Hồi 2 → |
Dòng họ Nguyễn Sinh đã mấy đời cư ngụ bên bờ sông Tiền. Ông cố Nguyễn Sinh đã là một vị quan lớn trong triều. Ông nội anh, nổi tiếng là người văn hay chữ giỏi nên được mời vào cung dạy học cho Thái tử.
Vốn là người cương nghị và thẳng tính, trong khi dạy học, ông nội anh đã nặng lời quở trách Thái tử nên bị vua đày vào Nam.
Đến đời cha Nguyễn Sinh, vốn liếng chữ nghĩa trong dòng họ anh vẫn được lưu truyền nên cha anh mở trường dạy học, sống một đời thanh bạch. Tuy nghèo nhưng suốt đời ông là tấm gương sáng của người quân tử, giữ tròn trung hiếu tiết nghĩa.
Đến đời Nguyễn Sinh, thời đại đã đổi thay, thi phú không còn được trọng dụng như xưa. Cha mẹ Nguyễn Sinh hiếm hoi. Năm mẹ anh bốn mươi tuổi mới sinh ra anh. Khi Nguyễn Sinh vừa chào đời thì cha anh mất vì bệnh phổi. Mẹ Nguyễn Sinh thủ tiết sống một mình, nuôi con cho đến khi khôn lớn.
Vì cha mất sớn nên Nguyễn Sinh không được học hành. Sinh chỉ được mẹ dạy cho một số ít chữ, không đủ để lập thân nên anh sống bằng nghề chài lưới và câu cá để sinh nhai và nuôi dưỡng mẹ già.
Gia đình Nguyễn Sinh quá nghèo. Anh là người hiếu thảo, lo phụng dưỡng mẹ nên đến năm ba mươi tuổi vẫn chưa lập gia đình.
Nguyễn Sinh sống trong một căn chòi lá bên sông. Mẹ anh già yếu, không còn làm gì được. Trong nhà anh có nuôi một con mèo đen. Hàng ngày mẹ Nguyễn Sinh bầu bạn với con mèo mun đó.
Thuở ấy, miền Nam còn hoang vu, đất đai mới vừa được khai phá, dân cư thưa thớt. Sông ngòi chằng chịt. Đất thấp, phần lớn là đồng lầy, bao phủ bởi rừng cây, lấp xấp nước. Khí hậu độc địa. Dưới nước đầy thuồng luồng, cá sấu. Trên bờ đông đặc muỗi mòng.
Sống nơi sơn lam chướng khí, rừng lầy, nước đọng, con người không thể sống dai được. Do đó, mẹ Nguyễn Sinh sống đến bảy mươi tuổi là thọ lắm rồi.
Một ngày kia, mẹ anh trở bệnh nặng. Bà vừa rét run vừa sốt, bỏ ăn bỏ uống.
Nguyễn Sinh đem mẹ đi trị bệnh khắp nơi. Anh bán hết đồ đạc trong nhà để lo thuốc thang cho mẹ nhưng bệnh không thuyên giảm. Các thầy thuốc đều bó tay, hết phương cứu chữa.
Nguyễn Sinh không còn cách nào cứu mẹ. Anh tuyệt vọng quá bèn nghĩ ra một cách để giải quyết vấn đề. Anh sẽ cùng mẹ và mèo mun ra giữa sông, trầm mình, tự vận cùng một lúc.
Sáng hôm đó mặt trời chưa lên, sương còn phủ mịt mù trên sông. Nhìn ra ngoài, Sinh chỉ thấy rừng cây san sát ẩn hiện trong màn sương trắng đục. Anh không phân biệt được đâu là trời, nước và đất.
Sinh thấy cảnh trời đất u ám và mịt mờ, nghĩ lại bệnh tình trầm kha của mẹ, anh càng cảm thấy xốn xang hơn. Nhưng không còn cách nào khác nữa Sinh đành ẵm mẹ và con mèo lên xuồng.
Anh để mẹ trong khoang, trên có che mái lá. Còn con mèo nằm co rút bên cạnh mẹ.
Buổi sáng, trời đầy sương mù và gió lạnh. Nguyễn Sinh chỉ có bộ quần áo rách rưới, mỏng manh, không đũ che thân huống chi là ngăn được khí trời giá lạnh. Anh vừa run vừa cố chèo xuồng ra giữa sông.
Sông rộng mênh mông như biển. Trời lại đầy sương mù.
Nguyễn Sinh không định được phương hướng. Anh cứ nhắm mắt mà chèo cho chiếc xuồng đi thẳng ra giữa sông. Mẹ Sinh đã già, vừa bệnh hoạn lại vừa lú lẫn. Bà không còn biết gì nữa, chỉ nằm rên từng hồi. Còn con mèo cũng chẳng biết gì, chỉ rút vào chiếc mền rách cho ấm.
Sinh chèo lâu lắm, đến lúc mệt gần đuối sức mới ngừng tay. Anh thấy dòng nước chảy mạnh hơn, biết đã xa bờ lắm rồi. Với sức nước mạnh như vậy, nếu rơi xuống giữa lòng sông rộng, giỏi lội như Sinh còn phải chịu chết huống chi là mẹ và mèo. Anh chỉ cần xô mẹ và mèo xuống nước, sau đó tự trầm mình là kết liễu ngay cuộc đời khốn cùng của cả ba.
Suy nghĩ như vậy nhưng Sinh chưa làm được. Anh nhìn mẹ nằm thở thoi thóp rồi nhìn mèo nằm ngủ say sưa. Quay ra ngoài sông, Sinh thấy dòng nước chảy cuồn cuộn, đập sầm sập vào mạn xuồng. Rớt xuống nước là chết ngay, Sinh biết như vậy. Mẹ Sinh bệnh nặng từ lâu, chẳng ăn uống được gì, người nhẹ lắm. Còn con mèo chẳng đáng gì. Anh chỉ hất mẹ một cái là xong. Còn mèo, anh chỉ phất tay là mọi việc ổn thỏa. Phần Sinh không đáng kể.
Anh có bao giờ tiếc rẻ cái sinh mạng rẻ tiền của anh đâu. Sinh chỉ phóng mình xuống dòng nước đó, thoắt một cái là xong.
Nghĩ như vậy nhưng Nguyễn Sinh cứ ngồi thẫn thờ, chân tay không cục cựa được.
Ngoài sông sương mù vẫn dày đặc. Chung quanh Nguyễn Sinh chỉ có một màu trắng mịt mù bao phủ. Nước chảy mạnh, chiếc xuồng bị lỏng tay chèo, xoay vòng. Sinh mặc kệ cho nó trôi theo dòng nước.
Suy nghĩ một hồi lâu để lấy can đảm. Nguyễn Sinh đưa tay định nâng mẹ lên. Anh biết, chỉ cần đẩy thật nhẹ thì mẹ sẽ rơi vào dòng nước.
Nguyễn Sinh còn dụ dự chợt có tiếng sóng nước lao xao vọng lại. Giữa dòng sông vắng lặng chỉ có tiếng nước trôi đập vào mạn xuồng của Sinh mà thôi. Làm gì có sóng nước nào khác. Chẳng có ai ra giữa sông trong buổi sáng tinh mơ như Nguyễn Sinh. Không người nào làm chuyện điên rồ như vậy.
Mặc dù Sinh không tin có bất cứ ai nhưng sóng nước dội lại càng lúc càng rõ và càng lớn dần.
Anh ngồi lăng người chờ đợi, mắt nhìn chăm chăm về phía phát ra âm thanh lạ đó.
Sóng nước càng dậy lớn và tiếng vang càng rõ hơn. Bỗng nhiên, Nguyễn Sinh thấy trong màn sương xuất hiện một số người.
Anh há hốc miệng, trố mắt nhìn.
Từ trong sương, có nhiều người đang đi tới. Họ bước trên mặt nước nhẹ nhàng như đi trên đất bằng.
Nguyễn Sinh thấy đi đầu là một ông già râu dài, mặc quần áo như một vị thần mà anh thấy trong đền đài. Ông già ngồi trên chiếc xe có hai bánh, trông thật uy nghiêm. Phía sau có hai người đang đẩy xe. Trang phục của ông già thật lạ lùng mà chiếc xe cũng quái gở. Đi hai bên xe còn có nhiều người nữa. Cả thảy là chín người, có cả đàn ông và đàn bà. Họ mặc quần áo khác hẳn nhau. Có người mặc quần áo như các vị quan lớn trong triều. Có người trang phục sang trọng như phú hào. Có người khoác mấy mảnh vải thô, lưng cột dây gai, trông thật nghèo khổ.
Phía bên phải chiếc xe có năm người nâng năm cuốn sách thật dày. Bên trái là bốn người, cũng nâng bốn cuốn sách dày như vậy.
Sinh nhận ra là sách, nhưng các cuốn sách này không phải làm bằng giấy mà do nhiều mảnh tre kết lại mà thành.
Trong khi Nguyễn Sinh đang kinh hãi, há hốc miệng thì ông già ngồi trên xe cất giọng vang như tiếng chuông:
- Ngươi là Nguyễn Sinh phải không?
Ông già hỏi đến hai lần mà Sinh vẫn chưa định thần lại được.
Một người đứng bên phải, mặc quần áo nghèo khổ, lên tiếng nhắc nhở:
- Nguyễn Sinh, sư phụ ta hỏi sao ngươi không trả lời?
Sinh giật mình, run giọng đáp:
- Dạ, thưa ngài, con là Nguyễn Sinh.
Ông già gật gù:
- Tốt, ngươi vốn là đứa con hiếu thảo.
Nghe giọng ông già hòa hoãn và hiền lành, Nguyễn Sinh bớt sợ, bèn ấp úng hỏi:
- Thưa ngài là ai? Tại sao ngài biết tên con?
Ông già nghiêm nghị nói:
- Ngươi không cần biết ta là ai. Ngươi chỉ cần lắng nghe và trả lời những gì ta hỏi.
Nguyễn Sinh run sợ đáp:
- Dạ, xin ngài dạy bảo.
Ông già nghiêm giọng, hỏi lớn:
- Nguyễn Sinh, ngươi vốn hiếu kính, tại sao hôm nay định giết mẹ?
Sinh giật mình, run rẩy đáp:
- Con không thể cứu mẹ nên định cùng chết với mẹ.
Ông già gằn giọng hỏi:
- Ngươi có biết tội bất hiếu nặng như thế nào hay không?
Sinh sụp người, cúi đầu lạy:
- Tội con đáng chết. Xin ngài cho con chết để cứu mẹ.
- Ta không thể giết người để thế mạng cho kẻ khác, nhưng ta có cách cứu được mẹ ngươi.
Sinh mừng rỡ, dập đầu lạy:
- Xin ngài làm ơn cứu mẹ con. Bao nhiêu tội lỗi, con xin chịu hết.
- Công ơn sinh thành, dưỡng dục nặng như thế nào, ngươi có biết không?
- Con biết. Thân xác này do mẹ tạo ra, con xin đem sinh mạng để cứu mẹ.
Ông già gật gù có vẻ bằng lòng:
- Ta không đòi ngươi chết. Ta chỉ hỏi, ngươi có dám đem tất cả sinh lực của ngươi để đổi cho mẹ hay không?
Sinh gật đầu, đáp ngay:
- Con chịu tất cả. Xin ngài giúp con.
Ông già gật đầu:
- Ta có bài học này, ngươi mang nó về nhà, nhớ làm đúng như vậy.
- Dạ!
- Ngươi nhớ rằng, khi mẹ ngươi khỏe mạnh thì ngươi sẽ sinh bệnh mà chết.
Sinh vội vã gật đầu:
- Con chịu hết.
Ông già vẫy tay ra lệnh. Tức thì một người bên phải, mặc quần áo giống như quan lớn trong triều, bước đến, trao cho Nguyễn Sinh một cuốn sách mỏng.
Cuốn sách này gồm một số miếng tre có khắc chữ.
Ông già nói tiếp:
- Ngươi về nhà, theo lời dặn trong sách mà làm.
Nguyễn Sinh đưa hai tay đón nhận cuốn sách Anh kính cẩn cúi đầu lạy tạ. Khi Sinh ngẩng đầu lên, anh không thấy ông già và chín người kia đâu nữa. Chung quanh anh chỉ có sương trắng phủ mịt mù.
Bấy giờ, mặt trời chưa lên. Khí lạnh vẫn bao trùm cả dòng sông.
Nguyễn Sinh nhét cuốn sách vào người, hăng hái chèo xuồng trở về nhà.
Vừa cặp xuồng vào bờ, Nguyễn Sinh vội vả ẵm mẹ và mèo vào trong nhà. Sinh đặt mẹ ngồi trên giường, đưa vào vách rồi mở sách ra đọc.
Trong sách, vỏn vẹn có ba mảnh tre khắc chữ. Hai miếng tre đầu chỉ cách thực hiện. Miếng tre cuối cùng khắc mấy câu lạ lùng, hình như là thần chú.
Sinh theo lời dạy trong sách, ngồi xếp bằng, đối diện với mẹ. Hai tay anh nắm hai bàn tay mẹ. Mắt anh nhìn thẳng vào mặt mẹ. Rồi vừa thở đều Sinh vừa đọc thần chú.
Sách dạy rằng, anh phải đọc thần chú ấy đến một ngàn lần. Sinh đâu nệ hà chuyện đó. Dù đọc đến một triệu lần, anh cũng làm được, huống hồ là một ngàn.
Ngoài trời sáng hơn. Mặt trời lên cao, sương tan bớt. Dòng sông hiện ra bao la. Bên kia bờ, mút mắt, có một hàng cây xanh chạy dài như một đường viền ngăn cách với nền trời trong vắt.
Trong nhà, Nguyễn Sinh thành khẩn, lâm râm đọc thần chú.
Sách đã dạy, cứ đọc thần chú đến một ngàn lần sẽ có hiệu nghiệm.
Sinh tin tưởng như vậy, anh không cần đếm, chỉ cố gắng tập trung tinh thần đọc thần chú cho thật đều.
Thời gian trôi qua, Sinh càng đọc càng cảm thấy mệt. Mấy ngày qua, anh quên ăn quên ngủ, lo săn sóc mẹ nên sức đã kiệt.
Sinh càng cố gắng trấn tỉnh thì mắt anh càng nặng chỉu và cơn buồn ngủ đến thật nhanh. Miệng Sinh vẫn đọc thần chú nhưng mắt anh đã nhắm và ngủ tự bao giờ.
Sinh không biết đã ngủ bao lâu. Đến khi anh giật mình tỉnh dậy thì trời đã xế chiều. Anh nhớ tới chuyện đang làm, hoảng hốt nhìn về phía mẹ.
Trên giường trống trơn. Mẹ Sinh đi đâu rồi, chỉ có con mèo mun nằm khoanh ở đó.
Sinh hoảng sợ, bước xuống đất.
Bỗng dưng chân anh chạm phải một người. Nhìn lại, Sinh thấy mẹ đang nằm dưới đất, bà ngước mặt, giương mắt lờ đờ nhìn anh.
Sinh cảm thấy xót xa quá. Không ngờ vì mệt mỏi đến ngủ quên, Sinh đã để mẹ ngã xuống đất như vậy. Anh lật đật ẵm bà lên, miệng gọi:
- Mẹ, mẹ.
Mẹ Sinh không nói gì. Bà nhắm mắt lại rồi mở ra nhìn anh, ánh mắt bà thật xa vắng.
Sinh vừa lắc bà cho tỉnh vừa kêu:
- Mẹ, tỉnh dậy mau.
Mẹ Sinh chỉ nhìn anh mà không nói gì, ánh mắt bà khác lạ, ánh mắt sắc xảo, sáng ngời.
Sinh hoảng hốt nhìn lại mèo trên giường. Mèo vẫn nằm đó, nhưng ánh mắt mèo hiền lành và thân thiết.
Sinh kinh hoàng hết nhìn mẹ lại nhìn mèo. Mẹ vẫn là mẹ. Mèo vẫn là mèo. Nhưng ánh mắt mẹ không phải của mẹ, ánh mắt mèo không phải của mèo. Tại sao vậy?
Sinh hoảng hốt, lay mạnh vai mẹ, kêu gào:
- Mẹ Ơi, nói đi mẹ. Tại sao mẹ không nói? Tại sao?
Sinh lay mẹ càng mạnh hơn, miệng kêu khóc thảm thiết:
- Mẹ Ơi, nói với con đi mẹ.
Mặc tình cho Sinh la lối, mẹ anh vẫn im lìm. Sinh vội ẵm bà, đặt lên giường. Mẹ Sinh nằm cuộn người lại, thế nằm kỳ lạ.
Sinh chưa bao giờ thấy mẹ nằm như vậy. Có lẽ mẹ đói quá rồi. Sinh hy vọng như vậy. Anh chạy vào bếp, múc một chén cháo. Nhưng mặc cho Sinh đút cháo, mẹ không thèm ăn. Mẹ nhìn Sinh, thần sắc lạ lùng.
Sinh càng kinh sợ hơn. Anh quay lại nhìn mèo. Bây giờ mèo nằm duỗi chân, tư thế thoải mái. Sinh chưa bao giờ thấy mèo nằm như vậy.
Sinh nhìn lại mẹ, ngó qua mèo. Anh gào khóc:
- Mẹ Ơi, nói với con mau lên. Mẹ khõe rồi phải không?
Mẹ Sinh không nói gì. Sinh lại gào lên:
- Mẹ, nói mau lên. Mẹ đói phải không?
Mẹ Sinh vẫn im lìm.
Sinh khóc thét:
- Mẹ, nói đi.
Sinh dằng cánh tay mẹ thật mạnh. Bất chợt mẹ kêu lên. Tiếng kêu mẹ the thé như tiếng của loài mèo.
Sinh trợn mắt, há hốc miệng. Anh đấm vào ngực, cào cấu vào mặt mình. Máu Sinh tươm ra nhưng anh không cảm thấy đau đớn chút nào.
Càng hoảng sợ Sinh càng tự hành hạ thân thể. Quần áo Sinh rách nát, máu chan hòa khắp người.
Tự đánh đấm và cào cấu một hồi lâu, chợt Sinh nhớ lại ông già mặc áo thần thánh và chín người học trò có chín cuốn sách ngoài sông. Tại họ! Chính họ bày ra câu chuyện này. Sinh gào lên. Anh ẵm mẹ và mèo chạy xông ra ngoài.
Trời đã về chiều. Mặt trời lặn xuống dần bên kia sông.
Ngoài sông, sương lại phủ xuống, trắng mịt mù. Rừng cây ẩn hiện, lúc mờ lúc tỏ. Gió thổi mạnh nhưng Sinh không cảm thấy lạnh. Anh đặt mẹ và mèo vào khoang xuồng rồi chèo thẳng ra giữa sông.
Sinh gầm đầu chèo xuồng hùng hục như điên như dại. Sinh phải gặp lại ông già ấy. Ông già mặc áo thần thánh và chín người học trò có chín cuốn sách. Anh bắt đền ông già. Ông phải trả mẹ lại cho anh. Ông phải làm mọi sự trở lại như cũ cho anh.
Đến giữa dòng sông, nơi ban sáng Sinh gặp ông già và chín người học trò, Sinh không thấy ai cả. Chỉ có nước đập sầm sập vào mạn xuồng. Chung quanh, sương phủ trắng, mịt mờ.
Sinh gọi ông già. Tiếng kêu của anh trầm mạnh vang động cả dòng sông.
Mặc cho Sinh kêu gào khản cổ. Dòng sông vẫn vắng lặng. Không có âm thanh của ai đáp lại.
Không nản chí, Sinh la hét cho đến khi giọng anh khàn lại không còn phát ra âm thanh được nữa.
Đến lúc anh mệt mỏi sắp kiệt lực thì có sóng nước dao động mạnh và tiếng của ai như đang tiến dần lại. Sinh mừng quá, ngóng cổ lên nhìn.
Trong màn sương có ai đang đi trên mặt nước. Bóng người càng lúc càng rõ dần.
Sương tan bớt đi, một ông già cỡi trên lưng một con trâu đang đi nhẹ nhàng trên mặt nước. Ông tiến dần về phía Nguyễn Sinh, thong thả như đi trên mặt đất.
Sinh thấy ông già này khác hẳn, không phải ông già lúc ban sáng.
Ông già buổi sáng mặc quần áo sang trọng như y phục của thần thánh còn ông già này mặc quần áo đơn sơ và nghèo nàn. Quần áo ông rộng, chắp vá nhiều chỗ. Lưng áo ông có cột một sợi dây đan bằng thứ dây leo trong rừng. Tóc ông dài quá vai, râu dài quá ngực. Râu tóc ông đều bạc trắng. Mặt ông hồng hào, trơn láng như trẻ thơ.
Phía sau ông có một tiểu đồng, tóc để kiểu ba trái đào, tuổi chừng mười ba. Đứa tiểu đồng cũng mặc quần áo rách rưới, nghèo nàn. Nó đang nâng một cuốn sách dày. Sách cũng làm bằng nhiều miếng tre kết lại. Tiểu đồng có giắt một cây gậy trúc ở bên hông.
Nguyễn Sinh đang ngơ ngác nhìn thì ông già cất giọng trầm:
- Nguyễn Sinh, người làm gì mà la hét ầm ỉ như vậy?
Sinh đã thấy nhiều chuyện lạ nên không còn sợ như lúc sáng, anh vội vã hỏi:
- Lão tiền bối có thấy một ông già ngồi xe với chín học trò hay không?
Ông già cười hiền hậu:
- Ngươi không cần gọi ta như vậy.
Sinh ngạc nhiên hỏi:
- Thế con gọi lão tiền bối như thế nào?
- Ngươi gọi ta như thế nào cũng được nhưng đừng bày đặt gọi cầu kỳ như vậy.
Sinh gật đầu:
- Dạ, nhưng ngài có thấy ông già đó hay không?
Ông già không đáp, lại hỏi:
- Tại sao ngươi hỏi ta về người đó?
Sinh cau có đáp:
- Ông ấy hại mẹ con.
Ông già gật gù:
- Ta biết hết mọi chuyện. Ta đã gặp người đó cách đây hai ngàn ba trăm năm rồi. Ta đã dặn hắn đừng bày đặt chuyện rối rắm cho thiên hạ mà hắn không nghe. Bởi vì sự ước muốn của ngươi đã động tới lòng hắn nên hắn mới xuống bày chuyện cho ngươi.
Sinh khẩn thiết nói:
- Con chỉ muốn gặp ông ấy để bắt đền cho mẹ.
- Tội nghiệt sinh ra vì người ấy bày chuyện cho ngươi. Rồi tại vì ngươi ngủ gục, để con mèo gần gũi và nhìn mặt mẹ ngươi lúc dứt câu thần chú thứ một ngàn.
Sinh cúi đầu vừa lạy vừa van xin:
- Xin ngài giúp cho con.
Ông già gật đầu:
- Đương nhiên, ta đến đây là để giúp ngươi.
Sinh mừng rỡ, dập đầu lạy:
- Cám ơn ngài.
Ông già khoác tay nói:
- Người đừng lạy mà cũng đừng cám ơn. Ta nói cho ngươi biết. Ngươi là một đứa con bất hiếu.
Sinh sợ hãi đến toát mồ hôi, run giọng nói:
- Con biết lỗi rồi. Con đã định giết mẹ.
Ông già lắc đầu:
- Không phải chuyện đó. Điều mà người kia cho ngươi là hiếu thảo chính thật là bất hiếu.
Sinh ngơ ngác hỏi:
- Thưa ngài, con không hiểu.
- Ngươi không hiểu là phải. Mấy ngàn năm nay đã có được bao nhiêu người hiểu ta đâu. Ngươi phải biết rằng, chuyện sinh tử là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Mọi sinh vật đều có sinh và có diệt. Sinh và diệt không có nghĩa là có và mất. Sinh và diệt chỉ là hai dạng của một thể mà thôi. Con người được sinh ra bởi khí, rồi khí chuyển qua vật thể mà thành người. Khi con người hết dạng thể thì sẽ trở về dạng khí để chuyển hóa đi. Nếu ngươi biết được như vậy thì không sợ chết nữa. Vì ngươi có sợ cũng không thể tránh khỏi. Khi ngươi hiểu được lý lẽ của tạo hóa thì an nhiên sống và thản nhiên chết. Người đã được tạo ra từ khí thì sẽ trở về khí. Cái hình hài ngươi chỉ là dạng thể ngắn ngủi của đời tạm. Mẹ ngươi cũng vậy.
Nguyễn Sinh cúi đầu ngẫm nghĩ.
Ông già nói tiếp:
- Tội bất hiếu của ngươi là cố kéo dài cái dạng thể tạm của mẹ ngươi. Tội bất nghịch của ngươi là dám thay đổi cái lý lẽ tự nhiên của tạo hóa.
Sinh rên rỉ:
- Con không tiếc thân xác mình, chỉ sợ mất mẹ.
Ông già lắc đầu:
- Con người mang nhiều tội nghiệt lắm. Người có chín cuốn sách ấy đã gieo lắm điều đau khổ cho loài người. Ông ta đã ràng buộc con người vào lắm chuyện. Trung, hiếu cũng như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, chỉ ràng buộc con người vào sự khổ đau. Những điều ấy làm tăng thêm nghiệp chướng của lợi, danh và khiến con người đắm chìm mãi trong kiếp trầm luân, khổ ải. Ngươi hãy nắm lý lẽ lạo hóa, trở về sống với tự nhiên. Mọi sự đến và đi, có và mất chỉ là những biểu hiện tạm thời. Sống và chết chỉ là hai dạng thể ngắn ngủi của đời người.
Sinh cúi gầm đầu nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi:
- Thế thì ngài dạy con những điều ngược với ông già ban sáng hay sao? Ngài bảo con đừng trung với vua, đừng hiếu với cha mẹ, xử ác với loài người, bất nghĩa với con người, lỗ mãng với mọi người, nên làm ngu si đần độn, và thất tín với bất cứ ai hay sao?
Ông già mỉm cười đáp:
- Cây được sinh ra từ đất thì rụng lá về cho đất. Nước chảy từ nguồn thì hóa hơi thành mưa trở lại nguồn. Xuân Hạ Thu Đông bốn mùa đúng hẹn. Không khí và đất đá nuôi dưỡng muôn loài có bao giờ mệt mỏi đâu. Mây bao giờ cũng bay lên cao và nước muôn đời đi về chỗ thấp. Tạo hóa sinh ra từng sinh vật nguyên vẹn hình hài đầy đủ chức năng có bao giờ ngu độn đâu. Tại sao ngươi không biết học hỏi ở tự nhiên, trở về với tạo hóa. Những điều ta vừa nói đã có từ thiên cổ, sao ngươi không nhìn thấy.
Sinh gục đầu yên lặng.
Ông già tiếp:
- Con người bày đặt ra lắm chuyện để tự làm khổ nhau. Ngươi nên nhớ rằng, nắm càng chặc vuột càng đau, giữ cho lắm mất càng nhiều. Ngươi hãy thuận theo tự nhiên mà sống.
Sinh cúi đầu cảm tạ:
- Cám ơn ngài đã dạy bảo.
Ông già lắc đầu, nói:
- Ta đâu có làm gì cho ngươi đâu mà ngươi cám ơn ta. Ta chỉ khêu gợi được những gì có sẵn trong ngươi và tự ngươi hành xử.
Mặc kệ Ông già nói gì thì nói, Sinh dập đầu bái lạy tạ Ơn. Khi anh ngẩng đầu lên thì ông già cưỡi trâu và đứa tiểu đồng đã biến mất tự bao giờ.
Chiều đã xuống hẳn. Sương phủ dày đặc. Gió càng lạnh buốt và nước chảy càng mạnh hơn.
Chiếc xuồng bị nước cuốn xoay vòng. Sinh nhìn vào trong khoang. Mẹ nằm rên gừ gừ. Mèo đăm chiêu tha thiết.
Sinh cắn chặc hàm răng, nắm ngực áo mẹ, vất mạnh ra ngoài sông. Thuận tay anh vớt cổ mèo, ném phăng vào dòng nước.
Dòng sông chảy mạnh. Sinh nhìn nước cuốn mẹ và mèo. Cả hai trôi đi, dật dờ. Mẹ chới với, quơ quào hai tay, kêu lên âm thanh thảm thương, quái gở. Mèo trồi lên, hụp xuống, giương đôi mắt nhìn Sinh, khổ đau, luyến tiếc.
Sinh cắn môi bật máu. Hai tay bấu lấy cổ. Mắt Sinh trợn trừng.
Mẹ và mèo chập chờn trên sóng nước.
Gió thổi mạnh. Nước đẩy mẹ và mèo trôi đi càng xa.
Nguyễn Sinh khụy xuống khoang xuồng. Hình ảnh mẹ chập chờn. Tiếng mẹ kêu thảm thiết. Sinh thét lớn, quơ quào nắm lấy con dao trong xuồng. Anh đâm thẳng con dao vào ngực, xuyên qua tim. Máu Sinh phun ra ồng ộc xuống mặt sông. Nước loang máu đỏ một vùng.
Tiếng ông già còn văng vẳng bên tai anh: "Sống và chết chỉ là hai dạng thể của đời người. Cây sinh ra từ đất thì rụng lá về cho đất. Nước chảy từ nguồn thì hóa hơi thành mưa trở lại nguồn. Xuân Hạ Thu Đông bốn mùa đúng hẹn... ".
Dòng nước vừa cuốn vừa xoay chiếc xuồng đi vùn vụt. Xác Sinh nằm gập bên mạn xuồng, đầu gục xuống nước. Máu Sinh lan đỏ, suốt một khoảng của dòng sông.
Trời chiều. Mặt trời đỏ ối, chập chờn trong sương. Gió thổi mạnh nước trôi xuôi...
Hồi 2 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác