← Hồi 08 | Hồi 10 → |
Từ ngày Cô Sơn vương bị mất cướp trong lòng tức bực lắm, dẫu có phái cho các quan nha truy bắt, song cũng sai rất nhiều nha tướng đem quân đi các ngả nã tìm.
Một hôm chúng thấy Thúc Bảo tướng mạo đường đường, có vẻ từ xa đến xăm xăm phi ngựa vào thành, lưng đeo đôi giản, chúng sinh nghi bàn tán với nhau:
- Ta đang đi bắt cướp. Tên này trông có vẻ Đại vương cường đạo lắm. Hay là đích hắn.
Chúng bèn len lén chạy theo.
Thúc Bảo ghìm ngựa trước một khách điếm trong phố đông, gọi chủ hàng là Tiểu nhị bảo rằng:
- Ta cần một chỗ ngồi tĩnh mịch, và cần rượu ngon nhắm tốt.
Tiểu nhị thấy khách lịch sự, vái rạp xuống mà rằng:
- Xin mời tướng công lên lầu thượng, gió mát, phòng đẹp rượu ngon và có cả ca nhi đàn hát.
Thúc Bảo nói:
- Đem ngựa ta vào chuồng, chọn cỏ tốt, thóc nếp cho ăn, ta sẽ trả tiền xứng đáng.
Rồi bước nhanh lên thang lầu. Dưới kia bọn công nhân vẫy tiêu nhị ra ngoài đường, sẽ nói:
- Người ấy có vẻ khả nghi cường đạo cướp lễ vật của nhà vua. Ngươi nên dò xét ý tình xem.
Tiểu nhị gật đầu, vào bưng rượu và thịt nướng, quả phẩm lên. Tiểu nhị rót rượu, đứng chắp tay hầu. Thúc Bảo uống một mình có ý buồn, vừa nhìn xuống phố, vừa nhắm nhót. Ngoảnh lại, vẫn thấy tên Tiêu nhị chắp tay chờ rót rượu hầu. Thúc Bảo hài lòng nói:
- Ta nghe đồn việc mất lễ vật của Cô Son vương ngoài rừng Tràng Điệp hiện đang làm chấn động miền này lắm, có phải không?
Tiểu nhi mười phần đã ngờ đến một vài, nói:
- Vâng, bọn cường đạo nào đó thật là gan voi, mật hổ, dám trêu cả Thiên tử, mới ghê gớm chứ. Thế nào chúng cũng chết xả thịt, xả xương thôi.
Thúc Bảo mỉm cười, uống cạn ba hồ rượu, rồi nói:
- Người dọn cơm ta ăn, cần phải đi vội lắm.
Tiểu nhị chay xuống lầu, thì thầm với lũ nhân công, thuật rõ những lời Thúc Bảo nói. Chúng nhân công gật gù nói:
- Thế thì đích cường đạo đó. Nếu vậy thì phen này tiểu nhị với chúng ta sẽ được công to. Nhưng hắn có vẻ oai phong thế, chúng ta bắt làm sao được, phải mau mau đi báo lão cô gia.
Nói rồi chúng chạy ra đường, thẳng vào đại dinh Cô Sơn vương Dương Lâm khẩn báo Dương Lâm cả mừng sai mười dũng tướng dẫn một nghìn quân tức tốc kéo ra vây kín cả lử điếm. Việc này làm cho dân thành Đăng Châu hoảng sợ, nhà nào cũng đóng chặt cửa, không dám thò ra.
Quân sĩ reo hò:
- Bắt lấy giặc rừng Tràng Điệp anh em ơi!
Trên lầu, Thúc Bảo nghĩ thầm:
- Thế là chúng mắc kế mình rồi, tốt lắm.
Đoạn xách đôi giản từ trên cửa sổ lầu phi người xuống chân khẽ chạm đất nhẹ nhàng như chiếc lá. Bảo quát rằng:
- Các ngươi muốn yên lành thì chớ chạm đến ta, đôi giản này sẽ không kiêng nể tên nào vô lễ. Ta đang muốn yết kiến Đại vương có đây, dãn ra hai bên để ta đi.
Nói rồi ung dung đi trước. Chúng quân sĩ thấy Thúc Bảo ăn nói đàng hoàng, đều chịu đi sau, không dám động chạm gì đến cả.
Đến cổng dinh, Dương Lâm sai dẫn vào. Thúc Bảo đi đứng ung dung, rõ ra con nhà đại gia dũng tướng. Dương Lâm có ý khen thầm, nghĩ:
- Sao lại có tên cường đạo khôi ngô, tuấn tú thế kia.
Tới trước thềm, Thúc Bảo bất đắc dĩ quỳ xuống lạy mà rằng:
- Tôi là chức mã khoái ở huyên Lịch Thành, phủ Tế Nam tỉnh Sơn Đông tên gọi là Tần Quỳnh, đang phụng mệnh đi nã bắt cường đạo rừng Tràng Điệp.
Nghe nói Dương Lâm ngoảnh xuống quát mắng các tướng:
- Chúng bay láo quá, sao dám bắt một chức mã khoái bảo là cường đạo?
Chúng tướng hết hồn:
- Bẩm, nghe nói hắn tự nhân là cường đạo nên mới bắt nộp Đại vương.
Thúc Bảo nói:
- Đó là tôi có ý chân thành muốn vào hầu Đại vương, song không làm thế thì sao được vào hầu.
Dương Lâm lại ngắm nghía Thúc Bảo, thấy mặt to, mắt sáng, quả chạc là một tay thượng tướng. Bèn hỏi:
- Tần Quỳnh bao nhiêu tuổi, cha mẹ là chi?
Đáp rằng:
- Năm nay mạt tướng hai mươi lăm tuổi, mẹ già là Trọng thị, cha là Tần Lý mất đi từ ngày tôi còn bé.
Thúc Bảo sở dĩ không dám khai thực tên thân phụ là vì năm xưa Dương Lâm đánh phủ Tế Nam chính tay hắn bắn chết phụ thân Thúc Bảo, nay mà buột miệng nói ra thì tính mạng Thúc Bao tất không toàn.
Dương Lâm hỏi:
- Tần Quỳnh sở trường thứ vũ khí gì?
Đáp rằng:
- Mạt tướng quen dùng đôi kim giản.
Dung Lâm nói:
- Quân bay, đem đôi giản của Tần Quỳnh vào đây.
Chúng hai ba đứa, xúm xít khiêng đôi giản vào. Dương Lâm nói:
- Ta xem ra thì ngươi có lẽ là người có đại tài, vậy diễn giản pháp ta xem.
Thúc Bảo nói:
- Đại vương đã dạy, mạt tướng xin bái lệnh, nhưng xin cho mượn bộ giáp thì diễn võ mới được nghiêm chỉnh. Đại vương thể cho.
Dương Lâm truyền tả hữu vào lấy ra bộ giáp quý. Dương Lâm chỉ bộ giáp mà rằng:
- Nguyên do năm xưa ta đánh Tế Nam, bắn được một tên giặc tên gọi Tần Di, lột bộ giáp của hắn, lại lấy được một cây thương đầu hổ. Bộ giáp này đánh toàn vàng, ta quý mà cất đi, nay ban cho ngươi.
Chao ôi, kẻ vô tình nói nói người hữu ý nghe. Thúc Bảo lòng đau như kim châm dao cắt, muôn sầu nghìn oán thổn thức ở tâm can. Bảo cúi xuống vờ giụi mắt nhưng mà để lau hạt lệ. Bảo tạ ơn rồi đứng sang một bên để mặc giáp, rõ ràng là một thiếu tướng anh hùng. Bảo bước xuống thềm, đứng giữa sân múa đôi giản với tất cả tài tình lỗi lạc của phép võ gia truyền, trước còn như trăng lạnh sao rơi, sau như muôn ánh ngân hà chiếu toả, người ta không còn trông thấy bóng Tần Quỳnh nữa.
Múa xong nămsáu bài giản, Bảo nghiêng mình, đứng một bên.
Dương Lâm tấm tắc khen thầm, nói:
- Tài mà đến thế thì thật lão gia đây đã bạc đầu làm tướng soái chưa hề thấy bao giờ. Ngươi còn giỏi thứ binh khí gì nữa không?
Đáp rằng:
- Chúng tôi quen dùng cây thương nữa.
Dương nói:
- Đã quen nghề giản lại giỏi nghề thương, thật là hiếm có. Quân bay vào lấy cây thương đầu hổ ra đây.
Chúng lại hai ba đứa khiêng cây trường thương nặng tám mươi cân ra. Thúc Bảo đỡ lấy, ngắm nhìn thấy khắc hàng chữ nhỏ "Vê tướng quân Tần Di chí". Hỡi ơi, vật cũ còn đây, người xưa đã mất, mà kẻ thù không đội một trời thì đang ngạo nghễ ngồi trên ngôi cao trước mắt, Thúc Bảo thấy gan ruột lại quặn đau, chàng nghiến hãi hàm răng, tiết cả cái uất khí cương cường vào đường thương tuyệt diệu. Thương bay như rồng vàng uốn khúc vẫy vùng trên Nam hải, như hạc trời múa cánh chốn thiên thai, khiến Dương Lâm quên cả tuổi già rối rít ngợi khen, hoa chân múa tay luôn mãi.
Múa đủ bảy mươi tám bài thương, lại phụ thêm ba mươi nhăm bài thượng hạ, Thúc Bảo mặt không biến sắc, không một hơi thở mệt, lại nghiêng mình xá, đứng lánh một bên.
Dương Lâm nói:
- Ta thường nghe trong thiên hạ, nghề thương tất phải nhường cho dòng họ La đất Thái Nguyên cớ sao Tần Quỳnh cũng giỏi?
Đáp rằng:
- Năm xưa, mạt tướng phải tội đày ra đất Lạc Châu có vài lần cắt cỏ ở giáo trường, nấp một chỗ mà xem trộm La nguyên soái diễn thương nên nhớ lỏm vài đường đem ra làm trò bẩn mắt lão Đại vương đó mà thôi.
Dương Lâm vuốt râu cười khanh khách:
- Tần Quỳnh nói năng khiêm tốn ta lại càng có lòng yêu.
Năm nay lão cô gia đã sáu mươi tuổi thọ rồi, đường tử tức thực là muộn hiếm. Ta có nuôi mười hai vị Thái bảo làm nghĩa tử song xét ra chúng võ nghệ tài đức kém hơn ngươi nhiều. Nay cô gia muốn nhận Tần Quỳnh làm con nuôi đó.
Nghe nói, Thúc Bảo càng nghiến răng nén cái căm hờn nghĩ:
- Nó là kẻ giết cha ta, giận rằng thằng con bất hiếu này không thể băm nó ra để moi gan tế hương hồn thân phụ, nay còn mặt mũi nào quỳ lạy nhận nó làm nghĩa phụ Bèn đáp:
- Mạt tướng tự xẹt mình chỉ đáng đứng sau trướng lão Đại vương hầu ngựa thổi cơm, đâu dám len vào hàng thái bảo, e các vị anh hùng đó chê cười.
Dương Lâm trừng mắt nói:
- Ta hạ cố nhận ngươi làm thái bảo, không biết nhận cái ân huệ đó sao lại còn từ chối, chả hóa khinh lòng cô gia lắm.
Đoạn thét võ sĩ lôi ra chém. Thúc Bảo thở dài mà nói:
- Xin Đại vương đã thương thì ban cho mạt tướng một điều rồi xin chịu chết.
Dương Lâm giả giận sai chém, thấy vậy lại mừng thầm:
- Điều gì Tần Quỳnh khá nói mau. Ta sẽ cố chiều con.
Đáp rằng:
- Mạt tướng cha chết sớm, còn có mẹ già. Xưa nay vốn không bao giờ khinh xuất ăn bát cơm mà không trình, mặc manh áo mà không bẩm, huống chi cái việc lớn lao này. Vậy Đại vương rộng cho mạt tướng về quê trình lão mẫu rồi tức khắc mẹ con mạt tướng đến phụng mệnh ngay dưới lão Đại vương.
Dương Lâm gật đầu khen:
- Tần Quỳnh thật là danh gia, danh tướng và cũng là hiếu tử. Cô gia đâu nỡ lấy uy quyền mà ngăn cấm con làm điều hiếu nghĩa. Vậy con về rồi mau trở lại, kẻo ta mong nhớ.
Thúc Bảo tạ ơn, nghiến răng lạy đủ tám lễ, lại rằng:
- Tâu phụ vương, còn việc này, xin bẩm nốt. Đó là việc truy nã bọn cường đạo, xin trông ơn phụ vương rộng cho các quan địa phương được thêm hạn nữa. Bắt tìm lũ giặc cỏ ở nơi núi hiểm rừng sâu, thật là muôn vạn khó khăn. Mà hạn kia ngắn ngủi sắp hết rồi, e ràng các quan địa phương lo sợ quá mà không làm nên việc. Phụ vương lòng như trời bể, há lại tiếc một kỳ hẹn nữa hay sao.
Nghe Tần Quỳnh nói năng chí lý. Cô Sơn vương càng yêu quý bèn gật đầu ưng thuận.
Sau đó, dự yến, rồi Thúc Bảo lạy biệt Dương Lâm, đeo giản cầm thương, mặc giáp nhảy phắt lên ngựa phóng như bay qua phố xá, qua cổng thành khiến muôn vạn người chỉ trỏ ngợi khen.
Qua ngày nắng tắt, tối đèn, thời giản vun vút, ngoảnh lại đã qua một tháng, Thúc Bảo vẫn chưa đến Đăng Châu. Cô Sơn vương nóng lòng mong đợi, hạ trát cho quan huyện Lịch Thành, thúc Tần Quỳnh mau bắt giặc.
Huyện quan Từ Hữu Đức không còn hồn vía, quá kỳ hẹn vẫn chẳng thấy kết quả gì, bèn trách phạt Thúc Bảo rất nặng nề.
Nhắc lại chuyện Thiều Hoa Sơn: bọn Bá Dương nhớ lời Thúc Bảo hẹn hò họp mặt uống rượu mừng thọ lão mẫu ngày hai mươi ba tháng chín. Bá Dương tình nguyện đi trước đến trang viện Nhị hiền tỉnh Sơn Tây, rủ Đơn Hùng Tín cùng đi.
Đi ròng rã năm ngày, Bá Dương đã tới trang viện họ Đan. Nghe tin báo, Hùng Tín vui mừng ra cửa đón, cùng nắm tay nhau vào đại sảnh, gọi trang khách pha trà, làm tiệc.
Bá Dương nói:
- Ngày thọ đản của lão mẫu Tần Quỳnh là hai mươi ba tháng chín này, tiểu đệ đến đây rủ đại huynh cùng đi chúc thọ.
Hùng Tín nói:
- Nếu vậy phải sức giấy thông tin đi các nơi cho anh em biết mà cùng đến.
Đoạn lấy ngay chiếc têm, đó là hiệu lệnh riêng trong đám lục lâm, sai vài mươi tên trang khách đi các ngả thông báo cho chúng bạn "đúng hai mươi hai tháng chín thì họp mặt ở phố Đông phủ Tế Nam, nếu ai không đến sẽ bị phạt".
Sau đó, Hùng Tín sai thợ trong trang viện lấy vàng đúc tám vị tiên (Bát tiên quá hải) để làm lễ vật.
Trong khi đó hảo hán các nơi được hiệu riêng của Đơn Hùng Tín đều khởi hành đi Sơn Đông.
Nhắc lại Tần phu nhân một hôm nói với chồng là La Nghệ:
- Đến ngày hai mươi tám tháng chín này là ngày ăn mừng thọ đản sáu mươi của gia tẩu thiếp, thiếp đã sắm sửa lễ vật, nay muốn cho ấu nhi đi mừng cửu mẫu thưởng thọ, chẳng hay ý tướng công thế nào?
La công nói:
- Phu nhân nghĩ phải lắm. Ngày mai ta cho a Thành đi thay đưa lễ vật mừng.
Tin ấy đưa ra ngoài bọn Trương Công Cẩn, Uất Trì Nam, Uất Trì Bắc, Nam Diên Bình, Bắc Diên Đạo bảy người nghe tin đều muốn đi chúc thọ Tần mẫu. Chúng kéo nhau đến nói với La công tử xin La nguyên soái cho đi.
La Thành vào nói với phụ thân. La Nghệ ưng thuận cho đi. La Thành vào lạy từ thân mẫu, rồi cùng bon Uất Trì bảy người mang lễ vật, nhằm Tế Nam thẳng tiến.
Nhân tiện, cũng nhắc đến Sài Thiệu sau khi tai nạn ở hội hoa đăng, cùng Tần Thúc Bảo chia tay, nay nhớ lời hẹn, xin với Đường công Lý Uyên sang Tế Nam mừng thượng thọ. Lý Uyên nói:
- Năm xưa con gặp Tần ân nhân ở chùa Thừa Phúc, đến khi được tin, cha sai người đến đón thì ân công đã đi rồi. Ơn xưa chưa báo lòng ta còn áy náy. Nay nhân dịp lễ thọ này con nên đi là phải.
Đường công sai lấy một nghìn lạng vàng, một trăm lạng bạc, lại viết thư đưa Sài Thiệu đi Tế Nam.
Tiện đây lại nhắc cả bọn Quốc Viễn, Như Khuê ở Thiếu Hoa sơn.
Được tin của Đơn Hùng Tín hai người đang ngồi bàn biết lấy gì làm lễ vật. Như Khuê nói:
- Năm ngoái đại náo hoa đăng, chúng ta có cướp được một chiếc đèn bằng ngọc châu, lấy cái đó làm đồ mừng cũng được. Tình bạn hữu tâm thành là hơn hết.
Quốc Viễn bằng lòng Đoạn đem đến gói vào hành lý, cùng khởi hành ngay. Một hôm gần tới Sơn Đông thấy bọn La Thành tám ngựa đang phi tới. Không biết La Thành, Quốc Viễn reo to:
- Bọn lái buôn có nhiều hành lý lắm, chắc có nhiều vàng bạc, ta cướp làm lễ vật cũng hay.
Nói rồi phóng ngựa múa đao quát lớn:
- Chúng bay gặp Đại vương đây, phải để hành lý lại, kẻo ta giết hết.
La Thành đang ngứa tay chân, cười khanh khách:
- Đã lâu ta chưa được đánh nhau, nay gặp thằng giặc này thật là cơ hội tốt.
Rồi phóng ngựa lên đánh. Quốc Viễn giơ búa đỡ xoảng một tiếng, ngọn búa bị bật lại phía sau. La Thành thuận tay rút cây ngân hoa giản sau lưng đánh trúng đầu Quốc Viễn. Bị đau quá, Quốc viễn rẽ ngựa chạy vào rừng.
Như Khuê thấy thế múa hai cây lang nha bổng phóng ngựa lại đánh, lại bị La Thành phóng thương đâm trúng vai Khuê. Khuê thấy sức thương của La Thành mạnh quá, cũng rẽ ngựa vào rừng trốn nốt.
La Thành gọi Sử Đại Nại bảo nhặt chiếc Châu Đăng cười sằng sặc:
- Hai tên này ăn trộm gà không xong lại lỗ vốn đấu thóc.
Bọn Quốc Viễn, anh xẻ đầu anh gãy tay, ôm đầu ngựa chạy về con đường nhỏ phương bắc, chừng mươi dặm gặp bọn Đơn Hùng Tín, Bá Dương, Quốc viễn đang đau bỗng reo to:
- Đã có cứu tinh kìa, ta phải trả thù thằng ranh con đó.
Bèn phi ngựa đến, nhảy xuống vái lạy bọn Đang Hùng Tín rồi kể tình đầu. Hùng Tín nổi giận vẫy cả bọn thúc ngựa đuổi La Thành. Nghe tiếng ngựa hí, người reo, La Thành biết là bọn Quốc Viễn trả thù, bèn dừng ngựa, cầm ngang thương mà đợi đánh. Hùng Tín phóng ngựa đến nói:
- Thằng bé con kia sao dám cướp Châu Đăng của hai anh em ta.
Muốn sống thì xuống lạy lão gia tha chết.
La Thành cười chế nhạo:
- Ngươi chưa được nếm ngọn thương này. Hôm nay ta cho biết.
Nói đoạn toan phóng thương đâm. Phía sau, Trương Công Cẩn bỗng nói to:
- La công tử ngừng tay, còn Đơn nhị ca cũng chớ nên nóng nảy.
Hai người đều lùi ngựa lại. Công Cẩn nói với La Thành:
- La công tử không nhớ ư? Tần đai ca thường nói đến một vị ân nhân hảo hán, đó là Đơn Hùng Tín. Vậy Đơn nghĩa sĩ đang ở trước mặt La công tử đó.
Nghe nói La Thành cùng Hùng Tín xuống ngựa vái lạy nhau. Mọi người cùng làm lễ tương kiến đoạn lấy thuốc kim sang buộc vết thương đầu cho Quốc Viễn và vết thương ở cánh tay cho Lý Như Khuê. Máu cầm lại và cơn đau hết ngay lập tức. Đơn Hùng Tín nói:
- Chúng ta hợp cả lại đi Tế Nam một thể cho vui.
Nhắc lại, Vưu Tuấn Đạt tiếp được lệnh tiễn của Đơn Hùng Tín, bèn sai gia tướng sửa soạn lễ vật đi mừng thọ. Trình Giảo Kim nói:
- Đại huynh đi mừng thọ ai. Thử nói ta nghe xem có quen không?
Vưu Tuấn Đạt nói:
- Đó là một tay hảo hán đất Sơn Đông họ Tần tên Quỳnh, chữ là Thúc Bảo. Nay mai khao thượng thọ Tần lão mẫu. Hiền đệ không quen ở nhà đợi ta ít bữa.
Giảo Kim ngửa mặt cười to:
- Tưởng ai, té ra thằng bạn để chỏm của tôi là thằng Thái Bình Lang. Tôi là ân nhân của Tần Quỳnh. Ông thân sinh hắn là Tần Di, trấn thủ Tế Nam bị Dương Lâm bắn chết. Khi đó, Thúc Bảo còn bé tí, mẹ con côi góa ở với mẹ con tôi. Tôi giúp đỡ rất nhiều, sau lớn lên mỗi người đi mỗi ngả, đã lâu lắm không được gặp mặt, nhưng ta nói ra hắn sẽ nhớ ngay.
Tuấn Đạt nói:
- Nếu vậy thì hiền đệ đi với ta mừng Tần lão mẫu. Nhưng dọc đường giữ mồm giữ miệng chớ để tiết lộ ra mà nguy đấy.
Nói xong sửa soạn lễ vật cùng lên yên đi Tế Nam.
Giao Kim đã lâu không cưỡi ngựa vừa nhảy lên yên đã ra roi phỗng như bay chạy qua một trái núi trông thấy toán binh mã của La Thành, Đơn Hùng Tín, Giảo Kim reo lớn:
- Đã có đại phong kia!
Bèn múa búa xông lại quát ầm ĩ. La Thành nói:
- Để tôi cho thằng này một mũi thương.
Nói xong thúc ngựa lên. Giảo Kim giơ búa bổ liền. La Thành gạt búa ra, rụt cây giản đâm trung cánh tay trái Giảo Kim.
Kim kêu lớn:
- Phong khổn! phong khổn!
Tuấn Đạt ở phía sau chạy đến. Đơn Hùng Tín nhận biết Tuấn Đạt bèn gọi La Thành bảo đừng đánh nữa. Hùng Tín giới thiệu Vưu Tuấn Đạt với La Thành. Đạt cũng giới thiệu Giảo Kim với bọn Đơn Hùng Tín.
Mọi người lại lấy thuốc rịt cho Giảo Kim bớt đau ngay lập tức. Cả bọn kéo nhau đến Tế Nam. Tới cách Tế Nam năm dặm, thấy một khách điếm rộng rãi, chúng hảo hán bèn ngẩng nhìn thấy đề ba chữ lớn "Dã liễu điếm".
Hùng Tín bảo mọi người:
- Hôm nay chúng ta hãy tạm nghỉ ở đây. Đợi đông đủ hết mặt, chúng ta sẽ vào thành.
Bèn đưa cả bọn vào quán. Dã Nhuận Phủ, Liễu Chu Thần là chủ quán sai gia nhân dắt một đoàn ngựa vào vườn cỏ sau thả cho ăn uống.
Đoạn mới chư hào kiệt lên lầu. Hùng Tin lại cẩn thận sai trang khách thân tín của mình ra ngả tư đường đón các bạn đi mừng thọ. Trong khi ấy chủ hàng dọn mười thời rượu, cùng nhau ăn uống rất vui.
Cách một lúc, tranh khánh đưa lên lầu bọn Kim Giáp, Đổng Hoàn, Lương Sư Đồ và Đinh Thiên Khánh ở Lạc Châu đến. Mọi người làm lễ tương kiến, Chủ quán dọn thêm một bàn nữa.
Lát sau trang khách lại đưa lên một bọn nữa Sài Thiệu, Quất Đột Thông, Quất Đột Cái, Trình Ngạn Lư, Hoàng Thiên Hổ, Lý Hàn Long, Hàn Thành Báo, Chương Hiến Lương, Hà Kim Tước, Tạ Ứng Đăng, Bốc Hồi Chung, Phi Quật Hỉ, tất cả rầm rộ chào hỏi nhau, bàn kéo ngang, bàn kéo dọc, chủ hàng sai tửu bảo hầu chu đáo.
Thốt nhiên, có hai chiếc kiệu đỗ dưới lầu. Hai vị ung dung bước lên thang.
Đó là Từ Thích, tự Từ Mâu Công và Ngụy Trung. Từ Mậu Công đã bấm nhâm độn biết trước là hôm nay các vị sao trên trời đại hội ở đây để sắp sửa làm nghiêng ngửa triều Tùy, và tự biết ngôi sao thủ mệnh của mình cũng ứng với 3sáu vị Kim Tinh kia, nên rủ Ngụy Trung cùng đến họp, mưu đồ đại nghĩa.
Mọi người vốn đã biết Từ Mậu Công và Ngụy Trung, nay gặp mặt để cùng đi lễ thọ Tần lão mẫu thì vui sướng đứng cả lên chào lạy, đoạn Hùng Tín kéo hai ghế cao nhất mời họ Từ, họ Ngụy ngồi chủ vị.
Dưới lầu, có hai anh em Lỗ Minh Nguyệt, Lỗ Minh Tinh vừa tới.
Chúng từng bao năm tung hoành trên mặt bể, ít đi lại với bọn sơn vương, nên trang khách không biết mà mời lên lầu. Chúng ngồi uống rượu đang cao hứng, lắng nghe tiếng cười nói ầm ĩ ở trên lầu, cũng không hỏi han làm chi, cho là bọn lái buôn nào đó thôi.
Trong khi ấy, Trình Giảo Kim rượu đã ba tuần, say lảo đảo, ngồi ngẫm nghĩ:
- "Khi xưa ta nghèo khổ, cơm chẳng đủ ăn, áo không đủ mặc, ngờ đâu gặp Vưu Tuấn Đạt rủ đi làm nghề lạc thảo, nay được quen các mặt hảo hán trong thiên hạ, thực cũng sướng cho cái thằng Kim quê mùa dốt nát này."
Nghĩ vậy, lòng hớn hở, ngựa mặt cười, chân dẫm mạnh xuống sàn gỗ, làm bụi đổ xuống đầy bình rượu và đầu tóc, em họ Lỗ giặc bể kia.
Minh Tinh nóng nảy vùng đứng dậy thét vang:
- Thằng nào ở trên vô lễ thế?
Trình Giảo kim ngồi ở cai bàn cạnh cầu thang, lại vốn sáng tai, nghe thấy hỏi vậy, bèn hầm hầm nhảy ngay xuống xông tới đánh luôn.
Ngờ đâu Lỗ Minh Tinh vôn là hải tặc khỏe lạ lùng, lừa thế luồn lại nắm được cánh tay Giảo Kim, Kim tức giận không giằng ra được lại phóng tay trái đánh. Lỗ Minh Nguyệt đá ghế đứng lên nắm lấy. Đoạn hai tay, anh em họ Lỗ cứ nhằm mặt mũi, lưng bụng Giảo Kim mà đánh. Giảo Kim quen miệng kêu inh ỏi:
- Phong khổn! Phong khổn! Anh em ơi!
Bọn trên lầu nghe kêu, chạy hết cả xuống. Hùng Tín nhận ra anh em đồng đạo, vội can ngăn. Hai bên bèn xin lỗi, rồi lại cùng nhau kéo cả lên lầu. Hùng Tín thân bắt ghế, mời anh em họ Lỗ cùng ngồi bàn với Giảo Kim. Kim cười nói:
- Các chú miền bể giỏi lắm đó. Lão gia có lời khen.
Anh em họ Lỗ cùng cười:
- Rừng bể không mấy khi gặp nhau, cũng phải đọ sức một tí cho vui chứ.
Mọi người cùng cả cười.
Lại nói chủ quán Dã Nhuận thấy bọn Hùng Tín từ xa đến người ngựa đều lấm bụi, ai cũng có hành lý nặng, tướng mạo thấy đều hung dữ, trong lòng nghi hoặc lắm.
Nhuận Phủ thì thầm với Liễu Châu:
- Bọn này tự đâu kéo đến tụ họp tại đây, người nào trông cũng to lớn như giặc cướp. Ta ngờ là bọn cướp lễ vật của Cô Sơn vương mà hiện nay quan quân đang tróc nã. Để ta vào thành báo cho Tần Quỳnh biết.
Chớ nên lộ chuyện, ta đi đây.
Nhuận Phủ chạy một mạch vào trong huyện, gặp ngay Tần Thúc Bảo. Nhuận Phủ thuật rõ việc ở hàng mình, rồi tiếp:
- Mời ông đến ngay cho. Có lẽ có lẫn cả Trình Đạt, Vưu Kim là hai thằng giặc cướp lễ vật chăng.
Thúc Bảo gọi Phàn Hổ, cả hai cầm khí giới cùng Nhuận Phủ ra khách điếm. Thúc Bảo đi đầu rón rén bước lên thang, chợt trông thấy Đơn Hùng Tín ngồi thẳng trước mắt, vội quay xuống.
Nhưng mắt Hùng Tín nhanh như mắt cáo, trông thấy Thúc Bảo, vội đẩy ghế đứng lên gọi:
- Tần đại ca, chúng đệ ở cả đây. Sao lại nỡ lánh các em?
Thúc Bảo vạn bất đắc dĩ phải quay lên, cùng Phàn Hổ, chào cả mọi người. Đến trước mặt ai cũng vồn vã hỏi thăm, tới Giảo Kim, Thúc Bảo chỉ vái mà quay sang người khác.
Vưu Tuấn Đạt bấm Giảo Kim nói thầm:
- Kìa sao bữa nọ hiền đệ khoe là ân nhân của Thúc Bảo. Sao hắn lãnh đạm với hiền đệ thế?
Bị khích, Kim điên tiết bước lên nắm áo Thúc Bảo mà rằng:
- Mi là đứa tiểu nhân chỉ tôn trọng người phú quý có nhớ đâu ân nghĩa ngày xưa, nên rẻ rúng ta, vậy mà thiên hạ ca tụng ngươi là Tiểu Mạnh Thường thì người ta mù điếc hết.
Thúc Bảo nghiêng mình xá mà cười:
- Chết nỗi, tiểu đệ nào có tội gì, chỉ hiềm nhất kiến chưa biết nói gì với đại huynh đó thôi, chứ Tần Quỳnh này bao giờ cũng lấy lễ nghĩa làm đầu, đâu dám nghĩ sự nghèo già, kính trọng.
Giảo Kim trừng mắt nói:
- Thái Bình Lang không còn được nghe Tần bá mẫu ta nói lại cho nghe, ngày ngươi mới lên năm, mẹ con ta đã xẻ cháo nhường rau cho bá mẫu và ngươi ở Bàn cư chấn? Ngày nay ngươi làm nên, nỡ quên ngay thằng Trình Giảo Kim này!
Thúc Bảo giật nẩy mình vội sụp xuống lạy mà rằng:
- Chết nỗi, Trình đại huynh đó ư? Em ngày đó còn bé dại, lớn lên chỉ nghe thân mẫu nhắc nhủ công ơn mà không biết mặt, nay lòng trời run rủi cho anh em gặp gỡ nhau, em có tội, xin thứ cho em.
Nói rồi lại lạy, Giảo Kim khoái chí ôm lấy Thúc Bảo mà ngửa mặt lên cười sằng sặc, rồi quay lại bảo Vưu Tuấn Đạt rằng:
- Đó Vưu đại ca ơi, ta có nói khoác đâu. Thật là em ta nhé.
Thúc Bảo vui mừng quên cả hiềm nghi, thắc mắc, sai tửu bảo mời cả chủ quán Dã Nhuận Phủ, Liễu Chu Thần lên uống rượu, Thúc Bảo thân đi róc rượu mời khắp lượt anh hùng.
Đến chỗ Đơn Hùng Tín, vô ý vấp phải miếng gỗ ở chân bàn. Thúc Bảo kêu lên một tiếng "ối chao" rỗi khuỵu xuống.
Hùng Tín và mọi người kinh ngạc đứng lên. Tín cúi ôm Bảo dậy:
- Hiền đệ sao lại bị đau đến thế?
Phàn Hổ bèn kể rõ việc nhà vua mất cướp, quan nha truy nã cường đạo, quan huyện đây sai Thúc Bảo đi tầm nã, không được, đã dùng hình phạt nặng nề khiến Thúc Bảo bị thương ở khắp đùi và mình mẩy, chạm vào đau ngay, cho nên ngã.
Hùng Tín cùng mọi người nổi giận nói:
- Trong anh em ta đây ai lấy lễ vật đó, nếu đã là hảo hán thì nói cho nhau biết. Không lẽ được hưởng báu vật để Tần đại ca một mình chịu đau khổ như vậy.
Giảo Kim nói to lên:
- Để lão Trình này nói!
Vưu Tuấn Đạt giật nẩy mình bấm đùi Giảo Kim. Kim quát:
- Sao lại bấm đùi ta? Để lão gia nói cho các bạn biết rằng lấy lễ vật đó chính thằng Trình Giảo Kim này và Vưu Tuấn Đạt kia. Đích thật ta Trình Giảo Kim và Vưu Tuấn Đạt, chứ không phải Trình Đạt, Vưu Kim khỉ tiều nào hết!
Thúc Bảo nghe nói cả kinh, vội bưng lấy mồm Giảo Kim bảo rằng:
- Ân huynh đừng nói câu đó. Người ngoài nghe biết thì chết hết.
Giảo Kim đứng dậy cởi phăng áo, nói:
- Cái thằng Trình Giảo Kim này xưa kia mình trần khố trụi, bây giờ được cùng các hảo hán kết giao thế là thoả chí bình sinh, dẫu chết tù chết chém cũng không ân hận. Miễn là mẹ già nhờ các đại huynh nuôi giúp cho là được. Nay làm nên tội thì chịu tội. Trốn lẩn là hèn nhát. Các ngươi mau mau trói thằng Kim này lại mà giải quan để Thúc Bảo đỡ khổ vì ta, thế 1à hả lắm. Ta đây đội trời đạp đất, không sợ tù ngục, không sợ tra khảo, không sợ chết. Trói ta, mau!
Thúc Bảo nắm chặt tay Giảo Kim, nói:
- Cái nghĩa khí hào hùng của Trình đại huynh đã khiến ngu đệ đây cảm kích và tự thẹn rằng nếu không theo kịp chẳng hóa ra tầm thường, giá áo túi cơm sao. Nay đại huynh tự sả thân cứu tiểu đệ, lẽ nào Bảo này lại nhắm mắt làm điều bất nghĩa đó đối với ân huynh. Cái nhục vong ân bội nghĩa, tham miếng cơm manh áo của quan sẽ khiến nghĩa sĩ trong thiên hạ coi Bảo tôi bằng sâu kiến, vậy xin thề cùng anh em cùng sống chết từ phút này.
Dút lời thò tay vào bọc lấy chiếc thẻ bài đi bắt cướp bẻ làm đôi vất xuống đất, lấy cả giấy phê văn châm lửa đốt.
Bọn Hùng Tin đập bàn ném chén mà reo:
- Hay lắm, hay lắm! Thế mới gọi là hảo hán.
Từ Mậu Công cạn luôn ba chén rượu, hào hứng nói:
- Chư vi anh hùng bốn phương tình cờ gặp mặt buổi hôm nay, thực là không còn dịp khác, Thúc Bảo trưởng huynh và Trình đại ca đã tỏ cái nghĩa khí phi thường như thế, sao không cùng nhau uống máu ăn thề để đồng sinh đồng tử với nhau?
Mọi người đồng thanh đáp:
- Lời tiên sinh dạy thật vàng ngọc. Chúng tôi xin được ăn thề.
Rồi đó, bày hương án, chư hào kiệt viết tên tuổi vào mảnh giấy to, đoạn cùng nhau trích máu tay rỏ cả vào bát rượu lớn đặt trên hương án, đốt trầm nghi ngút, cả thấy ba mươi chín vị anh hùng đều xếp hàng quỳ nguyện:
- Chúng tôi ba mươi chín người, trích máu ăn thề, không nguyện sinh cùng ngày, chỉ thề cùng ngày mà chết, sự lành dữ cùng chịu cho nhau, nếu ai ăn ở hai lòng, trời sẽ hại.
Khấn xong, mỗi người cho chén vào bát rượu máu, uống một chén đầy, không để sánh ra ngoài một giọt.
Đoạn triệt bỏ hương án. Thúc Bảo nói:
- Bây giờ trời đổ tối, các đại huynh nghỉ tạm ở đây, mai sớm vào thành dự tiệc mừng cho lão mẫu.
Nói xong, lạy biệt mọi người, rồi cùng La Thành về nhà riêng. Thấy cửu mẫu, La Thành sụp lạy. Tần mẫu thấy La điệt tướng mạo khởi ngô, da trắng môi đỏ, mày thanh mắt sáng, dáng đi như hổ, tiếng nói như chuông, thực là dòng dõi họ La, họ Tần có khác thường. Tần mẫu mừng lắm, sai dọn rượu, cùng ngồi với cháu uống rượu cho đến khuya, hỏi han việc cửa nhà sau trước.
← Hồi 08 | Hồi 10 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác