Vay nóng Tinvay

Truyện:Mộ Dung chí tôn - Hồi 10

Mộ Dung chí tôn
Trọn bộ 27 hồi
Hồi 10: Ẩn tình Bách Gia Động Thiên Không - Dụng mưu U Minh Giáo tái xuất
3.00
(một lượt)


Hồi (1-27)

Siêu sale Shopee

- U Minh Thần Võ Đàn, Đàn chủ đến!!.

Tiếng bẩm báo cứ vang đi vọng lại, đập thật nhức nhối vào hai màng tai khiến Mộ Dung Bạch đang nằm mê lịm vụt ngồi dậy.

Đứng cạnh và ngay phía trước mặt Mộ Dung Bạch chính là văn nhân từng mang Mộ Dung Bạch đi. Văn nhân vẫy tay về hai bên. Làm Mộ Dung Bạch chú mục nhìn theo, nhờ đó nhận thấy hai bên tả hữu, lưng của họ thì tựa vào hai vách đá cũng ở hai bên Mộ Dung Bạch.

Theo cái vẫy tay của văn nhân hai hàng người đều nhanh nhẹn và nhẹ nhàng ly khai thạch động, cũng biến mất hút vào một huyệt khẩu tối thâm u ở mãi tận trong cùng thạch động.

Chính lúc đó, từ xa xa phía ngoài lại xuất hiện một văn nhân khác, di chuyển như lướt đi trên nền động, tiến thẳng đến chỗ văn nhân thứ nhất đang đứng chờ.

Văn nhân thứ nhất từ tốn khom người thi lễ:

- Thuộc hạ Uông Sa Vệ may không nhục mạng, đã đưa được tiểu tử Mộ Dung Bạch về theo lệnh. Nay tuân lệnh Giáo chủ, xin phó giao lại cho Đàn chủ U Minh Thần Võ Đàn.

Văn nhân thứ hai khẽ gật đầu:

- Uông huynh xin chớ đa lễ. Huống hồ để phục lệnh, nghe nói Uông huynh không chỉ vượt qua Tử Diện Hội hoặc Huynh Đệ Minh do các võ phái kiến lập, mà còn phỗng tay trên từ Vạn Quỷ Cung. Công trạng này phi Uông huynh e chẳng ai trong bổn giáo đủ bản lãnh thực hiện. Thật không hổ danh Đại Mạc Tuyệt Phi, thiên hạ đệ nhất khinh công hiện nay.

Mộ Dung Bạch giật mình, vội đứng lên

- Tôn giá đích thực là Đại Mạc Tuyệt Phi, một trong Tứ hiệp? Vậy sao trong Tử Diện Hội vẫn có một nhân vật cũng am hiểu và thi triển khinh công thành danh của tôn giá. Là Triển Dực Phi Vô Ngấn?

Uông Sa Vệ cười khinh khỉnh:

- Mọi thế lực ở Trung Nguyên luôn đối đầu nhau, đó là điều từng tồn tại như ngươi đã nói, đúng không? Vậy thì kinh ngạc làm gì nếu có những kẻ bằng nhiều thủ đoạn thế này thế khác, lẻn học trộm võ học của nhau. Nhưng há lẽ ngươi không thể phân biệt đâu là công phu học trộm với cùng công phu đó và được chân truyền?

Mộ Dung Bạch vỡ lẽ:

- Tại hạ thừa nhận đã không nhận ra khinh công Triển Dực Phi Vô Ngấn của tôn giá. Nhưng quyết chẳng vì không thể phân biệt giữa võ học chân truyền và học trộm. Trái lại, tất phải vì nguyên do khác.

Uông Sa Vệ dường như luôn tỏ ra khinh khỉnh với Mộ Dung Bạch, vì lúc này nụ cười đó vẫn hiện hữu trên mội họ Uông:

Theo ngươi bảo thì vì nguyên do gì? Và nếu ngươi không thể giải thích thì đừng trách nếu ta buộc phải hiểu những gì ngươi vừa nói chỉ là lời ngụy biện, cố che đậy tư chất kém của ngươi, hoàn toàn trái với vẻ ngoài ngươi luôn tỏ ra thông tuệ.

Mộ Dung Bạch cũng bĩu môi khinh khỉnh:

- Tại hạ đã bao giờ tự hào thông tuệ? Trái lại, chính vì tôn giá cứ luôn có thái độ đố kỵ, được lắm, tại hại sẽ cho tôn giá biết thế nào là thông tuệ thật sự. Tôn giá đã không thi triển khinh công từng giúp tôn giá thành danh, đúng chăng? Nhưng vì tôn giá vẫn đưa tại hạ đi thoát, chứng tỏ tôn giá cũng cứ là thiên hạ đệ nhất khinh công, cho dù tôn giá đã vận dụng công phu khác, chẳng giống chút nào so với công phu Triển Dực Phi Vô Ngấn tại hạ từng biết. Hoặc nói rõ hơn, khinh công của tôn giá đã đạt cảnh giới khác, cao minh hơn. Và nếu tại hạ đừng bị thất tán võ công, mục lực nếu vẫn tinh tường như ngày nào, thì khinh công của tốn giá dù có qua được mắt Kiều Ngọc Bội và Thiếu cung chủ Vạn Quỷ Cung. Vẫn đừng mong không bị tại hạ phát hiện và nhận ra nét tương đồng của hai loại khinh công mặc dù ở hai cảnh giới nhưng xuất xứ cũng là một rõ chứ?

Uông Sa Vệ không thể không gật đầu, cho dù lại là cái gật đầu khinh khỉnh:

- Ngươi nhận định tuy khá nhưng rốt cục vẫn trúng kế khích nộ của ta.

Là kế như thế nào dù Uông Sa Vệ không nói rõ nhưng khi quay qua đối thoại với Đàn chủ U Minh Thần Võ Đàn, lời của họ Uông càng lúc càng giúp Mộ Dung Bạch sáng tỏ. Họ Uông bảo:

- Tư chất của tiểu tử như thế nào, ắt đàn chủ cũng tự nhận biết qua diễn biến vừa tận mục sở thị, không cần dựa vào những lời đồn đại nữa. Hẳn Đàn chủ hài lòng

Đàn chủ gật đầu:

- Chính vì thế bổn Giáo mới bất chấp tất cả, dù có bị bại lộ hành tung vẫn bằng mọi giá đưa cho được tiểu tử về đây. Thật không uổng công Uông huynh phải một phen xuất lực.

Uông Sa Vệ lại bảo:

- Những phần việc còn lại đành trông chờ vào mọi nỗ lực của Đàn chủ. Hy vọng thuộc hạ vẫn tiếp tục ung dung hành tẩu giang hồ, không lo ngại thân phận thật bị tiết lộ, nhất là từ tiểu tử.

Đàn chủ lại gật đầu và lần này buông lời quả quyết:

- Sẽ không bao giờ có chuyện đó. Mọi bí ẩn sẽ được giữ kín cho đến khi bổn Giáo đủ thực lực, ngang nhiên tái xuất giang hồ, lập lại uy danh đã từng tạo dựng. Xin được tiễn chân Uông huynh.

Họ Uông xoay người, thi triển khinh công thượng thừa và chỉ chớp mắt đã đi mất hút.

Đàn chủ quay trở lại với Mộ Dung Bạch:

- Thiếu hiệp nếu thật sự thông tuệ ắt tự hiểu những lời bổn Đàn chủ vừa dùng để trấn an Đại Mạc Tuyệt Phi Uông Sa Vệ?

Mộ Dung Bạch gật đầu:

- Tại hạ hiểu không chỉ một mà đến những hai ẩn ý của tôn giá.

Đàn chủ kinh nghi:

- Lời của bổn Đàn chủ làm gì có nhiều ẩn ý như thế? Thiếu hiệp thử giải thích xem.

Mộ Dung Bạch cười nhẹ:

- Chỉ do sơ tâm nên Đàn chủ trong nhất thời khó thể nhận ra. Vậy hãy để tại hạ nói rõ ẩn ý thứ hai trước. Đó là người của quý Giáo kỳ thực không phải chỉ có một mình Uông Sa Vệ luôn xuất hiện với thân phận ngỡ không liên quan gì đến quý Giáo, trái lại, phải có rất nhiều. Đúng không?

Đàn chủ giật mình:

- Quả thông tuệ! Vậy còn ẩn ý đầu tiên?

Mộ Dung Bạch đáp:

- Tại hạ sẽ được quý Giáo trọng dụng nếu kể từ lúc này ưng thuận dùng tư chất thông tuệ giúp quý Giáo thỏa nguyện một điều gì đó. Kế tiếp, để mãi mãi giữ kín mọi ẩn tình của Quý Giáo. Tại hạ dường như chỉ được phép chọn một trong hai kết cục. Thứ nhất là thuận phục. Và đã thuận phục thì phải tuân theo Giáo quy, tự tại hạ dù muốn cũng không được tùy tiện tiết lộ. Đúng chăng?

Đàn chủ khen:

- Chỉ nghe một nhưng thiếu hiệp hiểu mau đến mười. Bổn Đàn chủ hy vọng thiếu hiệp đừng bao giờ tự chọn kết cục thứ hai.

Mộ Dung Bạch bảo:

- Kết cục thứ hai là tại hạ hoặc chết hoặc mãi mãi bị sinh cầm. Chỉ như thế mọi bí ẩn của Quí Giáo mới không bị tiết lộ. Tại hạ chưa thể quả quyết sẽ phải chọn kết cục nào nếu chưa nghe rõ điều quý Giáo muốn cậy nhờ. Xin được thỉnh giáo?

Đàn chủ chợt quay người:

- Hãy theo ta.

Mộ Dung Bạch không thể không đi theo và cuối cùng đành bật ra tiếng kêu kinh ngạc khi phát hiện bản thân đang đi đến chỗ nào.

- Đàn chủ có ý gì khi đưa tại hạ vào một đường có đến mấy trăm linh vị khắc ghi tính danh của những nhân vật đã chết?

Đàn chủ không vội giải thích, chỉ lặng lẽ đốt và thắp vài nén hương, nghiêm cẩn cắm vào một lư hương được đặt ở nơi trang trọng nhất, sau đó mới ngậm ngùi bảo:

- Đã trải qua trên một trăm năm, ngày nào cũng như ngày nào, nếu không phải những tiền nhân trước kia thì bây giờ chính là ta vẫn đều đặn đến đây thắp vài nén hương an ủi vong linh cho quá nhiều những tiền bối xấu số uổng tử.

Mộ Dung Bạch nghe lạnh khắp người:

- Là những nạn nhân trăm năm trước kia của Quý Giáo đã bị võ lâm hủy diệt?

Đàn chủ chợt rít

- Nhưng điều đó lẽ ra đã không xảy đến nếu bổn Giáo đừng bị kẻ gian hãm hại.

Mộ Dung Bạch động tâm:

- Ai?

Đàn chủ quay lại, đối diện với Mộ Dung Bạch:

- Thiếu hiệp đã biết những gì về Thiên Không Bách Gia Động?

Mộ Dung Bạch giật mình:

- Lại chuyện này? Tại hạ tuy đã nghe nhiều người đề cập nhưng nguyên lại sự việc thế nào vẫn chưa mảy may am hiểu.

Đàn chủ bảo:

- Nếu vậy sẽ do ta giải thích, nhưng không phải ở đây. Chúng ta đành phải đến chỗ khác, thuận tiện hơn. Có phiền thiếu hiệp chăng?

Mộ Dung Bạch cười:

- Không phiền. Trái lại còn cảm kích nữa. Vì bầu khí ở đay quả không thích hợp lắm với người lần đầu tiên đặt chân đến như tại hạ.

Họ lại đi, để bây giờ cùng nhau ngồi đối diện bên chiếc bàn sắp đầy những thức ăn trông thật thịnh soạn.

Đàn chủ rót rượu:

- Tuy chưa thể bảo đây là tiệc tẩy trần nhưng dù sao để đánh dấu ngày đầu tiên hội ngộ, hai chúng ta có thể đối ẩm ?

Mộ Dung Bạch bưng bát rượu lên:

- Đã bảo là hội ngộ, tại hạ có thể thỉnh giáo quý tính cao danh?

Đàn chủ cười hào sảng:

- Tính danh của ta chỉ e thiếu hiệp chưa nghe bao giờ. Vì tính đến nay kể ra vừa đủ năm đời tiền nhân của ta chưa một lần xuất thế. Ta họ Sầm, tên Khiêm. Rất lạ, đúng không? Ha ha…

Mộ Dung Bạch nhìn Sầm Khiêm ngay sau đó đã lập tức ngửa cổ uống cạn bát rượu thì bản thân cũng lây theo vẻ hào sảng của người lần đầu tiên đối ẩm. Mộ Dung Bạch vội nâng bát rượu đến ngang mày:

- Sầm Đàn chủ quả vui tính, nếu tại hạ còn khách khí chẳng hóa ra phụ lại tấm lòng bao dung đại lượng được Sầm Đàn chủ dành cho. Bát rượu này xin mừng ngày hội ngộ, mong cũng là khởi đầu tốt đẹp giữa tại hạ Mộ Dung Bạch và Sầm Khiêm Đàn chủ.

Nhưng khi ngửa cổ uống bát rượu, Mộ Dung Bạch dù không chú tâm vẫn nhìn thấy ở sắc mặt Sầm Khiêm thoáng xuất hiện nét biến đổi. Và điều đó chợt qua đi khi Mộ Dung Bạch nghe Sầm Khiêm bảo:

- Thiếu hiệp nói rất hay. Vì chính Sầm Khiêm ta cũng mong đây là một khởi đầu tốt đẹp.

Mộ Dung Bạch đặt bát rượu xuống:

- Sầm Đàn chủ có thể cho hỏi, liệu có liên quan gì chăng giữa diễn biến đã xảy đến với quý Giáo trăm năm trước và cũng xấp xỉ thời gian đó ở giang hồ đột ngột xuất ra lời truyền tụng về tàng đồ Thiên Không Bách Gia Động?

Sầm Khiêm tươi cười, vừa gắp thức ăn cho Mộ Dung Bạch vừa giải thích:

- Nếu thiếu hiệp cũng nhận định đây là hai sự việc hầu như có liên quan thì không thể trách quần hùng. Võ lâm vào thời điểm đó sao cứ khăng khăng xâu kết và cuối cùng đề quyết chính bổn Giáo là chủ mưu gây thành nghi án vô tiền khoáng hậu tại một địa điểm chẳng ai rõ là nơi đâu, gọi là Thiên Không Bách Gia Động. Để rồi bổn Giáo phải nhận chịu một kết cục bi thảm cũng không kém phần vô tiền khoáng hậu. Và sau đó, theo thời gian, cả hai sự việc đều trở thành nghi án, mãi mãi không nhân vật nào đủ bản lãnh lẫn cơ hội giải tỏa.

Mộ Dung Bạch cau mày:

- Thoạt tiên xin hãy nói về nghi án Thiên Không Bách Gia Động:

Sầm Khiêm gật đầu và chợt hỏi:

- Đã có ai cho thiếu hiệp biết chưa, rằng các võ phái hiện nay, kể cả bổn Giáo cũng thế, đều qua rồi thời cực thịnh, nghĩa là bản lãnh của từng cao thủ hiện nay nếu đem so với trăm năm trước sẽ chỉ là dùng ánh trăng lu mờ so với vần thái dương chói chang?

Mộ Dung Bạch động tâm, nhớ lại lời Kiều Ngọc Bội từng nói:

- Tại hạ có nghe một người bảo, nói rằng kể cả bản lãnh của chưởng môn phương trượng phái Thiếu Lâm hiện nay kỳ thực chưa xứng để gọi là cao thủ đệ nhị lưu. Có giống với điều Sầm Đàn chủ vừa nói chăng?

Sầm Khiêm bật cười:

- Rất giống, rất giống. Và đích thực chính là như thế nếu đem bản lãnh cùng của hai vị chưởng môn phương trượng của một phái Thiếu Lâm. Một bây giờ và một thuộc về trăm năm trước so lại với nhau. Và kết quả sẽ đúng như lời người nào đó đã nói với thiếu hiệp. Một cách so sánh quả là đầy hình tượng và thật dễ hiểu.

Mộ Dung Bạch giật mình:

- Mọi võ phái đều chung hoàn cảnh tương tự?

Sầm Khiêm bảo:

- Tất cả mọi cao thủ thuộc mọi võ phái, trăm năm trước đều thất tung ở một nơi được gọi là Thiên Không Bách Gia Động. Từ đó, do nguyên khí suy giảm, hoàn cảnh chung của các võ phái là đều có bản lãnh kém như nhau, đúng như hình tượng vừa nêu.

Mô Dung Bạch ngơ ngác:

- Nếu vậy, đây là hậu quả của một đại âm mưu? Nhưng do đâu các võ phái lại đề quyết chính quý Giáo là chủ mưu.

Sầm Khiêm thở dài:

- Mọi việc được bắt đầu kể từ lúc ở từng võ phái đều lần lượt phát hiện những cao thủ của họ ngay trước khi thất tung đều nhận được mỗi người một họa thiếp có cùng nội dung như nhau.

Mộ Dung Bạch bồn chồn, tự sửa lại dáng ngồi cho thật thẳng:

- Họa là họa, thiếp là thiếp. Nhưng nếu bảo là họa thiếp phải chăng trên đó vừa có họa hình vừa có bút tự? Nội dung của cả hai là thế nào?

Sầm Khiêm lấy từ trong người ra một vật và đặt trên bàn, đẩy qua cho Mộ Dung Bạch:

- Bổn Giáo cũng nhận được một bức. Ta đã chuẩn bị sẵn, đấy! Thiếu hiệp cứ xem:

Mộ Dung Bạch chú mục nhìn:

- Chỉ là bức họa, vẽ một độc hành nhân đang ngao ngán nhìn đỉnh núi cao thẳm trước mặt, tựa hồ rất muốn leo lên, muốn chiếm lĩnh nhưng lực bất tòng tâm. Vậy có liên quan gì đến hàng chữ : “Chân kinh không người lĩnh hội – chân kinh chết người không chiếm hữu chân kinh - người vô tài”?

Sầm Khiêm cười cười:

- Thiếu hiệp thử đoán xem.

Mộ Dung Bạch cười cười:

- Tại hạ đoán thì dễ rồi, vì đằng nào cũng đã nghe nói về Thiên Không Bách Gia Động, đã biết về sự thất tung của nhiều thật nhiều những hảo thủ võ lâm trăm năm trước từ khi họ nhận mỗi người một bức họa thiếp như thế nay. Ý tại hạ muốn hỏi từng người trong họ đã suy đoán như thế nào, để rồi cùng nhau lâm chung số phận, sập cùng một bẫy vì không nhận ra đây là một kế khá thô thiển, chỉ có thể lừa được những ai hoặc còn háo danh, hoặc định lực không sánh bằng chính bản lãnh cao minh của họ.

Sầm Khiêm gật gù:

- Dùng hình ảnh một người tuy quá nhỏ bé nhưng lại nuôi tham vọng muốn chiếm lĩnh đỉnh cao quả là kế khá thô thiển nếu dụng ý của người vẽ chỉ là đánh vào lòng háo thắng của mọi người.

Mộ Dung Bạch ngạc nhiên:

- Vậy là người vẽ còn có dụng ý khác? Và vì nhược điểm cố hữu của mỗi người, nhất là của nhân vật võ lâm, ngoài tánh háo danh còn muốn chiếm hữu điều lợi, phải chăng vào thời điểm đó có thể có báu vật ai ai cũng muốn chiếm đoạt?

Sầm Khiêm vỗ tay:

- Tài, khí, tửu, sắc! Kim ngân tài lộc đối với nhân vật võ lâm chỉ là vật ngoại thân, tửu chỉ trợ hứng chứ không thể khiến mọi người tranh giành nhau. Sắc là bẫy tình, tuy đầy mãnh lực nhưng dù là vưu vật tuyệt sắc hồng nhan cũng không thể là mồi chung để dẫn dụ tất cả mọi người. Chỉ còn mỗi một chữ Khí mà thôi.

Mộ Dung Bạch hồ nghi:

- Là thần binh cổ khí hay tuyệt kỹ chân kinh?

Sầm Khiêm nói:

- Đừng quên đó là thời điểm cực thịnh nhất của mọi võ phái. Công phu ai cũng cao minh, đến độ chẳng ai thiết gì tỷ đấu, xem đó chỉ là trò giành cho những kẻ có bản lãnh tầm thường thích phô trương thanh thế vì sự thực danh của họ chẳng bằng ai. Vậy thì bí kíp chân kinh chưa đủ hấp lực để thu hút các cao thủ cùng sập bẫy.

Mộ Dung Bạch kêu:

- Tiểu Kiếm Ngư Trường?!

Sầm Khiêm động tâm

- Tuy không phải nhưng sao thiếu hiệp bỗng dưng đề cập đến tiểu kiếm Ngư Trường, là vật từng thất tung cùng lúc với Tổ sư khai sáng Cổ Linh Môn?

Tiểu Bạch thổ lộ :

- Tại hạ tình cờ, kết nghĩa huynh đệ vong niên cùng Ôn Gia Ngộ, nên được Ôn lão ca truyền thụ sở học Cổ Linh. Sau đó, vì kết quả thành tựu của tại hạ, Môn chủ Cổ Linh Môn là Hàn Mai Thuyết mới nghi tại hạ đã đắc thủ tiểu Kiếm Ngư Trường, di vật Tổ sư Cổ Linh Môn. Chỉ vậy thôi.

Sầm Khiêm chợt hỏi:

- Nhưng Ôn Gia Ngộ tư chất rất kém và bằng chứng là lão luôn bị sư đệ là Hàn Mai Thuyết lấn lướt. Vậy giải thích thế nào về việc thiếu hiệp nếu chỉ qua sự truyền thụ của lão Ôn lại lĩnh hội và luyện được Cổ Linh Tam Tuyệt Chưởng, cũng là phần công phu còn khiếm khuyết do cùng thất tung với Tổ sư Cổ Linh Môn, khiến họ Hàn dù muốn cũng không có khẩu quyết để luyện?

Mộ Dung Bạch cười:

- Tin tức quý Giáo thu nhập không những thông linh mà còn rất đầy đủ. Vì thế, tại hạ đoán chắc rằng điều quý Giáo cần ở tại hạ không gì khác ngoài tư chất hoặc ngộ tính khá cao của tại hạ. Sao chúng ta không chuyển đổi đề tài và đề cập ngay đến vấn đề này?

Sầm Khiêm lại gật gù thán phục:

- Nếu thiếu hiệp đã đoán được, hay lắm. Sầm Khiêm ta đành sớm kết thúc ngay câu chuyện đang bàn, sau sẽ cho thiếu hiệp rõ bổn Giáo cần gì. Là thế này, người của các phái trăm năm trước. Sau khi nhận các bức họa thiếp đã đoán ngay đâu là nơi đang cất giữ bộ Cổ Binh Thần Khí từng được truyền tụng là do hậu duệ của Khổng Mỉnh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc giấu.

Mộ Dung Bạch ngạc nhiên:

- Dù họa thiếp không một chỉ dấu cho biết địa điểm thế nhưng bất luận ai cũng đoán được và là nhất là đã đến cùng thời gian?

Sầm Khiêm lắc đầu:

- Ắt hẳn vẫn có cách để họ cùng đoán được như nhau. Nhưng hư thực thế nào, đúng sai ra sao thì ngoài họ. Những nhân vật đã tìm đến và đã thất tung là tự biết. Vì cũng như bao nhân vật thuộc các võ phái sau này, Sầm mỗ cũng không dám quả quyết họ có tìm đến cùng thời gian hay không và địa điểm đó là ở đâu.

Mộ Dung Bạch chợt trầm giọng:

- Sầm Đàn chủ thật sự không đoán được?

Sầm Khiêm thoáng khựng người:

- Ý thiếu hiệp bảo đã có thể đoán biết đó là điểm nào?

Mộ Dung Bạch nhún vai:

- Tại hạ không phải người đương cuộc, cũng không được sinh sống cùng thời và cùng những cảnh quanh như những nhân vật trăm năm trước, thế nên tại hạ dù có tư chất thông tuệ đến đâu vẫn không thể dễ đoán như họ đã đoán. Mong Sầm Đàn chủ chớ ngộ nhận về điều này.

Sầm Khiêm thêm lần nữa lại có một thoáng biến động sắc thái:

- Vậy sao câu thiếu hiệp hỏi như hàm ý không tin lời Sầm mỗ?

Mộ Dung Bạch nhẹ nhàng giải thích:

- Vì tuy tại hạ chỉ mới xuất hiện trên giang hồ một khoảng thời gian dù ngắn nhưng vẫn nghi nhận được đôi điều cho biết rằng đã có một vài nhân vật không hiểu vì sao vẫn thủ đắc một phần nhỏ công phu lẽ ra phải thất tung vĩnh viễn ở Thiên Không Bách Gia Động là nơi Sầm Đàn chủ vừa quả quyết chưa có bất luận ai biết rõ địa điểm.

Sầm Khiêm gật nhẹ đầu:

- Ta cũng loáng thoáng nghe như thế.

Mộ Dung Bạch cau mày:

- Thiếu hiệp nghi ngờ ta đã không thật tâm khi bảo vẫn chưa thể đoán biết địa điểm của Thiên Không Bách Gia Động?

Mộ Dung Bạch bỗng xua tay:

- Cũng có thể do tại hạ quá đa nghi chăng? Nhưng thôi. Hãy tạm bỏ qua vấn đề này. Vì tại hạ nghĩ rằng, nếu quý Giáo biết quá rõ về tại hạ, là kẻ không chỉ vô danh mà còn xuất hiện chưa được bao lâu trên giang hồ thì lẽ nào quý Giáo không hay biết cũng không mấy hay biết cũng không mảy may lưu tâm sự kiện đã có một vài nhân vật am hiểu những công phu thật sự có liên quan đến địa điểm từng diễn ra nghi án trăm năm trước?

Sầm Khiêm nói:

- Vẫn có lời đồn đại, cho rằng từ lâu trên giang hồ vẫn lưu truyền bức tàng đồ điểm chỉ địa điểm Bách Gia Động Thiên Không. Nhưng vì cho đến nay vẫn chưa một ai tận mục sở thị bất kỳ vật gì tương tự, thế nên kể ra cũng đã lâu lắm bổn Giáo hầu như không còn quan tâm nữa đến những lời đồn mang vẻ hoang đường như thế. Tuy vậy, Sầm mỗ vẫn có thẻ quả quả quyết rằng chưa một ai thật sự đặt được chân vào Thiên Không Bách Gia Động.

Mộ Dung Bạch lại cau mày:

- Vậy giải thích thế nào về việc đã có nhân vật tiếp nhận sở học của một trong những tiền bối từng thất tung ở Thiên Không Bách Gia Động?

Sầm Khiêm thở ra:

- Còn lưu giữ những bức họa thiếp như thế này dĩ nhiên không riêng gì bổn Giáo. Vậy thì đúng chăng nếu bảo đã có người nhờ kiêm tâm trì chí nên mơ hồ đoán biết địa điểm nhân đó họ gặp may, tình cờ thu nhặt một phần sở học có lẽ được những cao thủ trăm năm trước cố ý lưu lại do cảm nhận hễ đặt chân vào Bách Gia Động Thiên Không là vĩnh viễn không thể quy hồi?

Mộ Dung Bạch cũng thở ra:

- Quả là không dễ đoán đã xảy ra những gì trăm năm trước khiến bao nhiêu cao thủ đều đồng loạt thất tung. Vậy đâu là việc tại hạ sẽ giúp quý Giáo dựa vào tư chất của bản thân? Nhưng nếu bảo tại hạ đoán giúp quý Giáo về địa điểm Thiên Không Bách Gia Động chỉ e rằng, hà.

Sầm Khiêm bật cười lại gắp thức ăn cho Mộ Dung Bạch.

- Xin đừng vì mãi chuyện quên cả ăn. Còn về việc đó ư? Hãy yên tâm, bổn Giáo quyết không gây khó khan cho thiếu hiệp bằng cách đưa ra những câu đố không có lời giải tương tự như thế. Trái lại sẽ là những việc hoàn toàn nằm trong tay thiếu hiệp. Nào, ăn đi.

Mộ Dung Bạch ăn không thấy ngon.

- Một khi tại hạ chưa biết rõ chuyện quý Giáo định nhờ, quả thật đó là một cảm giác không hề dễ chịu.

Sầm Khiêm lại cười:

- Xin đừng nôn nóng, huống hồ thời gian vẫn còn dài. Vả lại, lúc này trời cũng đã về đêm, thiếu hiệp cứ ăn uống, nghĩ ngơi cho thật lại sức. Hay thiếu hiệp không cảm thấy mệt dù đã trải qua nhiều ngày đường vất vả?

Mộ Dung Bạch lúc bấy giờ cũng bất chợt đưa tay che miệng ngáp:

- Nghe Sầm Đàn chủ nhắc tại hạ mới cảm thấy quả thật đang thấm mệt. Cho dù suốt thời gian qua tại hạ cứ luôn bị Uông Sa Vệ – Đại Mạc Tuyệt Phi chế trụ huyệt đạo, lẽ ra không thể mau thấm mệt như thế này. Lạ thật đấy.

Sầm Khiêm cười:

- Công phu của thiếu hiệp đã bị thất tán, có mệt mỏi cũng đâu phải lạ? Nào. Chờ thiếu hiệp ăn xong, thủ hạ của ta sẽ thu xếp và hầu hạ thiếu hiệp an giấc. Uống nào. Ha ha…

Rượu tuy cạn bầu nhưng thức ăn chưa vơi mấy, thế nên toàn thân Mộ Dung Bạch cứ có cảm giác lâng lâng, mệt càng thêm mệt. Đến nổi lúc đi, Mộ Dung Bạch phải nhờ người dìu, là ai đó, một trong những thủ hạ của Sầm Khiêm.

Và thanh âm nhỏ nhẻ của người dìu đưa lại càng làm tăng thêm cảm giác lâng lâng của Mộ Dung Bạch. Vì thế, Mộ Dung Bạch bắt đầu lẩm nhẩm.

- Cô nương là phàm nhân hay tiên nữ? Có thể đưa tại hạ cùng bay bay như thế này, ợ…., cô nương đúng là tiên nữ rồi.

- Công tử đã quá say. Thiếp vẫn đưa công tử bước đi đấy thôi, nào phải bay như công tử bảo?

- Vậy chúng ta đang đi trên sóng nước chăng? Được là là lướt đi trên sóng nước thế này, phi tiên nữ, cô nương quyết không thể thực hiện.

- Ôi, công tử thật khéo nói đùa. Nhưng thôi, vì công tử đã bảo, thiếp xin nhận là tiên nữ. Và vì tiên chỉ quen ở tiên cảnh bồng lai, công tử có muốn cùng thiếp ngoạn du tiên cảnh?

- Tiên cảnh ư? Ừ, ta rất thích. Nhưng có lẽ ta đang ở tiên cảnh thật, vì toàn thân cứ bồng bềnh bồng bềnh thật là thích.

- Thôi nào, công tử đừng nghiêng ngã nữa kẻo thiếp không thể giữ được. Đây rồi, đã đến tỉnh phòng được dành sẵn cho công tử. Hãy tạm nghỉ ngơi, sau đó thiếp sẽ cùng công tử ngoạn cảnh tiên.

- Đến tiên cảnh rồi sao? Thế nhưng sao vẫn bồng bềnh? Hay chúng ta chưa thật sự nhập tiên cảnh?

- Được rồi. Công tử hãy cố ngồi yên. Đợi thiếp thay y phục cho công tử xong, hai chúng ta sẽ cùng nhập tiên cảnh. Ôi …sao chưa gì công tử đã nằm? Lại còn ngủ nữa? Chúng ta đâu đã đến tiên cảnh bồng lai? Chán thật! Công tử ngủ thật rồi sao? Thiếp biết phải làm gì bầy giờ?

Chợt có tiếng gắt từ xa vọng đến:

- Hãy mau tắt hết đèn. Có biến rồi!

Một ánh đèn dù là từ những ngọn bạch lạp hay phát tỏa từ các ánh đuốc liền tắt ngấm và ở gian tịnh phòng chỉ còn lại tiếng Mộ Dung Bạch thở phò phò vì ngủ trong giấc say mèm.

Một lúc lâu sau, những ngọn bạch lạp được thắp sáng ở ngay gian tịnh phòng và có tiếng người thì thào vang lên.

- Đây đã là lần thứ ba y luôn xuất hiện cạnh tiểu tử Mộ Dung Bạch. Thật đáng ngờ:

Có người hỏi:

- Thuộc hạ có tiếp tục chăng. Đàn chủ?

- Tiểu tử đã ngủ say thế kia, liệu ngươi còn có cách buộc giữ mãi tiểu tử vào với bổn Giáo?

- Phải chi Đàn chủ đừng cố ép rượu, có lẽ.

- Tiểu tử tửu lượng quá kém, đó là điều ta thật sự không ngờ. Nhưng ắt hẳn còn là do tiểu tử quá mệt. Khiến mau ngấm rượu. Hay là để mai ta thẳng thắn đề xuất với tiểu tử? Chỉ cần tiểu tử ưng thuận ngươi làm thê tử, bổn Giáo sẽ không còn lo nữa chuyện tiểu tử không tận trung vì bổn Giáo.

- Hay là thuộc hạ cứ cởi hết y phục hắn, sau đó cùng hắn nằm đến sáng?

- Tiểu tử vẫn còn là đồng nam, ta tin như thế nếu suy xét đến niên kỷ. Dù vậy, kế của ngươi chỉ thành công với điều kiện tiểu tử đừng quá thông tuệ

- Đàn chủ lo sau này khi mọi việc đã như ván đóng thuyền, vì hắn lại phát hiện thuộc hạ vẫn còn là xử nữ tất sẽ nghi ngờ bổn Giáo lập mưu, dùng thủ đoạn đối với hắn.

- Vì quá thông tuệ, đúng vậy, đó là điều ta lo tiểu tử sẽ phát hiện.

- Nhưng nếu hắn vẫn là đồng nam, liệu Đàn chủ có quá lời chăng khi cho rằng hắn có thể phân biệt thuộc hạ còn giữ tấm thân xử nữ mặc dù sáng mai, lúc tỉnh dậy, hắn sẽ phát hiện có thuộc hạ nằm cạnh hắn?

- Cũng có thể tiểu tử không biết. Vì lẽ thường, một nam nhân chưa từng thân cận nữ nhân, vạn nhất bị phát hiện đã cùng một nữ nhân nằm cạnh nhau suốt đêm. Nhất là trong trạng thái cả hai cùng giống như trẻ sơ sinh, thì khi đó nam nhân chỉ có mỗi một ý nghĩ là đã vô tình mạo phạm, đành chấp nhận sự việc xem như chuyện đã rồi. Nhưng đó là đối với người không quá thông tuệ. Trái ngược lại, vì tiểu tử quá thông tuệ nên ta không dám mạo hiểm.

- A, nghĩa là đối với hắn chỉ có chuyện đã thật sự diễn ra mới khiến một kẻ thông tuệ như hắn tin. Không thể phủ nhận được nữa? Vậy nếu dùng Xuân Dược thì sao?

- Phế thuyết. Vì Xuân Dược tuy có lợi là khiến tiểu tử dù say ngủ thế mấy cũng phải cùng ngươi thành thân, nhưng nhược điểm của Xuân Dược là làm cho người bị phục dược mất lý trí. Tiểu tử quyết không nhớ gì chuyện đã xảy ra giữa hai ngươi. Khi đó, không lẽ ta bảo chính ta đã tận mình mục kích để tiểu tử tin? Và tin rồi thì sao? Tiểu tử sẽ biết ngay bổn Giáo dùng thủ đoạn. Tiểu tử sẽ bất phục, còn trông mong gì tiểu tử thật sự trung thành?

- Hoặc giả đợi đến đêm sau thực hiện lại? Đàn chủ không cần giúp hắn tìm hưng phấn từ men tửu. Thuộc hạ quyết dùng nữ sắc, khiến hắn say men tình, tự nguyện cùng thuộc hạ trở thành phu phụ?

- Nếu còn thời gian thì nói làm gì. Vì Giáo chủ đã có lệnh, ngay sáng mai ta phải đưa tiểu tử đến bái kiến. Và với tính khí của Giáo chủ, ngươi cũng biết đó, Giáo chủ không bao giờ chấp thuận cho ta dùng hạ sách này. Trái lại, Giáo chủ rất tự tin, bảo sẽ thuyết phục được tiểu tử tận tâm tận lực vì bổn Giáo. Ta lo lắm, chỉ sợ xôi hỏng bỏng không. Phải chi chuyện đêm nay thành sự thì hay biết mấy. Lúc đó tiểu tử không tận tâm không được, vì dù gì cũng đã cùng ngươi thành phu thê, kể như là thuộc hạ của bổn Giáo. Cuối cùng, ngoài bổn Giáo, tiểu tử cũng hưởng lợi vì ngẫu nhiên có được ngươi là trang giai nhân tuyệt sắc làm thể nhi. Còn ngươi thì được đức lang quân thông tuệ phi phàm, lại thêm tuấn tú nữa

- Nhưng hắn võ công đã mất. Có luyện lại được hay không chưa thể quả quyết.

- Ngươi đã xem kinh mạch tiểu tử chưa?

- Lúc dìu hắn đi, thuộc hạ có ngấm ngầm dò xét. Toàn thân kinh mạch hắn tuy thông suốt nhưng hoàn toàn trống rỗng. Ngữ này dù có trút thật nhiều công lực cho hắn vẫn vô ích. Vì nội nguyên sẽ cứ như trút vào chỗ trống không vô tận, vô phương giữ lại.

- Vậy sao ngươi bảo chưa thể quả quyết tiểu tử có luyện lại võ công hay không?

- Vì thuộc hạ chưa bao giờ nghe, chứ đừng nói là thấy, có kẻ nào được kinh mạch hoàn toàn thông suốt như hắn. Hay bẩm sinh hắn vốn thế?

- Mộ Dung Khuê có ngộ tính cực cao. Vậy nếu bảo tiểu tử cũng có ngộ tính tương tự vì là hậu nhân của Mộ Dung Khuê thì khả dĩ vẫn chấp nhận. Nhưng bảo ở Mộ Dung gia ai cũng có kinh mạch toàn thân lúc mới sinh đều thông suốt sẵn thì thật phi lý. Vì Mộ Dung Khuê nhờ ngộ tính bẩm sinh nên luyện được thân thủ bất phàm. Chỉ dựa vào một ít võ công gia truyền còn sót lại sau trận hỏa hoạn thiêu hủy toàn bộ Mộ Dung gia. Nhưng sao mãi Mộ Dung Khuê vẫn chưa đạt mức tự khai thông nhị mạch Nhân Đốc? Điều đó cho ta thấy kinh mạch toàn thân của Mộ Dung Khuê vẫn chưa thể thông sẵn như tiểu tử.

- Nếu vậy, kể như hắn vĩnh viễn không thể tự luyện lại công phu. Thuộc hạ đâu cần đức lang quân vô dụng như hắn? Bất quá, chỉ vì sự tồn vong của bổn Giáo, thuộc hạ mới chấp thuận mưu kế này của Đàn chủ. Nay sự việc bất thành, thuộc hạ…

- Để đến mai ta sẽ đề xuất với tiểu tử. Vạn nhất nếu tiểu tử ưng thuận, ta mong rằng ngươi vẫn chấp nhận hy sinh, vì tồn vong của bổn Giáo, được chứ?

- Thượng lệnh bất khả vi kháng. Vì tồn vong của bổn Giáo, thuộc hạ dĩ nhiên chấp nhận hy sinh.

- Tốt lắm. Thôi, ngươi quay về đi. Chuyện đâu khắc có đó. Miễn sao hoàng thiên bất phụ khổ nhân tâm. Ta tin rằng bổn Giáo sẽ lại có dịp dương danh thiên hạ. Tất cả đều tùy vào tiểu tử, một nhân vật ta luôn mong sẽ có lúc cũng là người của bổn Giáo như chúng ta. Đi thôi.

“ Vù..”

Các ngọn bạch lạp bị dập tắt, chỉ còn lại hơi thở của Mộ Dung Bạch vẫn đều đều, đều đều…

***

Mới tảng sáng Sầm Khiêm đã đến và phải lay gọi Mộ Dung Bạch:

- Thiếu hiệp ngủ chưa đẫy giấc ư?

Mộ Dung Bạch choàng tỉnh giấc:

- Vẫn chưa thật sự sáng, Sầm Đàn chủ có cần vội như thế chăng?

Sầm Khiêm mỉm cười:

- Chúng ta đang ẩn ngụ trong lòng núi, tuy chỉ thấy ánh sáng mờ mờ nhưng kỳ thực đã quá giờ thìn, thiếu hiệp vẫn thấy mệt thật sao?

Mộ Dung Bạch vội đứng lên:

- Đã muộn đến thế sao? Tại hạ không quen uống rượu, thật đáng trách nếu hôm qua tại hạ có những hành vi thất kính.

Sầm Khiêm nhẹ nhàng bảo:

- Hãy yên tâm. Vì đêm qua Sầm mỗ tuy có gặp phiền toái nhưng tuyệt đối không liên quan gì đến thiếu hiệp, nhân tiện xin được hỏi, thiếu hiệp có đắc tội với Tử Vong Lệnh bao giờ?

Mộ Dung Bạch giật mình:

- Sầm Đàn chủ ám chỉ Tử Vong Lệnh đêm qua có tìm đến tận đây, tổng đàn của quý Giáo?

Sầm Khiêm cau mày:

- Nghĩa là Tử Vong Lệnh đến không vì thiếu hiệp? Vậy thì lạ quá. Vì bổn Giáo luôn rất thận mật, sợ nhất là hành tung bị bại lộ, trong khi thực lực và thanh thế chưa sắp đặt xong, huống hồ vẫn giữ như thế suốt cả trăm năm. Đâu lẽ nào là đối tượng cho Tử Vong Lệnh tìm tới?

Mộ Dung Bạch đang tự chính trang y phục:

- Sầm Đàn chủ dựa vào đâu để đề quyết Tử Vong Lệnh không nhắm vào bất kỳ ai ở quý Giáo?

Sầm Khiêm thở ra nhè nhẹ, vừa giải thích vừa nhìn cách Mộ Dung Bạch chỉnh trang y phục, chỉ thực hiện qua quít cho xong, không hề chăm chút, cũng không tỏ ra xem trọng vẻ ngoài:

- Đối với ai khác thì còn bảo không biết chứ riêng với bổn Giáo hành sự của Tử Vong Lệnh như thế nào và vì sao chỉ thi thoảng mới xuất hiện một lần, với mười hai lần cho thời gian dài những mười năm, thì biết rất rõ như nhìn vào lòng bàn tay.

Mộ Dung Bạch đã chỉnh trang xong:

- Mong được Sầm Đàn chủ chỉ giáo. Vì đối với tại hạ, cũng như với nhiều nhân vật võ lâm trong thời gian gần đây, hành tung của Tử Vong Lệnh quả thật khó đoán. Đến độ chẳng ai biết những nạn nhân ấy từng đắc tội với Tử Vong Lệnh như thế nào.

Sầm Khiêm chợt quay người bước đi:

- Chúng ta cứ vừa đi vừa đàm đạo. Hôm nay thiếu hiệp sẽ gặp Giáo chủ tệ Giáo. Những gì cần nhờ thiếu hiệp giúp sẽ do đích thân Giáo chủ giải bày. Còn về Tử Vong Lệnh, thiếu hiệp đã biết những gì về các đối tượng từng bị Tử Vong Lệnh hạ thủ?

Mộ Dung Bạch theo chân Sầm Khiêm:

- Tại hạ lần đầu biết về Tử Vong Lệnh là độ hơn một năm trước đây. Vì là lúc chưa biết võ công nên tại hạ vừa không chú tâm lắm vừa chẳng có cơ hội tìm hiểu thêm. Tóm lại, mọi hiểu biết của tại hạ chỉ bao gồm vỏn vẹn mỗi ba chữ Tử Vong Lệnh. Riêng cách đây vài ngày, chính xác là ngay trước khi được dịp hội ngộ Uông Sa Vệ – Đại Mạc Tuyệt Phi, tại hạ lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy Tử Vong Lệnh và chủ nhân của vật bất tường đó. Và đối tượng của Tử Vong Lệnh chính là…

Sầm Khiêm nhanh nhẹn tiếp lời cũng là cách ngắt lời Mộ Dung Bạch:

- Là Hàn Mai Thuyết, môn chủ Cổ Linh Môn? Xin đừng trách nếu Sầm mỗ có ý nói tranh. Vì cũng như đối với nhân vật võ lâm khác, bổn Giáo vẫn luôn theo sát từng hành tung động tĩnh của Tử Vong Lệnh. Nhờ đó được biết như thế này. Thứ nhất, đối tượng của Tử Vong Lệnh càng về sau càng là nhân vật có bản lãnh cao minh hơn. Thứ hai, hình như ở mỗi võ phái đều có ít nhất một đối tượng nếu chưa bị thì trước sau gì cũng bị Tử Vong Lệnh truy sát. Và điều cuối cùng, nếu Lệnh Tử Vong thoạt đầu chỉ là những vật dùng tùy tiện thì càng về sau như càng có chủ đích xác thực hơn.

Mộ Dung bạch nói:

- Đêm qua vật được Tử Vong Lệnh dùng là vật gì?

Sầm Khiêm trao cho Mộ Dung Bạch một manh vải có dấu vết cho biết được xé từ y phục.

- Rất giống với vật đã xuất hiện ở Lâm gia trang cách đây một năm, đúng không? Nhưng lần ở Lâm gia trang nếu là giả thì lần này là thật. Thật đến độ Sầm mỗ cũng không thể ngờ.

Mộ Dung Bạch đã nhìn thấy ba chữ Tử Vong Lệnh được viết trên mảnh vải:

- Sầm Đàn chủ phân biệt thật giả như thế nào?

Sầm Khiêm thu lại mảnh vải:

- Bảo là giả vì hai nguyên do. Thứ nhất, bổn Giáo đã phát hiện gần đây Lệnh Tử Vong đa phần đều dùng những mảnh vỏ cây, một cách để chủ nhân Lệnh Tử Vong như muốn tự kiểm lại công phu, xem bản lãnh hỏa hầu có đạt đúng như ý nguyện hay không. Thứ hai…

Mộ Dung Bạch khẽ kêu:

- Hãy chậm đã. Để tại hạ thử nhớ lại xem sao. Đúng rồi, ở mảnh vỏ cây tại hạ từng nhìn thấy quả thật những chữ viết tuy khá vội nhưng nét khắc có vẻ sâu đều nhau. Sầm Đàn chủ vừa bảo đó là cách chủ nhân Lệnh Tử Vong tự kiểm nghiệm công phu? Có phải đó là công phu liên quan đến chỉ lực được thể hiện qua cách khắc chữ?

Sầm Khiêm gật đầu, giải thích thêm:

- Không phải là chỉ lực thông thường. Trái lại còn là công phu xuất phát từ nội lực chí dương chí cương, khiến những chữ viết cứ bị đốt cháy sém. Và điều thứ hai Sầm mỗ đang muốn nói là Tử Vong Lệnh chưa bao giờ được phát ra nhưng sau đó không thu thập kết quả. Cũng vì thế Sầm mỗ mới dám đề quyết hai lần Lệnh Tử Vong liên tiếp xuất hiện ở Lâm gia trang đều là giả, đã do kẻ mạo nhận Lệnh Tử Vong gây ra. Riêng đêm qua mới đích thực là ngoại lệ đầu tiên của Tử Vong Lệnh.

Mộ Dung Bạch phân vân:

- Đêm qua ở quý Giáo quyết không có tổn thất?

Sầm Khiêm lắc đầu:

- Thế nên mới nói đó là lần đầu tiên ngoại lệ.

- Lệnh giả chăng?

Sầm Khiêm lại lắc đầu

- Quyết không thể giả. Vì ở địa điểm phát hiện Lệnh Tử Vong, thuộc hạ bổn Giáo vẫn luôn cẩn mật tuần phòng, dụng ý chỉ là ngăn cản các khách không mời bỗng đến, vậy mà kẻ phát lệnh chỉ cần lao thoáng qua đã thực hiện xong. Bản lãnh này cho thấy nếu là địch thì không cần mạo nhận thành ai khác. Huống hồ sau khi phát lệnh, kẻ đó còn đảo quanh như muốn dò xét. Thật tiếc Uông Sa Vệ đã ly khai, nếu không bổn Giáo đâu đến nỗi hồ đồi mãi thế này.

- Vậy sao kẻ đó không dùng mảnh vỏ cây?

Sầm Khiêm cười:

- Hỏi rất hay, Khiến Sầm mỗ chợt nghĩ ắt kẻ phát lệnh vì chưa nhất quyết hạ thủ ai nên chỉ dùng mảnh vải xé tạm từ y phục. Còn như đã dùng mảnh vỏ cây thì đó mói chính là Tử Vong Lệnh. Chắc chắn là như thế rồi. Hà hà..

Mộ Dung Bạch sững sờ:

- Sầm Đàn chủ cười đắc ý như thể vẫn quả quyết đã biết rõ hành tung Tử Vong Lệnh như nhìn vào lòng bàn tay?

Sầm Khiêm thừa nhận:

- Như Sầm Khiêm mỗ đã nói đối tượng càng về sau càng có bản lãnh cao minh. Cộng thêm vào đó là ở mỗi vỏ phái như thể có một nhân vật bị Tử Vong Lệnh chiếu cố. Điều này tạo cho Sầm mỗ một nhận định, là những đối tượng đó đều là kẻ có thâm thù đại hận với kẻ phát Lệnh Tử Vong. Vậy thì chỉ cần minh bạch đó là mối thù như thế nào ắt sẽ sáng tỏ chân tướng kẻ phát lệnh là ai.

Mộ Dung Bạch cau mày:

- Bảo là thù, há lẽ giống như quý Giáo, các võ phái từng có nhiều người hiệp lực gây thành thù. Tạo thành oán với chủ nhân Lệnh Tử Vong?

Sầm Khiêm bảo:

- Cho là giống nhưng vẫn có phần khác. Vì đối với Lệnh Tử Vong, ở mỗi võ phái đều chỉ có một thuộc hạ đệ tử tham gia. Đã tạo ra mối thù không đội trời chung cùng với kẻ sau này vì càng lúc càng có bản lãnh cao minh nên phát lệnh chỉ để phục thù. Và chuyện đó cũng dễ giải thích nếu thiếu hiệp chịu khó nhớ lại hoặc ít nhiều am hiểu về nguyên ủy của sự lập ra Tử Diện Hội.

- Tử Diện Hội được lập ra để đối phó Tử Vong Lệnh?

- Sai rồi. Kỳ thực Tử Diện Hội được lập ra từ trước, với chủ trương là nhờ nổ lực của nhiều người phát hiện nơi tọa lạc Thiên Không Bách Gia Động. Chỉ có Huynh Đệ Minh sau này mới nhằm đối phó Tử Vong Lệnh.

Mộ Dung Bạch vỡ lẽ:

- Vậy là đã có một nhóm nhân vật, bao gồm thuộc hạ đệ tử các võ phái. Từng dùng danh nghĩa Tử Diện Hội gây ra mối thù để sau này hậu quả là Tử Vong Lệnh xuất hiện tầm nã ngược lại chính những nhân vật ấy.

Sầm Khiêm mỉm cười:

- Những nhân vật đó gồm nhiều bậc bản lãnh chênh lệch nhau. Nhờ vậy, với chí nguyện báo thù, Tử Vong Lệnh ẩn trong tối tha hồ vạch mưu sâu kế hiểm. Lần lượt hạ sát kẻ thù, từ người có bản lãnh thấp nhất đến những nhân vật cao minh hơn. Đồng thời cũng nên hiểu, bản lãnh của nhân vật phát Lệnh Tử Vong cũng ngày càng tăng tiến. Thế nên, nếu thoạt đầu chỉ là vài ba chữ được nguệch ngoạc bừa ở ngay hiện trường hạ thủ thì những lúc sau này Lệnh Tử Vong đã có sắc thái hữu biệt. Trở lại chuyện ở Lâm gia, phải chi Lệnh Tử Vong được xuất hiện bằng một mảnh vỏ cây, thiếu hiệp hãy cứ tin Sầm mỗ, thế nào chủ nhân đích thực của Tử Vong Lệnh cũng quyết không bỏ qua chuyện bị người mạo nhận.

Mộ Dung Bạch vội hỏi:

- Vậy Sầm Đàn chủ có dò xét được chưa, rằng Tử Diện Hội đã lần nào gây thành họa để chuốc hậu quả như thế này? Và chủ nhân Lệnh Tử Vong rốt cục là ai?

Sầm Khiêm lắc đầu:

- Vì là chuyện không liên quan đến bổn Giáo nên bấy lâu nay chính bản thân Sầm mỗ cũng không quan tâm. Tuy nhiên, sau sự việc xảy ra đêm qua, có lẽ cũng đã đến lúc Sầm mỗ cần phải biết Tử Vong Lệnh chủ nhân là ai. À, mà này, thiếu hiệp có thể tạm dừng chân, chờ Sầm mỗ nói thêm một việc trước khi đến gặp Giáo chủ tệ Giáo .

Mộ Dung Bạch dừng lại:

- Sầm Đàn chủ có ý ngại tại hạ sẽ khước từ lời thỉnh cầu nhờ giúp của Giáo chủ quý Giáo? Nếu là vậy thì đừng quá lo. Vì chỉ cần chuyện quý Giáo toan nhờ đừng vượt quá sự hiểu biết của tại hạ, lẽ đương nhiên để tự bảo vệ sinh mạng tại hạ sẽ tận tâm thực hiện. Và đổi lại, chính tại hạ mới là kẻ cần một lời cam kết từ phía quý Giáo. Tại hạ chỉ có mỗi một sinh mạng, Sầm Đàn chủ chỉ quá lo khi ngại tại hạ đủ đởm lược khước từ.

Sầm Khiêm gượng cười.

- Dù biết đây là chuyện vì liên quan đến sinh mạng nên thiếu hiệp quyết không dám đùa. Nhưng sẽ là tốt hơn cho cả đôi bên nếu như thiếu hiệp chịu nghe thêm Sầm mỗ một lời.

Mộ Dung Bạch nhún vai:

- Ý mong tại hạ thuận tình đầu nhập quý Giáo ư? Tại hạ đang là phế nhân, có luyện công trở lại được chăng vẫn là điều vạn phần khó nhận định. Vậy gia nhập làm gì chỉ trở thành gánh nặng cho quý Giáo? Sẽ là tốt nhất nếu quý Giáo cam đoan mở một sinh lộ cho tại hạ. Khi đó, dù không là giáo đồ nhưng về phương diện tận lực tận tâm, quả quyết sẽ không ai qua được Mộ Dung Bạch này. Thật sự đâu cần chuyện đầu nhập, đúng không?

Sầm Khiêm chợt nói rõ luôn ý định

- Sầm mỗ có một tiểu điệt nữ, thiếu hiệp vì là phế nhân ắt rất cần người hầu hạ, thế nên Sầm mỗ có ý định tác hợp cho cả hai.

Mộ Dung Bạch phá ra cười:

- Lệnh điệt nếu ưng thuận hầu hạ tại hạ chỉ là phế nhân, ắt lệnh điệt cũng là người bất toàn. Thật đáng tiếc tại hạ là người cầu toàn, và điều đang cầu mong nhất chính là sự toàn vẹn sinh mạng. Mỹ ý của Sầm Đàn chủ, tại hạ đành đắc tội vì không thể nhận lời.

Bỗng có tiếng ai oán vang lên:

- Mộ Dung Thiếu hiệp đã nhìn thấy bao giờ để bảo tiểu nữ đây bất toàn? Xin hãy xem đây.

Đó là một trang giai nhân thật sự tuyệt sắc, nhưng chỉ khiến Mộ Dung Bạch cau mày nhắm mắt:

- Lệnh điệt quả là trang tuyệt thế giai nhân, khiến tại hạ bất giác cảm thấy thẹn và tự nhận bất xứng, Sầm Đàn chủ nỡ nào đùa trên nỗi khổ của Mộ Dung Bạch này?

Sầm Khiêm nói:

- Sầm mỗ không đùa, kể cả điệt nữ cũng nguyện ý cam tâm, chỉ cần thiếu hiệp ưng thuận là đủ. Nhân duyên này sẽ là lực kết hợp, giữ thiếu hiệp mãi lưu lại cùng bổn Giáo.

Mộ Dung Bạch ngơ ngác mở mắt nhìn Sầm Khiêm:

- Chỉ với dụng ý như thế, Sầm Đàn chủ nỡ nào gây thành nỗi phiền muộn suốt một đời lệnh điệt nữ?

Giai nhân nhẹ nhàng tiến đến gần:

- Là tiểu nữ cam tâm, đâu thể bảo sẽ phiền muộn vì người tiểu nữ nguyện ý hầu hạ chỉ là phế nhân

Mộ Dung Bạch nghiêm giọng:

- Cô nương có biết đại trượng phu ngại nhất là để người khác thương hại chăng? Và điều đó là tổn thương lớn nhất, sánh ngang như bị vũ nhục. Cô nương quyết không phiền muộn thật ư nếu như tại hạ vì mãi có cảm giác bị làm nhục có thể sẽ hành hạ ngược đãi, hoặc giả nếu không thể, vì trầm uất, dẫn đến việc tự đánh mất nhuệ khí nam nhi, suốt một đời chỉ là gánh nặng cho cô nương thì sao? Theo tại hạ, hoặc cô nương chưa thật sự cân nhắc cho đến kỳ hết, hoặc vì không đủ tin vào tại hạ, lo ngại tại hạ có thủ đoạn khiến bao tâm huyết của quý Giáo khó mong thực hiện, thế nên cứ chấp nhận hạ sách này, nghĩ rằng có thể ràng buộc tại hạ và không biết hậu quả chỉ là lợi bất cập hại.

Sầm Khiêm cau mày:

- Thiếu hiệp hãy nói rõ hơn, thế nào là lợi bất cập hại?

Mộ Dung Bạch vẫn nghiêm giọng:

- Sầm Đàn chủ nghĩ, có bao nhiêu cách để ràng buộc người vào mình?

Sầm Khiêm hắng giọng

- Xin cho nghe cao kiến:

Mộ Dung Bạch nhếch miệng cười:

- Vẫn chỉ là Tài – Khí – Tửu – Sắc mà thôi. Nhưng điều cốt yếu là cách vận dụng, phải có đối sách thích hợp cho từng đối tượng. Và riêng tại hạ thì xin miễn dùng Tài – Tửu – Sắc. Chỉ còn Khí

Sầm Khiêm gật gù:

- Ý muốn nói võ công?

Mộ Dung Bạch đáp:

- Quyền lợi của song phương nếu hợp nhau, đó chính là mối ràng buộc kiên vững nhất. Nói rõ hơn, nếu quý Giáo có thể giúp tại hạ không chỉ chi trì sinh mạng mà còn có cách khiến võ công phục nguyên, thử hỏi, để đáp lại đại ân sánh bằng công tái tạo đó, liệu tại hạ có dám không tận tâm với quý Giáo chăng?

Sầm Khiêm thở dài:

- Nhưng giúp được thiếu hiệp phục nguyên, bổn Giáo vì tự nhận vô phương bất lực, thế nên mới đánh đổi bằng mối lương duyên này.

Mộ Dung Bạch lại mỉm cười:

- Người luyện võ vẫn luôn xem võ công quý ngang sinh mạng. Tại hạ sẽ chẳng thiết sống nếu như nhận thức bản thân hoàn toàn tuyệt vọng và vô phương thế khôi phục công phu. Nhưng vì tại hạ vẫn sống, nghĩa là tia hi vọng vẫn còn. Vậy khi sự việc chưa đến, Sầm Đàn chủ bất tất vội nói quý Giáo vô phương giúp tại hạ. Tóm lại, xin hãy để sau khi gặp Giáo chủ quý Giáo, biết đâu tại hạ sẽ có kế sách lưỡng toàn, vừa có lợi cho quý Giáo vừa hưởng lợi cho bản thân?

Sầm Khiêm giật mình:

- Như thiếu hiệp đã đoán biết việc bổn Giáo toan cậy nhờ là gì?

Mộ Dung Bạch ung dung gật đầu:

- Nếu bảo không thể đoán biết, liệu tại hạ có đủ thông tuệ đúng như mong muốn của quý Giáo chăng? Nhưng vì thông tuệ, tại hạ không phủ nhận cũng chẳng phải quá cao ngạo, nên đương nhiên có thể đoán việc quý Giáo cậy nhờ nhất định liên quan đến võ công. Vả chăng, chẳng riêng gì quý Giáo, tại hạ dù chỉ mới xuất hiện giang hồ vẫn gặp quá đủ những kinh ngạc của khá nhiều nhân vật do họ không ngờ tại hạ chỉ luyện trong một năm lại có thành tựu vượt sức tưởng. Nếu như lời tại hạ vừa nói là chẳng đúng, xin Sầm Đàn chủ cứ ban cho một chưởng chết ngay, tại hạ quyết chẳng oán thán. Nhược bằng ngược lại, sao Sầm Đàn chủ không mau bảo lệnh điệt lui, đồng thời lập tức đưa tại hạ đến bái phỏng Giáo chủ quý Giáo?

Sầm Khiêm thật sự chấn động, đến nổi cứ nhìn sững Mộ Dung Bạch một lúc, sau mới nhớ đến giai nhân và ra hiệu cho nàng ta lui, cuối cùng là nói với Mộ Dung Bạch:

- Thiếu hiệp quả nhiên thông tuệ, còn vượt quá những lời hồi bẩm của thuộc hạ bổn Giáo. Nhưng nếu thiếu hiệp không dùng sự thông tuệ này giúp bổn Giáo hoàn thành ý nguyện, có cần Sầm mỗ nói rõ chăng những hậu quả khó lường thế nào cũng đến với thiếu hiệp?

Mộ Dung Bạch phá lên cười:

- Đây mới đúng là thái độ tại hạ vẫn mong nhìn thấy ở Sầm Đàn chủ. Vì thà tỏ ra thẳng thắn với nhau hơn là quá giữ kẻ. Hoặc giết tại hạ đi nếu phát hiện vô dụng, còn nếu là hữu dụng thì chính quyền lợi sẽ ràng buộc tại hạ vào quý Giáo. Sầm Đàn chủ hà tất hao tổn tâm cơ.

Sầm Khiêm cũng phụ họa theo

- Vậy hãy mau đến gặp Giáo chủ. Sầm mỗ chỉ mong kết quả đúng như thiếu hiệp quả quyết. Mời!


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-27)


<