← Hồi 07 | Hồi 09 → |
Vương Trùng Dương thầm kính phục bản lĩnh siêu quần của đối phương.
Chàng cúi xuống lượm mấy viên đá bóp vụn ra trong tay rồi quát lớn:
- Tại hạ thử dùng cách Mãn Thiên Hoa Vũ thi thố, quí hữu hãy lưu tâm.
Nói dứt lời, Vương Trùng Dương vung tay dùng chưởng phong ném vụt những viên đá nhỏ trong tay bay vụt như mưa vào trong thạch trận. Ngờ đâu bên trong cũng có một loạt đá nhỏ bay ra cản lại. Hai luồng chưởng phong gặp nhau đẩy tung những viên đá bật văng trở lại rồi rơi xuống đất.
Vương Trùng Dương thấy đối phương chiếm được vị trí trung tâm Tuất thổ, chận giữ mình không cho vào trận thì cả giận nói:
- Đã là một kẻ trượng phu, phải đường đường tỷ thí cho rõ tài cao thấp, chứ cứ lén lúc nấp trong trận đồ, đâu có phải là tay hảo hán.
Vương Trùng Dương cố ý dùng lời nói khích, quả nhiên Thanh Y nhân mắc kế từ trong thạch trận nhảy vút ra quát lớn:
- Hay cho họ Vương dám buông lời khinh miệt, coi thiên hạ chẳng ra gì thật là mục hạ vô nhân. Nếu có gan cùng ta tỷ thí vài ba trăm hiệp không?
Trùng Dương lưu ý nhìn kỹ, chỉ thấy người này mặc áo toàn xanh, trên mặt đeo một vuông khăn kín chỉ hở đôi mắt sáng quắc như sao nhìn chăm chăm vào Vương Trùng Dương.
Họ Vương lấy làm kinh ngạc vì Thanh Y nhân đã biết rõ tên họ của mình thì vội vàng chấp tay nói:
- Túc hạ đã biết tiện danh, vậy cũng xin túc hạ cho tiểu sinh đây biết túc hạ tên họ là gì để tiện bề xưng hô.
Thanh Y khách quát lớn:
- Hà tất phải biết tên tuổi của ta làm gì. Hãy coi quyền pháp của ta.
Nói dứt lời Thanh Y nhân đã dùng chiêu "Đã Mã Phân Sung" đấm thẳng vào ngực Vương Trùng Dương một quyền hết sức mãnh liệt.
Vương Trùng Dương nghĩ thầm trong bụng:
- Chắc người này luyện võ công của Thái Cực phái nên mới sử dụng Thái Cực quyền.
Vương Trùng Dương dùng thế "Xuất Vân Thu" ra đối phó. Thanh Y khách lại dùng thế "Nhị Long Tranh Sơn" nhằm đỉnh đầu Vương Trùng Dương đánh xuống, uy lực thật là ghê gớm, sức mạnh như cả trái núi đổ xô đến.
Họ Vương bất giác kinh ngạc nghĩ thầm: "Sao người này lại sử dụng Ngũ Hành quyền".
Thái Cực quyền là dùng nhu thắng cương, trái lại Ngũ Hành quyền là dùng sức mạnh, càng đánh càng mau, hai thứ sử dụng thật là hoàn toàn trái ngược.
Nghĩ như vậy nhưng Vương Trùng Dương cũng vội dùng thế "Sáu Lượng Đổi Cột" của Toàn Chân phái ra đối phó.
Thanh Y nhân bỗng biến đổi chiêu thức, chàng ta dùng chiêu "Hồi Quang Phản Chiếu" của "Nhạc Gia Trưởng". Lúc thì dùng Thiếu Lâm Hổ Quyền, lúc lại quay sang dùng các chiêu thế tối độc của Võ Đương trường quyền.
Vương Trùng Dương ngạc nhiên vì thấy Thanh Y nhân luôn luôn biến đổi quyền pháp thì không sao đoán được là người của môn phái nào. Chàng vẫn sử dụng bài "Thái Ất quyền pháp" của Toàn Chân phái ra đối địch.
Thanh Y nhân liên tiếp dùng hết chiêu thức này đến chiêu thức khác tấn công mãnh liệt, khiến Vương Trùng Dương lưu tâm đón đỡ nên chỉ có thủ mà chưa có công. Bỗng thấy Thanh Y nhân cười dài một tiếng và nói:
- Tài nghệ của tại hạ như thế nào chắc túc hạ đã biết rồi, khỏi giao đấu làm gì nữa cho hao phí sức khỏe. Tại hạ xin kiếu từ, nếu có dịp nào sẽ xin gặp mặt sau.
Vừa nói dứt lời, Thanh Y nhân nhảy vụt ra khỏi vòng chiến, tung người lên cao đến ba, bốn trượng như một con chim đại bàng lao vút vào trong Bát trận đồ.
Chỉ thoáng thấy một cái bóng xanh lẩn vào Trung Ương trận, vị trí Tuất Thổ.
Hành động của Thanh Y nhân thật là kỳ lạ, võ công hết sức cao siêu, còn hơn lúc Trùng Dương đại náo Thiếu Lâm tự khiến cho họ Vương càng thắc mắc, không hiểu vì cớ gì mà người này ẩn mình trên hòn đảo hoang vu này.
Lòng hiếu kỳ càng tăng thêm lên, Trùng Dương nhất định không chịu bỏ qua quyết hỏi ra manh mối, nên quát lớn:
- Chưa phân thắng bại sao túc hạ lại bỏ đi.
Họ Vương dùng tuyệt kỹ công phu tung mình nhanh như tên bắn nhảy vọt tới đống đá, cung tay định dùng "Sô Ma chưởng" đánh ta đống đá không cho người ấy trốn trong đấy nữa.
Thanh Y quái khách đột nhiên nhảy vọt ra ngăn cản chàng lại, vung tay như muốn dùng "Song Chiếu chưởng" đánh ra, họ Vương chuẩn bị đối phó. Nào ngờ trong tay Thanh Y quái khách vụt ra một nắm kim vàng nhanh như tên bắn, tua tủa như mưa nhằm thẳng mặt Trùng Dương bay tới.
Chàng giật mình biết không sao tránh khỏi vội vận nội công toàn thân cứng như thép, giơ tay trái lên che lấy mắt và mặt, còn tay phải phất mạnh một cái, một luồng chưởng phong từ trong tay áo bay ra cản những mũi kim vàng rơi xuống đất.
Nhưng khiếp thay cho bản lĩnh của Thanh Y quái khách thật vô cùng dũng mãnh, chưởng phong của Vương Trùng Dương chỉ cản được phân nữa. Còn một số kim vàng tới mười ba, mười bốn mũi cứ lao thẳng vào mặt và mình của Trùng Dương.
Tuy họ Vương đã vận khí chống cự, những mũi kim vàng không thủng vào da thịt nhưng những chỗ trúng kim cũng thấy hơi đau rát. Khi Vương Trùng Dương buông tay áo xuống đã không thấy Thanh Y quái khách đâu nữa.
Trùng Dương phóng mình dùng thuật phi hành chạy quanh Bát trận đồ mấy vòng mà vẫn không thấy bóng dáng của Thanh Y quái khách thì biết rằng Thanh Y quái khách đã cố tình lánh mặt nên đã lẩn vào trong trận đồ.
Họ Vương lượm những cây kim vàng còn dính ở áo bỏ vào tới, hướng vào trong trận đồ nói lớn:
- Hôm nay tại hạ được lãnh giáo võ công của quí hữu rất lấy làm ngưỡng mộ. Xin hẹn hôm khác sẽ tái kiến.
Nói xong, Trùng Dương thoát ra khỏi kỳ môn thạch trận trở về thuyền.
Ba cha con Đinh Nhị Mao sợ ma nằm dưới khoang thuyền, thấy Vương Trùng Dương nói chuyện với yêu quái và đánh đuổi nhau trên mũi thuyền. Lúc họ Vương bị đánh rớt xuống biển và chàng dùng chưởng lực đánh gẫy cột buồm khiến cho con ma té xuống, rồi họ Vương đuổi theo yêu quái.
Ba cha con Đinh Nhị Mao và một số bạn chèo đều biết nhưng không ai dám bước ra khỏi khoang thuyền để xem cho rõ ràng. Mãi không thấy Trùng Dương trở về ai nấy đều lo sợ cho rằng chàng đã bị yêu quái sát hại rồi.
Ba cha con đều lo lắng không hề ngũ được, đến khi thấy có người nhảy xuống thuyền lên tiếng hỏi và nghe tiếng Trùng Dương trả lời, Đinh Nhị Mao mới dám mở cửa bước ra khoang thuyền nói:
- Vương công tử phúc tinh lớn lắm nên bọn ma quỷ dữ tợn như thế mà không hớp hồn được thật là may mắn lắm.
Vương Trùng Dương thấy Đinh Nhị Mao hãy còn mê muội cho rằng Thanh Y nhân là ma quỷ thì không sao nhịn được cười, nên cất tiếng cười khanh khách nói:
- Không phải là ma quái đâu. Chính là vị ẩn sĩ bày ra Bát trận đồ để ngăn cản không cho ai tới hòn đảo này.
Vương Trùng Dương kể lại đầu đuôi câu chuyện giao đấu với Thanh Y quái khách cho cha con họ Đinh nghe và chàng lấy ra mấy cây kim vàng cho Đinh Nhị Mao xem.
Cầm chiếc kim vàng trên tay, Đinh Nhị Mao ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:
- Những chiếc kim vàng này làm bằng nguyên chất, ít nhất cũng nặng đến mấy tiền, người này chắc phải giàu sang lắm.
Hai anh em họ Đinh và mấy người bạn chèo nghe Đinh Nhị Mao và Vương Trùng Dương nói chuyện, lúc đó mới kéo nhau lên mũi thuyền xúm vào xem mấy cây kim vàng.
Trùng Dương lại nói:
- Hẳn Lão trượng và liệt vị đây đã biết rõ trên đảo có một cao nhân ẩn cư tại đây để luyện võ công đã lập ra trận đồ làm rối loạn tinh thần những người không biết. Ý chỉ không muốn cho ai quấy rầy chứ làm gì có ma quái. Vậy các người cứ yên tâm mà ngũ cho kỹ. Sáng mai hãy cùng nhau lên đảo lấy nước uống.
Đinh Nhị Mao và tất cả mọi người lúc đó mới hiểu rõ nên vui vẻ vào khoang thuyền ngũ một giấc ngon lành.
Sáng hôm sau, trời vừa hừng sáng, ba cha con họ Đinh và các bạn chèo đã sửa soạn sẵn đồ đựng nước, theo Vương Trùng Dương lên hoang đảo lấy nước.
Vương Trùng Dương đi trước hướng dẫn một số người theo sau. Qua bãi cát, tới những đống đá, Vương Trùng Dương ngạc nhiên nhìn thấy trận đồ đã bị phá vỡ.
Những đống đá nằm ngổn ngang không còn hàng lối như hôm qua nữa.
Đứng nhìn hồi lâu, Trùng Dương bỗng nói:
- Lạ thật! Lạ thật! Đây đúng là Thanh Y ẩn sĩ đã tự phá vỡ Kỳ Môn Bát Trận và nhất định cao nhân này đã ra khỏi đảo.
Chàng bước đi thẳng vào trận. Trông đống đá hôm qua dựng lên làm Trung Ương Tuất Thổ, hôm nay cũng rời rã, rối loạn không còn trật tự nữa.
Chàng chợt thấy có mấy hàng chữ lõm sâu vào một tảng đá, mọi người đều tới gần xem thấy nét chữ đẹp vô cùng, như được một người thợ điêu khắc lành nghề tạo nên. Chỉ có Trùng Dương biết ngay Thanh Y nhân đã dùng thuật "Thiết Chỉ công", vận dụng nội công vào đầu ngón tay mà viết nên nét chữ lõm sâu vào đá chừng năm phân, nét rất sắc xảo, đủ biết rằng Thanh Y nhân là người có học thức uyên thâm, thật là văn võ toàn tài.
Ba cha con họ Đinh và bọn thủy thủ là những người ít học nên chẳng hiểu gì cả. Vương Trùng Dương lưu ý đọc suốt từ đầu đến cuối, đó là hai bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, ý nói rằng:
"Thanh Y nhân đã giang hồ lưu lạc hơn ba mươi năm, coi cuộc đời như phù vân nên đến ẩn cư tại hoang đảo, chẳng muốn liên lạc gì với giang hồ nữa. Nào ngờ đâu gặp tay cao thủ phá vỡ thạch đồ trận, nên không ở lại hoang đảo nữa mà dùng thuyền đi nơi khác."
Toàn thể hai bài thơ đều do Thanh Y nhân dùng "Thiết Chỉ công" khắc vào, công phu thật là điêu luyện. Họ Vương nhìn những dòng chữ và những tảng đá của thạch đồ trận ngổn ngang trên mặt đất thầm nghĩ:
- Không dè ở trên hoang đảo mà có một kỳ nhân võ công trác tuyệt, tài ba quán thế mà mình không được cùng kết giao thật là đáng tiếc.
Chàng cứ đứng ngẩn ngơ, lẩm bẩm một mình, than thở tiếc rẻ mãi không thôi. Đinh Nhị Mao thấy thế liền hỏi:
- Vương công tử. Quái nhân ấy đã đi khỏi nơi đây rồi sao?
Vương Trùng Dương lúc đó mới giật mình, chép miệng thở dài:
- Vị ẩn sĩ đó đã đi rồi thật là đáng tiếc. Trước khi đi ông ta đã phá hết Bát trận đồ, không có gì trở ngại nữa và không còn sợ lạc đường như ngày hôm qua nữa. Liệt vị hãy mau mau vào trong lấy nước.
Tất cả mọi người đều đi thẳng vào thạch động. Quả nhiên đi độ năm, sáu mươi thước thì thấy có một dòng nước suối từ trên núi chảy xuống.
Mọi người đều đổ xô cả lại hứng nước mang về thuyền. Họ chuyền nhau lấy đầy đủ nước uống, rồi mới rời hoang đảo.
Thanh Y quái khách ở trên hoang đảo này chính là Hoàng Cố. Sau này cũng là một trong Võ Lâm Ngũ Bá, gọi là Đông Tà Hoàng Dược Sư.
Hoàng Cố người tỉnh Triết Giang, tỉnh Hải Ninh, gia cư giàu có. Tổ tiên của Hoàng Cố là một người nổi danh cùng thời với Tô Đông Pha thời Bắc Tống, tên là Hoàng Lỗ Trực. Đời đời truyền nối đều là những người nho phong nề nếp, thân sinh của Hoàng Cố là Hoàng Uẩn Thạch.
Hoàng Cố là con trai duy nhất nên được nâng niu, chiều chuộng coi như ngọc báu.
Hoàng Cố bản chất thông minh, nổi danh là thần đồng. Vì mới năm tuổi đã biết làm thơ, bảy tuổi đã sáng tác được nhiều bài ca, khiến cho mọi người đều thán phục.
Hoàng viên ngoại thấy Hoàng Cố tuổi còn nhỏ mà trí tuệ đã xuất chúng, siêu phàm như thế thì không khỏi lo âu, vì từ xưa đến nay các bậc thần đồng đều chết non như trường hợp Cam La mới mười hai tuổi đã làm nên thừa tướng, nhưng chẳng được hưởng thọ tuổi trời.
Nhan Uyên thông minh tuyệt thế, cũng bị yểu tử, sống không được quá ba mươi. Hoàng viên ngoại e con mình quá thông minh, lại bị chết sớm nên thường thường dẫn Hoàng công tử đến các nơi chùa chiền, lễ bái đầu khấn phật trời ban phước cho họ Hoàng.
Ở quận Hải Ninh có một ngôi Thiên Đồng tự, là một trong những danh xá trong tỉnh Triết Giang. Vị chủ trì ngôi chùa này Hiểu Vân thiền sư, tuổi đã cao nhưng tinh thần còn quắc thước, biết đoán quẻ âm dương và tính toán quá khứ vị lai.
Một hôm Hoàng viên ngoại và Hoàng Cố đến chiêm bái Thiên Đồng tự.
Sau khi lễ phật, Hoàng viên ngoại dẫn Hoàng Cố vào ra mắt Hiểu Vân thiền sư.
Vừa trông thấy mặt của Hoàng Cố, Thiền sư lộ vẻ vui mừng nói:
- Hoàng thí chủ thật là phước lớn, Công tử có nhiều quí tướng. Sau này chắc chắn là một người tài ba quán thế, danh tiếng để lại cho ngàn thu.
Hoàng viên ngoại đã nghe danh Thiền sư là một cao tăng đắc đạo, không bao giờ nói dối, nên nghe Thiền sư nói như thế bỗng cau mày thở dài nói:
- Bạch thượng tọa. Lão phu chỉ sinh hạ được một tiểu nhi này mà thôi. Thiên tính rất thông minh, năm tuổi đã làu thông kinh xử, biết cả làm thơ nên thiên hạ tặng khen là thần đồng. Vì người ta vẫn có câu tài cao mệnh yểu. Thượng tọa cao minh xin xem kỹ lại cho lão phu được nhờ.
Hiểu Vân thiền sư bảo Hoàng Cố lại gần xem kỹ nét mặt, thốt nhiên Thiền sư kêu lên:
- Ồ lạ thật! Sao lại có thể thế được.
Hoàng viên ngoại nghe Thiền sư nói như thế thì giật mình biến sắc, chắp tay thưa:
- Bạch thượng tọa. Người mới phát giác ra được điều gì? Hung hay kiết? Cúi xin chỉ giáo cho lão phu biết để lão phu đề phòng.
Hiểu Vân thiền sư cười nói:
- Bần tăng tuy bất tài nhưng nếu thí chủ có lòng tin cậy thì bần tăng thấy sao nói vậy. Nếu có điều gì thất thố cũng mong thí chủ bỏ qua cho.
- Bần tăng nhìn kỹ tướng mạo Công tử ắt Công tử không được thọ lắm, tới mười lăm tuổi phải cần tránh lửa, không sẽ bị nạn hỏa đốt chết.
Hoàng viên ngoại nghe thấy Thiền sư nói như vậy càng thêm sợ hãi vô cùng vì Hoàng Cố tính ra năm đó đã được mười hai tuổi, chẳng hóa ra chỉ còn ba năm nữa là đã đến số phải lìa bỏ cỏi đời. Viên ngoại không cầm được hai hàng lệ dâng lên khóe mắt.
Hiểu Vân thiền sư nói thêm:
- Nhưng bần tăng thấy ở nhân trung của tiểu chủ một luồng tử sát mang vân có thể thoát được đại nạn. Nếu qua khỏi được năm đại nạn thì Công tử đây sẽ trở thành một bậc kỳ tài danh lừng bốn bể. Bần tăng mấy chục năm trời nghiên cứu tướng số chưa hề thấy qua một người như thế, chẳng lạ lắm sao.
Hoàng viên ngoại nghe Thiền sư nói như vậy cũng an tâm được đôi chút vẫn còn thắc mắc bèn hỏi:
- Bạch thượng tọa. Tiểu nhi của lão phu có thể nào thoát khỏi được nạn lửa không?
- Mô Phật. Việc tướng số rất huyền bí nên có câu phúc năng thắng số. Cũng như đời nhà Hán có một viên ngoại họ Đặng tên Thông, gia sản hàng muôn triệu thế mà có một người coi tướng lại dám cả quyết rằng sau không bát ăn phải nhịn đói chết. Đặng viên ngoại và tất cả mọi người không ai tin cả và cho người coi tướng đó là kẻ điên khùng, ăn nói quàng xiên. Đến sau vua Cảnh Đế nghe lời gian thần sàm tấu vu cho viên ngoại tư thông với giặc liền bắt viên ngoại hạ ngục, bao nhiêu gia cư điền sản đều bị tịch thu xung công hết. Bọn gian thần lại hạ lệnh cho bọn cai ngục bỏ ông nhịn đói chết ở trong tù. Lúc ấy người ta mới thấy lới tiên đoán của người thầy coi tướng quả là linh nghiệm.
- Còn một người nữa tên là Bùi Tịch, ở đời nhà Đường. Lúc nhỏ thật là nghèo khổ, tướng mạo xấu xa, một thầy tướng coi ông và quả quyết rằng: "Số ông ta suốt đời nghèo khổ, không có lúc nào sung túc". Bùi Tịch nghe nói như thế chẳng những không lấy thế làm buồn mà thường nói với mọi người: "Nếu số trời đã định thì tránh sao cho khỏi. Kiếp trước ắt có làm điều gì gian ác lắm cho nên kiếp này mình phải chịu nghèo hèn. Thôi kiếp này đã lỡ, phải tu sửa để dành kiếp sau". Từ đó Bùi Tịch ăn chay niệm Phật, hết sức giữ lòng ngay thẳng, không ăn gian nói dối, hết sức giữ lòng trong sạch, cam chịu cảnh bần hàn.
Một hôm Bùi Tịch lượm được một gói bạc không biết của ai đánh rớt. Bùi Tịch ngồi ở lề đường giữ gói bạc quyết đợi thất chủ để hoàn lại. Bùi Tịch ngồi đợi từ sáng sớm đến quá ngọ mà vẫn không thấy ai có vẻ tìm kiếm của rơi cả, bụng chàng đói như cào đã định bỏ đi tìm hàng ăn cho đỡ đói. Nhưng nghĩ lại nếu bỏ đi lỡ người bị mất của qua đây không tìm thấy thì mình biết ai mà trả lại, nghĩ vậy nên chàng ráng ngồi chờ đợi. Cho đến gần đầu giờ mùi, họ Bùi vừa đói vừa mệt, hai mắt lim dim muốn ngồi ngũ gục. Bỗng nghe tiếng khóc thảm thiết của một người đàn bà vừa khóc vừa kể lể: chồng chết không có tiền chôn, đến thị trấn vay được một số đem về làm tang, chẳng may lúc bối rối làm mất dọc đường. Bùi Tịch choàng tỉnh dậy hỏi đầu đuôi gốc ngọn và trao trả bạc lại cho bà ta không thiếu một đồng nào. Thấy Bùi Tịch ăn mặc rách rưới, người đàn bà định đưa cho một số bạc để tạ ơn, nhưng Bùi Tịch nhất định không lấy, cam chịu đói một buổi. Sau này ngờ đâu Bùi Tịch làm tới chức Thừa tướng. Thế nên người ta mới có câu "Đức Năng Thắng Số". Vậy bần tăng khuyên thí chủ hãy về nhà chuyên làm việc thiện và cho Công tử tránh nơi có lửa, may ra có thể tránh được tai nạn.
← Hồi 07 | Hồi 09 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác