← Hồi 462 | Hồi 464 → |
Lão Bao mới khỏi bệnh, quần áo mặc lên người thùng thình, không còn là ông lão béo tốt nữa, nhưng thêm chút vẻ tiên phong đạo cốt, chỉ tiểu trấn ca ngợi: - Đất Trần Thương này nước suối trong ngọt, dùng pha trà nấu rượu đều rất tốt, nay lương thực không đủ, triều đình chẳng thể mở xưởng rượu, chỉ dựa vào chế tác đậu hũ thôi có thể nuôi sống cả vùng, thật tuyệt diệu.
Vân Tranh khịt mũi: - Có gì tuyệt diệu, cái này còn do ta...
- Cẩn thận lời nói, một vị quốc hầu sao có thể làm nghề hạ tiện!
- Thật vô lý, trước kia ta mới tới Tần Châu, vì muốn học cách làm đậu hũ cho quân ăn, thế là bị bách tính cho rằng ta là kẻ tham lam tàn ác đoạt bí phương của dân, giờ người ta học cách làm đậu hũ của ta, ta nói một câu cũng không được.
- Kẻ sĩ không thể không kiên cường nhẫn nhịn, là vì gánh trên vai nặng mà đường thì xa, lấy điều nhân làm nhiệm vụ của mình.
Vân Tranh càng nổi đóa: - Tại sao sĩ đại phu thiên hạ đều có thể sống tiêu diêu khinh hiếp bá tính, chỉ có ta là phải sống như rùa, gặp chuyện phải nhẫn nhịn?
Bao Chửng cười khà khà: - Vì trên đời này có chân quân tử và ngụy quân tử, chân quân tử thì không câu nệ tiền tài phúc lộc, lấy cái phúc của vạn dân làm nhiệm vụ của mình, thiên hạ hưng thịnh thì du ngoạn sơm lâm, vạn dân khổ cực thì đưa vai gánh lấy trọng trách, trượng nghĩa lên tiếng, dám mạo hiểm tên đạn vì vạn dân cầu một chỗ an thân lập mệnh.
- Ngụy quân tử thì khi thiên hạ hưng thịnh, tranh lợi với dân, dùng chum lớn cất giữ tiền vàng, lúc thiên hạ loạn lạc thì biến mất, ẩn sâu trong sơn cùng thủy tận đợi thiên thời, không khác gì chó lợn.
Vân Tranh thu quạt vào trong ống tay áo, vẫn khó chịu: - Làm ngụy quân tử thoải mái hơn chân quân tử.
Bao Chửng chĩa tay vào tim Vân Tranh: - Trái tim này chỉ e không cho Vân hầu rụt đầu làm rùa khi vạn dân lầm than đâu, ha ha ha, sư tử và hổ đã bao giờ phải ẩn mình, gặp nguy hiểm là sẽ gầm lớn, không ngươi chết thì ta vong, khiên muôn thú run rẩy trong ổ.
Lời của Lão Bao rõ ràng mang theo sắc thái chủ nghĩa duy tâm, vằn hổ là để ẩn nấp không bị phát hiện, lông sư tử cùng màu với cỏ khô, đều là để ẩn nấp, hai con này mà cũng như mấy thằng đần thấy nguy hiểm thì nhảy vào xin chết thì tuyệt chủng mẹ nó mấy ngàn năm rồi, làm gì có chuyện sống tới bây giờ gây họa khắp nơi.
Có điều chuyện này chẳng tranh cãi với Lão Bao làm gì, mình cũng làm giáo viên, sao không hiểu kiểu giáo dục mang tính tẩy não của Lão Bao phải dùng khi mình sáu bảy tuổi kia, giờ thì nói gì cũng muộn rồi, tim mình vừa cứng vừa đen, không biến thành gian thần phong vân triều đình đã là nhân hậu lắm rồi.
Người ta có thiện chí thì không tiện từ chối, Vân Tranh biến thành học sinh ngoan đi theo vị lão tiên sinh mùi mồ hôi chua nồng, nghe ông ta giảng giải giáo nghĩa, kể chuyện, truyền tâm đắc làm quan.
Bảy ngày, Vân Tranh ở lại Trần Thương bảy ngày, vào một buổi sáng mưa phùn lất phất, Vân Tranh phải tiếp tục lên đường, lại có tín sứ triều đình tới hỏi hành trình, Bao Chửng tới cửa quân doanh tiễn biệt.
- Làm lỡ bảy ngày của Vân hầu, điều cần nói lão phu đã nói cả rồi, sau này có lĩnh ngộ được không phải xem ngài, bảy ngày này lão phu cũng hiểu ra, Vân hầu là chàng trai trẻ trái tim thiện lương, bất kể bề ngoài có tỏ ra gian xảo vô sỉ thế nào, vẫn là chàng trai tốt.
- Biết lão phu cố tình trì hoãn hành trình vẫn cứ bình tĩnh, biết đám người kia muốn làm nhạt đi công tích vô thượng của ngài vẫn nghe lão phu lải nhải vô nghĩa, hiếm có, hiếm có.
Vân Tranh mỉm cười: - Điều duy nhất khiến ta muốn nhanh chóng về kinh là vì hai đứa con mới sinh, không biết trông chúng thế nào, vì Lạc Lạc, nha đầu ham chơi đó chẳng biết còn nhớ cha không. Rồi an ủi người thân ngày đêm mong nhớ.
- Thê tử Lục thị của ta vốn là nữ tử như tiên nhân không nhuốm bụi trần, nay vì ta mà thành nữ tử dung tục, tiểu thiếp vốn là kỳ nữ tiếu ngạo sơn lâm không ngại phong sương bão tố, giờ thành nữ tử khuê nhược, đại môn bất xuất nhị môn bất mại, làm Vân Tranh rất thấy có lỗi.
- Còn về lời ngài nói, Vân Tranh chưa bao giờ để trong lòng, thế nhân có ra sao cũng liên quan gì tới ta, mấy ngày cũng tiên sinh ở vùng đất thần tiên ngày ngao du sơn thủy, nghe kể chuyện cổ kim cũng hơn nghe đám người kia khua môi múa mép trên triều, trong lòng ta tự có cán cân, bên nặng bên nhẹ thế nào phân rất rõ.
Bao Chửng cười lớn, vỗ mông ngựa: - Vậy mau mau về đi, chớ để giai nhân trông giường trống, sinh thêm nhiều đứa trẻ tinh quái như ngài, xem tương lai Đại Tống xuất hiện nhân vật thế nào.
Vân Tranh hào sảng cười dài, thúc ngựa về phía đông.
Nhớ nhà cồn cào, ngựa phi như bay, đi tới đâu đám cường đạo sơn tặc nghe tin bỏ chạy, cờ phi hổ bay phần phật trong mưa phùn, bỏ qua quan viên địa phương đứng bên đường đón tiếp, chẳng mấy chốc đại quân đã tới Thằng Trì.
Thiếu niên quân phải về Hoàn Châu, Vân Tranh có ngông cuồng tới mấy cũng không đem theo bọn chúng bên ngoài được, lần xuất chiến này cho bọn chúng thấy được chiến trường tàn khốc, ba nghìn thiếu niên, vì sơ xuất, bất cẩn, xem thường, đủ loại nguyên nhân mà thương vong hơn ba trăm, không thể nói là không nặng.
Nhưng hổ non cũng để lại dấu ấn của mình trên mặt đất, thêm vài năm nữa trưởng thành, ắt tiếu ngạo sơn lâm.
Bành Cửu và Lương Tiếp sẽ dẫn Thiếu Niên quân về Hoàn Châu, sứ tiết của triều đình đang đợi ở Thằng Trì.
- Lần này các ngươi không được hưởng thụ vinh quang thắng lợi, vì các ngươi còn chưa xứng, cũng không cần lấy vinh quang của người khác làm của mình, ta chờ ngày các ngươi tự mình giành lấy vinh diệu.
Đám thiếu niên tuy tiếc nuối, nhưng nhanh chóng kích động hạ quyết tâm, Lão Hổ cởi giáp, lấy túi trên yên ngựa ra một bộ trang phục sĩ tử khoác lên người: - Đại soái, cha mẹ tiểu tử bảo them ngài tới Đông Kinh chơi.
Vân Tranh không từ chối, vẫy tay một cái tiếp tục lên đường.
Lần này về kinh, không mang theo vàng bạc châu báu, mà là vô số âm hồn tướng sĩ tử nạn, Lão Hổ, Báo Tử đi theo xem náo nhiệt, chúng còn trẻ, chưa cảm thụ được thương cảm của đại soái, hò reo đua ngựa với nhau, tiến thẳng Đông Kinh, nơi đó với thiếu niên mà nói có sức hút rất lớn.
Vân Tranh không vào Đông Kinh từ cổng tây mà vòng một đường lớn, lặng lẽ vào thành từ cửa nam, y không có tâm tình tiếp nhận số nghi thức rườm rà kia, hơn nữa đám người đó không thích thanh danh mình quá lớn, dù sao đại quân còn ở Thanh Đường, đợi Lý Thường về bù đắp nghi thức là được, ông ta khoái món này lắm. Đuổi một đám gia tướng về trang tử gặp gia quyến, hẹn ba ngày sau tới Vân gia mừng công, mình dẫn hai trăm kỵ binh vào thành, sĩ tốt Giáp Tử doanh rời Thục theo y chinh chiến, lần này chỉ còn tám trăm trở về.
Hai trăm kỵ binh vào thành tất nhiên là không dấu được ai, ngự sử tuần thành như con lừa bị kinh hãi, cuống cuồng chặn Vân Tranh ngoài ngõ, nhất định muốn kéo y tới thái miếu, đem tin tức đại thắng nói với đám người chết queo từ đời tám hoành rồi mới được về, còn nói cái gì thống soái hồi kinh phải báo cáo với thái úy phủ.
Quá hiểu đám ngự sử ngôn quan rồi, đừng nghĩ Vân Tranh vả gãy răng một đám mà chúng sợ, như mấy tên này, khuyên Vân Tranh không được, bấp chấp tất cả nằm vật ra đường, chỉ cần y dám dẫm ngựa qua thế là bọn chúng được đi vào sử sách. Giống như Lý Thường, thường ngày thì nhát như thỏ vậy, ấy vậy mà ngửi thấy mùi cơ hội, dám đơn thương độc mã đi khuyên hàng mấy vạn kỵ binh Tây Hạ.
Lão Liêu sớm hóng ở cửa, thấy hầu gia về cao hứng vừa đi vừa nhảy, cái chân què mà chạy như gió, nhanh hơn cả phó dịch lành lặn.
Chẳng mấy chốc xe ngựa của Lục Khinh Doanh rời đại môn, quá đông người, chỉ có thể cách lụa trắng cửa sổ rơi lệ, Lạc Lạc thì nhân lúc mẫu thân không để ý nhảy xuống ngựa, giang rộng tay gọi tiếng "cha!" thật to.
Nhìn hai cha con đại soái ôm nhau giữa phố không được về nhà, trong số bách tính đứng xem có không ít phụ nhân đa sầu đa cảm chấm nước mắt, đám Lão Hổ và Báo Tử nổi giận nhảy xuống ngựa, khiêng ngự sử ném từng tên xuống cống.
← Hồi 462 | Hồi 464 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác