Vay nóng Tima

Truyện:Nhạc Phi diễn nghĩa - Hồi 17

Nhạc Phi diễn nghĩa
Trọn bộ 80 hồi
Hồi 17: Nữ anh hùng trấn giữ Lưỡng Lang quan - Thúc Dạ trá hàng, dâng Hà Giang Phủ
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-80)


Ngũ quân Đề Đốc nghe chư tướng nói như vậy đáp:

- Chư tướng đề nghị như vậy cũng phải, song chồng con ta đã chết về tay Phiên nô, thù ấy không đội trời chung, ta đã có cách phá tan bọn Phiên quân tàn bạo.

Mọi người im lặng, phu nhân lại truyền lệnh:

- Chư vị hãy tuân lệnh ta thi hành cho nghiêm cách mới được. Nơi Tam Sơn khẩu đã có bố trí sẵn súng thần công. Bây giờ phải đem hết thiết hỏa xa ra đó để làm chướng ngại vật cản đường tiến của quân địch. Khi chặn được địch rồi thì phải nhả đạn trước sau cho đều chớ để một tên nào tẩu thoát, nhớ chưa?

Chư tướng đồng thanh tuân lệnh đi bày trí đâu đó xong xuôi thì phu nhân cũng kiểm điểm binh mã, đội ngũ chỉnh tề kéo binh ra ngoài thành lập trận thế.

Ngột Truật xem thấy phu nhân oanh oanh liệt liệt, chép miệng khen thầm:

- "Hèn chi thiên hạ đồn chẳng sai, rõ ràng là trang nữ trung hào kiệt".

Lương phu nhân thấy Ngột Truật nhìn sững liền quát lớn:

- Tên mọi kia, ra trận sao không xưng tên còn đứng đó sao?

Ngột Truật đáp:

- Đại Kim Quốc, tứ điện hạ Xương Bình Vương Tảo Nam đại nguyên soái, Hoàn Nhan Ngột Truật chính là ta, còn ngươi là ai hãy xưng tên ra trước đây cho thiên hạ biết.

Ngột Truật lại nói:

- Ta hằng nghe ngươi là một tay võ nghệ cao cường tinh thông thao lược nhưng nay ta cử đại binh thi hành theo thiên mạng chiếm đoạt giang san nhà Tống, chẳng khác đá kia đem đi chọi trứng, nội nay mai Biện Kinh sẽ thuộc về tay ta. Nếu ngươi thức thời hãy tuân theo mạng trời quy hàng cho sớm thì mạng ngươi được bảo toàn mà chức Ngũ Quân đô đốc của ngươi cũng không mất. Ngươi hãy chọn một đường mà đi kẻo ăn năn không kịp đấy.

Lương phu nhân nghe mấy lời ngạo mạn nổi giận mắng:

- Loài mọi Phiên, chồng con ta đã vì mi bỏ thây trong Phiên trại, ta hận vì chưa bắt được mi để ăn gan cho hả giận nên quyết đến đây liều sinh tử một phen. Mi đừng uốn ba tấc lưỡi đối với ta vô ích.

Ngột Truật cười gằn:

- Ai giết chồng ngươi để làm gì? Ta chỉ truyền lệnh vây chặt trong dinh ta đó thôi, nếu ngươi bằng lòng quy hàng ta sẽ trả chồng con ngươi ngay tức khắc.

Lương phu nhân không tin hết lớn:

- Đừng nói dối, hãy xem ngọn thương của ta đây.

Vừa nói phu nhân vừa vung thương đâm thẳng. Ngột Truật đưa búa ra đỡ rồi tiếp đánh.

Hai người đánh nhau chừng năm hiệp vẫn chưa phân thắng bại nhưng xét thấy nữ nhi chống với anh hùng được sao? Lương phu nhân liệu bề đánh không nổi nên quay ngựa chạy lui vào ải.

Ngột Truật vỗ ngựa rượt theo. Khi quân Phiên đến gần trước ải, Lương phu nhân truyền lệnh nổ súng thần công và xô thiết hỏa xa ra cản đường.

Chư tướng vâng lệnh cho nổ súng vào đám quân Phiên. Đột nhiên một tiếng sét nổ vang lên long trời lở đất, khói bốc lên chín tầng mây loang ra ngoài mấy dặm.

Trước cảnh tượng ấy ai nấy đều kinh hồn táng đỏm. Khi bình tĩnh lại thì thấy mấy khẩu thần công đều toác miệng ra làm đôi, cửa ải bị vỡ toang, tạo thành một con đường lớn chạy thẳng tắp vào ải.

Cho nên đời sau thiên hạ thường có câu: "Lôi chấn Tam Sơn khẩu, pháo toạc Lưỡng Lang quan" nghĩa là trời đã giúp quân Phiên phá súng, mở đường cho Ngột Truật xua quân theo đại lộ tràn vào ải.

Lương phu nhân thấy lòng trời giúp cho Ngột Truật nên chép miệng thở dài than:

- Thôi thế này thì khí số nhà Tống đã hết rồi.

Bà không chần chừ vội quất ngựa chạy thẳng vào rừng. Thật từ khi bà biết cầm thương lên ngựa đến giờ chưa khi nào thảm bại một cách kinh khủng như chuyến này.

Bà chạy một đỗi xa xa đến một lùm cây rậm rạp muốn tìm chỗ nghỉ ngơi đôi chút, bỗng nghe có tiếng gọi văng vẳng:

- Phu nhân ôi, công tử ở đây này, xin phu nhân hãy xuống ngựa vào đây.

Phu nhân nghe vậy vội gò cương nhìn vào lùm cây rậm kia thì rõ ràng hai vợ chồng người vú con đang bồng công từ. Bà vội xuống ngựa chạy đến bồng con hôn và khóc một hồi.

Vợ chồng người vú hỏi:

- Chẳng hay phu nhân ra trận thắng bại thế nào?

Phu nhân lắc đầu đáp:

- Trời đã giúp cho kẻ địch chiếm cứ thành trì rồi. Ta chắc lão gia và con ta khó toàn mạng được. Bây giờ chưa biết chúng ta phải nên ẩn trú nơi nào?

Nói đến đây phu nhân tủi lòng rơi lụy, than thở cùng vợ chồng người vú trong rừng rậm rất bi thảm.

Trong lúc ấy Hàn Thế Trung còn đang mắc trong vòng vây đánh phá tứ tung mà không sao thoát ra được.

Trong cơn lúng túng, thoạt trông thấy vòng vây địch quân nới lỏng dần, quân vây trở nên thưa thớt. Hàn Thế Trung lấy làm mừng rỡ nhưng nguyên soái có biết đâu Ngột Truật đã cầm chân nguyên soái để tràn vào chiếm cứ ải quan. Trong lúc ấy ải quan đã thất thủ rồi mà Hàn Thế Trung lại mừng rỡ, nỗ lực phá vòng vây tẩu thoát.

Nguyên soái chạy được một quãng xa chợt thấy một viên tướng Phiên đang cố rượt bắt một tên tiểu tướng, Hàn Thế Trung nhìn kỹ thì viên tiểu tướng kia chính là Đại công tử con mình.

Nguyên soái mừng rỡ reo lên:

- Hãy chạy đến đây, có cha đây này.

Công tử cứ việc chạy và la to:

- Cha ôi, tướng Phiên ấy võ nghệ cao cường quá, con đánh không lại hắn.

Hàn nguyên soái vội thúc ngựa chạy đến rồi dồn thần lực chém xuống một dao vang lên tiếng kêu, tưởng đối phương đã phải rụng đầu, ngờ đâu lưỡi đao lại tỏa ra một luồng bạch quang dội ngược lại suýt nữa bị rời khỏi tay.

Nguyên soái Hàn Thế Trung thấy thế thất kinh quất ngựa cùng con chạy dài. Vừa chạy vừa nghĩ:

- "Thế thì thần thánh đã yểm hộ cho tướng Phiên này rồi".

Thật vậy, tướng ấy chính là Kỳ Ốc Ôn Thiết Mộc, ngày sau sinh hạ ra Hốt Tất Liệt danh vang trong hoàn vũ, đánh chiếm gần hết nước Nga, Ba Tư, Ấn Độ, thâu Kim, diệt Tống, đoạt Trung Nguyên, sáng lập nhà Nguyên.

Tướng Phiên ấy bị Hàn nguyên soái chém xuống đầu một dao thình lình, lấy làm kinh khủng nên hắn quay ngựa trở về dinh chứ không rượt theo nữa.

Còn Hàn nguyên soái và công tử hiệp lực giải phá vòng vây chạy thẳng về ải, bỗng thấy trên ải toàn là cờ đề hiệu Kim Phiên bay phất phới. Hai cha con lại thất kinh chạy tuốt vào rừng.

Vừa ngang qua lùm cây rậm chợt nghe có tiếng phu nhân gọi:

- Tướng công, tuớng công, thiếp ở đây này.

Hàn Thế Trung nửa mừng nửa tủi vội xuống ngựa bước tới nắm tay phu nhân mừng rỡ. Công tử cũng lật đật xuống ngựa mừng mẹ. Nguyên soái hỏi:

- Vì cớ gì ải quan bị thất thủ?

Phu nhân đáp:

- Tôi nghe quân chạy về báo rằng tướng công đã tử trận nên quyết ra binh báo thù, ngờ đâu trời xui cho sét đánh họng súng thần công toác làm đôi trên Tam Sơn khẩu, khai đường tại Lưỡng Lang quan nên mới ra nông nỗi này.

Nguyên soái nghe nói thở dài đáp:

- Lòng trời đã vậy thì dù cữong cũng không được.

Phu nhân hỏi:

- Nay quan ải đã thất thủ rồi chúng ta đi đâu bây giờ?

Hàn nguyên soái đáp:

- Chúng ta phải trở về Biện Lương vào yết kiến thánh thượng xem thánh thượng chỉ dạy thế nào.

Thế rồi vợ chồng nguyên soái cùng hai con và hai vợ chồng người vú ra đi nhắm hướng Biện Kinh thẳng tới.

Đi vừa đến sông Hoàng Hà bỗng gặp quan khâm sai đệ thánh chỉ ra. Vợ chồng nguyên soái cùng quì lạy tiếp thánh chỉ. Quan khâm sai giở chiếu ra đọc:

- Hàn Thế Trung thất thủ Lưỡng Lang quan thật đáng tội, song bởi xét công trạng trước đây nên tha khỏi tội chết, phải cất chức trở về làm dân.

Vợ chồng cùng lạy tạ ơn thánh thượng rồi giao hai cái tướng ấn lại cho quan khâm sai, dẫn nhau nhắm hướng Hiệp Tây trở về quê cũ.

Nói về Ngột Truật, khi vào Lưỡong Lang quan an dinh hạ trại xong lập tức kiểm điểm lương thảo cùng khí cụ trong kho lại thấy thiết hỏa xa chẳng biết dùng để làm gì nên vội hỏi quân sư:

- Ai chế ra loại xe này và dùng để làm chi vậy?

Quân sư tâu:

- Những xe ấy là của Hàn Tín từ đời Tây Hán chế ra dùng để vây Sở Bá Vương, nay chúa công lấy được ải này mà không bị nó cản trở thật là hồng phúc của chúa công lớn lắm đấy.

Ngừng một lát quân sư tiếp:

- Nay trời giúp ta lấy được ải này, vậy chúa công hãy thừa thế tiến quân lấy luôn Hà Giang phủ. Được như vậy thì chúng ta chỉ còn qua con sông Hoàng Hà là thẳng đường đến Biện Lương, chẳng còn quan ải nào ngăn cản nữa cả.

Ngột Truật cả mừng cho người ở lại trấn giữ thành Lưỡng Lang rồi truyền lệnh kiểm điểm lương thảo, chỉnh đốn binh mã nhắm Hà Giang rầm rộ kéo đến.

Tướng giữ Hà Giang phủ là tiết đạt sứ Trương Thúc Dạ thình lình nghe quân báo Lưỡng Lang quan đã thất thủ, lại nghe Ngột Truật sắp kéo binh đến trong lòng vô cùng bối rối nghĩ thầm:

- "Mưu lược như Lục Đăng mà giữ không nổi lộ An Châu, tài trí có thừa như vợ chồng Hàn Thế Trung lại thêm có súng thần công, thiết hỏa xa mà vẫn bị thất thủ Lưỡng Lang quan, huống hồ ta đây tài cán bao nhiêu làm sao giữ nổi Hà Giang phủ này?

Nghĩ đoạn triệu tập chư tướng đến bàn bạc, Trương Thúc Dạ nói:

- Quân Phiên quá hùng mạnh và đông ngót năm mươi vạn lại thêm nhiều tướng kiêu dũng như thiên thần, nếu ta cố tình kiên trì cố thủ thành này chắc chắn khác nào lấy trứng chọi đá, đem số binh sĩ ta hy sinh một cách vô ích. Chi bằng hễ ngộ biến thì phải tòng quyền, ta nên tạm đều Kim Phiên để bảo toàn bá tính. Rồi đợi chúng nó kéo quân qua sông Hoàng Hà ta thừa thế chặn chỗ yếu địa phản công kịch liệt, Ngột Truật ắt phải thua. Lúc ấy chúng muốn rút lui lại phải chạy ngang qua đây chứ không còn đường nào khác nữa. Ta sẽ đem quân chặn đánh một trận tơi bời thế nào cũng bắt được Ngột Truật. Vậy chư tướng hãy nghe theo lời ta cắm cờ hàng trên thành cho sẵn, đợi quân Phiên đến đây giả kế quy hàng.

Chư tướng vâng lệnh sắp đặt việc đầu hàng Kim Phiên.

Tướng Trương Thúc Dạ giữ ải này có hai người con trai: đại công tử tên là Trương Lập vóc dáng to lớn, mình cao hơn trượng, mặt vuông tai lớn, nhị công tử tên Trương Dụng thân hình cũng to lớn, mắt đen láy. Cả hai sức mạnh phi thường đều dùng côn sắt làm binh khí.

Hôm ấy hai anh em đang ở trong phòng học tập thấy đã quá giờ ngọ mà không thấy thư đồng mang cơm vào. Trương Dụng nói với anh:

- Tại sao hôm nay cơm nước lại trễ như thế? Lẽ nào tên đầu bếp lại quên chúng ta sao?

Trương Lập đáp:

- Chính anh cũng lấy làm thắc mắc.

Hai anh em đang nói chuyện bỗng thấy thư đồng bưng cơm vào, Trương Lập hỏi:

- Tại sao hôm nay cơm nước lại trễ như vậy?

Trương Dụng xen vào:

- Chắc ngươi mải lo chơi bời nên quên mang cơm cho anh em ta chứ gì? Thật tội ngươi đáng đánh đòn lắm.

Thư đồng thưa:

- Thưa hai cậu, tuy bữa nay trễ mà còn có cơm, sợ vài hôm nữa không có mà ăn mới khổ cho chứ.

Nghe lời nói trái tai Trương Lập mắng:

- Hôm nay ngươi điên rồi sao lại nói bậy quá vậy? Việc gì đến nỗi không có cơm ăn?

Thư đồng thưa:

- Hai cậu mải lo học tập trong phòng làm sao biết được mọi việc xảy ra ở bên ngoài? Tôi cho hai cậu biết, Kim Phiên đã cử đại binh xâm lấn bờ cõi ta. Chúng hạ xong lộ An Châu và Lưỡng Lang quan, nay mai sẽ kéo binh đến đây. Lão gia lấy làm kinh sợ nên bàn với chư tướng lo việc dâng phủ Hà Giang này mà đầu hàng quân giặc. Thiên hạ cả phủ này đều xôn xao hoảng loạn tới lui rộn rịp, không làm chi được nên mới trễ cơm như vậy. Nếu Ngột Truật cho quy hàng thì may phúc cho bá tính bằng không cho quy hàng cử việc đập phá thành trì tàn hại sinh linh thì lúc ấy lấy ai nấu cơm?

Trương Dụng nói:

- Đừng nói bậy. Lẽ nào cha ta lại chịu nhục đi đầu hàng quân giặc sao?

Thư đồng đáp:

- Nếu cậu không tin thì cứ việc ra ngoài hỏi thử thì biết. Việc ai ai đều biết cả chỉ có hai cậu là không.

Dứt lời thư đồng từ tạ lui ra, đại công tử rất buồn bã nói với em:

- Cha chúng ta có công lớn với triều đình, có lẽ nào hôm nay lại hành động bất trung như thế sao?

Nhị công tử Trương Dụng nói:

- Anh em ta cứ việc ăn cơm no rồi ra hỏi mẹ ta xem có đúng vậy không? Nếu đúng vậy chúng ta đừng nói chi cả, cứ giả đò xin ra ngoài có việc. Lúc ra đi ta nhớ mang theo bạc vàng để tuỳ thân. Anh em ta sẽ chặn tên tướng Phiên Ngột Truật đánh cho một trận, nếu thắng được thì chẳng nói làm chi bằng thua thì bỏ chạy sang xứ khác, ở đây làm gì cho mang nhục.

Trương Lập gật đầu đáp:

- Em tính như vậy thật hợp với ý anh.

Cơm nước xong hai anh em lật đật chạy đến trung đường chào mẹ và hỏi:

- Thưa mẹ vì sao cha chúng con lại chịu làm kẻ gian thần thính đi đầu hàng giặc phiên như vậy?

Trương phu nhân đáp:

- Chúng con thơ ngây làm sao biết được việc đại sự của nước nhà? Cha chúng con có đủ toàn quyền định đoạt, dù dạy thế nào mẹ cũng nghe theo.

Hai anh em cùng thưa:

- Xin mẹ hãy vui lòng cho chúng con vài trăm lượng bạc.

Phu nhân hỏi:

- Lúc này đang lộn xộn, thiên hạ không yên, các con xin bạc làm gì?

- Thưa mẹ chúng con tính mua sách và vài món đồ chi dụng cho sớm, kẻo quân Phiên kéo vào thành rồi không thể đi mua được.

Phu nhân nghe nói có lý vội vào lấy ba trăm lượng bạc trao cho con.

Hai anh em tạ ơn rồi đem chia đôi số bạc, đoạn trở về phòng nai nịt khôi giáp chỉnh tề, tay cầm côn sắt lén ra phía sau vườn nhảy qua bờ tường trốn đi mất.

Đi được ba mươi dặm, bỗng thấy đằng xa có uân Phiên kéo đi rầm rộ.

Hai anh em bước qua bên mé núi, leo tuốt lên đỉnh đứng xem thế giặc. Thấy quân Phiên tiến quân cuồn cuộn như nước chảy, lô nhô lúc nhúc tràn đồng nội, Trương Dụng nói với anh:

- Chúng ta thừa cơ địch bất ngờ không đề phòng xông xuống đánh chơi một chặp cho thỏa chí.

Hai anh em chờ cho quân Phiên đến sát, chạy bổ xuống vung côn sắt đánh như sấm sét, làm cho đứa thì bể đầu phọt óc, đứa què tay gãy chân. Càng đánh hai anh em càng hăng máu không một sức nào kháng cự nổi. Quân Phiên hoảng loạn chạy lùi lại báo với Ngột Truật.

Ngột Truật nghe báo liền truyền lệnh quân sĩ cố bao vây bắt sống cho kỳ được.

Quân Phiên lập tức bua vây tứ phía. Hai anh em họ Trương nỗ lực mang hết sức bình sinh đánh phá quyết liệt mãi đến trời tối lúc nào không hay biết.

Bỗng Trương Lập ngoái lại kiếm em thì chẳng thấy đâu hế, nghĩ thầm:

- "Thôi để ta đánh tháo chạy ra cho xong kẻo trời đã tối rồi".

Nghĩ vậy chàng ra sức đánh thủng một phía, cố mở đường thoát ra.

Bấy giờ trời đã tối mà quân Phiện chưa kịp nổi đèn đuốc nên hàng ngũ có phần lộn xộn. Trương Lập thừa cơ phá được vòng vây chạy thoát.

(Vì vậy hai anh em chạy lạc mỗi người một nơi, mãi đến sau này khi Nhạc Phi ba phen thu phục Hà Nguyên Khánh, anh em mới gặp lại nhau)

Binh Phiên bị anh em Trương Lập phá rối nên phải đình trệ. Bây giờ trời đã tối Ngột Truật đành phải truyền quân an dinh hạ trại, đợi sáng ngày sẽ tiến binh.

Hôm sau Ngột Truật đốc thúc binh sĩ thẳng đến bên thành, bỗng thấy một tướng quỳ cách thành chừng vài trăm dặm, trong tay có cầm cây cờ hàng, sau lưng có vài tên bộ hạ không cầm binh khí chi cả.

Quân Phiên tiếp tục kéo đến thì người ấy cúi đầu sát đất và nói:

- Hà Giang Phủ tiết đạt sứ Trương Thúc Dạ là tôi, đợi xin đầu hàng và nghênh tiếp chúa công nhập thành.

Quân Phiên thấy thế vội dừng bước, chạy trở lại báo cho Ngột Truật hay.

Ngột Truật vỗ ngựa chạy đến trước xem thì quả thấy người ấy còn đang quỳ mọp, đầu cúi xuống sát đất.

Ngột Truật vẫn ngồi yên trên ngựa quay qua hỏi quân sư:

- Tôi nghe Trương Thúc Dạ vốn là một trung thần phải không?

Hấp Mê Xi đáp:

- Cũng có thể lắm nhưng nếu quả hắn là trung thần thì chúng ta sẽ biệt đãi, để tôi hỏi hắn vài câu xem thế nào?

Hấp Mê Xi lên tiếng hỏi:

- Ngươi có phải là Trương Thúc Dạ không?

- Vâng chính là hạ thần đây.

Hấp Mê Xi cười khẩy:

- Lâu nay ta có nghe danh ngươi là bậc trung thần nghĩa sĩ, sao nay ngươi lại làm theo lối gian manh đi đầu hàng địch quân vậy? Hay là ngươi trá hàng?

Trương Thúc Dạ vẫn quỳ mọp thưa:

- Muôn tâu chúa công, tôi đâu có dám cả gan làm điều ấy? Song chỉ vì trong Tống triều lũ gian nịnh đã chuyên quyền, manh tâm sát hại kẻ tôi trung nên tôi chẳng biết trông cậy vào đâu nữa. Nay lộ An Châu và Lưỡng Lang quan là những nơi hiểm yếu còn bị thất thủ huống hồ thành này cũng không chắc chắn gì, binh tướng của tôi lại ít ỏi đánh sao cho lại? Nếu miễn cưỡng chống trả ắ tàn hại sinh linh nên tôi quyết định ra quy hàng để cứu sinh linh khỏi vòng binh lửa chứ không mong quan tước chi cả, mong chúa công thẩm xét và mở lượng bao dung.

Ngột Truật nghe thế cả mừng nói:

- Thế thì tướng công là kẻ trung thần song đã thấu lòng trời và biết thương xót sinh linh nên mới chịu quy hàng, quả thật tướng quân là người nhân đức vậy. Bây giờ ta phong cho tướng quân chức Lỗ Vương để trấn thủ thành này. Chỉ vì ta muốn bá tính nơi Hà Giang phủ được bình yên nên ta chẳng cần vào thành làm gì. Ta sẽ dẫn binh đi vòng ngoài thành để tiến quân đến Biện Kinh, nếu binh sĩ ta có kẻ nào lén vào thành phá phách ta cho phép tướng quân chém đầu làm lệnh.

Trương Thúc Dạ nghe mấy lời khoan nhân của Ngột Truật lấy làm mừng rỡ vội giập đầu xuống đất lạy đôi ba phen mới trở về thành. Đoạn hối thúc quân sĩ mang rất nhiều rượu thịt đến dinh Phiên khao thưởng binh sĩ.

Quân Phiên ăn uống no say rồi, vâng lệnh chúa soái đi vòng qua thành thẳng đến bờ sông Hoàng Hà, lựa một chỗ đất trống rộng an dinh hạ trại.

Dinh trại quân Phiên liên tiếp kéo dài theo bờ sông, hàng ngũ nghiêm chỉnh kỷ luật đường hoàng khiến bá tính phủ Hà Giang bình yên như chẳng có giặc vậy. Binh sĩ Phiên chẳng có tên nào dám bén mảng đến thành.

Dinh trại quân Phiên sắp đặt xong liền lo đóng thuyền bè để vượt qua sông.

Quan địa phương nơi ấy phi ngựa đi ngày đêm về Biện Lương cấp báo. Khi đến Biện Lương thì gặp buổi lâm triều.

Quan địa phương vào trước điện Kim giai tâu:

- Muôn tâu thánh thượng, Kim Phiên Ngột Truật kéo binh năm mươi vạn đến đóng bên bờ sông Hoàng Hà, cúi xin Thánh thượng điều binh khiển tướng lập tức đẩy lui quân giặc kẻo nhân dân đang vô cùng khiếp đảm.

Vua Khâm Tông nghe tin ấy lấy làm kinh hãi phán hỏi bá quan:

- Binh thế của Ngột Truật quá hùng cường, chẳng hay chư khanh có kế chi đánh lui được quân giặc không?

Trương Bang Xương vội quỳ tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, vợ chồng Lục Đăng thất thủ lộ An Châu đã tử tiết, vợ chồng Hàn Thế Trung đã bỏ ải Lưỡng Lang chạy trốn còn Trương Thúc Dạ thì dâng Hà Giang phủ đầu hàng, tất cả cũng chỉ cản trở bước tiến của quân giặc đôi chút mà thôi. Đến khi Ngột Truật vượt khỏi sông rồi thì thành Biện Lương này nhất định sẽ vào tay hắn.

- Trong cơn nguy cấp này tôi xét các quan văn võ không ai đủ tài ba cho bằng Lý Can, Tông Trạch. Nếu thánh thượng muốn sớm trừ giặc Kim Phiên thì phải phong Lý Can làm đại nguyên soái, Tông Trạch làm tiên phong, phát cho năm vạn quân ra Hoàng Hà phá giặc ắt là xong.

Vua Khâm Tôn y tấu lập tức hạ chỉ phong Lý Can làm Bính Bắc đại nguyên soái, Tông Trạch làm tiên phong thống lãnh binh nhung đi dẹp giặc.

Hai người tạ ơn rồi lãnh chỉ lui ra.

Lý Can vốn là một quan văn nhưng nhờ tài bác học túctrí đa mưu nên làm được đến chức Gián nghị. Nếu dùng văn chương thì giỏi thật song qua việc võ điều binh khiển tướng thì thật chưa từng. Nay bọn Kim Phiên binh hùng tướng mạnh đã xâm nhập vào địa phận chỉ còn cách có con sông Hoàng Hà mà loài gian nịnh tâu vua cho Lý Can ra điều binh khiển tướng, đủ thấy gian thần xem sơn hà xã tắc có ra chi? Miễn chúng hại được người trung là hả dạ. Thế mà vua cũng nhắm mắt nghe theo.

Lý Can về đến phủ vào hậu đường, giã biệt phu nhân để sửa soạn lên đường, bỗng thấy một hảo hán đang đứng dưới thềm ngó lên, tướng mạo cao lớn vạm vỡ khác thường. Lý Can vội hỏi:

- Ngươi tên họ là chi?

Người ấy đáp:

- Bẩm lão gia tôi là Trương Bảo.

Lý Can lại hỏi:

- Lâu nay ngươi ở đâu, làm nghề gì?

Trương Bảo đáp:

- Lâu nay tôi ra hải ngoại chuyên nghề buôn bán.

- Ngươi tự xét ngươi có tài cán gì không?

Trương Bảo đáp không nghĩ:

- Tôi có thể vác năm sáu trăm cân chạy cả ngày không biết mệt.

Phu nhân nghe vậy đề nghị:

- Tướng công nên đem nó theo làm kẻ hầu hạ tâm phúc thì tốt lắm.

Lý Can nghe lời cho Trương Bảo sửa soạn đi theo.

Sáng hôm sau Tông Trạch đến rất sớm mời chủ soái ra giáo trường để lo việc khiển binh. Lý Can vội vã ra tận ngoài thềm nghênh tiếp Tông Trạch vào trong đãi đằng trà nước rồi nói:

- Thưa ngài xin ngài xét thử xem có phải là gian thần nó quyết làm hại tôi không. Tôi đây là quan văn biết gì đến việc điều binh khiển tướng thế mà nó bảo tấu cho ra cầm quân đánh giặc. Tôi chỉ còn cách trông mong nơi ngài và xin gửi cả tính mệnh cho ngài, nếu ngài thể tình tôi lấy làm đội ơn.

Tông Trạch thưa:

- Nguyên soái chớ lo điều ấy, trời nào lại bỏ người ngay đâu mà nguyên soái sợ.

Hai người chuyện vấn hồi lâu rồi lên ngựa ra ngoài giáo trường kiểm điểm binh mã, phát pháp, làm lệnh nhắm sông Hoàng Hà tiến quân.

Để ngăn ngừa giặc, nguyên soái truyền cho quân sĩ kéo hết thuyền ở dưới sông lên bờ rồi bài binh bố trận theo dọc tuyến sông. Sắp đặt đâu đó an bài, Tông Trạch liền sai người tâm phúc mang một bức thư chạy thẳng đến Thang Âm huyện, triệu thỉnh mấy anh em Nhạc Phi đến. Trong thư Tông Trạch tha thiết mời anh em Nhạc Phi hãy đem tài sức ra cứu nước.

Crypto.com Exchange

Hồi (1-80)


<