← Hồi 62 | Hồi 64 → |
Nguyên Thông điều tức một hồi đã thấy người hết mệt mỏi liền đứng dậy chào mọi người.
Nhược Hoa vội chạy lại nắm lấy tay chàng, nức nở hỏi:
- Nguyên đệ, bệnh của của cha chị ra sao? Hiền đệ đừng có giấu giếm, phải nói thực cho tôi hay!
Nguyên Thông đáp:
- Bệnh của nhị bá phụ không sao đâu, chị cứ yên tâm!
Đường Toại lớn tiếng nói:
- Lão đệ đừng có nói dối, vừa rồi mỗ đã thăm mạch của y rồi, mười bốn chủ mạch đều bị cản trở, đây là một bệnh bất trị.
Nguyên Thông gật đầu đáp:
- Phải, không những mười bốn chủ mạch của bá phụ bị người ta điểm hết, mà kẻ địch lại còn dùng Đông Mạch thủ pháp để điểm huyệt. Thủ pháp điểm huyệt ấy là một thủ pháp ác độc nhất thiên hạ. Theo y lý thì người nào bị kẻ thù dùng Đông Mạch thủ pháp điểm thương chín chủ mạch rồi thì Hoa Đà tái thế cũng không sao cứu sống được. Giỏi lắm chỉ để sống thêm vài ngày thôi và không...
Nguyên Thông chưa kịp nói dứt lời thì Nhược Hoa đã nghĩ thầm:
- Hoa Đà tái thế mà cũng không cứu được cha ta thì Nguyên đệ sao mà chữa sống lại được.
Nghĩ đoạn nàng vừa khóc vừa hỏi:
- Nguyên đệ, cha chị không sao chữa khỏi được nữa, phải không?
Nguyên Thông thấy nàng khóc bù lu bù loa như vậy, vội an ủi:
- Nhưng người hạ thủ có dụng ý riêng, y để lại cho một sinh cơ rất mong manh, nếu đệ không thăm kỹ thì không sao khám phá ra được, và nếu đã không khám phá ra được thì quả thực không có cách gì cứu chữa cho bá phụ hết.
Mọi người nghe thấy chàng nói như vậy mới bớt lo. Hướng Tam thúc giục:
- Nguyên đệ mau nói rõ cho mọi người nghe đi!
Sự thực, Nguyên Thông có ngắt lời đâu, chỉ vì Hướng Tam nóng lòng nên mới xen lời nói như vậy.
Long Lập trách y:
- Nguyên đệ đang nói, sao hiền đệ lại phá bĩnh như thế.
Đường Toại cũng xen lời nói:
- Các người khỏi cần phải nói nhiều, đã làm lỡ mất nhiều thời giờ quý báu lắm rồi!
Mọi người nhìn nhau tủm tỉm cười, không khí trong phòng đã bớt nghiêm trọng.
Nguyên Thông chờ mọi người yên lặng, và tâm thần mình cũng đã tỉnh hẳn mới nói tiếp:
- Khi người ấy ra tay điểm huyệt còn để lại lục kinh chưa điểm chết, cho nên tôi mới mới hãy còn chút hy vọng là thế!
Tăng Bật vội xen lời nói:
- Nếu có hy vọng sao hiền đệ không mau ra tay cứu chữa đi.
Nhâm Tố Hành liền cãi hộ cho Nguyên Thông:
- Nguyên Thông đã tận hết sức rồi.
Nguyên Thông nói tiếp:
- Vừa rồi tôi đã dồn một bộ phận tinh nguyên của bổn thân vào trong người bá phụ, để cho tâm trạng của ông được hoạt động lại. Tạm thời ông có thể chịu đựng được mười hai tiếng đồng hồ mà những vết thương không bị biến chuyển. Còn về cách chữa chạy, vì hiện đang thiếu thuốc, nên không sao tiếp tục chữa được.
Đường Toại nhắc chàng:
- Hồi Thiên Tái Tạo hoàn của Thần Y chả là một thứ linh dược để cứu chữa người sắp hấp hối là gì!
Nguyên Thông cau mày lại, thở dài đáp:
- Tiểu điệt đã dùng hết Hồi Thiên Tái Tạo hoàn rồi, vì vậy mỗi ngày phải dồn sức sang cho bá phụ để duy trì tính mạng của ông.
Tăng Bật lại xen lời hỏi:
- Nếu vậy hiền đệ không sao rời khỏi nơi đây để đi kiếm thuốc cứu chữa cho Lý bá phụ hay sao?
Nguyên Thông lắc đầu đáp:
- Việc tìm thuốc không khó, chỉ nhờ đệ tử của Cái bang đưa tin về Lư Sơn cho ông ngoại của tiểu đệ là sẽ có cách sắp xếp liền. Nhưng mỗi ngày đệ phải dùng nội lực dồn sang cho Lý bá phụ như thế, công lực tất phải giảm sút. Chờ tới khi có thuốc cứu chữa rồi, chỉ sợ không đủ hơi sức để đả thông kinh mạch cho Lý bá phụ thôi.
Đường Toại bỗng la lớn:
- Lão biết rồi, lão biết rồi!
Lời nói quá đột ngột, khiến ai cũng không hiểu y định làm gì. Đường Toại lại lớn tiếng nói tiếp với Nguyên Thông:
- Cậu bé kia, cậu không hiểu hay sao? Đây là một thứ âm mưu!
Nguyên Thông giật mình kinh hãi và tỉnh ngộ, đáp:
- Ồ! Tiểu bối cũng hiểu rồi!
Đường Toại cũng vội hỏi:
- Ngươi hiểu gì nào?
Nguyên Thông đáp:
- Tiểu điệt nhất tâm cứu chữa cho Lý bá phụ, sẽ quên hết các vấn đề hiện thực.
Đường Thoại lại tiếp:
- Đừng nói nhiều nữa, mau chỉ nói những chuyện ngươi hiểu cho lão phu nghe đi!
Nguyên Thông cau mày đáp:
- Nhị bá phụ bị thương nặng, rất bất lợi cho kế hoạch của tiểu bối dàn xếp, vì tiểu bối không rời Lý bá phụ thì không sao ngăn cản được bọn ma đầu ở núi Vạn Dương. Đồng thời, mỗi ngày tiểu bối cứ phải tiêu hao nguyên khí như thế này, công lực thế nào cũng bị giảm sút, và đến ngày khai phái đại điển của núi Vạn Dương thì tiểu bối không đủ sức để quét sạch bọn quần ma nữa. Kế này của chúng thật lợi hại không tưởng.
Đường Toại nói tiếp:
- Ngươi nhận xét như vậy rất đúng. Thử nghĩ xem lão ma khi nào lại buông tha cho Lý lão nhị?
Nguên Thông liền hỏi:
- Sao lại tìm được Lý bá bá?
Lúc ấy chàng mới hay Nhược Hoa cùng Tăng Bật đi Trường Sa, đi qua một thị trấn, vào trọ một khách sạn thì ngẫu nhiên phát hiện ra cha nàng và cứu đem về.
Nguyên do Nguyên Thông vừa rời khỏi Chính Nghĩa chi cung, Tăng Bật và Nhược Hoa cũng tới đó. Vì không gặp Nguyên Thông, nên hai người buồn bực vô cùng. Cũng may, ngày hôm sau, hai người nghe thấy tin Nguyên Thông đã xuất hiện ở vùng Trường Sa, nên hai người mới đi Trường Sa để mong gặp chàng. Hai người định đi Từ Châu, đáng lẽ không định nghỉ ngơi nơi đó nhưng trong khi hai người đang đi, thì bất ngờ có một đại hán say túy lúy ở con đường ngang đâm ra nhằm người Tăng Bật xông tới.
Tăng Bật có phải là tay tầm thường đâu, khi nào để cho đối phương đâm phải. Y tránh ngay sang một bên.
Lúc ấy hai người cũng không để ý, vẫn tiếp tục đi. Không ngờ đi được một trăm trượng, Nhược Hoa mới thấy trên người Tăng Bật có dán một tờ giấy. Nàng ngạc nhiên hỏi:
- Tăng đại ca, giấy gì dán ở trên người đại ca thế?
Tăng Bật giơ tay lên bóc tờ giấy xuống xem. Vừa đọc xong, cả hai cùng biến sắc mặt.
Thì ra trên giấy đã viết "Lý Kiến Trung đang đau nặng, hiện ở trong khách sạn Trường An".
Nhược Hoa hay tin cha đau nặng, liền khóc òa lên, vội quay trở lại. Thiết Tâm Tú Sĩ liền an ủi:
- Hoa muội chớ có nóng lòng sốt ruột mà bi luỵ như thế này! Người qua đường thấy sẽ cười cho đấy!
Nhược Hoa không chịu nghe, cứ khóc lóc hoài. Hai người tìm đến Trường An khách điếm, quả thấy Kiến Trung nằm ở trên giường, thoi thóp sắp chết.
Hai người vô kế khả thi, liền đem Kiến Trung về Trường Sa, nhà riêng của mình.
Tin tức ấy đã tới Cái bang, chúng liền đi kiếm Đường Toại đến cứu chữa.
Nguyên Thông nghe kể truyện xong, nghĩ đi nghĩ lại một hồi rồi thở dài nói:
- Tôi công nhận Ứng Thành Luân quả thực là một tên đại ma đầu lợi hại nhất đời.
Long Lập chỉ lo cho sư phụ mình, y sợ Nguyên Thông tận tâm cứu chữa cho Kiến Trung thì không còn sức để dự khai phái đại điển của núi Vạn Dương, như vậy có phải là lỡ việc cứu sư phụ mình thoát hiểm không? Nên y tỏ vẻ áy náy, vội lớn tiếng hỏi:
- Chẳng lẽ bây giờ chúng ta không còn cách gì bổ cứu hay sao?
Nguyên Thông nghe nói, suy nghĩ giây lát rồi đáp:
- Nếu việc nho nhỏ này mà chúng ta không làm được thì còn nói gì đến việc diệt ma vệ đạo và thỉnh cứu võ lâm nữa? Tôi không những sẽ cứu chữa khỏi cho nhị bá phụ trong thời gian ngắn ngủi mà còn đủ thì giờ dự khai phái đại điển, khiến Ứng Thành Luân lộ tẩy ngay cho mà xem!
Đường Toại vỗ tay khen ngợi:
- Hay! Lão nguyện giúp ngươi hoàn thành chí nguyện này!
Nguyên Thông quay lại nói với Long Lập:
- Hiện giờ phải nhờ đến quý bang hiệp trợ mới được!
Long Lập nghiêm nghị đáp:
- Nguyên đệ có việc gì thì xin cứ dặn bảo!
Nguyên Thông nói:
- Xin sư huynh truyền lệnh ngay để sửa soạn phi tiễn truyền tin!
Long Lập vội truyền lệnh.
Nguyên Thông liền viết luôn mười lá thư nội dung như nhau. Chàng viết xong thì Long Lập cũng đã dặn bảo các thủ hạ xong, và quay trở lại chờ lệnh.
Nguyên Thông liền đưa mười lá thơ cho y và nói:
- Xin sư huynh giao cho mười người, cầm mười lá thơ này phải lập tức đem đi Lư Sơn ngay.
Long Lập đỡ lấy mười lá thư rồi ngơ ngác hỏi lại:
- Tất cả mười lá thơ này đều đưa đi Lư Sơn ư?
Nguyên Thông gật đầu đáp:
- Ứng Thành Luân nhiều mưu lắm kế, nên chúng ta phải đề phòng giữa đường bị y cướp thơ. Nếu chỉ gửi một lá thư đi, nhỡ bị y cướp mất thì có phải lỡ hết đại sự của chúng ta không?
Long Lập mới tỉnh ngộ và lúc này y mới biết được Nguyên Thông rất chu đáo, liền đi luôn.
Nguyên Thông lại nói với Đường Toại:
- Bây giờ phải phiền tới lão tiền bối giúp cho mới được!
Điền Toại cười ha hả nói:
- Không biết lão có tài cán gì có thể giúp được lão đệ nào?
Nguyên Thông bèn nói ý kiến của mình cho ông hay:
- Từ bây giờ trở đi, mỗi ngày tiểu bối truyền công sang cho nhị bá phụ một lần. Ngoài ra tiểu bối còn luyện tập võ công để khỏi bị tiêu hao chân nguyên, và còn nghiên cứu mấy môn tuyệt học để chuẩn bị diệt ma, cho nên phải nhờ lão tiền bối ở lại đây Hộ pháp cho tiểu bối.
Đường Toại liền đáp:
- Được, được, lão xin tuân lệnh!
Tăng Bật cũng xen lời hỏi:
- Theo ý của Nguyên đệ thì chỉ cần một mình lão tiền bối ở lại đây Hộ pháp hay sao?
Nguyên Thông đáp:
- Trong phòng chỉ một mình Đường lão tiền bối Hộ pháp là đủ rồi. Người nhiều chỉ làm cản trở cho sự luyện tập của tiểu đệ thôi.
Quái Cái Nhậm Tố Hành cũng xen lời nói:
- Nếu vậy bảy anh em chúng tôi với các cao thủ trong bang phụ trách canh gác vòng ngoài, còn Tăng huynh và Lý tiểu thư thì phụ trách trông nom vòng trong.
Nguyên Thông vội ngỏ lời cám ơn:
- Như vậy rất hay! Chúng dù có định đến đây dòm ngó cũng không sao lọt vào trong này được!
Tố Hành lớn tiếng nói:
- Chỉ mong công việc của chúng ta được thuận lợi là ai nấy đều vui vẻ cả.
Thế rồi ai nấy lo làm công việc của mình.
Từ đó trở đi, Nguyên Thông ở trong tịnh xá, thực hành theo kế hoạch đã định. Một mặt luyện công, một mặt cứu chữa cho Lý Kiến Trung.
Tình hình ở trong tịnh xá quả đúng như Nguyên Thông đã đoán trước, mấy ngày sau quanh đấy đột nhiên có nhiều người khả nghi xuất hiện. Những người đó không hiểu thực hư của Nguyên Thông ra sao, vì chúng sợ thần oai của chàng, cho nên không một tên nào dám tới gần hết.
Những người đem thơ đi Lư Sơn, căn cứ ở sự điều tra của Long Lập thì trong mười lá thư chỉ có hai lá được đưa tới Lư Sơn, còn tám lá thơ kia, không những không đưa tới nơi mà tám người đưa thơ đều bị hy sinh hết. Bây giờ chỉ còn một cách chờ xem Lư Sơn sau khi nhận được thơ sẽ phản ứng thế nào?
Nguyên Thông vẫn cứ nhất tâm nhất trí, một mặt cứu chữa cho Kiến Trung, một mặt chăm chỉ luyện tập võ công, ngoại giả chàng không hỏi han tới việc nào hết.
Thời gian trôi qua rất nhanh, thoáng cái đã tới gần trung tuần tháng tư. Hôm ấy Tĩnh Nguyên đạo trưởng của phái Võ Đang với Hồi Xuân Thủ Dương Thái thừa lịnh Bốc Kính Thành đem theo các thứ đồ dùng và thuốc tới. Dương Thái nói với Nguyên Thông rằng:
- Đáng lẽ sư phụ thân hành tới nơi, nhưng vì đang bận luyện Vạn Diệu linh đơn, không thể nào đi được, cho nên mới sai mỗ cùng Tĩnh Nguyên đạo trưởng đến đây giúp hiền điệt.
Tĩnh Nguyên đạo trưởng với Dương Thái hai người là đồ đệ của Diệu Thủ Thần Y, kinh nghiệm rất phong phú. Cho nên Nguyên Thông mừng rỡ vô cùng, vội nói:
- Có hai vị sư bá ở cạnh chỉ dẫn cho, tiểu điệt được an tâm lắm.
Nguyên Tthông liền bảo Nhược Hoa sửa soạn một cái cóng đựng dấm chua âm ấm và Đặt Kiến Trung vào trong cóng, để ló đầu ra ngoài.
Nguyên Thông nói với hai vị sư bá:
- Tiểu điệt muốn dùng Hỗn Nguyên Khai Đỉnh đại pháp để cứu chữa cho Lý bá phụ. Trong lúc hiền điệt hành công, xin Tĩnh Nguyên sư bá phụ trách cho uống thuốc, cứ theo sách Tiền Chu Thiên mà cho Lý bá phụ uống làm mấy lần, còn Dương sư bá thì dùng Cửu Cửu thủ pháp châm vào mười bốn kinh huyệt của Lý bá phụ.
Hai người đều là danh y, hiểu rõ cách Hỗn Nguyên Khai Đỉnh đại pháp, thấy Nguyên Thông dùng cách đó để cứu chữa cho Kiến Trung, cả hai đều biến sắc mặt.
Vì Hỗn Nguyên Khai Đỉnh đại pháp này là một cách cứu chữa tuyệt diệu của y học, người hành pháp phải tu luyện trên trăm năm mới có thể giữ được căn bản võ công của mình không bị hủy hoại. Cho nên dù sách có ghi cách cứu chữa này, nhưng ngay đến cả Thần Y Bốc Thành có lẽ cũng chưa dùng qua bao giờ.
Nguyên Thông thấy hai vị sư bá đều biến sắc, biết hai người lo cho sự an nguy của mình, liền mỉm cười, đáp:
- Hai vị sư bá khỏi lo âu, tiểu điệt đủ sức thi hành phương pháp này.
Dương Thái vẫn còn lo ngại, đáp:
- Việc này không phải là trò chơi trẻ con. Hiền điệt hãy nên coi trọng tương lai của võ lâm chứ không nên mạo hiểm như vậy.
Tĩnh Nguyên đạo trưởng cũng khuyên:
- Bệnh của Lý đại hiệp tuy nặng, nhưng vẫn có cách khác có thể chữa được chỉ tốn ngày giờ thôi. Việc gì hiền điệt phải mạo hiểm như vậy. Khiến cho ai ấy đều lo lắng.
Nguyên Thông thầm nghĩ:
- Hai vị sư bá quá lo âu, nếu không dùng cách Hỗn Nguyên Khai Đỉnh đại pháp này thì bịnh của nhị bá phụ ít nhất cũng phải kéo dài mới có thể chữa khỏi được. Như vậy có phải là Ứng Thành Luân đã toại nguyện không?
Nghĩ đoạn chàng bỗng lên tiếng hỏi:
- Khi hai vị sư bá xuống núi, chẳng hay ông ngoại của cháu có nói gì không?
Dương Thái nhanh nhảu đáp:
- Sư phụ bảo nên trân trọng ý kiến của cháu.
Nguyên Thông cười đáp:
- Ông ngoại cháu đã yên tâm để cháu chữa bệnh bằng cách này, thì xin hai vị sư bá cứ để cho cháu chữa thử một lần xem sao?
Tĩnh Nguyên đạo trưởng thở dài đáp, khẽ hỏi Dương Thái:
- Sư đệ! Sư phụ thể nào cũng cao kiến hơn mình. Tài học của Nguyên Thông, có lẽ anh em mình không biết rõ bằng sư phụ, vậy cứ để cho Nguyên Thông cứu chữa thử một lần xem sao.
Dương Thái ngắm nhìn Nguyên Thông một hồi rồi ưỡn ngực đáp:
- Nào, chúng ra tay đi!
Nguyên Thông cám ơn hai vị sư bá, tự ngồi sang một bên, vận khí để tập trung vào thần công.
Tĩnh Nguyên đạo trưởng mở hòm thuốc lấy ra mười hai cái chén nhỏ đặc biệt dùng để chứa thuốc, và lấy đủ mười hai thứ thuốc để vào trong chén đó. Dương Thái thì lấy kim châm ra đổ vào trong lò nung, rồi lần lượt đắp lên miếng vải để sử dụng.
Chờ Nguyên Thông hành công xong, cóng dấm cũng đã nóng đến một độ thích hợp. Kiến Trung ngồi ở trong đó, sắc mặt vẫn nhợt nhạt như người chết vậy.
Nguyên Thông gọi Tăng Bật trông lửa đừng để cho dấm quá nóng, và dặn người khác trong mười hai tiếng đồng hồ không ai được vào trong phòng.
Đường Toại biết thời gian này quan trọng lắm, nên y ngồi ngay trước cửa phòng để canh gác.
Nguyên Thông mang một cái ghế tròn tới, ngồi xếp bằng tròn lên trên, tay phải để lên Bách Hội huyệt trên đầu Kiến Trung, tay trái thì để vào bụng mình, rồi nhắm mắt vận công cứu chữa.
Công lực của Nguyên Thông lúc này bằng người thường tu luyện một trăm sáu bảy mươi năm, nhưng công lực của chàng dồn vào trong người của Kiến Trung không khác gì người ta lay chuyển một chiếc tàu chìm sâu dưới đáy bể, không sao di dịch được.
Lúc ấy tất cả kinh mạch của Kiến Trung hầu như bị lạnh chết, cứng ngắt cho nên công lực không qua được những kinh mạch ấy.
Nửa tiếng đồng hồ rồi mà vẫn chưa có kết quả gì hết. Dương Thái rất hồi hộp, cầm luôn sáu mũi kim vàng để phòng châm cứu, hai mắt y cứ chăm chú nhìn vào mặt Kiến Trung.
Vừa thấy thớ thịt ở trên mặt của bệnh nhân hơi cử động một chút y đã vội vàng châm ngay vào sau nơi tâm mạch của Kiến Trung.
Sau khi kim vàng đã chích vào sáu nơi yếu huyệt, liền thấy có sự công hiệu ngay là Kiến Trung đã há được mồm ra.
Tĩnh Nguyên vội lấy chén thuốc thứ nhất, dùng chưởng lực đẩy ra một cái, thuốc ở trong chén liền hóa thành một cái vòi, tia ngay vào miệng của Kiến Trung rồi chảy xuống bụng tức thì. Thuốc ở trong chén vừa cạn thì Kiến Trung đã mím mồm lại ngay.
Nếu không có Tĩnh Nguyên với Dương Thái, hai tay vừa thông thạo y học vừa có nội công tinh thâm trợ giúp, thì có gọi Đường Toại vào giúp sức cũng không làm nổi được.
Mười một tiếng đồng hồ đã qua, cứ mỗi tiếng Dương Thái lại châm một lần kim châm khắp mười một kinh mạch ở trên người Kiến Trung và mỗi lần kim châm xong thì Tĩnh Nguyên đạo trưởng cho Kiến Trung uống một lần thuốc như trước.
Tiếng đồng hồ cuối cùng, còn ba nơi là Tam Tiêu Kinh, Nhâm Mạch Kinh và Đốc Mạch Kinh cần phải châm chích nữa. Nếu lần này Dương Thái châm kim sai một chút là thất bại ngay, không những Kiến Trung không mong sống sót mà cả Nguyên Thông cũng bị hủy hết công lực. Cho nên Dương Thái có vẻ hồi hộp, tay hơi run run.
Tĩnh Nguyên đạo trưởng thấy thế, khẽ nói:
- Sư đệ mau điều tức hành công, bình tâm tĩnh trí cho khỏi mệt mỏi đã, rồi hãy ra tay châm cứu cũng chưa muộn.
Dương Thái gật đầu, vội chạy ra ngồi xuống đất đả toạ.
Đường Toại cũng biết châm chích như vậy rất hao tổn tinh thần, mà y cũng sợ Dương Thái lỡ tay hỏng việc, vội mở cửa đi vào, để tay lên lưng Dương Thái và nói:
- Để lão giúp cho một tay.
Dương Thái gật đầu nhận lời. Y chỉ điều tức giây lát là hết mệt bèn đứng dậy tạ ơn Đường Toại, rồi hai tay cầm hai mũi kim đi tới bên cạnh cóng dấm nói với Tĩnh Nguyên đạo trưởng:
- Sư huynh, tiểu đệ ra tay đây!
Nói xong, y liền thọc tay vào trong cóng dấm, dùng thủ pháp Mãn Thiên Hoa Vũ châm kim. Dùng thủ pháp ấy mà châm kim cũng không có lạ nhưng bệnh nhân lại bị châm trong dấm, khó trông thấy rõ yếu huyệt, nếu châm chích không đúng chỗ sẽ hỏng việc ngay. Có lẽ khắp thiên hạ, ngoài Dương Thái ra thì chỉ có Bốc Kính Thành với Nguyên Thông mới dám châm chích một cách táo bạo như vậy. Cũng vì thế mà trong thơ Nguyên Thông đã viết thế nào cũng mời được Dương Thái giúp sức.
Đường Toại đứng ở cửa phòng nhìn vào thấy vậy cũng phải lắc đầu thở dài, tự xét mình không sao làm nổi.
Chờ tới khi Kiến Trung uống xong chén thuốc cuối cùng, và chờ thêm nửa tiếng đồng hồ nữa. Nguyên Thông mới thâu tay lại dặn hai người sư bá rằng:
- Nếu nghe thấy nhị bá phụ lên tiếng nói, hai vị đỡ ngay ông ta ra khỏi cóng dấm.
Dặn xong chàng ngậm miệng lại ngồi yên chỗ cũ vận công điều tức.
Trong mười hai tiếng đồng hồ qua, ai nấy đều hồi hộp nhìn bệnh nhân, không chú ý đến sắc mặt của Nguyên Thông. Lúc này mọi người mới đưa mắt nhìn, thấy sắc mặt chàng còn tái mét hơn cả người chết đuối.
Tăng Bật cảm động ứa nước mắt, buột miệng khẽ kêu lên mấy tiếng:
- Nguyên đệ...
Tĩnh Nguyên đạo trưởng, Dương Thái và Đường Toại thấy vậy cũng đều cảm động.
Chỉ độ hơn tiếng đồng hồ, sắc mặt Kiến Trung đã thấy hồng hào.
Hai tiếng sau, nơi đầu bệnh nhân đã có hơi khói bốc lên.
Sau ba tiếng đồng hồ, bệnh nhân đã thở dài và kêu "ối chà!" mấy tiếng.
Tĩnh Nguyên đạo trưởng với Dương Thái vội vực Kiến Trung ra, đặt nằm trên giường. Nhược Hoa cúi đầu đứng dưới chân giường, nước mắt tuôn xuống như mưa. Nguyên Thông ngồi trên chiếc ghế gần đó sắc mặt lạnh như sáp.
Đương Toại cảm động vô cùng, liền nói:
- Thằng nhỏ này cứng cỏi thật!
Y nói xong liền đi tới gần, đặt một bàn tay lên giữa lưng Nguyên Thông.
Tĩnh Nguyên đạo trưởng liền đưa mắt ra hiệu cho Dương Thái và nói:
- Chúng ta không nên để cho một mình Đường lão tiền bối lãnh công hết.
Nói xong, lão đạo sĩ liền để một tay lên lưng Đường Toại. Dương Thái nắm lấy cổ tay của Tĩnh Nguyên đạo trưởng, thế là công lực từ người này truyền sang cho người kia, và sau cùng tới người Nguyên Thông.
← Hồi 62 | Hồi 64 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác