← Hồi 36 | Hồi 38 → |
Chính Nghĩa cung ở trên núi Cửu Nghi tại biên giới phía nam tỉnh Hồ Nam, còn núi Vạn Dương thì ở phía Đông nam, cách núi Cửu Nghi không xa.
Nguyên Thông đã hứa là sẽ đi Chính Nghĩa cung ở núi Cửu Nghi gần Mai Sơn, bây giờ lại nghe nói trên núi Vạn Dương có ổ ma, cho nên việc đi Hồ Nam này chàng không thể nào trì hoãn được.
Chàng ngỏ lời nhờ Ngọc Tiêu Tiên Tử để ý tìm Thần Thâu Thất lão tiền bối hộ, và được Ngọc Tiêu Tiên Tử vui vẻ nhận lời ngay.
Ngọc Tiêu Tiên Tử thấy Nguyên Thông quyết tâm đi núi Vạn Dương, ngẫm nghĩ giây lát mới nói:
- Về thực tình của núi Vạn Dương lão nhân cũng chỉ biết một phần nào thôi, hiện giờ Vô Hình Kiếm Tôn Hoán Nhiên đã bị giam giữ ở trong Chính Nghĩa cung trên núi Cửu Nghi. Trước khi đi Vạn Dương, Nguyên nhi hãy đi núi Cửu Nghi trước, cứu Tôn lão thoát nạn. May ra Tôn lão có thể chỉ điểm cho Nguyên nhi rất nhiều.
Nguyên Thông nhận thấy lời nói của bà ta rất có lý liền vui vẻ gật đầu nhận lời.
Ngọc Tiêu Tiên Tử liền từ biệt đi ngay.
Nguyên Thông với Tăng Bật quay về khách điếm trả tiền xong mới theo ven bờ sông xuống miền nam.
Hai người đi rất nhanh, ngày hôm sau đã tới Phong Huyện ở phía Tây tỉnh Hồ Nam, Phong Huyện là một nơi giầu có nhất tỉnh Hồ Nam, dân cư đông đúc trông có vẻ rất thanh bình.
Thành thị tuy không lớn lắm nhưng người đi lại rất đông đúc và náo nhiệt khôn tả.
Nguyên Thông với Tăng Bật vào khách điếm nghỉ chân rất sớm, lúc bấy giờ mặt trời chưa lặn. Hai người liền ra ngoài phố dạo chơi để xem phong thổ nơi đây ra sao. Hai người thấy thành phố nhỏ và bình tĩnh này có một bình diện khác hẳn những thành phố khác. Hai người đi dạo chơi hết thành phố đó rồi, thuận đường đi ra ngoại thành dạo xem.
Họ thấy ở phía bên trái chỗ cách thành không xa, có một dãy núi nho nhỏ. Dưới chân núi có mấy nơi khói bốc lên và trong đó có một tòa đạo quán khá lớn.
Từ khi làm hộ pháp cho phái Võ Đang. Nguyên Thông nhận thấy trách nhiệm của mình rất nặng, cho nên đi tới đâu chàng cũng chú ý đến đạo sĩ và đạo quan. Chàng với Tăng Bật tiến thẳng về phía đạo quán.
Đạo quán ấy đổ nát cũ kỹ, sơn cửa tróc rất nhiều và đóng kín. Trên cửa có treo một tấm bảng đề Kim Ngân đạo quán nhưng cũng phủ đầy bụi tỏ ra đã lâu không ai quét rửa. Nguyên Thông thấy vậy thở dài một tiếng rồi nói:
- Chắc đạo quán này thế nào cũng của phái Võ Đang. Từ khi tiểu đệ đại náo đến giờ khiến cho oai danh của phái này bị suy sút cho nên những đạo quán mới tiêu điều như thế này.
Tăng Bật nghĩ đến mình luôn luôn làm nhục đệ tử của phái Võ Đang khiến phái ấy mất hết sĩ diện ở trước mặt mọi người, trong lòng cũng ân hận vô cùng.
Đang lúc hai người đang rầu rĩ đứng ngẩn người ra nhìn, thì trong quán bỗng có mùi gà quay rất thơm đưa ra. Tăng Bật thèm rõ rãi tiến lên định gõ cửa, nhưng Nguyên Thông đã nắm tay chàng kéo đi.
Khi về tới trong thành Tăng Bật ngạc nhiên hỏi:
- Nguyên đệ, với thân phận của phái Võ Đang, dù hiền đệ có vào ăn một bữa gà quay của chúng cũng chẳng quá đáng. Hiền đệ lúc nào cũng câu nệ, như vậy mất hết cả bổn sắc của một nhân vật giang hồ.
Nguyên Thông cau mày lại đáp:
- Đệ chắc người ở đạo quán đó không phải là đạo sĩ của phái Võ Đang đâu.
- Người ở trong đạo quán không phải là đạo sĩ, chẳng lẽ là hòa thượng ư!
- Có mấy thứ gà quay của Cái bang nổi tiếng nhất, vừa rồi đệ ngửi thấy mùi thơm đó là gà quay của phái ăn mày rồi, cho nên đệ mới tưởng...
- Hiền đệ tưởng những người ở trong đạo quán đó là đệ tử của Cái bang phải không? Dù là đệ tử của Cái bang thì đã sao đâu?
- Đại ca đã quên đệ tử Cái bang đối với chúng ta đã thay đổi thái độ rồi sao?
Tăng Bật nghĩ đến lúc ở gần Hiếu Cảm trông thấy trưởng lão của Cái bang kiêu ngạo vô lễ như thế nào, chàng lại tức vô cùng liền nói:
- Đáng lẽ chúng ta nên vào trong đó cho chúng một bài học mới phải.
- Đệ tử Cái bang bỗng thay đổi thái độ, chắc bên trong thế nào cũng có nguyên nhân. Đại ca, tối nay chúng ta phải đi tới đạo quan đó dò xét một phen.
*****
Canh một vừa qua, canh hai mới tới. Trong thành có hai cái bóng người một trước một sau tiến thẳng ra phía nam ngoại ô, khi tới trước Kim Ngân đạo quán thì cùng dừng chân lại. Không cần phải nói rõ hai cái bóng người đó chắc quý vị cũng biết là Nguyên Thông với Tăng Bật rồi. Hai người thấy tòa đạo quán yên lặng như tờ liền cùng nhau nhảy vào trong sân, tiến thẳng vào hậu điện.
Lúc ấy ở trên chánh điện chỉ thắp một ngọn đèn dầu nho nhỏ, có năm người ăn mày đang ngồi quanh ngọn đèn, vẻ mặt rầu rĩ. Người ngồi giữa chính là Long Lập, đại đệ tử của Long Hổ Dị Cái, còn bốn người kia là Tửu Cái Cam Như Mộng, Phả Cái Đơn Bình, Hạt Cái Minh Vũ với Thúy Cái Ngô Thiên Giáp.
Tửu, Phả, Hạt ba người với Long Lập đều đã gặp mặt Nguyên Thông rồi riêng có Thúy Cái là lần đầu tiên chàng mới thấy.
Các trưởng lão của Cái bang hội họp ở đây làm gì? Ba tháng trước họ xuất hiện ở Hiếu Cảm, hôm nay họ lại ẩn núp ở trong đạo quán, chắc họ có việc gì rất quan trọng nên mới tập hợp như vậy. Nguyên Thông và Tăng Bật muốn biết rõ nguyên nhân, nhưng năm người đó chỉ rầu rĩ ngồi yên không một người nào lên tiếng hết.
Tăng Bật không sao nhịn được, mấy lần muốn nhảy xổ xuống dùng vũ lực để ép hỏi chúng, nhưng Nguyên Thông đã vội nắm lấy vai y không để cho y hành động.
Canh hai đã qua, trống lầu thành đã điểm sang canh ba, năm người trên điện vẫn cứ ngồi yên như trước không hề cử động và nói năng gì hết.
Nguyên Thông cau mày và rụt tay để ở trên vai Tăng Bật lại. Chàng làm thế là tỏ cho Tăng Bật hay, lúc này y có nhảy xuống chàng cũng không ngăn cản.
Tăng Bật liền nín hơi lấy sức đứng dậy định nhảy vào trong điện, bất ngờ Nguyên Thông lại nắm chặt lấy tay và truyền âm nhập mật và bảo rằng:
- Hãy khoan, có người tới đấy.
Tăng Bật nghe nói ngẩn người ra và ngừng chân lại. Không bao lâu quả có tiếng chân người đi tới. Năm người ở trong điện cũng đã nghe thấy tiếng động, mặt đều tỏ vẻ gay cấn.
"Soẹt" một tiếng động trên mái nhà, một bóng đen nhảy xuống. Mấy người trong điện nhìn ra ngoài sân đã thấy một người áo đen bịt mặt đứng sừng sững. Nguyên Thông với Tăng Bật nhận ra người đó là người của núi Vạn Dương.
Lúc ấy năm người Cái bang ở trong điện đã đứng cả dậy. Người áo đen bịt mặt đàng hoàng đi thẳng vào trong chính điện, ngắm nhìn năm người rồi hỏi một câu rất gọn:
- Ai đi?
Long Lập liền đáp:
- Chúng tôi, năm người cùng tới đây, đều hy vọng gặp mặt Bang chủ.
Nguyên Thông ở trên mái nhà nghe thấy liền hiểu ngay, trong lòng mừng thầm nghĩ rằng:
- Ngày hôm nay không ngờ lại thu hoạch được nhiều manh mối.
Người áo đen bịt mặt lạnh lùng đáp:
- Không được.
Long Lập van lơn:
- Xin bạn nâng đỡ và nhận lời cho phép chúng tôi được đến thăm Bang chủ để chúng tôi được yết kiến Bang chủ một phen, bổn bang đã thề hết sức trung thành với Sơn chủ rồi, chẳng lẽ lại sợ chúng tôi phản bội lại hay sao?
Người áo đen bịt mặt vẫn thản nhiên đáp:
- Không được là không được. Bây giờ ai đi? Nói mau!
Năm người của Cái bang đều đứng đờ người ra, rồi mỗi người đứng sang một phương vị, vây người áo đen bịt mặt đó vào giữa.
Long Lập mới lên tiếng đáp:
- Nếu đi thì năm người chúng ta cùng đi.
Người áo đen bịt mặt cười một cách khinh thị rồi hỏi tiếp:
- Bọn ăn mày các người vô lý thực! Thảo nào nửa năm nay công việc của các người làm cho Sơn chủ rất thất vọng. Chẳng lẽ các người không nghĩ đến sự sống chết của lão ăn mày họ Ngụy hay sao?
Cái bang năm người đứng ủ rũ như gà chọi bị thua vậy.
Một lát sau, Long Lập ngửng đầu nhìn bốn người ăn mày nọ một cái, bốn người đó đều gật đầu. Y mới tiến lên nói:
- Tôi đi.
Người bịt mặt lắc đầu đáp:
- Các người dám giở trò uy hiếp phải không? Nếu vậy ta hủy bỏ quyền tự quyết của các người đi, hiện giờ do quyền ta chỉ định.
Nói xong, y khỏi cần biết đối phương phản ứng ra sao, chỉ vào mặt Minh Vũ và ra lệnh:
- Ngươi lại đây!
Minh Vũ mắt mù nhưng đầu óc rất sáng, nghe tiếng gió là có thể biết được đối phương ở đâu, nhất là mũi của y lại đặc biệt hơn người, nên người bịt mặt khẽ chỉ tay một cái là y biết liền, nhưng y vẫn giả bộ không hay cứ đứng yên như cũ.
Long Lập xen lời hỏi tiếp:
- Sư thúc của tôi bị mù không trông thấy gì làm sao mà phân biệt được Bang chủ của bổn bang bình yên hay không? Và cũng làm sao biết được ông ta có được hậu đãi hay không?
Người bịt mặt khẽ hừ một tiếng đáp:
- Hạt Cái Minh Vũ có kỳ thuật rất tài, ai mà chả biết. Long Lập ngươi đừng có giở mưu mô ra nữa. Trong Cái bang các người chỉ có mấy mảnh gỗ vụn như các người thì làm được trò trống gì, ta khuyên các ngươi yên phận mà ngoan ngoãn nghe lời của Sơn chủ thì hơn.
Long Lập rầu rĩ thở dài một tiếng nói:
- Minh sư thúc! Lần này sư thúc phải vất vả một phen vậy.
Minh Vũ mặt lầm lì đi tới trước mặt người bịt mặt, người đó giơ tay lên điểm vào yếu huyệt tê của y, rồi cắp y vào nách lớn tiếng bảo những người kia rằng:
- Các ngươi định có lòng phản bang, không cần đếm xỉa đến sự sống chết của Bang chủ thì cứ việc ngấm ngầm theo dõi đi.
Nói xong, y nhảy lên mái nhà đi luôn, Nguyên Thông kéo áo Tăng Bật, hai người vội theo sau ngay.
Người bịt mặt khinh công khá lợi hại, y đi nhanh như bay tiến thẳng về phía đông.
Nguyên Thông, Tăng Bật vội giở khinh công theo đuổi, lúc nào cũng cách người bịt mặt đó chứng hai mươi trượng. Tuy cách xa như vậy nhưng mắt của Nguyên Thông rất sáng tỏ, nên vẫn trông thấy rõ như thường, Tăng Bật không tài bằng chàng nên việc gì cũng nghe theo sự chỉ huy của chàng.
Người bịt mặt cũng khôn ngoan lắm, đi được hơn trăm trượng là quay đầu lại nhìn, nhưng y chỉ nhìn thấy những cái gì cách y hơn mười trượng thôi. Trước sau y vẫn không phát hiện được Nguyên Thông và Tăng Bật theo dõi.
Đi được hơn một canh, ba người đã rời khỏi Phong Thành hơn trăm dặm, lúc ấy người bịt mắt vẫn tiếp tục chạy về phía trước, Tăng Bật có vẻ nóng nảy hỏi:
- Nguyên đệ, chi bằng chúng ta chận bắt tên ấy tra khảo, thế nào y chả ngoan ngoãn xưng hết.
Nguyên Thông cương quyết đáp:
- Ít khi có dịp may như ngày hôm nay, nhỡ y liều chết không chịu xưng thì sao?
Nói xong, chàng lại đuổi theo. Bất đắc dĩ Tăng Bật phải theo sau.
Một lát sau, thấy phía trước có một khu rừng rậm, vượt qua rừng rậm y đi tới một cái suối rộng chừng hai chục trượng, người bịt mặt liền dừng chân ở cạnh suối.
Nguyên Thông với Tăng Bật vội ẩn núp trên cây để xem hành động của người bịt mặt, thấy y đặt Minh Vũ xuống và vỗ tay ba tiếng. Một lát sau miền hạ du chỗ cách y hơn trăm trượng cũng có hai tiếng vỗ tay vọng tới. Người bịt mặt lại vỗ tay bảy cái tiếp, miền hạ du lại có tiếng vỗ tay trả lời.
Tiếp theo đó người bịt mặt quay người lại nhìn về phía rừng rậm. Nguyên Thông với Tăng Bật phải im hơi lặng tiếng không dám cử động chút nào.
Không bao lâu phía hạ du có tiếng mái chèo khua nước vọng tới, rồi một chiếc thuyền nhỏ chở được bốn năm người từ từ chèo tới chỗ người bịt mặt đang đứng. Ngoài người chèo thuyền ra trên thuyền không còn ai cả. Chiếc thuyền nhỏ ấy bơi sát vào bờ, người bịt mặt vẫn chưa kịp quay đầu lại mà chỉ giơ tay lên vỗ thêm bốn cái, nhưng bốn cái vỗ tay này cái dài cái ngắn, cái nhanh cái chậm khác nhau, hiển nhiên đó là ám hiệu của chúng.
Người lái thuyền vội nhảy lên bờ đứng ở phía sau người bịt mặt, người ấy cũng mặc quần áo đen và cũng lấy khăn bịt mặt như người kia, không nói năng gì cả, cúi xuống ôm Minh Vũ lên rồi nhảy luôn xuống thuyền chở sang bên kia bờ, không bao lâu chiếc thuyền đã mất tích trong bóng tối.
Còn người bịt mặt đứng trên bờ vẫn cứ nhìn về phía sau canh gác.
Tăng Bật với Nguyên Thông nóng lòng sốt ruột vô cùng, trông thấy chiếc thuyền nhỏ bơi sang bờ bên kia mà không sao hiện thân ra theo dõi được. Tăng Bật nghiến răng mím môi chỉ muốn phi thân xuống đánh người bịt mặt cho chết ngay tại chỗ mới hả dạ.
Nguyên Thông dùng thần công truyền âm nhập mật bảo y rằng:
- Người bịt mặt này thận trọng như vậy, đủ biết nơi đây cách sào huyệt của chúng không xa. Chúng ta phải thận trọng mới được.
Nói tới đó, chàng bỗng cau mày lại nói tiếp:
- Đại ca, để tránh mục tiêu quá lớn, đại ca hãy theo đường cũ mà về khách điếm đợi chờ đệ. Đệ nhân lúc người bịt mặt này hơi sơ suất một chút là qua sông theo dõi tên nọ liền.
Thoạt tiên Tăng Bật không nghe, nhưng sau y nghĩ lại mới vui vẻ bằng lòng.
Rồi y đột nhiên cười ha hả nhảy xuống đất chạy thẳng về phía rừng rậm, nguyên ý của y là muốn dụ cho người bịt mặt kia theo dõi để cho Nguyên Thông tiện qua sông. Nhưng người bịt mặt rất khôn ngoan không chịu mắc hỡm, chỉ cười khinh khỉnh mấy tiếng rồi từ từ đi vào trong rừng khám xét.
Nguyên Thông thấy người bịt mặt khôn ngoan như vậy không dám trì hoãn chờ tới khi người bịt mặt vừa bước chân vào trong rừng rậm, chàng vội giở khinh công thượng thặng ra, như một làn gió nhẹ nhàng nhảy xuống dưới suối. Suối ấy rộng hơn ba chục trượng, tuy chàng không thể nhảy một cái qua được mặt suối rộng như vậy, nhưng chàng có thể nhờ mặt nước để giẫm chân nhún nhảy, nên chàng chỉ nhún nhảy hai cái đã qua được bờ bên kia ngay. Chàng đứng trên bờ tìm kiếm không thấy chiếc thuyền nhỏ đâu cả. Chàng suy nghĩ giây lát chạy thẳng về phía đông đuổi theo, đuổi được một quãng lại tới một con sông nhưng không thấy gì cả. Chàng cúi nhìn mặt nước bỗng nghĩ ra một vấn đề bụng bảo dạ rằng:
- Hiển nhiên nơi đây là thuộc vào địa khu gần Động Đình, sao chiếc thuyền nhỏ đó chỉ nháy mắt đã biến mất, Hồ Động Đình chỉ rộng chừng tám trăm dặm, xung quanh có rất nhiều lạch nước, vậy ta biết đi đâu tìm chiếc thuyền nhỏ ấy?
← Hồi 36 | Hồi 38 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác