← Hồi 41 | Hồi 43 → |
Trời vừa rạng sáng, vầng đông mới ló dạng ở góc trời, Âu Dương Phong đã nhảy chồm dậy gọi lên oang oang:
- Lão ăn mày thúi, sức lực mi đã khôi phục chưa, đêm qua đánh chưa đã tay, hôm nay đánh tiếp.
Hoàng Dược Sư vội đứng dậy nói:
- Trận vừa rồi hai vị chẳng ai thua ai, còn đánh chi nữa, tôi có một ý kiến!
Hồng Thất Công quay lại hỏi:
- Hoàng huynh lại có cao kiến gì thế?
Hoàng Duợc Sư đáp:
- Chúng ta mỗi người ngâm một câu thơ, người nào ngâm chẳng ra, hay ngâm nghe chẳng được thì kẻ ấy phải ra đối trận.
Hồng Thất Công lắc đầu lia lịa nói:
- Hoàng huynh, vụ ấy thì tôi chẳng dám vâng lời rồi, trong bụng lão ăn mày này chẳng có bao nhiêu chữ, cái gì về thơ từ thi phú thì đệ chẳng thông chút nào cả!
Trùng Dương cũng xen lời:
- Thi phú là một lối văn học vị tất đã có người sành sỏi? Ai ngâm hay, thi pháp thông hay không thông cũng không có một vị trọng tài quyết định cho. Tốt hơn hết là kể chuyện cổ tích có phần đơn giản hơn, người nào kể chuyện nhạt nhẽo nhất thì kẻ ấy phải ra trận vậy!
Hồng Thất Công và Đoàn hoàng gia đều vỗ tay tán đồng.
Hoàng Dược Sư cũng chẳng phản đối, còn Âu Dương Phong vốn là một tên mã tặc xuất thân, đâu biết gì ngắm trăng vọng nguyệt, nên cũng rất bằng lòng về đề nghị của Trùng Dương.
Trùng Dương lại nói tiếp:
- Nếu vậy tôi xin kể trước cho quý vị nghe.
Nói xong chàng bắt đầu kể:
- Ngày xửa ngày xưa có một vị hòa thượng, một hôm nọ ông dắt một tiểu xa di (thầy chùa con) đến một thị trấn nọ. Đi dọc đường tới dưới một cây, chú tiểu bỗng bắt gặp một bao hành trang, trong bao hành trang ấy đầy ăm ắp những thỏi vàng óng ánh.
Hồng Thất Công cười to ngắt lời:
- Chu choa! Lại có chuyện kỳ dị như vậy! Nếu lão ăn xin này mà vớ phải thì lập tức chạy bay đến chợ đổi rượu thịt ăn uống bảy ngày bảy đêm cho phủ phê.
Trùng Dương cũng cười và nói:
- Hồng huynh đừng đùa bỡn chứ.
Chàng lại kể tiếp:
- Chú tiểu hết sức mừng rỡ bèn thưa với lão hòa thượng: "Thầy ơi!
Có phải là vàng thật không! Thầy trò ta phát tài rồi? Thầy và con nên hoàn tục để làm phú ông sung sướng hơn!"
Lão hòa thượng sầm nét mặt lại quát mắng:
- Nó nhảm! Đây đâu phải là vàng mà là thứ thuốc độc hại người?
Mi không tin, thử thì biết.
Nói đoạn kéo tay chú tiểu núp sau gốc cây.
Một lát sau có ba người bộ hành đi tới, toàn là phu thợ nề, thợ mộc, tay cầm đồ nghề, có lẽ là vào kinh để tu bổ nhà cửa cho một vị phú ông nào đó.
Ba người thình lình bắt gặp túi vàng dưới cội cây, mừng rỡ như muốn phát điên vậy.
Tên thợ mộc liền nói:
- Bọn mình hôm nay gặp tài thần ban lộc rồi, được bao vàng này chúng ta chẳng cần làm thợ nữa, có mặt thì chia ba người ba phần mạnh ai nấy lãnh.
Một tên thợ mộc khác lại bàn:
- Khoan đã, từ nay về sau chúng ta không còn nghèo nữa, cần phải say sưa một trận để ăn mừng!
Này lão nhị, trong túi ta còn chút ít tiền, chú mày vào thị trấn mua chút ít rượu thịt chúng ta uống một bữa no say rồi sẽ chia ba số vàng này ra, có phải thích không?
Gã thợ mộc trước hết sức tán thành, lĩnh tiền và đi ngay vào thành để hai tên thợ mộc kia ở lại canh chừng số vàng.
Hai tên thợ mộc liền nhướng mày nhíu trán bàn luận nho nhỏ, một lúc khá lâu thì tên thợ mộc thứ nhất đã về, tay xách một hũ rượu và thêm một đùm thức nhắm mùi thơm phưng phức.
Hai tên thợ mộc ở lại giữ số vàng kia đồng hét lên một tiếng, rút chiếc búa trong đống đồ nghề ra chém chết tên mang rượu thịt về.
Hồng Thất Công bỗng ngắt lời hỏi:
- Chu choa! Hai tên ấy định nuốt trọn số vàng chứ gì?
Trùng Dương khẽ gật đầu đáp:
- Thì còn gì nữa, hai tên thợ mộc nghĩ rằng nếu đem số vàng chia cho hai thế nào cũng nhiều hơn chia cho ba. Nên hai người mới âm mưu giết chết đồng bọn của mình để chia số vàng được nhiều hơn một chút.
Hai người giết xong đồng bọn, hí hửng đem xác bạn vứt vào một chiếc hố sâu bên cạnh, tẩy sạch dấu vết sát nhân rồi hai người mới bày rượu thịt do tên thợ mộc vừa bị giết kia đem ra ăn uống.
Ngờ đâu ăn uống chưa hết thức ăn bỗng ôm bụng kêu la vang dội, giãy giụa lăn lộn dưới đất một hồi thì thất khiếu đều chảy máu và chết luôn.
Thì ra tên thợ mộc bị chém chết kia tâm địa còn độc ác hơn hai người kia thập phần, lúc y mua rượu thịt còn lén mua thêm độc dược Mã Tiền trộn vào rượu và thức ăn, định thuốc chết hai đồng bọn của mình để một mình nuốt trọn số vàng.
Hồng Thất Công le lưỡi nói:
- Độc thật, đúng là một bên tám lượng vừa đủ, một bên nửa cân cũng thừa! Lão độc vật, tâm địa của lão với ba gã thợ mộc tham lam kia giống lắm vậy!
Âu Dương Phong trợn mắt nhìn Hồng Thất Công một cái, tuy lòng rất giận mà miệng khó nên lời.
Trùng Dương mới kể tiếp:
- Khi ấy vị hòa thượng gìa mới ra khỏi chỗ nấp, bước ra bảo chú tiểu: "Này con, con đã thấy rõ chưa? Bao ấy là bao vàng, hay bao thuốc độc!"
Nói đoạn kéo tay chú tiểu bước đi chẳng thèm ngoảnh lại.
Câu chuyện cổ tích của Trùng Dương kể, dụng ý sâu xa, chàng đem Cửu Âm chân kinh tỷ dụ là bao vàng, mấy trăm năm nay võ lâm hào kiệt trong thiên hạ vì tranh Cửu Âm chân kinh mà tàn sát lẫn nhau không sao kể xiết. Một kẻ có tâm địa tốt, hà tất vì một quyển sách mà hao tâm mệt trí vô ích như thế!
Chàng vừa kể dứt, Đoàn hoàng gia và Hồng Thất Công thầm ngợi khen trong lòng.
Trùng Dương kể hết câu chuyện xong bèn nói:
- Bần đạo đã làm tròn phận sự rồi, tới phiên quí vị vậy!
Hoàng Dược Sư nói:
- Lời tỷ dụ của Vương chân nhân, chúng tôi đâu phải kẻ khờ mà chẳng hiểu thâm ý ấy? Tôi cũng có một chuyện cổ tích tương phản với Vương chân nhân kể vừa rồi, chuyện cổ tích này vừa xẩy ra gần đây, chính là chuyện bổn trào Thừa tướng Tần Cối vậy.
Hồng Thất Công lên tiếng phản đối:
- Hoàng huynh, thiếu gì chuyện nhảm của Trương Tam, của Lý Tứ, sao Hoàng huynh không kể, lại đi nói chuyện gian tặc làm gì?
Lúc ấy vua Dụ Khiêm bị bắt, tôn thất nhà Tống qua sông di đô về miền Nam. Tống Cao Tông tức vị Liên An. Nhưng quân Kim vẫn không bỏ qua phân nửa giang sơn còn lại của nhà Tống, Thái tử thứ tư của Kim quốc là Hoàng Nhan Ngột Truật thống lĩnh mấy vạn hùng binh vượt qua sông Trường Giang, công phá Kiến Khương (tức Nam Kinh).
Đuổi Cao Tông chạy đến Đại Hải.
May thay lúc ấy có một vị đại tướng văn võ song toàn, chính là Võ Mục Vương Nhạc Phi, thâu phục được một đám anh hùng trẻ tuổi như Hàn Thế Tung, Lực Kỳ, Trương Lăng v.v. mấy phen làm cho quân Kim thua xiểng niễng, nhờ ở Nhạc Phi trí dũng vẹn đôi, dụng binh như thần, đánh bại Ngột Truật Thái Tử chạy trối chết, giết quân Kim thây chết thành núi, máu chảy đỏ sông, mới giữ vững được nửa phần giang sơn của Nhà Tống.
Nhạc Phi còn dẫn binh truy kích theo, liên tiếp đụng nhau mấy trận, hủy diệt mấy vạn tân binh của Thái Tử Ngột Truật, thâu đoạt được mấy thành Thuận Xương, Ngạc Châu Chánh Dương, đuổi quân Kim thối lui chỉ còn cách thành Biện Lương không đầy mười tám dặm, sắp khôi phục được Kinh đô của Bắc Tống.
Ngờ đâu gian Thừa tướng đương thời là Tần Cối cực lực chủ hòa, còn Tống Cao Tông sợ Nhạc Phi khôi phục được giang sơn cứu hai vua bị sanh cầm trên đất Kim trở về nước, thì địa vị chí tôn của ông sẽ không còn mà phải nhường lại cho hai vua cũ.
Do đấy Cao Tông bèn nghe theo lời gian thần Tấn Cối, dùng mười hai đạo Kim Bài liên tiếp triệu dụ Nhạc Phi thối binh trở về, lấy cớ ba chữ Mạc Tu Hữu, kết thành tội trạng hãm hại một vị đại công thần, trí dũng kiêm toàn phải chết oan tại Phong Ba Đình.
Cao Tông lại phải hạ mình van lạy Kim Bang để cầu hòa, lấy sông Chuẩn làm ranh giới để Cao Tông được ngồi yên trên địa vị làm vua của phân nửa nước Trung Hoa.
Bởi thế nhân dân bá tánh nhà Tống người người đều hết sức oán hận nguyền rủa tên gian thần Tần Cối đã manh tâm hãm hại Nhạc Phi.
Cách ba năm sau Tần Cối ung thư ở sau lưng mà chết, mọi người đều cho dó là sự trừng phạt của đấng thiêng liêng.
Sau đấy Hiếu Tông Hoàng Đế tức vị truy cứu lại tội trạng của Tần Cối, tước đoạt quyền Thừa tướng của Thái Sư trên lăng mộ của y và khôi phục lại chức vị cũ của Nhạc Phi, rửa sạch oan án trầm khiên của ông lúc trước.
Nhân dân bá tánh cũng chưa hả dạ bèn dùng thép trắng đúc thành hai hình tượng của vợ chồng Tần Cối quì trước lăng mộ của Nhạc Phi, nhận tất cả sự đánh đập sỉ vả của người đời.
Người đương thời có vịnh hai câu đối như sau:
Thanh Sơn hữu hạnh mai trung cốt, Bạch thuyết vô duyên đúc nịnh thần!
Ngoài ra, trong dân gian còn dùng bột mì làm thành hai người ôm nhau rồi bỏ vào chảo dầu sôi gọi là "Du tạc Cối" (Dầu sôi đun Tần Cối), theo âm ngữ Tàu nói là "dầu cha quẩy", ta thường gọi là "cha quẩy" thường ăn cặp với bánh bò lót lòng buổi sáng đấy.
Như vậy đủ thấy nhân dân Trung Hoa căm hận Tần Cối đến nhường nào, cho nên Hoàng Dược Sư vừa đề nghị kể chuyện Tần Cối, Hồng Thất Công đã chu chéo phản đối không nghe.
Hoàng Dược Sư bèn nói:
- Tôi chỉ kể một giai thoại của Tần Cối, chứ chẳng hề đề cao Tần Cối bao giờ!
Chàng lại đằng hắng một tiếng và bắt đầu vào chuyện:
- Tần Cối là một gian thần, mọi người đều thù ghét, chắc các vị biết rồi, nhưng con người Tần Cối thông minh tài trí, người thường khó mà sánh bằng.
Sau hoa viên của tướng phủ Tần Cối có trồng một cây cam. Một năm vào tiết mùa đông, cây cam kết trái sai. Tần Cối trong lúc lững thững vào hoa viên tản nhàn, thầm ghi nhớ số trái cam quý. Qua vài hôm sau ông lại ra hoa viên, khám phá số cam trên cây mất hết vài mươi trái.
Tần Cối tự biết là đám tôi tớ dưới tay hái trộm chứ không ai khác, nhưng trong tướng phủ đông người khó mà tra gạn cho ra kẻ trộm cam được.
Tần Cối không hổ là một kẻ thông minh tuyệt thế, ông khẽ cau mày nghĩ ra một kế tra vấn kỳ diệu. Ông cho gọi tất cả dám người dưới tay đến trước mặt và nói:
- Cây cam này trổ quả, chua và rất the, ăn không được để cũng vô ích bọn bây hãy cưa đứt gốc cho ta!
Tần Cối vừa dứt lời thì đám thuộc hạ có một tên lên tiếng:
- Thừa tướng gia, cây cam ấy trái rất ngọt chứ đâu có chua. Tướng gia đốn đi uổng lắm.
Tên Cối cười lớn và nói:
- Hay, hay! Đã tìm ta tên trộm cam đây rồi. Nếu mi chẳng bẻ trộm cam mà ăn, thì sao biết được cây cam kia có trái ngọt? Đúng mi là trộm cam rồi.
Tên nọ chỉ còn cách gầm đầu nhận tội mà không còn chối cãi vào đâu được.
Hồng Thất Công vỗ đùi đen đét cười và nói:
- Thú lắm, thú lắm! Cái thằng Tần Cối thế mà cũng thông minh đáo để "Vô tài bất túc vi tề gian" (không tài khó có thể làm gian thần được) câu ấy thật không ngoa chút nào.
Trùng Dương vẫn ngồi im thin thít.
Chàng biết câu chuyện của Hoàng Dược Sư vừa kể rõ là châm chích mình ví mình như gian thần Tần Cối, đã biết Cửu Âm chân kinh là vật bất tường tại sao lại còn cất giữ để làm gì? Có khác nào như Tần Cối giả ý đốn cam để gạt người chăng? Miệng lưỡi của vị chúa đảo Đào Hoa này thật là lợi hại khó ai bì kịp.
Còn Âu Dương Phong vẫn giữ vẻ mặt lầm lì. Hừ một tiếng và lẩm bẩm một mình:
- Thật là đồ "rắm" thối.
Hồng Thất Công hiểu ngay là câu nói tục của Âu Dương Phong vừa rồi tiếng tiếp cốt ý mạt sát Trùng Dương là "đồ rắm thối". Lão bỗng sực nghĩ đến một câu chuyện tiếu lâm cũng hơi tục, bèn cười rằng:
- Vương chân nhân và Hoàng huynh đã kể xong giờ thì đến phiên lão ăn mày này kể. Nhưng miệng mồm của kẻ ăn xin thì không được sạch lắm, vì "miệng chó không thể mọc được ngà voi". Chuyện đời xưa của tôi kể có phần chói tai, mong quý vị cũng nên lượng thứ đừng trách.
Trùng Dương cười, nói:
- Bang chủ nói chi câu ấy, ai cũng biết Thất huynh là một người khinh thế ngạo vật, từng trải việc đời, chuyện của Thất huynh hẳn là thú vị lắm!
Hồng Thất Công nhìn Âu Dương Phong, cười khẩy một cái:
- Chuyện của tôi là chuyện Tam Quốc Chí, nhưng mà Tam Quốc Chí lại ghi sót và chỗ ghi sót ấy, chỉ có bọn ăn mày chúng tôi biết được thôi.
Quí vị có bằng lòng nghe không?
Đoàn hoàng gia cười ha hả đáp:
- Hay lắm! Hay lắm! Vậy Thất huynh hãy kể đi.
Hồng Thất Công bèn kể:
- Quan Công trong đêm tối nọ, đốt đèn sáp ngồi đọc sách Xuân Thu, có Quan Bình và Châu Thương đứng hầu sau lưng.
Quan Công thốt nhiên mắc "đánh rắm". Quan ngài cố nín đánh thành tiếng nên xì một cái nhẹ nhàng.
Hồng Thất Công nói tiếp:
- "Xin lỗi quí vị cho lão ăn mày nói tục một chút để đậm đà câu chuyện hơn.
(Thương Lan cũng xin lỗi quí bạn đọc giả bốn phương để dịch sát theo nguyên văn cho khỏi mất ý nghĩa thú vị của câu chuyện đang kể).
Các vị đây, người nào cũng có kinh nghiệm của sự đánh rắm, đánh mà thành tiếng thì không thúi, nhưng thứ âm thầm không có tiếng kêu ấy, thì thật là thúi nực nồng, thúi không thể ngửi, mùi thúi nồng lên lỗ mũi của Quan Bình và Châu Thương.
Quan Bình giận quá chửi đổng kên:
- Thật là khổ hết chỗ nói! Quân chó chết nào đánh rắm thế?
Châu Thương tánh như lửa đốt, xách ngay cây Thanh Long Yểm Nguyệt Đao của Quan Công bước mau ra ngoài trướng để tìm kẻ thủ phạm mà chém.
Bên ngoài có mấy tên sĩ tốt đang tuần hành dinh ban đêm.
Quan Công thừa lúc Châu Thương bước ra bèn quay đầu lại mắng Quan Bình:
- Đồ súc sanh to gan! Chính cha mi đ... chớ còn ai, mà cha mi đ... là chuyện có gì lạ đâu, mà mi làm to chuyện như thế!"
Hồng Thất Công nói xong cười lớn như pháo nổ.
Trùng Dương và ai nấy cũng cười ngất, chỉ có mình Âu Dương Phong hàm râu ràng của y không ngớt dựng lên xụ xuống, sắc mặt lúc đỏ lúc xanh.
Thì ra câu chuyện tiếu lâm của Hồng Thất Công vừa kể rõ ràng là xỏ y, vì y vừa mạt sát Trùng Dương "rắm thối". Hồng Thất Công lại tỷ dụ y là con của Trùng Dương, thật là một sự nhục nhã vô cùng.
Tây Độc giờ phút này đã trở nên thâm trầm hơn nhiều! Y biết rõ cuộc đại hội Hoa Sơn luận kiếm hôm nay, bốn tên đối đầu của y đều là những nhân vật sắc nhọn vào hàng độc nhất trong võ lâm, bất luận là đụng đến nhân vật nào trong bọn cũng chưa chắc thủ thắng được.
Hồng Thất Công đã dùng lời xỏ xiên mình, thì mình chỉ nên dùng miệng lưỡi trả đũa phải hơn.
Đôi mắt trắng dã của Âu Dương Phong chớp lên mấy cái, đã tìm được một câu chuyện đả kích lại Hồng Thất Công, bèn đằng hắng một tiếng và nói:
- Vương chân nhân, Hoàng đảo chủ, Hồng bang chủ đã kể chuyện rồi bây giờ thì đến phiên tiểu đệ kể vậy!
Hồng Thất Công được dịp là bắt ngay:
- Lão độc vật, muốn nói gì thì cứ nói, có ai cấm cản mi đâu, chỉ đừng có "xì thúi" là đủ rồi!
Âu Dương Phong hừ một tiếng, cố nén giận và kể:
- "Thuở xưa có một lão ăn mày dơ dáy, chết bụi chết bờ, linh hồn vật vờ đến âm tào địa phủ, hồn gặp được Diêm Vương vỗ án và quở rằng:
- Ê! Thằng ăn mày đói kia, số ngươi còn rất thọ tại sao chết sớm thế? Kẻ nào hại mi, mau nói cho trẫm biết.
Tên ăn mày liền đáp:
- Bẩm Đại Vương, kẻ tiểu nhân bị lão thầy bói hại mạng.
Diêm Vương hết sức kinh ngạc bèn hỏi tại sao lại bị gã thầy bói hại mạng được?
Lão ăn này liền khóc rấm rức đáp:
- Tâu Đại Vương tiểu nhân vốn là con nhà khá giả cơm no áo ấm, gia tư cũng khá đồ sộ, thật là chuyện không nên chút nào, có một hôm tiểu nhân đến vị tướng số ngồi trước cửa miếu Thành Hoàng để chờ xem tướng.
Lão thầy bói mừng rỡ bảo tiểu nhân:
- Mừng cho ông, mừng cho ông! Kiếp này ông có số hai mươi vạn kim ngân, ăn mãi suốt đời không hết!
Tiểu nhân nghe xong lời đoán số của thầy bói, trong bụng hết sức vui mừng. Nên về đến nhà chẳng thèm mó tay làm việc gì cả ngồi không ăn xài để chờ số phát tài hai mươi vạn kim ngân kia. Ngờ đâu đợi mãi mấy năm, cửa nhà đến bán sạch để ăn, mà số tài sản hai mươi vạn kim ngân kia cũng chẳng thấy đến, cuối cùng phải đem thân đi ăn mày và đói mà chết.
Diêm Vương giận dữ mắng to rằng:
- Sao lại có chuyện như thế, tên thầy bói này nói láo ăn tiền hại chết người lành còn để cho y sống để xem tướng đoán liều, hại thêm mạng người nữa sao? Tả hữu đâu?
Diêm Vương quá giận liền sai quỷ vô thường lên bắt hồn gã thầy bói dắt xuống Âm ty để đối chất.
Diêm Vương vỗ bàn hét to:
- Tên thầy bói láo xược kia, mi tự khoe khoang là thầy tướng số, đoán quyết cho tên ăn mày có hào tài hai hai mươi vạn kim ngân, khiến cho y quá tin mà phải chết oan, tội lớn tày trời, quả nhân tống nhà ngươi xuống tận địa ngục thứ mười bảy.
Gã thầy bói dập đầu kêu oan, khóc kể là tên ăn mày ấy thật có số được hai chục vạn kim ngân, nếu Diêm Vương không tin có thể đến Tài Khúc Tinh Quân tra xét thì rõ.
Diêm Vương thấy y quả quyết như thế, nửa tin nửa ngờ, lập tức sai quỷ âm đến phủ Tài Khúc Tinh Quân để tra xét lại. Nửa ngày sau âm ti trở lại phúc bẩm là tên ăn mày chết đói kia quả có phát tài hại chục vạn kim ngân.
Diêm Vương vỗ án rầm rầm và hét to:
- Nếu có hai chục vạn lượng kim ngân, sao Tài Khúc Tinh Quân chẳng ban cho y?
Âm Sai liền bẩm:
- Tâu Đại Vương, Tài Khúc Tinh Quân tưởng đâu hắn theo đường công danh nên đem số hai mươi vạn lượng ấy giao cho Văn Khúc Tinh quân, nào ngờ đâu hắn chẳng theo đường khoa cử! Văn Khúc Tinh Quân lại tưởng y học tập võ nghệ theo nghiệp kiếm cung, nêm đem hai mươi vạn lượng kim ngân của hắn giao cho Võ Khúc Tinh giữ cất.
Chẳng ngờ hắn cũng chẳng theo nghiệp võ biền. Võ Khúc Tinh chẳng biết làm sao chỉ đành giao số tài sản ấy lại cho Địa Tạng Vương.
Địa Tạng Vương bèn đem số hai mươi vạn lượng chôn trong nhà hắn, mong hắn có thể khám phá ra hào tài ấy để mà sử dụng. Ai ngờ đâu cái tên vô dụng này lại là một con sâu làm biếng, biếng nhác cho đến đỗi nhà cửa cũng không thèm quét. Tối ngày chỉ mong mỏi cho số tiền từ trên trời rớt xuống bỏ vào túi hắn, thì làm sao mà có được. Cho nên chết đói là đáng lắm!
Diêm Vương sau khi nghe xong giận đà quá giận, vỗ án đánh sầm một tiếng và mắng tên ăn mày:
- Rõ đúng là mi kiếp này có số giàu hai mươi vạn kim ngân, nhưng võ mi không tập, văn mi chẳng học cho đến nhà cửa cũng biếng nhác chẳng quên tiền của đâu sẵn cho mi nằm không mà ăn nhậu chứ? Quả nhân bây giờ cho mi hai, lựa lấy một, hoặc là bị giam dưới mười tám tầng địa ngục, hoặc là cho mi vào ngõ súc sanh, đầu thai làm mèo!"
Hồng Thất Công cười lớn và ngắt nói:
- Ăn mày mà biến thành mèo, thật thú vị!
Âu Dương Phong nói:
- "Mi đoán xem tên ăn mày chết đói ấy trả lời như thế nào?
Hắn bẩm với Diêm Vương rằng:
- Tâu Đại Vương, tiểu nhân cam đầu thai thành mèo, chứ không chịu vào trong địa ngục thứ mười tám để chịu khổ. Nhưng lúc Đại Vương biến tiểu nhân thành mèo thì Đại Vương cho tiểu nhân biến thành con mèo mun huyền sắc, nơi chót mũi chừa chỉ một chùm lông trắng thì tiểu nhân ngàn đội ân Đại Vương.
Diêm Vương cảm thấy lạ lùng bèn hỏi lão ăn mày tại sao muốn biến thành con mèo có lỗ mũi trắng?
Tên ăn mày ấy liền đáp:
- Bẩm đại vương mèo ở trên trần gian thì phải bắt chuột, nhưng tiểu nhân lại quá biếng nhác, làm biếng đến nỗi không muốn bắt chuột nữa, nhưng không bắt cũng không được, nên tiểu nhân muốn được đầu thai thành con mèo lông huyền đen để khi nằm yên trong bóng tối chuột không thấy tiểu nhân, nhưng lại thấy túm lông trắng trên lỗ mũi, loài chuột có tánh ham ăn, thấy lỗ mũi của tiểu nhân tưởng là cơm, mò đến nơi để ăn nạp mình trước miệng mèo và như vậy tiểu nhân chỉ cần táp một cái là được no bụng ngay.
Diêm Vương nghe tên ăn mày muốn được làm mèo, lại biếng nhác cả việc bắt chuột, giận tức không chịu được kêu trời một tiếng rồi đứt hơi chết luôn tại chỗ. Nên từ đấy thập điện Diêm Vương chỉ còn có Cửu Điện Diêm Vương thôi! Mà Hồng bang chủ chắc biết mặt vị Diêm Vương chết vì tức giận ấy!"
Hồng Thất Công hiểu ngay là Âu Dương Phong trả đũa mình. Y lấy lão thầy bói điển hình cho Trùng Dương và lão ăn mày làm biếng tỷ dụ cho mình. Tây Độc tưởng mình bưng bợ Trùng Dương để mong được Cửu Âm chân kinh về tay, nhưng rốt cuộc chỉ là một điều không tưởng có khác nào như gã thầy bói đoán quyết là hai mươi vạn kim ngân là hào tài của lão ăn mày, chẳng bao giờ đến được tay lão đâu!
Hồng Thất Công mắng thầm trong bụng:
- Lão độc vật, ta đâu có phải hạng như mi tưởng!
Trùng Dương liền lên tiếng:
- Âu Dương huynh đã kể xong, tới phiên chót về phần Đoàn hoàng gia kể vậy!
Đoàn hoàng gia cười nhẹ và nói:
- "Tôi cũng xin kể chuyện một vị Diêm Vương vậy!
Một hôm Diêm Vương sai quỷ tốt, bắt hồn ba người xuống trước điện Diêm La, ba hồn này là hai đàn ông và một đàn bà.
Hồn đàn ông thứ nhứt là một thầy thuốc làm đến chức Thái Y trong triều. Hồn người đàn ông thứ hai là một bợm trèo tường khoét vách, còn hồn thứ ba là một gái ăn sương.
Diêm Vương thẩm vấn cô ả kỹ nữ ấy rằng:
- Hồn lúc còn sống làm những gì?
Ả kỹ nữ bèn thưa:
- Bẩm Đại Vương, nô thiếp lúc trước sanh tiền thường đứng trước cửa ngõ, thấy khách đàn ông nào đơn thân lỡ độ đường không nơi ngủ trọ, nô thiếp bèn mời y, bầu bạn cùng y suốt đêm!
Diêm Vương khen ngợi:
- Hay lắm! Nhà ngươi lúc ấy hay làm điều thiện, kiếp sau ta sẽ cho mi đầu thai làm công chúa lá ngọc cành vàng, tận hưởng phú quí trên trần thế!
Nói xong sai quỷ tốt đưa hồn gái ăn sương đến cửa Luân hồi.
Diêm Vương lại quay sang hỏi tiếp tên trộm:
- Còn ngươi, trước kia làm nghề gì?
Tên trộm nhíu mày suy nghĩ một chốc rồi đáp:
- Tâu Đại Vương, tiểu nhân mỗi đêm bò lên nóc nhà thiên hạ, thấy nhà ai phơi áo quần còn bỏ quên ngoài sào chưa đem vào hay tiền bạc hơ hỏng không được kín đáo thì tiểu nhân giúp họ đem đi cất kỹ lưỡng!
Diêm Vương cười ngợi khen và nói:
- Hay lắm! Kiếp trước ngươi cũng làm điều thiện, kiếp sau cho ngươi đầu thai là một ông nhà giàu.
Rồi cũng sai quỷ tốt đem hồn tên trộm đi đầu thai.
Sau rốt mới hỏi đến tên thầy thuốc:
- Nhà ngươi trước kia làm giống gì?
Vị y sư bèn thưa:
- Tâu Đại vương, tiểu nhân lúc còn sống chuyên bốc thuốc trị bệnh cho người, nếu có ai bị bệnh gần chết, tiểu nhân hốt thuốc cứu sống ngay!"
Đoàn hoàng gia ngừng lại một giây hỏi mọi người:
- Quý vị đoán thử Diêm Vương phán thế nào?
Hồng Thất Công nhanh nhẩu đáp:
- Ả ăn sương được làm công chúa, bợm trộm làm phú ông, thì vị y sư kia nhất phải làm Thái sư hay Đại tướng quân chớ gì?
Đoàn hoàng gia cười nói:
- "Không đúng, Diêm Vương nghe xong lời thầy thuốc khai, liền nỗi giận đùng đùng, và vỗ án mắng rằng:
- Đâu có được như vậy! Thảo nào gần đây ta sai quỷ tốt lên dương thế bắt hồn người về Âm ty này, mà bắt được quá ít, thì té ra tại mi quấy phá ta, những kẻ bịnh sắp chết, ngươi lại cho thuốc trị lành, cứu sống cả! Như vậy quỷ dưới Âm ty này mỗi ngày một thiếu mà nhân số trên dương thế mỗi ngày một nhiều thêm. Khiến cho âm dương mất quân bình, tội trạng rất trọng, Tả hữu đâu? Mau đem vật hại đời này tống xuống ngục thứ mười bảy, cấm ngặt chẳng được đầu thai.
Quỷ tốt nghe Diêm Vương phán quyết xong liền kéo xển gã thầy thuốc xuống mười bảy tầng địa ngục, âm phong hiu hắt cảnh tượng rợn người.
Gã thầy thuốc đau lòng khóc như mưa, thình lình nghe dưới từng địa ngục thứ mười tám có tiếng hồn quỷ than van rất bi thiết.
Gã thầy thuốc hết sức lạ lùng, ở tầng địa ngục thứ mười bảy đã khổ sở trăm chiều rồi, tại sao lại có hồn quỷ bị đày ở tầng địa ngục thứ mười tám nữa? Không hiểu hồn kia lúc sanh tiền, trên dương trần phạm nhằm tội gì!
Gã thầy thuốc bèn hỏi vọng xuống hồn quỷ dưới tầng địa ngục thứ mười tám rằng:
- Ông bạn ở dưới ơi, lúc sanh tiền bạn làm nghề gì, mà phải bị giam dưới tầng địa ngục thứ mười tám vậy?
Hồn quỷ phía dưới đáp:
- Ôi! Lúc còn sống tôi dạy học, sau khi chết Diêm Vương bảo tôi là vô công vô tội nên muốn đưa tôi vào cửa súc sanh để đầu thai, tôi yêu cầu Diêm Vương cho tôi đầu thai làm chó cái.
Hồn của gã thầy thuốc cũng rất ngạc nhiên liền hỏi hồn thầy giáo:
- Bạn ơi! Sao bạn lại đòi đầu thai làm chó cái! Làm chó cái có điều gì hay đâu?
Hồn thầy giáo liền đáp:
- Sao lại không hay? Sách vạn ngữ của Khổng Phu tử có câu: "Lâm tài mẫu cẩu đắc, lâm nạn mẫu cẩu miễn!" (Lúc có tiền chó cái được, lúc lâm nạn chó cái miễn).
Ngẫm lại thì làm chó cái vừa được tài vừa tránh được tai nạn, có phải hay không?
Nhưng Diêm Vương vỗ án quát mắng bảo tôi hiểu được Luận Ngữ thì có thể rành tất cả chuyện âm dương của trời đất, nên tống giam tôi vào cửa địa ngục thứ mười tám này".
Đoàn hoàng gia kể xong chuyện cổ tích, trừ Âu Dương Phong, mọi người đều cười đến chảy nước mắt ra, vì hồn tên thầy giáo đem hai câu "Lâm tài vô cẩu đắc, lâm loạn vô cẩu miễn", đọc theo nghĩa trắng và cắt nghĩa theo lối "ba rọi" thành thử tuy sai một chút mà ý nghĩa đã khác biệt ngàn dặm, nên Trùng Dương, Hoàng Dược Sư và Hồng Thất Công ba người có học, đọc sách, hiểu thông kinh thư nên hội cảm được ý nghĩ hài hước của câu chuyện và cười vang lên, còn Âu Dương Phong sanh trưởng ở miền Tây Vực có biết Luận Ngữ là cái quái chi, thấy ba người cười như thế, y nhột nhạt tưởng Đoàn hoàng gia dùng chữ nghĩa để châm biếm mình nên nhìn họ Đoàn trừng trừng.
Cuối cùng y không chịu được bèn la lên:
- Chúng ta năm người đều kể chuyện xong vậy chuyện của người nào tệ nhất, kêu kẻ ấy ra đấu cho rồi.
Hồng Thất Công nói:
- Chuyện cổ tích của Hoàng đảo chủ kể nghe không hay. Hoàng huynh đã đề cho gian thần Tần Cối thì câu chuyện của lão độc vật cũng tỏ ra âm đức lắm, phải hạ trận với Đoàn hoàng gia!
Âu Dương Phong giận dữ cãi lại:
- Nói bậy! Chuyện của ta hay như thế tại sao lại bắt ta ra đấu chư?
Hai người lại sắp đấu khẩu với nhau thì Đoàn hoàng gia lên tiếng khuyên can:
- Hai vị đừng cãi nhau thất công, để tôi ra tiếp vài chiêu với Hoàng đảo chủ được rồi.
Âu Dương Phong mới tạm hạ cơn giận xuống.
Đoàn hoàng gia bèn vòng tay nói với Hoàng Dược Sư:
- Lạc Anh quyền pháp của Hoàng đảo chủ lúc nãy thật xảo diệu vô cùng! Đoàn Trí Hưng tôi rất muốn được lãnh giáo Hoàng huynh!
Nguyên vì Đoàn hoàng gia thấy quyền pháp của Hoàng Dược Sư, hư thực, thực hư, biến hóa phứt tạp vô cùng hơn của Tuyết Sơn Thần Đà chưởng pháp của Âu Dương Phong rất xa.
Đoàn hoàng gia là người rất hâm mộ võ thuật muốn thử sức chưởng pháp với Hoàng Dược Sư, để lấy đó mà tự khảo định võ nghệ của mình ra sao!
← Hồi 41 | Hồi 43 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác