Vay nóng Tinvay

Truyện:Võ lâm Phong Thần bảng - Hồi 26

Võ lâm Phong Thần bảng
Trọn bộ 79 hồi
Hồi 26: Lối vào cõi mộng
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-79)

Siêu sale Lazada

Sáu mươi năm trước có một nho sĩ, họ Bách Lý, tên Bất Bình từng nuôi mộng công hầu nhưng mỗi lần lều chõng ra đi, mỗi lần đến trường thi là mộng vỡ tan tành, sau cùng lòng nguội lạnh, lìa quê quán, tầm tiên.

Tầm tiên, cũng là một lối nuôi mộng, mà không nơi nào mộng được thực hiện dễ dàng bằng đỉnh Vu Sơn. Bởi, ngày xưa, có vị Vua từng nằm mộng gặp tiên tại Thần Nữ Phong, thì ngày nay muốn tìm tiên, Bách Lý Bất Bình tự nhiên chọn nơi đó để làm cái đích của chuyến viễn hành.

Vào thời gian đó, Bách Lý Bất Bình, tuổi độ hơn ba mươi.

Lên đến đỉnh Thần Nữ Phong rồi, quả nhiên y thấy bóng dáng một nữ nhân!

Nơi đây tịch mịch, quanh năm suốt tháng chẳng có bóng người, mà trong vòng mấy trăm dặm, phụ cận, chẳng có cư dân làm gì có nữ nhân ở trên đỉnh núi cao? Hẳn nhiên, nữ nhân phải là tiên, y nghĩ như vậy.

Mà tiên nữ thì hầu hết đều đẹp, mặc dù lúc đó nữ nhân đưa lưng về y, y chẳng thấy rõ mặt mày, y vẫn hình dung ra nữ nhân hẳn phải đẹp lắm!

Đẹp như tiên!

Bách Lý Bất Bình không tưởng là đã thành tiên lại để gặp tiên như thế.

Gặp tiên, thế là mộng đã thành. Mộng tìm tiên sao dễ hơn mộng công hầu chứ?

Bách Lý Bất Bình hết sức mừng rỡ, bước nhanh tới, đồng thời gọi to. Gọi, y có biết xưng hô làm sao mà gọi? Bất quá y cất tiếng báo hiệu sự hiện diện của y, cho nữ nhân quay mình lại.

Nữ nhân quay mình thật.

Bách Lý Bất Bình vừa trông thấy gương mặt nữ nhân, bất giác giật mình, thay vì tiến tới, y lùi lại mấy bước!

Nữ nhân xấu xí quá, chẳng khác nào nữ dạ xoa!

Y lùi, nữ nhân bước tới, bắt buộc y phải dừng chân, và cuộc đối thoại miễn cưỡng diễn ra.

Qua cuộc đối thoại, Bách Lý Bất Bình được biết nữ nhân họ Ôn tên Kiều.

Thực sự, nữ nhân cũng chẳng biết tên và họ của mình là chi.

Lúc sanh nữ nhân, cha mẹ thấy con xấu xí quá, đoạn tâm đem bỏ nơi chân núi, nhờ một bậc dị nhân trông thấy, nhặt về nuôi dưỡng đặt cho tên Kiều. Họ Ôn, chính là họ của vị dị nhân đó.

Sau khi truyền hết võ công cho Ôn Kiều, vị dị nhân đó quy tiên. Ôn Kiều lại trở thành cô đơn quạnh quẽ như trước. Nghĩ mình quá xấu xí, không thể chen đứng giữa dòng đời, nên Ôn Kiều cam phận nương náu chốn non cao, sống cảnh tịch mịch.

Cái nhan sắc của Ôn Kiều dĩ nhiên không khích động nổi tâm tình của Bách Lý Bất Bình, bởi y tầm tiên thì gặp quỷ, làm sao y thích chí nổi? Tuy nhiên, lỡ dở nghề văn, y bắt đầu chú ý đến nghiệp võ, thấy Ôn Kiều có võ công cao, y ngưỡng mộ ngay, do đó, lưu lại đỉnh núi, đàm đạo suốt đêm dài.

Ôn Kiều bình sanh chưa hề tiếp cận nam nhân, mà Bách Lý Bất Bình lại khâm phục võ công của nàng, cả hai cảm thấy có cái gì ràng buộc họ với nhau. Họ trở thành thân mật không mấy chốc, và cuối cùng thì họ kết thành vợ thành chồng với nhau, cùng sống cảnh tịch mịch bên nhau, qua ngày, đoạn tháng...

Bách Lý Bất Bình nhờ Ôn Kiều truyền thụ võ công, y quyết tâm trở thành một tay vũ dũng siêu phàm thì tự nhiên phải cố gắng luyện lập.

Ngoài những giờ tập luyện dưới sự chỉ dẫn của Ôn Kiều, Bách Lý Bất Bình còn nghiên cứu tất cả những pho bí kíp do dị nhân để lại.

Ôn Kiều kém chữ nghĩa, nên dù có những quyển sách vô giá trong tay, cũng chẳng dùng được.

Bách Lý Bất Bình thì muốn mình mau giỏi hơn Ôn Kiều, nên tìm tòi được gì hay, lại giấu vợ, âm thầm luyện tập một mình. Do đó, không lâu lắm, y luyện được một tài nghệ trên hẳn Ôn Kiều. Và bắt đầu từ ngày y giỏi hơn hơn vợ, thì y cũng dần dần lạnh nhạt vợ. Trước kia, y chịu đựng nổi dung nhan xấu xí của Ôn Kiều bây giờ thì y lộ vẻ khinh bỉ ra mặt.

Ôn Kiều cũng biết là chàng không còn giữ tình cảm đậm đà tha thiết như trước, thoạt tiên bà cứu tưởng là vì bà xấu xí, nên chồng mau sanh chán. Mãi cho đến lúc vợ chồng cãi vã nhau, đến phải động thủ với nhau, Ôn Kiều mới thức ngộ ra là Bách Lý Bất Bình ỷ trượng tài cao, định phản bội bà, quyết giết bà, bây giờ y không còn cần nhờ bà nữa, thì y cũng chẳng cần vờ vĩnh nghĩa ân chồng vợ.

Thì ra, bà bị y lợi dụng!

Bà vừa căm hận vừa đau đớn về thái độ của chồng.

Cũng may cho Ôn Kiều, trước lúc lâm chung, vị dị nhân đó có truyền lại cho bà ta một chiêu độc đáo, cái chiêu đó bao hàm trọn sở học của vị dị nhân, cho nên dù Ôn Kiều không tra cứu được bí kíp võ công, dù Bách Lý Bất Bình có ý xấu, giấu giếm vợ để tập luyện một mình, cuối cùng Ôn Kiều giở chiêu thức đó đánh bại Bách Lý Bất Bình.

Tuy Bách Lý Bất Bình quyết hạ sát bà ta, để dứt khoát đoạn tình duyên bất đắc dĩ, Ôn Kiều trái lại nghĩ đến tình chồng nghĩa vợ, không nỡ hạ thủ đoạn với lão ta, nên sau khi đánh bại lão rồi, bà dùng lời nghiêm trách nặng nề, đoạn bỏ đi luôn.

Bắt đầu từ đó, Bách Lý Bất Bình ỷ trượng vào sở học, làm bất cứ việc gì muốn làm, dù việc làm có trái đạo lý. Lão cũng ly khai Thần Nữ Phong, dấn bước trên khắp mọi nẻo đường khắp Trung Nguyên.

Lão không hề gặp một đối thủ.

Mang tài cao đi khắp núi sông, cốt tìm kẻ đồng sức đồng tài, để thi thố sở năng, con nhà võ ai ai cũng ham thích điều đó, song đi mãi, chân đã chùn, ý đã chán lão không còn hăng say với cái mộng dọc ngang nữa. Lão trở về Thần Nữ Phong tiếp tục luyện công.

Những bí kíp của vị dị nhân lưu lại, gồm ba bộ.

Bộ thứ nhất, chỉ dẫn cách tu tiên, luyện khí, cho thành bậc siêu phàm, dù không hẳn là được thành tiên, song ít ra cũng thoát tục. Bộ sách đó, có cái tên là "Đại La tiên kíp".

Bộ sách thứ hai, tên là "Thiên Ma bửu lục", chỉ dạy các loại công phu tà ma, luyện bộ sách này được thành tựu, thì cũng nghiễm nhiên là tay vô địch trong thiên hạ.

Bộ cuối cùng, là bộ "U Minh huyền kinh", dạy cách luyện một thứ công phu quái dị, đồng thời nghiên cứu cách thức sử dụng các oan hồn và các xác chết.

Hai bộ sách sau thuộc về Ma và Quỷ, không đòi hỏi khó khăn lắm, cho nên bất cứ ai có chuyên tâm, cũng có thể luyện thành.

Chỉ có bộ sách đầu tiên, bộ "Đại La tiên kíp", là vô cùng bí ảo, chỉ nội cái việc tra cứu thôi, cũng đủ phí bỏ cả một đời người rồi, nói gì đến việc có thời gian tập luyện?

Tuy nhiên, Bách Lý Bất Bình nản chí ngao du, chứ không nản chí học tập, lão ta cam tâm trong cảnh tịch mịch, quyết kiêm luyện hoàn hảo đủ ba bộ sách.

Trong thời gian tập luyện đó, lão ta có thu nhận bốn môn đồ, đó là Lâm Hương Đình, Tạ Linh Vận, Lý Trại Hồng và Tây Môn Vô Diệm.

Trong bốn người đệ tử, chỉ có Tạ Linh Vận là nam nhân thôi còn ba người kia thuộc phái nữ.

Lâm Hương Đình và Lý Trại Hồng đều là những trang tuyệt sắc, còn Tây Môn Vô Diệm thì xấu xí hơn nữ dạ xoa.

Sở dĩ Bách Lý Bất Bình thu dụng Tây Môn Vô Diệm, chẳng qua lòng còn hoài niệm Ôn Kiều.

Trong bốn người đệ tử, Bách Lý Bất Bình thích hợp nhất Tạ Linh Vận, đúng như lời Khổ Hải Từ Hàng đã nói trước đó với Lý Trại Hồng và Liễu Y Ảo.

Về tiên đạo, Bách Lý Bất Bình chẳng lãnh hội được bao nhiêu bí quyết, có thể nói là lão luyện dở dang pho "Đại La tiên kíp". Riêng về hai pho sau: "Thiên Ma bửu lục" và "U Minh huyền kinh" thì lão ta có nghiên cứu tận tường nên lão truyền cho các đệ tử những môn công của hai pho sau nhiều hơn pho trước.

Tạ Linh Vận thông minh, học ít biết nhiều, nên chẳng mấy chốc mà đã tỏ ra tay khá.

Rất tiếc, về hai pho bí kíp sau, muốn học qua, tất phải thực nghiệm cuộc hòa hợp âm dương, tức nhiên nam nữ phải gần nhau để suy ra chân lý. Do đó mà Bách Lý Bất Bình dù muốn dù không cũng phải chấp thuận một cuộc dâm loạn tại sơn môn. Nói đúng hơn, chính lão ta ra lịnh cho các môn đồ phải dâm loạn, bởi có dâm loạn mới thực nghiệm được môn học.

Lão ta dành Lâm Hương Đình về phần mình, còn Tạ Linh Vận vẫn ham muốn Lâm Hương Đình lắm, song làm sao y dám tranh giành với sư phụ? Cho nên y phải xoay qua Lý Trại Hồng và Tây Môn Vô Diệm.

Lý Trại Hồng nào có thích gì Tạ Linh Vận, chẳng qua sự tình bắt buộc, bà ta phải chịu vậy thôi, một là để luyện công, hai là vì có lịnh của sư phụ, bà không dám cải.

Chỉ có Tây Môn Vô Diệm vốn xấu xí, lại được chung chạ với Tạ Linh Vận, và sẵn sàng làm mọi việc theo ý muốn của Tạ Linh Vận.

Lâm Hương Đình cũng chẳng thích gì, dù bà ta được sư phụ chọn và ấp yêu rất mực.

Thực là một môn phái cực kỳ quái dị!

Cả sư lẫn đồ, cộng thành năm người, dần dần chia ra ba nhóm, Lâm Hương Đình và Lý Trại Hồng chung nhóm, nhóm thứ hai gồm Tạ Linh Vận và Tây Môn Vô Diệm.

Nhóm thứ ba, chỉ có độc mỗi một mình Bách Lý Bất Bình.

Cả ba nhóm cùng quây quần nhau, vừa loạn dâm, vừa luyện công, thiết tưởng trên giang hồ, chưa từng có một môn phái nào hỗn tạp gần như quy tụ cầm thú...

Bách Lý Bất Bình cho phép Tạ Linh Vận muốn làm gì thì làm, trừ cái việc xâm phạm đến Lâm Hương Đình thôi, y có làm điều chi sái quấy Bách Lý Bất Bình cũng đều che chở cả. Do đó, Lý Trại Hồng hết sức bất mãn.

Tuy không thành công về đường tu tiên, Bách Lý Bất Bình vẫn tiếp tục nghiên cứu "Đại La tiên kíp" như thường. Nhưng, vào những năm cuối cùng, lão ta bỗng thức ngộ là mình làm một việc vô vọng, bởi trên đời chưa phải bất cứ ai dùng nhân lực mà biến thành tiên được, vả lại biết đâu thực sự có tiên hay không có tiên?

Bỏ cái ý định tu tiên, lão xoay qua việc thành lập Long Hoa hội.

Hội Long Hoa, là Quần Tiên hội, do các văn sĩ từ nghìn xưa tạo dựng qua ảo tưởng, phàm một cái gì phát sanh từ ảo tưởng thì khi nào cái đó được thành hình, được thực hiện như một sự thể hiển nhiên?

Thế mà lão vẫn tiến hành, lão quyết dùng nhân lực thực hiện cái điều mà người xưa tưởng tượng ra cho vui vậy thôi!

Cùng với bốn đại đệ tử, lão lại rời Thần Nữ Phong, ra đi khắp các phương trời, mỗi người đi một hướng, tìm hào kiệt anh hùng, kết nạp.

Lão đặt căn cứ địa tại Thần Nữ Phong, đổi tên thành Tiểu Tây Thiên, để làm nơi tụ hội quần tiên không có tiên thật thì dùng tiên giả, cho Long Hoa hội thành hình.

Một sư bốn đồ lao nhọc hơn nửa năm dài, chung quy cũng quy tụ được một số người, và Long Hoa hội chánh thức được thành lập, và cuộc lễ đầu tiên được khai mạc, dưới quyền điều khiển của chính lão.

Lần thức nhất đó, chỉ có chín mươi tám cao thủ họp mặt, về phương diện hội thì thành hình, còn về phương diện thế lực thì kém quá bởi nhân số rất ít.

Tiên thì phải là ngàn tiên, vạn tiên, chứ tiên đâu có lưa thưa độ trăm người?

Cuộc hội vì thế không nhiệt náo nổi.

Chẳng qua, tại Bách Lý Bất Bình gấp rút thành lập hội Long Hoa, nên không thể quyến rũ một số đông như mong muốn trong thời gian ngắn ngủi.

Khổ hơn nữa, là trong số chín mươi tám người quy tụ đó tài mạo phẩm cách bất tương đồng, rắn, trâu, heo, chó, lẫn lộn, Ma, Quỷ, Thần, Thánh hỗn tạp, tự nhiên họp thì có họp, mà mỗi người có mỗi tư tưởng riêng biệt, chẳng ai nhân nhượng ai.

Một cuộc họp như vậy, có kéo dài đến bao lâu, cũng chẳng đưa đến một kết quả nào, và dù hội có thành lập, hội chỉ có danh mà không có thực. Cho nên Long Hoa hội, vốn là Quần Tiên hội, người trong hội phải đồng đảng, Bách Lý Bất Bình hoạch định một chương trình, tạm thời theo chương trình đó hành sự, chờ ngày phát đạt...

Đương nhiên lão ta ở riêng một nơi, tự xưng là Tiên, và cái nơi lão ở có cái tên là Thiên Ngoại Thiên.

Lão tuyển chọn trong số chín mươi tám người, lấy ra mười bảy người, cho liệt danh vào Tiên bảng. Chính lão ta trực tiếp thống lĩnh người trong Tiên bảng.

Kế đó, lão lập ra Ma bảng, trao quyền thống lãnh Ma bảng cho Tạ Linh Vận.

Ma bảng gồm một số người, đông hơn Tiên bảng.

Bốn mươi lăm người còn lại, lão cho lập thành Quỷ bảng, liệt danh họ trên Quỷ bảng. Quỷ bảng do Tây Môn Vô Diệm điều khiển.

Đương nhiên bất luận là về bảng nào, tuy có người trực tiếp thống lãnh, quản suất, song cái quyền tối thượng vẫn còn do lão nắm giữ.

Hội đã thành lập, Bách Lý Bất Bình vẫn còn bất mãn với nhân số quá ít. Lão cho rằng quần hùng trong thiên hạ chưa theo về đông đảo, nên ra lịnh năm năm sau, sẽ khai đại hội một kỳ, và các hội viên phải tìm cách gọi cho thật nhiều người gia nhập, làm thế nào cho tất cả cao nhân trong toàn quốc đều tham gia.

Sau ngày thành lập ba bảng Tiên, Ma và Quỷ, lão cũng có lập ra quy điều, luật lệ, ước thúc hội viên...

Trong số chín mươi tám người tham dự kỳ đại hội đầu tiên phần đông do Tạ Linh Vận và Tây Môn Vô Diệm đưa về Thần Nữ Phong.

Hành vi của bọn này rất ti tiện, khả ố, họ không đợi Tạ Linh Vận và Tây Môn Vô Diệm phải dùng lắm lời khuyên dụ, chỉ nghe cả hai cho biết sơ lược là họ hoan nghinh liền.

