← Hồi 319 | Hồi 321 → |
Vương Triều Vân nghe xong bèn trịnh trọng nói: "Cầm Nhi! Những người làm quan trong quan trường cần những thứ gì thì đều không thể tách rời được hai thứ là ngạo khí và khí cốt, đó là tiền đề để làm nên một người ngay thẳng, một người ngay thẳng chính khí mà làm quan thì dân chúng mới được nhờ! Còn làm quan mà thủ đoạn, tham ô, thì chỉ hại dân hại nước mà thôi!"
Bàng Vũ Cấp thấy vậy bèn đáp: "Vân tỷ nói đúng lắm, chính vì thế mà tỷ tỷ xem tướng công của muội bây giờ xem! Chàng không còn là một người ngay thẳng nữa, mà chàng đã biến chất rồi! Chàng đã biến thành một viên quan tham lam, sâu mọt của dân chúng!"
Vương Triều Vân nghe vậy thì mỉm cười, đưa ngón tay thon dài của mình lên chọc chọc vào vầng trán của Bàng Vũ Cầm nói: "Thế mà lúc nãy muội còn nói muội tin tưởng tướng công của mình cơ đấy! Đỗ đại nhân là người như thế nào có lẽ muội biết rõ hơn tỷ rất nhiều. Bây giờ ngay cả muội không tin tưởng con người của Đỗ đại nhân nữa, thì dân chúng làm sao mà lại không nghĩ Đỗ đại nhân là một người tham lam, bòn rút của dân chúng như vậy! Muội cũng đã nghĩ như vậy rồi, thì tỷ chắc cũng phải nghi ngờ Đỗ đại nhân đang lợi dụng chức quyền của mình để buôn gian bán lận, lấy tiền hối lộ đúng không?"
"Không phải! Không phải đâu! Tướng công của muội không phải là người như vậy! Chỉ là muội nghe người dân trong thành bàn tán đến chàng, nói chàng không ra một cái gì cả, nhưng còn chàng thì cứ để mặc ngoài tai, cứ xuề xòa để mặc cho dân chúng nói mình, muội thật không hiểu được tướng công của muội muốn làm cái gì nữa!"
Vương Triều Vân lúc này liền co đôi chân mình lên, rút khỏi mặt nước, sau đó đặt nó lên trên mặt tảng đá để mặc cho ánh nắng chiếu rọi vào đôi chân trắng nõn của mình, rồi nàng quay sang Bàng Vũ Cầm nói: "Việc gì cuối cùng cũng sẽ đế ngày sáng tỏ mà thôi! Việc muội cần làm nhất bây giờ là chuyên tâm đi tìm loại rau quả đó cùng với tỷ!"
Bàng Vũ Cầm nghe xong thì bất giác hỏi lại: "Thật là có loại rau quả đó sao hả Vân tỷ?"
Vương Triều Vân lúc này đã đi xong giầy rồi, nghe Bàng Vũ Câm hỏi lại nàng liền quay đầu lại trả lời: "Dĩ nhiên rồi! Tỷ lừa muội để làm gì chứ! Muội đi giầy vào đi nhanh lên! Chúng ta bây giờ đi kiếm mỗi người một cành trúc, bởi vì loại quả đó nằm sâu dưới lớp bùn dưới sông, chính vì vậy mà chúng ta cần phải có một thứ dụng cụ để moi nó lên, lúc nãy chúng ta vội đi ra khỏi nhà quá mà tỷ quên mất không mang theo thứ để đào, nhưng tỷ thấy dùng cành trúc cũng được rồi!"
Bàng Vũ Cầm sau khi đi giầy xong thì nghe từ nơi xa có giọng nói của Tuyết Phi Nhi, nàng liền lên tiếng gọi, rất nhanh Tuyết Phi Nhi và Liên Nhi hai người liền chui ra ở khu rừng gần đó. Hai người liền vội vã đi đến chỗ Bàng Vũ Cầm, gió thu man mác thổi bay làn tóc xanh uốn lượn trong gió: "Nhị phu nhân, Cầm tỷ tỷ, hai người làm gì ở đây vậy?" Tuyết Phi Nhi gương mặt ửng đỏ chạy đến cầm lấy tay của Bàng Vũ Cầm ân cần hỏi, còn Liên Nhi thì chỉ im lặng ngoan ngoãn đứng ở gần đó mỉm cười không nói.
Vương Triều Vân liền lên tiếng đáp: "Cầm tỷ tỷ của hai người tâm trạng không được vui nên ta đưa Vũ Cầm ra đây ngắm cảnh, đi dạo cho đỡ buồn, ta cũng đang định tìm loại rau lạ ở đây, may quá có hai người ở đây rồi, chúng ta cùng đi tìm được không?"
Tuyết Phi Nhi nghe Vương Triều Vân nói Bàng Vũ Cầm có chuyện không vui như vậy, bèn lo lắng quay sang hỏi Bàng Vũ Cầm: "Cầm tỷ tỷ! Tỷ bị làm sao vậy?"
Bàng Vũ Cầm cũng thấy ngường ngượng chỉ lắc đầu nói: "Không có gì đâu, đừng nghe nhị phu nhân nói! Thôi! Chúng ta đi đào rau đi!"
Đỗ Văn Hạo mấy ngày hôm nay bận đến bù đầu bù cổ, dường như không ai là trông thấy bóng dáng của hắn ở đâu cả, cứ thoắt ẩn thoắt hiện, như một con trạch vậy.
Bây giờ các công trình kiến trúc trọng điểm trong thành Nhã Châu về cơ bản đã được hoàn tất, những người bị mất nhà trong chiến tranh, không nơi nương tựa giờ đây đều đã có nhà mới, xong đâu đấy Đỗ Văn Hạo lại kêu gọi những phú thương mở kho nấu cháo cứu tế them cho dân chúng.
Còn việc phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng vô cùng thuận lợi, đội y tế được Đỗ Văn Hạo phái đi làm việc đều làm ăn vô cùng hiệu quả, bọn họ quán triệt hết tư tưởng đường lối mà Đỗ Văn Hạo đã vạch ra, bệnh truyền nhiễm Thương Hàn cũng được khống chế một cách có hiệu lực.
Mọi việc bây giờ đã dần dần đi vào quỹ đạo, Đỗ Văn Hạo lại bắt đầu nhắm vào việc phát triển nông nghiệp theo hướng đa chiều, còn có tên gọi là nông nghiệp lập thể.
Công việc đầu tiên trong nông nghiệp lập thể là Đỗ Văn Hạo phải tìm được hộ dân để thử nghiệm trước. Thế là hắn đi ra ngoài thành tìm đến một nhà nông dân có ao nước đàng hoàng, sau đó hắn liền truyền bá tư tưởng nông nghiệp lập thể là gì, cách thư xây dựng nông nghiệp lập thể như thế nào, mô hình vận hành nó ra sao cho nhà nông dân đó nghe. Nói cho cùng thì mô hình nông nghiệp lập thể này cũng đơn giản, chỉ cần lợi dụng hết nguồn tài nguyên mà mình có trong tay thì cái gì cũng có thể làm được.
Hộ nông dân kia sau khi nghe xong Đỗ Văn Hạo giảng giải thì tất cả đều há hốc mồm kinh ngạc, những thứ mà hắn nói đều vô cùng mới mẻ, và đơn giản, ai cũng nghĩ tại sao ngày trước mình không nghĩ ra nhỉ, thao tác nó cũng đơn giản, chẳng có gì nặng nhọc cả, nhưng lợi ích thu được lại vô cùng to lớn, xem ra sau này sẽ lợi nhuận sẽ tăng nhiều hơn xưa gấp mấy lần.
Sau khi hoàn thành công tác tìm điểm thử nghiệm nông nghiệp lập thể, Đỗ Văn Hạo liền triệu tập những hộ nông dân có kinh nghiệm lại vào với nhau, rồi đưa họ đến điểm thử nghiệm tiến hành làm mẫu, rồi giải thích cho họ nghe về mô hình nông nghiệp mới mẻ này.
Hiện trường giải thích bao giờ cũng có hiệu quả hơn là ngồi nghe giảng không, những hộ nông dân sau khi chứng kiến tận mắt những lý luận của Đỗ Văn Hạo được áp dụng ra sao, thì bắt đầu cảm thấy ngứa ngáy tay chân, ai cũng muốn ngay lập tức chạy về nhà của mình rồi thử nghiệm một phen, xem xem kết quả thu được sẽ ra sao.
Nông nghiệp lập thể là đường lối phát triển nông nghiệp vô cùng quan trọng của các hộ nông dân vùng núi, chính vì thế mà Đỗ Văn Hạo đặc biệt chú trọng đến nó, do vậy hắn thường hay thức khuya dậy sớm suốt ngày bận rộn với công việc đồng áng, sau khi tiến hành xong công tác tư tưởng, thì hắn lại quay ra chỉ đạo các hộ nông dân tiến hành thực tế.
Đúng vào lúc này, thì có một tin xấu bay đến chỗ của Hàn Tu, Hàn đại tướng quân.
Hàn Tu sau khi nhận được tin bèn cho gọi Đỗ Văn Hạo và Tô Thức cùng đến doanh trại quân đội của ông ta, sau đó đem bức thông điệp mật mở ra cho hai người cùng xem.
Đỗ Văn Hạo đưa bức thông điệp đó lên xem xong thì kinh hãi vô cùng, trong bức mật báo này nói đến các bộ lạc lân cận Tây Sơn đang tập trung binh lực lại hòng đoạt lại đất đai của bộ lạc Tây Sơn.
Sau một hồi thương thảo, Đỗ Văn Hạo hạ quyết tâm nói: "Bây giờ mà bẩm báo với triều đình để điều động Cấm Vệ Quân đến đây viện trợ chắc là không kịp rồi, chúng ta phải tìm biện pháp đối phó khác ngay, tại hạ nghĩ chúng nên dùng biện pháp cũ, đó là tự ý chiêu binh mãi mã, tăng thêm quân số để đối phó với tình hình hiện nay!"
Hàn Tu nghe xong thì im lặng, ngẫm nghĩ một lúc rồi mới chầm chậm nói: "Đỗ Ngự Y, chúng ta chiêu binh mãi mã phải có Thánh Chỉ của Hoàng Thượng mới làm được, Hoàng Thượng lo sợ nhất là các tướng biên ải tay nắm trọng binh, chính vì vậy mà Hoàng Thượng đã siết chặt, khống chế tướng tá biên cương cầm nắm binh, sau đó còn ban lệnh bất kỳ ai tự phép gia tăng quân số trong quân đội của mình sẽ bị chu di cửu tộc!"
Tô Thức thấy vậy cũng nói: "Đúng vậy! Vân Phàm huynh, lần trước chúng ta tự ý chiêu binh mãi mã, bổ xung binh lực lên được mấy vạn đại quân, tuy nhiên tình hình lúc đó cấp bách, do vậy mới vi phạm vào luật cấm của triều đình. Nếu như lần này chúng ta lại tự ý tăng cường binh lực, thì chắc chắn sẽ phạm vào lệnh cấm do Thái Tổ Hoàng Đế để lại, một khi Viện Kiểm Sát biết chuyện tâu lên Hoàng Thượng, thì e rằng Hoàng Thượng cho dù thấu hiểu, thông cảm chúng ta đến mấy cũng không thể nào bảo hộ cho chúng ta được nữa!"
Đỗ Văn Hạo thấy vậy bèn nói: "Vậy mấy vị nói xem chúng ta định giải quyết thế nào đây? Theo tình hình trước mắt bây giờ chúng ta có trong tay đạo quân có sức chiến đấu nhất vẫn chỉ là năm ngàn Cấm Vệ Quân đã đánh tan quân Tây Sơn, còn lại tất cả đều là lính mới, tuy nói là binh lực lên đến mấy vạn, nhưng tất cả đều không có kinh nghiệm chiến trường, bọn họ cũng chỉ mới tham gia có một trận chiến, mà trận chiến đó quân địch do mắc bệnh nên mới không đủ sức chiến đấu, do vậy lính mới của chúng ta mới giành thắng lợi được! Còn bây giờ quân địch của chúng ta lại khác, đều là đại quân dày dạn chiến trường nhất của Thổ Phồn, sức chiến đấu của chúng mạnh hơn chúng ta quá nhiều, thực lực hai bên quá mất cân bằng. Bây giờ bọn chúng tụ họp lại với nhau nhăm nhe mảnh đất Tây Sơn hòng cướp lại cho bằng được, khí thế bọn chúng đang vượng như vậy, e rằng quân khó mà địch lại được!"
Hàn Tu nghe Đỗ Văn Hạo phân tích xong tình hình bèn nói: "Nói thì nói như vậy! Đỗ Ngự Y, lão phu có điều này có lẽ đại nhân không muốn nghe, nhưng lúc này đây lão phu không nói không được! Lão phu cần phải nhắc nhở đại nhân rằng, lệnh cấm của Thái Tổ Hoàng Đế không ai được phép vi phạm cả! Đại nhân đã hiểu chưa vậy?"
"Thật sao?" Đỗ Văn Hạo như muốn nhảy dựng lên nói: "Thế thì tại hạ cũng nhắc nhở với tướng quân một câu rằng, tướng ở ngoài trận có thể không nghe Thánh Chỉ! Hàn tướng quân và Tô Chi Chi! Nếu hai người sợ sệt, không dám làm thì cứ để đấy cho tại hạ! Một mình tại hạ làm là được rồi! Tại hạ quyết không thể nhắm mắt làm ngơ khi để quân Thổ Phồn cướp lại mảnh đất Tây Sơn của mình cả! Có lẽ nhị vị không biết chứ Hoàng Thượng đã nói rồi! Chỉ cần chiếm được Tây Sơn, Hoàng Thượng sẽ phong cho tại hạ làm Tây Sơn Vương! Nếu nhị vị vẫn sợ hãi như vậy, thì cứ ngồi ở đây mà rụt đầu lại, tại hạ sẽ tự mình lo liệu hết!"
Hàn Tu và Tô Thức nghe xong thì thầm kinh hãi, hai người đều không ngờ Hoàng Thượng lại tin tưởng Đỗ Văn Hạo như vậy, bất giác cả hai cùng đưa mắt lên nhìn nhau, rồi cùng đứng dậy, hướng về Đỗ Văn Hạo cúi người thi lễ: "Nguyện nghe lời chỉ đạo của đại nhân!"
Hai người bọn họ trước khi đến đây đều đã được Tống Thần Tông đích thân nói cho họ rằng, bọn họ được như ngày hôm nay tất cả đều là do Đỗ Văn Hạo cất nhắc mà lên cả, nên cũng vì thế mà có phần nể mặt hắn. Hơn nữa những lời Đỗ Văn Hạo vừa nói đều hợp tình hợp lý, nếu như vẫn cứng nhắc giữ luật cũ, không biết biến hóa thì thật là đáng xấu hổ, chính vì vậy mà cả hai sau khi nghe Đỗ Văn Hạo nói xong bèn đứng dậy nghe theo hắn.
"Vậy thì tốt! Chúng ta bây giờ lập tức chiêu binh mãi mã luôn! Đồng thời báo tin quân sự khẩn cấp lên cho triều đình biết để tăng thêm quân tiếp viện!"
Sau khi buổi họp kết thúc, cả thành Nhã Châu bây giờ bắt đầu sôi lên sùng sục, trong thành ngoài phố, ở khắp mọi nơi đều dựng cờ chiêu binh chống giặc ngoại xâm.
Trong những ngày khôi phục lại sau chiến tranh, dân chúng cơm không đủ no, áo không đủ mặc, cho dù nhận được cứu tế của triều đình nhưng cuộc sống vẫn vô cùng khổ cực, bây giờ chiêu binh thì sẽ có cái ăn, nên rất nhanh Đỗ Văn Hạo đã lại chiêu mộ được hàng vạn binh sĩ.
Những binh sĩ mới chiêu mộ được này, Đỗ Văn Hạo đều giao hết cho Lý Phố quản lý, huấn luyện.
Có lẽ là do đột nhiên có hàng vạn quân Đại Tống tràn sang vùng đất Tây Sơn, và biên giới của Nhã Châu đắp thành xây lũy tiến hành phòng ngự, nên đạo quân của Thổ Phồn lúc này không dám manh động, chỉ dám im lặng chờ đợi, vì thế mà nhất thời chưa có chiến tranh đổ ra.
Điều này làm cho Đỗ Văn Hạo hơi yên tâm thêm một chút, nên sau khi tình hình biên giới im ắng trở lại, hắn liền đem hết sức lực của mình vào việc khôi phục Nhã Châu và tiến hành nông nghiệp lập thể. Có những lúc hắn còn ăn ngủ ở nhà các hộ nông dân. Bẵng đi một thời gian, hôm nay Hầu Tử có chuyện muốn đến tìm Đỗ Văn Hạo, khi mới trông thấy hắn, Hầu Tử liền thất kinh, cậu không thể tưởng tượng ra được người đang đứng trước mặt mình là Đỗ Văn Hạo nữa, hắn bây giờ vừa gầy vừa đen, trông khắc khổ vô cùng.
Đỗ Văn Hạo sau khi gặp Hầu Tử liền đưa cậu ta ra chỗ cái bàn đá ở dưới gốc cây hòe gần đó, ngồi xuống nói chuyện, trong tay hắn lúc này có hai cái bánh bao không nhân, hắn đưa lên cắn một cái, còn một cái thì đưa cho Hầu Tử.
Hầu Tử tiếp lấy cái bánh bao trong tay Đỗ Văn Hạo, rồi đưa tay lên bóp bóp thì thấy chiếc màn thầu này cứng như hòn đá, thậm chí nó còn bốc lên một mùi khó ngửi nữa. Hầu Tử cũng chẳng quan tâm, bởi vì cậu ta cũng đã từng ăn những thứ còn khủng khiếp hơn chiếc bánh bao này rồi, vì vậy đưa luôn lên miệng cắn liền một miếng, rồi chờ cho nước bọt ngấm vào trong miếng bánh làm cho nó mềm ra, sau đó cậu ta mới nhai, nuốt nó vào trong bụng.
Hầu tử sau khi cắn xong một miếng bèn quay ra hỏi Đỗ Văn Hạo: "Đại lão gia! Ngày nào lão gia cũng ăn mấy thứ như thế này sao?"
Đỗ Văn Hạo gật đầu mỉm cười đáp: "Ngon ra phết! Mấy cái bánh này chống đói rất tốt, chỉ cần ăn hai cái là no căng bụng rồi! À mà đúng rồi! Cậu đến tìm ta có việc gì vậy?"
Hầu Tử đáp: "Dạ cháu đã điều tra rõ ràng hết rồi!"
"Điều tra cái gì mà rõ ràng thế?" Đỗ Văn Hạo khó hiểu hỏi lại.
"Đại lão gia! Lão gia quên rồi sao? Lão gia bảo cháu đi điều tra về cái trạch viên trên núi đó!" Hầu Tử nhanh nhảu đáp.
Đỗ Văn Hạo lúc này mới nhớ đến cái tòa lâu đài được xây như cái lô cốt ở trên núi, liền vỗ vỗ lên đầu cười nói: "Ồ! Đúng rồi! Ha ha, sao ta lại quên nó được nhỉ! Cậu đã điều tra được cái gì rồi?"
"Cháu gái của ông Lý đã từng làm việc cho Kha Gia Sơn Trang một thời gian, nhưng không lâu sau vì phải đi lấy chồng nên không làm ở đó nữa. Sau đó cháu lại hỏi chị ta xem còn có ai nữa không, thì chị ta bèn đưa cháu đi tìm thêm mấy người đã từng làm ở đấy nữa! Sau khi nghe họ nói xong thì cháu cũng biết được đại khái tình hình, chính vì thế mà cháu mới đến tìm lão gia để bẩm báo!"
Đỗ Văn Hạo lúc này cũng vừa vặn cắn một miếng bánh bao rất to vào trong miệng, chính vì to quá mà hắn không thể nào nuốt trôi được đẫn đế bị ngẹn. Đỗ Văn Hạo vội vã chạy đến bên thùng nước cạnh đó, cầm một gáo nước đưa lên uống ừng ực, sau đó mới lên tiếng nói: "Được, tốt lắm! Cậu nói cho ta nghe xem cậu đã điều tra được cái gì rồi!"
Hầu Tử nghe vậy bèn đáp: "gia thế của dòng họ Kha Gia vốn là một đại địa chủ tại Nhã Châu, nghe nói bọn họ cái gì cũng làm, dĩ nhiên là bọn họ buôn bán đều là những thứ hợp pháp, không hề dính líu đến thứ gì tệ hại cả, quản gia của Kha gia có tên là..."
Đỗ Văn Hạo nghe đến đây thì chen vào cắt lời của Hầu Tử nói: "Thôi được rồi! Cậu không cần phải nói đến gia phả nhà bọn họ đâu! Gia tộc của họ có tiền, có của thế nào ta cũng biết rồi, cái tòa lâu đài to lớn thế kia không phải ai cũng có được đâu! Nếu không phải nhà có tiền, có thế làm sao xây được một trạch viện quy mô đến như vậy! Thế trong nhà bọn họ bây giờ có ai còn sống không?"
"Dạ! Ngày trước mọi người vẫn còn sống ạ!" Hầu Tử dẩu mỏ lên nói.
"Vớ vẩn! Nếu ngày trước không có người nào còn sống, thì làm gì có ai xây được cái trạch viện to như vậy!" Đỗ Văn Hạo cau mày nói.
"Hề hề! Ý của cháu là sau khi quân Tây Sơn bị tiêu diệt xong rồi thì người nhà Kha gia vẫn còn sống?"
"Ố? Vậy tại sao khi cậu và mấy vị phu nhân đến đó lại không thấy có ai vậy?" Đỗ Văn Hạo khó hiểu hỏi,
"Cháu nghe một bà cô làm việc suốt cho Kha gia kể rằng, bà ta rời khỏi Kha gia ba ngày trước khi cháu và ba vị phu nhân phát hiện ra trạch viện. Cái trạch viện đó chỉ là một trong những căn trạch viện của Kha gia mà thôi, thường ngày mọi người trong nhà Kha gia đều sống ở trong thành, sau khi căn trạch viện ở trong thành bị quân Tây Sơn thiêu đốt thì bọn họ bèn chuyển lên khu sơn trang trên núi lánh nạn!" Hầu Tử liến thoắng cái miệng kể.
"Ố! Bọn họ cũng biết lo xa trông rộng ra phết đấy chứ! Cậu nói tiếp đi!" Đỗ Văn Hạo mỉm cười nói.
"Khi đó, Kha lão gia bị bệnh, chắc là do tức quá nên mới sinh bệnh như vậy, bởi vì con dâu của nhà Kha gia bị quân Tây Sơn làm nhục, người con dâu sau đó vì bị làm nhục mà xấu hổ tự sát, trong bụng lúc đó đang mang thai một đứa bé, Kha lão gia vì chuyện đó nên tức quá sinh bệnh, sau đó không lâu thì qua đời!"
"Ài!" Đỗ Văn Hạo nghe đến đây bất giác thở dài cho số phận chớ trêu của một gia đình bất hạnh.
"Kha gia nhân khẩu rất đông, nghe nói có đến mấy chục người lận! Kha lão gia lúc sinh thời có năm vị phu nhân, và mười một người con trai, về sau thì chỉ còn có bốn người con trại là ở lại trong nhà, về sau.... !"
"Thôi được rồi! Cậu lại nói lạc vấn đề chính rồi, cậu nói lằng nhằng nhiều thứ quá, nói đơn giản thôi!" Đỗ Văn Hạo nghe Hầu Tử thao thao bất tuyệt sang chuyện khác, thì vội vã ngăn lại.
Hầu Tử thấy vậy bèn nói: "Dạ, vâng! Nghe nói gia đình Kha lão gia là ngũ đại đồng đường (năm đời ở chung với nhau). Nhưng khi quân Tây Sơn đến đây, Kha gia liền mất đi ba người! À, đúng rồi! Trong Kha gia có một người tên Kha Minh, ông ta giết chết vợ, thiếp và ba người con của của mình, sau đó thì tự sát!"
Đỗ Văn Hạo nghe đến đây bất giác chen vào nói: "Tất cả đều chết rồi hả?"
Hầu Tử đáp: "Nghe nói Kha Minh là cháu đích tôn của Kha lão gia, nhưng Kha lão gia không hề muốn đem tài sản truyền lại cho người này, nói chung câu chuyện rất là phức tạp! Có lẽ Kha Minh vì vậy nên tức giận giết luôn mấy người trong nhà mình, sau đó tự sát!"
Đỗ Văn Hạo nghe đến đây cảm thấy rờn rợn gai ốc nói: "Vậy những người khác còn sống chứ?"
Hầu Tử đáp: "Nghe nói đi vào trong đất Thục (tên địa danh) rồi, gia cảnh nhà họ giầu có như vậy, cũng chẳng thấy tiếc rẻ gì một cái trạch viện con con như thế này cả, nhưng mà nghe nói còn có người muốn ở lại, không muốn đi vào trong đất Thục, nhưng người đó lại không ở trong cái trạch viện này. Đúng rồi, kho thóc trong khu trạch viện đó nhiều lắm, nhiều đến độ đại lão gia cũng không thể tưởng tượng nổi đâu!"
Đỗ Văn Hạo nghe xong thì rung động trong lòng, đây cũng là lúc mà hắn đang cần lương thực hơn bao giờ hết, Đỗ Văn Hạo suy nghĩ giây lát rồi nói: "Cậu lại đi điều tra tiếp xem người ở lại đó là ai, có thể đem lương thực của người đó ra quyên góp cho chúng ta không?"
Hầu Tử nghe xong thì cười lên với vẻ vô cùng đắc ý: "Cháu đã điều tra hết rồi, trong hơn chục ngày nay, cháu nghe mọi người nói nhiều lắm, cái gì cũng có. Nào là chuyện Kha Minh có bốn người con, chỉ giết đi ba người, do vậy mà người còn lại ở đây chính là người con thứ tư của Kha Minh! Cũng có người nói rằng, thực ra người trong dòng họ Kha gia đã bỏ đi hết cả rồi, không còn một ai ở đây cả. Sau đó, cháu trong một lần tình cờ, nghe thấy Lão Cưu (Tú Bà ở lầu xanh) ở Lạc Diêu Viện nói bọn họ mới mua về một nhân vật tuyệt sắc giai nhân có tên là Kha Nghiêu, nghe nói người này thuộc vào dòng dõi của Kha gia. Xong đâu đấy rồi cháu lại chạy đến thông báo cho phu nhân nghe, phu nhân liền bảo cháu dẫn thêm mấy người thị vệ đi xem tình hình, bởi vì cháu còn nhỏ tuổi quá không nên vào mấy chỗ đó!"
Đỗ Văn Hạo nghe vậy thì phá lên cười ha hả.
Hầu Tử nghe Đỗ Văn Hạo cười vậy cũng ngượng chín người, mặt đỏ tía tai nói: "Đại lão gia! Lão gia đừng cười cháu nữa!"
"Ta cười là vì một người sinh ra trong một gia tộc có tiền, gia thế hiển hách như vậy, sao lại rơi vào hoàn cảnh khốn nạn như vậy! Nhưng ta đoán có lẽ Lão Cưu đó chẳng qua là bày trò ra như vậy thôi, chứ trạch viện nhà của người ta còn đấy, đi vào đó làm kiếp con hát làm gì! Thế mà cậu cũng tin sao?"
Hầu Tử nghe xong liền đáp: "Đúng thật mà đại lão gia, vị cô nương đó mới vào đó được một thời gian ngắn thôi, vả lại tuổi còn nhỏ nên chưa tiếp khách được! Vị cô nương đó còn mời cả sư phụ đến để học cầm kỳ thi họa mà! Cháu cũng trông thấy vị cô nương đó rồi! Cháu chỉ cần nói tên của đại lão gia ra thôi là Lão Cưu đã sợ xanh mắt mèo đem vị cô nương đó ra cho cháu xem mặt luôn!"
Đỗ Văn Hạo nghe xong liền đưa tay lên vỗ mạnh tay mình xuống lưng của Hầu Tử kêu lên một tiếng chát chúa, Hầu Tự bị đau kêu lên oai oái: "Thằng ranh con này! Sao ngươi dám lấy danh nghĩa của ta mà vào lầu xanh tìm cô nương hả? Sau này chắc ngươi cũng là một tên thích đi hái hoa ven đường (thích đi lầu xanh)!"
Hầu Tử chỉ biết gãi gãi đầu cười hềnh hệch đáp: "Đại lão gia không biết chứ vị cô nương tên Kha Nghiêu kia xinh đẹp lạ thường! Khi cháu mới gặp cô ấy mà đã như ngây như dại rồi, công nhận là đẹp hết chỗ chê!"
Đỗ Văn Hạo nghe vậy bèn đưa mắt khinh khỉnh nói: "Một tên nhãi ranh miệng còn hôi sữa như ngươi thì biết gì về cái đẹp cơ chứ?"
Hầu Tử le lưỡi ra nói: "Đại lão gia không tin cứ đến đó mà nhìn, cô ấy mới mười bốn tuổi thôi, mà trông cao ráo dễ nhìn, chỉ mỗi tội là sắc mặt quá đỗi lạnh lùng, gặp ai cũng chẳng cười, nghe nói Lão Cưu còn tự ý đặt cho cô ấy một cái tên là Lãnh Nguyệt, cháu thấy cái tên này hơi khó nghe!"
Đỗ Văn Hạo cũng gật gù nói: "Ta cũng thấy cái tên này khó nghe!"
Hầu Tử nghe thấy Đỗ Văn Hạo nói như vậy thì hai mắt sáng lên nói: "Thật chứ?"
Đỗ Văn Hạo lại giơ tay lên định đánh, thì Hầu Tử đã nhanh nhẹn chạy sang chỗ khác tránh né, Đỗ Văn Hạo thấy vậy cười nói: "Cái gì mà thật với chả giả! Ta cho ngươi đi điều tra việc ở trạch viện, thế mà ngươi đã lăng nhăng chạy sang Lạc Diêu Viện để chơi rồi! Không cho ngươi ăn đòn không được!"
Hầu Tử nghe vậy chỉ mỉm cười ma mãnh, sau đó e dè bước đến gần Đỗ Văn Hạo, thấp giọng nói: "Đại lão gia xin đừng đánh cháu vội! Lúc cháu gặp Lãnh Nguyệt, cháu đã hỏi rằng cô ta có quen Kha Minh không, đại lão gia biết cô ta trả lời ra sao không?"
"Không quen!" Đỗ Văn Hạo nói luôn không cần suy nghĩ.
"Sao đại lão gia lại biết được vậy?" Hầu Tử khó hiểu hỏi lại.
Đỗ Văn Hạo mỉm cười đứng dậy nói: "Thì ta đã nói rồi đó thôi, đây chẳng qua là chiêu bài của Lão Cưu để đánh bóng tên tuổi của mình thôi, cậu sao lại nghĩ một tiểu thư danh giá trong dòng họ trâm anh thế phiệt như Kha gia lại phải vào lầu xanh làm con hát nhỉ? Để ta nói cho cậu biết nhé, thứ nhất nếu cô ấy đúng là con của Kha Minh vậy thì khi Kha Minh giết vợ và ba con của mình thì chẳng có lý do gì để không giết cô ấy cả, giết một người và giết một trăm người đều là giết người, về mặt tính chất thì chúng chẳng khác nhau là mấy, thứ hai cho dù Kha Minh không giết cô ấy, thì cả dòng họ Kha gia cũng không thể nào để cô ấy bơ vơ một mình nơi này mà không quan tâm cả! Vàđiều thứ ba cũng là điều quan trọng nhất, nếu cô ấy là dòng dõi Kha gia, thì cái trạch viện trên núi kia giàu có thế nào cậu cũng biết rồi, cô ấy việc gì phải tự hạ thấp mình đi làm kỹ nữ để nuôi sống bản thân mình cơ chứ!"
Hầu Từ nghe xong thì thấy Đỗ Văn Hạo nói vô cùng có lý, nên đành nói: "Vậy thìđề cháu đi điều tra tiếp xem sao!"
Đỗ Văn Hạo nói: "Đi đi! Về sau cậu cũng đừng đến những nơi như Lạc Diêu Viện nữa, nếu không cậu không thọ lâu được đâu!"
Hầu Tử vẫn còn trẻ con nên chắc chắn không hiểu hết hàm ý trong câu nói của Đỗ Văn Hạo, chỉ mỉm cười gật đầu rồi quay người bước ra ngoài.
Đỗ Văn Hạo thấy Hầu Tử đã đi bèn đứng dậy quay vào trong phòng, nhưng khi mới định bước vào trong thì bên ngoài có một viên binh sĩ chạy vào trong thông báo: "Bẩm đại nhân! Bên ngoài có người muốn tìm gặp ngài!"
Đỗ Văn Hạo thấy vậy bèn bước ra ngoài cổng nhìn, khi hắn vừa mới ra đến cổng, thìđã trông thấy ở đó có một nữ nhân ăn mặc diêm dúa, lòe loẹt mỉm cười đứng đó chờ đợi.
Đỗ Văn Hạo thấy vậy bèn nói: "Người này ta đâu có quen đâu!"
Viên binh sĩ thấy vậy bèn cười thầm trong bụng đáp: "Dạ đây là bà chủ của Lạc Diêu Viện ở trong thành đó ạ! Bà chủ muốn mời đại nhân và Lý tướng quân đến đó dự tiệc!"
Đỗ Văn Hạo thấy vậy bèn thầm nghĩ, những loại người này đúng là ghê gớm, dám đến tận doanh trại quân đội tìm mình và Lý Phố, dự tiệc cái nỗi gì! Mục đích đến đây là mời mình đến chơi lầu xanh của mụ ta thôi mà, có gì là lạ! Ý, hình như cô gái tên Kha Nghiêu kia hình như cũng ở trong cái Lạc Diêu Viện này thì phải, sao mà trùng hợp như vậy nhỉ! Đỗ Văn Hạo ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: "Ngươi ra bảo người ta về trước đi, ta và Lý Phố sẽ đến sau!"
Sau khi thu dọn, chuẩn bị xong Đỗ Văn Hạo và Lý Phố bèn lên đường dự tiệc.
Ở phía tây thành Nhã Châu, đường đi quanh co, khúc khuỷu, rặng liễu đìu hiu nên thơ, là một nơi nổi tiếng lãng mạn trong thành Nhã Châu, nơi này khung cảnh hữu tình, là một địa điểm vô cùng thích hợp để khai kỹ viện, chính vì vậy mà kỹ viện nơi đây mọc lên như nấm, và kỳ lạ một điều là khi quân Tây Sơn đến đây cướp phá, thì bọn chúng lại không hề động chạm gìđến nơi đây cả. Toàn bộ thành Nhã Châu chỉ còn mỗi chỗ này là còn nguyên vẹn, và giữ được vẻ phồn hoa vốn có của nó.
Lão Cưu đúng là một người rất biết làm ăn, suy nghĩ vô cùng chu đáo, Lão Cưu biết Đỗ Văn Hạo và Lý Phố sắp đến đây, nên đã chuẩn bị sãn hai cái kiệu chờ cách doanh trại quân đội một đoạn không xa, như vậy khi Đỗ Văn Hạo và Lý Phố lên kiệu vào trong Lạc Diêu Viện, thì sẽ không có ai biết được ai người vào trong đó chơi bời cả! Hai người sau khi lên kiệu, đoàn người liền ngay lập tức khởi kiệu đi thẳng đến khu ăn chơi bậc nhất thành Nhã Châu.
Đỗ Văn Hạo nghe Lý Phố nói rằng, kỹ viện nơi đây xây dựng cũng phải có cách thức riêng của nó, phía trước cổng tốt nhất là nên trồng dương liễu, có hàm ý là e ấp, e thẹn; bên ngoài cửa sổ tốt nhân là nên có dòng lưu thủy, có hàm ý là tình bất tận. Bên trong thiết kế nên chú ý các điểm sau, tiền đường phải rộng, các đình, viện phía trong phải đẹp, xung quanh nên trồng hoa, bên cạnh đó có thể dựng vài hòn non bộ, cạnh đó là có một cái ao cá lãng mạn. Phòng nơi đây rèm che nửa vời, các họa tiết hoa văn trong phòng phải tinh sảo, và không thể thiếu được các yếu tố cầm kỳ thi họa, bút nghiên, mực giấy, căn phòng này phải toát lên một sự tao nhã, thanh lịch quyết không phải là nơi chợ búa bán rau bán thịt. Có như vậy thì khi khách vào trong này mới có cảm giác mình lạc vào chốn thần tiên, tất cả các nỗi tức giận, mệt nhọc, uể oải đều bay đi hết cả. Tiếp sau đó là thứcaăn, điểm tâm, hoa quả, cốc chén, bát đũa, tất cả đều phải thiết kế tinh hoa đẹp mắt và sạch sẽ. Lạc Diêu Viện là một kỹ viện tốt nhất của Nhã Châu, đầu bếp được mời về từ kinh thành, phục vụ cũng vô cùng chu đáo, đồ ăn nơi đây thanh đạm, nhưng rượu lại rất nồng, trà thì thơm mát, tách uống lại vô cùng sạch sẽ. Người hầu trà, hầu rượu đại bộ phận là những thiếu nữ xinh xắn, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng uyển chuyển, động tác thì dịu dàng, hiền thục không có vẻ gì thô lỗ cả. Chính vì vậy mà có rất nhiều người thích đến lầu xanh hưởng thụ như vậy!
Có lẽ do đã được Lão Cưu dặn dò cẩn thận nên hai chiếc kiệu sau khi đến nơi đã tự giác đi ra đằng cổng sau, chứ không phải đi thẳng vào từ cổng trước. Ở cổng trước lúc này cóđủ các loại đàn ông đến đây tìm thú vui, ở một nơi điều kiện phụ vụ tốt như thế này thì bất kỳ các quý ông nào trong túi có tiền đều muốn đến đây hưởng thụ, chỉ cần vài lạng bạng thôi là bọn họ đã có thể tận hưởng vài chén rượu, vài tách trà, và còn được các vị cô nương ngồi hầu nữa, chính vì thế mà họ chẳng tiếc mấy đồng lẻ mà hưởng lạc ở đây, Nhưng, những cô nương phục vụ bọn họ cũng không phải là những cô nương tốt nhất ở đây, bởi tuy cùng là kỹ nữ, nhưng kỹ nữ cũng có cấp bậc riêng của nó, tiền ít thì cô nương xấu hơn một chút, tiền nhiều thì dĩ nhiên làđược dùng hàng đẹp rồi!
Khi bước xuống kiệu, Đỗ Văn Hạo liền đưa mắt ra bốn phương quan sát, nơi đây là một con ngõ nhỏ, không có một bóng người nào cả, lần đầu tiên đến kỹ viện, nên Đỗ Văn Hạo cũng có chút rụt rè, e sợ. Hắn rất khinh bỉ mấy cái ổ chứa như thế này, chính vì thế nên khi mới bước vào trong hắn đã hơi cúi đầu sợ sệt, nhưng Lý Phố thì không, ông ta vẫn hiên ngang đi đằng sau lưng hắn, hiếu kỳ đưa mắt nhìn khắp nơi.
"Ôi! Đỗ Câu Quản đến rồi! Khách quý, khách quý! Thúy Nhi bái liến Đỗ đại nhân và Lý tướng quân!" Lão Cưu lúc này bận một bộ vấy áo đỏ chót, hai cái vạt áo thắt qua giữa ngực, hai tay buông thong, bước đến nghênh đón, tuy bà ta đã ngoài ba mươi tuổi, nhưng lúc này vẫn trông thấy dáng vẻ thanh tú thời thiếu nữ khi xưa, trông cũng không đến nỗi làm người ta cảm thấy ác cảm.
Lão Cưu vừa nói vừa đi đến bên Đỗ Văn Hạo, đưa tay lên đặt lên tay cánh tay của Đỗ Văn Hạo, nhưng ngay lập tức bị hắn hất luôn ra, Lão Cưu thấy vậy vẫn chỉ mỉm cười không nói, trông nét mặt thờ ơ của Đỗ Văn Hạo liền không dám có những hành động thân mật như vậy nữa.
Đỗ Văn Hạo và Lý Phố lúc này được Lão Cưu sắp xếp vào một căn phòng có tên "tổ ấm" trên lầu hai ở phía đông, khi mới bước vào đây một mùi thơm dịu bốc lên thanh thanh, nội thất căn phòng được bố trí vô cùng tao nhã, trông như một khuê phòng của thiếu nữ, trên tường còn treo một bức tranh vẽ hình một thiếu nữ, thiếu nữ trong tranh thân hình đầy đặn, ăn mặc vô cùng hở hang, một tay cầm quạt che nửa bên mặt, một tay đặt lên trên bàn, phía sau cô gái là một hòn non bộ, trên đó được điểm một vài bong hoa màu đỏ, vừa vặn điểm lên mái tóc của thiếu nữ, bức tranh này bố cục cũng khá hợp lý, nét vẽ cũng cầu kỳ công phu.
Đỗ Văn hạo đến gần nhìn kỹ thì phát hiện dưới góc tranh có một dấu ấn triện khắc ba chữ: "Diêm Lập Bổm", Đỗ Văn Hạo sững người sửng sốt, bức tranh này trên thị trường khá là đáng giá, xem ra Lão Cưu Thúy Nhi này cũng biết tiêu tiền chơi sang lắm đây.
Sau khi ngồi xuống thì, Lão Cưu cho gọi hai thiếu nữ gương mặt thanh tú lên hầu, nhưng, nét mặt của Đỗ Văn Hạo vẫn như lúc mới vào đến đây, cứng ngắc và lạnh lùng. Lão Cưu lại cứ tưởng hắn không thích hai thiếu nữ này bèn vội gọi hai người khá đến, Lý Phố thấy vậy thì nét mặt đanh lại, Lão Cưu biết ý không đợi Lý Phố kịp lên tiếng nói đã ra ý bảo hai thiếu nữ đó lui ra, sau đó thận trọng, e dè đến bên Lý Phố, thấp giọng tươi cười nói: "Lý tướng quân! Ngài xem, chúng ta nên chọn cho Đỗ đại nhân người nào thì thích hợp!"
Lý Phô nghe vậy hừ lên một tiếng nói: "Ngươi đã mời Đỗ đại nhân đến đây rồi! Thế mà sao vẫn chưa mời hoa khôi của viện các ngươi lên đây để hầu hạ hả?"
Lão Cưu nghe xong thì cảm thấy vô cùng khó xử, Lý Phố thấy vẻ mặt Lão Cưu như vậy bèn lớn giọng nói: "Ngươi nhỏ nhen như vậy mà cũng đòi mời khách à? Đỗ đại nhân bận rộn như vậy, làm gì có thời gian ở đây mà lằng nhằng với ngươi! Đi! Đi hết cả đi! Không có người thì chúng ta đi đây!"
Lão Cưu thấy vậy thì sợ hãi vô cùng, bèn len lén đưa mắt sang nhìn Đỗ Văn Hạo, thì thấy nét mặt của hắn cũng chẳng có biểu hiện gì cả, thì thầm nghĩ chả trách mà trẻ tuổi như vậy mà đã làm đến chức Câu Quản, xem ra cá sộp rồi đây, nghe nói đến cả Chi Châu đại nhân còn phải nghe lời ông ấy, thì đúng là người có bề thế rồi! Trông ông ta còn trẻ vậy mà đã trầm tĩnh như vậy thì thật là hiếm có!
← Hồi 319 | Hồi 321 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác