← Hồi 165 | Hồi 167 → |
Bọn Nghĩa hoà đoàn càng gây chuyện càng hăng. Chúng đi đập phá lung tung. Trong khi đó các chiến hạm ngoại quốc tấn công cửa bể Đại Cô, nã đại bác vào các pháo đài ven bờ.
Đô đọc Trực Lệ Nhiếp Sỹ Thành, Xuyên quân Lý Bỉnh Hành, Thiểm quân Mã Ngọc Côn, nhất thời không có cách chi địch nổi, đành phải quay giáo chạy lui. Còn bọn Nghĩa hoà đoàn thì mới được nếm có loạt đại bác đầu đã chạy có cờ, mặt xanh lại như gà cắt tiết, chân như muốn đóng đinh luôn xuống đất.
Nhiếp Sỹ Thành hô quân xông lên. Vừa được vài bước, không ngờ một viên đại bác bắn trúng ngay vào, khiến đầu Thành vỡ tan ra, máu me loang lổ cả đám cỏ già trên mặt đất, chết ngay tức khắc.
Mã Ngọc Côn một mình một ngựa chạy biến. Lý Bỉnh Thành thấy toàn quân đã tan rã, rút kiếm tự tử chết luôn.
Thế là pháo đài Đại Cô thất thủ. Liên quân tám nước: Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Nga, Ý, Áo đổ bộ lên Thiên Tân. Tư lệnh hạm đội Đức quốc là Ngoã Đức Tây tổng chỉ huy quân đội Liên quân hạ lệnh tiến thẳng vào Bắc Kinh, bức bách kinh thành.
Tin tức truyền đi nhanh chóng. Tình hình thực vô cùng khẩn trương, tổng đốc Du Lộc uống thuốc độc tự tử, Vinh Lộc lúc này bấn loạn, vội chạy vào Di Hoà viên tâu Thái hậu:
- Bát quốc Liên quân đánh phá Đại cô, hiện đã bức bách Bắc Kinh.
Nghe Vinh Lộc tâu trình một lượt, Tây thái hậu vội cho triệu Đoan vương và Cương Nghị vào Di Hoà viên để hỏi chuyện.
Đoan vương nghe tin tức đồn đại bện ngoài, mà tin nào cũng dữ, trong lòng đã có ý sợ hãi, nay được lệnh của thái hậu truyền vào, biết thế nào thái hậu cũng cật vấn và trách quở, nhưng không đi không được, bởi thế vương đành phải cùng với Cương Nghị líu ríu kéo nhau vào.
Sau khi bọn Đoan vương tham kiến xong, Tây thái hậu tỏ ý giận tức đến cực độ, cất tiếng hỏi:
- Chủ chiến lần này đều do bọn ngươi gây ra. Hiện mọi việc đã hỏng hết rồi, tình trạng đã thế, bọn ngươi còn không biết tìm lấy một kế sách chi để đối phó nữa sao?
Đoan vương và Cương Nghị đứng cả bên cạnh Tây thái hậu miệng nín thinh, không nói lên được lời nào.
Giữa lúc đó, bỗng có nội giám hất hoảng chạy vào báo:
- Ngoại binh đã kéo tới đang hướng súng để nổ vào thành.
Tây thái hậu hoảng hồn thất sắc, mặt xanh như chàm đổ.
Vinh Lộc thấy việc nguy cấp quá rồi, bèn tâu:
- Việc đã quá gấp. Quyết không thể nào để cho bọn ngoại nhân kéo vào đây để giày xéo làm nhục được. Theo ngu kiến của nô tài, kính xin Thái hậu ngự giá xuất kinh, tạm thời tránh khỏi cơn nguy là hơn.
Tây thái hậu nhỏ lệ hỏi:
- Lúc cấp bách này, đi đâu được bây giờ chứ?
Tuy nói vậy chứ rồi bà cũng gọi ngay mấy người thân tín lại bàn tính sơ qua để quyết định. Thế là cá bọn chấp thuận chạy lên Nhiệt Hà, rồi sau hãy hay.
Mọi việc đã rõ. Cương Nghị được lệnh ra ngoài sửa soạn xa giá, một mặt tới Doanh đài thông báo cho Quang Tự hoàng đế biết, đồng thời triệu tập hết cung tần, mỹ nữ lại để chuẩn bị lên đường.
Trân phi lúc đó cũng có mặt trong đám, nước mắt chạy quanh đứng ngay bên cạnh thái hậu. Tây thái hậu thấy thế, chọt nhớ tới chuyện xưa, thấy chuyện ngày nay còn hối hả gấp gáp hơn chuyện thất trận năm Giáp Ngọ nhiều, trong lòng càng lấy làm ghét cay ghét đắng Trân phi, vì bà cho rằng thế nào bà cũng bị nàng chê cười mai mỉa. Bà nguýt Trân phi một cái dài thượt, cười nhạt nói:
- Hiện nay mọi người đã chuẩn bị ra đi, còn "bà" thì thế nào?
Trân phi giơ chiếc khăn hồng lên gạt lệ nói:
- Xin nghe theo lời chỉ dạy của thái hậu cả.
Tây thái hậu nói:
- Theo ý bọn này thì vào lúc gấp gáp hối hả này, con gái trai trẻ xuân sắc đi đường chẳng tiện, mà ở lại đây thì lại bị chúng làm nhục, thôi thì bọn ta để mặc "bà" tự quyết lấy.
Trân phi nghe xong lời nói này biết rằng mình khó thoát được nghịch cảnh, bèn nhỏ lệ đáp:
- Thần thiếp đã mong được ân tứ. Duy chỉ phải hoàng thượng là một vị vua của một nước, muôn vàn không nên rời kinh mà đi xa. Nếu không, trong kinh không chủ, biết lấy ai để thu xếp mọi việc!
Trân phi vừa nói tới đây, Tây thái hậu đã quát ầm lên:
- Quốc gia đại sự, đã có ta và hoàng thượng gánh vác, không cần đến mi phí nhiều lời.
Nói đoạn, Tây thái hậu lệnh cho nội giám ban cho Trân phi một cái chết toàn thây. Hai tên nội giảm chạy đi lấy chiếc chăn rộng, chụp lấy Trân phi, bó chặt lại rồi khiêng tới cái giếng trong vườn, ném xuống.
Lúc này, Cẩn phi cũng có mặt bên cạnh, thấy em gái bị hành hình như vậy, bất giác động lòng oà khóc. Quang Tự hoàng đế cũng tính can ngăn nhưng bởi vẫn e sợ Thái hậu nên đành thúc thủ. Thật đáng thương cho một kiếp hoa.
Giết xong Trân phi như nhổ được cái gai trước mắt, Tây thái hậu vội cải trang thành người dân chạy loạn, leo lên xe, mặt buồn rười rượi. Vinh Lộc chạy tới xin lệnh, bà nói:
- Sau khi bọn ta chạy khỏi kinh thành, tất cả mọi việc đều do ngươi tạm thời định đoạt. Còn nếu bọn Tây dương chấp nhận mở cuộc hoà nghị, ngươi tự nghĩ lấy ý chỉ, triệu tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Hồng Chương lên kinh, cùng với Khánh vương Dịch Khuông Đồng làm đại thần toàn quyền để nghị hoà. Nghị hoà đã xong xuôi, bọn ta sẽ hồi loan.
Vinh Lộc nhận dụ xong lui ra, Tây thái hậu quay lại nhìn bọn đại thần theo xa giá chỉ vỏn vẹn có hai người là Vương Văn Thiều và Triệu Thư Kiều mà thôi. Bà nhớ tới hồi nào ăn mừng lễ thượng thọ mà càng thêm xúc động can trường.
Không chần chừ, Tây thái hậu và Quang Tự hoàng đế vội vã khởi hành. Khi xa giá ra khỏi cửa Đức Thắng môn, thì đã có Mã Ngọc Côn đem theo bốn, năm trăm quân đợi sẵn.
Đó là đoàn quân của Vinh Lộc đã chuẩn bị để bảo vệ thái hậu và hoàng thượng Tây hành.
Xe chạy được vài chục dặm, lúc đó vua tôi mới sực nhớ ra rằng không mang theo lương thực. Bụng người nào người nấy đói meo. Khổ cái là đây lại thuộc vùng hoang vu rậm rạp, chẳng thấy một mái nhà, một xóm làng nào cả.
Tây thái hậu và Quang Tự hoàng đế đành phải nhịn đói gắng gượng lên đường. Nhưng phải cái bọn phu xe đói quá, khiêng vác không nổi nữa, đành nằm quay ra bên đường, ngổn ngang như những thây ma, nhất định không chịu đi nữa. Mãi sau, đích thân Tây thái hậu đành phải hạ thân vỗ về khuyến khích, chúng mới cố gượng đi tiếp.
Xe đi gập ghềnh, người ngựa đều đã quá mệt. Lại vài ba chục dặm nữa, đoàn người mới thấy được một thôn trang bên vệ đường. Bọn nội thị, cung nữ lần đầu gặp cảnh gian truân người thì nằm bò trên xe, kẻ lăn quay ra vệ đường, trông mà thê thảm.
Tây thái hậu nhìn trước trông sau chợt cảm thấy lòng mình như bất nhẫn, như xúc động mãnh liệt. Bà truyền lệnh ngừng xe. Lý Liên Anh chạy vào trong thôn hỏi bọn dân làng:
- Bọn ta vốn thuộc gia đình quyền quý, tỵ nạn qua đây. Nhân lúc đi quá vội, không kịp đem theo lương thực, tiền nong, bởi thế mong các người cung cấp cho chút ít thực phẩm. Mai sau về kinh, bọn ta sẽ xin hậu tạ.
Bọn dân quê thấy đoàn người mặt mày đều hốc hác, tai tóc bơ phờ nhưng vẫn còn y nguyên cái vẻ quyền quý trên người, bèn tranh nhau đem cơm nước ra.
Ai nấy ăn uống ngon lành, kể cả Quang Tự hoàng đế và hoàng hậu cũng như Cẩn phi, người nào cũng ăn uống đôi chút, chỉ riêng Tây thái hậu, làm sao mà nuốt cho trôi cái thứ gạo lức khô đến cháy cổ đó được? Bất giác bà rưng rưng nước mắt nhìn Quang Tự hoàng đế rồi cất tiếng run run nói:
- Bọn ta sống trong cung cấm, làm sao biết được cái cảnh khổ cực của dân! Ngươi nhìn xem, chúng chỉ có cái thứ cơm đó để no lòng thôi đấy. Còn bọn ta, ngày nào cũng mâm cao cỗ đầy, ấy thế mà vẫn cho là không vừa miệng. Có từng trải gian nan mới biết sự đời không dễ.
Nói đoạn Tây thái hậu khóc lên hu hu, tiếng khóc vô cùng bi thiết. Trong đám tòng vong cạnh thái hậu, còn có cả ba con gái của Khánh vương, Bối tử Phổ Luận và bọn Quế công phu nhân... Nhìn thấy tình cảnh bi thương của Tây thái hậu, cả bọn xúm lại khuyên giải, an ủi, một mặt cho đoàn người tiếp tục lên đường. Đi một thôi nữa thì gặp chợ. Tây thái hậu lại sai Lý Liên Anh đem theo một bọn người vào trong chợ để tìm cơm kiếm nước. Tây thái hậu cũng như Quang Tự hoàng đế và hoàng hậu mệt quá, chẳng buồn xuống nữa! Ngồi liền mãi trên xe cho đến sáng mai.
Qua hôm sau, xa giá lại khởi trình. Tây thái hậu bị thuốc hành, vì đã hai ngày bà chưa được mồi thuốc phiện vào người, hơn nữa cũng đã hai ngày không ăn bà mệt lử, ngồi co ro trong xe, chẳng khác gì cái xác không hồn.
May thay, đến gần trưa, xe chạy tới địa phận huyện Hoài Lai, Tây thái hậu cho Lý Liên Anh đi trước thông báo cho viên tri huyện là Ngô Gia Khôi. Được tin, hắn hốt hoảng chạy ra khỏi thành nghênh tiếp, rồi đặt tiệc khoản đãi.
Đến lúc Tây thái hậu, hoàng thượng và hoàng hậu dùng cơm, bữa cơm tuy nói rằng của quan huyện đãi nhưng cũng chẳng lấy gì gọi là sang, chỉ tại miền Hoài Lai này cũng là miền nghèo túng, khổ cực. Thực ra, thì bữa cơm của quan huyện Hoài Lai cũng còn ngon hơn bữa cơm của bọn dân nghèo hôm qua nhiều.
Tây thái hậu ăn xong, gọi huyện lệnh phu nhân giúp chải lại mái tóc. Bà ở ngay trong cái phòng khách của huyện đường.
Đợi cho thái hậu và hoàng thượng yên giấc, Lý Liên Anh mới lẻn ra ngoài đi tìm một bộ bàn đèn với một chút thuốc về. Cái dọc tẩu chỉ là một cái ống trúc đã cũ, hai mép lem nhem. Còn cái bàn đèn, trời ơi! Nó dơ dớp sao chứ!
Tây thái hậu nhìn thấy những của nợ nọ, nhiều lúc lợm giọng, nhưng cơn nghiện đã bắt đầu lên, thì chẳng cần kể đến chuyện dơ hay sạch nữa. Bà cố rít mấy điếu cho đã thèm. Nhờ được bữa thuốc mà đêm đó bà ngủ một giấc ngon lành, khi thức dậy, lại tỉnh như sáo sậu. Thật là một loại thuốc tiên!
Bọn nội thỉ cung nữ hôm đó cũng được một bữa no say, sung sướng. Tây thái hậu buột miệng than thở:
- Người ta có khổ mới biết sướng! Câu nói đó không ngờ hôm nay lại đặt vào miệng ta.
Sáng hôm sau, thái hậu thức dậy. Tri huyện Hoài Lai đi thuê thêm mấy cỗ xe để đưa thái hậu và hoàng thượng, hoàng hậu lên đường.
Đoàn người ra đi vừa được nửa ngày, bỗng nghe tiếng la lối quát tháo om xòm ở phía trước. Tây thái hậu lúc này chẳng khác gì chim sợ là cây cong, mặt biến sắc, từ màu xanh ra màu đen sậm vội cho người chạy lên trước hỏi xem có biến cố gì xảy ra. Viên nội giám chạy đi một lúc rồi quay lại hồi tấu Thì ra đó là cánh quân năm trăm của Mã Ngọc Côn hết lương, suốt ngày phải theo giá tây hành, bụng đói meo mà không có ăn, muốn làm reo, không chịu đi nữa, xúm lại cãi cọ nhau, suýt nữa choảng nhau.
Tây thái hậu nghe lời tâu của viên nội giám, nhất thời chẳng nghĩ ra kế gì, chỉ còn cách truyền lệnh cho bọn cung nữ lột hết những trâm vàng thoa ngọc trên đầu ra để khao thưởng cho đám quân đang có ý phản đến nơi, để chúng vui lòng ra đi, lòng bà thầm mong không còn một trở ngại nào trên đường.
← Hồi 165 | Hồi 167 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác