Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Nhất phẩm giang sơn - Hồi 320

Nhất phẩm giang sơn
Trọn bộ 355 hồi
Hồi 320: Xuân
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-355)

Lương Hoài Cát biết, lần này ra đi là âm dương cách biệt, không khỏi lưu luyến nhìn nàng một cái.

Ai ngờ cái nhìn này lại khiến công chúa bừng tỉnh lại, lớn tiếng kêu lên:

- Ai dám dẫn y đi ra khỏi cửa này, ta sẽ chết cho các ngươi xem!

"Bốp" một tiếng, trả lời nàng là một cái tát thật mạnh của Hoàng thượng.

Đây là lần đầu tiên Triệu Trinh đánh người. Không thể ngờ được, lại là đánh nữ nhi mà mình yêu thương nhất.

Nhưng đáp lại lão là việc công chúa lấy kim trâm đâm vào chiếc cổ thon thả của nàng.

Huyết châu nổi bật trên làn da tái nhợt, làm Triệu Trinh không cách nào nhìn thẳng.

- Oan nghiệt...

Lão thở dài đầy thương cảm, xua tay ra hiệu cho thị vệ thả Lương Hoài Cát ra, liền xoay người bỏ đi... Từ ngày đó, Công chúa và Lương Hoài Cát bị cấm túc ở trong Nghi Phượng Các, ngay cả Tào hoàng hậu và Miêu Hiền Phi cũng không thể gặp.

Triệu Trinh cũng tức đến nỗi đổ bệnh, nằm ở trên giường không thể lên triều. Hoặc có thể là không dám vào triều, lão thật sự không có mặt mũi nào đối mặt với sự chất vấn của các đại thần.

Biết được "phụ hoàng" bị bệnh, đám hoàng tử đương nhiên muốn vào cung vấn an.

Khi đó Trần Khác đang ở bên trong phủ Triệu Tông Tích, cùng y quyết định chi tiết cuối cùng của "hội cầu Biện Kinh". Sau khi biết được tin tức này, Triệu Tông Tích không khỏi cau mày nói:

- Huy Nhu hoàng muội thật sự là có chút quá đáng, dám làm Phụ... Hoàng thượng tức đến bệnh!

Từ sau khi thay đổi phụ thân, lúc đối mặt thì kêu không sao, nhưng trong lúc nói ra thì có chút ngượng ngùng.

Với tình báo trong cung của Triệu Tông Tích, đương nhiên biết rõ sự tình. Y đối với việc công chúa ngỗ nghịch với mẹ chồng, lạnh nhạt với phò mã, ở cùng nô tài cảm thấy rất khó chịu.

- Cha và con gái nào có thù lâu, cẩn thận sau cùng không việc nào thành.

Trần Khác lại nói:

- Nên cất giấu tâm tình của mình đi.

- Vậy nếu Hoàng thượng hỏi tới thì sao?

Triệu Tông Tích cau mày nói:

- Ta nên trả lời như thế nào?

- Nói giúp vài lời cho công chúa, an ủi hoàng thượng nhiều một chút.

Trần Khác đưa ra ý kiến.

- Ngươi không phải vẫn nói với ta nên nói chuyện thật lòng sao?

Triệu Tông Tích bất mãn:

- Tại sao lại không cho ta nói thật lòng?

- Tình huống lần này rất đặc biệt.

Trần Khác cười nói:

- Phải biết rằng, người ta là cha con thân thiết hai mươi năm, thử đặt mình vào hoàn cảnh người khác suy nghĩ một chút. Làm một người phụ thân, cho dù ngoài miệng nói tức giận thế nào, trong lòng vẫn mong nữ nhi của mình có thể sống tốt.

- Phải.

Triệu Tông Tích gật đầu nói:

- Nhưng các đại thần sẽ nhìn ta như thế nào?

- Thanh quan khó quản việc nhà, loại việc này không ai đúng tuyệt đối.

Trần Khác nói:

- Hơn nữa, hiện tại mọi người đều lầm lẫn cho rằng Hoàng thượng đã lỗi thời rồi, ý kiến của người không bằng cách nhìn của các đại thần.

- Không phải vậy sao?

- Đương nhiên không phải.

Trần Khác lắc đầu nói:

- Cho dù người khác nói như thế nào, ngươi còn phải dựa vào Hoàng thượng mới có thể chống lại Triệu Tông Thực.

Nói xong lại thấp giọng

- Ngươi thử đặt mình vào hoàn cảnh người khác suy nghĩ một chút, Hoàng thượng sắp giao giang sơn này cho các ngươi rồi, đương nhiên sẽ hy vọng các ngươi có thể chiếu cố tốt nữ nhi của ngài.

Nói một cách khác, ai đối với nữ nhi của lão tốt, lão sẽ nghiêng về phía người đó. Đây là bệnh chung của người làm phụ thân, Hoàng thượng cũng không có khả năng ngoại lệ.

- Ba phải đương nhiên là được.

Triệu Tông Tích cười khổ nói:

- Nhưng phải nói ra được cách giải quyết.

- Có câu nói vỏ quýt dày có móng tay nhọn.

Trần Khác cười nói:

- Có một người có thể giúp được.

- Ai?

- Vợ của ta...

Triệu Tông Tích rất nhanh đã chạy tới trong cung, phát hiện bốn người khác cũng đã đến rồi, chính là đang chờ y cùng nhau yết kiến.

- Thật có lỗi, thật có lỗi, đã tới trễ rồi.

Triệu Tông Tích chắp tay. Năm người sắp xếp theo thứ tự lớn nhỏ, khẽ khàng đi vào tẩm cung.

Năm người này theo thứ tự là Tòng Cổ, Tông Ngạc, Tông Hữu, Tông Thực, Tông Tích...

Triệu Trinh đang nằm trên long sàng, buồn phiền nhìn các khung trang trí, nghe nói "các con" đến đây thì thở dài, cho gặp.

Năm người đi vào, sau khi hỏi thăm. Triệu Tòng Cổ lớn tuổi nhất ân cần nói:

- Phụ thân long thể từ trước đến nay khỏe mạnh, lần này sao đột nhiên lại bị bệnh?

- Ôi...

Triệu Trinh thở dài nói:

- Đều là do Huy Nhu chọc tức.

- Việc của Huy Nhu, các con đều đã nghe nói.

Triệu Tông Hữu nói tiếp:

- Muội muội đúng là thật tùy hứng.

- Đâu chỉ là tùy hứng!

Triệu Trinh kêu lên một tiếng trầm đục:

- Các ngươi còn chưa biết...

Ngập ngừng một chút, lão ngừng câu chuyện lại, than một tiếng:

- Các ngươi nói, nó làm sao lại trở nên như vậy?

Tẩm cung trong chốc lát bỗng im lặng, Triệu Tông Ngạc mới phá tan sự yên lặng:

- Muội muội có lẽ có chút kiêu căng, nhưng bản tính đơn thuần thiện lương, chỉ có điều bên cạnh có gian nhân. Hiện giờ huyên náo ồn ào, tất cả mọi người đều nói Công chúa và nhà chồng không hợp là do nội thần ly gián. Nhất là Lương Hoài Cát kia, từ trước đến giờ lời nói và việc làm đều không cẩn trọng. Nghe nói y ở cùng với công chúa không mặc phục trang của nội thần, trước mặt người ngoài tự cho mình là Đô úy, thậm chí ly gián công chúa và phò mã, làm cho vợ chồng bất hòa...

Triệu Trinh hai mắt đăm đăm nhìn khung trang trí, rốt cuộc cũng nghe y trách móc Lương Hoài Cát xong:

- Huy Nhu muội muội là cành vàng lá ngọc, có thể có tình cảm gì với một hoạn quan? Đây chỉ là tâm lý phản kháng mà thôi. Cho nên nhi thần nghĩ, tốt nhất là phải nhanh chóng để y rời khỏi công chúa. Công chúa có lẽ lúc đầu sẽ tức giận, nhưng mấy ngày sau sẽ tốt hơn thôi.

Triệu Trinh lắc đầu, khổ sở nói:

- Hiện tại Huy Nhu không cho ai vào cửa, nó đã bốn ngày bốn đêm không chợp mắt. Không cần nghi ngờ, nếu bức bách, nó sẽ quyết tâm tìm cái chết.

- Huy Nhu có phải bị Lương Hoài Cát kia hạ cổ (dùng bùa) hay không?

Triệu Tông Hữu khó có thể tin nói:

- Hoặc là bị nguyền rủa cái gì đó?

Triệu Trinh trên mặt lộ lên vẻ không vui nói:

- Quả nhân không tin tưởng những chuyện đó.

Nói xong lại nhìn Triệu Tông Tích và Triệu Tông Thực:

- Hai người các ngươi thấy thế nào?

- Theo cách nhìn của nhi thần.

Triệu Tông Thực nay đã hơn xưa, nghiêm mặt nói:

- Việc này nhất định phải nhanh chóng chấm dứt, kéo dài càng lâu thì ảnh hưởng đối với danh dự của Huy Nhu càng lớn!

- Ừ.

Triệu Trinh đáp một tiếng, đây đúng là suy nghĩ của lão.

- Huy Nhu sở dĩ mắc thêm lỗi lầm, nói trắng ra chính là không biết kính sợ. Vì một hoạn quan lại trở mặt thành thù với phụ thân mình, thế nào cũng phải làm cho muội ấy biết, mọi việc là do phụ thân làm chủ!

Nhưng những lời nói tiếp theo của Triệu Tông Thực lại làm cho lão không rét mà run:

- Dùng một chút mê hương làm cho Huy Nhu ngủ say một giấc, sau đó bắt Lương Hoài Cát đi. Đợi cho Huy Nhu tỉnh lại, cho người xem chừng muội ấy. Qua một thời gian thì việc này cũng dần dần lắng xuống, đợi đến khi tinh thần của muội ấy tốt hơn một chút thì cho đọc các loại sách linh tinh như "nữ giới" (sách về đạo làm người cho nữ nhân, gồm chuyện phu phụ, kính cẩn, ...), để cho muội ấy và Phò mã hòa hợp tốt là được.

Tuy rằng cảm thấy Triệu Tông Thực quá ngoan độc rồi, nhưng Triệu Trinh không thể không thừa nhận dường như đây là phương án tốt nhất. Nhưng trước khi quyết định, lão vẫn có thói quen nhìn Triệu Tông Tích nói:

- Ngươi cảm thấy như thế nào?

- Nhi thần cảm thấy các vị hoàng huynh nói đều rất đúng.

Triệu Tông Tích thấp giọng nói:

- Tuy nhiên Huy Nhu là muội muội của chúng con, làm ca ca bảo hộ muội muội thì còn cần phải hỏi muội ấy đúng hay sai sao?

Nghe xong lời này bốn người không khỏi sửng sốt, bộ mặt nhăn nhó của Triệu Trinh trở nên dịu dàng hơn. Đây mới chính là đáp án lão muốn nghe nhất!

- Vương tử phạm pháp thì đồng tội với thứ dân, suy nghĩ của ngươi quá ngây thơ rồi.

Nhưng ngoài miệng Triệu Trinh lại nói thế.

- Lúc đầu nhi thần cũng nghĩ như vậy, nhưng mới vừa nghe Huy Nhu bốn đêm không chợp mắt.

Triệu Tông Tích thấp giọng nói:

- Nhi thần trong lòng cảm thấy rất đau xót, cũng không quan tâm đến những thứ đại nghĩa kia rồi.

Dừng một chút lại nói:

- Nói cho cùng muội ấy cũng chỉ là một tiểu nữ tử, cho dù tùy hứng một chút, chẳng lẽ sẽ phá hư tam cương ngũ thường sao? Các ngôn quan có chút chuyện bé xé ra to rồi...

Mặc dù đã là cuối tháng giêng, Biện Kinh vẫn se lạnh như mùa xuân.

Trong hoa viên Nghi Phượng Các, tuyết đọng lóa mắt, hoa cỏ tiêu điều. Một đám thị vệ mặt không chút biểu tình, vây quanh một tòa lầu cực kỳ chặt chẽ. Nơi này là nơi nhốt Cổn Quốc công chúa và Lương Hoài Cát.

Có tiếng đàn từ trong cửa sổ vọng ra, nhẹ nhàng mà an bình, làm tan biến sự tiêu điều trong hoa viên.

Xuyên qua cửa sổ bằng thủy tinh màu vàng nhạt, có thể nhìn thấy bên trong có lư khói thoang thoảng quyện vào lớp màn. Nếu không phải trong bình hoa trên bàn có cành hoa mai tố tâm đã héo rũ, thì không ai nghĩ đến chủ nhân chỗ này đã bị nhốt nhiều ngày.

Người đánh đàn chính là Lương Hoài Cát kia. Đây là hoạn quan hơn hai mươi tuổi, trắng trẻo gầy yếu, đường nét khuôn mặt nhu hòa, là loại người làm người khác sinh ra cảm giác gần gũi.

Công chúa đã năm ngày bốn đêm không chợp mắt, y bày cho nàng một ghế nằm thoải mái. Sau đó đặc biệt chọn những khúc nhẹ nhàng chậm rãi, đánh đàn cho nàng, muốn làm cho tâm thần nàng dần dần thả lỏng.

Ngoài ra, trong lư hương còn có mạn đà la...

Công chúa đối với y hoàn toàn không đề phòng, tựa vào ghế nằm, ngửi mùi hương hoa dương kim, nghe khúc đàn không nhanh không chậm, mí mắt dần dần trĩu xuống. Nàng cứ thỉnh thoảng lại mở mắt ra, nhìn đến chỗ y đánh đàn, rồi rất nhanh lại nhắm mắt lại.

Cuối cùng, hô hấp của nàng đều đều, bắt đầu ngủ say.

Lương Hoài Cát tấu xong một khúc, chậm rãi đứng dậy sợ làm tỉnh giấc công chúa. Y không dám đến gần, chỉ đứng ở một bên ngắm nhìn. Y bảy tuổi đã tiến cung, ở cục Hàn lâm thư nghệ học tập cầm kỳ thi họa bảy năm. Khi mười bốn tuổi được điều vào Nội Thị Tỉnh, trở thành nội thị cấp cao nhận nhiệm vụ hầu hạ công chúa, cho tới ngày hôm nay đã mười năm rồi.

Trong mười năm, bọn họ như hình với bóng. Bọn họ nói chuyện rất nhiều, tâm đầu ý hợp, giới hạn chủ tớ của bọn họ đã sớm mơ hồ, một chút tình cảm không thể cho phép cũng dần dần nảy sinh trong lòng y.

Y cũng biết phần tình cảm này không thể để cho mọi người biết, cho nên từ trước đến nay đều vững vàng kiềm chế. Hơn nữa y cũng vì thân thể không trọn vẹn nên cảm giác rất tự ti, không thể để ô uế thân thể vàng ngọc của Công chúa. Thật không nghĩ tới càng đè nén, phần tình cảm này lại càng khắc cốt ghi tâm. Bao nhiêu đêm y tỉnh dậy lấy nước lạnh dội lên người, bao nhiêu lần y ngắm nhìn bản thân là y tự thấy xót xa, tinh thần buồn bã.

Chẳng qua y cũng không ngờ, công chúa đối với y cũng có tình cảm thắm thiết. Sự việc tết Nguyên Tiêu lần này, công chúa sỡ dĩ tức giận đều là do Dương thị sỉ nhục y. Về sau sự việc ồn ào lên, vì bảo vệ cho y, nàng thậm chí không tiếc xích mích cùng Đế hậu...

Lương Hoài Cát chỉ là người thường, y cũng không có thần kinh vững vàng như các đại nhân vật. Lúc đầu y sợ ngây người, sau đó liền lâm vào sợ hãi. Nhưng dần dần sự sợ hãi biến mất, đối với Công chúa chỉ cảm thấy áy náy và lo lắng.

Y suy nghĩ cục diện cẩn thận, biết chỉ có chính mình chủ động rời khỏi mới có thể tránh cho tình hình trở nên gay gắt hơn, để công chúa và hoàng thượng hòa thuận lại.

Hiện tại, y cuối cùng cũng đã dỗ công chúa ngủ. Y ngắm nhìn khuôn mặt xinh đẹp tái nhợt không chút sáng sủa kia, cho dù là sau khi ngủ say cũng mang theo vẻ lo sợ.

Bỗng nhiên nghe nàng nói mê:

- Phụ thân, nương nương, Huy Nhu sai rồi, hai người đừng bỏ mặc con...

Nói xong hai giọt nước mắt liền chảy xuống.

Lương Hoài Cát vươn tay muốn giúp công chúa lau đi nước mắt, nhưng nửa đường lại rụt tay lại, để nước mắt công chúa tùy ý chảy xuống khóe miệng...

- Hoàng thượng, Lương Hoài Cát đã đi ra.

Hồ Ngôn Đoái bước vội vào tẩm cung, cũng không để ý đến năm vị Hoàng tử còn lại, bẩm báo với Hoàng thượng.

- Hả?

Triệu Trinh ngồi dậy nói:

- Huy Như... Không việc gì chứ?

- Không có chuyện gì hết, ngủ rất say.

Nghe nói nữ nhi không có chuyện gì, Triệu Trinh nhẹ nhàng thở ra, ngồi xuống nói:

- Là ai có bản lĩnh lớn như vậy, có thể đem Lương Hoài Cát ra?

- Là chính y tự đi ra đó.

Hồ Ngôn Đoái thấp giọng nói:

- Y bỏ thuốc an thần Mạn đà la vào lư hương, đợi sau khi công chúa ngủ say liền đi ra.

- A...

Triệu Trinh sắc mặt cổ quái gật đầu nói:

- Coi như cũng không có mất trí.

- Phụ hoàng, theo kế hoạch hôm nay, mau để cho Miêu nương nương đến bên cạnh Huy Nhu.

Triệu Tông Tích sắm vai huynh trưởng hiền từ nói:

- Ngàn vạn lần đừng để muội ấy tỉnh lại làm chuyện điên rồ!

- Nói rất đúng.

Triệu Trinh gật đầu:

- Mau cho Hoàng Hậu và Miêu phi đi qua đó.

Nói xong vuốt cằm:

- Chẳng qua nữ nhi từ nhỏ được hai nàng nuông chiều đã quen, chỉ sợ sẽ có tác dụng ngược.

- Nhi thần có một người có thể nhờ được.

Bốn người còn lại cũng chưa có chuẩn bị tốt cho việc này, kết quả chỉ có thể nhìn Triệu Tông Tích tung chiêu:

- Bạn tốt của Huy Nhu là Trần Liễu thị, chỉ cần nàng ở bên cạnh, Huy Nhu cũng sẽ không làm việc gì ngu ngốc.

Trong lòng thầm nhủ, muốn làm cũng không làm được...

- Trần Liễu thị... Ngươi nói là Liễu Nguyệt Nga?

Triệu Trinh hai mắt tỏa sáng nói:

- Không tồi, mau chóng gọi nàng vào cung.

Đợi sau khi tất cả mọi người lui ra, Triệu Trinh mới hỏi lão Hồ:

- Lương Hoài Cát bây giờ đang ở đâu?

- Đã bắt lại, đang chờ xử lý.

- Mang y tới đây.

Chỉ sau một lát, Lương Hoài Cát đã đến, quỳ gối xuống đất.

- Ngươi làm sao lại đi ra?

Triệu Trinh hỏi.

- Nô tài lúc đầu rất sợ hãi.

Lương Hoài Cát nói:

- Từ từ mới thanh tỉnh lại, không thể nào làm liên lụy tới Công chúa nữa.

- Ngươi hiện tại không sợ nữa sao?

Triệu Trinh thản nhiên nói.

- Sợ.

Lương Hoài Cát thấp giọng nói.

- Yên tâm, quả nhân sẽ không giết ngươi.

Triệu Trinh thở dài nói:

- Bằng không thì công chúa sẽ không cởi bỏ được khúc mắc này.

- Công chúa và nô tài là hoàn toàn trong sạch.

Lương Hoài Cát đột nhiên ngẩng đầu lên nói:

- Nô tài nếu có chút nào nói sai, tình nguyện đời đời kiếp kiếp đều làm hoạn quan!

- Không có chuyện đó thì là trong sạch sao? Cử chỉ của hai người các ngươi đã vượt qua giới hạn chủ tớ.

Triệu Trinh hừ lạnh một tiếng nói.

Lương Hoài Cát cúi đầu không nói gì, Triệu Trinh cũng trầm mặc, qua một lúc sau mới mở miệng nói:

- Ngay mai quả nhân sẽ hạ lệnh, trục xuất ngươi khỏi kinh sư, đến Tây Kinh làm việc vặt.

Việc trừng phạt này không thể nói là không nặng, nhưng hiển nhiên là đã hạ thủ lưu tình. Nếu ở triều đại khác, chỉ sợ Lương Hoài Cát có một trăm cái mạng cũng không chết đủ.

Nhưng thật ra, Triệu Trinh tha cho y một con đường sống cũng không phải là do nhân từ, mà là thương tiếc nữ nhi của mình. Nói cho cùng thì Huy Nhu nhất định không muốn y chết... Công chúa ngủ suốt hai ngày một đêm mới tỉnh lại. Trong hai ngày này, Triệu Trinh đã vội vàng hạ chiếu chỉ tước đi danh hiệu của nàng, xuống làm Nghi Quốc công chúa, vẫn ở lại trong cung đình, cả chuyện nội thần trong chỗ ở công chúa bị đuổi hết, Lương Hoài Cát điều đi "Tây Kinh làm tạp vụ" hết thảy đều công cáo thiên hạ, không thể sửa lại.

Triệu Trinh tâm tư kín đáo, bảo Lương Hoài Cát viết một phong thư lưu lại cho Công chúa, nói là mình chủ động rời khỏi, không phải là do bị người khác bắt buộc. Bởi vì nếu tiếp tục giằng co nữa, ta chỉ có một con đường chết, vẫn là nên chủ động rời khỏi, tranh thủ sự khoan dung của Hoàng thượng thì tốt hơn...

Sau khi đọc thư xong, Công chúa khóc muốn hôn mê, nàng kiên quyết không tin Lương Hoài Cát là một người sợ chết. Cho rằng đây là âm mưu tách hai người ra, thậm chí Lương Hoài Cát đã chết oan uổng rồi.

Hoàng thượng chỉ nhẹ lời an ủi, thậm chí thề thốt. Công chúa vẫn không tin, đành phải triệu hồi Lương Hoài Cát đến để cho nàng gặp mặt một lần.

Lương Hoài Cát lại đem lời nói kia nói lại một lần, lúc này công chúa mới không khóc nữa. Lương Hoài Cát đi rồi, nàng liền không khóc nữa mà trở nên trầm mặc.

Đối mặt với từng người có ý khuyên giải nàng đều chỉ nói một câu:

- Đưa Lương Hoài Cát đến cho ta!

Nàng ở trong cung muốn treo cổ tự tử không phải lần một lần hai. Miêu Hiền Phi sợ tới mức phải vội vàng mời Liễu Nguyệt Nga đến cung làm bạn, canh giữ bên cạnh nàng suốt ngày, không dám rời đi một khắc.

Sau khi Liễu Nguyệt Nga khuyên nhủ, công chúa mới không tìm chết nữa, con người cũng có chút tinh thần hơn.

Vào lúc này, Triệu Trinh đã bị yêu cầu công chúa hồi phủ huyên náo đến phiền chết. Các đại thần cho rằng Công chùa và Lý Vĩ là vợ chồng, ở lâu trong cung không tiện, người ngoài biết được cũng mỉa mai. Không bằng công chúa hồi phủ, cầm sắt giao hòa mới là thích hợp.

Trên thực tế những nghị luận mỉa mai này chính là của bọn họ.

Triệu Trinh thấy nữ nhi mình khó khăn lắm mới bình thường lại, e sợ rời cung sẽ lại bệnh, làm sao mà đồng ý. Nào biết những ngôn quan này không ngờ lại đi tìm Triệu Tông Thực, yêu cầu y cũng đi khuyên nhủ Hoàng đế.

Triệu Tông Thực vốn không muốn đụng vào việc xui xẻo này, nhưng y đã cùng các quan lại hợp thành một thể, hoặc có thể nói là bị đám quan lại bắt cóc. Hơn nữa vì tạo dựng hình tượng hiền vương của mình, y không ngại can giám thẳng thắn, quân pháp bất vị thân. Vì thế trên tấu viết: "Nữ nhi của Hoàng thượng cũng phải tuân theo đạo lí nghe theo ý phụ thân, suy nghĩ đến đạo hiếu của thiên hạ, tuân theo nghi lễ của Hoàng thất... Để cho công chúa hồi phủ, cùng phò mã vợ chồng hòa hợp".

Trừ lần đó ra, còn muốn yêu cầu hủy bỏ quy định "Thượng chủ chi gia, đảo hàng chiêu mục nhất đẳng" (Gia đình của phò mã và công chúa, thứ tự dòng tộc hạ một bậc), hy vọng về sau công chúa phải hành lễ với cậu cô, như một cô dâu bình thường phụng dưỡng cậu cô.

Lời vừa nói ra, thiên hạ đều xưng là hiền đức, nhất thời người phụ họa vô số.

Triệu Trinh bị ép buộc, nhưng không muốn đống ý, song lão là một đế vương, không thể tùy ý mà làm.

Đang lúc không có phương pháp, Triệu Tông Tích ở Hà Bắc trở về, kiên quyết không đồng ý cho công chúa hồi phủ. Y nói, công chúa chưa lành bệnh, tinh thần hoảng hốt, không thể chịu được kích thích, hiện nay muốn để nàng trở về chẳng phải là muốn bức chết nàng sao?

Nhưng giọng nói của y vẫn còn quá yếu, huống chi người của đảng Tân Học, Tư Mã Quang, Triệu Biện cũng không chịu giúp y nói chuyện. Hoàng thượng cuối cùng thật sự không chịu được, đành phải đồng ý để cho công chúa hồi phủ.

Chuyện này được các đại thần coi như là thắng lợi, huynh đệ Triệu Tông Thực lại âm thầm vui mừng. Cho rằng điều này có nghĩa là uy cán triều Đại Tống đã chậm rãi hướng về bọn họ.

Nhưng mà lúc này lại xảy ra bi kịch.

Sau khi biết chính mình sẽ phải hồi phủ, Công chúa vẫn im lặng, chỉ nói muốn dạo chơi cảnh xuân ngự hoa viên lần cuối cùng.

Mọi người cũng không có nghi ngờ gì, liền theo hầu nàng đến hoa viên giải sầu. Đợi khi đi tới nơi, công chúa nói là muốn uống nước ở giếng nước, vì thế vú già liền mở phiến đá che miệng giếng ra. Đang định múc nước, chiếc vòng trên cổ công chúa đột nhiên bị đứt, hạt châu rơi vãi trên mặt đất. Nàng gấp đến độ nhất thời khóc lên, đây là kỷ niệm duy nhất Lương Hoài Cát lưu lại cho nàng.

Nhóm cung nhân vội vàng tìm nhặt hạt châu trên đất. Công chúa cũng không để ý đến khuyên can, cúi người tìm kiếm. Tìm tìm một hồi liền tới gần miệng giếng, bỗng nhiên nhảy xuống, người xung quanh không kịp kéo lại...

Cũng may có Liễu Nguyệt Nga ở bên cạnh, nhanh chóng cứu nàng ra, Công chúa ngoại trừ cả người ướt đẫm thì không có gì đáng ngại.

Miêu Hiền Phi ôm công chúa khóc đến chết đi sống lại, Triệu Trinh cũng nước mắt tuôn đầy mặt, nghĩ đến mà sợ.

Tin tức này truyền ra, từ đó không ai dám nhắc đến việc công chúa hồi phủ.

Đương nhiên, thiên hạ lớn như vậy, không có khả năng mọi việc đều quay quanh gia đình đế vương, trong mùa xuân này còn xảy ra rất nhiều việc khác.

Đầu tiên là việc trải qua tranh luận kịch liệt, phương án công trình trị thủy rốt cuộc cũng đã được các chuyên gia xác định. Dưới sự cường điệu nhiều lần của Triệu Tông Tích, Âu Dương Tu, Trần Khác, các đại thần cuối cùng cũng đồng ý. Sở dĩ Hoàng Hà thường vỡ là do quá nhiều bùn cát lắng đọng lại bên trong lòng sông, khiến nước sông càng lúc càng nông, lòng sông càng lúc càng cao. Nếu như tùy ý để cho hạ du Hoàng Hà phân thành bắc lưu, trở thành hai nhánh chảy về hướng đông, thì tốc độ chảy của hai nhánh tất nhiên đều chậm lại, bùn cát lắng đọng tất nhiên sẽ càng nhiều, tai nạn cũng sẽ vì vậy mà xảy ra.

Bởi vì thế mà phương án chia làm hai nhánh đã bị loại bỏ, nhưng phương án bắc lưu Hoàng Hà mà phe Triệu Tông Tích kiên trì không có khả năng. Thứ nhất là liên quan đến việc phòng ngự đối với nước Liêu, dù thế nào quân thần triều Tống cũng không dám sở hữu cùng nơi hiểm yếu với người Khiết Đan. Thứ hai là, bắc lưu Hoàng Hà còn có thể làm cho sông Biện thiếu nước, nguy hiểm đến thủy vận của kinh thành. Cho nên phương án bắc lưu Hoàng Hà cũng bị loại bỏ.

Vì vậy việc chặn dòng chảy hướng Bắc, toàn lực khơi thông dòng chảy về hướng Đông là phương án duy nhất, nhưng thi công cụ thể như thế nào thì vẫn không tránh khỏi việc tranh luận kịch liệt.

Lúc này, viện quân Triệu Tông Tích cũng đã tới. Nhóm tiến sĩ năm Gia Hựu thứ hai cuối cùng cũng đã kết thúc ba năm đảm nhiệm bên ngoài, rất nhiều quan viên hồi kinh nhậm chức... Có người là thông qua các cuộc thi sát hạch, có người là trực tiếp được điều trở lại kinh thành, nhậm chức ở các bộ viện.

Nhưng quan viên hồi kinh này khoảng bảy tám mươi người, tạo ra nhiệm kỳ mới. Nguyên nhân là nhờ thái độ gièm pha thể Thái Học của Âu Dương Tu năm đó, quả thật là vì quốc gia tuyển được một số lượng lớn nhân tài. Thứ hai là do Hoàng thượng và Phú tể tướng cũng có ý định đó...

Trong những người này, hơn phân nửa là xuất thân từ ở Gia Hữu học xã. Tuy rằng trong đó có một bộ phận nịnh nọt đầu nhập phe Triệu Tông Thực, nhưng đại bộ phận mọi người vẫn lựa chọn ủng hộ Triệu Tông Tích. Đây hiển nhiên cũng là do đám người Chương Đôn nhiều năm qua đã tích cực bôn ba liên lạc, khiến phần lớn bọn họ trở thành người đảng Tân Học.

Đối với việc hoa màu của mình vươn ra đất người khác, Trần Khác cũng chỉ áp dụng thái độ ngầm đồng ý. Ai bảo hắn là tiến sĩ năm Gia Hữu thứ hai, nào có tư cách để các người cùng tuổi đầu nhập mình.

Trái lại người nhà Vương An Thạch là quan chủ khảo năm Gia Hữu thứ hai. Tuy rằng triều Tống nghiêm cấm lão sư nhận môn sinh, nhưng bọn Trần Khác khi gặp riêng lão, có ai không tôn kính mà xưng một tiếng "Lão sư"?

Hơn nữa Vương An Thạch tích dưỡng danh vọng nhiều năm, đã đến lúc phát huy. Tân Học của lão không chỉ có hệ thống hoàn thiện, ở trên phương diện chính vụ cũng rất có thành tích.

Thời gian ở địa phương, lão cho dù làm quan ở nơi nào, đều có thể giúp ngũ cốc bội thu, đêm không cần đóng cửa. Còn can đảm sáng tạo ra các cách hay như "Thanh miêu tiền", "Thủy lợi pháp". Lão được dân chúng cảm kích, được công khanh khen ngợi, mỗi khi rời chức đều có cảnh vạn dân đưa tiễn.

Đến Tam Ti mới nửa năm, Vương An Thạch còn thay đổi triều đình, thúc đẩy cải cách trà pháp.

Lúc trước triều đình đối với lá trà áp dụng chế độ bao thuế, đem quyền bán trà cho đại trà thương. Đại trà thương gia bao luôn đường tiêu thụ lá trà, cho dù chất trà ngon hay dở, thậm chí trộn lẫn cây cỏ, cũng không lo lắng nguồn tiêu thụ. Bởi vì dân chúng từ nơi khác không mua được trà, dĩ nhiên chỉ có thể mua trà thứ phẩm giá cao.

Kết quả như vậy, chính là dân chúng chịu tổn hại, triều đình oán trách, toàn bộ lợi nhuận thì thuộc về đại trà thương gia... Đương nhiên cũng là nguồn béo bở cho quan viên Hữu Ti.

Hiện giờ dưới sự thúc đẩy của Vương An Thạch, quan phủ bãi bỏ cách chuyên bán trà, đổi hướng thu thuế vườn trà, cho phép dân chúng có thể từ nam tới bắc tự do buôn bán lá trà. Kết quả trong vòng nửa năm, giá cả lá trà đã rớt xuống một nửa, chất lượng so với lúc trước thì tốt hơn nhiều, lượng tiêu thụ tự nhiên tăng vọt lên.

Mà thuế trà của triều đình, so với khi bao thuế ban đầu thì gấp năm lần. Từ hai triệu quan trực tiếp tăng lên tới chín trăm tám mươi triệu, làm cho Hoàng thượng với các tể tướng nhìn Vương An Thạch với cặp mắt khác!

Tuy rằng nhóm ngôn quan nói lão bóc lột quá nặng đối với vườn trà. Nhưng Triệu Trinh sai người đi thăm hỏi vùng vườn trà Kinh kỳ, Hồ Nam thì đại đa số lại phản ánh gánh nặng bây giờ so với lúc trước nhẹ hơn nhiều, có thể thấy được sự tất yếu của cải cách thuế trà.

Đương nhiên, các đại thương gia trà hận không thể lột da lão, những quan viên trông chờ vào trà thương hiếu kính cũng tức giận tới mức chửi bậy.

Nhưng những lái buôn buôn lậu được thả ra từ nhà giam lại rất cảm kích Vương An Thạch. Bọn họ khắp nơi tán dương lão là thánh nhân tái thế, quan viên trẻ tuổi lại khâm phục Vương An Thạch, xem lão có trái tim không hề sợ cường quyền, có lực xoay chuyển càn khôn. Điều này làm cho công tác của Chương Đôn trở nên đặc biệt đơn giản, giảm đi rất nhiều công phu miệng lưỡi, có thể làm cho các đồng niên của Gia Hữu học xã gia nhập vào hàng ngũ Tân đảng, cùng làm nghiệp lớn... Đương nhiên, Trần Khác dù sao cũng là người sáng lập Gia Hữu học xã, lại là Trạng Nguyên trong một khoa, giữ chức quan cao nhất trong đám đồng niên, lại có thể nói là mặc chung một cái quần với Triệu Tông Tích, cho nên mọi người vẫn như là Thiên lôi sai đâu đánh đó cho hắn... Nói một cách khác, đối với những người cùng năm mà nói, Vương An Thạch là giáo sư, mà hắn là lớp trưởng.

Tuy nhiên, Trần lớp trưởng cũng không thành thật như vậy. Trong ban này, bạn bè ngoan cố của hắn cũng không ít. Ngoại trừ những đồng hương có liên quan, còn có huynh đệ Tăng gia, đám người Giáp Đản. Nếu lão sư và lớp trưởng xung đột, cũng sẽ giúp lớp trưởng cùng nhau đánh giáo sư...

Được rồi, đây đều là những lời ngoài lề.

Trở lại chủ đề chính, Trần Khác đem đám người Giáp Đản đề cử cho Triệu Tông Tích. Giáp Đản là một thiên tài thủy lợi, ba năm nay đều luôn ở tại Hà Bắc. Gã vận dụng thời gian rảnh rỗi tiến hành khảo sát dọc theo hai nhánh sông, đối với việc làm thế nào để tu sửa sông, gã đã sớm có dự định trước.

Giáp Đản thấy phương án chính xác nhất đương nhiên là để sông bắc lưu, nếu chảy về hướng đông sẽ xảy ra vấn đề lớn... Trần Khác sở dĩ biết hiện tại đường sông chảy về hướng đông, cũng là đường xưa của triều Hán, đây là do Giáp Đản khảo chứng.

Nhưng công trình trị thủy không chỉ đơn thuần là vấn đề công trình. Hiện tại chỉ có thể làm sông đông lưu, Giáp Đản đương nhiên muốn tận sức bổ cứu, giúp cho phương án này xem như cũng miễn cưỡng có khả năng.

Kỹ thuật thì có Giáp Đản ủng hộ, Triệu Tông Tích trong triều nghị hiển nhiên rất là thông thạo.

Lúc ấy, ý kiến chủ yếu trong triều là sau khi làm tốt đê đập dòng chảy về hướng đông, liền lập tức ngăn chặn dòng chảy hướng Bắc, làm cho Hoàng Hà tận lực chảy về hướng đông. Toàn bộ công trình như vậy tốn khoảng nửa năm, dân phu cần thiết là ba trăm ngàn người, có lẽ không vượt qua dự tính.

Quan trọng nhất là sáu tháng cuối năm có thể hoàn thành, không đến mức làm chuyện tốt cho người khác.

Làm người phát ngôn ý kiến chủ lực, Triệu Tông Thực liền toàn lực ủng hộ phương án này.

Nhưng Triệu Tông Tích liền đến Lục Sơ khuyên can, y nói:

- Thần nghĩ quan lại nóng lòng chặn dòng bắc lưu, chỉ e rằng hao phí công sức tiền tài nhưng không thể thành công. Hoặc có thể hoàn thành, nhưng dòng chảy về hướng đông hẹp, đê chưa hoàn thành, sẽ gây nên việc tràn ra. Như vậy mặc dù trừ được tai họa của đường tây, nhưng mà hại đường đông, không phải là kế sách hay. Cần phải bảo vệ đê trên cùng với đê của hai nhánh sông...

Đây là "Cách tăng thủy từng bước" do Giáp Đản đề xuất.

Nói thẳng ra chính là ở phía tây hai nhánh sông bố trí ước... "Ước" ở đây chính là đê... Lấy việc giảm bớt lượng nước chảy về phía bắc, gia tăng lượng nước chảy về phía đông. Đợi nước chảy về phía đông dần dần sâu, dòng chảy hướng bắc cạn lại thì lập tức ngăn bắc lưu, xả nước sông Hồ Lư và sông Ngự trước đó bị đảo dòng để Hoàng Hà bắc lưu, từ đó xóa sổ lũ lụt phía tây vùng Ân, Ký, Thân, Doanh.

Crypto.com Exchange

Hồi (1-355)


<