Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Nhất phẩm giang sơn - Hồi 171

Nhất phẩm giang sơn
Trọn bộ 355 hồi
Hồi 171: Con bướm trong trận chiến bảo vệ Địch Thanh
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-355)

- Ngươi cười cái gì?

Địch Tư chưa từng qua lại với Trần Khác, nhìn thấy hắn bất kính với cha như thế, trong lòng tự nhiên có chút bất mãn.

- Ta cười Nguyên soái anh minh một đời, không ngờ hồ đồ chỉ trong chốc lát!

Trần Khác không nhìn y, chỉ nhìn chằm chằm vào Địch Thanh nói.

- Hỗn xược!

Địch Tư quở trách Trần Khác.

- Im ngay.

Địch Thanh liếc mắt một cái rồi nói:

- Các ngươi ra ngoài cả đi.

- Vâng, phụ thân...

Địch Tư cúi đầu buồn bã, cùng Địch Vịnh lui ra ngoài.

- Tam Lang, ngươi thử nói ta hồ đồ chỗ nào?

Trong phòng lúc này chỉ còn có hai người bọn họ, Địch Thanh mới hỏi Trần Khác.

- Biết rõ người muốn hại ngài là Văn Ngạn Bác.

Trần Khác cười nhạt nói:

- Ngài còn tin vào những lời nói xằng bậy của ông ta, chẳng phải là quá hồ đồ hay sao?

- Cái gì?

Địch Thanh không tin nói:

- Ta và Văn tướng công trước giờ không thù không oán, ông ấy làm sao có thể hại ta được?

- Trời...

Trần Khác cuối cùng cũng hiểu tại sao Địch Thanh lại bị Văn Ngạn Bác đánh bại dễ dàng như vậy... Theo hắn nhận thấy, vị tướng quân này trên sa trường bách chiến bách thắng, song trên con đường chính trị thì đến điểm cơ bản cũng không đạt được.

Nhưng Trần Khác đây là chỉ trích người xưa rồi, cần phải biết rằng, ngoài hắn và vị tướng công ngoan cố (*) coi trời bằng vung kia trong tương lai, bất cứ ai cũng không thể không gặp phải những lúc như thế này, Địch Thanh đương nhiên không ngoại lệ.

(*) "Áo tướng công": nghĩa là tướng công ngoan cố, ý chỉ Vương An Thạch đời Tống. Ông rất cố chấp, không cho phép bất kỳ ai phản đối chính sách của mình. Vì bất chấp tất cả để cải cách chính trị nên dùng người không đúng, gây ra nhiều tai họa cho nhân dân, do đó người ta rất hận ông. - BTV

Trước triều Tống, địa vị của các võ tướng luôn áp đảo các quan văn. Dã tâm của bọn họ vô cùng lớn, tích cực tham gia chính trị, thậm chí có thể tiêu diệt Hoàng đế, trong lịch sử từ trước tới nay đều là do bọn họ thao túng. Nhưng triều Tống đúc kết kinh nghiệm từ thời Ngũ Đại (gồm hậu Lương, hậu Đường, hậu Tấn, hậu Hán và hậu Chu) trước kia, thêm vào đó là sự việc Triệu Khuông Dận chiếm ngôi bất chính, cho nên để tránh lặp lại chuyện này, phải bắt đầu có sự đề phòng nghiêm ngặt đối với các võ tướng. Nhưng bởi vì bản thân Triệu Khuông Dận cũng là một vị tướng đứng đầu, cho nên có thể cân bằng lực lượng hai bên văn võ, khiến cho văn thần võ tướng làm tốt trách nhiệm của mình.

Nhưng đến thời Thái Tông, tình hình hoàn toàn biến chuyển xấu đi. Bởi vì Triệu Quang Nghĩa giết anh đoạt vị, hơn nữa trước khi y làm Hoàng đế đã bị Triệu Khuông Dận cách ly với quân đội, khiến y phải đề phòng những kiêu binh mãnh tướng mà Thái Tổ lưu lại, y xem đó là việc vô cùng quan trọng liên quan tới an nguy ngôi vị Hoàng đế. Mặc dù việc xuất chinh dùng binh, đóng quân phòng ngự chủ yếu vẫn do tướng lĩnh phụ trách, số quân trong viện Xu Mật cũng phải tiếp tục được duy trì ở mức cao, nhưng cách tuyển chọn người đã hoàn toàn thay đổi.

Như chức Trưởng nhị (ý chỉ phó chức) ở viện Xu Mật, tướng lĩnh của cấm vệ quân và thống soái tiền tuyến, đa phần đều là thân tín bất tài của Tống Thái Tông. Những người sử dụng như Vương Hiển, Sài Vũ Tích, Trương Tốn, Dương Thủ Nhất, vv... đều là thân tín trước kia mà vua cử đi trấn giữ các nước chư hầu, danh là võ tướng nhưng hầu như chưa có kinh nghiệm chiến trường. Lý do duy nhất để họ có được quyền thống soái chính là lòng trung thành đáng tin cậy. Kì thực đa số đều là những đồ hèn hạ tầm thường, cho dù nắm trong tay thiên binh vạn tướng thì lúc lâm trận cũng sợ hãi vô cùng, thậm chí còn có những kẻ tham lam, hiểm ác, quen thói xu nịnh.

Trong khi đó lấy Tào Bân, Phan Mỹ là đại diện cho các công thần khai quốc, để tránh "công cao lấn chủ" nên chỉ nghe theo lời sai bảo của Thái Tông, thậm chí biết rõ thánh chỉ vô lý cũng không dám cãi lời, mà lấy cái chết của binh sĩ để tự bảo toàn... Cuộc chiến Ung Hi Bắc phạt cũng chính vì đó mà thất bại, Dương Nghiệp cũng vì đó mà chết. (*)

(*) Làm quan ở thời Tống không chỉ có vinh quang, còn gặp rất nhiều nguy hiểm, các chế độ đều hạn chế thành tựu của tướng lĩnh. Tướng lĩnh có thành tựu nhất đều xuất hiện khi sự khống chế của triều đình suy yếu, ví dụ như Dương Nghiệp - người kiến lập Bắc Tống. Song những người làm việc xuất sắc đều bị các quan khác tẩy chay và triều đình hiềm nghi.

Thời Thanh có người từng chỉ ra:"Tào Bân khiêm tốn nên không kể công, chính là vì tránh quyền, Phan Mỹ không cứu Dương Nghiệp chính là vì tránh công. Vì tránh công mà không thân với sĩ binh, bại thì không nói, còn thắng lại thấy bất an; đổi lấy cái chết của sĩ binh để tự bảo toàn." – BTV.

Còn những tướng quân không có đầu óc chính trị, vẫn dũng cảm tiến lên như Quách Tiến, Dương Nghiệp, Hô Diên Tán, hoặc là chết thảm, hoặc là bị cách chức, tất cả đều rơi vào tình cảnh đáng buồn.

Trong bối cảnh Triệu Quang Nghĩa ra sức chèn ép các võ tướng, bắt các võ tướng phải đi vào khuôn phép từ tận cốt tủy, cúi đầu ngoan ngoãn nghe theo. Lần này Văn Ngạn Bác dùng bức thư mập mờ này chính là muốn đánh đổ Địch Thanh, thật ra đây không phải là sáng kiến của Văn Ngạn Bác, cách làm này chính là học từ người đi trước... Tống Thái Tông trị quốc thái bình ba năm, con trai của Lý Nhược Ngu - phán quan tiết độ Tần Châu là Lý Phi Hùng giả danh là sứ thần tuần biên do thiên tử sai phái, dẫn theo mấy người tùy tùng lập tức đi về phía tây đến Tần Châu. Dù Lý Phi Hùng không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh thân phận, vậy mà bọn tướng lĩnh ở đó cũng ngoan ngoãn cúi đầu nghe theo, cam tâm chịu trói, bị một mình y cướp lấy quyền khống chế quân binh.

Sự việc này cho thấy sự khuất phục hèn hạ của các võ thần bọn họ, tố chất dũng mãnh nên có hầu như đã đánh mất, mà Địch Thanh cho dù kiệt xuất hơn người cũng không có cách nào thoát khỏi những khuôn phép cũ này, cho nên dù khẩu lệnh của Tể tướng chưa được thông qua thì phản ứng đầu tiên của ông cũng chính là tiếp nhận mà không có nghi ngờ gì.

....

Cũng may con bướm Trần Khác này xuất hiện đúng lúc, hắn thở dài nói:

- Hận thù không nhất định phải mặt đối mặt mới hình thành, sự tồn tại của ngài đối với Văn Ngạn Bác mà nói chính là một sự xúc phạm. Mọi người thường lấy Nguyên soái so sánh với lão, năm đó thu phục thành Bối Châu, Văn Ngạn Bác giữ chức Tể tướng, dựa vào cái gì mà so sánh với việc Nguyên soái bình định toàn bộ phương nam? Lừa đời lấy tiếng, hữu danh vô thực! Chỉ cần Nguyên soái còn, cả người lão liền cảm thấy khó chịu.

- Ôi.

Ngay lúc này, Địch Thanh còn nói giúp cho Văn Ngạn Bác:

- Tể tướng trong bụng không có ý đồ gì, ông ta sao có thể nhỏ nhen như thế được?

- Nguyên soái có biết hay không.

Trần Khác buồn bã nói:

- Sau khi ngài kêu oan trước mặt thánh thượng, lão từng tấu trình với triều đình đúng không?

- Ta biết.

- Nội dung bản tấu đó là gì?

- Ngoại thần thì làm sao biết được?

Địch Thanh lắc đầu nói. Coi nhẹ hoặc nói là không dùng thủ đoạn ám hại chính là nguyên nhân tại sao ông lại bị Văn Ngạn Bác chơi xỏ.

Trần Khác kể lại cho Địch Thanh nghe những lời nói như "Địch Thanh là trung thần.", "Thái Tổ lẽ nào không phải là trung thần của Chu Thế Tông?". (*)

(*) Khi đó Văn Ngạn Bác chủ trì quốc chính, kiến nghị để Địch Thanh giữ chức Tiết độ sứ của hai trấn, đẩy ông ta ra ngoài thành. Địch Thanh tự trần thuật:" Ta không có công lao mà lại để ta làm Tiết độ sứ hai trấn. Ta không có tội, vậy mà lại đẩy ta ra ngoài quản lý vùng khác."

Văn Ngạn Bác vào cung gặp Hoàng đế, Hoàng đế nói lại câu này, hơn nữa còn nói thêm:"Địch Thanh là trung thần.", còn Văn Ngạn Bác thì nói:" Thái Tổ chẳng lẽ không phải là trung thần của Chu Thế Tông sao?". Địch Thanh không hề biết chuyện này. – BTV

Địch Thanh nghe xong sởn tóc gáy. Tể tướng trụ cột của một quốc gia không ngờ phải dựa vào những cách như này mới biết nội tình về chính mình, thật đáng buồn... Bọn quân tử luôn mồm phải chính đại quang minh, lẽ nào những chuyện mờ ám như vậy lại coi là quang minh chính đại sao? Chỉ tiếc là trên thế gian này, những người thật sự quang minh chính đại lại là những người dễ bị hại nhất.

- Triều đình rốt cục muốn thế nào?

Trầm tư một lúc lâu, Địch Thanh mới nhìn về phía Trần Khác.

- Triều đình không tin vào những lời nói xằng bậy của Văn Ngạn Bác, nhưng những người muốn buộc tội ngài thì rất nhiều, tám phần đều muốn ngài rời khỏi kinh thành để tranh chấp kết thúc.

Trần Khác nói chắc chắn.

- Tại sao?

Địch Thanh băn khoăn hỏi.

- Nhìn chung, từ khi Khánh Lịch tân chính tới nay, tư tưởng chấp chính trong triều đình đó là: nhiều chuyện không bằng ít chuyện, ít chuyện không bằng không có chuyện gì.

Trần Khác phân giải cho ông:

- Nếu để triều đình phát hiện sự tồn tại của ngài là nguyên nhân gây lên sự rối loạn trong tập đoàn quan văn, lão tất nhiên sẽ có huynh hướng đổ oan cho một mình ngài, lấy đó để an ủi toàn bộ tầng lớp quan văn mà không phải đối đầu với tập đoàn quan văn kèm hai bên Hoàng đế.

- Để Tam Lang nói như thế.

Địch Thanh sau khi nghe xong, vẻ mặt uể oải nói:

- Ta nên biết điều mà từ chức, để quân vương khỏi phải ưu phiền...

- Vậy là tấm lòng của cháu nói cả buổi đều vô ích rồi.

Trần Khác gượng cười nói:

- Nguyên soái nói một đàng làm một nẻo, thật sự làm cho người khác thất vọng. Tháng trước cháu khuyên ngài nên chủ động từ chức, ngài còn nói cái gì ấy nhỉ? Nói rằng phải làm gương cho những kẻ hèn hạ trong thiên hạ, cho nên ngài phải kiên trì đến cùng. Những lời nói chuẩn xác lúc ấy vẫn như còn vang vọng bên tai, làm sao bây giờ lại là biết điều mà từ chức?

- Ta lúc đầu chỉ nói bất luận như thế nào, triều đình cũng sẽ ủng hộ ý kiến của ta.

Địch Thanh mặt đỏ tía tai nói:

- Ai mà biết được chính ta lại là mối phiền phức của triều đình.

- Lẽ nào trên sa trường, Nguyên soái chưa chiến mà đã khiếp sợ rồi sao?

Trần Khác nói:

- Nhận thấy kẻ địch hùng mạnh quá mức, vội bỏ lại binh lính của chính mình mà chạy trốn?

- Dĩ nhiên không phải thế!

Địch Thanh dường như bị chạm tới lòng tự tôn, lớn tiếng nói:

- Địch Hán Thần ta cả đời chinh chiến, chưa bao giờ bỏ rơi thuộc hạ!

- Nhưng bây giờ ngài đang là lính đào ngũ.

Trần Khác tiến tới nói:

- Những người được ngài khích lệ, được ngài cổ vũ, bây giờ đều mất hết lý tưởng, mất hết mục tiêu, mất đi cả niềm hi vọng trong cuộc sống, biến thành những kẻ vô tích sự vô cùng đáng thương!

Lời của hắn như hồi chuông sớm đánh trúng tâm can Địch Thanh khiến những ưu tư lo sợ, nỗi thất vọng chất chứa trong lòng dần dần như được trút bỏ hết. Địch Thanh sững sờ một lúc lâu, rồi nói giọng khàn đục:

- Nếu không có Tam Lang hết lời khuyên bảo, Địch Thanh đã mấy lần sai lầm rồi!

Thấy Địch Thanh cuối cùng đã hiểu ra mọi chuyện, giọng của Trần Khác cũng dịu xuống, cười nói:

- Người trong cuộc thường u mê, người ngoài dễ nhìn nhận ra vấn đề hơn.

- Tam Lang khiêm tốn rồi.

Tinh thần Địch Thanh cuối cùng cũng phấn chấn hẳn lên, ông suy xét lại tình cảnh của chính mình rồi nói:

- Ta bây giờ nên làm thế nào?

- Lấy cái bất biến đối phó với vạn biến.

Trần Khác cười nói:

- Nguyên soái nhiều công trạng, ngài không chủ động từ chức, ai cũng phải đành chịu.

- Lẽ nào muốn chết mà không được?

Địch Thanh cười khổ nói, con người sống còn thể diện, cây sống còn có vỏ, ông không muốn bị người đâm sau lưng, mắng chửi là người mê làm quan.

- Đường làm quan có tiến có lui, nên cũng có học vấn.

Trần Khác hạ giọng nói:

- Nguyên soái thông thuộc binh pháp, vì sao không kinh doanh trong quan trường? Hiện nay Nguyên soái đang lập lên một cuộc chiến tranh, để xem xét kĩ tình hình địch - ta, ngài xem, chúng ta nên ứng đối như thế nào?

- Như vậy có thể sao?

Nói đúng sở trường, Địch Thanh nhanh chóng bắt được nhịp, nói:

- Nếu so với chiến tranh, ta bây giờ chỉ đơn phương độc mã xâm nhập, sau không có quân viện trợ, địch đông ta ít, tuyệt nhiên không có sức phản kháng.

- Vậy nên ứng phó như thế nào?

Trần Khác trầm giọng hỏi.

- Lúc này, nên tránh sự hi sinh vô nghĩa, nhanh chống rút khỏi tuyến trước, khai thông hậu viện, củng cố đầu trận tuyến, lập lại kế hoạch.

Địch Thanh kì quái nói:

- Nói như vậy, ta phải rời kinh?

- Không thể rời kinh.

Trần Khác lắc đầu nói:

- Nếu rời kinh thành, những người đó có một trăm cách để ngài chết không minh bạch.

- Vậy nên làm thế nào?

- Từ chức không rời kinh.

Trần Khác trầm ngâm nói:

- Nói thẳng ra là, Văn Ngạn Bác vội vã gạt ngài ra khỏi triều đình như vậy, phải có một mục đích sâu sa hơn, đó là để Hàn Kỳ lên làm Xu Mật Sứ, đây là cách để bọn chúng liên kết lại đối đầu với tướng công Cổ Xương Triều. Cho nên Văn Ngạn Bác phải có được vị trí này, Hàn Kỳ cũng cần. Dù sao chức Xu Mật Sứ giống như con rối này cũng không làm được gì, Nguyên soái cứ nhường lại vị trí này nhưng phải đưa ra điều kiện...

- Điều kiện? Từ chức nhưng không rời kinh sao?

Địch Thanh gượng cười nói:

- Ta là Xu Mật Sứ, nếu ở trong kinh quan thì chỉ có thể làm Tể tướng...

Điều này hiển nhiên là không có khả năng.

- Không có cơ hội thì có thể tạo ra cơ hội mà.

Trần Khác nói với ý nghĩ khó hiểu:

- Nguyên soái đi dạy học thì thế nào?

- Hả...

Địch Thanh chờ mong mòn mỏi, tưởng rằng hắn đưa ra ý kiến hay, ai ngờ... Ông nghe xong cười nói:

- Tam Lang nói đùa rồi, ta vốn dĩ là con nhà võ, chẳng phải sẽ làm mất tương lai của thế hệ sau hay sao?

- Lẽ nào chỉ có văn nhân mới được dạy học?

Trần Khác điềm đạm nói:

- Người luyện võ lại không được sao?

Crypto.com Exchange

Hồi (1-355)


<