← Hồi 35 | Hồi 37 → |
Thì ra Châu Bá Thông nhìn thấy dưới lùm cây nọ có một đống bùn, chàng lập tức dùng một cành cây vít lên một cục bùn to bắn thẳng vào mặt Trương Thiên Hạo (Sau này Châu Bá Thông bị giới giang hồ đặt cho ngoại hiệu là: Lão Ngoan Đồng tức là lão già khỉ thọt như con nít cũng chính vì bản tánh rắn mắt của chàng).
Châu Bá Thông là sư đệ của Giáo chủ Toàn Chân phái, nhãn lực và sức khỏe của đôi tay tất nhiên vượt bậc hơn người thường, cho nên cái vết của cục bùn ấy, sức mạnh tựa như cục đạn đất được bật ra khỏi dây cung, khiến Trương Thiên Hạo đau đến mắt nổ đom đóm, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng.
Bọn lâu la thấy chủ tướng như vậy đều tức giận hò hét vang động một góc trời.
Châu Bá Thông khoái trá cười ha hả và nói:
- Đẹp quá! Đẹp quá! Hắc Tu Tử biến thành "Đất" Tu tử rồi!
Trương Thiên Hạo quá tức, lồng lộn như điên, y gầm lên một tiếng cực lớn rồi khoa nhanh lưỡi đao răng cưa nhảy bổ đến, vì vị trí Trùng Dương đứng gần y hơn, cái nhảy của Trương Thiên Hạo chỉ tới được chỗ Trùng Dương đang đứng và trong lúc nư giận xông lên cực độ che mờ cả lý trí, gặp ai là đánh nhàu, lưỡi đao của y liền nhắm ngay đỉnh đầu Trùng Dương bổ xuống thật mạnh...
Trùng Dương nhẹ nhàng giơ ngọn phất trần lên đỡ lấy ngọn đao của đối phương, nghe "Phực" một tiếng, lưỡi "Lang Nha đao" mạnh như một trái núi đá bị ngọn phất trần quấn chặt cứng.
Trương Thiên Hạo vừa chém vụt ngọn đao xuống, liền cảm thấy cườm tay tê chồn và lưỡi đao như bị muôn ngàn sợi tơ rắn chắc giữ lại, hết sức kinh hãi vội trừng mắt nhìn kỹ, thấy ngọn đao răng cưa của mình bị một cây phất trần nhỏ bé quấn trọn lỏn, y vừa giận vừa kinh sợ, ráng dùng sức để giật ngọn đao trở về.
Bỗng nghe Trùng Dương quát lên một tiếng lớn:
- Buông tay ra!
Tay Trung Dương rung nhẹ ngọn phất trần một cái, cây lang nha dao nặng trên hai mươi cân kia, liền sút khỏi hai bàn tay hộ pháp của Trương Thiên Hạo và bay vút trên sáu bảy trượng xa.
Châu Bá Thông đứng bên ngoài vỗ tay cười ha hả la chộ lên:
- Hắc Tu Tử lại biến thành Hồng Tu Tử rồi!
Trương Thiên Hạo nghe Châu Bá Thông nói thế, càng tức tối không thể chịu được, giận dữ rống lên một tràng như cọp gầm, vội lăn người ra phía sau đoạt lấy một cây hoa thương trên tay của gã lâu la, rồi múa tít ngọn thương nhảy bổ đến bên Trùng Dương tấn công tới tấp, chiếc tụ hồng trên cây hoa thương tỏa thành một đám mây hồng lớn như cái mặt bàn cứ nhắm ngay lồng ngực của Trùng Dương bay áp tới.
Trong mười tám món binh khí thì loại thương đứng vào hàng thứ hai, đây là loại roi bổng được chế biến thêm và thành ra cây thương. Võ gia có câu tục ngữ: "Nhất đao nhị thương". Nếu chẳng phải là người có đôi tay rất khỏe thì không thể sử dụng thương pháp được.
Trương Thiên Hạo múa tít ngọn thương loang loáng, tạo thành một vòng tròn hơn ba thước đường kính đủ thấy sức khỏe của đôi tay người thường khó mà sánh kịp.
Nhưng vì y đụng phải địch thủ hôm nay là một Giáo chủ của phái Toàn Chân, muốn thủ thắng được có khác nào nằm mơ, ngọn thương của Trương Thiên Hạo vừa đâm ra Trùng Dương đã nhanh nhẹn lướt tới, tay tả nhanh như điện chớp dùng cầm nã thủ pháp chộp lấy đầu ngọn thương, cây phất trần bên tay hữu tựa như muôn ngàn sợi thép cứng quật mạnh vào mặt trương Thiên Hạo.
Tên chúa cướp thấy trước mặt lấp lánh như muôn nghìn mũi kim bạc bay tới hoảng hốt, kêu lên "ối cha"! một tiếng, rồi vội buông ngọn thương nhảy vọt trở ra sau để tránh.
Trùng Dương chỉ một chiêu duy nhất đã đoạt được ngọn thương trên tay của kẻ địch, dùng sức gằn mạnh tay trái một cái "Rắc! Rắc"! hai tiếng, cây thương liền gẫy làm đôi, cắm sâu dưới đất.
Thương thiên Hạo lại một phen nữa thất bại, thẹn tức đến muốn nổ tung cả lồng ngực, sắc mặt đen càng thêm đen, thêm vào mổ hôi và bùn đất tèm lem trên mặt, trông càng khó coi hơn nữa.
Châu Bá Thông thấy khuôn mặt Trương Thiên Hạo tựa như quỷ sứ dưới hang mới chui lên, chàng khoái trá cười lên khanh khách.
Trương Thiên Hạo rống lên như điện, nhào đến bên một tên lâu la giựt lấy một ngọn đơn đao và một tấm thuẫn bài, rồi nhảy bổ trở lại tấn công Trùng Dương, mồm thì quát lớn:
- Tên dã đạo man di, nếu mi có bản lĩnh hãy đoạt tấm thuẫn bài và ngọn đơn đao trên tay ta đây.
Trùng Dương mỉm cười đáp:
- Muốn đoạt được tấm thuẫn bài và ngọn đao trên tay mi cũng chẳng khó gì, chỉ trong hai hiệp thôi.
Trương Thiên Hạo gầm lên một tiếng cực lớn, hoa nhanh mũi đao, đồng thời tấm thuẫn bài cũng đẩy thẳng ra trước, đao thuẫn đồng sử dụng một lượt theo thế "Triều Phong Trảm Thảo" (gió lốc chém cỏ), tấm thuẫn bài đẩy thẳng vào người địch thủ để làm rối loạn tai mắt của đối phương, rồi bất thần ngọn đao trên tay quét lòn phía dưới tấm thuẫn bài, chém mạnh vào hai chân của kẻ địch, công kỳ vô bị ấy, chắc chắn là thế nào cũng bị chặt đứt hai chân ngay.
Nhưng đối với Trùng Dương là một nhân vật trác tuyệt trong võ lâm đâu xem thế ấy ra gì, chàng cười dài một tràng, chờ cho tấm thuẫn bài của tên cướp chưa đẩy đến gần, bèn cung chân đá mạnh một cái, tấm thuẫn bài làm bằng da trâu kia lập tức bị rách một lỗ thật lớn, Trung Thiên Hạo cũng bị sức mạnh của ngọn cước ấy tung bổng lên cao.
Trùng Dương chỉ hơi ngoéo cườm tay, thì tay trái đã bợ lấy tấm thuẫn bài, tay phải đã bấu cứng sống đao.
Khẽ vùng một cải, Trương Thiên Hạo bị văng té ngửa ra sau, ngọn đao cùng tấm thuẫn bài chỉ trong chớp mắt đã nằm gọn trên tay Trùng Dương.
Giáo chủ phái Toàn Chân chậm rãi vuốt râu mấy cái và cười lên ha hả.
Trương Thiên Hạo không ngờ được là cả ba lần giao đấu với kẻ địch, ba lần đổi ba món binh khí, nhưng kết cuộc ba lần đều bị té bò càng! Còn một điểm khác nữa là càng lúc càng bị đánh bại thảm thương hơn! Thật là lỡ khóc lỡ cười, y với lăn tròn dưới đất rồi tung mình nhảy dậy gọn gàng, múa tít đong quyền định nhảy tới đánh nữa để rửa hận.
Bất thần Châu Bá Thông nhảy thoát đến sát trên người y và mắng to lên:
- Thằng ăn cướp thúi, chẳng biết xấu hổ?
Hai tay chàng như hai chiếc thoi vả vào hai bên miệng y liên tiếp hai tiếng lớn "Bốp"!, "Chát"! thật lớn, còn hất y ngã lộn mèo xuống đất.
Chúng lâu la thấy vậy đều cử động binh khí rầm rộ xông ra trước. Châu Bá Thông dùng chân dậm lên ngực Trương Thiên Hạo, quát to:
- Này, này, tụi bây không muốn cho đại vương bây còn sống sao?
Tiếng quát ấy hiển nhiên có hiệu lực nhanh chóng, bọn lâu la thấy chủ mình bị đè với chân của Châu Bá Thông, đều dừng bước chẳng dám tiến lên. Hơn nữa bên cạnh y còn có Trùng Dương đang đứng kia. Người này lúc nãy đã ba lần đoạt mất binh khí trên tay Đại Vương mình và đánh bại ông ta một cách dễ dàng, tựa như lấy đồ trong túi. Bọn chúng chỉ còn cách đứng trơ một chỗ, hầm hừ đưa mắt nhìn trân trân mà thôi.
Châu Bá Thông làm mặt nghiêm, trừng mắt quát lớn:
- Mau thả Xích Kim Xương ra và đưa y xuống đây ta mới bằng lòng phóng thích đại vương của các người trở về, một người đổi một người rất công bình, không bên nào thiệt hại gì cả. Mau lên!
Vừa quát chàng vừa nhấn mạnh gót chân vào bệ sườn của Trương Thiên Hạo, khiến y hét lên như heo bị chọc tiết.
Bọn lâu la thấy chủ tướng mình bị lọt vào tay kẻ địch, dù không bằng lòng cũng không được, liền phân phó cho mười mấy tên chạy trở về sơn trại, không đầy một khắc sau, đám lâu la đã đưa Xích Kim Xương đến nơi, gương mặt nạn nhân hết sức tiều tụy.
Xích Đại Thông liền nhảy bổ tới ôm chặt anh mình, anh em mừng mừng tủi tủi cảm động chẳng thốt lên lời.
Châu Bá Thông "Hừm"! một tiếng và nói:
- Bọn bây chịu thả người ra rồi! Tốt lắm...
Miệng nói bàn chân chàng đang đạp trên người Trương Thiên Hạo lại gia thêm ba phần sức mạnh nhấn xuống, Trương Thiên Hạo đau thốn đến tim phổi kêu rống lên:
- Ta thả người nhà của ngươi rồi, tại sao còn hành hạ ta?
Trùng Dương thấy sư đệ mình làm như vậy chẳng hợp nhân tính, vừa định lên tiếng khuyên ngăn, liền nghe Châu Bá Thông nói:
- Thằng giặc núi như vậy thả mi ra được sao? Mi bắt vị họ Xích giam trên núi, tiền bạc buôn bán của người ta mì lột sạch bách. Bây giờ mi thả người thì phải trả tiền bạc lại cho khổ chủ.
Chàng quay lại hỏi Xích Kim Xương:
- Đám cướp này giựt của ông bao nhiêu tiền, tôi sẽ bảo họ trả lại đủ số cho ông! Xích Kim Xương đáp:
- Lúc tôi bị bắt trong người chỉ có một trăm hai chục lượng bạc, thôi bỏ đi chớ đừng xin lại nữa!
Châu Bá Thông bèn nói:
- Mốc xì! Tôi muốn y phải trả tất cả vốn lẫn lời mới được! Này, Trương trại chủ, ông đem một ngàn hai trăm lượng bạc đến đây giao trả lại cho vị họ Xích này, nếu không vâng lời thì Châu Bá Thông tôi sẽ nhấn mạnh gót chân cho xương ông gãy lìa, thì có môn về chầu mụ ngoại nhà ông, ông nghe rõ chưa?
Trương Thiên Hạo không ngờ Châu Bá Thông buộc mình phải ứng ra tới một ngàn hai trăm lượng bạc, thật là một vốn mười lời, còn cắt cổ hơn mấy mụ cho vay.
Y tiếc của đâu có thể chịu mất một số bạc to như thế, nên lắp bắp nói:
- Như... như... vậy thì... Tôi chỉ đoạt của y có một tràm hai chục lượng, mà bắt tôi trả đến một ngàn hai trăm lượng. Xin đại nhân bớt cho!
Châu Bá Thông cười ha hả và nói:
- Mi tiếc của lắm phải không? Tiền của mi làm đâu cần phải xuất vốn, đêm tối giết người, gió lớn thổi lửa, một chuyến làm ăn lời trên mấy ngàn lượng. Hừ!
Ta buộc mỉ phải thường gấp mười, lại đau lòng, vậy mi quý tánh mạng của mi không?
Chàng lại dùng gót chân nhấn mạnh xuống ngực của y một cái. Trương Thiên Hạo đau quá kêu oái lên:
- Tôi chịu. tôi chịu rồi!
Bọn lâu la thấy Châu Bá Thông hành hạ đại vương mình đến mức, chúng bực tức vô cùng, nhưng chỉ đành trố mắt ếch ra nhìn, chứ chẳng làm sao mà can thiệp được.
Châu Bá Thông cười lớn và nói:
- Thật đúng là câu: nhẹ không ưa lại ưa nặng. Hừm! Mau đưa tiền ra đây để chuộc lấy cái mạng chó của nhà ngươi! Mau lên!
Trương Thiên Hạo đành sai cắt bọn lâu la trở về trại lấy tiền đem đến cho Châu Bá Thông.
Khoảng thời gian sau, đám bộ hạ của Trương Thiên Hạo khệ nệ khiêng đến một mâm đầy bạc trắng để xuống đất. Châu Bá Thông bảo Xích Kim Xương gói cất xong xuôi. Sau đấy chàng dùng sức hất chân một cái đá Trương Thiên Hạo văng xa ngoài hai trượng, miệng thì quát to:
- Cút di đồ chết bầm! Lão gia trở về đây! Bọn lâu la vội nhảy sang đỡ chủ tướng dậy. Châu Bá Thông cười lên ha hả, phất tay ra dấu với Trùng Dương bốn người thủng thỉnh quay bước xuống núi.
Bọn lâu la nhìn trân trân vào đoàn người của Châu Bá Thông không dám hó hé một tiếng, đợi khi đối phương đã đi xa mới thất thỉu dắt díu nhau trở về sơn trại.
Xích Đại Thông và Xích Kim Xương, hai anh còn theo chân Trùng Dương lìa khỏi núi Tán Cái sơn, vừa mới xuống tới chân núi hai ngươi liền quỳ ngay dưới chân Trùng Dương. Xích Đại Thông chấp tay thưa:
- Gia huynh nhờ ơn Chân nhân cứu mạng, chi còn vãn bối...
Trùng Dương vội ngắt lời:
- Ta hiểu rồi, cốt cách của tráng sĩ cũng khả thể thành một nhân tài võ học được, bần đạo có thể nhận tráng sĩ làm đồ đệ nhưng tráng sĩ còn phải hộ tống gia huynh trở về Hải Dương. Ba tháng sau tráng sĩ hãy tìm ta tại Thái Thất trên đỉnh núi Tung Sơn.
Chàng chỉ rõ đường đi nước bước để lên Yên Hà động cho Xích Đại Thông ghi nhớ. Xích Đại Thông hết sức cảm kích, cúi đầu từ tạ mấy lần rồi mới chia tay.
Độ một tháng trời Trừng Dương và Châu Bá Thông mới về đến Tung Sơn.
Khưu Xứ Cơ cùng đám đệ tử đắt nhau xuống núi nghinh tiếp.
Bọn họ thấy sư thúc của mình bình an trở về đều hết sức mừng rỡ. Dắt nhau và Yên Hà động xong, Mã Ngọc liền lên tiếng:
- Thưa sư phụ, sau khi rời khỏi, không đầy một tháng mà bổn sơn liên tiếp xảy ra mấy chuyện quái lạ.
Châu Bá Thông dứng mày hỏi:
- Chuyện quái lạ gì, chẳng lẽ bọn thầy chùa Thiếu Lâm tự tại đến đây sanh sự nữa sao?
Nguyên do khi hai sư huynh đệ Trùng Dương và Châu Bá Thông lúc mới bắt đầu tuyển tập võ công đều cùng có sự hiềm khích với đám sư tăng của chùa Thiếu Lâm cho nên Châu Bá Thông nghĩ quyết là sau khi mình rời khỏi núi bọn Thiếu Lâm tăng nhân thừa cơ đến đây gây khó dễ cho mọi người. Nào ngờ Khưu Xứ Cơ lắc đầu đáp:
- Không phải thế!
Rồi chàng đem đầu đuôi mọi sự thuật lại cho Trùng Dương và Châu Bá Thông nghe.
Sau khi Trùng Dương tam lìa Tung sơn đến Nam Hải tìm Châu Bá Thông, trên nùi chỉ còn lại sáu đệ tử ở nhà chuyên cần luyện vô công và coi chừng động phủ. Thái Thất sơn lại là một nơi khuất tịch u nhàn nên ít có người léo hánh đến.
Một buổi sáng nọ, Khưu Xứ Cơ và đám đệ tử theo thường lệ đến đỉnh Thái Thất sơn tập luyện nội công và kiếm pháp. Đấy là một bài học bằng nhật phải có từ sáng tinh sương mặt trời vừa mọc cho đến nắng lên ba sào mới trở về động phủ nghỉ ngơi. Nào ngờ khi bọn họ kéo nhau về Yên Hà động liền phát giác được một chuyện quái lạ.
Nơi phòng ngủ của sáu người cùng nơi thảo lư tu luyện của Châu Bá Thông và Trừng Dương bị kẻ bí mật lục xoát khắp nơi, nói một cách khác là người lạ mặt đã đột nhập vào đây khám xét tất cả mọi nơi trong nhà, bao nhiêu đồ vật đều bi rơi mất vị trí, nhưng có một điều lạ là thuốc men sách vở, áo quần binh khí, cho đến tiền nong của mỗi người đều chẳng suy suyển một phần nào.
Khưu Xứ Cơ cùng bọn đệ tử kinh ngạc khôn cùng, Trong dộng Yên Hà chẳng có vật gì đáng giá nhưng kẻ trộm cắp tầm thường tuyệt nhiên là chẳng dại gì lăn lộn đến đây phí công, vì kẻ trộm có bao giờ thèm ăn cắp đồ vật của đạo sĩ làm chi?
Nhưng kẻ bí mật này không phải đến để trộm cắp vặt, mà dường như đang tìm kiếm một vật gì đặc biệt lắm.
Mà Ngọc lúc ấy mới bảo:
- Các sư đệ, chuyện này rất ly kỳ, theo sự suy đoán của anh thì kẻ lạ lén đến lục soát động phủ của Toàn Chân giáo chúng ta, phần chắc là để tìm một vật gì trọng yếu lắm!
Khưu Xứ Cơ liền buột miệng:
- Cửu Âm chân kinh chăng?
Mã Ngọc gục gặc đầu đáp:
- Cung gần đâu đấy! Nhưng Toàn Chân phái chúng ta là võ phái chính tông bị người ngang nhiên đến phá rối như vậy mất thể điện của Toàn Chân giáo chúng ta nhiều lắm. Chúng ta phải chia nhau lục lọi khắp núi Tung Sơn, coi có những kẻ nào đáng nghi còn ẩn núp đâu đây chăng?
Mọi người đều hết sức tán thành, bỏ cả ngày luyện tập ấy để lục soát khắp hang cùng ngỏ hẻm của Lung Sơn.
Cho đến chiều tối, sương xuống ướt đẫm cả quần áo, cũng chẳng thấy bóng dáng một người nào. Ai nấy mới lục tục kéo nhau trở về sơn động, bàn luận mãi không ngớt.
Rạng ngày sau, mọi người e sợ có chuyện bất trắc như ngày qua, nên không dám ra khỏi động, đành ở trong động Yên Hà để luyện công. Suốt ngày ấy không có chuyện gì xảy ra. Nhưng màn đêm vừa buông xuống thì quái sự lập tức phát sanh ngay.
Trăng vừa mọc, sao bắt đầu vừa lú ở chân trời sáu đệ tử của Toàn Chân phái đang ở trong Yên Hà động tọa công nham thiền bỗng nghe bên ngoài động không xa lắm có ba tiếng "cốc! cốc! cốc"! quái dị vang lên.
Ba tiếng ấy bất chợt bay đến rất rõ ràng, tựa như tiếng ếch kêu nhưng âm thanh sang sảng rền vang, lớn hơn tiếng ếch kêu bình thường rất nhiều.
Mã Ngọc và mọi người bị ba tiếng kêu quái lạ ấy khiến cho tim rung, tâm thần đảo lộn, tai mắt mù mờ, ai nấy cảm thấy thần trí mờ mờ mệt mệt không thể tự chủ được.
Khưu Xứ Cơ và Xứ Huyền liền đứng bật dậy, định xông ra bên ngoài để tìm rõ nguồn cơn, nào ngờ ba tiếng "Cốc! Cốc! Cốc" nữa lại vang lên, âm thanh lần này còn rền tai hơn ba tiếng trước gấp bội. Nơi phát ra tiếng động dường như đã gần hơn lúc nãy hết phân nửa đoạn đường. Khưu Xứ Cơ và Xứ Huyền cảm thấy đầu óc như muốn nứt ra, lảo đảo muốn ngã. Mã Ngọc cả kinh kêu lên:
- Không xong! Ngươi này đã dùng môn thượng thặng khí công, để khiêu chiến với chúng ta, mọi người nên ngồi yên xuống, tay vịn lấy vai, vận dụng hai mươi bốn quyết của Kim Quang Ngọc Sao mà sư phụ đã truyền để chống cự lại môn tà công ấy, khắc chế địch để dành phần thắng!
Xứ Cơ, Xứ Huyền hai người lập tức ngồi xuống, sáu anh em ngồi thành hình một vòng cung, Mã Ngọc để tay trái trước ngực, tay phải vịn lên vai của Xứ Cơ.
Xứ Cơ bắt chước y theo dáng điệu của đại sư huynh mình, tay phải vịn lên vai Xứ Huyền, Xứ Huyền để tay lên vai Xứ Nhất, Vương Xứ Nhất vịn lấy Đàm Xứ Thoại và Đàm Xứ Thoại thì vịn vai Tôn Bật Nhị. Sáu ngươi đồng thời vận dụng công phu "Nội thị nhứt tâm nhứt niệm", dùng cách tham thiền của Toàn Chân phái để khắc phục mọi sự.
Những tay võ công đã đạt đến mức thật cao diệu, có thể dùng khí lực của bản thân để làm kẻ địch bị thương, tựa như ở cách núi mà đánh chết trâu, ở cách vách tường dày mà thổi tắt được ngọn đèn vậy.
Đấy là một sự lý hoàn toàn xác thật, vì mỗi người trong bản thân đều có "Khí" là hơi và "Thần" tức là hồn. Con người ai cũng có tinh khí và ngươn thần nếu không tức là người chết. Người luyện võ công đạt đến mức Ngũ Hành trong ngoài đều kiện toàn, thì không cần phải cùng địch thủ múa gươm hoa quyền để giết nhau. mà chỉ cần bẻ lá ném địch cũng đủ làm cho địch thủ bi trọng thương hay chỉ giơ tay cất chân cũng có thể từ xa hơn trượng giết được địch thủ như lấy đồ trong túi.
Những kẻ công phu cao diệu hơn một bực nữa thì chỉ gầm một tiếng, hay kêu lên một âm thanh quái lạ cũng có thể làm cho kẻ địch tim gan nát biến mà chết, trong nhà Phật có đề cập đến câu "Sư Tử Hống" chính cũng do ý nghĩa ấy mà ra.
Ba tiếng kêu "Cốc, cốc, cốc" quái lạ vừa rồi chính là để lung lạc hồn phách của sáu đệ tử Toàn Chân phái, không cho trong bọn nếu người nội công còn non nớt không thể khống chế thần trí của mình và nghe theo sự sai khiến theo lối thần giao cách cảm của đối phương trở lại đánh với người đồng môn của mình, tựa như một kẻ điên đã mất cả trí khôn vậy, bởi thế tiếng kêu quái dị vừa rồi còn độc hại hơn cả mọi môn võ công khác...
Trong sáu đệ tử thì Mã Ngọc là người kinh nghiệm lịch lãm hơn cả, vừa nghe xong lập tức cảm thấy sắp có chuyện không lành, liền kêu gọi năm sư đệ của mình nhứt tề ngồi xuống, dùng hai mươi bốn quyết Kim Cương Ngọc Trảo công chung sức chống cự lại tiếng kêu có ma lực ấy.
Hai mươi bốn quyết Kim Cương Ngọc Trảo công là một phương pháp tu dưỡng tinh thần để duy trì sinh lực con người qua thời gian và không gian, tựa như phép "Yoga" rất thịnh hành ở ngày nay.
Người nhà phật gọi là Định lực. Chính hiện nay ở miền ấn Độ và Miến Điện vẫn còn một phái tu sĩ khổ hạnh suốt đời hành hạ thể xác của mình, như ngồi trên bàn chông hay lấy vật nặng đè lên thân thể, hoặc nhịn đói nhịn khát trong hòm kín, nằm trên tuyết giá hoặc nuốt lửa đạp than.
Người bình thường tuyệt nhiên không thể làm được, nhưng đối với họ chẳng có gì nguy hiểm đến tính mạng cả, như vậy gọi là môn tu Định Lực!
Mã Ngọc sợ trong sư đệ của mình, công phu còn non nót, cá tính mỗi người lại khác biệt nhau cho nên mỗi người vịn lấy vai một đồng môn của mình, ngón tay cái bấm ngay Đại Trùy huyệt, ngón giữa và ngón trỏ đè chặt lên Phiến Trinh huyệt, ngón áp út thì ấn ngay Phong Phù huyệt, đem tinh thần của mình trợ giúp và bổ sung vào chỗ yếu của người bạn ngồi gần, nói một cách khác sáu người hợp lại thành một khối để chống lại với ma lực của kẻ bí mật.
Quả nhiên không ngoài ý liệu, hai mươi bốn quyết của Kim Cương Ngọc Trảo vừa đem ra sử dụng, trừ Mã Ngọc ra, năm người còn lại tinh thần đang lúc bị xao động dữ dội, liền cảm thấy bình lặng trở lại ngay. Tiếng "Cốc cốc" kỳ dị kia liên tiếp kêu thêm mấy lần nữa. Lục Tử của Toàn Chân phái tinh thần vẫn cố định, trí óc vẫn sáng suốt minh mẫn, Dường như đối phương đã nhìn thấy rõ không thể nào hạ thủ được bèn cười lên một tràng dài như tiếng phèn la bể, âm ba quái dị, khó nghe vô cùng.
← Hồi 35 | Hồi 37 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác