← Hồi 282 | Hồi 284 → |
Đỗ Văn Hạo lấy một chiếc ghế đưa cho Lâm Thanh Đại ngồi, còn mình thì ngồi lên bên mép giường, đại hán thấy vậy sắc mặt thẹn đỏ ngượng ngùng nói: "Đại phu! Tại hạ bị bệnh mấy tháng nay, cứ nằm ở trên giường suốt, đại tiểu tiện đều ở ngay tại đây nên giường giờ đây bẩn lắm! Đại phu..."
Đỗ Văn Hạo nghe xong thì mỉm cười nhẹ nhàng nói: "Không sao cả! Đại phu mà chê bệnh nhân bẩn thì không phải là một đại phu chân chính, ngươi thấy khó chịu chỗ nào?"
"Chỗ nào cũng khó chịu cả!" Đại hán lại thở dài một cái, rồi chầm chậm nhấc tay mình lên nói: "Ví dụ như cánh tay này, nó cứ như bị tê liệt vậy, không đau không ngứa gì cả, nhưng mà bên trong thì lại như có hàng ngàn hàng vạn con kiến bò lổm ngổm trong đó, nhất là hai đôi chân, chẳng khác nào một khúc gỗ không hơn không kém, đại phu thử sờ mà xem! Không có lấy một cảm giác nào cả, cho dù có dùng đinh đóng đi nữa thì cũng không có cảm giác đau đớn, cứ như vậy nên tại hạ không có cách nào xuống giường được, cũng chẳng làm được việc đồng áng nữa, tại hạ bây giờ chẳng khác gì một người tàn tật cả! Hu hu hu!!!"
Đường đường là một người đàn ông, vậy mà bây giờ phải đưa gấu áo lên che mặt mà khóc rưng rức, quả cũng đáng thương.
Đỗ Văn Hạo chờ cho vị đại hán này bình tĩnh hơn một chút, rồi mới hỏi tiếp: "Thế những bộ phận khác trên cơ thể thì cảm thấy thế nào?"
Đại hán lại nấc lên đáp: "Trên mặt, lưỡi, vai, ngực, bụng đều có cảm giác tê dại, nhưng tay và chân thì nghiêm trọng nhất."
"Để ta xem xem!"
Đỗ Văn Hạo bắt lấy tay của đại hán xoa xoa, bóp bóp một hồi, sau đó giở chăn đắp trên người của anh ta ra, một luồng khí tanh ngòm, hôi thối đột ngột bốc lên, gã đại hán thấy vậy vội đưa mắt lên nhìn Đỗ Văn Hạo, thì thấy hắn cũng không có biểu hiện nhăn nhó cau mày ghê tởm gì mà chỉ thấy hắn vẫn chăm chú, nhẹ nhàng vén ống quần của mình lên lên, gã đại hán thấy vậy thì bất giác hai hàng lệ lại nhỏ dài trên gò má.
Đỗ Văn Hạo lại quan sát tiếp đôi chân của đại hán, thì thấy đôi chân không có dấu hiệu gì là co rút cả, hắn đưa tay mình lên xoa bóp, thậm chí bấu véo đôi chân của đại hán, nhưng quả đúng như lời anh ta nói, đôi chân của anh ta chẳng có chút cảm giác nào cả.
Đỗ Văn Hạo thấy vậy liền nói: "Ngươi thử hoạt động chân của mình xem nào!"
Đại hán cố gắng hoạt động đôi chân của mình, quả nhiên ngón chân có hơi chút động đậy.
"Ngươi thử co duỗi chân ra xem nào!"
Đại hán liền làm theo lời của Đỗ Văn Hạo, hai chân của anh ta quả nhiên có thể co duỗi được, nhưng cũng vô cùng khó khăn.
Đỗ Văn Hạo gật gật đầu nói: "Bệnh của ngươi phát tác từ khi nào thế?"
"Ừm! Hình như là mới vào mùa đông năm ngoái, sau khi bận xong công việc đồng áng, thì tại hạ liền đến huyện Đông Minh tìm việc làm, ai ngờ đến lúc lập đông thì cảm thấy toàn thân tê dại, không còn cảm giác nữa, tại hạ cảm thấy sợ hãi vô cùng, nhưng trong tay lại chẳng có tiền, vì lúc trước tại hạ đã mua đồ mừng năm mới cho cha và con của mình rồi, làm gì còn tiền thừa mà mời đại phu nữa cơ chứ! Nghĩ vậy nên tại hạ cứ âm thầm chịu đựng, một tháng sau đó thì phát hiện ra tình hình càng lúc càng nghiêm trọng, đừng nói là đi làm, mà đến cả đi lại bình thường tại hạ cũng thấy vất vả vô cùng."
Đỗ Văn Hạo liền bắt mạch, xem lưỡi cho đại hán, rồi đột nhiên trở nên trầm ngâm tĩnh lặng: "Hai chân của ngươi vẫn chưa bị hoại tử, cơ thể bị tê liệt là do gió độc xâm nhập vào kinh lạc, làm cho khí huyệt bị tê liệt và ngưng trệ, hoạt động không được thông suốt, căn bệnh này không khó chữa cho lắm, chỉ cần làm thông kinh lạc, tiêu trừ gió độc là xong, còn về dùng thuốc thì theo lẽ thường sẽ dùng Tần Uyển Thiên Ma Thang là tốt nhất, nhưng Thiên Ma lại quá đắt, e rằng ngươi không đủ tiền để mà mua."
Ông lão và đứa bé đứng bên cạnh nghe xong thì bốn mắt nhìn nhau, sau đó lại cùng trông vào Đỗ Văn Hạo một cách khó hiểu nói: "Tiên sinh cũng cho rằng con trai của ta bị gió độc xâm nhập kinh lạc sao?"
"Đúng vậy! Có gì sai sao?"
"Không dấu gì tiên sinh, con trai ta sau khi bị bệnh, chúng ta cũng có góp tiền đi Đông Minh huyện tìm một lang trung xem bệnh rồi, vị lang trung đó phán bệnh chẳng khác gì tiên sinh cả, nhưng mà chúng ta đưa tiền cho ông ta chữa rồi mà cũng có khỏi đâu!"
"Ồ? Vậy vị lang trung đó kê thuốc như thế nào?" Đỗ Văn Hạo cảm thấy kỳ quặc, nghi ngờ hỏi lại.
"Kê thuốc gì thì lão cũng không hiểu, nhưng đơn thuốc thì cũng chép về đây rồi, để lão đưa cho tiên sinh xem xem!"
Một lát sau, ông lão lấy ra một tờ giấy ghi phương thuốc chữa bệnh từ trong chiếc bàn cũ kỹ ra, phương thuốc này giờ đây cũng bị vò đến nhầu nhĩ, tả tơi hết cả, Đỗ Văn Hạo thấy vậy liền giơ tay đón lấy, ông lão nói tiếp: "Đây, chính là cái này này, năm ngoái kê đơn thuốc này, cứ tưởng là sẽ chữa trị được luôn để mà đón tết, nhà ta vì chữa căn bệnh này mà cũng tiêu không biết bao nhiêu là tiền, đem tất cả đồ sắm tết bán hết đi rồi. Con trai ta là nguồn lao động chủ lực trong nhà, nên bệnh khỏi nhanh ngày nào thì kiếm tiền sớm được ngày đó, bọn ta gom hết tiền lại đi ra huyện thành tìm đại phu đàng hoàng hẳn hỏi để chữa bệnh, vậy mà ai ngờ cũng chẳng có một tý kết quả nào cả!"
Đỗ Văn Hạo sau khi cầm lấy phương thuốc, liền đưa nó sát vào ánh đèn xem xét một cách cẩn thận: "Phương thuốc nào mà chữa không khỏi bệnh thì có thể đi tìm đại phụ mà hỏi cho rõ ngọn ngành! Trong những trường hợp như vậy thì phúc chẩn không phải tốn thêm tiền chữa bệnh đâu!"
"Đúng vậy! Chúng ta đi rồi, cũng tìm đến vị lang trung đó và ông ta cũng miễn phí phúc chẩn rồi, sau khi phúc chẩn xong thì nói bệnh này chỉ có thể dùng Thiên Ma! Thuốc không có hiệu nghiệm là do lượng không đủ, nên thử dùng trong một thời gian xem thế nào đã!"
"Lẽ nào không có một chút hiệu nghiệm nào sao?"
Ông lão gật gù nói: "Không những không hữu hiệu, mà bệnh tình thì lại càng ngày càng nặng thêm! Mới đầu thì còn có thể dò dẫm mà bước đi được, nhưng sau khi uống thuốc này vào thì hai tháng sau đến cả việc đi lại cũng không thể nữa rồi, về sau thì chỉ biết nằm trên giường mà thôi!"
"Sao lại không đi tìm ông lang trung kia tiếp!"
"Đi tìm rồi! Nhưng ông ta cũng rất kỳ lạ, xem xét đến cả nửa canh giờ rồi mà kết quả phúc chẩn vẫn như cũ, ông ta nói, ông ta dùng bài thuốc này chữa trị cho bao nhiêu ca bệnh bị nhiễm gió độc vào kinh lạc như thế này rồi, tất cả đều vô cùng hiệu nghiệm, do vậy cũng chẳng hiểu chuyện này rốt cục là ra sao nữa! Ông ta còn nói nếu bệnh này mà dùng phương thuốc ông ta kê không có hiệu nghiệm, thì ông ta cũng chẳng có cách nào khác nữa cả, sau khi về nhà bọn ta cũng thương lượng với nhau nghĩ rằng vị đại phu đó xem nhầm bệnh rồi, nên quyết định đi tìm vị đại phu khác đến xem!"
Đỗ Văn Hạo nghe xong cười khổ đáp: "Mấy người quả là toàn đoán mò rồi hành động hồ đồ, loại bệnh này không khó biện chứng, hầu hết các đại phu đều có thể biện chứng được, nhà của mấy người vốn cũng đã không có tiền, nên dồn tiền lại mà chữa bệnh, chứ đừng chạy loạn hết chỗ này đến chỗ khác tìm đại phu chữa bệnh, vì xem đi xem lại thì cũng vẫn chỉ có một kết quả như vậy mà thôi!"
Ông lão nọ nghe xong thì kinh ngạc lắm, một hồi sau mới nói tiếp: "Đại phu! Đại phu nói đúng lắm! Chúng tôi cũng góp tiền đi tìm thêm hai vị đại phu nữa để khám bệnh, trong đó có một vị là có tiếng thần y, chỉ mới xem một lần thôi mà đã hét năm trăm tiền rồi! Con dâu của ta đi kiếm củi, một gánh nhiều lắm mới bán được mười tiền, như vậy thì phải đến tận hai tháng sau mới kiếm đủ tiền để khám bệnh, con dâu của ta giấu chồng của nó đem đặt chiếc áo bông đi, rồi bán hết củi đi vào trong huyện làm các công việc dọn dẹp, giặt giũ, hầu hết những công việc tay chân nặng nhọc nó đều làm hết rồi, sau khi gom đủ tiền đưa cho vị đại phu thần y kia, thì ông ta chỉ cần nửa tuần trà là đã buông ra được một câu kết luận y hệt với vị đại phu trước! Làm bọn ta tức muốn chết!"
Đỗ Văn Hạo lắc đầu nói: "Vị thần y đó thu phí quả nhiên là hơi đắt, nhưng mà cũng không thể trách ông ta được, bởi vì bệnh của con trai lão nói đi nói lại nó vẫn là bệnh đó, làm sao có thể nói thành bệnh khác được, đúng không? Ông ta tuy dùng một tuần trà chẩn đoán bệnh cho con trai lão cũng xem như có lòng lắm rồi đó!"
Ông lão nghe xong bèn ôm mặt khóc nói: "Ta đến giờ cũng đã hiểu ra rồi, nhưng hồi đó ta không biết, ta cứ tưởng bọn họ không xem xét cẩn thận cho ta, cứ đi tìm người ta, bắt người ta xem lại, vị thần y đó cũng rất tốt, ông ta cũng vô cùng nhẫn nại giải thích cho ta nghe bệnh này rốt cuộc là như thế nào, tại sao lại dùng phương thuốc này, thậm còn giải thích tác dụng các vị thuốc trong phương thuốc nữa, và bảo rằng cứ uống thuốc này vào nhất định sẽ khỏi!"
"Y đức của vị thần y đó cũng không hề tồi chút nào, tuy ông ta thu phí có hơi cao, nhưng cũng không phải là hạng chăm chăm hám lợi, lừa tiền, bệnh của con trai lão thì ông ta cũng chẩn đoán, kê đơn chính xác lắm rồi, không có gì có thể trách móc ông ta được cả. Thực ra thì vẫn là câu nói đó, bệnh này không khó chữa, chỉ cần là một đại phu thì đều kê phương thuốc đó hết cả, không có sự lựa chọn nào khác, tiền xem bệnh của mấy người coi như lãng phí hết rồi!"
Ông lão bây giờ vô cùng ân hận, cứ đấm vào ngực mình thùm thụp, nói với Đỗ Văn Hạo: "Đại phu! Đại phu quả là một con người thành thực! Nghe người ta nói thì không có một người đại phu nào lại thấu hiểu tình người như vậy, các đại phu khác chỉ mong bệnh nhân của mình cứ tìm đến mình mà chữa bênh, rồi moi tiền của họ! Nhưng đại phu thì lại khuyên nhủ vô cùng thấu tình đạt lý. Ài! Nếu như lão nghe được những lời này của đại phu từ sớm thì đã không lãng phí bao nhiêu tiền của như vậy rồi! Nhưng mà lúc đó lão cũng không hiểu, những đồng tiền đó là bao nhiêu mồ hôi công sức khó khăn lắm mới gom góp vào được, vậy mà chỉ cần một vài lời phán mà đã tan biến hết cả! Lão cũng đã quỳ xuống van nài vị thần y đó xem lại cho kỹ, nhưng ông ta vẫn cứ phán như vậy, con dâu và cháu của ta cũng lại quỳ xuống van xin, ông ta lại vẫn phán như vậy!"
Đỗ Văn Hạo nghe thấy vậy thì thở dài nói: "Vốn dĩ, người ta đã xem đúng bệnh rồi thì có phúc chẩn đến cả trăm lần đi chăng nữa thì kết quả vẫn như vậy mà thôi!"
"Đúng vậy! Lão cũng nghe vị thần y đó nói như thế, lão cũng tuyệt vọng lắm, sau khi khám bệnh xong thì thần y bảo lão ra cắt thuốc, nhưng xem bệnh xong cho con trai mình thì lão làm gì còn tiền nữa, vay bà con hàng xóm cũng hết rồi, chủ nợ thì cứ dăm ngày lại đến giục trả nợ, lão làm gì còn tiền nữa đâu mà cắt thuốc nữa cơ chứ!"
Đại hán lúc này cũng thương tâm nói: "Đúng vậy! Trong nhà bây giờ cũng chẳng còn gì nữa rồi, vì chữa bệnh cho tại hạ mà thứ gì bán được, cầm được, mượn được đều không cánh mà bay đi hết. Cha của tại hạ, mùa đông rét mướt còn phải lên núi kiếm củi, kết quả là trượt chân bị ngã sưng húp cả mặt, hỏng cả mắt rồi! Hu hu hu!"
Ông lão lúc này cũng thở dài não nề nói thêm vào: "Đều tại lão cả, tay nắm không vững, nên bị trượt chân ngã xuống, tiền chữa bệnh cho con trai ta giờ lại dùng hết để chữa cho ta rồi!"
Đỗ Văn Hạo liếc lên nhìn trộm gương mặt hung tợn của ông lão, giờ thì hắn mới hiểu nguyên do vì sao ông lão lại ra nông nỗi thế, thì ra là vì kiếm tiền chữa bệnh cho con nên bị ngã thành ra như vậy, thế mà hắn cứ tưởng là ông ta bị bỏng mà ra. Đỗ Văn Hạo thấy người trong nhà này khổ sở như vậy, mà nhất quyết không muốn nhận lạng bạc mà hắn trả cho một cốc nước, thì cảm thấy bọn họ quả là thật thà chất phác.
Gã đại hán lúc này lại ôm mặt khóc rấm rức: "Cha và phu nhân của tại hạ khổ sở gom góp tiền chữa bệnh cho tại hạ, vậy mà bệnh vẫn mãi không chịu khỏi! Vợ của tại hạ thì giờ đang đòi bán đất, đổi lấy tiền chữa bệnh cho tại hạ, tại hạ tức quá lấy một sợi dây mà nói rằng, nếu nàng bán mảnh đất này thì ta sẽ treo cổ tự vẫn ngay lập tức! Do vậy mà nàng ta mới không dám, tại hạ nghĩ rồi, nếu không chữa khỏi được nữa thì tại hạ sẽ từ bỏ nàng, tại hạ không thể để nàng phải chịu khổ cùng tại hạ được!"
Đỗ Văn Hạo nghe xong thì vỗ vỗ vào vai đại hán nói: "Đừng nhụt chí như vậy, bệnh của ngươi thực ra cũng dễ chữa thôi, để ta giúp ngươi, yên tâm đi không có vấn đề gì đâu!"
Đại hán nghe vậy khoát tay khóc lóc nói: "Đại phu! Ngài là một người tử tế, tốt bụng nhưng đại phu nói là bệnh của tại hạ rất tốn kém, giờ đây trong nhà của ta chẳng còn gì nữa rồi, tất cả đều phải sống dựa vào vợ tại hạ hết, ta thà chết đi còn hơn!"
Tảo Nhi đứng bên cạnh thấy cha mình nói như vậy liền chạy đến ôm luôn vào đôi chân vô tri vô giác của đại hán mà kêu khóc: "Cha ơi! Cha không muốn Tảo Nhi nữa sao? Tảo Nhi biết nhóm lửa, biết đun nước cho cha rồi!"
Lâm Thanh Đại thấy vậy vô cùng thương tâm, nàng bỗng nhớ lại số mệnh của bản thân mình, vội ôm Tảo Nhi vào trong lòng, nàng nấc nghẹn không biết dùng từ ngữ gì an ủi Tảo Nhi cho phải cả.
Ông lão lúc này nước mắt nước mũi chảy ròng ròng nói với Đỗ Văn Hạo: "Không phải lão không tin tưởng đại phu, nhưng đại phu cũng nói rồi, đại phu phán xét kết quả y hệt mấy người đại phu kia, bọn họ chữa cũng không khỏi, lẽ nào đại phu lại có thể?"
Đỗ Văn Hạo gật gật đầu, hắn thầm nghĩ, vấn đề rốt cuộc là do đâu, hắn lại chậm rãi nhìn lại phương thuốc một lần nữa, phối thuốc, dung lượng, cách đun thuốc đều không có gì sai cả, hắn liền cau mày nói: "Vị thần y ở huyện Đông Minh tên gì vậy?"
"Họ Gia Cát, tên Tùng, nghe nói biệt hiệu của ông ta là "Sấu Trúc", bởi vì ông ta vô cùng yêu thích trúc, đằng sau căn phòng của ông ta trồng rất nhiều trúc!"
"Sấu Trúc? Có vẻ hay đây! Thế phương thuốc ông ta kê đâu?"
"Ông ta vẫn chưa kê!"
"Tại sao vậy?"
"Bởi vì chúng tôi đưa cho ông ta xem phương thuốc của vị đại phu trước, ông ta nói phương thuốc này được, không cần phải thêm thắt gì nữa, nếu ông ta có kê thì cũng giống như vậy, vậy nên cứ để nguyên như vậy mà cắt thuốc được rồi!"
"Vậy lão cắt thuốc rồi chứ?"
"Chưa! Gia Cát thần y bán thuốc đắt quá, kể cả có tiền lão cũng chẳng cắt ở đó đâu, bên ngoài đường đầy rẫy ra đấy, vừa rẻ vừa hợp lý, tất cả đều là thuốc mà, mua ở đâu mà chẳng như nhau!"
Đỗ Văn Hạo nghe xong thì trong đầu lóe lên điều gì đó liền nói: "Thuốc đâu? Có còn thuốc thừa không?"
Ông lão lắc đầu nói: "Không còn nữa rồi, đều sắc hết sạch rồi!"
"Bã thuốc đâu?"
"Đổ hết đi rồi!"
"Đổ ở đâu?"
"Đổ ra sông đằng sau nhà, mọi lần đều là Tảo Nhi đi đổ bã thuốc, khi đó là khai xuân, nên bã thuốc có lẽ đã bị cuốn trôi hết đi rồi, sau đó thì không có tiền mua thuốc nữa, nên đành chịu, sao? Lẽ nào thuốc có vấn đề?"
"Bao nhiêu đại phu đều phán bệnh có kết quả giống nhau, kê thuốc cũng y hệt, nhưng lại không có hiệu quả, vậy chắc chắn là thuốc có vấn đề rồi."
Đại hán đang nằm trên giường lúc này cùng với cha của mình đều đưa mắt nhìn nhau, đại hán nói: "Không phải chứ! Thuốc có lẽ không có vấn đề gì đâu!"
"Thuốc lão mua ở đâu vậy? Mua ở bọn bán thuốc ngoài đường ư?"
"Không phải!" Ông lão lắc đầu nói: "Bệnh này quan hệ đến sự sống còn trong nhà, lão làm sao có thể mua của bọn chúng được chứ, thuốc bọn chúng bán hầu như toàn là đồ giả cả, lão biết chứ, vậy nên lão mới đến tiệm thuốc của vị đại phu đầu tiên khám chữa ở Đông Minh huyện mua thuốc đó chứ!"
Đỗ Văn Hạo hỏi: "Tiệm thuốc đó có tên là gì vậy?"
"Huệ Dân Dược Phố! Chưởng quầy họ La."
Đỗ Văn Hạo trầm ngâm giây lát rồi nói: "Ngày mai ta vào trong thành, rồi đến tiệm thuốc đó xem thế nào thì sẽ biết ngay thôi!"
Tảo Nhi từ nãy đến giờ vẫn quỳ ôm đôi chân của cha mình im lặng nãy giờ mới ngước mắt lên nhìn, rồi âm thầm chạy thẳng một mạch ra ngoài, không một ai để ý đến cả, lúc sau Tảo Nhi bước vào tay bưng một cái niêu đất, không nói không rằng, đưa thẳng đến tay Đỗ Văn Hạo!
"Cái này là cái gì?" Đỗ Văn Hạo nhận lấy, ngửi thấy một mùi thơm phảng phất từ trong đó.
"Đó là bã thuốc của cha!"
"Bã thuốc!" ông lão vui mừng hét lên: "Không phải là đã đổ hết ra sông rồi sao?"
Tảo Nhi đáp: "Hồi trước thì đúng là đổ ra sông, nhưng sau khi đi khám nơi ông thần y râu bạc về, ông nói là không có tiền mua thuốc, nên cháu mới đem bã thuốc còn lại cho vào cái niêu đất này."
"Con giữ bã thuốc này lại để làm gì?"
"Để cho cha dùng! Nhưng cha không chịu dùng bã thuốc nên suốt ngày mắng chửi Tảo Nhi nghịch ngợm! Hu hu hu!" Tảo Nhi vừa lau nước mắt vừa khóc lên hu hu.
Lâm Thanh Đại nghe xong thì cảm thấy xót thương Tảo Nhi vô cùng, nàng vội tiến đến nhẹ nhàng ôm bé vào lòng rồi gạt nước mắt của bé và nói: "Tảo Nhi ngoan lắm! Tảo Nhi rất biết thương cha của mình, thôi đừng khóc nữa!"
Tảo Nhi nấc nghẹn lên rồi gật gật đầu đồng ý, sau đó bò lên ôm vào vai nàng, giương đôi mắt đẫm nước mắt của mình lên nhìn Đỗ Văn Hạo.
Đỗ Văn Hạo lúc này đã đem bã thuốc đưa ra chỗ chiếc đèn chống gió kiểm tra một cách tỉ mỉ.
Khi Đỗ Văn Hạo ngẩng đầu lên thì thấy mắt hắn sáng rực lên, ngón tay chỉ hẳn vào một miếng bã khô rồi nói với Lâm Thanh Đại: "Nhìn xem này, nó là cái gì vậy?"
Lâm Thanh Đại cũng là người làm về thuốc nên chuyện này không thể làm khó dễ nàng được, sau một hồi xem xét, Lâm Thanh nói: "Thiên Ma!"
"Có đúng là Thiên Ma không?" Đỗ Văn Hạo hỏi ngược lại.
Lâm Thanh Đại nghe hắn hỏi vậy thì hơi sững người lại, nàng nhẹ nhàng đặt Tảo Nhi xuống rồi đưa cái bã kia lên cho vào miệng cắn một miếng, tiếp theo đó là một tiếng rốp giòn tan vang lên, Lâm Thanh Đại ý lên một tiếng, khuôn mặt vô cùng kinh ngạc nhìn Đỗ Văn Hạo.
Đỗ Văn Hạo mỉm cười gật đầu.
Lâm Thanh Đại cúi người xuống lật lật bã thuốc một cách thận trọng, rồi lại tìm thấy mấy miếng bã Thiên Ma, nàng đem hết chúng phân ra ngoài rồi lại tỉ mỉ kiểm tra lại, sau đó sắc mặt nàng trở nên phẫn nộ đến đỉnh điểm: "Là thuốc giả! Mấy cái Thiên Ma này đều là thuốc giả! Thảo nào mà uống vào mãi mà bệnh không khỏi, thì ra thuốc uống là đồ giả!"
Ông lão và đại hán lúc này mới sững người hoảng hốt, ông cụ vội vã chạy đến nhìn chăm chú mấy miếng bã của Thiên Ma giả, sau đó đưa ra trước cái đèn chống gió tỉ mỉ kiểm tra lại, gã đại hán cũng đưa tay ra chỗ Lâm Thanh Đại rồi nói: "Xin cho tại hạ được xem một chút!"
Lâm Thanh Đại liền đưa miếng bã của Thiên Ma giả đưa vào tay của đại hán, nhưng hai người này có hiểu gì về thuốc đâu, đưa lên xem xét nửa ngày rồi cũng chẳng hiểu mô tê gì cả, liền sau đó lại đưa mắt lên nhìn Lâm Thanh Đại.
Lâm Thanh Đại cầm một miếng bã Thiên Ma giả lên, chỉ vào nói: "Để phân biệt Thiên Ma thật giả ra sao thì có một câu khẩu quyết thế này: 'Anh ca tủy, tứ đỗ tề, ngoại hữu hoàn điểm can khương bì, tùng hương đoạn diện yếu lao ký' (Tạm dịch: cong như mỏ vẹt, có bốn lỗ, bên ngoài giống vỏ gừng khô, bề mặt giống như Tùng Hương, hãy nên nhớ kỹ điều này) miếng Thiên Ma này cho dù được đun qua qua, và cách một thời gian khá dài, nên ngoại hình cũng không dễ nhận ra, nhưng đồ giả thì vẫn là giả, khi cho vào miệng cắn thử, thì sẽ bị lộ diện ngay. Vị của Thiên Ma thật là trong đắng lại có ngọt, khi cho vào miệng cắn thì thấy nó giòn tan, nhưng sau đó thì lại thấy nó dinh dính ở trong miệng."
Ông lão nghe xong thì đang ngồi dưới ghế lập tức đứng hẳn dậy, thét lên một tiếng giận dữ: "Lão nương nhà bọn chúng! Bọn chúng dám lừa ta! Lão thề sẽ phanh thây bọn chúng!" Nói xong ông liền đi đến góc tường lấy chiếc cuốc lên phóng thẳng ra ngoài, làm cho Tảo Nhi sợ quá khóc lên oa oa.
Đỗ Văn Hạo trông thấy cũng vội vàng kéo giật người ông lão lại nói: "Ông lão ơi! Đừng có xúc động như vậy! Nghe tại hạ nói đã!"
Ông lão thở hổn hển đáp: "Đại phu! Đa tạ đại phu đã nhắc nhở! Con trai của lão phu đã như thế này rồi, bọn chúng còn hãm hại làm cho cả nhà ta không còn con đường sống, hôm nay ta phải tìm bọn chúng giải quyết mới được! Bọn chúng mà không chịu ta sẽ liều chết với bọn chúng! Mau mau bỏ ta ra!'
Đỗ Văn Hạo cũng hét lên: "Ông lão! Lão nghe tôi nói cái đã! Nghe xong rồi mà lão vẫn muốn đi thì tại hạ quyết không can ngăn nữa!"
Ông lão lúc này bỗng nhiên cảm thấy cổ tay mình mất hết sức lực, cái cuốc phút chốc đã nằm trong tay của Đỗ Văn Hạo, ông lão không khỏi kinh ngạc, giương mắt nhìn vào anh chàng trẻ tuổi nho nhã này thầm nghĩ sao hắn ta lại có một sức lực khỏe đến như vậy nhỉ. Mình lao động cả đời người rồi, cũng ít khi thấy người nào có thể cướp được cái cuốc trong tay của mình dễ dàng như vậy, thế mà.....
Đỗ Văn Hạo lúc này đang thi triển tuyệt chiêu Phân Cân Thác Cốt Thủ của Lâm Thanh Đại dậy cho hắn, sau khi đoạt được cái cuốc trong tay ông lão, thì hắn ra ý bảo ông lão ngồi xuống, Tảo Nhi trông thấy ông mình quay về, và được Lâm Thanh Đại dỗ dành vài câu cũng không khóc nữa.
Ông Lão lúc này vẫn đang vô cùng tức giận khi bị Đỗ Văn Hạo dí ngồi xuống ghế, lão thở hổn hển mắt trợn ngược nhìn vào hai tay nắm chặt của mình, cứ như muốn giết người đến nơi vậy: "Có gì tiên sinh cứ nói!"
Đỗ Văn Hạo đáp: "Lão bây giờ đi ra tiệm thuốc nói chuyện thì cũng đã quá mấy tháng rồi, làm gì còn chứng cứ gì là lão mua thuốc của bọn họ, lão dựa vào đâu mà nói thuốc Thiên Ma của bọn họ là giả chứ?"
Ông lão nghe xong thì sững người, rồi lại vỗ vỗ vào ngực mình nói: "Dựa vào đâu? Dựa vào lương tâm chứ vào đâu! Bọn chúng bán thuốc giả mà lại dám chối là mình không bán đồ giả ư? Đừng hòng! Nếu bọn chúng không nhận ta sẽ cho chúng chết hết! Đưa cuốc đây cho ta!"
"Nếu như lão chết rồi thì gia đình lão sẽ ra sao? Con trai lão, cháu gái lão phải làm thế nào đây!"
Ông lão ngây người ra, ngồi phịch xuống đất thở ra phì phì, phẫn nộ nói: "Lẽ nào cứ phải nhẫn nhịn thế này hay sao?"
"Không thể nhẫn nhịn được!" Đại hán lúc này gắng gượng đưa đôi tay lên xua xua nói: "Đến nha môn đánh trống kêu oan! Ta không tin rằng trên đời này không còn chỗ cho những người nghèo như chúng ta! Nếu không được nữa thì cả nhà ta treo cổ tự vẫn ngay trước cửa tiệm thuốc bọn chúng! Dù sao bây giờ ta sống cũng chẳng khác gì chết nữa cả!"
Ông lão cũng đứng phắt dậy nói: "Đúng lắm! Đi, liều chết với bọn chúng!"
Đỗ Văn Hạo lúc này mới lên tiếng: "Mấy người vội cái gì cơ chứ! Việc này ta có cách! Không cần phải liều mạng với ai cả, không những thế lại còn đòi được tiền thuốc, bắt chúng đền bù thiệt thòi nữa!"
Ông lão và đại hán lập tức thôi không kêu gào nữa, mà cùng đồng thanh hỏi: "Cách gì?"
Đỗ Văn Hạo đưa mắt lên nhìn bọn họ một lượt rồi mỉm cười nói: "Đừng vội! Việc này cứ giao cho ta được rồi, sáng sớm ngày mai ông lão hãy cùng với ta đi vào trong thành rồi làm theo những sắp đặt của ta, ta đảm bảo rằng lão sẽ có tiền bồi thường, có món tiền này rồi lão có thể chữa được bệnh cho con trai mình, bệnh của huynh ấy vẫn còn cơ hội chữa được."
Lời của Đỗ Văn Hạo vẫn chưa kịp nói xong thì bỗng có tiếng người xôn xao từ bên ngoài, tiếp sau đó là những tiếng chân dồn dập tiến lại gần đây: "Lão bá không xong rồi, Ngọc Lan nhà lão bị ngất ngoài kia rồi!"
Những người trong căn phòng này sau khi nghe xong thì ngoại trừ đại hán nằm trên giường ra, tất cả mọi người đều phóng luôn ra ngoài xem xét tình hình.
Lúc này trời cũng đã tối, dưới ánh trăng mập mờ, chỉ trông thấy một người phụ nữ trung niên nắm lấy gấu quần của mình đứng trong khu viện, lông mày mỏng kéo dài, hai mắt nhỏ híp tịt lại, môi mỏng, trong tay cầm một sợi roi, chắc là lùa gia súc đi về, đang hớt hơ hớt hải chạy đến, chân của bà ta thâm tím lỗ chỗ.
Ông lão lúc này xiêu xiêu vẹo vẹo chạy đến bên người phụ nữ trung niên đó nói: "Vương tẩu, chị nói sao?"
"Thím Vương! Mẹ của cháu làm sao rồi?" Tảo Nhi đã khóc sướt mướt cả buổi tối nay rồi, may mà được Lâm Thanh Đại dỗ dành một chút, mới ngưng khóc, vậy mà giờ đây khi nghe tin mẫu thân của mình như vậy, thì lại gào lên khóc nức nở.
Người phụ nữ trung niên này thấy trong phòng xông ra nhiều người như vậy, cũng không khỏi giật mình, hơn nữa trong số người này lại có hai người lạ hoắc mà bà ta chưa gặp bao giờ, xem cách ăn mặc cũng khác với người dân ở đây, trông có vẻ cao quý, nên cũng thầm nghĩ, không biết nhà này từ lúc nào mà có người bà con giàu có như vậy?
Ông lão thấy người phụ nãy này cứ nhìn chằm chằm Đỗ Văn Hạo và Lâm Thanh Đại mà mắt cứ sáng ngời lên như bắt được vàng vậy lại sốt ruột giục hỏi: "Vương tẩu, ta đang hỏi chị đây!"
Người phụ nữ lúc này mới hoàn hồn trở lại, nhưng cũng vẫn không trả lời ông lão, mà chỉ vào Đỗ Văn Hạo và Lâm Thanh Đại mà hỏi: "Bà con nhà lão đấy à?"
Ông lão cũng chẳng biết trả lời ra sao, thì Đỗ Văn Hạo lên tiếng: "Vương tẩu cứ nói chuyện của con dâu ông lão ra sao trước đi, nàng ta bị làm sao vậy?"
"À, à! Ồ!" Người phụ nữ trung niên này không ngừng đảo mắt nói với ông lão: "Tôi lúc nãy đi thả bò về đến nhà thì phát hiện ra trên đồng có một cái bóng đen đen, lúc trước tôi cứ tưởng là dê nhà ai, sau đó đi đến gần thì tôi mới giật mình, thì ra là Ngọc Lan nằm ở đó, do vậy tôi mới chạy về đây gọi mấy người ra xem, Ai da da! Tôi sợ đến nỗi tim suýt nhảy ra ngoài đây này!"
← Hồi 282 | Hồi 284 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác