Vay nóng Homecredit

Truyện:Tống y - Hồi 157

Tống y
Trọn bộ 549 hồi
Hồi 157: Bình minh sau cơn bão
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-549)

Siêu sale Shopee

Đỗ Văn Hạo cười nói: "Thì muốn thế, nhưng tên tiểu gia hỏa này sống chết cũng không chịu ăn bánh bao. Cho nó ăn thịt giống như cho nó ăn độc dược, không còn cách nào hết. Mấy tháng nay đã thử hết mọi cách nhưng nó vẫn không ăn thịt. Một con hổ không ăn thịt, ăn bánh bao, đuổi nó về núi chính là giết nó. Nó sẽ chết đói".

Tiền Bất Thu nhíu mày: "Nhưng nuôi hổ ở trong nhà, người ngoài biết được thì không hay lắm, nhất là chúng ta mở dược đường. Lão hủ chỉ sợ không ai dám đến khám bệnh nữa".

Anh Tử ôm chặt Tiểu hổ, chu mỏ nói: "Chúng ta vừa nói nó rất thông minh, lại hiền như mèo, nó không ăn thịt, sao nó đả thương người khác được?"

"Nhưng người ngoài không biết điều đó".

Đỗ Văn Hạo khoát tay nói: "Không tranh cãi nữa. Trong thời gian này không cho nó xuất hiện trước người khác. Đợi khi nó ăn được thịt thì thả nó về núi. Hổ là chúa tể của núi rừng, nhốt nó ở kinh thành không phải là cách hay".

Anh Tử rất buồn, dáng vẻ đáng thương, mặt xị xuống như muốn khóc.

Sáng sớm hôm sau, Cao tướng quân và một đội hộ vệ mang theo một cái rương lớn đến giao cho Đỗ Văn Hạo. Mặc dù đây là tiền hai bên đã thỏa thuận rõ ràng nhưng Đỗ Văn Hạo vẫn bảo Cao tướng quân viết một cái khế ước.

Một khi đã khôi phục thân phận, mấy người Đỗ Văn Hạo cũng khôi phục lại danh tính của mình, dược đường cũng đổi lại tên cũ. Đỗ Văn Hạo bảo Cổ quản gia thuê người làm một cái biển hiệu chữ vàng. Tiền Bất Thu tự mình đến thỉnh cầu vị tiến sĩ phụ trách việc cúng tế tông miếu của Hoàng gia nổi tiếng về thư pháp Thái Thường viết hàng chữ "Ngũ Vị đường" trên biển hiệu.

Đỗ Văn Hạo không hiểu về thư pháp, nhưng hắn cũng biết danh tiếng của nhà thư pháp này, bây giờ nhìn thực tế hắn thấy rất đẹp. Hắn thầm nghĩ người đời tôn trọng danh nhân là phải.

Biển hiệu được treo lên, hôm khai trương dược đường không có pháo nổ, không treo đèn kết hoa, không tổ chức yến tiệc chúc mừng, Ngũ Vị đường lặng lẽ khôi phục lại danh tiếng.

Không phô trương nhưng dược đường nhanh chóng phát triển.

Việc mua đơn thuốc trị giá mười vạn lạng bạc trắng lan truyền khắp hang cùng ngõ hẻm ở kinh thành. Từ người quan tâm đến y thuật cho đến những người bàng quan tất cả đều hứng thú với cuộc mua bán này. Trong thành, suốt một thời gian dài, từ giới tam giáo cửu lưu cho đến giới quý tộc đều đàm đạo về cuộc mua bán này trong lúc trà dư tửu hậu.

Người có bệnh càng quan tâm đến việc này. Bọn họ biết được chủ nhân của phương thuốc trị giá mười vạn lạng bạc trắng là một đại phu trẻ tuổi, là sư phụ của Tiền thái y thừa của thái y viện, am hiểu thần kỹ phẫu thuật chữa bệnh của Hoa Đà, kéo đến xem bệnh rất nhiều, chủ yếu là người bị đau bụng cấp tính. Kỹ thuật phẫu thuật chữa bệnh của Đỗ Văn Hạo cũng chính thức công khai. Mỗi một người bệnh được hắn phẫu thuật chữa bệnh thành công lại trở thành một tuyên truyền viên tự nguyện cho y thuật của Đỗ Văn Hạo.

Bởi thế chỉ sau một thời gian ngắn, công việc làm ăn của tân Ngũ Vị đường đã phát đạt hơn rất nhiều lần so với Ngũ Vị đường cũ. Kinh thành phồn hoa, dân cư đông đúc, lợi nhuận của dược đường vượt xa rất nhiều so với lúc còn ở Đống Đạt huyện.

Đỗ Văn Hạo bận rộn suốt ngày. Tiền Bất Thu cho đồ đệ Diêm Diệu Thủ tới Ngũ Vị đường làm đại phu tọa đường. Diêm Diệu Thủ đi theo Tiền Bất Thu học đã lâu, cũng khá tinh thông y thuật, nhất là kỹ thuật ngoại khoa. Hắn giúp Đỗ Văn Hạo rất nhiều.

Tiền Bất Thu lại viết thư về Đống Đạt huyện cho Hàm Đầu, bảo hắn bán dược đường ở đó rồi cùng Bàng huyện úy chuyển đến kinh thành, theo Đỗ Văn Hạo học y, xem bệnh.

Y thuật của Tuyết Phi Nhi và Bàng Vũ Cầm đã tiến bộ rất nhiều sau mấy tháng theo Đỗ Văn Hạo học tập. Hai người đã có thể trị được những bệnh đơn giản. Hơn nữa có Đỗ Văn Hạo trợ giúp nên hai người cũng coi như là đại phu. Mặc dù bệnh nhân rất đông, Đỗ Văn Hạo, Diêm Diệu Thủ và tứ nữ có thể miễn cưỡng ứng phó được, nhưng cả ngày bận bịu, không được nghỉ ngơi.

Chẳng bao lâu sau, Đỗ Văn Hạo phát hiện, cấm quân âm thầm bảo vệ quanh hắn đã giảm đi. Điều này làm cho Đỗ Văn Hạo rất vui, hắn hiểu rằng đơn thuốc của hắn có thể đã được tiết lộ cho Tây Hạ và Đại Liêu. Giá trị của hắn đã giảm đi. Hắn thầm nghĩ ngày nào toàn bộ đội hộ vệ bỏ đi chính là lúc Tây Hạ và Đại Liêu hoàn toàn nắm được cách điều chế, đó cũng là lúc hắn hoàn toàn khôi phục tự do.

Tưởng tượng tới ngày đó Đỗ Văn Hạo thấy vô cùng sảng khoái.

Một tháng sau Cổ quản gia thông báo cho Đỗ Văn Hạo biết Binh bộ đã hủy bỏ tất cả các thỏa thuận trước đây.

Mấy ngày sau Cổ quản gia buồn rầu cùng hộ vệ Hô Duyên Trung, Cửu nương tới từ biệt Đỗ Văn Hạo.

Đỗ Văn Hạo giả đò hỏi có chuyện gì, Cổ quản gia cũng không giấu diếm, ông ta nói khẽ: "Đỗ tiên sinh, Binh bộ nói chúng ta không cần ở đây bảo vệ ngài nữa, rút chúng ta về".

"Không cần bảo vệ ta nữa, tại sao?"

"Bởi vì gián điệp của chúng ta ở tây Hạ và Đại Liêu mật báo phương thuốc ngài bán cho triều đình đã bị Tây Hạ và Đại Liêu lấy được. Bọn chúng đã bắt đầu chế tạo trang phục cách ly, mặt nạ phòng độc và thuốc nước tiêu độc. Đại dịch đang hoành hành ở Tây Hạ và Đại Liêu nhanh chóng bị khống chế.

Đỗ Văn Hạo ra vẻ kinh ngạc hỏi: "Tại sao lại như vậy? Người nào tiết lộ? Ta không có, các người vẫn theo sát ta. Các ngươi có thể làm chứng cho ta".

Cổ quản gia cười gượng: "Đúng vậy, bây giờ ta có thể nói sự thật cho tiên sinh biết. Chúng ta mang danh hộ vệ ngài nhưng thật ra cũng là giám sát ngài, giám sát nhất cử, nhất động của ngài. Chúng ta khẳng định ngài không bán cách điều chế đơn thuốc. Binh bộ cũng điều tra ra, một thị lang của Binh bộ đã bán phương thức điều chế với giá cao cho Tây Hạ và Đại Liêu. Tên thị lang này đã bỏ chạy tới Đại Liêu. Toàn bộ thân nhân của hắn đã bị tống vào thiên lao".

Quả nhiên không ngoài dự đoán, Đỗ Văn Hạo cười thầm. Nạn dịch hạch ở Tây Hạ bị khống chế làm cho Đỗ Văn Hạo cảm thấy rất cao hứng.

Đội hộ vệ rút đi, Đỗ trang viện rộng lớn bây giờ khá trống vắng, nhưng Đỗ Văn Hạo và chúng nữ cảm thấy tự do hơn trước kia, tâm tình cũng vì thế mà thoải mái hơn.

Hôm nay, Đỗ Văn Hạo, Bàng Vũ Cầm, Tuyết Phi Nhi và Diêm Diệu Thủ đang ở tiền đường xem bệnh, đột nhiên có mấy chiếc xe ngựa dừng lại trước cửa, nhưng không ai để ý đến vì cứ tưởng người bệnh đến khám bệnh.

Lát sau chợt nghe có tiếng gọi vui mừng xen lẫn sự sợ hãi vang lên: "Cầm nhi!".

Bàng Vũ Cầm ngẩng đầu nhìn thấy trước cửa có mười mấy người. Người đứng trước chính là nãi nãi yêu thương của nàng.

Phía sau ngoài Lại bộ khảo công ty lang trung Chiêm Đề, Chiêm mẫu còn có mấy người nữa. Đó là phụ mẫu của nàng, di nương, tỷ tỷ, tiểu muội Đậu Nhi cùng vú nuôi đang bế Hổ Tử, đứng sau nữa là Trang tri huyện, cùng hai tiểu thiếp và đồ đệ Hàm Đầu của Tiền Bất Thu.

"Nãi nãi!" Bàng Vũ Cầm vui mừng chạy ra ôm chầm Bàng mẫu vào lòng: "Nãi nãi! Mọi người đã tới rồi".

"Cầm nhi! Cháu yêu của bà........" Bàng mẫu xúc động khóc: "Bà cứ tưởng các cháu thật sự........., cám ơn ông trời! Ơn trời, bà biết các cháu còn sống, bà sung sướng vô cùng, đến phát điên lên được! Tốt quá rồi.....".

Lưu thị, nhị nãi nãi Ngọc Nhi và nhị tỷ của Bàng Vũ Cầm đều chạy lại ôm Bàng Vũ Cầm, vui mừng rơi lệ.

Tứ tiểu thư Đậu Nhi mới ba, bốn tuổi vẫn chưa hiểu sống, chết là gì. Người nhà cũng không nói cho cô bé tam tỷ đã chết nên khi Đậu Nhi nhìn thấy tam tỷ cô bé không bộc lộ nhiều cảm xúc. Tay cô bé cầm thanh kẹo đường, đôi mắt đen, tròn xoe nhìn Đỗ Văn Hạo một lát rồi Đậu Nhi đi tới trước mặt Đỗ Văn Hạo: "Tiên sinh, ăn kẹo không?"

Bà vú ôm Hổ tử đi tới, lau nước mắt, sẵng giọng nói: "Ngốc nha đầu! Đây là tỷ phu của tiểu thư. Không được gọi là tiên sinh, phải gọi là tam tỷ phu".

"Ừ" Đậu Nhi gật đầu, cô bé chìa thanh kẹo ra: "Tam tỷ phu, cho người này".

Đỗ Văn Hạo cười nói: "Tỷ phu không ăn. Muội ăn đi" Hắn nhìn thấy mấy người Bàng Cảnh Huy, không biết nên bước tới bái kiến hay là đợi một lát nữa.

Trong lúc hắn đang do dự, một làn hương thơm mát truyền đến, bên tai hắn vang lên giọng nói ngọt ngào, quyến rũ của một nữ nhân: "Ca! Ca hù chết tiểu muội rồi".

Đỗ Văn Hạo quay đầu nhìn, đó là hoa khôi của Miên Xuân viện, Mị Nhi cô nương. Nàng đang đứng nhìn hắn, lệ tuôn trào.

Đỗ Văn Hạo nhớ tới hôm ở Miên Xuân viện, hai người suýt nữa đã có một trường ân ái mặn nồng, nhớ tới những vũ điệu mê đắm lòng người của Mị Nhi, hắn không khỏi thấy tim đập lọan xạ, nhưng bây giờ nhạc phụ, nhạc mẫu và mọi người đang ở đây hắn không dám hành động tùy tiện. Hắn vốn định không để ý đến nàng nhưng thấy nàng biểu thị mối chân tâm, rơi lệ, hắn cũng thấy xúc động, vội hỏi: "Mị Nhi cô nương, sao cô nương cũng tới đây?"

Mị Nhi cũng hiểu trong hoàn cảnh này Đỗ Văn Hạo không thể quá thân thiết với nàng. Nàng quay đầu liếc nhìn Trang tri huyện và hai tiểu thiếp: "Hai vị tỷ tỷ chuộc thân cho tiểu muội, nhận tiểu muội làm muội muội kết nghĩa nên tiểu muội theo các tỷ tỷ tới kinh thành. Tiểu muội không ngờ ca ca vẫn còn sống ở nhân gian nên tiểu muội rất cao hứng......" Nói đến đây Mị Nhi nghẹn ngào không nói được, nước mắt cứ thế trào ra.

Đỗ Văn Hạo đang muốn nói mấy câu an ủi nàng thì thấy Hàm Đầu khóc quỳ xuống dập đầu: "Sư tổ! Đồ tôn bái kiến sư tổ. Đồ tôn biết sư tổ vẫn còn tại nhân thế, thật sự ngàn vạn lần........".

Đỗ Văn Hạo vội tiến lại đỡ Hàm Đầu đứng dậy.

Bàng Cảnh Huy nhìn mẫu thân và nữ nhi của mình ôm nhau khóc, ông ta cũng thấy xúc động, mắt đỏ hoe, ông ta vội phất tay nói: "Thôi không khóc nữa. Chuyện của nữ nhi và Văn Hạo để lát nói sau. Chiêm đại nhân đang ở đây, đây cũng là dược đường của Văn Hạo, chúng ta vào trong nhà nói chuyện nào".

Đỗ Văn Hạo vội bảo các bệnh nhân ngồi chờ hắn. Sau đó hắn mời mọi người vào hậu viện.

Vào tới hậu viện, sau khi phân chủ khách ngồi xuống, Đỗ Văn Hạo đỏ mặt đi tới trước mặt Bàng Cảnh Huy và Bàng mẫu, vén trường bào quỳ xuống dập đầu nói: "Tiểu tế bái kiến nãi nãi, nhạc phụ, nhạc mẫu đại nhân".

Bàng Vũ Cầm quỳ xuống dập đầu theo Đỗ Văn Hạo: "Nãi nãi, phụ thân, mẫu thân, xin thứ cho nữ nhi tội bất hiếu. Nữ nhi giả chết cùng phu quân ẩn cư ở kinh thành đã làm mọi người đau buồn" Thịch, thịch, thịch, mấy tiếng dập đầu xuống đất vang lên.

Bàng Cảnh Huy và Lưu thị vội tiến lên đỡ hai người đứng dậy. Người trong nhà vốn tưởng Bàng Vũ Cầm đã chết, bây giờ nghe nói nàng vẫn còn sống, lại thành thân cùng Đỗ Văn Hạo làm cho mọi người vui vẻ khôn cùng, không ai trách cứ điều gì. Lúc này mọi người lại biết Đỗ Văn Hạo đã cứu sống mẫu thân của Lại bộ khảo công ty lang trung Chiêm đại nhân, việc thăng quan lên kinh thành của bọn họ, đoàn viên cùng nữ nhi và con rể đều là do công của hắn nên ai cũng nghĩ việc lựa chọn Đỗ Văn Hạo làm con rể là quyết định vô cùng đúng đắn.


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-549)


<