Vay nóng Tinvay

Truyện:Đạo ma nhị đế - Hồi 099

Đạo ma nhị đế
Trọn bộ 117 hồi
Hồi 099: Ngỏ Hẹp Gặp Nhau
5.00
(một lượt)


Hồi (1-117)


Triệu Sĩ Nguyên cười khổ:

- Tại hạ nói thế nào, lão thiền sư cũng không tin! Vậy phải làm sao cho lão thiền sư tin?

Liễu Tánh hừ một tiếng:

- Trừ ra, bần tăng được giáp mặt lệnh tôn, hỏi mấy câu, còn thì đừng mong nói gì cho bần tăng tin nổi!

Triệu Sĩ Nguyên cau mày:

- Gia phụ lâm cảnh tán thất võ công, thiên hạ quần hùng đều biết chẳng lẽ lão thiền sư không hay?

Liễu Tánh bĩu môi:

- Đó là lời truyền thuyết của hào kiệt giang hồ, nào phải chính lệnh tôn thốt ra đâu?

Bần tăng dù có nghe cũng không tin được.

Triệu Sĩ Nguyên vẫn giữ bình tịnh:

- Lão thiền sư không tin tại hạ, thì cứ đến hỏi Vô Tình lệnh chủ, lão ấy là một người đại hung ác, bình sanh không nói tốt cho một ai, hẳn lão thiền sư tin được.

Liễu Tánh lắc đầu:

- Có ai ngu xuẩn bỏ cái gần đi tìm cái xa chăng? Đừng lừa ta để tránh thoát!

Đến đây, Triệu Sĩ Nguyên cảm thấy bị dồn vào cái thế chẳng đặng đừng rồi. Chàng cười lạnh, thốt:

- Xem ra lão thiền sư quyết ý gây khó cho tại hạ!

Liễu Tánh lạnh lùng:

- Nếu ngươi thức thời vụ thì hãy đưa bần tăng đến gặp lệnh tôn!

Triệu Sĩ Nguyên nổi giận:

- Giả như tại hạ không bằng lòng?

Liễu Tánh bật cười ha hả:

- Tại Tung Sơn, bần tăng không muốn làm kinh động bọn đệ tử nên nhường ngươi một chiêu đó. Ngươi cho bần tăng không chế ngự nổi một đứa bé con như ngươi phải không?

Triệu Sĩ Nguyên thấy đã đến lúc phát tác trả lại rồi, dửng cao đôi mày buông gọn:

- Tại hạ chỉ sợ lão thiền sư khoát lác!

Liễu Tánh nhìn ra chung quanh rồi thốt:

- Ở đây là con đường thông thương có nhiều người qua lại, không tiện cho chúng ta động thủ, ngươi hãy theo bần tăng tìm một chỗ an tịnh hơn!

Triệu Sĩ Nguyên bật cười sang sảng:

- Mời thiền sư trước!

Liễu Tánh phất ống tay áo, phi thân xuống chân núi, mỗi bước đi của lão dài non hai mươi trượng, thân hình lại không đảo, không lắc như người ung dung nhàn tản.

Triệu Sĩ Nguyên gật đầu, thầm khen thuật khinh công của lão quả vô song.

Chàng lặng lẽ theo sau lão, giữ đều khoảng cách không hề bị Liễu Tánh bỏ rơi sau xa.

Chỉ có bọn Tứ Khuyết thì quá khổ, cố gắng theo song vẫn không làm sao kịp.

Để báo hận về cái bại mấy hôm trước tại Tung Sơn, Liễu Tánh quyết giở hết tốc lực chạy đi, bỏ Triệu Sĩ Nguyên lại xa, cho chàng phải hổ thẹn.

Ngờ đâu Triệu Sĩ Nguyên vẫn bám sát phía hậu, điều đó làm cho lão hận thêm, đồng thời lão cũng sợ thầm, tự nhủ lòng không nên khinh địch.

Họ đến một sơn cốc.

Trong cốc có một khu rừng, giữa rừng có một khoảng đất trống rộng độ vài ba mươi trượng.

Tìm được một nơi kín đáo như vậy để khai diễn ác chiến với nhau, dù họ có đánh đến long trời lở đất cũng chẳng ai hay biết.

Liễu Tánh dừng chân lại, hướng mặt về phương đông, trừng mắt hỏi Triệu Sĩ Nguyên:

- Ngươi dùng vũ khí gì?

Triệu Sĩ Nguyên ngẩng cao mặt, hỏi lại:

- Lão thiền sư muốn giao đấu như thế nào?

Liễu Tánh lại hỏi:

- Giả như bần tăng không dùng vũ khí?

Triệu Sĩ Nguyên điềm nhiên:

- Thì tại hạ dùng tay không, hầu tiếp lão thiền sư.

Liễu Tánh lấy trong mình ra một thanh nhuyễn kiếm, vận công vung tay, thanh kiếm thẳng cứng liền.

Rồi lão gật đầu, thốt:

- Trước hết, bần tăng muốn biết tài sử dụng vũ khí của ngươi ra sao.

Người trong phái Thiếu Lâm luôn luôn dùng thiền trượng làm vũ khí, bất thời cũng có thể dùng tạm một món nào khác, song tuyệt nhiên không hề dùng kiếm, nói gì đến nhuyễn kiếm?

Nhưng Liễu Tánh lại làm việc nghịch thường, tự nhiên Triệu Sĩ Nguyên phải kinh dị.

Chàng am tường võ công của hầu hết các môn các phái trong võ lâm, gia dĩ lúc ở trong địa phủ chàng cùng các vị cao nhân của phái Vô Vi nghiên cứu kỹ càng.

Thế mà với số vốn đó, chàng vẫn hoang mang trước sự nghịch thường của Liễu Tánh lão thiền sư.

Chàng kinh dị là một việc, còn giao đấu là việc khác, đối phương đã thủ vũ khí rồi thì chàng cũng không thể chậm trễ, lập tức lấy vũ khí ra.

Một tiếng chạm của hai vật bằng kim khí vang lên, nơi tay hữu có chiếc Long Đản màu vàng, nơi tay tả có chiếc Phụng Chưởng màu bạc.

Long Đản và Phụng Chưởng là độc môn vũ khí của Long Phụng lệnh chủ, từng gây chấn động khắp sông hồ một thời gian trước khi Triệu Bồi Nhân bị tán thất võ công.

Với đôi vũ khí trong tay, Triệu Sĩ Nguyên tăng gia oai vũ đến khiếp người.

Liễu Tánh giật mình, niệm phật hiệu:

- A di đà phật!

Lão đổi ngay thái độ, thốt:

- Xin mời Thiếu lệnh chủ!

Triệu Sĩ Nguyên cao giọng:

- Tại hạ là người bị khiêu khích, chỉ có ứng chiến chứ không tấn công.

Liễu Tánh hừ một tiếng:

- Thiếu lệnh chủ cao ngạo thái quá!

Triệu Sĩ Nguyên chính sắc mặt:

- Phàm giao thủ là khó dung tình, tại hạ không thể làm dễ nhục oai phong của Long Phụng lệnh chủ! Xin lão thiền sư hiểu cho!

Liễu Tánh cử kiếm đâm tới, đồng thời hét:

- Hay cho cái oai phong của Long Phụng lệnh chủ! Hãy tiếp một chiêu của bần tăng đây!

Hiện tại lão xử dụng kiếm pháp Đảng ma trong hạt xá lợi của vị tổ sư phái Thiếu Lâm.

Kiếm chưa đến nơi kiếm khí đã vút tới.

Triệu Sĩ Nguyên nhận ra chiêu kiếm có oai lực kinh hồn, giật mình không dám đương diện tiếp xúc, vừa cử Phụng Chưởng lên vừa nhảy qua một bên, xa vị trí hơn bảy thước.

Đồng thời chàng thốt lên oang oang:

- Với tư cách là một hậu sinh, kính lão đắc tràng, tại hạ xin nhường lão thiền sư một chiêu!

Liễu Tánh thiền sư hét lên một tiếng, tiến theo liền. Cánh tay lão vung tới, ba đóa kiếm hoa phát sinh, kích vào ba yếu huyệt nơi ngực của Triệu Sĩ Nguyên.

Lần này Triệu Sĩ Nguyên không tránh nữa, tay hữu quét Long Đản chận kiếm địch, tay tả đưa ra chiêu Kinh Hồng Lượng Ảnh, hông lạng qua một bên.

Liễu Tánh thu nhanh kiếm về, hồi bộ lùi lại mấy bước, tránh dễ dàng.

Hụt chiêu đầu, tuy phản công mà thành ra tấn công, Triệu Sĩ Nguyên hú lên một tiếng lớn, vũ lộng đôi vũ khí sắp sửa xuất chiêu.

Nhưng Liễu Tánh đã trở lại vị trí cũ, phóng nhuyễn kiếm sang, cũng như trước, kiếm hoa chớp ngờ, bất phân bộ phận, ào ào bay tới chực phủ khắp người Triệu Sĩ Nguyên.

Dùng vũ khí giao đấu, trong khi chàng sở trường chưởng lực, là chàng áp dụng sở đoản rồi.

Nếu cứ lấy cái sở đoản ứng phó với tuyệt nghệ của một người đã lãnh hội phân nửa số võ công của phái Thiếu Lâm, kiêm luôn kỳ học ghi trên ba hạt xá lợi là chàng khó thủ thắng cho nên chàng phổ hóa Thiên Linh chưởng pháp vào Long Đản, Phụng Chưởng, nghinh đón nhuyễn kiếm.

Liễu Tánh thấy khí thế của chàng quá mãnh liệt, kinh hãi kêu lên:

- Hay lắm đó!

Lão vung tít nhuyễn kiếm, kiếm sanh hoa, kiếm biến thành hoa và cành đảo lộn, rít gió vù vù, nhuyễn kiếm ngang nhiên nghinh đón Long Đản và Phụng Chưởng.

Nhưng hai dạo kim quang và ngân quang hiệp thành một vầng, oai lực gấp đôi.

Song phương trao đổi nhau độ vài mười chiêu, Triệu Sĩ Nguyên thầm nghĩ:

- Lão hòa thượng này quả nhiên luyện được kiếm pháp vô song trong thiên hạ! Nếu ta không nhờ Thiên Linh nội lực và chiêu thức kỳ tuyệt của Long Phụng Môn, hẳn là ta phải bại với lão! Nếu ta không dùng tuyệt học bổn môn đánh bại lão thì giang hồ sẽ sỉ tiếu, còn gì thanh danh Long Phụng lệnh chủ nữa?

Chàng liền đem tuyệt học của bổn môn đối phó với lão hòa thượng.

Song phương lại trao đổi nhau thêm vài mươi chiêu nữa. Thoạt đầu Triệu Sĩ Nguyên còn bị kiếm ảnh vây chặt, chàng vô cùng chật vật mới phát huy được phần nào công lực.

Dần dần chàng phổ hóa tất cả sở đắc, hiệp với tuyệt học bổn môn có Thiên Linh chưởng hổ trợ, chàng lấy lại quân bình, sau đó lại chiếm luôn ưu thế.

Chiếm được ưu thế rồi chàng vừa chiến đấu vừa nghiên cứu luôn kiếm pháp của Liễu Tánh.

Liễu Tánh hết sức kinh hãi, không rõ tại sao bỗng dưng chàng phản nhược vi cường.

Lão có biết đâu Thiên Linh nội lực càng vận dụng càng phát sanh liên miên bất đoạn?

Lão thấy cơ nguy rõ rệt, nếu kéo dài cuộc đấu lão sẽ nắm chắc cái bại, hơn thế bao sở học của lão sẽ bị Triệu Sĩ Nguyên thực nghiệm trọn vẹn.

Về vũ học, những cuộc thực nghiệm như vậy giúp người học võ tinh tiến phi thường.

Bây giờ lão muốn rút lui khỏi vòng chiến cũng không làm sao được, bởi Long Đản và Phụng Chưởng cứ ngăn chận bốn bề, bắt buộc lão phải tiếp tục giao đấu với niềm thất vọng.

Qua chiêu thứ năm mươi lão kiệt lực rõ rệt. Lão thấy cần phải bỏ cuộc chiến, dù sự từ bỏ đó là một cái nhục, thà từ bỏ còn hơn miễn cưỡng đánh để cuối cùng phải ngã gục.

Lập tức lão hét lên một tiếng, gom tàn lực, vung nhuyễn kiếm đánh bật Long đản và Phụng Chưởng, đồng thời nhảy vọt về phía hậu ngồi ngay xuống đất, điều tức liền, bất chấp cái chết nếu thực sự Triệu Sĩ Nguyên muốn giết lão.

Bởi lão trong tình trạng nhắm mắt ngồi yên đó, có khác nào chờ chết?

Dù một tay thường, muốn giết lão cứ bước tới hạ thủ là lấy tánh mạng lão ngay, nói gì là Triệu Sĩ Nguyên.

Nhưng Triệu Sĩ Nguyên đứng nguyên tại chỗ nhìn ra xa xăm đến xuất thần.

Chàng hồi ức lại cuộc đấu, từ đầu đến cuối, thức ngộ ra sở dĩ chàng thu hoạch thắng lợi là nhờ sự hỗn hợp các môn công, chứ không riêng gì độc môn tuyệt học của họ Triệu.

Bất quá chàng lấy cái tuyệt học của Long Phụng Môn làm nồng cốt để thi triển các môn công khác, tựa vào nội lực Thiên Linh.

Như vậy là chàng đã làm một cuộc đại cải cách cho tuyệt học của họ Triệu.

Và qua sự đại cải cách đó, tuyệt học Long Phụng Môn trở nên lợi hại gấp năm, gấp mười lân hơn trước.

Võ Lâm Tứ Khuyết đã theo dõi chàng đến đây, song không chường mặt, họ nấp trong khu rừng kế cận, quan sát cuộc đấu.

Bây giờ thấy cuộc đấu chấm dứt, Triệu Sĩ Nguyên lại xuất thần, họ lập tức đến cục trường, bao quanh chàng, bảo vệ phòng lão hòa thượng tấn công bất ngờ.

Một lúc lâu bỗng Triệu Sĩ Nguyên hú vọng một tiếng dài, tiếng hú biểu hiện niềm cao hứng vô biên, tiếp theo đó chàng bật cười ha hả.

Rồi chàng bước đến cạnh Liễu Tánh thiền sư.

Tiếng hú của chàng làm lão hòa thượng giật mình, mở choàng đôi mắt nhìn chàng chăm chú!

Chàng vòng tay thốt:

- Công lực của lão thiền sư cao diệu cực độ! Tại hạ hôm nay được lão thiền sư chỉ điểm cho nhiều đại hữu ích, xin đa tạ lão thiền sư.

Liễu Tánh thở dài, vụt đứng lên quay mình bỏ đi luôn không nói một tiếng nào!

Về tuyệt học của Thiếu Lâm, lão ta luyện được ba mươi sáu môn trong số bảy mươi hai, sự thành tựu đó rất hi hữu trong môn phái của lão, gia dĩ lão lại luyện tuyệt học từ ba hạt xá lợi.

Thế mà lão không thủ thắng nổi trước một thanh niên?

Hiện tại lão đã ngoài chín mươi tuổi rồi!

Đành là Triệu Sĩ Nguyên chưa thực sự đánh ngã lão, song đánh ngã lão chỉ là vấn đề thời gian thôi, nếu cuộc đấu kéo dài hơn.

Như vậy là lão cầm như bại rồi. Ở cái tuổi đó, bại nơi tay một kẻ hậu sanh, phải là cái nhục, song lão không cho rằng nhục, bởi lão biết phục thiện.

Lão khâm phục tài nghệ của Triệu Sĩ Nguyên, nhưng lão không thừa nhận sự thất bại của lão công khai, vì lão hận, con người hiếu võ thì luôn để hận sau mỗi lần thất bại.

Do đó mà lão bỏ đi, chẳng buồn buông một lời khách sáo!

Từ Kiệt thấy lão bỏ đi, bực tức vô cùng, trầm giọng hỏi:

- Lão hòa thượng đó lỗ mảng quá chừng! Sao Thiếu lệnh chủ không bắt lão đưa về Thiếu Lâm Tự?

Triệu Sĩ Nguyên mỉm cười:

- Bổn lệnh chủ thọ Ơn lão ta rất trọng. Đáng lẽ phải tạ Ơn lão ta, chứ lý đâu lại bắt lão!

Qua cuộc chiến hôm nay bổn lệnh chủ thu thập một thắng lợi lớn lao đó!

Rồi cả năm người trở lại con đường cũ, tiếp tục hành trình.

Họ đi mãi đến một cái gò cao, nơi đó cỏ mọc cao, chung quanh hoang vắng lạnh lùng.

Bỗng Triệu Sĩ Nguyên dừng chân.

Tứ Khuyết cũng dừng lại.

Triệu Sĩ Nguyên hỏi:

- Các vị có nghe chi chăng?

Tứ Khuyết lắng tai.

Một lúc lâu Mã Hoằng đáp:

- Chừng như có người đang đánh nhau gần đây!

Triệu Sĩ Nguyên gật đầu:

- Một bên đông, một bên đơn thân độc lực! Và cái thắng đã ngã về bên đông rõ rệt!

Kim Lập cau mày:

- Cậy đông lấn hiếp người cô thế là thứ hèn! Bọn ta nếu...

Triệu Sĩ Nguyên biết hắn muốn nói gì, điểm nụ cười gật đầu.

Kim Lập reo lên:

- Thuộc hạ đi ngay!

Hắn vọt mình về hướng có tiếng động.

Triệu Sĩ Nguyên thốt:

- Không nên để Kim Lập phải bại nơi bọn người đó! Chúng ta theo ngay!

Cả bốn người cùng phi thân theo Kim Lập.

Khi họ đến nơi thì Kim Lập đã vào cuộc rồi. Hắn đang đứng giữa một bọn người, nâng đỡ một đại hán tuổi tác độ ba mươi.

Hắn đã thủ kiếm nơi tay, mũi kiếm có vấy máu, điều đó chứng tỏ hắn nóng lòng cứu người nên xuất thủ không dè dặt, đánh trọng thương kẻ nào đó.

Đại hán được hắn phù trì mang thương tích khá nhiều lại kiệt sức chỉ còn thoi thóp.

Vòng vây quanh Kim Lập gồm độ mười mấy người, già có trẻ có.

Người chỉ huy vấn khăn vuông nơi đầu, vận áo lông ngổng, có đôi mắt lạ lùng, một lớn một nhỏ, lại không ngang hàng nhau.

Thấy người đó, Triệu Sĩ Nguyên mắng thầm:

- Tưởng ai! Không ngờ chính là ngươi!

Thì ra lão ấy là Bát diện thư sinh Ngô Lương, tay mưu sỉ lợi hại của Tào Duy Ngã.

Lão là nhân vật thứ hai trong Vô Tình cung, chỉ nhượng mỗi một mình Tào Duy Ngã thôi.

Dĩ nhiên Ngô Lương cũng nhận ra Triệu Sĩ Nguyên.

Và đúng là oan gia gặp oan gia!

Mặc cho Ngô Lương nhìn chàng, chàng bước vào vòng vây điểm vào mười ba huyệt đạo trên mình đại hán thọ nạn, lại lấy một hoàn thuốc trong túi ra, trao cho đại hán, bảo uống ngay, rồi dặn Kim Lập:

- Đưa vị bằng hữu này về phía hậu kia, cho y điều tức. Không lâu lắm y sẽ bình phục lại như thường!

Đại hán đó kêu khẽ:

- Đại hiệp! Tại ha...

Triệu Sĩ Nguyên khoát tay:

- Bằng hữu cứ yên tâm! Mọi việc đã có bổn lệnh chủ chiếu liệu!

Đại hán nghe xong, toan nói gì đó bỗng hôn mê liền.

Thì ra còn có một mỹ phụ cũng bị bọn người của Ngô Lương bắt, đại hán lo sợ cho mỹ phụ đó nên định yêu cầu Triệu Sĩ Nguyên giải cứu. Hắn không nói gì được rõ rệt.

Nhưng Triệu Sĩ Nguyên biết rồi, bảo hắn yên tâm, đồng thời gian, chàng xuất thủ phóng chỉ phong hạ hai hán tử đang kèm mỹ phụ.

Hai tiếng hự vang lên, hai hán tử ngã người về phía hậu.

Mỹ phụ được tự do, phóng chân chạy tới.

Đến lúc đó, Triệu Sĩ Nguyên mới quay người đối diện với Ngô Lương.

Chàng lạnh lùng thốt:

- Thì ra quả đất vẫn tròn! Cuối cùng chúng ta cũng lại gặp nhau!

Crypto.com Exchange

Hồi (1-117)


<