Vay nóng Tinvay

Truyện:Tống y - Hồi 312

Tống y
Trọn bộ 549 hồi
Hồi 312: Nhất đại văn hào ăn rau dại
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-549)

Siêu sale Lazada

Đỗ Văn Hạo thấy người phụ nữ này nói cũng đúng, vì bà ta là người nông dân chân đất mắt toét, lấy đâu ra tiền mà học chữ, hơn nữa học chữ đối với thời Tống thì chỉ dành cho đàn ông, ngoại trừ các tiểu thư khuê phòng ra, thì hầu hết phụ nữ đều không được học chữ, hắn thấy vậy cũng không muốn quay sang hỏi Tuyết Phi Nhi xem lúc nãy nàng xuống dưới đầm nước tắm cảm giác ra sao nữa, nhưng Tuyết Phi Nhi lại lên tiếng hỏi hắn: "Thiếu gia! Trong đầm kia rốt cục là có quỷ không vậy?"

Người phụ nữ kia nghe vậy thì chen luôn vào: "Phu nhân còn trẻ đẹp thế này thì chắc chắn con quỷ dưới đầm kia nó thích lắm, phu nhân đừng đi ra cái đầm kia nữa, nếu không thì nguy hiểm lắm...."

"Thôi! Không nói mấy cái chuyện quỷ quái vớ vẩn nữa, trên đời này làm gì có ma với quỷ! Chẳng qua là do hôm đó ngươi và chị dâu của ngươi mồ hôi ra nhiều, cộng thêm nước ở trong đầm lại thuộc tính âm hàn, chính vì thế mà khi hai người xuống dưới đầm tắm thì bị khí hàn xâm nhập, dẫn đến cảm đột ngột, nước lạnh chui qua lỗ chân lông mồ hôi thấm vào trong người, chính vì thế mà hai người mới bị bệnh nghiêm trọng như vậy, cái này chẳng có liên quan gì đến ma quỷ cả hiểu chưa?" Tuy giọng nói của Đỗ Văn Hạo không to, nhưng nét mặt lại vô cùng nghiêm khắc, người phụ nữ kia nghe xong thì kinh hãi, nét mặt nơm nớp lo sợ, không dám nói thêm một câu nào nữa.

Đỗ Văn Hạo trông thấy tiết trời còn tốt, gió thổi hây hây, hắn nhận thấy tiết trời đẹp như thế này mà mấy vị phu nhân của mình không được nô đùa dưới thác thỏa thích thì quả là đáng tiếc, vì thế Đỗ Văn Hạo bèn tiếp tục ra hiệu đồng ý cho mấy người thê thiếp của mình dựng lều lên xuống dưới đầm tắm tiếp, sau đó hắn đưa mắt ra nhìn người phụ nữ với nét mặt lo âu kia nhẹ nhàng nói: "Ta là đại phu đến từ kinh thành, ngươi cứ yên tâm để ta chữa bệnh cho ngươi!"

Người phụ nữ trông thấy Đỗ Văn Hạo kéo theo cả một đạo quan quân đông như vậy, thì biết hắn chẳng phải là một đại phu bình thường, nên cũng không dám từ chối, vội vàng cúi đầu nói: "Dạ vâng! Xin thiếu gia chữa trị cho dân phụ!"

"Đừng gọi ta là thiếu gia, gọi ta là đại phu được rồi, hoặc là thầy lang cũng được mà! Ngươi ngồi xuống đi, ta có một số vấn đề cần hỏi ngươi, sau đó mới khám bệnh kê thuốc cho ngươi uống được!"

"Dân phụ.... Dân phụ không có tiền mua thuốc đâu!"

"Ta có thuốc! Ta miễn phí tặng không cho ngươi là cùng chứ gì, như vậy ngươi đã yên tâm rồi chứ? Ta thấy ngươi cũng là người tốt bụng đã nhắc nhở cho chúng ta biết cái đầm này có quỷ nên mới đặc cách cho ngươi như vậy đấy!"

"Ha ha! Mọi người trong thôn đều nói dân phụ là người tốt cả đấy!"

Đỗ Văn Hạo lại bắt đầu hỏi lại cặn kẽ từng chi tiết phát bệnh của người phụ nữ kia, hắn đã nắm rõ được tình hình của bà ta khi mới phát bệnh: Toàn thân lạnh ngắt, hai chân nhức mỏi, nhất là bụng chân dưới là đau nhức hơn cả, chân không co duỗi đi lại được, sau khi được người nhà khiêng về thì đã mời rất nhiều đại phu đến chữa nhưng đều không có hiệu quả nào cả, bệnh tình cứ kéo dài như vậy được mười lăm năm nay rồi.

Đỗ Văn Hạo lại cẩn thận xem xét nét mặt của bà ta thì thấy mặt mày sạm đen, trán nóng, khi vấn chẩn thì biết đầu bà ta hay bị đau nhức, bắp chân dưới căng cứng nhức mỏi, chóng mặt mất sức, kinh nguyệt bình thường nhưng băng huyết nghiêm trọng, lưỡi của bà ta có đờm, màng lưỡi trắng, mạch đập yếu, có lẽ do mắc bệnh lâu năm nên chuyển biến thành khí hư dẫn đến bị viêm, khí trong người lại không đủ. Đỗ Văn Hạo định kê một đơn thuốc Bổ Trung Ích Khí Thang để làm mát giải nhiệt, nhưng trong lòng hắn vẫn cảm thấy có gì đó không thỏa đáng, nhưng lại không biết nó không thỏa đáng ở chỗ nào, cất nhắc một hồi lâu hắn lại hỏi tiếp: "Bao nhiêu năm nay ngươi đã uống thuốc gì ngươi có biết không vậy?"

Người phụ nữ kia bị căn bệnh này hành hạ đến tận mười lăm năm trời, chữa trị bao nhiêu lần không khỏi, thầy thuốc đến chữa trị, cắt thuốc liên miên, nên bà ta nghe thầy thuốc nói nhiều thành biết mình đang uống thuốc gì, do vậy bèn mỉm cười đáp: "Biết chứ! Không biết ngài muốn hỏi loại thuốc của vị đại phu nào?"

"À.... Ừm! Người thầy thuốc chữa bệnh cho ngươi gần đây nhất!"

"Ồ! Người đó là lang trung họ Lý ở thôn đông, người ta hay gọi ông ta là Lý lang trung, dân phụ uống thuốc ông ta kê cho đã hai năm rồi, dân phụ thuộc lòng cả bài thuốc ông ta kê cho dân phụ, có Hoàng Uy, Sâm, Bạch Thuật, Thăng Ma, Sài Hồ, Đương Quý, Tiểu Hoàng Uy, Trần Bì, Thanh Hao, Địa Cốt Bì, Viêm Thảo!"

Đỗ Văn Hạo nghe xong thì giật thót mình lên, đây lẽ nào không phải là bài thuốc Bổ Trung Ích Khí Thang sao? Hắn lúc nãy cũng đang định dùng bài thuốc này để kê cho người phụ nữ này sử dụng, không ngờ rằng đã có người cho bà ta uống đã hai năm nay rồi, hiệu quả hắn cũng đã thấy, bà ta vẫn bị bệnh tình hành hạ một cách khổ sở. Đỗ Văn Hạo lúc này cảm thấy ngượng chín người, hắn ho khan lên một tiếng rồi hỏi: "Bài thuốc này ngươi uống vào không có chút hiệu quả nào sao?"

"Vâng, đúng vậy, chẳng có hiệu quả gì! Dân phụ vô cùng tức giận, chạy thẳng đến nhà của Lý lang trung mà mắng chửi ông ta, bắt ông ta miễn tiền thuốc thang cho dân phụ!"

"Vậy nếu như ta cũng không thể chữa được bệnh cho ngươi thì ngươi cũng chửi mắng ta đúng không?" Đỗ Văn Hạo trêu đùa bà ta.

Người phụ nữ kia nghe vậy thì hai má đỏ ửng đáp: "Dân phụ không dám! Lý lang trung vốn là một người bà con xa của dân phụ, chính vì vậy mà dân phụ mới dám chạy đến mắng chửi ông ta, đại phu là quan ở kinh thành đến đây, dân phụ làm gì có gan mà làm như vậy, hơn nữa đại phu cũng vì lòng tốt mới khám cho dân phụ, lại còn tặng thuốc nữa, cho dù bệnh chữa không khỏi, dân phụ cũng không nên tìm đại phu mà chửi bới, mà nhiếc móc! Trên đời này làm gì có vị đại phu nào dám nói mình chữa được bách bệnh đâu!"

"Ha ha! Ngươi hiểu điều đó thì tốt rồi, nhưng mà ngươi cứ yên tâm, ta có lẽ sẽ chữa khỏi được bệnh cho ngươi!" Đỗ Văn Hạo tuy ngoài miệng nói như vậy, nhưng trong lòng của hắn chẳng có tý chắc chắn nào cả, hắn suy ngẫm xem xem hắn đã chẩn đoán sai ở khâu nào, theo lẽ thường thì do bệnh lâu năm nên làm cho thân thể người bị suy yếu là một chuyện đương nhiên, và chứng bệnh thường thấy chính là do Hư Chứng Phát Nhiệt mà ra, trong tình huống này thì nên dùng Bổ Ích Khí Thang là chuẩn nhất rồi! Nhưng mà thực tế cho thấy rằng nó không có hiệu quả, vậy thì bệnh tình không phải là Hư Chứng Phát Nhiệt rồi!

Nên biết rằng, bệnh lâu năm cũng không phải vấn đề to lớn cho lắm, nó bao gồm Thực Chứng và Hư Hàn, Đỗ Văn Hạo e ngại rằng hắn đã biện chứng sai, sau khi suy xét một hồi hắn lại một cách tỉ mỉ, hắn hỏi lại triệu chứng phát bệnh của người phụ nữ kia thêm một lần nữa, rồi lại dò xét kỹ lưỡng thêm một lần nữa, xem xem mình đã biện chứng sai ở chỗ nào.

Đỗ Văn Hạo còn hỏi thêm trong mười lăm năm đổ lại đây, khi căn bệnh tái phát hành hạ thì bà ta xử lý ra sao, được một lúc thì Đỗ Văn Hạo lại phát hiện ra khi bà ta thường có hiện tượng nóng lạnh khác thường, miệng khô đắng, chóng mặt, phát hiện ra điều này ánh mắt của hắn chợt vụt sáng lên, chứng bệnh của bà ta phải dùng Tiểu Sài Hồ Thang kết hợp với Đạt Nguyên để giải Thiếu Dương, tiêu trừ khí độc.

Đỗ Văn Hạo sau nắm rõ bệnh tình bèn gọi một đứa thị tỳ đem giấy bút đến, rồi viết cho một phương thuốc bảo đứa thị tỳ đó mau mau chạy đi cắt thuốc, sau đó hắn lại quay sang người phụ nữ kia nói: "Ta kê cho ngươi một phương thuốc, thuốc cũng sẽ cắt tặng cho ngươi, ngươi về sử dụng là sẽ khỏi ngay thôi!"

"Vâng! Đa tạ Thiếu gia!" Đỗ Văn Hạo nghe thấy bà ta đột nhiên lại xưng mình là thiếu gia bất giác cau mày lại, nhưng lại nghĩ bà ta cũng là do mừng rỡ nên gọi mình như vậy để tỏ lòng kính trọng mà thôi, vì vậy hắn lại mỉm cười gật đầu.

Sau khi tiễn người phụ nữ kia đi xong, thì Đỗ Văn Hạo liền nhanh chóng len lén đi đến gần chiếc lều căng gần đầm nước, trong đó vọng ra những tiếng cười nói lanh lảnh, hắn bèn vén rèm bước vào bên trong, thì thấy bốn người thê thiếp của hắn chỉ quấn quanh mình một chiếc áo lót đang nô đùa với nhau ở dưới nước. Đỗ Văn Hạo thấy vậy máu trong người sôi sục hẳn lên, hắn cởi tung hết quần áo trên người nhảy ùm xuống nước nô đùa cùng với mấy vị phu nhân xinh đẹp như tiên của mình.

Lại nói đến người phụ nữ kia sau khi được Đỗ Văn Hạo kê thuốc cho, về đến nhà đem câu chuyện bà ta gặp hôm nay kể cho mọi người trong nhà nghe, có người khuyên bà không nên uống thuốc của Đỗ Văn Hạo, có người lại nói cứ uống đi, dù sao cũng đã bị bệnh mười lăm năm rồi, có chết đi đâu mà sợ. Người phụ nữ kia nhớ lại khuôn mặt nhân từ của Đỗ Văn Hạo thì lại nghĩ ông ta không những khám bệnh cho mình, còn miễn phí tiền thuốc nữa, mình cũng chẳng có gì để ông ta phải hại mình cả, mà ông ta cũng chẳng rỗi hơi đi hại một người nông dân chân đất mắt toét như mình cả. Nghĩ vậy bà ta bèn đem thuốc lên sắc uống, không ngờ sau khi uống được mấy thang thuốc thì bệnh tình thuyên giảm đáng kể, được một thời gian sau thì căn bệnh của bà ta hoàn toàn khỏi hẳn.

Người nhà của người phụ nữ kia thấy bà ta khỏi bệnh thì cảm kích vô cùng, bọn họ đều cho rằng Đỗ Văn Hạo là thần tiên ở trên trời giáng trần chữa bệnh cho bà ta, thế là mọi người trong nhà đều lập bài vị, ngày ngày thờ cúng Đỗ Văn Hạo phù hộ độ trì cho cả gia đình họ. Còn về phần Đỗ Văn Hạo thì hắn không hề biết mình vừa được lập bàn thờ (mặc dù hắn vẫn còn sống), hắn vẫn âm thầm dẫn quân tây tiến, đại quân đi thêm mấy ngày đường nữa thì đến được địa giới của Hoàng Châu.

Từ chỗ địa giới mà đại quân vừa mới đi tới cách Hoàng Châu Châu Nha (Châu Nha ở đây là bộ máy chính phủ cai quản của cả Hoàng Châu) còn nửa ngày đường đi, đội trinh sát đi trước đưa tin về báo nói rằng các quan lại ở Hoàng Châu đã đứng chờ đợi đại quân ở Tống Biệt Đình của Hoàng Châu từ rất lâu rồi.

Thì ra Hoàng Châu Châu Nha đã sớm nhận được thông báo của Bộ Lại, biết được khâm sai đại thần Ninh công công sắp đến để tuyên truyền Thánh Chỉ, do vậy mà quan lại của Hoàng Châu đã phái người đứng đây chờ đợi đã được mấy ngày nay rồi, bọn họ không ngờ đạo quân do Đỗ Văn Hạo lại hành quân chậm như vậy, nhưng không ai dám tự ý bỏ đi, chỉ biết khổ sở đứng ở đây chờ đợi, cuối cùng cũng đợi được đến ngày hôm nay.

Đỗ Văn Hạo cùng Ninh công công bước đến Tống Biệt Đình, từ xa họ đã thấy mấy chục viên quan lại đang đứng đó chờ đợi, sau khi thấy hai người đi đến thì mấy viên quan lại đứng đợi bèn tiến đến rồi cúi người chắp tay thi lễ, trong đó có một vị cao tuổi nhất mình mặc quan bào đứng ngay hàng đầu tiên, trông thấy quan chính ngũ phẩm Đỗ Văn Hạo và Ninh công công đi đến bèn vội vã chạy lên trước ngênh đón: "Ti chức Diệp Nhất Vinh, Huyện Ủy Hoàng Châu, đại diện Chi Châu lão gia đến ngênh đón nhị vị khâm sai, không biết nhị vị là...?"

Lý Phố lúc này đứng cạnh Đỗ Văn Hạo đã tiến lên giới thiệu: "Đây là truyền chi khâm sai Ninh công công, còn vị này là Ngự Tiền Chính Thị Đại Phụ, kiêm Ngự Tiền Cấm Quân Điện Tiền Ti Võ Đức Kỵ Ngụy, Thành Đô Phủ Nhã Châu Câu Quản Quan Đỗ Văn Hạo, Đỗ đại nhân! (Chức vị của cu Hạo dài quá!)"

Diệp Nhất Vinh nghe xong mặt mày hớn hở cúi người chắp tay nói: "Nhị vị đại nhân đường xá xa xôi vất vả quá! Chi Châu Ngụy Văn Đức của Hoàng Châu ở trong thành chờ đợi đã lâu, nơi đây bọn ti chức đã bày sẵn tiệc rượu kính chờ nhị vị đại nhân! Mời nhị vị cùng các tướng sĩ vào đây nghỉ ngơi đôi chút!"

Ninh công công gật đầu nói: "Đỗ Ngự Y! Vậy chúng ta cùng vào trong đình nghỉ ngơi chút vậy!"

Đỗ Văn Hạo đáp: "Được! Lý Phố! Ngươi để đại quân dừng lại nghỉ ngơi nửa canh giờ, sau đó chúng ta sẽ xuất phát, rồi đóng trại ngoài thành!" Lý Phố nghe xong bèn cúi người tuân lệnh, sau đó quay người ra ngoài truyền lệnh.

Đỗ Văn Hạo và Ninh công công lúc này mới bước hẳn vào trong đình, Diệp Nhất Vinh vội ra lệnh cho hai đứa nha dịch phía sau mình phóng ngựa vào trong thành báo cho quan Chi Châu biết tin mà chuẩn bị.

Trong đình lúc này, tiệc rượu cũng đã được bày sẵn, Huyện Ủy Diệp Nhất Vinh cùng với mấy người tùy tùng đều cúi người xuống hết cỡ rót rượu mời Đỗ Văn Hạo và Ninh công công, sau khi giới thiệu cho hai người biết về phong tục tập quán, phong cảnh của Hoàng Châu xong thì Đỗ Văn Hạo và Ninh công công đã đánh chén no say, Diệp Nhất Vinh cũng là người biết uống rượu nên mấy người bọn họ uống rượu với nhau vô cùng vui vẻ, nhưng trong đó có mấy người không uống nổi đành rút lui đứng ra bên ngoài.

Sau một canh giờ, Đỗ Văn Hạo và Ninh công công đều đã ngà ngà say, còn Diệp Nhất Vinh thì đã say mềm ra rồi, chân nọ đá chân kia đứng không vững nữa.

Đỗ Văn Hạo lúc này mới nói: "Thôi được rồi! Chúng ta vào thành thôi!"

Từ chỗ này vào trong thành thì mọi người không được ngồi xe ngựa nữa, mà phải chuyển sang ngồi kiệu, đây là quy định riếng chuyên dành cho các quan trong triều. Ninh công công lúc này là quan khâm sai nên kiệu của ông ta đi đầu tiên, đi phía trước kiệu của ông ta là một đội Đại Nội Thị Vệ kèn trống rợp trời đi trước mở đường, kiệu của Đỗ Văn Hạo thì theo ngay sau lưng của ông ta, còn đội Thị Vệ của hắn thì đi đoạn hậu phía sau cùng, các vị phu nhân của hắn thì ngội kiệu nhỏ hơn lẽo đẽo theo sau hắn vào trong thành.

Ở cổng thành lúc này, Chi Châu Ngụy Văn Đức thân mặc quan bào, thống lĩnh quan lại và Hương Thân (Hương Thân bao gồm những người có học thi đỗ cao nhưng chưa làm quan, những người địa chủ có học hành, những viên quan lại đã về hưu...) đứng chờ sẵn để nghênh đón đoàn quân của Đỗ Văn Hạo.

Khi chiếc kiệu của Ninh công công vừa mới đến nơi thì Ngụy Chi Châu đã vội vã tiến đến cúi người thi lễ, Ninh công công thấy vậy bèn vén rèm che của chiếc kiệu lên gật đầu nói: "Không cần đa lễ! Hương án trong nha môn đã được bày biện xong chưa vậy?"

Ngụy Văn Đức nghe vậy mỉm cười đáp: "Bẩm! Đã chuẩn bị xong hết rồi, chỉ là...."

"Sao vậy?" Ninh công sa sầm nét mặt lại hỏi.

"Hồi bẩm công công! Người tiếp chỉ của Thánh Thượng là Tô Thức Tô Tử Chiêm đang bị bệnh nặng không thể đến đây được, do vậy không trực tiếp nghênh giá đón chỉ của Thánh Thượng được!"

Tô Đông Pha tên tự là Tô Tử Chiêm, cho dù bị cách chức đến Hoàng Châu làm một chức quan nhỏ, nhưng nói cho cùng thì ông ta cũng là một đại văn hào lớn thời bấy giờ, Ngụy Chi Châu khi nhắc đến ông ta thì cũng tỏ ra vô cùng khách khí.

"Cái gì?" Ninh công công sững người hỏi, ông từ nơi xa xôi đến đây để tuyên chỉ, vậy mà người tiếp chỉ lại bị bệnh liệt giường không ra tiếp chỉ được, đúng là một tình huống trớ trêu, chưa bao giờ gặp phải. Đỗ Văn Hạo nghe thấy vậy bèn vội lên tiếng hỏi: "Vậy bây giờ ông ấy ở đâu?"

"Dạ bẩm! Tô Tử Chiêm đang tĩnh dưỡng ở trong nhà mình!"

Ninh công công thấy vậy bèn nói: "Mau mau dẫn đường nhanh lên, ta và Đỗ Ngự Y cùng đến đó xem tình hình thế nào!"

"Tuân lệnh!" Ngụy Văn Đức bèn phân phó viên quan phụ trách tiếp đãi đưa gia quyến của Đỗ Văn Hạo vào một dịch trạm nghỉ ngơi, sau đó ra lệnh cho mấy người Hương Thân ra về, đến tối mới lại mời bọn họ quay lại phủ dự tiệc, sau cùng ông ta và các quan lại khác mới lên kiệu đi trước dẫn đương cho Ninh công công và Đỗ Văn Hạo ra ngoài thành tìm đến nơi ở của Tô Thức.

"Chờ một chút!" Ninh công công vén rèm che kiệu lên nói: "Bọn ngươi chạy ra ngoài thành làm cái gì vậy?"

Ngụy Văn Đức bèn hạ kiệu xuống, vén rèm lên rồi cúi người đáp: "Bẩm công công! Tô Tử Chiêm ở một ngọn núi ngoại thành phía đông có tên là Đông Pha Sơn, chúng ta đi tìm ông ta thì dĩ nhiên phải ra khỏi thành rồi!"

"Cái gì? Ông ta không phải là Đoàn Luyện Phó Sứ hay sao? Tự nhiên mò ra ngoài thành lên núi ở làm gì?"

"Cái này! Có lẽ mỗi người có một ý tưởng riêng của mình, ông ta có lẽ thích cuộc sống trên núi chăng?"

"Ngươi nói vớ vần gì thế! Ông ta là quan, không phải là nông dân! Thôi được rồi! Cứ đi đến đó trước rồi tính sau!"

Thế là đoàn người rồng rắn nhau lần lượt ra khỏi thành, khi ra khỏi thành được một lúc thì cả đoàn người bắt đầu phải leo núi, tuy nói là núi nhưng thực chất nó chỉ là cái đồi nhỏ, hai bên sườn dốc trồng đầy cây tùng bách.

Trên đỉnh đồi giữa khu rừng nhỏ thấp thoáng ẩn hiện một gian nhà cỏ, bên sau gian nhà là một vườn rau, trồng các loại rau xanh quả ngọt, phía trước nhà có một cái sân nhỏ, trong sân có đặt vài cái mẹt đựng đầy rau dại, cạnh đó có hai người phụ nữ ngồi trên ghế đá, đang sắp đám rau dại thành từng bó, gần đó có hai đứa trẻ cũng cúi người xuống nhặt rau cùng hai người phụ nữ kia.

Bọn họ lúc này đã ngước mắt lên trông thấy cách chỗ bọn họ không xa đang có một đoàn người kéo đến, đứa trẻ lớn hơn vội đứng dậy chỉ về phía đám người đang đi đến hỏi cái gì đấy, rồi sau đó nó chạy thẳng luôn vào trong nhà, ngay sau đó một người trẻ tuổi từ bên trong nhà bước ra, đứng trước cổng đưa tay lên ngóng nhìn.

Khi kiệu vừa đến cổng của gian nhà cỏ thì đều dừng hết cả lại, rồi mọi người mới từ từ bước xuống kiệu ra ngoài.

Người trẻ tuổi kia lúc này đã ra đến ngoài cổng, hai người phụ nữ kia cũng đứng hẳn dậy, tay dắt theo đứa trẻ cùng hướng ra ngoài ngóng trông.

Người trẻ tuổi kia giờ đây đã nhận ra Ngụy Chi Châu, bèn vội vã tiến đến cúi người thi lễ nói: "Chi Châu đại nhân đến rồi đó ư!"

"Ừm! Tô công tử!" Ngụy Chi Châu cũng cúi người đáp lễ, sau đó ông ta liền quay sang Đỗ Văn Hạo và Ninh công công giới thiệu nói: "Vị này là Tô Mại, là con trưởng của Tô Tử Chiêm!" Sau đó ông lại chỉ vào hai đứa trẻ đang đứng trong sân nói: "Còn người kia là nhị tử Tô Tạo, và người này là tam tử Tô Quá!"

Hai nữ nhân đứng gần đó lúc này bèn vội vã dắt hai đứa trẻ vào trong nhà, sau đó bước ra trả lễ đáp: "Thần thiếp tham kiến Chi Châu đại nhân!"

Ngụy Chi Châu lại quay sang Đỗ Văn Hạo và Ninh công công giới thiệu tiếp: "Nhị vị đại nhân! Đây là thê thiếp của Tô Tử Chiêm, cả hai đều họ Vương, gọi họ là Vương Thị. Còn đây là hai vị đại nhân từ kinh thành mới đến, một người là khâm sai tuyên chỉ Ninh công công, còn người này là Đỗ Ngự Y!"

Hai vị phu nhân của Tô Thức nghe xong liền cúi người thi lễ.

Đỗ Văn Hạo lúc này đã liếc nhìn hai vị phu nhân này một cái, hắn thấy hai người đều còn khá trẻ, xem chừng tuổi tác bọn họ, một người tầm trên dưới ba mươi tuổi, người còn lại có lẽ chưa đầy hai mươi tuổi nét mặt vô cùng non nớt.

Ngụy Chi Châu lúc này cung kính chắp tay nói: "Không biết Tử Chiêm huynh bệnh tình ra sao, có ở trong nhà không?"

"Ài! Bị bệnh như vậy rồi còn đi đâu được nữa, vẫn đang nằm trên giường trong nhà, mời các vị đại nhân mau mau vào trong!"

Đỗ Văn Hạo mới bước vào đến sân nhà thì thấy nơi đây nghèo nàn, đơn sơ một cách thái quá, hắn lại quét mắt nhìn vào đám rau dại đặt trong cái mẹt ở giữa sân, rồi thấp giọng hỏi Ngụy Chi Châu: "Bọn họ không phải là ăn những thứ rau cỏ này chứ?"

Ngụy Chi Châu bị hắn hỏi vậy, mặt mũi hiện lên một sự ngại ngùng khó xử đáp: "Thưa vâng! Bổng lộc của Tô Tử Chiêm huynh mỗi tháng chỉ vỏn vẹn có năm trăm quan tiền, không đủ để nuôi cả nhà sáu miệng ăn. Trong nhà có ba người con trai không giúp được gì, do vậy ông ấy mới đề xuất với Nha Huyện rằng cho ông ta ra ở đây để khai hoang, trồng mấy loại rau củ nâng cao đời sống hằng ngày. Bây giờ không phải là vụ mùa, lương thực dự trữ cũng đã dùng hết, không ăn rau rừng thì lấy gì mà sống?"

"Phía sau nhà không phải là đang trồng rau củ hay sao?"

"Chỗ rau đó là để mang vào trong thành bán lấy tiền để mua các vật dụng sinh hoạt hàng ngày đó!"

Đỗ Văn Hạo nghe xong thì buồn bã vô cùng, hắn không ngờ một đại văn hào vĩ đại của Trung Quốc lại nghèo khó đến mức trong nhà không đủ ăn, phải đi hái rau dại về để cầm hơi qua bữa như thế này. Xem ra vụ án Ô Đài đem đến hậu quả quá to lớn cho Tô Thức, không biết tình hình sức khỏe của ông hiện nay ra sao nữa, mình phải vào xem xét mới được.

Nghĩ vậy hắn bèn nối gót của hai vị phu nhân vào trong phòng của Tô Thức. Trong căn nhà cỏ này mọi thứ vô cùng đơn sơ, giản tiện, các vật dụng trong nhà thì vô cùng rẻ tiền, góc bếp thì được đắp bằng đất, trên đó đặt một chiếc nồi đã đứt một quai, nắp nồi thì có một đường nứt khá to. Đỗ Văn Hạo đưa mắt vào trông cái nồi đang bốc hơi kia thì thấy dường như nó đang nấu thứ gì đó, khi hắn mở vung ra thì phát hiện trong đó chỉ toàn là rau dại trộn với ít cơm cám đang sôi sùng sục.

Lúc này người vợ chính thất của Tô Thức mới vén rèm bước vào trong phòng riêng của Tô Thức nói: "Lão gia! Có Ninh công công vàĐỗ Ngự Y từ kinnh thành đến đây để tuyên Thánh Chỉ, à! Còn cả Ngụy Chi Châu cũng đến rồi nữa!"

Đỗ Văn Hạo nhân lúc vợ của Tô Thức không để ý bèn len lén đưa mắt ra nhìn vào phía trong phòng của Tô Thức, chỉ thấy trên giường lúc này có một người đàn ông gầy như da bọc xương, tầm tuổi trung niên, dưới cằm ông ta râu mọc lung tung, hốc mắt trũng sâu, đang đắp trên người một cái chăn mỏng, gối trên một chiếc gối trúc nhỏ, khó khăn lắm mới mở được mắt ra nhìn xung quanh.

Bên cạnh giường của ông ta có ngồi hai đứa bé trai, một đứa tầm bẩy tám tuổi, đứa kia có lẽ chỉ ba bốn tuổi đang dương đôi mắt to tròn đen nhánh lên nhìn mọi người đứng ở bên ngoài. Đỗ Văn Hạo trông thấy sức khỏe của người đàn ông trung niên kia yếu ớt không có sức sống như vậy thì bất giác cảm khái vô cùng, ai mà ngờ được cái người gầy gò ốm yếu không có sức sống kia lại là Tô Đông Pha, tác giả của hàng loạt những bài thơ hùng hồn, khí phách có một vị trí độc tôn nền văn học Trung Quốc thời Tống cơ chứ?

Tô Thức lúc này mới ngắt quãng thều thào nói: "Mại Nhi! Mau mau đỡ ta ngồi dây, quỳ xuống tiếp chỉ mau lên!" Tô Đông Pha vừa nói vừa gắng gượng ngóc đầu dậy, rồi lấy hết sức mình chống tay đỡ lấy thân mình ngồi dậy.

Người con trưởng Tô Mại vội vàng chạy đến bên giường đỡ lấy vai của cha mình, đang chuẩn bị đỡ ông ta ngồi thẳng dậy, thì Đỗ Văn Hạo vội vàng hét lên: "Đừng động đậy! Mau để Tô tiên sinh nằm xuống! Mọi người cứ nghe Ninh công công nói trước cái đã, sau đó ta sẽ xem bệnh cho tiên sinh!"

Nói xong, Đỗ Văn Hạo bèn tiến đến đưa tay ra ấn vào vai của Tô Thức, để ông ta nằm hẳn xuống, tuy rằng nằm trên giường tiếp nhận Thánh Chỉ là việc đại nghịch bất đạo, nhưng sức khỏe của Tô Thức không cho phép ông ta ngồi dậy, do vậy coi như cũng không phải có ý khinh thường Thánh Chỉ, nên Ninh công công cũng hiểu ý mà không làm khó Tô Thức.

Ninh công công nở một nụ cười ra nói với Tô Thức: "Tử Chiêm à! Huynh cũng được coi là may mắn rồi đó, huynh biết người đang ngồi trước mặt huynh là ai không? Vị này là thần y đệ nhất thiên hạ hiện nay, là Thái Y Ngự Dụng riêng của Hoàng Thượng, Ngự Tiền Chính Thị Đại Phụ họ Đỗ tên Văn Hạo, tự Vân Phàm. Có Đỗ đại nhân ở đây, cho dù Diêm Vương có đến đây cũng chẳng thể đem Tử Chiêm huynh đi được đâu, ha ha ha!"

Vừa mới nghe Ninh công công nói xong thì người vợ của Tô Thức, Vương Nhuận Chi, và người thiếp của ông ta là Vương Triều Vân đều mừng rỡ vô cùng, hai người đồng loạt vén váy quỳ luôn xuống đất nói: "Ngự Y đại nhân! Mong người hãy cứu lấy tướng công của thần thiếp!"

Ba người con trai trông thấy vậy cũng quỳ luôn gối xuống dập đầu xuống đất kêu lên côm cốp.

Đỗ Văn Hạo thấy vậy thì kinh hãi nhanh chân chạy đến đỡ lấy mọi người đứng dậy, đồng thời hắn quay sang hai vị phu nhân nói: "Hai vị phu nhân đừng làm như vậy! Mau mau đứng dậy! Vân Phàm tuy chưa từng quen biết gì với Tử Chiêm huynh, nhưng Vân Phàm đã ngưỡng mộ đại danh của Tử Chiêm huynh đã lâu, lần này lại còn tiếp nhận Thánh Chỉ của Hoàng Thượng đến đây, cũng được coi là đồng liêu với nhau, Vân Phàm nhất định sẽ dùng hết sức mình để chữa trị cho Tử Chiêm huynh!"

Mấy câu nói của Đỗ Văn Hạo lúc này đã thắp lên một niềm hy vọng vô cùng to lớn cho cả gia đình Tô Thức, đây không chỉ là việc Đỗ Văn Hạo chữa khỏi bệnh được cho Tô Thức, mà còn có ý nghĩa khác, đó chính là Tô Thức một lần nữa được Hoàng Thượng tin tưởng trọng dụng trở lại rồi.

Bọn họ chỉ biết tin là sẽ có quan khâm sai đến đây để tuyên Thánh Chỉ thôi, chứ không hề biết nội dung của Thánh Chỉ là gì cả, do vậy trong lòng ai cũng suy đoán xem xem nó là họa hay là phúc. Bây giờ nghe Đỗ Văn Hạo nói vậy thì cả nhà của Tô Thức đã hiểu ngay rằng, nội dung trong Thánh Chỉ chắc chắn là có tin vui sắp đến, do vậy nét mặt ai nấy đều trở nên rạng rỡ.

Ninh công công nói: "Tử Chiêm huynh lúc này bị bệnh không ngồi dậy được thì ta cũng có thể hiểu được cho huynh, vậy thì để cho cong trai trưởng của huynh quỳ xuống nhận chỉ thay cho huynh vậy!"

Tô Thức lúc này mới nở ra một nụ cười đầy miễn cưỡng nói: "Đa tạ! Đa tạ công công!"

Con trai trưởng của Tô Thức là Tô Mại nghe xong vội vã vén áo quỳ luôn xuống đất chờ nghe Thánh Chỉ.

Ninh công công lúc này bèn lấy trong người ra một cuộn vải màu vàng, sau đó chầm chậm mở nó ra, rồi e hèm một cái cao giọng đọc Thánh Chỉ, sau khi đọc xong bèn trao Thánh Chỉ vào tay của Tô Mại. Tô Mại sau khi tiếp lấy Thánh Chỉ bèn dập đầu tạ ơn, sau đó đứng dậy đem Thánh Chỉ dâng lên cho Tô Thức.

Tô Thức cũng đã nghe xong nội dung của Thánh Chỉ, biết Hoàng Thượng đã phong mình làm Chi Châu của Thành Đô Phủ, Nhã Châu Lộ. Tô Thức trước khi bị cách chức thì ông ta đã từng đảm nhiệm Từ Tâu Chi Châu, do vậy lần này nhậm chức coi như là ông ta đã hồi phục lại chức vụ cũ ngày xưa của mình rồi. Tô Thức lúc này vô cùng xúc động, hai hàng nước mắt bắt đầu rơi xuống lã chã, người con trưởng Tô Mại liền chạy đên bên cha mình đỡ ông ngồi dậy, rồi hướng ông về hướng bắc, Tô Thức bèn chắp tay lại nói: "Vi thần đa tạ long ân của Hoàng Thượng!"

Ninh công công lúc này liền lên tiếng: "Ân nghĩa của Hoàng Thượng thì dĩ nhiên phải tạ ơn rồi, nhưng mà Tử Chiêm huynh à! Nếu như không có Đỗ Ngự Y ở trước mặt Hoàng Thượng tiến cử cho huynh, e rằng cái Thánh Chỉ này huynh cũng không đủ tư cách để mà nhận rồi!"

"Hả?" Cả gia đình của Tô Thức đồng loạt kêu lên một tiếng, rồi cùng nhau nhìn về phía Đỗ Văn Hạo.

Ninh công công thấy vậy bèn mỉm cười giải thích: "Tử Chiêm huynh chắc không biết! Đỗ Ngự Y vốn là Ngự Tiền Chính Thị Đại Phu, kiêm Cấm Vệ Quân Điện Tiền Ti Võ Đức Kỵ Úy chính ngũ phẩm, Đỗ Ngự Y không chỉ y thuật như thần, mà còn có những cái nhìn độc đáo về biến pháp nữa! Hoàng Thượng sau khi nghe Đỗ Ngự Y đàm luận xong thì lập tức phong cho Đỗ Ngư Y làm chức Câu Quản Nha Châu Thường Bình Thương, để ông ta tiến hành biến pháp ở Nhã Châu! Biến pháp của Đỗ Ngự Y hoàn toàn khác với cái biến pháp của Vương An Thạch, Đỗ Ngự Y sau khi tiếp chỉ bèn ở trước mặt Hoàng Thượng tiến cử Tử Chiêm huynh lên làm đồng liêu với ông ta, làm Chi Châu của Nhã Châu! Đỗ Ngự Y nói rằng Tử Chiêm huynh là một đại nho sĩ đương đại! Thi ca của huynh cổ kim hiếm gặp! Lại nói Tử Chiêm huynh khi làm quan thì vô cùng am hiểu nỗi khổ của dân chúng, yêu dân như con! Hoàng Thượng nghe xong thì nể mặt Đỗ Ngự Y mà hạ chỉ phong cho huynh lên làm chức Chi Châu Nhã Châu, huynh đã hiểu chưa vậy?"

Tô Thức chưa nghe xong Ninh công công nói đã nước mắt chảy dài, nhìn vào Đỗ Văn Hạo chắp tay nói: "Đỗ Ngự Y! Ti chức có tài có đức gi mà được Đỗ Ngự Y yêu mến như vậy! Nhuận Chi, Mại Nhi! Sao vẫn còn chưa tạ ơn đại nhân đi! Mau lạy tạ Đỗ Ngự Y nhanh lên!"

Do tâm tình lúc này quá đỗi xúc động Tô Đông Pha đột nhiên ho lên khù khụ, gập hết cả người lại.

Nhưng khi vợ con của Tô Thức vừa mới định quỳ xuống lạy tạ thì Đỗ Văn Hạo đã tiến đến ngăn lại nói: "Đừng làm như vậy! Đây là ân điển của Hoàng Thượng, ta cũng chẳng có công lao gì cả! Việc cấp bách nhất bây giờ chính là chữa bệnh cứu người! Tử Chiêm huynh! Bệnh tình của huynh bây giờ đã chuyển biến vô cùng nghiêm trọng rồi, huynh bây giờ đã có hiện tượng khí huyết suy kiệt rồi, nếu kéo dài thêm nữa e rằng sẽ nguy hiểm đến tính mạng!"

Mọi người nghe xong vội vã lui ra để cho Đỗ Văn Hạo ngồi lên giường xem bệnh cho Tô Thức. Đỗ Văn Hạo sau khi ngồi lên thành giường bèn chăm chú xem xét Tô Thức, hắn thấy trên trán ông ta mồ hôi lấm tấm, hai gò má ửng đỏ, đưa tay lên sờ thì thấy nóng vô cùng, Đỗ Văn Hạo liền hỏi: "Huynh có cảm thấy lạnh không?"

"Ừm! Ngồi dậy thì lạnh, nhưng khi nằm xuống thì lại thấy nóng, nóng đến đột toát mồ hôi!" Đỗ Văn Hạo nghe vậy bèn nói: "Há lưỡi ra cho tại hạ xem!"

Đỗ Văn Hạo trông lưỡi của Tô Thức thì thấy màng mỏng và khô, Đỗ Văn Hạo lại hỏi: "Còn có chỗ nào trong người khó chịu nữa?"

"Xương sườn bên trái vẫn thấy đau nhức, khi ho thì trong đờm có màu đỏ!"

Trong lúc nói chuyện thì Tô Thức lại bắt đầu ho lên dữ dội, trong tiếng ho của ông nghe được cả tiếng ho của đờm, người thiếp Vương Triều Vân của ông ta bèn vội lấy một chiếc khăn lại cho ông nhổ đờm vào trong đó, Đỗ Văn Hạo đưa mắt ra nhìn thì quả nhiên trông thấy trong đờm của ông có máu.

Đỗ Văn Hạo lại hỏi tiếp: "Hằng ngày ho ra đờm có nhiều không?"

Tô Thức vẫn ho khù khụ rồi không ngừng thở hắt ra một cách khó nhọc, người vợ Thuận Chi của ông bèn trả lời thay cho chồng mình: "Ho nhiều lắm! Có khi nhiều đến đầy cả ba tách trà này!"

Đỗ Văn Hạo đưa tay ra bắt mạch thì thấy mạch của Tô Thức nhỏ yếu, dây mạch bên phải thì trơn không có lực, hắn cũng thầm đoán ra được căn bệnh đến bảy tám phần rồi, hắn lại lên tiếng hỏi tiếp: "Bệnh kéo dài được bao lâu rồi?"

Vương Nhuận Chi và Vương Triều Vân cùng đưa mắt nhìn nhau, rồi suy ngẫm, được một lúc thì Nhuận Chi lên tiếng đáp: "Cũng khá lâu rồi! Bọn thiếp cũng cho đi mời đại phu đến khám rồi, nhưng đều không có kết quả gì cả, bệnh tình của tướng công thì ngày càng nặng thêm!" Nói đến đây thì Vương Nhuận Chi nấc lên nghẹn giọng.

Đỗ Văn Hạo ngước đầu lên nhìn trần nhà của căn phòng này, hắn cơ hồ như nhìn được cả ra bầu trời bên ngoài, hắn lại tiếp tục nhìn lên trên bức tường được dựng bằng vỏ cây, chỗ nào cũng có lỗ hổng, Đỗ Văn Hạo thở dài lên một tiếng rồi nói: "Tử Chiêm huynh mùa đông nào cũng phải chịu lạnh đúng không?"

Tô Thức khó khăn lắm mới dứt được cơn ho thập tử nhất sinh của mình, ông từ từ lên tiếng đáp: "Đúng vậy! Căn nhà cỏ này không chịu nổi gió lạnh mùa đông! Ta thì cũng chẳng thấy có vấn đề gì! Chỉ khổ cho vợ con của ta thôi!"

"Huynh còn nói là không vấn đề gì! Ha ha! Bệnh này của huynh có tên gọi là bệnh Mùa Xuân, tại sao gọi nó như vậy? Là tại vì mùa đông huynh bị nhiễm lạnh, hàn khí xâm nhập vào cơ thể rồi thấm khí độc vào trong cơ thể, sau đó nó liền ẩn náu ở trong đó, đợi khi đến mùa xuân khi huynh chẳng may nhiễm cảm thì khí độc đang ẩn náu trong cơ thể của huynh sẽ được dịp bùng phát. Khi huynh mới phát bệnh chắc là huynh sẽ cảm thấy đau đầu, nóng lạnh thất thường đúng không?"

"Đúng vậy!" Tô Thức vô cùng kinh ngạc đáp, ông không ngờ rằng Đỗ Văn Hạo chỉ nhìn ông một cái thôi mà đã nói ra bệnh tình mấy tháng nay của ông rồi, điều này làm ông cảm thấy vô cùng khâm phục trình độ y thuật của Đỗ Văn Hạo.

"Mấy người tìm đại phu đến khám bệnh cho Tử Chiêm huynh người ta kê thuốc thế nào? Có còn đơn thuốc không?"

"Vẫn còn!" Vương Triều Vân đáp: "Để thần thiếp đi lấy cho tiên sinh!"

Vương Triều Vân liền chạy ra cái tủ ở góc tường sau một hồi bới tìm, cuối cùng nàng cũng tìm ra đơn thuốc đưa cho Đỗ Văn Hạo xem.


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-549)


<