Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Phong lưu Tam Quốc - Hồi 321

Phong lưu Tam Quốc
Trọn bộ 380 hồi
Hồi 321: Chiến thắng
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-380)

Chiến thắng sắp tới rồi, chiến thắng ở ngay trước mắt. Mỗi một binh sĩ Giang Đông đều vững tin vào tín niệm này. Tại Hạ Khẩu giằng co hai năm, huyết chiến vô số trận, trả giá vô số mạng sống huynh đệ, chiến thắng rốt cuộc hiện ra trước mắt. Mà bản thân, là một binh sĩ vô cùng bình thường, lại sắp trở thành người tạo ra lịch sử. Sách sử viết giây phút vinh quang nhất trong đời mình. Chỉ cần đánh hạ Ô Lâm, tình thế Kinh Sở sẽ thay đổi lớn. Chỉ cần đánh hạ Ô Lâm, cửa Nam quận hoàn toàn mở rộng. Chỉ cần đánh hạ Ô Lâm, bá nghiệp vĩ đại xâm nhập phía nam của chúa công sẽ bước ra một bước vững chắc nhất.

- Giết!!!

Binh sĩ điên cuồng vì sự chiến thắng cuối cùng liều mạng rống to, xông pha chiến đấu.

"Ù ù ù!"

Kèn xung phong không ngừng vang tận mây xanh, bao phủ cả thủy trại Ô Lâm.

"Thùng thùng thùng!"

Trống huyết chiến ở hậu phương thúc giục bước chân binh sĩ liều mạng tiến tới.

Trên cảng thủy trại đã xếp đầy xác của vô số binh sĩ, nằm ngã nghiêng đầy đất. Máu đỏ thắm từ thi thể thỉnh thoảng chảy ra, chảy tới mặt đất, nhiễm đỏ đất vàng. Vốn là nước biếc nay bị nhiễm thành đỏ máu.

*Ào ào ào!*

Một đám binh sĩ Giang Đông thành công phá hủy hàng rào canh phòng của quân địch, họ hưng phấn hú hét. Một ngũ trường thương binh khác lập tức từ mé sau vọt lên, mắt tràn đầy tia sáng ưng phấn. Đi vào, đã đi vào, hệ thống phòng ngự chủ trại quân địch đã hoàn toàn bị phá hủy. Chỉ cần thêm chút sức là có thể bắt sống Thái Công.

Quân Lưu Biểu bắt đầu toàn tuyến tan vỡ. Có binh sĩ chạy tán loạn, binh sĩ còn đang phản kháng thì rất nhanh rơi vào trùng trùng vòng vây. Thỉnh thoảng truyền ra tiếng hét thảm chẳng những không khiến binh sĩ Giang Đông e sợ, ngược lại càng kích thích xúc động khát máu. Từ khi nào thì binh sĩ Giang Đông yếu mềm biến điên cuồng như vậy? Khiến quân Lưu Biểu mỗi một cái xác đều vô cùng thê thảm, tách rời mấy mảnh.

Thái Công còn đang chỉ huy binh sĩ khổ sở phòng thủ, trong lòng gã giữ lại một hy vọng cuối cùng. Hy vọng quân Hoàng Bồng sơn có thể sớm chút phá tan phong tỏa cứu viện. Cũng hy vọng Hoàng Tổ ở Hán Dương biết tin Ô Lâm báo nguy, phái đại quân xuống.

Mấy phó tướng dưới tay Thái Công có bỏ mạng, có thương tàn, bây giờ chỉ còn lại lẻ tẻ hai, ba người. Trong đó hai người mắt đảo tròn, hiển nhiên nảy ý sợ hãi chuẩn bị bỏ trốn.

Lúc này một binh sĩ chạy tới nói thầm vào tai phó tướng.

Phó tướng đó gật đầu rồi lại lắc đầu, thở dài một tiếng, xua người kia đi.

Gã tiến lên nói:

- Tướng quân, rút đi.

Thái Công lạnh lùng liếc gã, ánh mắt sắc bén đâm vào ngực gã. Phó tướng rùng mình, bị hù con mắt trợn tròn.

Thái Công quay đầu đi, nhìn quân Giang Đông ngày càng tới gần chủ trại của mình, trong mắt có vài mê mang, lại có chút không cam lòng.

Thái Công không quay đầu lại, nói:

- Có phải là Hoàng Tổ không phái viện quân mà ngược lại tấn công Hạ Khẩu?

Sau lưng vang lên giọng nói run sợ:- Không phải, Hán Dương từ sáng hôm nay đã bị quân Giang Đông quấy rầy, lúc trưa Chu Thái dẫn một vạn thủy quân do Trình Dục tự thân đôn đốc, bắt đầu tấn công Hán Dương.

Thái Công chau mày, nói:

- Nếu chỉ là vậy thì Hoàng Tổ cần một vạn binh sĩ thủ vị trí là được. Quân Giang Đông có mạnh thì rất khó công phá, tới lúc đó có thể phái thêm binh lực chi viện Ô Lâm ta, sẽ không biến thành tình hình như bây giờ. Ô Lâm và Hán Dương, môi hở răng lạnh, đạo lý này hắn nên biết. Ô Lâm ta thất thủ, Hán Dương của hắn cũng đừng mơ giữ được!

Phó tưởng giải thích nói:

- Kỳ thực Hoàng Tổ có phái một vạn thủy quân chi viện chúng ta, chỉ không ngờ quân Giang Đông đã tính đến nước này, trước khiến Chu Nhiên dẫn năm ngàn thủy quân ở ki đầu chắn viện quân.

Thái Công thở dài một hơi, người biến già đi mười tuổi, lẩm bẩm:

- Hôm nay thua tâm phục khẩu phục. Thuộc hạ Trương Lãng vô số kỳ nhân dị sĩ, mưu tính đến nước này, ta đã không còn lời nào để nói, chỉ có thể khâm phục họ thật cao minh. Chẳng qua bây giờ bổn tướng quân vẫn chưa hiểu kỳ binh Ô Lâm ki là từ đâu nhảy ra. Còn có người đơn độc khiêu chiến giết được đệ nhất mãnh tướng của ta. Ai, xem ra thế bại của chúng ta đã định. Ngươi chuẩn bị đi, dẫn theo mấy thuộc hạ thân tín, đem Thái Thắng chuyển ra ngoài.

Phó tướng bụng mừng như điên nhưng không dám lộ ra nét mặt, chần chờ hỏi:

- Vậy tướng quân đâu?

Thái Công thản nhiên nói:

- Ta không đi.

Phó tướng khuyên:

- Tướng quân, giữ lại núi xanh thì lo gì không củi đốt?

Thái Công trừng gã, tức giận nói:

- Ngươi có đi không? Không đi ta khiến người khác lo chuyện này, đừng nói nhảm!

Phó tướng giật nảy mình, vội nói:

- Thuộc hạ làm ngay!

Thái Công thở dài nhìn gã rời đi, mắt tràn đầy khinh thường.

Thái Công lẩm bẩm:

- Nghĩ đến Thái Công ta tung hoành sa trường mấy năm, tuy không phải mỗi trận đều chiến thắng nhưng chưa thua vài lần. Chiến dịch từng thua dù là cái nào đều khiến ta không phục. Chỉ có trận chiến hôm nay là ta thua không còn lời nào để nói. Thôi, số trời đã định. Chúa công, đây là tội thất trận, nhưng quân địch quá ranh ma, Thái Công không có mặt mũi đối diện chúa công. Hôm nay ta chỉ biết hết sức chết trận báo đáp ân tri ngộ.

Thái Công nói xong bỗng hét lớn một tiếng, giọng như chuông vang:

- Người đâu, lấy thương tới!

Sau lưng gã một phó tướng kinh sợ kêu lên:

- Tướng quân, ngài...?

Thái Công lạnh lùng liếc gã, thản nhiên nói:

- Người còn thành còn, thành mất người mất.

Thái Công vung tay, hét to:

- Hôm nay Ô Lâm bị phá, chúng ta còn mặt mũi nào gặp chúa công chứ? Không bằng theo bổn tướng quân tiến lên chiến đấu, nếu thắng thì các ngươi thành dũng sĩ, dù chết trận cũng có tiếng trung tâm! Tới đây đi. Là đàn ông nhiệt huyết hãy cầm binh khí, theo bổn tướng quân bước ra khỏi hàng, tử chiến!

Thái Công sải bước dài đi tới, cầm thiết thương đen sẫm lóe sáng, như tráng sĩ đứt đầu, không ngoái lại cất bước đi.

Tất cả binh sĩ nổi lên lòng ngưỡng mộ anh hùng, bi tráng hy sinh.

Đa số binh sĩ im lặng theo sau lưng Thái Công, không ai ra tiếng. Bởi vì chúng biết bước ra một bước này chính là con đường không lối về, cơ hội sống sót là con số không. Số ít binh sĩ trong lòng do dự thì tụt hậu, rốt cuộc họ nghĩ thế nào thì không biết được.

Kiến An năm thứ sáu, năm hai trăm lẻ hai công nguyên, hai mươi mốt tháng chạp, thủy quân Giang Đông đại phá Ô Lâm, chém năm ngàn, bắt giữ gần vạn. Chủ tướng Thái Công tử chiến không hàng, cuối cùng bị giết. Trận chiến này quân Giang Đông tổn thất mạng ba ngàn binh sĩ, gần vạn người bị thương. Tưởng Khâm bị trọng thương nằm tĩnh dưỡng tại Xích Bích. Trận chiến tuy đánh thắng nhưng chỉ có thể hình dung thắng thảm. Tuy nhiên, so với ý nghĩa to lớn đánh hạ Ô Lâm thì hy sinh này tuyệt đối đáng giá.

*****

Kiến An năm thứ bảy, năm hai trăm lẻ ba công nguyên, đầu xuân. Quân Giang Đông chia làm hai đường. Một đường do Tôn Sách dẫn một vạn binh sĩ từ Ô Lâm lên. Một đường do Chu Thái mang một vạn binh sĩ qua sông công kích Hán Dương. Chỉ khổ chiến nửa ngày thì Hán Dương đã đổi chủ, Hoàng Tổ chạy trốn.

Quân Giang Đông toàn thắng, chiếm được hai chiến lược cứ điểm quan trọng là Ô Lâm và Hán Dương, giúp quân Trương Lãng chính thức mở ra cửa lớn xâm nhập phía nam. Nguyên Nam quận bày ra trước mắt quân Giang Đông, tin tưởng ngày lành của Lưu Biểu chẳng còn bao lâu.

Quân Giang Đông mượn thế bẻ gãy nghiền nát, đại quân thẳng tiến. Bởi vì đường thủy Ba Khâu bị quân Giang Đông bá chiếm, quân Lưu Biểu chỉ có nước lui giữ Miện Dương. Bởi vì thật nhiều bại binh tuôn vào, thủ tướng Miện Dương bó tay. Không thể từ chối ngoài thành, chỉ đành mở cửa thu người, dù biết rõ bên trong trà trộn không ít thám tử nhưng thật tình hết cách rồi.

Trình Dục chính là lợi dụng điều này, khiến thám tử trà trộn vào Miện Dương thành không ngừng bịa đặt, châm lửa thổi gió, khiến cả thành gà bay chó sủa. Đa số người biết quân Giang Đông sắp tới dưới thành, vội vàng muốn chạy trốn. Nhưng Miện Dương đóng chặt cửa thành, không cho ai rời đi. Cứ thế, dân chúng càng giận dữ và bất mãn, mấy lần xảy ra xung đột với thủ binh Lưu Biểu. Tuy thủ tướng Miện Dương cố sức muốn ổn định dân tâm nhưng cuối cùng thất bại trong gang tấc, dân chúng cả ngày bàng hoàng.

Trình Dục mất không tới một tuần, dùng kế đã lấy được Miện Dương, bắt đầu uy hiếp Nam quận.

Quân Lưu Biểu tan tác, trốn đến Hoa Dung đạo, một phần thì tiến tới Cánh Lăng huyện.

Tình hình Kinh Châu ngược lại, chẳng những Lưu Biểu không yên, chính Trung Nguyên cũng chấn động.

Tào Tháo biết Trương Lãng bức hướng Nam quận, phản ứng thứ nhất là muốn cử binh Hà Bắc nam hạ Giang Đông. Cái tên Trương Lãng có ý nghĩa như thế nào? Hắn là rồng trong đáy ao, là hổ trong rừng. Vốn đã chiếm Giang Đông lục quận tám mươi mốt châu, nếu để hắn đạp trên Kinh Châu bát quận, ổn định phát triển thì đó là giao long xuất hải, mãnh hổ xuống núi. Tới khi đó dấy lên sóng gió gì với Trung Nguyên thì khó mà nói. Tào Tháo muốn ngay lúc này đè ép khí thế của Trương Lãng, nhưng chợt nhớ tới tình hình hiện tại của mình, bất giác thở dài, suy sụp xuống. Dù y mới đại thắng Viên Thiệu, lại hợp nhất mười vạn tinh binh Hà Bắc, còn vượt qua Hoàng Hà tái bắc, tiến quân Lê Dương, chuẩn bị tấn công Ký Châu. Nhưng tục ngữ nói đúng, lạc đà gầy còn lớn hơn ngựa. Viên gia tốt xấu là tứ thế tam công, tại Hà Bắc thâm căn cố đế, môn sinh cố lại vô số, trong phút chốc không dễ thanh lý. Nếu lúc này y nam hạ, không nói tới có phần thắng không, chỉ là để Viên Thiệu có cơ hội thở dốc, không ra vài năm sẽ lại cường đại lên, tới lúc đó nghiêm trọng uy hiếp phương bắc nhất thóng. Nghĩ đến đây, Tào Tháo bất đắc dĩ thở dài. Xem ra dù y có chuẩn bị rồi nhưng vẫn chắn không nổi bước chân vùng lên của Trương Lãng.

Nghe tin Nam quận gặp nguy, vui sướng nhất là Trương Lỗ, lo lắng nhất vẫn là Lưu Chương. Trương Lỗ cho rằng Lưu Biểu gặp nguy thì tất nhiên sẽ viết thư rút Lưu Bị về, tới lúc đó gã sẽ giảm áp lực. Dù Thục Trung giàu có nhưng Lưu Chương không hiểu lợi dụng, gã nên nhân cơ hội tạo áp lực thêm nữa cho Lưu Chương.

Lưu Chương thì cũng lo Lưu Bị sẽ bị Lưu Biểu điều động về, mọi mặt du thuyết, hy vọng Lưu Bị có thể từ chối quân lệnh của Lưu Biểu, trợ giúp mình đánh Trương Lỗ. Cùng lúc đó gã có chút ích kỷ, hy vọng Trương Lãng có thể một hơi diệt Lưu Biểu, vậy thì Lưu Bị sẽ ngoan ngoãn làm việc cho gã, thế thì đất Hán Trung một mình gã độc chiếm. Điều này có chỗ lợi rất lớn cho việc Lưu Chương ổn định Xuyên Trung.

Mã Đằng thì không muốn rảnh rỗi, đã binh đến Thiên Thủy, hoàn toàn khống chế vùng Thiểm Tây, đem địa bàn vốn thuộc về Trương Tế thu vào trong túi. Còn muốn tiến Tán quan, độ Trần Thương, tấn công Quan Trung, hay muốn bắt tay từ Thượng Phương cốc, vượt qua kỳ sơn sau đó tiến quân vào Xuyên Trung, điều này khó mà đoán biết. Nhưng lấy dã tâm của Mã Đằng, Hoàn Toại thì tuyệt đối sẽ không yên lòng phát triển tại Thiểm Tây.

Toàn Trung Nguyên trừ mấy đại quân phiệt có động tĩnh ra, mấy tiểu chư hầu, tiểu quân phiệt cát cứ đều đứng xa nhìn tình hình phát triển, hy vọng mình có thể vớt vát món hời.

Có thể nói như vầy, đại chiến Kinh Sở của Trương Lãng và Lưu Biểu không biết tác động ý nghĩ của bao nhiêu người, khiến cả Trung Nguyên như hổ rình mồi, hy vọng sẽ xuất hiện kết quả lưỡng bại câu thương. Tốt nhất là Lưu Biểu và Trương Lãng té xuống vực sâu, không còn thanh thế. Nhưng khiến những kẻ âm mưu thất vọng là, quân Giang Đông chẳng những liên tục chiến thắng tại Kinh Châu, ở Giao Châu lục tục báo về tin thắng lợi: Triệu Vân liên tục thắng, mười vạn quân Giang Đông quét ngang quân đội Sĩ Hoàng. Trong đó tiểu tướng Lăng Thống biểu hiện cực kỳ bắt mắt. Lấy tám trăm kỵ binh ban đêm tập kích trại, lại về xung phong, phóng hỏa đốt doanh, chẳng những đem quân địch khiến cho gà chó không yên, đêm ngủ không ngon. Gã mang theo tám trăm người không hao tổn một sợi tóc, an toàn rút lui.

Ngày kế Lăng Thống bắt ấn tiên phong, lĩnh năm ngàn binh sĩ kịch chiến với quân địch. Sau đó giả bộ thua quay về, đem con trai Sĩ Hoàng nóng nảy dẫn ra khỏi hang, vây khốn trong một sơn cốc nhỏ, còn thả tin tức ra khiến Sĩ Hoàng biết được. Sĩ Hoàng chỉ có một đứa con trai, lập tức lao ra khỏi thành, đem mấy vạn binh lực Nguyệt Ô thành điều ra hết, chuẩn bị cứu về con mình. Không dè rơi vào tròng của Triệu Vân, đánh hạ Nguyệt Ô thành, bắt sống đám Sĩ Hoàng, trong phút chốc đại chấn quân uy, sĩ khí quân đội Sĩ Biến rớt đáy cốc.

Lăng Thống ở trong loạn quân giết địch như ma, chẳng những bắt sống con của Sĩ Hoàng, còn chém giết vài hổ tướng Giao Châu, thoáng chốc uy chấn Nam Cương, danh tiếng như mặt trời ban trưa. Binh sĩ Giao Châu, dù là ai nghe đến Lăng Thống lĩnh quân đều bị hù ba hồn bay mất hai vía, hoảng hốt ứng chiến, đại bại quay về. Chính nhờ trận thắng Ô Nguyệt, Lăng Thống bắt đầu trong đám quân Giang Đông trẻ tuổi thanh danh lên cao, đuổi theo Hoàng Tự, trở thành vị thứ hai trong tứ tiểu thiên long dưới trướng Trương Lãng.

Triệu Vân thừa thắng truy kích, mãi đến Nam Hải quận. Tin tưởng không mất bao lâu thì Sĩ Biến cũng sẽ giơ tay đầu hàng, bình định Nam Cương.

Lúc này Trương Lãng đã dẫn theo đám Điển Vi, Trương Ninh có Hắc Ưng Vệ, khô lâu binh đi cùng rút về Hạ Khẩu. Căn cứ thủy quân Ba Khâu quan trọng của Ba Khâu thì giao cho phụ tử Hoàng Trung canh gác.

Crypto.com Exchange

Hồi (1-380)


<