← Hồi 10 | Hồi 12 → |
Trở về khoang thuyền trên bến Bồ lăng, Dã Tượng, Địa Lô, cùng Thúy Hường họp với đại sư Huệ Đăng, Lý Như Lan, thiết kế bình định hai châu Khâu bắc, Văn sơn.
Từ lúc Địa Lô xuất hiện, hai nàng Thúy Hường, Như Lan cảm thấy trong lòng bừng bừng lên một niềm vui, khó diễn tả. Hai nàng luôn tìm cách đi cạnh, hay nói truyện với chàng.
Khi Vũ Uy vương sai Dã Tượng, Thúy Hường đi sứ, vương chỉ tiên liệu việc đàm phán, không dự trù đến vụ hai châu Khâu bắc, Văn sơn. Nay phải quyết định một việc quá lớn, Dã Tượng hơi bỡ ngỡ. Nhưng nhớ lại khi ban lệnh Vũ Uy vương có nói dặn:
“ Con là con của Hưng Đạo vương. Con là cháu ta. Con là tướng Tổng lĩnh ngưu binh. Cấp bậc của con là Đô Thống. Khi con rời đây thì con là khâm sứ, con có toàn quyền thay triều đình quyết định mọi tình huống ».
Trong thời gian qua, Dã Tượng đã đọc Lục thao, Tam lược, Tôn Ngô binh pháp, Thánh Thiên binh pháp, chàng có đầy đủ kiến thức của một đại tướng quân. Tuy vậy chàng chưa dám quyết đoán. Bây giờ có Địa Lô, chàng hỏi:
– Em nghĩ mình phải làm gì bây giờ?
– Anh không nhớ Hưng Đạo vương đã dạy hay sao?
– Vương dạy nhiều, mà anh nhớ chẳng bao nhiêu.
Địa Lô dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai Dã Tượng:
– Em nhắc lại cho anh nghe này:
«Phàm khi bàn về quốc sự, dù tài trí, dù thông minh, không bao giờ nên quyết đoán môt mình. Mà cần phải tham vấn nhiều người ».
– À anh nhớ rồi.
– Anh có nhớ, trong khi Mông cổ tấn công Bình lệ nguyên, Cụ bản, Phù lỗ; các Ngưu tướng tuy là những trẻ con 12-13 tuổi, nhưng cũng được các tướng Lê Tần, Phạm Cụ Chích, Trần Tử Đức mời họp tham mưu, rồi tham khảo ý kiến. Ý kiến các Ngưu tướng rất lợi hại. Từ kinh nghiệm đó anh phải tham khảo ý kiến sư Huệ Đăng trước.
Dã Tượng cung cung kính kính hỏi sư Huệ Đăng:
– Thưa Đại sư, liệu ta có thể tin được Ngũ hổ tướng của Khâu bắc không?
– Được! Bần tăng đã âm thầm thu họ làm đệ tử rồi.
Chàng tham vấn Thúy Hường:
– Còn em! Em là Tá lĩnh. Em nghĩ sao?
– Không cần phải nghĩ. Cứ lý mà suy: cả Ngũ hổ tướng đều đều thuộc là con cháu các vua Lý. Họ bỏ gia đình, bỏ thân thuộc với tấm lòng son mong phục hồi tiền triều, không ngờ bị lừa. Bây giờ họ như chim trong lồng được thả ra. Ta nên tin họ. Nhờ họ giúp bình định Khâu bắc, Văn sơn.
Như Lan đã hai lần thấy Thúy Hường tỏ vẻ ghen vì Dã Tượng có những lời ngọt ngào với mình. Bây giờ Địa Lô xuất hiện, nàng muốn ra khỏi cái ghen tương của cô ca nhi này. Nàng cần nói một vài câu, để lấp cái hố ngăn cách:
– Dù sao thì họ Thân của tên Long Vân cũng có công khai hoang lập ra một vùng đất trù phú. Trong 20 vạn dân, thì tông tộc họ Thân chiếm tới ba vạn. Cho nên, dù họ Thân trải mấy đời cai trị dân quá ác độc, ta nên mở cho con cháu họ một sinh lộ. Khi chiếm được hai châu, ta xin triều đình ban lệnh đại xá cho họ Thân kể từ Thân Lợi cho đến nay. Nếu ai muốn giữ họ Lý, ta cũng cho.
Dã Tượng không ngờ Thúy Hồng với Như Lan lại có những ý kiến hay như vậy.
– Về việc bình định.
Địa Lô nghị kế: Long Vân cũng như tiền nhân của y quá ác độc. Nếu nay vẫn cho y tồn tại, tiếp tục cai trị hai châu, thì dân chúng vẫn khốn khổ. Tông tộc y vẫn bóc lột dân chúng. Vậy chúng ta đem Long Vân trở về, bắt y họp triều đình, rồi ra một cáo tri năm điều, gọi là Ngũ sự.
Một là, tổ tiên Long Vân họ Thân chứ không phải họ Lý. Nay sự đã lộ, y không thể dối dân chúng nữa. Xin công bố sự thực. Long Vân trở lại họ Thân. Giải tán triều đình gian dối, ác độc.
Hai là, triều đình tại quốc nội, không còn là triều đình nhà Lý nữa, mà là triều Trần. Trên có minh quân cai trị, trăm họ yên vui. Không còn cái gọi là chính thống phục hồi triều Lý nữa. Dân trong hai châu là dân Việt, không lý gì dân Việt cứ phải chống lại đất nước mình. Vậy hai châu Khâu Bắc, Văn Sơn sát nhập vào cương thổ Đại Việt.
Ba là, dân chúng vì nghe lời dối trá bỏ nước ra đi, ai cũng muốn trở về cố hương, vậy những người muốn ở lại hay trở về nguyên quán tùy ý.
Bốn là, ân xá tất cả tội trạng từ 7 đời trước cho họ Thân. Ân xá tội trạng cho dân chúng dù thành án hay chưa. Thả tất cả tù nhân.
Năm là, tha thuế trong một năm, xóa bỏ thuế còn thiếu trong những năm trước.
Thông thường mỗi ngày vào buổi tối, Dã Tượng đều viết tấu chương gửi cho Vũ Uy vương, báo cáo sự việc xẩy ra, rồi nhận chỉ thị do chim ưng gửi tới. Nhưng hôm nay có nhiều biến cố quá, Dã Tượng để Địa Lô ngồi viết thay, phải suốt một ngày mới xong tấu chương, rồi sai chim ưng gửi về Khu mật viện Thăng long, Khu mật viện Bắc biên, và cho sứ đoàn.
Sáng sớm hôm sau, có chim ưng mang chỉ dụ của Vũ Uy vương:
«1. Dã Tượng làm chánh tướng. Địa Lô làm quân sư.
2. Vẫn để cho Long Vân làm Thái tử bù nhìn.
3. Đợi bình định xong sẽ đuổi y khỏi Văn Sơn, Khâu Bắc.
4. Kiềm chế y thực chặt. Nếu y có hành vi gì gian dối thì giết thẳng tay.
5. Đi đường tắt về Khâu bắc, Văn sơn ngay.
6. Sẽ có quân từ Bắc biên tiếp viện. Tránh đổ máu ».
Dã Tượng, Địa Lô định họp mọi người, chuẩn bị lên đường thì Hoàng Hoa gõ cửa vào phòng. Nàng nói nhỏ:
– Hai vị tướng quân đang làm những việc quốc gia đại sự. Liệu những người xung quanh ta có thể tin được hết không?
Dã Tượng giật mình, vì khi từ khi theo quân, các chúa tướng luôn nhắc nhở: phải đề phòng cẩn mật. Hãy tưởng tượng lúc nào kẻ địch cũng rình rập quanh ta. Thế nhưng từ hôm khởi hành, cạnh chàng chỉ có mình Thúy Hường, thì chàng không cần đề phòng. Sau thêm Tô lịch thất tiên, mới đây thêm đại sư Huệ Đăng, Lý Như Lan, rồi Khâu Bắc ngũ hổ tướng, quả thực chàng không nghĩ đến đề phòng.
Dã Tượng dùng lối xưng hô bình dân:
– Cô thấy Dã Tượng có gì sơ hở, xin dạy dỗ cho.
– Bây giờ nhị vị tướng quân giả cùng cùng tôi lên bờ mua sắm. Rồi chúng ta nói truyện.
Hai người ra cầu bến thì thấy Hồng Hoa đang nói truyện với Thúy Hồng. Thúy Hồng hỏi:
– Hai anh theo sư mẫu đi đâu đây?
Địa Lô vui vẻ chỉ Hoàng Hoa:
– Sư mẫu muốn mua một vài thổ sản, để mai này gặp thầy Quốc Ninh, tặng thầy. Hai anh phải theo hộ vệ.
Lên khỏi thuyền, ba người đến góc chợ, vào một quán ăn. Hoàng Hoa gọi vài thức ăn. Rồi nàng hỏi:
– Chúng ta bị gian tế Mông cổ theo dõi, nhị vị tướng quân có biết không?
Địa Lô kinh ngạc:
– Gian tế? Có lý nào?
– Đúng vậy. Này nhé, theo lời thuật của Lý Như Lan, thì khi gã Long Vân tới Côn minh, Ngột Lương Hợp Thai sai y đem bộ hạ đi đoạt lại bọn tôi. Đây là công việc rất khó khăn, tại sao Ngột Lương Hợp Thai là tướng giỏi, biết mình, biết người, mà lại sai vợ chồng tên Ngọc đi; trừ vợ y biết võ, còn y với con y chỉ là cái bị thịt. Sai y đi thêm vướng chân, vướng tay? Một điều ta phải nghi.
Dã Tượng than:
– Chết thực!
– Chúng ta đi lễ đền Tam anh, người ngoài tuyệt không ai biết. Thế mà tại sao bọn Trịnh Ngọc biết, biết rất chi tiết để dẫn bọn Long Vân đến phục sẵn tại đền. Ban nẫy y chối rằng y không có thuốc mê. Đánh thuốc mê là tên Trịnh Ngọc. Mà tên Trịnh Ngọc đâu có lén bỏ thuốc độc vào thức ăn? Vậy có thể chính người mình bỏ thuốc độc chứ không phải bọn Long Vân, Trịnh Ngọc. Hai điều ta phải nghi.
Dã Tượng rùng mình:
– Chết thực. Có lẽ khi Hoa sơn ngũ hiệp thả vợ chồng tên Ngọc ra, chúng biết rồi theo dõi chăng?
Địa Lô lắc đầu:
– Hoa sơn ngũ hiệp thả vợ chồng tên Trịnh Ngọc ở Giang an. Chúng nào biết Ngũ hiệp đem Thất tiên đi đâu? Từ Giang an đến đây cách mấy ngày đường. Chúng không đủ khả năng theo dõi. Đây chúng biết rất rõ anh đem Thất tiên đi lễ đền thờ Tam anh. Vậy phải có con rắn ẩn trong chúng ta, báo cho chúng biết.
Dã Tượng bàng hoàng:
– Tôi sẽ hỏi chi tiết đại sư Huệ Đăng, Lý Như Lan, rồi khảo vợ chồng tên Ngọc thì ra ngay.
– Phải như thế.
Sáng hôm sau, Dã Tượng, Địa Lô gặp riêng đại sư Huệ Đăng với Như Lan. Chàng hỏi chi tiết về vợ chồng tên Ngọc, những liên quan với Long Vân. Kết quả:
« Khi Mông cổ chuẩn bị đánh Đại Việt, Hốt Tất Liệt đã cho Tế tác nghiên cứu rất chi tiết về binh lực, về tài nguyên. Hốt Tất Liệt từng nghe nói phụ nữ Việt nổi tiếng can đảm, nhưng cũng đẹp nổi tiếng trong lịch sử. Tế tác cung cấp tin tức rằng, những thiếu nữ đẹp nhất Đại Việt đều tập trung ở 36 Quán văn trong thành Thăng long. Bọn Tế tác chỉ biết có thế. Sau y được bọn mặt dơi tai chuột sang Vân Nam nói cho nghe rằng, trong các Quán văn tại Thăng long thì bẩy ca kĩ nhan sắc diễm lệ mang tên Tô lịch thất tiên là của báu hiếm có trên đời. Tuy cả 7 đều đã là vợ của các nhân vật lỗi lạc, nhưng tuổi còn trẻ. Người lớn tuổi nhất là Hoàng Hoa mới 23, trẻ nhất là Lan Hoa mới 20. Hốt Tất Liệt ra mật lệnh cho Ngột Lương Hợp Thai, khi vào Thăng long, phải bắt hết những thiếu nữ đẹp, nhất là Tô lịch thất tiên. Cho nên vừa vào Thăng long, Ngột Lương Hợp Thai sai bọn du thủ du thực nghe ngóng, truy tầm. Biết cả Thất tiên ẩn ở Nghi tàm. Y sai một thiên phu vây bắt. Bắt được rồi y chiều chuộng cực kỳ, bố trí nữ tỳ hầu hạ; cử riêng vợ chồng tên Trịnh Ngọc cung phụng như những công chúa. Ngột Lương Hợp Thai dành Hoàng Hoa, Hoài Đô dành Bạch Hoa, A Truật dành Huyền Hoa. Sợ để Thất tiên ở Thăng long, sẽ bị quân Việt cướp lại, Ngột Lương Hợp Thai sai Lý Long Vân bí mật đem về an trí tại Khâu bắc, Văn sơn. Bẩy nàng tuyệt không biết mình bị giữ ở đâu. Mãi tới gần đây Ngột Lương Hợp Thai bị bại trận. Y nghĩ tới đem bẩy nàng dâng cho Hốt Tất Liệt. Y ra lệnh đem bẩy nàng về Côn minh. Hành trình của vợï chồng tên Ngọc tuy bí mật, nhưng bị Tế tác của Tống biết được. Vương Kiên nhờ Hoa Sơn ngũ hiệp cứu ra.
Long Vân ước mong được Mông cổ phong cho làm An Nam Quốc vương. Ngột Lương Hợp Thai gọi y tới Côn minh chờ bái kiến Hốt Tất Liệt. Long Vân tới giữa lúc tên Trịnh Ngọc hớt hải báo rằng Thất tiên bị Tống cướp mất. Ngột Lương Hợp Thai sai Ngọc đi cướp lại, với sự hỗ trợ của Long Vân.
Dọc đường Như Lan thường thấy Trịnh Ngọc gặp bọn phu xe chuyên chở nói truyện riêng. Song Huệ Đăng, Như Lan không biết chúng trao đổi với nhau những tin gì. Cho đến mấy ngày trước tên Trịnh Ngọc ra lệnh cho Long Vân phục ở đền Tam anh hành sự “.
Dã Tượng, Địa Lô cùng Ngũ hổ tướng Khâu bắc hỏi cung Long Vân. Y cũng không biết gì hơn, ngoài việc tuân lệnh tên Ngọc.
Dã Tượng, Địa Lô bàn với sư Huệ Đăng và Như Lan. Sư Huệ Đăng đề nghị:
– Nếu ta khảo vợ chồng tên Trịnh Ngọc thì khó có thể tìm ra con rắn. Chi bằng ta cứ đem chúng theo, rồi theo dõi, thì kẻ gian sẽ lộ mặt nạ. Việc quan trọng là bình định hai châu Khâu bắc, Văn sơn. Bây giờ bần tăng đem Như Lan, Long Vân, Ngũ hổ tướng đi trước bằng đường bộ. Đường này gồ ghề, nhưng là con đường tắt.Tướng quân đem Thất tiên với đám tên Ngọc đi sau bằng đường thủy. Đến Giang an thì đổi đi bằng đường bộ về Chiêu thông. Từ Chiêu thông đi Khâu bắc không xa. Dọc đường ta âm thầm theo dõi hành động của chúng.
Địa Lô dặn dò sư Huệ Đăng, Như Lan, Ngũ hổ tướng chi tiết những gì phải làm. Hôm sau cho lên đường.
Sáng sớm Dã Tượng nhận được lệnh của Vũ Uy vương:
“Lệnh này chỉ mình Dã Tượng, Địa Lô đọc, không cho thêm bất cứ ai biết. Chắc chắn gian tế không thể là sư Huệ Đăng hoặc Lý Như Lan. Cần theo dõi Tô lịch thất tiên, kể cả Hoàng Hoa. Dọc đường tìm cách sơ hở để cho bọn Trịnh Ngọc trốn, rồi sai chim ưng theo dõi. Bọn Trịnh Ngọc là con mồi, theo dõi chúng sẽ biết được nhiều tin tức về phía Mông cổ”.
Địa Lô bàn với Dã Tượng:
– Như vậy dĩ nhiên mình không cho sư Huệ Đăng, Lý Như Lan biết đã dành, mà Thúy Hường cũng không thể cho biết lệnh này.
Vương Kiên cấp cho Dã Tượng, Địa Lô ba xe song mã. Vương lại cử Kim sơn tam kiệt dẫn đường. An Nhất đi trước, An Nhị đi giưã, An Tam đi sau. Thúy Hồng xếp xe thứ nhất chở Dã Tượng, Tử Hoa, Lan Hoa và vợ tên Ngọc là Mỹ Liên. Xe thứ nhì Địa Lô, Hoàng Hoa, Bạch Hoa, Huyền Hoa tên Ngọc. Xe thứ ba Thúy Hồng, Thanh Hoa, Hồng Hoa, và tên Long. Vợ chồng Trịnh Ngọc và thằng con bị xích chân tay.
Xe đi suốt một ngày, không có biến cố gì. Buổi chiều, tới thị trấn Hợp giang. Tại đây có một trại binh Tống. An Nhất đưa lệnh bài của Vương Kiên trình cho trại trưởng, xin tá túc qua đêm. Trại trưởng là một Tá lĩnh tên Tô Kim. Tô Kim sai giam bọn tên Ngọc vào nhà tù. Mã phu thì ngủ trong căn nhà của lính. Ba ba anh em họ An ngủ một phòng số một. Bốn nàng Hoàng, Bạch, Huyền, Thanh ngủ phòng số 2. Thúy Hường, với các nàng Hồng, Tử, Lan ngủ phòng số 3. Dã Tượng, Địa Lô, gốc là mục đồng, ngủ ngoài trời đã quen, hai chàng mắc võng ngủ trong góc vườn. Chỗ này có thể thấy động tĩnh toàn khu trại binh.
An Nhất hỏi Tô Kim:
– Tô Tá lĩnh, ban đêm mà trại binh không có người gác ư? Nhà tù không có người canh ư?
Tô Kim cười:
– Vùng này cách xa chiến trường tới hai ngày sức ngựa, nên chẳng cần canh gác nhiều chi cho quân sĩ mệt mỏi. Còn an ninh ư, mấy chục năm nay chưa từng xẩy ra trộm cướp, vì vậy trại binh chỉ cần đóng cửa, khóa lại là đủ.
Sau một ngày hành trình vất vả, cơm chiều xong, mọi người lăn ra ngủ. Dã Tượng nghĩ thầm:
– Sao ta lại buồn ngủ quá thế này? Ôi! Không khéo tất cả chúng ta đều bị gian nhân đánh thuốc mê nữa rồi. Nếu tên Ngọc liên lạc với bọn gian tế, thì chúng sẽ làm vào ban đêm. Ta mà ngủ thì hỏng bét.
Nghĩ vậy chàng vận Vô ngã tướng thiền công. Phải mất ba vòng Tiểu chu thiên, chàng mới thấy tỉnh. Kinh ngạc, chàng nghĩ thầm:
– Hôm bị đánh thuốc mê ở đền thờ Tam anh, mình chỉ vận có một vòng đã tỉnh. Sao hôm nay phải ba vòng? Có lẽ thuốc hôm nay mạnh hơn chăng?
Lo cho Địa Lô, chàng khẽ hỏi:
– Chú năm, chú có thấy gì khác lạ không?
– Chúng ta bị kẻ gian trộn thuốc ngủ vào thức ăn. Đệ biết ngay từ đầu bữa cơm, nên đã uống thuốc giải. Còn anh, anh dùng Vô ngã tướng thiền công nên vô sự phải không?
Dã Tượng phục tài của người em:
– Chúng ta chờ. Gian nhân sắp xuất hiện bây giờ đấy.
Chàng nằm yên, vận công luyện Vô ngã tướng thiền công. Đến canh hai, thì cửa phòng số 2 tử từ hé mở, rồi một bóng người xẹt tới trước cửa nhà tù. Dưới bóng trăng rằm chàng thấy rõ bóng đen là Thanh Hoa. Thanh Hoa móc trong túi ra con dao, nàng dùng dao cưa nhẹ vào khoen khóa. Thoáng một cái khoen khóa bị cắt đứt. Bên trong có tiếng vợ tên Ngọc:
– Phu nhân đấy phải không?
– Ừ, tôi đến cứu các người ra đây. Các người có bị khóa chân tay không?
– Không!
– Bây giờ các người trốn đi mau, xin Thái sư điều quân tới chiếm Khâu bắc, Văn sơn ngay. Bằng không tụi nó chiếm mất thì khó đấy.
– Không có ngựa thì trốn đâu thoát.
– Tất cả ngựa đều là ngựa kéo xe. Duy ba con của Kim sơn tam kiệt là ngựa chiến. Hãy lấy ba con ngựa đó mà chạy.
Ba tên họ Trịnh vòng ra phía sau nhà tù. Dã Tượng gọi Địa Lô:
– Ta tri hô lên, bắt quả tang con gian phụ Thanh Hoa đi!
Địa Lô dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai Dã Tượng:
– Bây giờ ta tri hô lên, bắt bọn họ Trịnh với Thanh Hoa thì thực dễ dàng. Nhưng ta cứ để chúng trốn. Nếu chúng chạy trở lại Bồ lăng thì ta dùng chim ưng báo cho Vương Kiên biết. Vương sẽ bắt chúng rồi chặt đầu. Còn chúng chạy về phía Khâu bắc, ta báo cho sư Huệ Đăng, sư sẽ bắt chúng. Còn Thanh Hoa, ta lờ di. Không chừng còn có gian tế khác nữa. Qua câu nói của Thanh Hoa: “xin Thái sư điều quân tới chiếm Khâu bắc, Văn sơn ngay. Bằng không tụi nó chiếm mất thì khó đấy” . Thái sư là ai? Có thể là Ngột Lương Hợp Thai không?
Chàng tiếp tục:
– Anh thấy không? Khắp nước đều nghe danh Tô lịch thất tiên! Nào là văn hay, chữ tốt. Nào là sắc nước hương trời. Nào là hoa tay đàn địch. Nào là cất tiếng ca như ngàn chim trời hót. Cả nước trân trọng, người người quý mến. Thế rồi một chốc, một lát trở thành đại phu nhân, sống trong nhung lụa. Trong lúc đất nước nghiêng ngửa bị giặc bắt, đáng lẽ phải tự tử để bảo toàn danh tiết, thì lại thản nhiên đem tấm thân nghìn vàng làm đồ chơi cho bọn rợ Thát đát. Đã thế mà lại nhẫn tâm dẵm lên giang sơn, đạp lên tổ tiên, đi làm gian tế cho giặc. Đúng là đồ nằm ngửa, đồ dâm bôn.
Địa Lô thiu thiu nhập vào giấc ngủ. Cả hai giật mình thức giấc vì tiếng ồn ào. Trong sân Tô Kim, ba anh em họ An, Tô lịch thất tiên, Thúy Hường đang đứng trước nhà tù. Tô Kim cầm hai cái khoen khóa nhà tù than:
– Gian nhân cứu ba tên tù phải có cái cưa thép rất sắc mới có thể cắt hai cái khoen lớn như thế này.
Kim sơn tam kiệt than:
– Ba tên tù lấy ba con ngựa của chúng tôi, vậy thì tên cắt khóa chưa trốn đi. Nó quanh quẩn đâu đây thôi.
Tô Kim hỏi anh em Kim sơn tam kiệt:
– Có thể nào một trong các mã phu đã tham tiền, mà cứu bọn tù không?
Địa Lô xua tay:
– Tô tá lĩnh đừng nghi oan cho mã phu. Vì họ đều thuộc đạo Kị binh Bồ lăng, chưa từng quen biết ba tên tù này. Vả ba tên tù khi bị bắt, vàng bạc bị thu hết rồi, làm gì còn mà mua chuộc người?
Ba anh em họ An bực tức:
– Bây giờ không biết bọn Trịnh chạy theo đường nào mà bắt lại. Mất ba con ngựa quý thực khốn nạn.
An Tam chắp tay xá Dã Tượng:
– Chúng tôi được lệnh hộ tống tướng quân tới đây. Bây giờ chúng tôi đành đi xe ngựa về Bồ lăng. Còn tướng quân với phái đoàn đi đường thủy ngược giòng về cảng Hợp thủy mất một ngày, nghỉ một ngày ở Hợp thủy, rồi đi Giang an. Đoạn này nước chảy gấp, nên phải đi mất một ngày. Tới Giang an sẽ lên bộ đi xe ngựa, vượt đường tắt tới Chiêu thông. Từ Chiêu thông đến Khâu bắc, Văn sơn không xa.
Thúy Hồng thuê một con thuyền lớn. Chủ thuyền kiêm tài công, 6 tay chèo và ba người đầu bếp. Nghe nói thuyền đi Giang an thì mừng ra mặt, vì phải trải qua 7 ngày. Trong ba đầu bếp thì một là vợ chủ thuyền, còn lại là hai thiếu nữ. Nàng để Dã Tượng, Địa Lô ở một khoang riêng. Còn Hoàng, Bạch Hoa ở một khoang, Huyền, Thanh Hoa ở một khoang, Hồng, Tử Hoa ở một khoang. Nàng ở chung với Lan Hoa.
Thuyền chạy ngược giòng sông, nhưng lại xuôi gió, trên thuyền có hai cánh buồm nên đi rất nhanh.
Dã Tượng rủ Địa Lô, Thúy Hường lên trên sàn thuyền ngắm cảnh. Cả ba nói tiếng Việt với nhau, nên tài công ngồi trên chòi cầm lái mà y không hiểu gì. Thuyền đi được một ngày, Thúy Hồng chỉ vào con thuyền đang đi phía sau:
– Các anh có thấy điều gì lạ không?
Địa Lô gật đầu:
– Có! Một là thuyền này là thuyền chở hàng chứ không phải thuyền chở khách, nên thuyền khẳm. Hai là thuyền nhỏ hơn thuyền mình, mà có đến ba cây buồm lớn, đáng lẽ họ vượt qua thuyền mình dễ dàng, nhưng họ không vượt. Như vậy họ đang theo dõi mình. Ba là các thuyền của người Hoa cũng như người Việt mình, mũi thuyền luôn vẽ hai con mắt. Đây thuyền này vẽ vầng trăng khuyết lưỡi liềm.
Có chim ưng mang thư tới. Dã Tượng mở ra, không phải lệnh lệnh của Khu mật viện Thăng long, mà là chỉ dụ của Hưng Đạo vương cho Dã Tượng:
“ Con yên tâm, ta cũng như triều đình theo dõi từng bước của con, sẵn sàng tiếp cứu con về mọi mặt. Phàm việc Quốc gia đại sự, việc gì cũng phải cân nhắc cẩn thận. Ả Thanh Hoa làm gian tế cho giặc, có thể chỉ mình ả. Cũng có thể một hay sáu Hoa kia cũng làm gian tế. Cần trấn nhiếp tâm thần, coi như không biết gì, quan sát thực kỹ”.
Trời về chiều, ánh nắng chiếu giòng sông lấp lánh như những thỏi vàng. Ngồi trong khoang, nhìn ra cửa sổ, Dã Tượng hỏi Địa Lô rằng tại sao lại có mặt ở đền thờ Tam anh đúng lúc bọn Long Vân cũng tới?
Địa Lô thuật:
– Em về nhà chịu tang chú một tháng, thì họ hàng họp lại bắt em phải lên đường ngay, vì việc nước trọng hơn việc nhà. Em đành gạt nước mắt lạy vong linh chú em, rồi ra đi. Em đuổi kịp sứ đoàn khi sứ đoàn đến Côn Minh. Vũ Uy vương thuật cho em biết tình hình sứ đoàn từ khi rời Thăng long. Vương sợ anh nói tiếng Hoa không giỏi, e có sự hiểu lầm, nên bảo em trợ giúp anh. Em âm thầm đến Bồ lăng đã lâu. Vô tình em ở trong cùng khách điếm với bọn Long Vân. Vì chúng là châu trưởng hai châu của Tống, chúng có thẻ bài của Tổng trấn Quảng Tây. Chúng bịa ra rằng Tổng trấn Quảng Tây sai chúng đến liên lạc với Vương Kiên, rồi sẽ tiếp tế lương thảo cho mặt trận Thục. Nhưng sáng hôm ấy chúng bàn kế hoạch bắt Tô lịch thất tiên ở đền Tam anh. Em mới theo dõi chúng, rồi gặp anh.
Địa Lô hỏi:
– Anh luyện Vô ngã tướng thiền công mau thực. Thanh đại đao nặng như vậy mà anh múa vù vù!
Dã Tượng trở lại vụ Thanh Hoa:
– Em bảo anh lờ đi cho bọn gã Trịnh trốn là theo kế hoạch của Vũ Uy vương. Còn không lột mặt nạ mụ Thanh Hoa thì em dụng ý gì?
Địa Lô giảng giải:
– Anh phải biết, Thanh Hoa là thê tử của Tham tri bộ Lễ Chu Bác Lãm. Tuổi cô ta mới 22, mà thoát một cái đang là một ca nhi, trở thành đại phu nhân, lại được sủng ái cùng cực. Công danh lên tột đỉnh, tiền rừng bạc biển. Mụ bị Mông cổ bắt, chúng chiều chuộng rất mực để làm vật giải khuây. Bây giờ được cứu ra, chỉ còn mấy ngày nữa sẽ về Thăng long tái hồi với chồng. Vậy vì lý do gì mụ lại phản lại chúng ta?
Dã Tượng bàn:
– Anh nghĩ có lẽ trong thời gian bị Mông cổ bắt, mụ bị thất tiết, sợ trở về ông Chu Bác Lãm sẽ ruồng rẫy, khinh bỉ, nên ném lao phải theo lao, mụ muốn ở lại làm vợ một tên tướng Mông cổ chăng?
– Có thể. Bởi theo Tử Hoa nói, thì Hoàng Hoa bị Ngột Lương Hợp Thai dành làm của riêng, giữ làm tỳ thiếp. Bạch Hoa được Hoài Đô dùng làm tình nhân. Huyền Hoa trở thành vợ của A Truật. Còn lại bốn nàng Thanh, Hồng, Tử, Lan Hoa thì ba tên thay phiên thỉnh thoảng dùng qua đêm một vài lần mà thôi.
Dã Tượng quả quyết:
– Vậy chúng ta cần theo dõi xem mụ sẽ liên lạc với bọn Mông cổ bằng đường dây nào khác không?
Địa Lô mỉm cười nhìn thẳng vào mặt Dã Tượng:
– Bỏ truyện Thanh Hoa, bây giờ nói truyện anh. Anh đào hoa thực. Trên bến Bắc ngạn, Thanh Nga tuyển phu, điều kiện khó khăn như vậy mà anh thành công. Rồi Vũ Uy vương lại sai anh đi với Thúy Hồng trong vai vợ chồng. Thanh Nga đẹp chói chang như hoa hải đường. Thúy Hồng đẹp nhu mì, đẹp ủy mị. Vậy từ hôm ấy tới giờ anh đã gì gì với Thúy Hồng chưa?
– Không hề! Anh đối với nàng như anh em ruột.
– Em không tin. Nàng đẹp xót ruột, anh với nàng luôn chung phòng, mà anh không gì gì thì mặt trời mọc đằng Tây em có thể tin được, chứ anh với nàng không ấy ấy thì em không thể tin. Anh như con mèo đói, mà nàng là miếng mỡ thơm ngon để trước mặt. Mỡ để trước mặt mèo, mà mèo không ăn là mèo mù. Anh đâu có mù?
Dã Tượng bị tấn công liên tiếp, chàng lắc đầu quầy quậy:
– Oan uổng! Oan uổng!Anh thề không có gì gì mà, cũng chẳng ấy ấy với nàng.
– Em là thầy thuốc em biết, sức anh khỏe thì truyện ấy ấy, gì gì cũng khỏe vô cùng. Không lẽ anh không có hai quả cật, hoặc cái đó của anh teo như quả ớt. Anh ngồi dậy, em xem mạch cho nào!
Dã Tượng biết Địa Lô xuất thân phái Sài Sơn, y học rất cao minh, chàng ngồi dậy. Địa Lô nắm lấy cườm tay phải bắt mạch, rồi tay trái phất trước bụng Dã Tượng hai cái. Chàng lắc đầu:
– Cái ấy của anh lớn quá. Tốt vô cùng. Còn mạch thì Xích nhảy căng như dây đàn, chứng tỏ thận khí sung mãn. Trai to, gái lớn, sống với nhau trong phòng kín mà không gì gì thì anh có chối mấy em cũng không tin.
Dã Tượng phải khai thực:
– Lúc đầu anh bị rạo rực đến khô miệng, chóng mặt. Nhưng anh dùng Tiêu Sơn hóa tinh pháp của Hưng Ninh vương dạy để trấn áp dục tính đấy chứ.
– À thì ra thế. Em hỏi nhé, trong hai nàng thì anh yêu nàng nào hơn?
– Nếu nói yêu theo tình anh em thì anh yêu cả hai cô như nhau. Còn yêu theo tình trai gái thì anh không yêu cô nào cả.
– Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại (Bất hiếu có ba điều, không con nối dõi tông đường là tội lớn nhất). Anh định không lấy vợ đấy à? Năm cô Đông hoa hoa tươi đẹp trước mặt mà bỏ qua thì trời phạt đấy.
Dã Tượng vung hai tay:
– Em đã biết anh là Thống lĩnh ngưu binh toàn quốc rồi mà. Hai vai anh gánh nặng Xã tắc. Giặc đang rình rập ở biên cương. Vui với thê nhi hiện chưa phải lúc. Không! Không! Một trăm lần không! Một nghìn lần không! Giặc đốt nhà, quẳng trẻ con vào; hãm hiếp đàn bà tàn bạo, mà bảo anh vui với thê nhi thì anh vui sao đước?
– Anh nói thế mà không sợ đức vua nọc ra đánh đòn à?
– Hư! Đức vua là minh quân, đời nào đánh anh!
Địa Lô thấy Dã Tượng cương quyết, càng trêu già:
– Khi chiến lũy Phù lỗ, Cụ bản vừa bị tràn ngập, giặc hùng hổ vào Thăng long, Vũ Uy vương trấn nhậm Bắc cương; vậy mà Nguyên Phong hoàng đế ban chỉ cho vương phải lấy vợ. Anh bảo cưới vợ khi đất nước chưa yên là ích kỷ, thì chẳng hóa ra anh kết tội đức vua à? Này! Anh thấy Vũ Uy vương không? Cưới vợ xong, vương với vương phi đánh hàng chục trận kinh thiên động địa. Theo gương người trên anh còn chờ gì mà không cưới vợ như vương? Tỷ như anh cưới một trong các nữ Ngưu tướng, rồi vợ chồng thống lĩnh Ngưu binh trấn ngự biên cương, có phải đẹp biết bao không?
– Ừ nhỉ. Chưa bao giờ anh nghĩ đến việc đó. Có lẽ anh phải cưới một nữ Ngưu tướng mới được. Còn em, em là người tài hoa bậc nhất Đại Việt, lại nổi tiếng Nam thiên đệ nhất mỹ nam tử. Em cũng phải cưới vợ đi chứ.
Chàng trêu ngược lại Địa Lô:
– Xa đâu không biết, trước mắt chúng mình có năm cô Đông hoa. Trong năm cô Đông hoa, nếu em thích cô nào, em xin Vũ Uy vương gả cho một cô. Ngay cả Thanh Nga ếu em thích, anh rất vui mà cho không em đấy.
Địa Lô dí tay vào trán Dã Tượng:
– Anh không được phép nghĩ thế, làm thế. Anh dự cuộc tuyển phu mà được Thanh Nga.Thanh Nga yêu anh. Như vậy Thanh Ngalà của anh. Tình yêu là báu vật trên thế gian, như hương thơm của hoa. Khắp trời Nam này, con gái Việt đều là giòng dõi vua Trưng, chúng ta phải quý hơn vàng, trân trọng hơn ngọc, chứ không phải đồ chơi, là của riêng mà đem cho được.
Bị chỉnh, Dã Tượng tấn công tiếp:
– Vậy thì bốn cô còn lại, cô nào cũng đẹp như tiên nữ. Em nên rước một cô về làm vợ. Bằng không vương phi gả cho bọn Mông cổ hết thì thực đáng tiếc.
– Không bao giờ! Không bao giờ em lấy vợ là ca nhi đâu.
– Em nói lạ, ca nhi là những người có nhan sắc, họ lại mang thêm nghệ thuật trong người. Đàn ông ai cũng say mê họ. Sao em lại ghét họ?
– Anh nói!
Địa Lô tự biện hộ: em không muốn lấy vợ ca nhi, chứ em đâu có ghét họ? Họ như những đóa hoa đầy hương sắc, cần để cho người người chiêm ngưỡng, chứ không nên hái về làm của riêng. Hoa Lan, hoa Huệ, Hoa Hồng, khi còn ở trên cây thì hương sắc tươi thắm ngạt ngào. Nhưng đem nấu canh ăn thì đắng ngắt, không thể so sánh với rau muống, rau dền. Họ là người của thiên hạ, không thể, không nên bắt họ vào khuôn khổ làm vợ, uổng phí tài hoa của họ. Nếu em lấy một trong năm cô thì chẳng hóa ra em ích kỷ, đem đóa quốc sắc thiên hương về làm của riêng ư?
Dã Tượng cung tay:
– Cảm ơn em đã phân tích cho anh. Nghe em nói, anh như người tỉnh cơn mê. Đúng, từ hôm gặp năm cô, anh yêu thương, chiều chuộng các cô rất mực, mà anh vẫn thấy các cô với anh có khoảng cách. Thì ra khoảng cách đó là mình chỉ nghĩ đến nước, đến dân, mà các cô thì ca, hát cả ngày, không hợp với mình. Cho nên anh rửng rưng trước tài sắc của Thanh Nga.
Địa Lô nắm lấy bàn tay khổng lồ của ông anh:
– Người ta tặng cho em mỹ danh Nam thiên đệ nhất mỹ nam tử, em không thấy hãnh diện bằng anh; bằng anh Yết Kiêu. Anh từ một mục đồng, nhưng có tấm lòng son với đất nước, thúc trâu đuổi giặc, trở thành người có đại công với Xã tắc, đấy mới là điều ước vọng của cháu vua Hùng, con vua Trưng.
Dã Tượng cũng nắm lấy bàn tay mềm như nhung, tươi hồng của Địa Lô:
– Sau trận Đông bộ đầu, năm anh em mình đã bàn luận, rồi đưa ra năm điều làm Cương cho nam nhi Đại Việt. Anh còn nhớ:
“ Một là trung với Xã tắc,
Hai là xả thân cứu nước,
Ba là phẩm giá, đạo đức,
Bốn là tài trí, dũng, mưu,
Năm là hiếu kính phụ mẫu”.
Bàn về lập công với Xã tắc, thì mỗi người mỗi cương vị, mỗi hoàn cảnh. Trong cuộc chiến vừa qua, em từng lập công, tương lai còn nhiều dịp. Năm anh em mình hiện đều đang lĩnh trọng trách, nhất định chúng mình phải đồng tâm nhất trí giữ đất nước của tổ tiên để lại. Công nhiều hay công ít cũng là công. Sống hay chết cũng vẫn là nguồn vui. Không ai hơn ai.
Trong khoang nhỏ con thuyền trên sông Trường Giang xứ Thục của Trung quốc, năm 1259, hai thiếu niên Việt luận bàn về bổn phận của nam nhi Đại Việt. Có ai ngờ đó là cương lĩnh cho hằng vạn thiếu niên Việt trong hai lần đuổi giặc Mông cổ sau này, mà sử Việt gọi những thiếu niên đó là Anh hùng Đông A.
Dã Tượng vấn kế:
– Em này! Giữa anh với Thanh Nga đã có những giây tình vướng mắc. Vậy em nghĩ, anh phải giải quyết ra sao?
– Tâm lý người con gái nào cũng giống nhau.
Địa Lô phân giải: Dù họ đẹp, họ xấu, họ dữ, họ hiền họ đều muốn đàn ông con trai say mê họ. Nếu ta cứ lờ đi, họ sẽ làm bất cứ điều gì cho dù tàn ác, vô luân họ cũng làm để đạt mục đích. Vì vậy tuy anh không yêu Thanh Nga, nhưng nàng yêu anh đến điên đảo thần hồn. Anh cũng nên đáp lại bằng cử chỉ nhu nhã, lời nói ngọt ngào cho phải đạo.
– Cảm ơn em.
Địa Lô tiếp:
– Anh có biết tại sao vương phi Ý Ninh lại cứ muốn gả Thanh Nga cho Ngột A Đa không?
– Vì A Đa làm quan lớn bên Mông cổ. Gả Thanh Nga cho y thì y sẽ giúp Đại Việt.
– Nhưng tại sao vương phi không gả Thúy Nga, Thúy Hồng, Thúy Trang hay Hồng Nga cho A Đa?
– Anh không hiểu.
– Dễ thôi! Dù sao năm cô Đông hoa cũng là những cô gái ngây thơ trong tình trường. Gả bất cứ cô nào cho một tay già dặn về đàn bà như A Đa, các cô dễ bị say tình, rồi bị A Đa điều khiển. Duy Thanh Nga đã yêu anh đến điên đảo thần hồn, khi làm vợ A Đa thì A Đa chỉ được thân xác nàng. Còn hồn của nàng vẫn dành cho anh. Dành cho anh tức là dành cho Đại Việt.
– Á chà! Bà Ý Ninh không lớn tuổi hơn anh làm bao, mà đã già dặn trong tình trường. Khiếp thực.
Có tiếng gõ cửa, rồi tiếng Thúy Hồng:
– Mời hai anh ra khoang chính xơi cơm, nghe nhạc, uống trà.
Dã Tượng reo:
– Ừ nhỉ, đi thuyền 7 ngày mà cứ ở trong khoang nhỏ này thì chán chết. Nào đi nghe các tiên ca hát, tấu nhạc.
Vào khoang chính Địa Lô chắp tay:
– Địa Lô này trên đường đi sứ, may mắn được ngồi cùng thuyền với bẩy vị tiên của Thăng long, lại thêm một đệ nhất giai nhân Kinh bắc. Bây giờ được nghe các giai nhân cho nghe hát. Đúng là tam sinh, hữu hạnh.
Thúy Hồng hỏi:
– Này anh Địa Lô, nghe anh là đệ tử của phái Sài Sơn, thì giỏi âm nhạc lắm nhỉ?
– Giỏi thì anh không dám nói rằng giỏi. Nhưng cũng không tệ. Bây giờ anh xin múa rìu qua mắt thợ.
Chàng cầm lấy cây nhị trong tay Lan Hoa:
– Tôi xin hát Xẩm, bài này tôi sáng tác trong trận tái chiếm Thăng Long, mang tên Mùa xuân đuổi giặc.
Khi Địa Lô vừa cất tiếng hát, tay kéo nhị thì cả Tô lịch thất tiên với Thúy Hồng đều tự than:
– Hỡi ơi! Mình cứ tự cho là tay tiên, giọng ca vàng, mà thua người này xa.
Bẩy nàng tiên nghe nhị, nghe tiếng hát, nhìn dáng người thanh nhã, bất giác cùng thở dài. Trong lòng bẩy nàng bừng lên một dục vọng:
– Khi còn hát ở Thăng long mình đã gặp không biết bao nhiêu đấng tài hoa, mà so với người này thực vạn vạn lần không bằng. Ôi! Mình đã có chồng, mới đây lại được các tướng Mông cổ ôm trong tay không biết bao nhiêu đêm; nhưng… nhưng sao bằng người này. Phải chi mình được người này ôm trong lòng một đêm, rồi có tan xương nát thịt cũng không ân hận.
Địa Lô nào biết những dục vọng trong lòng bẩy nàng Tô lịch. Hết bản nhạc, chàng lại thổi tiêu, rồi đánh đàn bầu. Nhạc khí nào chàng cũng tấu tới trình độ tuyệt cao.
Địa Lô rất giỏi về tướng mệnh, khi đàn, lúc hát chàng quan sát thính giả, thấy Dã Tượng thưởng thức với vẻ mặt của người quân tử. Thúy Hồng thì gật gù lắng nghe. Còn bẩy nàng Tô lịch thì ánh mắt, nét mặt tiết ra lửa dục ngùn ngụt, ngực nhô lên thụp xuống. Chàng than thầm:
– Ấy a! Bẩy cô này đều đã có chồng, thân phận trôi nổi làm vợ hờ bọn ác quỷ Mông cổ mà vẫn chưa thỏa tính hoa nguyệt, bây giờ lại bộc lộ dục tính quá đáng ở đây. Mình còn đi chung với bẩy nàng còn nhiều. Mình phải làm sao bây giờ? Ừ, thì mình nói bóng, nói gió, may ra các nàng hiểu rõ rằng các nàng phải trở lại chính đạo, xa lìa tà tâm của ca kĩ.
Nghĩ vậy chàng chỉ dòng sông trôi nước đỏ ngầu, hai bên bờ nhà cửa ẩn hiện trong các lùm cây xanh, gió thổi vi vu:
– Sông Trường giang phát xuất từ Tây tạng. Chảy qua Đại lý, Tứ xuyên thì mang tên Kim sa giang, tới vùng này gọi là Trường giang. Dưới hạ lưu có nhánh gọi là Tần hoài, cảnh trí cực đẹp, thi sĩ Đỗ Mục đời Đường có làm bài thơ khi thuyền đậu trên nhánh này. Địa Lô xin ngâm để chư vị thưởng lãm.
Chàng bật dây đàn bầu rồi cất cao giọng:
Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa,
Dạ bạc Tần Hoài, cận tửu gia.
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Đình hoa.
Ngâm dứt, chàng ngâm sang tiếng Việt:
Khói mờ nước lạnh, trăng lồng cát,
Thuyền đỗ Tần Hoài, cạnh tửu gia.
Ca nữ nào hay hờn quốc hận,
Cách sông vẫn hát Hậu đình hoa.(1)
Ngâm xong chàng nhìn bẩy nàng xem có ai hiểu ý mình không? Nhưng chàng tuyệt vọng, vì cả bẩy vẫn nhìn chàng rồi nuốt nước miếng. Nản quá, Địa Lô hát, tấu đủ mọi nhạc khí, thì ngừng lại, vì nhà đò đã dọn cơm lên. Vừa nhìn món ăn, Lan Hoa reo:
– Món ăn xứ Thục đây.
Có bốn món: một món canh nấu bằng tôm đồng, một món thịt nướng, một món chim quay, và một món cá hấp.
Vừa ăn, Địa Lô vừa gợi truyện cho Thất tiên thuật lại thời gian bị lưu giữ ở Thăng long, cũng như ở Khâu bắc, Văn sơn. Các nàng hồ hởi kể truyện được bọn chúa tướng Mông cổ sủng ái như thế nào. Trong khi thuật, giọng nói các nàng ngọt ngào, sắc mặt tươi hồng, tỏ ra hãnh diện lắm lắm.
Dã Tượng cực kỳ bất mãn, chàng hỏi móc:
– Nếu như bây giờ Đại Việt đem các chị cống cho Hốt Tất Liệt, các chị có còn tưởng nhớ đến Ngột Lương Hợp Thai, Hoài Đô, A Truật nữa không?
Thanh Hoa tưởng Dã Tượng nói thực, nàng trả lời không suy nghĩ:
– Nếu được như vậy thì hãnh diện biết bao. Vì Hốt Tất Liệt là một vị thân vương, là chúa tướng của bọn Hoài Đô. Sống với chúa tướng chẳng hơn sống với thủ hạ của y sao!
Nàng cất tiếng hát theo diệu Cò lả:
Một đêm vương giả nằm kề,
Còn hơn gã tướng nằm kề quanh năm.
Nguyên văn hai câu ca trên như sau:
Một đêm quân tử nằm kề,
Còn hơn chàng ngố nằm kề quanh năm.
Nàng đã đổi đi vài chữ.
Nhìn Tô lịch thất tiên, Địa Lô bùi ngùi, nghĩ thầm:
– Bẩy cô gái này là những báu vật trên thế gian. Hoàn cảnh đất nước biến họ là những món đồ chơi cho đàn ông. Bẩy người đều làm tỳ thiếp của bẩy danh nhân Đại Việt. Chiến tranh bùng nổ, bẩy cô bị Mông cổ bắt đem đi, nhưng chúng vẫn chiều đãi các cô. Đúng ra đối với một con gái lương gia, chỉ cần bị giặc làm nhục là họ tự tử để bảo toàn danh tiết. Hoàng, Bạch, Huyền được chúa tướng Mông cổ dùng làm tỳ thiếp, khi gặp mình đáng lẽ các cô phải xấu hổ đến chết đi được, thì lại thản nhiên tỏ ra sung sướng. Còn Thanh Hoa được chuyển từ Ngột Lương Hợp Thai sang Hoài Đô, sang A Truật, không những không cảm thấy nhục, mà còn hãnh diện, rồi làm gian tế cho chúng. Liệu khi ta đưa các nàng về cho chồng, các nàng có biết xấu hổ không hay vẫn trơ mặt đá?
Còn Dã Tượng thì nghĩ:
– Ôi! Bẩy cô này đã thành đại phu nhân mà vẫn không rửa hết được những vết dơ bẩn của ca kĩ. Họ sống trong cảnh dâm dật, dối trá riết rồi coi là sự thường. Khi mới gặp mình trên hồ, thì thiết tha xin được giải cứu về nước. Khi gặp Hoa sơn ngũ hiệp thì nguyền rủa Mông cổ. Khi bái kiến Vương Kiên thì làm như những tiết phụ, khổ sở khi phải bắt vào chốn bùn nhơ. Kinh khủng nhất là lúc ở trong đền thờ Tam anh. Các nàng không tiếc lời nguyền rủa Long Vân để lấy lòng đại sư Huệ Đăng, Địa Lô với mình. Xảo trá! Kinh tởm.
Lan Hoa là người nhỏ tuổi nhất trong Thất tiên, nàng hỏi Thúy Hồng:
– Năm nay em mười chín tuổi thì phải? Không biết Vũ Uy vương có ý gì mà cho em đi chung với Dã Tượng, trong lớp vợ chồng giả. Chắc vương muốn hai em thành đôi giai ngẫu phải không?
– Không! Vương sai em đi với anh Dã Tượng vì anh nói tiếng Hoa, tiếng Thái không giỏi. Mà em thì giỏi hai ngôn ngữ này.
– Cho dù ý vương không thế. Nhưng em là cô gái đẹp, Dã Tượng là một người con trai hùng vĩ. Khi đi với nhau, đêm xuân đáng giá nghìn vàng, sao lại bỏ phí những ngày hoa rực nở!
Thúy Hồng cãi:
– Không phải thế! Anh Dã Tượng đã có ý trung nhân rồi. Nàng tên Thanh Nga. Nhan sắc Thanh Nga e trong bẩy chị không ai bằng. Về nghệ thuật cầm ca thì Thanh Nga bỏ xa em. Hơn nữa anh Dã Tượng là một người chính nhân, quân tử. Suốt thời gian đi bên nhau không bao giờ anh ấy tỏ ra một cử chỉ khinh bạc với em.
Nghe Thúy Hồng nói, bẩy nàng mở to mắt ra kinh ngạc. Vì các nàng tự cho mình đẹp nhất đế đô. Thế mà Thúy Hồng bảo Thanh Nga còn đẹp hơn. Về nghệ thuật cầm ca, bẩy nàng chỉ ngang với Thúy Hồng, bây giờ Thúy Hồng bảo Thanh Nga hơn nàng thì có nghĩa hơn bẩy nàng xa.
– Thúy Hồng vừa đẹp vừa thông minh,
Thanh Hoa tiếp: mà em chỉ lĩnh hàm Vệ úy, hôm rồi mới được thăng Tá lĩnh, như vậy không xứngvới những gì em có. Em phải là những sủng nhân của các đại tướng quân, của các đại phú gia, đại danh sĩ. Này chị khuyên em, khi về Thăng long, treo bảng tuyển phu, một sớm một chiều trở thành đại phu nhân. Như chị Bạch Hoa thành vương phi của đại vương cầm quân Nhân Huệ vương. Như chị Hồng Hoa thành phu nhân của Vũ kị thượng tướng quân. Chứ em an phận thì không biết kiếp nào, từ Tá lĩnh lên tới tướng quân.
Thúy Hồng định trả lời thì có tiếng Địa Lô dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai:
– Mỉm cười không trả lời.
Thanh Hoa thấy Thúy Hồng không trả lời, chỉ mỉm cười thì cho rằng nàng nghe theo mình. Tiếp:
– Như các chị đây, được các danh nhân Đại Việt sủng ái cùng cực. Đến như hoàng đệ Mông cổ là Hốt Tất Liệt nghe danh, lệânh cho Thái sư Ngột Lương Hợp Thai khi vào Thăng long phải đem về dâng cho người. Bây giờ tướng quân Dã Tượng muốn đem các chị về Thăng long, đoàn tụ với chồng cũ cũng được. Nhược bằng để các chị đi Mông cổ thì cũng thành vương phi Thiên triều, thực là vinh hạnh biết bao.
Hồng Hoa tiếp lời Thanh Hoa:
– Em đẹp, trẻ hơn các chị nhiều, nếu em muốn chị sẽ tiến cử em lên cho vị Hoàng đệ của đại vương Hốt Tất Liệt là A Lý Bất Ca. Ông ấy hiện làm vua vùng chính quốc Mông cổ.
Thấy Thanh Hoa, Hồng Hoa, Lan Hoa thuyết Thúy Hồng, Dã Tượng, Địa Lô nghe giọng điệu vong quốc, ngôn tứ dâm bôn của ca kĩ, cả hai ứa gan, nhưng biết rằng nếu mình lên tiếng thì bẩy nàng sẽ không bầy tỏ hết những bí mật trong thời gian vừa qua. Hơn nữa không biết đường dây gian tế.
Dã Tượng cảm thấy đăng đắng trong miệng:
– Bẩy cô này thực là loại liễu ngõ, hoa tường. Hôm mới gặp mình thì khóc lóc làm như bị bắt theo Mông cổ là điều sỉ nhục. Bây giờ sau một thời gian, chân tướng mới từ từ hiện ra. Vậy mình có nên đem những dâm vật về cho chồng không? Những người này mà về với chồng, lại được sủng ái thì sẽ phá nát gia cang các ông. Mình hiện được coi như tướng ngoài biên cương, được toàn quyền quyết định. Hay mình tìm cách đưa các nàng cho bọn Mông cổ, để các nàng tàn hại sinh lực, trí tuệ, gia cang nhà chúng? Các ông tiếc thương kệ các ông. Còn hơn đưa về, các ông biết sự thực sẽ kinh tởm các nàng?
Aên xong, ai về khoang đó.
Có tiếng gõ cửa, Tử Lan nói với Địa Lô:
– Anh ơi! Chị Hồng Hoa bị đau bụng dữ dội lắm.
Địa Lô vội xách túi chạy đến khoang của Hồng Hoa. Nàng đang nằm trên giường ôm bụng quằn quại. Địa Lô ngồi xuống cạnh giường cầm tay trái của nàng chẩn mạch.
Hồng Hoa rên:
– Ôi đau quá! Anh đóng cửa lại rồi hãy khám bệnh.
Địa Lô đóng cửa, tiếp tục chẩn mạch. Chàng kinh ngạc, vì thông thường khi bị đau bụng do thực phẩm thì mạch Hoạt. Thế nhưng mạch Hồng Hoa lại Hồng Xác. Hồng Hoa cứ ôm bụng rên:
– Ôi đau quá.
Địa Lô án tay lên bụng nàng, thì nàng choàng tay ra ôm lấy vai chàng. Cho rằng cơn đau hành hạ, Hồng Hoa đang cơn mê loạn, nên ôm lấy mình, Địa Lô không nỡ gỡ tay nàng ra, mà tiếp tục dồn chân khí xoa khắp bụng. Không thấy triệu chứng gì khác, chàng hỏi:
– Có phải chị đau bụng kinh không?
– Phải, hằng tháng em vẫn đau như vậy ba ngày liền.
Địa Lô tự hỏi:
– Sách An Nam Y Kinh của Bồ tát Minh Không nói rằng khi đau bụng kinh thì bụng dưới căng, nóng, án sâu vào trong thì càng căng thêm. Mình đã trị chứng đau bụng kinh cho hằng trăm người, đều thấy như thế; mà sao bụng cô này không thấy nóng, chẳng thấy căng! Lạ quá. Có lẽ đây là trường hợp bất thường chăng?
Tuy vậy chàng vẫn an ủi:
– Vậy chị nằm ngay lại đi, tôi dùng châm cứu trị cho chị. Chỉ cần trị mỗi ngày một lần. Trị trong năm ngày liền, thì bệnh khỏi.
– Khỏi tạm thời hay khỏi vĩnh viễn?
– Khỏi vĩnh viễn.
Chàng móc hộp kim ra, án tay vào bụng dưới, đầu tiên châm huyệt Quan nguyên. Quan nguyên là huyệt nằm dưới rốn. Hồng Hoa rên lên mấy tiếng. Cho rằng kim làm đau. Địa Lô an ủi:
– Chịu đau một tý rồi bệnh sẽ giảm.
Chàng xoay kim 100 lần, rồi án tay vào huyệt Trung cực. Huyệt này nằm bên trên xương chậu bụng dưới. Tay chàng vừa chạm vào xương bụng thì Hồng Hoa rên lên hừ hừ. Kinh ngạc, Địa Lô chợt để ý trên khuôn mặt Hồng Hoa đỏ tươi hiện ra vẻ sảng khoái, chứ không thấy nhăn nhó khó chịu. Nhất thời chàng cho rằng kim đã làm giảm cơn đau, nên Hồng Hoa có nét mặt như vậy. Xoay kim 100 lần, rồi chàng tiếp tục châm huyệt Tam âm giao, Túc tam lý, Thái xung. Xoay kim.
Nét mặt Hồng Hoa tươi như hoa mới nở ban mai:
– Thần diệu. Anh ơi! Em hết đau bụng rồi. Anh lưu kim bao lâu?
Nhìn nét mặt Hồng Hoa tươi hồng, nàng nở nụ cười, ngực nhô lên thụp xuống. Địa Lô kinh hãi, nhìn đi chỗ khác, chàng lắc lắc đầu tự nói thầm:
– Ta là thầy thuốc. Nàng là con bệnh. Y đạo Đại Việt dạy ta phải coi con bệnh như nhau, dù nam, dù nữ, dù trai, dù gái, dù già, dù trẻ. Tất cả đều là kẻ cần cứu giúp.
Hồng Hoa cầm lấy tay Địa Lô, thở hổn hển hỏi lại:
– Anh lưu kim bao lâu?
Địa Lô khẽ gỡ tay nàng ra:
– Một khắc rưỡi ( 20 phút ngày nay).
Hồng Hoa lại hỏi:
– Anh ơi! Tại sao lại có chứng đau bụng kinh thế này? Tại sao Tử Hoa không bị, mà em lại bị?
Địa Lô giảng:
– Chứng đau bụng kinh, tên trong Y học gọi là Thống kinh hay Kinh thống. Nguyên nhân có sáu loại.
Thực chứng,
Hư chứng,
Hàn chứng,
Nhiệt chứng,
Khí đới,
Huyết ô.
– Em chỉ là cô gái suốt ngày ca hát, có đọc sách nhiều đâu mà anh nói chữ thì sao em hiểu.
Địa Lô giảng:
– Đại khái:
Đau bụng không thích án tay vào thuộc thực chứng,
Đau bụng thích án tay vào thuộc hư chứng,
Đau bụng sau khi kinh xuất, thích án tay thuộc hàn chứng,
Đau bụng trước khi có kinh, không thích án tay thuộc nhiệt chứng.
Đau ngâm ngẩm, kinh xuất khó khăn thuộc hàn trở,
Đau như cắt thuộc huyết ô.
Thầy thuốc phải biết phân loại mà đưa ra Lý, Pháp, Phương.
– Ba cái đó là gì vậy?
– Lý là bệnh lý, nguyên nhân đưa đến bệnh. Pháp là phương pháp điều trị. Phương là bài thuốc cho mỗi bệnh.
Giảng đến đây, Địa Lô nhổ kim cất vào hộp. Thuận tay chàng án vào bụng Hồng Hoa:
– Chị còn đau không?
Miệng nói chàng định rời giường, ngồi trên chiếc ghế, bên cạnh, thì Hồng Hoa năn nỉ:
– Anh ơi, anh xoa bụng cho em đi. Em cần anh bên cạnh.
Lòng Địa Lô lại nhũn ra, chàng không nỡ rời cạnh giường. Hồng Hoa cầm tay chàng ấn vào bụng, rồi quay vòng tròn. Địa Lô cảm thấy miệng khô, tai ù, chân tay như tê liệt. Trước mặt chàng, khuôn mặt thanh tú, môi hồng mọng, đôi mắt to đen, mi cong của Hồng Hoa… như hút toàn thân chàng vào cơ thể nàng. Thình lình nàng kéo tay chàng lên ngực. Một cảm giác êm đềm khó tả từ ngựïc nàng truyền vào thân thể chàng. Chàng nhắm mắt, ngồi như pho tượng.
Hồng Hoa quàng tay ra ôm chặt lấy Địa Lô. Địa Lô tuyệt không đề phòng, vì vậy chàng ngã xuống giường, nằm đè lên người nàng. Hồng Hoa hôn lên môi chàng:
– Chàng ngốc ơi! Chàng ngốc là trai tơ, chưa biết sự đời, để chị dạy cho. Chị sẽ đưa em lên tiên.
Vừa nói nàng vừa đưa tay kéo rút quần. Địa Lô như bị tê liệt toàn thân, chàng buông lỏng hết. Hồng Hoa cởi áo mình, rồi thuận tay cởi quần chàng. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó, bản chất người anh hùng trong Địa Lô bùng lên, gọi bên tai:
“ Một là trung với Xã tắc,
Hai là xả thân cứu nước,
Ba là phẩm giá, đạo đức,
Bốn là tài trí, dũng, mưu,
Năm là hiếu kính phụ mẫu”.
Chàng nhắc lại Ba là phẩm giá, đạo đức. Hồng Hoa là thê tử của Vũ kị thượng tướng quân Lý Tùng Bách. Tuy nàng là ca kĩ, tuy nàng đã đem thân dâng hiến cho bọn quỷ Mông cổ. Nhưng ta không thể đâm sau lưng Lý tướng quân.
Chàng chụp cái túi đựng thuốc rồi chạy khỏi phòng Hồng Hoa. Về tới khoang mình thấy Dã Tượng đang luyện công, chàng nằm dài ra giường thỏ dốc:
– Kinh khủng! Thì ra Hồng Hoa giả đau bụng kinh, để lừa chàng vào khu vườn dâm đãng! Hú vía.
Đêm đó thuyền đậu tại một bến nhỏ. Suốt đêm không có biến cố gì. Sáng hôm sau, Thúy Hường chỉ về sau:
– Con thuyền kia vẫn bám sát mình.
Dã Tượng dặn:
– Em cứ theo dõi, thấy có gì lạ thì báo cho anh ngay.
Lại một ngày yên tĩnh.
Ghi chú,
(1) Tần Hoài, tên sông ở tỉnh Giang tô chảy vào sông Trường giang.
Thương nữ, kỹ nữ.
Hậu đình hoa, tên một khúc hát làm trong bữa tiệc của vua Trần hậu chủ và Trương quý phi.
← Hồi 10 | Hồi 12 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác