Vay nóng Tinvay

Truyện:Sáp huyết - Hồi 100

Sáp huyết
Trọn bộ 119 hồi
Hồi 100: Khói báo động
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-119)

Siêu sale Lazada

Nàng nhìn thấy Phạm Trọng Yêm u sầu, cũng biết mình không thể khiến cho ông vơi đi, không thể làm gì khác ngoài việc nói đến thơ ca. Chỉ hy vọng Phạm Trọng Yêm vơi bớt tâm sự mà thôi.

Lúc này, ánh đèn trong phòng chiếu vào tấm mạng che mặt của cô gái. Bên ngoài ánh trăng chiếu sáng, bầu trời đầy sao, gió thu lành lạnh, mang theo những chiếc lá rụng đầy.

Phạm Trọng Yêm lúc này mới ý thức được trời đã tối, thầm nghĩ Thường Ninh tuy là nữ, không câu nệ tiểu tiết. Nhưng dù sao bây giờ trời cũng đã tối, cũng có nhiều bất tiện, liền đứng dậy nói:

- Công chúa, trời đã tối rồi. Với tình hình hiện tại của Địch Thanh, thần cũng tạm thời chỉ biết bấy nhiêu. Thần xin phép tiễn công chúa.

Thường Ninh đứng dậy, nhưng không đi, cứng nhắc nói tiếp:

- Tiểu nữ đã sớm ngưỡng một đại nhân. Nếu không nghe được bài thơ nào thì chỉ sợ tối nay không ngủ được.

Phạm Trọng Yêm nhìn thấy Thường Ninh ôn nhu nhưng kiên trì, tràn đầy chờ mong thì không đành lòng từ chối.

- Công chúa mời di giá. Thơ rất nhanh sẽ có thôi.

Thường Ninh nghe Phạm Trọng Yêm nói khôi hài như vậy thì nở nụ cười buồn:

- Người ta nói Tài tử Tào Thực đi bảy bước thành thơ. Phạm Công cần mấy bước đây?

Phạm Trọng Yêm vừa tiễn bước Thường Ninh, trong lòng lại nghĩ đến việc Lã Di Giản trước đây đã nói qua với ông "Triều đình đều là người có văn chương. Muốn làm người tốt, không cần thiết phải biết văn chương như trong triều đình". Hôm nay chứng thực câu nói này của Lã Di Giản không sai. Thái Tương, Âu Dương Tu tuy văn chương tài hoa nhưng vẫn gặp chuyện xấu.

Trên con phố dài, Phạm Trọng Yêm nhìn thấy lá rụng rơi lượn vòng, ngẩng đầu nhìn bầu trời đầy ánh trăng, chậm rãi ngâm:

- Phân phân đọa diệp phiêu hương thế. Dạ tịch tĩnh, hàn thanh toái. Chân châu liêm quyển ngọc lâu không, thiên đạm ngân hà thùy địa. (BTV dịch thơ: Lá thu xào xạc bay trong đêm sâu, rơi mình trên bậc thềm. Âm thanh đó ảm đạm mà thê lương. Rèm ngọc vén cao, ngọc lâu không bóng người. Đêm nhè nhẹ, ngân hà tỏa sáng trải dài trên mặt đất. )

Sau đó chuyển hướng sang nhìn Thường Ninh:

- Niên niêm kim dạ, nguyệt hoa như luyện, trường thị nhân thiên lý. (Năm năm tháng tháng như trời đêm hôm nay, ánh trăng như dải lụa trắng, mà người tương tư thì ở xa ngàn dặm, bị sự tương tư dày vò mà tâm trạng u sầu. )

Thường Ninh nghe xong bài thơ miêu tả cảnh cuối thu một cách chuẩn xác, có chút lạnh lẽo thì không khỏi ngẩng đầu nhìn bầu trời, âm thầm nghĩ "Phạm Công nói cái gì là "Chân châu liêm quyền ngọc lâu không", cũng chính là nói ta đêm khuya rời cung đến tìm ông ta hỏi thăm tin tức? "Thiên đạm ngâm hà thùy địa" chính là nói ngân hà chính là khoảng không ngăn cách ta và Địch Thanh sao? "Trường thị nhân thiên lý" có phải trong đó cũng ám chỉ Địch tướng quân hay không? Phạm Công chỉ thuận miệng nói vài câu, nhưng lại rất có thâm ý. Có lẽ ông ta đã nhìn ra tâm sự của ta". Nghĩ tới đây, bên tai nóng lên, lại nghĩ tới ‘Ta kỳ thực cũng không nghĩ nhiều như Phạm Công đã nghĩ. Ta biết Địch tướng quân đã có người yêu, và chỉ có Vũ Thường mới xứng với huynh ấy. Ta không cầu cùng huynh ấy. Chỉ cần biết huynh ấy bình an thì đã mãn nguyện lắm rồi.

Hồi tưởng lại, chẳng biết vì sao đôi mắt đẹp lại có chút ươn ướt.

Phạm Trọng Yêm cũng là tâm trạng phập phồng, chậm rãi ngâm tiếp:

- Sầu tràng dĩ đoạn vô do túy. Tửu vị đáo, tiên thành lệ. Tàn đăng minh diệt chẩm đầu y, am tẫn cô miên tư vị. (Sầu tận nơi thẳm sâu, đã là sự đau khổ tột độ, rượu cũng khó có thể giải sầu. Rượu còn chưa uống, đã hóa thành nước mắt. Ngọn đèn nhỏ le lói, một mình cô độc ngồi tựa ghế, nhấm nháp tư vị của sự cô đơn này. )

Khi ông ngâm tới đây, trong lòng thở dài, cuối cùng nhìn về phía công chúa Thường Ninh nói:

- Đã đến đây rồi thì những chuyện trong lòng không thể lảng tránh.

Nói xong, Phạm Trọng Yêm chấp tay nói:

- Công chúa mau lên kiệu. Thần xin phép không tiễn nữa.

Xong rồi quay người trở vào phủ, ngồi trước bàn, cầm chung rượu uống một hơi cạn sạch.

Ông uống quá nhanh. Một ngụm rượu nghẹn trong cổ họng, nóng rát, đau nhức, nhịn không được phải ho khan.

Trong tiếng ho khan, nước mắt không biết là vì rượu hay là vì tâm trạng mà rốt cuộc không thể ức chế, chảy xuống mặt đá xanh. Trong màn đêm yên tĩnh, âm thanh giống như lá rụng lẻ loi bay.

Ông cũng không biết, ngồi trong kiệu, Thường Ninh cũng nước mắt tuôn rơi, nhớ lại những gì trong bài thơ mà Phạm Trọng Yêm vừa đọc.

Đã đến đây rồi thì những chuyện trong lòng không thể lảng tránh.

Ông ấy và nàng sớm là đồng bệnh tương liên. Có rất nhiều chuyện chỉ thoáng qua, nhưng lại thâm nhập vào trong tim, quanh quẩn không đi, khiến không thể lảng tránh.

Nguyệt hoa như luyện, nhân tại thiên lý.

Thường Ninh nhìn xuyên qua làn nước mắt, nhìn ánh trăng sáng qua bức rèm che, trong lòng thầm nghĩ "Huynh ấy ở Khiết Đan có khỏe không? Dưới ánh trăng, mây như bộ xiêm y. Huynh ấy hẳn là đang nhớ đến Vũ Thường? Chỉ mong rằng huynh ấy được đạt thành tâm nguyện".

Chẳng biết vì sao, những giọt nước mắt từ trên gương mặt lần thứ hai chảy xuống, làm ướt xiêm y.

Ngọn gió thổi qua, làm lung lay tấm rèm châu, leng keng leng keng!

Niên niên minh nguyệt dạ, bất tẫn chiếu tương tư.

(Hằng năm trăng vẫn sáng, nhưng không soi hết nỗi tương tư. )

Khi Địch Thanh nhìn ánh trăng sáng tỏ thì bước vào một gian thiên điện trong hoàng cung. Gia Luân Tông Chân có chỉ mời hắn đến nói chuyện.

Gia Luật Tông Chân muốn bàn luận về chuyện biên giới. Vì sao không tìm Phú Bật mà lại gọi riêng hắn đến nói chuyện chứ? Địch Thanh ngồi trong điện với tâm trạng hoang mang, nhíu mày.

Mặc dù hắn đã giúp Gia Luật Tông Chân nhưng xem ra Gia Luật Tông Chân không giống với kiểu lấy chuyện biên giới kia ra để cảm ơn. Nghĩ đến đây, khóe miệng Địch Thanh có nét cười. Con người trên thế gian này nhiều như vậy, trong lúc nguy nan thì thề thốt, khi bình yên thì lại quên Hiện tại Gia Luật Tông Chân không còn cần Địch Thanh hắn nữa thì tự nhiên sẽ cao ngạo kiêu căng.

Đang lúc trầm ngâm suy nghĩ thì một người sải bước đi vào trong điện, đi đến phía trước mặt Địch Thanh. Người này thần sắc cao ngạo, hai hàng lông mày nghiêng xéo, vóc dáng khôi ngô, đứng đối diện với Địch Thanh tựa như một con nhạn cô độc lạc bầy vậy.

Trong mắt Địch Thanh có chút king ngạc. Hắn chậm rãi đứng lên nhìn người đó một lúc rồi mới nói:

- Gia Luật Hỉ Tôn?

*****

Hắn cuối cùng cũng đã gặp được Gia Luật Hỉ Tôn- đường đường là Điện tiền Đô Điểm kiểm Khiết Đan.

Lần này Gia Luật Tông Chân dùng kế "minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương", nhân lúc Thu Nại Bát, giả vờ đi tuần, sau đó cho người dùng thủ đoạn sấm sét để bắt Pháp Thiên Thái hậu và vây cánh, tiêu trừ hoàn toàn nội loạn. Trong đó người phải kể công tới chính là Gia Luật Hỉ Tôn!

Lúc Địch Thanh nghe đến cái tên này thì đã ý thức được điều gì đó. Nhưng khi nhìn thấy Gia Luật Hỉ Tôn thì vẫn không khỏi kinh ngạc.

Thì ra Gia Luật Hỉ Tôn chính là Diệp Hỉ Tôn.

Địch Thanh đã từng gặp Diệp Hỉ Tôn vài lần, nhưng đều chưa nói chuyện gì nhiều. Xem ra, Diệp Hỉ Tôn có thể nói là một người giỏi giang có hành tung bí ẩn. Hắn thực sự không thể ngờ được người này lại nắm quyền lớn ở Khiết Đan.

Càng nhiều nghi hoặc nảy lên trong lòng, tại sao Điện tiền Đô Điểm kiểm Khiết Đan này lại bị Dã Lợi Trảm Thiên phái người truy sát? Rốt cục có phải là Gia Luật Hỉ Tôn lấy bản đồ của Hương Ba Lạp không? Giết người họ Tào đó? Lúc đầu Gia Luật Hỉ Tôn đến Thổ Phiên để làm gì? Tại sao về sau lại mấy biến mất không thấy đâu.

Địch Thanh thấy rất nhiều điều khó hiểu. Gia Luật Hỉ Tôn thì chỉ mỉm cười, chắp tay nói:

- Địch huynh, đã lâu không gặp. Lần đầu gặp huynh vì có điều khó nói nên vẫn chưa thực sự nói ra tên họ thật.

Địch Thanh thản nhiên nói:

- Bây giờ thì không còn điều khó nói nữa sao?

Cho tới lúc này hắn đã hiểu được người nhắc đến hắn với Gia Luật Tông Chân là người nào. Chả trách Gia Luật Tông Chân nói, chỉ cần Địch Thanh đến Thượng Kinh là có thể gặp được người đó. Hóa ra đáp án chính là Gia Luật Hỉ Tôn.

Nghe thấy lời trào phúng của Địch Thanh, Gia Luật Hỉ Tôn cười ha hả nói:

- Đến giờ thì thực sự không có gì không thể nói ra được. Thực sự không dám giấu diếm, tại hạ trước đây đến nước Hạ, nước Thổ Phiền là có một số việc phải làm nhưng....

Anh ta không nhịn được nhìn ra xung quanh, thấp giọng xuống nói tiếp:

- Đây cũng chỉ là một nước cờ để làm Pháp Thiên Thái hậu mất cảnh giác. Pháp Thiên Thái hậu rất thận trọng, muốn có được sự tín nhiệm của bà ta thì không hề dễ dàng. Tại hạ đi lòng vòng hồi lâu nhưng chẳng có hung tâm tráng khí gì, bà ấy mới bắt đầu tin tưởng tại hạ, cho nhậm chức Điện tiền Đô Điểm kiểm. Nếu không như vậy thì tại hạ thật khó có thể bắt được bà ta.

Gia Luật Hỉ Tôn hiển nhiên cũng chẳng có thiện cảm gì với Pháp Thiên thái hậu nên mới nói năng lỗ mãng như thế.

Địch Thanh nghe đến đó, thầm nghĩ cuộc tranh giành quyền lực Khiết Đan này, tâm cơ thật sâu xa, lục đục với nhau, không kém gì ở Biện Kinh. Nghĩ đến đây thì không khỏi mất hết cả hứng thú.

Gia Luật Hỉ Tôn thấy thế, chuyển sang chủ đề khác, nói:

- Địch huynh, hôm nay ta đến gặp huynh thực ra là có chuyện muốn bàn bạc.

Địch Thanh nhíu mày, không hiểu đáp:

- Có phải là chuyện chiến tranh biên giới không?

Gia Luật Hỉ Tôn do dự chốc lát, nói:

- Có thể nói là có liên quan, cũng có thể nói là không liên quan.

Thấy Địch Thanh vô cùng kinh ngạc, Gia Luật Hỉ Tôn cuối cùng mới hạ quyết tâm, nói:

- Quốc chủ của ta rất tán thưởng Địch tướng quân, biết ta và Địch huynh có chút giao tình nên mới phái ta đến đây để hỏi xem Địch tướng quân...không biết có ý định đến Khiết Đan không?

Địch Thanh ngẩn ra, một lát mới nói:

- Bây giờ ta chẳng phải là đang ở Khiết Đan sao?

Gia Luật Hỉ Tôn lại cười, hai con mắt híp lại, sắc bén:

- Ta nghĩ Địch huynh là người thông minh, đã hiều ý của quốc chủ ta. Hãy nghĩ xem, nước Tống từ lúc Thái tổ lập quốc đến nay, để phòng binh biến, đã định ra quy định "sùng văn ức võ"nhưng lại không biết như thế là tự tìm đường chết. Với khả năng của Địch huynh, làm một Xu Mật Sứ cũng không hề quá đáng. Nhưng ở nước Tống thì có được gì chứ? Chẳng phải là bị một đám người ăn bám ngồi không đè ở trên đầu sao? Quốc chủ của ta đã hứa chỉ cần Địch huynh muốn đến Khiết Đan thì chức vị Đại vương nam bắc viện sẽ tùy ý cho huynh chọn!

Nói xong, ánh mắt Gia Luật Hỉ Tôn sáng quắc, chỉ chờ Địch Thanh trả lời. Anh ta đưa ra điều kiện này, không những là hậu hĩnh mà có thể nói là một cử chỉ thật quá kinh ngạc.

Phải biết rằng Khiết Đan có chế độ quan viên nam bắc, chấp hành theo quy định " Dùng quốc chế trị Khiết Đan, dùng Hán chế đối xử với người Hán." Chế độ quản lý phía nam Khiết Đan còn được gọi là "Hán chế", phía dưới có lập ra Xu Mật Viện, Trung Thư Tỉnh, Lục Bộ, Ngự Sử Đài v. v, chủ yếu dùng để quản lý nhân dân nam triều các vùng Yến Vân. Còn chế độ quản lý phía bắc còn gọi là "Quốc chế" mới là thể chế quản lý người Khiết Đan.

Trong chế độ quan viên phía nam, người Hán chiếm đa số, cũng có người Khiết Đan làm. Nhưng trong chế độ quan viên phía bắc thì về cơ bản đều là người Khiết Đan đảm đương trọng trách lớn, số người Hán có thể đi vào được bộ máy quan viên phía bắc thì vô cùng ít, mà những người có thể vào đảm đương Nam Bắc Viên Đại Vương trong chế độ quan viên phía bắc thì từ lúc Khiết Đan lập quốc đến nay thì chỉ có một mà thôi.

Người đó là Hàn Đức Nhượng!

Mặc dù người này có địa vị rất cao nhưng người Khiết Đan mỗi lần đề cập đến ông ta thì trong lòng đều mang theo sự tín ngưỡng. Người Khiết Đan vốn là một dân tộc trọng anh hùng. Tuy Hàn Đức Nhượng là người Hán nhưng cũng là văn thần, trong con mắt của người Khiết Đan, đã được coi là anh hùng dân tộc của bọn họ.

Năm đó Tống Thái Tông tiến công Yến Vân theo ba đường. Hàn Đức Nhượng nhận nhiệm vụ lúc lâm nguy, giữ vững Nam Kinh không lui bước, mãi cho đến khi quân cứu viện tới. Dưới sự phối hợp cùng với đệ nhất danh tướng Khiết Đan Gia Luật Hưu Ca đã đánh bại Tống Thái Tông ở Cao Lương Hà, uy chấn thiên hạ. Về sau Cảnh Tông Khiết Đan bệnh tình nguy kịch, ba danh thần của Khiết Đan là Hàn Đức Nhượng, Gia Luật Hưu Ca, Gia Luật Tà Chẩn lại nắm giữ trọng trách đất nước Khiết Đan, bảo hộ cho Gia Luật Long Tự còn nhỏ tuổi lên làm Thánh Tông.

Từ đó về sau, dưới sự lãnh đạo của Hàn Đức Nhượng, Khiết Đan đã không ngừng phát triển, nhưng không vì người chủ đất nước còn nhỏ tuổi mà căng thẳng, ngược lại lại còn nam chinh bắc chiến, dựng lên lãnh thổ hiển hách, ở thời Tống Chân Tông, đã dẫn thiết kỵ Khiết Đan tiến về phía nam, đã định ra liên minh Thiền Uyên, là nỗi nhục suốt đời của Đại Tống.

Còn Hàn Đức Nhượng vì những công trạng đối với Khiết Đan, cuối cùng làm Lưỡng viện bắc nam Đại Vương, được phong làm Đại Thừa tướng, tổng lĩnh quyền hành quân sự và chính trị của Khiết Đan.

Người như vậy, Khiết Đan chỉ có một. Có thể vào được Nam Bắc viện Khiết Đan, khiến người Khiết Đan phải ngưỡng mộ, chỉ có Hàn Đức Nhượng.

Cho tới bây giờ, Gia Luật Tông Chân để cho Địch Thanh lựa chọn nhậm chức Đại Vương Nam Bắc viện, việc đề cử này không phải là chưa từng có nhưng đã thể hiện tính quyết định cực cao. Ông ta trọng dụng Địch Thanh, lẽ nào là muốn tái diễn lại thời thịnh của Thánh Tông năm xưa?

Địch Thanh đương nhiên biết chuyện cũ trước kia, điều kiện của Gia Luật Hỉ Tôn, không kinh ngạc cũng không phẫn nộ mà chỉ bình tĩnh nói:

- Không biết Quốc chủ của ngươi để ta nhập vào Khiết Đan, ý là như thế nào?

Gia Luật Hỉ Tôn cười nói:

- Địch huynh là người thông minh, làm sao mà lại không biết ý của quốc chủ nước tại hạ chứ? Kẻ thù chung của huynh và chúng ta đều là Nguyên Hạo nước Hạ. Nếu Địch huynh giữ chức Đại vương Nam viện, quốc vương của tại hạ cần lập uy gấp, có thể trong nửa năm chiêu năm trăm ngàn binh tấn công Nguyên Hạo. Thiên hạ này, người có thể đánh bại Nguyên Hạo chỉ có một người, chính là Địch Thanh huynh. Nhưng huynh khó mà có cơ hội thể hiện tài hoa, hôm nay cơ hội đã đến tay, chính là cơ hội để huynh tiêu diệt nước Hạ. Địch Thanh, nếu như huynh đánh bại được Nguyên Hạo, quốc vương của ta đã nói rồi, đất của nước Hạ, huynh có thể tùy ý chọn mười châu. Huynh đương nhiên là biết phải chọn ở đâu rồi.

Nói đến đây, nét mặt của Gia Luật Hỉ Tôn rất mang hàm ý sâu xa. Điều này đối với Địch Thanh mà nói còn có sức mê hoặc hơn hết thảy mọi thứ khác.

Địch Thanh đương nhiên biết phải chọn ở đâu. Hương Ba Lạp chính là ở Sa Châu, mong muốn của hắn chính là Sa Châu!

Ngồi lên chức quan lớn, có tương lai tươi đẹp, điều kiện này, Địch Thanh sao có thể cự tuyệt?

Gia Luật Hỉ Tôn thậm chí đã tính kỹ càng chắc chắn. Anh ta mỉm cười nhìn Địch Thanh, chờ Địch Thanh đồng ý.

Địch Thanh trầm mặc một lát, mới hỏi:

- Đánh bại Nguyên Hạo rồi thì sao?

Gia Luật Hỉ Tôn giật mình, dường như chưa từng nghĩ đến vấn đề này. Địch Thanh thấy Gia Luật Hỉ Tôn không nói gì thì mới chậm rãi nói:

- Diệt nước Hạ, có phải là muốn tiếp tục huy binh nam hạ, tấn công Đại Tống, giành lấy Thổ Phiên, tiến vào Đại Lý không?

Gia Luật Hỉ Tôn hơi có chút ngại ngùng, lát sau mới nói:

- Nếu như thực sự có thể thống nhất thiên hạ được như vậy thì quốc chủ tại hạ chắc chắn sẽ không phản đối. Địch Thanh huynh có thể lưu danh thiên cổ, chẳng phải là chuyện tốt đẹp hay sao?

Địch Thanh cười cười, chậm rãi ngồi xuống nói:

- Dục vọng quyền lực thì chẳng bao giờ có điểm dừng. Địch Thanh ta thực sự muốn đi Sa Châu, thực sự muốn đánh bại Nguyên Hạo nhưng phải dùng tính mạng của bao nhiêu người dân để đổi lấy hạnh phúc của một mình ta thì Địch Thanh ta sẽ không lấy.

Gia Luật Hỉ Tôn thản nhiên nói:

- Vậy thì lúc đầu Địch Thanh huynh giết người chém tướng vô số, vượt qua Hoành Sơn, diệt tộc người Khương, không biết là vì cái gì?

Địch Thanh bỗng nhiên ngẩng đầu, chăm chú nhìn Gia Luật Hỉ Tôn, mặt không chút hổ thẹn nói:

- Địch mỗ là vì bốn chữ bảo vệ quốc gia! Diệt những kẻ lòng dạ lang sói thì chỉ có giết mà thôi!

Gia Luật Hỉ Tôn ha ha cười, nói:

- Nếu Địch huynh thực sự muốn bảo vệ quốc gia, vậy tại sao lúc đầu lại phản đối nghị hòa với nước Hạ?

Địch Thanh nói:

- Nếu Nguyên Hạo thực sự muốn đàm phán hòa bình, dù cho là Địch Thanh tạm thời không đi Hương Ba Lạp thì sẽ làm sao? Chỉ cần thiên hạ bình định, nhân dân không khổ thì Địch Thanh sẽ cởi áo giáp về nông thôn, chăn ngựa Nam Sơn. Nhưng Nguyên Hạo làm như thế chẳng qua là lùi để tiến, giành sức để tái chiến, ta làm sao lại không phản đối cơ chứ?

Gia Luật Hỉ Tôn hơi ngừng lại, rồi than thở:

- Địch huynh, huynh thực sự làm ta thất vọng. Cần biết sự nghiệp vĩ đại to lớn không thể không hy sinh xương máu. Không ra tay thủ đoạn độc ác thì làm sao có thể thành sự được? Huynh không có chí lớn, không giống với một tướng quân. Quốc chủ ta thực sự đã đề cao huynh quá rồi.

Anh ta vẫn không từ bỏ ý định thuyết phục Địch Thanh, dùng phương pháp kích tướng.

Địch Thanh cũng không giận dữ mà chỉ nói một cách tẻ ngắt:

- Ngươi nói đúng, ta không có chí lớn...

Trong đầu hắn chợt lóe lên câu nói Triệu Trinh từng nói với hắn:

- Nếu trẫm là Hán Vũ Đế thì ngươi sẽ là Hoắc Khứ Bệnh đánh Hung Nô. Nếu trẫm là Đường Thái Tông thì ngươi sẽ là Lý Tĩnh diệt Đột Quyết!

Những lời chí lớn này đều là người khác nói, Địch Thanh chưa bao giờ nói. Điều hắn có thể làm chỉ là cố gắng bảo vệ nhân dân Tây Bắc. Nếu như nói hắn thực sự có chí lớn thì chính là tiến vào Hương Ba Lạp cứu Vũ Thường về.

Hắn không muốn làm tướng quân gì hết, cũng không muốn nhìn thống nhất thiên hạ trong cảnh chiến tranh khắp nơi, nhân dân khổ sở lầm than. Việc lưu danh thiên cổ, hắn chưa bao giờ nghĩ tới.

Cho tới giờ, hắn chỉ muốn nói với Vũ Thường rằng hắn đang sống rất nỗ lực, sống rất tốt. Vũ Thường không nhìn nhầm hắn là anh hùng của nàng. Hắn biết có rất nhiều người có lẽ không hiểu, nhưng chỉ cần Vũ Thường hiểu là hắn đã thấy đủ rồi.

Thấy thần sắc khó hiểu của Gia Luật Hỉ Tôn, Địch Thanh không giải thích gì thêm, chỉ nói:

- Nếu như đã không đi cùng đường, thì không cần nói thêm nữa.

Hai hàng lông mày của Gia Luật Hỉ Tôn dựng lên, anh ta chậm rãi nói:

- Địch huynh, huynh như thế là không biết tùy cơ ứng biến rồi. Chẳng lẽ không sợ quân Khiết Đan ta lại một lần nữa cho quân về phía nam sao?

Địch Thanh nở nụ cười:

- Sợ thì có ích gì chứ? Nếu như chẳng có ích lợi gì thì sao phải sợ?

Sắc mặt hắn không hề thay đổi, thản nhiên nhìn Gia Luật Hỉ Tôn.

Gia Luật Hỉ Tôn thở dài một cái, lắc đầu nói:

- Ôi, thật đáng tiếc, hai chúng ta cuối cùng khó có thể liên thủ được.

Địch Thanh thầm nghĩ "Gia Luật Hỉ Tôn là một con người cao ngạo, lần này nhốt Tiêu Thái hậu thì hết sức nghênh ngang đắc ý. Quốc chủ Khiết Đan trọng dụng ta, chẳng lẽ trong lòng hắn lại không có chút khúc mắc gì sao? Lần này hắn đe dọa dụ dỗ ta là vì quốc chủ dặn dò, hay là gì khác? Con người này, cho đến nay, lúc lạnh lùng lúc nồng nhiệt, nhìn có vẻ sang sảng thoải mái đó nhưng thực ra tâm cơ cũng rất khó đoán."

*****

Địch Thanh đang suy nghĩ thì nghe thấy cung nhân nói to lên:

- Thánh thượng tới!

Gia Luật Hỉ Tôn nghiêm nghị đứng lên, cung nghênh thánh giá, Địch Thanh cũng đứng lên, trong lòng nghĩ "Gia Luật Tông Chân thực sự để Gia Luật Hỉ Tôn đến trước để do thám, bây giờ mới đến. Nếu biết ta căn bản không có ý gì với Khiết Đan thì không biết sẽ có phản ứng gì đây?

Gia Luật Tông Chân đi qua phía người Gia Luật Hỉ Tôn, Gia Luật Hỉ Tôn chỉ là lắc đầu. Địch Thanh nhìn thấy nét mặt thể hiện tinh vi của hai người thì khó tránh khỏi sinh cảnh giác trong lòng.

Gia Luật Tông Chân nghiêng mắt nhìn Địch Thanh, sau đó ngồi lên trên ghế rồng, đột nhiên nhoẻn miệng cười, mang chút tiếc nuối:

- Thực ra Địch tướng quân không muốn đến Khiết Đan cống hiến cũng là chuyện trẫm đã dự liệu được. Nhưng xin Địch tướng quân hãy nhớ kỹ, nếu một ngày nào đó ngươi thay đổi chủ ý muốn đến đây thì trẫm lúc nào cũng hoan nghênh.

Thấy Địch Thanh trầm mặc, Gia Luật Tông Chân nói:

- Nói chuyện đã xong rồi. Địch tướng quân cũng phải đi về rồi. Đối với kẻ tiểu nhân, trẫm sẽ đối xử theo cách đối với kẻ tiểu nhân. Địch tướng quân là một anh hùng, đến lúc đó, trẫm sẽ phái Gia Luật Đô Điểm kiểm tiễn ngươi ra khỏi kinh!

Địch Thanh cả kinh, không hiểu được nói:

- Đại vương, người nói hòa đàm đã xong? Vậy cuối cùng ngài quyết định chuyện biên thùy như thế nào?

Hắn căn bản không biết quyết định thực sự của Gia Luật Tông Chân là gì, nên không khỏi kinh ngạc.

Trên mặt Gia Luật Tông Chân đột nhiên lộ ra nét cười kỳ quái, nhìn chằm chằm vào Địch Thanh nói:

- Cụ thể quyết định như thế nào, Địch tướng quân đi hỏi Phú đại nhân là được rồi. Lẽ nào, Phú đại nhân vẫn chưa nói cho Địch tướng quân biết hay sao?

Trong lòng Địch Thanh trầm xuống, một lúc lâu không nói gì. Xem ra hắn có thể ra hiệu lệnh toàn quân vạn mã, thế mà cuối cùng lại không thể điều khiển được tâm tư của triều đình.

Gia Luật Tông Chân im lặng chốc lát rồi đột nhiên nói:

- Địch tướng quân chắc cũng biết thời gian trước đây, Khiết Đan ta đã dùng binh với Nguyên Hạo? Hơn nữa còn thất bại quay về?

Thấy Địch Thanh gật đầu, Gia Luật Tông Chân nói từng chữ:

- Vậy ngươi có biết tại sao ta lại dùng binh với Nguyên Hạo không?

Địch Thanh thầm nghĩ "Cái mà Khiết Đan các ngươi theo đuổi chỉ có lợi ích mà thôi, còn có mục đích gì khác nữa chứ?", hắn lắc đầu đáp:

- Tại hạ không biết.

Gia Luật Tông Chân đột nhiên thở dài một hơi nói:

-Trẫm là một lòng muốn báo thù cho gia tỷ!

Địch Thanh kinh ngạc, chần chờ nói:

Báo thù cho gia tỷ? Sao lại như thế?

Trong mắt Gia Luật Tông Chân hiện lên sự phẫn nộ. Ông ta nắm chặt hai nắm đấm, nói:

-Tên Nguyên Hạo này lòng lang dạ sói, vô tình vô nghĩa. Khi xưa cha y là Đức Minh còn sống, người Đảng Hạng đang yếu, cha y vì muốn Khiết Đan ta hỗ trợ, đã mấy lần phái sứ giả đến đây tìm trẫm để làm đám hỏi. Tiên đế bị y che mắt nên mới cho phép việc hôn nhân này. Nhưng sau khi tiên đế qua đời, việc này cứ mãi để đó. Nhưng về sau Nguyên Hạo lúc phái người đến cầu, Thái hậu vẫn nhớ lời hứa khi đó nên đã đồng ý, đem tỷ tỷ Hưng Bình Công chúa gả cho Nguyên Hạo. Tỷ tỷ vẫn thương yêu trẫm, cũng không nỡ rời đi nhưng cuối cùng không lay chuyển được Thái hậu, vẫn phải đến phủ Hưng Khánh.

Nói đến đây, trong mắt Gia Luật Tông Chân tràn đầy căm hận, cắn răng nói:

- Lúc đó trẫm còn nhỏ, không thể khống chế sự việc. Chỉ có thể kỳ vọng tỷ tỷ gả cho Nguyên Hạo được hạnh phúc là tốt rồi. Không ngờ Nguyên Hạo kết hôn với tỷ tỷ của trẫm, căn bản chẳng qua là muốn lợi dụng lấy lòng Khiết Đan, mượn cơ hội bành trướng thế lực. Về sau, y đối xử vô cùng lạnh lùng với tỷ tỷ trẫm. Lúc tỷ tỷ bị bệnh, y cũng chẳng quan tâm, tỷ tỷ trẫm ưu phiền thành bệnh mà chết ở chỗ tên Nguyên Hạo đó.

Trước mắt Địch Thanh như hiện ra hình ảnh Nguyên Hạo áo trắng mũ đen, tay cầm cung lớn, đôi mắt tràn đầy chí lớn cuồng nhiệt điên cuồng mà không khỏi thở dài cho người phụ nữ yếu mềm..

Nguyên Hạo chí tại thiên hạ, đối với các thủ hạ, các thần có công thì cũng đều là giết không tha, làm sao lại có chút tâm tư đặt ở phụ nữ để tạo dựng đại nghiệp hôn nhân khác tộc chứ? Nhưng tại sao Gia Luật Tông Chân lại nói với hắn chuyện này chứ?

Trong mắt Gia Luật Tông Chân đã có chút nước mắt. Ông ta đột nhiên vỗ bàn, oán hận nói:

- Đến khi nào trẫm có năng lực, thì sẽ bí mật cho Đô điểm kiểm sang Tây Hạ điều tra. Như thế mới biết được chân tướng cái chết của tỷ tỷ. Đô điểm kiểm đã lấy được một nửa tấm bản đồ từ một nha hoàn thân cận của tỷ tỷ, có Hương Ba Lạp.

-

Địch Thanh chấn động, tập trung tinh thần lắng nghe, Gia Luật Hỉ Tôn thấy thế, trên mặt lại có chút kỳ lạ.

Tiếng nói của Gia Luật Tông Chân có chút nghẹn ngào, như sắp rơi lệ nói:

- Lúc đó ta mới biết được tỉ tỉ vẫn quan tâm đến ta. Ở chỗ Nguyên Hạo tỉ tỉ không làm được gì, vì sợ Pháp thiên Thái hậu gây hại cho ta nên mới bí mật lấy từ chỗ Nguyên Hạo nửa tấm bản đồ Hương Ba Lạp, hy vọng có thể đi vào Hương Ba Lạp, cầu cho ta một chức vị quốc vương...

Địch Thanh trong lòng thầm nghĩ "Lẽ nào lúc đầu Dã Lợi Trảm Thiên phái người truy sát Gia Luật Hỉ Tôn, chính là vì một nửa tấm bản đồ này? Lúc đó Gia Luật Hỉ Tôn không nói gì mà cáo biệt cũng là sợ ta sẽ cướp mấy tấm bản đồ Hương Ba Lạp sao?"

Gia Luật Tông Chân quả nhiên nói:

- Sau khi Đô Điểm kiểm nhận được tấm bản đồ đó thì đã bị Dạ Xoa bộ trong bát bộ của Nguyên Hạo truy sát. Lúc đó ẩn bệnh của y phát tác, lúc đó may có ngươi giúp đỡ nên mới thoát khỏi sự truy sát của Nguyên Hạo. Về chuyện này, chúng ta vẫn luôn rất cảm kích ngươi. Trẫm nếu không biết chuyện cũ thì lúc đầu cũng sẽ không yên tâm mời ngươi giúp đỡ.

Địch Thanh rốt cục nhịn không được nói:

- Chỉ có một nửa tấm bản đồ thôi sao?

Gia Luật Tông Chân thò tay lôi ra từ trong tay áo một tấm bản đồ, mở ra nói với Địch Thanh:

- Ngươi sai rồi, trên tay trẫm bây giờ đã có một tấm bản đồ hoàn chỉnh rồi.

Địch Thanh chấn động, cũng may là hắn trấn tĩnh nhưng tim thì vẫn đập mạnh. Mặc dù hắn sớm đã biết biết Hương Ba Lạp đó ở ngay Sa Châu, cũng đã sớm phái người bí mật qua đó thăm dò nhưng mãi cho tới bây giờ, hắn chỉ có thể nói rằng đã hiểu được về binh lực phòng giữ gần Đôn Hoàng Sa Châu, còn đối với Hương Ba Lạp thì hắn không hề biết gì. Hôm nay có một tấm bản đồ hoàn chỉnh ngay trước mặt hắn, làm sao hắn có thể không khiến hắn tim đập thình thịch cơ chứ?

Nhìn từ xa thì chỉ thấy mấy chỗ loang lổ điểm chấm trên tấm bản đồ, các đường giao nhau thì Địch Thanh nhìn không rõ lắm.

Gia Luật Tông Chân đưa ra tấm bản đồ này làm cái gì? Lấy cái đó ra làm lợi thế, để khiến hắn đến Khiết Đan sao?

Địch Thanh đang nghĩ, lại nghe Gia Luật Tông Chân nói:

- Địch Thanh, ngươi nhất định là rất muốn có tấm bản đồ này rồi.

Trong lúc nói, hai tay ông ta kéo ra, xé tấm bản đồ ra làm hai mảnh. Rồi thêm nhiều lần xé nữa, tấm bản đồ Hương Ba Lạp khiến không biết bao nhiêu người mơ tưởng đã bị xé ra thành các mảnh nhỏ.

Sắc mặt Địch Thanh khẽ biến đổi, dường như là muốn chạy sang đoạt lấy tấm bản đồ nhưng hắn cuối cùng chẳng làm gì cả!

Gia Luật Tông Chân thấy Địch Thanh vẫn ngồi yên vị bình tĩnh thì không khỏi thở dài nói:

- Địch Thanh, ngươi quả nhiên là trầm ổn. Chẳng lẽ ngươi không muốn hỏi ta vì sao lại xé tấm bản đồ này sao?

Địch Thanh liếc xéo Gia Luật Hỉ Tôn một cái, thấy trên mặt anh ta có phần khổ tâm, chậm rãi nói:

- Tấm bản đồ đó là giả?

Gia Luật Tông Chân thở dài một hơi, ánh mắt lộ ra sự căm hận, nói:

- Đúng vậy, đây là tấm bản đồ giả.. Nửa tấm bản đồ mà tỉ tỉ khổ tâm mãi mới lấy được từ chỗ Nguyên Hạo cũng là giả. Ngươi nhất định sẽ lấy làm lạ không biết một nửa tấm bản đồ đang ở đâu?

Không đợi Địch Thanh trả lời, Gia Luật Tông Chân đã nói:

- Một nửa tấm bản đồ còn lại là do Đô điểm kiểm lấy từ một người có tên là Tào Hiền Chính. Tào Hiền Chính đó tự xưng là hậu nhân của Quy Nghĩa quân. Chắc là ngươi cũng biết Quy Nghĩa quân rồi chứ?

Địch Thanh trầm ngâm một lát mới nói:

- Tại hạ có nghe nói. Nhưng ngài làm sao xác định được tấm bản đồ này là giả chứ?

*****

Gia Luật Hỉ Tôn vẫn trầm mặc, nghe vậy nói:

- Trên tấm bản đồ đó có vẽ một mật địa, có thể tránh thủ quân của Nguyên Hạo. Sau khi ta có được tấm bản đồ, ta đã lập tức cho người đi thăm dò rồi...kết quả....

Trên nét mặt của ông ta cũng lộ ra sự dữ tợn:

- Chỉ có một người liều mạng ra được, nói cho ta biết, trong đó toàn là cạm bẫy!

Địch Thanh trong lòng toát lạnh, thất thanh nói:

- Là Nguyên Hạo đặt bẫy?

Gia Luật Hỉ Tôn một lúc này mới chậm rãi gật đầu nói:

- Ta cũng cho là thế. Y biết không bắt được ta, nên mới để cho Tào Hiền Chính cố ý để lộ ra một nửa tấm bản đồ. Y biết rằng ta nhất định sẽ tìm một nửa tấm bản đồ còn lại, sau đó bày kế giết ta. Bây giờ ta đã biết, y biết có rất nhiều người muốn đến Hương Ba Lạp vì thế đã cố ý đưa ra tấm bản đồ giả để người ta đến Hương Ba Lạp, sau đó lợi dụng đặt bẫy để bắt hết những người đến đó!

Địch Thanh nghiêm nghị, nhớ tới vụ chém giết bi thảm khi xưa ở phủ Hưng Khánh, . Hắn biết Nguyên Hạo giết mẹ giết con, giết vợ giết cháu, các thần có công muốn phản, y cũng giết không tha. Với tâm địa sắt đá của một kẻ như Nguyên Hạo thì việc bày ra cái kế độc ác như vậy cũng là chuyện rất bình thường.

Công chúa Khiết Đan ở bên cạnh Nguyên Hạo, trong lòng có suy nghĩ gian dối, không ngờ Nguyên Hạo lợi dụng công chúa Khiết Đan để mưu sát những người đến Hương Ba Lạp.

Rốt cuộc Hương Ba Lạp có cái gì huyền ảo mà Nguyên Hạo lại không cho người ta tiếp cận?

Địch Thanh nghĩ tới đây, khóe miệng đột nhiên lộ ra ý cười. Gia Luật Hỉ Tôn thấy thế, không giải thích được nói:

-Vì sao Địch huynh lại cười?

Địch Thanh có chút bi ai, lắc đầu, trong lòng lại nhớ tới Chủng Thế Hành, Bát Vương gia đều dồn hết tâm hết sức đi tìm tấm bản đồ. Nếu phát hiện ra tấm bản đồ đó không chỉ là giả mà còn là một cái bẫy thì không biết sẽ có cảm tưởng như thế nào? Nghĩ đến chuyện này, Địch Thanh liền hỏi:

- Vì thế nên Đô điểm kiểm đã giết Tào Hiền Chính rồi?

Lúc đầu hắn không giải thích được vì sao Diệp Hỉ Tôn lại phải giết người họ Tào kia, bây giờ thì đã hiểu rồi.

Gia Luật Hỉ Tôn gật đầu nói:

- Đương nhiên rồi. Y giết vô số thủ hạ của ta, ta giết y còn là may rồi đó.

Lời nói của y đầy oán hận, ánh mắt lộ ra ý oán hận.

Địch Thanh thấy nhãn thần của Gia Luật Hỉ Tôn, trong lòng hơi run sợ. Hắn rốt cục đã hiểu ra rất nhiều chuyện, nhưng vẫn còn một chuyện không rõ lắm, nên mới hỏi:

- Đại vương, hôm nay ngài triệu ta đến đây, lẽ nào là muốn nói mấy chuyện này sao?

Da Luật Chân Tông nói:

- Ngươi không đến giúp ta, ta cũng đoán biết trước được rồi. Hôm nay ta muốn nói với ngươi những điều này, chẳng qua chỉ là muốn nói cho ngươi biết rằng chúng ta có chung một kẻ thù, đó chính là Nguyên Hạo. Ta và ngươi liên thủ với nhau, đối phó với y thì càng dễ dàng hơn. Nhưng nếu như ngươi thực sự không muốn thì ta cũng không miễn cưỡng.

Địch Thanh chậm rãi đứng lên, thi lễ thật sâu nói:

- Vậy tại hạ xin cáo lui.

Nói xong, hắn xoay người ra thiên điện. Gia Luật Hỉ Tôn khẽ cau mày, nhìn Gia Luật Chân Tông nói:

- Bệ hạ, lẽ nào lại để hắn đi như thế? Cái dũng của Địch Thanh, Đại vương cũng đã nhìn thấy rồi. Nếu hắn ở Đại Tống, mà bệ hạ thực sự muốn nam hạ thì chỉ sợ hắn chính là cản trở lớn nhất.

Da Luật Chân Tông trầm mặc hồi lâu, nhìn phía ngoài điện nói:

- Hắn đã cứu ta nhiều lần. Ta thực sự còn rất cảm tạ hắn. Hơn nữa bây giờ... kẻ thù của chúng ta là Nguyên Hạo, còn Địch Thanh thì Nguyên Hạo tuyệt đối sẽ không sống yên.

Nói dứt lời, khóe miệng liền có ý cười. Gia Luật Tông Chân đưa ra kết luận thực sự:

- Chúng ta ngồi yên chờ nhìn trò thôi.

Địch Thanh ra khỏi hoàng cung, lập tức đi tìm Phú Bật.

Lúc này đêm đã khuya, mặt hơi lạnh, Địch Thanh ngẩng đầu nhìn lên mới phát hiện ra ánh trăng sáng đã ẩn đi từ lúc nào, đã có gió thổi và tuyết rơi.

Hóa ra.... đã vào mùa đông rồi!

Năm tháng trôi đi như nước chảy, thời khắc đã qua không thể quay về được, còn những người đã bỏ lỡ thì sao?

Địch Thanh giẫm nhẹ lên tuyết rơi, bước vào phòng của Phú Bật với tâm trạng nặng nề. Phú Bật chưa ngủ, thấy Địch Thanh đến thì lập tức đứng dậy nói:

- Địch tướng quân, người Khiết Đan đã từ bỏ Ngõa Kiều quan, mười huyện về phía nam Tấn Dương rồi. Nhưng ngoài số tiền mỗi năm theo quy định sau liên minh Thiền Uyên ra thì mỗi năm đều phải cấp cho người Khiết Đan thêm một trăm ngàn lượng bạc và một trăm con ngựa. ;

Địch Thanh lẳng lặng nhìn Phú Bật nói:

- Có lý gì để cho bọn họ không?

Phú Bật hơi có chút quẫn ý, tuyết ngoài trời lẳng lặng bay. Từ hơi thở của hai người cũng có thể nhìn thấy hơi lạnh. Tuyết biên cương phía Bắc đến sớm, khiến người ta lạnh đến tận xương cốt.

- Thực sự không có lý do. Nhưng đây là ý của triều đình.

Thần sắc của Phú Bật có chút hơi áy náy, cũng có chút khó xử. Lần này ông ta nghe theo ý của triều đình nhưng không nói về nội dung nghị hòa với Địch Thanh. Tuy là ý của triều đình nhưng ông ta chung quy vẫn cảm thấy có lỗi với Địch Thanh.

Nếu không phải là Địch Thanh, nghị hòa sẽ không thuận lợi như vậy. Nhưng lúc nghị hòa, bọn họ lại giấu Địch Thanh. Triều đình sợ gây thêm phiền phức.

Địch Thanh nhìn Phú Bật một lúc lâu, xoay người định đi thì Phú Bật đột nhiên lại gọi Địch Thanh lại, nói:

- Địch tướng quân, thực ra triều đình cũng rất khó xử. Bởi vì tây bắc có đưa tin đến rằng Nguyên Hạo lại có ý đồ xuất binh.

Địch Thanh nhíu vùng xung quanh lông mày, trong lòng thầm nghĩ "Nhưng ngươi có biết không, tin tức này là do Chủng Thế Hành khổ sở thế nào mới do thám được, lại phải trải qua bao nhiêu trắc trở mới đưa đến được Biện Kinh? Ta nghĩ là triều đình không tin. Bọn họ tuy không tin nhưng mượn cái cớ này để bào chữa."

Phú Bật lại nói:

-Lã tướng đã qua đời, áp lực biến pháp(cải cách chính trị) rất lớn. Nghe nói thời gian gần đây, kết đảng đã lớn mạnh, bản thân Phạm Công cũng rơi vào vùng nước xoáy. Ta cũng muốn sớm quay trở về khuyên Thánh thượng.

Trong lòng thầm nghĩ " Trước đây, Thánh thượng đã từng hỏi Phạm Công "Từ xưa tiểu nhân kết thành đảng phái, vậy có đảng quân tử không?", Phạm Công trả lời rằng "Nếu kết đảng có lợi cho quốc sự thì cũng chẳng đáng trách." Ôi, kẻ tiểu nhân từ xưa đến nay chưa từng nói bản thân mình là kết đảng cả. Câu nói này của Phạm Công tuy là rất uyển chuyển, nhưng nếu gặp minh quân thì chắc chắn sẽ bị chê cười. Nhưng câu nói này đích thân do Phạm Công nói ra, e rằng càng dễ khiến kẻ tiểu nhân mượn cớ. Điều khiến người ta càng không yên chính là cuốn " Kết đảng luận" của Âu Dương Tu.

Hóa ra cách đây không lâu, Âu Dương Tu thấy Phạm Trọng Yêm vì chuyện những người kết kết đảng công kích phản đối cải cách trong triều đình mới viết nên "Kết đảng luận" để tặng."Kết đảng luận" chủ yếu xoay quanh quan niệm lớn từ xưa là " Quân tử không kết đảng" để làm thành bài văn, tài văn chương nổi bật, khoáng đạt dâng trào. Không nói quân tử không kết đảng mà nói quân tử luôn có bằng hữu. Cuối cùng kết luận, Quân vương thánh minh không dùng kết đảng tiểu nhân, mà dùng bằng hữu quân tử, thiên hạ chắc chắn thái bình.

Bài văn đó vừa đưa ra, dân chúng trong kinh thành, thậm chí văn nhân thiên hạ đều thi nhau truyền tụng cùng tán thưởng.

Nhưng những bài văn hay lưu truyền thiên cổ thì luôn không phải là bài văn tốt trong triều đình mà các thế lực quyền thế đấu đá. Bài văn này đến tai Phú Bật, Phú Bật liền biết ngay là không hay rồi, trong lòng thầm nghĩ Phạm Công nói với Thánh thượng về kết đảng thì không ảnh hưởng lắm, Âu Dương Tu ngươi lại dám nói với người thiên hạ về việc kết đảng, như thế chẳng phải là tìm cái chết sao? Ông lo lắng về động tĩnh của kinh thành, cũng rất sốt ruột mong quay về.

Địch Thanh không nói thêm nữa, chỉ đi tới cửa thì đột nhiên nói một câu:

- Phú đại nhân lúc này mới quay trở về không sợ sẽ bị cuốn vào chuyện kết đảng phái sao?

Nói vừa dứt lời thì bóng hắn đã khuất vào trong bóng đêm.

Có tiếng gió thổi đến, mang theo hơi lạnh của tuyết. Ngọn đèn dầu lúc sáng lúc mờ. Phú Bật đứng đó, sắc mặt cũng âm trầm bất định. Lúc đó ông ta phát hiện ra Địch Thanh dường như đã nghĩ càng sâu hơn.

Phú Bật chỉ là bị ép quay về giúp Phạm Trọng Yêm một tay, nhưng như Địch Thanh nói, nếu như ông quay v thì có mấy tác dụng chứ, là tặng than sưởi ấm ngày tuyết hay là đổ thêm dầu vào lửa đây? Đó là chuyện không thể nào biết được.

Lại mấy ngày trôi qua, cuộc hòa đàm đã đến hồi kết. Khiết Đan không hề xuất binh Yến Vân, ngược lại sẽ giúp Đại Tống cảnh cáo Tây Hạ, ép buộc Tây Hạ không được dính vào. Còn Khiết Đan sẽ vì thế mà được hưởng lợi chính là mỗi năm lượng tiền tuế từ Đại Tống sẽ tăng một trăm nghìn lượng bạc, một trăm nghìn con ngựa.

Mọi người đi về phía nam.

Cuộc hòa đàm đã thành. Bất kể là Phú Bật hay Địch Thanh, hay là nhóm cấm quân thì cũng chẳng có mấy vui mừng. Trên đường đi, mọi người trầm mặc không nói gì. Đến biên giới Đại Tống, khi đến An Túc thì trời có tuyết rơi rất nhiều, núi xa một mảnh tuyết trắng, hoa tuyết bay lượn trong giữa trời giống như một con rồng uyển chuyển uốn lượn trên không.

Tâm tư của Phú Bật rất phức tạp. Lúc đi ngang qua Địch Thanh, nhìn từ xa thấy dãy núi xa như con rồng thì đột nhiên ghìm ngựa, nói với Địch Thanh:

- Địch tướng quân, ngài không cần quay trở về kinh thành nữa.

Tuy ông ta nói với Địch Thanh nhưng lại ngước mắt nhìn tuyết bay.

Địch Thanh ngẩn ra, một lát mới nói:

- Vì sao?

Thời khắc đó, trong lòng hắn có sự chờ mong. Nhưng thấy đôi mắt trốn tránh của Phú Bật, lòng trầm xuống.

Phú Bật nói:

- Thực ra khi triều đình hạ chỉ đồng ý nghị hòa thì đồng thời cũng hạ một mật chỉ cho ta, nói rằng lần nghị hòa này Địch tướng quân có công, theo lý thì nên ngợi khen. Lưỡng Phủ đã bàn bạc và quyết định phái Địch tướng quân đến phủ Chân Định ở Hà Bắc đảm nhiệm chức Phó tổng quản, đồng thời thăng làm Phủng Nhật, Thiên võ tứ sương Đô Chỉ Huy Sứ!

Phủng nhật, Thiên võ tứ sương Đô Chỉ Huy Sứ, đây vốn là vinh quang mà tương môn danh tướng Cát Hoài Mẫn mới có đích vinh quang! Địch Thanh được thăng lên như thế, cuối cùng đã làm chủ Tam Nha, chỉ cần phải để ý đến Lưỡng phủ và thiên tử nữa mà thôi.

*****

Địch Thanh nghe thấy thăng quan, trên mặt vẫn là sự lạnh lùng như tuyết. Hắn vốn muốn hỏi "Vì sao tây bắc có nguy cơ lại không cho một người quen thuộc chiến sự Tây Bắc đi chứ?" nhưng cuối cùng hắn đã không hỏi.

Phú Bật liếc Địch Thanh một cái, vốn đã sớm chuẩn bị lời đưa đẩy: "Triều đình chỉ sợ người Khiết Đan lật lọng, bởi vậy mới phái Địch tướng quân trấn thủ Hà Bắc, lưu ý động tĩnh của người Khiết Đan." nhưng cuối cùng ông ta cũng không nói.

Giữa hai người là tuyết bay, mềm mại trắng muốt mang theo hơi lạnh.

- Bao giờ khởi hành?

Cuối cùng Địch Thanh hỏi được một câu, trong lòng nghĩ: "Triệu Trinh rốt cục vẫn còn có vài phần tình cảm với ta. Ông ta thăng quan cho ta chính là nói với ta rằng ông ta vẫn còn tin ta. Hà hà...Nhưng như thế này thì có ích lợi gì chứ? Ông ta không hề hiểu ta! Nếu Nguyên Hạo thực sự xuất binh lần thứ hai, thì ai sẽ, ai tới chống đỡ đây?"

Phú Bật do dự chốc lát rồi nói:

- Bây giờ!

Ông nhìn thấy sự lạnh nhạt của Địch Thanh thì trong lòng rất bất an:

- Địch tướng quân một lòng vì nước, nhưng lại có cách đi ngược với pháp luật trấn thủ biên cương của Tổ tông, chỉ có thể đến Hà Bắc trước thôi. Ôi...Luật mới đã thực thi lâu như thế rồi, nhưng luật phòng giữ vẫn là thâm căn cố đế. Lẽ nào mấy ngày nay, bao nhiêu việc như thế chẳng qua chỉ là rỗng tuếch sao? Lần này dẫn binh đến Tây Bắc tọa trấn chính là trọng thần Tam nha Cát Hoài Mẫn. Về lý mà nói thì "tướng môn hổ tử" có thể chống lại Nguyên Hạo được rồi. Hy vọng Địch tướng quân có thể suy nghĩ vì đại cục.....

Chỉ cảm thấy chính điều mình nói còn không thuyết phục được chính mình, Phú Bật trầm mặc.

(tướng môn hổ tử: con nòi nhà tướng)

Địch Thanh cuối cùng chắp tay nói:

- Vậy thì..... sau này còn gặp lại.

Vừa dứt lời hắn liền quay về phía cấm quân, khoát khoát tay nói:

- Các vị huynh đệ, trên đường vất vả rồi. Mong mọi người hãy bảo vệ Phú đại nhân về kinh.

Chúng cấm quân thấy Địch Thanh và Phú Bật nói nhỏ với nhau một lát rồi cuối cùng lại nói ra câu nói này, lại thấy Địch Thanh giục ngựa đi về hướng tây thì chẳng hiểu ra làm sao, vây lấy Phú Bật hỏi han liên tục.

Phú Bật thấy thần sắc của mọi người, đều có vẻ rất tiếc nuối đối với Địch Thanh thì trong lòng cảm khái, nhưng lại không tiện nói gì.

Tiếng chân đi xa, chỉ có Hàn Tiếu không rời khỏi Địch Thanh, khiến cái lưng trong gió tuyết kia không đến nỗi cô đơn lắm.

Hai hàng đi về phía bắc, có gió thổi qua, thổi bay tuyết trắng như bông, phủ lên những vết chân vừa đi qua, những vết chân dần nhạt nhòa rồi biến mất không nhìn thấy nữa.

Giống như...tất cả chưa từng xảy ra vậy.

Địch Thanh và Hàn Tiếu phi nhanh một mạch đến Chân Định phủ, công văn từ kinh thành đã sớm được gửi đến một bước, các quan viên bên đường biết Địch Thanh đến đây trấn thủ thì ai cũng vui mừng. Mọi người sớm đã ngưỡng mộ đại danh của Địch Thanh từ lâu, thầm nghĩ có Địch Thanh ở Hà Bắc thì ta không còn phải lo lắng gì nữa.

Người đến cửa thăm hỏi, thăm dò, lấy lòng nịnh hót không ngớt, náo nhiệt như tuyết bay liên tục vậy.

Địch Thanh khi nhớ lại năm xưa, một tri huyện cũng có thể điều khiển sự sống chết của mình, đến nay thì cả tri châu cũng đến để nịnh hót mình, trong lòng chẳng biết là cái cảm giác gì nữa.

Chỉ qua mấy ngày, Hàn Tiếu đã cung cấp thông tin mà Địch Thanh muốn. Tây Bắc có cảnh báo, triều đình phái Cát Hoài Mẫn đến Kính Nguyên Lộ Tây Bắc tọa trấn.

Địch Thanh nghe xong, trầm mặc một lúc lâu, rồi dặn dò Hàn Tiếu:

- Ngươi lập tức đến nói với Qúach Qùy, bảo hắn nói mấy câu trước mặt Thánh thượng rằng, Cát Hoài Mẫn tuy là tướng môn nhưng chưa từng dẫn quân, chỉ sợ không biết gì về binh, xin Thánh thượng hãy lấy bách tính Tây Bắc làn trọng, chọn một tướng khác đến Tây Bắc để đối phó.

Hắn biết rõ lúc đầu mới ở kinh thành, Cát Hoài Mẫn không có liên quan gì với hắn nhưng đã âm thầm làm một bản vạch tội hắn, Địch Thanh chỉ sợ bản thân dâng tấu sẽ khiến Triệu Trinh cho rằng vì thù riêng, thế nên Địch Thanh mới để Quách Qùy ra mặt.

Hàn Tiếu tuân mệnh rời đi, lần đi này cũng mất cả tháng. Sau khi Hàn Tiếu quay về thì chỉ nói một câu:

- Thánh thượng nói Quách Qùy lo bò trắng răng.

Địch Thanh âm thầm lo lắng, nhưng không có cách nào khả thi, Hà Bắc vẫn luôn vô sự, Gia Luật Tông Chân nhận tiền, mặc dù chưa hẳn đã hết tai họa nhưng vẫn là tuân thủ nghiêm ngặt minh ước, rút lui binh Yến Vân xong thì cũng không có động tĩnh gì. Địch Thanh vẫn bảo Hàn Tiếu cho người điều tra ở gần Đôn Hoàng, nhưng cuối cùng cũng không có tiến triển gì. Ngày hôm đó, Địch Thanh đang ngồi trong phòng, đột nhiên nghe thấy tiếng chim hót trên cây ngoài cửa sổ, ngẩng đầu ra nhìn, thấy một cây xanh mướt, cúi xuống nhìn vào gương đồng thấy tóc mai của mình đã như sương, bất chợt ngây người...

Hóa ra mùa đông này lại trôi qua nhanh như vậy...

Năm này rồi năm khác, cây xanh rồi lại xám, trắng rồi lại xanh, sinh sôi không ngừng, như năm tháng vậy, nhưng tóc trắng nơi thái dương của hắn thì chẳng thể đen lại được nữa.

Vừa nghĩ tới đó, Địch Thanh bỗng nhiên đứng lên, muốn chạy ra khỏi phòng, giờ khắc này, nỗi nhớ bao năm trào dâng.

Hắn muốn đi Sa Châu! Tứ Sương Đô Chỉ Huy Sứ là cái gì cơ chứ? Hắn không quân tâm, Hắn vẫn luôn chờ đợi, nhưng có điều là đang chờ triều đình điều lệnh, cho hắn có cơ hội được vì bách tính Tây Bắc...

Nhưng cơ hội này sẽ đến chăng?

Nếu như đã không đến thì vì sao hắn lại không đi chứ? Vừa nghĩ đến đó, Địch Thanh đã ra khỏi phòng rồi, liền gặp ngay Hàn Tiếu đang đi vào. Nhìn khuôn mặt của Hàn Tiếu đầy là sự bi ai xúc động và phẫn nộ, nhiệt huyết sôi sung sục của Địch Thành đột nhiên lại trở nên lạnh băng.

Hàn Tiếu không nói gì cả, chỉ đưa cho hắn một bức thư.

Địch Thanh mở ra nhìn chố lát thì sắc mặt liền đột nhiên thay đổi. Bàn tay cầm lá thư của hắn có chút run run, bước lùi lại hai bước, tay báo vào một cái cây lớn trong phòng.

Vỏ cây loang lổ, tràn đầy tang thương... Một tay Địch Thanh đấm mạnh lên cây, bức thư trên tay bay bay xuống rồi rơi trên đất. Bức thư mỏng manh nhưng trên đó lại viết những thông tin khiến người ta khó có thể chấp nhận được.

Nguyên Hạo lại xuất binh Tây Bắc, Cát Hoài Mẫn dẫn binh chủ động công kích, toàn quân đã bị diệt hết!

Nguyên Hạo hung hãn phá bỏ minh ước, lại một lần nữa tụ binh ở Thiên Đô Sơn, binh xuất Hạ Lan Nguyên, xâm nhập biên giới nước Tống! Nguyên Hạo chia đội quân một trăm nghìn thiết kỵ binh đi làm hai đường, một đường ra Cổ Dương Thành, một đường ra Lưu Phiền Bảo, đánh gọng kìm Trấn Nhung Quân. Cát Hoài Mẫn thấy Nguyên Hạo xuất binh thì đem binh đến chặn, đưa binh ra Ngũ Cốc Khẩu. Khi đến gần tây nam Trấn Nhung Quân, có quân Hạ dụ binh khiêu chiến, Cát Hoài Mẫn chí lớn nhưng tài mọn, cũng giống như Nhâm Phúc năm xưa, không nghe lời khuyên can của Bàng Tịch cố thủ đợi quân Hạ mệt mỏi rồi hãy cắt đứt đường về rồi mới phái binh chủ động tấn công quân Hạ.

Quân Hạ giả vờ thua, Cát Hoài Mẫn xuất binh theo bốn đường bao vây diệt trừ quân Hạ, không ngờ Nguyên Hạo lại bất ngờ xông quân ra, lại khiến cho đại quân của Cát Hoài Mẫn bị vây ở Định Xuyên Trại.

Cát Hoài Mẫn khinh binh tiến mạnh vào, đại quân đóng ở Định Xuyên trại, lương thảo không đủ, Nguyên Hạo cắt đường lương thực, nguồn nước. trong trại không có nước khiến lòng quân đại loạn.

Cát Hoài Mẫn thấy lòng quân bất ổn, biết rằng phải cố thủ trong tình trạng khó khăn vài ngày, không tấn công mà đã tự loạn, bất đắc dĩ đột phá vòng vây thất bại quay về Trấn Nhung Quân, có bộ tướng Triều Tuần khổ công khuyên nhủ, rằng chắc chắn Nguyên Hạo biết quân Tống muốn đến Trấn Nhung Quân, sớm đã mai phục chặn đường lui của quân Tống, không bằng đánh bất ngờ rồi rút lui về thành Lung Can.

Chúng tướng không theo, Cát Hoài Mẫn cứ kiên quyết theo ý mình, kết quả là lúc về phía đông, gặp phải quân Hạ mai phục. Quân Hạ xuất kích bốn phía, quân Tống đại loạn, Cát Hoài Mẫn và mười sáu tướng Tào Anh, Lý Tri Hòa, Triệu Tuần, Vương Bảo v. v. đều bị giết, tổn hại vô số binh lính!

Cát Hoài Mẫn chết!

Cái tên khác nhau, kết quả giống nhau. Địa điểm khác nhau, kết quả giống nhau! Địch Thanh bám tay vào vỏ cây khô ráp, trong lòng càng trào dâng sự đau khổ chua chát!

Trận này và trận Tam Xuyên khẩu đều không có gì khác nhau, Nguyên Hạo đều là lợi dụng quân Tống tự cao tự đại khinh địch, không biết tâm lý của binh lính, dụ quân Tống giao chiến ở bình nguyên, sau đó siết chặt giết một loạt!

Tam Xuyên khẩu, Hảo Thủy xuyên, Định Xuyên trại...

Đều là cách đánh như vậy, nhưng bách quan vốn ở kinh thành bao lâu như thế, đường đường là một tướng môn, là người lãnh đạo quân đội Tam Nha, lại đều vướng ngã vào hòn đá này!

Là ý trời hay do con người? Là cố chấp hay là ngu xuẩn?

Địch Thanh tuy biết kết cục không ổn nhưng không hề ngờ rằng quân Tống lại thất bại đến mức thê lương như vậy. Nguyên Hạo thắng lợi, chỉ huy quân về phía nam, liên tiếp phá trại, tung hoành sáu trăm dặm ngang dọc, trấn áp Vị Châu, nhìn xa về phía Trường An. Những nơi đi đến, quân Tống không dám đánh, chỉ có thể tự phòng thủ.

Quan Trung báo nguy!

Địch Thanh đờ đẫn đứng ở dưới tàng cây hồi lâu, cười chua chát rồi chậm rãi ngồi xuống. Giờ khắc này hắn đã quên Sa Châu.

Hàn Tiếu thấy thế thì lặng yên lại đưa cho hắn một phong thư nữa.

Địch Thanh nhận lấy bức thư, rồi mở ra đọc, người hắn đã run lên, trên thư chỉ viết mấy chữ: "Địch Thanh, cứu ta!" Chữ viết đó có màu đỏ, chính là viết bằng máu.


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-119)


<