← Hồi 377 | Hồi 379 → |
Nghiệp lớn?
Có lẽ trong mắt của những người như Tào Bằng thì quận Hà Tây không đáng để nói đến, nhưng trong mắt Lý Kỳ, lão lại thấy rõ rằng mảnh đất Hà Tây chật hẹp nhỏ bé này sẽ có một tương lai phát triển chưa từng có. Có thể sau một trăm năm nữa, nơi này sẽ trở thành một nơi phồn hoa nhất.
Quận Hà Tây được thành lập, các chức quan lại đã được sắp xếp.
Từ quận thừa cho đến Huyện trưởng bốn huyện bên dưới, quan viênsớm đã được sắp xếp đâu vào đó. Chỉ còn duy nhất một chức vụ, vẫn giữ ở đó mà chưa quyết.
Quận úy!
Chức quan nắm giữ quân sự của Hà Tây.
Rất nhiều người đều cho rằng, chức vụ Quận úy Hà Tây này sớm đã được an bài, chỉ có điều là Tào Bằng không nói với ai mà thôi.
Nhưng lại không ai biết, trong lòng Tào Bằng, ứng viên xứng đáng nhất cho chức Quận úy Hà Tây, ngoài Lý Kỳ ra không còn ai khác.
Dù sao, Hà Tây cũng không giống như những nơi khác, ở đây người Hồ người Hán hỗn tạp, mối quan hệ giữa các bộ lạc với nhau vô cùng phức tạp. Ví như Hồng Trạch đó, giữa mười tám bộ lạc rốt cuộc là tồn tại những mối quan hệ như thế nào? Không ai có thể hiểu hết, trừ khi Tào Bằng bỏ ra rất nhiều sức lực đi chỉnh đốn, thì may ra mới có thể có được một đáp án. Chỉ có điều, đáp án đó liệu có hoàn chỉnh hay không, thì không ai dám chắc. Còn Lý Kỳ, tuy không phải là người bản địa ở Hà Tây, nhưng đã định cư ở khu chăn nuôi Hồng Trạch từ những năm Hi Bình.
Mới đó đã bốn mươi năm, đối với tình hình nội bộ của Hồng Trạch ông ta hiểu rõ như lòng bàn tay, thậm chí ngay cả Đậu Lan cũng không sánh bằng.
Đồng thời, với sự dày dạn kinh nghiệm của ông ta, thì sự hiểu biết về tình hình Hà Tây là không ai khác có thể sánh cùng.
Nếu nói ai là thổ địa ở đất Hà Tây này?
Không phải Đậu Lan, mà chính là ông già đang tuổi "cổ lai hi" đang đứng trước mặt Tào Bằng đây.
Ông ta có kinh nghiệm, có uy vọng, tuổi tác cũng xứng đáng, hơn nữa lại đã từng làm Giáo úy trong quân đội Hán. Xét trên tất cả các phương diện, thì chẳng có ai xứng đáng đảm nhiệm chức vụ Quận úy Hà Tây hơn ông ta. Sau khi thương nghị với Lý Nho, Tào Bằng bèn đi đến quyết định này.
Vì lẽ đó, thậm chí hắn còn nảy sinh tranh luận với bọn Bàng Thống, nhưng cuối cùng cũng đã thuyết phục được bọn họ.
- Ta dự định mời lão đại nhân xuất sơn, tạm thời giữ chức Quận úy Hà Tây.
Hà Tây, rồi đây sẽ đón nhận một cơ hội lớn chưa từng có, xin lão đại nhân đừng cự tuyệt, xin giúp cho tiểu bối một phen.
Tào Bằng, đường đường là một danh sỹ Trung Nguyên, đại danh đỉnh đỉnh Tào Tam Thiên.
Lại là cháu của Tào Tháo, Thái thú Hà Tây, Bắc Trung Lang Tướng, nắm giữ quyền lực không ai sánh bằng. Hắn có thể đích thân đến tận nơi, còn đem thái độ nhún nhường của kẻ dưới, mời Lý Kỳ xuất sơn. Vinh dự này, đủ khiến cho nhiều người lấy làm cảm động. Lý Kỳ lại không phải là Gia Cát Lượng phải đợi ba lần viếng lều cỏ mới chịu xuất núi, sao có thể cự tuyệt tấm lòng của Tào Bằng?
Cho dù ông ta không suy nghĩ cho mình, thì cũng phải suy nghĩ cho Lý Đinh.
Không nghĩ cho Lý Đinh, thì cũng phải nghĩ cho già trẻ lớn bé mấy trăm người nhà họ Lý ở khu chăn nuôi này.
Bất kể là xét dưới góc độ nào, Lý Kỳ cũng không có lý do gì để cự tuyệt. Nếu đã không thể cự tuyệt, thì Lý Kỳ cũng phải bày tỏ thái độ tương ứng...
Cho nên, Lý Kỳ phủ phục xuống nền tuyết, hai hàng lệ già nua giàn giụa, nói lời cảm kích.
- Công tử đã thịnh tình như vậy, sao lão hủ dám không quên mình mà phục vụ?
***
Cứ thế, Lý Kỳ đã nhận lời xuất núi, đảm nhiệm chức vụ Quận úy Hà Tây, minh ước của ba mươi sáu bộ lạc ở Hồng Trạch năm xưa hoàn toàn tiêu vong.
Cái tên Hồng Trạch, sẽ không còn tồn tại nữa.
Từ nay về sau, trên thảo nguyên chăn nuôi này, chỉ còn cái tên "huyện Hồng Thủy" và "Võ Bảo" mà thôi.
Sau khi Hồng Thủy Tập dẹp bỏ, sẽ hoàn toàn được cải tạo. Tào Bằng sẽ cho xây dựng huyện thành Võ Bảo trên cơ sở cũ của Hồng Thủy Tập.
Hơn nữa, diện tích của huyện thành này, sẽ rộng lớn hơn gấp đôi so với Hồng Thủy Tập khi xưa.
Tào Bằng tuyên bố, sẽ di dời một ngàn năm trăm hộ dân từ huyện Hồng Thủy đến Hồng Thủy Tập. Còn cư dân cũ của Hồng Thủy Tập vẫn có thể tiếp tục sinh sống ở đây. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn nhất, cư dân của Võ Bảo sẽ đạt tới con số hai mươi ngàn người. Đến lúc đó, Phượng Minh Bảo, Võ Bảo, Hồ Bảo và Liêm Bảo, sẽ cùng với huyện Hồng Thủy tạo thành một chỉnh thể hữu cơ.
Bất luận là xét trên trên góc độ quân sự hay chính trị mà nói, huyện Hồng Thủy thông qua bốn thành trấn này, thì có thể bao quát được cả quận Hà Tây. Sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn, thậm chí có thể kéo dài đến tận hai vùng đất Hưu Đồ Trạch và Võ Uy của người Khương Hồ.
Tào Bằng đã phác họa lên một bức tranh tươi đẹp cho người Hồng Trạch, người Hà Tây.
Lại thêm có Lý Kỳ đứng ra đảm nhận chức Quận úy nữa, thế là góp thêm một phần rất lớn để ổn định tâm tư của các bộ lạc ở Hà Tây...
Nói như lời của Tào Bằng là "một thời đại của Hà Tây mới hoàn toàn mới mẻ sắp đến rồi".
Tầm ảnh hưởng của Lý Kỳ quả nhiên rất lớn.
Mùng sáu tháng chạp, Lý Kỳ xuất núi đảm nhiệm chức Quận úy.
Đến ngày mười tháng chạp, chỉ trong vòng có bốn ngày ngắn ngủi, Hồng Trạch có bảy bộ lạc thì cả bảy đến nhìn đầu nhập, biểu thị thái độ quy thuận với triều đình.
Đến ngày mười lăm tháng chạp, toàn bộ Hồng Trạch hoàn toàn quy thuận.
Các bộ lạc Khương Hồ khác, cũng dồn dập phái người đến đệ trình danh sách, tuyên bố chính thức quy phục.
Theo như khế ước Hồng Thủy, sau khi giao nộp danh sách, thì các bộ lạc không còn là dị tộc nữa, mà gọi chung là dân Hán."Các người muốn tin vào điều gì thì cứ tin, Tào Bằng sẽ không ngăn cản. Nhưng, các người chỉ có thể xưng là dân Hán, không có lựa chọn nào khác..."
Việc này, liệu cũng có thể coi như là sự hòa hợp lớn các dân tộc?
Tháng mười hai năm Kiến An thứ tám, Tào Bằng dâng tấu chương lên triều đình, xin lập quận Hà Tây.
Đồng thời, gửi theo cả danh sách quan viên của năm huyện trực thuộc quận Hà Tây về Hứa Đô. Chỉ đợi công văn phê chuẩn của phủ Thượng thư, là có thể chính thức sử dụng ba chữ "quận Hà Tây". Tuy nhiên, cũng không quan trọng, vì quận Hà Tây vốn là kết quả mà Tư Không phủ sớm đã thương nghị và quyết định xong, chuyện báo lên phủ Thượng thư chẳng qua chỉ là hình thức mà thôi. Ngay sau khi Tào Bằng vừa gửi công văn đi, thì hắn đã cho sử dụng chính thức tên gọi "quận Hà Tây" rồi. Từ Thứ đảm nhận chức vụ Chủ bộ quận Hà Tây, đồng thời kiêm nhiệm thêm chức vụ Huyện trưởng huyện Hồng Thủy nhiệm kỳ thứ nhất.
Chức Võ Bảo trưởng sẽ do Bàng Lâm đảm nhiệm, đồng thời bổ nhiệm Khương Tự làm Võ úy.
Trong khi đó Lương Khoan cũng đang hưng phấn chuẩn bị để đi đến Hồ Bảo, đảm nhiệm chức Hồ úy. Nếu tính toán ra, kể từ sau khi Tào Bằng đặt chân đến Hà Tây đến nay, những người quy thuận theo Tào Bằng lần lượt đều được phong thưởng. Phải nói là ai cũng có được một kết quả đáng vui đáng mừng.
Ngày hai mươi tháng chạp, sau khi tính toán, tổng số nhân khẩu có đăng ký trên sổ sách của Hà Tây là hơn hai trăm mười ngàn người.
Trong đó nhân khẩu người Hán ước tính khoảng chín mươi ngàn người, số còn lại đều là dị tộc người Hồ. Nếu tính theo tỉ lệ như thế này thì nhân khẩu người Hán và người Hồ tương đương nhau, về cơ bản là không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, có rất nhiều người Hán là vừa mới di dời đến, nên vẫn cần một giai đoạn thích ứng nữa... cho nên những mâu thuẫn và xung đột tất yếu giữa hai tộc Hán – Hồ, vẫn còn cần phải có thời gian để dần dần hóa giải.
Về tổng thể mà nói, thì tình hình tương đối tốt!
An Định Thái thú Trương Ký, Kim Thành Thái thú Hàn Toại, và Lương Châu Thứ sử Vi Khang, cả ba người đều phái đặc sứ đi tới quận Võ Uy.
Mục đích của ba người bọn họ hết sức đơn giản: Mã Đằng lui binh!
Sau trận chiến trên bãi Phượng Minh, Mã Đằng kẹt ở cách khu chăn nuôi của nhà họ Lý ngoài mười dặm, tiến thoái lưỡng nan.
Mã Đằng muốn lui binh, nhưng chỉ thiếu một cái cớ thích hợp. Vừa hay sứ giả của bọn người Trương Ký đến đúng lúc, mở cho Mã Đằng một con đường lui. Cho nên, vào đầu tháng chạp, sau khi cục thế ở Hồng Trạch đã ổn định, Mã Đằng bèn hạ lệnh: thế cục Hà Tây đã ổn định, triều đình đã diệt trừ được nghịch tặc, nay quyết đinh lui binh... trên thực tế, đây chỉ là một cái cớ, và ai cũng hiểu điều đó.
Cho nên, Tào Bằng còn dâng lên triều đình một bản tấu chương, nói rõ công lao thảo phạt nghịch tặc của Mã Đằng.
Mã Đằng uất nghẹn trong lòng!
Đại quân hai mươi ngàn người hùng dũng xuất chinh, một mũi tên cũng chưa bắn được ra, đã đành ỉu xìu quay về, trong lòng y làm sao có thể thoải mái cho được?
Nhưng vấn đề là, y vẫn nhất định phải dâng tấu chương lên triều đình, thỉnh công cho Tào Bằng.
Rằng, trong việc dẹp yên chiến loạn ở Hà Tây, Tào Bằng có công đầu, Mã Đằng y chỉ là hiệp trợ mà thôi...
Tóm lại, cú bạt tai này của Tào Bằng, khiến cho Mã Đằng mất mấy tháng cũng không nguôi ngoai được, suốt ngày ở trong Quận giải mượn rượu giải sầu, uống say rồi thì réo ầm lên chửi rủa Tào Bằng. Vẫn còn may, coi như y vẫn còn tỉnh táo, không xông ra ngoài mà chửi, chỉ ở trong nhà chửi rủa vậy thôi.
Băng Thành, vẫn đứng sừng sững bên dòng Hồng Thủy như xưa.
Lại là một ngày có tuyết rơi, những bong hoa tuyết to như lông ngỗng rơi xuống lả tả.
Nền móng thành trì của huyện Hồng Thủy đã được xây xong, tiếp theo sẽ là xây dựng tường thành.
Còn trong thành cũng đã được quy hoạch hoàn chỉnh, việc bố trí và thiết kế vị trí Quận giải, ví trí Huyện giải, khu dân cư, chợ, giáo trường, quân phủ... đều đã được sắp xếp đâu ra đấy cả. Trời giá rét đất khô lạnh, không cách gì thi công tiếp được. Cho nên, Tào Bằng hạ lệnh dừng việc thi công, đợi đến sau mùa xuân năm tới, sẽ vừa xây thành, vừa làm đồn điền, đảm bảo cho tất cả mọi người đều có thể vào ở nhà mới trong năm sau.
Đầy trời bông tuyết tung bay, Tào Bằng thả bộ ra ngoài đại doanh.
Quách Hoàn và Bộ Loan đi bộ cùng hắn dưới trời tuyết.
Hai con Tuyết Ngao (chó ngao) theo sát hai bên, vui vẻ chạy nhảy trên nền tuyết...
Theo phía sau bọn họ, Vương Song dẫn theo năm mươi tên cận vệ, đi lùi về phía sau chừng mấy chục mét, trong đám cận vệ còn có cả một cỗ xe ngựa.
- Phu quân, cảnh tuyết ở Hà Tây này thật đẹp.
Bộ Loan hà ra một ngụm hơi, hai gò má lạnh đến nỗi đỏ ửng cả lên, nhìn giống như hai quả táo chin đỏ.
Đây chẳng phải là lần đầu tiên nàng nhìn thấy tuyết rơi, cũng không phải là lần đầu tiên nhìn thấy tuyết ở Hà Tây. Cảnh tuyết rơi ở Hứa Đô tuy cũng đẹp, nhưng không thể so sánh với vẻ hùng tráng ở vùng tái bắc này.
Nàng vừa hà hơi vào lòng bàn tay, vừa phấn khích nói.
Cũng khó trách, kể từ khi nàng và Quách Hoàn đến Hà Tây, gần như chưa từng có dịp ở cùng bên Tào Bằng một cách đúng nghĩa, giống như hồi còn ở Hứa Đô vậy, cùng nhau đi dạo, nhấm nháp một chút tay nghề của nàng. Tào Bằng suốt cả ngày đều bận rộn với việc quân chính đại sự, căn bản là chẳng có thời gian để nghĩ đến tình riêng. Nhưng, dù như thế đi chăng nữa, Bộ Loan và Quách Hoàn cũng đã cảm thấy mãn nguyện lắm rồi!
Chí ít ra, bọn họ mỗi ngày đều có thể nhìn thấy phu quân của mình, có thể tự tay chuẩn bị bữa cơm tối cho chàng.
Cho dù là có phải đợi đến nguội lạnh, thì bọn họ cũng có thể đun nóng lại...
Còn Hoàng Nguyệt Anh và Hạ Hầu Chân ở tận Hứa Đô xa xôi thì chỉ có thể ôm khuê phòng vò võ mà thôi. Nếu so sánh với nhau, thì hai người bọn họ còn hạnh phúc hơn nhiều.
- Phu quân, khi nào chúng ta sẽ trở về Hứa Đô?
Tào Bằng cười nói:
- Sao, muốn về rồi sao?
- Không phải vậy... chỉ có điều thiếp cảm thấy Nguyệt Anh tỷ tỷ và Chân tỷ tỷ ở Hứa Đô, không được đoàn tụ với phu quân thì sẽ buồn lắm.
Nhắc đến Hoàng Nguyệt Anh và Hạ Hầu Chân, khiến trong lòng Tào Bằng dâng lên một nỗi buồn.
Thoáng cái, thế mà đã một năm rồi.
Kể từ khi hắn rời khỏi Hứa Đô vào đầu năm, đến nay đã gần một năm.
Chắc là Tào Oản đã biết đi rồi... còn Tiểu Long, đứa con yêu quý của hắn, cũng sắp một tuổi rồi!
Cha mẹ, tỷ tỷ, bọn họ có được khỏe không?
Còn Đặng Cự Nghiệp, Hồng Nương Tử bọn họ nữa, bây giờ đang làm gì?
Thật nhớ bọn họ quá!
Trong mắt Tào Bằng thoáng có chút rơm rớm ướt.
Nhưng ngay lập tức, hắn hít sâu vào một hơi, kiềm chế tình cảm yếu mềm trong lòng xuống. Đây là Hà Tây, là phương Bắc, không nên để tình cảm nhi nữ vấn vương..."đợi đến khi ta gầy dựng xong cơ sở cho nơi này rồi, đó sẽ là ngày cả nhà ta được đoàn tụ".
Nghĩ đến đây, tinh thần hắn chợt rúng động.
- Đúng rồi, hai ngày nữa ta sẽ phái người về nhà, các nàng có muốn cùng về thăm nhà không?
Bộ Loan và Quách Hoàn hai miệng đồng thanh đáp:
- Không muốn!
Lời nói vừa thốt ra, hai người đồng thời đưa mắt nhìn nhau, không hẹn mà cùng bật cười...
Nghe thấy tiếng cười trong trẻo như tiếng chuông bạc của hai nàng, nỗi buồn trong lòng Tào Bằng cũng vơi đi ít nhiều. Nhìn cảnh tuyết tráng lệ, làm trỗi dậy trong lòng hắn một tình cảm hào hùng vô hạn, bất chợt co giò phóng chạy. Hai con Tuyết Ngao vừa sủa vừa đuổi sát ngay theo phía sau hắn.
Tiếng cười, tiếng chó sủa, vang vọng giữa đất trời tuyết phủ trắng xóa.
Tào Bằng ngửa cổ hú vang!
Hắn thật muốn hét lớn lên thành tiếng: "Tam Quốc, ta đến đây..."
*****
Tào Phi nghiến răng nghiến lợi, đồng thời trên mặt đầy vẻ khó xử.
Phải nói là, trong suốt một năm qua, Tào Phi cai quản huyện Tất rất hiệu quả. Từ một huyện nhỏ không tới mười ngàn hộ trước kia, đến nay đã đạt tới con số hơn bảy mươi ngàn, tăng trưởng hơn một nửa. Vùng này lại thu được thuế má phong phú, được mệnh danh là một trong ba vùng phát triển tốt nhất. Từ một vùng đất hoang sơ, mà đạt được thành tích chính trị như vậy, có thể nói là đã thể hiện được rõ năng lực của người cai quản.
Nếu như không có việc Hà Tây bị thu phục, thì thành tích chính trị của huyện Tất đủ khiến Tào Phi mở mày mở mặt, đủ để y chứng minh được thực lực của mình.
Chính là do Hà Tây, khiến cho tất cả những gì Tào Phi đã làm được trong suốt một năm qua trở nên lu mờ, không chút đặc biệt.
Y dựa vào hành lang, tay vịn lan can, hồi lâu không nói năng gì.
Vẻ mặt của Tư Mã Ý cũng hết sức đau khổ, im lặng đứng sau lưng Tào Phi.
Một hồi lâu, Tư Mã Ý khe khẽ nói:
- Thế tử, người đã hạ quyết tâm chưa?
Tào Phi ngoảnh đầu lại, nói:
- Trọng Đạt, ta không cam tâm, không cam tâm... hãy cho ta thêm một chút thời gian nữa, ta nhất định sẽ làm cho huyện Tất trở thành huyện phát triển tốt nhất trong ba vùng. Bây giờ mà từ bỏ như vậy, thì bao nhiêu công sức trước kia há chẳng phải đổ sông đổ biển cả ư, làm sao ta có thể đành lòng?
Tư Mã Ý nói:
- Ta cũng không cam tâm.
Cho dù Thế tử có tiếp tục ở lại đây, đưa huyện Tất trở thành huyện phát triển tốt nhất trong ba vùng đi nữa, thì vẫn không thể sánh được với thành tích chính trị rạng rỡ của Hà Tây. Hà Tây từ đất bằng quật khởi, cũng đồng nghĩa với việc làm lại từ đầu. Trong tình hình này, mỗi một thành tích mà Tào Bằng làm được, cũng được người ta phóng đại lên. Còn Thế tử bất luận có làm thế nào đi nữa, cũng bị lép vế dưới cái bóng của Tào Bằng, chở nên không đáng giá.
Điều mà Thế tử mong muốn vẫn chưa đến, hà tất phải so đo sự được mất lúc này?
Chủ công đang chuẩn bị phát động công đánh Nghiệp Thành, đây chính là thời cơ tốt để Thế tử chứng minh cho thiên hạ thấy sự võ dũng và năng lực của mình. Hơn nữa, Thế tử có thể dựa vào cuộc chiến ở Hà Bắc, để lôi kéo các mối quan hệ trong quân đội, so với chuyện đó thì huyện Tất nhỏ bé này đâu đáng để đem ra so sánh?"
Tào Phi nghe xong, lặng im không nói gì.
Ngày cuối năm càng lúc càng đến gần, cũng sắp đến ngày Tào Phi phải phụng mệnh trở về Hứa Đô.
Cũng chính vào lúc này, y phải đối mặt với một lựa chọn không thể tránh khỏi: hoặc là tiếp tục ở lại Tất huyện, cai trị huyện Tất trở thành huyện phát triển tốt nhất trong ba vùng, rồi sau đó mang theo thành tích rực rỡ đó trở về Hứa Đô; hoặc là rời khỏi huyện Tất, đến tham gia cuộc chiến ở Hà Bắc.
Chính bản thân Tào Phi cũng do dự không quyết định được, nên đành tìm Tư Mã Ý đến thương lượng.
Sau khi suy nghĩ kỹ càng, Tư Mã Ý khuyên Tào Phi rời khỏi huyện Tất. Nguyên nhân rất đơn giản, huyện Tất cách Hà Tây quá gần, trong khi đó một người là cháu của họ Tào, một người là con trai của họ Tào, rất dễ khiến cho người ta đem ra so sánh.
Nếu xét về nền móng mà nói, thì Hà Tây yếu kém, không thể đem ra so sánh với huyện Tất.
Nhưng Tào Bằng lại thu phục toàn bộ Hà Tây, cũng giống như dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng, tương lai chắc chắn sẽ phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Nền móng kém có cái hay của nền móng kém, đó chính là mỗi một chút tiến bộ đều sẽ được người ta phóng đại một cách vô hạn. Dưới con mắt của người đời mà đem ra so sánh, thì cho dù Tào Phi có giành được danh hiệu phát triển tốt nhất cho huyện Tất, cũng bị người ta nói "nền móng của hắn tốt, cho nên đạt được thành tích cũng không có gì lạ, nếu đổi lại là Tào Bằng thì huyện Tất sẽ thế này thế kia..."
Lý do thứ hai khiến Tư Mã Ý khuyên Tào Phi rời bỏ huyện Tất, chính là vì lực lượng trong quân đội.
Tào Phi đến huyện Tất vốn là để rèn luyện.
Trong một năm ở huyện Tất, y đã chứng minh được năng lực của mình.
Cho nên, việc mà y cần làm bây giờ, là kéo gần các mối quan hệ trong quân đội, duy trì sự qua lại mật thiết trong quân, và gầy dựng đủ chiến công.
Tào Bằng ở Hà Tây có thiếu gì cơ hội để lập quân công.
Trong khi đó Tào Phi ở huyện Tất, sẽ rất khó có được những cơ hội như vậy...
Chẳng phải là sau khi Tào Bằng chiếm lĩnh được Hà Tây, thì huyện Tất đã bị biến thành nội địa, rất khó có chiến tranh xảy ra. Cho dù là có, thì cũng chỉ là mấy bọn giặc cỏ vớ vẩn mà thôi, căn bản không giúp Tào Phi thể hiện được bản lĩnh. Còn về phần Tào Bằng, hắn có thể có giao chiến, hoặc xung đột không ngừng với người Hung Nô, người Khương Hồ. Rất dễ gặt hái được quân công, cùng với đó sẽ đạt được sự tán thưởng cũng như thân cận của các tướng lĩnh trong quân...
Ở lại huyện Tất đã không còn mấy ý nghĩa nữa.
Nếu đã như vậy, thì chẳng thà đi Hà Bắc, tham gia vào cuộc chiến ở Nghiệp Thành...
Tào Tháo sủng ái Tào Xung, mà Tào Bằng lại là ân sư vỡ lòng của Tào Xung, sau này rất có thể sẽ ủng hộ để Tào Xung trở thành người thừa kế.
Danh vọng của Tào Bằng càng cao, thì vốn liếng để Tào Xung trở thành người thừa kế càng nhiều.
Còn về phần Tào Phi, nếu như không có đủ danh vọng, sẽ ngày càng bị Tào Xung áp sát, thậm chí sớm muộn sẽ có ngày bị Tào Xung vượt qua, càng ngày càng xa. Nhất định phải rời khỏi huyện Tất, trở về Trung Nguyên, cũng chỉ có như vậy, mới có thể tạo dựng được uy vọng cho Tào Phi.
Thái độ của Tư Mã Ý hết sức rõ ràng, khiến cho Tào Phi dần dần cũng bị lung lay.
- Đành vậy, vậy lần này trở về Hứa Đô, ta sẽ thỉnh cầu phụ thân cho ta tham gia cuộc chiến Nghiệp Thành vào năm sau.
Tào Phi nói xong, nắm tay khẽ đấm xuống lan can một cái.
Mặc dù là y đã đưa ra quyết định, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy có chút buồn bực, bất luận thế nào đi nữa, y cũng là do bị Tào Bằng dồn ép đến không còn cách nào khác, bất đắc dĩ đành phải trở về Trung Nguyên...
Sau một trận tuyết lớn, sông Hồng Thủy đóng băng.
Tào Bằng không hề biết rằng, những gì mà hắn làm ở Hà Tây đã gây ảnh hưởng rất lớn đến những người khác. Sau hôm đi dạo dưới trời tuyết cùng với Bộ Loan và Quách Hoàn, đạp tuyết tìm mai, thư giãn tinh thần xong, bao nhiêu cảm xúc buồn bực, lo lắng tích tụ trong lòng suốt gần nửa năm qua, đã được giải tỏa rất nhiều. Ngày thứ hai, hắn mang theo tâm trạng vui vẻ, lại tiếp tục đầu tư tâm huyết vào công cuộc kiến thiết oanh liệt ở Hà Tây.
Tuy công việc xây dựng thành trì đã tạm thời gác lại, nhưng vẫn còn rất nhiều việc khác cần phải làm.
Ví như, sau khi mặt đất được hồi sinh, sẽ cần rất nhiều thứ cho công cuộc khai hoang đồn điền, và nhiều công tác cần phải chuẩn bị cho thời kỳ sơ khởi của đồn điền, đều cần phải bắt đầu bắt tay vào sắp xếp. Tào Bằng nhất định phải đánh giá trước những sự việc có thể đột ngột phát sinh, để tránh khi nó xảy ra rồi lại trở tay không kịp. Cũng may, Bộ Chất, Từ Thứ và Bàng Thống bên cạnh hắn đều là những người đa mưu, suy nghĩ kín kẽ, có thể giúp hắn giải quyết rất nhiều vấn đề. Còn về phần những việc lớn mang tính chất định hướng, thì đã có Lý Nho âm thầm đứng ở đằng sau lo liệu cho Tào Bằng.
Thường ngày Lý Nho thường rất hiếm khi xuất đầu lộ diện.
Thỉnh thoảng, cũng có tiếp xúc với bọn người Bàng Thống vài lần, nhưng cũng không có ai trong bọn họ thắc mắc về thân phận của y...
Tuy nhiên, Giả Tinh thì lại thường hỏi luôn mồm.
- Nghe giọng nói của tiên sinh, hình như là người Lương Châu?
- Phải.
- Ha ha, ta cũng là người Lương Châu.
- Vậy sao, vậy thì quả là trùng hợp.
- Giọng của tiên sinh, dường như hơi giống người Lũng Tây...
- Hồi trước ta từng sống ở Lũng Tây một thời gian.
- Nghe cách tiên sinh nói chuyện, rất có phong độ của bậc cao sỹ, đáng lẽ phải là người rất có tiếng tăm. Vì sao tiểu nhân chưa từng nghe ai nhắc đến tên của tiên sinh?
- Lão chỉ là người quê mùa, không có gì đáng nói.
-...
Sau nhiều lần tiếp xúc, Lý Nho tìm đến Tào Bằng đến.
Y nghiến răng nghiến lợi nói:
- Cái tên tiểu tử Giả Tinh đó quả không hổ là con nuôi của Giả Văn Hòa, tên này nói năng câu nào cũng có cạm bẫy, khiến cho người ta khó mà đề phòng. Công tử, ta lo rằng tên tiểu tử này lần này đến Hà Tây là do phụng mệnh của Giả Hủ. Có lẽ Giả Hủ đã có hoài nghi, công tử cũng nên có sự chuẩn bị. Tên tiểu tử này còn dễ đối phó, chứ nếu tên Giả Hủ mà đến, thì e là không thể giấu nổi đâu.
Ngụ ý trong lời nói của y, chính là muốn nói với Tào Bằng rằng: thân phận của lão, có khả năng sẽ bị bại lộ bất cứ lúc nào.
Tào Bằng đưa tay lên vuốt mặt, đối với tình huống này, hắn cũng cảm thấy đành bó tay. Cứ thế mà để cho Lý Nho đi sao? Vậy thì hắn không đành lòng.
Bọn Bàng Thống đúng là nhưng người trí cao mưu cao, nhưng kinh nghiệm lại không đủ.
Ít nhất với hiện trạng trước mắt, tuy Lý Nho rất ít khi bày mưu tính kế, nhưng chỉ cần có y ở bên cạnh, thì cũng giúp cho Tào Bằng yên tâm hơn rất nhiều. Những trù tính, những kế sách của y, luôn suy xét được thấu đáo và có tầm nhìn xa hơn nhiều so với bọn Bàng Thống.
Hiện giờ, Tào Bằng vẫn chưa thể rời xa được Lý Nho, hắn cần Lý Nho ở bên cạnh hắn, chí ít cũng giúp hắn chỉ điểm phương hướng trong thời gian trước mắt.
- Tiên sinh không cần lo lắng, Hà Tây trước mắt vẫn do ta kiểm soát, cho dù Giả Hủ có đoán được, cũng không thể làm gì được tiên sinh.
Đợi sau khi Hà Tây ổn định rồi, ta tự khắc sẽ mưu tính đường ra cho tiên sinh... nếu không thì thế này đi, đợt này ta sẽ cho người đi Hải Tây đón công tử đến đây, để cho cha con tiên sinh được đoàn viên. Đợi đến lúc thời cơ chin muồi, ta sẽ sắp xếp cho tiên sinh rời đi.
Giữa Tào Bằng và Lý Nho có cái hẹn mười năm.
Mà giờ đây mới qua có bốn năm.
Khi Tào Bằng nói ra những lời này, cũng là tỏ rõ thái độ của hắn: hắn sẽ không dùng cái hẹn ước đó để ràng buộc Lý Nho.
Trong lòng Lý Nho có chút rối bời, nhìn Tào Bằng, hồi lâu không nói gì.
Nếu nói lúc ban đầu khi Lý Nho đến đầu quân cho Tào Bằng là việc bất đắc dĩ, là do bị Tào Bằng ép buộc, thì đến bây giờ, y lại rất thích cái cảm giác được ở bên cạnh Tào Bằng, bày mưu tính kế, chỉ điểm đường đi nước bước cho hắn."Đáng tiếc, thực là đáng tiếc!"
"Nếu ta được biết hắn sớm hơn năm năm, nhất định sẽ phò tá cho hắn gây dựng được một giang sơn".
Đến bây giờ, thế lực lớn của Tào Mạnh Đức đã được hình thành, không gì có thể ngăn cản được ông ta thống nhất cục diện miền bắc. Còn Tôn Quyền ở Giang Đông, ngồi giữ phúc trạch của cha anh để lại, trải qua bốn năm nằm gai nếm mật, cũng đã ổn định được thế cục. Còn về phần Kinh Châu, tuy là có vị trí địa lý trọng yếu, lương tiền dồi dào, nhưng chỉ có thể làm vùng hậu phương, chứ không thể chở thành một chỗ để gầy dựng nền móng.
Tào Bằng muốn thành đại sự, khó khăn rất lớn...
Cũng đành, Tào Học Hữu ngươi đã thành tâm đối đãi với ta, chịu nghe theo kế sách của ta.
Vậy nên, cho dù trong tương lai ta có phải đi, thì cũng sẽ đảm bảo cho ngươi được hưởng phú quý, giúp ngươi mở ra một cục diện thái bình vạn thế!
Lý Nho đã âm thầm quyết định trong lòng, nhưng ngoài miệng vẫn lạnh nhạt nói:
- Vậy thì, đành nhờ công tử.
- Công tử, bên ngoài doanh trại có một đám người kéo đến, nói là bộ hạ của công tử.
Trong lúc Tào Bằng và Lý Nho đang bàn bạc, thì nghe Ngưu Cương đang đứng ngoài trướng bẩm báo vào.
Bên cạnh Tào Bằng luôn có bốn tên tiểu tùy tùng, ngoài Vương Song và Thái Địch ra, thì Tào Chương và Ngưu Cương cũng không lúc nào rời hắn nửa bước...
Hôm nay, Vương Song dẫn Thái Địch và Tào Chương đến quân doanh xem diễn tập, cho nên Ngưu Cương trực gác.
Tào Bằng nghe nói ngẩn người, vội xin lỗi Lý Nho đoạn vội vàng bước ra ngoài trướng.
- Ai tìm ta?
- Không rõ lắm... hình như người dẫn đầu họ Tô.
- Tô... Tô Song sao?
Tào Bằng lập tức đoán ra ngay được thận phận của người vừa đến, vội nói:
- Mau mời họ vào đây.
Hắn đi thẳng vào trong ngôi nhà bằng đất, chẳng bao lâu sau, đã thấy Ngưu Cương dẫn theo mấy người, từ bên ngoài bước vào. Tào Bằng vừa nhìn đã nhận ra ngay, người lớn tuổi dẫn đầu nhóm người chính là Tô Song. Khi trước, hắn quen biết với Tô Song ở doanh địa của Hồng Sa Cương Đàn Chá, rồi sau đó đón nhận sự quy thuận của họ Tô. Về sau, Tô Song để lại con trai lớn là Tô Do, còn lão thì một mình trở về nước Trung Sơn.
Lúc đó, Tô Song có nói với Tào Bằng, là cuối năm nhất định sẽ đến.
Chỉ có điều lúc trước có nhiều sự cố phát sinh, khiến cho Tào Bằng gần như quên mất chuyện này.
Không ngờ, Tô Song lại đến thật. Mà lại vào đúng lúc chỉ còn cách ngày cuối năm có mấy ngày, vẫn kịp thực hiện lời hứa.
Tô Song nhìn thấy Tào Bằng, vội vàng bước đến mấy bước, cúi người thi lễ.
- Thảo dân Tô Song, thay mặt một trăm mười bảy người nhà họ Tô, đặc biệt thỉnh an công tử.
*****
Tào Bằng lộ ra vẻ mặt cổ quái, không nhìn Tô Song mà lại nhìn chằm chằm vào một gã nam tử ở phía sau Tô Song.
Nam tử kia tuổi gần bốn mươi, dáng người không cao lắm, chỉ ở mức trung bình.
Vừa tiến đến, gã liền cúi đầu. Dường như cảm nhận được ánh mắt của Tào Bằng, trong lòng của gã cười khổ một tiếng. Kỳ thật, trước khi gã đến Hà Tây cũng đã biết không thể gạt được Tào Bằng. Hơn nữa, ngay từ đầu gã đã không có ý muốn đến Hà Tây. Nhưng vì Tô Song đối đãi với gã quá tốt, mà gã thì phiêu bạt cũng đã lâu, gã cũng hy vọng có thể tìm một nơi để dừng chân, ổn định cuộc sống.
Vốn là gã có hai lựa chọn.
Một là về lại quê nhà ở Trùy Dương, còn lại thì đến Hà Tây.
Về lại quê hương, đương nhiên cuộc sống sẽ tốt hơn. Nhưng như vậy thì cuộc đời của gã cũng sẽ không có triển vọng gì. Cho nên sau khi suy đi nghĩ lại, gã quyết định hay là đến Hà Tây để thử sức một phen. Cũng có lẽ Tào Bằng đã quên gã từ lâu.
Nhưng hiện tại...
Nam tử có chút xấu hổ bước ra, chắp tay nói:
- Tội dân là Chúc Đạo, xin ra mắt Tào Bắc Bộ.
Tào Bằng không kìm nổi cười ha ha, đứng dậy bước tới phía trước:
- Ta đã nói là nhìn có vẻ quen mắt, nhưng lại không nghĩ là có thể gặp cố nhân ở Trùy Dương tại Hà Tây này. Chúc Đạo, năm năm rồi không gặp, ngươi có mạnh khỏe không? Tội danh của ngươi ở Trùy Dương đã được rửa sạch, người nhà của ngươi đã giải quyết ổn thỏa, sau này ngươi không cần phải mai danh ẩn tích, trốn chui trốn nhủi nữa.
- Dạ!
Nam tử nghe vậy càng thêm xấu hổ.
Nam tử này chính là người quen cũ của Tào Bằng năm đó lúc còn đảm nhiệm chức Bắc Bộ Úy ở Trùy Dương.
Chúc Đạo trước kia vốn là một tay kiếm khách, thuộc dòng dõi phú quý ở Trùy Dương.
Năm năm trước, Tào Bằng đảm nhiệm chức Bắc Bộ Úy ở Trùy Dương có gặp Chúc Đạo vài lần. Thật ra, hai người gặp gỡ với nhau cũng không phải là rất vui vẻ gì. Ở Trùy Dương Chúc Đạo có thế lực rất mạnh nên có phần khinh thường Tào Bằng, nói năng thường không hề khách sáo. Vụ án Thích Phùng, Nhạc Quan, các án mạng xảy ra liên tục ở Trùy Dương có nhiều chứng cớ đều chỉ rõ hung thủ là Chúc Đạo.
Lúc ấy ở Trùy Dương có một vị hiệp khách khác tên là Trương Lương, đến nương tựa Lưu Bị.
Thừa dịp một đêm mưa, một hiệp khách tên là Xích Trung nam sủng của Nhạc Quan đã bị giết chết rồi vu oan giá họa cho Chúc Đạo. Chúc Đạo là người thích nam giới, yêu trẻ nhỏ. Lúc ấy bởi vì một gã nam sủng phản bội nên nổi giận mà giết chết y, đem thi thể của người nọ chôn ở đình viện của nhà mình. Trương Lương tố cáo Chúc Đạo, đem sự việc báo cho quan phủ để trị tội gã.
Chúc Đạo có tật giật mình, nghe Trương Lương nói như vậy, suốt đêm trốn khỏi Trùy Dương...
Lại nói, vào những năm cuối Đông Hán có một trào lưu khá phổ biến đó là đồng tính nam, việc đó vốn được xem như là chuyện bình thường, chẳng có gì to tát cả.
Sự việc Chúc Đạo giết nam sủng, cũng coi như là có chút tai tiếng ở Trùy Dương.
Nếu như bị đối phương biết được, tất nhiên Chúc Đạo sẽ bị trả thù. Hơn nữa gã trước đây đối với Tào Bằng cực kỳ vô lễ nên cũng lo lắng là Tào Bằng nhân cơ hội này sẽ trừng trị gã. Sau khi rời khỏi Trùy Dương, Chúc Đạo đến nước Trung Sơn, nương tựa một nhà họ Tô ở đấy.
Những việc xảy ra ở nhà, thật ra thì gã cũng có biết.
Nhà Hán có luật mua tội.
Chính là bỏ ra một số bạc nhất định là có thể miễn đi tội danh của bản thân.
Nam sủng bị giết kia chẳng qua cũng chỉ là một gã có xuất thân thấp kém. Tuy trước kia được sủng ái, nhưng dù sao thì cũng đã chết.
Người nhà của Chúc Đạo bỏ ra một ít tiền để thương lượng với đối phương.
Rồi sau đó dùng đất đai ở ngoài thành Trùy Dương để mua chuộc quan phủ, xem như xin miễn tội cho Chúc Đạo.
Nhưng mà Chúc Đạo vẫn không dám về nhà.
Cũng bởi vì tranh đấu của Tào Viên trước kia trận chiến ở Quan Độ, rồi sau đó lo lắng sau khi trở về sẽ bị họa lây cho nên vẫn luôn ở lại Trung Sơn. Lần này Tô Song quyết ý đến nương tựa Tào Bằng, Chúc Đạo sau khi cân nhắc nhiều lần liền quyết định theo Tô Song thử thời vận.
Đối với mâu thuẫn giữa Chúc Đạo và Tào Bằng, thật ra Tô Song cũng có nghe nói lại lúc đi đường.
Vội vàng khom người nói:
- Mạnh Chi những năm gần đây vẫn hối hận năm đó thô lỗ, hy vọng có thể lập công chuộc tội, nhưng lại không có cơ hội. Nay nghe tôi nói đến đầu công tử, Mạnh Chi cũng do dự hồi lâu, cả gan đến đây, xin công tử tha thứ cho hắn năm đó vô lễ.
Tào Bằng không kìm nổi cười.
Đối với Chúc Đạo, hắn cũng không có mấy thiện cảm.
Nhưng đối với kiếm thuật của gã lại có chút tán thưởng.
Đây là một kiếm khách mà ngay cả Sử A cũng khen ngợi, kiếm thuật đương nhiên không kém. Thật ra, lúc trước Tào Bằng đảm nhiệm Bắc Bộ Úy ở Trùy Dương rất nhiều người không đồng ý. Không nói đến việc bị Chúc Đạo khinh thường, ngay cả Nam Bộ Úy Mạnh Thản cũng mang lòng bất mãn. Nếu không phải vì lúc trước văn danh của Tào Bằng rất thịnh, hơn nữa lại rất thân thiết với Trần Quần, nếu không sẽ có rất nhiều phiền toái. Chính vì tính cách của gã làm cho Tào Bằng có chút không thích hợp...
Cũng bởi vì vậy, hắn mới không nâng đỡ Chúc Đạo.
Đó không phải là vì kỳ thị, mà là vì có chút không thích...
Một người đầy râu như vậy, không thích nữ nhân lại đi thích nam nhân, điều này làm cho Tào Bằng không thể chịu được.
Tuy nhiên, Tào Bằng cũng không oán hận Chúc Đạo.
Năm đó hắn là Bắc Bộ Úy Trùy Dương, hưởng sáu trăm thạch bổng lộc.
Mà nay, hắn đã là Thái Thú của một quận, đường đường là Bắc Trung Lang Tướng, chức quan được hưởng hai ngàn thạch bổng lộc, tâm tình đương nhiên rất khác biệt.
Chúc Đạo thì ngược lại, năm đó là đại hào ở Trùy Dương.
Mà nay lại ăn nhờ ở đậu, bao năm phiêu bạt, cuối cũng lại ở trước mặt của Tào Bằng, miệng lại xưng là tội dân...
Hai bên chênh lệch quá lớn!
Lớn đến nỗi nếu như Tào Bằng không phải nhìn thấy Chúc Đạo, có lẽ đã quên hẳn gã rồi.
Hắn cười khoát tay chặn lại:
- Ngày xưa Tào mỗ còn trẻ không biết chuyện, Chúc công đừng quá lo lắng. Tuy rằng lúc trước ngươi đã từng giết người, nhưng người nhà của ngươi đã giải quyết tai họa này cho ngươi.
Cho nên, ngươi có thể về nhà đoàn tụ cùng với vợ con.
Tuy nhiên, nếu như hôm nay ngươi đã đến gặp ta, tâm tư của ngươi ta cũng hiểu được phần nào.
Ngươi nguyện ý dốc sức vì triều đình, đây là một chuyện tốt. Nhưng nơi này của ta có nhiều quy củ, có một số việc ngươi cần phải hiểu. Đầu tiên, sở thích hiệp khách của ngươi phải sửa lại, còn thói quen kia của ngươi, tốt nhất phải bỏ.
Vẻ mặt của Chúc Đạo đỏ bừng, phủ phục trên mặt đất, run giọng nói:
- Xin ghi nhớ lời của công tử dạy bảo, tôi sẽ không bao giờ phạm phải thói quen khi xưa nữa.
- Tốt, đứng lên ngồi đi.
Tào Bằng xua tay, ra hiệu cho bọn người của Tô Song ngồi xuống.
Trong phòng của hắn lúc này cũng vẫn triệu tập hội minh như trước.
Chẳng qua lúc trước là da sói da cáo lót phía dưới, nhưng giờ thay đổi thành cái đệm.
Sau khi Tào Bằng đã bố trí chỗ ở được ổn định, hắn bắt đầu bắt tay vào làm một số việc theo thói quen sinh hoạt của hắn.
Ví dụ như, xưa nay người Hán đều ngồi trên chiếu, mà Tào Bằng thì lại tìm thợ thủ công làm ra rất nhiều bàn ghế.
So với ngồi chồm hỗm, ngồi ở trên ghế dường như thoải mái hơn nhiều. Nếu là ở Trung Nguyên, khi hắn làm mấy thứ này có lẽ sẽ không khỏi bị một số người dè bĩu nhưng ở Hà Tây này, bất luận hắn làm chuyện gì cũng không có người dám phản đối. Lần này những hộ dân được điều đến đây không ít là thợ thủ công. Cho nên, ý tưởng này của Tào Bằng cũng không gặp phải trở ngại gì.
Đương nhiên, ngay từ đầu cũng không phải ai cũng quen được.
Ví dụ như bọn người của Bàng Thống, Từ Thứ, rốt cuộc cảm thấy cái bàn này có vẻ chẳng ra làm sao cả. Thậm chí ngay cả Thái Diễm cũng cho rằng cái bàn không được tiện lợi lắm. Nhưng Lý Nho thì ngược lại cảm thấy rất tốt, sau khi Tào Bằng vẽ ra bản mẫu, Lý Nho lập tức đi tìm người đem tới chỗ của hắn.
- Mạnh Chi, không cần lo lắng nơi này không quen.
Hơn nữa, ở Hà Tây này còn có một lão hữu của ngươi, nếu như gặp được ngươi ở đây, chắc là y sẽ rất cao hứng.
Tào Bằng đột nhiên nảy ra một ý tưởng!
Hắn đang muốn nghĩ cách che dấu thân phận của Lý Nho, nay Chúc Đạo vừa tới, chẳng phải rất đúng lúc sao?
Lúc trước hắn ở Trùy Dương có dùng tên giả là Huyền Thạc Lý Nho đi lại rất mật thiết. Chi bằng để cho Chúc Đạo che phía trước Lý Nho, phân tán lực chú ý của Giả Tinh. Ít nhất trong một khoảng thời gian có thể làm cho Giả Tinh tạm thời không chú ý đến Lý Nho nữa.
Nhớ tới Giả Tinh, Tào Bằng cũng có chút bất đắc dĩ.
Tiểu hồ ly này tuy không sâu sắc bằng Giả Hủ, không tính toán cặn kẽ, mưu kế quỷ quyệt như Giả Hủ, . Nhưng ở Hà Tây này lại là một nhân tài xuất chúng, ít ra là đối với những quan văn ở bên cạnh Tào Bằng lúc này, Giả Tinh tuyệt đối có thể xếp vào hạng nhất, thậm chí còn trên cả Bàng Lâm và Mạnh Kiến. Y suy nghĩ rất sâu sắc, có thể tùy cơ ứng biến. Ý tưởng của y thường làm cho người ta không thể nào ngờ tới.
Về mặt trầm ổn và định lực, Giả Tinh thì lại kém hơn so với Bàng Thống và Thư Thụ.
Về mặt xử lý chính vụ các mặt lớn nhỏ, y lại không so được với Bộ Chất...
Nhưng không thể không nói, sự có mặt của Giả Tinh lại vô cùng tốt để bổ sung vào chỗ thiếu sót của bọn người Bàng Thống. Kiếm của y xuất ra như gió, hơn nữa ra chiêu lại độc ác, thường chỉ một phát là giải quyết hết thảy, chịu ảnh hưởng rất lớn của Giả Hủ. Ngay cả Lý Nho cũng cho rằng, chờ khi Giả Tinh thêm mười tuổi nữa, tâm trí thành thục, kinh nghiệm phong phú, biết nhìn xa trông rộng, lúc ấy sẽ trở thành một độc sĩ thứ hai.
Nhưng Tào Bằng lại không nhớ là trong lịch sử có ghi chép về một người như Giả Tinh như vậy?
Sau Giả Hủ, dường như không có nghe nói con cái của y có chỗ gì xuất chúng. Có lẽ việc này giống như một con bướm nhỏ đang lúc biến hóa vậy. Đồng thời, hiện giờ Giả Tinh đang ở Hà Tây cũng khiến Tào Bằng cảm nhận được thâm ý khác của Giả Hủ. Hiện tại Giả Hủ giữ chức Thứ Sử Ký Châu, coi như là phụ tá đắc lực của Tào Ngụy. Y không thể thân cận quá mức với Tào Bằng, như thế sẽ khiến cho Tào Tháo nảy sinh nghi ngờ. Thậm chí ngay cả hai con trai của y ở trong triều cũng có vẻ rất khiêm tốn, không bất hòa với một người nào mà cũng không thân mật với một phe phái nào cả.
Để cho Giả Tinh đến Hà Tây, phải chăng Giả Hủ ngầm bày tỏ thiện ý với Tào Bằng?
Đối với suy đoán này, Tào Bằng đặc biệt có hỏi qua Lý Nho.
Lý Nho cũng đồng ý với ý tưởng này của hắn, Cổ Tinh này cũng đa mưu túc trí, giỏi che dấu giống như người kia.
Nếu không phải ngươi đem gã ra ngoài chỗ sáng, có lẽ bây giờ gã cũng chưa chắc được người xem trọng như vậy. Ừm, y cho Giả Tinh đến giúp ngươi, cũng giống như y bày tỏ thiện ý với ngươi, ta nghĩ, y chắc chắn đang bày tỏ thiện ý với công tử.
- Tiên sinh nói là...
- Hề hề, ta cái gì cũng không có nói.
Lúc ấy Lý Nho cười, vội nói sang chuyện khác.
Nhưng đối với Tào Bằng, trong đầu lại nảy ra một ý tưởng khác.
Lần này Tô Song tới Hà Tây, có thể nói là rất đúng lúc..
Y gần như đã từ bỏ toàn bộ cơ sở của mình ở Trung Sơn.
Không kể là con cháu duy nhất ở trong dòng họ Tô, hơn nữa thợ thủ công, môn khách, thủ hạ của Tô Song lại có khoảng hơn hai ngàn người. Dựa theo lời của Tô Song, lần này y tới Hà Tây, mang theo đồ quân nhu và thuế ruộng, giá trị lên đến hơn năm trăm vạn bạc, cũng có nghĩa xấp xỉ năm trăm triệu đồng.
Tô Song lễ độ cung kính, mang danh sách đưa đến trước mặt của Tào Bằng.
Rồi sau đó, y đột nhiên cười:
- Công tử, Song còn vì công tử mang đến một lễ vật, xin công tử chớ chối từ.
← Hồi 377 | Hồi 379 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác