mang muốn buồn nôn. Nhưng hoàn cảnh phải lờ đi.
Dã Tượng giả vui lòng:
– Vậy thì được. Xin đạo sư đem vàng cho chúng tôi, để chúng tôi vào dinh Đô đốc Giang an chuộc chúng.
Hát San mừng chi siết kể, về thuyền lấy vàng.
Địa Lô hỏi Tô lịch thất tiên:
– Bây giờ tôi hỏi thực bẩy chị. Mong bẩy chị đừng vì lý do gì mà nói trái với lòng mình.
–?!?!?!
– Các chị có hai vấn đề trước mắt. Một là trở về Đại Việt với chồng, hai là đi Mông cổ làm vương phi Thiên triều. Các chị chọn đường n ào.
Thấy Địa Lô dùng chữ Thiên triều, thì Dã Tượng, Cao Mang đều biết rằng chàng mở đường cho bẩy con quỷ cái sang Mông cổ, hơn là đem về Đại Việt. Chúng về Đại Việt sẽ gây ra không biết bao nhiêu xáo trộn, mà kết quả khó thể đoán trước được.
Bẩy nàng nhìn nhau. Rồi Hồng Hoa e thẹn nói:
– Chúng tôi được trời cho tấm nhan sắc, lại có tài ca hát. Trong dịp tuyển phu, chúng tôi tuyển được chồng là những bậc kỳ vỹ nhất nước. Tiếc rằng trời đất nổi cơn gió bụi, chúng tôi được Mông cổ đón đi. Tất cả đã bất trinh, thất tiết thì còn mặt mũi nào về Đại Việt nhìn chồng, nhìn người thân nữa? Mà ví dù tướng quân đưa chúng tôi về Đại Việt thì cũng bị tội voi dầy, ngựa xé. Vậy mong tướng quân cho chúng tôi đi Mông cổ.
Dã Tượng quyết định:
– Thế thì tôi sẽ tấu trình lên Vũ Uy vương, rồi đem bẩy vị dâng cho đại vương Hốt Tất Liệt.
Nghe Dã Tượng hứa, cả bẩy nàng Tô lịch mừng chi siết kể.
Lát sau Hat San đã mang vàng sang. Ngoài ba nghìn lượng chuộc người, y con biếu cho Dã Tượng một nghìn lượng. Dã Tượng dẫn Cao Mang, Địa Lô mang vàng vào dinh Đô đốc Giang an. Anh em Kim sơn tam kiệt thấy anh em Dã Tượng vào dinh thì biết vụ chuộc người đã xong. Đúng ra anh em Kim sơn có thể ôm hết số vàng này, rồi chia cho Đô đốc Giang an một phần. Nhưng ba người là những anh hùng của Tống, họ không muốn gian dối. Nhất Kiệt nói với Đô đốc Giang an:
– Vàng này xin Đô đốc xung vào công khố. Chứ chúng ta không thể, không nên đụng vào.
Tới giờ thân, cả đoàn cùng ra bờ sông. Dân chúng chen chúc xem ba tên trộm chiến mã bị chém ngang lưng. Lẫn trong dân chúng có cả Thất tiên, Thúy Hồng, cùng bọn Hat San.
Chiêng trống ba hồi. Hình binh cầm loa nói lớn:
– Tới giờ hành hình.
Ba hình binh, mỗi người cầm một thanh đao, đứng trước ba tội nhân. Một hình binh vung đao ướm thử vào lưng tên Trịnh Ngọc, khiến y rú lên một tiếng như chó tru.
Cả ba đao phủ lăm lăm cầm đao chờ đợi Đô đốc ném thẻ tử ra là vung đao chặt đôi tội nhân. Bọn họ Trịnh mở to mắt ra nhìn đao phủ. Chúng sợ quá, hai hàm răng đánh vào nhau lộp cộp.
Đô đốc Giang an tuyên án:
– Đúng luật thì cả ba người này bị trảm ngang lưng. Nhưng họ là người Việt. Tả thiên ngưu vệ thượng tướng quân Trần Quốc Kinh là sứ thần đặc mệnh toàn quyền xin đem vàng chuộc người. Vì vậy ba tên trộm này được trao cho sứ đoàn.
Nghe tuyên án, bọn họ Trịnh mừng quá, ngất xỉu. Hình binh cởi trói cho chúng. Chúng đã tỉnh dậy. Dã Tượng giải chúng về thuyền mình.
Thúy Hồng nói với Hat San:
– Bây giờ chúng ta đã nhận họ hàng với nhau rồi, thì thuyền của Đạo sư là thuyền Đại Việt. Chúng tôi có bổn phận phải bảo vệ cả người lẫn tài sản trên thuyền của Đạo sư. Thuyền này chúng tôi thuê của người Thục. Trong ước hẹn thì đến đây là xong. Chúng tôi trả thuyền cho họ. Tất cả chúng tôi sẽ dùng thuyền của Đạo sư xuôi về Đại Việt. Không biết có trở ngại gì cho Đạo sư không?
Nói rồi nàng nhìn Hồng Hoa mỉm cười mà không phải cười. Hat San luống cuống tự hỏi:
– Cái cô này trẻ hơn Hồng Hoa nhiều, sắc đẹp dịu dàng, tươi như hoa mới nở, mà bản lĩnh không tầm thường. Có lẽ cô ta biết truyện mình với Hồng Hoa thì phải. Dường như trong bốn người Dã Tượng, Cao Mang, Địa Lô dã phân chia nhiệm vụ rõ ràng rồi. Cô này phụ trách chi tiêu, mua sắm, nên mỗi khi ăn uống thì cô trả tiền. Ngay việc thuê thuyền cô cũng quyết định.
Hat San không đừng được y trả lời:
– Bần đạo xin tuân lệnh.
Con thuyền lưỡi liềm rời sông Trường giang đi vào địa phận sông Hoành giang.
Chiều hôm sau có chim ưng mang thư của Vũ Uy vương tới. Thư khá dài. Vương cho biết:
“1. Hiện vương, vương phi đang trên dường đi Côn minh, nhưng vì cần giải quyết vụ Văn sơn, Khâu Bắc, nên đã quay trở về, không đi Côn minh nữa.
2. Vương đã ra lệnh cho Đô thống Lê Linh Anh (Hĩm Còi), Phó thống lĩnh Ngưu binh đem một Đô (80) Ngưu binh tiến lên Khâu bắc đề phòng có biến cố gì không.
3. Vương cũng ra lệnh cho Đại đởm thập tam kiệt âm thầm đột nhập Văn sơn, Khâu bắc đề phòng âm mưu phản phúc của bọn con cháu Thân Lợi.
4. Kiềm chế, kiểm soát gắt gao bọn Tô lịch thất tiên, bọn Hồi Hat San”.
Chiều hôm ấy thuyền tới Chiêu thông. Đây thuộc địa phận Quý châu. Thị trấn này vừa có không khí lưu vực sông Hoành giang, vừa có không khí núi rừng. Hat San từng bôn ba buôn bán qua đây. Y có một cơ sở buôn bán giữa khu chợ chính. Y ngỏ lời mời mọi người lên bờ, vào cơ sở chơi.
Hat San lên bờ một lúc, thì y trở lại với một người Hán to lớn, cử chỉ nho nhã tên Lê Minh Quang. Hat San giới thiệu:
– Trưởng cơ sở của chúng tôi tại Chiêu thông là một người Hán ở vùng Trường sa đến đây lập nghiệp đã hơn hai chục năm tên Lê Minh Quang. Minh Quang giao dịch với hầu hết quan lại Tống trong trấn.
Sau bốn ngày ngồi thuyền, người người đều bứt rứt khó chịu. Bây giờ được lên bờ hưởng khí hậu sông-núi, ai cũng cảm thấy thoải mái. Duy người Hán luyện Thiền công vẫn ở lại. Hát San giảng giải rằng đó là một vị sư (Thổ phồn) Tây tạng xin tháp tùng thương thuyền để hoằng dương đạo pháp. Nhà sư không thích ồn ào nên muốn ở lại thuyền luyện công. Nghe Hat San nói, Dã Tượng mới tỉnh ngộ, chàng cứ thắc mắc tại sao trên thuyền lại có một người mà lúc nào cũng đội mũ. Thì ra nhà sư đội mũ để dấu thân phận.
Thúy Hồng là một Phật tử thuần thành, nghe nói đến một vị sư thì tỏ vẻ kính cẩn:
– Thế mà tôi không biết. Hèn gì từ Giang an tới đây, không thấy người ăn cơm cùng với chúng ta. Thì ra người ăn chay. Không biết người có biết nói tiếng Hán không?
– Ông ta nói được, nhưng rất ít.
Thúy Hồng gõ cửa khoang. Nàng nói tiếng Hán vùng Thục:
– A di đà Phật.
Có tiếng đáp lại:
– Mời thí chủ vào.
– A di đà Phật, đệ tử thực phúc đức được đi cùng thuyền với đại sư mà không biết. Đệ tử không dám thỉnh pháp danh đại sư.
– Bần tăng pháp danh bằng Tạng ngữ, dịch sang tiếng Hoa là A Hàm La.
– Kính mời đại sư lên bờ cho dãn gân cốt.
– Đa tạ thí chủ. Bần tăng muốn được yên tĩnh.
Minh Quang mời khách lên một khu trang trại làm trên sườn đồi. Đường lên đồi trồng rất nhiều loại hoa, hương đưa thơm ngát. Minh Quang nói với Hat San:
– Vùng này không có trộm cắp. Mời Đạo sư cùng các vị lên bờ nghỉ vài ngày.
Y nói với đám thuyền phu:
– Anh em cũng lên bờ thôi. Thuyền cứ neo trên bến, tôi sẽ cử một vài vệ sĩ xuống thuyền canh gác.
Với một đoàn 40 người y phục khác lạ vào thị trấn, dân chúng nhìn bằng con mắt tò mò. Minh Quang mời Hat San cùng đám đệ tử Hồi giáo nghỉ trong một căn nhà có bàn thờ. Đám người Hán phần đông là thuyền phu nghỉ trong một căn nhà dựa vào chân núi. Y mời nhóm Dã Tượng, Tô lịch nghỉ trong căn lầu đẹp nhất.
Y nói với Hat San:
– Chư vị có y phục cần giặt cứ thay ra, trong trang này đệ tử có bốn tỳ nữ lo giặt cho các vị.
Không đầy một giờ sau đầu bếp của Quang Minh đã chuẩn bị xong bữa tiệc với mười món ăn. Đám thuyền phu người Hán, đám đệ tử người Hồi của Hat San ăn riêng. Hat San, với ba tên họ Trịnh cùng ăn với nhóm Dã Tượng.
Ăn xong, Thúy Hồng thân vào bếp làm mấy món chay, đích thân mang đến thuyền cho vị tăng. Nàng bầy ra bàn, xới cơm kính cẩn:
– Thỉnh đại sư.
Rồi nàng chắp tay lui ra sau đứng hầu. Từ hôm đáp thuyền lưỡi liềm đến giờ trải hơn tháng A Hàm La chỉ được ăn vài món rau luộc với muối. Hôm nay được ăn mấy món chay vùng Việt, ông ăn nhiều vô cùng.
Đợi ông ăn xong, Thúy Hồng dọn bát đũa, rồi từ biệt ông lên trang trại. Khi Thúy Hồng quay đi, ông dùng ngón tay gõ vào mạn thuyền ba tiếng. Âm kình nhẹ nhàng, nhưng vang đi rất xa. Lúc Thúy Hồng rời cầu lên bờ nàng lại nghe ba tiếng nữa. Nàng thắc mắc tự hỏi:
– Vị Thiền sư này gõ ba tiếng ngụ ý gì đây?
Chợt nàng tỉnh ngộ: một lần lên chùa Tiêu sơn nghe giảng kinh, sư phụ giảng Thiền sử về giòng Thiếu lâm có đoạn:
” Bồ-đề Đạt-ma là tổ thứ hai mươi tám dòng thiền Tây-trúc qua Lĩnh-Nam hoằng dương đạo pháp, rồi tới Trung-thổ. Ngài diện bích chín năm tại núi Tung-sơn, sau truyền tâm-ấn cho Huệ-Khả (486-593). Huệ-Khả truyền cho Tăng-Sán (606). Tăng-Sán truyền cho Đạo-Tín (580-674). Đạo-Tín truyền cho Hoằng-Nhẫn (601-674). Hoằng-Nhẫn truyền cho Huệ-Năng (638-713). Cuộc truyền tâm ấn của ngũ tổ Hoằng-Nhẫn cho lục tổ Huệ-Năng là một giai thoại kỳ thú. Cuộc truyền tâm ấn như sau:
Một hôm ngũ tổ Hoằng-Nhẫn gọi tất cả đệ tử trong chùa lại dạy rằng:
– Ta nói cho các người biết. Trong kiếp sống thì sinh tử là lẽ lớn. Thế mà các người chỉ đi tìm cái phước điền, chứ không tìm cách thoát khỏi bể khổ. Các người u mê về lý tính thì phúc điền có đạt chăng nữa cũng không cứu được các người. Các người hãy trở về với chân tâm, tự xét chân tâm, tìm lấy cái gốc chân tâm. Tự chân tâm sinh ra gốc của nó, và ánh sáng Bát-nhã. Mỗi người làm một bài kệ trình ta xem. Nếu người nào kiến tính giác ngộ được, ta sẽ truyền y bát để trở thành lục tổ của dòng Thiền-tông.
Sư Thần-Tú vốn người học rộng, biết nhiều, lại là học trò giỏi nhất của Hoằng-Nhẫn; ông trở về phòng làm một bài kệ. Đêm đó ông viết bài kệ của mình ở hành lang chùa, bầy tỏ sở kiến. Bài kệ như sau:
Thân thị Bồ-đề thụ,
Tâm như minh kính đài.
Thời thời cần phất thức,
Vật xử nhạ trần ai.
Nghĩa là:
Thân tại gốc Bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng.
Thời thời cần lau sạch.
Đừng để nhuốm bụi trần.
Canh ba, tổ Hoằng-Nhẫn gọi Thần-Tú vào bảo đường hỏi rằng:
– Có phải bài kệ viết ở hành lang là do nhà ngươi làm không?
Sư Thần-Tú đáp:
– Chính là đệ tử làm. Đệ tử không dám hy vọng được làm lục tổ. Chỉ mong sư phụ xét xem đệ tử có chút ánh sáng trí tuệ nào không.
Tổ Hoằng-Nhẫn đáp:
– Nhà ngươi kiến giải trong bài kệ ấy; là chưa thấy được gốc của tính, mới đến cửa Bồ-đề chứ chưa nhập vào Bồ-đề được. Nhà ngươi kiến giải như vậy mà muốn vào Vô-thượng Bồ-đề thì chưa tới. Muốn đạt Vô-thượng Bồ-đề phải hiểu tại ngoài lời nói, để nhận thức cái gốc của chân tâm. Gốc của chân tâm là bất sinh bất diệt, không lời nào nói ra được. Bất cứ lúc nào, ý nào cũng tự nó hiện ra mà có. Tất cả đều không. Một là chân tất cả đều là chân. Muôn vàn cảnh giới đều là như như. Cái ý thức về như như ấy là chân thực. Nếu nhà ngươi kiến giải được như vậy, thì mới có tự tính Vô thượng Bồ-đề. Sau đây nhà ngươi suy nghĩ vài ngày, làm một bài kệ khác, đưa trình ta xem. Nếu tỏ ra nhập được vào cửa Bồ-đề thì ta truyền tâm ấn cho.
Thần-Tú tở về, mấy ngày sau tinh thần hoảng hốt không làm được bài kệ nào.
Cách đó mấy ngày, có chú tiểu đi qua chỗ dã gạo, miệng đọc bài kệ của Thần-Tú. Bấy giờ có nhà sư Huệ-Năng, vốn người Việt xin vào tu ở chùa Thiếu-lâm từ lâu. Vì sư không biết chữ, nên được giao cho công việc dã gạo. Tuy vậy sư nghe ngũ tổ giảng kinh, thì hiểu thấu đáo ngay. Nay nghe chú tiểu đọc bài kệ của Thần-Tú. Huệ-Năng thấy ngay bài kệ đó chưa hiện ra gốc của tính. Ông làm một bài kệ khác như sau:
Bồ- đề bản vô thụ,
Minh kính diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?
Nghĩa là:
Bồ-đề chẳng có gốc,
Minh kính cũng không đài.
Xưa nay nào có vật,
Đâu nơi nhuốm trần ai?
Yếu chỉ của Thiền-tông là kinh Kim-cương, Lăng-già, Bát-nhã. Tất cả đều qui về tính không, tức sao bỏ được vọng tâm là ngã tướng. Muốn thế phải dứt được Ngũ-uẩn, Lục-trần, Nhân-ngã tứ tướng. Thế mà bài kệ của Thần-Tú vẫn còn đủ sắc, tướng: Thân là ngã tướng. Bồ-đề là thọ giả tướng. Tâm lại là ngã tướng nữa. Minh kính đài là chúng sinh tướng. Thời thời, phất thức, vật xử là thọ giả tướng. Trần ai là thọ giả tướng. Như vậy là vẫn trần tục.
Bài kệ của Huệ-Năng làm tổ Hoằng-Nhẫn vui mừng. Hôm sau tổ tới nhà dã gạo, thấy Huệ-Năng đang dã gạo, bèn hỏi:
– Người học đạo phải thế nào? Nhà ngươi dã gạo trắng chưa?
Ý tổ hỏi ngoài lời nói: Tâm sáng, nhập vào Bồ-đề, thế đã chuẩn bị nhận y bát chư?
Huệ-Năng trả lời:
– Gạo tôi dã sạch lắm. Còn thiếu cái sàng thôi.
Ý nói rằng: Tâm đã trong, chỉ còn chờ truyền tâm ấn.
Tổ cầm gậy gõ vào cối ba cái, rồi bỏ đi. Ý nói canh ba Huệ-Năng lên bảo đường gặp ngài. Canh ba Huệ-Năng lên phòng tổ, được tổ giảng yếu chỉ kinh Kim-cương, Lăng-già, rồi truyền y bát“.
Thúy Hường nghĩ thầm:
– Vị đại sư này định giảng gì cho mình đây! Ngài giảng gì cũng được. Nghe các thầy giảng kinh có bao giờ mình chán đâu. Chả biết canh ba này mình có phải xuống thuyền không? Theo lời Minh Quang thì tối sẽ có người lên thuyền canh gác. Như vậy có hơi bất tiện.
Trời về chiều, Minh Quang hỏi Hat San:
– Đạo sư! Không biết những vị đây là thế nào với Đạo sư?
Hat San đi một vòng giới thiệu. Trước hết y giới thiệu bọn Trịnh Ngọc. Rồi mới giới thiệu nhóm Dã Tượng.
Cơm chiều xong Địa Lô, với bẩy nàng Tô lịch đem đàn, trống ra ca hát. Đám gia nhân của Minh Quang; đám đệ tử, đám thuyền phu của Hat San lần đầu tiên được thưởng thức những âm điệu tuyệt diệu của thế gian. Họ ngây người ra ngồi nghe.
Trước đây Thúy Hồng chỉ học văn, học ca hát. Từ ngày theo sứ đoàn Vũ Uy vương bắt tất cả năm nàng phải luyện võ cho thân thể khỏe mạnh, nhất là tự vệ khi cần thiết. Người dạy là Tạ Quốc Ninh. Nàng đã được học võ công căn bản của phái Sài sơn gồm mười đòn tay, mười đòn chân, phản đòn tay, phản đòn chân. Sau đó 3 bài bài quyền, cùng nội công tâm pháp. Từ hôm rời sứ đoàn, tối nào Dã Tượng cũng bắt nàng ôn tập. Vì vậy sức khỏe của nàng tăng tiến kỳ lạ.
Suốt thời gian đi thuyền, nàng không có nơi ôn luyện võ, vì vậy chân tay nặng nề, đi đứng mất linh động. Hôm nay ở trong trang trại nằm trên sườn đồi đầy hoa thơm, cỏ lạ. Khi trời xụp tối, nàng xuống một góc vườn ôn luyện võ công. Sau khi đi hết 3 bài quyền, thì trời đã về khuya, nàng hướng con thuyền lưỡi liềm khoan thai rảo bước. Thình lình có tiếng chát từ phiến đá trên dốc đồi trước mặt phát ra, cùng với tia lửa. Kinh ngạc nàng chạy tới xem, thì lại có tiếng chát tóe lửa ở phiến đá cao hơn. Nàng tung mình lên xem, thì lại có tiếng chát khác. Cứ thế sau 5 tiếng thì nàng đã ở trên đỉnh đồi. Đỉnh đồi có khu đất khá bằng phẳng. Đứng tại đây có thể nhìn thấy toàn trấn Chiêu thông. Gió thổi làm y phục nàng bay phần phật.
Hương thơm núi rừng cho Thúy Hồng cảm giác sảng khoái nàng cất tiếng hát một bài Quan họ. Khi vừa ngừng thì nàng phát hiện ra có tiếng ngưới hô hấp. Nhìn về phía ấy, nàng giật mình khi thấy nhà sư A Hàm La đang ngồi luyện công. Tỉnh ngộ, nàng biết vị đại sư này dùng thủ pháp gì đó bắn đá dẫn dụ nàng lên đây. Nhà sư cất tiếng trầm trầm:
– Thí chủ! Thí chủ với bần tăng vốn có thiện duyên từ kiếp trước, nên chúng ta gặp nhau dưới con thuyền. Bần tăng biết thí chủ là một Phật tử thuần thành, nên muốn truyền cho thí chủ mấy thức Mật công.
Ghi chú:
(1) Sự việc này xẩy ra vào niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 4 (1236) đời vua Thái Tông. Bên Trung Nguyên là niên hiệu Tống Đoan Bình thứ nhì. Trước đây phụ chính là Thượng hoàng Trần Thừa. Thượng hoàng băng năm 1234, Thái sư Trần Thủ Độ thay thế.
← Hồi 11 | Hồi 13 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác