Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 28

Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử
Trọn bộ 61 hồi
Hồi 28: Vũ Điệu Trăm Hoa
5.00
(2 lượt)


Hồi (1-61)

Kha Li Đa không tha:

– Lúc anh gặp cô ấy ở bờ hồ Tây, anh mê cô ấy đến tê liệt toàn thân, mà không cưới cô ấy à?

– Mê thì mê. Chứ có đâu mê rồi phải cưới làm vợ?

Thái phi muốn cứu Đại Hành ra khỏi vòng vây của Kha Li Đa, phi nói với mười nàng Ngọc:

– Để mười con bé Ngọc tấu nhạc, hát cho các con nghe. Nào mười con bé xinh đẹp của bà đâu? Quản ca đâu?

Một thiếu niên tuổi khoảng hai mươi, áo gấm xanh từ trong bước ra hành lễ. Thái phi chỉ y nói:

– Đây là nhạc quan của phủ Vũ Uy. Khi các con đi vắng, mẹ tuyển y tại phường Thụy khuê làm Quản ca cho đội nhạc phủ Vũ Uy. Y tên Lý Minh. Tuy người y đẹp trai hơn Trương Chi, nhưng tương lai có theo kịp Trương Chi không thì khó mà biết được!

Thúy Hồng vẫy tay hỏi Lý Minh:

– Minh! Em có nhận ra chị không? Hồi chị còn học ở trường Thụy Khuê, chị đã thấy em. Khi chị ra tường thì em mới nhập học. Em học sau chị, nhưng dường như tuổi lớn hơn chị thì phải.

Lý Minh hành lễ:

– Quản ca phủ Vũ Uy xin bái kiến Trang văn, Hồng anh công chúa.

Thái phi tuyên chỉ:

– Con với Thúy Hồng xuất thân cùng trường, thì coi như chị em. Không nên đa lễ.

Lý Minh thuật:

– Khi chị được Vũ Uy vương tuyển theo sứ đoàn, song thân chị hưởng bổng hàm Vệ úy của chị. Cả phường cùng ăn mừng. Rồi khi chị được phong Quận chúa, chúng em kéo lên Kinh Bắc chúc mừng hai bác. Lúc có chỉ phong chị làm Trang văn, Hồng anh công chúa, tất cả đám con gái của phường đều ao ước sẽ gặp may như chị.

Lý Minh chỉ vào 10 nàng Ngọc:

– Tất cả mười cô này đều mới nhập học phường Thụy khuê nhà mình đâu vài tháng thì được Linh từ Quốc mẫu và Thái phi tuyển chọn. Cả phường ăn mừng. Gia đình các em đều tạ ơn Trời Phật ban cho may mắn.

Lý Minh hành lễ với Vũ Uy vương, vương phi. Vương phi Ý Ninh hỏi:

– Này Minh! Năm nay em bao nhiêu tuổi rồi?

– Khải phi, thần 23 tuổi rồi ạ.

– Như vậy Minh lớn hơn tôi hai tuổi đấy. Nghe Thái phi dạy thì Minh có tài âm nhạc, mặt đẹp thế kia thì không biết đã bị cô nào trói chân, cột cẳng chưa?

Thái phi chỉ Ngọc Minh:

– Khi tuyển Minh vào làm Quản ca, mẹ đã gả Ngọc Minh cho Minh rồi.

Thúy Hồng gật đầu:

– Hồi nãy nhìn 10 cô Ngọc, con thấy Ngọc Minh thắt dây lưng thiếu phụ. Con nghĩ rằng Ngọc Minh thắt lộn. Hóa ra Ngọc Minh đã có nơi rồi.

Theo lịch triều điển lệ đời Trần thì y phục quy định rất rõ rệt: khi ra khỏi nhà thì thiếu nữ từ tuổi 13 dù mặc áo cánh, hay áo dài đều phải thắt dây lưng. Khi thắt dây, thì nút giữa bụng. Thiếu phụ thì nút nằm bên hông phải. Góa phụ thì nút nằm bên hông trái. Một số phụ nữ làm dáng bằng cách chế ra các bông sen, bông hồng bằng vải, cài lên nút.

Lý Minh vẫy tay, tám nhạc công, mỗi người cầm một nhạc khí. Bốn nàng Ngọc Minh, Ngọc Đức, Ngọc Thiên, Ngọc Hạ đứng ở bốn góc chiếu. Nhạc cử lên, bốn nàng vừa múa, vừa hát. Vương phi Ý Ninh nhận ra đó là bài Đông bộ đầu trảm Thát đát (Giết Thát đát – Mông cổ tại Đông bộ đầu). Đây là bản nhạc được sáng tác ngay trong đêm đại chiến trận Đông bộ đầu. Bản này phi đã nghe Thanh Nga biểu diễn tại quán Thiên thư trong lần khởi hành đi Mông Cổ.

Bản nhạc dứt, Chiêu Quốc vương phi Hương Thủy nói:

– Anh chị sang Trung nguyên ba năm. Ở nhà, triều đình đều để hết tâm trí theo dõi sứ đoàn Vũ Uy. Khi thì vui mừng, khi thì lo sợ, khi thì hồi hộp đến nghẹt thở. Anh chị xa quê thoáng một cái đã ba năm, bây giờ được gặp lại Thái phi. Em đã sai Thập ngọc Vũ Uy chuẩn bị tiệc tẩy trần: canh cua đồng nấu rau đay. Cà pháo mắm tôm. Cá bống mít kho tiêu. Rạm rang. Em không dám mời anh uống rượu vì biết anh chị là Phật tử thuần thành.

Đâu đó có tiếng nhã nhạc, tiếng ca vọng lại, nghe rất êm dịu. Mọi người đều lắng tai nghe.

Thái phi giảng giải:

– Các con xa quê hương. Trong ba năm qua, văn học, nghệ thuật quê nhà như trăm hoa đua nở, thay đổi nhiều. Đặc biệt là chữ Nôm. Phong trào học chữ Nôm rừng rực tỏa ánh sáng. Còn âm nhạc thì ba vương Chiêu Minh, Chiêu Quốc, Chiêu Văn là những người khuyến khích, tổ chức, sáng tạo ra những điệu nhạc, những điệu múa; ba vương còn thành lập các Phường (trường). Cho nên từ trong nội cung, cho đến các thôn, các xã đều bừng bừng khí sắc. Thực là bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh (trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng). Chiêu Minh vương đã nhân tài nghệ mười con bé Ngân bên phủ đã chế ra những điệu ca mới, những vũ điệu mới mượt mà.

Thúy Hồng lắng nghe:

– Ái chà điệu đang hát là điệu Ả đào (ca trù), rồi lại biến sang điệu hát Chầu Văn.

Lát sau Thúy Hồng gật đầu:

– Bây giờ lại đổi sang điệu Ru em.

Thái phi ban chỉ cho một cung nữ:

– Con sang phủ Chiêu Minh nói với vương phi rằng ta có chỉ đem đội nhạc Chiêu Minh sang đây trình diễn nhân tiệc tẩy trần của Vũ Uy vương.

Cung nữ rời khỏi đại sảnh. Lát sau nàng trở lại với một đoàn gồm 15 nhạc công y phục gấm Nghi tàm mầu xanh lợt, 10 thiếu nữ váy lụa đen, áo trong mầu tím, áo ngoài 10 mầu khác nhau, dây lưng xanh, vàng, đỏ.

Một nhạc công mặc áo đỏ tiến ra hành lễ:

– Thần Lê Lựu, Quản ca phủ Chiêu Minh cùng ca nhi khấu đầu vấn an Thái phi.

Mười thiếu nữ cũng hành lễ:

– Chúng con tham kiến bà! Không biết bà gọi chúng con sang đây có việc gì?

Thái phi ban chỉ:

– Các con bình thân. Nhân sau ba năm bôn ba hải ngoại. Vũ Uy vương mới về, nghe tiếng ca, tiếng nhạc của các con vọng sang. Ta muốn các con trình diễn cho vương, vương phi nghe. Tại đây còn có Trang anh, Hồng văn công chúa Thúy Hồng là danh kỹ sẽ bồi bổ cho các con. Trước hết Lê Lựu hãy trình bầy về xuất xứ các điệu múa mà Chiêu Minh vương mới sáng tạo ra.

Lê Lựu cung tay:

– Sau khi Linh từ quốc mẫu với Thái phi tuyển được 50 thiếu nữ nhan sắc bậc nhất Đại Việt đem về. Thái phi cho tập trung tất cả những danh kỹ, tài tử của các phường Thăng long để huấn luyện 50 người về kỹ thuật xử dụng tất cả các loại đàn, trống, tiêu. Lại dạy các điệu ca, múa danh tiếng của Việt, của Chàm, của Trung nguyên. Quốc mẫu còn truyền dạy 50 người những gì mà trước đây đã dạy Tô lịch thất tiên, ban Đông hoa: Bắt nai, Nữ tắc. Quốc mẫu ban cho Chiêu Minh vương 10 em Kim: Kim Minh, rồi tới Kim Đức, Kim Thiên, Kim Hạ, Kim Tiên, Kim Trị, Kim Kỳ, Kim Quốc, Kim Trí, Kim Cách.

Kha Li Đa lướt nhìn các nàng Kim, rồi than với Cao Mang:

– Anh ơi! Ban nãy mới nhìn các nàng Ngọc, em tưởng thánh A La ban cho Đại Việt mình mười người đẹp nhất trần gian. Không ngờ bây giờ mười nàng Kim cũng đẹp như hoa nở.

Lê Lựu cung kính:

– Khải vương gia, khi Linh Từ quốc mẫu cùng Mai thái phi đi khắp các phường, các trường tuyển được 50 em tuổi từ 13 đến 16 mang về huấn luyện. Chính Thái phi trực tiếp dạy ca, dậy vũ, dậy dàn. Cho nên người là sư phụ của các em. Người cho các em gọi là bà cho thân mật.

Lê Lựu chỉ Lý Minh:

– Chiêu Minh vương, Chiêu Văn vương cùng soạn ra những ca khúc, điệu múa thuần túy Việt, lời ca kết hợp các điệu hát có sẵn như Ca trù, Cò lả, chầu Văn, Trống quân, ngâm thơ, rồi dạy cho 5 Quản ca. Người ủy thác cho thần huấn luyện 5 đội Kim, Ngọc, Ngân, Ngà, Thúy. Nhân đó người cho gọi các phường trưởng, các chủ quán văn tới vương phủ, giảng dạy cho họ điệu múa, bài hát. Trở về họ dạy cho con em. Nhưng vương gia chưa cho họ trình diễn vội. Phải đợi 5 đội Hoàng cung trình bày trước Thượng hoàng với Tuyên thái phi đã. Điệu ca múa này tổng cộng có 9 màn. Màn giản dị nhất gồm bốn ca nhi gọi là Tứ linh. Nhị vương lại nhân đó soạn ra tám màn nữa. Ngày mai sẽ trình diễn trước Thượng hoàng.

Vương phi Ý Ninh ban chỉ:

– Em hãy cho ca diễn điệu Tứ linh đi. Tại sao lại gọi là Tứ linh?

– Khải Tứ linh là bốn con vật linh là Long, Ly, Quy, Phượng. Còn điệu Tứ linh thì do bốn ca nhi múa. Lời hát ca tụng chiến thắng phục hồi Thăng long. Màn Tứ linh còn gọi là màn Khai hội, dùng để mở đầu cho 8 màn sau.

Lê Lựu vẫy tay, bốn nàng Kim Minh, Kim Đức, Kim Thiên, Kim Hạ bước ra, mỗi người đứng một góc, quay lưng lại với nhau. Bốn nàng cùng mặc váy mầu hồng lợt, áo trong mầu tím, áo ngoài mầu hoàng yến, thắt lưng mầu đỏ, xanh lá mạ. Phía sau cổ các nàng có thanh gỗ kết vào lưng. Đầu mỗi thanh gỗ gắn một cái đèn lồng. Trong đèn có cây nến.

Lê Lựu vỗ tay, các nhạc công đồng tấu nhạc. Bốn nàng Kim cùng nghiêng mình, hạ gối, chắp tay hành lễ, rồi tay múa, chân bước theo hình vòng tròn, cùng cất tiếng ca. Đây là một bài Ca trù (Hát nói, hát Ả Đào).

Lê Lựu cầm dùi đánh vào trống cái ba tiếng, lập tức 6 nàng Kim đứng ngoài xen vào giữa 4 nàng đang múa, rồi cả mười vừa ca vừa múa nhịp nhàng: khi thì hai người đối diện nhau, khi thì chia thành hai toán, mỗi toán 5 người thành vòng tròn.

Lý Minh giới thiệu:

– Đây là màn thứ nhì.

Rồi y đánh ba tiếng trống, mười nàng Ngọc đứng dậy, dàn hàng một, rồi chia làm hai toán, mỗi toán 5 người xếp thành vòng tròn. Bây giờ diệu múa thành bốn vòng.

Lê Lựu đánh ba tiếng trống. Mười nàng ngừng lại, khụy gối chào rồi rời khỏi chiếu.

Vừa lúc đó, Thị vệ gác phủ vào cung tay:

– Khải vương gia! Có Tổng lĩnh Thái giám Đại Lực xin cầu kiến.

Mai Thái phi bảo con:

– Chắc Thượng hoàng có việc gì khẩn lắm mới sai Đại Lực tìm con trong đêm thế này.

Phi truyền:

– Mời Công công vào.

Đại Lực bước vào hành lễ:

– Bái kiến Thái phi! Bái kiến vương gia. Có tin trọng đại do triều đình chuyển về, Thượng hoàng truyền thiết triều trong đêm.

– Được tôi sẽ đi ngay.

Đại Lực vừa định bước ra, thì vương phi gọi giật lại:

– Công công!

Phi nói bằng âm thanh đầm ấm:

– Chúng tôi vì quốc sự không ở gần để phụng dưỡng phụ hoàng, mẫu thân. Chư sự đều nhờ Công công cả. Tuy đi xa vạn dặm chúng tôi cũng không quên công lao Công công. Chúng tôi có món quà vùng Thục mang về tặng Công công đây.

Phi lấy ra viên ngọc bích xanh cài lên mũ của Đại Lực, lại lấy tấm gấm Thục mầu tím nhạt trao tay cho ông. Đại Lực cảm động rơm rớm nước mắt:

– Đa tạ vương phi.

Vũ Uy vương, vương phi vội thay y phục sang đại điện, đã thấy Trung Vũ đại vương, Hưng Đạo vương, Hưng Ninh vương, Chiêu Văn vương, Chiêu Quốc vương hiện diện. Lại có thêm Nhân Huệ vương và mấy vị đại thần thuộc Khu mật viện, và mấy viên quan thuộc Tòa Tổng trấn Bắc cương đã tề tựu. Mặt người nào cũng có vẻ nghiêm trọng.

Thượng hoàng giá lâm.

Lễ nghi tất.

Chiêu Minh vương tâu:

– Khu mật viện của tòa Tổng trấn Bắc cương vừa sai ngựa lưu tinh về báo rằng chiến sự Tống Mông cổ đang diễn ra ác liệt. Tống bại liên tiếp.

Vương đưa mắt nhìn Vũ Uy vương, như dọ hỏi phản ứng của anh. Vũ Uy vương tươi cười:

– Khi rời Trung nguyên tôi đã biết chắc rằng Mông Ca sai thân vương Tháp Sát Nhi đánh từ Đông sang Tây. Còn ông ta sẽ đi theo đường Lục bàn sơn, Đại tán quan rồi tiến vào Tứ xuyên.

Chiêu Minh vương tỏ ý khâm phục:

– Đúng như anh ước tính! Mông Ca vượt sông Gia lăng, rồi vượt sông Bạch thủy chiếm được Trường ninh. Khi đến Đại hoạch sơn, tướng Tống là Dương Đại Uyển đem năm vạn binh ra hàng. Tổng trấn Thành đô là Đặng Văn cũng hàng. Vì vậy một giải phía Tây, phía Nam Ích châu dã lọt vào tay Mông cổ. Hiện Mông Ca đang tiến đến Kê trảo quan, uy hiếp Thạch tử sơn. Quân Tống thua liền 4 trận, mất bốn thành. Tướng Tống là Tiết độ sứ Vương Kiên sai sứ sang cầu cứu với ta. Vương xin ta giữ lời hứa của Vũ Uy vương với Tống, mà tiếp viện.

Vương ngừng lại cho cử tọa theo kịp, rồi tiếp:

– Tại mặt trận phía Đông, thân vương Tháp Sát Nhi chỉ huy quân Mông cổ tiến đánh được 17 đồn ải dọc sông Trường giang. Tống không địch lại. Mông cổ đang tiến về phía Tây. Tới Đại thắng quan thì bị chặn lại vì tại đây dân chúng hợp với triều đình tử chiến. Quân Mông cổ bị thua nhiều trận, binh tướng chết không biết bao nhiêu mà kể. Mông Ca nổi giận, truyền cách chức Tháp Sát Nhi, sai sứ về gọi Hốt Tất Liệt thay thế.

Vương phi Ý Ninh than:

– Hỏng! Hỏng to rồi.

Thượng hoàng hỏi:

– Tại sao con lại nói hỏng to?

– Thưa Tháp Sát Nhi không phải là không có tài. Nhưng vì quân tướng miền Đông của Mông cổ là quân, tướng người Hán do Hốt Tất Liệt đào tạo. Hậu cứ tiếp vận nằm ở Yên kinh, do Hành tỉnh gồm 16 bộ với Thượng thư, Tham tri chính sự như một đại triều đình, cũng toàn người Hán của Hốt Tất Liệt. Cho nên khi biết Tháp Sát Nhi được Mông Ca trao chi thống lĩnh mặt trận phía Đông, ông ta không chỉ huy được các tướng Hán, vợ chồng con đã nhìn thấy ông ta thất bại, cho nên chúng con chỉ chú ý đến mặt trận phía Tây mà thôi. Bây giờ Hốt Tất Liệt trở lại Trung nguyên thì không khác gì cọp xổ chuồng, rồng ra biển Đông. Chắc chắn y sẽ thành công. Vậy ta chỉ có thể bẻ gẫy mũi dùi Mông Ca để giúp Tống mà thôi.

Trung Vũ đại vương Thủ Độ quyết định:

– Năm trước, Vũ Uy vương được triều đình ủy làm đặc sứ toàn quyền. Vương đã tuân chỉ triều đình hội với Tống về vấn đề lãnh thổ. Phía Tống đồng ý nhắm mắt cho ta chiếm lại ba châu Vân dương, Khâu Bắc, Văn sơn, diệt bọn thổ phỉ Thân Long Vân. Phía Đại Việt hứa sẽ tiếp cứu Tống. Lời hứa của Vũ Uy vương là lời hứa của triều đình. Nay Tống xin ta thi hành, ta phải làm ngay. Hồi sáng, ta đã quyết định đem hai hiệu binh Văn Bắc, Thiệu hưng sang trợ chiến, lại giúp Tống lương thảo.

Thượng hoàng phán:

– Không ngờ tình thế biến chuyển mau quá. Cứu binh như cứu hỏa. Ta phải làm gì?

Người đưa mắt nhìn Vũ Uy vương:

– Nhật Huy con! Con điều binh thế nào?

Vương tâu:

– Phụ hoàng với triều đình đã quyết định sáng nay như vậy, thần nhi xin tuân chỉ.

Thứ nhất: ta tiếp cứu Tống ở mặt trận phía Tây, tức là Thục. Đường tiến quân của ta sang Tống có hai ngả: một là vào Đại lý, rồi xuôi giòng Trường giang từ Độ khẩu, đi Hợp châu tới địa phận Giang an, Điếu Ngư. Đường này hơi xa. Đường thứ nhì là từ Khâu Bắc đi Chiêu thông. Từ Chiêu thông dùng đường thủy đi Giang an. Thần nhi muốn dùng đường này.

Vương đưa mắt nhìn Chiêu Minh vương:

– Vùng Đại lý tiếp giáp với ta hiện do quân Cần vương Đại lý kiểm soát cho tới Độ khẩu. Vũ sơn công Tạ Quốc Ninh đang là quân sư cho quân Cần vương Đại lý. Ta khẩn sai chim ưng báo cho Quốc công Tạ Quốc Ninh biết, để khi ta khởi binh, Đại lý không bị ngộ nhận. Ta cũng sai chim ưng thông báo cho Vương Kiên biết.

Thứ nhì: ngay đêm nay thần nhi sai chim ưng mang lệnh lên vùng Khâu Bắc cho hai hiệu binh Văn Bắc, Thiệu Hưng chuẩn bị lên đường.

Thứ ba: Thiên trường ngũ ưng xa nhà đã ba năm, được nghỉ một tuần (tuần cổ gồm 10 ngày) rồi phải chuẩn bị, lấy ngựa lên Văn sơn nắm lấy quân lữ.

Thứ tư: quân số của Mông cổ hồi Hốt Tất Liệt còn cầm quyền, tại Tứ xuyên gồm 15 vạn do Mật Lý Hỏa Giả thống lĩnh. Quân này là người Mông Cổ, chứ không phải người Hán. Nay Mông Ca vét binh ở chính quốc với các nước thuộc Kim trướng thêm 20 vạn nữa. Tổng cộng khoảng 40 vạn. Quân số của Tống tương đương với Mông Cổ.

Thứ năm: Về lương thực của hai hiệu binh Thiệu hưng, Văn Bắc, hiện tích trữ tại Văn sơn, Khâu Bắc đủ dùng cho một năm. Lương thực mà ta định giúp Tống, không biết ta sẽ lấy ở đâu? Xin ông trẻ ban chỉ!

Trung Vũ đại vương Thủ Độ hạ lệnh cho Chiêu Minh vương Quang Khải:

– Cháu là Thái úy! Cháu trả lời anh đi.

– Theo quốc sách của Hưng Đạo vương thì ta không có kho lớn tích trữ lương thảo, mà lương thảo cất thành các vựa nhỏ rải rác ở các thôn xã. Như vậy quân không cần vận chuyển lương đi tới đâu có lương đến đó. Nếu bây giờ muốn giúp Tống, ta có hai phương cách. Một là ta xuất công nho ra mua tại vùng trù phú như Thiên trường, Kinh Bắc rồi chuyên chở sang cho Tống. Hai là ta lấy tại các vựa cất lương làng xãõ Bắc cương, rồi thu mua bổ xung trả lại sau.

Vũ Uy vương hỏi:

– Thần nhi cứu Tống ở mặt trận phía Tứ xuyên. Nếu như phá Mông cổ ở mặt này rồi, thì thần nhi rút về hay vẫn đóng binh ở Tứ xuyên?

Mọi người đưa mắt nhìn Hưng Đạo vương, vì ngoài vương ra không ai có khả năng ước tính những điều quá xa như vậy.

Hưng Đạo vương bàn:

– Trong hai mặt trận Tứ xuyên, Tương dương Phàn thành của Tống thì mặt Tứ xuyên gặp phải lực lượng Mông cổ quá mạnh. Nhưng nay thì mặt Tương dương, Phàn thành do Hốt Tất Liệt chỉ huy, thì cả hai mặt Tống đều nguy như nhau. Nếu ta giúp Tống phá được mặt Tứ xuyên thì sau khi thành công, ta nên xuôi giòng Trường giang tiến về Đông, giúp Tống trấn thủ Tương dương, Phàn thành. Vì mặt trận này mà vỡ thì kinh đô Lâm an sẽ mất trong sớm tối. Bấy giờ lương thảo cho hai hiệu binh sẽ do Thủy quân chở theo đường biển, rồi ngược Trường giang vào Tương dương.

Vương nhìn Vũ Uy vương rồi tiếp:

– Chúng ta tiếp viện Tống cần bảo toàn cơ mật. Có như vậy mới đạt được yếu tố: xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị.

– Đa tạ vương huynh dạy. Cả hai hiệu binh của Văn Bắc, Thiệu hưng đều kéo cờ Tống, quân phục cũng giống Tống. Hơn nữa họ đều nói tiếng Hoa. Dọc đường đệ sẽ cho họ xưng là quân của Hồ Nam tiếp viện Tứ xuyên.

Trung Vũ đại vương Thủ Độ nói nhỏ với Vũ Uy vương:

– Vũ Uy vương, vương phi rời nước ra đi trên ba năm, triều đình có nhiều thay đổi. Vậy trước khi lên đường hai cháu cần về Thăng long dự buổi thiết triều, trao đổi ít điều với trăm quan.

Vương quay ra nhìn Thiên trường ngũ ưng, rồi phán:

– Tuổi năm cháu trên 20 cả rồi. Tồng ngồng mà chưa cháu nào chịu lấy vợ cho yên bề gia thất. Hiện trong nhà ta, già này là người lớn tuổi nhất, vai vế cao nhất, già phải lo cho các cháu. Yết Kiêu xả thân cứu Vương Chân Phương, Chân Phương nguyện theo sửa túi, nâng khăn, mà về xứ thấp nhiệt này thì là điều ân nghĩa rất đáng trân trọng. Triều đình sẽ sai sứ mang lễ vật sang Sơn Đông biếu ông bà Vương Văn Thống, cầu hôn Chân Phương cho Yết Kiêu. Khi tiếp viện Tống, Yết Kiêu cần một người hiểu dân tình người Hán cố vấn. Nay có Chân Phương thì là điều già này mong ước. Còn Cao Mang khi sang Hồi cương gặp tiểu thư Kha Li Đa rồi duyên tình nảy sinh, nay Kha Ki Đa đã theo về đây thì coi như nên duyên vợ chồng rồi. Hiện đạo sư An Hát San đang có mặt ở Thăng long. Triều đình sẽ cử Lễ quan tới cầu hôn Kha Li Đa cho Cao Mang.

Vương hỏi Vũ Uy vương:

– Có phải hồi cháu sai Dã Tượng với Thúy Hồng sang Tống, trong vai vợ chồng phải không? Đường xa diệu vợi, trai to rừng rực sinh khí, gái lớn nhan sắc diễm lệ, thì gìa này tin rằng chúng đã thành hảo sự rồi. Tuy bề ngoài chúng là vợ chồng giả, nhưng tự nó thành duyên giai ngẫu.

Bị kết án oan, Dã Tượng, Thúy Hồng định biện luận, nhưng Thủ Độ xua tay không cho nói. Vương hỏi hai người:

– Hai cháu thành vợ chồng thì đẹp đôi quá. Võ công Thúy Hồng hiện không thua Ý Ninh làm bao, lại từng học Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư, thì có thể giúp chồng xung trận.

Dã Tượng, Thúy Hồng đành ngồi im nhìn nhau.

Vương hỏi Đại Hành:

– Con là một người hiếu thảo nức tiếng Đại Việt. Khi con lên đường theo Vũ Uy vương con lo lắng không có ai phụng dưỡng mẹ già. Bấy giờ có con bé hằng ngày vẫn bán bánh tôm cho mẹ con, tên nó là Võ Cẩm Nhãn. Nó mồ côi cha mẹ, ở với chú thím bên bờ hồ Tây. Nó tình nguyện dọn đến ở chung với mẹ con để thay con sớm khuya phụng dưỡng. Có đúng thế không?

– Quả như thế!

– Trong suốt ba năm qua, con đi xa, mỗi tháng già đều sai quan Trưởng sử hỏi thăm, giúp đỡ mẹ con. Mẹ con rất vui lòng, vì Nhãn sớm khuya cơm canh, thuốc thang hầu hạ như một nàng dâu. Con ơi! Cẩm Nhãn là một con bé thông minh, xinh đẹp hiếm có, lại có lòng tốt. Nếu nó không yêu thương con thì đời nào nó chịu hy sinh như vậy! Vậy con có định cưới nó làm vợ không?

Đại Hành luống cuống:

– Thưa ông trẻ con chưa có ý định đó.

Hưng Ninh vương là sư phụ của Đại Hành, vương xen vào:

– Con chưa cưới Cẩm Nhãn mà nó đã lĩnh nhiệm vụ dâu hiền. Như vậy là nó cho con vay mấy vạn cân ân tình. Nếu con không cưới nó thì đến kiếp nào con mới trả hết nợ của nó?

Đại Hành là một đại anh hùng thời Đông A, tính tình dứt khoát, nghe sư phụ dạy; Tử hành lễ với Hưng Ninh vương, Trung Vũ đại vương:

– Đa tạ sư phụ, đa tạ ông trẻ đã mở mắt cho con thấy đạo lý. Con xin tuân chỉ cưới Cẩm Nhãn.

Trung Vũ đại vương ban chỉ:

– Trong năm ngày nữa, triều đình sẽ làm lễ cưới cho bốn cặp, để các con bôn ba việc nước, vợ chồng có nhau như Vũ Uy vương.

Vương nhìn Địa Lô:

– Còn Địa Lô dường như chưa chọn ai. Hiện không thiếu các quận chúa, tiểu thư nhan sắc, tài năng, hiền thục, già này sẽ chọn cho cháu một cô.

Nghe Trung Vũ đại vương ban chỉ, Địa Lô kinh hoảng. Tử nghĩ thầm:

– Ông trẻ vừa là chúa cũ của mình, lại là trưởng tộc giòng Đông A. Ông đứng ra dựng vợ gã chồng cho con cháu thì đúng đạo lý rồi. Mình phải làm sao thoát ra uy quyền của ông bây giờ?

Vốn nhiều mưu trí, Địa Lô đưa mắt nhìn sư phụ là Tuệ Trung (Hưng Ninh vương) để cầu cứu. Thầy trò vốn đã có cái duyên mà nhà Phật gọi là nhân ngã tương thông. Hưng Ninh vương hiểu ý đệ tử. Vương can thiệp:

– Thưa ông trẻ! Địa Lô đã có một người rồi. Nhưng người đó mới qua đời, vừa phát tang hôm qua. Địa Lô đau đớn trong lòng, lại đang cư tang nàng, xin ông trẻ hoãn đến ba năm sau, Địa Lô đoạn tang, rồi hãy hỏi vợ cho y.

Thượng hoàng hỏi:

– Vợ Lô là ai vậy?

Địa Lô tâu:

– Là công chúa Lý Như Lan, con của Kiến bình vương.

Tử tâu chi tiết về việc Như Lan tuân chỉ của phụ vương về nước xem xét tình hình. Rồi nàng cùng sư phụ giúp Vũ Uy vương diệt bọn thổ phỉ Thân Long, được triều đình Đại Việt phong tước Quang minh, Trang liệt, Hồng Anh công chúa. Nàng với Địa Lô đã thề non, hẹn biển. Nhưng khi nàng trở về Cao ly, thì vua Cao ly tuyển nàng làm Thái tử phi. Cuối cùng nàng theo chồng sang Mông Cổ làm con tin, rồi thảm cảnh ghen tuông diễn ra, nàng bị giết.

Thượng hoàng ban chỉ cho Chiêu Minh vương:

– Ngày mai trong buổi thiết triều, con chuyển chỉ dụ của ta, truy thăng cho Như Lan, cải tước Quang minh, Trang liệt, Hồng Anh công chúa thành Thần võ, Trung liệt, Trấn quốc, Linh anh công chúa. Cho phối thờ tại Thái miếu nhà Lý ở Kinh Bắc.

Trung Vũ đại vương Thủ Độ ban lệnh cho Chiêu Minh vương:

– Trước đây được tấu chương của Vũ Uy vương về việc sứ đoàn thành công trong việc giải trừ binh quyền Hốt Tất Liệt, triều đình đã thăng thưởng cho sứ đoàn. Nay sứ đoàn lại thành công trong việc kết thân với sứ quân Lý Đảm, liên kết Đại lý, Hồi Cương, Sơn Đông. Cháu là Thái úy, làm lệnh thăng tất cả tất cả mã phu, đầu bếp cùng tùy tùng theo sứ đoàn được thêm ba trật nữa, lại thưởng cho năm tháng lương, cho nghỉ về thăm nhà trong 10 ngày, rồi trở lại, lên đường. Đặc biệt ban cho Thiên trường ngũ ưng mỗi người 10 nén vàng, gọi là bổng của triều đình ban cho nhân ngày cưới vợ. Trừ Dã Tượng tước Bá, phong cả bốn lên đệ nhất đẳng tước Tử.

Buổi thiết triều dứt, thì đã sang giờ Tý (nửa đêm).

Vũ Uy vương, vương phi trở về phủ, thuật chi tiết buổi thiết triều cho mẹ nghe. Nước mắt dàn dụa, Mai Thái phi bùi ngùi than:

– Phụ hoàng có 8 con trai, trong hoàng tộc còn hơn trăm người tài trí. Không lẽ không còn ai hay sao, mà con bôn ba suốt thời gian dài. Nay mới trở về chưa được một ngày, người lại sai con đi nữa. Sao Phụ hoàng không sai người khác đi, mà cứ phải là con?

Vú Dư ngồi cạnh Thái phi, bà xót xa nhìn đứa con sữa mà bà yêu thương vô cùng tận, rồi bà cũng khóc.

Vũ Uy vương thấy mẫu thân, vú Dư khóc, lòng người anh hùng lại nhũn ra. Vương ôm lấy mẹ:

– Mẹ ơi! Con hiểu lòng mẹ thương yêu con rộng như trời, sâu như biển. Nhưng đây là quyết định của buổi triều nghị. Con không muốn, không thể chối nhiệm vụ này.

Phi nhìn Ý Ninh:

– Lại nữa, Phụ hoàng có hơn ba chục nàng dâu! Trong khi các nàng dâu khác ngồi trong vương phủ, kẻ hầu, người hạ, ăn trắng mặc trơn! Mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Còn con thì trước đây, hồi còn con gái, con từng trấn ở Phù lỗ, lăn mình vào chỗ chết, dầm mưa dãi nắng. Rồi sau khi kết hôn lại phải lao vào những truyện cực kỳ khó khăn! Bôn ba đất khách quê người. Mẹ nghĩ đến con mà đứt ruột ra. Mẹ phải đi yết kiến Trung Vũ đại vương về vụ này mới được.

– Thưa mẹ, sau buổi triều nghị, Trung vũ đại vương với các vị vương lập tức lấy ngựa về Thăng long, để kịp dự buổi thiết triều sáng mai rồi.

– Vậy thì mẹ phải yết kiến Phụ hoàng.

Vương phi Ý Ninh an ủi:

– Thưa mẹ! Phụ hoàng là người tài trí. Không phải người không biết đến hơn trăm người trong hoàng tộc có tài nghiêng trời lệch đất. Không phải người không thương yêu chúng con. Mẹ xót chúng con một thì phụ hoàng xót mười. Nhưng người lĩnh nhiệm vụ đi này thì ngoài chúng con ra chỉ có Hưng Ninh vương, Hưng Đạo vương mới đương nổi! Hai vị đó là hai cây cột chống trời, không thể rời đất nước được. Do đó phụ hoàng phải bấm bụng cho chúng con ra đi.

Tổng Thái giám Đại Lực bước vào:

– Tâu Thái phi, Thượng hoàng giá lâm.

Đại Lực vừa dứt lời thì Thượng hoàng đã tới.

Lễ nghi tất.

Thượng hoàng ban chỉ bằng ngôn từ bình dân:

– Ta đến đây không phải với danh vị Thượng hoàng. Ta là Bố! Bố tới hàn huyên với con sau nhiều năm xa cách.

Ngài nói với Thái phi bằng giọng ấm áp:

– Nhìn sắc diện em, anh biết rằng em không hài lòng khi anh sai Nhật Duy cầm quân cứu viện Tống. Có đúng thế không?

– Đúng thế! Làm mẹ, ai không xót xa khi con mình phải bôn ba vất vả hết năm này đến năm khác. Mười ba tuổi Nhật Duy phải lĩnh trọng trách trấn nhậm biên thùy. Mỗi năm khi thì đôi lần, khi thì một lần về thăm mẹ. Sau trận giặc, mẫu tử xa cách ba năm đằng đẵng, bây giờ vừa trùng phùng thì con phải ra đi. Mà cuộc viễn hành này không biết bao giờ mới xong. Aáy là không kể muôn vàn nguy nan đang chờ đón.

Thượng hoàng vuốt tóc phi như hồi phi còn con gái:

– Hơn hai chục năm trước, anh với Đại Lực giả làm nho sinh, nghe em hát. Do duyên văn, duyên nhạc, chúng ta có Nhật Duy. Từ đấy anh sủng ái em cùng cực. Suốt 24 năm qua, mình sống với nhau như một cặp tình nhân trẻ. Không một phi tần nào được sủng ái bằng em. Có đúng thế không?

– Đúng vậy.

– Còn Duy nhi! Bẩm sinh Duy nhi thông minh, khôi ngô, cần mẫn học. Không sách nào mà không đọc qua. Không kinh nào mà không thông hiểu. Lại chuyên cần luyện võ. Thêm vào cái nhã lượng, cao trí của bậc khiêm khiêm quân tử. Giòng họ nhà mình Duy nhi chỉ thua có Quốc Tuấn, Quốc Tung mà thôi. Trong trận giặc hồi Nguyên Phong, Duy nhi trấn Bắc cương, xung tên, đụt pháo, đánh những trận kinh thiên động địa, khiến giặc khiếp đảm. Với tài trí như vậy, với lòng dạ nhân từ, với công lao ấy, đúng ra anh phải truyền ngôi vua cho Duy nhi. Song vì anh tiếp ngôi chính thống từ Lý triều, mà phải truyền ngôi cho Hoảng.

Ngài chỉ Ý Ninh:

– Ý Ninh là đệ tử yêu của Vô Huyền bồ tát, kiếm thuật thần thông. Hồi trấn Phù lỗ, Ninh nhi đã làm cho bọn Ngột Lương Hợp Thai, A Truật, Hoài Đô kinh hồn bạt vía. Cho nên ngay trong lúc đất nước còn khói lửa mịt mờ, tên bay, đao kiếm loảng xoảng, anh truyền gả Ninh nhi cho Nhật Duy. Như vậy Duy nhi có người vợ, như một trợ thủ bên cạnh. Thời gian qua, Ninh nhi quả xứng đáng với hy vọng của anh. Anh sủng ái Ninh nhi thế nào, em đã biết rồi đó. Có thể nói, anh sủng ái Ninh nhi nhất trong mấy chục dâu của anh.

Ngài nhìn Vũ Uy vương:

– Hết giặc, Mông cổ đòi ta phải cử trưởng nam sang làm con tin. Duy nhi là trưởng tử, bắt buộc anh phải cử Duy nhi đi. Nhật Duy, Ý Ninh đã làm được những điều mà đáng gọi là xẻ núi, lấp sông. Chưa từng ai làm nổi. Nếu bây giờ anh không cử Duy nhi cứu viện Tống thì cử ai cho bằng? Em thử nghĩ xem ai có đủ tài năng thống lĩnh ba lực lượng chống Mông cổ. Một là, năm con bé Đông hoa, bẩy con bé Tô lịch, Thiên trường Ngũ ưng. Hai là, liên kết với Hồi cương, Tây tạng, Đại lý, Cao ly, Sơn Đông cùng khởi binh đánh Mông cổ? Ba là thông hiểu tình hình Tống, liên kết với Tống.

Ngài trầm giọng:

– Em có người con tài trí, thì phải vui, chứ có đâu vì chút tình mẫu tử mà buồn?

Ngài nói với Ý Ninh:

– Ninh nhi. Bố có 8 con trai, hơn 30 dâu. Đẹp có. Xấu có. Hiền có. Nhu thuận có. Cứng đầu có. Nhưng chúng là những thiếu phụ chỉ biết ăn ngon, mặc đẹp. Chỉ biết ngồi trong phòng tô son, điểm phấn. Nghe nói đến Mông cổ thì đã chết khiếp. Chỉ có con là xứng đáng làm con gái vua Trưng. Con đem võ công, tài trí ra giúp nước. Công lao ba năm qua của Nhật Duy lập được, phần lớn nhờ tài trí của con. Con dùng đức thu phục nhân tâm, nên bọn Đông hoa, bọn Tô lịch, bọn Ngũ ưng tuy tuổi ngang con, mà chúng kính yêu con như chị, như mẹ. Mỗi lệnh con truyền ra, chúng tuân hành răm rắp Giòng dọ nhà mình chỉ Tuyên minh thái hoàng thái hậu (vợ Trần Lý) và Linh Từ Quốc mẫu (vợ Trần Thủ Độ, mẹ vợ của Thượng hoàng) là hơn được con mà thôi. Bố thường khen ngợi con trước trăm quan, trước hoàng tộc. Bây giờ bố đến đây để trực tiếp ngỏ lời khen tặng, nhất là tỏ tình yêu thương của người cha với con.

Ngài chuyển sang vấn đề khác:

– Bây giờ bố cùng hai con nghị về việc cứu Tống.

Thái phi thấy đây là việc quốc gia đại sự. Phi đưa mắt ra hiệu cho mọi người rời khởi sảnh đường. Phi đi sau cùng, thuận tay phi đóng cửa lại.

Trong sảnh dường chỉ còn ba người: thượng hoàng, Vũ Uy vương, vương phi.

Thượng hoàng bỏ ra ngoài tỵ hiềm nam nữ, ngài dùng tay trái nâng cằm phi, tay phải sẽ tát yêu hai cái:

– Năm nay con 21 tuổi rồi phải không? Nghĩ lại đường trường ba năm qua: 18 tuổi con trấn thủ Phù lỗ, rồi làm vợ Nhật Duy. Từ hồi ấy tới giờ mới có ba năm, mà bố có cảm tưởng như 30 năm rồi vậy. Con là đóa hoa trời cho hương sắc. Hóa cho nên 7 trong tám con của ta, người nào cũng có chính phi, thứ thiếp, nàng hầu cả chục. Thế nhưng Nhật Duy chỉ sủng ái mình con. Không bao giờ nghĩ tới nạp tỳ nữ, thứ phi. Mà dù Nhật Duy có muốn nạp thứ phi, tỳ thiếp bố cũng không cho. Ông trẻ Thủ Độ càng không bao giờ cho phép. Con nên nhớ, cả đời ông Thủ Độ chỉ biết có mình Linh Từ Quốc Mẫu thôi.

Phi cảm động:

– Con biết rất rõ phụ hoàng sủng ái con.

– Nhắc lại: bố đến đây không còn là phụ hoàng nữa.

– Dạ thưa bố. Con biết tại sao bố lại sủng ái con đặc biệt như vậy!

– Con thử nói xem có đúng ý bố không?

– Một là con xông pha sa trường như những đại tướng. Hai là con làm được nhiều việc mà các chị em dâu không ai làm được.

– Còn nữa!

– Ba là con là học trò yêu của… của Vô Huyền bồ tát.

– Con hiểu được ý bố! Kỳ này con với Nhật Duy viện Tống. Chuyến đi ngắn thì đôi ba tháng. Dài khó biết được bao lâu. Con có điều ước vọng gì không?

– Có!

– Con nói đi!

– Khi con được phong tước công chúa, triều đình chiếu luật ban cho con một trăm mẫu ruộng nhất đẳng điền. Con cho bần nông cấy, mà không phải nộp tô.

– Ái chà! Thế mà bố không biết. Vậy con lấy gì mà sống? Lấy gì chi cho bộc phụ, mã phu? Lấy gì chi cho tỳ nữ? Chắc con dùng tiền bạc của Nhật Duy?

– Không! Con không dùng tiền bạc của anh ấy. Anh Nhật Duy cũng không có tiền. Anh ấy được phong ăn lộc 2 vạn hộ. Vợ chồng con thắt lưng buộc bụng với bổng của Phụ quốc thượng tướng quân. Trong hai vạn hộ, chúng con thu thuế rất nhẹ, thuế chỉ dùng để trả lương cho các quan văn võ phủ Vũ Uy, xây trường học, trợ cấp cho cô nhi, quả phụ.

– Bố hiểu! Từ khi về Cố trạch, bố đã cùng Mai tuyên phi dạo chơi khắp các phủ đệ. Bố thấy phủ Vũ Uy là phủ nghèo nhất trong khu Cố trạch. Phủ nào cũng rầm rập tân khách, kẻ ra người vào. Phủ Vũ Uy thì một con ngựa cũng không có, chỉ có hai người làm vườn, thêm Dư bà với chồng. Gần đây thêm một đội ca nhi. Tuy nhiên chi phí cũng không ít. Vậy con lấy tiền ở đâu?

– Dạ, mẹ cho.

– Ta là phụ hoàng, là bố mà không biết đến đức thanh liêm của hai con. Bố thấy mẹ tuy tước là Tuyên thái phi, bổng lộc không ít, mà ăn tiêu dè sẻn, thì ra mẹ dùng tiền bạc trợ cấp cho Nhật Duy. Tiếng rằng vợ chồng con cầm quân nghiêng nước, đi ra ngoài không thiếu gì bổng lộc mà lại nghèo. Trong khi phủ Nhân Huệ (Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư) lại giầu có súc tích. Ngày mai thiết triều bố sẽ cho nghị về vấn đề này.

Ngài hỏi Vũ Uy vương:

– Trong suốt thời gian thiết triều vừa qua, bố thấy con có điều gì lo lắng thì phải. Bây giờ không còn là vua-tôi nữa, mà là bố-con. Con nói ra đi.

Vũ Uy vương ngồi nghiêm chỉnh lại:

– Khi con khởi hành đi Mông cổ, lúc qua bến Bắc ngạn, vô tình chúng con gặp 5 con bé Đông hoa; rồi các biến chuyển dồn dập đưa đến con gặp bẩy nàng Tô lịch. Chúng con dùng 12 người đẹp này, mà thành công lớn. Những gì chúng con làm, Ý Ninh không muốn tâu về triều, sợ tin này lọt ra thì tính mạng 12 người con gái sẽ mất trong sớm tối đã đành, mà chúng con không còn đường về. Nhưng con vẫn thượng biểu về. Con tưởng điều cơ mật này chỉ phụ hoàng, Quốc thượng phụ, và Hưng Đạo vương biết thôi. Bây giờ về đây, con giật mình, vì nhiều người biết quá.

– Con sợ có người làm gian tế cho giặc ư?

– Vâng! Chắc bố còn nhớ, thời Anh vũ chiêu thắng (1076-1077), chỉ vì mấy khê động Bắc cương đầu hàng Tống, mà mặt trận Phú lương vỡ, đưa đến Công chúa Động Thiên, Phò mã Hoàng Kiện tử trận. (xin đọc Nam Quốc Sơn Hà, cùng tác giả).

– Trong giòng họ nhà mình, thì từ trên xuống dưới đều nhất tâm. Sao có thể có gian tế?

– Bố biết đấy, chính sách của Mông cổ khác với các triều đại Trung nguyên. Đi đến dâu, họ dùng người địa phương đến đó. Họ thường gửi sứ đến chiêu hàng. Sứ hứa hẹn trọng dụng tướng địch. Khi tướng địch hàng họ phong cho chức tước lớn. Chính vì vậy mà Hốt Tất Liệt thành công ở Trung nguyên. Dân chúng Trung nguyên coi Mông cổ như một triều đại Hán, Đường, Tống. Vừa rồi họ hứa phong cho tên Thân Long Vân làm An Nam quốc vương, mà y dốc toàn lực vào cướp phá. Thần nói tỷ dụ thôi: nếu như Mông cổ hứa cho người nào trong nhà mình làm An Nam quốc vương, để rồi y đem quân tranh ngôi vua thì nước sẽ loạn to. Con xin bố phải hết sức tinh tế cái vụ này.

Ghi chú.

Vũ Uy vương ước tính đúng. Sau này khi Thượng hoàng băng, triều đình cử Trần Di Ái đi sứ Nguyên (Mông cổ). Triều đình Nguyên phong cho Ái làm An Nam quốc vương rồi cho tướng Nguyên đem quân hộ tống về nước. Đạo quân này bị Hưng Đạo vương phá tan, bắt sống Trần Di Ái dem về Thăng long. Rồi Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc bí mật liên lạc với Nguyên. Khi quân Nguyên tràn vào nước, Kinh Bắc, Thăng long, Thiên trường thất thủ vương đem quân hàng giặc cùng với bọn Trần Lộng. Vương được Nguyên phong cho tước An Nam quốc vương, rồi đem bản bộ quân mã đánh lại cha, lại anh. Đó là truyện sau .

– Chính vì vậy bố mới sai con sang Mông cổ, vì con không có tham vọng, trí lự trung thuần. Nếu sai người khác đi, Mông cổ sẽ phong cho làm An Nam quốc vương, rồi đưa về nước tranh quyền. Thế là người Việt bôi mặt giết nhau. Mông cổ sẽ đợi cho hai cọp cắn nhau. Họ rình tới khi một cọp chết, một cọp bị thương, họ chỉ việc vung tay ra là chiếm được nước mình. Ý con muốn thế nào?

– Mai này thiết triều, xin cho con miễn tường trình mọi sự như từ qua đến giờ.

– Được!

Ba ngày sau, giờ Mão, Vũ Uy vương, vương phi từ giã Mai Thái phi, vú Dư rồi lên đường về Thăng long. Dư bà là người tình cảm, bà cầm tay vương khóc như mưa như gió.

Hai vị không dùng nghi trượng như lúc trở về, vì sau khi nghi trượng đưa vương tới Cố trạch, đã trở lại Bắc cương. Vương dùng một xe song mã, mượn của phủ Chiêu Quốc. Đích thân vương đánh xe. Khoảng giờ Thìn thì cửa Nam thành Thăng long đã hiện ra xa xa. Một đoàn giáp sĩ trên trăm người xuất ra cổng thành, phi ngựa như bay đi ngược chiều với xe của vương. Khi còn cách xe của vương trên trăm trượng, thì viên chỉ huy phất cờ ra lệnh, đoàn giáp sĩ dàn ra hai bên đường. Viên trưởng đoàn hô lớn:

– Thần Bùi Duệ, Đô thống, trưởng đoàn kị mã Nam môn, tuân chỉ Thiệu Long hoàng đế, kính cẩn mời vương gia, vương phi vào thành.

Vương gò ngựa lại, đáp lễ đoàn kị mã.

Vương phi hỏi:

– Bùi đô thống! Hôm nay thiết triều tại đâu?

– Khải vương phi tại điện Giảng võ.

Một kị mã lên xe, tiếp cương trên tay vương, rồi ra roi cho ngựa chạy. Đoàn kị mã phi song song hai bên. Xe vào cửa Nam, rồi rẽ sang trái, điện Giảng võ đã hiện ra. Xe dừng lại. Ba hồi chiêng trống. Trung Vũ đại vương đi trước. Thứ đến Thiệu Long hoàng đế. Phía sau Hoàng đế là các vương: Hưng Ninh, Hưng Đạo, Chiêu Minh, Chiêu Quốc, Nhân Huệ ra cửa điện Giảng võ đón vương. Nhạc tấu bản Viễn hành quy triều, dùng để đón tiếp sứ thần đi xa trở về.

Lễ nghi tất.

Thiệu Long hoàng đế ngồi trên ngai. Hai hàng ghế hai bên dành cho chư vương ngồi. Hàng ghế bên trái là Thái sư Quốc phụ Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ, Khâm Thiên đại vương Tướng quốc Thái úy Trần Nhật Hiệu, Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Bên phải là Nhân Hòa đại vương Trần Di Ái, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư.

Còn lại các quan theo thứ bậc đứng làm hai hàng.

Quan Lễ bộ thượng thư tâu:

– Buổi thiết đại triều hôm nay vắng mặt Tĩnh quốc vương Trần Quốc Khang tổng trấn Nam thùy, vì bệnh không về được. Mục đích buổi thiết triều là nghe Vũ Uy vương, vương phi tâu trình hành trạng của sứ đoàn đặc mệnh toàn quyền trong ba năm qua.

Một viên quan là Thái tử thiếu sư, quản Khu mật viện, Khai sơn hầu Chu Mạnh Nhu bước ra đọc hành trạng của sứ đoàn. Trước hết là lý do Đại Việt gửi Vũ Uy vương sang Mông Cổ làm con tin. Triều đình biết rõ là sứ Mông Cổ tới là người của Hốt Tất Liệt chứ không phải của đại hãn Mông Ca. Nhưng vẫn cử vương đi.

Khâm Thiên đại vương hỏi:

– Mông Cổ đòi ta phải cử trưởng tử sang làm con tin. Tại sao triều đình lại sai Nhật Duy đi? Nhật Duy là con thứ tám mà?

Trung Vũ đại vương trả lời:

– Họ đòi trưởng tử tức người con lớn tuổi nhất, chứ không đòi người có vai vế cao nhất. Trong tám con của Thượng hoàng thì Vũ Uy vương lớn tuổi nhất.

Chu Mạnh Nhu lại đọc tiếp: khi sứ đoàn qua Bắc Ngạn đã thu nạp ban Đông hoa, rồi Thanh Nga bị bắt cóc, dẫn tới sứ đoàn cứu Vương Kiên, kết thân với Tống. Dùng Thanh Nga, Thúy Nga bắt hồn Ngột A Đa, A Lan Đáp Nhi. Sau cuộc trao đổi tù binh, lại dùng Hồng Nga, Thúy Trang bắt hồn A Truật, Hoài Đô. Nhờ bốn nàng mà Đại Việt biết được toàn bộ nội tình Mông Cổ.

Nhân Hòa vương Trần Di Ái lắc đầu:

– Hoang đường! Bịa đặt! Năm con bé lọ lem của mình, tuổi chưa quá 18, thì sao đủ bản lĩnh bắt hồn những tên Mông Cổ quá kinh nghiệm về đàn bà. Phải biết rằng chúng là Tể tướng, Phó Tể tướng, Đại tướng, Phò mã, chúng không thiếu gì những mỹ nhân Trung nguyên, Tây hạ, Cao ly. Thế mà bây giờ mấy con bé làm cho chúng say mê thì mặt trời mọc đằng Tây tôi có thể tin được, chứ cái vụ này thì không!

Nghe Trần Di Ái hỏi, vương phi Ý Ninh phát lộn ruột. Nhưng phi biết rằng ông ta là con thứ tư Thái tổ Trần Thừa, em của An Sinh vương Trần Liễu, em Thượng hoàng Trần Thái tông, và Khâm thiên vương Trần Nhật Hiệu, ông ta là chú của nhà vua, cũng như Vũ Uy vương. Phi trả lời:

– Thưa đại vương, Mông Cổ thắng khắp các nước từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, nhưng bị Đại Việt đánh bại. Cả gầm trời này không ai tin được, nhưng lại là sự thực.

Phi ngừng lại một lát rồi tiếp:

– Đại vương cho rằng chúng tôi bịa dặt. Làm sao có thể bịa dặt được khi mà không biết bao nhiêu người cùng tham dự vào? Hai vị có địa vị tối cao là Tuyên Minh thái hoàng thái hậu, Linh Từ quốc mẫu đều từng giáo huấn 12 người con gái này. Hiện diện ở đây có Trung Vũ đại vương, Chiêu Minh vương, Chiêu Quốc vương từng trực tiếp trong việc đem 12 người đẹp sang Mông Cổ. Hai sứ đoàn của Mông Cổ đã tới Thăng long sang cầu hôn bốn giai nhân Thúy Nga, Thanh Nga, Hồng Nga, Thúy Trang. Rồi chính hoàng đế bệ hạ ban chỉ gả bốn cô bé đó cho Mông Cổ. Từ hồi tha hương đến giờ, mười hai người đã phải chịu trăm cay, nghìn đắng, để lập không biết bao nhiêu công trạng cho Xã Tắc.

Trần Di Ái hỏi tiếp:

– Thế năm con bé Đông hoa và bẩy cô Tô lịch bây giờ ở đâu?

– Năm con bé Đông hoa, bẩy cô Tô lịch đã giúp ta biết được tất cả nội tình Mông cổ. Hiện con bé Thúy Nga đang là chánh phi của Thừa tướng A Lan Đáp Nhi. Con bé Thanh Nga là phu nhân của Tham tri chính sự Ngột A Đa. Con bé Hồng Nga là vợ của A Truật, tướng đang cầm quân đánh Tống. Con bé Thúy Trang là phu nhân của Quản lĩnh hội đồng Quý tộc Mông cổ là Hoài Đô. Còn 7 nàng Tô Lịch ư? Một người là sủng phi của Mông Ca. Một người là sủng phi của Hốt Tất Liệt. Một người là thứ phi của A Lý Bất Ca. Một người là chính phi của Tháp Sát Nhi. Còn hai người là chánh phi của Thân vương Cáp Thiết Sáp Nhi, và Ngọc Mộc Hốt Nhi.

Chiêu Minh vương can thiệâp:

– Nhân Hòa vương không giữ chức vụ tại triều, nên không nắm vững vấn đề. Đây là sự thực. Chính tôi đã từng gặp năm con bé đó cũng như bẩy cô Tô lịch. Xin cử tọa kiên nhẫn nghe hết đã, rồi hãy chất vấn.

Sau khi Chu Mạnh Nhu đọc hết hành trạng của sứ đoàn, tận cùng bằng việc sứ đoàn kết thân với Cao ly, Sơn Đông, Hồi cương, Đại lý, Thổ phồn (Tây tạng) cùng khởi binh, thì dừng lại.

Khâm Thiên đại vương Trần Nhật Hiệu hỏi:

– Bẩy cô Tô lịch tài sắc vang lừng Đại Việt, sau khi làm lễ tuyển phu thì họ trở thành vương phi, phu nhân của bẩy nhân vật lỗi lạc Đại Việt. Hồi Mông cổ vào Thăng long đã bắt cả bẩy người đi. Làm cách nào sứ đoàn cứu được họ, làm thế nào biến họ thành Tế tác của mình? Nếu như sứ đoàn cứu được bẩy nàng sao không đem trả về cho các ông chồng? Suốt ba năm qua bẩy ông chồng của các nàng vẫn ngày ngày đau đứt ruột ra vì mất vợ? Tại đây có Nhân Huệ vương, Quản khu mật viện Chu Mạnh Nhu, Lễ bộ tham tri Chu Bác Lãm đang muốn biết tin tức của các bà vợ mình ra sao?

Vương phi Ý Ninh càng bực mình:

– Thưa Đại vương! Bẩy nàng ấy phạm tới 8 tội trong Thập ác, tòa án Bắc cương xử tội lăng trì, toàn gia bị tịch biên tài sản. Phiên tòa do Linh Từ quốc mẫu ngồi ghế chánh thẩm, đã tuyên xử bố, mẹ anh chị em cũng bị tội chém ngang lưng. Tuyên Minh thái hoàng thái hậu thấy nếu thi hành án này, e bẩy ông chồng cũng bị đoạt hết chức tước, bị chém đầu. Vì vậy ngài ban chỉ ân giảm ba bậc cho các nàng đới tội lập công. Các nàng đới tội lập công thế nào, xin để Trung vũ đại vương thuật.

Trung Vũ đại vương Thủ Độ can thiệp:

– Đây là việc tối cơ mật, nên già này không thể đem ra triều nghị.

Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư hỏi:

– Gần đây trong hoàng tộc, cũng như trăm quan có nhiều điều thì thầm bàn tán về đức liêm khiết của Vũ Uy vương: một là khi bọn Ngột Lương Hợp Thai vào Thăng long cướp vàng, ngọc, châu báu không biết bao nhiêu mà kể. Thế lúc chúng được mở vòng vây cho về, ta có đoạt lại không? Nếu đoạt lại thì để đâu? Hai là, khi Vũ Uy vương bắt bọn đạo sĩ Hồi cương, thu không biết bao nhiêu vàng, ngọc, châu báu. Rồi lúc Vũ Uy vương tiến quân vào Văn sơn, Khâu Bắc, kho tàng của bọn Thân Long Vân súc tích. Thế kho tàng đó bây giờ ở đâu?

Vũ Uy vương biết người em nuôi này là một tham quan, nên thay vì thắc mắc về việc Mông Cổ tàn sát dân chúng ra sao, cô vợ Bạch Hoa còn sống hay chết thì lại chú ý đến chiến lợi phẩm. Vương trả lời:

– Chúng ta có tất cả ba trận thu được chiến lợi phẩm. Một là Đông bộ đầu. Hai là Thăng long. Ba là Kinh Bắc. Trận Đông bộ đầu do Hưng Ninh vương thống lĩnh, xin vương trả lời.

Hưng Ninh vương cười:

– Mông Cổ là bọn quỷ sứ giết người không gớm tay. Đi đến đâu chúng vơ vét cướp sạch của cải của vua, quan, dân chúng. Mỗi tên binh được cấp hai lao binh để hầu hạ, giữ của. Khi chúng tới Đại Việt thì chúng đã cướp phá Tứ xuyên, Thổ phồn (Tây tạng), Đại lý. Của cải đó chúng mang theo vào Thăng long. Rồi khi vào Thăng long chúng vơ vét, tàn sát kinh khủng. Lúc chúng dự trận Đông bộ đầu thì của cải của chúng để ở Thăng long. Thành ra binh tướng đánh trận Đông bộ đầu không thu được gì. Người thống lĩnh quân giải phóng Thăng long bấy giờ là Thái tử. Bây giờ Thái tử thành Thiệu Long hoàng đế. Xin để hoàng đế trả lời.

Thiệu Long hoàng đế mỉm cười chỉ Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ. Thái sư Thủ Độ nói lớn:

– Khi tái chiếm Thăng Long, ta tịch thu được không biết bao nhiêu vàng ngọc mà kể. Tất cả được giao về công khố. Già này dùng những chiến lợi phẩm đó vào việc tái thiết Thăng long và giúp dân chúng Cánh đồng Văn, Cụ bản, Phù lỗ xây dựng lại nhà cửa. Vì vậy khi Mông Cổ rút về Bắc Cương thì chúng không còn gì. Vũ Uy vương không thu được gì cả. Ta không nên hỏi Vũ Uy vương về vấn đề này.

Khành Dư vẫn chưa thôi:

– Thế còn vàng ngọc tịch thu của bọn thương gia Hồi cương? Kho tàng của Thân Long Vân?

Vương phi Ý Ninh trả lời:

– Chúng tôi dùng Đại đởm thập tam kiệt bắt con thuyền của đạo sư Mộ Hợp Mễ An Hat San (Mahomed Al Hassan). Kiểm kê lại trên thuyền có mấy vạn lượng vàng, mấy muôn lượng bạc. Vũ Uy vương ra lệnh sung vào Quốc khố. Nhưng sau các đạo sư Hồi cương trở thành người của mình, chịu làm Tế tác cho mình thì của cải được trả về cho ông ta hết.

Phi ngừng lại, nhìn khắp triều đình rồi tiếp:

– Bọn họ Thân bóc lột dân chúng Văn sơn, Khâu Bắc có hơn trăm năm, của cải súc tích. Vũ Uy vương đã kiểm kê, gửi tấu chương về triều. Trung Vũ đại vương, Chiêu Minh vương chia tài sản đó làm ba phần. Một phần dùng trang bị cho hai hiệu binh Văn Bắc và Thiệu hưng. Một phần dùng xây trường học, khai thác đất hoang cho dân Chiêu dương, Văn sơn, Khâu Bắc. Một phần chuyển về Quốc khố Bắc cương. Khi Bắc cương trao cho Chiêu Quốc vương thống lĩnh, chính vương kiểm nhận.

Chiêu Quốc vương móc trong bọc ra một tập sách mỏng:

– Đây là những gì Vũ Uy vương trao cho tôi, hiện còn nguyên trong Quốc khố Bắc cương:

Vàng 50 vạn lượng.
Bạc 440 vạn lương.
Ngà voi 45 cặp.
Da hổ 150 tấm.
Ngọc trai 50 cân.
Mật gấu khô 100 cái.
Tiền Nguyên phong thông bảo 100 vạn quan.
Tiền Tống đủ loại 150 vạn quan.
Lụa Trung nguyên 13 nghìn tấm,

Lụa, gấm Tứ xuyên 12 nghìn tấm.

Mật gấu khô tôi đã trao cho Y viện làm thuốc cho quân sĩ. Còn lại tất cả cất ở công khố Bắc cương.

Một Lễ quan vào tâu:

– Thượng hoàng và Tuyên Thái phi, Nguyên Thái phi giá lâm.

Ban nhạc cử bản Nguyên thọ.

Từ hoàng đế đến các quan đều đứng dậy hành lễ. Thượng hoàng vào điện, ngài ngồi trên chiếc ngai, cao hơn ngai nhà vua ba bậc. Hai Thái phi ngồi trên chiếc ghế ngang với nhà vua.

Vũ Minh vương Trần Quang Húc (em của Vũ Uy vương) hiện là Uy Viễn đại học sĩ. Vương tóm tắt các sự kiện từ lúc thiết triều tâu lên Thượng hoàng. Thượng hoàng mỉm cười ban chỉ:

– Còn ai muốn chất vấn Vũ Uy vương nữa không?

Không ai lên tiếng. Thượng hoàng than:

– Người bình dân có câu ca:

Con mèo đánh giặc Đông Tây,

Con voi ngồi bếp ỉa đầy vùng gio.

Thực đúng trong trường hợp này. Nhật Duy được phong tước vương từ năm 13 tuổi. Tước là vương, ăn lộc 2 vạn hộ, chức võ là Phụ quốc thượng tướng quân. Tính đến nay trải đã 10 năm. Vợ tước phong công chúa đã ba năm. Nếu một tá lĩnh thôi thì trong 10 năm cũng có của chìm của nổi. Nhật Duy tuy có thu thuế 2 vạn hộ, nhưng thu rất nhẹ, rồi dùng tiền đó trả lương bổng cho các quan thuộc phủ Vũ Uy, dùng làm đường, bắc cầu, xây trường học cho dân chúng. Vợ được ban cho 3 trăm mẫu nhất đẳng điền. Nhưng Ninh nhi cho tá điền là thương binh, tổ phụ liệt sĩ cấy, không thu tô. Vợ chồng thắt lưng buộc bụng chi tiêu bằng bổng của Phụ quốc thượng tướng quân. Vì vậy cả hai vợ chồng cùng thanh bạch. Hiện nay phủ Vũ Uy tại Cố trạch nghèo đến không có một con ngựa. Sáng nay phải mượn xe song mã của phủ Chiêu Quốc để về đây. Sau ba năm lĩnh đặc sứ toàn quyền, bổng lộc không thiếu, thế mà hôm qua về phủ phải nhờ mẹ là Thái phi, em dâu Chiêu Quốc vương phi mới có phương tiện làm tiệc tẩy trần. Vậy mà còn có lời ra tiếng vào về đức liêm khiết! Những người hiện diện hôm nay, ai tự hào rằng mình liêm khiết hơn Nhật Duy thì bước ra?

Cả điện Giảng võ im phăng phắc.

Khâm thiên Đại vương Nhật Hiệu tâu:

– Thần thấy đức liêm khiết của Vũ Uy vương có gì không rõ ràng. Nếu nói rằng phủ Vũ Uy không có tiền tổ chức tiệc tẩy trần, thì sao vương phi lại có tiền mua lụa, mua gấm, mua ngọc, mua nữ trang về dâng cho Thái phi, ban thưởng cho hầu hết những người trong vương phủ. Ban nãy thần thấy Tổng thái giám Đại Lực có viên ngọc bích to bằng quả chanh gắn trên mũ. Thần hỏi mua ở đâu, thì Đại Lực khoe rằng vương phi Ý Ninh ban thưởng. Không những phi ban thưởng ngọc mà còn ban thưởng gấm Thục, lụa Tô châu nữa! Mong vương phi Ý Ninh trả lời cho!

Nghe ông em chồng hoạnh họe con, Mai thái phi nổi cơn thịnh nộ, bà đứng dậy nói lớn:

– Thưa Đại vương! Cái tiệc tẩy trần như thế này: nghe tin con về mà tôi phải chầu hầu cạnh Thượng hoàng, nên tôi sai vú Dư làm. Vú Dư xin tiền tôi mua sắm thực phẩm. Vì phủ khố Vũ Uy trống rỗng, không tiền, không bạc. Nghe tin này Chiêu Quốc vương cảm thương anh mình. Vương truyền vương phi đích thân đi với vú Dư ra chợ mua sắm thực phẩm, và trả tiền. Còn tiền đâu Ý Ninh nhi mua ngọc, gấm tôi để Ý Ninh trả lời.

Vương phi Ý Ninh đứng lên hướng Khâm thiên Đại vương Nhật Hiệu:

– Trong tám hoàng nam của phụ hoàng, khi tuyển chánh phi đều được ban thưởng. Người thì nghìn lượng vàng, người thì vạn lượng vàng cùng châu báu, ngọc ngà. Chỉ mình Vũ Uy vương, thì không được ban cho gì cả. Sự việc như thế này: phụ hoàng tuyển tôi làm phi cho vương trên một chiến thuyền, giữa lúc giặc kéo vào Thăng long. Khâm Thiên đại vương đại bại tại cánh đồng Văn. Thế nước như trứng trên đá. Mọi lễ nghi đều bỏ. Chúng tôi chỉ hướng về Thiên trường bái vọng Liệt tổ Đông A bốn lạy, bái lậy Phụ hoàng. Chúng tôi không được bái lậy Tuyên phi là mẫu thân của Vũ Uy vương đã đành, mà ngay mẫu thân của tôi cũng không biết con mình đi lấy chồng. Vì mẫu thân tôi đang ở Yên bang. Còn mẫu thân vương đang ở Thiên trường. Rời chiến thuyền, vợ chồng tôi xả thân vào trận chiến suốt mười ngày, mười một đêm, ngăn giặc không cho chúng thừa thắng kéo về Thiên trường. Nói ra thực muốn nghẹn lời: trong lịch sử kim cổ, chưa có đám cưới nào mà sau khi bái thiên địa, cả hai vợ chồng phải lăn mình vào chốn giươm đao, trăm phần chết mới có một phần sống. Khốn khổ thay lễ động phòng phải 18 ngày sau mới thực hiện. Mà động phòng trong một căn lều dưới chân núi Côi!

Nguyên thái phi Huệ Túc can thiệp:

– Khi Thượng hoàng định tuyển phi cho Vũ Uy vương. Người hỏi ý kiến tôi rằng có nên tuyển quận chúa Ý Ninh cho vương không. Tôi đã tâu:

“Không những nên, mà cần thiết. Người con gái này có số Tử vi cực kỳ tốt. Mệnh lập tại Tuất, Thái âm miếu địa thủ thì là người có nhan sắc diễm lệ. Vì tuổi Đinh nên hội đủ Tam hóa. Đây là ngưới đa tài, đa năng, sau này sẽ lập đại công với Xã tắc”.  Phi không nên buồn vì những gì đã xẩy ra, mà phải hãnh diện về những gì mình đã tạo được”.

Vương phi Ý Ninh hướng Nguyên phi Huệ Túc:

– Đa tạ Thái phi dạy dỗ.

Phi ngừng lại nhìn cử tọa một lượt rồi tiếp:

– Hôm nay hiện diện tại đây có đầy đủ các anh em ruột của Vũ Uy vương: xin hỏi có ai cưới vợ trong hoàn cảnh như anh Nhật Duy không? Sau khi đuổi giặc quốc khố trống rỗng, dù phụ hoàng biết rằng chúng tôi có đại công, người sủng ái tôi cùng cực, song người không còn gì, thì lấy đâu ra mà ban thưởng cho chúng tôi? Tục ngữ có câu: con không chê cha khó, chó không chê chủ nghèo. Vì vậy tuyệt nhiên chúng tôi không nói một câu, không than một tiếng vì không được ban thưởng. Khi chúng tôi lên đường đi làm con tin, bái biệt Phụ hoàng với Tuyên phi. Nhị vị cũng chẳng có gì ban cho chúng tôi.

Phi tháo sợi dây truyền trên cổ có tượng Quan Thế Âm bằng ngọc:

– À cũng có đấy! Mai Thái phi ban cho tôi vật này. Đây chính là tín vậy Thượng hoàng ban cho người trong lần gặp nhau đầu tiên, với lời chúc: mong được Quan Thế Âm che chở. Khi bái biệt sư phụ Vô Huyền bồ tát, người ban cho chúng tôi trăm nén vàng (1 nén = 10 lượng). Lúc bái biệt sinh mẫu, người cho tôi năm chục nén vàng làm của hồi môn. Nghĩa là tôi mang 150 nén vàng, theo chồng đi làm con tin. Vạn dặm quê người, chúng tôi thường đau xót trong lòng vì không được ở cạnh phụng dưỡng phụ hoàng, mẫu thân; nên chúng tôi mua ít quà về dâng mẫu thân, và tặng cho Đại Lực công công, vì mọi việc phụng dưỡng Phụ hoàng, mẫu thân đều trông vào Công công cả. Còn bổng lộc ư? Cũng có đấy, đúng ra bổng lộc ấy người ta dâng hiến cho chúng tôi vì nhớ ơn. Nhưng tôi nghĩ: ơn này do chúng tôi là sứ thần mà có. Vì vậy bao nhiêu bổng lộc tôi cho gửi về nước, sung vào quốc khố.

Phi đưa mắt nhìn Thái sư Thủ Độ. Thái sư nói lớn:

– Bổng lộc của sứ đoàn như thế này: khi Vũ Uy vương, vương phi đem hai con bé Thúy Trang, Hồng Nga gả cho A Truật, Hoài Đô. Hai người đó thâm cảm ơn tác thành cho cuộc hôn nhân. Họ đã tặng Vũ Uy vương, vương phi trăm nén vàng cùng hai viên hồng ngọc. Lại khi vương, vương phi đi Trường an hội kiến với thân vương lĩnh Bình chương chính sự Tả thừa tướng A Lan Đáp Nhi và Tham tri chính sự Ngột A Đa. Hai đại quan Mông cổ tạ ơn cho vương, vương phi về vụ tác thành cho hai người với Thúy Nga, Thanh Nga. Hai vị đó tặng vàng 200 nén, cùng ngọc, châu báu. Quà đó là cá nhân A Truật, Hoài Đô, A Lan Đáp Nhi, Ngột A Đa tặng cá nhân Nhật Duy, Ý Ninh. Nhưng Ý Ninh lý luận: họ tặng cho hai người là vợ chồng chánh sứ. Chánh sứ là người đại diện cho triều đình thì quà đó phải sung vào quốc khố. Ý Ninh đã sai sứ đem về Thăng long. Già này truyền trao cho Hộ bộ cất.

Vương chỉ vào nhà vua:

– Khi Thượng hoàng tuyển quận chúa, thứ nữ của An sinh vương Liễu cho Thái tử. Trong tiệc cưới, già này truyền lấy hai viên hồng ngọc đó ban cho Thái tử cùng Thái tử phi. (1)

(1) Có lẽ vì hai viên hồng ngọc này, mà huyền thoại kể rằng hoàng tử Trần Quốc Đĩnh cùng anh là Quốc Toán vào rừng săn bắn rồi tìm được hai viên hồng ngọc. Quốc Toán chọc mù mắt Quốc Đĩnh, đoạt ngọc! 

Mọi người đều nhìn viên hồng bảo ngọc sáng chói trên mũ nhà vua.

Cả triều đình đều im lặng, cảm thán cho một cặp vợ chồng vương giả có đại công, mà không được hưởng hồng ân. Mai thái phi nước mắt ròng ròng, xót xa nhìn dâu, nhìn con. Phi hỏi Thượng hoàng:

– Thượng hoàng ban thưởng cho dâu đi chứ!

Thượng hoàng tuyên chỉ:

– Nhật Duy, Ý Ninh! Các con túng thiếu, nhưng không vì thế mà oán hờn phụ hoàng bất công. Khi hai con thành vợ chồng, phụ hoàng chưa ban thưởng cho hai con, thì nay phụ hoàng ban thưởng cũng chưa muộn.

Thượng hoàng hướng Hộ bộ thượng thư:

– Hộ bộ thượng thư xuất Công khố ban cho vợ chồng Nhật Duy một nghìn nén vàng, hai trăm tấm nhiễu Tam giang, một trăm tấm lụa Nghi tàm, mười con ngựa. Còn trâu, bò, gà vịt thì Mai thái phi lấy tại cung của trẫm tại Cố trạch, cho phủ Vũ Uy.

Ngài hỏi lớn:

– Còn điều gì cần triều nghị nữa không?

Thái sư Thủ Độ tiếp:

– Công lao diệt bọn thổ phỉ Thân Long Vân, hoàn toàn do vợ chồng Nhật Duy. Của cải thu được của chúng, vợ chồng Nhật Duy không tơ hào một đồng tiền, một đấu gạo. Đúng lý ra Nhật Duy có lấy hết, cũng không phạm tội. Già này xin Thượng hoàng xuất một nửa những gì tịch thu của bọn thổ phỉ Thân Long Vân cất tại Tòa Tổng trấn Bắc cương ban cho vợ chồng Nhật Duy.

Thượng hoàng chuẩn tấu.

Lễ bộ thượng thư tâu:

– Để lao tưởng đại công của năm tướng Thiên trường ngũ ưng. Hôm nay triều đình tổ chức lễ cưới cho bốn tướng. Sáng qua lễ nghi hai họ đã xong. Hoàng hậu thiết đại tiệc trong Hoàng thành để mừng bốn cặp tân lang, tân giai nhân. Kính thỉnh Thượng hoàng cùng chư vị đến điện Long an dự yến.

Hoàng Hậu của Thiệu Hưng hoàng đế là con gái thứ năm của An sinh vương Liễu, tức em của Hưng Ninh vương, Hưng Đạo vương; tước phong Thiên Cảm hoàng hậu. Ngược lại vương phi của Hưng Đạo vương lại là công chúa con vua Thái tông (Thượng hoàng) chị ruột nhà vua.

Kể từ khi Hiển Từ hoàng hậu, tức công chúa Thuận Thiên của vua Lý Huệ tông băng, vua Thái tông không tái lập ngôi Hoàng hậu thay thế. Vì vậy hậu cung không có Thái hậu. Nhưng nhà vua cũng còn 4 bà tước phi: Tây phi, Nguyên phi, Thục phi, và Tuyên phi Mai Đông Hoa (sinh mẫu của Vũ Uy vương). Ngoài bốn bà phi, nhà vua còn hơn chục bà mỹ nhân tước Tiệp thư, Tu Dung, Tu Nghi, Tài Nhân với mấy chục cung nga. Khi nhà vua nhường ngôi cho con, được tôn là Thái thượng hoàng thì các bà phi đều được tôn lên tước Thái phi. Các bà mỹ nhân cũng được tôn thêm chữ thái như Tu Dung thành Thái Tu Dung. Thượng hoàng lui về ẩn tại Cố trạch, thì cả các bà Thái cùng về đây hưởng gió đồng, hương nội. Duy cung nga thì nhà vua ban cho chức tước, được cấp công điền, được ban vàng bạc, rồi cho về quê lấy chồng.

Trong tất cả các bà Thái phi, thì Tuyên phi Mai Đông Hoa là bạn tri âm của Thượng hoàng nên được gần ngài nhiều nhất. Hồi trước trận giặc, Thượng hoàng được Hoàng Bính là một đại thần Tống sang tỵ nạn Mông cổ dâng con gái được phong tước Huệ Túc phu nhân. Huệ Túc phu nhân là người thông kim, bác cổ. Phu nhân đã dùng khoa Tử vi khuyên triều đình không chịu khuất phục Mông cổ. Sau trận giặc phu nhân được thăng lên tước Nguyên phi. Nguyên phi được Thượng hoàng coi như cố vấn trong việc bổ nhiệm thân vương, đại thần, vì phi tính số Tử vi biết kẻ trung, người nịnh. Nguyên phi Huệ Túc là bà phi trẻ nhất của thượng hoàng. Nhưng phi là thầy dạy Tử vi, Phong thủy cho tất cả các hoàng tử. Nên phi được kính trọng nhất trong nội cung. Ngay chính Thái sư Trần Thủ Độ là người uy quyền áp chế cả nhà vua, mà cũng phải nể nang phi.

Hôm nay là ngày triều đình làm lễ cưới cho bốn đại tướng có nhiều huân công với xã tắc, thì tất cả các bà Thái đều được thỉnh về Thăng long dự tiệc. Các thân vương đại thần đều xúm nhau quanh Nguyên phi Huệ Túc để hỏi về vận hạn, hỏi về hướng nhà, hỏi về để mộ. Là người học thức uyên bác, Nguyên phi luôn tươi cười với mọi người.

Tiệc được tổ chức trong điện Long an tại Hoàng thành. Trong điện, bàn thờ uy nghiêm được thiết lập: cao nhất là bài vị thờ các vua Hùng, vua An Dương, vua Trưng cùng 162 tướng. Kế tiếp là bài vị thờ tám vị vua triều Lý và Liệt tổ giòng họ Đông a.

Triều Trần không quá khắt khe lễ nghi khi anh em trong nhà hội họp ăn uống. Bàn tiệc ở vị thế cao nhất, gần bàn thờ dành cho Trung vũ đại vương Trần Thủ Độ, rồi tới Thượng hoàng, các vương ngang vai với Thượng hoàng như Trần Nhật Hiệu, Trần Di Ái. Cỗ của nhà vua, hoàng hậu, thứ phi ngang với cỗ của Hưng Đạo Vương, Hưng Ninh vương, Chiêu Minh vương, Chiêu Quốc vương, Vũ Uy vương.

Một cái đài kết hoa thành hình con Lân giữa điện, cao ước hơn trượng (trượng= 2 m), với một sân khấu rộng vuông vức tới 30 trượng (60 m) phủ màn gấm. Chủ hôn cũng là người điều khiển lễ chính là Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ. Vương hiện là người có vai vế, cũng như cao niên nhất trong giòng họ Đông a. Vương là vai ông của Ngũ ưng. Hơn nữa chính vương từng là người đầu tiên tìm ra năm thiên tài trong Thiên trường ngũ ưng, từng là cấp chỉ huy đầu tiên của Ngũ ưng. Rồi cũng chính vương quyết định làm đám cưới này.

Quan Lễ bộ tham tri (tương dương với ngày nay là Thứ trưởng giáo dục và đào tạo kiêm Thứ trưởng Ngoại giao) Chu Bác Lãm bước lên đài. Ba hồi chiêng trống dứt, ban nhạc triều đình, hơn trăm nhạc công cử bản Đại hỷ. Chu Bác Lãm xướng:

– Hôm nay triều đình tổ chức lễ thành hôn cho bốn đại tướng trí, tín, dũng, mưu từng có đại công với Xã Tắc. Trung Vũ đại vương là người vai vế cao nhất trong dòng họ Đông A, cũng như cao niên nhất làm chủ hôn. Triều đình thỉnh Thái thượng hoàng từ Cố trạch về quang lâm chủ tọa. Kính thỉnh Trung Vũ đại vương lên đài.

Thái sư Trần Thủ Độ lên đài, ông vận nội lực nói lớn:

– Âm Dương là đạo của trời đất. Nữ thập tam, nam thập lục. Gái 13 tuổi, trai 16 tuổi thì phải dựng vợ, gả chồng. Thế nhưng năm đứa cháu yêu của già này, từ năm 13 tuổi đã lăn mình vào những trận đánh kinh hoàng để giữ nước, bảo dân. Hết giặc vì quốc sự, lại lo hết truyện này đến truyện khác, lần lữa mãi, đến nay tuổi đã 22-23 mà chưa thành hôn. Năm đứa cháu yêu được Thượng hoàng ưu ái ban cho mỹ danh Thiên trường ngũ ưng. Chúng kết thành bạn, thề có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Tình nghĩa với nhau hơn cả Tam kiệt thời Tam quốc là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi. Hôm qua gia lễ đã cử hành. Bây giờ là Quốc lễ. Nào, người đứng đầu Ngũ ưng đâu?

Dã Tượng dạ một tiếng từ ngoài điện khoan thai đi vào hành lễ rồi ngồi trên ghế trước bàn thờ. Nhạc cử bài Chiến thắng. Trung Vũ đại vương tiếp:

– Đứng đầu Ngũ ưng, là một trẻ chăn trâu ở Thiên trường. Trước trận đánh Bình lệ nguyên, lĩnh chức Vệ úy chỉ huy một Vệ ngưu binh. Thượng hoàng ban cho mỹ danh là Dã Tượng. Hưng Đạo vương nhận làm nghĩa tử, ban cho tên Trần Quốc Kinh. Dã Tượng dự tất cả bẩy trận đánh Mông cổ thời Nguyên Phong, được thăng hàm Đô thống, thống lĩnh Ngưu binh toàn quốc. Hết giặc, theo sứ đoàn Vũ Uy vương sang làm con tin ở Mông cổ. Được đặc phái đàm phán với Tống, đòi lại được ba châu Khâu Bắc, Văn sơn, Chiêu dương. Khi Thiệu Hưng hoàng đế đăng quang, tất cả văn võ đều được thăng lên một cấp. Dã Tượng được thăng Tả thiên ngưu vệ thượng tướng quân, tước Tử. Dự trận diệt thổ phỉ Lý Long Vân, thăng lên Tả thiên ngưu vệ đại tướng quân, Khâu Bắc bá. Hiện thống lĩnh hiệu binh Văn Bắc. Trong sứ đoàn còn có giai nhân Lý Thúy Hồng, từng lập nhiều công lao, được phong Trang văn, Hồng anh công chúa. Nay lão phu quyết định kết hợp nam hùng, nữ kiệt cho thành đôi giai ngẫu, để sớm tối bên nhau, chung lo quốc sự.

Tám cung nga đi hai bên, Thúy Hồng đi giữa từ ngoài điện vào hành lễ rồi đến trước bàn thờ ngồi cạnh Dã Tượng. Cả điện đều xuýt xoa vì sắc đẹp chói chang của Thúy Hồng.

Trung Vũ đại vương tiếp:

– Người thứ nhì trong Thiên trường ngũ ưng là con một ngư dân trên biển Đông. Sớm có tài bơi lội, lặn sâu dưới nước hằng giờ. Được tuyển vào đội Ngạc ngư, lĩnh hàm Vệ úy. Thượng hoàng ban cho mỹ danh Yết Kiêu, được Hưng Đạo vương thu làm nghĩa tử, ban cho tên Trần Quốc Vỹ. Trong trận Bình lệ nguyên, đội Ngạc ngư đánh chìm, phá phân nửa bè vượt sông của giặc được thăng lên Tá lĩnh. Dự trận Đông bộ đầu, làm giặc kinh hoàng, hết giặc được thăng hàm Đô thống, thống lĩnh toàn thể Ngạc ngư toàn quốc. Tước phong An biên Nam. Khi Thiệu Hưng hoàng đế đăng quang, tất cả văn võ đều được thăng lên một cấp. Yết Kiêu được thăng Hữu thiên ngưu vệ thượng tướng quân. Dự trận tái chiếm Văn sơn, Chiêu dương, Khâu Bắc. Hiệu binh Thiệu hưng thành lập, được phong thống lĩnh hiệu binh này thăng tước An biên Tử. Lĩnh nhiệm vụ theo hỗ trợ sứ đoàn, xả thân cứu tiểu thư Vương Chân Phương. Được phụ thân nàng là danh sĩ Vương Văn Thống gả Chân Phương. Nay già này quyết định làm lễ cưới cho Quốc Vỹ với Chân Phương.

Nhạc Đại hỷ lại cử lên, Yết Kiêu với Chân Phương được mười cung nga, mười Ngạc binh phò vào điện hành lễ, rồi ngồi trên 2 ghế trước bàn thờ, cạnh Dã Tượng, Thúy Hồng.

Crypto.com Exchange

Hồi (1-61)


<