← Hồi 444 | Hồi 446 → |
Cao Thao Thao chậm rãi nói: "Phó Xu Mật viện sứ Lâm Hi điều đi làm tri phủ Dương Châu. Thượng thư tả thừa Thái Biện điều đi làm tri phủ Trì Châu. Thượng thư hữu thừa Hoàng Lý điều làm tri phủ Việt Châu. Chính điện đại học sĩ Hàn Duy điều đi Tân Châu nhậm chức thôi quan. Thị Ngự Sử Thịnh Đào điều đi Tân Châu làm Đoàn Luyện phó sứ". Lập tức sắc mặt mấy người này xám như tro tàn. Mấy người vừa mới theo chân Hàn Chẩn gây náo loạn đã bị biếm ra khỏi kinh thành làm quan địa phương. Đặc biệt cả ba người Lâm Hi, Hoàng Lý, Thái Biện đều đường đường là Tể Chấp cũng bị biếm đi làm Tri phủ, giống như là từ vị trí uỷ viên thường vụ trung ương bị giáng xuống làm thị trưởng các địa phương.
Hai người Hàn Duy, Thịnh Đào lại càng thê thảm hơn, bị đày tới Tân Châu, thực ra chính là Lĩnh Nam. Vào thời Tống, Lĩnh Nam chính là vùng đất xa xôi, hẻo lánh lạc hậu, chủ yếu dùng làm nơi lưu đày. Tô Thức đã có thơ: "Hỏi ông núi Ngũ Lĩnh nơi đâu, có thấy mấy người xuôi nam từng quay lại?" (Mình tạm chuyển nghĩa như vậy)Nói cách khác một khi bị đày tới đây không có mấy người còn sống quay về.
Mấy viên này mặt tái nhợt bước ra khỏi hàng, quỳ xuống, dập đầu tạ ơn. Cho dù bị giáng chức mà vẫn phải nói tạ ơn. Đây chính là cái gọi hàm răng đánh lập cập nuốt vào trong bụng.
Thủ lĩnh Hàn Chẩn vẫn chưa bị xử lý nên ánh mắt quần thần đều tập trung vào ông ta. Cao Thao Thao cố ý để Hàn Chẩn lại cuối cùng. Nàng liếc nhìn thì thấy Hàn Chẩn vẫn quỳ trên mặt đất, tay cầm hốt, miệng cười thảm vẻ bất lực.
Trong lòng Cao Thao Thao có chút không đành lòng nhưng nàng nhớ Đỗ Văn Hạo đã nói: không được nhân từ, không được để lại hậu hoạ, phải kiên quyết hạ thủ thì mới có khả năng khiến cho cải cách quân đội tiến hành thuận lợi.
Vì vậy Cao Thao Thao lạnh lùng nói: "Xu Mật viện Hàn Chẩn điều đi làm Tri phủ Quỳnh Châu".
Quỳnh Châu ở đảo Hải Nam. Vào thời Tống, đảo Hải Nam còn hoang vu hơn nhiều so với Lĩnh Nam, là nơi chướng khí hoang dã chưa khai phá. Bị cách chức tới đây, dựa vào điều kiện sinh tồn ở nơi đó thì có thể nói mạng sống đã mất đi chín phần, cũng chẳng khác gì so với xử tử lăng trì.
Vì vậy khi Cao Thao Thao vừa nói ra, tất cả văn thần võ tướng trên đại điện đột nhiên cảm thấy sống lưng mình rét lạnh như đang trong giữa trời đông giá rét. Hàn Chẩn đường đường là bậc tôn sư Tể Chấp đương triều, chỉ vì phản đối cải cách của Thái Hoàng Thái Hậu mà bị cách chức điều tới một nơi xa xôi nhất, lạc hậu nhất thì có thể thấy Thái Hoàng Thái Hậu Cao Thao Thao tàn nhẫn như thế nào với những người phản đối mình. Sự trừng phạt này đã lên tới cực đỉnh.
Hàn Chẩn run rẩy, chiếc hốt ngà voi trong tay rơi xuống đất "keng' một tiếng, ông ta cười sầu thảm nói: "Lão thần tạ ơn long ân Thái Hoàng Thái Hậu".
Trên đại điện tĩnh lặng, không cả có tiếng ho khan. Hàn Chẩn cúi người nhặt chiếc hốt trên mặt đất, liếc mắt nhìn xung quanh, lòng thầm chua xót. Sau này không cần dùng tới đồ chơi này nữa. Dựa vào tuổi tác, sức khoẻ của ông ta, đi tới Hải Nam còn sống hay không đã là một vấn đề, càng không nói tới việc còn sống quay về. Chỉ e ông ta sẽ chết trên đường đi.
Hàn Chẩn chậm rãi ngẩng đầu, chắp tay nói: "Thái Hoàng Thái Hậu, có thể xem xét lão thần có mẹ già ở nhà mà thay đổi địa phương được không?"
Cao Thao Thao thản nhiên nói: "Núi có thể rời nhưng châu thì không".
Những lời này giống như một gậy giáng vào đầu, đạp tan hy vọng cuối cùng của Hàn Chẩn, càng làm đám quần thần không rét mà run. Ngay cả Đỗ Văn Hạo cũng thấy rùng mình. Hắn thầm nghĩ người phụ nữ này khi đã hung ác thì quả thật không giống với người thường.
Trước đây khi hai người thương lượng đối sách với chuyện này, Đỗ Văn Hạo chỉ bảo Cao Thao Thao kiên quyết cách chức phái phản đối ra khỏi kinh thành là được nhưng không ngờ Thái Hoàng Thái Hậu Cao Thao Thao lại làm rất hay. Nàng không chỉ cách chức bốn Tể Chấp xuống làm quan địa phương mà còn đẩy kẻ cầm đầu Hàn Chẩn ra đảo Hải Nam. Đặc biệt câu nói cuối cúng khí thế hung hăng như chém đinh chặt sắt, rất có khí phách của một Thiết nương tử.
Mặc dù Đỗ Văn Hạo cảm thấy Cao Thao Thao ra tay hơi quá với phái phản đối cải cách nhưng khi mới bắt đầu tàn nhẫn một chút cũng hay. Gõ sơn chấn hổ, nhất định việc cải cách sẽ tiến hành thuận lợi. Cùng lắm là đợi một thời gian nữa khi cải cách bước vào quỹ đạo của nó thì lại điều những người này tới làm quan ở một nơi tốt hơn là được.
Cao Thao Thao ngồi thẳng người nói: "Vị trí của những ái khanh đã bị điều chuyển do bộ Lại phụ trách sắp xếp bẩm báo Ai gia quyết định".
Thượng thư bộ Lại Phạm Thuần Nhân vội vàng khom người trả lời.
Cao Thao Thao lại nói: "Tư Chính điện học sĩ Lữ Công, Hàn lâm học sĩ Lữ Đại Phòng, Thượng thư bộ lại Phạm Thuần Nhân, thị Ngự Sử tri tạp sự Lưu Kình, Thượng thư bộ Hộ Hàn Trung Ngạn, Hàn lâm học sĩ Triệu Chiếm tiến lên nghe phong".
Mấy người đó vừa mừng vừa sợ, vội vàng cầm hốt bước ra khỏi hàng, quỳ xuống dập đầu.
"Lữ Công thăng lên chức Xu Mật viện sứ. Lữ Đại Phòng thăng lên phó Xu Mật viện sứ. Thạm Thần Nhân thăng lên Thượng thư tả thừa. Lưu Kình thăng lên Thượng thư hữu thừa".
Trong bốn người bước ra ủng hộ cải cách của Cao Thao Thao đã có ba người là những nhân vật hàng đầu của phái bảo thủ đã tiến vào Tể Chấp, tham gia vào những quyết sách cao nhất. Lưu Kình là người của phái trung gian nhưng lúc trước có bày tỏ thái độ ủng hộ cải cách của Cao Thao Thao nên cũng được phong vào Tể Chấp. Hiển nhiên điều này cũng cho thấy ý chí vô tư của Cao Thao Thao.
Cao Thao Thao lại nói: "Thái sư Văn Ngạn Bác tiến lên nghe phong".
Sự ủng hộ làm uy danh của Cao Thao Thao đại chấn vì vậy việc phong thưởng sẽ không kém chút nào.
Văn Ngạn Bác cầm hốt chắp tay nói: "Thái Hoàng Thái Hậu, lão thần đã tám mươi mốt tuổi, thật sự không thể gắng sức vì nước. Tiên đế cũng ban thưởng lão thần rất nhiều vinh quang. Không cần phải ban thưởng nữa".
Cao Thao Thao mỉm cười nói: "Ai gia còn chưa phong thưởng cho khanh. Khanh vì nước mà ra sức hơn nửa đời người. Công lao không ai sánh kịp. Ai gia muốn phong thưởng, khanh không cần phải quỳ xuống. Chỉ cần tiến lên nghe phong là được".
"Đa tạ Thái Hoàng Thái Hậu" Văn Ngạn Bác tuổi già sức yếu, ông ta chống một cây Long Đầu Quải trượng run run bước lên trước điện nghe chỉ.
Cao Thao Thao suy nghĩ một lát rồi nói: "Ai gia phong cho khanh làm Bình Chương Quân Quốc Trọng sự, đứng trên hàng Tể tướng. Miễn cho khanh hành đại lễ quân thần. Mười ngày một lần tới thương nghị quốc sự".
Văn Ngạn Bác run rẩy, nói: "Tạ ơn long ân Thái Hoàng Thái Hậu".
Bình Chương Quân Quốc Trọng sự là danh hiệu để vinh danh trọng thần nguyên lão. Địa vị còn cao hơn cửa Tể tướng đương triều. Đúng là dưới một người, trên vạn người. Cao Thao Thao ban cho Văn Ngạn Bác vinh dự này cũng là thăng thưởng tới tột đỉnh.
Văn võ bá quan đều sợ ngay người khi xảy ra chuỵên lớn như vậy. Một số người vốn muốn bước ra khải tấu nhưng bị chuyện này làm chấn động, không dám bước ra bẩm báo, đành đứng yên xem diễn biến tiếp theo.
Cao Thao Thao nói thêm mấy câu động viên rồi tuyên bố bãi triều. Suốt cả buổi lâm triều, Tống Triết Tông không nói câu nào bởi vì hắn mới chỉ là một đứa trẻ. Dù bản thân có là Hoàng thượng nhưng chưa thể tham dự triều chính nên đương nhiên không thể phát biểu tuỳ tiện nếu không người khác dù không phản đối nhưng cũng không nghe hắn.
Sau khi tan triều, Đỗ Văn Hạo cầm Thượng Phương bảo kiếm quay về nhà. Sau khi hắn thuật lại chuyện trong triều cho mấy người Vương Nhuận Tuyết nghe, tâm trạng mọi người nửa vui nửa buồn. Được triều đình coi trọng đương nhiên trong lòng rất cao hứng nhưng nay làm quân mai làm thần. Kết cục của mấy người Hàn Chẩn hôm nay cũng không có gì bảo đảm không phải là kết cục mai này của mọi người.
Tâm trạng Đỗ Văn Hạo cũng u buồn khi nghe mấy nàng nói. Nhưng bây giờ đã lâm vào tình trạng này. Không vào thì thôi, một khi đã vào chỉ có thể tiến lên mà thôi.
Phủ đệ của Ngự Sử trung thừa Lý Thường.
Sau khi Lý Thường dùng chiêu cáo lão nên bị cách chức, ông ta tức giận nãg bệnh, nằm trên giường hơn nửa tháng.
Buổi sáng hôm nay con trai Lý Thường là Lý Đoan lo lắng ngồi trước giường, hắn nhìn gương mặt tiều tuỵ của phụ thân, dè dặt nói: "Phụ thân, bệnh của người đã mời nhiều Thái y tới xem nhưng vẫn không thuyên giảm. Hay để hài nhi tới khẩn cầu Đỗ Tể Chấp, mời ông ấy tới nhà xem bệnh cho phụ thân. Hài nhi nghe nói ông ấy là người có trái tim nhân hậu, không phân biệt...".
"Ngươi dám!" Lý Thường lạnh lùng nói, bởi vì ông ta tức giận nên ho một trận, tay run run chỉ vào Lý Đoan nói: "Không cho ngươi đi cầu cạnh tên tiểu nhân đắc chí đó. Vi phu dù có chết cũng tuyệt đối không cầu xin hắn".
"Dạ dạ" Lý Đoan vội vàng trả lời. Đang trong lúc vô kế khả thi thì bất chợt tiếng bước chân dồn dập vang lên ngoài phòng. Một tên đầy tớ hốt hoảng chạy vào trong phòng, thở hổn hển nói: "Lão gia, thiếu gia, xảy ra chuyện lớn rồi".
Lý Đoan tức giận nói: "Kêu là cái gì? Không thấy lão gia bị bệnh dang nằm trên giường sao?"
"Dạ dạ" Tên đầy tớ vội vàng khom người nói
Lý Thường vội vàng nhỏm người dậy hỏi: "Có chuyện gì vậy".
"Bẩm lão gia, Đỗ Văn Hạo, Đỗ Tể Chấp tới".
Lý Đoan vừa mừng vừa sợ nói: "Đỗ Tể Chấp tới sao? Mau mời vào đây".
"Không được phép" Lý Thường lạnh lùng nói: "Hãy dùng loạn côn đánh đuổi hắn đi. Khụ khụ khụ. Ra đánh đi. Không được phép để hắn bước vào trong nhà nửa bước".
Tên đầy tớ đó kinh hoàng lẫn xấu hổ nói: "Lão gia, ...không đánh được...bọn họ tới nhiều người lắm".
"Cái gì?" Lý Thường cảm nhận được tình hình không ổn, ông ta nóng vội tới mức lại ho khan.
Lý Đoan cũng luống cuống nói: "Ông ta mang nhiều người tới sao?"
"Đúng vậy. Chỉ e là tới mấy trăm người, đã bao vây quanh phủ chúng ta rồi".
"Hả?" Cha con Lý Thường cùng sợ hãi kêu lên, mắt nhìn nhau. Lý Đoan run run hỏi: "Ông ta mang nhiều người tới làm gì?"
"Ông ta nói...bọn họ là...cái gì cục quốc gia...".
"Cục an toàn quốc gia" Lý Thường buồn bực nói.
"Đúng đúng. Cục an toàn quốc gia" Tên đầy tớ vội nói."Những người này mặc quần áo ngắn màu đen. Đầu đội khăn trùm mặt màu đen. Đúng rồi, cả người màu đen. Ai cũng cầm thuẫn, thắt yêu đao. Bọn họ nói không cho phép ai ra ngoài".
Tên đầy tớ đang nói tới đó thì bên ngòi vang lên tiếng bước chân dồn dập. Chỉ nghe cũng biết có rất nhiều người đang đi tới. Cha con Lý Thường tái mét mặt. Lý Thường vội ngồi dậy. Lý Đoan vội vàng quay người đi ra ngoài để xem rốt cuộc bên ngoài đang xảy ra chuyện gì nhưng khi hắn còn chưa đi tới cửa, trước mắt hắn đã tối sầm lại. Bên ngoài cửa xuất hiện rất nhiều người tay cầm thuẫn, lưng đeo yêu đao cùng nhau tiến vào.
Đại hán cầm đầu nắm lấy Lý Đoan đẩy sang một bên, lạnh lùng nói: "Quỳ xuống".
Ngay khi Lý Đoan chưa kịp phản ứng, hắn đã bị đạp một cước ngã nhào xuống không thể gượng dậy.
Mấy tên áo đen khác vội vàng vào trong phòng lục soát từng ngõ ngách. Sau khi lục soát xong, một nam nhân trẻ tuổi chậm rãi bước vào. Sau lưng hắn là một tráng hán, hai tay cung kính bưng một bảo kiếm nạm bảo thạch, trân châu.
Nam nhân đó đi thẳng tới trước giường Lý Thường, lạnh lùng nói: "Lý đại nhân, chúng ta lại gặp nhau".
Nam nhân trẻ tuổi này hiển nhiên là Đỗ Văn Hạo.
Lý Thường trấn tĩnh lại, ông tay vùng vẫy ngồi dậy nói: Tể Chấp đại nhân, ngài mang binh xông vào hàn xá là vì cớ gì? Chẳng lẽ lão hủ phạm vào Vương pháp sao?"
"Coi như là ngươi tự biết mình. Nếu như ngươi không phạm vào Vương pháp cũng như mười trọng tội thì không cần chúng ta tới bắt người" Đỗ Văn Hạo lạnh lùng nói.
← Hồi 444 | Hồi 446 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác