← Hồi 360 | Hồi 362 → |
Dương Đê là một nơi phong cảnh hữu tình vô cùng đặc biệt, từ Nhạc Bình Huyện ăn trưa đến giờ Đỗ Văn Hạo đã từ bỏ thói quen trong mỗi bữa ăn phải uống một chút rượu rồi. Giờ đây hắn chỉ chủ yếu ăn một ít cơm canh đơn giản, qua loa cho qua bữa, sau đó tự nói mình hơi mệt một chút, Liêu Quý Binh và Trương Thiên Ninh dĩ nhiên thấy vậy cũng không dám lên tiếng khuyên can hắn uống rượu gì cả. Sau khi dùng xong bữa, thì Đỗ Văn Hạo bảo mọi người nên đi bộ một đoạn đường, sau đó mới xuống bè trúc lên đường đi tiếp.
Tri Huyện Trương Thiên Ninh cứ tưởng Đỗ Văn Hạo không hài lòng với sự sắp xếp trưa nay của ông ta, chính vì vậy mà ông ta quyết định đi bộ trước đến Dương Đê để chuẩn bị cho chu đáo hơn. Đỗ Văn Hạo dĩ nhiên cũng đồng ý với ý kiến này của ông ta, không những vậy hắn còn bảo Liêu Quý Binh đi cùng ông ta lên trên đó trước nữa.
Lưu Quý Binh nghe vậy thì trong lòng không muốn một chút nào, nhưng đây lại là chỉ thị của Đề Hình đại nhân, ông ta cũng không tiện từ chối, sau khi để lại mấy đứa sai dịch hầu hạ, cũng như bảo vệ cho Đỗ Văn Hạo, ông ta liền cùng với Trương Thiên Ninh vội vã cáo từ, đi trước đến Dương Đê.
Đoàn người của Đỗ Văn Hạo lững thững đi bộ đằng phía sau hai tên sai dịch hướng về phía tây mà đi, cả đoàn người không có vẻ gì vội vàng hấp tấp cả, thời tiết lúc này mát mẻ, sảng khoái, cộng thêm tiếng suối chảy rì rầm bên cạnh, làm cho người ta cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết.
Lúc này Đỗ Văn Hạo mới để ý thấy Liên Nhi lững thững đi tít phía cuối cùng, nàng không hề hé miệng nói lấy một câu, trông dáng vẻ của nàng thì dường như là có tâm sự gì đó. Đỗ Văn Hạo thấy vậy liền cố ý đi chậm lại, tiến về phía Liên Nhi, nhẹ nhàng lên tiếng nói: "Liên Nhi! Nàng một mình đi sau mọi người nghĩ cái gì vậy?"
Liên Nhi đang thơ thẩn bước đi, đột nhiên nghe thấy tiếng người hỏi mình đột ngột như vậy, giật thót mình một cái, lắp ba lắp bắp đáp: "Dạ...Dạ.... Không có gì đâu thưa lão gia!"
Đỗ Văn Hạo thấy vậy liền cau mày lại hỏi: "Ta thấy nàng cứ lẩn thẩn một mình, trong nàng cứ buồn buồn sao ấy, Liên Nhi! Nàng đang có chuyện gì sao?"
Trong mắt của Đỗ Văn Hạo thì trong năm người phụ nữ có mặt ở đây, thì người không có cá tính, không có chính kiến nhất chính là Liên Nhi, có lẽ là do nàng sống ở trong cung từ nhỏ, nên cái gì cũng nghe chủ của mình, chủ của mình nói gì cũng đúng, chính vì vậy mà nó đã thành thói quen cố hữu trong nàng. Từ khi Liên Nhi về làm thiếp Đỗ Văn Hạo thì nàng cũng vẫn giữ nguyên thói quen như vậy, bất chấp là phu nhân, hay lão gia, ai nói gì cũng vâng, chưa bao giờ phản bác ai lấy một câu, câu cửa miệng của nàng lúc nào cũng là vâng, dạ, được ạ, tất cả những lời nói của nàng đều rất nhẹ nhàng, khéo léo chiều lòng người, ngay cả một người thích moi móc như Kha Nghiêu cũng không thể nào trông thấy một tất xấu nào của nàng cả. Vậy nhưng, hôm nay Liên Nhi bỗng dưng lại có một tâm sự riêng.
Liên Nhi thấy Đỗ Văn Hạo vẫn cứ hỏi dồn mình như vậy, nàng không biết nên cư xử ra sao, chỉ biết mỉm cười một cách miễn cưỡng, lúc này nàng lại trông thấy Bàng Vũ Cầm quay mặt lại nhìn nàng, Liên Nhi ngay lập tức lí nhí đáp lại: "Đa tạ lão gia đã quan tâm đến thiếp! Nói thực lòng, thiếp không có chuyện gì cả đâu, xin lão gia đừng lo lắng!"
Tuyết Phi Nhi đứng gần đó, nên cũng nghe thấy cuộc nói chuyện giữa Đỗ Văn Hạo và Liên Nhi, thấy Liên Nhi lí nhí như gà mắc tóc, nàng liền lên tiếng nói: "Tướng công! Nếu như chàng muốn moi những tâm sự từ miệng của Liên Nhi, thì ngoại trừ việc chuốc cho Liên Nhi say ra, thì chẳng còn cách nào khác đâu!"
Mọi người nghe Tuyết Phi Nhi nói như vậy thì liền cười ồ lên vui vẻ.
Kha Nghiêu lúc này trong miệng vẫn đang ăn mấy quả rừng do Liêu Quý Binh dâng lên cho mọi người nếm thử, cũng cong môi lên nói: "Nếu đã như vậy thì tối hôm nay chúng ta phải chuốc cho Liên Nhi tỷ say không biết gì mới được, muội cũng muốn nghe xem những lời tự đáy lòng của Liên Nhi tỷ rốt cuộc nó ra sao!"
Liên Nhi thấy mọi người mồm năm miệng mười nói sẽ không tha cho nàng tối ngày hôm nay, thì bất chợt gương mặt của nàng nóng bừng, đỏ ửng lên, Liên Nhi cúi đầu lí nhí nói: "Muội...Muội đúng là không nghĩ gì cả, thật mà!"
Lâm Thanh Đại thấy vậy bèn mỉm cười nói: "Mấy người các muội cũng đừng làm khó Liên Nhi nữa, Liên Nhi không muốn nói, thì cho dù chúng ta có ép Liên Nhi uống say, thì muội ấy cũng không nói câu nào cả đâu!"
Đỗ Văn Hạo thấy vậy cũng cười nói chen vào: "Thanh Đại nói đúng lắm! Liên Nhi có chuyện gì bao giờ cũng cất kín trong lòng, không thổ lộ với ai bao giờ cả. Thôi thì để ta thử đoán xem, Liên Nhi lúc này đang nghĩ gì vậy! Nàng bây giờ chắc đang lo lắng cho nương nương của nàng đúng không hả?"
Liên Nhi nghe Đỗ Văn Hạo đoán trúng tâm sự của mình như vậy, thì vô cùng ngạc nhiên, nhưng hơn thế thì vẫn là một niềm cảm kích hiện rõ trên gương mặt thanh tú của nàng, Liên Nhi khẽ gật đầu đáp lại câu nói của Đỗ Văn Hạo.
Đỗ Văn Hạo thấy vậy bèn thở dài nói: "Liên Nhi từ nhỏ đã đi theo hầu hạ Mỹ Nhân nương nương, tình cảm của hai người chẳng khác nào hai chị em ruột cả, nàng lo lắng cho nương nương như vậy cũng là đúng thôi!"
Liên Nhi nghe Đỗ Văn Hạo nói vậy, thì vẻ mặt đượm buồn, ủ rũ nói: "Vâng ạ! Ngày trước nương nương từng được Hoàng Thượng đưa ra ngoài cung đi du ngoạn, người cũng đem thần thiếp theo bên mình, chính vì vậy mà khi thấy nơi đây sơn thủy hữu tình, non xanh nước biếc, thì thiếp không khỏi nhớ đến những giây phút đi chơi vui vẻ bên cạnh nương nương! Thiết nghĩ, bây giờ nương nương đã bị mất một mắt, mặt mũi thì bị hủy hoại, nương nương giờ lại mang bệnh trên người, không biết bây giờ nương nương ra sao nữa.... !"
Nói đến đây thì Liên Nhi nấc nghẹn lên, không nói thêm được nữa.
Bàng Vũ Cầm đứng ở bên cạnh nói: "Không có chuyện gì đâu! Muội đừng lo lắng như vậy, trước khi chúng ta lên đường rời khỏi kinh thành, Văn Hạo không phải đã kê cho nương nương thuốc để uống rồi đó sao? Bây giờ Mỹ Nhân nương nương đã về quê nhà của mình rồi, có người nhà chăm sóc, ta nghĩ chắc không có chuyện gì đâu!"
Liên Nhi nghe Bàng Vũ Cầm nói như vậy, thì chớp chớp hai hàng mi mắt đẫm lệ của mình, sau đó gắng gượng cố nuốt ngược hai hàng dòng nước mắt ngược vào bên trong, miễn cưỡng nở một nụ cười, sau đó nàng liền chuyển chủ đề nói chuyện cho không khí bớt trở nên nặng nề: "Đúng rồi! Lúc nãy thiếp có nghĩ Liêu Tri Phủ nói với Ngô Tri Huyện rằng bọn họ đi trước để chuẩn bị mấy món rau rừng, quả dại, hay thịt thú rừng gì đó cho chúng ta phải không?"
Kha Nghiêu nghe thấy vậy liền nhanh nhảu nói: "Vậy thì tốt quá rồi, muội thích nhất ăn mấy thứ ngon miệng đó!"
Tuyết Phi Nhi nghe thấy vậy liền lạnh lùng nói: "Dân chúng bách tính nơi đây đến cả cháo cũng không có mà ăn, bọn họ còn đưa chúng ta đi ăn mấy thứ như vậy sao? Thật đúng là no con bụng đói con mắt, cái gì cũng muốn ăn!"
Liên Nhi thấy vậy liền nhanh miệng nói bào chữa: "Bọn họ...bọn họ làm như vậy cũng là muốn chăm sóc, hầu hạ tốt cho lão gia của chúng ta thôi mà!"
"Thôi ta xin muội! Muội nên để ý đến cuộc sống của dân chúng đang sống xung quanh chúng ta một chút đi! Suốt cả dọc đường đi vừa rồi, lẽ nào muội không để ý thấy hay sao? Cả trăm ngàn mẫu đất ruộng đều bị hoang phế, không ai cày cấy, dưới ruộng không có lấy một cọng đòng đòng! Chúng ta đi lâu như vậy, nhưng có trông thấy một đồng ruộng lúa nào không? Dân chúng bây giờ ăn gì, lấy gì mà sống? Năm nay đúng là năm hạn của bọn họ! Bây giờ họ mà không đem ruộng, đem con đi bán thì họ còn biết lấy gì mà sinh sống nữa?"
Đỗ Văn Hạo lúc này cũng đã dừng chân lại, đưa mắt ra nhìn khắp những cánh đồng mênh mông bát ngát, nhưng hoang vu, lạnh lẽo đến ghê người, thở dài nói: "Đúng vậy! Chúng ta đến đây không chỉ là để thưởng thức, du ngoạn cảnh đẹp của sông Ly, mà chúng ta càng phải để ý đến những hậu quả của tai ương nó ghê gớm đến mức độ nào, bây giờ cái mà chúng ta trông thấy là những đồng lúa hoang vu, ngoài mấy cọng cỏ dại ra, thì làm gì có ai cầy cấy, trồng trọt nữa đâu! Ài! Đúng là thiên tai đem đến thiệt hại thật là to lớn!"
Bàng Vũ Cầm nghe vậy liền miễn cười nở một nụ cười, rồi quay sang Đỗ Văn Hạo nói: "Tướng công! Chàng cũng đừng lo lắng, sốt ruột quá như vậy! Liêu Tri Phủ chắc cũng đã trình tấu với triều đình, cầu cứu triều đình phát lương thực viện trợ rồi, dân chúng chắc chắn sẽ tai qua nạn khỏi thôi!"
Tuyết Phi Nhi nghe thấy vậy liền chen ngang vào nói: "Vũ Cầm tỷ! Tỷ là tòng tứ phẩm phu nhân, thì chắc phải hiểu hiệu quả làm việc của bọn quan lại triều đình hơn muội mới phải chứ? Chờ đến bọn họ đem lương thực phát xuống cho dân chúng, trong thời gian bao lâu thì muội tạm thời không đề cập đến, nhưng chắc chắn là số lương thực cứu trợ sẽ không đủ để cứu tế cho dân chúng khỏi bị chết đói!"
Kha Nghiêu nghe thấy vậy cũng bon chen, lên tiếng nói: "Đúng vậy đấy! Lúc nãy khi chúng ta ngồi ăn, thì muội thấy có mấy đứa trẻ ăn mặc rách rưới, lôi thôi ngồi ở trong góc tường, muội nhân lúc Liêu đại nhân và Trương đại nhân không chú ý, liền bảo Anh Tử đưa cho chúng một ít đồ ăn, sau đó Anh Tử quay vào nói lại với muội rằng, mấy đứa nhóc đó ăn uống như hổ đói, như là bọn chúng cả đời chưa bao giờ được ăn cơm vậy. Anh Tử lúc đó cũng bảo chúng đó ăn uống từ từ, chậm rãi thôi không bị nghẹn, không ngờ bọn chúng trả lời Anh Tử rằng, nếu như không ăn nhanh để quan phủ trông thấy, thì chắc chắn sẽ bị quan phủ dùng roi đánh cho đến chết mới thôi!"
Anh Tử lúc này cũng nói chen vào: "Vâng! Đúng như vậy đấy ạ! Mấy đứa nhóc đó trông thấy cơm đến mà mắt sáng như sao, hai mắt trợn lên cứ như hai con ngươi muốn rơi luôn xuống dưới đất vậy! Cũng không biết bọn chúng bao nhiêu ngày rồi chưa được ăn, vừa đưa cơm đến ôm vù một cái chạy mất, đến cả câu cảm ơn cũng không kịp nói, bọn chúng sợ bị quan lại bắt gặp thì thể nào cũng cóđứa phải bỏ xác lại ở đấy!"
Kha Nghiêu nói tiếp: "Quan Phủ Nha Môn không phải là có luật Thanh Miêu Pháp đấy hay sao! Dân chúng có thể vay lương thực tiền bạc từ quan phủ được mà, chỉ cần năm tới thu hoạch được là sẽ hoàn trả cho quan phủ thôi!"
Đỗ Văn Hạo nghe đến đây thì bất giác thở dài ra một cái rồi nói: "Thanh Miêu Pháp đúng là có hạng mục cho vay mượn như vậy, nhưng nó lại không cứu tế về lương thực kiểu gặp hạn đói nghèo khó như lúc này, nó chỉ cho vay khi nhận thấy người vay có khả năng chi trả nợ nần thôi, còn bây giờ dân chúng vừa trải qua một cuộc thiên tai, nghèo đến kiết xác như vậy, lấy đâu tiền mà có khả năng trả nợ, hơn nữa lãi xuất thu lãi lại vô cung cao. Dân chúng nơi đây trong túi gạo chẳng có nổi vài hạt, vụ mùa thu còn không kịp gieo trồng, lấy đâu ra tư cách để được vay mượn! Một khi quan phủ nha môn cho vay mượn mà không đòi lại được nợ từ dân, thì quan phủ sẽ bị cách chức! Chính vì vậy mà ai dám động tay tự tiện mở kho ra cho người dân vay nợ như vậy!"
"Nhưng mọi người có thể dùng đất đai, đồng ruộng để đặt cọc được mà, chỉ cần có cái để đặt cọc thì sẽ vay được thôi! Muội nghe nói..." Kha Nghiêu vẫn cứ khăng khăng luận điểm của mình.
Đỗ Văn Hạo nghe vậy liền mỉm cười cắt ngang câu nói của Kha Nghiêu: "Đúng là đặt cọc, thế chấp ruộng đất có thể vay được lương thực, điều này không hề sai! Vậy đến lúc đó khi cho vay xong rồi, lẽ nào thế chấp đất cho quan phủ xong, thì ruộng đất để đấy làm gì? Dân chúng thế chấp xong rồi, no bữa nay rồi, nhưng đất đã thế chấp đi rồi, lấy đâu ra chỗ mà cầy cấy trả nợ? Dân chúng rốt cuộc lại rơi vào cảnh chết đói! Vả lại, dân chúng vốn dựa vào đất đai, ruộng lúa để sống, bây giờ thế chấp hết đi rồi thì họ sống bằng gì? Họ lại lấy cái gì để thế chấp nữa đây? Ngoài ra, Thanh Miêu Pháp cũng có rất nhiều mặt hạn chế nữa! Tiền bạc, lương thực dân chúng vay về xong cùng lắm là cầm cự được ba tháng, nhưng thiên tai bây giờ đã kéo dài cả một năm rồi, tiền bạc vay về xong, không làm được gì! Chỉ biết ăn, như vậy thì về sau dân chúng lấy gì mà sống đây!"
Kha Nghiêu nghe xong trợn mắt kinh ngạc, nàng không ngờ mọi việc lại cần phải suy tính lâu dài như vậy, không phải chỉ lo cho trước mắt như nàng nghĩ được: "Vậy...vậy, như vậy thì dân chúng lẽ nào cứ đứng chờ chết hay sao?"
Đỗ Văn Hạo nghe vậy chỉ biết thở dài, chán chường, hắn chắp hai tay ra đằng sau đưa hai con mắt đau đáu nhìn về phía đồng ruộng rộng lớn, tâm trạng nặng trĩu không biết nên biểu đạt thế nào cho phải.
Toàn bộ đồng ruộng, đất đai ở vùng địa giới Phủ Tĩnh Giang này bây giờ đều trở nên hoang vu, trọc lốc, người dân mắc nạn ngày nhiều, số lượng ngày càng tăng, nếu chỉ dựa vào đồ cứu tế của triều đình, lược bỏ đi những công đoạn bị cắt xén qua nhiều công đoạn, tất cả đều như muối bỏ bể, càng nhiều thì càng ít, căn bản không thể nào duy trì mãi tình hình như vậy được. Bây giờ đang vào mùa thu, vậy mà lương thực đã hoang phế như thế này rồi, thế thì dân chúng cũng chẳng còn cách nào khác ngoài bán con, bán đất đi để mà tìm cái sống, nhưng chặng đường gian khó vẫn còn rất dài ở phía trước, họ bây giờ đã bán đất, bán con đi rồi, về sau không biết họ đem gì đi bán để sống nữa?
Trước mắt, khí hậu cũng đang dần bước vào mùa đông đến nơi rồi, nhà cửa đất đai cũng đã bán, dân chúng làm sao còn có chỗ để tránh khỏi cái rét của mùa đông, cái lạnh thấu xương của tuyết lạnh! Tình hình trước mắt bây giờ là rất vô cùng nghiêm trọng, bởi mùa đông là một quãng thời gian dài, đầy cam go và thử thách, nếu như bây giờ không lo nơi ăn chốn ở cho dân chúng, thì họ làm sao qua nổi mùa đông khắc nghiệ? Nếu như chúng ta không tìm ra biện pháp khắc phục tình hình, thì e rằng cái cảnh tượng xác người chết ven đường sẽ trở thành những cảnh tượng quen thuộc trong mắt chúng ta mất!
Vậy nhưng, thân phận cua mình lúc này chỉ là một Đề Hình và Ngự Y, mình chỉ có thể quản lý được các việc như Hình Ngục, và Tầm Y, làm sao có đủ tư cách để quản mấy chuyện cứu tế cho dân chúng cơ chứ, mình bây giờ phải làm cách nào thì mới có thể giúp cho dân chúng thoát khỏi cảnh tượng bi thảm này đây?
Mấy vị phu nhân của Đỗ Văn Hạo thấy hắn quay ra nhìn những đồng ruộng hoang vu, thở dài não nề buồn bã như vậy, thì không một ai dám lên tiếng ho he thêm một câu nào nữa.
Hai bờ Dương Đê phong cảnh hữu tình, nhưng bên cạnh đó là những đồng ruộng hoang vu, ảm đảm đến rợn người, làm cho người ta có cảm giác nơi đây tuy đẹp, nhưng lại mang một vẻ đẹp của sự thê lương, khốn khổ.
Khi đến Dương Đê, Tri Huyện Trương Thiên Ninh sắp xếp Đỗ Văn Hạo ăn nghỉ tại một nhà nông gia, kiến trúc nơi đây được dựng lên theo phong cách kiểu Trúc Lầu, nằm ở bên cạnh sông nước, vô cùng lãng mạn nên thơ, vậy nhưng Đỗ Văn Hạo lại chẳng có tâm trí nào để ngắm cảnh cả.
Hắn liền cho gọi Liêu Tri Phủ, và Trương Tri Huyện cùng đến hỏi chuyện: "Nhị vị đại nhân! Bổn quan đến Phủ Tĩnh Giang, thì thấy nơi đây đúng là ông trời thương tiếc, ban cho phong cảnh nơi đây đẹp tựa thiên đàng, vậy nhưng ruộng đồng nơi đây lại không có ai cày cấy, hoang vu vô cùng, không biết nhị vị đại nhân có kế sách gì để đối phó với việc như thế này hay không?"
"Cái này.... !" Liêu Tri Phủ và Trương Tri Huyện đưa mắt lên nhìn nhau một cái, rồi cả hai lại trầm ngâm, im lặng không nói câu gì nữa.
Đỗ Văn Hạo thấy vậy thì mỉm cười tự chế nhạo bản thân mình nói: "Thật có lỗi với nhị vị quá! Đây vốn thuộc về phạm trù cứu tế, bổn quan không đủ chức trách, cũng như tư cách về việc này, đây chỉ là bổn quan thuận miệng nói mà thôi, nếu như nhị vị thấy có gì không tiện thì không phải trả lời bổn quan cũng được! Không sao cả!"
Liêu Tri Phủ nghe thấy vậy thì vội vã chắp tay nói: "Đỗ đại nhân quá lời rồi! Đại nhân lo lắng cho dân chúng, nên mới hỏi bọn hạ quan về chuyện cứu tế như vậy, bọn hạ quan sao lại có chuyện không trả lời đại nhân được đâu cớ chứ? Phủ Tĩnh Giang chịu thiên tai như vậy, là bắt đầu từ hồi mùa xuân năm nay, tại mùa đông năm ngoái là một mùa đông khá ấm, mưa tuyết lại ít, chính vì vậy mà sau khi vào xuân, thì mặt trời chói lọi, ruộng đồng đều vì thế mà khô hạn hết cả, đất thì rạn nứt, ngay cả những mầm trồng lên cũng không mọc được, cộng thêm việc không có nước, trồng cái gì cũng không ra hoa kết trái. Bọn hạ quan cho người đi cầu mưa, nhưng cũng chẳng linh nghiệm gì cả, tiếp sau đó lại có người loan tin là, thiên tai này là do Biến Pháp mà ra. Chỉ cần phế bỏ Biến Pháp thì trời sẽ mưa ngay! Những lời tương truyền của bọn ngu dân thì vốn cũng không nên tin, nhưng không ngờ là sau khi triều đình phế bỏ Biến Pháp, thì đột nhiên mưa liên tiếp đến nửa tháng liền! Nhưng rất tiếc là cơn mưa này lại đến không đúng lúc, ông cha ta có câu, vì người mất một vụ mùa, nhưng vì trời thì mất mùa cả năm! Ông trời đã có ý như vậy rồi, thì thần dân chúng ta làm sao mà cưỡng lại được, thế là cả năm nay ruộng đất cứ hoang vu như thế cả!"
Trương Tri Huyện cũng vuốt vuốt chòm râu của mình, sắc mặt buồn bã nói: "Thực ra thì vẫn còn những nông hộ ở ven sông ngày đêm gánh nước về tưới ruộng, nên miễn cưỡng cũng trồng được một ít mầm giống, nên sau đó cũng đã ổn định hơn một chút, thế nhưng ai ngờ cơn mưa kéo dài nửa tháng kia, kéo theo lũ đến, thế là làm cho những đồng ruộng ở ven xông cũng theo lũ mà đi! Ài! Cơn lũ này không chỉ hoành hành tàn phá một mình cái huyện này, mà cả bảy huyện của cái Phủ Tĩnh Giang này cũng không thoát khỏi nó! Tri Phủ đại nhân thương xót dân chúng, cùng với các vị Tri Huyện đồng liêu ngày đêm thương thảo làm thế nào để cứu tế dân chúng, chỉ nghĩ đến việc dân chúng gặp nạn như vậy thôi, mà Tri Phủ đại nhân ăn không ngon ngủ không yên suốt bao nhiêu ngày nay."
Đỗ Văn Hạo nghe vậy, bất giác quay đầu sang phía Liêu Tri Phủ gật gật đầu tán thưởng tinh thần vì dân vì nước của ông ta.
Liêu Tri Phủ thấy vậy vội vã chắp tay vào nói: "Đây cũng chỉ là chức trách của hạ quan mà thôi, hạ quan cũng đã nhiều lần tấu trình lên triều đình, tường thuật lại tình hình thiên tai, thiệt hại, mong chờ triều đình phất lương giúp đỡ. Bộ Hộ trên triều cũng đã có công văn xuống cho hạ quan, Hoàng Thượng cũng đã đích thân ngự bút phê chuẩn phát lương cứu tế cho Tĩnh Giang Phủ, chỉ không lâu nữa thôi, đồ cứu tế sẽ đến được đến đây. Cho dù đợt thiên tai này là thiên tai ghê gớm nhất trong năm, nhưng vì trên có Hoàng Ân rộng lớn, dưới có các vị đồng liêu đồng tâm hiệp lực, bổn quan rất có tự tin để có thể cứu tế được cho dân chúng, giúp dân chúng thoát khỏi tai nạn này. Hạ quan và các vị đồng liêu cũng đã thề với nhau rằng, cho dù mình có phải ăn rau rừng, quả dại cũng nhất định giúp dân chúng tai qua nạn khỏi, quyết không để cho dân chúng lâm vào cảnh chết đói, chết rét ở ngoài đường!"
Đỗ Văn Hạo nghe vậy thì tấm tắc khen ngợi nói: "Nói hay lắm! Không ngờ Liêu Tri Phủ lại có lòng yêu dân chúng, bao la rộng lớn đến như vậy, đây đúng là cái phúc lớn của dân chúng phủ Tĩnh Giang này!"
Liêu Tri Phủ thấy Đỗ Văn Hạo khen mình không ngớt như vậy, liền vẫy vẫy tay ra hiệu nói: "Thật không dám nhận lời khen của đại nhân, đại nhân đã quá lời rồi, bây giờ bách tĩnh vẫn đang ở trong cảnh lầm than, làm gì mà đã có phúc đâu mà đại nhân lại nói như vậy!"
"Thiên tai mà! Đây chỉ có thể trách ông trời không có mắt, độc ác với dân chúng nơi đây, làm cho họ phải chịu khổ như vậy! Đúng như đại nhân đã nói, trên có Hoàng Ân rộng lớn của Hoàng Thượng, dưới có những vị quan tốt như các vị đại nhân đây, thì ta tin rằng dân chúng nhất định sẽ qua khỏi cảnh tượng bi đát này thôi!"
Liêu Tri Phủ nghe vậy thì buồn bã nói: "Năm nay mới vào xuân mà đã gặp đại hạn, đưa mắt ra nhìn khắp các phủ tỉnh toàn quốc, thì cũng có đến một nửa tỉnh huyện gặp thiên tai, chính vì vậy mà cần cứu tế rất là nhiều, e rằng lượng lương thực, cũng như tiền của cứu tế phân phát đến đây, cũng không thể nào đáp ứng đủ được việc cứu tế cho dân chúng!"
Trương Tri Huyện cũng buồn rầu, chắp tay lên nói: "Chính vì vậy mà Tri Phủ đại nhân mới kêu gọi mọi người tiết kiệm, tiết kiệm ăn uống, tiết kiệm tiêu xài hoang phí, hơn nữa Tri Phủ đại nhân còn tổ chức mấy lần quyên góp, nhằm cứu tế cho những nơi nghèo nhất của phủ, vậy nhưng số lượng lại quá ít so với nhu cầu của dân chúng."
Đỗ Văn Hạo nghe vậy liền trầm ngâm do dự, hắn cân nhắc, suy tính một hồi liền lên tiếng hỏi: "Vậy hai vị có những dự định như thế nào?"
"Quyên góp!" Liêu Tri Phủ thở dài ra nói: "Chỉ có mỗi phương pháp đó mà thôi! Chờ đến khi vào mùa đông, thì đến lúc đó chúng ta cũng dùng gần hết đồ cứu tế rồi! Hạ quan sẽ lại vào kinh thành cầu xin mấy vị công tôn đại thần cứu trợ cho dân chúng tại đây! Hạ quan lúc này cũng chẳng buồn quan tâm đến chuyện sĩ diện nữa rồi, vì sự sống còn của dân chúng, hạ quan sẽ bỏ mặc mọi ánh mắt khinh bỉ, dị nghị để cầu xin những người có chức có quyền giúp cho dân chúng tai qua nạn khỏi, được đến đâu hay đến đó, hạ quan cũng chỉ còn mỗi một cách này nữa mà thôi!"
Đỗ Văn Hạo nghe đến đây thì không tiếc lời khen ngợi, hắn cũng cau mày suy nghĩ, nhưng nghĩ đến nửa ngày trời rồi mà hắn cũng không thể nào nghĩ ra được biện pháp nào hay hơn nữa cả.
Trong thời hiện đại, thì công nghiệp cao tốc phát triển vô cùng mạnh, thường thì dân chúng ở những vùng bị thiên tai hay ra ngoài làm thêm, thứ nhất họ cũng có thể kiếm được tiền mang về nhà, thứ hai là làm giảm nhân khẩu chịu thiệt hại do thiên tai gây ra, như vậy cũng đỡ được phần nào cho lương thực cứu tế. Nhưng, bây giờ là thời nhà Bắc Tống, làm gì có những công nghệ hiện đại để giúp dân chúng làm thêm có công ăn việc làm, những xí nghiệp sản xuất đại trà thì lại là trong mơ, chính vì vậy mà Đỗ Văn Hạo cũng không biết nên cứu tế dân chúng ra sao nữa, lẽ nào đúng là chỉ còn mỗi cách đi sang các tỉnh khác ăn xin, rồi chết đói nơi đất khách quê người?
Đang nói chuyện với nhị vị đại nhân, thì lúc này có một tên Nha Dịch chạy vào bẩm báo, nói là có một vị lão tiên sinh muốn cầu kiến Hình Quan đại lão gia, nói là người được Ninh Công Công giới thiệu từ trong Hoàng Cung.
Đỗ Văn Hạo nghe vậy thì mừng rỡ, khi ở Hành Châu thì hắn đã từng đưa một tin tình báo khẩn cấp thông báo cho Ninh công công biết, để ông ta giúp đỡ một tìm kiếm một vị Sư Gia biết viết tấu trình, không ngờ Ninh công công làm việc lại nhanh tay, nhanh chân như vậy, loáng một cái mà đã tìm thấy rồi, Đỗ Văn Hạo nghĩ vậy liền lên tiếng cho người đi mời người kia vào trong.
Liêu Tri Phủ và Trương Tri Huyện nghe nói Đỗ Văn Hạo có khách đến thăm, hai người liền lập tức đứng dậy cáo từ ra về.
Không lâu sau, tên Nha Dịch đưa đến một ông lão râu tóc bạc phơ tiến tới.
Ông lão này dáng người gầy gầy, hai mắt híp lại với nhau như hai sợi chỉ mảnh, tưởng chừng như nó hòa lẫn với những nếp nhăn ở trên mặt của ông ta, nếu đứng từ phía xa nhìn, thì thậm chí còn không biết mắt ông ta nằm ở chỗ nào trên những nếp nhăn đó nữa!
Ông lão bước theo tên Nha Dịch vào bên trong, tên Nha Dịch liền tiến tới giới thiệu ông ta xong, thì ông ta cúi người thi lễ nói: "Lão phu là Thẩm Thăng Bình! Bái kiến Đề Hình đại nhân! Đây là thư giới thiệu của Ninh công công!" Nói xong ông lão liền lấy trong người ra một bức thư, sau đó tiến lên một bước cúi người đưa cho Đỗ Văn Hạo.
Đỗ Văn Hạo tiếp lấy bức thư, đưa lên xem, quả nhiên đúng là nét bút của Ninh công công, hắn liền xé phong bì thư ra, sau đó giở bức thư ra đọc. Sau khi đọc xong bức thư của Ninh công công, Đỗ Văn Hạo mới biết ông lão đứng trước mặt hắn là một nhân vật vô cùng lợi hại.
Người này chính là người đã đỗ Tiến Sĩ vào năm Thiên Hỉ thứ hai, được Văn Nghiêm Bác vô cùng xem trọng và kính nể, sau đó còn để ông lão này làm Mộ Binh, từ đó về sau ông lão này luôn theo sao Văn Nghiêm Bác, rồi đưa ra kế sách, vạch ra đường đi nước bước để hỗ trợ cho công việc của Văn Nghiêm Bác, làm một vị Sư Gia của Tể Tướng.
Sau khi Vương An Thạch đỗ Tiến Sĩ, mới bước vào con đường làm quan, thì cái gì cũng không hiểu, cái gì cũng không biết, tính tình lại thẳng, dễ làm mất lòng người, chính vì vậy mà ông ta trong một thời gian dài không làm được cái gì ra hồn cả. Nhưng may mắn thay Tể Tướng Văn Nghiêm Bác khi đó lại vô cùng thích tài văn của ông ta, nên đã giới thiệu ông ta làm Quần Mục Phán Quan, nhậm chức Tri Châu của Thường Châu, Hình Ngục Đề Điểm Giang Đông, đồng thời còn giới thiệu vị Sư Gia Thẩm Thăng Bình của mình đến giúp đỡ cho Vương An Thạch.
Mới đầu, thì Vương An Thạch rất nghe lời Thẩm Thăng Bình, chính vì vậy mà con đường làm quan của ông ta lên như diều gặp gió, chưa đầy mấy năm mà ông ta đã được nhậm chức Độ Chi Phán Quan, sau đó triều đình rất thưởng thức tài năng của ông ta, chuẩn bị đưa ông ta vào Trực Tập Hiền Viện, nhưng Vương An Thạch lại không thức nhậm cái chức nhàn nhã đấy, và Thẩm Thăng Bình liền vạch ra rất nhiều kế sách, cuối cùng ông ta được điều đi làm chức khác là Tri Chế Hạo, chức này là làm thay Hoàng Thượng viết mấy bản văn cáo, điều lệ, và các Hình Ngục, tế lễ tại kinh thành.
Chức quan này có quyền chức rất cao, nhưng Vương An Thạch lại là một người quá thẳng, lại còn tự cho mình tài hoa xuất chúng, nên khi mới nhậm được chức này thì thôi không nghe lời của Thẩm Thăng Bình nữa, chính vì vậy mà ông đã đắc tội với không ít các trọng thần trong triều. Đúng lúc này, thì cũng vừa vặn mẹ của Vương An Thạch bị bệnh mất, triều đình mượn cớ này mà miễn chức quan của ông đi. Sau đó, Vương An Thạch hết hạn tang nhưng vẫn không được triều đình trọng dụng, mãi cho đến khi Tống Thần Tông kế vị, Thẩm Thăng Bình lợi dụng khả năng hiểu biết của ông ta mà đưa ra kế sách, cộng thêm với việc Vương An Thạch cầu xin van nài, triều đình mới trọng dụng Vương An Thạch lần nữa, sau đó điều ông ta đi làm Tri Phủ của Giang Ninh.
Sau đó dưới bàn tay nhào nặn, sắp đặt kỳ diệu của Thẩm Thăng Bình, Tống Thần Tông cuối cùng cũng phát hiện ra được tài năng của Vương An Thạch, đặc biệt là khả năng quản lý tài chính, cũng như xử lý tài chính của ông ta. Sau đó Tống Thần Tông còn cất nhắc Vương An Thạch lên làm Hàn Lâm Học Sĩ kiêm Thị Giảng, rồi sau đó thăng chức lên Tham Tri Chính Sự, toàn quyền xử lý Biến Pháp, sau đó tiếp nhận chức Bình Chương Sự của Đồng Trung Thư, làm lên chức Tể Tướng, toàn quyền thi hành Tân Pháp trên toàn quốc, và bắt đoàn vận động cải cách toàn bộ trên một phạm vi lớn.
Khi biến pháp được thi hành thì gặp rất nhiều trở ngại, hiệu quả thu được cũng thấp, nhưng lúc này Vương An Thạch lại rất được Tống Thần Tông ủng hộ, cộng thêm với việc ông ta nắm quyền hành trong tay, chính vì vậy mà Vương An Thạch không còn cần đến vị Sư Gia Thẩm Thăng Bình nay nữa. Cộng thêm với cái tính cách tự phụ của Vương An Thạch, nên những lời khuyên của Thẩm Thăng Bình không còn có trọng lượng với ông ta nữa, Vương An Thạch bỏ ngoài tai toàn bộ những lời khuyên của Thẩm Thăng Bình, chính vì vậy mà Thẩm Thăng Bình vô cùng đau khổ, rồi ông ta liền xin phép Vương An Thạch cho ông được cáo lão về quê. Vương An Thạch không chần chừ mà đồng ý luôn ý kiến của Thẩm Thăng Bình.
Sau đó không lâu, biến pháp của Vương An Thạch gặp phải làn sóng phản đối vô cùng lớn, ngay cả Tống Thần Tông cũng không còn tin tưởng vào ông ta nữa, đồng thời lúc đó các Hoàng Thân Quốc Thích trong triều liên tục gây sức ép lên biến pháp của Vương An Thạch, Tống Thần Tông bất lực đành miễn chức Tể Tướng của Vương An Thạch, sau đó điều ông ta ra làm Tri Phủ của Giang Ninh.
Và đến lúc này Vương An Thạch mới sực nhớ đến Thẩm Thăng Bình, ông ta liền đích thân đến mời Thẩm Thăng Bình xuất sơn giúp đỡ ông ta, Thẩm Thăng Bình rất nghĩa khí đồng ý ra tay giúp Vương An Thạch một lần nữa. Và Thẩm Thăng Bình đã không làm cho Vương An Thạch phải thất vọng, sau vài lần xoay vòng, Thẩm Thăng Bình đã giúp cho Vương An Thạch hóa giải được gần hết các thế lực đối địch với ông ta, và một lần nữa Vương An Thạch lại được Tống Thần Tông trọng dụng rồi lại ngồi vào chức Tể Tướng. Nhưng ngựa quen đường cũ, tính cách của Vương An Thạch là một căn bệnh vô cùng cố hữu, tự cao tự phụ, khi có quyền lực tối cao trong tay rồi, ông ta lại một lần nữa không để ý đến ai cả, mình thích gì thì cứ làm, và các thế lực trong triều ngay lập tức đều chĩa hết mũi giáo về phía của ông ta, Thẩm Thăng Bình thấy vậy liền lên tiếng khuyên can, Vương An Thạch lại không nghe. Thẩm Thăng Bình lại ngán ngẩm cáo lão về quê, và Vương An Thạch đã đồng ý.
Không có sự giúp đỡ của Thẩm Thăng Bình, cùng với kinh nghiệm trong quan trường của ông ta, Vương An Thạch giờ đây đã sù lên như một con nhím, bất kỳ ai động vào ông ta đều bị ông ta châm cho đến hẹn lại lên, và trong số những người bị Vương An Thạch châm vào có cả người xưa đã từng cất nhắc ông ta là Văn Nghiêm Bác. Dĩ nhiên, Vương An Thạch thì làm gì có đất sống ở cái nơi gian hiểm chốn quan trường, và chính vì vậy mà không lâu sau, Vương An Thạch lại bị bãi quan, điều sang làm một chức nhàn nhã khác. Tiếp sau đó, Vương An Thạch cùng với Tống Thần Tông và Đỗ Văn Hạo đi vi hành, những chuyện gặp trên lúc vi hành khi đó làm cho Vương An Thạch chán nản, ông liền từ quan về quê, sống một cuộc sống không màng đến thế sự.
Thẩm Thăng Bình đã từng phò giúp hai vị Tể Tướng trong triều là Văn Nghiêm Bác và Vương An Thạch, kinh nghiệm chinh chiến nơi quan trường của ông ta vô cùng phong phú, hơn thế nữa ông lại rất hiểu tính cách, cũng như thói quen của bách quan trong triều, là một người rất hợp với những gì mà Đỗ Văn Hạo đang cần, chính vì vậy mà khi Ninh công công nhận được thư của Đỗ Văn Hạo nhờ ông ta giới thiệu cho một vị Sư Gia xong, thì ngay lập tức nghĩ đến Thẩm Thăng Bình. Ninh công công sau đó tự mình đến mời ông ta, đem những câu chuyện của Đỗ Văn Hạo nói cho ông ta biết, rồi dùng hết lời lẽ khuyên nhủ Thẩm Thăng Bình tái xuất giang hồ, phò tá Đỗ Văn Hạo.
Thẩm Thăng Bình tuy mấy năm gần đây đã cáo lão quy ẩn, nhưng những mối quan hệ của ông ta vẫn còn đó, bạn bè thân thích của ông ta ở trong kinh thành nhiều không đếm xuể, Thẩm Thăng Bình lại là một người không chịu ngồi yên một chỗ, trong triều có bất kỳ động tĩnh gì là ông ta đã biết rõ như lòng bàn tay. Và dĩ nhiên một vị thần y mới nổi như Đỗ Văn Hạo ở trong triều thì ông ta cũng biết, và có phần xem trọng hắn. Đối với ông ta mà nói, nếu được Đỗ Văn Hạo mời làm quân sư, thì ông ta cũng sẽ vui lòng phò tá hắn đi tới thành công, cộng thêm với việc Ninh công công nói giúp, nên khi nhận được yêu cầu, Thẩm Thăng Bình lập tức đồng ý.
Sau đó, Thẩm Thăng Bình cầm lấy bức thư giới thiệu của Ninh công công, tự mình đi xuống phía nam, và cuối cùng ở cái nơi phong cảnh hữu tình tại Dương Để thuộc Tĩnh Giang Phủ gặp được Đỗ Văn Hạo.
← Hồi 360 | Hồi 362 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác