← Hồi 095 | Hồi 097 → |
Triệu Trinh bước tới, không nghĩ trên đời lại có loại chuyện thần kỳ như vậy. Chờ sau khi chuyện này kết thúc, thì nhất định sẽ bắt Bao Chửng dâng lên vật này. Khi đó sẽ không cần bọn quan lại nói dối nữa.
Bao Chửng không biết tâm tư của Triệu Trinh, liền quay sang Trương mỹ nhân:
- Thần cả gan mời Trương mỹ nhân tiến nhập thử một lần.
Sắc mặt Trương mỹ nhân có chút tái nhợt, thấy mọi người đều nhìn qua. Triệu Trinh lại nói:
- Mỹ nhân, nàng không cần phải sợ. Chỉ cần những gì nàng nói là thật thì phật ngọc đó sẽ không phát quang.
Trương mỹ nhân có chút do dự, nhưng khi nhìn thấy ánh mắt sáng quắc của Bao Chửng thì liền cắn răng đi vào. Trong bóng tối, mọi người chỉ nhìn thấy được thân ảnh của Trương mỹ nhân đang chạm vào phật ngọc. Sau một lúc lâu, phật ngọc cũng không có phát quang.
Tào hoàng hậu sắc mặt có chút dị dạng, hướng Bao Chửng nhìn. Bao Chửng cúi đầu xuống, nhìn vào ngón chân của mình.
Sắc mặt Thường Ninh lộ ra vẻ sầu thảm, trong lòng thầm kêu "Sẽ không! Tuyệt đối sẽ không? Nếu Trương mỹ nhân không có nói dối, chẳng phải Địch Thanh là kẻ nói dối sao? Điều này sao có thể?". Không đợi Trương mỹ nhân đi ra, Thường Ninh đã nói:
- Bao đại nhân, biện pháp này của ngài nhất định đúng sao?
Triệu Trinh tức giận:
- Thế nào lại không chính xác? Mỹ nhân không có nói dối thì tượng phật dĩ nhiên sẽ không phát sáng.
Đang khi nói chuyện, Trương mỹ nhân đi tới, nhìn Triệu Trinh mỉm cười;
- Tượng Phật thực sự rất linh, biết thiếp không có nói sai.
Dứt lời thì nhìn chằm chằm vào Địch Thanh, không nói lời nào.
Bao Chửng nhìn Địch Thanh, thần sắc tựa hồ có chút bất đắc dĩ:
- Địch tướng quân, tới phiên ngài.
Địch Thanh trong lòng cũng cực kỳ kinh ngạc, thầm nghĩ nếu tượng phật thực sự linh nghiệm, Trương mỹ nhân không có nói dối, Địch Thanh ta cũng sẽ không nói dối. Vậy tột cùng thì tối hôm qua đã xảy ra chuyện gì?
Hắn không giải thích được, nhưng cũng không thẹn với lương tâm, chân chính bước vào phòng tối, tay đặt lên phật tượng, trong lòng tự nói:
- Phật chủ, ngài nếu có mắt thi biết rằng Địch Thanh ta không có sai.
Tay của hắn đạt lên tượng phật, chỉ cảm thấy một sự lạnh lẽo, rồi đột nhiên thân thể chấn động, sắc mặt biến đổi.
Ngoài điện cũng vang lên tiếng hô.
Mọi người đã nhìn thấy tượng phật phát ra thứ ánh sáng yếu ớt.
Triệu Trinh thấy ngọc phật phát quang, sắc mặt trầm xuống, phất tay ra hiệu Cát Hoài Mẫn chạy tới bắt người. Địch Thanh võ công cao cường, nếu thực sự phản kháng, Triệu Trinh cũng sợ Địch Thanh sẽ liều mạng.
Tào hoàng hậu vội vàng kéo tay Triệu Trinh, nói rằng:
- Thánh Thượng xin chờ một chút. Thiếp thần muốn nói ra suy nghĩ của mình.
Triệu Trinh lạnh lùng nói:
- Cho tới bây giờ còn nói cái gì nữa? Địch Thanh khi quân phạm thượng, tội bất khả xá.
Tào hoàng hậu vội la lên:
- Thánh Thượng, Địch Thanh không có nói dối.
Triệu Trinh ngẩn ra, hồ nghi nhìn Tào hoàng hậu rồi lại nhìn bộ dạng khác thường của Bao Chửng, đột nhiên trong lòng trầm xuống, mơ hồ cảm giác có cái gì đó không thích hợp.
Bao Chửng đột nhiên quỳ xuống, thi lễ nói:
- Thánh Thượng, xin thứ cho thần tội khi quân. Kỳ thật thì ngọc phật không như thần đã nói, cũng biết người khác có nói dối hay không.
Triệu Trinh sửng sốt, còn Trương mỹ nhân thì biến sắc. Thường Ninh cùng Khâu Minh Hào thì đều cau mày, trong lúc nhất thời không hiểu được chuyện gì đã xảy ra. Triệu Trinh mặt trầm như nước, chậm rãi nói:
- Sự thật chứng minh, ngọc phật thật sự có lúc có thể phát quang.
Nhưng trong lòng lại thầm nghĩ "Lẽ nào Bao Chửng muốn bảo vệ Địch Thanh mà muốn phủ định về thuyết pháp của Noa Ma Phật?"
Bao Chửng nói:
- Ngọc phật đích xác chính là Noa Ma Phật, nhưng cũng không biết có được thần thông hiểu chuyện đúng sai của thế nhân hay không. Nó có thể phát quang chỉ vì phật ngọc này là một loại ôn lương ngọc phía tây bắc Côn Luân. Loại ngọc này có một điểm đặc biệt, nếu người nào chạm vào, ảnh hưởng thân nhiệt người đó thì nó sẽ phát quang.
Sau đó chậm rãi quay đầu nhìn về phía Trương mỹ nhân:
- Địch Thanh bởi vì trong lòng không thẹn nên đã dám xoa xoa ngọc. Do đó ngọc phật đã phát quang. Thần muốn hỏi một chút Trương mỹ nhân, vì sao sau khi người đi vào, ngọc cũng không có phát quang? Có phải vì người cảm thấy mình nói dối nên không có đụng vào Na Moa Phật?
Mọi người đều giật mình. Địch Thanh trong tối nghe thấy liền hiểu rõ ngọn nguồn, nhưng không khỏi lo lắng cho Bao Chửng. Bao Chửng làm như vậy, nói trắng ra là có dụng ý lợi dụng tâm lý có tật giật mình. Bao Chửng vì Địch Thanh mà nói dối Triệu Trinh, chống đối nghi vấn Trương mỹ nhân, hậu quả là có thể đoán được.
Bao Chửng chưa từng có giao hảo qua với hắn. Nhưng Bao Chửng đối với hắn còn hơn huynh đệ sinh tử.
Đây chính là Bao Chửng, biết mình sẽ đắc tội với thiên tử, nhưng cũng muốn vạch trần chân tướng.
Trương mỹ nhân nghe Bao Chửng chất vấn, sắc mặt trắng bệch, đột nhiên kêu lên:
- Ngươi nói xạo. Vừa rồi Hoàng hậu vào sờ lên ngọc phật, lúc đó cũng không có phát quang mà?
Triệu Trinh nghĩ tới điểm này, lập tức nói:
- Không sai, Hoàng hậu vì sao sờ vào ngọc phật nhưng không có phát quang?
Tào hoàng hậu liếc mắt nhìn Trương mỹ nhân, nhẹ giọng nói:
- Bởi vì ta khi tiến vào phòng tối, cũng chẳng qua là giống như cô, làm bộ không có sờ vào ngọc phật.
Trương mỹ nhân cắn chặt răng, sắc mặt trở nên trắng bệch. Cô ta vì thiếu cẩn trọng nên đã rơi vào cái bẫy của Bao Chửng. Có lẽ, cái bẫy này là do Tào hoàng hậu và Bao Chửng hợp nhau bày ra, chính là muốn khảo nghiệm xem ai là người nói dối.
Hết thảy đều đã chứng minh, nói dối thì sẽ không dám sờ vào ngọc phật. Mà hiện tại, người không dám sờ vào ngọc phật không phải là Địch Thanh, mà là Trương mỹ nhân.
Trương mỹ nhân đang nói dối.
Diêm Sĩ Lương ở một bên, trầm mặc không nói, thấy thế liền đột nhiên lên tiếng:
- Bao Chửng, ngươi cũng gan lớn. Ngươi biết làm như vậy là khi quân phạm thượng hay không?
Bao Chửng trầm mặc không nói, nhưng trên mặt không hề có một tia hối hận. Tào hoàng hậu ôn nhu mà kiên định:
- Vừa rồi Thánh Thượng đã nói, vì cầu chân tướng nên mạnh miệng cũng không tiếc. Nếu Thánh Thượng đã nói như vậy thì Bao Chửng vì cầu chân tướng, dùng ít thủ đoạn cũng không có gì đáng trách.
Quay đầu nhìn về phía Trương mỹ nhân, Tào hoàng hậu định nói cái gì đó, đột nhiên sắc mặt biến đổi, lui về phía sau hai bước.
Tất cả mọi người đều có chút bất ngờ, cũng không dám nhìn Trương mỹ nhân. Mọi người biết lần này, mặc dù vạch trần chân tướng, Triệu Trinh khẳng định sẽ không vui. Triệu Trinh cũng không rõ vì sao Trương mỹ nhân lại muốn nói dối hãm hại Địch Thanh, nhìn thấy sắc mặt Tào hoàng hậu khác thường, rồi quay đầu nhìn sang hướng Trương mỹ nhân, rồi đột nhiên sắc mặt đại biến, bước nhanh đến:
- Mỹ nhân, ngươi làm sao vậy?
Mọi người lúc này mới nhìn thấy, Trương mỹ nhân sắc mặt trở nên xám xịt, khóe miệng rỉ máu. Đây chính là dấu hiệu của trúng độc.
Trương mỹ nhân nhìn Triệu Trinh, chỉ kịp nói vài câu:
- Thánh Thượng, thiếp.... thiếp không có nói dối.
Sau đó cả người cô ta ngã xuống đất.
Triệu Trinh bất ngờ, không ngờ sự tình sẽ có kết quả như vậy, cũng không quan tâm đến việc xử án, hét lớn:
- Mau truyền ngự y...
Mọi người đều kinh hãi, không giải thích được vì sao Trương mỹ nhân lại bị trúng độc. Lẽ nào trong phòng tối còn ẩn trốn một hung thủ không thể nhìn thấy?
Ngự y tới, lại một phen rối loạn. Tào hoàng hậu vô cùng kinh ngạc, nhưng rồi biết sự việc có biến, ý bảo Bao Chửng và Địch Thanh lui ra. Mọi người không nghĩ tới kết quả này nên đều rời khỏi đại nội.
Bao Chửng ra khỏi cung, cau mày, tựa hồ như lo lắng điều gì. Địch Thanh áy náy nói:
- Bao huynh, bởi vì tại hạ mà liên lụy đến Bao huynh.
Bao Chửng với vẻ mặt giải quyết việc chung, nên nói:
- Chỉ là chức trách của ta mà thôi. Bất luận là ai thì ta cũng sẽ làm như vậy. Địch tướng quân hà tất phải sợ liên lụy. Mới vừa rồi...
Ông ta đang muốn nói tới điều gì, thoáng trong mắt hiện lên tia cổ quái, lại lắc đầu nói:
- Địch huynh, ta còn có việc, tạm thời cáo từ.
Địch Thanh trong lòng nặng trĩu. Mặc dù đã thoát nạn, nhưng trong bụng vẫn đầy nghi hoặc. Trương mỹ nhân vì sao lại hại hắn? Người nào đã hại Trương mỹ nhân? Trương mỹ nhân đến tột cùng vì sao lại không nói?
Đều nói người mà gần chết sẽ không có nói dối. Trương mỹ nhân cho dù sau khi bị trúng độc, vẫn nói không nói dối. Nhưng Địch Thanh cũng không có nói dối, lẽ nào trong đó có ẩn tình? Hết thảy vốn nhìn như rất rõ ràng, nhưng Địch Thanh càng nghĩ càng cảm thấy cổ quái.
Sau khi về tới Quách phủ, Hàn Tiếu vội vã đến thấp giọng bên tai Địch Thanh nói:
- Địch tướng quân, không tốt rồi. Căn cứ vào tin tức của chúng ta, mấy ngày nay, Nguyên Hạo thừa dịp nghị hòa cùng Đại Tống, vườn không nhà trống tấn công Khiết Đan. Không bao lâu sau đã đánh bại Khiết Đan. Mà Khiết Đan bởi vì dụng binh với nước Hạ thất bại, nên giận chó đánh mèo, trút giận lên chúng ta, quay sang đóng quân ở U Yến, có dấu hiệu xuôi xuống phía nam tấn công Đại Tống.
Địch Thanh sắc mặt khẽ biến, cau mày lại, một lát sau mới nói:
- Chuyện này chỉ sợ vài ngày triều đình sẽ có tin tức. Chúng ta không hiểu nhiều lắm, chỉ có thể chờ đợi bọn họ quyết định.
Trong mấy ngày, Địch Thanh vẫn đóng cửa không ra. Sau khi trở lại kinh thành, càng nghĩ càng cảm thấy huyền bí trong đó. Mà điều khiến cho Địch Thanh không thể giải thích được đó chính là hai sự kiện. Trương mỹ nhân vì sao phải hãm hại hắn. Và lá thư vạch trần Bát Vương gia đến cuối cùng là do ai viết?
Mặc dù liên tục ở trong Quách phủ, nhưng Địch Thanh vẫn thường xuyên thu thập tin tức.
*****
Tân pháp phát triển, vạn dân vui sướng. Nhưng trong đó vẫn có người không hài lòng. Vương Củng Thần mặc dù không truy trách Địch Thanh, cuối cùng chỉ ra tay với Trương Kháng và Đằng Tử Kinh trên vấn đề chi phí của công sứ. Trương Kháng thì điều đến chỗ hắn, còn Đằng Tử Kinh thì điều đến quận Ba Lăng.
Tân pháp nhanh chóng được toàn dân áp dụng. Khiết Đan đột nhiên khởi binh.
Trong lúc nhất thời, hơi thở của chiến tranh đã ngưng tụ khắp bầu trời, thậm chí đông lạnh nhiệt huyết của biến pháp.
Tây bắc mấy năm nay chiến loạn liên tiếp, nhưng du sao vẫn còn cách Khai Phong xa, khiến người ta nhìn chưa rõ. Nhưng Khiết Đan khởi binh nam hạ, quân tiên phong thế như chẻ tre chỉ vào Khai Phong, bắt đầu lên kế hoạch cho minh ước Thiền Uyên, khiến người ta lòng đau như cắt. Tất cả mọi người trong lòng lo sợ, chỉ sợ Khiết Đan khởi binh đến Đại Tống thì bách tính phải chịu khổ.
Triều đình tạm thời buông hết tất cả nội đấu, tập trung lo đối phó với Khiết Đan.
Qua vài ngày, Phạm Trọng Yêm đột nhiên đến Quách phủ.
Địch Thanh nhìn thấy Phạm Trọng Yêm đến, cảm thấy rất kinh ngạc nhưng cũng vui mừng. Kinh thành không thể so với Tây bắc. Ở Tây bắc hắn có huynh đệ thân thiết, nhưng ở kinh thành, bằng hữu đích thật của hắn lại không có bao nhiêu. Phạm Trọng Yêm chính là một trong những bằng hữu của hắn.
Phạm Trọng Yêm sau khi ngồi xuống, cũng không khách sáo, đi thẳng vào vấn đề:
- Địch Thanh, ta lần này đến đây là có việc muốn nhờ.
Địch Thanh trong lúc nhất thời chẳng biết Phạm Trọng Yêm đến nhờ chuyện gì, nhưng cũng nói ngay:
- Phạm Công nếu có gì phân phó thì cứ nói.
Hắn biết Phạm Trọng Yêm người này khi cầu việc sẽ không phải là việc tư.
Quả nhiên, Phạm Trọng Yêm nói:
- Khiết Đan đóng quân nơi Yến Vân, có ý định nam hạ. Lúc này biên cương phía bắc căng thẳng, thiên tử lo lắng. Văn võ bá quan thương nghị một lúc lâu, nghĩ việc này không thể chậm trễ, muốn phái ngươi đi sứ Khiết Đan, hướng Tiêu thái hậu phân tích lợi hại. Nếu có thể khuyên Tiêu thái hậu hủy bỏ ý định xuất binh thì mới là thượng sách.
Địch Thanh biết lúc này Tiêu thái hậu là người đương quyền ở Khiết Đan, giống như Lưu thái hậu của Đại Tống.
Khiết Đan lập quốc, nếu luận về phồn hoa thì thua xa Đại Tống. Nhưng nếu nói về sự uyên bác, binh lực hùng hậu thì Đại Tống thua xa.
Đại Tống sau khi lập quốc, bắt đầu là Thái Tổ, Thái Tông, và Chân Tông đều đối kháng với Khiết Đan. Nhưng đời sau lại không bằng đời trước. Thái Tổ còn có thể phản công đoạt lại Tấn Dương, Kiều Quan. Nhưng đáng tiếc Thái Tổ bỗng dưng băng hà một cách kỳ lạ. Thái Tông xuất binh muốn kế thừa cường thế của Thái Tổ, nhưng không ngờ tại sông Cao Lương bị người Khiết Đan đánh bại, phải ngồi xe lừa trở về. Có thể nói là chật vật không chịu nổi. Tới Chân Tông thì người Khiết Đan đã tiến nhanh vào nam hạ, định ra những điều quy ước bất đắc dĩ.
Đại Tống và Khiết Đan giao chiến với nhau, nhưng đời sau không bằng đời trước. Chỉ cảm thấy Khiết Đan là kẻ thù lớn nhất của Đại Tống, tự nhiên sẽ khiến cho Đại Tống sinh ra tâm lý lo sợ.
Nhưng khi định ra minh ước dưới chân thành với Chân Tông thì Liêu Thánh Tông lại mất. Trước khi chết đã lập Tề Thiên hoàng hậu là Thái hậu. Da Luật Tông Chân làm thái tử. Da Luật Tông Chân tuổi bằng với Triệu Trinh. Khi đăng cơ thì mẫu hậu vẫn còn đương quyền.
Chuyện cũ luôn luôn khiến người khác ngạc nhiên. Quốc chủ của Khiết Đan Da Luật Tông Chân hiện giờ cũng là do một cung nữ sinh ra, được Tề Thiên hoàng hậu đem về nuôi dưỡng. Nhưng chuyện cũ cũng có một chút khác biệt rất nhỏ. Lưu thái hậu của Đại Tống thì nắm hết quyền hành, không cho người bên ngoài nhúng tay. Cung nữ Lý Thuận Dung thì bắt túc trực bên linh cữu. Nhưng còn cung nữ bên Khiết Đan Tiêu Nậu Cân có thể liên hợp anh em, lặng lẽ nắm quyền lớn trong tay, thiêu hủy di chiếu của Liêu Thánh Tông, vu cáo Tề Thiên Hoàng hậu mưu phản, ngược lại giam Tề Thiên hoàng hậu lại.
Tiêu Nậu Cân giam cầm Tề Thiên thái hậu, thừa dịp quốc chủ Khiết Đan Da Luật Tông Chân tuổi còn nhỏ, nên nắm trọn quyền lớn. Hiện nay ở Khiết Đan hô phong hoán vũ. Điều khác biệt với Lưu thái hậu chính là Tiêu thái hậu này càng ngày càng kiêu ngạo, không chỉ trắng trợn tiêu diệt kẻ thù, mà còn đề bạt huynh đệ, gia nô, xuất động hưng binh, trước đó vài ngày đánh Tây Hạ không thắng. Chẳng hiểu vì sao lại giận cho đánh mèo đánh vào Đại Tống.
Địch Thanh sớm từ miệng Hàn Tiếu biết được biết này. Khi nghe Phạm Trọng Yêm đề cập đến chuyện đi sứ thì cũng có thể lý giải.
Địch Thanh thấy được, quân sự Đại Tống suy nhược lâu ngày, muốn ăn thì phải ăn từng miếng. Lúc này còn phải lo đối kháng với Nguyên Hạo đang bừng bừng dã tâm. Nếu thật sự phải đấu với Khiết Đan, Nguyên Hạo từ Tây bắc thọc dao tới thì chỉ sợ Đại Tống sẽ bị cô lập. Nghĩ tới đây, Địch Thanh lại nói:
- Nếu triều đình đã phái người đi sứ Khiết Đan thì không biết Phạm Công tìm ta có việc chi?
Phạm Trọng Yêm nói:
- Đi sứ Khiết Đan rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng hung hiểm. Nói thật, trong triều rất ít có vị quan nào lại nguyện ý đi sứ. Ta đang phải chủ trì một chuyện, nên không thể tự mình đi. Triều đình thương nghị hồi lâu, quyết định để Phú Bật đại nhân đi sứ Khiết Đan.
Địch Thanh nói:
- Phú đại nhân thái độ làm người trầm ổn. Nếu đi sứ thì thật là tốt.
Phạm Trọng Yêm nói:
- Phú Bật đồng ý đi sứ Khiết Đan, nhưng muốn có người cùng đi. Không biết là ngươi có chịu đi không?
Dứt lời thì ánh mắt kỳ vọng nhìn Địch Thanh.
Địch Thanh kinh ngạc một lát, nói:
- Ta đi? Bọn họ sao lại bảo ta đi?
Trong lòng thầm nghĩ: "Lúc trước đám người Vương Củng Thần hận không thể cách chức ta đày ra hải ngoại. Đi sứ Khiết Đan nhiệm vụ gian khổ, bọn họ làm thế nào lại để cho mình đi?"
Phạm Trọng Yêm mỉm cười:
- Bọn họ nói rằng, quân Khiết Đan lòng dạ hung dữ, chỉ có Địch tướng quân đi đến đó thì mới bộc lộ được uy nghiêm của Đại Tống ta. Hơn nữa, lần trước ngươi cùng với Phú đại nhân đi sứ Thổ Phiền. Mặc dù sự việc không thành, nhưng năng lực của ngươi rất đáng được công nhận. Lần đi sứ này, ngươi là người thích hợp nhất được chọn.
Nguyên Khiết Đan có ý định hưng binh nam hạ, Triệu Trinh vừa nghe thì không khỏi luống cuống. Trương mỹ nhân trúng độc, nhưng may mắn không chết, vẫn còn hôn mê trên giường. Triệu Trinh vừa sợ vừa giận, giao trách nhiệm cho Khâu Minh Hào điều tra, không cho Bao Chửng tham dự vào.
Triệu Trinh ban đầu nghe theo lời của Tào hoàng hậu, yêu cầu Bao Chửng điều tra làm rõ việc này. Chính vì muốn công chính, công bình, không muốn mất nhiều thời gian nhưng kết quả lại rất tàn khốc. Trương mỹ nhân trúng độc, Triệu Trinh trong lòng hối hận, cả ngày đều ở cạnh giường Trương mỹ nhân. Cho đến khi Khiết Đan có ý định hưng binh, Triệu Trinh thấy giang sơn gặp nạn, đành tạm thời buông chuyện Trương mỹ nhân ra, triệu tập quần thần thương nghị đối sách.
Trong triều bá quan văn võ đều nhất trí cho rằng, tạm thời không chiến, muốn trước tiên phái sứ thần đi thuyết phục Tiêu thái hậu không nên xuất binh. Không có Địch Thanh, lần này quần thần giải quyết vấn đề rất nhất trí nhưng khi đề cập đến chuyện đi sứ thì liền gặp phải khó khăn.
Hai nước giao binh, quan hệ khó lường. Nếu đi sứ không thành, thì chính là đánh cược với sinh mạng mình. Ban đầu việc đi sứ Khiết Đan, triều đình định phái Hạ Tủng đi. Nhưng kết quả Hạ Tủng lại từ chối không đi, tiến cử Vi Tiếu Đàm. Người khác thì không sao, nhưng nếu rơi trúng người mình thì đó là bi kịch.
Quần thần đang khó xử, Phạm Trọng Yêm liền chủ động xin đi giết giặc, nhưng Triệu Trinh không cho. Lúc này biến pháp cần có Phạm Trọng Yêm gồng gánh, làm sao có thể đi bắc cương xa xôichứ? Phú Bật thấy tình thế như vậy, cuối cùng nguyện ý đi sứ Khiết Đan. Quần thần thở phào nhẹ nhõm, nhưng Phú Bật lại đưa ra một điều kiện, muốn Địch Thanh cùng đi sứ cùng.
Triệu Trinh hiện tại không biết vì oán giận Địch Thanh, hay vì áy náy chuyện oan ức của Địch Thanh mà đối với đề nghị của Phú Bật từ chối cho ý kiến.
Nhưng việc Địch Thanh đi sứ cũng không phải là thuận buồm xuôi gió. Vương Củng Thần lập tức nhắc đến chuyện cũ, đưa ra việc Địch Thanh lỗ mãng, chống đối thượng cấp, ẩu đả Văn Thần Văn Ngạn Bác, không phải là lựa chọn tốt nhất để đi sứ. Nhưng Phạm Trọng Yêm đã nói một câu mà Vương Củng Thần không thể chống đỡ được:
- Vương Trung Thừa không muốn Địch Thanh đi sứ, chẳng lẽ muốn đi cùng với Phú đại nhân?
Vương Củng Thần nội đấu người trong nghề, ngoại đấu người thường, đối với đám người Khiết Đan lạnh lùng kia khiếp đảm trong tâm, cho rằng với đám người Khiết Đan ngang ngược tàn bạo chẳng có cùng câu chuyện nên không nói nữa.
Khúc chiết có nhiều, nhưng Phạm Trọng Yêm lại không muốn vì những chuyện rườm rà này mà làm phiền nhiễu Địch Thanh. Chẳng qua chỉ dùng ánh mắt chờ mong nhìn Địch Thanh, Địch Thanh thấy thế liền không đùn đẩy nữa, lập tức nói:
- Nếu Phạm Công có ý như thế thì tại hạ sẽ tận hết khả năng.
Phạm Trọng Yêm vui mừng, thầm nghĩ Địch Thanh khổ luyện nhiều năm, nếu luận tầm nhìn, khí độ và quyết đoán thì có thể mạnh hơn rất nhiều người trong triều. Y biết tâm sự của Địch Thanh, cũng biết có nhiều chuyện bất công đối với hắn. Nhưng mỗi khi thấy được mỗi khi quốc gia có nạn thì Địch Thanh đều kiên quyết đảm đương nên trong lòng cảm động.
Địch Thanh tiễn Phạm Trọng Yêm rời khỏi phủ, thấy Phạm Trọng Yêm có chút u sầu thì nhịn không được liền hỏi:
- Phạm Công, chuyện đi sứ ngài đừng lo lắng. Ta nghĩ người Khiết Đan cũng an nhàn nhiều năm, không còn lợi hại như trước nữa. Bọn họ thực sự muốn khai chiến thì chúng ta cũng không sợ.
*****
Phạm Trọng Yêm nói:
- Theo như ta đoán thì lần này Tiêu thái hậu có ý muốn hưng binh nguyên nhân chỉ bởi vì bại trong tay của Nguyên Hạo, nên nóng lóng muốn dùng Đại Tống của chúng ta để bù đắp tổn thất. Thật sự muốn xuất binh, chỉ sợ không có khả năng. Đối với ngươi lúc này lo lắng nhất không phải chuyện này.
Địch Thanh hỏi:
- Phạm Công có chuyện gì lo lắng, có cần ta giúp đỡ gì không?
Phạm Trọng Yêm nhìn Địch Thanh, nếp nhắn khóe miệng tràn đầy ý cười. Địch Thanh đột nhiên phát hiện, Phạm Trọng Yêm già hơn rất nhiều. Mưa gió ở vùng tây bắc đã mài dũa Phạm Trọng Yêm trở nên khí khái hơn, nhưng đồng thời cũng làm cho ông già nua hơn. Nghĩ như vậy, nên trong lòng cảm thấy phiền muộn.
Phạm Trọng Yêm nói:
- Chuyện này thoạt nhìn tuy rất nhỏ, nhưng lại rất phiền phức. Hạ Tủng bị giáng sức, Thạch Giới thì viết ra quyển "Khánh Lịch Thánh đức tụng".
Địch Thanh cũng biết việc này. Thạch Giới là người dạy học của Quốc Tử Giám, cũng là người kiên định đi theo Phạm Trọng Yêm. Quốc Tử Giám là một trong Cửu Tự Ngũ Giám của Đại Tống, chủ yếu phụ trách giảng dạy truyền đạo, kinh thuật, có uy vọng rất cao trong hàn sĩ khắp thiên hạ.
Hạ Tủng sau khi bị giáng chức khỏi kinh thành, Thạch Giới đã viết quyển "Khánh Lịch Thánh Đức Tụng", ca ngợi việc Triệu Trinh dùng đám người Phạm Trọng Yêm là "Chúng hiền chi tiến", còn Hạ Tủng thì bị Xu Mật Viện nói là "Đại gian chi khứ".
Bài văn có thể nói là kinh thiên động địa, bách tính thay nhau truyền tụng. Điều này Địch Thanh có biết. Nhìn Phạm Trọng Yêm lo lắng như vậy, Địch Thanh lại nói:
- Thạch đại nhân nói ra tình hình thực tế, dường như cũng không có gì?
Phạm Trọng Yêm thở dài:
- Tiểu nhân giống như đống than chưa đốt hết. Nếu ngươi không động vào không đẩy y, thì y chỉ đốt xong rồi tắt. Nhưng nếu ngươi có động vào, chỉ sợ y sẽ càng đốt mạnh hơn. Thậm chí càng không thể cứu vãn được. Ta sớm biết tân pháp mới lập, nhất định sẽ có khó khăn chồng chất. Có một số người tạm thời tỏ ra hòa thuận mặc dù trong lòng không muốn, nhưng vì ích nước lợi dân, nên cũng là vô phương. Lúc này Âu Dương Tu, Thái Tương, Thạch Giới bọn họ mặc dù có ý tốt, nhưng trò đời hiểm ác, kẻ địch lại mạnh, chỉ sợ không bao lâu sau sẽ lọt vào sự phản kích của đối thủ. Vốn là việc có thể dự liệu, nhưng nếu vì vậy mà làm lỡ việc cải cách pháp luật thì ta thật sự không muốn.
Nói đến đây, Phạm Trọng Yêm cười nói:
- Nhưng việc này ta có thể xử lý tốt. Địch Thanh, đường đi sứ xa xôi, phong sương hiểm ác, ngươi hãy bảo trọng.
Dứt lời thì quay người rời đi, thầm nghĩ: "Mặc dù Lã Di Giản không còn nắm quyền hành trong tay, nhưng để ứng phó một đám tiểu nhân này có lẽ cần thuyết phục Lữ Di Giản một lần nữa vào triều làm quan, việc cải cách tân pháp sẽ thành." Nghĩ tới đây, y liền lập tức bước đến Lã phủ.
Địch Thanh đợi thêm mấy ngày nữa. Triều đình hạ chỉ lệnh Phú Bật và Địch Thanh đi sứ Khiết Đan.
Phú Bật và Địch Thanh sớm có hợp tác qua, không nhiều lời, lập tức quần áo giản dị, rời khỏi Biện Kinh, băng qua Hoàng Hà, thẳng đến Khiết Đan.
Lần đi sứ này khác với lần đi sứ đất Tạng trước. Lần đi sứ đất Tạng là bí mật hành sự. Còn lần đi Khiết Đan này cũng cần thận trọng. Bởi vậy, ngoại trừ Phú Bật và Địch Thanh thì còn có thêm mười cấm quân đi theo. Dọc đường có người truyền tống công văn, tự có quan phủ địa phương tiếp đãi.
Đám cấm quân kia biết là theo Địch Thanh đi sứ nên đều cao hứng bừng bừng, không còn cảm thấy đi sứ là khổ cực mà ngược lại còn rất vinh quang. Địch Thanh chỉ là một binh lính bình thường, có thể đạt được địa vị như ngày hôm nay, trong mắt cấm quân mang một sắc thái truyền kỳ. Có thể cùng Địch Thanh đi sứ một lần, đời này cho đến lúc chết cũng rất đáng giá.
Dọc theo đường đi, mọi người theo sự phân phó của Địch Thanh, cùng khoái mã chạy nhanh, cũng không dừng lại một ngày.
Một ngày qua đi, từ phía xa đã nhìn thấy núi non trùng điệp, cây cỏ xanh um. Cơn gió thổi qua, từng ngọn cỏ tươi mát lay động trên mặt đất. Mọi người ai nấy cũng mệt mỏi, nhìn thấy cảnh tượng như vậy, tinh thần có phần linh hoạt hơn.
Địch Thanh biết qua dãy núi dài kia là đến Khiết Đan. Trước đây đi sứ chưa hề có phong cảnh ven đường tuyệt đẹp như vậy.
Lúc này Hàn Tiếu bước tới, thì thầm bên tai Địch Thanh vài câu. Địch Thanh gật đầu rồi quay sang nói với Phú Bật:
- Phú đại nhân, có tin tức, bởi vì gần vào thu, nên quốc chủ Khiết Đan theo lệ thường sẽ đi Nại Bát. Bởi vậy hẳn là sẽ đi đến vùng Phục Hổ Lâm gần Thượng Kinh. Dựa theo lệ cũ, Tiêu thái hậu cũng đi theo. Nếu như theo lẽ thường chúng ta phải đến Trung Kinh trước, chỉ sợ phải chờ bọn họ thu hoạch ở Nại Bát xong thì mới quay về Trung Kinh để gặp mặt được. Chi bằng trực tiếp đến Nại Bát xin gặp bọn họ để nói chuyện, không biết ý của ngài như thế nào?
Tuy có cấm quân đi theo, nhưng Địch Thanh vẫn phái Hàn Tiếu âm thầm thu thập tin tức. Mà tin tức của Hàn Tiếu so với quan gia thì chính xác, mau lẹ hơn.
Địch Thanh chỉ sợ trên đường đi làm phí thời gian, nên bảo Hàn Tiếu sớm chuẩn bị.
Phú Bật trầm ngâm không nói, không lúc nhất thời có chút do dự.
Khiết Đan chia làm năm đạo, phân biệt là Thượng Kinh Lâm Hoàng Phủ, Đông Kinh Liêu Dương Phủ, Tây Kinh Đại Đồng Phủ, Nam Kinh U Châu Phủ cùng với Trung Kinh Đại Định Phủ.
Nam Kinh Khiết Đan chính là U Châu trước đây. Mà Tây Kinh Khiết Đan là vùng lân cận Đại đồng Sơn Tây ngày nay.
Vô luận Nam Kinh, Tây Kinh đều thuộc về Đại Tống trước đây. Người Khiết Đan khi đánh chiếm Trung Nguyên đã chiếm lấy, nhưng Tống triều vẫn không đoạt lại. Tây Kinh và Nam Kinh đều là yếu đạo quân sự của người Khiết Đan. Năm xưa khi ký hòa ước Thiền Uyên, người Khiết Đan đã thông qua hai con đường này tiến thẳng vào Trung Nguyên.
Mà Trung Kinh tại phía Nam, Tây Kinh tại phía bắc, nguyên nhân vì Tây Kinh giáp giới với Nam Kinh nên phát triển có chút phồn hoa. Sứ thần của Đại Tống, Cao Ly hay nước Hạ đều ở Trung Kinh chờ đợi gặp mặt quốc chủ Khiết Đan. Địch Thanh cùng Phú Bật đến Thượng Kinh để trực tiếp gặp mặt quốc chủ Khiết Đan là không hợp lệ.
Nhưng Phú Bật cũng biết, Địch Thanh là có lòng tốt.
Bởi vì tuy nói Thượng Kinh Lâm Hoàng Phủ lúc này là quyền lợi trung tâm của Khiết Đan, nhưng trên thực tế, người Khiết Đan cho tới nay vẫn bảo tồn phong tục du mục, lấy xe ngựa làm nhà. Bởi vậy Hoàng đế Khiết Đan sẽ không giống như Đại Tống, suốt ngày ở lại Biện Kinh, mà làm quanh năm lưu lạc.
Quốc chủ Khiết Đan vẫn như cũ chọn bốn mùa săn bắn. Xuân hạ thu đông sẽ tìm địa điểm khác nhau để ở lại săn bắn. Phương thức này gọi là Nại Bát.
Mùa xuân thì quốc chủ Khiết Đan sẽ ở lại vùng lân cận Đông Kinh. Còn mùa thu thì đến Thượng Kinh. Quy củ này cho đến nay vẫn không thay đổi. Mà quốc chủ Khiết Đan di cư bất định, làm cho các sứ thần quốc gia khác phải chờ mòn mỏi mấy tháng, thậm chí lâu hơn.
Địch Thanh muốn tốc chiến tốc thắng. Bởi vậy đã đề nghị Phú Bật trực tiếp đến Thượng Kinh cầu kiến. Phú Bật biết phương pháp này trực tiếp phá huy quy củ của người Khiết Đan, ngược lại bất lợi cho việc đàm phán.
Do dự một lúc, Phú Bật mở miệng nói:
- Dù sao thì đến Thượng Kinh cũng phải qua Trung Kinh, chi bằng đến Trung Kinh trước rồi tính toán sau?
Địch Thanh cũng biết Phú Bật lo lắng, lập tức tán thành.
Mọi người băng qua ngọn núi trùng điệp, thẳng đến cuối Nam Kinh, tiến nhập vào địa giới Trung Kinh.
Nam Kinh, Trung Kinh Khiết Đan bởi vì gần Đại Tống nên ảnh hưởng phong thổ Trung Nguyên, nên bách tính phần đông cũng là người Trung Nguyên. Phố xá phồn hoa, tuy không thể so với Biện Kinh, nhưng mọi người ở đây cũng không khác gì ở Trung Nguyên.
Phú Bật, Địch Thanh sai người đến Đại Định Phủ, vào quan nha trình công văn, theo lễ tiết sứ giả cầu kiến quốc chủ Khiết Đan cùng Thái hậu, thương nghị chuyện đóng quân ngoài biên cảnh. Lúc này, tuy là Tiêu thái hậu nắm quyền, nhưng dù sao Gia Luật Tông Chân cũng đã đăng cơ, chính vụ cũng sẽ tham dự vào.
Công văn trình lên được nửa tháng, cuối cùng Xu Mật Viện của nam viện Khiết Đan đến phúc đáp, nói Tiêu thái hậu có chỉ, sai người mời sứ giả Đại Tống đến Thượng Kinh, cùng đi săn ở Phục Hổ Lâm.
Phú Bật sau khi biết được tin tức này thì chỉ biết cười khổ, thầm nghĩ nếu sớm nghe Địch Thanh nói thì cũng không ở đây chờ lâu như vậy. Địch Thanh ngược lại an ủi Phú Bật. Nếu Tiêu thái hậu muốn bọn họ đi săn cùng thì có thể nói rõ trong nhất thời sẽ không nam hạ. Phú Bật vừa nghe cũng thấy có lý. Tuy nói rằng ở Trung Kinh làm mất thời gian, nhưng nếu có thể khiến Khiết Đan không phát binh thì coi như việc ông ta đi sứ cũng có chút hiệu quả. Nhưng Tiêu thái hậu nói cái gì cùng đi săn, lẽ nào muốn lập uy trước mặt sứ giả Đại Tống? Phú Bật vốn chút lo lắng, nhưng thấy Địch Thanh dường như không có việc gì thì cũng bình tĩnh trở lại.
Địch Thanh chờ đến ngày thứ hai mới khởi hành ra khỏi Trung Kinh, đi vòng qua tây bắc, thẳng đến Phục Hổ Lâm ở Thượng Kinh. Đường xá rất xấu, mọi người rất nhanh đã đến thảo nguyên mênh mông.
Bầu trời trong xanh, cánh đồng bao la, gió thổi cây cỏ, thấp thoáng bóng dê bò.
Thảo nguyên mênh mông giống như một bờ biển rộng. Người đi trong đó tựa như một con thuyền cô độc, tự nhiên cảm giác mình nhỏ bé, hèn mọn. Mọi người không quen với địa hình thảo nguyên. May mà còn có Hàn Tiếu, dọc đường đi còn có người Khiết Đan do Xu Mật Viện Khiết Đan cử đến dẫn đường, nên mọi người mới không bị lạc trong đó.
*****
Một đường đi tới, chỉ thấy chấm chấm những căn lều như những bông hoa nở rộ giữa thảo nguyên. Dê bò giống như cơn sóng lung linh sinh động. Những nữ dũng sĩ du mục bôn ba trong đó, nhu tình nhưng tràn đầy hào phóng. Địch Thanh nhìn thấy, trong lòng đột nhiên nghĩ đến, nếu hắn không phải là một tướng quân, không vào kinh, chỉ cùng người yêu ở chỗ này cưỡi ngựa chăn dê, khoái ý suốt đời thì thật là quý giá.
Nhưng hắn có cơ hội đấy không? Suy nghĩ như thế, hắn trong lòng cảm thấy chua xót.
Hoàng hôn dần buông xuống, ánh nắng mặt trời vàng rực rơi xuống thảm cỏ xanh vô cùng vô tận, như con sóng biếc mênh mong. Gió thổi lay lay ngọn cỏ xanh. Phía trước hiện lên không ít những căn lều. Hóa ra bọn họ trong lúc vô tình đã đến một bộ lạc của Khiết Đan.
Bộ lạc mà họ đến là bộ lạc Bá Đức của Khiết Đan. Viên quan do Xu Mật Viện phái tới đến nói chuyện với tộc trưởng của bộ lạc Bá Đức. Tộc trưởng rất nhiệt tình hiếu khách, chiêu đãi sứ giả Tống triều. Buổi tối, lửa trại hừng hực. Người của bộ lạc nướng dê, chuẩn bị ca múa cho đám người Địch Thanh thưởng thức.
Tuy nói Tiêu thái hậu có ý định xuất binh, nhưng Khiết Đan và Đại Tống dù sao cũng hòa bình hơn mười năm nay. Trong cảm nhận của bách tính, song phương vẫn là bằng hữu chứ không phải kẻ thù.
Địch Thanh không quan tâm đến ca múa, thừa dịp Phú Bật đang bận xã giao thì lặng yên rời khỏi bữa tiệc, tới sườn núi của bộ lạc, ngẩng đầu nhìn bầu trời.
Lúc này, ánh trăng như chiếc móc câu. Dưới con mắt của Liêu nhân, ánh trăng giống như sóng mắt của tình nhân.
Địch Thanh ngơ ngác nhìn ánh trăng, rất lâu sau đó...
Tiếng bước chân truyền đến, Địch Thanh quay đầu nhìn lại, thấy Hàn Tiếu bước tới, thì nở nụ cười thật tươi:
- Sao tướng quân lại không ở trong đó nghe ca hát uống rượu? Trong số chúng ta thì tướng quân là người quen thuộc với thảo nguyên nhất.
Hàn Tiếu không biết võ, nhưng ngoại trừ võ nghệ thì không có cái gì là không biết. Y biết ngôn ngữ nhiều nơi, hiểu được phong tục, biết được rất nhiều chuyện. Địch Thanh có đốt đèn cũng không tìm được người như Hàn Tiếu. Bản thân Hàn Tiếu hình như vẫn còn có nhiều điều bí mật.
Tuy hắn là bằng hữu với Hàn Tiếu, nhưng chưa bao giờ hắn truy vấn Hàn Tiếu. Có đôi khi bằng hữu là phải cần lắng nghe, nhưng có đôi khi cần phải cho đối phương không gian của mình.
Hàn Tiếu bước tới, ngồi trước mặt Địch Thanh, hai tay ôm đầu gối nhìn trời:
- Địch tướng quân, lần này Tiêu thái hậu yêu cầu chúng ta đi đến vùng Thu Nại Bát của bọn họ. Chẳng hiểu vì sao, ty chức cuối cùng cảm giác sự tình không đơn giản như vậy. Lần tiếp đãi này, bọn họ địch ý cũng không rõ ràng. Bởi vậy ty chức không hiểu lão thái bà này nghĩ cái gì.
Địch Thanh mỉm cười:
- Nếu không rõ thì không nên suy nghĩ, tự nhiên sẽ biết thôi. Dù sao chúng ta cũng nên chú ý động tĩnh của người Khiết Đan. Lúc này còn chưa phát hiện được ý tứ của bọn họ lãnh binh đến Yến Vân. Được rồi, Trương mỹ nhân tìm được đầu mối nào chưa?
Hàn Tiếu lắc đầu:
- Trương mỹ nhân là con gái của Trương Nghiêu Tá. Trương Nghiêu Tá xuất thân tiến sĩ, nhiều năm qua thân mình trong sạch, không có chỗ khả nghi. Những chuyện này lúc trước ở Biện Kinh đã nói với tướng quân rồi. Nếu như có điểm khiến người ta phải nói đó chính là sau khi Thiên tử thích Trương mỹ nhân thì Trương Nghêu Tá được đề bạt có chút hơi nhanh. Nhưng lúc đó Bao Chửng cũng đã từng tham gia vào chuyện này.
Địch Thanh thầm nghĩ: "Ta nghĩ tới nghĩ lui, Trương mỹ nhân muốn hãm hại mình có thể là bởi vì Nguyên Hạo. Nhưng lúc này xem ra, khả năng này rất nhỏ bé. Nhưng nếu không phải Nguyên Hạo thì Trương mỹ nhân đối phó với ta là vì cái gì?"
Hàn Tiếu quay đầu nhìn Địch Thanh, đột nhiên nói:
- Địch tướng quân, Biện Kinh mặc dù phồn hoa nhưng không thích hợp với tướng quân. Kỳ thật, tướng quân ở lại thảo nguyên cũng là chuyện tốt.
Địch Thanh cười thản nhiên:
- Ta vẫn chờ lệnh quay về Tây bắc. Nhưng gia pháp tổ tông quy định, ta sợ rằng trong một thời gian ngắn tới sẽ không được đi tây bắc. Ta đi sứ, không phải vì tránh họa mà là vì ta nghĩ, nếu ta có năng lực làm chuyện gì thì cũng nên đi làm.
Hàn Tiếu cười, ánh mắt lộ ra sự tôn kính. Y biết Địch Thanh nói như vậy là xuất phát từ nội tâm.
Địch Thanh trong lòng lại nghĩ "Huống chi, ta biết Vũ Thường khẳng định sẽ mong ta đi làm như thế này". Nhìn bầu trời, Địch Thanh lẩm bẩm:
- Không biết bao giờ mới có thể đến Sa Châu? Không biết đến lúc nào thiên hạ mới thái bình?
Hàn Tiếu đè thấp thanh âm nói:
- Địch tướng quân, phượng minh của chúng ta ...
Lời còn chưa dứt thì Địch Thanh đã nhướng mày, thấp giọng nói:
- Khoan, có gì đó không ổn.
Hàn Tiếu cả kinh, quay đầu nhìn về phía Phú Bật, thấy lửa trại hừng hực, tiếng ca mơ hồ theo gió bay tới, không biết có cái gì không ổn. Địch Thanh nhảy vài bước lên một sườn núi cao, từ xa nhìn lại. Hàn Tiếu thấy thế, bước nhanh đến, nhưng chưa lên đến sườn núi thì chợt nghe tiếng vó ngựa vang lên.
Trong bóng tối, hai đội nhân mã một trước một sau chạy vọt tới hướng này.
Đội nhân mã đi trước mặc toàn đồ xanh, nhưng chỉ có hơn mười người. Còn đội nhân mã đi sau lại có hơn năm sáu mươi người, đều mặc trang phục màu đen.
Hàn Tiếu thấy đội kỵ mã, trong lòng dâng lên sự hoài nghi, cho rằng những người này tới là vì muốn cướp bộ lạc hoặc là vì sứ giả Đại Tống mà đến. Nhưng nhìn thoáng qua thì biết mình đã sai. Bởi vì đội nhân mã phía sau khi dần tiến lại gần thì một tiếng hô vang lên. Một làn mưa tên bay đến.
Có chiến mã hí lên. Mười thanh y nhân phía trước có một bị bắn trúng rớt xuống ngựa. Những người còn lại đều là thân thủ nhanh nhẹn, hoặc né tránh làn tên, hoặc vung roi quất vào mũi tên.
Những người này có kỹ thuật cưỡi ngựa rất siêu việt. Địch Thanh trong đêm tối nhìn thấy những người mặc áo xanh thân hình vạm vỡ, ẩn chứa sự lo lắng. Đều không hẹn mà che chắn cho một người.
Người đứng đầu sắc mặt ngăm đen, đôi môi nhếch lên. Mặc dù tuổi tác không lớn nhưng dưới làn mưa tên cũng không tỏ ra sợ hãi.
Phía sau người thanh niên có một người râu quai nón đột nhiên hét lên. Hơn mười kỵ binh đột nhiên xiết cương, kéo cung lên. Chỉ nghe giữa không trung tiếng vù vù, hơn mười mũi tên bắn về phía sau.
Làn tên mặc dù không nhiều lắm nhưng tốc độ rất nhanh. Đám hắc y nhân đằng sau trở tay không kịp, bị bắn trúng sáu người. Một người hô lên, đội quân không lùi bước, chỉ tách ra thành hai đạo, phân lộ đánh tới.
Địch Thanh đang đứng ở sườn núi, nhìn thấy những người này kỹ thuật cưỡi ngựa rất cao, thân thủ nhanh nhẹn, thầm nghĩ họ hơn phân nửa là người Khiết Đan. Trách không được binh lính Khiết Đan tung hoành chiến trường những năm gần đây. Đại Tống không thể làm gì. Những người này đúng là có bản lĩnh độc đáo của mình. Nhưng hai đội nhân mã này đều là người Khiết Đan, sao lại chém giết lẫn nhau như thế?
Binh lính hắc y nhân chia làm hai đường, cản lối đi của thanh y nhân. Trong tiếng hô quát, chỉ nghe tiếng mưa tên bay ra, ngang dọc giữa không trung, có sự chấn động lòng người nói không nên lời.
Chỉ trong chớp mắt, hắc y nhân đã bị bắn chết mười người. Còn thanh y nhân vẫn còn không dưới mười người. Người thanh niên dẫn đầu đột nhiên hô lên một tiếng, từ trên lưng ngựa té xuống. Vốn mũi tên bắn ra trúng ngay giữa đầu ngựa y ngồi. Lực bắn vô cùng lớn, khiến cung tên ghim hết trong đầu ngựa, chỉ còn chưa lại đầu mũi tên.
Hắc y nhân một tiếng hoan hô, giục ngựa chạy đến, trường mâu vung lên, hướng người thanh niên trên mặt đất đâm tới.
Những gã thanh y nhân còn lại đều kinh hãi. Mắt thấy trường mâu sẽ đâm tới chàng thanh niên, một người liền nhảy ra ôm lấy y, ngay tại chỗ lăn một vòng, tránh được cây trường mâu.
Người cứu chàng thanh niên chính là hán tử râu quai nón.
Tiếng "phập phập" vang lên không dứt. Trường mâu đâm tới, toát ra hàn khí. Hán tử râu quai nón đột nhiên nhảy dựng, ôm lấy chàng thanh niên chạy lên sườn núi. Gã bản thân tuy nhanh nhẹn, nhưng dù sao phải ôm thêm một người, chưa được hai ba bước đã bị ba kỵ binh đuổi theo.
Trường mâu lại tiếp tục đâm tới.
Gã hán tử không tránh né được, trong tiếng hét vang liền vứt chàng thanh niên trẻ tuổi ra bên ngoài. Ba chiếc trường mâu liền đâm vào gã.
Gã hán tử hét lên phẫn nộ. Trước khi chết, còn kéo một thanh trường mâu. Một người ngã xuống, thì dùng đao chém chết người nọ. Nhưng vó ngựa bước qua, đã thấy gã hán tử kia bị giết chết ngay tại chỗ.
Chàng thanh niên trong mắt ngấn lệ, nhưng vẫn bỏ chạy không ngừng. Lúc này chỉ nghe tiếng vù vù, một mũi tên lại bắn tới. Dĩ nhiên là bắn tới sau lưng chàng thanh niên.
Thanh y nhân hô to, sắc mặt hoảng sợ. Giữa không trung đột nhiên phát ra ánh sáng. Mũi tên kia vốn đang lao vào thân thể chàng thanh niên, đột nhiên tách một tiếng, gãy làm đôi giữa không trung, rồi chẳng biết rơi về đâu.
Mọi người đều giật mình. Hai kỵ binh liền chạy vội tới, nhưng chưa kịp thì trường mâu lại đâm tới sau lưng chàng thanh niên. Trong bóng tối chỉ có thể thấy được một đạo quang ảnh hiện lên, giống như ánh trăng đột nhiên được dẫn tới nhân gian.
Trăng sáng trên trời, đao ngay trước mắt.
Trong mắt hai gã phát động trường mâu đột nhiên kinh hãi. Rắc rắc hai tiếng, trường mâu đã bị bẻ gẫy.
Mọi người chỉ thấy được một tình cảnh cả đời khó quên. Hai gã hắc y nhân đâm trường mâu đột nhiên dừng lại, đạo quang hoa chiếu thẳng vào trên người. Ngay sau đó tay và đầu hai người đều bị chém cụt.
Máu phun ra nhiễm đỏ cả bầu trời đêm. Con ngựa vô chủ, hí lên vang trời.
Không ai lúc này lại đi nhìn người đã chết. Tất cả mọi người đang nhìn vào người đang đứng bên cạnh chàng thanh niên. Người nọ trong bóng đêm xuất hiện, giống như hung thần ác sát, đột nhiên xuất đao. Chỉ một đao nhưng đã chém chết hai hắc y nhân.
Đây là đao pháp gì mà bá đạo hung ác như vậy? Đây là ai mà lại quỷ dị khó dò như vậy?
Mọi người trong lòng giống như bị một cú sốc, nhìn người nọ đang ngạo nghễ cầm đao.
Người xuất đao chính là Địch Thanh.
← Hồi 095 | Hồi 097 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác