Truyện Tiên Hiệp

Truyện:Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử - Hồi 18

Anh hùng Đông A gươm thiêng Hàm Tử
Trọn bộ 61 hồi
Hồi 18: Binh Thư Yếu Lược
5.00
(2 lượt)


Hồi (1-61)

Vương phát cho mỗi người một bộ Binh thư yếu lược, rồi nói:

– Hưng Đạo vương đã tham cứu tất cả binh pháp của Đại Việt, Trung nguyên, Chiêm thành, Mông cổ, rồi soạn ra bộ Binh thư yếu lược, gồm 18 thiên áp dụng cho chiến trường là đất Việt. Bộ Vạn Kiếp tông bí truyền thư gồm chín trận pháp. Biến hóa thành 81 trận thế. Phụ lục có chép 5 thiên của Công chúa Thánh Thiên còn sót lại. Buổi học hôm nay tạm ngừng. Tất cả về đọc 10 thiên đầu: Đại kế, Dụng mưu, Tác chiến, Ngưu chiến, Thủy chiến, Hỏa công, Công kiên, Hư thực, Dụng gián, Tâm chiến, rồi mai thảo luận.

Ghi chú,

Hai bộ Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư phổ biến rất rộng vào triều Trần. Khi giặc Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, vua Minh lấy cớ đó sai Trương Phụ sang đánh. Tên tướng này thu tất cả sách của Đại Việt đem về Kim lăng. Thành ra thất truyền. 

Trong suốt bẩy ngày, Vũ Uy vương, Chiêu Minh vương thay nhau giảng bộ Binh thư yếu lược cho chư tướng. Chư tướng được nghỉ ba ngày, sẽ được học phần tối quan trọng Vạn kiếp tông bí truyền thư do Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư giảng.

Đến ngày thứ tám thì Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, lĩnh Phiêu kị thượng tướng quân từ Thăng long lên. Vương là người giỏi về Vạn Kiếp tông bí truyền thư nhất, chỉ thua có Hưng Đạo vương mà thôi.

Nếu Binh thư yếu lược dạy về thuật tổ chức, lãnh đạo tuyển tướng (Đại kế) xung phong hãm trận ( Tác chiến), dùng Ngưu binh, gián điệp (Dụng gián), Thủy chiến, Hỏa công v.v. thì
Vạn Kiếp tông bí truyền thư lại là phần thực hành tác chiến. Tức là phép bầy trận, thay đổi trận pháp.

Ngay vừa vào phòng họp, Nhân Huệ Vương đã phát cho mỗi người 9 cái ống nứa. Trong mỗi ống nứa là một trục lụa, trên vẽ các thế trận, cùng ghi chú biến hóa. Vương nói:

“ Người giỏi cầm quân thì không cần bầy trận,

Người giỏi bầy trận thì không cần phải đánh.
Người giỏi đánh thì không thua.
Ngươi giỏi thua thì không chết”.

Vương hỏi:

– Có ai thắc mắc gì không?

Hầu hết học viên đều lắc đầu tỏ ý không hiểu. Vương giảng:

“Ngày xưa ông Cao Dao làm sĩ sư mà không ai dám phạm pháp.

Vũ Vương, làm tướng cho Văn Vương,
Thành Vương làm tướng cho Vũ Vương,
Chăm lo, sửa đức mà diệt nhà Thương, lập ra nhà Chu.
Đó là người giỏi cầm quân thì không cần bầy trận”.

Lê Linh Anh hỏi:

– Khải vương gia, ông Cao Dao làm sĩ sư. Chức sĩ sư là chức gì vậy?

– Ông Cao Dao làm quan về thời vua Thuấn. Chức sĩ sư tương đương với chức Hình bộ thượng thư ngày nay.

Thúy Hồng hỏi:

– Khải vương gia, còn thế nào là Người giỏi bầy trận thì không cần phải đánh.

– Họ Hữu Miêu không chịu thần phục. Quần thần muốn đem quân đánh. Vua Thuấn bác bỏ, ngài múa mộc, múa lông trĩ, ngụ ý chỉ muốn dùng đức. Vì vậy họ Hữu Miêu chịu thần phục. Lại như thời Lĩnh Nam, Công chúa Gia Hưng, làm đại Đô đốc cho vua Trưng, dàn trận tại biển Đông. Lâu thuyền tướng quân nhà Hán là Đoàn Chí đem đại thủy đội phá đến sáu lần mà trận Việt không vỡ. Cuối cùng Đoàn Chí bị giết. Đó là người giỏi bầy trận, mà không cần đánh. ( Xin đọc Anh hùng Lĩnh Nam, cùng tác giả )

Vương tiếp:

– Một tỷ dụ nữa như Tôn Vũ nước Ngô, đem mỹ nữ trong cung thử tập trận rồi được trọng dụng; mà phía Tây phá nước Sở mạnh, phía Bắc uy hiếp nước Tấn, nước Tần, danh trấn chư hầu. Đó là người giỏi bầy trận mà không cần phải đánh vậy. Đến Mã Long nước Tấn, bầy Bát trận đồ đánh vận động dài hơn nghìn dặm phá được Thục Cơ Năng để thu phục Lương châu. Bên Đại Việt mình công chúa Thánh Thiên lĩnh ấn Bình Ngô đại tướng quân, dàn binh bầy 18 trận khác nhau từ Thường sơn qua đảo Hải Nam, đến tận Thanh-Nghệ, không nơi nào mà không thắng quân Hán. Như thế gọi là người đánh giỏi không bao giờ thua.

Yết Kiêu hỏi:

– Thưa vương gia, như vậy nghĩa của chữ TRẬN phải định như thế nào?

Yết Kiêu từng được đặt dưới quyền Nhân Huệ vương trong trận phản công tái chiếm Kinh Bắc, đánh chìm hầu hết thuyền chở lương thực tiếp tế cho Thăng long của Mông cổ. Vương từng hết lời khen tướng trẻ này. Vương trả lời:

– Thông minh! Con sấu vàng này hỏi câu đó tỏ ra thông minh tuyệt đỉnh. Danh từ TRẬN phải hiểu là TRẦN, tức bầy ra, là khéo léo. Thời Tam quốc, Gia Cát Vũ hầu xếp đá bên sông lập Bát trận đồ, khiến Đô đốc Ngô là Lục Tổn bị hãm, ngăn quân Ngô tiến vào Thục. Đến đời Đường, Vệ công Lý Tĩnh biến Bát trận đồ tạo ra một trận lớn bọc sáu trận nhỏ, gọi là Lục hoa trận. Sau chép thành binh thư gọi là Lý Vệ công binh pháp. Đại tư mã Tấn là Hoàn Ôn, lập ra Xà trận, biến hóa vô cùng. Người đương thời thấy trận có muôn ngàn đầu mối, ít ai hiểu được. Duy Lý Thuyên có chú giải, phân tích, song đời sau nhiều người cho là huyền bí.

Vương hỏi:

– Có ai thắc mắc gì không?

Dã Tượng thưa:

– Cứ như những điều ghi chép trong Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư thì Hưng Đạo vương đã lược qua tất cả binh pháp chư gia Hán, Việt. Người tước bỏ những khoản rườm rà, vô ích, lỗi thời tập hợp thành hai bộ sách thực dụng ứng với địa thế, khí hậu, dân tình. Các cấp chỉ huy từ cấp Lượng, cho tới Hiệu đều dùng được cả.

– Đúng thế. Nào tất cả mở ống thứ nhất, đem trục lụa ra. Đây là thế Ngưu trận để phá Lôi kị trận của Mông cổ. Mông cổ là sắc dân sống trên vùng Thảo nguyên, đồng cỏ mênh mông, sau khi thắng hơn nghìn bộ tộc lập mà thành nước. Các bộ tộc đánh nhau, hai bên dàn trận rồi giáp chiến. Thắng bại quyết định trong một giờ, cao lắm một ngày. Chiến pháp của Thành Cát Tư Hãn có hai loại. Loại thứ nhất dùng khi đánh với Kị binh các nước Tây vực. Hai bên dàn quân trên một vùng đất rộng. Đầu tiên họ cùng hú lên xông vào trận đối phương, bắn một loạt tên, rồi bỏ chạy, tỏa ra như rẻ quạt. Quân đối phương cũng chia ra đuổi theo. Họ ém binh. Thình lình họ tập trung phản công. Loại thứ nhì đánh với bộ binh Kim, Liêu, Tống, Tây hạ. Hai bên dàn trận. Kị ninh của họ chia làm nhiều đợt. Đợt thứ nhất cùng rú lên xông vào trận địch. Bên địch dùng tên phản công. Đợt này rút lui, đợt thứ nhì xung phong, rồi cũng rút. Đến đợt thứ ba họ mới tấn công thực sự: mũi dùi chọc thủng phòng tuyến địch, rồi đánh tỏa ra hai bên. Mũi thứ nhì chọc sâu hơn, rồi cũng tỏa ra hai bên. Mũi thứ ba chọc sâu vào giữa trận đối phương giết chúa tướng. Trong trận đánh Cánh đồng Văn, Khâm Thiên đại vương Trần Nhật Hiệu cãi lệnh Hưng Đạo vương dàn quân đánh với Ngột Lương Hợp Thai khiến hai hiệu binh tinh nhuệ của Đại Việt bị tan trước hơn vạn Lôi kị Mông cổ.

Vương ngừng lại hỏi:

– Ở đây có hầu hết các Ngưu tướng từng dự trận Đông bộ đầu. Trong trận này Ngưu binh do Dã Tượng thống lĩnh, phá tan 5 vạn Lôi kị, khiến cho Mông cổ không còn tiềm lực, đành rút quân. Dã Tượng cho biết ý kiến.

Dã Tượng đứng lên, mở ra một trục lụa lớn bằng cái chiếu treo lên:

– Mời anh chị em nhìn vào trục này. Đây là trận thế Mông cổ do A Truật, Hoài Đô dàn ra. Phía Đại Việt do Hưng Ninh vương bầy trận. Hai viên tướng tài trí Mông cổ này tưởng Đại Việt lại dàn quân như Cánh đồng văn. Y cho tấn công ba đợt liền. Đợt thứ tư định phá vỡ trận Việt, nhưng quân Việt đổi thế trận, tiền đội đổi làm hậu đội, tỏa vào năm ngả khác nhau. Lôi kị chia làm năm mũi đuổi theo: 
Mũi thứ nhất được hai dặm thì đường trở thành hẹp, chỉ một Lôi kị đi lọt, phía trước có mấy cành chà. Lôi kị phải xuống đất kéo chà, thì tên trong bụi tre bắn ra, hai Lôi kị chết. Lôi kị đi sau di chuyển được hai xác chết, tiến lên được trăm trượng lại gặp chà. Bị năm lần chà, Lôi kị phải rút lui.   
Mũi thứ nhì đuổi được hai dặm thì tướng sĩ Việt biến mất, trước mặt là vùng đồng lầy. Ngưu binh lập trận cách một lằn tên. Lôi kị thấy bất lợi rút lui. Thình lình hai bên đường Ngưu binh dàn ra. Lôi kị bị ép ba phía, trận thế hỗn loạn. Ngưu binh đuổi theo có khiên mây che, dùng đao quất tấn công.   
Ba mũi khác thì gặp đồng lầy, không thấy bóng quân Việt. Lôi kị đành quay về.  
Giữa lúc đó thì trung ương trận Mông cổ, phía hông trái bị thủy quân ép, nã lôi tiễn, hông phải bị Ngưu binh băng qua đồng lầy tấn công. Trận Mông cổ bị vỡ. 

Nhân Huệ vương giảng:

– Bấy giờ Dã Tượng dàn Ngưu binh theo lệnh Hưng Ninh vương. Bây giờ sau bẩy trận dùng Ngưu binh, Hưng Đạo vương nghiên cứu thành trận pháp, tiến thoái, biến hóa ảo diệu.

Vương giảng giải chi tiết, rồi kết luận:

– Từ nay các Ngưu tướng chỉ huy Ngưu binh, nhỏ nhất là một ngũ, cao nhất là một Đô đều dùng trận pháp này được.

Phải mất 5 ngày Nhân Huệ vương mới giảng xong tất cả trận pháp trong Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Vương kết luận:

– Hai bộ Binh thư yếu lược Vạn Kiếp tông bí truyền thư này bao gồm đủ:

Ngũ hành sinh khắc,

Cửu cung bát quái,
Phối hợp cương nhu,
Tuần hoàn chẵn lẻ.
Không lẫn âm dương,
Phân biệt thần, sát,
Biện biệt phương, lợi,
Phân rõ hướng lành,
Hung thần, ác tướng,
Giảng kỹ tam cát,
Chỉ rõ ngũ hung.

Tuy nhiên binh pháp biến hóa khôn lường, không nhất thiết phải giữ nguyên như sách dạy.

Vì còn phải đi dậy binh pháp khắp nơi nên sau khi giảng, Nhân Huệ vương chỉ nghỉ một ngày rồi cùng đoàn tùy tùng rời Văn sơn. Hai đại sư A Hàm La, Thiên Phong cùng về với vương.

Cuộc tiễn đưa đại sư Huệ Đăng, công chúa Lý Như Lan, bẩy cô dâu Ngưu tướng rất giản dị. Địa Lô cùng đoàn người dùng ngựa đi Tiên yên. Tới Tiên yên sẽ dùng thuyền đi Cao ly.

Thúy Hồng trêu Như Lan:

– Công chúa theo sư phụ về nước, khi đi chỉ có hai, mà lúc về thêm bẩy quận chúa là 9. Aáy à! Em lộn rồi, thêm một Phò mã văn hay, chữ tốt, chứa đầy một bụng kinh luân, lại có tài phục được.

Như Lan đánh vào vai Thúy Hồng. Thúy Hồng càng trêu già:

– Này! Anh Địa Lô! Bây giờ anh định sang ở rể phủ Kiến bình hay là đưa dâu rồi về? Nghe em nói này, bây giờ anh đi một mình, lúc về phải thêm hai hay ba công tử đấy nhé.

Địa Lô chắp tay vái Thúy Hồng:

– Em xin lạy chị Dã Tượng. Mong rằng khi em về, sẽ có một đàn voi con.

Sau hơn tháng với sự hiện diện của Vũ Uy vương, vương phi; Chiêu Minh vương ban lệnh bổ nhiệm các tướng thống lĩnh hai hiệu binh Thiệu Hưng, Văn Bắc. Vũ Uy vương nói lớn:

– Chiêu Minh vương hiện lĩnh trọng trách Phụ quốc Thái úy. Vương đã tham khảo ý kiến với cô gia, rồi tấu về triều đình xin bổ nhiệm các tướng soái của hai hiệu binh Văn Bắc, Thiệu Hưng. Việc bổ nhiệm căn cứ vào bốn điều trong Binh thư yếu lược là: Trí, Dũng, Mưu, Tín. Ngoài ra còn hai yếu tố cực quan trọng. Một là kinh nghiệm điều quân, xung phong, hãm trận đối phó với binh pháp Thành Cát Tư Hãn. Hai là phối hợp bộ binh với 7 Vệ thuộc Quân yểm trợ là Nỏ thần Lôi tiễn, Ngưu binh, Ngạc ngư, Kị binh, Đại đởm ( Trinh sát), Chuyển vận, Kỹ tác (công binh).

Trưởng sử phủ Chiêu Minh đứng lên hô chư tướng quỳ gối nghe đọc chiếu chỉ:

Thừa thiên hưng vận, Đại Việt hoàng đế:

Chiếu biểu của Vũ Uy vương, Tổng trấn Bắc cương.
Chiếu biểu của Chiêu Minh vương, Phụ quốc Thái úy.
Chiếu triều nghị của Khu mật viện, Binh bộ thượng thư.
Đại Việt hoàng đế bổ nhiệm các tướng sĩ hai hiệu binh Thiệu Hưng, Văn Bắc như sau:

Hiệu Văn Bắc:

Thống lĩnh:  Tả thiên ngưu vệ thượng tướng quân,  Khâu Bắc bá Trần Quốc Kinh.

Phó thống lĩnh: Đô thống Lý Đại.

Quân sư:  Đô thống, tước Trang văn, Hồng hạnh Dương xá  Quận chúa Lý Thúy Hồng.

Quân trưởng bộ binh Khâu bắc : Tá lĩnh Trần Nhị.

Quân trưởng bộ binh Văn sơn : Tá lĩnh Vũ Tam.
Quân trưởng bộ binh Chiêu dương : Tá lĩnh Phạm Tứ.
Quân trưởng yểm trợ: Tá lĩnh Hoàng Ngũ.

Hiệu binh Thiệu Hưng:

Thống lĩnh:  Hữu thiên ngư vệ thượng tướng quân  An biên Nam Trần Quốc Vỹ (Yết Kiêu)

Phó thống lĩnh: Đô thống Lý Long Đại (Trâu Đen).
Quân trưởng quân 1 bộ binh: Đô thống Trần Long Nhất (Trâu Xanh).
Quân trưởng quân 2 bộ binh: Đô thống Vũ Long Nhị (Trâu Điên)
Quân trưởng quân 3 bộ binh: Đô thống Phạm Long Tam (Trâu Trắng).
Quân trưởng yểm trợ: Đô thống Hoàng Long Tứ (Trâu Mập).
Các chức tước còn lại sẽ do Phụ quốc Thái úy bổ nhiệm.

Niên hiệu Thiệu Long thứ hai,
Kiến thiên, thể đạo,
Đại minh, quang hiếu hoàng đế.

Hôm sau giữa buổi học thì có tin Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc từ Thăng long lên. Đi theo vương có gần 100 văn võ quan thuộc phủ Chiêu Quốc. Những người này, họ không là những danh sĩ, văn gia lỗi lạc thì cũng là những cao thủ võ lâm. Họ không hẳn là người Việt, mà có cả người Hoa, người Chàm, người Đại lý.

Vũ Uy vương truyền mở tiệc khoản đãi phái đoàn.

Từ hôm giải phóng được ba châu Chiêu dương, Văn sơn, Khâu Bắc, vì sợ ba châu từng thuộc lãnh thổ Tống lâu năm, rồi truyền qua bọn phỉ tặc họ Thân, dân chúng chưa hoàn toàn thần phục, nền tổ chức cai trị mới chưa vững. Vì vậy vương đem một số văn võ quan thuộc phủ Vũ Uy cũng như tòa Tổng trấn Bắc cương sang đóng tại Văn sơn.

Bây giờ vương phải bàn giao cho Chiêu Quốc vương.

Chiêu Minh vương là Phụ quốc Thái úy, tương đương với ngày nay là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bộ trưởng bộ Quốc phòng. Vương thay triều đình chứng kiến việc bàn giao chức Tổng trấn Tây Bắc cương giữa Vũ Uy vương và Chiêu Quốc vương. Ba vương được các châu trưởng dẫn đi thăm cả ba châu, bàn giao từng người, từng chức vụ, rồi trở về tòa Tổng trấn Bắc cương nằm trên lãnh thổ Đại Việt cũ. Việc bàn giao trong một tháng thì hoàn tất.

Vũ Uy vương nói với em:

– Chú Ích Tắc là người thông minh, tài trí nhất trong các anh em mình. Chú lại khéo hạ thể cầu hiền, thu dụng được nhiều nhiều tân khách lỗi lạc, việc trấn nhậm thay anh, chú dư khả năng. Sau này, khi đi sứ về anh sẽ xin triều đình để chú thay anh vĩnh viễn. Anh sẽ rũ tay nghỉ ngơi như Hưng Đạo vương. Khi đất nước hữu sự thì mới cầm gươm trở lại mà thôi.

Vương chỉ vào tướng sĩ hai hiệu Thiệu Hưng, Văn Bắc:

– Anh lên đường sang Mông cổ. Khi nào thấy Tống yếu thế, anh cho chim ưng truyền thư về, em sẽ cho họ lên đường. Tuy nhiên không thể, không nên để hai hiệu binh nghỉ ngơi mà phải cho họ tập trận khi thì 10 ngày, khi thì một tháng một lần.

Hôm ấy là ngày mười rằm, phái đoàn Vũ Uy vương khởi hành. Phái đoàn gồm vương, vương phi, Hồng Nga, Thúy Trang và đội Kỵ mã Long biên, với tỳ nữ, mã phu lên đường đi Côn minh. Phái đoàn được chánh sứ Lễ bộ thị lang Mông cổ là Mạnh Giáp, phó sứ Viên ngoại lang Lý Văn Tuấn tiếp dẫn. Vũ Uy vương đã biết rất rõ rằng bọn Mạnh Giáp là người của Hốt Tất Liệt, mạo xưng là sứ của Đại hãn Mông Ca. Còn bọn Mạnh Giáp cứ tưởng Vũ Uy vương không biết sự thực, chúng làm bộ làm tịch. Vũ Uy vương, vương phi cười thầm trong lòng.

Đoàn người ngựa phải mất ba ngày mới tới Côn minh. Thái sư Ngột Lương Hợp Thai, Phò mã Hoài Đô, A Truật phát pháo ra ngoài thành đón.

Lễ nghi tất.

Vũ Uy vương lên tiếng trước:

– Hưng Long hoàng đế chuẩn theo lời cầu hôn của Đại hãn Mông cổ:

Truyền gả Hồng Nga nhũ danh Phạm Thúy Hồng tước Linh mẫn, trang duệ Quận chúa cho Thế tử A Truật, trưởng tử của Thái sư thân vương Ngột Lương Hợp Thai. 
Truyền gả Thúy Trang nhũ danh Cao Thúy Trinh tước Trinh nhất, anh minh Quận chúa cho đại tướng quân Hoài Đô. 

Tiểu vương đưa dâu tới đây để trai tài, gái sắc thành duyên giai ngẫu.

Ngay ngày hôm ấy Ngột Lương Hợp Thai truyền bầy tiệc cưới. Trong bữa tiệc ngoài các văn thần võ tướng Mông cổ còn có cả triều đình Đại lý. Không thấy Khai sơn hầu Tạ Quốc Ninh, Vũ Uy vương hỏi Hoài Đô:

– Phò mã, trước đây chúng tôi có gửi Vũ sơn hầu đi sứ. Hầu được Thái sư ưu ái, giữ lại ban cho chức tước. Không biết nay hầu ở đâu? Chúng tôi có thể gặp hầu không?

Hoài Đô đưa mắt nhìn Ngột Lương Hợp Thai:

– Thái sư mới sai Tạ vào Thành đô có việc. Chiều nay, hay sáng mai Tạ sẽ về.

Sứ đoàn được ở tại Quán sứ Đại lý. Tuy Vũ Uy vương mang theo 30 Kị mã Long biên, nhưng Ngột Lương Hợp Thai cũng cử Thị vệ canh gác vòng ngoài.

Vương phi hỏi vương:

– Anh không nghi ngờ gì về sự cố Khai sơn hầu ư?

– Có. Hoàng Liên là vợ của hầu. Ngột Lương Hợp Thai biết rất rõ. Khi Hat San đưa Hoàng Liên đến đây thì có hai trường hợp xẩy ra. Một là hầu nhìn người vợ đầu gối tay ấp, bây giờ thuộc về kẻ khác. Mà kẻ khác lại là quân thù, hầu đau đớn tìm cách lánh mặt. Hai là Ngột Lương Hợp Thai tống hầu đi xa cho khuất mắt.

– Mình có thể nhờ Hồng Nga, Thúy Trang dò la xem sự thực ra thế nào? Dù sao sáng mai Thúy Trang, Hồng Nga cũng phải đi với chồng tới đây tạ ơn. Mình sẽ sai hai con bé này làm.

Trong đêm có chim ưng mang thư tới. Thư của Tây Viễn vương:

“ Sau mười lăm ngày, chúng tôi đã vượt qua Độ khẩu, vào Thành đô. Từ Thành đô đi Dương bình quan mất 20 ngày. Từ Dương bình quan đến Lạc dương mất 24 ngày. Đám cưới A Lan Đáp Nhi với Thúy Nga, Ngột A Đa với Thanh Nga tổ chức trọng thể. Cả Thanh Nga lẫn Thúy Nga, lợi dụng trong lúc hai con nai A Lan Đáp Nhi, Ngột A Đa say tình, cùng thỏ thẻ tỏ e ngại rằng Hốt Tất Liệt đang chuẩn bị binh mã từ Trung nguyên kéo về chiếm Khai binh rồi Hoa lâm, diệt Mông Ca, lên ngôi Đại Hãn. Hai con bé trao cho hai con nai danh sách chân tay Hốt Tất Liệt cài lại Trung nguyên, của con bé Bạch Hoa chép trong mật thư của Hốt Tất Liệt. Hai con nai kinh hoàng nhưng chưa tin hẳn. Chúng đang định gửi mật tấu về Hoa lâm xin lệnh thì mấy hôm sau chúng nhận được mật chỉ của Mông Ca phải giết hết chân tay của Hốt Tất Liệt, với một danh sách dài, không khác danh sách của hai con bé Thúy Nga-Thanh Nga làm bao. Thế là hai con nai nổi máu anh hùng hứa với vợ cương quyêt sẽ bứng hết chân tay của Hốt Tất Liệt thì dù y có khởi binh vũng vô ích. Hai con nai đem truyện ấy bàn với ta. Ta cũng nói như hai con bé. Hiện hai con nai đang tiến hành”. 

Thư của Đại Hành:

“Bạch Liên cho biết: Hốt Tất Liệt đang kinh hoàng, vì y mới nhận được tin Câu khảo cục ra lệnh bắt giam bốn hành tỉnh tại vùng Yên kinh, Hà Nam, Kinh châu, Lương châu; Mông Ca cử người mới thay thế. Y mất hết chí khí. Nhưng cũng chưa chịu về Hoa lâm”. 

Thư của Cao Mang:

“Năm nàng Huyền, Thanh, Hồng, Lan, Tử lợi dụng được chồng sủng ái, làm quen với tất cả vương phi, phu nhân quý tộc Mông cổ. Năm người xử dụng phương pháp chúng khẩu đồng từ: một là thuật lại vụ Thị thần Tắc Chi Chiên tuân chỉ Hốt Tất Liệt bắt chúa Tây tạng, Đại lý, Đại Việt nộp vàng bạc, châu báu, mà không nộp về cho Đại Hãn. Hai là Hốt Tất Liệt dùng Hán pháp, bỏ tất cả những gì Thành Cát Tư Hãn đã xây dựng. Tương lai thì Mông cổ bị Hán đồng hóa. Cả triều đình Mông cổ rúng động”. 

Sáng hôm sau Vũ Uy vương vừa thức giấc thì hai kiệu của Mông cổ đem Thúy Trang, Hồng Nga do Hoài Đô, A Truật cỡi ngựa hộ tống tới. Vương, vương phi cùng ra đón. Thoáng nhìn nét mặt Hoài Đô, A Truật như có sự gì lo lắng. Trái lại nét mặt Thúy Trang, Hồng Nga thì tươi như hoa lan mới nở ban mai.

Lễ nghi tất. Vương phi Ý Ninh lên tiếng:

– Thế nào? Nhị vị tướng quân? Hai con bé này tuổi còn nhỏ, chả biết có làm nhị vị phiền lòng không?

Hoài Đô mỉm cười:

– Hai quận chúa Việt thực không hổ danh con cháu Tây Thi, đã xinh đẹp, lại nhũn nhặn, đàn hát tuyệt vời. Hôm nay hai chúng tôi đến đây để nhờ vương gia gửi lễ vật tạ ơn Đại Việt hoàng đế, nhất là gửi quà về dâng nhạc gia.

Hoài Đô xuất ra ba cái hộp bạc, trong mỗi hộp đựng mười củ sâm, và ba bình sành đựng trà. A Truật nói:

– Đây là sâm đào trong vùng Bắc Mông cổ. Còn trà là trà Đại lý. Trà này ngoài hiệu năng thanh tâm định thần, còn làm mất mỡ trong cơ thể *. Trong ba hộp sâm, hộp có chữ Thiên là Thái tử sâm để dâng lên Hoàng đế. Còn hai hộp có chữ Nhị hồng là sâm cực quý để dâng lên hai vị nhạc phụ nhạc mẫu. Còn trà thì giống nhau.

Hồng Nga đưa ra mười nén vàng:

– Trong đêm động phòng Thế tử cho em mười nén vàng (100 lượng), em xin gửi cả về biếu cha mẹ em.

Thúy Trang cũng đưa ra mười nén vàng:

– Em cũng được Đại tướng quân cho em mười nén vàng. Em nhờ anh chị chuyển về quê cho cha mẹ em.

Hoài Đô đem ra một áo giáp sắt trao cho vương:

– Xin tạ ơn vương huynh cái áo này. Đây là áo giáp chúng tôi thu được trong trận đánh với bọn Tây vực.

A Truật đem ra một cái vòng ngọc đỏ chói tạ vương phi.

Vương phi nói mấy câu tạ ơn, rồi cười:

– Nghĩ cuộc đời sao lắm hình, nhiều trạng. Mới hôm nào hai vị cùng Ý Ninh này lăn vào chém giết nhau. Bây giờ các vị là em rể của tôi.

Phi hỏi thẳng A Truật:

– Sau đem tân hôn, đáng lẽ hai em phải vui vẻ lắm mới phải, tại sao trên nét mặt lại kém vui?

Hoài Đô nhìn A Truật như hỏi ý kiến, A Truật gật đầu trả lời:

– Hai vị là anh chị của vợ chúng tôi, chúng tôi cũng chẳng dấu gì hai vị. Số là đêm qua trong phủ phụ vương của tôi xẩy ra một sự cố kinh khủng!

Vũ Uy vương giật mình:

– Cái gì đã xẩy ra?

– Trước khi tiến quân vào Đại Việt, Tế tác cho chúng tôi biết, tại Thăng long, có bẩy giai nhân. Trên từ Đại hãn cho tới đại vương Hốt Tất Liệt, chư tướng đều muốn chúng tôi phải bắt cho được 7 giai nhân đó. Sau khi bắt được 7 nàng chúng tôi đưa về Khâu Bắc giao cho Lý Long Vân giữ, rồi mới đây được đưa về. Phụ vương tôi giữ lại một người, đại vương Hốt Tất Liệt giữ lại một người. Còn năm người thì đưa về Hoa lâm cống cho Đại hãn.

Vương phi Ý Ninh cười thầm:

– Khi trao đổi tù binh, ta đã hỏi, mà chúng mày chối biến. Bây giờ lại chính chúng mày khai ra, rõ ràng lạy ông tôi ở bụi này. Chúng mày đã nói láo thì tội gì tao phải nói thực:

– Thế người đẹp làm thứ phi của Thái sư có hầu hạ người chu đáo không?

– Nàng rất đẹp, lại múa hát hay, làm bếp giỏi. Phụ vương sủng ái cực kỳ. Nhưng…

– Cái gì đã xẩy ra?

– Hôm qua nàng mất tích!

Crypto.com Exchange

Hồi (1-61)


<