← Hồi 09 | Hồi 11 → |
Nghe chuyện một hồi lâu, mọi người càng thấy khâm phục nhân cách của Hồ Nhất Ðao. Ðược biết Tuyết Sơn Phi Hồ là con trai ông ta, trong lòng ai nấy đều dấy lên một tình cảm khác thường. Tuy gặp anh ta chưa chắc đã có lợi gì song bất giác mọi người đều khao khát được gặp một lần, lại nghĩ chủ nhân nơi đây mời khắp lượt các cao thủ để chuẩn bị nghênh chiến thì e rằng bản lĩnh anh chàng đó hẳn cũng không thua kém gì phụ thân anh ta.
Miêu Nhược Lan bỗng hoảng hốt nói:
-Ôi trời! Các cao thủ được chủ nhân nơi này mời đến cùng cha tôi đều chưa lên núi! Nếu bắt gặp Tuyết Sơn Phi Hồ ở dưới núi, ắt sẽ động thủ. Cha tôi không biết Hồ gia là con trai của Hồ Nhất Ðao bá bá, nếu ông giết mất Hồ gia thì biết làm thế nào?
Bình A Tứ cười nhạt:
-Miêu đại hiệp tuy có tiếng khắp thiên hạ không ai địch nổi, nhưng nếu bảo một nhát kiếm giết được Hồ tướng công thì cũng chưa chắc! Khi cười, vết sẹo dài kéo trên cơ thịt lên càng khiến khuôn mặt người này xấu xí, ghê sợ.
Bình A Tứ lại nói:
-Hôm nay Hồ tướng công lên núi, một là do vận rủi của chủ nhân nơi này, hai là muốn tìm Miêu đại hiệp tỉ thí báo thù. Chỉ vì tôi tận mắt thấy mối giao tình thân thiết giữa hai vị Hồ, Miêu năm xưa, biết kẻ mưu hại Hồ đại gia thực ra là người khác. Tôi có khuyên Hồ tướng công đừng làm khó dễ cho Miêu đại hiệp, nhưng tướng công nói chỉ muốn hỏi trực tiếp Miêu đại hiệp cho rõ ràng mà thôi. Sau ở dưới núi, tôi gặp thầy lang Diêm Cơ này. Tuy xa cách đã hơn hai chục năm song tôi vẫn nhận được ông ta. Khi tôi theo lên núi, đốt thừng leo núi, đổ hết lương thực để cho mọi người cùng chết đói nơi này, cũng kể là báo đáp được ơn nghĩa của Hồ đại gia đối với tôi.
Mấy lời đó khiến mọi người nghe xong đưa mắt nhìn nhau, thầm nghĩ năm xưa Bảo Thụ tham của hại người, nay phải chết là đáng lắm. Có điều những người khác chẳng liên quan gì tới chuyện đó mà cũng phải bỏ mạng nơi này thì thật oan uổng quá.
Nhìn nét mặt của mọi người, Bảo Thụ biết họ rất oán trách mình, lão bèn đứng lên cầm lấy bảo đao và hộp sắt, nói to:
-Việc hôm nay, chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, cùng tìm cách xuống núi thôi.
Còn tên độc ác này...
Nói chưa dứt, bỗng nghe tiếng vỗ cánh, một con bồ câu trắng bay vào đại sảnh,đậu trên bàn. Miêu Nhược Lan mừng rỡ nói:
-A! Con chim đáng yêu quá!
Cô bước tới đưa tay nhẹ nhàng nâng con chim lên, vuốt ve lưng chim. Chợt thấy chân chim buộc một sợi dây, sợi dây từ chân chim thòng ra tận ngoài cửa. Miêu Nhược Lan bèn kéo vào. Sợi dây rất dài, kéo một thôi một hồi mà vẫn chưa thấy đầu dây. Cô nảy ý tò mò, luôn tay kéo dây, nhưng sợi dây này dường như dài vô tận. Ðiền Thanh Văn bước tới kéo giúp. Hai người thu về mấy chục trượng, bỗng thấy dây hơi nằng nặng, xem ra đầu dây phía kia có buộc vật gì đó.
Vu quản gia mừng quá, kêu to:
-Chúng ta được cứu rồi!
Mọi người đồng thanh hỏi:
-Sao cơ?
Vu quản gia đáp:
-Con bồ câu này do bản trang nuôi, dùng để báo tin giữa trên núi và dưới núi.
Nhất định là anh em bản trang ở dưới núi phát hiện dây leo núi đã bị chặt đứt nên thả chim cho bay lên, đầu dây buộc một vật gì đó để cứu chúng ta xuống núi đây.
Nghe câu đó, Bình A Tứ biến sắc mặt, gầm lên một tiếng rồi nhào tới toan giật đứt sợi dây.
Ân Cát đứng gần nhào người ra chận ngay trước mặt, hai tay gạt ngã Bình A Tứ.
Ðiền Thanh Văn nói:
-Cô nương, cẩn thận không thì đứt dây đấy!
Miêu Nhược Lan gật đầu. Sợi dây tuy mảnh, nhưng rất bền chắc, hai người càng kéo càng thấy nặng tay mà sợi dây không hề đứt. Kéo một lát nữa, Miêu Nhược Lan đã cảm thấy mỏi, Ðào Tử An nói:
-Miêu cô nương nghỉ đi, để tôi kéo cho.
Nói rồi, Tử An bước tới đón lấy sợi dây.
Nguyễn Sĩ Trung, Tào Vân Kỳ, Lưu Nguyên Hạc và mấy người nữa đã chạy ra ngoài cửa từ nãy để xem sợi dây kia buộc vật gì cứu họ.
Ðào Tử An và Ðiền Thanh Văn kéo một lúc nữa thì chợt nghe ngoài cửa có tiếng reo mừng ầm ĩ. Tay họ lập tức nhẹ bỗng, xem chừng vật buộc kia đã được kéo lên. Mọi người còn trong sảnh kéo hết ra ngoài. Nguyễn Sĩ Trung và Tào Vân Kỳ đứng ở mép vực, tay họ luân phiên lên xuống bận rộn khác thường, thì ra vẫn còn đang kéo dây. Sợi dây mảnh nối với một sợi dây to hơn, khi sợi dây to hơn thu hết thì kéo theo một dây chão cực lớn.
Mọi người reo hò rồi cùng xúm tay buộc sợi chão vào hai cây thông lớn bên bờ vực.
Lưu Nguyên Hạc nói:
-Chúng ta xuống thôi! Ðể tôi xuống trước!
Nói rồi hai tay nắm lấy chão, toan thả mình xuống núi. Ðào Bách Tuế vội quát:
-Hãy khoan! Sao lại là ngươi xuống trước? Ai biết ngươi xuống tới dưới ấy sẽ làm cái trò quỷ quái gì?
Lưu Nguyên Hạc vặn lại:
-Nếu đúng như người lời ngươi nói thì sau nào?
Ðào Bách Tuế sững người ra, thầm nghĩ người nào trên đỉnh núi này cũng không công tâm, chẳng ai tin ai, bất kể ai xuống trước thì người xuống sau đều không yên lòng. Lão bị hỏi độp một câu như vậy thật cũng khó trả lời.
Tào Vân Kỳ nói:
-Ðể mấy cô nương xuống trước, còn nam tử chúng ta phải rút thăm để phân định trước sau.
Hùng Nguyên Hiến nhỏ nhẹ nói:
-Thế này nhé! Thiên Long Môn, ẩm Mã Xuyên trại cùng Bình Thông tiêu cục chúng tôi, mỗi phái luôn phiên xuống núi một người. Mọi người cùng giám sát thì chẳng còn sợ ai gian trá được nữa.
Nguyễn Sĩ Trung nói:
-Thế cũng được! Bảo Thụ đại sư, xin ngài trả lại chiếc hộp sắt đi.
Nói rồi bước sấn tới, chìa tay về phía Bảo Thụ.
Lúc đầu, mọi người chỉ lo đến sống chết an nguy, bây giờ đại nạn đã qua mới lại nghĩ đến cái của báu đó. Vốn dĩ mọi người chỉ biết chiếc hộp sắt là báu vật khác thường của giới võ lâm, nhưng rút cục khác thường ở điểm nào, quý báu đến mức nào họ đều không biết. Ðến khi biết đấy là thanh quân đao của Sấm Vương để lại thì đã thấy vật này không phải tầm thường, lại nghe Bình A Tứ nói thanh quân đao ấy có liên quan đến kho báu lớn của Sấm Vương, mọi người mới càng nóng lòng,đỏ mắt. Các cụ già kháo nhau rằng sau khi Sấm Vương tiến vào kinh thành, các đại tướng dưới quyền là bọn Lưu Tông Mẫn vơ vét các nhà đại thần tôn thất triều Minh, của báu lấy được chất cao như núi; chẳng bao lâu bị đánh bại, từ đấy số của báu này cùng kho tàng nhiều năm của hoàng thất trong cung nhà Minh đều biệt vô tung tích. Nếu nhờ thanh đao và chiếc hộp sắt mà đào được kho báu thì trên đời này còn có của cải nào sánh ngang được nữa?
Bảo Thụ cười nhạt:
-Thiên Long Môn các ngươi có tài đức gì mà đòi độc chiếm bảo đao? Thanh đao này của Thiên Long Môn đã nắm giữ hơn một trăm năm rồi, bây giờ cũng nên đổi chủ đi thôi!
Nguyễn Sĩ Trung ngạc nhiên, tia mắt dữ dằn. Ân Cát, Tào Vân Kì không hẹn mà cùng sấn tới một bước, đứng bên cạnh Nguyễn Sĩ Trung. Bảo Thụ ngứa mắt nói:
-Chư huynh đệ muốn giở võ phải không? Nhớ năm nào Thiên Long Môn nhờ đao mà được của báu, nay lại vì đao mà mất của báu, như vậy cũng công bằng lắm mà!
Bọn Nguyễn Sĩ Trung cả giận, chỉ muốn nhào tới băm chém lão sư già này thành mấy khúc rồi đoạt lấy bảo đao, song vì sợ võ công cao siêu của lão nên không dám động thủ. Trước ánh mắt sáng quắc nhìn chằm chằm của lão, họ đành phải lui lại mấy bước.
Trong một lúc trên đỉnh núi tuyết yên lặng như tờ, chợt Cầm Nhi, cô hầu gái của Miêu Nhược Lan chỉ xuống núi, kêu lên:
-Tiểu thư trông kìa, hình như có người đang lên!
Mọi người hốt hoảng, nghĩ thầm: "Sao chúng ta chưa xuống núi mà lại có người lên thế nhỉ?". Họ ùa cả tới bên mép vực nhìn xuống dưới, chỉ thấy trên sợi dây chão có bóng áo trắng đang leo lên nhanh vun vút. Ðịnh thần nhìn kỹ thì ra là một người đàn ông mặc áo trắng.
Ðiền Thanh Văn nói:
-Miêu cô nương, phải lệnh tôn không?
Miêu Nhược Lan lắc đầu:
-Không phải, cha tôi không bao giờ mặc áo trắng cả.
Trong lúc hai tiểu thư nói chuyện, người mặc áo trắng đã leo tới gần thêm. Vu quản gia gọi to:
-Này, tôn giá là ai đấy?
Chợt nghe lưng chừng núi chợt vang một tràng cười, tiếng cười sang sảng làm chấn động cả hang núi. Trong chốc lát, khắp sườn núi đâu đâu cũng âm vang tiếng cả cười.
Thấy Bảo Thụ tay bưng hộp sắt đứng bên bờ vực, Nguyễn Sĩ Trung khẽ kéo tay Tào Vân Kỳ, chỉ vào lưng Bảo Thụ rồi vai phải nhún lên làm động tác hích. Tào Vân Kỳ hiểu ý, biết sư thúc ra lệnh cho mình hích lão ngã xuống núi, thầm nghĩ tên trọc già này bản lĩnh cao cường đến mấy thì từ đỉnh núi cao vạn trượng ngã xuống,làm sao giữ nổi mạng sống? Hộp sắt với bảo đao có rơi xuống cũng không hỏng,lần sau xuống núi tìm là được. Nguyễn Sĩ Trung, Tào Vân Kỳ gật đầu với nhau rồi cùng đồng thời giơ chân xông thẳng tới sau lưng Bảo Thụ. Lúc này, Bảo Thụ chỉ cách mép vực chừng hai gang tay, đang chăm chú nhìn phía dưới núi, không hề biết có người đang đột ngột ám hại ở phía sau.
Ðến khi nghe tiếng chân thì Nguyễn, Tào hai người đã xông tới ngay sau lưng.
Bảo Thụ đang kinh ngạc trước thần thái, thân pháp leo núi của người đàn ông áo trắng thì chợt cảm thấy bị đánh từ đằng sau. Hoảng hốt, trong lúc nguy cấp, lão bèn trổ ngay công phu "Thiết bản kiều", ngả người về bên trái. Công phu "Thiết bản kiều" này vốn là tuyệt chiêu cứu mạng tránh ám khí của kẻ địch. Thường lúc ấy ám khí đến quá nhanh, không kịp vọt lên hoặc tránh sang bên cạnh, đành chỉ gồng người rồi bất thần ngả người ra phía sau để ám khí trượt qua mặt, còn hai chân vẫn bám chắc mặt đất. Công phu càng cao thì lưng càng sát đất, cốt nhất là lên xuống nhanh, người phải thẳng, như thế gọi là "chân như thép đúc, người thẳng như ván,vươn nghiêng như cầu". Chiêu "Thiết bản kiều" này của Bảo Thụ lại khác với chiêu người ta thường dùng, lão không ngửa người về đằng sau mà lại nghiêng sang trái, hai chân như đóng đinh trên bờ vực, người vượt ra khỏng trống, có đến non nửa người nhô ra khỏi đỉnh núi tuyết phủ.
Nguyễn và Tào chạm được vào lưng Bảo Thụ, đang mừng vì tập kích đúng lúc,chợt thấy vai mình hích tới mà trước mắt không hề có chỗ chịu lực. Nguyễn Sĩ Trung võ công tinh diệu, vội vàng lộn một vòng lăn sang bên cạnh, còn Tào Vân Kỳ không kịp thu chân, cứ xông thẳng về phía trước nên rơi luôn người xuống dưới núi.
Mọi người hoảng hốt kêu lên. Bảo Thụ vươn lưng đứng thẳng lại, miệng nói:
-A di đà Phật! Tội nghiệp, tội nghiệp!
Lưng lão đã toát mồ hôi lạnh. Ðiền Thanh Văn sợ hãi, sắp ngất xỉu xuống đất.
Ðào Tử An đứng bên cạnh vội đưa tay đỡ.
Nhìn theo thân hình cao lớn của Tào Vân Kỳ lao thẳng xuống dưới, không ai là không kêu thất thanh, chỉ chốc lát thân hình gã sẽ nát vụn. Bỗng thấy người áo trắng quặp chặt sợi chão bằng hai chân, tay trái ấn vào vách đá, sợi chão cùng với thân hình anh ta như đánh đu, bay nhanh về phía Tào Vân Kỳ.
Lúc này, thời cơ và sức vận ra đều đúng độ. Người áo trắng vươn tay phải túm ngay được lưng áo Tào Vân Kỳ. Ngờ đâu, gã quá nặng, thế rơi rất nhanh, chỉ nghe soạt một tiếng, áo rách toạt, gã lại lao xuống. Trong lúc nghìn cân treo sợi tóc,người áo trắng vươn mình giơ tay, nắm ngay được chân bên phải của Tào Vân Kỳ.
Nhưng hai người vẫn rơi nhanh, thân hình họ càng thấy nhỏ dần, sau mấy chục trượng thì càng rơi nhanh hơn. Người áo trắng dù có võ công cao đến mấy thì sức của hai chân cũng không quặc nổi sợi chão, xem ra chỉ có buông Tào Vân Kỳ thì mới giữ được mạng sống. Trong lúc mọi người đầu ù mắt hoa, bỗng người áo trắng vung tay phải, quăng Tào Vân Kỳ về phía sợi chão.
Tào Vân Kỳ tuy hồn vía lên mây nhưng hai tay chạm vào sợi chão thì lập tức túm chặt ngay lấy. Những ai sắp chết thì dù có vớ được cọng cỏ rác cũng sẽ nắm giữ thật chắc, đến chết cũng không chịu buông, đó là do bản năng cầu sống. Lúc này,Tào Vân Kỳ cũng vậy. Võ công của gã vốn không đủ để nắm chắc lấy sợi chão,tránh cho hai người khỏi phải rơi nhanh, nhưng không biết sức lực ở đâu mà phút chốc tăng lên đến mấy lần. Sợi chão lạng đi, mang theo hai người bay sang phía trái. Người áo trắng vận sức ở lưng, lộn người lại là tay trái đã nắm được chão. Anh ta nói vài câu gì đó bên tai Tào Vân Kỳ rồi vỗ vỗ vào lưng gã. Hồn vía còn đang trên mây nhưng Tào Vân Kỳ vừa nghe mấy câu đó chẳng khác nào tiếp được thánh chỉ, vội vàng hai tay luôn phiên nắm chão leo lên.
Ðứng bên bờ vực, mọi người tận mắt thấy cảnh nguy hiểm táng đởm kinh hồn đó, miệng ai nấy há hốc. Tào Vân Kỳ leo được đến bờ vực, Ân Cát và Chu Vân Dương lao ngay tới túm chặt hai tay gã kéo lên, rồi cùng hỏi:
-Người áo trắng là ai vây?
Tào Vân Kỳ thở hổn hển đáp:
-Vị anh hùng đó bảo tôi lên báo rằng... Tuyết Sơn Phi Hồ đã tới!
Khí thế của người áo trắng khiến mọi người đều hoảng, đều sững người ra một lúc. Chợt có ai đó kêu lên "ối chao" rồi chạy vội vào trong trang trại.
Chẳng còn kịp nghĩ ngợi, mọi người cùng chạy qua cổng. Ðào Bách Tuế, Lưu Nguyên Hạc, Nguyễn Sĩ Trung cả ba cùng lúc tới cổng, người nọ chen đẩy người kia tranh nhau vào trước. Tào Vân Kỳ nhanh chân đến đỡ Ðiền Thanh Văn, trong lúc vội vàng túi bụi đó, gã cùng Ðào Tử An còn kịp choảng nhau mấy quả. Sau một hồi náo loạn, người ngoài cổng đã chạy vào hết, chẳng còn một ai. Vu quản gia và Cầm Nhi đỡ Miêu Nhược Lan ào sau cùng, thì vừa vặn cổng đóng.
Thấy Hùng Nguyên Hiến đóng cổng. Ân Cát lập tức mang gióng cổng ra tra ngay vào.
Ðào Bách Tuế còn sợ chưa đủ chắc, lấy thêm cột chống chèn thật chặt.
Lúc này, Ðiền Thanh Văn đã tỉnh, nói:
-Cái tên Tuyết Sơn Phi Hồ đó vốn không quen biết gì ta, việc gì phải sợ hắn?
Nguyễn Sĩ Trung lừ mắt:
-Vốn không quen biết à? Hừm, cha cô tử thù với cha hắn, hắn chịu tha cho cô chắc?
Lưu Nguyên Hạc cũng nói:
-Chúng ta làm Bình A Tứ bị thương, tên Tuyết Sơn Phi Hồ ấy chịu bỏ qua sao?
Ðào Tử An bỗng chỉ tay ra phía đầu tường, nói:
-Chúng ta chặn chắc cổng, hắn lại không thể vào bằng lối kia à?
Nguyễn Sĩ Trung đáp:
-Ðúng thế! Ðào thế huynh, hãy lên trên cao canh chừng!
Ðào Tử An cười nhạt:
-Nguyễn sư thúc võ công cao, xin mời hãy lên trên đó!
Lời vừa dứt, bỗng nghe rắc rắc mấy tiếng cực lớn, cột chống và gióng cổng đều gãy tan, rồi ầm một tiếng nữa, hai cánh cổng lớn đã bị đẩy tung. Mọi người sợ hãi kêu to, ùa chạy cả vào sân trong, chỉ một loáng trên đại sảnh đã chẳng còn một ai.
Khi thoạt nghe Bình A Tứ kể những chuyện trước kia của Hồ Nhất Ðao, mọi người đều muốn gặp người con còn sống sót của ông, nhưng khi chính Tuyết Sơn Phi Hồ thực sự lên núi, tận mắt thấy thân thủ của chàng siêu việt đến thế, ai nấy đều bất giác thấy ớn, lại thấy trong bọn có người bỏ chạy, hù nhau sợ hãi, anh sợ tôi càng sợ, bao nhiêu hào khí hùng phong thường ngày đều tan biến lên trời xanh tất cả.
Vu quản gia toan tìm Bảo Thụ ra chống chọi lại, nhưng nhìn quanh chẳng thấy Bảo Thụ đâu, không biết lão núp vào xó nào, thầm nghĩ "Chủ nhân giao mọi việc trên trang trại cho ta, thôi thì dù phải liều chết cũng bảo toàn cho được thể diện của chủ nhân". Quản gia bèn khẽ bảo Miêu Nhược Lan:
-Cô nương mau vào buồng phu nhân, cùng phu nhân tránh vào mật thất dưới hầm, đừng để cho ai thấy. Bọn người trên này chẳng ai có tâm địa tốt cả, để tôi ra gặp Tuyết Sơn Phi Hồ.
Miêu Nhược Lan liếc nhìn Trịnh Tam Nương và Ðiền Thanh Văn, nói:
-Tôi đưa hai vị này cùng xuống hầm nhé!
Vu quản gia vội vàng lắc đầu, nói nhỏ:
-Chớ, hai người đàn bà ấy chắc gì đã là người tốt. Cô nương và phu nhân đều là bậc thiên kim, xin đừng để ý đến người khác.
Miêu Nhược Lan nói:
-Nếu anh chàng họ Hồ đó muốn giết người đốt trại, ông ngăn cản được sao?
Vu quản gia đưa tay chạm vào cán thanh đao giắt ở lưng, buồn bã đáp:
-Hôm nay là ngày Vu mỗ lấy cái chết để báo ơn chủ. Chỉ cần phu nhân và cô nương bình an vô sự là Vu mỗ không hổ thẹn với chủ nhân rồi.
Miêu Nhược Lan nghĩ ngợi giây lát, nói:
-Tôi và ông cùng ra gặp anh chàng họ Hồ.
Vu quản gia cuống lên, cáu:
-Miêu cô nương, cô nương không nghe lão hoà thượng đó nói rằng lệnh tôn Miêu đại hiệp và hắn có mối thù giết cha đó sao! Nếu cô nương không chịu tránh,rơi vào tay hắn thì... thì...
Miêu Nhược Lan cắt ngang:
-Từ khi tôi nghe cha tôi kể chuyện cũ của Hồ bá bá, tôi luôn mong cho con ông còn sống trên đời và cũng mong thế nào cũng có ngày gặp mặt. Việc gặp hôm nay tuy nguy hiểm nhưng nếu từ đây không còn được gặp mặt nhau, tôi sẽ ôm hận suốt đời.
Mấy lời này tuy ôn hoà hiền dịu song ý tứ thì rất kiên định. Vu quản gia biết không thể trái lời, thầm nghĩ:
-Cô gái này, sức chẳng đủ trói gà mà sao dũng cảm kiên quyết đến thế. Thật không hổ thẹn là con gái Miêu đại hiệp Kim Diện Phật! Những là "Trấn Quan Ðông", "Uy Chấn Thiên Nam", danh hiệu kiêu đấy, nhưng so với Miêu cô nương nếu bọn họ không xấu hổ mà chết thì cũng là bọn mặt dày mày dạn quá lắm!
Vu quản gia vốn cũng sợ hãi nhưng thấy Miêu Nhược Lan thần sắc điềm tĩnh thì nỗi sợ giảm đi liền. Ông ta buộc chặt lại dây lưng, đặt hai chén có nắp bằng sứ hoa xanh lên khay trà, rót nước trà vào rồi đi ra ngoài sảnh.
Miêu Nhược Lan theo sau.
Vu quản gia bước ra khỏi sảnh thấy người áo trắng nghoảnh mặt ra phía ngoài,hai tay chống nạnh, ngửa mặt nhìn trời, bèn nói to:
-Hồ đại gia xa xôi đến đây, chúng tôi không nghênh đón từ trước, xin thứ lỗi.
Nói xong, dâng trà tới. Người áo trắng nghe tiếng Vu quản gia liền quay đầu lại,nhìn ngay thấy Miêu Nhược Lan.
Cô tiểu thư xinh xắn thanh nhã này có vẻ yếu ớt mà yêu kiều, mắt trong như sao xa, ngượng ngùng e thẹn đứng đó khiến chàng bất giác ngẩn người.
Miêu Nhược Lan hấy người đó râu quai nón đâm tua tủa, tóc rậm nhưng không tết bím, để lật ngang dựng ngược như cỏ rối thì cũng kinh ngạc. Từ nhỏ cô đã có tình cảm thương xót tiếc nuối cho con trai Hồ Nhất Ðao; mỗi khi nghĩ đến đều thương y bị người ta bắt nạt ngược đãi đủ điều. Nay mới được gặp mặt, cô không ngờ y lại là một trang nam tử mạnh mẽ dữ dằn như vậy, trong lòng không khỏi vừa kinh hoàng, vừa thất vọng. Song cô lại nghĩ thầm: "Hồ Nhất Ðao bá bá dung mạo oai nghiêm, con trai bá bá sinh ra cũng phải như vậy, có gì là lạ? Chỉ vì lâu nay mình nghĩ nhầm về y mà thôi".
Nghĩ vậy, cô liền bước tới cúi chào, miệng khẽ nói:
-Tướng công vạn phúc!
Hồ Phỉ với biệt hiệu Tuyết Sơn Phi Hồ lần này đến lên núi cầm chắc sẽ quyết đấu một trận sống mái với các cao thủ tụ tập trên đỉnh núi, nào ngờ người trên trang trại ra gặp lại là một cô tiểu thư xinh đẹp, chàng bất giác ngạc nhiên thầm nghĩ "Cứ để xem họ giở quỷ kế gì!". Ðoạn cũng vái chào lại, nói:
-Tại hạ Hồ Phỉ xin chào! Dám hỏi quý tính cao danh của cô nương?
Vu quản gia đưa mắt ra hiệu cho Miêu Nhược Lan, ngầm bảo cô bịa ra cái tên giả, chớ có để lộ mình là con gái Miêu Nhân Phượng. Nào ngờ Miêu Nhược Lan dường như không hiểu ý, nói luôn:
-Hồ thế huynh, chúng ta thuộc hai họ có mối giao tình nhiều đời nay, tiếc là chưa từng gặp mặt nhau bao giờ đấy thôi. Tôi họ Miêu.
Hồ Phỉ thấy ớn lạnh trong lòng nhưng không hề để lộ ra nét mặt, hỏi tiếp:
-Cô nương là thế nào với Miêu đại hiệp Kim Diện Phật?
Ðứng bên cạnh Miêu Nhược Lan, Vu quản gia cuống lên, vội giật vạt áo cô,song cô vẫn không để ý, đáp:
-Kim Diện Phật là gia phụ của tôi.
Hồ Phỉ giật mình, nghĩ thầm "thì ra là cô ta", miệng nói:
-Cớ sao lệnh tôn không ra tương kiến?
Vu quản gia sờ tay vào cán đao, sợ Hồ Phỉ xuất thủ mưu hại. Khi liếc mắt nhìn Miêu Nhược Lan, ông thấy thần sắc cô vẫn như thường, bất giác than thầm: "Cô gái này nhỏ tuổi không hiểu biết gì thật! Ðứng trước mặt là kẻ có mối thù cha bị giết, thế mà cô ta vẫn chẳng biết trời cao đất dày chi hết, nói toạc chân tướng của mình!
Lại nghe cô đáp:
-Cha tôi chưa lên núi. Nếu ông biết Hồ thế huynh là con trai kẻ thù thì dù có việc cần kíp lớn như trời cũng gác lại để tới đây gặp mặt.
Hồ Phỉ lấy làm lạ, hỏi:
-Cô nương biết thân thế của tại hạ mà lệnh tôn lại không biết là cớ làm sao?
Miêu Nhược Lan đáp:
-Cũng chỉ vừa nghe lệnh hữu họ Bình nói mới biết đó thôi!
Hồ Phỉ nói:
-A, thì ra Bình Tứ thúc thúc đến đây rồi. Ông ấy đâu?
Vu quản gia sững người, liếc nhìn quanh đại sảnh nhưng không thấy bóng dáng Bình A Tứ đâu. Vết máu tươi loang trên đất vẫn chưa khô, ông thầm nghĩ: "Từ lúc chim bồ câu tha dây lên, ai nấy chỉ nghĩ đến việc xuống núi để thoát chết nên quên bẵng con người ấy. Hắn là ân nhân cứu mạng của Hồ Phỉ, nếu hắn có chuyện gì bất trắc, hẳn tai vạ càng lớn hơn mất thôi!"
Thấy Vu quản gia nhìn vết máu tươi trên mặt đất rồi tái mặt đi, Hồ Phỉ quát to:
-Máu của Bình thúc thúc ta có phải không?
-Phải ạ! -Vu quản gia không dám nói dối, đành lên tiếng đáp.
Hồ Phỉ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhờ Bình A Tứ nuôi dưỡng cho đến khi khôn lớn,tình cảm sâu nặng như cha đẻ, lẽ nào nghe thấy thế chẳng thất kinh? Bèn nhảy vọt đến trước mặt, giơ tay nắm chặt lấy cánh tay phải Vu quản gia, nghiêm giọng quát:
-Thúc thúc ta ở đâu? Ra... sao rồi?
Vu quản gia cảm thấy đau đớn khác thường, chẳng khác gì hai gọng kìm càng kẹp càng chặt, đành nghiến răng gắng sức chịu đau, mồ hôi trán rỉ ra to bằng hạt đậu, nhưng không nói được lời nào.
Miêu Nhược Lan từ tốn nói:
-Hồ thế huynh bất tất phải nổi nóng, Bình thúc vẫn bình yên ở trong kia!
Nói xong, cô chỉ tay vào căn buồng mé tây, Hồ Phỉ buông cánh tay Vu quản gia rồ i nhún người"bình" một nhát, đá tung cửa phòng đó ra. Thấy Bình A Tứ nằm trên giường thở nặng nhọc, Hồ Phỉ mừng quá gọi:
-Thúc thúc không việc gì chứ?
Từ nãy ở trong buồng, Bình A Tứ đã nghe tiếng Hồ Phỉ, bèn đáp nhỏ:
-Không việc gì đâu, cháu yên tâm!
Hồ Phỉ nhào tới trước mặt, thấy Bình A Tứ mặt vàng như nghệ, hơi thở yếu ớt thì nỗi mừng vừa nãy chuyển ngay thành nỗi lo. Chàng hỏi:
-Làm sao mà thúc thúc bị thương? Vết thương có nặng lắm không?
Bình A Tứ đáp:
-Việc này nói ra dài lắm. Nếu không có Miêu cô nương cứu cho thì đời ta không còn gặp cháu nữa!
Thì ra mọi người thấy chim bồ câu trắng kéo dây lên thì ùa cả ra ngoài sảnh như ong vỡ tổ. Miêu Nhược Lan thừa cơ, cùng Cầm Nhi vực Bình A Tứ vào căn phòng mé Tây. Sau đó, Bảo Thụ toan hại tính mạng Bình A Tứ song tìm không thấy và tình thế khẩn cấp chẳng kịp tìm kĩ, nhờ đó Bình A Tứ mới được bảo toàn.
Hồ Phỉ gật đầu, lấy từ trong túi ra một viên thuốc màu đỏ, bỏ vào miệng Bình A Tứ, nói:
-Thúc thúc hãy uỗng viên thuốc trị thương này.
Thấy Bình A Tứ đã nuốt viên thuốc, Hồ Phỉ mới yên tâm trở ra ngoài sảnh vái dài Miêu Nhược Lan một cái, nói:
-Ða tạ cô nương đã cứu mạng thúc thúc tôi.
Miêu Nhược Lan vội vái đáp lễ, nói:
-Bình thúc thúc là người nhiệt thành, tiểu muội lấy làm khâm phục. Chút công nhỏ đó có gì đáng nhắc tới đâu?
Hồ Phỉ nói:
-Sống chết là việc lớn, sao lại có thể là công nhỏ được? Tại hạ cảm kích vô cùng.
Miêu Nhược Lan thấy dáng vẻ chàng thô kệch, song nói năng rất nho nhã bèn nói:
-Hồ thế huynh từ xa đến đâu mà trang trại lại không có gì khoản đãi. Cầm Nhi,mang rượu ra đây!
Hồ Phỉ nói:
-Chủ nhân nơi này có hẹn sẽ gặp vào chiều nay, sao đến lúc này vẫn còn chưa ra mắt?
Miêu Nhược Lan đáp:
-Chủ nhân vì có việc gấp phải xuống núi, có thể giữa đường gặp chuyện gì đó không kịp trở về nên lỡ hẹn với thế huynh, tiểu muội xin tạ lỗi trước.
Thấy nàng ứng đối phải phép, Hồ Phỉ càng lấy làm lạ, thầm nghĩ: "Họ Miêu,Phạm, Ðiền xưa nay vẫn cho là lắm nhân tài, làm sao bọn nam tử đều núp phía sau để cho cô thiếu nữ chân yếu tay mềm như thế này ra chống đỡ? Cô gái lại tỏ ra không hề sợ ta, lẽ nào cô ta võ nghệ cao cường mà cố ý giấu kỹ không để lộ ra?".
Nghĩ tới đây, thấy Cầm Nhi tay đỡ cái khay gỗ, trên khay là một hồ rượu lớn và một cốc uống rượu. Cầm Nhi tay trái đỡ khay, tay phải rót rượu ra cốc, tươi cười nói:
-Hồ tướng công, gà vịt thịt cá cùng rau quả trên núi đều bị Bình thúc thúc của ngài đổ đi hết rồi. Xin lỗi nhé, đành mời ngài chén rượu suông này vậy!
Hồ Phỉ thấy cái khay vừa vặn ở giữa chàng và Miêu Nhược Lan, lập tức giơ tay trái khẽ đẩy mép khay, cái khay xô thẳng vào vai Miêu Nhược Lan. Cú đổ này tuy tựa hồ xuất thủ rất nhẹ mà thực là mượn sức đánh người. Người bị đánh nếu không biết mà chống đỡ thì chẳng khác nào bị binh khí sát thương. Miêu Nhược Lan không biết võ nghệ nên chỉ theo lẽ tự nhiên nhún nhường một chút chứ không biết xuất chiêu hoá giải sức mạnh đó, xem ra lần này nàng không tránh khỏi bị thương.
Vu quản gia thất kinh. Tự biết võ công của mình thua kém Hồ Phỉ rất xa, dù có bất chấp tính mạng xông tới cứu viện cũng chẳng được việc gì, đành kêu to:
-Ôi chao!
Chỉ thấy hai ngón tay trái của Hồ Phỉ đã nhanh nhẹn phi thường níu lại cái khay.
Ðộng tác này phối hợp cực chuẩn, mép khay chỉ vừa đủ chạm nhẹ vào áo ngoài của Miêu Nhược Lan thì dừng ngay. Nàng không hề biết rằng chỉ trong nháy mắt nàng đã đi một vòng từ sống tới chết và từ chết trở về cõi sống.
Hồ Phỉ nói:
-Lệnh tôn đi khắp thiên hạ không ai địch nổi, làm sao lại không truyền võ công cho cô nương? Vốn từng nghe trong kiếm môn của Miêu gia, con trai con gái đều được truyền như nhau cơ mà?
Miêu Nhược Lan đáp:
-Cha tôi quyết ý hoá giải mối oán thù nhằng nhịt hơn một trăm năm nay cho nên kiếm pháp của nhà họ Miêu đến cha tôi thì dứt, không còn truyền cho con cháu nữa.
Hồ Phỉ rất ngạc nhiên, tay cầm chén rượu cứ để ngang lưng chừng, lát sau mới đưa lên môi uống rồi nói to:
-Miêu Nhân Phượng, Miêu đại hiệp! Hay lắm, quả là xứng đáng với hai chữ "đại hiệp"!
Miêu Nhược Lan ói:
-Tôi từng nghe cha tôi kể chuyện của lệnh tôn ngày trước. Lúc ấy lệnh đường mời cha tôi uống rượu, người xung quanh đều nói đề phòng trong rượu có thuốc độc. Cha tôi nói: "Hồ Nhất Ðao là anh hùng trong thiên hạ, quang minh lỗi lạc, há chịu giở thủ đoạn đê tiện đó sao?". Hôm nay tiểu muội mời thế huynh uống rượu.
Hồ thế huynh cũng điềm nhiên uống cạn, lẽ nào không sợ người khác ám hại hay sao?
Hồ Phỉ cười, lấy từ trong miệng ra một viên thuốc màu vàng, nói:
-Tiên phụ trúng gian kế của kẻ khác mà chết, nếu tôi không đề phòng chẳng phải ngu ngốc hay sao? Viên thuốc này giải độc rất tốt, chất độc nào cũng không xâm hại được. Có điều vừa nãy nghe cô nương nói, hoá ra lòng dạ tôi mới thực hẹp hòi!
Nói xong, chàng tự rót thêm chén rượu nữa và uống cạn. Miêu Nhược Lan nói:
-Trên núi không có gì để nhắm, thực là xem thường khách. Tiểu muội lượng hẹp, lại không thể bồi tiếp bậc quân tử. Người xưa tìm hứng uống rượu bằng thơ phú, nay tiểu muội có một cây đàn, xin gẩy một khúc mua vui, nhưng chỉ e làm rát tai mắt thôi.
Hồ Phỉ mừng rỡ nói:
-Xin được nghe khúc đàn!
Cầm Nhi không đợi chủ sai bảo đã vào phòng trong ôm ra một cây đàn cổ, đặt lên bàn, lại thay một lò hương mới.
Miêu Nhược Lan buông lơi cổ tay, "tình tang, tình tang" dạo lên mấy tiếng rồi đàn tiếp, sau đó vừa gảy đàn vừa khe khẽ hát:
Ngày sau đại hạn Miệng khát lưỡi khan Hôm nay vui vẻ Ðều cùng hỉ hoan Trải qua non cao Cỏ Chi lật ngang Tiên ông Vương Kiều Cho thuốc một hoàn Hát đến đây, tiếng dàn còn vang mà lời lời hát đã dứt.
Hồ Phỉ trải qua bao khổ nạn thời niên thiếu, chỉ biết chuyên tâm luyện võ, hơn hai tuổi mới học chữ nhưng cũng nghe hiểu bài ca cô gái hát hát là khúc Thiện tai hành, một bài hát chủ khách đáp tặng nhau trong yến hội thủa xưa. Nhưng từ đời Hán, Nguỵ trở về sau ít người dạo hát, không ngờ hôm nay lên núi báo thù lại gặp được một việc giàu phong vị cổ xưa đến thế. Trong tám câu nàng hát, bốn câu trước khuyên mời khách tận hứng uống rượu, bốn câu sau chúc tụng khách trường thọ. Vừa nãy, Hồ Phỉ ngậm viên thuốc giải độc trong miệng thì vừa hay trong câu hát cũng có nhắc đến thuốc tiên Linh Chi, như thế là hàm hai nghĩa vậy. Chàng bèn vỗ nhẹ và ngâm theo:
Tiếc tay áo ngắn Cánh tay lạnh ran Thẹn không vật lạ Báo đáp Triệu Tuyên..
Lời ngâm này có nghĩa chủ nhán ân cần tiếp đón khiến khách tự thẹn không có vật gì xứng báo đáp.
Miêu Nhược Lan nghe chàng đáp lại cũng bằng lời ca trong khúc Thiện tai hành thì rất vui, thầm nghĩ: "Người này văn võ song toàn, nếu cha mình biết Hồ bá bá có người con nối dõi như thế ắt là sung sướng lắm!".
Liền đó nàng hát nối:
Trăng tà, Bắc Ðẩu Treo ngang lan can Bạn thân đến cửa Ðói chẳng kịp ăn Mấy câu này ý nói tuy trời đã tối, nhưng có khách đến thăm, chủ nhà mừng quá chẳng kịp ăn cơm.
Hồ Phỉ cũng tiếp lời:
Ngày vui vốn ít Buồn khổ nhiều mà Lấy gì khuây khỏa Rượu, đàn, hát ca Hoài nam tám vị Vui đạo quên hà Cưỡi xe sáu rồng Chơi chốn mây xa Bốn câu cuối cùng ngỏ ý chúc chủ nhà thành tiên trường thọ, tương ứng với lời chúc lúc đầu của chủ nhà.
Hồ Phỉ ngâm xong nâng chén rượu uống cạn rồi vòng tay đứng chờ.
Miêu Nhược Lan cũng phẩy dây ngừng đàn, đứng lên. Hai người ngoảnh mặt vào nhau mà thi lễ.
Hồ Phỉ đặt chén lên bàn nói:
-Chủ nhân trang trại hôm nay chưa về kịp, vậy ngày mai tôi xin đến thăm.
Nói xong, chàng rảo bước tới căn phòng phía Tây, cõng Bình A Tứ lên lưng, khẽ cúi chào Miêu Nhược Lan rồi ra khỏi đại sảnh. Miêu Nhược Lan ra cổng tiễn thì chỉ thấy lưng chàng thấp thoáng bên bờ vực rồi chàng theo dây tuộc xuống dưới chân núi. Nàng lặng lẽ ngây người nhìn tuyết trắng phủ khắp núi. Cần Nhi lên tiếng nhắc:
-Tiểu thư nghĩ gì thế? Mau vào nhà đi, lạnh đấy!
Miêu Nhược Lan đáp:
-Ta không thấy lạnh.
Thực ra lòng cô đang nghĩ gì cô cũng không biết. Cầm Nhi giục đến lần thứ hai,cô mới chậm rãi trở vào trong phòng. Vào tới đại sảnh, cô thấy mọi người ngồi đầy cả sảnh. Thì ra vừa nãy họ trốn mất tăm mất tích, trong chốc lát không biết lại từ đâu kéo ra. Ai nấy nhao nhao hỏi:
-Hắn đi rồi à?
-Hắn nói những gì?
-Hắn bảo khi nào quay lại?
-Hắn lên núi để báp thù phải không?
-Hắn muốn tìm ai?
Miêu Nhược Lan thầm coi khinh lũ người nhát gan này. Khi nguy cấp ai nấy đều bỏ chạy, để mặc một người con gái yếu đuối như cô đối phó với kẻ địch mạnh, bèn chỉ nhạt nhẽo đáp:
-Vị ấy chẳng nói chi hết!
Bảo Thụ bảo:
-Tôi không tin. Cô đón tiếp hắn một lúc lâu như vậy, thế nào hắn cũng phải nói gì chứ?
Miêu Nhược Lan vốn không ưa những kẻ gây chuyện, nhưng lúc này lòng cô vui sướng, tim cô lâng lâng, cô chỉ muốn trễu cợt người khác. Thấy ai nấy đều tỏ ra háo hức, cô bèn nói:
-Hồ thế huynh bảo lần này lên núi là cốt báo thù cho cha, nhưng tiếc rằng kẻ thù đã lánh mặt. Bây giờ vị ấy chờ ở dưới núi, đợi kẻ thù xuống núi, xuống một người,giết một người, xuống hai người, giết hai người.
Mọi người sợ hãi đều nghĩ: "Trên núi không có lương thực, dưới núi lại có thái tuế hung dữ đợi sẵn, thế thòi biết làm sao đây?".
Miêu Nhược Lan nói:
-Hồ thế huynh có nói số người trên núi ai cũng có thù, chỉ có thù ít hoặc thù nhiều mà thôi. Vị ấy ân oán phân minh, thù nhiều trả nhiều, thù ít trả ít, không bao giờ trả thù nhầm người tốt. Vị ấy có nhờ tôi hỏi chư vị vì sao lại cùng đến nơi giá rét này ngoài quan ải này, phải chăng là muốn hợp sức hại vị ấy?
Trừ Bảo Thụ ra, mọi người đều nhất loạt đáp:
-Trước đây chúng tôi chưa bao giờ nghe danh Tuyết Sơn Phi Hồ thì làm gì có thù oán với y? Càng làm gì có chuyện chung sức hại y?
Miêu Nhược Lan nói với Ðào Bách Tuế:
-Ðào bá bá, cháu có một việc không hiểu rõ, xin được thỉnh giáo.
Ðào Bách Tuế đáp:
-Cô nương cứ nói.
Miêu Nhược Lan nói:
-Vừa nãy, Bình Tứ thúc thúc kể Hồ Nhất Ðao bá bá có nhờ đại sư Bảo Thụ chuyển lại cho cha cháu về ba việc lớn, nhưng cha cháu kể lại đầu đuôi sự việc thì không hề nhắc tới chi tiết này. Bá bá từng nói biết rõ nguyên do, vậy bá bá có thể cho cháu nghe được không?
Ðào Bách Tuế đáp:
-Cô nương dù không hỏi, tôi cũng đang định kể đây!
Rồi chỉ vào bọn Nguyễn Sĩ Trung, Ân Cát, Tào Vân Kỳ, lão lớn tiếng nói:
-Mấy vị anh hùng của Thiên Long Môn này vu cáo cho con tôi giết chết thân gia Ðiền Quy Nông! Hừm, hừm!
Vốn dĩ thường nói lớn, lúc này lão đang tức giận nên tiếng nói vang như lệnh vỡ:
-Tôi sẽ kể câu chuyện đó từ đầu, xin các vị công tâm nhận xét phải trái, đúng sai hộ cho!
Ân Cát nói:
-Hay lắm, hay lắm! Chúng tôi đang muốn thỉnh giáo Ðào trại chủ đây!
← Hồi 09 | Hồi 11 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác