Vay nóng Homecredit

Truyện:Đông Chu liệt quốc - Hồi 051

Đông Chu liệt quốc
Trọn bộ 108 hồi
Hồi 051: Ðồng Hồ Chép Thẳng Án Ðào Viên Vua Sở Mừng Công Mở Ðại Hội
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-108)

Siêu sale Shopee

Tấn Ling công lập mưu giết Triệu Thuẫn, dẫu không giết được, nhưng thấy Triệu Thuẫn bỏ trốn đi thì trong lòng cũng mừng rỡ khác nào đứa học trò được rời thầy học ra, sự mừng rỡ kể sao cho xiết, liền đem cung quyến đến ở luôn ngày đêm tại Ðào Viên, không về cung nữa. Triệu Xuyên đang đi săn ở Tây Giao trở về, gặp Triệu Thuẫn và Triệu Sóc. Triệu Xuyên hỏi chuyện đầu đuôi và bảo Triệu Thuẫn rằng:

- Thúc phụ chớ sang nước khác vội, hãy đợi trong mấy ngày tôi sẽ có tin báo.

Triệu Thuẫn nói:

- Nếu vậy thì ta hãy tạm ở lại núi Thu Dương để đợi tin nhưng nhà ngươi nên cẩn thận, chớ đẻ thêm tai vạ đấy.

Triệu Xuyên từ biệt Triệu Thuẫn và Triệu Sóc, rồi trở về kinh thành, nghe biết Tấn Linh công chơi ở Ðào Viên, mới giả cách vào yết kiến và xin lỗi với Linh công rằng:

- Tôi là thân thích với người có tội, khi nào lại còn dám hầu hạ ở bên cạnh chúa công, xin chúa công cho tôi được từ chức.

Linh công tin là thực, mới phủ dụ Triệu Xuyên rằng:

- Triệu Thuẫn đã nhiều lần khinh bỉ ta, ta không thể chịu được, việc nầykhông can dự gì đến nhà ngươi, nhà ngươi cứ yên tâm mà giữ chức.

Triệu Xuyên lại tạ, rồi lại tâu rằng:

- Tôi thiết tưởng làm vua chỉ quý hơn người ta là được thoả thích cả về thanh, cả về sắc mà thôi, nay chúa công dẫu có đàn sáo chuông trống, nhưng số nội cung chưa đủ, còn lấy gì làm vui! Tề Hoàn công thuở xưa biết bao nhiêu phi tần, ngoại vị chánh cung, lại còn sáu bà như phu nhân nữa, tiên quân ta là Tấn Vương công, từ khi còn trốn ở các nước, đến đâu cũng lấy vợ, lúc trở về nước, ngọai sáu mươi tuổi, mà phi tần còn rất đông, nay chúa công đã lập ra đài cao vườn rộng thư thế nầy, mà sao không sai ngưòi đi tuyển gái đẹp về dạy múa hát để làm trò vui, chẳng cũng hay lắm ư!

Linh công nói:

- Nhà ngươi nói chính hợp ý ta! Nay ta muốn tuyển gái đẹp trong nước thì nên sai ai được?

Triệu Xuyên nói:

- Quan đại phu là Ðỗ Ngạn Giả đi tuyển con gái, bất cừ trong thành ngoài ấp, phàm có con gái trong hai mươi tuổi bắt phải làm sổ khai trinh, hạn trong một tháng thì về báo tin. Triệu Xuyên mượn việc ấy để sai Ðỗ Ngạn Giả đi biệt chỗ khác, rồi lại tâu với Linh công rằng:

- Ðội quân thị vệ của chúa công ở Ðào Viên hãy còn ít lắm, tôi có tuyển được hai trăm lính tinh dùng, xin chúa công cho sung vào làm quân thị vệ.

Linh công thuận cho, Triệu Xuyên về dinh, tuyển hai trăm quân giáp sĩ. Bọn giáp sĩ hỏi Triệu Xuyên rằng:

- Chẳng hay tướng quân định sai chúng tôi đi đâu?

Triệu Xuyên nói:

- Chúa công chẳng thương gì đến dân, chỉ vui chơi ở chốn Ðào Viên, nay có sai ta tuyển bọn các ngươi vào đấy để ngày đêm canh phòng. Bọn các ngươi đây, ai là người không vợ con nhà cửa, nay đi vào đấy, ăn sương nằm gió, biết bao giờ xong;

Bọn giáp sĩ đều than vãn mà nói rằng:

- Ðưá vô đạo hôn quân ấy, sao không chóng chết đi! Nếu Triệu tướng qiân (trỏ Triệu Thuẫn)còn ở nhà, tất không có việc này.

Triệu Xuyên nói:

- Ta có một câu nàynmuốn bàn cùng các ngươi, chẳng biết có nên không?

Bọn giáp sĩ đều nói:

- Nếu tướng quân cứu được cho chúng tôi thoát khỏi nông nổi khổ sở này thì ơn tái sinh ấy bao giờ chúng tôi quên được.

Triệu Xuyên nói:

- Chỗ Ðào Viên này không kín đáo lắm, như chốn thâm cung. Canh hai đêm hôm nay, các ngươi xông vào trong vườn, giả cách đòi xin ban thưởng, chờ khi ta vẫy tay áo làm hiệu thì các ngươi giết ngay hôn quân đi, ta sẽ đón quan tướng quốc về lập vua khác, các ngươi nghĩ thế nào?

Bọn giáp sĩ đều nói:

- Chúng tôi xin vâng mệnh!

Triệu Xuyên cho bọn giáp sĩ ăn cơm uống rượu, sai chực sẳn ở ngoài cửa Ðào Viên, rồi vào tâu với Linh công. Linh công lên đài trong thấy bọn giáp sĩ người nào cũng tráng kiện, thì bằng lòng lắm, bèn giữ Triệu Xuyên ở lại hầu rượu. Uống rượu đến canh hai, bỗng nghe thấy bên ngoài có tiếng uyên náo. Linh công kinh sợ, hỏi là cớ gì. Triệu Xuyên nói:

- Ý chừng quân túc vệ xua đuổi người đi đêm đó mà thôi, để tôi xin ra bảo họ đừng làm kinh động thánh giá.

Triệu Xuyên sai thấp đèn lồng, ở trên đài bước xuống. Bọn giáp sĩ hai trăm người đã phá cửa vào đến nơi. Triệu Xuyên bảo bọn giáp sĩ đứng yên cả ở dưới đài, rồi lại trở lên tâu với Linh công rằng:

- Quân sĩ biết chúa công dự tiệc, vậy muốn xin chúa công ban thưởng cho lộc thừa, chứ không có ý gì khác cả.

Linh công truyền cho nội thị đem rượu ban thưởng cho quân sĩ, rồi đứng tựa bao lơn mà trông xuống. Triệu Xuyên đứng bên cạnh, gọi to lên rằng:

- Chuá công thân hành ra đây ban thưởng cho các ngươi, các ngươi hãy bái tạ ơn trên.

Nói xong, giơ tay áo vẫy một cái. Quân sĩ biết là Linh công liền kéo ồ lên. Linh công sợ hãi, bảo Triệu Xuyên rằng:

- Giáp sĩ trèo lên lầu làm gì thế? Nhà ngươi truyền cho họ xuống đi!

Triệu Xuyên nói:

- Quân sĩ nhớ quan tướng quốc là Triệu Thuẫn, muốn xin chuá công cho đón về.

Linh công chưa kịp trả lời thỉ đã bị quân giáp sĩ xúm lại đâm chém chết ngay. Thi vệ xung quanh đều bỏ chạy tán loạn cả. Triệu Xuyên nói:

- Nay đã trừ được hôn quân rồi, các ngươi chớ nên giết bậy một người nào, phải theo ta đi đón quan tướng quốc về triều.

Ðỗ Ngạn Giả đang đi tuyển gái đẹp ở ngoài cõi xa, nghe báo Linh công bị giết, giật mình kinh sợ, biết là mưu kế của Triệu Xuyên, nhưng không dám nói ra, bèn lẻn về nơi dinh phủ.

Bọn Sĩ Hội nghe tin ấy, cũng vội vàng chạy đến Ðào Viên, nhưng chẳn thấy một người nào cả, biết là Triệu Xuyên đã đi đón Triệu Thuẫn về. Triệu Thuẫn. Triệu Thuẫn về đến kinh thành, đi thẳng vào Ðào Viên. Các quan trong triều đều hợp đông đủ cả. Triệu Thuẫn phục ở bên cạnh thi thể Tấn Linh công mà khóc òa lên, rất là thảm thiết, tiếng khóc vang động đến ngoài vườn. Dân nước Tấn nghe tiếng, đều bảo nhau rằng:

- Xem thế thì biết quan tướng quân là người trung thành. Việc này chẳng qua chỉ bởi chúa công ta gây nên tai vạ, chứ không phải lỗi của quan tướng quốc.

Triệu Thuẫn truyền rước thi thể của Tấn Linh công sang chôn ở đất Khúc Ốc, rồi hợp triều thần để lập vua mới. Bấy giờ Tấn Linh công chưa có con trai. Triệu Thuẫn nói:

- Từ khi tiên quân ta mất đi, tôi đã có xướng nghị rằng không nên lập vua nhỏ, vì nhiều người không thuận, mà thành ra có việc này, bây giờ ta phải thận trọng mới được.

Sĩ Hội nói:

- Trong nước có vua lớn thì là một điều đại phúc, quan tướng quốc dạy phải lắm!

Triệu Thuẫn nói:

- Tiên quân ta (tức là Tấn Văn công) ngày xưa hiện còn một người con. Lúc mới sinh ra, bà mẹ nằm mộng thấy thần nhân giơ bàn tay đen xoa vào đứa bé, bởi vậy mới đặt là Hắc Ðiến. Ngày nay đang làm quan ở nhà Chu, hiện đã lớn tuổi, tôi muốn đón về để lập lên làm vua.

Các quan không dám trái ý, đồng thanh mà nói rằng:

- Quan tướng quốc nghĩ rất phải.

Triệu Thuẫn muốn gỡ cái tội giết vua cho Triệu Xuyên, mới sai Triệu Xuyên sang nhà Chu đón công tử Hắc Ðiến về nước Tấn. Công tử Hắc Ðiến vào triều nhà Thái miếu, rồi nối ngôi lên làm vua, tức là TấnThành công. Tấn Thành công đã lên ngôi, giao hết quyền chính cho Triệu Thhuẫn, lại đem con gái gả cho Triệu Sóc, tức là nàng Trang Cơ. Triệu Thuẫn tâu với Tấn Thành công rằng:

- Mẹ tôi nguyên là con gái nước Ðịch. Bà Triệu Cơ tôi (con gái Tấn văn công gả cho thân phụ Triệu Thuẫn là Triệu Thôi)thuở xưa nhường cho mẹ tôi làm vợ cả, vậy nên tôi được làm đích tử, nhận chức trung quân, nay con bà Triệu Cơ tôi là:Triệu Ðồng, Triệu Quát, và Triệu Anh, đều đã lớn tuổi cả, tôi lại xin nhường lại quyền chức ấy.

Thành công nói:

- Quan tướng quốc không phải nhường, để ta sẽ dùng cho làm quan tất cả.

Nói xong, liền cho Triệu Ðồng, Triệu Quát và Triều Anh làm quan đại phu. Triệu Xuyên nói riêng với Triệu Thuẫn rằng:

- Ðổ Ngạn GIả ngày trước xu nịnh tiên quân để làm hại họ Triệu. Việc Ðào Viên này chỉ có Ðổ ngạn Giả ra ý không thuận, nếu không trừ bỏ người ấy đi thì họ Triệu ta cũng khò lòng mà yên được.

Triệu Thuẫn nói:

- Người ta không bắt tội nhà ngươi thì chớ, nhà ngươi lại định bắt tội người ta hay sao! Họ Triệu ta ngày nay chỉ nên cùng với các quan triều thần hòa mực với nhau, chớ nên gây ra những việc thù oán.

Triệu Xuyên không dám nói đến việc Ðổ Ngạn Giả nữa. Ðỗ Ngạn Giả cũng một lòng theo ý họ Triệu để được khỏi tội. Triệu Thuẫn vẫn lấy việc Ðào Viên làm áy náy, một hôm sang chơi sử quán, đòi lấy bản chép của quan thái sử là Ðồng Hồ để xem Ðồng Hồ chép việc Ðào Viên ra sao. Ðồng Hồ đem bản thảo đưa trình Triệu Thuẫn. Triệu Thuẫn mở ra xem, trông thấy chép rỏ ràng: "Mùa thu, tháng bảy, năm Ất Sửu Triệu Thuẫn giết vua là Di Cao ở Ðào Viên".

Triệu Thuẫn giật mình kinh sợ nói:

- Quan thái sử lầm rồi! Ta đã chạy ra Hà Ðông cách kinh thành hơn trăm dặm, ta có biết đâu đến việc giết vua, mà quan thái sử lại đổ lỗi cho ta, chẳng cũng oan lắm ư!

Ðồng Hồ nói:

- Ngài làm quan tướng quốc, trốn đi chưa khỏi địa giới nước nhà mà đã có việc giết vua này, khi ngài về lại không trị tội quân giặc, như thế mà bảo không phải tự ngài chủ mưu, còn ai tin được?

Triệu Thuẫn nói:

- Bây giờ có thể chửa lại được không?

Ðồng Hồ nói:

- Ðã gọi là tín sử thì có thế nào phải chép như thế, bởi vậy đầu tôi có thể cắt được, chứ bản thảo này thì không thể chữa lại được.

Triệu Thuẫn thở dài than rằng:

- Thế mới biết cái quyền chép sử, còn lớn hơn cái quyền làm tướng quốc! Tiếc thay, bấy giờ ta chưa ra khỏi địa giới, để đến nỗi chịu tiếng xấu muôn đời, hối sao cho kịp!

Từ bấy giờ Triệu Thuẩn phụng sự Tấn Thành công, càng thêm kính cẩn. Triệu Xuyên cậy có công to, xin làm chức chính khanh, Triệu Thuẩn sợ mang tiếng, không cho. Triệu Xuyên tức giận, phát ra cái ung ở đằng lưng mà chết. Con Triệu Xuyên là Triệu Chiên xin nối giữ chức vị của cha. Triệu Thuẫn bảo Triệu Chiên rằng:

- Ðợi khi nào nhà ngươi lập được công trạng thì dẫu ngôi khanh tướng cũng chẳng khó gì!

Chu Khuông vương mất. Em là Du lên nối ngôi, tức là Chu Ðịnh vương. Năm đầu Chu Ðịnh vương, Sở Trang vương đem quân đánh đất Lục Hồn, qua sông Lạc Thủy, keó đến địa giới nhà Chu, định dùng uy lực áp chế thiên tử mà cùng với nhà Chu chia đôi thiên hạ. Chu Ðịng vương sai quan đại phu là Vương Tôn Mẫn đến uý dụ Sở Trang vương. Sở Trang vương hỏi:

- Tôi nghe nói vua Ðại Vũ ngày xưa có đúc chín cái đinh, từ nhà Hạ, nhà Thương đến nhà Chu ta vẫn truyền cho nhau, coi là của quý, hiện nay để ở đất Lạc Dương. Chẳng hay những cái đinh ấy hình dáng, lớn bé và nặng nhẹ thế nào, xin quan đại phu cho biết?

Vương Tôn Mẫn nói:

Vua Ðại Vũ nhà Hạ đúc nên chín cái đinh, đến đời vua Kiệt vô đạo, mới thiên sang nhà Thương?Vua Trụ nhà Thương bạo ngưọc, chín cái đinh ấy lại thiên sang nhà Chu, xem thế thì biết đời nào có đức thì mới giữ nổi chín cái đinh ấy. Khi nhà vua Thành vương nhà Chu tôi để chín cái đinh ấy ở Lạc Dương, đã có bói một quẻ thì biết rằng nhà Chu tôi truyền được ba mươi đời, bảy tram năm có lẻ, năm nay vận mệnh nhà Chu hãy còn, nhà vua chớ nên hỏi đến đinh vội!

Sở Trang vương hổ thẹn, từ bấy giờ không dám có ý nom dòm nhà Chu nữa.

Lại nói chuyện quan lệnh doãn nước Sở là Ðấu Việt Tiêu từ khi thấy Sở Thành vương chia mất quyền chính của mình, trong lòng oán giận, lại cậy mình là người tài giỏi và đời trước có công lao, dân trong nước ai cũng tin phục, mới có ý muốn làm phản, thường vẫn nói rằng:

- Nhân tài nước Sở chỉ có một mình Vĩ Giả mà thôi, còn thì chẳng đáng kể.

Khi Sở Trang vương đi đánh Lục Hồn, cũng lo đấu Việt Tiêu làm phản, mới bảo Vĩ Giả ở lại để giữ nước. Ðấu Việt Tiêu thấy Sở Trang vương đem quân đi vắng, mới quyết chí nổi loạn, định đem hết những quân của bản tộc ra để khởi sự. Ðấu Khắc (con Ðấu Ban) không theo. Ðấu Việt Tiêu giết chết Ðấu Khắc, rồi đem quân đến giết quan tư mã là Vĩ Giả. Con Vĩ Giả là Vĩ Ngao đem mẹ chạy trốn sang Mộng Trạch. Ðấu Việt Tiêu ra đóng đồn ở đất Chưng Giã để chặng đường Sở Trang vương trở về. Sở Trang vương nghe tin Ðấu Việt Tiêu nổi loạn, tức khắc rút quân về nước. Về gần đến đất Chương Lạp, Ðấu Việt Tiêu đem quân ra đối địch. Quân Sở Trang vương trông thấy Ðấu Việt Tiêu đeo cung cầm giáo, đi lại hăng hái ở trước trận, đều có ý sợ hãi. Sở Trang vương nói:

- Họ Ðấu mấy đời có công với nước, nay chẳng thà để cho Ðấu Việt Tiêu hpụ ta, chớ ta không nỡ phụ Ðấu Việt Tiêu.

Nói xong, liền sai quan đại phu là Tô Tùng sang điều đình với Ðấu Việt Tiêu, thuận cho giảng hoà và tha cho cái tội giết quan tư mã. Ðấu Việt Tiêu nói:

- Ta xấu hổ vì phải làm chức lệnh doãn, chứ ta có mong ân xá đâu! Có dám đánh thì đem quân tới đây!

Tô Tùng hai ba lần phủ dụ mà Ðấu Việt Tiêu không nghe. Khi Tô Tùng về rồi, Ðấu Việt Tiêu truyền nổi hiệu trống tiến quân sang dắnh. Sở Trang vương hỏi các tướng rằng:

- Các tướng, có ai dám đối địch với Ðấu Việt Tiêu không?

Quan đại tướng là Nhạc Bá vâng mệnh ra trận. Con Ðấu Việt Tiêu là Ðấu Bí Hoàng liền đem quân ra nghinh chiến. Phan Uông trông thấy Nhạc Bá không đánh nổi Ðấu Bí Hoàng, cũng giục ngựa ra trận. Em Ðấu Việt Tiêu là Ðấu Kỳ cũng đem quân ra giao chiến với Phan Uông. Sở Trang vương ngồi trên xe, cầm dùi đánh trống để đốc chiến. Ðấu Việt Tiêu lại bắn mũi tên nữa, cắm vào cái mộc. Sở Trang vương vội vàng truyền lịnh thu quân.

Ðấu Việt Tiêu cố sức tiến đánh, may có hữu quân đại tướng là công tử Trắc và tả quân đại tướng là công tử Anh Tề, hai mặt đổ lại, bấy giờ Ðấu Việt Tiêu mới lui quân. Nhạc Bá và Phan Uông nghe hiệu cũng thu quân trở về. Về đến đất Hoàng Hử, Sở Trang vương truyền đem hai cái tên của Ðấu Việt Tiêu ra xem thì thấy dài gấp rưỡi cái tên khác, cánh tên bằng lông hạc, đốc tên bằng răng báo, mũi tên sắc không biết thế nào mà kể! Các người xung quanh trông thấy, ai cũng lắc đầu lè lưỡi, lấy làm sợ hãi, cho là mũi tên thần. Ðêm hôm ấy, Sở Trang vương đi tuần các dinh, nghe thấy quân sĩ chỗ nào cũng hợp nhau bàn về mũi tê thần tiên của Ðấu Việt Tiêu, cho là khó lòng đánh nổi. Sở Trang vương mới lập kế sai người đặt chuyện ra mà nói với quân sĩ rằng:

- Ðời tiên quân ta là Sở Van vương ngày xưa nghe nói người Nhung Nam làm tên tốt lắm, sai sứ đi hỏi, người Nhung Nam mới đem dâng hai cái tên, gọi là "Thấu cốt phong", vẫn để ở nhà thái miếu. Ðấu Việt Tiêu lấy trộm được hai cái tên ấy, nhưng bắn hai phát là mất rồi, còn sợ gì nữa! Chỉ đến ngày mai là ta đánh tan được thôi.

Bấy giờ quân sĩ mới được yên lòng. Sở Trang vương hạ lệnh rút quân sang nước Tùy, giả cách nói định mướn quân các nước ở Hán Ðông về đánh Ðấu Việt Tiêu. Tô Tùng nói với công tử Trắc rằng:

- Giặc mạnh ở trước mặt mà ta lui quân thì e hỏng việc.

Công tử Trắc nói:

- Ðấy tất là đại vương lập kế đó thôi! Chúng ta vào yết kiến thì tự khắc biết rõ.

Ðêm hôm ấy, công tử Trắc cùng với công tử Anh Tề vào yết kiến Trang vương. Trang vương nói:

- Ðấu Việt Tiêu mạnh thế lắm, ta không thể địch nổi, phải dùng kế mới đánh được.

Trang vương đem mật kế bảo với hai tướng, và sai họ đem quân đi mai phục. Cả hai đều vâng mệnh đem quân đi. Gà gáy hôm sau, Trang vương truyền cho đại binh kéo lui. Ðấu Việt Tiêu nghe tin, tức khắc đem quân đuổi theo. Quân Trang vương cố sức đi gấp qua đất Cánh Lăng. Ðấu Việt Tiêu cũng cố sức đuổi theo, một ngày một đêm đi hơn hai trăm dặm, đến cầu Thanh Hà, trông thấy quân Trang vương đang thổi cơm ở bên kia cầu, lại cố sức đuổi theo cho kịp. Khi đấu Việt Tiêu đến nơi thì quân Trang vương bỏ cả nồi niêu mà chạy. Ðấu Việt Tiêu hạ lệnh đuổi theo, cốt ý bắt cho kỳ được Trang vương, rồi mới được ăn cơm sáng. Quân Ðấu Việt Tiêu đang lúc mỏi mệt, lại phải nhịn đói để cố mà tiến lên, bèn theo kịp Trang Uông. Phan Uông bảo Dấu Việt Tiêu rằng:

- Nhà ngươi muốn bắt vua Sở thì sao không cố mau lên một chút!

Ðấu Việt Tiêu tưởng thực mới bỏ Phan Uông, lại cố đuổi theo sáu mươi dặm nữa, đến địa giới Thanh Sơn, gặp toán quân của Hùng Phụ Cơ. Ðấu Việt Tiêu hỏi Hùng Phụ Cơ rằng:

- Vua Sở ở đâu?

Hùng Phụ Cơ nói:

- Vua Sở chưa đi đến đây!

Ðấu Việt Tiêu trong lòng nghi ngờ, lại bảo Hùng Phụ Cơ rằng:

- Nhà ngươi tìm vua Sở cho thìkhi ta lên lém vua, sẽ cho nhà ngươi được quyền chính.

Hùng Phụ Cơ nói:

- Ta trông quân sĩ nhà ngươi đều mệt mỏi cả, nên phải cho ăn no thì mới giao chiến được.

Ðấu Việt Tiêu lấy làm phải, mới đóng quân lại để nấu cơm ăn. Quân Ðấu Việt Tiêu đang nấu cơm ăn, bỗng thấy công tử TRắc và công tử Anh Tề hai mặt đem quân đến đánh. Quân Ðấu Việt Tiêu đói không thể đánh được, bỏ chạy về phía nam, lui về cầu Thanh Hà thì cầu ấy đã bị phá đổ từ bao giờ rồi. Nguyên Sở Trang vương đã đem quân phục sẵn ở bên cầu, đợi cho Ðấu Việt Tiêu qua cầu thì phá cầu đi để chặn lối trở về. Ðấu Việt Tiêu thấy cầu đã bị phá gẫy, giật mình kinh sợ, truyền cho quân sĩ dò xem nước sông nông sâu thế nào để tìm đường sang. Bỗng nghe ở bên kia sông có tiếng pháo nổ, một toán quân Sở quát to:

- Quân Nhạc Bá đóng đây, Ðấu Việt Tiêu mau mau xuống ngựa mà đầu hàng đi!

Ðấu Việt Tiêu giận lắm, truyền cho quân sĩ đứng bên này sông giương cung ra bắn. Trong toán quân Nhạc Bá có một viên tiểu tướng tài nghề bắn cung tên gọi Dưỡng do Cơ, người ta vẫn khen là "thần tiển". Dưỡng Do Cơ nói với Nhạc Bá xin cùng với Ðấu Việt Tiêu bắn thì Nhạc Bá thuận cho. Dưỡng Do Cơ đứng ở bờ sông bên này, quát to lên mà bảo Ðấu Việt Tiêu rằng:

- Mặt sông rộng nhì thế này, tên nào mà bắn cho thấu! Tôi nghe nói quan lệnh doãn (tức là Ðấu Việt Tiêu)tài bắn lắm, vậy tôi xin cùng với ngài bắn thi. Hai bên nên đứng giáp ở trên dịp cầu, mỗi bên bắn ba phát, ai may thì sống.

Ðấu Việt Tiêu hỏi rằng:

- Nhà ngươi là ai?

Dưỡng Do Cơ nói:

- Tôi là tiểu tướng thuộc quân Nhạc Bá, tên gọi Dưỡng Do Cơ.

Ðấu Việt Tiêu có ý khinh bỉ, mới bảo Dưỡng Do Cơ rằng:

- Nhà ngươi muốn bắn thi thì hãy nhường ta bắn trước ba phát.

Dưỡng Do Cơ nói:

- Ðừng nói ba phát, dẫu đến trăm phát, tôi cũng không sợ! Ai tránh là không giỏi!

Nói xong, liền ra đứng ở trên dịp cầu về phía sông bên này. Ðấu Việt Tiêu đứng ở dịp cầu bên kia, giương cung bắn ngay một phát, tưởng rằng phát tên này bắn ra thì Dưỡng Do Cơ lộn cổ xuống sông mà chết. Ai ngờ Dưỡng Do Cơ trông thấy mũi tên đến, tay cầm đốc cung, gạt liền một cái, mũi tên rơi xuống dưới sông. Dưỡng Do Cơ lại quát to lên mà bảo Ðấu Việt Tiêu rằng:

- Bắn nữa đi! Bắn nữa đi!

Ðấu Việt Tiêu lại giương cung nhắm thẳng vào Dưỡng Do Cơ bắn luôn một phát nữa. Dưỡng Do Cơ ngồi sụp xuống thì mũi tên ấy qua đầu mà bay đi mất; Ðấu Việt Tiêu nói:

- Nhà ngươi bảo rằng ai tránh là không giỏi, sao lại còn ngồi sụp xuống, như vậy không phải là trưọng phu.

Dưỡng Do Cơ nói:

- Quan lệnh doãn còn được bắn một phát nữa, đến phát này thì tôi không dám tránh, nếu phát này không trúng thì ngài phải nhường cho tôi bắn.

Ðấu Việt Tiêu nghĩ thầm:

- Nếu hắn không tránh thì phát tên này tất phải trúng. Ðấu Việt Tiêu tức khắc giương cung ra bắn. Dưỡng Do Cơ đứng vững hai chân, không cựa cậy chút nào, khi mũi tên tới nơi, liền há mồm thật to, cắn chặt ngay lấy. Ðấu Việt Tiêu bắn ba phát tên cùng không trúng cả, có ý sợ hải, nhưng trót đã hẹn lời, cũng phải để cho Dưỡng Do Cơ bắn lại, mới bảo Dưỡng Do Cơ rằng:

- Nay ta nhường hco nhà ngươi bắn lại ba phát, nếu bắn không trúng bấy giờ nhà ngươi lại phải nhường ta.

Dưỡng Do Cơ cười mà bảo rằng:

- Có bao giờ mà lại đến ba phát! Tôi chỉ bắn một phát thì quan lệnh doãn đi đơì mà thôi!

Ðấu Việt Tiêu nói:

- Nhà ngươi nói khoát làm gì thế, hãy thử bắn xem nào!

Ðấu Việt Tiêu nghĩ thầm:

- Hắn bắn phát tên này mà trúng, chẳng kể làm chi, nhược bằng không trúng ta còn sợ nữantha hồ cho hắn bắn. Ai ngờ Dưỡng Do Cơ là người bắn giỏi lắm, trăm phát trúng cả trăm, bấy giờ Dưỡng Do Cơ giả cách giương cung ra bắn, nhưng tay vẫn giữ lấy tên. Ðấu Việt Tiêu nghe tiếng dây cung, tưởng là tên đến, mới nghiêng mình tránh về phía tả. Dưỡng Do Cơ nói:

- Tên vẫn còn ở tay tôi, nào đã bắn đâu! Quan lệnh doãn bảo ai tránh là không giỏi, cớ sao lại tránh?

Ðấu Việt Tiêu nói:

- Còn sợ ngưòi ta tránh sao gọi là bắn giỏi!

Dưỡng Do Cơ lại gỉa cách giương cung ra bắn. Ðấu Việt Tiêu lại trắnh về phiá hữu. Dưỡng Do Cơ thừa lúc Ðấu Việt Tiêu tránh luôn tay bắn một phát nữa, Ðấu Việt Tiêu không biết tên đến, né tránh không kịp, mũi tên xuyên qua sọ, chết ngay tại trận. Quân Ðấu Việt Tiêu thấy chủ tướng đã chết rồi, bỏ chạy tán loạn. Công tử Trắc và công tử Anh Tề chia đường đuổi theo, giết cho quân Ðấu Việt Tiêu thây chết như núi, máu chảy thành sông. Con Ðấu Việt Tiêu là Ðấu Bí Hoàng trốn sang nước Tấn, sau vua Tấn dùng làm quan đại phu, phong cho ở đất Miêu, gọi là Miêu Bí Hoàng. Sở Trang vương đã được toàn thắng, thu quân trở về kinh thành, bao nhiêu người họ Ðấu, bất cứ lớn bé đều đem chém đầu cả, chỉ trừ co con Ðấu Ban là Ðấu Khắc Hoàng hiện đang làm quan châm doãn, đương phụng mệnh Sở Trang vương sang sứ nước Tề. Khi Khắc Hoàng về đến nước Tống, nghe tin Ðấu Việt Tiêu nổi loạn, các người theo hầu đều can không nên về vội Ðấu Khắc Hoàng không nghe.

Khi Ðấu Khắc Hoàng về đến kinh thành nước Sở, vào nói với quan tư khấu xin chịu tội và bảo rằng:

- Tổ phụ ta ngày xưa là Tử Văn đã biết Ðấu Việt tiêu có tướng làm phản, tất đến nổi diệt tộc, khi sắp tạ thế, có dặn thân phụ tôi trốn sang nước khác. Thân phụ tôi nghĩ ơn nước Sở, không nơỏ bỏ đi, thành ra bị Ðấu Việt Tiêu giết chết. Nay tôi đã cùng họ với kẻ phản nghịch, lại không theo được lời dặn của tổ phụ tôi, vậy thì còn sống làm gì! Tôi xin chịu tội chết!

Trang vương nghe nói bèn than rằng:

- Tử Văn ngày xưa thật là thần nhân! Huống chi lại có công to với nước Sở, nỡ nào lại để cho tuyệt tự!

Nói xong, liền xá tội cho Ðấu Khắc Hoàng, vẫn cho làm quan, lại cho đổi tên là Ðấu Sinh, nghĩa là đáng chết mà được sống.

Trang vương khen Dưỡng Do Cơ có công bắn chết Ðấu Việt Tiêu, cho làm chức xa hữu, nghe nói Ngu Khâu là người hiền, cho quyền chức lệnh doãn. Sở Trang vương truyền mở một tiệc đại yến ở trên tiệm đài, triệu các quan triều thần đến dự tiệc, lại cho cả các phi tần theo đi. Trang vương bải triều thần rằng:

- Ta không uống rượu nghe hát, đã sáu năm trời này, bấy giờ dẹp yên được bọn phản nhgịch rồi, ta xin cùng với các người bày một tiệc vui gọi là thái bình yến. Phàm các quan viên văn vũ, bất cừ to nhỏ đều được dự tiệc cả.

Các quan sụp lạy, rồi theo thứ tự vào ngồi. Chức bào nhân (Người nhà bếp) dâng món ăn, chức thái sử (chức quan coi việc văn hóa, nghệ thuật)tấu nhã nhạc. Khi mặt trời đã gần lặn, tiệc rượu còn đang vui, Sở Trang vương truyền thắp nến lên để uống rượu nữa, lại sai một cung tần được vua yêu là Hứa Cơ, đi mời khắp các quan mỗi người một chén rượu. Các quan đều đứng dậy để uống, bỗng có một trận gío to, bao nhiêu nến thắp ở trên điện, tắt hết cả. Các nội thị còn đang châm lửa chưa đến. Trong các quan đại phu, có một người trông thấy Hứa Cơ đẹp, nhân lúc tối tăm, thò tay nắm lấy vạt áo nàng. Hứa Cơ tay trái dứt vạt áo, tay phải nắm được giải mũ của người ấy. Giải mũ đứt, người ấy sợ lắm, vội vàng buông tay ra, Hứa Cơ lấy được cái giải mũ, rón rén đi đến trước mặt Trang vương, ghé tai mà tâu rằng:

- Thiếp vâng mệnh đại vương ra mời các quan uống rượu, mà có một người vô lễ, dám nhân lúc tắt nến, nắm lấy vạt áo thiếp, thiếp đã dứt được cái giải mũ của người ấy, xin đại vương thắp nến mà xem xét xem.

Trang vương vội vàng truyền cho nội thị chớ thắp nến vội và bảo các quan triều thần rằng:

- Ngày nay ta bày tiệc, mong cùng các người mua vui, các người nên bỏ cả giải mũ đi, rồi cùng ta uống rượu thật say. Nếu ai không dứt giải mũ thì chưa được vui lắm.

Các quan triều thần đều dứt bỏ hết giải mũ. Bấy giờ Trang vương mới thắp nến, thàng ra không biết người nào nắm vạt áo Hứa Cơ cả. Tiệc xong, trở về trong cung, Hứa Cơ tâu với Sở Trang vương rằng:

- Thiếp nghe nói nam nữ phải có phân biệt, huống chi lại là vua tôi. Ðại vương sai thiếp mời các quan uống rượu, là để tỏ lòng kính trọng các quan, nay người ấy nắm lấy vạt áo thiếp mà đại vương không trị tội, thì còn ra thể thống gì nữa!

Trang vương cười mà bảo rằng:

- Ta bày tiệc rượu này là muốn để các quan đều được cùng vui, bởi vậy mới sai thắp nến để uống rượu thêm. Rượu say sinh ra chớt nhả, chẳng qua cũng là thường tình, trị tội một người mà làm cho các quan không được vui, đó không phải là điều ta muốn!

Hứa Cơ thán phục. Về sau người ta gọi tiệc rượu ấy là "Tuyệt anh hội" (nghĩa là hội dứt giải mũ). Một hôm, Trang vương cùng với Ngu Khâu bàn tiệc chính trị, đêm đã khuya, mới trở cung. Bà phu nhân là Phàn Cơ hỏi Trang vương rằng:

- Ngày hôm nay trong triều có việc gì mà đại vương về chậm như vậy?

Trang vương nói:

- Ta cùng vơi Ngu Khâu bàn việc, thành ra khuya quá mà không biết.

Phàn Cơ nói:

- Ngu Khâu là người hiền ở nước Sở ta.

Phàn Cơ nói:

- Cứ như ý thiếp thì Ngu Khâu vị tất là người hiền.

Trang vương hỏi:

- Sao thế?

Phàn Cơ nói:

- Ngu Khâu mỗi lần cùng với đại vương bàn việc chính trị, thường đến đêm khuya, mà chưa thấy tiến cử một người nào cả. Cái trí của một người thì có hạn, mà số kẻ sĩ nước Sở thì vô cùng. Ngu Khâu muốn đem cái trí của một người để che lấp tất cả kẻ sĩ trong thiên hạ sao gọi là người giỏi được?

Trang vương khen phải. Ngày hôm sau, đem lời Phàn Cơ thuật lại cho Ngu Khâu nghe. Ngu Khân nói:

- Vậy mà tôi chưa kịp nghĩ đến điều đó; để tôi xin liệu ngay.

Ngu Khâu liền hỏi khắp triều thần, xem có ai biết người hiến thì nói. Ðấu Sinh nói với Ngu Khâu rằng:

- Tôi có biết người con của Vĩ Giả tên gọi Vi Ngao là người hiền. Vi Ngao vì tránh cái nạn Ðấu Việt Tiêu mà đi ẩn ở Mộng Trạch, người ấy thật có tài làm tướng quốc.

Ngu Khâu vào tâu, Trang vương nói:

- Vĩ Giả ngày xưa là người trí sĩ thì con Vĩ Giả tất cũng không phải tầm thường, nếu nhà ngươi khôn gnói, có lẽ ta quên mất!

Sở Trang vương bèn sai Ngu Khâu cùng với Ðấu Sinh đi đến Mộng Trạch để triệu Vĩ Ngao. Nguyên Vĩ Ngao tên tự là Tôn Thúc, bởi vậy người ta vẫn gọi là Tôn Thúc Ngao. Tôn Thúc Ngao đem mẹ đi tránh nạn, sang ở Mộng TRạch, làm ruộng nuôi thân. Một hôm, Tôn Thúc Ngao vác cày ra đồng, thấy ở dưới ruộng có con rắn hai đầu, giật mình kinh sợ mà nói rằng:

- Ta nghe nói con rắn hai đầu là vật chẳng lành, ai trông thấy nó là chết, ta nguy đến nơi rồi!

Nói đoạn, lại nghĩ thầm rằng:

- Nếu ta để con rắn ấy sống thì sau này ai trông thấy nó lại bỏ mạng, cho bằng một mình ta đành chịu mà thôi.

Tôn Thúc Ngao nghĩ vậy, mới giơ cái cày đánh chết con rắn, chôn ở bờ ruộng, rồi trở về nhà khóc với mẹ. Bà mẹ hỏi cớ làm sao, Tôn Thúc Ngao nói:

- Con nghe nói ai thấy con rắn hai đầu cũng chết, nay con trông thấy, con lo rằng không sống mà nuôi mẹ được vậy nên con khóc.

Bà mẹ nói:

- Bây giờ con rắn ở đâu?

Tôn Thúc Ngao nói:

- Con sợ người khác lại trông thấy nữa, nên đã giết chết mà chôn đi rồi.

Bà mẹ nói:

- NGười ta hễ có một niềm thiện ở trong lòng, trời tất phù hộ cho. Nay con trông thấy con rắn hai đầu, sợ di lụy đến người khác, giết mà chôn đi, thế là con hơn một niềm thiện nhiều lắm! Con tất không chết mà lại được phúc nữa.

Mấy hôm sau, bọn Ngu Khâu phụng mệnh Sở Trang vương đến triệu Tôn Thúc Ngao. Bà mẹ mới cười mà bảo Tôn Thúc Ngao rằng:

- Ðấy là vì việc con chôn rắn mà được phút đó!

Tôn Thúc Ngao đem mẹ theo bọn Tôn Ngu Khâu về kinh thành nước Sở, Sở Trang vương cùng với Tôn Thúc Ngao nói chuyện suốt một ngày, lấy làm bằng lòng lắm, mới bảo Tôn Thúc Ngao rằng:

- Tôi mới ở chỗ thảo dã tới đây, đại vương đã vội giao quyền chính cho, e rằng người ngoài không phục. Vậy tôi xin theo các quan đại phu.

Trang vương nói:

- Ta đã biết tài nhà ngươi thì nhà ngươi không nên từ chối.

Tôn Thúc Ngao hai ba lần từ chối không, mới nhận làm chức lệnh doãn. Tôn Thúc Ngao chỉng đốn chính trị nước Sở, lập ra quân pháp, cho Ngu Khâu coi đạo trung quân, công tử Anh Tề coi đạo tả quân, công tử Trắc coi đạo hữu quân, Dưỡng Do Cơ đạo hữu quảng, Khuất Ðăng coi đạo tả quảng, hiệu lệnh rất nghiêm, nhân dân được yên ổn, lại đáp đê khơi sông để tiện việc làm ruộng, dân nước Sở ai cũng ca tụng công đức. Triều thần thấy Trang vương tin dùng Tôn Thúc Ngao, thì lúc đầu không phục, nhưng đến lúc Tôn Thúc Ngao sửa sang chính trị hẵn hòi rành mạch, mới tấm tắc mà khen rằng:

- Nước Sở có phúc, được người hiền thần ấy, chẳng kém gì Tử Văn thuở xưa. Tử Văn thuở xưa làm lệnh doãn khiến cho nước Sở được cường thịnh, nay có Tôn Thúc Ngao, khác nào như Tử Văn sống lại!

Bấy giờ Trịnh Mục công (Lan)mất, thế tử Di lên nối ngôi, tức là Trịnh Linh công. Công tử Tống và công tử Quy Sinh cầm quyền chính nước TRịnh, vẫn bắt cá cả hai tay, chưa biết theo Tấn hay theo Sở. Sở Trang vương mới cùng với Tôn Thúc Ngao thương nghị, định đem quân sang đánh Trịnh. Bỗng nghe tin Trịnh Linh công bị công tử Quy Sinh giết chết?Sở Trang vương bảo Tôn Thúc Ngao rằng:

- Nhân việc này ta đem quân sang đánh Trịnh, lại càng có cơ lắm!


Meow! Sen Ơi Đừng Sợ
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-108)


<