Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Danh môn - Hồi 314

Danh môn
Trọn bộ 340 hồi
Hồi 314: Toái Diệp phong vân (4)
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-340)

Tuy nhiên Thôi Diệu cũng không chú ý tới những thứ này. Khế Tác Á dẫn anh ta đi xuống tháp rồi tới thẳng một gian mật thất. Trong mật thất chỉ bày một cái bàn và vài các ghế, trên vách tường còn có mấy ngọn đèn dầu.

- Ngươi ngồi đây đợi một lát, ta sẽ trở về ngay.

Khế Tác Á ra hiệu cho Thôi Diệu ngồi xuống rồi biến mất sau một cánh cửa nhỏ. Chuyến đi lần này kéo dài tới hai giờ, dù Thôi Diệu có kiên nhẫn thì rốt cục cũng không nhịn được, anh ta chậm rãi đứng lên đi tới đẩy thử một cánh cửa sắt nhỏ. Anh ta cố sức đẩy nhưng cánh cửa không có một chút dịch chuyển. Cửa không thể mở cũng chính là anh ta đã bị nhốt bên trong.

Thôi Diệu ngạc nhiên nhìn một vòng bốn phía xung quanh, cả mật thất chỉ có hai cánh cửa, một cái là cửa bọn họ đã vào, cửa còn lại ở ngay trước mặt cũng đã bị khóa lại. Hơn nữa cả mật thất được xây dựng toàn bộ bằng các khối đá vuông cực lớn nên không có cửa sổ. Nói cách khác, nếu Khế Tác Á không quay trở lại hoặc ông ta có xảy ra chuyện gì thì anh ta chắc chắn bị giam chết ở đây.

Thôi Diệu lại chậm rãi quay trở về chán nản ngồi xuống. Giờ anh ta không còn cách nào, chỉ có thể chờ đợi. Ước chừng qua nửa canh giờ không thấy có động tĩnh gì, hiện giờ hẳn đã là buổi tối, trong lòng Thôi Diệu bắt đầu trở nên lo lắng. Anh ta cảm thấy nhất định Khế Tác Á đã xảy ra chuyện gì đó, dù thế nào ông ta cũng sẽ không để mình đợi lâu như vậy. Nếu như ông ta gặp phải chuyện không may hoặc là không có ai biết được vậy chẳng phải đây sẽ trở thành mồ chôn của mình sao. Một cảm giác sợ hãi bao phủ lấy anh ta, Thôi Diệu cũng không chịu được nữa, thoáng cái đã vọt tới trước cửa sắt liều mạng lay cửa rầm rầm, căn bản là không thể mở được.

- Có ai không? Có người nào ở đây không?

Anh ta ra sức lớn tiếng gọi, thanh âm vang vọng trong mật thất. Không có người trả lời, anh ta cứ kêu gào như vậy gần trăm tiếng, kêu đến nỗi cổ họng khản đặc nhưng vẫn không có tiếng trả lời, hơn nữa bên ngoài cửa sắt cũng không có âm thanh nào. Anh ta hoài nghi liệu mình có phải đang ở trong hầm ngầm không.

Thôi Diệu rốt cục vội vàng nâng một cái ghế lên dùng hết sức đập mạnh vào cửa sắt. Rầm! Một tiếng động thật lớn vang lên, cái ghế bị vỡ làm năm bảy mảnh mà cửa sắt vẫn không có chút sứt mẻ nào. Anh ta lại liều mạng đập một cái ghế nữa, ghế lại vỡ nát, rõ ràng không có tác dụng gì.

- Khốn kiếp!

Anh ta hung hăng đá vào cửa một cái, ngoại trừ tự anh ta bị đau đớn một lúc thì cũng không có tác dụng gì. Thôi Diệu tựa hồ nghĩ đến cánh cửa dẫn tới bảo tháp, có lẽ trong này còn có cơ quan mật nào đó.

Một tia hy vọng lập tức làm anh ta cảm thấy phấn chấn. Anh ta dán mắt vào tường tìm kiếm từng tấc một. Bất luận là một khe hở hay vật gì nhô lên anh ta cũng không buông tha. Anh ta dùng vụn gỗ của cái ghế vỡ đào khoét, đứng trên bàn dùng ghế đập nóc phòng, thậm chí mấy ngọn đèn cũng bị vặn xuống, ý muốn tìm cơ quan mật đằng sau. Nhưng tìm suốt một canh giờ vẫn không phát hiện được gì.

Anh ta ngơ ngác đứng đó, một tia hy vọng cuối cùng đã tắt, chẳng lẽ mình sẽ phải chết ở gian phòng đá cách xa nhân gian này sao? Sống mũi cay xè, hai hàng nước mắt của anh ta đã trào ra, cuối cùng không nhịn được gục xuống bàn khóc lớn:

- Tổ phụ, tôn nhi bất hiếu, sẽ không còn được gặp lại người nữa.

Rốt cục đèn cũng tắt hết, mật thất đột nhiên biến thành màu đen. Trong bóng tối Thôi Diệu gạt lệ sang một bên nhớ lại quãng thời gian sống ít ỏi mình. Lại nhớ tới Cổ Đại là mối tình đầu, trong lòng vừa đau đớn vừa ngọt ngào. Giờ anh ta đã tiều tụy đến cực điểm, bất tri bất giác mơ màng chìm vào giấc ngủ.

Cũng không biết trải qua bao lâu, bốn hay năm canh giờ Thôi Diệu gục xuống mặt bàn. Đói khát đã giảm, sợ hãi không còn, mềm yếu cũng biến mất, giờ anh ta không có bất cứ cảm giác nào, lẳng lặng chờ đợi cái chết đang đến. Anh ta biết rõ Khế Tác Á nhất định đã xảy ra chuyện gì đó.

Đột nhiên từ xa truyền đến tiếng lộc cộc vô cùng nhỏ. Thôi Diệu vội ngồi dậy. Là ảo giác sao? Không, không phải!

Ngoài cửa rốt cục truyền đến một hồi những tiếng bước chân. Tiếng bước chân này cả đời anh ta khó có thể quên được. Nó khiến khát vọng sống của anh ta lại lần nữa dâng lên. Thôi Diệu vội nhảy xuống dưới bàn, đánh thẳng vào cửa sắt.

Rầm! Một tiếng động lớn vang lên, cuối cùng cánh cửa sắt cũng mở ra, một khoảng không hiện ra trước mặt. Thôi Diệu dừng bước, chậm rãi lui về phía sau, trước mặt anh ta bây giờ là mười mấy binh lính Đại Thực võ trang đầy đủ, một tay cầm loan đao, một tay cầm đuốc, tựa như một đám lang sói lạnh lùng theo dõi anh ta.

Khế Tác Á đã chết, thi thể của ông ta nằm ngay trên đại sảnh. Ông ta đi từ mật thất ra chưa bao lâu, còn chưa gặp được Quốc vương thì một ngàn binh lính Đại Thực đã bao vây Hoàng cung, ông ta bị một tên lính ném trường mâu trúng, không may tử nạn.

Thôi Diệu bị mười mấy tên lính Đại Thực đẩy mạnh vào đại sảnh. Anh ta liếc nhìn thi thể của Khế Tác Á, từ sau lưng ông ta có một thanh trường mâu đâm trúng qua tim, máu cũng đã đông cứng lại, biểu hiện rằng đã chết từ lâu. Trong đại sảnh đông nghịt binh lính Đại Thực đang đứng, trong lòng Thôi Diệu thương cảm một hồi rồi anh ta đẩy mấy tên lính áp giải mình ra, chậm rãi đến ngồi xổm trước thi thể Khế Tác Á, yên lặng một lòng tưởng nhớ tới vị quý tộc Bạt Hãn Na này. Lúc trước không lâu anh ta còn đang thống hận người này, giờ có thể thấy ông ta vì bảo vệ mình mà bị giết.

Thôi Diệu khẽ thở dài, rút trường mâu đâm trong thân thể Khế Tác Á ra, rồi dùng thảm nâng ông ta nằm ngửa dậy, quân Đại Thực trong phòng đều yên lặng chú ý đến cử động của anh ta nhưng không ai can thiệp cả.

- Ngươi còn có lòng dạ trông nom người khác sao? Nghĩ xem ngươi sắp chết thế nào đi!

Từ trong đại sảnh bỗng truyền đến một tiếng nói lạnh lùng, đúng tiếng Đột Quyết. Một nam tử chừng hơn bốn mươi tuổi chậm rãi đi tới, đôi mắt y như mắt chim ưng với ánh nhìn độc ác. Y đi vào đại sảnh lập tức có một binh lính đến lục soát người Thôi Diệu, tìm ra bức thư tự tay Hoàng đế Đại Đường viết gửi cho Quốc vương Bạt Hãn Na.

Nam tử này không chút khách khí mở thư ra xem. Tuy xem không hiểu nhưng y nhìn dấu ấn đóng bên dưới liền nhận ra đúng là ấn tín của Hoàng đế Đại Đường. Y cười lạnh chỉ vào mình nói với Thôi Diệu:

- Ta tên là Tát Mạn Duy Nhĩ, là người đứng đầu gia tộc Tát Mạn. Ngươi nói được tiếng Đột Quyết không? Là gian tế Đại Đường ở đây?

Thôi Diệu hừ lạnh, ngẩng đầu lên nói:

- Ta là sứ giả Hoàng đế Đại Đường phái tới, không phải là gian tế.

- Với ta thế cũng không khác biệt lắm.

Tát Mạn nghêng ngang ngồi xuống ghế của Quốc vương, khoát tay nói:

- Đem tên đó lại đây.

Một lát sau một nam tử trẻ tuổi sắc mặt tái nhợt bị dẫn từ bên ngoài vào. Đó chính là Quốc vương Bạt Hãn Na Khế Lực. Khế Tác Á đến vào đúng lúc Quốc vương vừa đi ra ngoài thành nghênh đón khách quý Đại Thực tới nên không có trong cung.

Khế Lực thấy Thôi Diệu đứng trong đại sảnh thì trong mắt ánh lên một tia kinh ngạc. Quốc vương tuy bị khống chế nhưng theo đôi ba lời ẩn ý đã đoán được Khế Tác Á nhất định đem đến tin tức gì đó rất quan trọng, nhưng anh ta không ngờ trong mật thất của mình lại giấu một người Đại Đường, hơn nữa mật thất của mình cực kì bí mật vậy mà cũng bị người Đại Thực tìm ra. Bất quá anh ta không biết nếu người Đại Thực không tìm được mật thất thì vị sứ giả Đại Đường này sớm muộn gì cũng chết trong mật thất.

Ánh mắt anh ta nhìn xuống thảm, chợt kêu to lên một tiếng rồi nhào tới phía trước:

- Khế Tác Á thúc thúc!

Khế Lực dùng sức lay vài cái mới phát hiện thúc thúc của mình đã chết từ lâu. Khế Lực phẫn nộ đứng lên, chỉ vào Tát Mạn nổi giận nói:

- Cái tên đồ tể này, thân vương A Cổ Thập đã đáp ứng ta không giết vương tộc Bạt Hãn Na. Ngươi lại dám ở trong Hoàng cung của ta giết người, ta sẽ nói Calipha phạt tội ngươi.

- Ông ta tư thông với địch quốc đáng bị xử lý. Giết ông ta ở đây còn là may, đáng lẽ ông ta phải bị treo cổ.

Tát Mạn hung dữ nói.

Sắc mặt Khế Lực tái nhợt, ngực phập phồng, ánh mắt ác độc nhìn chằm chằm vào tên ác ma kia. Gia tộc bọn chúng đã chiếm đất của Bạt Hãn Na, tàn khốc bóc lột thần dân, Quốc vương đã nhịn y nhiều năm như vậy mà giờ y lại dám tự tiện xông vào Hoàng cung giết người. Khế Lực rốt cục không thể nhịn được nữa, run rẩy chỉ ngón tay ra ngoài nói:

- Ngươi cút khỏi đây cho ta.

Tát Mạn lấy thư trên người Thôi Diệu ra, giương giương lên trong không trung đắc ý cười nói:

- Ngươi cứ việc hung hăng đi. Để cho Calipha nhìn thấy bức thư này để xem ngươi khóc còn không kịp đấy.

Y cười ha hả vung tay lên nói:

- Bắt gian tế Đại Đường mang đi cho ta.

- Đứng lại!

Khế Lực tiến lên một bước ngăn cản Tát Mạn, chỉ vào Thôi Diệu nói:

- Đây là sứ giả Hoàng đế Đại Đường phái tới Bạt Hãn Na. Ngươi là Tổng đốc Thạch quốc, không có quyền can thiệp vào sự vụ Bạt Hãn Na ta.

Con mắt Tát Mạn chậm rãi nhìn lên âm hiểm cười nói:

- Ta cho ngươi biết ta sẽ xử lý tên gian tế Đại Đường này thế nào. Hôm nay ta sẽ treo cổ hắn ở cổng thành để cho tất cả mọi người thấy kết cục của một tên gian tế cho Đại Đường.

Thôi Diệu ngẩng mặt lên trời cười to:

- Ngươi giết ta? Ngươi giết ta rồi Hoàng đế Đại Đường cũng sẽ treo cổ ngươi ở đầu thành Toái Diệp..

*****

Tát Mạn hung hăng xoay người đá Thôi Diệu một cái nói:

- Chết đến nơi rồi còn dám mạnh miệng à. Ngươi thật sự không sợ chết sao?

- Phi.

Thôi Diệu khinh thường phỉ nhổ vào người y.

- Thôi Diệu ta chết vì nước nhà có gì phải sợ. Ngược lại ngươi ngang ngược, sớm muộn gì cũng phải đau khổ mà chết thôi.

Sắc mặt Tát Mạn đại biến. Lời Thôi Diệu nói trúng tâm bênh của y khiến y giận tím mặt, giơ roi đánh ngay trúng mặt Thôi Diệu. Đúng lúc này cửa ra vào đột nhiên có một nhóm lớn binh lính tràn vào. Một tên lính thủ hạ của Tát Mạn vội vàng chạy vào bẩm báo nói:

- Tổng đốc, thân vương A Cổ Thập điện hạ tới, hiện đang đứng ở ngoài cửa.

- Ngươi nói không đúng rồi. Ta đã vào rồi.

Một người mặc áo giáp, đội mũ giáp màu vàng từ bên ngoài đi vào đại sảnh, khuôn mặt người này mang một vẻ cười cợt. Đó đúng là Tổng đốc A Cổ Thập.

A Cổ Thập tới thị sát tình hình vật tư hậu cần cho chiến dịch Toái Diệp. Hai ngày nay, khách quy theo lời binh Đại Thực chính là chỉ ông ta. Sau khi kết thúc thị sát, ông ta lập tức phản hồi báo cáo cho Lạp Hi Đức. Giờ ông ta nghe nói Hoàng cung Bạt Hãn Na gặp chuyện liền chạy tới xem, vừa vặn thấy được thái độ vô cùng ngạo mạn của Tát Mạn. A Cổ Thập là một quan viên nhưng cũng là học giả, nhiệm vụ của ông ta là dùng thủ đoạn dụ dỗ mở rộng văn hóa Đạo Hồi ở vùng phía đông A Mỗ Hà cùng vơi việc cải cách chế độ thuế. Tuy nhiên gia tộc Tát Mạn này tồn tại độc lập với đế quốc đại địa chủ, rồi lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiệm vụ của ông ta, cũng trở ngại tới chế độ Trung ương tập quyền của Đế quốc, cho nên áp chế gia tộc Tát Mạn cũng là một nhiệm vụ bí mật Lạp Hi Đức giao cho ông ta. Lạp Hi Đức là một đế vương vô cùng mưu lược, y lợi dụng cơ hội chiến tranh Toái Diệp giao quyền trị an Bạt Hãn Na cho gia tộc Tát Mạn, cũng bởi vậy vô hình chung xác định được binh lực thật sự của gia tộc này. Chuyện tiếp theo do A Cổ Thập hoàn thành, nhưng có một điều kiện tiên quyết là không làm ảnh hưởng tới chiến dịch Toái Diệp.

A Cổ Thập ở A Mỗ Hà là trưởng quản hành chính cao nhất, phụ trách hành chính, tôn giáo cùng thu nhập từ thuế. Đây cũng là ba chức năng chính của địa phương Đại Thực. Tuy Tát Mạn cũng là Tổng đốc nhưng y chỉ là Tổng đốc cấp ba, kém A Cổ Thập một bậc. Hơn nữa khi ông ta nhận chức thì Vương triều tiến hành thay đổi chế độ. Cả đế quốc chia thành năm đại khu hành chính tổng đốc. Cao nhất là trưởng quan hành chính gọi là Mễ Nhĩ, cũng là tổng đốc. Khu vực phía đông A Mỗ Hà rộng lớn thuộc về tổng khu hành chính Lạp Khắc, nhưng bởi vì khu vực quá rộng nên Calipha lập ra hai phó trưởng quan, một quản lý khu phía đông A Mỗ Hà, một quản lý Bàng Già Phổ và Tín Đức. Tổng đốc Tát Mã Nhĩ Hãn chính là phó trưởng quan quản lý vùng phía đông hiện giờ là thân vương A Cổ Thập. Mặc dù như vậy nhưng lãnh thổ quá rộng, Lạp Hi Đức đang thiếp lập thêm ba đô đốc dưới y nữa. Tổng đốc Thạch quốc, Bạt Hãn Na, Bố Cáp Lạp ... kì thật chỉ tương đương như một châu trưởng mà thôi.

Điều này trong lòng Tát Mạn cũng biết rõ. Thực tế thân vương A Cổ Thập này còn từng đảm nhận Mễ Nhĩ Mã Sĩ Cách, chính là tổng đốc tổng khu hành chính thứ hai, địa vị rất cao. Tuy nhiên Calipha tiền nhiệm bởi vì ông ta từng bị Đại Đường bắt làm tù binh nên bãi miễn nhiệm vụ của ông ta. Calipha hiện giờ lại thập phần tín nhiệm ông ta, lại phục dụng lần nữa. Bởi vậy A Cổ Thập vừa tới, Tát Mạn lập tức thu lại vẻ kiêu ngạo, quỳ xuống mặt đất nói:

- Tát Mạn tham kiến A Cổ Thập điện hạ.

- Không cần khách khí.

A Cổ Thập khoát tay cười nhạt một tiếng nói:

- Tổng đốc Tát Mạn không ở thành Thác Chiết mà tới Bạt Hãn Na làm gì vậy?

- Khởi bẩm điện hạ, Calipha bệ hạ lệnh cho gia tộc chúng tôi tạm thời duy trì trị an Bạt Hãn Na, thực tế phòng ngừa gian tế Đại Đường. Thuộc hạ không dám lười biếng liền tự mình tới đây đôn đốc.

Nói tới đây y chỉ sang Thôi Diệu nói:

- Đây chính là gian tế Đại Đường đầu tiên chúng tôi bắt được.

Ánh mắt A Cổ Thập hướng sang Thôi Diệu, ông ta chậm rãi đi đến trước mặt anh ta, dò xét một lúc đột nhiên dùng Hán ngữ không thuần thục lắm nói:

- Ngươi thật sự là gian tế sao?

Thôi Diệu có chút bất ngờ. Tên quan Đại Thực này rõ ràng đang nói tiếng Hán. Nhưng ngạc nhiên chỉ thoáng qua trong nháy mắt, anh ta lập tức cao giọng nói:

- Ta không phải gian tế, ta là sứ thần của Hoàng đế Đại Đường.

- Trong vương cung Bạt Hãn Na sao có thể có gian tế chứ.

A Cổ Thập lạnh lùng liếc Tát Mạn một cái rồi khẽ vươn tay ra nói:

- Lấy ra đi! Thư tín của Hoàng đế Đại Đường đó.

Tát Mạn cuống quýt lấy bức thư từ trong người ra đưa cho A Cổ Thập. A Cổ Thập thoáng nhìn qua thư, sắc mặt có chút không vui nói:

- Quốc thư loại này ngươi không có tư cách mở ra, nhất định phải lập tức giao cho Calipha.

Tát Mạn lau mồ hôi trên trán nói:

- Thuộc hạ không biết đây là quốc thư nếu không có đánh chết thuộc hạ cũng không dám tự tiện mở ra.

Vừa rồi Thôi Diệu nói một câu trong lòng y đã sinh ra cảnh giác. Mà theo như khẩu khí của thân vương trước mặt thì y liền nhận ra sự bất mãn của đối phương, loại bất mãn mày là bản thân tâm tình A Cổ Thập hay là Calipha đã có ám hiệu gì cho ông ta. Tên cáo già Tát Mạn lập tức cảm thấy Lạp Hi Đức cho mình quản lý trị an Bạt Hãn Na chưa chắc đã là có lòng tốt, điều này không phù hợp với lập trường trước sau như một khi y thu quyền trở lại Ba Cách Đạt. Ý nghĩ này khiến cho Tát Mạn nhanh chóng phán đoán, quyết không thể để A Cổ Thập bắt bẻ được mình thêm một điểm nào nữa. Y lập tức im miệng không nói gì nữa.

A Cổ Thập cười lạnh một tiếng, không để ý tới y, xoay người lại ôn nhu nói vói quốc vương Bạt Hãn Na:

- Quốc vương Khế Lực, điều tra Hoàng cung không phải là cách làm của Cáp Lý, ta muốn xin lỗi ngài. Bất quá ...

Nói đến hai chữ "bất quá" thì thần sắc A Cổ Thập bắt đầu trở nên nghiêm nghị, ông ta cảnh cáo Khế Lực nói:

- Bất quá sự nhẫn nại của Calipha có hạn. Hy vọng quốc vương không làm điều gì ngu xuẩn làm tổn hại đến lợi ích của Đại Thực. Nếu không hậu quả cũng không phải là Calipha chưa từng nghĩ tới.

Khế Lực cúi đầu không nói. A Cổ Thập chăm chú nhìn anh ta. Nếu như là bình thường ông ta sẽ lập tức xử tử tên Quốc vương dám cả gan làm loạn này. Nhưng giờ là lúc chiến tranh, Bạt Hãn Na tạm thời không thể nhiễu loạn, việc này chỉ có thể nhẫn nhịn. Một lúc lâu ông ta mới nhịn không được quay lại nói với Tát Mạn:

- Chuyện này dừng ở đây. Tên sứ thần này ta muốn đi Ba Cách Đạt giao cho Calipha định đoạt. Bảo binh lính của ngươi lui ra hết đi!

Màn đêm buông xuống, ngự thư phòng Tử Thần Điện ở Trường An vẫn sáng trưng đèn. Trương Hoán chăm chú nhìn vào bản đồ trước mặt. Chiều nay hắn mới biết được tin tức của hai vạn quân Đại Thực mất tích đang ở phía bắc Toái Diệp. Hai vạn quân này tấn công thành A Sử Bất Lai không có kết quả liền quay lại hướng bắc, vượt qua núi Thiên Tuyền tấn công Y Lệ, chiếm lĩnh thành Yêu Long và Y Lệ, cắt đứt liên lạc giữa Bắc Đình và Toái Diệp nhưng về sau lại đột nhiên mất tích. Hành tung của hai vạn quân này khiến cho Trương Hoán vô cùng lo lắng. Hắn lo Hồi Hột lại liên kết với Đại Thực, mở rộng quy mô tấn công Bắc Đình, mà hai vạn quân Đại Thực này lại ở ngay bên cạnh hỗ trợ, cũng không thể không nghĩ tới khả năng này, nếu không hai vạn quân ấy vượt qua sông Y Lệ có dụng ý gì?

Tới xế chiều, tin tức từ thành Cung Nguyệt lại truyền tới nói hai vạn quân Đại Thực đã xuất hiện ở phụ cận thành Cung Nguyệt. Tình thế đang diễn ra quả đúng như lo lắng của hắn, quân Đại Thực có dấu hiệu muốn tấn công Bắc Đình.

Trương Hoán chắp tay sau lưng chậm rãi đi đi lại lại trong phòng. Từ khi phát động chiến dịch Toái Diệp tới nay, mỗi này hắn đều phải chú ý tới trận chiến có thể ảnh hưởng tới vận mệnh Đại Đường và Tây Vực này, nhưng sự tình phát triển cũng có chút vượt quá dự liệu của hắn, Đại Thực quả là một nước có thực lực cường thịnh. Bồ câu đưa thư từ Toái Diệp đưa tới tin quân Đại Thực đã vận dụng cả ba mươi vạn đại quân, không kể cả những cận vệ Đại Thực tinh nhuệ nhất.

Không chỉ có thế, từ trước khi bắt đầu chiến tranh một tháng đến giờ quân Đại Thực vẫn tiếp tục vận chuyển các loại vật tư chưa từng ngừng lại. Mặc dù Đại Đường cũng vậy nhưng mấy ngày nay Trương Hoán đã cảm nhận được một số vấn đề. Đó là úng ngập ở vùng lưu vực sông Hoài và hạn hán ở Quan Trung. Năm nay mưa lớn dị thường tập trung ở hạ lưu sông Hoài khiến cho đê vỡ, làm hơn mười vạn khoảnh ruộng tốt bị úng ngập, trăm vạn người dân gặp tai họa. Vấn đề sông Hoài còn chưa khá lên lại xuất hiện hạn hán ở Quan Trung, suốt từ tháng sáu tới nay không hề có một giọt mưa nào. Mặc dù triều đình đã khẩn cấp điều trăm vạn bao lương thực tới trợ giúp Ba Thục và Kinh Tương nhưng tin tức bất lợi cũng đang khiến cho tâm lý dân chúng trở nên khủng hoảng. Giá cả ở Trường An đã đạt đến mỗi đấu trăm xâu tiền. Còn xuất hiện hiện tượng rất nhiều người thậm chí giá cao cũng không bán.

*****

Trường An còn lại có tám mươi vạn bao lương thực, Hà Đông, Ba Thục, Sơn Nam, Chiết Đông rộng lớn như vậy mà đều không còn lương thực dự trữ, muốn duy trì đến tháng sáu năm sau thì có chút miễn cưỡng. Tuy Lũng Hữu còn có năm trăm vạn bao lương nhưng đó là dự trữ cho chiến tranh ở Toái Diệp, bất luận thế nào cũng không thể độn đến. Hiện giờ Trương Hoán đang lo lắng nếu chiến tranh Bắc Đình bộc phát thì về vật tư Đại Đường thật sự gặp khó khăn.

Bất luận thế nào cũng không thể để xảy ra bạo động, lúc đó nếu chiến tranh Bắc Đình xảy ra thì dùng thực lực của một nước Đại Đường đồng thời không thể nào ứng phó được với hai chiến trường đại quy mô như vậy. Đây chính là điểm mấu chốt.

Lúc này một tên thái giám chạy vào thông báo Ung Phó Vương đã đến, đang ở bên ngoài điện chờ gặp hắn.

Ung Vương chính là con trai Trương Hoán, Lý Kì, Ung Phó Vương là Lý Bí. Tinh thần Trương Hoán lập tức chấn động, nói:

- Triệu Lý học phó lập tức tới gặp trẫm.

Rất nhanh Lý Bí đã vội vàng đi vào đến ngự thư phòng của Trương Hoán. Tuy Lý Bí đã dùng thân phận Ung Phó Vương dần dần tham gia rất nhiều quyết sách quan trọng nhưng ông ta vẫn một mực an phận, không có Trương Hoán triệu hồi, ông ta tuyệt đối sẽ không tham dự bất cứ hội nghị trọng yếu nào. Hôm nay Trương Hoán triệu kiến khẩn cấp, ông ta biết nhất định lại có chuyện trọng đại nào đó cần bàn bạc với mình.

- Vi thần tham kiến Hoàng đế bệ hạ!

Lý Bí tiến đến thi lễ, thái độ vô cùng khiêm nhường.

Trương Hoán gật nhẹ. Đây là một ưu điểm của Lý Bí. Bất luận là tại sao được trọng dụng, bất luận là được các đại thần kính trọng thế nào thì ông ta vẫn thủy chung giữ phong thái khiêm tốn. Với ai cũng không hề có thái độ kiêu căng, Trương Hoán đăng cơ năm năm cũng chưa từng nghe qua lời phàn nàn nào về ông ta.

- Mời Lý học phó ngồi.

Trương Hoán mời Lý Bí ngồi rồi hắn cũng ngồi xuống, cũng không nói chuyện quốc sự mà khẽ mỉm cười nói:

- Trẫm nghe nói gần đây Kỳ Nhi lại làm tiên sinh vất vả rồi.

- Ung Vương điện hạ thân là ngọc quý, thần tư chất ngu dốt, chỉ có thể tạo nên nhân ngọc còn muốn làm ngọc sáng lên thì còn cần lời nói và việc làm của bệ hạ làm gương mới được.

Trương Hoán biết rõ ông ta có ý khuyên mình, cười cười chuyển chủ đề nói:

- Hôm nay trẫm mời tiên sinh đến đây chủ yếu muốn bàn bạc với tiên sinh về việc Hồi Hột.

- Hồi Hột?

Lý Bí lo lắng hỏi:

- Hồi Hột xảy ra chuyện gì sao?

- Bây giờ chưa có chuyện gì nhưng trẫm lo rồi sẽ có chuyện.

Trương Hoán than nhẹ một tiếng, bước nhanh đến trước tướng kéo xuống một tấm địa đồ Tây Vực.

Hắn dùng gậy gỗ chỉ vào thành A Sử Bất Lai, theo hướng đi của hai vạn kị binh Đại Thực đến thành Cung Nguyệt.

- Trẫm rất chú ý tới hướng đi của hai vạn kị binh Đại Thực này. Bọn chúng vốn muốn đến chiếm thành A Sử Bất Lai nhưng bỗng nhiên lại đổi chủ ý vượt qua núi Thiên Tuyền đến sông Y Lệ, trước sau chiếm lấy thành Y Lệ và Yêu Long. Hôm nay trẫm lại nhận được tin tức tiên phong của bọn chúng đã xuất hiện ở bên ngoài thành Cung Nguyệt, trẫm nghi ngờ bọn chúng muốn liên minh với Hồi Hột tấn công Bắc Đình. Nếu là như vậy trẫm vô cùng lo lắng. Đại Đường ta trước mắt thực lực một nước chỉ sợ không chèo chống nổi cả hai trận tuyến.

Nói tới đây Lý Bí đã hiểu ý của Hoàng thượng muốn mình nghĩ ra một đối sách với Hồi Hột. Lý Bí đi đến trước địa đồ, trầm tư thật lâu rồi chậm rãi nói:

- Thần cho rằng nhiệm vụ thật sự của hai vạn kị binh này hẳn là cướp lấy thành A Sử Bất Lai, tiến quân tới Y Lệ chỉ là quyết sách tạm thời. Đương nhiên cũng có thể ngược lại, tấn công A Sử Bất Lai chỉ là kế dương đông kích tây, mục đích chính là chiếm được lưu vực sông Y Lệ. Nhưng bất kể vì lý do gì thì trong này chắc chắn có quỷ kế. Nếu như người Đại Thực thật sự liên minh với người Hồi Hột thì nhất định sẽ đường đường chính chính xuất binh, không cần phải lén lút như vậy khiến cho người Hồi Hột hoài nghi thành ý của bọn chúng.

- Ý ngươi là Đại Thực và Hồi Hột thật sự không có hiệp nghị gì mà bọn chúng cố ý làm như muốn tấn công Bắc Đình để lừa chúng ta?

Lý Bí gật nhẹ.

- Thần cho rằng việc này với ý đồ chiếm lĩnh Thổ Hỏa La của bệ hạ tuy cách làm khác nhau nhưng kết quả lại giống nhau. Bọn chúng không chỉ muốn chặn đường viện binh tiếp ứng cho Toái Diệp mà còn muốn tỏ ý hợp tác với người Hồi Hột. Nói không chừng người Hồi Hột sẽ chịu không nổi món lời hấp dẫn này mà xuất binh tới Bắc Đình. Đây là kế một mũi tên trúng hai con chim. Người Đại Thực quả nhiên là một kình địch!

Trương Hoán yên lặng chăm chú nhìn bản đồ. Hắn không thể không thừa nhận Lý Bí có cái nhìn rất thấu triệt, khả năng rất có thể đúng là như vậy. Người Đại Thực có thể đang muốn lợi dụng thế lực của Hồi Hột, muốn dùng hai vạn binh làm tê liệt tám vạn quân mình đã bố trí ở Bắc Đình, mà sáu vạn quân Đường ở Sơ Lặc cũng đã bị quân Đại Thực Thổ Hỏa La kìm chân. Hơn nữa hai vạn quân nho nhỏ này đúng là có thể đánh động người Hồi Hột tấn công Bắc Đình.

Đột nhiên Trương Hoán hiểu ra một điều, nhanh chóng liếc qua thấy Lý Bí đang ngồi vuốt râu cười, biết ông ta đã có kế hoạch, liền cả giận nói:

- Tiên sinh đã có tính toán vì sao không đến gặp ta? Chẳng lẽ còn muốn trẫm đến cầu hay sao?

- Thần không dám.

Lý Bí liền vội vàng khom người thi lễ một cái rồi thẳng thắn nói:

- Thần có nghĩ tới ba kế thượng trung hạ, mời bệ hạ tham khảo.

Lại có những ba kế? Trương Hoán thật sự thấy vô cùng hứng thú nói:

- Tiên sinh nói về thượng sách trước đi.

- Thượng sách chính là tranh thủ phái ủng hộ ở Hồi Hột để họ khuyên giải Khã Hãn Hồi Hột không coi Đại Đường là địch. Tất nhiên triều đình có thể nói sẽ cho bọn họ lương thực, làm lung lạc họ

Đúng là thượng sách nhưng lại không ổn. Trương Hoán hoàn toàn không muốn dùng lương thực trao đổi. Hồi Hột là hạng người tham lam, lòng dạ lang sói. Bọn chúng kiêu căng chắc chắn sẽ yêu cầu rất nhiều lương thực, hơn nữa chính con dân mình trong nước còn chưa đủ ăn! Hắn lại trầm ngâm một lúc rồi hỏi:

- Thế còn trung sách?

-Thỉnh bệ hạ để thần nói hạ sách trước. Hạ sách là tiếp tục điều binh đến Bắc Đình, dùng đủ binh lực đe dọa để người Hồi Hột không dám tự tiện xuất binh nữa.

Không đợi Lý Bí nói xong, Trương Hoán liền lắc đầu từ chối. Không nói đến tài lực của triều đình hiện không đủ để tiếp tục điều binh đến Bắc Đình, cho dù có miễn cưỡng phái binh đến được thì người Hồi Hột tính vốn cứng, nếu không đánh Bắc Đình chắc chắn sẽ chuyển sang tấn công Sóc Phương, Hà Bắc, lúc đó nên làm gì bây giờ? Chẳng lẽ lại triệu hồi binh tới đó hay sao? Mấu chốt bây giờ là phải làm cho người Hồi Hột không xuất binh.

- Tiên sinh nói ra trung sách đi.

Kì thật trung sách này mói chính thức là suy tính của Lý Bí. Nếu nói thượng sách là dương mưu thì trung sách này chính là âm mưu. Ông ta từ tốn nói:

- Trung sách của thần kì thật chính là kế Sở Hoài Vương của Trương Nghi.

Trương Hoán dường như đã hiểu, nhưng hắn vẫn như trước không phản ứng gì, để cho Lý Bí tiếp tục nói.

- Ngày xưa Trương Nghi lợi dụng bản tính tham lam cùng lập trường không vững của Sở Hoài Vương hứa cho y món lợi lớn, dụ y dứt bỏ ý niệm tấn công Tần. Chuyện ngày đó với Hồi Hột hôm nay cũng tương tự. Hồi Hột lợi dụng Đại Đường và Đại Thực giao chiến làm ngư ông đắc lợi, lấy công chúa Đại Đường lại vơ vét tài sản Đại Thực, đúng là kẻ hai mặt giống như Sở Hoài Vương. Thế nên lần này Đại Thực đóng quân ở thành Cung Nguyệt Hồi Hột hẳn là cũng sẽ có hành động. Nếu như thần đoán không nhầm thì bọn chúng sẽ dẫn binh nhưng không phát, hung hăng để đe dọa Đại Đường. Bệ hạ có thể lợi dụng lòng tham cùng sự bất định của chúng, hứa cho món lời lớn để mê hoặc chúng. Nếu như chiến dịch Toái Diệp chiến thắng, bệ hạ lại bảo chúng đổi ngựa lấy lương, trái lại nếu như chiến dịch thất bại thì bệ hạ lại hứa hẹn hai nhà hợp tác đối phó với quân Đại Thực đông tiến.

Trương Hoán chắp tay sau lưng chậm rãi đi đến bên cửa sổ. Hắn dừng lại nhìn bóng đêm bên ngoài rất lâu không nói gì. Kế này là tạm thời, nhưng tính về lâu dài, thất hứa với Hồi Hột sớm muộn gì cũng đẩy chúng sang hướng Đại Thực. Hắn quả thực cảm thấy khó nghĩ.

Lý Bí tựa hồ như đã hiểu được lo lắng của Trương Hoán, ông ta cười cười nói thêm:

- Có lẽ bệ hạ lo lắng thất tín với Hồi Hột, thần cũng thừa nhận khả năng này rất lớn. Nhưng thần lại cho rằng quan hệ giữa hai nước thực lực mới là quyết định. Trương Nghi lừa gạt Sở Hoài Vương nhưng người trong thiên hạ không ai nói Tần Vương thất tín mà ngược lại đều chê cười Sở Hoài Vương ngu xuẩn. Đây là vì sao? Cũng tương tự như vậy, binh giáp Đại Đường không được hùng mạnh, cho dù hàng năm cống nạp cho Hồi Hột trăm vạn thước lụa, cạn tình nghĩa bọn chúng lại vung đao xuôi xuống nam chinh phạt Trung Nguyên, giống như loạn An Sử năm xưa. Nếu như Đại Đường thực lực mạnh mẽ thì cho dù là lừa gạt chúng một trăm lần thì chúng vẫn phải ngoan ngoãn thay Đại Đường dắt ngựa đóng yên. Bệ hạ, người Hồi Hột cho tới bây giờ vẫn đều thờ phụng kẻ mạnh, cũng không có tâm địa mềm yếu.

Trương Hoán không nói gì một lúc lâu rồi đột nhiên nở nụ cười chậm rãi xoay người thản nhiên nói với Lý Bí:

- Trẫm không lo lắng việc này. Trẫm giống như Tần Vương, còn ngươi hẳn là Trương Nghi mới đúng.

*****

Đã thương lượng xong với Lý Bí, Trương Hoán cũng sắp xếp nhanh chóng trở về cung. Thái giám hầu hạ hắn là An Trung Thuận hôm nay sinh bệnh, tạm thời đổi một kẻ mới tên là Mã Nguyên Anh, vô cùng nhanh nhẹn. Nguyên lai là thái giám cung Lạc Dương ba năm trước đây đều bị nhập vào cung Trường An Đại Minh, Mã Nguyên Anh bị phân đến ngự thư phòng của Trương Hoán làm việc dọn dẹp, y thông minh nhanh nhẹn nên được Trương Hoán nhớ tới cho làm một trong những thái giám thiếp thân hầu hạ mình. Y cũng là kẻ biết tốt xấu, tôn ti trật tự, cùng mấy người An Trung Thuận cũng coi như hòa hợp.

Y nhanh nhẹn mở cửa xe để Trương Hoán vào ngồi. Xe ngựa chậm rãi chạy về phía Hoàng cung. Trong xe có thể thắp đèn nhưng sau một ngày mệt mỏi Trương Hoán muốn tranh thủ cơ hội ngắn ngủi này để chợp mắt dưỡng thần. Hắn nằm trên ghế nhắm mắt không nói gì. Ánh trăng từ bên ngoài chiếu qua khe cửa vào người hắn lúc sáng lúc tối. Mã Nguyên Anh hầu hạ ở phía trước lại có vẻ lo lắng, y đang cầm một quyển tấu chương trong tay, không biết nên làm thế nào cho phải. Bản tấu chương này là môn hạ bộ Hộ Thôi Ngụ kín đáo đưa cho y, bảo y trên đường về cung chuyển cho Hoàng thượng, nhưng bây giờ y lại không thể đưa ra được.

- Có chuyện gì sao?

Đôi mắt Trương Hoán hé mở một chút, hắn đã sớm biết tinh thần Mã Nguyên Anh có chút không tập trung.

- Bệ hạ, vừa rồi Thôi tướng quốc kín đáo đưa cho thần một quyển tấu chương, bảo thần chuyển cho bệ hạ.

- Vì sao không sớm đưa ra?

Khẩu khí Trương Hoán đã có chút không vui.

Mã Nguyên Anh luống cuống vội vàng lắp bắp giải thích:

- Thôi tướng quốc không cho thần đưa ra ngay mà bảo bây giờ mới được đưa cho bệ hạ.

Trương Hoán thoáng cái đã ngồi dậy. Đây là tấu chương gì mà làm cho Thôi Ngụ thần thần bí bí như thế chứ.

- Đưa cho trẫm!

Đèn trong xe được thắp sáng lên, Trương Hoán nhận lấy bản tấu chương nhìn qua cũng không có gì đặc biệt này. Vừa mở ra, một phó trang đã rơi ra ngoài, không phải vì nó không có niêm phong mà vì nó quá dài, dài những bốn năm đoạn gập, kéo ra cũng phải đến một xích.

Trên phó trang là bút tích của tướng quốc cùng với môn hạ và ý kiến của các địa phương. Nói chung chỉ có một tờ giấy nho nhỏ mà nhiều ý kiến đến như vậy là lần đầu tiên từ khi đăng cơ Trương Hoán nhìn thấy.

Trương Hoán nhìn bản tấu chương mà có chút kinh hãi. Trong trang giấy đầy những Trình báo ấn của Trung thư tỉnh và Phê bác ấn của Môn hạ tỉnh, cả trang đầy dấu đỏ cùng những hàng chữ nhỏ chằng chịt. Đây là việc chưa bao giờ có, hắn lật hai trang sắc mặt lại trầm xuống, đây là một bản tấu mãnh liệt phản đối chiến dịch Toái Diệp.

Trương Hoán lật giở lên trang nhất thấy có một chữ kí của Huyện lệnh huyện Vũ Công Lỗ Duyên thì lông mày không khỏi nhíu lại. Tuy ông ta chỉ là một tiểu quan bát phẩm, chức quan hèn mọn nhưng lại là người công khai phản đối chiến tranh Toái Diệp nhất.

"Đây là lần thứ ba vi thần dâng tấu, xin bệ hạ nghe một lời của thần"

Sắc mặt Trương Hoán trở nên âm trầm, lật giở từng tờ một trong bản tấu rồi gấp lại ném sang một bên. Trong lòng hắn tức giận đến cực điểm. Bản tấu chương này lí lẽ sắc nhọn ý nói mỏ bạc Toái Diệp chỉ là cái cớ, nguyên nhân phát động chiến tranh là để thỏa mãn hư vinh địa vị và vinh quang đế quốc, cũng không tiếc hao phí hết một chút vật lực Đại Đường vừa mới tích trữ được, phần mộ cha mẹ già ở Trung Nguyên không ai trông coi, để lại mẹ góa con côi thở dài ai oán. Hoàng thượng cũng không lo kế dân sinh, huy động lực lượng các tiểu thành vạn dặm biên thùy, đó không phải là ý nguyện của toàn dân.

Thỏa mãn hư vinh? Đây không phải là nói thiên tử Đại Đường hắn đây sao? Một huyện lệnh bát phẩm nho nhỏ mà dám chỉ trích hắn vì thỏa mãn hư vinh mà chiến, chẳng lẽ ông ta không biết tôn ti trật tự sao? Chẳng lẽ ông ta không biết Toái Diệp là mỏ bạc tài chính trọng yếu của Đại Đường sao?

Trên dưới cả nước đều tôn nghiêm mà không kể được mất cá nhân, văn võ bá quan cả triều đều lo lắng hết lòng, hơn mười vạn tướng sĩ bỏ lại vợ con đi đến tiền tuyến Tây Vực, chiến dịch Toái Diệp đã đến giai đoạn giằng co ác liệt, nhất cử nhất động đều ảnh hưởng đến dân tâm. Mà người này không những không hiến kế tham mưu quốc sự lại còn công khai chỉ trích cuộc chiến là bất nghĩa, tin tức này mà lan đến Toái Diệp, sẽ làm dao động quân tâm, dân tâm, ảnh hưởng đến sinh tử tồn vong của vài chục vạn quân dân. Vạn dặm giang sơn hiện giờ đều tập trung vào mấu chốt lúc này, chỉ có thể khuyến khích mà không thể để nhụt chí, nhưng người này không thức thời cổ xúy chiến tranh là bất nghĩa, chả lẽ mọi người đều say chỉ có mình ông ta tỉnh hay sao?

Trương Hoán đã sớm mệt mỏi không chịu nổi sau một ngày vất vả, bây giờ đột nhiên nhảy ra một kẻ làm loạn, hắn nhất thời không kiềm chế được, người này không nghiêm trị chắc chắn càng lúc càng làm nguy hại đến đại cục.

- Người đâu!

Hắn nghiêm nghị quát lên.

Mã Nguyên Anh sợ tới lạnh người, núp ở một góc trong xe đến thở mạnh cũng không dám. Lúc này một thị vệ cưỡi ngựa đi bên cạnh nghe thấy mệnh lệnh vội chạy tới:

- Xin bệ hạ ra lệnh.

Trương Hoán trầm ngâm một lúc lâu không nói. Tuy hắn là đế vương nhưng lệnh bãi quan từ tứ phẩm trở xuống lại là quyền hạn của tướng quốc cùng bộ Lại, hắn không có quyền trực tiếp bãi trừ. Nếu như lập tức cách chức người này thì sẽ gây náo loạn trong triều, bất lợi đối với chiến sự. Bây giờ chỉ có thể tạm dàn xếp, qua một thời gian nữa lại xử lý sau.

Nghĩ vậy trong lòng hắn rất buồn bực khoát tay chặn lại nói:

- Không có gì, trẫm hơi mệt một chút, lệnh cho xe tăng tốc lên.

Xe ngựa chạy nhanh hơn, qua một cây cầu đá chậm rãi dừng trước điện Lăng Khởi. Nơi này là tẩm cung của Hoàng hậu. Mỗi ngày sau khi hồi cung Trương Hoán đều lui tới đây ăn cơm. Bùi Oánh cũng vừa từ Thái Cực cung trở về không lâu, giữa trưa có thái giám báo lại là Ninh Đức Thái hậu Thôi Tiểu Phù bệnh nặng nên nàng lập tức đi tới đó, nói chuyện cùng Thái hậu suốt buổi chiều.

Nàng đang chuẩn bị bữa tối thì đột nhiên có cung nữ chạy tới bẩm báo bệ hạ đã trở lại, tâm tình có vẻ không tốt.

Bùi Oánh không biết chuyện gì xảy ra, vội vã chạy ra ngoài đón tiếp. Đi không bao xa liền gặp trượng phu nổi giận đùng đùng đang tới, nàng vội vàng thi lễ nói:

- Thần thiếp cung nghênh bệ hạ.

- Hoàng hậu miễn lễ!

Nhìn thê tử ra đón khiến cho cơn tức giận của Trương Hoán giảm đi một chút. Hắn đột nhiên ý thức được cơn giận trong triều không thể đem về nhà, liền mở miệng hờn dỗi, khoát tay nói:

- Trẫm đói bụng rồi, bữa tối có chuẩn bị tốt không?

- Thần thiếp đã chuẩn bị xong, mời bệ hạ dùng bữa.

Bùi Oánh nhẹ nhàng xoay người trở về phòng, tự mình trải đệm lên ghế cho trượng phu:

- Mời bệ hạ ngồi.

Trương Hoán lắc đầu cười nói:

- Nàng cần gì làm nhiều lễ nghi như vậy khiến trẫm thấy không tự nhiên, giống như đang ở quốc yến vậy. Ở nhà mình thì cứ tùy tiện lại tốt hơn.

- Vậy nên thần thiếp mới tự mình trải đệm cho bệ hạ!

Bùi Oánh khẽ mỉm cười, lại cầm bầu rượu rót cho hắn một chén.

- Chẳng lẽ bây giờ chàng lại không có cảm giác gia đình sao?

Thê tử ngồi bên cạnh hầu hạ mình ăn cơm, hắn cảm nhận được thân hình động lòng người cùng một mùi hương hoa lan nhàn nhạt, đây là hương thơm quá đỗi quen thuộc với hắn. Tâm tình Trương Hoán dần trở nên yên tĩnh, phiền muộn mệt mỏi đều được thê tử nhẹ nhàng xoa dịu. Hắn nâng chén rượu lên chậm rãi uống một ngụm.

- Chàng cứ ăn từ từ, thiếp đi xem Thu nhi một lát rồi sẽ quay lại ngay.

Bùi Oánh sắp xếp cho trượng phu xong xuôi liền bước nhanh ra khỏi cửa, đi tới một gian phòng nữ nhân. Nàng khẽ mở hé cửa, nhìn thấy con gái đang nghiêng người nằm ngủ say trong trướng, vú nuôi ngồi bên cạnh lại đang chăm chú ngồi thêu một bao kim tuyến nên không phát hiện ra Hoàng hậu nương nương tới. Bùi Oánh cười cười lặng lẽ đóng cửa lại.

Nàng nhớ tới trượng phu liền vội vàng đi tới phòng ăn. Đi tới nơi thì thấy Mã Nguyên Anh đang ảo não khoanh tay đứng nhìn giống như vừa phạm phải lỗi gì lớn lắm. Nàng liền động tâm thấp giọng hỏi:

- Bệ hạ hôm nay làm sao vậy? Tâm tình rất không tốt. Đã xảy ra chuyện gì sao?

- Vốn mọi chuyện đều tốt nhưng bệ hạ vừa đọc tấu chương can gián Thôi tướng quốc dâng lên thì tâm tình liền xấu đi như vậy. Có trách thì phải trách nô tài nhiều chuyện.

Mã Nguyên Anh cực kì uể oải, sớm biết như vậy đã không nhận dâng bản tấu đó rồi.

Bùi Oánh có chút suy nghĩ, gật gật đầu rồi xoay người đi vào phòng. Thấy trượng phu đã bắt đầu ăn cơm, nàng liền chậm rãi đi đến ngồi xuống đối diện hắn cười nói:

- Chàng thế nào lại không uống rượu vậy? Để thiếp cùng chàng uống một chén.

- Thu nhi đang làm gì thế?

Trương Hoán ăn một miếng cơm, mơ hồ hỏi thăm:

- Sao nàng không đến chỗ Đa Đa?

- Hôm nay chàng về muộn, tiểu tử kia không đợi được đã đi ngủ rồi. Chàng ăn từ từ thôi, cẩn thận không nghẹn.

Bùi Oánh gắp thức ăn cho trượng phu, chống cằm âu yếm nhìn trượng phu đang ăn như hổ đói. Đây mới là trượng phu mà nàng yêu thương. Nhìn hắn uy vũ như vậy, nàng tự rót cho mình một chén rồi lại rót đầy chén rượu của hắn cười nói:

- Kỳ nhi cũng rất cố gắng, đã luyện chữ hai canh giờ rồi. Chàng ăn cơm xong hãy đến thăm nó đi. Hai người vài ngày nay không gặp rồi, buổi chiều nó còn nói sẽ nhờ phụ hoàng chi bảo cho nữa!

*****

- Vậy sao? Nó muốn học trẫm cái gì?

Trương Hoán ăn hai ba miếng đã hết bát cơm, lúc này mới bưng chén rượu lên hăng hái hỏi.

- Học thì có nhiều điểm, ví dụ như học tính cần cù, tiết kiệm, khiêm tốn nghe lời can gián của phụ hoàng.

Bùi Oánh nhấp ngụm rượu, khẽ cười nói. Khuôn mặt trắng như tuyết đã ửng hồng.

Mấy chữ khiêm tốn nghe lời can gián khiến cho tâm tư Trương Hoán dần hạ xuống. Ngồi cùng thê tử trong chốc lát mà mệt mỏi, phiền não và tức giận sau một ngày của hắn dần dần biến mất. Hắn đặt chén rượu xuống thở dài nói:

- Lại nói đến chuyện này quả thật khiến ta tức giận. Những ngày này chiến sự Toái Diệp căng thẳng, mọi người ăn mặc đều tiết kiệm trợ giúp tiền tuyến, ngay cả Hoàng hậu cũng đi đầu trong hậu cung tổ chức may giày tất, quần áo mùa đông cho tướng sĩ. Mọi người trên dưới một lòng vậy mà lại có kẻ chỉ là huyện lệnh bát phẩm lại hết lần này tới lần khác công khai nói chiến tranh Toái Diệp là cuộc chiến phi nghĩa, chỉ trích trẫm làm hao người tốn của. Vốn dĩ loại ý kiến phản đối thế này không phải là không thể tồn tại, nếu như không phải ưu tiên chiến sự, có lẽ trẫm đã không tức giận mà còn cổ vũ ông ta. Nhưng bây giờ chiến sự đang khó khăn, ông ta lại lớn tiếng phản đối, chẳng lẽ lại bảo các tướng sĩ Toái Diệp đầu hàng người Đại Thực, chấm dứt chiến tranh bây giờ thì không phải hao tài tốn của sao? Sự tình đã xảy ra, mọi người nên đoàn kết một lòng, nếu muốn chỉ trích cũng phải để sau khi chiến sự kết thúc. Vậy mà ông ta lại hết lần này tới lần khác kêu gọi mọi người bôi nhọ tâm tư của trẫm.

Bùi Oánh cười không nói, lại rót cho trượng phu một chén rượu.

- Nguyên nhân bệ hạ mệt mỏi để ngày mai hãy xử lý, bây giờ đi nghỉ sớm một chút đi.

Trương Hoán nâng chén rượu lên nhìn thê tử nói:

- Thế nào, nàng cảm thấy trẫm nói oan cho ông ta sao?

Bùi Oánh lắc đầu:

- Thần thiếp cái gì cũng không biết, làm sao lại có kết luận như vậy được. Nói không chừng trước khi chiến tranh ông ta đã lập bản tấu này nhưng chỉ vì người nhỏ, lời yếu nên tới giờ mới đưa tới bệ hạ.

Trương Hoán tựa như nhớ ra điều gì, hắn lấy bản tấu ra, nhìn vào tờ thứ nhất có một câu đã bị hắn bỏ qua: "Đây là lần thứ ba vi thần dâng tấu, xin bệ hạ nghe một lời của thần."

Lần thứ ba! Trương Hoán khẽ chau mày. Hắn đã biết mình nghĩ oan cho người này, nhưng trên mặt cũng không có chút ngượng ngùng, hắn trầm ngâm không nói gì.

Bùi Oánh thấy hắn đã ngộ ra điều gì đó, liền kiên nhẫn khuyên hắn:

- Bệ hạ, cho dù chuyện này thật sự là không thập toàn thập mĩ, cũng không hề có lợi ích gì cho đại cục nhưng tất nhiên vẫn sẽ có những người đang theo dõi hành động của ông ta. Nếu như bệ hạ tha cho ông ta thì người người đều hoan hô bệ hạ thánh minh, kết quả là khiến cho bệ hạ nghe quen lời nịnh nọt, ngẫu nhiên xuất hiện một lời chống đối sẽ cho rằng phá hoại đại cục. Còn nếu bệ hạ định trách phạt người này thì chỉ sợ tương lai không ai dám nói thật nữa. Thần thiếp cũng thường nghe bệ hạ lấy Hoàng đế Thái Tông làm gương, cũng bởi vì khiêm tốn nghe lời can gián mà thành tựu thu được rất lớn. Bệ hạ, lời tâm huyết của thần thiếp xin bệ hạ suy nghĩ qua một chút.

- Trẫm biết sai rồi.

Trương Hoán nâng chén rượu trong tay lên uống một hơi cạn sạch, sau đó thở dài nói:

- Kì thật ông ta hẳn là nghĩ trẫm đã từng đọc bản tấu của mình, cũng nói tướng quốc đã thấy bản tấu rồi. Nếu muốn lấy lòng mọi người thì một huyện lệnh bát phẩm nho nhỏ có thể trình tấu tới tận đây được sao? Ngày mai trẫm sẽ nói chuyện với tướng quốc về việc này, còn hôm nay trẫm thật sự rất mệt mỏi, giờ ở chỗ Hoàng hậu nghỉ ngơi thôi.

Dứt lời hắn liền đặt chén rượu xuống, đứng lên cười nói:

- Tạm nghỉ trước đã. Trẫm muốn tới thăm nhi tử, giảng cho nó vài chuyện.

- Đêm nay thần thiếp sẽ phục vụ bệ hạ thật tốt.

Bùi Oánh cười, kéo tay trượng phu bước nhanh đến thư phòng của nhi tử.

Vấn đề hiện này đúng như sự lo lắng của Trương Hoán, hai mươi ngày sau khi chiến tranh ở Toái Diệp bộc phát, thì từ Hàn Nhĩ Đóa Bát Lý- kinh đô của Hồi Hột, Trung Trinh Khả Hãn đang có những động thái bất lợi cho Đại Đường. Trung Trinh Khả Hãn sau khi nhận được tin tức về việc một cánh quân của Đại Thực đang lảng vảng xung quanh lưu vực sông Y Lệ hà. Lập tức vị Khả Hãn này hiểu được ngay đây là một ám hiệu hay chính là một lời mời gọi mà Đại Thực muốn gửi tới Hồi Hột. Đó là việc hai bên sẽ cùng chiếm lĩnh lấy Bắc Đình. Đương nhiên bên phía Đại Thực chắc cũng chẳng muốn chiếm lĩnh một vùng đất quá xa xôi như Bắc Đình, nên sẽ ứng cấp nó cho Hồi Hột mà thôi. Mà ngay cả chiến quả ban thưởng cho đồng mình thì cũng không ngoài Bắc Đình rồi. Bởi vì nói trắng ra mục đích tấn công Bắc Đình của Đại Thực chính là đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng ở Toái Diệp mà thôi.

Thẳng thắn mà nói thì đối với những thái độ và biểu hiện trước đây của Đại Thực khiến cho Trung Trinh Khả Hãn rất bất mãn và ác cảm với đại quốc này. Sự bất mãn này xuất hiện không phải bởi vì Đại Thực bội tín không cho quân đi cứu viện khiến cho Cát La Lộc bị diệt vong mà lý do thực sự chính là việc Cáp Lý Phát Lạp Hy Đức đã dối gạt vị Khả Hãn này trong việc Khả Hãn cầu hôn với công chúa Đại Thực. Vị Khả Hãn cứ ngỡ rằng Lạp Hy Đức sẽ phải đem một vị công nương mĩ lệ như công chúa An Tư Lệ hay một trong hai muội muội của ông ta để gả cho mình chứ. Cuối cùng, ai ngờ Lạp Hy Đức lại đáp hôn bằng một cô gái bình thường của gia tộc Hy Mẫu. Một cô con gái hai lăm tuổi thì chỉ ở giá làm bà cô chứ ai thèm lấy nữa. Vậy mà Lạp Hy Đức lại tạm phong cho cô ta làm công chúa rồi gả ngay cho Trung Trinh Khả Hãn. Thật là quá đáng. Khả Hãn Hồi Hột đối với việc làm này của Lạp Hy Đức vô cùng bất mãn và oán hận, vì vậy ông ta thậm chí không thèm đợi đến ngày cử hành sắc phong hôn lễ đã lôi nàng ta lên giường của mình, giày vò, hạ nhục nàng ta đến tơi bời hoa lá. Còn đối với công chúa Đại Đường thì ngược lại thêm phần yêu kính, tuyệt đối đảm bảo trước ngày sắc phong nàng làm Khả Đôn thì không động đến một sợi lông của nàng.

Qua sự việc lần này khiến cho Trung Trinh Khả Hãn đối với Đại Đường lại càng thêm phần hảo cảm, bởi vì Trương Hoán đã đưa đến cho ông ta một vị công chúa trong hoàng thất chân chính. Một vị công chúa tuổi gần mười tám, lại xinh đẹp như hoa như ngọc. Rồi Đại Đường lại còn cấp cho Hồi Hột mượn ba mươi vạn thạch lương thực, dù biết rằng sẽ chẳng có ngày hoàn trả lại. Dĩ nhiên Trung Trinh Khả Hãn cũng biết rằng vị công chúa này cũng không phải là con ruột hay muội muội của hoàng đế Đại Đường vì ông ta thừa biết rằng con gái của Trương Hoán tuổi còn rất nhỏ và vị hoàng đế này cũng không có muội muội. Mà vị công chúa được gả cho ông ta chính là con gái của Lý Ức - Tấn Vương Đại Đường, nàng được phong là Hàn Quốc công chúa. Mặc dù như thế nhưng Trung Trinh Khả Hãn cũng rất lấy làm cảm kích trước việc Đại Đường thể hiện sự tôn trọng ông ta như vậy.

Sự cảm kích này bắt đầu từ đầu năm cho tới tháng sáu vừa rồi, sau khi Đường quân tiêu diệt hết bọn người Cát La Lộc kia và chiếm lĩnh toàn bộ lưu vực của con sông Y Lệ hà. Từ đó thái độ của Trung Trinh Khả Hãn. Sự cảm kích Đại Đường trong chuyện hôn sự hoàn toàn biến mất thay vào đó trong lòng ông ta rất lấy làm lo lắng khi nhận ra Đường quân đã tiến rất gần đến Hồi Hột rồi. Và khi khi chiến tranh Toái Diệp nổ ra, trong đầu ông ta cái suy nghĩ làm sao để làm ngư ông đắc lợi trong cuộc chiến giữa hai đại đế quốc này đã thay thế hoàn toàn cái cảm giác bất an lo lắng trước đó. Tâm tình của ông ta lúc này biến động liên hồi, cố vắt óc nghĩ ra nghĩ phương cách để thu được lợi ích từ cuộc chiến khốc liệt này.

Hiện tại cơ hội đã tới với ông ta, ông ta đã nhận ra thái độ và biểu hiện của Đại Thực khi người Đại Thực đang lởn vởn ở ngoài cửa Bắc Đình. Và thái độ bất mãn, tức giận của ông ta với Lạp Hy Đức trước đây đã hoàn toàn biến mất thay vào đó là một loại tình nghĩa huynh đệ thân thiết vô cùng. Còn với Đại Đường thì hoàn toàn ngược lại, sự cảm kích trước đó đã thay đổi hoàn toàn thành thanh đao sắc và con dê béo. Trong mắt ông ta Đại Đường chính là con dê béo, nhưng cái sừng của nó cứng nhọn quá, hơn nữa con dê này lại quá khỏe mạnh nên ông ta không dám tự tiện hành động được. Nhưng nếu có cơ hội thì ông ta sẽ chặt thật đẹp con dê đấy cho coi.

Lợi thì lợi rõ ràng như thế rồi nhưng Trung Trinh Khả Hãn cũng không hề vội vã xuất binh, ông ta muốn Đại Thực cho ông ta một câu trả lời chắc chắn đã. Ông ta muốn tính toán thật kĩ càng để làm như thế nào cho đạt được lợi ích lớn nhất về cho mình.

Và có lẽ vị thần hộ mệnh của người Hồi Hột đã mỉm cười với bọn họ để cho vị sứ giả của Đại Thực mà Trung Trinh Khả Hãn đợi chờ trong suốt hai ngày qua cuối cùng cũng đã tới Hàn Nhĩ Đóa Bát Lý. Tên sứ giả của Đại Thực tên gọ là Dịch Bặc Lạp Hân, mấy năm trước hắn cũng đã từng đi sứ sang Hồi Hột, hiện tại hắn đang làm người đứng đầu trong cơ quan thuế vụ ở Tát Mã Nhĩ Hãn, địa vị của hắn cũng ngang với thân vương A Cổ Thập

Crypto.com Exchange

Hồi (1-340)


<