Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Nhất phẩm giang sơn - Hồi 327

Nhất phẩm giang sơn
Trọn bộ 355 hồi
Hồi 327: Quốc sắc thiên hương
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-355)

Lẽ nào trong những sĩ phu nằm ngoài triều đình không có một ai có đủ tri thức để nhìn ra biến số trong thể cục này sao?

Nghĩ vậy, hắn không thể không khâm phục cái tên Vương Bàng kia, có thể tạo ra chuyện này mà không để lộ một dấu vết nào, đúng là người xấu luôn luôn trá hình...

Trong lòng rối như tơ vò, hắn đâu còn tâm tư đọc sách nữa, ngẩng đầu lên thì thấy bên ngoài trời đã tối, bèn gọi thắp đèn lên.

Trần Nghĩa bước nhanh vào trong, tay cầm một cây đèn đang thắp sáng, nhỏ nhẹ nói:

- Đại nhân, nên ăn chút gì đó.

- Ăn cái đầu ngươi ấy.

Trần Khác tức giận nói:

- Hôm nay vẫn chưa thấy có khách đến sao?

- Không có.

Trần Nghĩa lắc đầu nói:

- Đại nhân muốn gặp họ như vậy, tại sao không đi đến nhà họ thăm hỏi trước?

Theo Trần Nghĩ thấy, bọn họ vốn có tiếng tăm từ lâu, là người đức cao vọng trọng, phẩm cấp cũng cao hơn không biết bao nhiêu lần phẩm cấp đại nhân Trần Khác của y. Dù có bán thân thì cũng phải giữ lại thể diện, xem ra họ sẽ không chủ động tới đây đâu.

- Ngươi biết cái gì mà nói...

Trần Khác lườm y một cái. Dĩ nhiên tới nhà thăm hỏi thì không thành vấn đề, nhưng hắn gánh việc của vua, chỉ là tiện đường ghé qua Lạc Dương mà thôi, không có cái cớ chính đáng thì sao có thể tùy tiện tới thăm viếng được? Tối thiểu thì cũng phải đưa được cái thiệp đến chứ?

Ngay cả thư mời cũng không nhận được thì thật sự quá mất mặt rồi.

Hai chủ tớ đang buồn bực lo lắng thì Trần Tín bước vào, thì thào nói:

- Đại nhân, có một đứa trẻ đưa tới một đồng tiền, nói phải đưa cho ngài xem, không biết có chuyện gì xảy ra không?

- Tiền đồng gì?

Trần Khác thuận miệng hỏi.

Trần Tín vội xòe bàn tay ra.

Dưới ngọn đèn, Trần Khác nhìn thấy một đồng tiền màu vàng sáng bóng.

- A!

Trò chơi ý này thực sự đối với hắn quá quen thuộc, năm đó nhận được mấy đồng tiền này đều dùng vào việc lớn, đây đúng là "tiền vàng Thiệu Ung" làm gì cũng thuận lợi.

- Sao ta lại quên mất người đó chứ!

Trần Khác kích động nói:

- Nhanh đưa đứa bé đó vào đây.

- Đứa bé kia đưa tiền liền chạy đi rồi.

Trần Tín cẩn thận nói:

- Các huynh đệ sợ gây phiền phức cho đại nhân nên cũng không ngăn nó lại.

- Biết rồi.

Trần Khác cười không thèm để ý nói:

- Thay quần áo, chuẩn bị lễ vật, đại nhân ta đêm nay phải tới hỏi thăm ẩn sĩ.

- Đại nhân không phải nói, không có thiệp mời thì sẽ không đi sao?

Trần Nghĩa nhỏ giọng nói..

- Hửm?

Trần Khác quay đầu lại liếc nhìn y một cái, Trần Nghĩa vội vàng rụt đầu lại, không dám nhiều chuyện nữa.

Nhà Thiệu Ung ở bờ Lạc Hà không khác biệt gì so với phòng xá của dân chúng xung quanh, cũng không phải là nhà cao cửa rộng gì. Từ ngoài nhìn vào, điểm không giống duy nhất là con đường nhỏ bằng gạch xanh ở dưới chân, trong phòng ngoài phòng thúy trúc mọc xanh mướt một mảng.

Thấp thoáng trong rừng thúy trúc là một căn đình hóng mát nho nhỏ, trong đình có treo đèn, một bàn hai ghế và một lò than. Trên bàn bày nguyên bộ trà cụ, bình nước bằng đồng đặt trên bếp lò, trên ghế có hai người ngồi đối diện...

Một người là Trần Khác ăn mặc giống người đọc sách bình thường, người kia là một trung niên áo gai mũ vuông, khuôn mặt quắc thước xuất trần, chính là phu tử Thiệu Ung có duyên gặp một lần trên Nhạc Dương lầu năm đó.

- Từ biệt ở Nhạc Dương, mười năm xuân thu, tiên sinh đã lâu không gặp.

Trần Khác cung kính.

- Ha ha.

Thiệu Ung cười ấm áp:

- Cậu nhóc của mười năm trước, hiện giờ đã là Trần học sĩ nổi danh khắp thiên hạ rồi, thật sự đáng mừng.

- Trước mặt tiên sinh, vãn sinh nào dám cho mình là học sĩ?

Trần Khác cung kính thưa:

- Tiên Thiên học của tiên sinh vãn sinh khổ công nghiên cứu mấy năm nay, có điều tư chất ngu dốt, vẫn chưa từng nhìn thấy được chân ý!

- Trọng Phương quá khiêm tốn rồi, qua một năm này, Thiệu mỗ cũng không làm gì khác, cũng có vinh dự được đọc qua "Đại học chương cú tập chú" và "Trung Dung chương cú tập chú" của ngươi.

Thiệu Ưng cười cười nói:

- Lý học ngươi lập ra, tuy là học thuyết của đời sau, nhưng thắng lợi ở chỗ hệ thống nghiêm chỉnh, lại tinh tế hữu dụng, bao hàm thể nghiệm và quan sát tỉ mỉ, toàn diện, đúng là học thuyết tiếp cận gần với Thánh nhân nhất.

Nói xong lại cười ha ha:

- Mấy ngày trước, Trương

Hoành Cừ tới đây, ta nói với nó, Lý học vừa ra, những học thuyết khác đều sợ mà lui tránh, nó cũng rất đồng ý.

- Tiên sinh quá khen rồi.

Trần Khác cười khổ:

- Hoành Cừ huynh là đồng niên của tiểu tử, đương nhiên muốn giữ thể diện cho tôi. Thật đảm đương không nổi.

- Ha ha, chớ khẩn trương.

Thiệu Ung không cười nữa:

- Lần này mời ngươi tới cũng không phải để hàn huyên.

Châm trà cho Trần Khác nói:

- Tiền đồng lần trước ta đưa cho ngươi có còn không?

- Cộng thêm hôm nay là còn ba đồng.

Trần Khác nói xong, lấy ra ba đồng tiền từ trong tay áo, cười nói:

- Năm đó tiên sinh ban tặng, đã giúp tiểu tử một đại ân, một lần nữa đa tạ tiên sinh.

- Dễ như trở bàn tay, không đáng nói đến.

Thiệu Ung vươn tay nói:

- Với vị trí của ngươi hiện nay, tự nhiên cũng không cần đồng tiền này nữa. Trả lại cho ta đi!

Trần Khác cười cười:

- Còn muốn giữ làm kỉ niệm.

- Ha ha ha...

Thiệu Ung bị chọc cười, lấy lại một đồng từ trong tay hắn rồi cất vào tay áo. Sau đó ngưng cười nói:

- Còn nhớ lần đó trên Nhạc Dương lầu, ta đã nói gì với ngươi không?

- A, tiên sinh nói rất nhiều.

Trần Khác giả bộ hồ đồ.

- Lúc ấy ta nói, sớm muộn gì cũng sẽ đoán một quẻ cho ngươi.

Thiệu Ung nheo nheo đôi mắt dài, vẫn giống như mười năm trước, gằn từng tiếng nói:

- Bởi vì ngươi là kẻ loạn số trời!

-...

Tim Trần Khác đập thìch thịch, những việc mình đã làm chẳng phải vì triều Đại Tống thay đổi vận mệnh đó sao? Nén lại sóng gió trong lòng, hắn cười lớn:

- Thiên đạo hữu thường. Bất vi nghiêu tồn bất vi kiệt vong. (việc làm của trời có Đạo thường, không vì vua Nghiêu mà Đạo ấy còn và cũng không vì vua Trụ mà Đạo ấy mất đi) Ai cũng không loạn được số trời.

- Số trời chỉ là một phần, còn phải xem số người.

Thiệu Ung lại lắc đầu, kiên định nói:

- Ngươi nhất định phải để cho ta xem một quẻ!

- Còn có cả việc bức người cho xem bói hay sao?

Trần Khác cười khổ nói.

- Đúng là không biết tốt xấu, có biết bao nhiêu quan lại quyền quý đến xin ta bói một quẻ không?

Thiệu Ung lạnh lùng cười nói:

- Không gạt ngươi, mười mấy năm trước, Nhữ Nam quận Vương mời ta xem tướng cho đám con trai ông ta. Trong số đó có một Bát tự (giờ ngày tháng năm sinh viết theo Thiên can và Địa chi) là Nhâm Thân, Nhâm Dần, Bính Ngọ, Giáp Tuất – quy ra số là hai bốn một hai – cộng lại thành chín, suy ra là "ngẫu", vô cùng cao quý khó mà nói được.

- Là Thập tam phải không?

Miệng Trần Khác khô khốc.

- Không sai.

Thiệu Ung vuốt cằm.

- Xem ra ý trời là như vậy...

Trần Khác than nhẹ nói:

- Tôi cũng nên sớm có dự định.

- Không hẳn vậy.

Thiệu Ung lại lắc đầu:

- Ta mới vừa nói, số trời chỉ là một phần. Có câu "Nhất mệnh, nhị vận, tam phong thủy, tứ tích công đức, ngũ độc thư, lục danh, thất tướng, bát kính thần, cửu giao quý nhân, thập dưỡng sinh, thập nhất trạch nghiệp dữ trạch ngẫu, thập nhị xu cát yếu tị hung" (ý chỉ về những thứ quyết định cuộc sống một con người: thứ nhất mệnh, thứ hai là vận, thứ ba là phong thủy, bốn tích công đức, sáu danh tiếng, bảy quan hệ, tám kính thần, chín quen với quý nhân, mười dưỡng sinh, mười một chọn nghiệp chọn vợ chồng, mười hai biết theo cát tránh hung). Tiên thiên chi mệnh tất nhiên quan trọng, nhưng thời vận không tới, không gặp người hiền, âm đức không sâu, tâm tính không thuần khiết, đến cùng vẫn cứ là hoa trong gương trăng trong nước. Ví dụ như ca ca Lưu Diễn của Hán Quang Võ cũng có mệnh cực quý, nhưng không đề phòng, rốt cuộc chịu khổ đột tử, ngược lại để lại thuận lợi cho đệ đệ của mình.

Dừng một chút, Thiệu Ung lại nói:

- Huống chi, mạng của y cũng không được cho là quá tốt. Ngọ hỏa thiếp thân (Lửa nóng như giữa trưa ngay bên cạnh) xung với Nhâm, tổn hại hết sức. Vận mệnh trong thành có bại, dù lên làm Hoàng đế cũng khó tránh trở thành kẻ vô tích sự, thánh thọ không dài...

- Ý của tiên sinh là...?

Sắc mặt Trần Khác trở nên nghiêm trọng, mặc dù đối với mấy thứ huyền hoặc này hắn từ trước tới giờ cũng không quá quan tâm, nhưng đối phương lại là vị đại sư tướng số có tư cách bậc nhất Đại Tống trong ngàn năm qua, nên không thể không coi trọng.

- Ý của ta là, vận mệnh của một người là do nhiều nhân tố khác nhau cùng quyết định. Trong đó bát tự ngày sinh tháng đẻ, danh tính, phong thủy, kính thần, tu thân, kết giao quý nhân đều vô cùng quan trọng. Cũng không phải nói bát tự của ai tốt thì nhất định có thể thành công.

Thiệu Ung thản nhiên nói.

Lòng Trần Khác vừa động, hắn hơi hiểu được ý tứ của đối phương, mỉm cười nói:

- Nếu đã vậy, sao tiên sinh còn muốn xem tướng cho ta?

- Nếu người trong thiên hạ ai cũng giống như ngươi, thế nào thầy bói cũng chết đói.

Thiệu Ung cười ha ha nói:

- Nói cho ta nghe bát tự của ngươi!

Đối phương đã nói đến nước này rồi, Trần Khác cũng chỉ có thể cố mà làm, nói ra bát tự của mình.

- Bát tự cũng là bình thường.

Thiệu Ung bấm đốt ngón tay tính toán nói

- Ngươi nhớ không nhầm chứ?

Trần Khác không khỏi trợn trừng mắt.

- Loại bát tự phá này, sao có thể đậu Trạng Nguyên nhỉ?

Thiệu Ung lắc đầu nguầy nguậy:

- Không thể tưởng tượng được, không thể tưởng tượng được.

- Không phải tiên sinh nói bát tự chỉ là một phần thôi sao?

Trần Khác tức giận hỏi lại.

- Không sai.

Thiệu Ung nghiêm nét mặt nói

- Tiên thiên mệnh số của ngươi cực kỳ bình thường, nhưng tướng mạo ngươi lại có thể phong vương đấy!

Trần Khác bất động nói:

- Không biết là phong vương khi còn sống hay là phong vương khi đã chết?

- Khi còn sống.

Thiệu Ung thản nhiên đáp lại:

- Cho nên ta mới nói, ngươi là kẻ loạn thiên mệnh.

- Phong vương khi còn sống?

Trần Khác cười lớn nói:

- Đây chẳng phải là nói, ta có thể thu phục mười sáu châu Yến Vân?

Vương tước triều Tống không có quyền thế giống như thời Hán, chỉ là dựa vào một số trọng thần sau khi chết mới có thể được truy phong làm vương, nhưng được phong vương khi còn đang sống ngoài Sài Tông Huấn và Tiền Thục ra thì không có ai.

Hai vị kia một là người đứng đầu Hậu Chu, một là vua Ngô Việt, cho nên có thể nói phong vương khác họ cho tới giờ vẫn không có. Tuy nhiên, tổ huấn Hoàng Tống viết "Phục mười sáu châu Yến Vân sẽ được phong Vương" – đây là mức thưởng tối cao Triệu gia ban ra để thu phục U Yến, cho nên Trần Khác mới nói vậy.

- Có thể sau này xuất hiện phần thưởng đó cũng không biết chừng.

Thiệu Ung lại cười ha ha.

- A...

Nhất thời Trần Khác không nói được gì. Tuy nhiên nghĩ lại, cho dù được thưởng đi nữa, Vương cũng là tước vị tối cao. Đương Kim Hoàng thượng thánh thọ không còn lâu, khẳng định mình không thể được phong vương ở bản triều, tương lai nếu Triệu Tông Thực lên làm Hoàng đế, mình lại càng không trông chờ gì rồi, cho nên chỉ có thể... Nghĩ vậy, hắn thở dài một tiếng, hỏi:

- Người làm loạn thiên mệnh là tốt hay xấu?

- Ha ha...

Thiệu Ung chậm rãi đứng dậy, đi ra ngoài mép đình, đổi đề tài:

- Đứng từ đây nhìn ra có thể nhìn thấy một cây cầu.

Trần Khác đứng dậy ra theo, quả nhiên nhìn thấy một cây cầu nối liền hai bờ nam bắc Lạc Thủy, giống như một con rồng đang nằm. Lúc này trăng sáng treo cao, ánh trăng chiếu trên mặt sông Lạc Thủy, trên sông sóng sánh ánh nước, mông lung mơ màng, khiến người say mê, liền hạ giọng nói:

- Tiên sinh có thơ viết rằng: "Xuân khán

Lạc thành hoa, hạ thưởng thiên tân nguyệt" (Xuân ngắm hoa Lạc thành, Hạ ngắm trăng Thiên Tân), lẽ nào chính là cầu Thiên Tân?

- Đúng.

Thiệu Ung gật đầu nói:

- Ta thường cùng bạn bè tản bộ trên cầu Thiên Tân, ngắm trăng thưởng đào, thảnh thơi đắc ý.

- Tiên sinh thật có nhã hứng.

- Có một ngày không lâu trước đó.

Sắc mặt Thiệu Ung nghiêm lại nói

- Ta cùng với vài người bạn thân ngắm trăng trên cầu Thiên Tân, đang khi say sưa ngắm trăng, bỗng nhiên âm phong nổi lên bốn phía, nhìn lên trời, chỉ thấy mây đen che mặt trăng, chốc lát sau từ trong đám mây vang lên tiếng chim quyên.

Nói rồi nhìn Trần Khác, nói tiếp:

- Ngươi đã nghe tiếng chim quyên kêu chưa?

- Ở phương Nam cũng từng nghe qua.

Trần Khác gật đầu nói:

- Chim quyên kêu không êm tai như sơn ca. Cái gọi là "Tiếng than đỗ quyên" là có ý chỉ chim quyên kêu to, tiếng nghe thê thảm, kêu tới mức chảy máu trong miệng.

- Đúng vậy, ngày đó nghe được, quả thực khiến cho người ta xé ruột xé gan, đau khổ không thôi, ngay cả tiếng nước chảy của sông Lạc Hà cũng như đang nức nở.

Thiệu Ung cau mày, lo lắng nói:

- Đúng như lời ngươi nói, chim quyên là loài chim ở phương nam, Lạc Dương trước nay chưa từng có, nhưng bây giờ bay tới Lạc Dương, chính là dấu hiệu thiên hạ đại loạn!

- Giải thích thế nào?

Trần Khác thắt tim lại, thấp giọng hỏi.

- "Xuân Thu" có giảng "Lục ích điểu thối phi, cù cù lai sào, khí sử chi dã" ý tức là chim trời là loài có tiên thiên khí, nay chim quyên bay tới phương Bắc, địa khí phương Nam sắp tràn lên phương Bắc.

Thiệu Ung chậm rãi giải thích:

- Đây là dấu hiệu cho thấy người phương Nam sắp đắc thế. Không tin ngươi xem, không tới vài năm sau, tất có người phương Nam làm tướng!

Một câu nói bình thản này, đặt trong thời kỳ triều Tống này ngược lại giống như trời long đất lở. Bởi vì Tống Thái tổ có tổ huấn "Người phương Nam không được làm tướng". Mặc dù tổ huấn này chưa bao giờ công khai với chúng nhân, nhưng khai quốc trăm năm, không biết bao nhiêu người phương Nam vẫn bị ngăn cách với tướng vị, tổ huấn này không cần nói cũng biết.

Một ngoại lệ duy nhất là Vương Khâm Nhược của triều Chân Tông. Lúc ấy Tể tướng Vương Đán dứt khoát nói:

- Thần thấy từ triều tổ tông chưa hề có người phương nam làm quốc giả, tuy cổ có nói lập hiền vô phương (dùng người hiền không luận thân phận, quê quán), chỉ cần là hiền sĩ là có thể. Thần làm Tể tướng, không dám tự mình quyết, đành phải tự xem công luận.

Coi như đã công khai công bố quy tắc ngầm này cho chúng nhân.

- Tuy rằng về sau Vương Khâm

Nhược vẫn ngồi đó, dưới sự ủng hộ của Chân Tông mà trở thành Tể tướng, nhưng lão được xem như là một trong số ít gian thần của triều Tống trong trăm năm qua, cho nên lần ngoại lệ này chẳng những không đạp đổ cấm kỵ, ngược lại còn khiến cho các sĩ phu phương Bắc càng thêm mâu thuẫn với người phương Nam... Không tới ba năm năm, nếu không có Tể tướng người phương Nam nào thì chức vị quan trọng của triều đình cũng sắp bị người phương Nam chiếm.

Sắc mặt Thiệu Ung đầy ưu tư nói:

- Đây đúng là kết quả của việc địa khí phương Nam tràn lên phương Bắc.

- Địa khí phương Nam sắp tràn lên phương Bắc, thiên hạ sẽ đại loạn sao?

Trần Khác hỏi.

- Căn cứ theo kinh nghiệm xưa này, thiên hạ tướng trị, địa khí từ bắc tới nam, nay địa khí loạn từ nam lên bắc...

Thiệu Ung xoa xoa cằm nói:

- Nay địa khí phương Nam tràn lên phương Bắc, nếu không bổ cứu, thiên hạ sẽ đại loạn!

- Phải bổ cứu thế nào?

Trần Khác hỏi, giọng hơi đanh lại.

- Hôm trước Thiệu mỗ có gieo được một quẻ, khó khăn lần này phải do người Thục đến giải.

Hai mắt Thiệu Ung sáng ngời nhìn Trần Khác nói:

- Lúc ấy ta liền nghĩ đến ngươi! Kẻ loạn số trời ngươi!

- Tôi?

Trần Khác cười khổ nói:

- Bản thân tôi còn khó bảo toàn.

- Thật sao?

Thiệu Ung cười ngẫm nghĩ

- Lời này của ngươi có được mấy phần thật tâm?

- Vô cùng thật tâm.

Trần Khác đáp.

- Ha ha ha...

Thiệu Ung cười lớn, dọa cho chim trời bay loạn, cười xong, lão ép giọng nói xuống thật thấp, nhỏ giọng nhấn mạnh từng tiếng:

- Vương – Tuấn – Dân – làm - Trạng – Nguyên...

Trần Khác nhất thời như bị sét đánh, hai tay giấu trong tay áo không tự chủ được run lên.

Thấy cuối cùng hắn cũng thay đổi sắc mặt, Thiệu Ung khá đắc ý, ngồi xuống bàn trà, chỉ vào ghế dựa, thản nhiên cười nói:

- Lần này học sĩ rời kinh, ngược lại đã tự loại bỏ mình ra.

Trần Khác chậm rãi ngồi xuống, khôi phục lại sự điềm tĩnh:

- Lời này của tiên sinh có ý gì?

- "Thử trung hữu chân ý, dục biện dĩ vãng ngôn". (Trong cảnh có chân ý, muốn tả nhưng đã quên lời) (*)

Thiệu Ung cười ha hả:

- Học sĩ không cần lo lắng, nếu Thiệu mỗ có ý xấu, cần gì phải mời ngươi lại đây, nói thẳng hết với ngươi thế này?

(*) Một câu trích từ bài thơ "Ẩm tửu" của Đào Nguyên Minh, ý nói thi nhân đã xa rời tục thế, trở về sống an nhàn thảnh thơi ở chốn quê yên bình.

- Tại hạ không có chuyện gì không thể nói với người khác.

Trần Khác cười lạnh nói

- Tiên sinh có thể nghỉ rồi!

Thiệu Ung nghe vậy lại mỉm cười, vỗ tay nói:

- Người như học sĩ có thể ủy thác đại sự.

Trần Khác không lên tiếng trả lời, cầm chén trà lên nhấp một ngụm, mới nhận ra trà đã nguội rồi.

- Vương Nguyên Trạch, chỉ có thể làm đầy tớ, không thể lập mưu...

Thiệu Ung thản nhiên nói:

- Học sĩ muốn dựa vào y mà dựng nghiệp lớn cho vị đó của ngươi, chỉ sợ đã tính sai rồi.

Trần Khác thầm thở dài, đối phương nói đến nước này rồi, hiển nhiên chyện xảy ra ở Đông Kinh đã nắm rõ như trong lòng bàn tay.

Nhưng theo như lời Thiệu Ung nói, nếu lão thật sự muốn hại mình, cần gì phải mời mình đến đây nói nhiều như vậy?

Tất cả những mơ hồ trước đó tới lúc này đã sáng tỏ, đối phương muốn gia nhập trận tranh đoạt này rồi.

Cho dù Thiệu Ung là đại sư tướng số ngàn năm khó gặp, Trần Khác vẫn không tin lão có thể biết được bí mật được giấu sâu như vậy. Rất hiển nhiên, lão không phải một người có thể chiến đấu. Lúc này, tập đoàn sĩ phu không cầm quyền ở thành Lạc Dương cùng với vị đại lão không chịu cô đơn kia đều mơ hồ có hình ảnh vị đại sư này đằng sau.

Chẳng trách, chẳng trách không ai hỏi han gì mình, hóa ra người ta đã sớm có tổ chức, lập mưu tính trước rồi!

Mà Thiệu Ung này chính là quân tiên phong của bọn họ.

Nên ngừng thì ngừng, không ngừng sẽ loạn, tâm niệm Trần Khác thay đổi rất nhanh, chớp mắt đã quyết định – làm gì có đạo lý đến Lạc Dương vào Bảo Sơn mà tay không trở về? Huống chi nếu lảng tránh, tất nhiên bọn họ sẽ chuyển sang đối thủ, bán luôn mình với giá cao, cho nên căn bản không còn lựa chọn nào khác! Chỉ có thể đánh cuộc một lần.

Thấy sắc mặt Trần Khác âm tình bất định, Thiệu Ung khẽ mỉm cười, nhấc chén trà thưởng thức chút trà thơm, một chút cũng không vội giục. Nếu đối phương thể hiện ra tố chất không đủ tư cách, sẽ không đặt cược toàn bộ tập đoàn không cầm quyền Tây Kinh lên trên người bọn họ.

Nhưng ngay sau đó, Trần Khác đã khôi phục điềm tĩnh, cười vang:

- Chẳng có gì có thể gạt được tiên sinh thần cơ diệu toán.

- Chút tài mọn thôi.

Thiệu Ung được tâng bốc tán tụng, liền ngậm miệng lại. Cái gì nên nói lão đã nói rồi, nói thêm nữa thì sẽ mất hết giá trị, hiện giờ là lúc nghe Trần Khác nói.

- Tiên sinh cảm thấy chiêu này của Vương Nguyên Trạch, phần thắng sẽ như thế nào?

Trần Khác hỏi.

- Coi như không tệ, nhưng ngọn lửa này có thể cháy thành thế nào còn phải xem bó củi ra sao.

Thiệu Ung thản nhiên trả lời.

- Không sai!

Trần Khác gật đầu nói:

- Kỳ thật Thánh ý như thế nào chỉ là một phía, chúng ta cũng hiểu rõ, quan gia không thể nào giao vị trí hoàng đế này cho một Hoàng tử không được đại thần ủng hộ.

- Hợp lý thôi.

Thiệu Ung gật đầu nói:

- Ở triều Đại Tống, cứ cho là được lòng thánh thượng thì cũng cần phải được lòng các đại thần mới được.

Đặt chén trà xuống, lão nói tiếp:

- Huống chi, Hàn tướng công mấy năm nay giấu tài, mũi đao chưa thử, một khi lão ra chiêu, chỉ sợ ngay cả Thánh Thượng cũng không ngăn được.

- Chúng ta lo nhất chính là Hàn tướng công.

Trần Khác thản nhiên đáp:

- Chuyện lần này cũng làm thay đổi một chút suy nghĩ của lão.

- Không thể nào.

Thiệu Ung lắc đầu nói:

- Động được vào Hàn Kỳ sao?

Giọng nói đầy vẻ giễu cợt:

- Năm đó quân giới xảy ra vụ tai tiếng lớn như thế, lão lại có thể từ Xu Mật Sứ leo lên chức Tể Tướng, chẳng lẽ vẫn chưa hiểu được cái gì gọi là vững như Thái Sơn sao?

- Ầy...

Trần Khác nghĩ đến một chuyện, tim nhảy thót một cái, nhưng sắc mặt vẫn điềm tĩnh:

- Đúng vậy, cũng may có Phú tướng công có thể trấn trụ lão, bằng không thật không thể tưởng tượng nổi sẽ thế nào.

- Phú Ngạn Quốc sao? Hai mươi năm trước, hai người cùng xưng "Phú Hàn" – Phú trước, Hàn sau – là có đạo lý đấy.

Thiệu Ung cười khinh thường nói:

- Nhưng người già đi thì sẽ thay đổi, có người càng già càng nhát gan, có người già nhưng vẫn cường mãnh. Điều không may là, Phú là loại trước, Hàn là loại sau.

- Ý của tiên sinh là....

Trần Khác không thể không thừa nhận, Thiệu Ung lại nói đúng. Hắn và Triệu Tông Tích không phải không nghĩ tới cách làm của Phú Bật, vì thế bọn họ tốn không ít công phu thể hiện trước mặt Phú tướng công, nhưng lão quan này vẫn không hề đáp lại, hiển nhiên không muốn bị cuốn vào vòng phi lý này:

- Phú tướng công đấu không lại Hàn tướng công?

- Còn chưa đấu nữa mà, khuyên người khác nghe theo ý kiến của mình!

Thiệu Ung gật đầu nói:

- Điểm mấu chốt là người ta không chịu xuất đầu lộ diện vì ngươi, có khóc cũng không làm gì được.

- Vậy còn ai có thể đấu thắng được Hàn Kỳ?

Trần Khác giận dữ hỏi.

- Tuy không nhiều lắm, nhưng không phải không có.

Thiệu Ung thản nhiên nói:

- Xa tận chân trời, gần ngay trước mắt.

- Chẳng lẽ là tiên sinh người?

Hai mắt Trần Khác sáng lên.

- Ta chẳng qua chỉ là một kẻ thảo dân, sao đấu lại nổi Tể tướng đương triều?

Thiệu Ung bật cười nói:

- Trọng Phương, đoán được chớ có giả bộ hồ đồ đi!

- Ha ha...

Trần Khác cười ngượng nói:

- Vậy, tiên sinh nói hẳn là Văn tướng công?

- Ừ!

Thiệu Ung gật đầu.

- Cái này...

Trần Khác lại có vẻ khó xử, nói:

- Tiên sinh có điều không biết, năm đó chúng ta đã đắc tội với Văn tướng công.

- Ha ha...

Thiệu Ung cười lớn nói:

- Ngươi muốn nói đến chuyện sông Lục Tháp phải không?

- Cũng không hẳn vậy.

Trần Khác thẳng thắn nói:

- Còn có chuyện với Vũ Lăng tiên sinh năm đó...

- Ồ, cũng không phải thù giết cha đoạt vợ, huống chi đều vì chủ nhân của mình, lại không có tư thù

Thiệu Ung mỉm cười nói:

- Trọng Phương nếu ngươi đồng ý, ta sẽ làm trung gian cho ngươi và Văn tướng công gặp mặt một lần, nói hết những điều khó nói thì ổn rồi?

- Như thế....

Trần Khác trầm ngâm một chút, hạ giọng nói:

- Đương nhiên là tốt, chỉ có điều, để nhân vật như tiên sinh dính vào bụi trần thế tục, thật sự áy náy.

- Vì trừ khử đại họa lần này, Thiệu mỗ cũng bất chấp rất nhiều.

Thiệu Ung để lộ ra vẻ mặt "ta không vào Địa ngục thì ai vào đây" nói:

- Chỉ có thể vào hồng trần một lần này thôi!

Quay lại bên trong dịch quán, Trần Khác đóng cửa lại, sau đó hoa chân múa tay, còn há miệng cười ha hả không ra tiếng.

Không thể trách hắn không hưng phấn, bởi vì cả đảng không cầm quyền của Lạc Dương cộng lại cũng không sánh bằng một Văn Ngạn Bác! Cũng giống như việc ngươi chỉ muốn sờ vào năm đồng tiền của giải thưởng nhỏ nhưng lại trúng được năm triệu vậy.

Một khi đối phương thiếu mất Văn Ngạn Bác, mà bên ta thêm được một Văn Ngạn Bác, tuyệt đối sẽ dựng sào thấy bóng, xấu tốt bày cả ra đấy, tình thế thay đổi lớn!

Một hồi lâu hắn mới tỉnh táo lại, cẩn thận suy nghĩ buổi gặp gỡ tối nay.

Hiện tại xem ra, Thiệu Ung đã quấy rối Văn Ngạn Bác đến cùng rồi. Nhìn chung, thái độ của Văn Ngạn Bác là cũng là nắm lấy cái chân thối của Triệu Tông Thực. Làm sao lại đột nhiên thay đàn đổi dây, muốn leo lên thuyền của Triệu Tông Tích chứ?

Nhưng cũng không phải là không có manh mối, nếu không Trần Khác cũng sẽ không đến Lạc Dương chuyến này.

Sở dĩ dám suy đoán Văn Ngạn Bác và Triệu Tông Thực đã càng lúc càng xa là vì căn cứ vào hai chuyện.

Trần Khác nhắm mắt nhớ lại một chuyện từ đầu năm nay. Đầu tiên là chuyện Long Xương Kỳ. Chính là từ sau khi Long Xương Kỳ bị khiển trách vì dị đoan, một Văn Ngạn Bác tích cực tiến cử y liền trở nên im lặng, không có thêm bất cứ động tĩnh gì.

Xa hơn trước còn một chuyện khác, chính là Lưu Thiên Vương kia, cũng là cái bẫy ở Lạc Dương. Lại nói tiếp, cũng là từ sau khi Văn Ngạn Bác tiến cử Long Xương Kỳ...

Về phần giữa Văn Ngạn Bác và Triệu Tông Thực kia còn có gì lục đục, mình cũng không thể biết rồi.

Tuy nhiên, hai chuyện này cũng đủ cân nhắc được rồi.

Sự có trước có sau, trước tiên nói về Lưu Thiên Vương, hơn nữa đây cũng là điểm chết người.

Không còn nghi ngờ gì, đối với việc tên khốn này bị ngã ngựa ở Lạc Dương, Văn tướng công nhất định rất căm tức, liên hệ đến vụ án bê bối hoàng thất, mặc kệ ngươi làm thế nào thì cũng toàn thân dính bùn. Nếu không nhờ lão quyết định thật nhanh, sai người giết chết Lưu Thiên Vương trên đường đi, chỉ sợ sẽ hoàn toàn đắc tội với Hoàng thượng, còn trở thành trò cười cho người khắp thiên hạ!

Với trí tuệ của Văn tướng công, nhất định có thể đoán được, đây là cũng có thể xem là kế trong kế. Nhìn khắp triều đình, vốn không có người nào thích hợp hơn lão. Hơn nữa đối phương khẳng định biết, với tính cách của lão, tuyệt đối sẽ không giấu diếm, nhưng cũng không biết thì sẽ nói...

Đường đường Tể tướng, mặc dù là tiền nhiệm, lại trở thành quân cờ trong mắt người khác, thậm chí còn là cái bồn cầu. Điều này tất nhiên khiến cho Văn tướng công tức giận không thôi. Nhưng rốt cuộc là ai bày ra âm mưu tinh vi này, ngoại trừ Hàn Kỳ ra cũng không còn ai khác, bởi vì chỉ có Hàn tướng công mới có thể coi là sự uy hiếp đối với Văn Ngạn Bác, lại cũng chỉ có Hàn tướng công mới dám đùa giỡn Văn Ngạn Bác trong lòng bàn tay như thế.

Một khi hiểu ra được thái độ của Hàn Kỳ đối với mình, bầu nhiệt tâm kia của Văn Ngạn Bác cũng nguội đi một nửa. Không chỉ ở chỗ Triệu Tông Thực, mình vĩnh viễn không sánh bằng Hàn Kỳ. Hơn nữa, họ Hàn tám phần có tật giật mình, sẽ không cho mình cơ hội tái khởi đông sơn!

Việc khiến cho Văn Ngạn Bác hoàn toàn lạnh tâm lại là chuyện Long Xương Kỳ. Khi Long Xương Kỳ rợi vào thế bị công kích toàn diện, Triệu Tông Thực không tận lực bảo vệ cho y mà còn không ngừng trốn tránh. Sau này, khi Long Xương Kỳ ở lại kinh thành nhiều năm, Triệu Tông Thực cũng chẳng quan tâm hỏi thăm, sợ rằng sẽ lại gặp phải phiền toái.

Bấy nhiêu đó cũng đủ cho lão nhìn ra người này bạc bẽo ra sao, cũng thấy được ý đồ xấu của Hàn Kỳ thế nào, nếu Văn Ngạn Bác còn muốn chen chúc trên thuyền của Triệu Tông Thực thì quá thấp hèn, quá nhẫn nhịn rồi.

Hơn nữa với trí tuệ của Văn tướng công, không thể không nhìn ra Hoàng thượng đang thiên vị Triệu Tông Tích... Thứ nhất, mấy năm qua, tấu chượng buộc tội Trần Khác mà Ngân Đài Ti nhận được có thể chất đầy một gian phòng rồi, đổi là người khác, cho dù là Tể tướng cũng đã bị đuổi ra khỏi kinh thành không biết bao nhiêu lần. Trần khác lại chẳng hề chịu chút tổn thất nào sống ở Khai Phong, trở thành bất khả xâm phạm...

Thứ hai, Đông Xuyên quân và Vương công Vân Nam, xem như nằm trong phạm vi thế lực của Trần Khác rồi. Quan gia từ chối thỉnh cầu chủ động lĩnh binh của Triệu Tòng Cổ, ngược lại để cho Triệu Tông Tích xuôi nam, mặc dù để cho người việc hài hòa, nhưng cũng có ý để cho Triệu Tông Tích gây dựng thế lực của mình, kiến công lập nghiệp.

Thứ ba, cũng là điểm quan trọng nhất, Quan gia đương nhiên hiểu rõ, tệ nạn của triều Đại Tống triều kéo dài lâu ngày đã đến lúc không thể cứ thế cho qua không làm gì, chỉ có vượt qua muôn vàn khó khăn, thi hành cải cách mới giảm bớt suy tàn, kéo dài vận mệnh quốc gia. Xét về điều kiện tiên quyết này, Triệu Tông Tích đương nhiên thích hợp hơn Triệu Tông Thực.

Muốn hiểu ba điều này, nếu Văn Ngạn Bác vẫn còn có dã tâm, nhất định lão ta sẽ đưa ra sự lựa chọn.

Tuy nhiên nói thật thì, từng có đủ loại ân oán, lại thêm khoảng cách giữa Triệu Tông Thực và Triệu Tông Tích thực sự quá lớn, Văn Ngạn Bác có đồng ý lội vào vũng nước đục này không thì không ai dám chắc.

Nhưng theo như lời tướng quân Hồ Lâm Dực đời sau đã nói: "Chiến sự không vạn toàn. Người cầu vạn toàn sẽ không toàn được toàn. Nơi nơi cẩn thận sẽ thành nơi nơi không thể cẩn thận.... Thành sự tại trời, bại sự tại người. Chiến sự không được tính quá nhiều, tính đến được năm sáu phần thì phải bạo gan buông tay mà làm – không có kế sách nào là vẹn toàn cả".

Điều Hồ Nhuận nói tuy là về chiến sự, nhưng sự tàn khốc trong đấu tranh chính trị không thua kém chút nào việc chém giết trên sa trường, đạo lý này cũng phổ biến.

Hơn nữa, Trần Khác cũng không phải không có chuẩn bị đã xông thẳng đến Lạc Dương. Trước đó, hắn đã thể hiện thiện chí với Văn Ngạn Bác thông qua Long Xương Kỳ. Trong khoảng thời gian lão tiên sinh còn ở Biện Kinh, Trần Khác dùng lễ đệ tử khiêm tốn thỉnh giáo, cùng với lão nghiên cứu "Trúc thư kỷ niên" và phát biểu một bài văn đầy trọng lượng, cũng đã cứu vãn danh dự cho lão tiên sinh.

Có một phần tình nghĩa đồng hương, lại thêm Trần Khác nể mặt lão rất nhiều, lão tiên sinh cũng mượn cớ xuống thang, cùng hắn thành bạn vong niên, cũng coi như tạo nên một đoạn giai thoại.

Khi Long Xương Kỳ nhận lời mời của Văn Ngạn Bác rời khỏi Biện Kinh đến Lạc Dương dạy học, Trần Khác liền nhờ y hòa giải, hy vọng có thể xóa được hiềm khích lúc trước với Văn tướng công. Long Xương Kỳ vui vẻ đồng ý, mang theo hậu lễ Trần Khác đã chuẩn bị, còn có cả thư viết tay đến Lạc Dương gặp Văn Ngạn Bác.

Văn Tướng công dù không có hồi âm, nhưng một năm sau đó cũng không phất cờ ủng hộ cho Triệu Tông Thực. Theo như Trần Khác thấy đó chính là thiện ý lão đáp lại.

Đương nhiên, việc đến Lạc Dương gặp Văn Ngạn Bác, Trần Khác không nói cho Vương Bàng biết, thậm chí cũng chỉ nhắc tới với Triệu Tông Tích qua thư. Chuyện xảy ra bất ngờ không có cách nào, căn bản không đợi được tới khi Triệu Tông Tích gửi thư hồi đáp, chỉ có thể tự mình quyết.

Hiện giờ xem ra, Văn Ngạn Bác quả nhiên động lòng, điều này khiến cho Trần Khác hết sức vui mừng, nhưng vừa nghĩ lại thì vui mừng không nổi, vì điều kiện đối phương đưa ra thật sự rất hà khắc!

Cái gì mà "Chim quyên xuất hiện Lạc Dương, địa khí từ nam lên bắc", cái thứ chuyện ma quỷ đó Trần Khác đều không tin. Rõ ràng là đối phương tự bịa ra, là cái cớ yêu cầu Triệu Tông Tích và người của đảng Tân Học chia tách ra.

Rất hiển nhiên, đám người của Đảng chưa cầm quyền ở Lạc Dương đã sớm chú ý đến người của đảng Tân Học đang hoạt động sôi nổi ở phía Nam, cũng coi là uy hiếp chủ yếu trong tương lai. Cho nên họ mới phải sắp xếp cơ sở ngầm bên cạnh Vương Bàng, nếu không sẽ không thể biết được chuyện tuyệt mật kia.

Bọn họ muốn Triệu Tông Tích đáp ứng tuân thủ tổ huấn "Không cho người phương Nam làm Tể tướng", chính là vì tương lai có thể độc chiếm quả ngọt của chiến thắng kia.

Nghĩ vậy, Trần Khác không khỏi sởn tóc gáy. Hợp tác với đám người đảng chưa cầm quyền này giống như bảo lột da hổ vậy.

Nhưng nghĩ lại, chẳng lẽ hợp tác với người của đảng Tân Học không phải là bảo hổ lột da sao?

Hơn nữa, thỏa hiệp với hai lão hổ, dường như so với việc đấu với một lão hổ thì an toàn hơn.

Nghĩ tới nghĩ lui suốt cả đêm, tới hừng đông Trần Khác mới ngủ, nhưng vừa nhắm mắt chưa được bao lâu đã bị Trần Nghĩa khe khẽ gọi:

- Vũ Lăng tiên sinh gửi thiệp mời, mời đại nhân tham gia hội hoa Mẫu Đơn hôm nay.

- Khi nào?

Trần Khác vẫn còn buồn ngủ.

- Hôm nay..

- Cầu!

Trần Khác vùng dậy, vừa đi giày vừa dặn:

- Nhanh nhanh hầu lão gia rửa mặt...

Mẫu đơn được xem như quốc hoa, không ai không thích. Khi còn ở Biện Kinh, mỗi khi đến mùa này, các quan lại quyền quý tất sẽ tìm cách thu mua được mấy chục chậu loại tốt nhất Lạc Dương, tổ chức tiệc hoa mẫu đơn trong nhà, bao nhiêu người giàu sang vây quanh một chậu mẫu đơn phú quý, đánh giá tán thưởng, điền từ uống rượu, quả nhiên là phong nhã.... Lúc này, tuyệt đối không ai nhắc tới chuyện vận chuyển từ Lạc Dương đến Khai Phong vất vả thế nào.

Nhưng hội hoa Mẫu Đơn ở Biện Kinh dù có lớn thế nào thì cũng chỉ là một hội nhỏ, nếu muốn thỏa sức thưởng thức mẫu đơn chỉ có cách tự mình đến Tây Kinh mới được. Thành Lạc Dương thời gian này, bất kể thân phận chủ nhà ra sao, từ trong tường ra ngoài tường, nhà nào cũng phủ đầy hoa mẫu đơn đủ màu sắc hình dạng, người không phân biệt nam nữ sang hèn, trên đầu đều cài hoa mẫu đơn, ngay cả phu khuân vác người quang gánh cũng không ngoại lệ, thực sự là một biển hoa.

Mọi người ai nấy đều mang chậu hoa mẫu đơn mà nhà mình đã tỉ mỉ chăm sóc ra trưng bày. Khắp nơi đâu đâu cũng bày đầy chậu hoa thành hàng dài, bày khắp đường cái thành Lạc Dương, thậm chí trong những ngôi chùa cổ tòa nhà hoang cũng thả màn trướng bày chợ hoa, để cho người ta ngắm miễn phí.

Dân chúng Lạc Dương thực sự yêu mẫu đơn, nghe nói ở đâu có giống hiếm lạ... , giống như Diêu Hoàng mẫu đơn có thể ngàn đóa hoa vàng, tất cả người dân trong thành sẽ đổ xô đi xem, dân chúng nông thôn cũng dìu già dắt trẻ, rủ bạn bè đến ngắm hoa. Du khách cũng không thiếu người bên ngoài, thậm chí còn có người vượt ngàn dặm xa xôi tới xem vì muốn nhìn được thắng cảnh hội hoa mẫu đơn.

Vạn hoa hút mắt, bất giác xe ngựa đã đi qua con ngõ nhỏ, dừng trước cửa một lâm viên. Thời Tống, lâm viên Lạc Dương nổi danh khắp thiên hạ, Phạm Văn Chính đã từng nói "Tây đô sĩ đại phu viên lâm tương vọng" (Sĩ phu Tây Đô gặp nhau ở lâm viên). Tư Mã Quang cũng có thơ viết "Lạc Dương danh viên bất thắng kỷ, môn hạng tương liên như trất xỉ. Tu trúc trường dương thâm kính vu, lệnh nhân ấp ấp khí bất thư...." (ý nói lâm viên rất nhiều, nằm ở khắp nơi, cây cối xum xuê khiến người khó thở). Lâm viên nhiều đến nỗi khiến người ta muốn nghẹt thở.

Mắt thấy chỗ này không phải một lâm viên bình thường, Trần Khác không khỏi âm thầm cảm thán, đây chẳng phải là dấu ấn quyền lực cực lớn của quá khứ và nền móng cho quyền lực vĩ đại của tương lai sao? Biết bao lão thần trí sĩ nghỉ hưu và đợi công tác đã an cư trong các biệt thự lâm viên rải khắp tứ phía này, bất cứ lúc nào cũng có thể xuất đầu, quấy rầy Đại Tống đến long trời lở đất!

Bình tĩnh lại, Trần Khác cho người gõ cửa.

Chỉ chốc lát sau, một lão bộc rất phong độ ra mở cửa, nhìn thăm dò trang phục và xe ngựa hoa lệ đằng sau của Trần Khác một chút, chắp tay hỏi:

- Đại nhân có gì chỉ bảo?

Trần Nghĩa hai tay nâng thiệp mời, Trần Khác ôm quyền nói:

- Nhờ lão nhân gia truyền bẩm, có hậu bối Trần Khác đặc biệt đến bái kiến Vũ Lăng tiên sinh.

- Hóa ra là Trần học sĩ, gia chủ đã sớm có dặn dò, học sĩ tới không cần thông bẩm, mời vào luôn là được.

Lão bộc vội mở cửa, xoay người nghênh đón.

Dẫn Trần Khác đi vài bước, lão bộc xoay người lại nói:

- Xin đại nhân đi thong thả, lão nô đi truyền báo, để tránh chủ nhân thất lễ.

Nói xong, xoay người bước nhanh đi trước.

Trần Khác quay đầu lại nhìn, Trần Nghĩa đã theo mình vài năm mà vẫn ngu độn thì không khỏi thầm than, quả nhiên "Hóa bỉ hóa đắc nhưng, nhân bỉ nhân đắc tử" (hàng so với hàng chỉ muốn ném đi, người so với người chỉ muốn đập đầu chết), xem người hầu nhà người ta phong phạm biết bao.... Lại nghĩ, lão phu sơn dã như Long Xương Kỳ có thể dạy dỗ ra tôi tớ như vậy không? Nói vậy người làm này, kể cả luôn cái vườn này, đều là Văn tướng công kia tặng cho ông ta sao.

Vừa nghĩ vừa thong thả đi, thưởng thức cảnh sắc lâm viên, chỉ thấy trúc xanh cây đá, đình các cầu đường, quanh co khúc khuỷu, cao lớn mát mẻ, xanh mướt nõn nà, bao la rộng lớn, quả nhiên rất có thế cục, tất nhiên phải nhờ tay một danh gia mà thành.

Khi đang vừa đi vừa nhìn, liền nghe ở phía trước có tiếng cười sang sảng vang lên, Trần Khác tập trung nhìn vào, liền thấy Văn Ngạn Bác đỡ Long Xương Kỳ đứng trong bụi mẫu đơn quốc sắc thiên hương cười ung dung. Sau lưng bọn họ, mười mấy sĩ phu tên tuổi cũng mỉm cười thân thiện với hắn.

Thật là phí cảnh! Giá mà thay bằng một đoàn tiểu nương tử tú lệ chẳng phải đẹp hơn sao?

Tâm tư phóng đãng vừa chợt lóe lên, Trần Khác vội vàng rảo bước nhanh, khom người nói:

- Vãn sinh bái kiến Văn tướng công, Vũ Lăng công phúc thọ diên niên!

- Ha ha ha, sáng sớm hôm nay chim khách đã hót mà. Quả nhiên có khách quý đến nhà.

Long Xương Kỳ chín mươi tuổi, tinh thần vẫn quắc thước, suy nghĩ vẫn rất rõ ràng, chỉ có điều đi đứng không vững nữa mà thôi.

- Lão hủ cung nghênh học sĩ đại giá quang lâm.

Văn Ngạn Bác mỉm cười vuốt râu với Trần Khác, cũng không nói lời nào, hơn nữa nụ cười hình như có chút miễn cưỡng.

Trần Khác không dám chậm trễ, quay sang bái kiến lão đại nhân. Trong sự vây quanh của mọi người, cùng với Văn Ngạn Bác một trái một phải đỡ Long Xương Kỳ đi vào trong hoa viên.

Vừa đi, Long Xương Kỳ vừa cười nói với Trần Khác:

- Lần này học sĩ một thân vào hang địch, dùng lời nói cảm hóa người khiến cho Đại Tống và bách tính thoát được một hồi binh tai, sau này tất sẽ truyền lại thành một thiên giai thoại cổ!

- Lão tiên sinh khen nhầm rồi.

Trần Khác cười khổ nói

- Vãn bối chẳng qua chỉ là đùa bỡn múa mép khua môi, không thể coi là thật.

- Lời này đầy oán hận đó nhỉ.

Long Xương Kỳ quay sang nói với Văn Ngạn Bác:

- Tuy nhên có oán hận cũng là bình thường, ta nghe nói học sĩ từ Sơn Tây trở về, nhưng trên đường chỉ gặp sự lạnh lùng, cũng không biết những quan viên địa phương kia nghĩ thế nào, nếu thật sự đánh nhau, xui xẻo nhất chính là bọn họ, còn không biết điều một chút.

- Bọn họ cũng có lời khó nói.

Văn Ngạn Bác cười khổ.

- Có phải bọn họ sợ đám người ở Biện Kinh biết sẽ làm khó dễ không?

Long Xương Kỳ hỏi.

- Ha ha..

Văn Ngạn Bác gượng cười không biết trả lời thế nào.

- Bọn họ sợ, đám người các ngươi cũng không có gì phải sợ à?

Long Xương Kỳ râu tóc bạc trắng, cười như một đứa trẻ nói:

- Tuy nhiên, lão phu vẫn sợ các ngươi ra sức khước từ, nên không báo trước với các ngươi mà mời Trần học sĩ tới. Những quan viên địa phương kia không biết tốt xấu, các ngươi cũng không thể để cho đại công thần của chúng ta cứ như vậy lặng lẽ không lời nào mà quay về kinh chứ?

- Không có không có...

Văn Ngạn bác và một đám sĩ phu cười nói:

- Chúng ta lại không trông cậy vào ai, sao có thể không phân tốt xấu thế được?

- Đúng đấy, Trần học sĩ cứ yên tâm, chúng ta ủng hộ ngài!

- Đúng đấy, bọn họ không phân được tốt xấu, chúng ta sẽ lột da mặt bọn họ!

Trần Khác biết đây là bọn họ nói cho mình nghe, bèn rất phối hợp cảm động ra mặt gật đầu liên tục.

Vừa đi vừa nói, mọi người đã vào trong vườn, đã thấy muôn hồng ngàn tía tràn ngập, thật giống như quỳnh cung hoa uyển.

Crypto.com Exchange

Hồi (1-355)


<