Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Mộ Dung chí tôn - Hồi 11

Mộ Dung chí tôn
Trọn bộ 27 hồi
Hồi 11: Giáo chủ U Minh Thanh Hỏa Giáo - Độc kế thâm hiểm hại anh hùng
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-27)

Dừng chân ngay trước một huyệt khẩu sâu hun hút, Mộ Dung Bạch ngạc nhiên hỏi Sầm Khiêm

- Có thật chỉ một mình tại hạ mới được phép đặt chân vào nơi Giáo chủ quý Giáo lưu ngụ? Là biệt lệ ư? Vì sao?

Sầm Khiêm cười gượng:

- Là biệt lệ vì thiếu hiệp là cứu cánh duy nhất đã từ lâu nay bổn phái luôn kỳ vọng. Còn nguyên nhân Giáo chủ không muốn gặp thêm ai khác, kể cả Sầm mỗ vốn có bối phận dưới một người và trên mọi người. Thiếu hiệp khi giáp mặt Giáo chủ tệ giáo sẽ tự rõ. Những mong thiếu hiệp đừng vì chỉ còn một mình lại thiếu đởm lược tự tiến vào.

Mộ Dung Bạch vẫn đang chú mục nhìn vào lối sâu hun hút trước mắt và phát hiện bản thân bất chợt nhún vai

- Tại hạ đâu thể chọn lựa, đúng không? Vậy thì Sầm Đàn chủ đừng lo lắng nữa. Mong sẽ gặp lại

Dứt lời, Mộ Dung Bạch tự tiện tiến vào và hầu như đành chấp nhận để cho Sầm Khiêm nếu có nhìn theo ắt sẽ thấy đôi chân bước đi của Mộ Dung Bạch bắt đầu run rẩy.

Nhưng khi toàn thân đã ngập chìm hoàn toàn vào màn đêm đen vốn dĩ vẫn phủ kín lối đi. Mộ Dung Bạch chợt nện mạnh bước chân. Tự làm vang lên thành chuỗi tiếng động càng lúc càng phát đều đều, cho đến lúc tai Mộ Dung Bạch bắt gặp một câu hỏi, hàm ý mai mỉa:

- Các hạ đang muốn chứng tỏ với ai bản thân vì có đủ đầy đởm lược nên không việc gì phải sợ?

Mộ Dung Bạch dừng lại và không ngờ chính bản thân đang thở hắt ra thành tiếng

- Giáo chủ.

Giọng kia cười và là giọng của một nữ nhân. Nếu Mộ Dung Bạch tự nhủ, thính giác vẫn tinh tường và nghe không lầm:

- Các hạ đang mừng thầm vì không đến nổi bị Sầm thúc thúc, Đàn chủ Thần Võ Đàn lừa gạt, do cuối cùng cũng được gặp bổn Giáo chủ ở một nơi như thế này?

Mộ Dung Bạch hắng giọng:

- Vì sao tại hạ lại không tỏ ra mừng? Thú thật, chính tại hạ cũng không tin tưởng lắm với sự thật này. Đúng là Giáo chủ chứ?

Lời đáp đúng là phát từ một giọng nữ nhân:

- Vào đi nếu các hạ tự tin có thừa thông tuệ để giúp bổn Giáo chủ đúng như lời Sầm thúc thúc vẫn thường tìm cách tán dương mỗi khi có cơ hội.

Mộ Dung Bạch lại bước đi và lần này không tìm cách nện mạnh chân nữa:

- Giáo chủ sẽ mãn nguyện nếu thật sự chỉ cần sự thông tuệ và không đòi hỏi thêm nữa sự đởm lược của tại hạ.

Giọng kia lại cười:

- Các hạ đã tự thú nhận không có nhiều đởm lược cho lắm? Không ngại bị bổn Giáo chủ cười chê sao?

Mộ Dung Bạch cười theo:

- Hãy để Giáo chủ lâm vào cảnh ngộ như tại hạ vừa rồi, nếu Giáo chủ bảo không sợ, chỉ e đó là lời không thật tâm. Huống hồ, Giáo chủ nên biết rằng, tại hạ vừa đang cảnh giống như bị uy hiếp sinh mạng vừa chẳng có võ công, dù chỉ để hộ thân. Vậy thì còn ngại gì mà không tự thừa nhận nổi sợ hãi quả thật vẫn bám theo tại hạ?

- Hóa ra các hạ tự nện chân là để trấn an?

Mộ Dung Bạch nhún vai:

- Cũng là cách để Giáo chủ dù không muốn vẫn phải lên tiếng, tại hạ nói như thế, Giáo chủ tin chăng?

- Một thủ đoạn hay chỉ là lời biện minh lúc sự việc đã rồi?

Mộ Dung Bạch chép miệng:

- Giáo chủ tin hay không thì tùy. Đó là sự thông tuệ mà Giáo chủ đang cần. Bởi lẽ, sợ thì cứ sợ, nhưng đâu phải hễ sợ là tại hạ không thể nghĩ được cách để tự minh bạch?

- Minh bạch điều gì?

Mộ Dung Bạch giải thích:

- Là liệu xem hành động của tại hạ là ngu xuẩn, đã để Sầm Đàn chủ lừa vào cạm bẫy một cách dễ dàng, hay thật sự tại hạ sắp được gặp Giáo chủ? Và vì Giáo chủ lên tiếng, cho dù là lên tiếng chỉ để cười vào nổi sợ của tại hạ, nên cuối cùng tại hạ cũng thỏa nguyện do đã minh bạch:

Giọng kia chợt hỏi:

- Các hạ có thật sự thông tuệ như lời vừa làm ra vẻ tự đề cao?

Mộ Dung Bạch hỏi ngược lại:

- Giáo chủ có còn những thử thách nào khác chăng?

- Thử thách?

Mộ Dung Bạch dừng lại:

- Phải. Vì tại hạ đang tự hỏi không biết phải mất bao lâu nữa mới được Giáo chủ cho hội diện?

- Không phải chúng ta đang hội diện đây sao?

Mộ Dung Bạch thở ra nhẹ nhõm:

- Vậy sao Giáo chủ không bảo tại hạ dừng lại, trái lại cứ để tại hạ mãi đi thành vòng, xoay quanh thân Giáo chủ?

Có tiếng thở dài:

- Do mãi chuyện nên ta quên. Hóa ra thiếu hiệp đã đoán biết bản thân đi thành vòng cho dù mình không nhìn thấy gì? Vẫn là nhờ sự thông tuệ ư?

Mộ Dung Bạch nghiêm giọng:

- Nếu Giáo chủ vẫn cảm thấy nghi ngờ, sao không để tại hạ lui ra, khỏi phải phí thời gian?

- Sao thế? Ta chỉ hỏi mấy câu, thiếu hiệp đã nổi giận và mất tự chủ rồi ư?

Mộ Dung Bạch lạnh nhạt:

- Thoạt tiên thì cười chê tại hạ kém đởm lược, sau đó thì lại thiếu thành ý, vẫn không cùng tại hạ hội diện theo đúng nghĩa của từ này, đã thế Giáo chủ còn ngộ nhận, ngỡ tại hạ có cảm giác bị xúc phạm thành nổi giận. Tại hạ nào dám. Vậy thì có gì sai khi bảo Giáo chủ thà để tại hạ lui ra vẫn hơn?

Lập tức có một khoảng khắc yên lặng xảy ra khiến bản thân Mộ Dung Bạch do mọi giác quan đều kém cùng với võ công bị thất tán nên cứ ngỡ tại đây, lúc này, chỉ còn lại một mình.

- Giáo chủ vẫn hiện diện đấy chứ?

Thật may, thanh âm của nữ Giáo chủ đã vang lên, nhưng chỉ là để hỏi Mộ Dung Bạch một câu không liên quan gì đến việc hội diện:

- Thiếu hiệp có thể qua những đoạn kinh văn rời rạc do bị gián đoạn nhiều chỗ, giúp bổn Giáo chủ lĩnh hội những phần kinh khiếm khuyết?

Mộ Dung Bạch ngạc nhiên:

- Cớ sao lại để xảy ra cảnh trạng này? Người truyền thụ đã chỉ điểm không đủ? Là vô tình hay cố ý? Nếu do vô tình, có phải người truyền thụ vì trí nhớ đột ngột suy giảm nên…

- Ta chỉ muốn biết thiếu hiệp có được bản lãnh đúng như ta cần hay không. Hà tất phải hỏi lại cho bằng được nguyên nhân vì sao?

Mộ Dung Bạch cất cao giọng quả quyết:

- Tai hạ dù có hay không có bản lãnh đó vẫn mong được Giáo chủ cho biết rõ nguyên nhân vì sao kinh văn bị khiếm khuyết. Bởi điều này là rất quan trọng đối với Giáo chủ, chỉ một phần nhỏ là có tác động đến tại hạ.

- Thiếu hiệp muốn ám chỉ điều gì?

Mộ Dung Bạch giải thích:

- Tại hạ cần biết rõ tính xác thực của những đoạn kinh văn rời rạc. Tất cả đều thật chứ? Của cùng một công phu hay chỉ là sự gán ghép một cách miễn cưỡng từ đoạn kinh văn thuộc công phu này với đoạn khác và lại thuộc về công phu khác? Chưa hết, nếu là do người truyền thụ cố tình chỉ điểm như thế, quyết tạo ra một trạng huống như thế, Giáo chủ há lẽ không nghi ngờ, vạn nhất trong đó có những đoạn kinh văn bị ngụy tạo thì sao? Và giả như điều tại hạ vừa nêu, vô phúc thay lại là sự thật, thà Giáo chủ cứ tùy nghi hành xử tại hạ cách nào cũng được thay vì bảo tại hạ phải giúp Giáo chủ điều không thể nào giúp. Còn như miễn cưỡng, chẳng thà ra sẽ là hại Giáo chủ sao?

- Tốt lắm! Việc thiếu hiệp có thông tuệ hay không, điều này rồi sẽ minh bạch. Nhưng bằng lời vưa nghe, quả thật đủ cho ta hiểu thiếu hiệp luôn rất thận trọng. Đã lường được ngay những gì có thể xảy ra liên quan đến hiện trạng rời rạc của những đoạn kinh văn. Vậy để thiếu hiệp an tâm, ta đành thổ lộ một điều, chúng là những đoạn kinh văn có xuất xứ từ cùng một trang kinh thư cổ. Do cổ nên quá cũ kỹ, khiến một đôi chỗ bị ẩm mục, quyết không có cách nào nhận rõ số tự dạng lẽ ra phải có ở đó và đã mất. Giải thích như thế đã đủ chưa?

Mộ Dung Bạch lại hỏi:

- Giáo chủ có một hay nhiều trang? Nếu chỉ có một, vạn nhất phần còn khiếm khuyết là quá nhiều thì sao?

- Quyết không khiếm khuyết nhiều, bởi lẽ, ta có thể thổ lộ thêm một ẩn tình nữa. Đó là trong tay ta dù đã đắc thủ những năm trang cổ kinh nhưng cứ mỗi trang là đủ phần kinh văn cho một công phu hữu biệt. Và phần việc của thiếu hiệp chỉ là làm sao giúp ta bổ khuyết những chỗ kinh văn thiếu sót của từng trang. Hễ giúp được một trang là ta ghi nhận một ân tình, quyết sẽ có ngày đền đáp, thuận theo mong muốn của thiếu hiệp.

Mộ Dung Bạch thở dài:

- Tại hạ hiểu rồi. Giáo chủ sẽ tự miệng đọc từng đoạn kinh văn rời rạc cho tại hạ nghe, chỉ như vậy mà thôi, thế nên không cần trực tiếp đối diện. Nhìn rõ diện mạo nhau làm gì?

Nữ giáo chủ cũng thở dài:

- Cũng phần nào đúng như lời thiếu hiệp vừa nói. Vì kỳ thực hãy còn một nguyên do khác, đó là….

Chợt có giọng một nữ nhân khác bất ngờ bật kêu làm cắt ngang lời nữ Giáo chủ đang nói:

- Giáo chủ!!

Mộ Dung Bạch giật mình:

- Chúng ta không chỉ có hai người?

Thanh âm của nữ nhân thứ hai lập tức phát ra một lời lẽ vừa trịnh thượng vừa ngạo mạn.

- Với thân phận cực kỳ tôn quý, Giáo chủ bổn Giáo há lẽ chịu hạ mình, xem ngươi như kẻ ngang hàng. Để lúc giao tiếp không có tùy tùng hầu hạ theo đúng nghi vệ ư? Ngươi nghĩ ngươi là ai chứ? Hay đã vội quên thân phận ngươi lúc này, kể cả sinh mạng đều do bổn Giáo toàn quyền định đoạt?

Mộ Dung Bạch lập tức buông tiếng cười lạt:

- Hóa ra tôn giá dù sao vẫn chỉ là kẻ hầu người hạ? Thái độ mượn oai chủ như thế, tôn giá liệu có tin chăng tại hạ chỉ cần nói một lời thì ngay lập tức sẽ có lệnh cho tôn giá lui ra?

Giọng nọ thách thức ngay:

- Ta cũng đang chờ một điều tương tự như thế. Ngươi thử xem.

Mộ Dung Bạch liền đổi giọng, đặt câu hỏi với nữ Giáo chủ:

- Những công phu Giáo chủ đang muốn nhờ tại hạ giúp kiện toàn liệu có phù hợp chăng nếu ngoài Giáo chủ vẫn còn ngoại nhân nhờ ở bên cạnh nên cũng được nghe, được am hiểu và có thể được cùng luyện?

Nữ Giáo chủ thở dài:

- Đa tạ thiếu hiệp đã có ý nghĩ thận trọng thay ta. Nhưng tiếc thay Xuân Quỳnh nói rất đúng. Với thân phân của ta quyết không thể không có dù chỉ là một tùy tùng ở cạnh bên hầu hạ. Nhưng Xuân Quỳnh tỷ cũng đừng vì thế mà cố tình gây thêm khó khăn cho muội. Xin chớ xen lời vào. Đổi lại muội cũng đã hiểu ý tỷ, sẽ không lời nào tiết lộ những gì chúng ta đã thỏa thuận trước khi có cuộc tiếp xúc này. Tỷ nếu vẫn chưa yên tâm thì lần sau vạn nhất lại phát hiện muội sắp lỡ lời, hãy tùy tiện biệt giam muội như trước kia tỷ vẫn từng.

Giọng nữ nhân mang danh xưng là Xuân Quỳnh vang lên với hơi hướm phần nào miệt thị:

-Giáo chủ xin chớ quá lời, dù là thị nữ lại lộng quyền, từng dám biệt giam một nhân vật vào hàng Nhất Giáo Chi Chủ của bổn Giáo Thanh Hỏa U Minh? Đó là một tử tội. Giáo chủ thật muốn hại chết Xuân Quỳnh sao?

Giọng nói nữ Giáo chủ bỗng run rẫy, có vẻ rất sợ hãi:

- Nếu hại chết tỷ, muội biết làm thế nào nếu suốt đời này không còn tỷ? Ngược lại, muội vẫn luôn sợ tỷ bỏ đi, xin hãy hứa với muội, bất luận thế nào thì tỷ cũng đừng bao giờ bỏ muội. Hãy hứa đi.

Chính lúc đó, chợt xuất hiện một chuổi tiếng động rền vang, thoạt nghe cứ ngỡ là tiếng sấm động, một dấu hiệu lúc trời sắp chuyển mưa. Nhưng tiếp theo sau lại là loạt bẩm báo khẩn cấp :

- Có đại địch xâm nhập! Sầm Đàn chủ?! Có ai trông thấy Sầm Đàn chủ đang ở đâu? Hãy bẩm báo ngay sự biến này.

Thế là tiếng của Sầm Khiêm oang oang ra đủ các mệnh lệnh cần thiết:

- Bổn Đàn chủ đang ở đây. Không ai được gây huyên náo. Trái lại tất cả mau triệt thoái và hãy án binh bất động. Kẻ nào bất tuân khiến hành tung bổn giáo bại lộ, sau đây sẽ chiếu Giáo quy xử trị. Xuân Quỳnh đâu, nghe lệnh. Lập tức chuyển Giáo chủ đến chỗ an toàn theo phương án đã dự bàn. Mọi tiếp xúc với Giáo chủ đều triệt để tuân theo chủ trương. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Quên nữa, có thể đưa Mộ Dung Bạch cùng đi. Cần nhất phải giữ yên tỉnh để Mộ Dung thiếu hiệp giúp Giáo chủ như chủ định. Tất cả cứ tiến hành ngay, không được chậm trễ. Rõ chưa?!

“ Vù…” một tiếng, tay Mộ Dung Bạch lập tức bị một người vừa giữ vừa lôi đi, nhanh và khẩn trương không thể tả.

Được một lúc, vì xung quanh vẫn tối đen nên Mộ Dung Bạch chỉ nghe tiếng Xuân Quỳnh càu nhàu:

- Chưa bao giờ bổn Giáo lâm cảnh này, cho dù đã lường trước thế nào cũng có. Nhưng kể từ khi có thêm ngươi hiện diện, chỉ nội đêm qua và sáng nay thôi. Thật là lạ lại có đến hai lần địch nhân quấy rối. Ngươi hiểu ta muốn nói gì chứ?

Mộ Dung Bạch muốn vung tay thoát nhưng không thể, thế nên đành biện bạch:

- Đưa tại hạ đến đây là Uông Sa Vệ, huống hồ họ Uông còn rất cẩn trọng, có mấy khi chịu giải khai huyệt đạo hoặc hé môi cho tại hạ biết đâu là địa điểm được đưa đi. Tôn giá trách tại hạ như thế liệu có công bằng chăng?

Xuân Quỳnh hậm hực:

- Có công bằng hay không thì lời nói đó phải do ta thốt ra mới đúng. Vì ngươi nghĩ, một mình ta phải đưa trong một lúc những hai người cùng chạy như thế này là dễ lắm sao? Mà Sầm Đàn chủ kể cũng lạ. Đã ra lệnh ngừng mọi tiếp xúc với Giáo chủ lại khăng khăng bắt ta cứ đưa ngươi cùng đi, sao không sai phái thêm ai khác tiếp giúp ta.

Giọng của nữ Giáo chủ vang lên dù là giải thích nhưng thật hòa nhã và lạ nhất là cứ tỏ ra cầu cạnh Xuân Quỳnh:

- Chỗ kín đáo để muội ẩn thân, vạn nhất ở bổn Giáo lâm vào cảnh huống này, thì chỉ có tỷ cùng mỗi một mình Sầm Đàn chủ là am hiểu. Sầm Đàn chủ không thể sai phái thêm người tiếp ứng tỷ hiển nhiên thì vì dụng ý không muốn chỗ ẩn thân đó có quá nhiều người cùng biết. Công khó của tỷ, muội quyết không bao giờ quên. Và để gọi là tạm đền đáp, tỷ hài lòng chăng nếu muội nguyện ý nhờ tỷ cất giữ hộ vật báu U Minh?

Mộ Dung Bạch lập tức bị giữ dừng lại, chỉ để nghe Xuân Quỳnh hớn hở hỏi:

- U Minh Thần Bát Quái Đồ?! Xuân Quỳnh liệu có được phép cất giữ chăng dù đã được đích thân Giáo chủ nhờ?

Nữ Giáo chủ bảo:

- Đã bảy năm rồi nào ít gì, chỉ có mỗi mình tỷ là chấp nhận chịu mọi khổ lụy vì muội. Không có tỷ, muội khó thể sống cho ra sống. Có thể hiểu, mạng của tỷ cũng chính là mạng của muội. Vậy thì vật đó hoặc tỷ giữ hoặc vẫn do muội giữ nào có gì khác biệt? Xin tỷ cứ cất giữ hộ muội. Như thế nha?

Xuân Quỳnh cười hài lòng:

- Nếu Giáo chủ hiểu và thông cảm mỗi khi Xuân Quỳnh bẳn gắt là tốt rồi. Vì kỳ thực khó tìm người chỉ có thể tỏ lộ qua thái độ bẳn gắt như Xuân Quỳnh. Họ sẽ bỏ đi ngay, vị tất chịu đựng được thêm. Tuy vậy, báu vật kia Giáo chủ cứ cất giữ, quả tình Xuân Quỳnh không dám nhận.

Nhưng rồi cũng chính Xuân Quỳnh lại nói:

- Sao Giáo chủ vẫn ấn mãi vào tay Xuân Quỳnh? Đã thế này, thôi thì để Giáo chủ vui lòng, chỉ hôm nay thôi, Xuân Quỳnh xin mạn phép tạm giữ hộ Giáo chủ. Đến tối chỉ cần Giáo chủ bảo một tiếng, Xuân Quỳnh ngay tức khắc xin giao hoàn. Dường như vì mãi chuyện, chúng ta dừng đã lâu? Vậy đi tiếp thôi, kẻo lại có biến, nếu Bị Sầm Đàn chủ trách tội, Xuân Quỳnh e không đảm đương nổi. Đi nào!

Được một lúc, Xuân Quỳnh lại dừng:

- Đến rồi, Giáo chủ muốn nghỉ ở tư thế nào? Nằm hay ngồi?

Bỗng có tiếng Sầm Khiêm vang đến:

- Đại địch tìm đến tận cửa không ngờ lại chính là Vạn Quỷ Cung. Xuân Quỳnh, mau thực hiện ngay phương cách phòng bị tiếp theo. Nhanh lên, đừng để quá muộn.

Nữ Giáo chủ kêu thảng thốt:

- Chúng ta phải đương đầu sao Sầm thúc thúc? Đừng quá vội, một khi Vạn Quỷ Cung vẫn còn đó lời ước thúc không được xâm phạm bất luận ai ở Trung Nguyên lúc chưa đến hạn kỳ.

Sầm Khiêm lạnh giọng bẩm báo vọng vào:

- Thuộc hạ cũng đã nói như thế nhưng. Vạn Quỷ Cung vẫn khăng khăng phủ nhận. Cũng bởi bổn Giáo kể như đã bẵng đi một trăm năm không tồn tại. Và đối với Vạn Quỷ Cung, trong ước thúc mười chín năm trước không bao gồm bổn Giáo.

Nữ Giáo chủ lại nói:

- Phải nghĩ cách trì hoãn. Vì đương đầu lúc này do tiểu nữ chưa thể tự chủ, vạn nhất bao tâm huyết của chúng ta suốt trăm năm qua bị tiêu hủy thì lấy gì giao phó với những liệt tổ liệt tông đang chờ dưới cửu tuyền?

Sầm Khiêm chợt gọi Mộ Dung Bạch:

- Tình thế bổn Giáo đang lúc nguy cấp và vì ý Giáo chủ bổn Giáo lại muốn như vậy, liệu đôi ba ngày có đủ không nếu Sầm mỗ cùng bao thuộc hạ trung thành quyết tận tâm tận lực trì hoãn cục diện, chỉ trông chờ vào mỗi mình thiếu hiệp?

Mộ Dung Bạch chấn động:

- Tại hạ cần biết ngay hiện trạng đích thực của Giáo chủ quý Giáo lúc này, vì sao không thể tự chủ và vì sao chỉ trông chờ vào mỗi một mình tại hạ, lại trong khoảng thời gian hầu như quá ngắn.

Xuân Quỳnh giải thích:

- Vì miễn cưỡng luyện công theo những đoạn kinh văn kỳ thực hãy còn khiếm khuyết nên Giáo chủ bổn Giáo bị tẩu hỏa nhập ma, tắt nghẽ nhiều kinh mạch, khiến lâm cảnh bán thân bất toại. Vạn nhất nếu có kinh văn bổ khuyết, sẽ là thập phần mỹ mãn khi kết quả lại giúp Giáo chủ khôi phục hoàn toàn. Những cũng tạm ổn nếu ngươi có thể giúp Giáo chủ phần nào tự đi lại. Đó là nguyên do khiến bổn Giáo rất cần sự thông tuệ đích thực của mỗi mình ngươi.

Sầm Khiêm lại hối thúc:

- Chúng ta vẫn có thể kéo dài cục diện nếu được sắp đặt ngay. Mộ Dung Bạch, diễn biến cũng tác động đến sinh mạng của chính thiếu hiệp. Xin hãy cân nhắc, cần nhất là phải cho biết ngay năng lực và quyết định của thiếu hiệp

Mộ Dung Bạch nói:

- Xin Sầm Đàn chủ cứ tiến hành. Vì vạn nhất tại hạ chẳng giúp được gì thì chí ít quý Giáo cũng có thêm thời gian, tiếp tục định phương sách đối phó.

Giáo chủ nói:

- Không thể như thế. Vì được là được, không là không. Bởi một khi cục diện được tri chì, nghĩa là sự tồn tại của bổn Giáo nếu bao lâu nay vẫn được giữ kín thì theo thời gian sẽ ngày càng bộc lộ. Nhất định sẽ gây tổn thất đến những nhân vật đã từ lâu vì bổn Giáo nên mạo hiểm xuất hiện trên giang hồ. Bao nhiêu nhân vật ẩn ơ quanh đây dù bị diệt tuyệt cũng không sao, miễn đừng gây hệ lụy đến những nhân vật còn lại. Thiếu hiệp không thể hứa bất kỳ lời nào chắc chắn ư?

Sầm Khiêm vụt kêu:

- Ôi…, muộn rồi. Xuân Quỳnh hãy mau thực hiện mệnh lệnh khi nãy ta đã bảo. Nhanh!

Mộ Dung Bạch hoảng hốt ngăn lại:

- Được rồi, tại hạ hứa sẽ thật sự nỗ lực. Sầm Đàn chủ xin cố chi trì cục diện cho. Đừng vội thúc thủ một khi vẫn còn cơ hội.

Giáo chủ thở phào:

- Xin đa tạ Mộ Dung thiếu hiệp:

Xuân Quỳnh cũng thở phào tương tự:

- Mọi vật dụng đều được chuẩn bị sẵn, rất chu đáo. Xuân Quỳnh xin được phép lui để cùng Sầm Đàn chủ thực hiện phương sách như đã định, quyết trì hoãn cùng địch. Giáo chủ xin bảo trọng. Ngươi cũng vậy nha, Mộ Dung Bạch

Có tiếng bước chân của Xuân Quỳnh đi xa dần, thay vào đó là tiếng của nữ Giáo chủ bỗng thở dài:

- Lúc này có lẽ thiếu hiệp đã rõ vì sao ta ngại, chưa muốn cùng thiếu hiệp đối diện trong cảnh nhìn rõ lẫn nhau?

Mộ Dung Bạch hắng giọng:

- Sẽ tốt hơn nếu chúng ta nên bắt đầu ngay. Và nếu Giáo chủ muốn. Cũng được thôi, hãy đọc những gì cần đọc.

Giọng của nữ Giáo chủ có phần nghi ngại:

- Thiếu hiệp ý muốn nói nếu được tận mắt nhìn rõ tự dạng của kinh văn vẫn tốt hơn là chỉ nghe đọc?

Mộ Dung Bạch thở dài:

- Vì tình thế đang lúc cấp bách. Nếu không, quả thật tại hạ chỉ cần nghe và từ từ tự sắp xếp suy ngẫm cũng được:

Chợt có tiếng bật hỏa tập đột ngột vang lên, tiếp đó là ánh hỏa quang xuất hiện, cháy leo lét trên ngọn bạch lạp:

- Mong thiếu hiệp chớ kinh hoảng nếu nhìn thấy hiện trạng quá ư tồi tệ của Công Tôn Nữ ta.

Và cũng may, Mộ Dung Bạch chỉ nhún vai rồi thôi, không nói gì thêm, cho dù hình dạng của nữ nhân trước mặt quả là tồi tệ khó thể tả. Mộ Dung Bạch sau đó thản nhiên đưa tay nhận lần lượt năm mảnh bút lục có chất liệu hầu như khác nhau. Có mảnh được làm bằng vải, có mảnh tuy bằng giấy nhưng dường như được xé vội từ một quyển kinh thư nào đó khó nhận rõ xuất xứ. Có chăng, cả năm mảnh đều chung một điểm giống nhau, là quả thật bị khiếm khuyết một đôi chỗ lẽ ra vẫn có tự dạng nếu đừng bị ẩm mục hoặc bị mối mọi xâm hại khiến mất đi nham nhở.

Mộ Dung Bạch nhìn qua một lượt nói:

- Bút tích khác nhau, chất liệu khác nhau, hiển nhiên phải là năm loại công phu khác nhau. Công Tôn Giáo chủ đã luyện theo công phu nào khiến bị tẩu hỏa nhập ma?

Công Tôn nữ lắc lắc cái đầu bù xù vì không hề được chải bới bao giờ:

- Ta suy nghĩ đến nhập tâm cả năm loại, khiến ngữ nghĩa của chúng cứ lẫn lộn, thật không thể quả quyết đâu là loại công phu gây thành hậu quả thế này.

Mộ Dung Bạch đặt xuống bốn mảnh, chỉ giữ lại một và bảo:

- Thoạt nhìn qua đều thấy cả năm mảnh vừa bao gồm tâm pháp lẫn công phu thể hiện. Tuy vậy chỉ có ở mảnh này thiên về cách dẫn lực nhiều hơn, như thể đây là tâm pháp nội công giúp tăng tiến nội lực. Hãy để tại hạ thử bắt đầu từ mảnh này

Công Tôn Nữ hất ngược đôi mắt dù đen láy nhưng trông vẫn bẩn thế nào ấy để hướng nhìn vào Mộ Dung Bạch:

- Nhưng cách thể hiện của công phu đó lại là chỉ lực đâu thể giúp tăng tiến nội lực như thiếu hiệp vừa thoạt nhìn đã đoán? Vì thế quyết không thể so bì với hai mảnh, là mảnh này, mảnh này được ghi cách thể hiện công phu bằng chưởng pháp, hiển nhiên có diệu dụng như nội công tâm pháp nhiều hơn.

Mộ Dung Bạch cau mày:

- Là tại hạ đang giúp giáo chủ, đúng không? Hãy nghĩ tại hạ là y phu, liệu Giáo chủ có thể phản kháng cách trị liệu do y phu định đoạt?

Công Tôn Nữ bất phục:

- Sai một ly đi một dặm. Huống hồ vì thiếu hiệp không là y phu nên ta có quyền lạm bàn, miễn sao đạt kết quả tốt nhất và chỉ cần nghe những lý lẽ thật sự thuyết phục từ thiếu hiệp.

Mộ Dung Bạch lại nhún vai:

- Nếu vậy thì dễ thôi. Tại hạ chỉ cần tuần tự vừa suy diễn vừa giúp Giáo chủ cách nào đó miễn lĩnh hội đúng theo khẩu quyết công phu là đủ. Còn luyện thế nào, hoặc luyện được hay không thì tùy vào Giáo chủ, đúng chăng? Cũng có nghĩa trong đôi ba ngày ngắn ngủi, Giáo chủ tự khôi phục bao nhiêu được bấy nhiêu, chẳng liên quan gì đến tại hạ. Được chứ?

Công Tôn Nữ xua tay, không hề biết rằng càng cử động càng tự phơi bày trước mắt Mộ Dung Bạch tất cả những cẩu thả lẽ ra không nên có, nếu là nữ nhân khác biết tự chăm chút dáng vẻ bên ngoài cho chính bản thân.

- Miễn sao thiếu hiệp có thể giúp ta lĩnh hội kinh văn là đủ. Còn luyện thế nào tùy ta. Nhưng sao thiếu hiệp nói có vẻ rất tự tin, như thể đã đoán biết những phần kinh văn khiếm khuyết cần bổ cứu như thế nào?

Mộ Dung Bạch ngay lúc đó đã cúi đầu nhìn chú mục vào mảnh bút lục duy nhất trên tay, một thái độ cho thấy không cần quan tâm đến dáng vẻ nôn nóng, kinh ngạc hay nghi ngờ đang có trên nét mặt của Công Tôn Nữ, Giáo chủ U Minh Thanh Hỏa Giáo:

- Đã lưu lại công phu hiển nhiên dụng ý của người lưu tự là làm sao truyền đạt lại càng rõ càng tốt cho hậu nhân. Do đó kinh văn cho dù khiếm khuyết vẫn có thể tự bổ cứu bằng cách lĩnh hội cho kỳ được mạch luận giải của người lưu tự. Và khi đã lĩnh hội, chỉ cần người kiến giải, là tại hạ, chịu tuân thủ theo trình tự sẵn có của những đoạn kinh văn này, bắt đầu tự minh giải thật rành mạch và thông suốt từ đầu đến cuối cho Giáo chủ. Vậy nếu phần việc của tại hạ chỉ có thế thì đâu có gì quá khó đối với tại hạ.

Công Tôn Nữ nói bằng giọng chợt lạc đi:

- Vậy thoạt tiên xin cho nghe kiến giải của thiếu hiệp liên quan đến mảnh kinh văn này, không phải mảnh thiếu hiệp đang cầm.

Mộ Dung Bạch tiếp nhận mảnh kinh văn do chính Công Tôn Nữ chọn và đang trao cho :

- Tại hạ không cần lập lại lời đã nói, tương tự lời cảnh báo, rằng Giáo chủ lẽ ra nên nghe theo tại hạ khi quyết định chọn kinh văn nào trước và kinh văn nào sau.

Công Tôn Nữ quả quyết:

- Thiếu hiệp cứ thực hiện theo ý ta. Hậu quả thế nào, ta tự gánh chịu. Hay thiếu hiệp cảm thấy khó vì ngại rằng những lời kiến giải có thể do thiếu hiệp tự bịa ra sẽ bị phát hiện, do đây là kinh văn tự ta đã nghiền ngẫm từ lâu nên kể như cũng phần nào thấu hiểu?

Mộ Dung Bạch không ngẩng mặt lên, chỉ nhún vai và bắt đầu chú mục vào mảnh kinh văn vừa tiếp nhận. Được một lúc, Mộ Dung Bạch chợt gật gù:

- Quả nhiên là công phu lợi hại. Vì tuy chỉ một chương duy nhất nhưng lại bao hàm toàn bộ đạo lý võ học. Có âm có dương, có nhu có cương, có sinh lẫn có khắc, thiên biến vạn hóa thật vô lường. Vậy có gọi đây là Càn Khôn Độc Tôn Chưởng e mới đủ biểu đạt hết mực độ lợi hại của công phu này.

Công Tôn Nữ khẽ kêu:

- Không ai cần thiếu hiệp tự đặt tên cho công phu, xin hãy mau kiến giải đâu là điều vừa lĩnh hội.

Mộ Dung Bạch ngẩng đầu lên:

- Giáo chủ có am hiểu Ngũ Hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, cùng những lẽ sinh khắc biến hóa của Càn Khôn Chấn Cấn Tốn Ly Khảm Đoài?

Công Tôn Nữ vẫn đang nhìn Mộ Dung Bạch và hiện lúc này là nhìn bằng ánh mắt thán phục:

- Xin được nghe chỉ điểm.

Mộ Dung Bạch thoáng cau mặt:

- Có thể hiểu Giáo chủ cũng biết ít nhiều về điều tại hạ vừa đề cập? Vậy tại hạ xin được bắt đầu luôn từ đoạn kinh văn dẫn nhập của công phu này. Xin hãy chú tâm cho.

Và Mộ Dung Bạch cứ thế nói tiếp, nói luôn một mạch, tuy là giảng giải cho người nhưng đôi lúc cứ ngỡ đang tự giảng giải cho chính bản thân với không ít lần tự vấn và tiếp đó cũng đã tự giải thích mà không cần nghe hoặc trông chờ Công Tôn Nữ phụ họa ứng đối.

Đến khi Mộ Dung Bạch dừng lời, Công Tôn Nữ chợt đề xuất:

- Số bạch lạp lưu ở đây hóa ra lại có hạn. Thiết nghĩ chỉ những khi thật cần, hoặc là cho lúc ăn uống hoặc giả cần cho thiếu hiệp nhìn rõ kinh văn thì chúng ta hãy thắp lên. Kỳ dư thì chẳng nên phí phạm như vừa rồi chẳng hạn, chỉ vì ngại làm gián đoạn mạch luận giải của thiếu hiệp nên ta đã thắp nối tiếp nhau những ba ngọn bạch lạp để giữ sáng. Thiếu hiệp nghĩ sao?

Mộ Dung Bạch thoáng ngẩn người:

- Không lẽ tại hạ đã nói quá lâu như thế?

Công Tôn Nữ mỉm cười, cũng may đây là điểm duy nhất dễ nhìn, khiến Mộ Dung Bạch không đến nỗi cứ mải ngoảnh mặt chẳng muốn nhìn đến:

- Vì ở đây không có cách nào để ước tính thời gian nên khó thể bảo thiếu hiệp đã nói một mạch lâu như thế nào. Duy có điều, vì ta đã quen ẩn ngụ ở chỗ tối, không mấy khi chường mặt ra chỗ sáng như thế này, nên có cách riêng để tính thời gian, dựa theo từng con đói của bản thân. Thế nên có thể bảo chúng ta đã qua gần trọn một ngày, kể từ lúc Sầm thúc thúc lần đầu bảo thiếu hiệp đến gặp ta. Thiếu hiệp không cảm thấy đói sao? Hãy tạm dừng để ăn, sau đó, nếu không cần nghỉ, chúng ta cứ tiếp tục.

Mộ Dung Bạch lúc này mới biết đói, nhân đó cũng được biết một nhân vật gặp cảnh bán thân bất toại như Công Tôn Nữ phải chịu đựng những khốn khổ như thế nào nếu cứ mỗi việc đều tự mình lo liệu, do không còn Xuân Quỳnh ở bên cạnh để hầu hạ phục dịch. Lúc này Công Tôn Nữ đang cố với hết tay để mong chạm được đến một túi vải khá to rõ ràng chỉ cách ả đúng một tầm với.

Và khi lấy được, Công Tôn Nữ cười gượng với Mộ Dung Bạch:

- Đã bảy năm, kể từ khi ta bị như thế này, trước sau đã có những năm thị nữ được chọn để giúp ta. Rốt cục tất cả đều bỏ đi vì không đủ nhẫn nại, cũng một phần vì ta khi ấy chỉ mới mười lăm tuổi, rất dễ nóng giận mỗi lúc bị phật ý. Mãi đến lượt Xuân Quỳnh tỷ, thú thật nếu không do đại tiểu thư tự thân chọn, sau đó còn khổ công chỉ điểm cách chiều chuộng cũng như chịu đựng một kẻ như ta. E ta đã tìm cách tự sát từ lâu. Cũng vì thế mỗi khi đến lượt Xuân Quỳnh tỷ bẳn gắt, ta không thể không chịu đựng ngược lại. Âu cũng là lẽ công bằng quyết không thể trách Xuân Quỳnh tỷ có đôi lúc làm như vượt quyền.

Mộ Dung Bạch bắt gặp bản thân đang hắng giọng, để rồi lúc lên tiếng đã tỏ ra đồng cảm.

- Phải lệ thuộc vào ngoại nhân. Bản thân không thể tự chủ, đó là cảm giác tại hạ đang nếm trải, tuy không dám so với Giáo chủ nhưng vẫn đủ để tại hạ hiểu phần nào nổi khổ của Giáo chủ.

Công Tôn Nữ lại mỉm cười và lần này là trao túi vải cho Mộ Dung Bạch vừa nói:

- Lương khô thì không cần dè xẻn, bởi ở đây vẫn còn những ba túi như thế này. Được thiếu hiệp cảm thông ta thật sự an tâm. Vì tin rằng nếu được thiếu hiệp tận tình giúp, không chóng thì chầy bản thân ta sẽ có lúc thoát cảnh này. Thiếu hiệp ăn đi.

Mộ Dung Bạch giao trả cho Công Tôn Nữ:

- Tại hạ sẽ lấy túi khác, khỏi phải phiền Giáo chủ lại vất vả vì tại hạ.

Nhưng sau khi nhìn quanh, kể cả dùng bạch lạp để tìm. Mộ Dung Bạch vẫn thất vọng và quay trở lại với Công Tôn Nữ:

- Hoặc đã có thay đổi hoặc mọi chuẩn bị không thật chu tất đúng như Xuân Quỳnh bảo. Tại hạ không thể tìm thấy thêm túi nào.

Công Tôn Nữ thoáng có sắc giận nhưng lập tức quên đi và chỉ chép miệng:

- Cũng do đây là nơi bổn Giáo vẫn nghĩ là sẽ không bao giờ dùng đến, thế nên mới có điều sơ suất này. Dù vậy sẽ không nhiều hơn hai hoặc ba ngày, thế nào Xuân Quỳnh tỷ cũng có lúc quay lại. Lúc đó chúng ta sẽ bổ khuyết sau. Huống hồ một túi này vẫn thừa đủ cho chúng ta dùng đến tận lúc đó. Thiếu hiệp xin cứ tự nhiên

Mộ Dung Bạch đành nhận thức ăn và chợt đề xuất thêm:

- Cũng để không phí phạm bạch lạp, tại hạ định tâm sẽ nhân lúc ăn xem luôn mảnh kinh văn kế tiếp. Giáo chủ ắt cũng nôn nóng, vẫn muốn tại hạ thực hiện theo cách đó chứ? Nếu vậy, đâu là mảnh kế tiếp Giáo chủ vẫn cần được kiến giải?

Công Tôn Nữ thở dài:

- Xem ra ta đã quá lạm dụng. Nhưng biết làm sao được vì quả tình thời gian đã thật sự khẩn trương. Mong thiếu hiệp thứ lượng. Còn mảnh kế tiếp ư? Thôi thì tùy thiếu hiệp quyết định.

Những ngọn bạch lạp nhờ đó vẫn được dùng dè xẻn, không đến nối vơi nhanh như túi lương khô cuối cùng cũng cạn lúc Mộ Dung Bạch kiến giải xong đủ năm mảnh kinh văn công phu.

- Trong bóng tối dày đặc, chợt Mộ Dung Bạch tự lên tiếng phá vỡ tĩnh lặng đã kéo dài quá lâu giữa hai người:

- Giáo chủ tọa công có thu được kết quả?

- Rất lạ là vẫn chưa cho dù mọi kiến giải của thiếu hiệp vừa hợp lý vừa rất thuyết phục đến độ thật dễ hiều. Hay ta đã sai vì không thuận theo lời cảnh báo ngay lúc đầu của thiếu hiệp?

Mộ Dung Bạch vẫn nhẫn nại:

- Đừng vì thế mà khẩn trương lo lắng. Trái lại, sao không thử khởi luyện từ đầu? Hãy bỏ qua, đừng nghĩ đến nữa những kinh văn khác, chỉ thực hiện theo một mà thôi và bắt đầu từ kinh văn của công phu chỉ lực.

- Nhưng thức ăn đã cạn, vạn nhất ở bên ngoài đã xảy ra sự biến kiến Xuân Quỳnh tỷ hoặc Sầm thúc thúc không sao quay lại, thiếu hiệp bảo ta khởi luyện thì có khác nào cam để phí thêm chí ít cũng một ngày nữa, thay vì tự dùng thời gian đó cho việc tìm lối thoát thân?

Mộ Dung Bạch thở dài:

- Chẳng phải Giáo chủ đã nói lối duy nhất nhập ở đây chỉ có thể điều động từ bên ngoài? Nếu sẽ chẳng còn ai đến phát động, khai mở cho chúng ta, chi bằng cứ nhẫn nại chờ đến lúc Giáo chủ tự phục nguyên, sau đó thì dựa vào bản lãnh tự thân. Chính Giáo chủ sẽ giúp tại hạ cùng thoát. Hay Giáo chủ không đủ tự tin bản thân sẽ khôi phục.

- Chẳng phải ta không tự tin. Chỉ vì quá lo, không biết đã xảy ra những gì ở bên ngoài. Bởi chưa bao giờ Sầm thúc thúc lại nhẫn tâm bỏ mặc ta như thế này.

Mộ Dung Bạch nghiêm giọng:

- Nếu bên ngoài thật sự đã xảy ra biến, Giáo chủ có lo thế mấy cũng vô ích. Vạn nhất nếu vì mãi ưu tư, khiến Giáo chủ chậm khôi phục hoặc chưa thể khôi phục thì đã chết, vậy thì ai sẽ giúp Giáo chủ thoát, hoặc mai hậu sẽ còn ai thay Giáo chủ tìm hiểu những gì đã xảy ra bên ngoài?

- Ta hiểu rồi. Nhưng ngỡ như ta vẫn bất lực thì sao? Hay là thiếu hiệp cứ tìm cách tự thoát, thậm chí nếu cần cứ vận dụng những công phu vừa tự lĩnh hội, thử làm cho chân nguyên khôi phục?

Mộ Dung Bạch phì cười:

- Nội lực tại hại chỉ bị thất tán, kinh mạch toàn thân vì vẫn thông suốt nên cần gì những công phu khác để mong khôi phục nội nguyên? Tại hạ vô kế khả thi rồi, đành trông chờ vào Giáo chủ mà thôi. Nhưng để khỏi phí thời gian, hay là tại hạ thử tìm lối thoát, cho dù đã biết là không thể?

Dứt lời Mộ Dung Bạch thắp bạch lạp lên, thoạt tiên thì nhìn lướt qua Công Tôn Nữ đang lim dim mắt tọa công, sau mới soi chiếu từng tia sáng yếu ớt vào các kẻ đá tình cờ phát hiện.

Đến một chỗ, Mộ Dung Bạch đứng lại và cứ săm soi nhìn mãi dưới chân.

Có tiếng Công Tôn Nữ vang lên vẻ hoài nghi

- Thiếu hiệp vừa phát hiện được gì? Ta không nghe tiếng bước chân thiếu hiệp tiếp tục?

Mộ Dung Bạch ngoảnh mặt nhìn trở lại Công Tôn Nữ:

- Giáo chủ đã khôi phục thính giác hay vì phân tâm nên phát hiện tại hạ dừng lại?

Công Tôn Nữ vẫn đang lim dim mắt:

- Ta theo cách thiếu hiệp chỉ điểm, quả nhiên có đôi chút thành tựu, nhưng chỉ là miễn cưỡng tăng thêm thính lực hoặc thị lực mà thôi. Thiếu hiệp sao vẫn chưa nói đã phát hiện điều gì?

Mộ Dung Bạch nói:

- Bí động này gồm hai phần thượng hạ, chưa biết được ngăn cách bởi lớp đá dầy bao nhiêu. Nhưng từ bên trên có thấm qua và rơi xuống tận dưới này một vài giọt máu. Giáo chủ có suy nghĩ hoặc nhận định thế nào về điều tại vừa phát hiện?

Công Tôn Nữ vụt mở to hai mắt:

- Không thể nào. Vì Sầm thúc thúc từng quả quyết đây là địa điểm không chỉ kín đáo mà còn thật sự an toàn. Được bao bọc ba bề tứ phía đều là núi đá, thậm chí lối xuất nhập cũng do Sầm thúc thúc tận dụng thật nhiều nhân lực mới kiến tạo nên. Sao lại có thêm phần thượng bên trên?

Mộ Dung Bạch soi cao ngọn bạch lạp, cố đưa ánh nến đến tận trần động:

- Quả nhiên ở trên có dòng huyết rỉ dài xuống. Giáo chủ đủ mục lực để nhìn thấy chứ?

Công Tôn Nữ đang gắng gượng dùng hai tay để tự di chuyển toàn thân. Kể cả phần thân dưới dù còn đủ hai chi nhưng đã không thể cử động từ lâu

- Ta muốn tận mắt nhìn. Vì điều này là không thể, trừ phi đã xảy ra điều gì đó chỉ có ta là kẻ duy nhất không hề hay biết.

Mộ Dung Bạch vội ngăn lại:

- Giáo chủ chỉ phí lực vô ích, vì đó là sự thật và dường như Giáo chủ không muốn tin vào sự thật này. Nào hoặc Giáo chủ cứ tiếp tục tọa công, hoặc hãy nói hết những gì Giáo chủ đang suy nghĩ trong lòng về sự thật này.

Công Tôn Nữ dừng lại thật:

- Như thiếu hiệp đã đoán biết ta đang nghĩ gì?

Mộ Dung Bạch nhún vai:

- Tại hạ hoàn toàn không biết gì ngoài những điều đang tận mắt mục kích. Trước hết là số vật thực không được dự trữ đúng như Giáo chủ nghĩ. Sau là một dòng huyết quả thật vẫn cứ rỉ từ trên xuống. Còn muốn bảo tại hạ đoán, hãy nói xem, liệu tại hạ có thể đoán được gì một khi sự tồn tại của quý Giáo chỉ lúc được đưa đến tận đây tại hạ mới biết?

Công Tôn Nữ chợt nghiến răng:

- Thiếu hiệp có cách nào để minh bạch lớp đá ngăn cách giữa hai phần thượng hạ hoặc dầy hoặc mỏng?

Mộ Dung Bạch hỏi ngược lại:

- Nếu mỏng thì sao? Trừ phi Giáo chủ hãy tận lực tọa công. Khôi phục công phu càng nhiều càng tốt, chỉ như thế mới có thể vận dụng chấn kình, chấn với hoặc làm rạn nứt lớp đá ngăn cách. Nhược bằng không thể, thà nghĩ đó là vách đá do quá dầy nên không đủ bản lãnh phá vỡ thì hơn, đồng thời cứ để tại hạ tự tìm một lối thoát nào khác nếu như còn có một lối như thế.

Công Tôn Nữ thất vọng:

- Để hạ sát một con kiến ta e còn chưa đủ lực nữa là. Nhưng để tiếp tục tọa công, với tâm trạng như ta lúc này e cũng không thể. Thiếu hiệp là người thông tuệ, liệu có cách nào chăng?

Mộ Dung Bạch lại bắt đầu dùng ánh bạch lạp tiếp tục săm soi tìm và tìm:

- Tại hạ cũng không thể biến sự thông tuệ thành sức mạnh vạn năng. Trái lại, Giáo chủ thì có thể biến đổi lòng nhẫn nại thành sức mạnh nếu muốn.

Ngọn bạch lạp tàn dần rồi tắt, tất cả lại chìm đắm trong bóng tối và đó là lúc thanh âm nức nở của Công Tôn Nữ vang lên:

- Ta không thể chuyên chú tọa công, trừ phi thiếu hiệp cứ miễn cưỡng, chỉ càng khiến ta tự hủy đi phần nào kết quả vừa thu được.

Mộ Dung Bạch cũng lên tiếng từ bóng đen:

- Nếu là vậy, kết cục đến với tại hạ và Giáo chủ kể như là tất yếu. Thế nên, dù đang còn duy nhất một ngọn bạch lạp, tại hạ vẫn chẳng thiết thắp tiếp làm gì. Vì đằng nào cũng chết một khi cứ bị sinh cầm và chẳng mong gì lại ngẫu nhiên tìm thấy vật thực. Giáo chủ nghĩ sao?

- Ta không cam tâm vì đã biết đây là độc kế, dụng tâm đối phó và hạ thủ ta.

Mộ Dung Bạch thở ra nhè nhẹ:

- Cứ trút hết đi những gì muốn trút, rồi sau cùng cũng chết vì sẽ chẳng ai phân biệt Giáo chủ chết cách nào, hả dạ hay không hả dạ, cam tâm hay không cam tâm?

- Thiếu hiệp dễ dàng cam tâm thế sao?

- Không cam tâm cũng vậy. Thế thì sao không an phận tự an ủi đây là mệnh số đã định sẵn như thế, hầu lúc chết vẫn thảnh thơi? Đó là đối với tại hạ nhờ thông tuệ nên tự minh bạch đã lầm vào tình thế hoàn toàn bất khả kháng. Đương nhiên tại hạ không miễn cưỡng, buộc Giáo chủ phải giống như tại hạ.

- Nếu còn một chút cơ hội thì sao?

- Ha ha.., vậy thì tại hạ quyết không bỏ qua. Giáo chủ hãy bảo đó là cơ hội gì?

- Điều này.., không có! Ta cũng nhận ra đã hoàn toàn bất khả kháng như thiếu hiệp.

- Vậy còn nói làm gì?

Và tất cả chìm trong tĩnh lặng. Phải thật lâu mới nghe có tiếng Công Tôn Nữ thì thào:

- Thiếu hiệp ngủ rồi ư? Định ngủ như thế này đến tận lúc chết vì kiệt lực thật ư?

- Ừm.., ừm..,

Vậy là hết, tỉnh lặng lại bao trùm, cho đến khi nhịp hô hấp của cả hại cùng vang lên đều đều, êm êm, vì đã cùng chìm vào giấc ngủ mê lịm…

Crypto.com Exchange

Hồi (1-27)


<