Một ít người có hành vi chánh trực, thì bị bức bách mà theo, Tạ Linh Vận có thâm ý dùng số người do y thu nạp, làm hậu thuẫn cho một chủ trương của y sắp thực hiện trong tương lai...

Thế lực của Tạ Linh Vận càng ngày càng lớn mạnh, lắm lúc y bất tuân cả lịnh của Bách Lý Bất Bình.

Lâm Hương Đình và Lý Trại Hồng thấy rõ, tình hình mỗi lúc một nghiêm trọng hơn, nếu họ không sớm có viện thủ đắc lực, thì trong một ngày rất gần, họ sẽ bị Tạ Linh Vận khống chế, như y đã khống chế bao nhiêu người. Ai khác thì chịu nổi sự khống chế của y, chứ hai người thì nhất định là không rồi. Do đó, cả hai càng nỗ lực tìm người kết nạp.

Lần hồi, họ gặp Nhàn Du Nhất Âu, Vạn Lý Vô Vân, Nhất Luân Minh Nguyệt... nhưng, dù sao thì người chân chánh bao giờ cũng hiếm, do đó, hai bà vẫn chưa tạo dựng được một thế lực vững vàng, tương xứng với cánh đối lập.

Hai bà nỗ lực, Tạ Linh Vận cũng chẳng ngồi yên một chỗ, y càng cố công thu nạp thuộc hạ, bởi y chẳng cần tuyển chọn người theo tiêu chuẩn phẩm cách, nên thuộc hạ của y càng ngày càng đông. Tuy số người của y thu nạp rất hỗn tạp, tựu trung vẫn có tay rất khá, chẳng hạn Thiên Tề Ma Quân Kỳ Thiên Trường, thân phụ của Kỳ Hạo...

Riêng về Bách Lý Bất Bình, lão ta cũng có thu nhận thêm một người nữ đệ tử.

Nữ đệ tử đó, chính là Liễu Y Ảo.

Lúc nhập môn, nàng chỉ có mười bốn tuổi, Bách Lý Bất Bình rất mực thương yêu nàng. Lão xem nàng như một đứa con, chỉ trong vòng hai mươi năm thôi, lão truyền thọ cho nàng tất cả sở học, đồng thời không cho nàng trà trộn với các nam đệ tử khác, sợ nàng nhiễm cái lối học tập bằng dâm loạn, nói rằng để phối hợp âm dương, chứ kỳ thực là thỏa mãn nhục dục. Nhờ thế, nàng còn giữ được sự trong trắng của nàng.

Cũng trong thời gian đó, Bách Lý Bất Bình chừng như thức ngộ chân lý của pho Tiên Kíp Đại La, tâm tánh của lão thay đổi nhiều, lão định bỏ con đường tà ma, quay về chánh đạo, do đó ngày đêm lão chuyên luyện.

Là con người thành tựu từ Ma đạo, bỗng nhiên trở về Tiên đạo, hai thái cực đó không thể dung hòa nhau được, cuối cùng lão phải lâm vào cảnh tẩu hỏa nhập ma. Trọn phần dưới thân thể của lão hoàn toàn bất động.

Tuy vậy, lý trí của lão vẫn còn sáng suốt, từ lúc tẩu hỏa nhập ma, lão phát hiện ra, không thể làm hưng vượng cái đạo Ma được, lão lại còn biết rõ, Tạ Linh Vận không thể là người nối chí của lão, nếu đặt tin tưởng quá nặng nơi y, thì cầm như sự nghiệp của lão phải tiêu tan.

Nhưng, đã muộn rồi! Chính lão mặc nhiên chấp nhận cho Tạ Linh Vận gầy thực lực bây giờ, rất khó mà loại trừ y. Công khai loại trừ y trong lúc này, là thế nào cũng có biến, Bách Lý Bất Bình sẽ lãnh hậu quả trước hết. Lão phải nghĩ ra một phương pháp an toàn.

Những sở đắc thu thập từ "Đại La tiên kíp", lão truyền cho bọn Lâm Hương Đình, đồng thời lại nghiên cứu một chiêu thức khả dĩ ức chế "Tu La kiếm pháp" do lão truyền thọ cho Tạ Linh Vận, phòng khi Tạ Linh Vận manh tâm khuynh loát Long Hoa hội.

Cho nên Tạ Linh Vận có "Tu La tứ thức", bọn Lâm Hương Đình có "Đại La thất thức", để khắc chế "Tu La kiếm pháp" của Tạ Linh Vận.

Lão lại bày ra luôn một tín phù, đặt tên "Tru Tiên lệnh". Chiếc tín phù, lão trao cho Lâm Hương Đình.

Lão cũng bịa luôn huyền thoại về thanh Bạch Hồng kiếm, cốt để chế phục dã tâm của Tạ Linh Vận, chứ thực ra thanh kiếm đó chẳng có giá trị gì, đúng như Khổ Hải Từ Hàng đã tiết lộ với Lý Trại Hồng.

Trong cuộc triệu tập môn đồ, trao quyền lãnh đạo cho Lâm Hương Đình, lão vận dụng công lực còn lại biểu hiện cái oai lực của thanh kiếm Bạch Hồng, dằn được mặt Tạ Linh Vận rồi, lão cũng chết luôn...

Đại khái, huyền thoại quanh Long Hoa hội là thế!

Quan Sơn Nguyệt nghe thuật rồi, sững sờ một lúc lâu.

Sau cùng, chàng hỏi:

- Khổ Hải Từ Hàng gọi Bách Lý Bất Bình tiền bối là Pháp Hoa Thánh Giả...

Lý Trại Hồng chận đáp:

- Đó là danh hiệu của sư phụ xưng ta giữa đại hội Long Hoa. Theo mạng lịnh của sư phụ, thì bất cứ ai cũng chẳng được dùng cái tên thật của mình nữa, và mỗi người tự ý chọn lựa một danh hiệu, phù hạp với Bảng của mình... Như người thuộc về Tiên bảng, thì chọn Tiên hiệu, còn người trong Ma bảng, Quỷ bảng, thì chọn Ma hiệu, Quỷ hiệu.

Bà tiếp luôn:

- Kẻ nào phạm lịnh đó, phải bị trừng phạt nặng nề, có thể thọ tử hình đấy.

Quan Sơn Nguyệt gật đầu:

- Cho nên, ân sư tại hạ mới xưng là Hoàng Hạc Tán Nhân!

Lý Trại Hồng cũng gật đầu.

Quan Sơn Nguyệt hỏi tiếp:

- Cái vị Ôn lão tiền bối?

Lý Trại Hồng lắc đầu:

- Chẳng hiểu rõ nữa! Từ ngày ly khai sư phụ, bà không hề tái xuất hiện trên giang hồ. Nếu tính theo số tuổi thì nếu bà còn sống đến nay, tuổi bà phỏng độ trên dưới số trăm rồi! Rất có thể bà đã ra người thiên cổ!

Quan Sơn Nguyệt nghe u buồn man mác len lỏi vào tâm hồn, dù rằng lão Ôn kia, chẳng mảy mai liên hệ đến chàng, song bi ai của một đồng loại cũng khích động cảm hoài nơi chàng, cũng như nơi tất cả những kẻ có lòng trong thần thế...

Bà ấy đúng là một con người bạc hạnh, bạc từ dung mạo, bạc đến duyên số, bạc cả võ công, bà sanh ra trên đời chỉ để chuốc thảm đeo sầu, bà bị ruồng rẫy từ lúc sơ sanh đến khi bạc mái đầu và có lẽ bà đã phơi thây ở một phương trời nào đó, lòng đất lạnh cũng chẳng muốn tiếp nhận bà, bởi bà cô độc đơn côi, lúc chết đi, chắc gì có ai gặp, có ai xót thương nắm xương tàn mà vùi nông vùi sâu?

Suy nghĩ một lúc, Quan Sơn Nguyệt chợt nói:

- Còn mấy pho bí kíp của Pháp Hoa Thánh Giả?

Lý Trại Hồng đáp:

- "U Minh chân kinh" và "Thiên Ma bửu lục" thì còn đây, bọn này đã học xong toàn bộ, hai quyển đó chẳng còn giúp ích được gì nữa. Quyển "Đại La tiên kíp" thì đã bị sư phụ đốt cháy thành tro rồi.

Quan Sơn Nguyệt cao hứng, vỗ tay:

- Đốt là phải! Nên đốt! Chứ nếu vật đó còn tồn tại và vào tay Tạ Linh Vận, thì sẽ có tai hại khôn lường cho thiên hạ về mai hậu!

Lý Trại Hồng nhìn thoáng qua chàng hỏi:

- Giá như pho bí kíp đó vào tay bọn tôi, thì ngược lại tôi và Liễu hiền muội có thể ức chế Tạ Linh Vận chăng?

Quan Sơn Nguyệt chỉnh sắc mặt:

- Dù bí kíp đó có mang cái tên Đại La, và được xem như là một Tiên vật, song tại hạ chỉ sợ đó là một Tiên vật trá hình, và bên trong hẳn ghi chú những phương pháp tập luyện công phu tà ma quỷ quái. Do đó nếu người nào chuyên luyện, thì cũng như kẻ mù đi sai đường, chẳng có lợi cho mình, mà còn có hại cho kẻ khác.

Lý Trại Hồng chớp mắt:

- Tại sao thiếu hiệp biết như vậy?

Quan Sơn Nguyệt điềm nhiên:

- Bách Lý lão tiền bối bỗng nhiên có cái ý niệm tổ chức ra hội Long Hoa, thiết tưởng cái ý niệm đó phát sanh từ pho bí kíp Đại La. Sở dĩ hai quyển "U Minh chân kinh" và "Thiên Ma bửu lục" không đề cập đến việc đó, là vì quyển "Đại La tiên kíp" có ghi chú rồi, và chính vì "Đại La tiên kíp" có ghi chú nhiều điều lạ kỳ, nên Bách Lý lão tiền bối chẳng dám để quyển sách đó cho mọi người trông thấy, lão liền bối sợ các đệ tử đọc qua, sẽ biết cái giả tạo của lão và mất đi lòng tôn phục mà những người nắm quyền lãnh đạo cần có.

Lý Trại Hồng gật đầu, thở dài thốt:

- Thiếu hiệp nói đúng!

Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:

- Trên cảnh do ảo tưởng mà có, mông lung phiêu diêu, một cảnh giới trong hư vô, tại sao lấy một việc cố định mà làm căn bản cho sự cầu tiến chứ? Tiên đạo, bất quá chỉ là một Ma đạo cao thâm, do đó càng mơ hồ, người ta không cho rằng mơ hồ, mà lại tán tụng là huyền diệu, bởi cái được gọi là huyền diệu, thì dễ hấp dẫn con người hơn! Cũng may Bách Lý lão tiền bối vì thức ngộ, nếu không thì đã lôi cuốn thêm biết bao nhiêu người vào vòng tai hại, và cái hậu quả sẽ không lường cho giang hồ!

Chàng thở dài, thốt:

- Đốt cháy "Đại La tiên kíp", mà Bách Lý tiền bối vẫn còn duy trì Long Hoa hội, đều đó đủ chứng minh cái ma niệm của lão tiền bối đã quá thâm sâu trong tâm não...

Lý Trại Hồng và Liễu Y Ảo biến sắc mặt:

- Thế ra, chúng tôi đều là người trong Ma đạo, bởi Tiên đạo như lời thiếu hiệp nói đó, thì chỉ là Ma đạo cao thâm?

Quan Sơn Nguyệt gật đầu:

- Đúng vậy! Theo sự nhận xét của tại hạ, thì hai vị tuy đi theo con đường chánh, hành động trong phạm vi chánh đạo, nhưng vẫn không che giấu nổi cái tà khí bao bọc quanh người.

Lý Trại Hồng nín lặng.

Liễu Y Ảo càng phút càng biến đổi thần sắc. Cuối cùng nàng vụt đứng lên.

Lý Trại Hồng đưa ánh mắt nghiêm nghị, sang nàng, nàng cúi đầu ngồi xuống như cũ.

Quan Sơn Nguyệt lờ đi, như chẳng thấy chi cả. Chàng điểm nhẹ nụ cười, hỏi:

- Trong trường hợp nào, ân sư tại hạ gia nhập Long Hoa hội?

Lý Trại Hồng suy nghĩ một chút, đoạn đáp:

- Hoàng Hạc Tán Nhân đến Thần Nữ Phong do đại sư tỷ Lâm Hương Đình hướng dẫn. Người có mặt trong kỳ đại hội cách đây độ hai mươi năm. Đại hội lúc đó nhiệt náo phi thường, thiên hạ anh hùng quy tụ rất đông, và bọn tôi thì đều vượt bậc, không còn ai ở trong bảng nữa, mà đã nghiễm nhiên trở thành hoặc Tiên hoặc Ma, hoặc Quỷ. Cả Tạ Linh Vận và Tây Môn Vô Diệm cũng được hưởng đặc cách đó, không ai còn bận lo lắng về việc của đại hội. Bởi, Long Hoa hội đã được ủy thác cho bốn vị Hội chủ chiếu quản. Bốn vị Hội chủ đó là Hoàng Hạc Tán Nhân, Nhất Âu, Tây Nhạc Ma Tinh và Bắc Mao Quỷ Sứ...

Quan Sơn Nguyệt gật đầu:

- Tại hạ có biết những người đó.

Lý Trại Hồng tiếp:

- Bốn người đó là những người đầu bảng, tuyển chọn họ làm Hội chủ rồi, thì chức vụ đầu bảng khuyết người, cho nên Khổ Hải Từ Hàng được cất nhắc lên đầu Tiên bảng, cũng như Thiên Tề Ma Quân làm thủ lãnh quần Ma, và Âm Phong Quỷ Quân làm thủ lãnh quần Quỷ. Tiên bảng gồm ba mươi sáu người, Ma bảng có bảy mươi hai người, và Quỷ bảng có đến trăm người. Quang cảnh Long Hoa hội lúc đó náo nhiệt tưng bừng lòng người phấn khởi phi thường.

Quan Sơn Nguyệt hỏi:

- Cách thức tuyển chọn người vào Bảng, như thế nào?

Lý Trại Hồng giải thích:

- Dĩ nhiên là phải lấy võ công làm tiêu chuẩn. Dù vậy, người được chọn ở bảng trên, có quyền xin được xuống bảng dưới, chẳng hạn Thiên Tề Ma Quân...

Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:

- Tại hạ biết rõ thâm ý của lão ấy. Chẳng qua, ở Tiên bảng, sao cho bằng sụt xuống một nấc, tuy nấc thấp, song lão lại được đứng đầu, lão chỉ huy một số đông!

Lý Trại Hồng gật đầu:

- Đó cũng là một lý do trong nhiều lý do khác. Sự thay đổi của Thiên Tề Ma Quân sở dĩ có, cũng do Tạ Linh Vận, một phần hắn sợ Thiên Tề Ma Quân nhập Tiên bảng thì lực lượng của nhóm Tiên quá hùng hậu đi, bởi võ công của Thiên Tề Ma Quân rất cao. Hắn cố thuyết phục lão ta trở về Ma bảng, để cùng hắn gây phe, kết đảng, hầu chống lại nhóm Tiên của bọn tôi.

Quan Sơn Nguyệt chau mày:

- Như vậy là sai với quy luật của Hội, tại sao Lâm Hương Đình tiên tử chấp nhận chứ?

Lý Trại Hồng thở dài:

- Đại sư tỷ đã phát giác ra, Bạch Hồng kiếm chẳng hề có oai lực như đã tuyên bố. Thanh kiếm đó không còn dùng ức chế Tạ Linh Vận nổi nữa, thì đành phải để cho hắn mặc tình làm chi thì làm, rồi tùy cơ mà tiết giảm lực lượng hắn dần dần... Cự tuyệt hẳn với hắn, biết đâu có biến cố xảy ra, rất bất lợi cho bọn tôi?

Bây giờ, Quan Sơn Nguyệt đã hiểu Long Hoa hội như thề nào rồi. Chỉ còn mỗi một thắc mắc cuối cùng, là sự liên quan giữa ân sư với Lâm Hương Đình thôi.

Lý Trại Hồng tiếp:

- Trong số quần hùng tụ hội, chỉ có Hoàng Hạc Tán Nhân lỗi lạc hơn hết. Bởi, lão qua khỏi Lôi Đình Tam Kích, không hề bị thương tổn!

Quan Sơn Nguyệt hỏi:

- Lôi Đình Tam Kích là sao?

Lý Trại Hồng giải thích:

- Một cách thức trắc nghiệm võ công của hội đối với người gia nhập. Cách thức đó có ba giai đoạn, nên gọi là Tam Kích. Nhất Kích, do đôi Bạch Hạc bay lơ lửng trên không, bất thình lình nhào xuống tấn công. Đệ Nhất Kích cũng nguy hiểm lắm, tuy rằng đôi hạc là loại thượng cầm song chúng rất lợi hại...

Quan Sơn Nguyệt gật đầu:

- Tại hạ có gặp chúng rồi!

Lý Trại Hồng lộ vẻ kinh dị.

Liễu Y Ảo thuật sơ lược:

- Lúc thiếu hiệp lên đây. Thiếu hiệp chống trả đôi hạc, mường tượng Hoàng Hạc ngày trước. Lòng bàn tay của thiếu hiệp bị chân hạc quào, gây một vết thương nhỏ, may mà tôi đến kịp thời lấy thuốc giải độc thoa vào, chứ nếu không thì...

Lý Trại Hồng chỉnh nghiêm thần sắc:

- Đành rằng Quan thiếu hiệp bị móng chân bạch hạc quào trúng, song chúng ta phải công nhận thiếu hiệp có võ công cao thâm hơn Hoàng Hạc ngày trước một phần. Vì đại sư tỷ luôn luôn đề phòng bọn Tạ Linh Vận, ngày ngày ra công huấn luyện hai con hạc, hiện tại chúng lợi hại hơn xưa gấp trăm, gấp ngàn lần. Gia dĩ, nơi móng chân của chúng, đại sư tỷ tẩm chất tuyệt độc. Chất độc đó thấm vào máu là người bị quào phải chết ngay, thế mà thiếu hiệp lại chịu đựng nổi mấy phút giây, kể cũng là một sự phi thường đó.

Quan Sơn Nguyệt bỗng dưng lại được ca ngợi, hết sức bối rối. Nếu chàng nói mấy lời khiêm nhường, thì chẳng hóa ra mình muốn người ta xác nhận lại một lần nữa sao?

Lý Trại Hồng đáp:

- Hai cách sau, một do đại sư tỷ, một do Tạ Linh Vận. Thắng được một chiêu "Đại La thất thức" do đại sư tỷ thủ và một chiêu "Tu La tứ thức" do Tạ Linh Vận thủ.

Quan Sơn Nguyệt chớp mắt:

- Đệ nhị kích và đệ tam kích, xem ra, rất khó mà vượt qua nổi!

Lý Trại Hồng gật đầu:

- Đúng vậy! Và chỉ có mỗi một mình Hoàng Hạc Tán Nhân qua lọt mà thôi. Lão ta là người duy nhất qua lọt, từ ngày Long Hoa hội được thành lập đến nay.

Quan Sơn Nguyệt cảm thấy vinh hạnh lây với thành tích của ân sư.

Lý Trại Hồng thốt đến đó, rồi nín lặng.

Quan Sơn Nguyệt chờ một chút, không nghe bà ta nói gì, lại hỏi:

- Rồi sau đó?

Lý Trại Hồng tiếp:

- Qua cuộc thực nghiệm Lôi Đình Tam Kích rồi, là đến những cuộc so tài, phô diễn tuyệt kỹ, tranh nhau giành Bảng, giành ngôi vị trong Bảng. Cuối cùng là tiệc rượu vui, tiệc rượu kết thúc ngày đại hội...

Bà dừng lại một chút, đoạn tiếp luôn:

- Đáng lý ra, theo đề nghị của nhiều người, cứ mỗi định kỳ năm năm là Long Hoa hội được triệu tập một lần, song riêng một Hoàng Hạc Tán Nhân thì chống đối, lão ta quyết giữ y quy lệ cũ, cứ mỗi khoảng hai mươi năm họp một lần. Lão muốn thế, đại sư tỷ của tôi vốn có cảm tình với lão, phải giữ lệ cũ. Cho nên trong vòng hai mươi năm qua, chẳng có một cuộc hội họp nào cả, mãi đến hôm nay...

Quan Sơn Nguyệt cau mày:

- Cứ theo lời tường thuật của các vị cũng như của Kỳ Hạo và Khổ Hải Từ Hàng, thì Long Hoa hội chẳng có gì đáng gọi là bí mật. Thế tại sao người trong hội đối với người ngoài, lại có vẻ thần bí lạ lùng? Đã cho phép hội viên xuất ngoại, kêu gọi, dụ dẫn người gia nhập, mà lại giữ bí mật, thế là nghĩa làm sao?

Còn ai biết mình sẽ tham gia hội gì, sẽ làm gì, mà chấp thuận?

Lý Trại Hồng thở dài:

- Đó là độc kế của Tạ Linh Vận! Chính hắn đã nghĩ ra những điều lệ đó.

Người chấp chưởng đại quyền về hình phạt là Thiên Tề Ma Quân, một người thuộc bè đảng của hắn, giả như người trong Tiên bảng có phạm quy luật, thì Thiên Tề Ma Quân nhất định áp dụng luật lệ, quyết chẳng dung tình. Chúng cố ý tỉa dần vi cánh của chị em tôi, nên an bài phương thức chế ngự hà khắc như vậy.

Bà trầm giọng tiếp:

- Thiếu hiệp thử nghĩ, suốt thời gian dài hằng hai mươi năm, có ai giữ ý gìn lòng chặt chẽ? Cho nên đã có nhiều người bị cái lệ khắc nghiệt đó hãm hại. Tuy cá nhân của người phạm tội chưa đến đỗi nào, song dù sao Tiên bảng cũng giảm đi phần nào thịnh thế!

Quan Sơn Nguyệt mơ màng:

- Người trong Long Hoa hội đông đảo quá, lại rải rác khắp nơi, ai có khả năng nào giám thị toàn thể một cách chặt chẽ nổi?

Lý Trại Hồng đáp:

- Hệ thống trinh sát của chúng rất linh hoạt, chúng huy động rất nhiều thuộc hạ, khắp nơi, âm thầm theo dõi bọn người trong Tiên bảng, chúng chỉ theo dõi những người của Tiên bảng thôi, tự nhiên công cuộc của chúng được giản dị hơn, do đó phần hiệu dụng phải tăng gia. Chúng thừa lực lượng giám thị như thường!

Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một lúc:

- Thế mà từ bao lâu nay, ân sư chẳng hề tiết lộ mảy mai.

Lý Trại Hồng mỉm cười:

- Hoàng Hạc Tán Nhân vốn có tính cẩn thận, nếu lão không tiết lộ với thiếu hiệp, chẳng qua lão đã có chủ trương, lão an bài như thế nào cho thiếu hiệp trước rồi đó! Chẳng hạn, cái chủ trương của lão là sẽ đưa thiếu hiệp đến Long Hoa hội, thay thế lão ta ở chức vị Hội chủ. Không ngờ nửa chừng lại có cuộc biến hóa...

Quan Sơn Nguyệt giật mình.

Lý Trại Hồng điềm nhiên tiếp:

- Chắc thiếu hiệp còn hoang mang? Nếu cần, thiếu hiệp cứ hỏi Khổ Hải Từ Hàng, nhà sư đó sẽ giải thích cho thiếu hiệp hiểu rõ hơn, hay lão ta xác nhận cho thiếu hiệp biết chắc. Ân sư của thiếu hiệp giao tình rất trọng hậu với lão ta, họ chẳng giấu giếm nhau một sự gì cả. Chính những việc có liên quan đến đại hội, mà ân sư của thiếu hiệp chẳng cho chị em tôi biết, chỉ bàn luận với một mình Khổ Hải Từ Hàng thôi, đủ biết họ thân mật với nhau như thế nào. Công cuộc hôm nay, dĩ nhiên chị em tôi biết được phần về người và việc, là nhờ mảnh giấy của đại sư tỷ lưu lại.

Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ trầm trọng.

Mảnh giấy của Lâm Hương Đình lưu lại! Mảnh giấy đó nói gì? Chàng muốn xem mảnh giấy đó lắm, song làm sao mở miệng hỏi Lý Trại Hồng? Biết bà ta sẵn sàng trao cho chàng xem chăng?

Chàng im lặng trầm tư.

Lý Trại Hồng hỏi:

- Bây giờ, thiếu hiệp còn muốn biết điều chi nữa chăng?

Quan Sơn Nguyệt gật đầu:

- Tại hạ muốn biết, Lâm tiên tử làm cách nào, mời được ân sư vào hội?

(mất 2 trang) Thượng Xuân, phàm người trong hội, bất cứ thân hay thù, cũng phải xuất lực tiếp trợ Bốc Thượng Xuân, bởi đó là bổn phận của mỗi hội viên, bổn phận tương trợ!

Quan Sơn Nguyệt lại được biết thêm một đoạn sự tình nữa.

Lý Trại Hồng thở dài:

- Thực ra, hơn một trăm người Long Hoa hội, đối với nhau không ân là oán, không thân là thù, tình thế đã đưa người trong hội vào cái cảnh tranh chấp rõ rệt, và hội viên phân thành hai khối đối lập với nhau...

Bà dừng lại, cau mày tiếp:

- Ngày thường, hận thù nhau đến đâu, chẳng ai dám khiêu khích ai, ai ai cũng phải nén lòng chờ đến ngày đại hội, lúc đó mặc tình sanh sát nhau, phe nào ủng hộ, bênh vực phe nấy...

Họ oán thù, hay thân mật với nhau, điều đó chẳng liên quan gì đến Quan Sơn Nguyệt, chàng không cần biết đến. Chàng luôn luôn thắc mắc về trường hợp của Độc Cô Minh. Chàng hỏi:

- Tiên tử nói mãi, chưa đề cập đến sự tình giữa ân sư tại hạ và Lâm tiên tử. Chẳng hay, uẩn khúc bên trong như thế nào?

Lý Trại Hồng suy nghĩ một chút:

- Sau kỳ đại hội hai mươi năm trước, Hoàng Hạc Tán Nhân được đại sư tỷ mời đến biệt phủ. Hoàng Hạc Tán Nhân lưu lại Thần Nữ Phong một thời gian, cả hai hết sức tương đắc. Tạ Linh Vận biết được điều đó, vô cùng bất mãn, cho rằng hắn ghen tức cũng không ngoa, bởi từ lâu, hắn có tình ý với đại sư tỷ rất nặng.

Trước kia, sư phụ tôi còn tại thế, chẳng nói làm gì, sau này sư phụ quy tiên, hắn tưởng là sư tỷ sẽ đổi ý, chưởng hướng tâm tình về hắn, ngờ đâu Hoàng Hạc xuất hiện, chận lối ngăn đường, hắn có ý muốn giết Hoàng Hạc, song còn ngại oai lực của thanh kiếm Bạch Hồng. Không giết được tình địch, hắn nghĩ ra phương pháp khác. Hắn đem cái việc đại sư tỷ ngày trước, dâm loạn với sư phụ tiết lộ cho Hoàng Hạc biết!

Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:

- Ân sư tại hạ có cái tâm sáng như nhật nguyệt, khi nào người lư ý đến điều đó! Người xét việc, xét từ căn nguyên, nhất định không bằng vào hậu quả mà đáng giá trị của bất kỳ ai!

Lý Trại Hồng chớp mắt:

- Thiếu hiệp nói đúng. Hoàng Hạc cười nhẹ, đáp lời Tạ Linh Vận như thế này: "Sở dĩ có những việc như thế, là do sự tình bất đắc dĩ, viên ngọc dù có bị mang vùi bùn, khi lên khỏi bùn, ngọc vẫn sáng chói như thường, chính cái đức tính của con người, mới là ngọc, còn xác thân chẳng qua là vật hữu loại, quý gì mà phải thiết tha?" Câu đáp của Hoàng Hạc, từng gây cảm xúc đến tôi, huống hồ đại sư tỷ.

Quan Sơn Nguyệt thở nhẹ, khoan khoái phi thường.

Lý Trại Hồng tiếp:

- Lần thứ nhất, Tạ Linh Vận thất bại. Hắn chuyển sang giai đoạn thứ hai. Giai đoạn phân khai Hoàng Hạc và đại sư tỷ.

Quan Sơn Nguyệt hấp tấp hỏi:

- Độc kế của hắn như thế nào?

Lý Trại Hồng thoáng đỏ mặt. Lâu lắm, bà ta mới thấp giọng đáp:

- Trong cái kế đó, tôi có dự phần! Và cũng chính tự tay tôi xúc tiến...

Quan Sơn Nguyệt sửng sốt, giương tròn mắt nhìn bà.

Lấy lại bình tĩnh, Lý Trại Hồng tiếp luôn:

- Nói ra, thiếu hiệp có cười, tôi cũng đành chịu. Tôi thực sự yêu lịnh sư, yêu thầm, yêu trộm, vì đã có đại sư tỷ yêu công khai rồi! Mà cái sự yêu thầm nhớ trộm đó lại không qua lọt đôi mắt của Tạ Linh Vận! Hắn lợi dụng...

Quan Sơn Nguyệt hết sức chú ý, lắng nghe.

Liễu Y Ảo kêu lên:

- Sư tỷ! Không nói ra lại chẳng được sao?

Lý Trại Hồng thở dài:

- Phải nói mới được, sư muội ạ! Phải nói ra, cho lòng ngu thơ được nhẹ, ngu thơ cảm thấy mình có tội với đại sư tỷ, tuy đại sư tỷ không phiền trách, ngu thơ cũng chẳng thể dung thứ cho mình...


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-79)


<