← Hồi 36 | Hồi 38 → |
Bấy giờ Gia Luật Sa bàn với Địch Liệt đem quân đến khe Hoành Sơn đón đánh quân Tống. Địch Liệt không nghe lời lại kéo binh vượt qua khỏi khe mà giao chiến. Gia Luật Sa thấy Địch Liệt không hợp ý kiến mình thì để cho Địch Liệt kéo binh đi, rồi cũng theo mà ứng chiến. Đạo binh của Địch Liệt vừa tới khe, mới độ qua phân nửa thì thấy binh Quách Tấn đã gần tới. Địch Liệt biết mình làm không đúng cách, nên truyền ngưng binh giữa vời, lập thế nghinh chiến. Quách Tấn vung thương xốc ngựa tới nói:
- Nước Liêu là một mũi giặc, chờ ta đến nơi mà đánh, nay lại đến đây chịu chết gấp rút như vậy sao? Địch Liệt mắng:
- Chúa ngươi rất tham lam, đã làm vua cõi Trung Quốc, mà chưa biết đủ, còn đem quân xâm chiếm khắp nơi, không cho thiên hạ ở yên. Nay ta đem binh giết bọn ngươi mà cứu đất Hà Đông.
Quách Tấn nổi giận giục ngựa tới đánh. Kế đó Hô Diên Táng cũng tiếp ứng, trợ chiến với Quách Tấn. Gia Luật Sa thấy Địch Liệt đã mệt, bèn đem quân đến cứu. Địch Liệt biết sức mình không cự lại liền rút quân chạy, bị Quách Tấn đuổi theo, chém một gươm rơi đầu xuống khe. Gia Luật Sa nhờ con ngựa chạy nhanh bỏ chạy vào đường núi nhưng chưa được bao xa bị Hoài Đức chận lại, may đâu có một tướng kéo quân tới giải cứu cho Gia Luật Sa. Tướng cứu Gia Luật Sa tên là Gia Luật Tà Chẩn, có ý đi giúp Hà Đông đánh Tống. Gia Luật Sa nói:
- May nhờ có tướng quân, nếu không tôi đã bị Tống tướng bắt rồi Gia Luật Tà Chẩn nói:
- Ấy cũng nhờ Thái hậu độ trước nên khiến tôi đến mà tiếp đó.
Chuyện vãn cùng nhau rồi, cả hai đồng tình lui về Đại Liêu. Còn Cao Hoài Đức và các tướng trở về trại, vào tâu cùng Thái Tông rằng:
- Bọn tôi đã dẹp đặng binh Liêu rồi, lại giết một đại tướng nữa.
Thái Tông nghe tâu liên mừng, hạ chiếu ban khen, rồi khiến đem binh đánh thẳng tới Hà Đông. Lưu Quân nghe binh Liêu bị thua rút về bổn quốc rồi, thì ngày đêm kinh sợ, liền hội quần thần thương nghị. Hữu thừa tướng là Quách Hữu Nghi tâu rằng:
- Binh Tống thế mạnh lắm, tôi e đánh không lại, xin chúa công dâng biểu mà đầu Tống cho xong, trước là vững an xã tắc, sau cứu sanh linh khỏi việc đồ thán.
Lưu Quân nghe tâu như vậy, còn đã dự chưa định lẽ nào, liền có Tống Trai Khưu tâu rằng: Đất Hà Đông chẳng phải là hết người, chiến sĩ có hơn mười muôn, thành trì cũng chắc, nếu chúa công khiến tướng ra đánh một trận, thì thắng bại cũng chưa biết đặng, lẽ đâu nhẹ mình mà quật hạ người ta sao? Vậy xin chúa công để tôi tiến cử một người đánh Tống phải thua cho chúa công coi. Lưu Quân hỏi:
- Khanh muốn cử ai thì nói cho trẫm biết. Tống Trai Khưu tâu:
- Người ấy vốn thuở trước ở U Châu, tên là Mã Phong, lúc Huỳnh... Sào làm loạn, Mã Phong rất nổi danh vì nhờ một cây thương tên là Di Quảng không ai đánh lại, sau đó ẩn vào núi Trung Sơn, nay tuy đã già mà sức còn mạnh lắm. Xin tướng công sai sứ triệu người ấy về dùng.
Lưu Quân nhận lời liền sai Từ Trọng Tấn lãnh chiếu ra đi. Từ Trọng Tấn đến núi Trung Sơn, thấy một cái am, trong am thấy một người cao lớn, mặt đen tóc bạc đang ngồi xem sách. Từ Trọng Tấn bước tới thưa:
- Xin tiên sinh cho biết chỗ này có phải là am của Mã tướng quân không? Người ấy nhìn lên, rồi đứng dậy hỏi:
- Quí khách từ đậu đến mà biết Mã tướng quân? Trọng Tấn thưa:
- Tôi là người nước Bắc Hớn, vâng lệnh chúa sai đến đầy thỉnh Mã tướng quân xuống giúp triều đình. Người ấy nói:
- Bần đạo đây thật là Mã Phong, song việc đánh lui binh Tống chắc là bần đạo không giúp được. Trọng Tấn nói:
- Hiện nay binh Tống đang đánh gấp lắm, cả triều thần không ai địch nơi. Mã Phong hỏi:
- Vậy nước Tống cử binh đánh Hà Đông sai ai làm chánh tướng, người ấy mưu lược ra sao? Trọng Tấn thưa:
- Tống tướng có nhiều người, song có một tướng tên là Hô Diên Táng, tài cao, mưu lớn, cả trào Bắc Hớn không ai cự nổi, nên vua khiến tôi đến đây mà triệu ngài. Xin ngài hãy vì dân Bắc Hớn mà xuống núi. Mã Phong nói:
- Bần đạo tuổi đã gần chín mươi, còn sức đâu mà cầm thương lên ngựa. Vậy xin ngài về tâu với vua sai sứ đến San Hậu triệu Dương Nghiệp mà dùng, đừng trễ nải hư việc lớn.
Từ Trọng Tấn nghe Mã Phong nói như vậy bèn từ giã ra về thuật lại lời nói của Mã Phong cho Lưu Quân nghe. Đinh Quới tâu:
- Việc binh rất gấp xin chúa công hạ chiếu sai sứ đi triệu Dương Nghiệp về cứu nạn mới xong. Lưu Quân nói:
- Dương Nghiệp trước đây ở Thạch Châu đã lập huyết thệ giảng hòa với Tống, nay trẫm e không chịu giúp trẫm. Đinh Quới tâu:
- Dương Nghiệp là người rất trọng nghĩa, đâu có lẽ phụ lòng chúa công.
Lưu Quân nghe theo, liền viết chiếu sai sứ đến San Hậu. Dương Nghiệp tiếp chiếu, nghĩ thầm.
- Nay nước Tống có lòng chiếm đoạt Hớn đô, nếu không cứu giúp, e mang tiếng bất nghĩa.
Nghĩ rồi, Dương Nghiệp phú thác việc chánh trị cõi San Hậu cho Vương Quới, rồi cùng bảy người con đem ba muôn binh đến cứu Hà Đông. Phan Nhơn Mỹ nghe tin ấy sợ hãi hội chư tướng bàn mưu đánh cùng Dương Nghiệp. Cao Hoài Đức nói:
- Dương Nghiệp là anh hùng nổi tiếng, nay nếu đem binh cứu Hà Đông thì quân ta khó tiến nổi. Hô Diên Táng nói:
- Tôi cũng thường nghe Dương Nghiệp là tướng vô địch trong thiên hạ, song tôi chưa gặp lần nào. Để tôi đem binh đánh thử một trận xem sao?
Phan Nhơn Mỹ liền sai Hô Diên Táng lãnh năm ngàn binh xuất trận. Lúc này Dương Nghiệp kéo quân đóng trại tại Ngoa Long Ba, bỗng nghe có quân báo:
- Binh Tống hạ trại cách đây chừng mười dặm. Dương Nghiệp nghe báo cười nói:
- Tống tướng dụng binh sơ lược lắm, nếu đóng trại ở nơi đó thì sao cũng phải thua ta, chớ chẳng không! Nói rồi, bèn hỏi trong chư tướng:
- Ai muốn xuất trận đánh trước? Người con thứ năm là Dương Diên Đức ra thưa rằng:
- Con xin lãnh binh đi đánh trước.
Lịnh công nhận lời, liền phát cho Diên Đức năm ngàn binh. Dương Diên Đức lãnh mạng đem binh ra trận nói lớn:
- Tống tướng hãy lui binh về tâu cùng chúa ngươi phải chừa đất Hà Đông, nếu cưỡng lý thì ta giết không để một tên quân. Hô Diên Táng nổi giận mắng:
- Ngươi đừng khua môi uốn lưỡi ăn quen mắng kẻ bất tài, chớ nay ngươi gặp ta ắt không khỏi chết.
Nói rồi vung thương xốc ngựa ra đánh. Hai tướng đánh hơn mười hiệp, chưa định hơn thua, mà hai con ngựa đánh rồi, dùng dằng bước không tới. Dương Diên Đức nói:
- Ngựa của hai ta coi đã hết công rồi, thôi để mai đánh nữa.
Hô Diên Táng gật đầu, rồi hai bên thâu quân về trại Dương Diên Đức về tới trại, ra mắt cha và thưa rằng:
- Nay con ra giáp chiến cùng tướng Tống hơn bốn mươi hiệp, vì ngựa mệt, hai bên phải thâu quân, nên chưa biết ai thắng bại. Dương Nghiệp nói:
- Ta nghe Tống tướng có Hô Diên Táng võ nghệ cao cường, nếu phải người ấy ra trận bữa nay, thì mai ta sẽ đích thân ra đánh cùng Diên Táng.
Nói rồi khiến đem binh tới gần dinh Tống cách vài dặm mà hộ trại. Nói về người con thứ bảy của Dương Nghiệp là Dương Thất lang; tánh nóng, muốn lập đầu công, nên lén đem ba ngàn binh tới cướp trại của Tống.
Đêm ấy, lúc Tống tướng là Phan Nhơn Mỹ, Quách Tấn Cao Hoài Đức đang nhóm nhau mà luận việc binh pháp, thình lình một luồng quái phong thổi vụt qua tắt đèn, Phan Nhơn Mỹ sẵn dịp bàn rằng:
- Điềm này làm cho tôi nghe đêm nay chắc là Dương gia đem binh đến cướp trại ta chứ chẳng không, vậy chư tướng hãy truyền lịnh các dinh trại, đừng cho xao động và đem quân cung nỏ phục nơi phía hậu cho sẵn đi, đặng mà dự phòng.
Bọn Cao Hoài Đức vâng lời, mỗi người đểu giữ bổn phận mình Dương Thất lang kéo binh gần tới thì liệu quyết bên trại Tống chắc không có dự phòng chi hết, bèn giục binh riết vào vừa tới, xảy nghe một tiếng pháo, binh Tống ó lên mà bắn, tên bay ra tợ như mưa Bắc binh của Dương Thất lang tấn thối lưỡng nan, bị chết vô số. Thất lang biết mình lầm kế rồi liền quay ngựa chạy trở về, bị Cao Hoài Đức và Quách Tấn đón đánh một trận và rượt theo hơn năm dặm mới trở lại Thất lang chạy về tới trại điểm binh lại thì chết mất hơn phân nửa. Ngày hôm sau, Dương Nghiệp mới hay sự tình như thế, bèn nổi giận cho đòi Thất lang mà quở:
- Ngươi không tuân theo lệnh ta, làm cho binh mã chết như vậy thì tội của ngươi đáng xử cách nào?
Bèn khiến quân đem chém Thất lang mà thị chúng. Bộ tướng là Trương Văn Tấn nghe sự hung như vậy, chạy đến khiến quân giam Thất lang lại đó, rồi vào khuyên giải cùng Dương lịnh công rằng:
- Dương Thất lang tuy phạm tội, song chỉ muốn vì nước mà ra công, rủi lầm kẻ địch nhơn nên thất trận. Xin tướng công nghĩ tình phụ tử mà dung thứ cho Thất lang. Dương Nghiệp nói:
- Ta cũng biết tình cha con là chí thân, song phép luật chẳng riêng đặng, phải chém nó mà răn người khác.
Các chư tướng đều hội nhau đến mà xin, Dương Nghiệp thấy vậy, bèn tha chém, sai quân đem đánh bốn mươi trượng, ai thấy cũng kinh hãi. Đánh rồi, Thất lang tạ tội mà lui về trại mình. Dương Nghiệp liền bảo chư tướng:
- Binh ta mới đến, phải nghỉ ít ngày mà sắp đặt quân sĩ cho tề chỉnh, rồi sẽ đánh Tống.
Chư tướng vâng lời, ai nấy đều về trại, cứ việc bổn phận mà làm.
Nói về Tống tướng Phan Nhơn Mỹ nghe binh cha con Dương Nghiệp đến đã gần, thì truyền cho chư tướng tập luyện binh mã trong mười ngày sẽ xuất trận, lại sai người tới thám binh tình của Dương Nghiệp. Người sai về nói:
- Binh của Dương gia đóng trại coi có thế hùng mạnh lắm, chắc là muốn đại chiến cùng ta.
Phan Nhơn Mỹ liền hội chư tướng phân binh như sau: Phan Nhơn Mỹ là chủ tướng, đi trung phong, Cao Hoài Đức, Hô Diên Táng đi tả hữu, Quách Tấn đi hậu tập để phòng cứu ứng. Phân công xong, ai nấy đều lãnh lịnh về dinh. Hôm sau, trời vừa rạng sáng, ba hồi trống lịnh vừa dứt, Phan Nhơn Mỹ xuất quân, mình mặc bạch bào, đầu đội kim khôi, binh sĩ đông đủ, giục ngựa ra trận, hỏi:
- Hà Đông là nước nghịch của Tống triều, nên chúa ta đem binh vấn tội. Còn các ngươi có can chi mà ứng chiến giúp kẻ địch. Dương Nghiệp nói:
- Chúa người làm vua Trung Quốc, năm trước đã cùng ta cầu hòa, nay lại còn đem binh đến xâm phạm. Vả lại Hà Đông là nước láng giềng với ta, đãi ta rất hậu, nên ta phải đem binh cứu viện. Các ngươi phải lui binh cho mau, nếu không ăn năn không kịp. Nhơn Mỹ nổi giận, quay lại hỏi chư tướng:
- Ai dám ra bắt thằng thất phu ấy?
Nói vừa dứt lời, Hô Diên Táng đã giục ngựa múa thương đâm Dương Nghiệp. Con của Dương Nghiệp là Dương Diên Chiêu xông ra cản lại, đánh hơn bảy mươi hiệp chưa phân thắng bại, bỗng nghe có tiếng chiêng thâu quân, cả hai bên đều lui về.
Lời bàn: Lòng tham vọng bao giờ cũng bị sức cản lại, vì nó xâm phạm đến quyền lợi kẻ khác. Vua Thái Tông đi đánh dẹp các nơi đến thu quyền lợi cho nước Tống, hành động ấy có liên quan đến chủ quyền của các dân tộc khác. Sức phản ứng ấy là sức tự vệ của dân chúng các nước. Sức tự vệ là lực lượng chính nghĩa, tuy yếu đuối song nó mang tính chất tự tồn. Không một sinh vật nào không tự vệ, bảo tồn nguồn sống của mình. Dương Nghiệp giúp một nước liên bang cũng là vì quyền lợi bảo tồn dân tộc mình. Với nhiệt tình ấy đã un đúc cho chí khí là hành động của Dương Nghiệp chói sáng trong lịch sử thời bấy giờ. Dù thất bại, danh dự của một dân tộc biết tự vệ để tự tồn bao giờ cũng sáng rực.-oOo-
- Hết hồi 37:00 (43):
← Hồi 36 | Hồi 38 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác