Vay nóng Tima

Truyện:Tống y - Hồi 245

Tống y
Trọn bộ 549 hồi
Hồi 245: Nguyệt thanh cung
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-549)

Siêu sale Lazada

Tiền Bất Thu cầm lấy phương thuốc của Đỗ Văn Hạo nhìn lại một lượt rồi thông báo: "Bẩm Hoàng Thượng! Bài thuốc này của sư phụ vi thần đích thị là trị Huyết Phân, dùng Tang Bì, Địa Cốt giải nhiệt trừ hư hỏa (tiêu trừ nóng trong), Quy Bản tiềm dương, Mạch Đông dưỡng âm vị (làm mát dạ dày, làm nhạt thức ăn), Đạm Thái, Mộc Nhĩ, Ngưu Tất để hoạt huyết thông kinh (điều hòa khí huyết, thông kinh nguyệt), dựa theo bài thuốc này, không những chữa được chứng khát nước khô cổ, mà còn có thể làm xẹp bọng nước, và không hề có chứng phá huyết vọng hành làm cho xuất huyết không ngừng, so với phương thuốc của Phó đại nhân ổn định và chắc chắn hơn nhiều."

Tống Thần Tông bây giờ chỉ còn quan tâm đến mỗi vấn đề là làm thế nào để cầm máu cho Công Chúa, nên hỏi: "Phương thuốc này bây giờ còn dùng được không?"

Tiền Bất Thu đáp: "Có thể dùng được! Theo như kết quả biện chứng của sư phụ vi thần thì, Công Chúa ra máu mũi không ngừng, các loại thuốc cầm máu đều vô hiệu, nguyên nhân là do Phó đại nhân dùng sai thuốc bồi bổ cho Công Chúa, như vậy lại vô tình làm tăng thêm tính phá huyết vọng hành, nếu như cái nóng bên trong người Công Chúa không tiêu trừ thì sẽ không bao giờ cầm được máu cho Công Chúa cả! Theo tình hình hiện nay, thì những biện chứng của sư phụ vi thần là hoàn toàn chính xác. Nhưng suy cho cùng thì phương thuốc này của sư phụ vi thần cũng không phải chuyên trị cầm máu chảy ra, có thể trị tận gốc căn bệnh, nhưng máu của Công Chúa cứ chảy thế này, thì e hiệu quả cũng không cao. Thế nên khi dùng phương thuốc này nên cân nhắc cho lượng vừa đúng, trong bài thuốc của sư phụ vi thần nên cho thêm Thạch Cao, Tri Mẫu (cây địa sâm) trị hỏa làm mát dạ dày, đồng thời dùng thêm phương thuốc cầm máu đặc trị của sư phụ vi thần 'Thất Bảo Tán' này là có thể hoàn toàn cầm máu."

"Vậy thì ngươi hãy mau mau lên đi!"

"Vi thần tuân chỉ!" Tiền Bất Thu đứng dậy đi đến bên bàn, cất bút viết phương thuốc, đưa cho người của Ngự Dược Viện. Lần trước trị bệnh cho Đức Phi nương nương, Tống Thần Tông cũng đã nói rồi, Đỗ Văn Hạo phụng chỉ vào hậu cung chữa bệnh, tất cả mọi thứ đều được miễn hết, kê đơn thuốc không cần phải thông qua hội nghị của Thái Y Viện, thế nên bọn người trong Ngự Dược Viện không cần phải đưa cho Hoàng Thượng xem phương thuốc, đã vội vàng chạy đi bắt thuốc rồi.

Cùng lúc này, Tiền Bất Thu cũng sai người về Thái Y Viện đem hộp thuốc của Đỗ Văn Hạo đến đây, sau đó lấy thuốc Thất Bảo Tán ở trong đó ra rồi hòa vào nước, đút cho Công Chúa uống, rất nhanh máu trên mũi Công Chúa đã cầm được rất nhiều, không còn tuôn chảy như trước nữa.

Không lâu sau, Nội Thị của Ngự Dược Viện bưng lên một bát thuốc, Tống Quý Phi trực tiếp đón lấy rồi đút cho con gái của mình uống.

Tất cả mọi người đều hồi hộp chờ đợi ngắm nhìn Khang Quốc Công Chúa. Nên biết rằng, đây chính là hy vọng cuối cùng của bọn họ rồi, nếu như vẫn không cầm được máu nữa, thì trong cái thời buổi, triều đại chẳng có dịch vụ truyền máu này, thì Công Chúa chắc chắn sẽ bị mất máu quá nhiều mà chết.

Sau khi uống thuốc vào xong, Tiền Bất Thu lại dùng kỹ thuật châm cứu học được của Đỗ Văn Hạo châm huyệt cho Công Chúa, để tránh tình trạng nàng rơi vào trạng thái hôn mê (bị shock!).

Sau một tuần trà, máu mũi của Khang Quốc Công Chúa chảy ra ngày càng ít đi, lại qua một lúc nữa, thì miệng ú ớ vài tiếng rồi mở mắt tỉnh dậy!

Mọi người trong phòng không kìm được sung sướng, hoan hô vang trời. Thái Hoàng Thái Hậu cũng không cầm nổi lòng, nở một nụ cười với Tống Quý Phi đang ôm lấy con gái của mình khóc thút thít vì vui sướng. Hữu Tướng Quân Vương Ngộ thì vui quá, cứ thế dùng tay đấm liên hồi xuống mặt đất cười lớn. Tống Thần Tông càng nở một nụ cười rạng rỡ hơn ai hết, gật đầu liên tục: "Phương thuốc của Đỗ ái khanh quả nhiên hiệu nghiệm."

Trong lúc mọi người đang vui mừng thì có một thái giám vội vã chạy vào thông báo: "Khởi bẩm Hoàng Thượng, Đỗ Văn Hạo Đỗ đại nhân đến rồi."

Tống Thần Tông đang cười vui vẻ, đột nhiên nghiêm mặt, lạnh lùng nói: "Truyền hắn vào đây!"

Một lúc sau, Đỗ Văn Hạo chạy vào, vén áo lên quỳ xuống thi lễ: "Vi thần đến trễ, xin Hoàng Thượng trách tội!"

Tống Thần Tông trông thấy hắn chạy đến đây mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc quần áo xộc xệch, cũng cảm kích bài thuốc của hắn chữa được cho Công Chúa, nên tuy từ khóe miệng nở ra một nụ cười, nhưng giọng nói thì vẫn lạnh lùng như băng tuyết: "Nhà ngươi đến cũng đúng lúc thật! Khi trồng cây thì chẳng thấy ngươi đâu, nhưng khi ăn quả thì ngươi lại có mặt."

"Vi thần đáng chết!" Đỗ Văn Hạo không nhìn thấy nụ cười của Tống Thần Tông, cũng không biết bệnh tình của Công Chúa cũng đã tạm thời qua cơn nguy kịch, nên không hiểu Hoàng Thượng nói câu này có ý gì, hốt hoảng đáp: "Xin Hoàng Thượng cho phép thần được xem bệnh cho Công Chúa."

"Được, ngươi đi xem đi, xem ngươi còn có cao chiêu gì?"

"Vi thần tuân chỉ!"

Đỗ Văn Hạo đến mồ hôi trên mặt cũng không kịp lau, vén áo đứng dậy, thuận thế liền lướt mắt nhìn một lượt Thái Hoàng Thái Hậu và mấy người trong này, đều thấy trên mặt ai cũng nở một nụ cười, bất giác cảm thấy kỳ lạ. Nhưng hắn cũng không muốn mất thời gian suy nghĩ, cúi luôn xuống đi đến bên giường bệnh của Công Chúa. Hoàng Thượng vẫn chưa ngồi xuống, thì hắn cũng chẳng dám ngồi, cứ khom người đưa tay bắt mạch cho Công Chúa.

Công Chúa giờ này cũng đã tỉnh, nhìn thấy Đỗ Văn Hạo, bèn hứ lên một tiếng, rút tay về, quay mặt sang Tống Quý Phi nói: "Mẫu thân! Mẫu thân đuổi tên đại phu bất tài, vô liêm sỉ này đi! Hài nhi muốn Phó đại nhân đến chữa cho hài nhi."

Thái Hoàng Thái Hậu tức giận đến run người, chỉ vào mặt của Khang Quốc Công Chúa mà nói với Tống Thần Tông: "Hoàng Thượng nghe đi! Nghe thấy chưa! Cái đồ ăn cháo đá bát, lấy oán trả ơn này, còn giữ nó lại làm gì nữa? Sao không lấy dây mà thắt cổ nó chết đi cho khuất mắt!"

Tống Quý Phi sợ hãi, thất sắc lúc này mà còn không tỏ thái độ gì, e rằng cả hai mẹ con về sau sẽ không thể sống một cách yên lành được nữa. Nghĩ vậy, bèn đưa tay lên tát một cái rõ kêu lên mặt Công Chúa!

Cái tát này rõ ràng mạnh hơn, kêu hơn cái lần trước rất nhiều, "Chát!" một tiếng vào mặt Công Chúa, làm mặt nàng ta lật hẳn sang một bên. Công Chúa đau quá cũng kêu lên thảm thiết, môi và lợi bị đánh rách đến rỉ máu.

Nhưng, Công Chúa khi nãy máu mũi ra nhiều đựng đầy được cả một cái hồ lô, thì một chút máu dính ở mép thế kia cũng có thấm vào đâu!

Tống Quý Phi quay sang con gái của mình mắng: "Đồ nghiệt chướng này! Khi nãy ngươi hôn mê bất tỉnh, chính là Tiền đại nhân dùng phương thuốc của Đỗ đại nhân và thuốc cầm máu đặc trị của ông ấy mới cầm được máu, cứu được mạng cho ngươi, vậy mà bây giờ ngươi lại không biết cảm ơn, lại quay lại trách mắng, nhục mạ người ta. Nếu hôm nay ta không đánh chết cái đồ nghiệt chướng này, thì làm gì còn mặt mũi mà nhìn liệt tổ liệt tông nữa." Tống Quý Phi nói xong liền quay người đi ra chỗ bình phong treo quần áo, lấy ra một sợi dây thừng, rồi quay lại định dùng nó siết cổ Công Chúa.

Mấy người đứng cạnh đó như Mỹ Nhân, Tiệp Trữ đều vội vã chạy đến ôm lấy Tống Quý Phi mà khuyên ngăn, và giành lấy sợi dây thừng trong tay của Quý Phi.

Nhưng càng có người chạy đến khuyên, Tống Quý Phi càng dữ tợn, hung hãn hơn, như muốn xông đến ăn tươi nuốt sống con gái mình vậy. Tống Quý Phi vừa khóc vừa mắng con gái của mình, nhớ đến những chuyện đau xót ngày trước, nước mắt, nước mũi, thậm chí nước dãi cũng văng lung tung, trông cũng không có vẻ gì là đang đóng kịch cả.

Khang Quốc Công Chúa đang ôm mặt khóc, trông thấy mẫu thân của mình đúng là tức giận, muốn giết mình thật, thì mới sợ quá lấy tay che miệng trốn sâu vào phía trong giường, đưa ánh mắt về phía phụ thân Hoàng Thượng Tống Thần Tông cầu cứu.

Tống Thần Tông cũng biết Tống Quý Phi thực ra cũng chỉ là làm trò trước mặt mọi người vậy thôi, có một người con gái như vậy thì đúng là mất mặt quá, vì vậy mà hiện giờ kêu gào như vậy cũng là đúng thôi, muốn nhân cơ hội này để mua chuộc lòng người, làm ra vẻ cho mọi người thấy là mình cũng rất nghiêm khắc với Công Chúa. Vì thế mà Hoàng Thượng cũng không thèm để ý đến ánh mắt cầu cứu của Công Chúa.

Đỗ Văn Hạo lúc này cũng đã hiểu có chuyện gì xảy ra rồi, bèn nói: "Xin nương nương bớt giận, Công Chúa hôn mê bất tỉnh suốt như vậy không biết sự tình, nên mới hiểu lầm vi thần như vậy. Thần nghĩ, không biết thì không có tội, vì vậy mà có gì không đúng cũng không đáng tội chết, mong Quý Phi nương nương khoan lượng cho Công Chúa!"

Tống Quý Phi chỉ đợi Đỗ Văn Hạo nói câu này, thì tay mới buông ra, dây thừng giờ đã bị Mỹ Nhân, Tiệp Trữ đoạt lấy cất đi. Sau đó mới tức giận, ngồi kể cho Công Chúa nghe những việc vừa xảy ra.

Khang Quốc Công Chúa cũng vừa mới tỉnh dậy, liền gặp ngay chuyện như vậy, cũng lơ ma lơ mơ nghe mẫu thân của mình kể lại, lúc sau mới hiểu đã xảy ra chuyện gì. Công Chúa bây giờ mới biết thì ra suýt chút nữa mình đã bị chết, đều là do lỗi của Phó đại nhân đoán nhầm bệnh, cho uống nhầm thuốc mà ra cả. May mà có phương thuốc của Đỗ đại nhân mới cứu được mạng của mình, Công Chúa bất giác cảm thấy e thẹn xấu hổ vô cùng, bảo cung nữ đỡ mình dậy rồi cố gắng bò ra đầu giường, quỳ xuống trước mặt Đỗ Văn Hạo dập đầu tạ tội.

Dù gì thì gì, Công Chúa cũng là bề trên, có làm gì sai thì cũng không cần phải quỳ lạy bề tôi như vậy, tất nhiên cái này cũng chỉ là Công Chúa cố tình làm cho Thái Hoàng Thái Hậu nhìn thấy để bà bớt giận. Đỗ Văn Hạo dĩ nhiên cũng không dám tiếp nhận cái lạy của Công Chúa, nên cũng quỳ xuống dập đầu trả lễ.

Thái Hoàng Thái Hậu trông thấy Công Chúa biết sai mà sửa lỗi, thì nét mặt mới giãn ra, hiền hòa đôi chút: "Thôi được rồi, ngươi mau nằm xuống đi."

Hữu Tướng Quân Vương Ngộ cũng định tiến đến đỡ Công Chúa về giường nằm, nhưng lại không dám nên chỉ có thể lo cho Công Chúa bằng ánh mắt mà thôi. Khang Quốc Công Chúa cũng nhìn thấy Vương Tướng Quân mặc chiếc áo bào đỏ của chú rể, cũng đoán ra ngay được, đây là phu quân tương lai của mình, lại trông thấy Vương Tướng Quân quan tâm đến mình như vậy, mặt đỏ ửng lên, thẹn thùng quay đầu đi, nhưng trong tim thì rất lấy làm ngọt ngào êm ái.

Sau khi cung nữ dìu Công Chúa về giường nằm xong thì Thái Hoàng Thái Hậu nói: "Đỗ đại nhân, đại nhân phúc chẩn lại cho Công Chúa xem xem Công Chúa có thể qua cửa bái thiên địa được không, nếu có thể được thì đừng làm lỡ mất ngày lành tháng tốt này."

Tống Quý Phi hoang mang đáp: "Thưa lão tổ tông! Công Chúa thân thể yếu như vậy liệu có ổn không?"

Thái Hoàng Thái Hậu nói: "Cái này thì phải xem trình độ của Đỗ đại nhân rồi. Ngày lành tháng tốt đã định rồi, nếu đổi ngày thì e không được tốt lành cho lắm."

Đỗ Văn Hạo cũng nhận lời đồng ý, tiến đến cầm lấy cổ tay Công Chúa bắt mạch, lúc sau quay ra nói: "Hồi bẩm Thái Hoàng Thái Hậu, Công Chúa chỉ là do mất nhiều máu quá, vốn là nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, nhưng lễ thành hôn là ngày lành tháng tốt, cũng không nên bỏ lỡ, vi thần khai một phương thuốc, chỉ cần Công Chúa dùng nó, thì qua cửa bái thiên địa cũng không có vấn đề gì, nhưng sau đó phải nằm trên giường tĩnh dưỡng mấy ngày mới được."

Mọi người lúc này mới thấy nhẹ nhõm hết cả người, Thái Hoàng Thái Hậu nói: "Vậy thì làm nhanh lên đi, thời gian cũng không còn nhiều nữa đâu."

"Tuân chỉ!" Nói xong Đỗ Văn Hạo liền đưa bút viết ra phương thuốc. Đỗ Văn Hạo hiểu rằng, Công Chúa mất nhiều máu như vậy, muốn hồi phục nhanh thì phương pháp nhanh nhất là lập tức truyền máu. Nhưng trong cái thời đại này, thì làm gì có cái điều kiện đó, nên chỉ có thể dùng nước muối và trung dược mà thôi, nên chắp tay nói: "Vi thần sẽ gắng hết sức mình." Nói xong lại đưa bút viết một thang thuốc bổ huyết, sau đó kêu người chuẩn bị một bát nước muối đưa cho Công Chúa dùng.

Tất cả mọi người đều đi hết ra phòng ngoài đợi chờ, còn những Thái Y lui ra hết hành lang bên ngoài, để cung nữ thay quần áo cho Công Chúa.

Hữu Tướng Quân Vương Ngộ kéo tay của Đỗ Văn Hạo lại, lay lay người hắn cảm ơn liên tục: "Đỗ đại nhân, đa tạ đại nhân vô cùng, Công Chúa nói đại nhân như vậy, mà đại nhân không hề để bụng, còn gắng hết sức mình chữa trị, phục hồi thể lực cho Công Chúa để Công Chúa có thể thuận lợi hoàn tất lễ thành hôn đại điển ngày hôm nay, Vương mỗ cảm kích vô cùng!"

Đỗ Văn Hạo đáp lại mấy câu khiêm tốn cho phải phép, còn trong bụng thì thầm nghĩ: "Ai bảo hôn thê chưa cưới của ngươi là Công Chúa, còn nhạc phụ của ngươi là Hoàng Thượng chứ. Ta biết ta không làm gì được người ta, nên ta lẩn tránh người ta, nhưng không ngờ là có lẩn tránh thế nào cũng không được, người ta cứ sai người đến tìm ta, ta còn cách nào khác nữa đâu."

Vương Ngộ vỗ vỗ vào vai của Đỗ Văn Hạo nói: "Đỗ đại nhân quả là một người trượng nghĩa. Vương mỗ rất khâm phục đại nhân, muốn được cùng đại nhân kết giao huynh đệ, không biết Đỗ đại nhân có nể mặt mà đồng ý không?"

Đỗ Văn Hạo vội vã chắp tay đáp: "Đa tạ Vương Tướng Quân đã xem trọng hạ quan, hạ quan nào dám có ý từ chối!"

Vương Ngộ ha ha cười lớn: "Vậy là được rồi, từ nay về sau chúng ta là huynh đệ." Hai người đều báo tên tuổi, Vương Ngộ tuổi lớn hơn một chút, nên làm đại ca. Tước vị và chức vị của Vương Ngộ là cha truyền con nối, nên tuổi còn trẻ mà đã là tướng quân. Hai người xong đâu đó liền chắp tay bái lạy nhau thi lễ kết giao huynh đệ.

Đám Thái Y của Thái Y Viện thấy Đỗ Văn Hạo kết giao huynh đệ với Hữu Tướng quân thì vô cùng ngưỡng mộ, dĩ nhiên cũng không tránh được sự ghen tị nữa. Viện Phán Phó Hạc suốt từ nãy đến giờ đều đứng đợi ngoài hành lang, chờ Hoàng Thượng trách phạt, trong bụng ân hận vô cùng vì không sớm nghe lời khuyên của Đỗ Văn Hạo, nếu biết sớm có kết quả như ngày hôm nay, thì đã làm theo lời khuyên của Đỗ Văn Hạo rồi.

Công Chúa sau khi uống thuốc bổ huyết mà Đỗ Văn Hạo kê cho, quả nhiên sắc mặt, thần thái tốt hơn lúc trước rất nhiều, có thể đi lại từ từ trong sự dìu đỡ của cung nữ rồi, nên việc bái thiên địa cũng không thành vấn đề nữa.

Chuyện Công Chúa ngã bệnh trong ngày thành hôn tuy làm cho mọi người lo lắng nhưng cũng không còn nguy hiểm đến tính mạng của Công Chúa nữa, nên Tống Thần Tông vui mừng vô cùng, phân phó mọi người tiếp tục tiến hành tổ chức hôn lễ. Không những vậy, Hoàng Thượng còn trọng thưởng hai thầy trò Đỗ Văn Hạo và Tiền Bất Thu không ít vàng bạc châu báu, đồng thời còn niệm tình Phó Hạc biện chứng sai lầm bệnh cho Công Chúa không phải là cố ý, nên cũng xử lý nhẹ, chỉ đánh cho hai mươi roi là thôi.

Đến chiều, lễ bái thiên địa được tiến hành hết sức thuận lợi, sau đó Công Chúa được đưa vào phòng nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.

Đỗ Văn Hạo và Tiền Bất Thu cũng được mời tham gia lễ thành hôn này, và được ngồi chính giữa làm chủ bữa tiệc. Vương Ngộ mời Đỗ Văn Hạo uống rất nhiệt tình sảng khoái, nên hắn cũng nhiệt tình hầu rượu, cho đến khi say khướt, không biết trời đất là gì nữa.

Trong cung gần đây xuất hiện một việc quái lạ, thời tiết đã vào hạ rồi, mà trong một đêm gió hàn mùa xuân thổi về, làm cho những cành mai đã rụng trong cung Nguyệt Thanh bỗng chốc lại khai hoa kết nụ, lấm tấm, lung linh như những giọt máu đào tươi rơi trên cành cây vậy. Và đương nhiên là có rất nhiều người đổ xô đến đây để xem điều kỳ lạ đó.

Thái Hoàng Thái Hậu biết chuyện cũng vội mời người đi xem bói, biết đây là điềm tốt lành, nhưng cũng không ai biết là nó là điều lành gì. Nhưng suy cho cùng điềm lành thì vẫn tốt hơn điềm xấu, thế là cung Nguyệt Thanh mấy ngày hôm nay đã bắt đầu trở nên vui vẻ nhôn nhịp, đến cả Hoàng Thượng lâu lắm rồi không đi qua cung Nguyệt Thanh cũng đến đây để vui chơi, ngắm cảnh.

Chủ nhân của cung Nguyệt Thanh là một Tiệp Trữ họ Lâm, có biệt hiệu là băng mỹ nhân, nói đến băng mỹ nhân thì người ta thường hay nghĩ ngay về một người con gái mang vẻ đẹp phong sương, lạnh lẽo, nhưng lại thanh tao, thoát tục, băng tuyết thông minh. Nhưng băng mỹ nhân của cung Nguyệt Thanh này lại không như vậy.

Biệt hiệu băng mỹ nhân của Lâm Tiệp Trữ có ý nói là nàng lạnh như nước băng trên đỉnh núi tuyết vậy, giống như một tảng băng nghìn năm không tan, đối với ai cũng lạnh như băng vậy, kể cả Hoàng Thượng cũng không ngoại lệ, hiếm khi trông thấy nàng cười, giống như là nàng sinh ra đã không biết cười vậy.

Lâm Tiệp Trữ từ nhỏ đã yếu người lắm bệnh, uống thuốc từ nhỏ cho đến lớn, là con của Tư Nông Khanh Chu, mười một tuổi vào cung làm thị nữ cho Thái Hoàng Thái Hậu, làm những việc đại loại như cắt cỏ tưới hoa, về sau Thái Hoàng Thái Hậu thấy Lâm Tiệp Trữ thông minh, lại ham đọc sách, chỉ cần có thời gian rảnh rỗi, là một mình tìm một nơi yên tĩnh đem sách ra xem, trông nàng cũng rất nho nhã, thanh tú, lại đa sầu đa cảm, cũng rất thương người, nhìn hoa thì thương cảm, nhìn nước thì lệ rơi. Thái Hoàng Thái Hậu thương nàng nên đưa nàng ra thư phòng, đọc sách cùng Hoàng Thượng, coi như một thư đồng học cùng Hoàng Thượng. Nàng lại chăm chỉ học hành, trí óc nhạy bén, nên thường hay được tiên sinh khen ngợi.

Khi Lâm Tiệp Trữ mười sáu tuổi, Hoàng Thượng tình cờ nhìn thấy và yêu thích nàng, sau đó sủng ái phong nàng làm Vĩnh Gia Quận Quân.

Lâm Tiệp Trữ trước khi vào cung có tên là Diên, nhưng Thái Hoàng Thái Hoàng Thái Hậu thấy tên đó đồng âm với từ Oan, nghe không được tốt lành cho lắm, nên đổi cho nàng một cái tên khác, gọi là Duyệt, hy vọng nàng sau này có tấm lòng rộng rãi làm vui lòng mình cũng như làm vui lòng người khác. Nhưng ai ngờ, nàng Lâm Duyệt này gặp ai cũng không làm cho người ta vui vẻ được cả, ngay cả Hoàng Thượng cũng vậy.

Vật càng ít thì càng hiếm, mà Hoàng Thượng lại cứ thích vẻ đẹp lạnh như băng của nàng, nên vô cùng sủng ái nàng, còn làm cho nàng một cái cung đặt tên là Nguyệt Thanh, phong cho nàng lên chức Tiệp Trữ.

Lâm Tiệp Trữ sinh cho Hoàng Thượng hai người con trai và một người con gái, nhưng tiếc thay, con gái của nàng lại chết yểu.

Cho dù rất được Hoàng Thượng sủng ái, nhưng Lâm Tiệp Trữ bản tính lãnh đạm, lạnh lùng ít nói, Hoàng Thượng sủng ái nàng, nàng cũng không coi đó là cái gì ghê gớm, cũng không giống các quý phi khác tìm đủ mọi cách để lấy lòng Hoàng Thượng. Lâm Tiệp Trữ mỗi năm một tuổi, Hoàng Thượng cũng có những niềm đam mê mới, dần dà rồi Hoàng Thượng ăn mãi một thứ cũng cảm thấy chán. Sau đó có Trần Mỹ Nhân, thì quên bẵng luôn Lâm Tiệp Trữ, cơ hồ còn quên luôn là trong cung còn có một cái cung gọi là cung Nguyệt Thanh.

Nhưng Lâm Duyệt cũng chẳng thèm quan tâm, vẫn sống theo nhịp sống cũ của mình, thanh tịnh mà lại yên tĩnh, nhưng nàng lại được Thái Hoàng Thái Hậu, Hoàng Thái Hậu và Hoàng Hậu vô cùng yêu quý. Thái Hoàng Thái Hậu yêu quý nàng vì dìu dắt nàng từ bé, Hoàng Thái Hậu yêu quý nàng vì thương cảm nàng, còn Hoàng Hậu yêu quý nàng vì trước giờ nàng không bao giờ tranh giành Hoàng Thượng. Do vậy, nàng ở trong cung Nguyệt Thanh cũng chẳng có ai dám bắt nạt nàng cả, chỉ là nơi đây thiếu vắng hơi của nam nhân mà thôi.

Lâm Duyệt ngoài Thái Hoàng Thái Hậu, Hoàng Thái Hậu và Hoàng Hậu ra nàng còn rất thân với Đức Phi nương nương. Lâm Duyệt là người rất khó nói chuyện, thậm chí có phần coi thường người khác, nhưng lại rất hợp với người xuất thân bình dân như Đức Phi nương nương.

Lâm Duyệt thì cầm, kỳ, thi, họa, thơ, phú cái gì cũng biết, thậm chí đến những người văn nho, chữ nghĩa trong triều cũng biết Hoàng Thượng có một Tiệp Trữ nương nương thông minh, tài giỏi bên người. Lâm Duyệt ngày thường vô cùng lạnh lùng, cao ngạo, nhưng không hiểu vì sao nàng lại vô cùng hợp với Đức Phi nương nương, thậm chí đôi khi hai người còn thân nhau như chị em ruột vậy.

Đức Phi nương nương mấy ngày trước, lại được Hoàng Thượng sủng ái trở lại, nên Hoàng Thượng hay tặng Đức Phi nương nương mấy món quà nhỏ. Ngày hôm nay, Hoàng Thượng lại tặng cho Đức Phi nương nương một loại quả khô, đều là thứ ăn vặt mà con gái ai cũng thích ăn, Đức Phi nương nương biết Lâm Tiệp Trữ thích vừa ngồi đọc sách vừa ăn vặt, nên cho người đem một ít qua tặng nàng.

Lâm Tiệp Trữ rất lấy làm mừng, cũng thấy mình không có việc gì, bèn đi đến cung Thánh Thụy tìm Đức Phi nương nương nói chuyện.

Trong cung Thánh Thụy, Đức Phi nương nương đang thêu yếm hoa cho mấy đứa con của mình, nghe thái giám bẩm báo có Lâm muội muội đến chơi, vội buông xuống bảo người mời nàng vào.

Lâm Tiệp Trữ bận một bộ quần áo màu vàng nhạt, trong tay cầm một cái bọc đi vào trong, Đức Phi nương nương vội đứng dậy ra tận nơi tiếp đón, hai người sau khi hỏi han vài câu xong rồi ngồi xuống ghế. Đức Phi nương nương bảo thị nữ lấy thêm một ít đồ điểm tâm và những thứ hoa quả mà Lâm Tiệp Trữ thích ăn đem lên, rồi sau đó hai người cùng ngồi lên chiếc sạp mềm nói chuyện.

Lâm Tiệp Trữ cầm một chiếc bánh lên cắn một miếng, nhấp một ngụm trà nói: "Tỷ tỷ, lúc nãy muội xem sách mệt rồi, thì cũng vừa vặn tỷ cho người đem đồ ăn đến, thế nên mới đến đây để tạ ơn tỷ tỷ."

"Chị em mình còn cám ơn cái gì nữa chứ. Đúng rồi, nghe nói hoa mai lại nở trong cung Nguyệt Thanh của muội đúng không? Chuyện đó có thật không vậy?" Đức Phi nương nương vẻ mặt hiếu kỷ nhìn Lâm Tiệp Trữ.

"Đúng vậy, hôm qua Hoàng Thượng, Thái Hoàng Thái Hậu, Hoàng Thái Hậu, Hoàng Hậu đều đến cung Nguyệt Thanh ngắm hoa, Hoàng Thượng xem xong còn vẽ một bức tranh nữa, hôm nay đã cho người treo lên rồi."

"Như vậy thì tốt, muội này, tỷ nói thật lòng nhé! Hiếm lắm mới có dịp Hoàng Thượng đến cung Nguyệt Thanh thăm muội, muội đừng có nét mặt lạnh lùng như vậy nữa."

Lâm Tiệp Trữ thản nhiên nói: "Hoàng Thượng đến là để ngắm hoa đó chứ!"

"Thì cũng vì muội mà đến đó thôi."

Lâm Tiệp Trữ nhẹ nhàng chuyển đề tài câu chuyện sang một hướng khác: "Tỷ tỷ tặng muội mấy thứ quả khô ăn rất ngon, muội mấy ngày hôm nay thấy trời sắp vào hè rồi, cũng thêu mấy chiếc yếm nhỏ. Mấy đứa trẻ mặc ít, lại ham ngủ, nên dễ nhiễm lạnh, thêu sẵn như vậy để đề phòng cần dùng tới." Nói xong đưa cái bọc trong tay tặng cho Đức Phi nương nương.

Đức Phi nương nương nhận lấy cái bọc, mở ra thì thấy trong đó là hai cái yếm nhỏ được thêu rất tinh xảo và cầu kỳ, chỉ cần nhìn một cái cũng đủ biết người làm ra nó đã kỳ công đến mức nào rồi. Con gái nhỏ tuổi của Đức Phi nương nương Từ Quốc Công Chúa mới hai, ba tuổi nên mặc vào sẽ rất hợp: "Cảm ơn muội! muột thật có lòng quá!"

Lâm Tiệp Trữ đảo mắt nhìn Đức Phi nương nương dò xét, nói: "Thần sắc của tỷ càng ngày càng tốt, không biết tỷ uống thuốc linh đơn diệu dược gì mà hay vậy? Nói cho muội biết được không?"

"Tốt cái gì mà tốt! Người ta cũng sắp già đến nơi rồi đây này!" Tuy ngoài miệng Đức Phi nương nương chỉ nói như vậy, nhưng thực chất trong lòng lại rất đắc ý, đứng dậy lấy trong tủ ra một cái cẩm hộp, rồi quay lại đưa cho Lâm Tiệp Trữ nói: "Cái vật trong chiếc hộp này bảo dưỡng sắc đẹp rất tốt, tỷ tặng cho muội đó."


Đấu Thần Tuyệt Thế

Hồi (1-549)


<