Vay nóng Tinvay

Truyện:Tiếng sấm Dương Châu - Hồi 3

Tiếng sấm Dương Châu
Trọn bộ 7 hồi
Hồi 3: Hồi 03
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-7)

Siêu sale Lazada

Cụ Thiên Hộ đến trấn thì trời đã tối hẳn. Cụ Thiên Hộ ngồi xuống bên vệ đường để nghỉ và cảm thấy cơ thể như muốn rã rời. Mặc dầu chưa ăn cơm tối cụ vẫn không thấy đói, trong lòng chỉ băn khoăn không biết Khải Hòa sự thể ra sao. Cảm thấy bớt mệt cụ mới đi đến cổng dinh thì thấy cửa đóng then gài, lính canh qua lại như không có chuyện gì xảy ra. Cụ cố nhìn vào xong, nhưng thành cao, tường dầy không sao thấy được. Biết rằng quanh quẩn mãi đây cũng vô ích, có thể khiến cho quân lính ngờ vực sinh chuyện lôi thôi, cụ bèn tìm đến một nhà người quen, gọi là Thập Biện, giữ chân lính hầu cho quan Lệnh Trấn.

Thập Biện ăn cơm xong đang còn ngà ngật về mấy chén rượu, chửi lảm nhảm tứ phương - nhất là chửi những bọn hương lý ngày ra vào ở chốn công môn mà không biết rõ Thập Biện là người quyền thế nên chẳng chào thưa phải phép. Cụ Thiên Hộ đứng ngoài cửa đợi cho Thập Biện chửi xong mấy chục vòng thường lệ rồi mới bước vào, lễ phép chào lớn:

- Chào anh.

Thập Biện nhướng cặp mắt nhấp nhem lên nhìn, quát to:

- Ai hỏi gì ta đó?

Cụ Thiên Hộ đáp:

- Thiên Hộ đây. Đã lâu không ghé thăm ông anh được, nay nhân có dịp tìm đến vấn an.

Thập Biện như sực nhớ rạ cười ha hả:

- À, anh bạn già Thiên Hộ! Thế nào? Lúc nầy dòng sông Dương Châu còn nhiều cá chứ?

Cụ Thiên Hộ biết rằng mình không có quà cáp biếu xén là điều thất sách, nhưng phải liệu lời chống chế, làm vẻ ngạc nhiên:

- Trời ơi! thế từ lâu nay ông anh sức khỏe không được khang cường hay sao?

Thập Biện trợn mắt lên:

- Sao lại hỏi ta như thế?

Cụ Thiên Hộ trả lời:

- Chắc là ông anh cũng rõ dòng sông Dương Châu lắm cá, lắm tôm nhưng từ khi bị thủy quái đến giờ, chẳng ai còn dám bước chân xuống nước. Tưởng là ông anh lâu nay sức khỏe sút kém nên không bước chân ra ngoài… Thập Biện bĩu môi đáp:

- Việc gì ta lại chẳng biết. Cho đến cái thằng… cái thằng gì hả?

Thập Biện nhíu mầy, trợn mắt cố nhớ cho ra:

- À… à… cái thằng… Khải Hòa giết con thủy quái ra sao, ta cũng rõ từng chút một. Anh biết nó chứ?

Cụ Thiên Hộ trả lời:

- Có biết đấy ạ. Thế quan trên ban thưởng cho nó gì chưa?

Thập Biện cười khảy đáp:

- Ban thưởng rồi.

Và lập tức anh ta nổi giận lên:

- Cái thằng bợm bãi ấy anh bảo phải ban thưởng cho nó cái gì? Sáng nay, lý trưởng Hà Huy vừa cỡi ngựa chạy lên thì quan Lệnh đã hay tin trước, hầm hầm chực sẵn, gọi vào. Quan hỏi: "Đứa nào dám giết thủy quái?" Thì lão Hà Huy run như cái đuôi thằn lằn, khai hết sự thực. Nghe xong, quan lệnh càng thêm giận dữ bảo rằng: "Ta đã làm văn tế là để xua đuổi yêu loài, nó lại tự tiện vượt quyền của ta khoe khoang sức khỏe, không xem uy lực của ta ra gì. Thế ra ta phải mất công gọt vần chắp điệu để mà đùa bỡn phải không? Nó chẳng đợi thủy quái ra đi êm thấm lại khiêu khích oan hồn của giống yêu ma quấy nhiễu dân lành, thật là bất trị. Ngươi há chẳng biết rằng con thủy quái để sống thì hại người có một, mà giết nó chết thì hại mười. Rồi đây hồn ma của nó tác quái cho xem! Thằng Khải Hòa nầy quả thực là phường đạo tặc, là hạng cường khấu ngu si. Nó muốn làm chuyện phi thường để gây tín phục trong đám dân quê dốt nát hầu mong phá rối trị an. Bây giờ không sớm trị nó thì sau khó lòng dẹp loạn". Anh đã nghe chưa? Việc gì mà ta không biết? Quan Lệnh ngài thực sáng suốt hơn người, thấy việc xảy ra được trước mười năm là ít. Cái thằng dân chài Khải Hòa nầy để cho nó sống, thì mười năm nữa rồi xem, e rằng chúng ta không còn ngồi yên với nó được đâu.

Thập Biện ngừng lời. Rồi đột nhiên cười phá lên ra dáng hả hê:

- Cho nên quan Lệnh ban thưởng nó rồi. Ban thưởng như thế thật là xứng đáng!

Cụ Thiên Hộ ngơ ngác hỏi:

- Ban thưởng gì đấy, thưa anh?

Thập Biện đáp:

- Lại không biết được hay sao mà còn phải hỏi? Ban thưởng gì nào? Anh muốn phong chức cho nó hay sao?

Rồi Thập Biện trợn mắt, đưa bàn tay lên chặt xuống mặt bàn:

- Thưởng như vậy đó.

Cụ Thiên Hộ hoảng hốt kêu lên:

- Chém rồi?

Thập Biện ra vẻ quan trọng, nghiêm nghị đáp:

- Chém đầu lập tức. Để nó sống làm gì hở? Thủy quái mà nó giết được thì cái cửa ngục nó phá cũng được. Chém là thượng sách. Mà không những trừ nó là xong đâu...

Thập Biện dừng lời nheo mắt nhìn cụ Thiên Hộ, như muốn bắt cụ đợi chờ. Cụ Thiên Hộ trong lòng chết điếng, những muốn kêu trời mà khóc, nhưng cố nén lòng hỏi thêm:

- Vậy quan trên còn định ra lệnh gì nữa?

Thập Biện gật gù cái đầu:

- Lệnh trên không phải dễ gì ai cũng biết được cả đâu. Nhưng chỗ anh quen thân, ta mới bảo cho rõ đấy. Nghe đâu tên Khải Hòa nầy còn đứa con trai, để cái mầm loạn sống sót thì thêm nguy hại… - Thế ra phải giết luôn cả con nó?

Thập Biện cười đáp:

- Chẳng lẽ giết được thằng cha mà không giết được thằng con hay sao? Trừ loạn thì phải trừ cho tiệt gốc mới là thượng sách. Quan đã ra lệnh từ chiều.

Cụ Thiên Hộ ngồi yên, cúi thấp mái đầu đã bạc như không nghe gì nữa. Đôi vai gầy của cụ rung lên và nước mắt chực tuôn trào. Cụ bèn đứng lên, từ giã. Thập Biện không muốn giữ lại, mời đưa một tiếng, và cụ Thiên Hộ vội vã ra về.

Cụ bước trong khoảng đêm dầy, tưởng như nghe thấy đất trời chao đảo. Tai cụ như ù đi, mắt cụ như mờ hẳn, chân bước trên đường mà như chập chờn bước trong một giấc chiêm bao. Ra đến giữa đồng, gió từ sông xa thổi về mát lạnh, cụ mới tỉnh trí, dừng lại bên đường. Những gì cụ đã lo toan bây giờ đã thành sự thực và sự thực lại càng bi đát hơn nhiều. Cụ nghĩ lại cuộc đời Khải Hòa, nghĩ đến nỗi khổ mà anh đã trải qua trong cuộc sống, từ những ngày làm thuê ở mướn cho nhà họ Vương đến khi vất vả một mình nuôi con trong túp lều nhỏ, bao nhiêu thiếu thốn, nhọc nhằn chịu đựng suốt cả một đời, và bây giờ đây bỏ xác oan uổng không người thân yêu chăm sóc mộ phần. Nước mắt già nua của cụ, giữa chốn vắng vẻ ràn rụa tuôn ra như những dòng suối chảy từ lòng sâu của một ngọn núi cằn cỗi.

Rồi cụ lại đi, hối hả trở về. Nhiều lần cảm thấy quá sức nhọc mệt không sao bước nổi, cụ tưởng ngã gục trên đường nhưng lại gượng bước, cố hướng cặp mắt già nua về nẻo xóm làng quen thuộc.

Cụ về tới xóm thì khuya lắm rồi. Mọi người đã ngủ, giấc ngủ yên lành thiêm thiếp theo sau một trận lo âu dằn vặt nhiều ngày. Cụ rẽ vào ngõ nhà Khải Hòa, lại gần cánh cửa lắng tai nghe ngóng và đoán thằng nhỏ Khải Hùng đã ngủ mê say, cụ bèn về nhà. Khi cụ đẩy cửa bỗng nghe Khải Hùng kêu lên mừng rỡ:

- Trời ơi, cụ về đây rồi! Để cháu tìm lửa.

Lát sau, thằng bé thắp được ngọn đèn, đem lên giữa nhà. Nó nói:

- Sau khi cha cháu bị bắt đi rồi lại thấy cụ vội ra đi cháu thực lo lắng, sang đây trông nhà cho cụ...

Cụ già ngồi yên nhìn chăm chăm vào Khải Hùng giây lâu và nén khóc nói ôn tồn, chậm rãi:

- Khải Hùng, ta muốn nói riêng với con điều nầy… Thằng bé ngước mắt, đợi chờ. Cụ già tiếp lời:

- Từ đây ta với cháu đành phải xa nhau, không biết bao giờ mới gặp. Cuộc đời của cháu rồi sẽ khó khăn, nguy hiểm, không thể lường trước ra sao. Nhưng đừng buồn, đừng lo, cứ chịu khó mà sống, mà phấn đấu với đời. Cháu đừng khóc lóc khi nghe tin nầy: Cha cháu đã bị giết rồi.

Khải Hùng ngồi sụp xuống nền đất, gục đầu vào cột, cố giữ cho khỏi tiếng khóc.

Ông cụ nói tiếp:

- Thôi, đừng buồn. Quan trên sáng mai sẽ cho bọn lính về đây giết luôn cả cháu.

Thằng bé ngước mắt nhìn lên. Trong ánh đèn dầu lờ mờ, cụ già nhìn thấy long lanh những ánh căm hờn trên cái khuôn mặt trẻ thơ. Cụ nói:

- Phải tự cứu thoát, đừng để phải chết một cách oan uổng. Cháu hãy ngồi đây, từ đây bắt đầu cuộc đời lưu lạc của cháu. Hãy lo về nhà gói ghém áo quần, tìm xem còn gạo muối và các thức ăn gì khác thì mang sang đây. Ta cũng thu gói phần ta cho cháu.

Cụ Thiên Hộ lục lọi và còn bao nhiêu gạo, khoai, muối, mắm trong nhà gói ghém cả lại. Khải Hùng cũng chạy sang, hai tay cầm gói nhỏ. Hai gia đình đều nghèo, lâu nay bị loài thủy quái tác hại họ gần như cạn sạch cả thức ăn. Cụ Thiên Hộ nhìn thấy Khải Hùng vẻ mặt rắn rỏi mặc dù đang tuổi thơ ngây, lòng cũng hơi yên. Cụ tắt đèn và cùng đi với Khải Hùng ra bờ sông. Bốn bề vắng lặng không nghe một tiếng động nào. Chỉ xa xa tiếng gà eo óc và thỉnh thoảng giọt sương rơi nhẹ trên cành.

Cụ Thiên Hộ giúp Khải Hùng bỏ đồ vật xuống một chiếc thuyền chài nhỏ của Khải Hòa cột ở ven bờ, rồi kéo đứa bé vào lòng, cụ bảo:

- Ta không biết sau nầy có gặp lại con đặng không nhưng cầu trời phù hộ cho con trên bước đường phiêu lưu. Lúc năm sáu tuổi con đã biết nghiệp bơi chèo thì bây giờ con phải tự chèo mà tìm nẻo sống. Mười hai tuổi đầu vẫn là tuổi ăn chơi của những con nhà khá giả. Song chính vì ta nghèo mà chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn, phải tập dạn dày, tu luyện sớm hơn để mà đối phó với đời. Con có biết đời là gì không? Là cơm ăn áo mặc hàng ngày, là sự đối xử hàng ngày của ta đối với xã hội. Đời còn là bao nhiêu tình thương, bao nhiêu tai họa, bao nhiêu nổi giận, bao nhiêu hạnh phúc. Phải tập đón, tập đỡ, nhưng cuối cùng phải giữ lấy phần thắng cho mình. Đời là một con thủy quái, con à. Không ai thắng được thủy quái một mình, mà phải hợp sức cùng những kẻ khác đồng chung chí hướng với mình.

Ông cụ xoa đầu thằng bé, nghẹn ngào nói tiếp:

- Bây giờ con đi về đâu, chắc con cũng không biết nữa. Hãy chèo cho mạnh ra khỏi vùng nầy trước khi mặt trời lên cao. Ta chỉ cho con hai nẻo mà đi: đến ngã ba sông, nếu rẽ bên trái thì năm ngày sau con sẽ đến bến Liêu giang. Đến đây bán thuyền lên bộ, đi chân độ hai mươi ngày sẽ đến kinh thành. Tại đây, hỏi thăm nhà của An Dương Hầu rồi tìm người mẹ của con tên là Bạch Tuệ trong số kẻ hầu người hạ. Mẹ con xa con từ khi con mới một, hai tuổi đầu, bây giờ hai bên khó mà nhìn nhận nhau được. Khốn nỗi, cha mẹ của con lấy nhau cũng không có chút gì là tặng vật để làm kỷ niệm mà đem đối chiếu làm tin. Nhưng được con giống cha con như đúc. Nếu mẹ con còn lòng thương con, thì ắt sẽ nhận biết được dễ dàng. Cái kỷ niệm quí nhất vẫn là tình thương. Nếu quên con rồi thì có bao nhiêu kỷ vật cũng là vô ích. Nhưng nếu con không đi về ngã trái để tìm mẹ con thì con có thể chèo về ngã phải và đi khoảng hai mươi ngày thì sẽ đến bến Hồi giang. Lên bến, con tìm hỏi Trịnh Thiết Hào, chủ tiệm rượu. Con tự giới thiệu là cháu của ta, và để làm tin con đưa cái ống điếu nầy. Đây là cái điếu bằng gỗ thạch đàn mà Thiết Hào đã đẽo gọt cho ta từ khi bọn ta còn sống ở vùng rừng núi Thập Sơn. Đưa xem, rồi con giữ lấy, đó là chút vật của ta gởi gắm cho con để nhắc cho con nhớ mấy điều nầy...

Cụ Thiên Hộ!ấy ra một ống điếu cũ đen bóng, trao cho Khải Hùng rồi tiếp:

- Mỗi khi nhìn chiếc điếu nầy con hãy nhớ lấy ba điều ta dặn đinh ninh: Một là đừng quên cái gốc của mình. Cha con làm ruộng, chài lưới, sống đời chất phác, hiền lành, chứ không phải kẻ cao sang quyền quí. Con có nghèo nàn hay sung sướng cũng đừng quên cái gốc mình mà học lấy những thói ti tiện của người sa đọa hay thói hống hách của kẻ làm nên. Hai là nhớ rằng thủy quái là loài hung ác lớn lao như thế mà cha con vẫn đâm nó chết được. Cái khó bao nhiêu ta vẫn làm được, nhưng cha con không chỉ giết được nó một mình, còn phải nhiều người góp sức. Phải tin tưởng ở tài năng của mình nhưng đừng tưởng rằng chỉ có riêng mình mới làm nổi được việc lớn, mà phải biết hợp sức với kẻ khác. Ba là hãy vì lợi ích nhiều người mà gắng sức mình. Đừng nghĩ khư khư lấy quyền lợi mình mà chết. Giết con thủy quái là để cứu mình mà cũng cứu người. Muốn tránh ích kỷ thì hãy đem cái lo âu của ta góp vào cái lo âu của thiên hạ. Thôi, còn trẻ mà ta nói chuyện dông dài của người lớn tuổi, e con không sao nhớ được. Chỉ ghi tóm tắt ba điều trong trí nhớ con: Đừng quên nguồn gốc, hãy tự tin minh, đừng ngại gian khổ, đừng ham lợi riêng thì mới mong nên người có giá trị được. Rồi đây cuộc đời sẽ dạy dỗ, khuyên răn hay trừng trị con, chứ ta không sao nói hết. Những chân trời xa lạ sẽ đón chờ con, những ngày đói rét đau khổ, đọa đày sẽ đe dọa con. Con đi với nỗi khổ nhưng còn niềm tin ở tương tai. Ta sẽ ở lại trong cảnh bình thường, héo hắt và chết giữa cảnh đợi chờ. Ngày mai trên bờ sông Dương Châu sẽ thêm một ngôi miếu nữa để thờ thủy quái! Thực là mai mỉa, kẻ trừ mối hại thì bị trừng phạt kẻ gieo tai biến thì được tôn quí.

Khải Hùng không sao nén được nước mắt nhưng chẳng dám khóc to sợ phiền lòng cụ Thiên Hộ, vội vàng quay đầu nói trong nghẹn ngào:

- Cháu xin ghi xương tạc dạ những lời cụ dạy. Dù trôi nổi đến nơi nào cháu cũng quay về quê hương nơi có nấm mồ cha cháu và hình bóng cụ.

Nói xong, Khải Hùng cúi lạy cụ Thiên Hộ. Cụ đưa nó xuống thuyền, mở dây dỏng và trao cho nó mái chèo:

- Nhớ giữ mình, cháu đi phen nầy là để lập thân.

Giọng cụ như lạc hẳn đi. Từ giữa sông lờ mờ trong sương khuya vẳng lại giọng nói yếu đuối của thằng bé:

- Chúc cụ ở lại mạnh giỏi… Rồi đất trời trở lại quang cảnh im lìm, vắng vẻ. Xa xa có tiếng chèo khua nước, nhưng nhỏ nhẹ làm sao, khiến cụ già ngồi trên bờ sông xót xa bùi ngùi, tưởng như tất cả những niềm lưu luyến trên cõi đời nầy đều lần lượt bỏ mình mà đi, để mình trơ trọi giữa chốn hoang vu. Nhưng khi cặp mắt già nua không còn nhìn thấy gì hết trong sương khuya, khi đôi tai mệt nhọc không còn nghe thấy gì nữa trên sông vắng, cụ già đứng lên, quay lại xóm thôn đang ngủ im lìm và tìm lại nỗi niềm yên tĩnh trong tâm.

Khải Hùng cúi rạp mình trên chiếc thuyền nhỏ cố hết sức chèo, đôi tay thoăn thoắt đẩy làn nước lạnh của mặt sông về sớm còn quyện hơi sương dầy đặc. Thỉnh thoảng nó mới ngóc đầu lên nhìn vội hai bên bờ sông để thấy cảnh vật dần dần đổi khác, những xóm nhà nhỏ biến dần nhường chỗ cho những đồi cỏ, những rừng cây, những lau lách um tùm thỉnh thoảng điểm một mái lều rách nát của kẻ phá rẫy khai hoang nghèo khổ.

Đến khi cánh tay rã rời, Khải Hùng biết mình đi đã khá xa nhưng vẫn không dám dừng lại nghỉ ngơi, cố hết sức chèo. Mồ hôi tuôn ra khắp người dầm dề như tắm và trong sự mệt mỏi cùng cực, tấm lòng đứa bé tự nhiên xúc động cho cảnh ngộ minh, bỗng tuôn nước mắt dàn dụa hòa lẫn mồ hôi ướt đầm cả mặt. Lâu lắm nó mới cố nén được lòng, tự nhủ: "Bây giờ ta chỉ còn trông cậy mỗi nơi ta, để cho lòng mình yếu mềm là tự giết chết".

Rồi gạt nước mắt, nó lại tiếp tục bơi chèo, cắn chặt răng lại, vận dụng bao nhiêu sức lực trong người quạt nước, đẩy thuyền tiến tới. Mặt trời từ từ hiện lên sáng tỏa phương đông, chiếu xuống rạng rỡ trên mặt sông rộng, phản chiếu vào mặt Khải Hùng làm cho lóe sáng khiến tay chèo của nó càng thấy khó khăn. Nó như một người mù lòa cắm cúi mà chèo, chỉ biết còn chèo là còn sống, và chỉ có tự tay điều khiển con thuyền của mình thì mới đi đến bến bờ tương lai. Càng trưa, nắng càng gay gắt, tay chân rã rời, mồ hôi ướt đẫm, Khải Hùng vẫn không nản lòng chèo chống. Lấy chiếc nón rách đội trên mái đầu, Khải Hùng vừa vuốt mồ hôi trên mặt vừa đẩy mái chèo.

Trong đầu thơ trẻ của nó tự nảy ra những ý nghĩ: "Có lẽ cuộc đời mỗi người cũng như là kẻ chèo thuyền trên sông. Ai chịu nỗ lực thì đến bờ mong đợi, ai kém tay chèo thì cứ lững lờ trôi dạt vào chốn phiêu lưu vô định. Bao nhiêu sóng nước chập chờn chỉ chực nhận chìm chiếc thuyền cũng là hình ảnh bao nhiêu cảnh khổ ở đời chỉ muốn xô ngã con người. Không, ta phải lướt tới, vượt qua, nhớ lời dạy bảo của cụ Thiên Hộ."

Đến lúc mặt trời lên đến đỉnh đầu thì Khải Hùng thấp thoáng thấy trước mặt có nhiều ghe thuyền tấp nập và con sông rẽ làm hai nhánh. Nó biết đi khá xa rồi, đã đến nơi ngã ba sông, một nẻo bên trái dẫn về Liêu Giang đưa đến kinh thành, một nẻo bên mặt dẫn về Hồi Giang, chỗ ở của Trịnh thiết Hào.

Chèo gần tới ngã rẽ, tấm lòng đứa bé sinh ra hồi hộp khác thường. Đi về ngã nào? Nó thấy phân vân khôn xiết. Tìm đến người mẹ lạc loài không sao rõ được hình dung, hay tìm đến người bạn già của cụ Thiên Hộ mà nó chưa hề gặp mặt? Tự nhiên cánh tay bơi chèo của nó yếu dần và nó băn khoăn tự bảo: "Về đâu bây giờ cũng là đi vào cuộc đời vô định. Nhưng đã đến lúc phải chọn một đường. Tùy sự chọn lựa mà đời của mình cũng sẽ thay đổi". Nó lại lờ mờ thấy rằng con người đứng ở chỗ ngã ba sông cũng như đứng trước nẻo đời nhiều hướng. Nó bị bắt buộc phải quyết định sự chọn lựa quá sớm nhưng làm thế nào. Nếu cứ chần chờ lưỡng lự ở đây thì bọn nha lại cho thuyền đuổi kịp bắt mà giết đi thì uổng bao nhiêu công sức chèo chống suốt nửa ngày trời. Nó nhắm mắt lại, cố gắng hình dung hai con đường đi trước mặt. Con đường tìm mẹ sao mà mơ hồ quá sức. Ở nơi người mẹ xa xôi không có chút tình liên lạc từ khi nó còn bé bỏng đến giờ, nó không tìm thấy một sự thiết tha nào cả mà khi nghĩ đến lại cảm thấy lòng sợ hãi, e dè. Rủi nàng Bạch Tuệ đã qua đời rồi thì ở giữa chốn kinh thành xa lạ nó sẽ dựa cậy vào ai?

Trong lòng Khải Hùng đôi khi cũng thấy khát thèm hình ảnh gần gũi âu yếm của một người mẹ như sự ước muốn được nỗi chở che của mọi đứa trẻ cô độc, nhưng nó tự biết cuộc đời của mình phải chịu những sự thiếu thốn lớn lao khó được đền bù và đành âm thầm nén lại những nỗi băn khoăn tình cảm. Nó lại quen sống ở nơi ruộng đồng, sông rạch, hình ảnh lờ mờ của chốn thị thành náo động ngựa xe, theo nhiều miệng người thuật lại, khiến nó e ngại. Bởi vậy nó ngước về nẻo Hồi Giang, như thấy ở trước mắt mình hình ảnh hiên ngang của Trịnh Thiết Hào gần gũi thân mật chừng nào! Nó tự nhủ: "Người ấy là bạn của cụ Thiên Hộ chắc phải hiền lành tử tế như cụ Thiên Hộ". Nó cúi xuống bọc áo của mình, bất giác thấy cái ống điếu thạch đàn, cầm lên, và sinh một niềm tin tưởng vô hạn… Lập tức, Khải Hùng quay thuyền về nẻo Hồi Giang và chèo dần vào một khúc sông càng ngày càng hẹp tỏa bóng mát lạnh từ những lùm cây rậm rạp ở hai bên bờ. Nó thấy đói lả nhưng không dám ngừng nghỉ lại, vội lấy một ít cơm nguội của cụ Thiên Hộ gói cho ban sáng vừa nhai vừa chèo. Mặt trời ngã dần về Tây, bóng chiều tỏa xuống sau lưng, gió mát gờn gợn thổi nhẹ trên sông khiến cho Khải Hùng cảm thấy dễ chịu. Những sự mệt mỏi ban sáng như xoá tan dần, và nó nhận thấy hình như đã lướt được khó khăn trong lúc ban đầu.

Càng về chiều, dòng sông càng hẹp, gió càng thổi lạnh. Khải Hùng nghe hai bên bờ cây cối xạc xào và chim về tổ từng đàn tranh nhau chí chóe trên những ngọn cao. Đợi lúc dòng sông tắt nắng và khói sông tỏa lên từ từ mờ mịt, nó mới cố gắng chèo thêm một quãng khá xa để tìm một bến sông nào có thể nghỉ lại đêm nay để mai đi sớm. Đến một khúc hẹp, có gốc si già từ bờ nhô ra tỏa tàng lá rậm như một mái lều, Khải Hùng ghé thuyền vào nghỉ thì hoàng hôn đã phủ xuống con sông vắng những vạt bóng tối và sương mù dâng lên gần như dày đặc khắp cả mặt sông.

Vừa toan buộc thuyền vào gốc si già bỗng nhiên Khải Hùng nghe những tiếng kêu kỳ lạ vẳng lên. Tiếng kêu ban đầu giống như một tiếng mèo hoang ẩn trong hố nhưng dần dần tiếng khóc từng hồi của một trẻ thơ vẳng lên giữa mặt sông. Thoạt tiên, Khải Hùng cảm thấy ớn lạnh khắp cả xương sống. Giữa chốn hoang vu, trong đêm tăm tối mịt mờ sương lạnh, phải chăng đấy là những tiếng kêu khóc của những hồn ma lạc loài hiện lên để trêu ghẹo người lạc lối? Mỗi lúc tiếng khóc nghe càng thảm thiết, dập dồn. Khải Hùng không phải là một đứa trẻ nhát gan. Nó từ nhỏ đã sống cuộc đời gian khổ, đêm hôm đã từng lặn lội mò cua, bắt cá nên không hề tin nhảm nhí những chuyện hoang đường vô lối về các hồn ma, bóng quỷ dọa người. Cái cảm giác sợ hãi ban đầu tan đi, nó định thần nghe kỹ và lòng cảm thấy xúc động không yên. "Chắc là một đứa trẻ con nhà ai lạc loài trôi nổi trên sông", nó tự bảo vậy. Rồi vội vàng quờ quạng chèo thuyền lướt trong sương dầy hướng về tiếng khóc trên sông chèo đến. Càng đến gần, tiếng khóc càng rõ nhưng bây giờ chỉ còn là những tiếng gào khan trong một cổ họng sắp tắt. Trong bóng tối, Khải Hùng nhìn thấy lờ mờ gần thuyền có một mảng bè, trên đấy có một đứa trẻ độ chừng một tuổi tay chân bị bó chặt lại, trên mình phủ đầy những tã. Nó tháo dây, ôm đứa bé lên thuyền. Đứa bé được ẵm trong lòng, cảm thấy ấm áp, ngừng hẳn tiếng khóc. Nhân thấy lớp vải bọc quanh toàn là những món lụa là, hàng vải đắt tiền, nó nghĩ: "Chắc là con nhà khá giả bị sự rẻ rúng gì đây mà phải xô đuổi trôi dạt trên bè. Dù con của ai cũng là mạng sống, ta phải cứu nó".

Khải Hùng ôm đứa bé trong lòng suốt đêm để khỏi lạnh. Đứa bé thiếp đi từng chập, từng hồi và mỗi lúc tỉnh giấc lại khóc thét lên. Biết rằng nó đói, Khải Hùng phải lui cui bươi than ủ dưới lớp tro đặt trong chiếc nồi bể ở dưới lòng ghe để nhen lửa, thổi cơm.

Đứa bé có vẻ đói lắm nhưng ăn rất ít xem chừng như không quen dùng cơm muối bao giờ. Tuy vậy, ăn xong nó ngủ yên giấc và Khải Hùng cảm thấy từ khi có đứa bé bên mình nó không còn thấy cô độc nữa và giữa khúc sông vắng vẻ, bên những bờ bụi hoang vu, trong khoảng đêm dài thăm thẳm, Khải Hùng tìm được ít nhiều ấm cúng như tìm được một nơi nương tựa.

Mờ sáng, đứa bé khua động làm cho Khải Hùng choàng tỉnh. Nó nhìn rõ vẻ mặt hiền lành của một đứa con gái và thấy những vải tã bọc quanh, nó đoán chừng gia cảnh đứa bé cũng thuộc vào hàng khá giả. Nhưng Khải Hùng không thể suy đoán xa hơn vì đâu đứa nhỏ phải chịu ruồng bỏ như vậy, tuy trong đầu óc của nó lờ mờ nhận thấy cuộc đời vẫn còn lắm sự độc ác, lắm nỗi tàn nhẫn không sao lường được.

Suốt cả ngày hôm ấy, Khải Hùng chèo thuyền hăng hái hơn trước. Nó nghĩ rằng bây giờ nó còn phải lo cho một người khác nữa và nó càng không nên chểnh mảng phút giây. Đứa bé không còn khóc, nó nằm ở giữa thuyền, mở cặp mắt thao láo mà nhìn Khải Hùng. Nó độ năm sáu tháng nên đã biết chú ý đến mọi việc xảy ra quanh mình. Sau những giờ trôi nổi, bây giờ cảm thấy gần gũi một người lạ mặt, lại được đi trên chiếc thuyền bồng bềnh nó chỉ còn biết ngạc nhiên mà thôi. Thỉnh thoảng Khải Hùng dừng chèo quay lại và thấy con bé mỉm cười như đang chờ đợi một sự săn sóc. Nụ cười ngây thơ, bé bỏng làm cho Khải Hùng cảm động khiến nó quên cả nhọc mệt. Nó nhớ lại trước đây vẫn thường ước ao có một đứa em bất luận là trai hay gái để cùng vui vẻ nô đùa, để được trông nom săn sóc. Con người đều muốn nghiêng về kẻ khác, đều muốn san sớt lòng mình. Những ngày ở Mai Gia Trang nó vẫn quyến luyến với nhiều đứa trẻ trong xóm, Khải Hùng nhớ lại con bé Tiểu Thanh hiền lành ở bên bờ sông Dương Châu và nảy ý dùng cái tên ấy để gọi đứa em lưu lạc của mình.

Mỗi khi nó kêu lên: "Tiểu Thanh! Tiểu Thanh!" hoặc hỏi han một cách trìu mến: "Sao Tiểu Thanh không ngủ đi, hở?", "Tiểu Thanh đã đói bụng chưa?" thì con bé có vẻ ngơ ngác hết sức. Khải Hùng biết rằng đứa bé vẫn có một cái tên nào đấy nhưng cứ gọi là Tiểu Thanh rồi thời gian sau nó sẽ quen đi.

Con thuyền cứ thế lướt trên dòng sông như muốn kéo dài mãi mãi. Khải Hùng tuy bị bận rộn hơn trước nhưng thấy vui hơn. Khi mặt trời lên cao nó phải lấy chiếc nón tả tơi của mình che cho đứa bé và phơi đầu dưới nắng suốt ngày. Những lúc gặp mưa thình lình, Khải Hùng phải ôm đứa nhỏ vào lòng, lấy nón đỡ lấy chiều mưa tạt vào và đành chịu ướt. Lần đầu tiên Khải Hùng cảm thấy niềm vui phơi phới được lo cho kẻ khác, và sự thiệt thòi của mình được đền bù lại bằng những khoan khoái tinh thần khó tả.

Một hôm, Khải Hùng tỉnh giấc nhưng không sao ngồi dậy được. Nó thấy trong người bần thần, cổ họng khô cháy, hai bên thái dương hừng hực như bị lửa đốt. Biết rằng những ngày dầm mưa dãi nắng đã khiến cho mình bị ốm, nó cố gượng dậy nhiều lần nhưng không làm sao dậy nổi. Mãi đến khi mặt trời lên cao thiêu đốt gay gắt, mồ hôi nó tuôn ra dầm dề, bấy giờ nó mới cảm thấy nhẹ nhàng đôi chút. Nó gượng dậy cố chèo nhưng chỉ được một quãng đã thấy hai tay rã rời. Cuối cùng nó đưa thuyền vào bờ núp dưới một lùm cây sà trên mặt nước và cột thuyền để nghỉ.

Suốt ngày Khải Hùng nằm thiếp đi, không biết gì đến chung quanh. Con bé Tiểu Thanh ngồi bên cạnh nó hoặc nằm xuống bên nó không dám kêu khóc một lời. Dường như con bé cũng thấy một sự khác thường xảy ra và đâm e ngại. Mãi đến lúc trời tối, Khải Hùng mới tỉnh cơn mê. Nó gượng dậy, ôm con bé vào lòng, vỗ về nó và thấy trong người hơi tỉnh nhưng đầu óc vẫn còn choáng váng. Mấy hôm nay không những chịu cảnh dãi dầu, Khải Hùng còn đồ ăn ít quá. Gạo khoai sắp hết và Khải Hùng không muốn cho Tiểu Thanh phải đói. Trong bóng đêm dầy phủ đặc cả sông, chợt Khải Hùng nhìn thấy xa xa, vào phía trong bờ có ánh lửa sáng chập chờn, Khải Hùng gượng dậy, lấy chiếc đãy vải hôm nào đã cột đứa bé vào bè, cột chân nó vào khoang thuyền rồi bảo: "Tiểu Thanh ngồi đây, đừng có trườn xuống sông nhé! Ta đi tìm người trong xóm rồi sẽ về ngay". Trong bóng đêm Khải Hùng như thấy đứa bé gật đầu. Nó đứng lên, loạng choạng leo các sườn dốc mấp mô và hướng về phía ngọn lửa, bước chân lảo đảo nhiều lần như muốn ngã quỵ.

Khải Hùng phải đi khá lâu, qua nhiều bờ bụi và có cảm tưởng như mình đang lạc vào trong một quãng rừng hoang. Cuối cùng ánh lửa rõ dần và Khải Hùng đến một ngôi nhà sơ sài bên trong thấp thoáng có mấy bóng người đang ngồi chuyện vãn. Không dám bước vào, nó đứng nép dưới gốc một cây lớn sau nhà để nhìn.

Qua khung cửa liếp, Khải Hùng trông rõ ba người to lớn đang ngồi nói chuyện. Vẻ mặt người nào trông cũng hung hăng khác thường. Một người có bộ râu quai nón vụt đứng dậy, chống hai tay vào hông, đảo cặp mắt tròn xoe nhìn sang hai người kia rồi nói:

- Đợi gì?

Người kia trả lời:

- Đợi ngày đả lôi đài, sau ngày lễ trung thu sắp đến. Thiết Hào tổ chức dịp nầy để khoe tài với anh hùng bốn phương, nhưng rồi hãy xem.

Và cười ha hả rất lớn gã tiếp:

- Hạ nó trước mặt mọi người để rửa mối nhục ngày nào cho nó biết tay. Ta cũng cần phải nhắc lại cho hai người biết ngón võ bí truyền mà ta dạy cho hai người khi lâm vào thế nguy khốn là ngón vô cùng lợi hại cần phải rèn luyện cho đến tuyệt kỹ mới mong xử dụng có kết quả được. Việc gì, trên đời cũng có hai mặt, ngón võ hại người càng độc thì cũng dễ bị người ta hại lại, nếu không cẩn thận đề phòng. Chỉ khi nào thấy mình yếu thế mới tạo sơ hở cho đối thủ xông vào để hạ ngã mình, rồi sau đó mới dùng nó được. Trước kia ta đã dạy cho bảy đứa đồ đệ mà sáu đứa bị giết chết vì đã nôn nóng xử dụng ngón nầy, ngoại trừ Triệu Nguyên sống được là nhờ nó chưa áp dụng ngón đó. Muốn cầm thanh gươm lớn thì phải có sức mạnh, muốn vượt đường xa thì phải dùng ngựa ký, tài năng, trí tuệ chưa đủ dùng ngón hiểm độc mà đã vội dùng thì càng mau chết mà thôi. Ta khuyên hai ngươi từ đây đến đấy, phải cố rèn luyện cho thực tinh thông ngón ấy. Cốt nhất là hồi bị đánh ngã xuống thì phải xoay được mình phóng cả hai chân vào ruột đối phương. Càng bị ngã mạnh thì càng đá mạnh, tất cả bí quyết là ở đấy. Nếu tạo sơ hở vụng về, đối phương không đánh ta ngã hoặc đánh ngã yếu, thế là hỏng hết. Giết được thằng Trịnh Thiết Hào phen nầy thì ta nắm quyền bá chủ Hồi giang, tha hồ ta cho bọn ngươi mặc sức hoành hành.

Một người vẻ mặt ít khắc khổ hơn và gầy gò hơn, từ nãy đến giờ chưa nói lời nào, cất tiếng hỏi:

- Nhưng huynh có chắc là Trịnh Thiết Hào giết nàng Hồng Diệp để hại huynh không? Tôi vẫn còn ngờ vực lắm.

Người có bộ râu quai nón tỏ vẻ giận dữ, hét lên:

- Chứ đứa nào vào đấy nữa? Tường nhà của Phạm Lang Trung trừ phi Trịnh Thiết Hào thì chẳng có một kẻ nào vào lọt. Lại còn cái cây thước sắt của nó gây nên án mạng chứ ai? Ta thề một sống một chết với nó phen nầy.

Nói xong người nầy ngồi xuống, xem chừng nét mặt vẫn còn hầm hầm tức giận. Khải Hùng nín thở, lắng tai, ban đầu nghe nói đến Trịnh Thiết Hào thì hết sức ngạc nhiên nhưng sau cùng nghe xong câu nói của người râu quai nón mới nghĩ không thể là bạn của cụ Thiên Hộ mà chắc là một gã trộm cướp nào trùng danh trùng tánh đấy thôi. Đứng lâu, hơi mệt, Khải Hùng toan ngồi xuống chỗ gốc cây, bỗng thấy người râu quai nón vụt đứng dậy nhìn đăm đăm về phía cửa liếp ra dáng nghi hoặc. Bỗng gã rút nhanh thanh kiếm bên sườn, cau mặt:

- Quái, ta đánh hơi thấy người lạ gần đây.

Lập tức hai người kia cũng rút gươm đứng dậy. Khải Hùng khiếp hoảng, lại thêm sức yếu đã mấy hôm rồi nên ngã lăn ra trên đất. Ba người cùng bước ra ngoài và cúi xuống nhìn Khải Hùng một hồi rồi một người kéo nó dậy. Khải Hùng gần như ở trong tình trạng mê man không hay biết gì, mồm chỉ lảm nhảm nói lên những tiếng ú ớ rời rạc. Đưa Khải Hùng vào cạnh bếp lửa một lát, chờ tỉnh dậy, người râu quai nón bèn hỏi:

- Mầy ở đâu đến đây?

Rồi không đợi cho Khải Hùng trả lời người ấy quay sang hai người kia nói tiếp:

- Xem thằng bé nầy nó giống đứa con của thằng Phùng Siêu mà ta chọc cổ huyết hôm trước hay không?

Người gầy hơn, vừa nhìn Khải Hùng từ đầu đến cuối vừa trả lời:

- Thằng nầy trông già dặn hơn nhiều nhưng ít thịt lắm.

Khải Hùng cố giữ bình tĩnh thuật lại hoàn cảnh của mình nhưng nói chệch đi là cha mẹ bị chết vì nghèo đói và không nhắc đến tên Trịnh Thiết Hào chỉ trình bày đi kiếm nơi sinh sống mả thôi.

Ba người ngồi nghe không nói gì. Bỗng người râu quai nón nói:

- Xem tướng mạo thằng nầy có thể dùng được. Mầy ở đây trông nhà cho bọn tao, rồi tao sẽ lo ăn lo mặc cho mầy.

Khải Hùng kể lại hoàn cảnh của bé Tiểu Thanh và một mực xin đi. Người kia bỗng cười phá lên:

- Chao ôi, một mạng chết đói của mầy tự nuôi chưa xong lại còn đèo thêm một mạng nữa à? Trông tướng mạo của mầy là tướng mạo ăn cướp thế mà toan làm việc tu hành, kể cũng lạ đấy. Thôi được, mầy về Hồi Giang thì mầy cứ về. Đại Thường lấy cho nó một bao gạo và cho nó ít hoàn thuốc giải cảm để nó đi cho khuất mắt.

Khải Hùng nhận những vật cho, trong lòng run run cảm động. Nó tưởng phen nầy là không thoát chết nào ngờ được cứu sống, trong lòng ngơ ngác không hiểu vì sao. Khi lạy tạ quay ra được ít bước nó lại quay vào.

Người trẻ hơn trong bọn hỏi:

- Thế nào? Còn muốn gì nữa? Chúng tao cũng không dư gạo hơn mầy lắm đâu, đừng tưởng ở đây là kho lương thực.

Khải Hùng khép nép thưa:

- Quý ngài cho tôi bấy nhiêu cũng đã nhiều rồi. Tôi chỉ mong ngày sau có dịp sẽ trả ơn nầy. Xin quí ngài cho tôi biết tánh danh...

Cả ba người cùng cười. Người có râu quai nón nói:

- Nếu không có đứa nhỏ chờ mầy dưới thuyền như lời mầy nói thì nghe câu nói vừa rồi cũng đủ cho tao chọc tiết mầy rồi. Đi đi, đồ khốn! Bọn tao không quen được sự trả ơn theo lối của mầy đã học. Bọn tao cũng không cần mầy biết đến tánh danh.

Khai Hùng suy nghĩ rồi đánh bạo nói:

- Thế thì xin ngài cho tôi thêm chiếc nón rách.

Cả ba người cùng cười lớn và người có râu quai nón gật đầu:

- À, thà là mầy nói thế nghe lọt tai hơn. Tao ghét những cái cung cách giả dối làm bộ nhớ ơn để mong kiếm chác thêm đôi điều lợi. Cho mầy cái nón lành đây.

Và người ấy đưa chân khều từ dưới gầm giường một cái nón lá còn tốt, cầm lấy ném cho Khải Hùng.

Khải Hùng vừa quay ra vài bước thì thấy lố nhố một đám người hùng hổ xông vào. Nhìn kỹ thì họ ăn mặc theo lối sai nha ở chốn quyền môn. Một gã đi trước cầm thanh đao lớn hầm hầm bước tới, một gã theo sau kẹp bé Tiểu Thanh trong nách khiến cho con bé dẫy dụa kêu khóc kinh hoàng. Ba bốn người theo sau, kẻ cầm đuốc, người cầm đao, bừng bừng sát khí.

Khải Hùng hoảng kinh lùi lại, chạy vào trong lều.

Gã sai nha đứng trước cửa, chỉ Khải Hùng, quát vào:

- Mầy có phải là Khải Hùng đó chăng? Khai mau!

Khải Hùng chưa biết đối đáp thế nào thì người có râu quai nón, hét lên:

- Các ngươi là ai mà đêm hôm lại hùng hổ kéo đi vây bắt một đứa trẻ con?

Gã sai nha đáp:

- Ta đây là Đề Hạt họ Liêu dưới quyền quan lệnh Dương Châu, được phái tróc nã thằng con của tên phiến loạn. Đến đây ta chỉ tìm thấy dưới thuyền có con bé nầy, chắc là em út của nó. Nhờ có ánh đuốc mà ta tìm đến được đây, chắc là nó tới cầu xin các ngươi ẩn náu. Nhưng con cái của đạo tặc là mầm phản loạn sau nầy có hại cho dân cần phải nhất luật diệt trừ.

Người râu quai nón bèn hỏi:

- Cha nó làm gì mà gọi là đạo tặc?

Liêu Đề Hạt ấp úng rồi quát:

- Đạo tặc là đạo tặc chớ còn làm gì? Các ngươi không phải là hạng có quyền tra vặn được ta. Nếu không muốn mang tội chứa chấp kẻ giặc thì nộp mạng nó cho sớm.

Người râu quai nón cười to rồi đáp:

- Nầy Liêu Đề Hạt, ngài có ba điều lầm lẫn. Thứ nhất là cái lầm lẫn đây là nhà của thường dân nên ngài ỷ quyền cậy thế mà nạt nộ người. Xin ngài nhớ cho đây là sào huyệt của bọn Bắc Sơn. Lầm lẫn thứ hai là ngài ngờ ta chứa chấp tên giặc. Thực ra nó chỉ là một đứa trẻ đáng thương còn biết xót thương mạng người vô tội mà cứu trên sông, đến đây đói khát xin ăn khiến ta thương tình mà cấp gạo muối. Ba là ngài đã dùng lầm hai tiếng đạo tặc. Thế nào là đạo tặc, ngài có biết không? Như thằng Lệnh Trấn Dương Châu ngồi cao bóc lột dân đen, ỷ quyền cậy thế hại người vô tội mới chính là đạo tặc đó. Và cả ngài đây cũng là một thứ đạo tặc chính hiệu vì đã a tòng phụ lực cho bọn gian ác công khai.

Liêu Đề Hạt khoa đao hét lớn:

- Phường giặc cướp lộng ngôn, coi chừng mất mạng.

Người râu quai đón cười to:

- Đừng chọc vào Tiêu Diện Hổ mà bị rơi đầu tức khắc.

Nghe mấy tiếng Tiêu Diện Hổ, Liêu Đề Hạt thất sắc nhưng vội trấn áp tinh thần kêu gọi thủ hạ:

- Hãy xông vào bắt trói hết bọn chúng cho ta.

Tên sai nha kẹp bé Tiểu Thanh vội ném đứa bé vào một bụi cây rồi rút đao cùng cả bọn áp tới. Diện Hổ quay lại bảo người gầy gò từ sớm đến giờ vẫn ngồi bó gối ở bên bếp lửa:

- Đại Thường! Dành mấy cái mạng sâu dân mọt nước cho nhà ngươi đó.

Lập tức Đại Thường vụt dậy. Vừa lúc ấy Liêu Đề Hạt quạt đao chém tới. Đại Thường né tránh rồi nhanh như chớp phóng một đá vào ngay cánh tay họ Liêu khiến lưỡi đao bắn tung lên xà nhà. Lập tức Đại Thường hươi quyền nhảy đến chỉ trong vài hiệp đã nắm lấy họng họ Liêu và trước sự kinh ngạc của bọn sai nha, con người to lớn vạm vỡ của vị Đề Hạt đã bị gã Đại Thường ném tung lên không rồi đỡ lấy dùng làm khí giới nạp vào tấn công cả bọn nha thuộc. Bọn nha thuộc bắt buộc phải hươi đao chống đỡ và chém lên mình Đề Hạt không biết bao nhiêu là nhát. Liêu Đề Hạt bị nắm cứng ở trong tay Đại Thường chỉ biết kêu than thảm thiết. Đến lúc liệu bề không chống đối nổi, cả bọn nha thuộc cắm đầu chạy ra bờ sông thì gã Đại Thường vác xác Đề Hạt chạy theo, đợi cho cả bọn vừa đến đầu dốc vụt ném thật mạnh xác của Đề Hạt vào cả đám đông. Chỉ nghe tiếng "vút" và bọn nha thuộc bị đẩy văng tuốt ra ngoài mặt sông lõm bõm rơi xuống giữa dòng nước lạnh rồi bị vướng giầy, vướng dép không sao bơi được vào bờ đành chết chìm hết cả lũ.

Đại Thường ngồi im trên bờ đợi cho mặt sông trở lại vắng lặng rồi mới thong thả quay vào. Bấy giờ Khải Hùng đã vào bụi cây vực bé Tiểu Thanh đem hơ bên lửa. Đại Thường cười gằn rồi nói:

- Cho chúng xuống chầu diêm vương cả rồi. Chỉ tại cái thằng nhỏ nầy mà ông không nghỉ yên được đêm nay.

Nói xong chạy lại nắm lấy cổ họng Khải Hùng. Nhưng Tiêu Diện Hổ vội bảo:

- Đại Thường tha tội cho nó. Một thằng bị giết phải là kẻ ác thì đằng còn sống phải là kẻ thiện. Giết luôn kẻ thiện thì còn kẻ ác đâu nữa. Trời xui đất khiến thằng bé con nầy gặp gỡ chúng ta cũng là đại phước cho nó. Từ nay, mầy có thể cứ ruổi dong ngàn dặm cũng chẳng còn ai đuổi bắt mầy đâu. Thôi cho chúng mầy được ngủ lại một đêm ấm áp, rồi mai cút đi cho sớm.

Gã Đại Thường và chàng trai trẻ lại lấy mảnh chiếu khoanh tròn bên lửa mà nằm, phút chốc đã nghe ngáy vang như sấm.


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-7)


<