Vay nóng Homecredit

Truyện:Võ lâm thư sinh - Hồi 29

Võ lâm thư sinh
Trọn bộ 40 hồi
Hồi 29: Hồi 29
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-40)

Siêu sale Lazada

Tiết Cừu cười hăng hắc:

- Nếu họ một tháng chưa về thì sao?

- Thì thí chủ chờ một tháng!

- Nếu một năm chưa về thì sao?

- Thí chủ đành phải chờ một năm!

Tiết Cừu lòng bừng lửa giận, trên mặt liền hiện ánh vàng nhạt, trầm giọng nói:

- Nếu họ suốt đời không về thì sao?

- Thì thí chủ chờ suốt đời...

Chưa dứt lời, Khách Tát Khách bỗng nhận thấy không ổn, bất giác buông tiếng cười khảy nói:

- Ý thí chủ là...

Tiết Cừu chẳng còn sợ phơi bày những lời nói dối của mình, nhưng cũng không trả lời thẳng, chỉ nói:

- Ý tại hạ là hôm nay phải có bằng được thuốc giải, lão thiền sư không muốn đưa cũng phải đưa.

Khách Tát Khách thản nhiên cười to:

- Thí chủ định dùng võ lực cướp lấy chứ gì?

Tiết Cừu trầm giọng:

- Đành thử một phen thôi!

Khách Tát Khách tiếp tục cười to:

- Người Trung Nguyên đến Tây Tạng chưa chắc có thể xưng hùng xưng bá, A Ba Khắc tuy là Trát Tát Khắc đại lạt ma, nhưng võ công không bằng tiểu đồ Trát Khắc!

Lúc này cục diện đã trở nên căng thẳng, Tiết Cừu chẳng cần khách sáo nữa, bèn nói:

- Cho dù Tiết mỗ táng thân tại đây, vì đạo nghĩa cũng sẵn sàng chấp nhận!

Khách Tát Khách chòng chọc nhìn Tiết Cừu hồi lâu, lão càng nhìn càng tức giận, đó đa phần là do ganh tị, bởi Bố Đạt Lạp Tự là trung tâm chỉ huy của Hồng Y giáo, trong tự cao thủ như mây, chỉ dưới mỗi một quốc sư, trên hằng vạn người, chẳng ngờ Tiết Cừu tuổi còn nhỏ mà gan to tày trời, lại dám vuốt râu hùm thế này.

Khách Tát Khách khẽ buông tiếng cười khảy nói:

- Được rồi, có gan thì tối nay giờ Tý đến đây, bổn thiền sư sẽ cho thí chủ kiến thức võ công của Tây Tạng và chuẩn bị sẵn thuốc giải Đại Ma Hoàn, có điều phải xem thí chủ có phúc lấy được hay không thôi!

Khách Tát Khách dứt lời liền cất bước đi vào kinh đường, không đếm xỉa đến Tiết Cừu nữa.

Tiết Cừu vốn định phát tác, nhưng Khách Tát Khách đã hẹn giờ Tý tối nay, chỉ còn ba bốn giờ nữa thôi, gấp gáp làm gì?

Thế là, Tiết Cừu nắm tay dắt Bạch Châu rời khỏi kinh đường, vừa đi đến dãy nhà trệt, chợt thấy bóng người nhấp nhoáng, khuất vào trong nhà.

Tiết Cừu thấy bóng người rất quen, như đã từng gặp ở đâu, bất giác sinh lòng hoài nghi, đó là ai mà lại đến đây trước chàng thế nhỉ?

Xem thân pháp của người ấy, võ công cũng chẳng kém, cách ăn mặc cũng không phải người Tạng, chàng thầm nhủ:

- Chả lẽ đây lại là trò quái quỷ của Độc Cước Thần Khất? Nhưng chẳng thể vậy được, trừ phi ông ta cũng có quái điểu như mình, hoặc là biết phép độn thổ!

Người ta đã khuất dạng rồi, Tiết Cừu cũng chẳng tiện đuổi theo, bèn theo đường cũ rời khỏi Bố Đạt Lạp Tự.

Về trong thành trời đã sẩm tối, trở lại quán rượu khi nãy, vừa hỏi đến tên La Ải Tử, quả nhiên lập tức có người dẫn vào trong.

La Ải Tử ở trong một phòng khách, đang dùng bữa tối, vừa thấy Tiết Cừu với Bạch Châu đi vào, y liền bảo phổ ky mang rượu đến đãi khách, rồi cười xiểm nịnh nói:

- Đã thấy ngọn tháp cao của Bố Đạt Lạp Tự rồi chứ? Sự náo nhiệt của Bố Đạt Lạp Tự cũng mỗi năm mới có một lần, hai vị đến thật đúng lúc, nếu không thắp hương cầu nguyện thì thật là đáng tiếc!

Tiết Cừu không tin ma quỷ thần thánh, nên chỉ nói xuôi theo hai câu rồi hỏi:

- Xin hỏi La đại thúc, Phương trượng của Bố Đạt Lạp Tự là vị nào vậy?

La Ải Tử giật mình:

- Công tử hỏi lão thiền sư Khách Tát Khách phải không?

- Ông ấy là Phương trượng của Bố Đạt Lạp Tự ư?

- Không lão nhân gia ấy thì còn là ai nữa? Công tử muốn hỏi điều gì?

- Tại hạ muốn biết con người của ông ấy thế nào?

La Ải Tử giật nẩy mình, hết sức kinh hãi nói:

- Công... công... công tử đừng nói lớn như vậy, những người dân Tạng trong thành Lạp Tát đều sùng kính lão nhân gia ấy như thần linh, không ai dám phê bình nửa lời, công tử...

Tiết Cừu nực cười ngắt lời:

- Họ chẳng phải không biết tiếng Hán hay sao? Đại thúc sợ gì chứ?

La Ải Tử mặt mày tái mét nói:

- Chính vì họ không biết, lão hán mới dám nói với công tử. Nhưng mà lão thiền sư biết, lão nhân gia ấy đã luyện thành thuật thiên thị địa thính, người nói chuyện ngoài ngàn dặm, lão nhân gia ấy cũng nghe rõ mồn một, không gì giấu diếm được lão nhân gia, những lời nói của công tử nếu để cho lão nhân gia nghe được...

Rõ là chuyện viển vông, Tiết Cừu càng nực cười hơn, nhưng chàng chẳng thể không suy nghĩ, việc dân Tạng sùng kính Khách Tát Khách như thần linh, đó là vì sự cao cả hay là khiếp sợ sự độc ác tàn bạo của ông ta?

Thoạt nhìn tướng mạo của ông ta, quả là giống một vị cao tăng đắc đạo, nhưng tính khí cố chấp và ngang ngược của ông ta lại không giống thái độ phải có của một vị cao tăng đắc đạo, thật là mâu thuẫn.

Qua lời nói của La Ải Tử, hiển nhiên không thể nào hỏi lão ta về vấn đề này.

La Ải Tử bỗng nói:

- Nghe khẩu khí này của công tử, lão hán thật không yên tâm cho công tử, công tử nên nhân sớm rời khỏi đây thì hơn. Lão hán đã tìm được người dẫn đường cho công tử rồi.

Tiết Cừu đã biết trong Bố Đạt Lạp Tự có thuốc giải, hà tất bỏ gần tìm xa, bèn nói:

- Tại hạ không đi Kiết Nhĩ Thiếp nữa!

La Ải Tử sửng sốt:

- Vì sao vậy?

- Tại hạ đến Kiết Nhĩ Thiếp là vì một vật, giờ nơi đây đã có, tại hạ không cần đi nữa!

La Ải Tử mặt lộ vẻ hết sức thất vọng. Ngay khi ấy, bên ngoài có người gọi tên La Ải Tử, La Ải Tử nghe tiếng giật mình, chẳng chào hỏi Tiết Cừu, vội vã ra khỏi phòng.

Tiết Cừu thấy vậy, liền rón rén đi theo sau La Ải Tử, đến cửa nhìn vào, chỉ thấy bóng đỏ nhấp nhoáng, đã khuất vào trong một gian phòng khác.

Nhưng chàng biết đó hẳn là lạt ma của Bố Đạt Lạp Tự, và chắc chắn không phải Khách Tát Khách, mà là Trát Khắc, môn đồ của Khách Tát Khách.

Trát Khắc đến đây đương nhiên là vì chàng, nhưng chàng không chút kinh ngạc, có thể Trát Khắc đã phụng mệnh theo dõi chàng cũng nên.

Tiết Cừu đã không thể nghe trộm đối phương nói chuyện, đành quay vào phòng, cùng Bạch Châu ăn no rồi hẵng tính.

Lát sau, La Ải Tử trở vào phòng, một ra một vào hoàn toàn với bộ mặt khác nhau, khi nãy là kinh hoàng, còn lúc này thì cười hớn hở.

La Ải Tử ngồi xuống xong, rót lấy một chung rượu rồi mới nói:

- Thì ra Tiết thiếu hiệp là một hiệp sĩ Trung Nguyên, La Ải Tử thật thất kính, phải tự phạt ba chung rượu mới được!

Dứt lời, La Ải Tử uống liền ba chung rượu, đoạn nói tiếp:

- La Ải Tử có mắt không biết Thái Sơn, suýt nữa là làm chuyện xấu xa bỉ ổi rồi!

Thì ra La Ải Tử lấy cớ là tìm người dẫn đường, thật ra là định giữa đường cướp đoạt tài vật của Tiết Cừu.

Giờ nghe Tiết Cừu võ công trác tuyệt, đâu dám còn ý định ấy nữa, Tiết Cừu không đi Kiết Nhĩ Thiếp, giờ chẳng còn dính dáng đến lão nữa.

Tiết Cừu nghe lão nói vậy, dường như lão đã biết hết mọi chuyện, bèn nói:

- Vừa rồi là bạn bè gì của đại thúc vậy?

La Ải Tử mỉm cười bí ẩn:

- Đó là một người bạn thân của La Ải Tử, hiện là Trát Tát Khắc đại lạt ma của Hồng Y giáo trong Bố Đạt Lạp Tự, võ công hết sức cao cường, nghe y nói võ công của Tiết thiếu hiệp còn cao hơn y, La Ải Tử tuổi già được gặp cao nhân, thật ba đời vinh hạnh, hôm nay phải uống một bữa thỏa thích mới được.

Tiết Cừu mỉm cười:

- Vậy La đại thúc hẳn cũng là tiền bối võ lâm rồi!

La Ải Tử ha hả cười to:

- Nói gì tiền bối võ lâm, La Ải Tử trời sanh kém cỏi, dù học võ công cũng chẳng có thành tựu, chỉ để khỏe người và phòng thân thôi!

Đôi bên khách sáo một hồi, La Ải Tử đã uống liền mười mấy chung rượu. Tiết Cừu vẫn theo diệu sách do Bạch Châu dạy cho, cùng uống bảy tám chung, dần dà cuộc chuyện trò đã đi vào đề tài chính.

Chỉ nghe La Ải Tử hỏi:

- Tiết thiếu hiệp đến đây chẳng hay có mục đích gì, lão hán tuy không trợ giúp gì được, nhưng quen nhiều người và thuộc đường lối, ít nhiều cũng có thể ra sức cho thiếu hiệp, chẳng hay thiếu hiệp có tin được lão hán hay không?

Tiết Cừu nghe đối phương nói rất chân thành, không như giả vờ, có được một người bạn thế này giúp đỡ thì còn gì bằng, bèn chẳng ngần ngại nói cho La Ải Tử biết mục đích.

Nghe xong, La Ải Tử chau mày nói:

- Chẳng hay lúc ban ngày Khách Tát Khách lão thiền sư đã đối xử với thiếu hiệp ra sao?

La Ải Tử hỏi vậy, chứng tỏ lão không hề biết gì về chuyện ban ngày, vậy thì người đã đến khi nãy quả thật là bạn của lão, chứ không phải do Khách Tát Khách phái đến, bèn lại kể về chuyện gặp gỡ Khách Tát Khách một cách cặn kẽ.

Nghe xong, La Ải Tử biến sắc mặt nói:

- Không, tuyệt đối không nên đi, Bố Đạt Lạp Tự tuy là thánh địa Phật môn, nhưng bên trong đầy cạm bẫy và cao thủ rất đông. Tiết thiếu hiệp đến đó e dữ nhiều lành ít, song quyền nan địch tứ thủ, hà tất mạo hiểm, chúng ta nên nghĩ cách khác thì hơn!

Tiết Cừu lắc đầu cười:

- Tiết mỗ đã nhận lời, sao thể không đi? Dù là núi đao hay vạc dầu, Tiết mỗ cũng phải đến, nếu không, thiên hạ sẽ chê cười Tiết mỗ hèn nhát còn gì?

La Ải Tử lắc đầu nguầy nguậy:

- Tiết thiếu hiệp hãy mở cửa sổ sau ra xem thử!

Tiết Cừu không hiểu ý La Ải Tử, vừa định đứng lên, Bạch Châu đã tranh trước mở cửa sổ sau ra, chỉ nghe Bạch Châu kêu lên một tiếng sửng sốt, Tiết Cừu liền quay đầu lại nhìn...

Chỉ thấy ngoài vườn một màu trắng xóa, thì ra là sương giăng mù mịt.

Lại nghe La Ải Tử nói:

- Thành Lạp Tát ngày nào đêm đến cũng sương mù dày đặc, khó nhìn thấy cảnh vật ngoài một trượng, cho đến hôm sau mặt trời lên cao mới tan dần, như vậy thật hết sức bất lợi cho thiếu hiệp. Nhất là lão thiền sư Khách Tát Khách ở đây nhiều năm, đã quen với sương mù, trong khi thiếu hiệp mới đến chưa quen, một khi vào trong sương mù, e rằng ngay cả phương hướng cũng không phân biệt được, làm sao còn có thể động thủ với người chứ?

Lời nói của La Ải Tử hoàn toàn là quan tâm cho Tiết Cừu và suy tính hết sức chu đáo, khiến Tiết Cừu vô cùng cảm động.

Thế là, Tiết Cừu liền ra chiều do dự, trong đời chàng chưa từng thấy sương mù dày đặc thế này, đi vào trong ấy rất có thể đúng như La Ải Tử đã nói, ngay cả phương hướng cũng không phân biệt được.

Tiết Cừu đang do dự, La Ải Tử lại nói:

- Nhưng nếu Tiết thiếu hiệp nhất quyết đi thì lão hán có thể cho biết một điều, đó là trên mái tháp Bố Đạt Lạp Tự có một viên vụ (sương) châu, viên châu này phát ra ánh sáng xanh trong sương mù, chỉ cần nhắm vào đó là không sợ lạc hướng. Tuy nhiên, dẫu sao thì không đi vẫn hơn!

Tiết Cừu nghe vậy mừng rỡ nói:

- Đã có vụ châu phân biệt phương hướng, vậy thì Tiết mỗ quyết phải đi mới được!

La Ải Tử thấy ý chàng đã quyết, bèn không cản ngăn nữa, từ trong lòng lấy ra ba chiếc pháo hiệu to cỡ ngón tay cái và dài năm tấc, trao cho Tiết Cừu và nói:

- Đây là ba chiếc pháo hoa đỏ, nếu cần thiết hãy ném lên không, sẽ có người ngầm trợ giúp thiếu hiệp... Nhưng thiếu hiệp chớ nghĩ bậy, người giúp thiếu hiệp không phải lão hán đâu!

Tiết Cừu đón lấy, cảm tạ rồi cất vào lòng.

Bạch Châu đứng bên lặng lẽ lắng nghe.

(Thiếu trang 22, 23) - Lão bá nói vậy nghĩa là sao?

La Ải Tử cười hăng hắc:

- Ngươi chớ mà không bằng lòng, dân Tạng người nào không muốn xuất gia, được vào trong Bố Đạt Lạp Tự phải là kiếp trước tu nhiều âm đức mới có phúc phận ấy!

Bạch Châu tuy không hiểu La Ải Tử nói gì, nhưng nhận thấy hẳn là không đơn giản, bèn giả khờ lắc đầu nói:

- Làm hòa thượng có gì tốt? Bạch Châu không thèm, Bạch Châu còn phải trở về Trung Nguyên kia mà!

La Ải Tử khằng khặc cười to:

- Ngươi còn muốn về Trung Nguyên ư? Chớ nằm mơ, kiếp này ngươi cũng đừng hòng...

Bạch Châu giả vờ kinh hãi:

- Bạch Châu không thể trở về ư? Còn Tiết thúc thúc thì sao?

La Ải Tử đắc ý nhướng mày:

- Hắn hả? Có lẽ ngay cả hài cốt lông tóc cũng chẳng còn chút nào!

Bạch Châu giật mình cả kinh, vừa định hỏi dò, La Ải Tử bỗng quát to, nói xí xồ xí xào gì đó, ngoài cửa sổ liền xuất hiện bốn người Tạng cao to vạm vỡ.

Bạch Châu vừa nhìn thấy bốn người Tạng đã biết họ không phải cao thủ võ lâm, chẳng qua chỉ có sức mạnh mà thôi.

Nhưng Bạch Châu chỉ mới mười ba tuổi, người vốn đã không cao, tuy đôi mắt sáng ngời, nhưng dẫu sao cũng là một đứa bé, có gì đáng sợ?

Thế là, dưới tiếng quát tháo của La Ải Tử, một người lập tức lao tới, vươn bàn tay to bè ra chộp, nếu chộp trúng cũng chẳng dễ vùng khỏi.

Bạch Châu người tuy bé nhưng võ công chẳng kém, từ khi kỳ kinh bát mạch được Tiết Cừu đả thông, công lực đã tăng gấp bội, cộng thêm những ngày gần đây sớm tối bên Tiết Cừu, Tiết Cừu đã truyền cho mấy môn tuyệt kỹ, tuy chưa luyện thành thục, nhưng đã khác xưa rất nhiều.

Lúc này, Bạch Châu thấy người Tạng vươn tay chộp đến, cậu bé đứng yên, chờ bàn tay đối phương đến sát đỉnh đầu mới nghiêng người xoay nhanh, chộp lấy cổ tay đối phương, rồi chân phải móc ngang, "phịch" một tiếng, gã người Tạng đã ngã sấp trên đất.

Bạch Châu đã ra tay là không khách sáo nữa, cậu bé vênh mặt, hai mắt trợn trừng, đứng uy nghi như một tiểu sát thần, buông tiếng "hừ" lạnh lùng nói:

- La Ải Tử, cho lão biết Bạch Châu này không dễ hà hiếp đâu, đừng thấy tiểu gia người bé mà xem thường. Tất cả các người hãy cùng xông vào, tiểu gia chỉ cần vài chiêu là khiến các ngươi nằm xuống hết, nếu không, tiểu gia không mang họ Bạch nữa!

La Ải Tử vừa thấy Bạch Châu thân thủ nhanh nhẹn cũng cảm thấy ớn, nhưng nghe Bạch Châu nói vậy, lão nghĩ cậu bé chẳng qua chỉ có một vài chiêu mà thôi, thế là lão liền lấy lại can đảm, cười khằng khặc nói:

- Tiểu tạp chủng, ta chẳng cần biết ngươi họ Bạch hay họ Hắc, nếu ngươi mà sống được ra khỏi đây, kiếp sau ta sẽ trở thành con rùa đen, bò bằng bốn chân...

Bạch Châu vừa nghe đối phương mắng mình là "tiểu tạp chủng", lửa giận liền bốc cao, vừa định xông tới túm lấy lão, cho lão nếm mùi đau khổ trước, rồi hẵng bức hỏi về chuyến đi của Tiết Cừu thật ra có sự nguy hiểm gì?

Nào ngờ người chưa động đậy, gã người Tạng bị kéo ngã vừa rồi đã đứng lên lao tới, miệng xì xồ xì xào chẳng rõ mắng chửi gì.

Bạch Châu thấy vậy cả giận, gã người Tạng này đúng là đã chán sống, cậu bé vốn rất căm thù kẻ ác, xuất thủ không nhân từ như Tiết Cừu, chỉ thấy cậu bé lẹ làng thụp người lách sang bên, tiện tay một chưởng vỗ vào bụng đối phương, tuy là tiện tay nhưng chưởng này bao gồm cả cương lẫn nhu, có chứa Huyền Qua thần công do Tiết Cừu truyền cho.

Chỉ nghe gã người Tạng ấy rú lên một tiếng thảm thiết, rồi liền ngã ngửa ra đất, ôm bụng lăn lộn và rên la liên hồi, hiển nhiên thọ thương chẳng nhẹ.

Bạch Châu nóng lòng lo cho sự an nguy của Tiết Cừu, một chưởng đánh ngã gã người Tạng, liền tung mình lao bổ về phía La Ải Tử.

Ba gã người Tạng khác vừa thấy đồng bọn thọ thương ngã ra đất, tuy biết Bạch Châu võ công cao cường, nhưng dẫu sao cũng chỉ là một đứa bé, ba người đàn ông to khỏe chả lẽ lại sợ, nên liền cùng giận dữ lao bổ vào Bạch Châu.

Thế là họ đã cản Bạch Châu lại, Bạch Châu cả giận, hai tay chưởng chỉ cùng lúc thi triển, xoay người một vòng, ba gã người Tạng đã ngã lăn ra đất.

La Ải Tử vừa thấy tình thế không ổn, vội định đào tẩu, vừa chạy đến cửa, bỗng cảm thấy cổ áo bị nắm chặt, người liền bay bổng lên không, trở vào trong phòng.

La Ải Tử hồn phi phách tán, há miệng chưa kịp kêu la, bỗng cảm thấy người dừng lại trên không, không lên cũng không xuống, đánh bạo ngoảnh lại nhìn, chỉ thấy Bạch Châu đứng thừ ra như tượng gỗ, phía sau có một lạt ma áo đỏ trẻ tuổi, chính là Trát Khắc.

La Ải Tử mừng không xiết kể, liền ra sức vùng mạnh, nhưng không thoát, vì người lão đang lơ lửng trên không, không có điểm tựa, và Bạch Châu lại nắm quá chặt.

Trát Khắc tiến tới, gỡ ngón tay của Bạch Châu ra, La Ải Tử mới có thể xuống đất, chỉ nghe Trát Khắc hỏi:

- Hắn đã đi bao lâu rồi? Sao không báo cho bổn lạt ma biết?

La Ải Tử hoàn hồn, gãi đầu nói:

- Vì tiểu tử này ở đây, lão hủ định thuyết phục hắn rồi mới báo với đại lạt ma, nào ngờ mới nói có mấy câu là tiểu tử này đã nổi hung, nếu không nhờ đại lạt ma đến kịp lúc...

Thì ra Trát Khắc này tuy tuổi còn trẻ, nhưng đã được phong chức Trát Tát Khắc đại lạt ma, trong Hồng giáo chỉ thấp hơn thiền sư một bậc mà thôi.

Trát Khắc sốt ruột ngắt lời:

- Lão đã đưa pháo hiệu cho hắn rồi chứ?

La Ải Tử gật đầu:

- Rồi!

- Hắn đã đi thật rồi chứ?

La Ải Tử lúc lắc đầu ra chiều đắc ý:

- Nếu lão hủ mà không dùng kế phản gián khích tướng, hắn thấy sương mù thế này cũng chưa chắc dám đi!

Trát Khắc đôi mày thư giãn:

- Vậy thì bất kể chuyện thành hay bại, ngày mai hãy đến Bố Đạt Lạp Tự lãnh thưởng!

Trát Khắc dứt lời, vừa định quay người, La Ải Tử vội nói:

- Đại lạt ma, tiểu tử này thế nào? Lão thiền sư cũng từng gặp hắn rồi, có chịu thu nhận không?

Trát Khắc quay lại, ngắm nhìn Bạch Châu và nói:

- Gia sư có khen hắn tư chất rất tốt, bẩm phú hơn người, chỉ tiếc là hơn lớn tuổi, chẳng rõ có chịu thu nhận hay không. Ngày mai hãy đưa hắn đến thử xem, nhưng không được làm hắn tổn thương đấy!

Trát Khắc dứt lời, liền ra khỏi phòng đi khỏi.

La Ải Tử thấy dáng vẻ hống hách của Trát Khắc, lão bực tức lẩm bẩm:

- Bây giờ thì oai rồi, năm xưa nếu không nhờ ta bán ngươi cho lão thiền sư, làm sao ngươi có được ngày hôm nay? Nếu không nhờ ta tham tiền, đã giết chết ngươi từ lâu rồi!

Đoạn trỏ tay vào mũi Bạch Châu nói:

- Chẳng rõ tiểu tử ngươi có phúc khí này hay không, nếu được lão thiền sư thu nhận, ngươi đừng quên đại đức của ta...

"Bốp" một tiếng, La Ải Tử đã lãnh lấy một cái tát tai, tiếng kêu rất vang, chứng tỏ cái tát tai này chẳng nhẹ, La Ải Tử liền ngã lăn ra đất, khóe miệng rỉ máu tươi.

La Ải Tử trong cơn đau điếng, càng hồn phi phách tán, Bạch Châu đột nhiên như người chết sống lại, cái tát tai này chính là do cậu bé ban cho.

Thật ra là sao thế này?

Thì ra ngay khi Bạch Châu tóm cổ La Ải Tử kéo trở vào phòng, bỗng thấy ngoài cửa bóng đỏ nhấp nhoáng, biết là lạt ma trong Bố Đạt Lạp Tự, vừa định bỏ La Ải Tử xuống, quay lại nghinh chiến, chợt cảm thấy kình phong ập đến sau lưng, tốc độ nhanh khôn tả, vội lách người né tránh, nào ngờ đối phương là môn nhân đắc ý của Khách Tát Khách, võ công cao hơn bọn A Ba Khắc rất nhiều, và lại trong lúc bất ngờ, Bạch Châu sao thể tránh khỏi, liền bị điểm trúng huyệt Kiên Tỉnh.

Cũng may là lúc sắp bị điểm trúng, Bạch Châu vừa lách sang bên, nên không nặng lắm.

Huyệt Kiên Tỉnh bị điểm, miệng không thể nói và người không cử động được, nhưng lại vẫn còn có thể nghe, lòng hiểu rõ hết, nên cậu bé cũng hết sức kinh hãi.

Cũng may là lúc Tiết Cừu truyền thụ võ công cho cậu bé, chàng đã dạy cách giải huyệt trước, vì sợ Bạch Châu rời xa chàng gặp phải kẻ địch, giải huyệt là điều rất cần thiết.

Giờ Bạch Châu quả nhiên bị chế ngự, liền áp dụng phương pháp giải huyệt do Tiết Cừu truyền cho, vận khí hành công xung môn quá huyệt, lúc Trát Khắc bỏ đi, huyệt đạo của cậu bé cũng vừa giải khai.

Bởi đã nghe hết cuộc đối thoại giữa La Ải Tử với Trát Khắc, Bạch Châu tức giận La Ải Tử quá hiểm độc, trước tiên tặng cho lão một tát tai, rồi xách lão lên hậm hực nói:

- Chuyến đi của Tiết thúc thúc thật ra có nguy hiểm gì? Nói mau!

La Ải Tử khiếp đởm kinh tâm, nhưng lão còn hy vọng Trát Khắc chưa đi xa, có thể quay lại cứu lão, bèn cắn răng nói:

- Ta đâu có biết gì về chuyện ấy, làm sao nói với ngươi chứ?

Bạch Châu tuy bé nhưng đôi mắt sáng quắc, trừng lên như phóng ra hai luồng điện lạnh và ngập đầy lửa giận, gằn giọng nói:

- Lão có giỏi thì đừng nói!

Rồi liền một chỉ điểm vào lưng La Ải Tử, La Ải Tử định cắn răng chịu đựng, nhưng không thể được, chỉ cảm thấy toàn thân đau ngứa như ngàn vạn trùng kiến bò đi, bất giác bật lên tiếng rên la và lăn lộn liên hồi.

Bốn gã người Tạng thọ thương khi nãy thấy La Ải Tử như vậy, họ lại trở nên yên lặng, không rên la nữa.

Bạch Châu cười hăng hắc nói:

- Để xem lão chịu đựng được đến bao giờ!

Chịu đựng được bao lâu, chỉ chốc lát La Ải Tử đã sức cùng lực kiệt, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, luôn miệng van xin, trông hết sức thảm não.

Bạch Châu hậm hực đá cho lão một cái và nói:

- Nếu lão mà giở trò quái quỷ, để xem lão có thể chịu đựng được mấy loại cực hình.

Sau cú đá, La Ải Tử lập tức hết đau ngứa, lão bải hoải nằm trên đất, ngay cả sức bò dậy cũng chẳng còn. Lão đưa tay lau mồ hôi trán và mặt một hồi mới nói:

- Tiết thiếu hiệp ra đi phen này, nếu bị lão thiền sư đánh bại, chết chắc là điều khỏi phải nói, còn như võ công của Tiết thiếu hiệp cao hơn lão thiền sư, hẳn bị dụ vào Tuyệt Hồn mê trận, đã vào trong mê trận rồi thì đừng hòng trở ra nữa. Trong lúc nguy cấp, Tiết thiếu hiệp hẳn nghĩ đến pháo hiệu đỏ của lão hủ, nhưng pháo hiệu ấy là họa chứ không phải phúc, đó là hằng vạn độc tiễn và độc dịch phủ đầu chứ không phải viện thủ; còn như Tiết thiếu hiệp tránh khỏi độc tiễn và độc dịch, lúc ấy bằng hữu của lão hủ sẽ xuất viện, y sẽ lén dẫn Tiết thiếu hiệp ra khỏi mê trận, rồi lại đưa vào hầm luyện đơn vạn năm, cửa của hầm này không đóng thì thôi, hễ đóng lại rồi, dù là thần tiên cũng khó thể làm cho Tiết thiếu hiệp sống lại.

Bạch Châu nghe lão nói ghê gớm như vậy, buột miệng hỏi:

- Trong hầm luyện đơn sao lại ghê gớm như vậy?

La Ải Tử vốn định không trả lời, lại sợ ngón tay của Bạch Châu lợi hại, đành nói:

- Hầm luyện đơn ấy là một hang động thiên nhiên, trong có đến hàng ngàn gánh củi khô, cửa hầm bằng sắt dày và nặng đến vạn cân, đóng mở đều phải điều khiển bằng máy móc. Khi cửa hầm đóng lại, lửa tự động bốc cháy không cần người đốt, nhưng lửa trong hầm mà không tắt, cửa hầm vĩnh viễn không mở ra được, dù là đại quốc sư hay lão thiền sư cũng chịu bó tay, đó là do nguyên nhân như thế nào, xin thứ cho lão hủ không sao nói được.

Bạch Châu nghe xong, mặt đã biến sắc, vội bỏ mặc La Ải Tử phóng qua cửa sổ, nhanh như chớp mất dạng trong sương mù.

Hãy nói về Tiết Cừu rời khỏi khách điếm, đi trong sương mù ra khỏi cửa tây thành, trước mắt quả nhiên xuất hiện một luồng sáng xanh, chiếu thẳng lên không.

Tiết Cừu thầm nhủ:

- Vụ châu này quả là một bảo vật hiếm có trên đời!

Trong lúc ngẫm nghĩ, chàng đã đến bên ngoài Bố Đạt Lạp Tự, chỉ thấy cửa chùa mở toang, trong đại diện không một bóng người, khác hẳn cảnh náo nhiệt lúc ban ngày.

Tiết Cừu sải bước đi qua cổng chùa, vẫn theo lối đi lúc ban ngày, từ bên trái vòng qua cửa tròn, đi vào hoa viên.

Vì sương đêm quả là quá dày đặc, không sao nhìn rõ cảnh vật ngoài một trượng, nên Tiết Cừu sau khi vào chùa, chẳng thể không đề cao cảnh giác, từng bước phòng bị.

Vừa đi đến trước dãy nhà trệt, bỗng nghe một tiếng "ủa" vang lên, rồi thì một giọng lạnh lùng nói:

- Sương mù dày đặc thế này, còn muốn đến đây nộp mạng thật ư?

Tiết Cừu giật mình, tiếng nói này không phải của Khách Tát Khách, giọng nói tuy lạnh, nhưng không nên có tiếng "ủa" kinh ngạc trước đó, như hết sức không ngờ và đượm vẻ quan tâm.

Tiết Cừu bèn nói:

- Vị bằng hữu nào có gì chỉ giáo, xin hiện thân ra gặp được chăng?

Người ấy cười khảy nói:

- Ngươi tự muốn nộp mạng, việc gì đến lão phu!

Tiết Cừu tức giận, nhưng chàng không cần thiết phải gây sự với người ta, lúc này nguy cơ bốn bề, bớt một chuyện hơn là thêm một chuyện.

Thế nên, Tiết Cừu nén giận, đi thẳng đến trước kinh đường.

Dọc đường chẳng những không thấy một bóng người, mà cũng chẳng phát hiện điều gì khác lạ, Tiết Cừu lòng hết sức thắc mắc, chả lẽ họ nghĩ mình không đến hay sao?

Tiết Cừu vừa định cất tiếng gọi, bỗng nghe tiếng nói của lão thiền sư Khách Tát Khách từ phía trái vang lên:

- Tiết thí chủ đã đến muộn rồi!

Tiết Cừu sững sờ, đây đâu phải khoa trường ứng thí, đến muộn là bị đóng cửa nhốt ở ngoài, chàng chẳng kể đến muộn hay không, mục đích của chàng chỉ là thuốc giải Đại Ma Hoàn, bèn nói:

- Lão thiền sư, sương giăng đầy trời, không nhìn thấy trăng sao, sao nói là muộn mới không muộn? Tiết mỗ đến đây chỉ xin lão thiền sư tặng cho ít thuốc giải Đại Ma Hoàn...

Trong sương mù vang lên tiếng cười đinh tai nhức óc, hồi lâu mới ngưng, nói:

- Đại Ma Hoàn là thần dược bí chế của bổn giáo, thuốc giải của nó đâu thể dễ dàng đưa cho thí chủ, thí chủ đã có ý định dùng võ lực cướp lấy, bổn tọa cũng chẳng còn gì để nói. Thí chủ một mình đến đây phó ước, không dẫn theo tiểu thí chủ kia, thật hợp với cục diện hôm nay, vì bổn tọa cũng không để lại một người nào, một chọi một thật là công bằng.

Nghe xong, Tiết Cừu bất giác rợn người, vì khi nghe tiếng nói, chàng đã chú mắt nhìn, nhưng chẳng thấy gì cả. Trong khi đối phương lại nhìn thấy mình rất rõ, biết mình không dẫn theo Bạch Châu, như vậy là mình đã thua kém đối phương một bậc rồi.

Lại nghe Khách Tát Khách nói tiếp:

- Chúng ta một đấu một, bổn tọa sử dụng trường kiếm, thí chủ sử dụng binh khí gì?

Tiết Cừu không đáp mà hỏi ngược lại:

- Lão thiền sư đã nói là chuẩn bị sẵn thuốc giải, vậy thuốc đâu?

Khách Tát Khách lại cười to:

- Chỉ cần thí chủ thắng được trường kiếm trong tay bổn tọa, bổn tọa sẽ đưa thí chủ đi lấy ngay!

Tiết Cừu không biết đối phương có âm mưu khác, chàng vốn là người chính trực, nghĩ ai cũng như mình, đối phương là thiền sư địa vị tôn cao trong Hồng giáo, đâu thể nào nói mà không giữ lời, bèn từ trong túi da lấy Kim Liên Hoa ra và nói:

- Tiết mỗ sử dụng cái này!

Khách Tát Khách kinh ngạc:

- Ủa, kim liên hoa ư?

Vậy là không còn nghi ngờ gì nữa, nhãn lực của đối phương hơn mình rất nhiều, có lẽ do lâu ngày ở trong sương mù nên đã quen.

Nhưng Tiết Cừu vẫn không ngán sợ, vì hai người động thủ tuyệt đối không thể cách xa một trượng.

Bỗng nghe Khách Tát Khách quát:

- Coi chừng, kiếm đến rồi đây!

Trong sương không thấy ánh sáng, Tiết Cừu càng thêm lấy làm lạ, đối phương dùng bảo kiếm gì mà không có ánh sáng, và cũng không nghe tiếng gió thế này?

Tiết Cừu đang kinh ngạc thắc mắc, chợt thấy một đốm đen nhỏ bay đến trước ngực như thể phi xà, nhưng vẫn chưa thấy Khách Tát Khách hiện thân, chú mắt nhìn, thì ra là một thanh kiếm nhỏ màu đen, dài chỉ hơn thước, chuôi kiếm có buộc một sợi xích sắt, nhưng không thấy rõ dài cỡ nào, có lẽ do Khách Tát Khách đặc chế, chuyên dùng để đối địch trong sương mù.

Tiết Cừu nhếch môi ra chiều khinh bỉ, Kim Liên Hoa trong tay quét ngang ra, nếu trúng, thanh kiếm đen hẳn gãy đôi ngay.

Khách Tát Khách là cao thủ đứng đầu trong Hồng giáo, ngoại trừ quốc sư, đã sử dụng được loại binh khí như vậy, đâu phải là hạng tầm thường, dễ gì bị Kim Liên Hoa của Tiết Cừu đánh trúng.

Chỉ thấy thanh kiếm đen đột nhiên đưa ngang, ra xa ba thước, chớp mắt lại đâm chếch vào sau lưng Tiết Cừu, thật linh hoạt, chẳng kém gì phi xà.

Tiết Cừu kinh hãi, phi kiếm của đối phương lại có chiêu thức tuyệt diệu thế này, vội nghiêng người tránh và tung mình về phía ngược lại.

Người vừa động đậy, bỗng lại có một bóng đen bay đến, đó cũng là một thanh kiếm đen, có điều dài hơn kiếm thường, đến ba thước bảy tám và thân kiếm rất rộng, ngăn cản đường lui của Tiết Cừu.

Tiết Cừu sau một thoáng ngẩn người, Kim Liên Hoa thi triển chiêu Tướng Quân Ngự Giáp che trước cản sau, chỉ nghe tiếng binh khí chạm nhau liên hồi, Tiết Cừu thi triển Thất Tuyệt Du Thân Bộ, thoắt cái đã lui sang bên.

Lúc này, Tiết Cừu bất giác cảm thấy ớn lạnh, bởi chàng đang ở trong tình thế rất bất lợi, vừa rồi lúc trường kiếm đen bay đến, trong khoảnh khắc cấp bách, chàng vẫn trông thấy bóng dáng của Khách Tát Khách.

Chàng nghĩ thật nhanh, không dám đứng lâu, liền tức lao vào trong sương mù, nhưng liên tiếp hai lần cũng chẳng thấy bóng dáng của Khách Tát Khách, lòng hết sức kinh hãi và kỳ lạ.

Kinh hãi là khinh công của Khách Tát Khách không hề gây ra một tiếng động khẽ, như còn cao hơn chàng, kỳ lạ là chẳng rõ đối phương dùng cách gì mà lại biết trước, tránh khỏi được hai lần tấn công của chàng.

Bỗng nghe Khách Tát Khách cười hăng hắc nói:

- Sao không tấn công nữa, cứ hết sức thi triển đi...

Chỉ câu nói ấy, Tiết Cừu đã nhận rõ phương vị, chàng chẳng tin đối phương thân pháp như u linh, không chờ Khách Tát Khách dứt lời, liền lại tung mình lao tới.

Rõ ràng nghe Khách Tát Khách cất tiếng nói ở đây, ai ngờ vẫn lao vào khoảng không, Tiết Cừu thật vô cùng kinh hãi, song chàng cũng lẹ làng lạng người ra xa hơn trượng, đứng lặng yên với bất biến ứng vạn biến. Chàng chẳng tin Khách Tát Khách quả thật có bản lĩnh thông thiên triệt địa, có phép xua thần gọi quỷ.

Tĩnh lặng một hồi lâu, hai người đều không ai lên tiếng, cũng chẳng có chút tiếng động.

Tiết Cừu đứng yên, Khách Tát Khách cũng không tấn công, chàng hết sức yên tâm, vậy là nhãn lực của Khách Tát Khách cũng chẳng hơn chàng là bao.

Tiết Cừu bỗng nảy ý, liền cúi xuống nhặt lấy một hòn đá cỡ nắm tay, ra sức ném mạnh, phát ra tiếng gió vù vù.

Ngay lập tức, tiếng nói của Khách Tát Khách từ phía phải không xa vang lên:

- Sao? Định đào tẩu hả? Đâu dễ dàng vậy được?

Vừa dứt tiếng, trước mắt ánh vàng lóe lên, Tiết Cừu đã vung động Kim Liên Hoa lao đến, một hồi giao thủ kịch liệt, tiếng binh khí chạm nhau chát chúa, phá vỡ trời đêm.

Tiết Cừu ném đá gây ra tiếng gió quả giống như người phóng đi, cuối cùng đã dụ được Khách Tát Khách hiện thân.

Lúc này tuy hai người đã ở gần nhau, nhưng Tiết Cừu vẫn chưa nhìn rõ được bóng dáng của Khách Tát Khách, chỉ thấy một bóng người lờ mờ, tay cầm hai thanh kiếm một dài một ngắn, chỉ có đôi mắt sáng là khiến Tiết Cừu nhận ra được vị trí của đối phương mà tấn công.


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-40)


<