← Hồi 89 | Hồi 91 → |
Chàng đòi kết tóc se tơ, Ba câu thiếp hỏi đáp cho vừa lòng.
***
Sáng sớm hôm sau, Ba Thiên Thạch, Chu Đan Thần hai người tỉnh giấc không thấy Đoàn Dự đâu, chạy đến phòng Vương Ngữ Yên gọi mấy tiếng không nghe trả lời, thấy cửa chỉ khép hờ, gõ thử mấy cái rồi đẩy cửa bước vào, trong phòng nào thấy một ai.
Ba Chu hai người luôn mồm kêu khổ. Chu Đan Thần nói:
- Vị tiểu vương tử nhà ta thật như hệt tính vương gia, đáo xứ lưu tình, chắc hẳn đã cùng Vương cô nương nửa đêm lẻn đi, không biết về hướng nào.
Ba Thiên Thạch gật đầu:
- Tiểu vương tử phong lưu tiêu sái, quả đúng là thứ "giang sơn coi nhẹ, tình coi nặng". Y phải lòng Vương cô nương, chuyện đó ai mà chẳng biết, bảo y đi ứng tuyển phò mã Tây Hạ... ôi, vị tiểu vương tử này có chịu nghe ai bao giờ, năm xưa hoàng thượng và vương gia muốn y luyện võ, y nhất quyết không luyện, đối đế quá bèn bỏ nhà ra đi.
Chu Đan Thần nói:
- Thôi mình chỉ đành có nước chia nhau ra đuổi theo rồi hết lời khuyên giải y.
Ba Thiên Thạch giang hai tay gượng gạo nở một nụ cười. Chu Đan Thần lại tiếp:
- Ba huynh, nhớ lại năm xưa vương gia sai tiểu đệ đi kiếm tiểu vương tử, may sao tìm được, ai ngờ tiểu vương tử...
Nói tới đây, y hạ giọng nói nhỏ:
-... tiểu vương tử lại mê cái cô nàng Mộc Uyển Thanh, hai người nửa đêm lẻn ra, tiểu đệ hay tin, đã chặn sẵn trên đường có thế mới giữ anh chàng lại được.
Ba Thiên Thạch vỗ đùi nói:
- Ồ, Chu hiền đệ, thế thì đây là lỗi chú mày. Nếu ngươi đã có kinh nghiệm đó rồi, sao nay lại để đi vào vết xe cũ? Đã thế thì mình phải chia phiên mà canh giữ y suốt đêm mới phải chứ.
Chu Đan Thần thở dài một tiếng nói:
- Ta vẫn tưởng công tử nhà ta trông vào nghĩa khí với Tiêu đại hiệp và Hư Trúc tiên sinh, không đến nỗi dứt áo bỏ đi, có ai ngờ.. có ai ngờ công tử lại...
Mấy chữ "lấy nữ sắc làm trọng mà bạn bè coi khinh" đem ra bình phẩm e rằng phạm thượng, hơn nữa Đoàn Dự có giao tình với Chu Đan Thần rất hậu nên không tiện nói ra.
Hai người không biết tính sao, đành đến báo cho Tiêu Phong và Hư Trúc rồi chia nhau đi tìm, suốt cả một ngày vẫn không thấy tăm hơi đâu cả.
Đến chiều tối, cả bọn tụ tập ở chiếc phòng để không của Đoàn Dự cùng nhau bàn thảo. Còn đang lo lắng thì một vị chủ sự của bộ Lễ Tây Hạ đến tân quán, gặp Ba Thiên Thạch cho hay chiều tối hôm sau ngày rằm tháng tám hoàng thượng sẽ thiết yến ở Tây Hoa Cung để đãi các giai khách đến cầu thân, xin mời Đoàn vương tử nước Đại Lý quang lâm. Ba Thiên Thạch thật như người câm ăn ớt, chỉ đành vâng vâng dạ dạ nhận lời.
Gã chủ sự đó đã được lót tay rồi nên thái độ hết sức thân thiết, lúc cáo từ Ba Thiên Thạch lại đích thân tiễn chân ra cửa, bấy giờ mới ghé tai thì thầm:
- Ba tư không, ta có tin này nói riêng cho ông. Đêm mai hoàng thượng tứ yến cốt để xem xét tài mạo cử chỉ những kẻ rắp ranh, sau khi ăn xong không chừng sẽ có những trò vui như bắn cung, đấu võ để khách anh hùng phân tài cao thấp. Chuyện đó với việc lựa chọn ai là phò mã, xứng đáng gá nghĩa cùng công chúa nương nương rất có liên quan, mong Đoàn vương tử để tâm một chút.
Ba Thiên Thạch chắp tay bái tạ, lấy từ tay áo ra một đĩnh hoàng kim nặng nhét vào tay y. Khi quay vào tân quán, Ba Thiên Thạch thuật lại cho mọi người nghe, thở dài:
- Trấn Nam Vương căn dặn hàng nghìn hàng vạn lần là phải làm mọi cách để cho tiểu vương tử lấy được công chúa đem về, anh em mình làm không xong việc thì còn mặt mũi nào mà về bái kiến vương gia?
Trúc Kiếm đột nhiên nhoẻn miệng cười nói:
- Ba lão gia, tiểu tì muốn nói một câu có được không?
Ba Thiên Thạch đáp:
- Xin tỉ tỉ cứ tự tiện.
Trúc Kiếm mỉm cười:
- Phụ vương Đoàn công tử muốn lấy cho được công chúa Tây Hạ chẳng qua cũng chỉ để kết thân, hai nước Tây Hạ, Đại Lý thành hôn nhân chi quốc, có gì lo liệu nâng đỡ lẫn nhau, phải không nào?
Ba Thiên Thạch đáp:
- Quả là như thế.
Cúc Kiếm nói:
- Còn như cô công chúa Tây Hạ đẹp như Tây Thi hay xấu như Chung Vô Diệm, ông bố chồng Đoàn vương gia kia cũng đâu cần biết, có đúng không?
Ba Thiên Thạch nói:
- Con người ta là vai công chúa tôn quí như thế dẫu không có nhan sắc trầm ngư lạc nhạn thì chắc cũng phải bậc trung.
Mai Kiếm nói:
- Chị em chúng tôi có một chủ ý, miễn là lấy được công chúa về Đại Lý, còn có kịp thời tìm ra Đoàn công tử hay không thì cũng đâu có liên quan gì đến đại cuộc.
Lan Kiếm cười:
- Đoàn công tử và Vương cô nương đi du ngoạn giang hồ cho chán chê, qua một năm sáu tháng, hai năm ba năm lúc đó mới về Đại Lý, khi đó cùng công chúa động phòng hoa chúc cũng đâu có muộn.
Ba Thiên Thạch và Chu Đan Thần vừa king ngạc vừa mừng rỡ, cùng hỏi:
- Không có tiểu vương tử ở đây, làm cách nào mà lấy công chúa về Đại Lý được? Bốn vị cô nương có diệu kế gì, xin nói rõ cho.
Mai Kiếm nói:
- Mộc cô nương đây nếu ăn mặc giả trai thành một thư sinh, có phải còn đẹp trai hơn Đoàn công tử nhiều không? Nhờ cô ta đi phó yến tối mai thì trên bàn tiệc dù có trăm ngàn thanh niên anh hùng thì cũng đâu có ai anh tuấn tiêu sái hơn được?
Lan Kiếm nói:
- Mộc cô nương là em ruột của Đoàn công tử, thay ca ca đi lấy chị dâu về, lập đại công cho quốc gia khiến gia gia hoan hỉ, thế có phải là nhất cử tam tứ tiện hay không?
Trúc Kiếm nói:
- Mộc cô nương đoạt được chức phò mã, bái đường thành thân thì cũng còn phải mất một thời gian, đến lúc đó chắc cũng kiếm ra Đoàn công tử rồi.
Cúc Kiếm nói:
- Dẫu cho lúc đó Đoàn công tử chưa hiện thân, Mộc cô nương phải thay anh bái đường thì làm sao?
Vừa nói cô ta vừa che miệng, cả bốn cô cùng cười ngặt nghẽo. Bốn nàng cùng một tâm tư, cùng một giọng nói, bốn người mà chẳng khác gì một người.
Ba Chu hai người tần ngần, đều cảm thấy kế này thật là táo bạo, nếu như bị lộ tẩy, thân gia chẳng xong lại thành oan gia, hoàng đế Tây Hạ nổi giận hưng binh, mối họa đó thật lớn quá đỗi. Mai Kiếm đoán được tâm sự hai người bèn nói:
- Thực ra Đoàn công tử có vị nghĩa huynh là Tiêu đại hiệp thì chẳng cần phải ve vãn Tây Hạ làm gì, có điều đây là lệnh của vương gia, không thể không theo. Nếu quả như có chuyện gì xảy ra, Tiêu đại hiệp là Nam Viện Đại Vương nước Liêu, mấy chục vạn hùng binh trong tay, lúc đó chỉ cần nói vài lời phân giải là Tây Hạ không còn dám sinh sự với Đại Lý nữa.
Tiêu Phong mỉm cười, gật đầu. Ba Thiên Thạch là Tư Không nước Đại Lý, chấp chưởng chính sự, việc Tiêu Phong là cường viện của Đại Lý y cũng đã nghĩ đến rồi, có điều chính mình nói ra thì không tiện, nghe Mai Kiếm nói thế, Tiêu Phong lại gật gù, biết rằng thế nước vững như bàn thạch, nếu cầu thân không xong thì quốc gia cũng không đến nỗi nào, nghĩ thầm: "Mưu kế của bốn cô nhỏ này thoạt nghe thì tưởng như trò đùa, thế nhưng ngoài ra, thật không còn cách nào hay hơn nữa, chỉ không biết Mộc cô nương có dám mạo hiểm hay không?". Y bèn đáp:
- Những lời đề nghị của bốn vị côn nương quả là diệu kế nhưng làm việc này quả là hung hiểm thái quá, chẳng may sơ hở để lộ ra, e rằng Mộc cô nương sẽ bị bắt giữ. Huống chi anh tài thiên hạ tu tập lại đây, dẫu rằng ngoại mạo Mộc cô nương đúng là bậc nhất thật, thế nhưng nếu tỉ thí võ công, muốn lấn áp quần hùng thì e rằng cũng không phải dễ.
Mọi người cùng nhìn vào Mộc Uyển Thanh xem ý định cô ta thế nào. Mộc Uyển Thanh nói:
- Ba tư không chẳng cần khích ta làm gì, cái người anh đó, cái người anh đó...
Nàng ấp úng được hai câu "cái người anh đó", đột nhiên nước mắt ròng ròng, nghĩ đến Đoàn Dự cùng Vương Ngữ Yên hai người trốn đi với nhau, thật không khác gì năm xưa cùng mình nắm tay rong ruổi, nếu y không phải là huynh trưởng của mình thì chắc chẳng thay lòng đổi dạ đâu, thế mà hôm nay y cùng người khác chàng chàng thiếp thiếp, sung sướng khác nào thần tiên, còn mình ở đây đơn chiếc lạnh lùng, thần tử nước Đại Lý lại nhờ mình thay y đi lấy vợ. Nàng càng nghĩ càng tủi thân, lại thêm tức tối, giơ tay ra đập mạnh lên chiếc bàn trước mặt, khiến cho ấm trà, chén trà loảng xoảng nhảy cả lên, rồi đứng phắt dậy đi ra khỏi phòng.
Mọi người ai cũng chưng hửng, mất cả hứng. Ba Thiên Thạch điềm nhiên nói:
- Chuyện này cũng bởi ta cả, nếu như nói nhỏ nhẹ cầu xin, chắc Mộc cô nương cũng nhận lời, nhưng ta lại nói câu khích bác khiến nàng ta bực mình.
Chu Đan Thần lắc đầu:
- Mộc cô nương bực tức nào phải vì mấy câu của Ba huynh đâu, mà có nguyên nhân khác. Ôi, một lời không sao nói hết được.
Hôm sau mọi người chia nhau đi tìm Đoàn Dự, thấy nơi phố phường thanh niên phục sức hoa lệ diêm dúa, xem chừng phải đến quá nửa là sắp đến hoàng cung dự yến đêm Trung Thu, thỉnh thoảng lại gặp người chửi mắng cãi vã, xem ra các võ sĩ Thổ Phồn vẫn đang hết lòng hết sức vì chủ mà thanh trừ địch thủ. Còn như Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên thì vẫn không thấy đâu cả.
Đến xế chiếu hôm đó, mọi người trước sau trở về tân quán. Tiêu Phong nói:
- Tam đệ nếu đã đi rồi, chúng mình cũng về thôi, dù cho ai làm phò mã thì cũng chẳng liên can gì đến cả.
Ba Thiên Thạch nói:
- Tiêu đại hiệp nói phải lắm, thôi để khỏi thấy người khác làm phò mã thêm bực mình.
Chung Linh bỗng nói:
- Chu tiên sinh, ông có vợ chưa nhỉ? Đoàn công tử không chịu làm phò mã, sao ông không thử một phen? Nếu ông lấy được công chúa Tây Hạ thì cũng vẫn giúp được Đại Lý chớ gì?
Chu Đan Thần cười nói:
- Cô nương chỉ đùa, vãn sinh đã có vợ lớn vợ bé rồi, con trai con gái đầy đủ.
Chung Linh le lưỡi, Chu Đan Thần lại tiếp:
- Tiếc rằng cô nương tướng mạo yêu kiều quá, má núm đồng tiền, không có vẻ gì đàn ông, nếu không đưa cô ra thay, lấy công chúa Tây Hạ thay cho ca ca...
Chung Linh ngạc nhiên:
- Cái gì? Thay cho anh trai ta ư?
Chu Đan Thần biết mình lỡ lời, nghĩ thầm: "Cô là con riêng của Trấn Nam Vương, việc này chưa nên công khai, không tiện nói càn". Y vội đáp:
- Tại hạ nói là thay tiểu vương tử làm việc lớn...
Bỗng nghe ngoài cửa có tiếng người nói:
- Ba tư không, Chu tiên sinh, mình đi chưa nào?
Cánh cửa mở ra, một thanh niên anh tuấn tiến vào, chính là Mộc Uyển Thanh ăn vận nam trang theo lối thư sinh. Mọi người vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ cùng nói:
- Cái gì? Mộc cô nương bằng lòng ư?
Mộc Uyển Thanh đáp:
- Tại hạ họ Đoàn tên Dự, là thế tử của Trấn Nam Vương nước Đại Lý, các vị nói năng cũng nên giữ ý giữ tứ một chút.
Giọng nói sang sảng, tuy vẫn còn chút nữ nhân nhưng người còn trẻ âm điệu có hơi trong trẻo cũng không phải là lạ. Mọi người thấy nàng giả vờ giống lắm, ai nấy cười khanh khách.
Thì ra Mộc Uyển Thanh nổi giận lên, trở về phòng ngồi khóc một hồi, nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình đắc tội với quá nhiều người, quả là áy náy, lại thấy nếu mình giả làm Đoàn Dự đi lấy được công chúa Tây Hạ thật là thú vị, trong lòng cũng tính thầm: "Ngươi tưởng cùng Vương cô nương hai người cao chạy xa bay để vui vầy với nhau là đã xong ư? Để ta thay ngươi lấy công chúa Tây Hạ về, mai mốt đánh nhau cãi nhau cho ngươi biết thân".
Nàng nhớ lại khi mới vào thành Đại Lý, cha mẹ Đoàn Dự đúng là "Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng", gặp nhau trăm đường ngượng ngập, Đoàn Dự nếu có một nàng công chúa minh môi chính thú làm vợ cả rồi, Vương Ngữ Yên còn làm sao là phu nhân được. Mình không lấy được Đoàn Dự thì cũng đành nhưng lẽ nào lại để cái cô nàng họ Vương õng a õng ẹo kia ngang nhiên phỗng tay trên. Nàng càng nghĩ càng đắc ý bèn đứng lên cải trang đi phó yến thay Đoàn Dự.
Bọn Ba Thiên Thạch ai ai cũng lên tinh thần, vội vàng chuẩn bị mọi việc. Ba Thiên Thạch nghĩ thầm, gã Lễ Bộ thị lang kia đến tân quán đã từng gặp Đoàn Dự rồi, nên lấy ra ba trăm lạng hoàng kim, nhờ Chu Đan Thần đem cho Đào thị lang.
Đúng ra lễ vật cũng đã đem đến rồi, đây là món quà đặc biệt cho thêm, dặn Chu Đan Thần đừng nói gì hết, vì biết Đào thị lang nếu có thấy gì sơ hở ắt cũng làm lơ, biết ngay ba trăm lạng kia là để chặn họng mình, ấy chính là "ngậm miệng ăn tiền".
Mộc Uyển Thanh nói:
- Tiêu đại ca, Hư Trúc nhị ca, tốt hơn hết hai vị cùng đi với tiểu đệ phó yến, có thế mới không sợ gì. Nếu không lỡ phải động thủ, tiểu đệ làm sao đánh nổi người ta? Bên trong hoàng cung, nếu bắn độc tiễn giết người thì đâu còn thể thống gì nữa.
Lan Kiếm cười nói:
- Đúng đó! Nếu như Đoàn công tử dùng tên độc bắn lung tung, hoàng cung Tây Hạ thây chất thành đống, công chúa nương nương chắc tởn quá chẳng dám lấy đâu.
Tiêu Phong cũng cười:
- Ta và nhị đệ đã được Đoàn bá phụ ủy thác, dĩ nhiên phải tận lực rồi.
Thế là mọi người thay đổi y phục, cùng vào hoàng cung dự tiệc. Tiêu Phong và Hư Trúc ăn mặc giả làm tùy tòng trong phủ Trấn Nam Vương đi theo Đoàn Dự. Chung Linh và bốn cô gái cung Linh Thứu toan ăn mặc giả trai đi xem trò vui nhưng Ba Thiên Thạch nói:
- Mộc cô nương một người cải trang cũng đã sợ người ta nhìn ra, lại thêm năm cô nương khác giả trai nữa thể nào cũng lộ chuyện.
Chung Linh và bốn nàng đành phải chịu vậy. Đoàn người ra khỏi tân quán, Ba Thiên Thạch đột nhiên kêu lên:
- Chết rồi, suýt nữa làm hỏng hết đại sự. Gã Mộ Dung Phục kia cũng đi tranh chức phò mã, y sẽ nhận ra Đoàn công tử, làm thế nào đây?
Tiêu Phong mỉm cười nói:
- Ba huynh chẳng phải lo, Mộ Dung công tử cũng như Đoàn tam đệ, không từ biệt mà đi đâu mất. Ta mới vừa thăm dò, Đặng Bách Xuyên, Bao Bất Đồng cũng đang bồn chồn như kiến bò trong chảo nóng.
Mọi người mừng quá, đều thở phào:
- Kể cũng khéo thật!
Chu Đan Thần tiếp lời:
- Tiêu đại hiệp quả là chu đáo, đã đi tra xét tình hình Mộ Dung công tử rồi.
Tiêu Phong mỉm cười:
- Ta cũng chẳng phải chu đáo gì, chỉ nghĩ Mộ Dung công tử dáng người tuấn nhã, võ công cao cường, quả là kình địch của Mộc cô nương, ha ha, ha ha!
Ba Thiên Thạch cười theo:
- Thế ra Tiêu đại hiệp định đến khuyên y hôm nay đừng đi phó yến chứ gì?
Chung Linh trợn tròn đôi mắt hỏi lại:
- Y nghìn dặm đường xa diệu vợi đến đây, chỉ cốt được làm phò mã, lẽ nào lại nghe lời khuyên của đại hiệp? Tiêu đại hiệp chắc có giao tình rất thân thiết với Mộ Dung công tử?
Ba Thiên Thạch cười đáp:
- Tiêu đại hiệp và gã kia giao tình cũng chẳng có gì đặc biệt, có điều Tiêu đại hiệp nói chuyện bằng chân tay, không nghe không được.
Chung Linh bấy giờ mới rõ, cười nói:
- Nếu như đem thượng cẳng chân, hạ cẳng tay ra nói chuyện thì ai mà chẳng phải nghe?
Thế rồi Mộc Uyển Thanh, Tiêu Phong, Hư Trúc, Ba Thiên Thạch, Chu Đan Thần năm người cùng đến cửa hoàng cung. Ba Thiên Thạch đưa danh thiếp của Đoàn Dự vào, thượng thư bộ Lễ của nước Tây Hạ đích thân ra ngoài nghinh tiếp.
Vào đến điện Trung Hòa đã thấy người đến dự cũng phải hơn trăm, ngồi rải rác ở khắp các nơi. Chính giữa điện là một mâm tiệc, bàn ghế đều phủ nhiễu vàng thêu rồng, chính là ngự tọa của hoàng đế Tây Hạ. Hai bàn đông tây đều phủ gấm tía, phía đông ngồi ngất ngưởng một đại hán mi rậm mắt to, thân thể cao to, hình dáng uy võ, mặc áo bào đại hồng, trên áo bào thêu một con hổ giơ nanh múa vuốt, đằng sau là tám võ sĩ đứng hầu. Ba Thiên Thạch vừa nhìn đã biết ngay đây là Tông Tán vương tử của nước Thổ Phồn.
Lễ bộ thượng thư dẫn Mộc Uyển Thanh đến mâm tiệc phía tây, không phải ngồi chung với ai còn bọn Tiêu Phong đứng đằng sau nàng. Xem như thế trong những người đến ứng tuyển hôm nay, chỉ có vương tử nước Thổ Phồn vàvương tử nước Đại Lý là tôn quí hơn hết nên hoàng đế Tây Hạ mới kính trọng đến vậy. Ngoài ra các tử đệ con nhà quyền quí cũng đều ngồi xen lẫn với các thanh niên dân gian ở các mâm khác. Mọi người lục tục tiến vào chia nhau ra ngồi.
Sau khi các mâm đã ngồi chật, hai người Trị Điện tướng quân liền hô lớn:
- Tân khách đến đủ rồi, đóng cửa lại.
Trong tiếng chiêng trống, hai phiến cửa dày của điện môn được bốn người vệ sĩ cầm kích đóng lại. Trong số binh sĩ cầm võ khí sáng loáng, một đoàn vệ sĩ giáp vàng cầm kích đi ra, mũi kích lấp lánh dưới ánh lửa đuốc bập bùng.
Rồi lại tiếng nhạc, tiếng trống, hai đội nội thị từ trong nội đường tiến ra, tay người nào cũng cầm một đỉnh hương bằng bạch ngọc, trong lò hương bay nghi ngút. Mọi người đều biết hoàng đế sắp xuất hiện, ai nấy nín thở không dám nói gì nữa.
Sau cùng là bốn tên nội thị mặc cẩm bào, tay không cầm gì cả, chia ra đứng hai bên ngự tọa. Tiêu Phong thấy bốn người đó huyệt Thái Dương gồ lên, biết đây là thị vệ đứng bảo vệ hoàng đế, võ công không phải dở. Một tên nội thị lớn tiếng xướng:
- Vạn tuế đến, nghinh giá!
Tất cả mọi người liền quì xuống. Rồi có tiếng giày lẹp kẹp, một người từ bên trong đi ra, ngồi lên trên ngự ỷ. Gã nội thị kia lại xướng:
- Bình thân!
Mọi người lúc đó mới đứng thẳng lên. Tiêu Phong liếc qua hoàng đế Tây Hạ, thấy ông ta thân hình không cao lắm, vẻ mặt cũng có đôi chút tinh nhanh, trông như một nhân vật anh hùng trong giới thảo mãng. Viên Lễ bộ thượng thư đứng bên cạnh ngự tọa, giở một quyển trục ra, lớn tiếng đọc:
Pháp thiên ứng đạo, quảng thánh thần võ, Tây Hạ hoàng đế sắc viết:
Chư quân ứng chiếu viễn lai, trẫm kỳ gia hứa, kỳ tứ chỉ tửu Khâm tai Mọi người quì xuống tạ ơn. Gã nội thị lại xướng:
- Bình thân!
Mọi người lại đứng dậy. Nhà vua liền nâng chén lên, đưa lên môi nhấp rồi rời chỗ ngồi, quay vào nội đường. Cả đoàn nội thị cũng theo sau, chỉ một thoáng đã đi hết không còn ai nữa.
Mọi người hết sức ngạc nhiên, không ngờ vị hoàng đế đó lại không nói câu nào, không uống ngụm rượu nào, cũng không ở qua bữa tiệc. Ai nấy nghĩ thầm: "Tướng mạo bọn ta ra sao, y chưa nhìn một người nào, làm sao mà tuyển con rể đây?".
Viên Lễ bộ thượng thư nói:
- Xin chư quân ngồi xuống, tùy tiện uống rượu ăn uống.
Thái giám liền bưng các đĩa đồ ăn lên. Tây Hạ là vùng đất rất lạnh miền tây bắc, ăn uống thường ngày dùng thịt bò, thịt trừu là chính, tuy là ngự yến trong hoàng cung nhưng thịt bò thịt trừu miếng nào miếng nấy cắt thành cục lớn.
Mộc Uyển Thanh thấy bọn Tiêu Phong đứng hầu ở bên cạnh, trong lòng áy náy không yên, hạ giọng nói nhỏ:
- Tiêu đại ca, Hư Trúc nhị ca, hai người ngồi xuống ăn đi.
Tiêu Phong và Hư Trúc cùng cười lắc đầu. Mộc Uyển Thanh biết Tiêu Phong thích rượu, nghĩ ra một kế, vẫy tay một cái nói:
- Rót rượu!
Tiêu Phong liền theo lệnh rót rượu ra. Mộc Uyển Thanh nói:
- Ngươi uống một bát trước ta xem.
Tiêu Phong mừng quá, một hơi uống hết ngay bát rượu. Mộc Uyển Thanh lại ra lệnh:
- Uống nữa xem nào!
Tiêu Phong lại uống thêm một bát nữa.
Gã vương tử nước Thổ Phồn ngồi ở bàn phía đông uống mấy ngụm rượu rồi liền cầm một tảng thịt bò lớn trong bát lên gặm, gặm được mấy miếng còn một cục xương to, tiện tay liệng ra, không biết vô tình hay cố ý quăng luôn về phía Mộc Uyển Thanh, kình phong ném ra cực kỳ mãnh liệt.
Chu Đan Thần liền xòe quạt hất cái xương bò, cục xương liền quay ngược lại bắn về phía Tông Tán vương tử. Một tên võ sĩ Thổ Phồn giơ tay chụp lấy chửi một tiếng, cầm chiếc bát trên bàn ném luôn về phía Chu Đan Thần. Ba Thiên Thạch vung chưởng đánh ra, chưởng phong đánh chiếc bát vỡ tan tành trên không thành mấy chục mảnh, văng trở về đám võ sĩ Thổ Phồn. Một tên võ sĩ Thổ Phồn lập tức cởi áo khoác ngoài, cuốn một cái túm lại, thu hết mấy chục mảnh bát vỡ vào trong trường bào, thủ pháp cực kỳ nhanh nhẹn.
Những người đến phó yến tại hoàng cung ai nấy đều nghĩ bụng đã đến đây ai cũng mong được làm phò mã, gặp nhau ắt phải hầm hè, lúc dự tiệc thể nào cũng có tranh chấp, nhưng có ngờ đâu chưa nói đã đánh, vừa vào bàn đã động thủ nhanh như thế. Chỉ nghe loảng xoảng leng keng rầm rĩ cả lên.
Đột nhiên có tiếng chuông kêu boong boong, từ nội đường hai hàng người tiến ra, người thì quần áo bó chẽn, kẻ lại quần chùng áo dài, phần lớn ai cũng cầm những loại binh khí kỳ dị. Một viên quí quan Tây Hạ mặc cẩm bào lớn tiếng nói:
- Hoàng cung nội viện, chư quân không được vô lễ. Những người này đều ở trong Nhất Phẩm Đường của tệ quốc, nếu các vị có hứng thì chia nhau ra tỉ thí xem sao, chứ loạn đả quần đấu thì nhất định không thể được.
Bọn Tiêu Phong ai cũng biết Nhất Phẩm Đường của Tây Hạ là nơi tuyển mộ anh hùng hảo hán, nhân tài không phải là ít nên lập tức ngừng tay. Những chén bát bọn võ sĩ Thổ Phồn liệng tới, bọn Ba Thiên Thạch, Chu Đan Thần chỉ bắt lấy rồi để xuống chứ không ném trả lại. Thế nhưng bọn võ sĩ Thổ Phồn nào có chịu thôi, đến thịt bò, thịt cừu cũng cầm ném sang phía Mộc Uyển Thanh.
Viên quan mặc cẩm bào liền nói với vương tử nước Thổ Phồn:
- Xin điện hạ ra lệnh cho họ ngừng tay, để chúng tôi phải can thiệp vào thì thật bất tiện.
Tông Tán vương tử thấy Nhất Phẩm Đường ít ra cũng phải trên trăm người, huống chi mình đang ở trong cung cấm của đối phương, lập tức vẫy tay một cái bảo thuộc hạ ngừng lại. Lễ bộ thượng thư Tây Hạ liền quay sang viên quan mặc cẩm bào chắp tay:
- Hách Liên Chinh Đông, không biết công chúa nương nương sai bảo thế nào?
Viên quí quan mặc áo gấm kia là tổng quản Nhất Phẩm Đường Hách Liên Thiết Thụ, quan phong Chinh Đông đại tướng quân, năm ngoái đã từng suất lãnh các võ sĩ Nhất Phẩm Đường đi qua Trung Nguyên, bị Mộ Dung Phục mặc giả Lý Diên Tông, dùng Bi Tô Thanh Phong làm cho mê man. Cả bọn Hách Liên Thiết Thụ sau đó bị Cái Bang bắt giữ, may nhờ có Đoàn Diên Khánh cứu thoát, lủi thủi quay về. Y từng nhìn thấy A Châu giả làm Kiều Phong và Đoàn Dự giả làm Mộ Dung Phục nhưng Tiêu Phong thật và Đoàn Dự giả có mặt ở trong điện hôm nay thì chưa từng gặp qua. Bọn Đoàn Diên Khánh, Nam Hải Ngạc Thần tuy cũng là cao thủ Nhất Phẩm Đường nhưng họ đã thương lượng trước, không chịu trong vòng quản thúc.
Hách Liên Thiết Thụ lớn tiếng nói:
- Công chúa nương nương có dụ rằng, xin quí vị tân khách sau khi ăn uống, cùng vào thư phòng bên ngoài Thanh Phượng Các để dùng trà.
Mọi người nghe nói thế, ai nấy kêu lên kinh ngạc. Ngân Xuyên công chúa ở gác Thanh Phượng, nhiều người đã biết rồi, nếu như nàng ta mời tất cả đến uống trà, hẳn là để chính mắt xem xét, tự mình kén chồng. Các thanh niên nghe nói thế ai nấy cực kỳ cao hứng, nghĩ thầm: "Dẫu cho công chúa không chọn ta thì mình cũng chính mắt thấy nàng. Người Tây Hạ ai nấy đều bảo rằng công chúa của họ thiên kiều bách mị, dung mạo trên đời có một không hai, mình được ngó thấy cũng không uổng công đường xa cất bước đến đây".
Vương tử nước Thổ Phồn liền đưa tay áo chùi miệng, đứng phắt lên nói:
- Lúc nào ăn thịt uống rượu mà chẳng được? Bây giờ cần gì ăn, mình đi xem công chúa đi thôi.
Tám tên võ sĩ tùy tòng cùng lên tiếng đáp ứng:
- Tuân lệnh!
Vương tử nước Thổ Phồn quay sang nói với Hách Liên Thiết Thụ:
- Ngươi dẫn đường đi!
Hách Liên Thiết Thụ đáp:
- Được, xin mời điện hạ.
Y quay sang chắp tay nói với Mộc Uyển Thanh:
- Xin mời Đoàn điện hạ.
Mộc Uyển Thanh cũng nói giọng ồm ồm:
- Mời tướng quân.
Cả đoàn người được Hách Liên Thiết Thụ dẫn đường, đi ngang một cái vườn hoa lớn, vài khúc quẹo, qua một dãy giả sơn, Mộc Uyển Thanh bỗng thấy bên cạnh mình có thêm một người, liếc mắt nhìn xem, không khỏi giạât mình kêu lên một tiếng kinh ngạc. Người đó đai ngọc, áo gấm, chính là Đoàn Dự chứ còn ai!
Đoàn Dự nhoẻn miệng cười nói nhỏ:
- Đoàn điện hạ có sợ không?
Mộc Uyển Thanh đáp:
- Dự ca biết rồi ư?
Đoàn Dự cười nói:
- Không phải biết hết mọi chuyện nhưng xem xét tình hình cũng đoán được một hai. Quả là khó cho Đoàn điện hạ thật.
Mộc Uyển Thanh liếc qua hai bên xem có quan viên Tây Hạ nào không, thấy ngay sau lưng Đoàn Dự có thêm hai thanh niên công tử. Một người chừng ba mươi, hai lông mày xếch lên, thái độ ra chiều cao ngạo, còn người kia dung mạo tuyệt đẹp. Mộc Uyển Thanh nhìn kỹ lại, nhận ra ngay người thanh niên đẹp trai kia chính là Vương Ngữ Yên giả trang, nàng giận sôi máu nói:
- Anh giỏi nhỉ, không nói không rằng cùng Vương cô nương bỏ đi, để tôi phải thay anh đứng mũi chịu sào.
Đoàn Dự đáp:
- Hảo muội tử, cô chớ có nổi cáu, chuyện này nói ra dài lắm. Ta bị người ta vứt xuống một giếng bùn, suýt nữa thì chết đói dưới đó rồi.
Mộc Uyển Thanh nghe chàng nói từng bị nguy hiểm, lập tức bớt giận mà lại đâm lo, vội hỏi:
- Thế Dự ca không bị thương chứ? Ta xem khí sắc anh không được khỏe.
Thì ra khi đó ở dưới đáy giếng Đoàn Dự bị Cưu Ma Trí bóp cổ, ngạt thở tưởng chừng sắp ngất đi. Mộ Dung Phục bám trên tường cao của thành giếng, hạnh tai lạc họa, mừng thầm trong bụng, chỉ mong Cưu Ma Trí bóp chết Đoàn Dự. Vương Ngữ Yên hết sức xông vào đánh Cưu Ma Trí nhưng y nào có buông tay, trong cơn nguy cấp, đột nhiên ghé miệng cắn lên cánh tay phải Cưu Ma Trí một cái.
Cưu Ma Trí thấy huyệt Khúc Trì nơi cánh tay đau nhói lên, nội lực đang căng phồng trong người lập tức tuôn thẳng vào chưởng tâm chảy vào đầu vào cổ Đoàn Dự. Nội tức của y vốn dĩ bành trướng toàn thân như muốn vỡ tan, bây giờ có chỗ thoát ra liền cảm thấy thoải mái ngay, bàn tay đang bóp cổ Đoàn Dự lập tức nới lỏng.
Y luyện công đã đến mức cực kỳ ổn định, kình lực ngưng tụ không dễ gì mà bị khuấy động, tuy đã tiếp xúc với cơ thể Đoàn Dự nhưng vì không chạm vào những huyệt đạo trên ngón tay cái hay cổ tay mà Đoàn Dự lại không biết vận dụng Bắc Minh thần công thành thử không thể nào hút nội lực của y được.
Thế nhưng khi Vương Ngữ Yên cắn vào huyệt Khúc Trì, Cưu Ma Trí giật mình, các mạch trong người lập tức thư giãn, nội lực liên miên bất tuyệt cuồn cuộn chảy vào huyệt Liêm Tuyền nơi yết hầu Đoàn Dự. Huyệt Liêm Tuyền thuộc Nhâm Mạch, đi qua các huyệt Thiên Đột, Tuyền Ki, Hoa Cái, Tử Cung, Trung Đình rồi vào biển khí nơi huyệt Đãn Trung.
Cưu Ma Trí thần trí đang mơ mơ hồ hồ, nội tức vừa thoát ra lập tức tỉnh táo, chột dạ nghĩ thầm: "Chết rồi! Chân khí của ta bị y hút ào ào như thế này, chẳng mấy chốc sẽ thành người tàn phế, biết làm sao đây?". Y lập tức vận kình hết sức chống lại nhưng trễ mất rồi. Nội lực của y vốn dĩ đã không mạnh bằng Đoàn Dự, lại thêm non nửa đã chảy vào cơ thể đối phương, bên tiêu bên trưởng, mạnh yếu chênh lệch mỗi lúc một xa, tuy cố sức đề kháng nhưng không cách gì giữ lại được.
Trong đêm tối, Vương Ngữ Yên thấy mình cắn Cưu Ma Trí một cái rồi y không còn xiết cổ Đoàn Dự nữa cũng thấy đỡ lo, nhưng sao bàn tay y vẫn cứ dính chặt vào cổ Đoàn Dự, dù nàng cố sức giằng ra vẫn không được.
Vương Ngữ Yên tuy biết hết các danh gia danh phái trong thiên hạ nhưng nào có đoán ra được môn công phu này của Cưu Ma Trí nhưng chắc hẳn chẳng phải là chuyện tốt lành gì, ắt có hại cho Đoàn Dự nên lại càng hết sức kéo ra.
Cưu Ma Trí thì chỉ mong sao nàng lôi được mình ra, còn Vương Ngữ Yên thì chợt rùng mình một cái, nội lực cũng tuôn ra ngoài. Thì ra Bắc Minh thần công của Đoàn Dự đâu có phân biệt bạn thù, đến chút nội lực thô thiển của Vương Ngữ Yên cũng bị hút mất. Chẳng bao lâu, cả ba người Đoàn Dự, Vương Ngữ Yên lẫn Cưu Ma Trí đều ngất đi.
Qua một hồi sau, Mộ Dung Phục thấy cả ba người không còn động tĩnh gì, gọi mấy tiếng không nghe trả lời nghĩ thầm: "Xem chừng ba người đồng qui ư tận cả rồi". Y lúc đầu thì vui sướng lắm, đến lúc nghĩ lại thân tình của mình với Vương Ngữ Yên, không khỏi thương xót. Y chợt nghĩ ra: "Chết rồi, miệng giếng bị đá tảng lấp mất, nếu như ba người kia không chết, bốn người hợp lực thì may ra còn thoát ra được, bây giờ chỉ còn một mình ta thì còn khó hơn nhiều. Ôi, các ngươi chết sao không ra đến ngoài rồi hãy chết, để mình ta sống có phải hay không?".
Y giơ tay đẩy lên nhưng hàng chục tảng đá chồng lên miệng giếng, còn đang xem xét bỗng nghe bên trên có tiếng người nói lao xao, thanh âm thô tạp, hẳn là nông dân nước Tây Hạ. Thì ra bốn người náo loạn hồi lâu bây giờ trời đã sáng, dân chúng chung quanh thành đang gánh rau đem vào Linh Châu bán, đi ngang qua giếng.
Mộ Dung Phục nghĩ thầm: "Nếu mình gọi họ đến giúp, những tên nhà quê này chắc gì đã hăng hái đến vần những tảng đá mỗi cục cả mấy trăm cân, lay vài cái thấy không đến đâu chắc họ sẽ bỏ đi mất, ta phải lấy lợi để dụ mới được". Nghĩ thế y bèn lớn tiếng kêu:
- Bao nhiêu vàng bạc châu báu đều là của ta, các ngươi không được nổi lòng tham. Nếu chúng bay muốn ta chia cho ba nghìn lượng bạc thì ta cũng đành chịu vậy.
Nói xong y lại đổi giọng eo éo:
- Dưới đây biết bao nhiêu là kim ngân tài bảo, ai tìm thấy cũng có phần, cứ người nào có mặt là có một chút.
Nói xong y lại chuyển giọng khàn khàn:
- Ấy chớ có để ai nghe thấy, ai cũng có phần, dù vàng bạc châu báu nhiều thật nhưng chia ra rồi cũng chẳng được mấy tí.
Những lời đối đáp y đều dùng nội lực truyền ra ngoài. Những người nhà quê nghe thấy thế, ai nấy mừng rỡ, xúm lại như đàn ong vần những tảng đá. Đá tuy nặng thật nhưng bấy nhiêu người hợp lực nên hết cục nọ đến cục kia đều được nhắc ra, Mộ Dung Phục không đợi cho tảng đá lớn kéo ra hoàn toàn, vừa thấy khe hở đủ lọt thân mình liền bò men theo thành giếng, quát một tiếng nhún mình vọt ra ngoài.
Bọn người nhà quê chỉ thấy y thấp thoáng rồi biến mất không còn đâu nữa, kinh hãi không biết thần hay quỉ, tuy sợ hãi nhưng máu tham vẫn còn, hì hục vần hơn chục tảng đá qua một bên, dùng dây buộc rau nối lại thòng một gã bạo dạn nhất xuống.
Gã nọ đến đáy giếng rồi, thấy bọn Cưu Ma Trí ba người nằm gục nơi đó không cục cựa gì cả, nghĩ bụng chắc chết cả rồi, sợ đến mất hồn mất vía, vội vàng giựt giây cho đồng bọn kéo lên.
Tất cả ai nấy thất vọng, bàn tán một hồi, đốt mấy cành cây, lại xuống giếng soi thêm lần nữa. Chỉ thấy ba người không cử động nằm trong đống bùn, chắc hẳn chết đã lâu, chứ nào có thấy tiền bạc gì đâu? Bọn nhà quê nghĩ bụng chết người không phải chuyện nhỏ, nếu để cho quan phủ biết được, không chừng các ngài lại vu cho mình giết người cướp của. Thế là ai nấy run lên bần bật, lập cập chạy về nhà, kẻ phát sốt kẻ phát rét.
Chẳng bao lâu có kẻ thêm mắm dặm muối, đồn ầm lên trong đám dân ngu khu đen rằng cứ mỗi độ trăng tròn, bên miệng giếng lại có bốn con quỉ người đầy bùn tác yêu tác quái, ai trông thấy sẽ nhiễm bệnh lên cơn sốt, phải cúng kiến ngay mới khỏi. Từ đó trở đi bên miệng giếng quanh năm khói hương lúc nào cũng nghi ngút.
Mãi đến lúc quá trưa, ba người dưới giếng mới từ từ tỉnh lại. Người mở mắt đầu tiên là Vương Ngữ Yên, cô nàng công phu thô thiển, nội lực tuy mất hết nhưng vốn dĩ cũng chẳng bao nhiêu nên không tổn hại gì mấy. Nàng tỉnh dậy nghĩ ngay đến Đoàn Dự, tuy lúc đó là ban ngày trời sáng nhưng dưới đáy giếng vẫn tối om om. Nàng vừa mò ra đụng ngay phải Đoàn Dự, kêu lên:
- Đoàn lang, Đoàn lang! Chàng... chàng... chàng... sao ra nông nỗi này?
Vương Ngữ Yên không nghe Đoàn Dự trả lời, nghĩ bụng chắc chàng đã bị Cưu Ma Trí bóp cổ chết rồi, không khỏi ôm "thây" tình nhân khóc òa lên, ôm chặt vào ngực:
- Đoàn lang! Đoàn lang! Chàng đối với thiếp tình sâu nghĩa nặng, nhưng thiếp nào đã được một ngày dịu ngọt, thân mật với chàng. Những tưởng từ nay liễu bồ tùng quân quấn quít bên nhau để bù lại những gì thiếu sót. Ai ngờ đâu... ai ngờ đâu... chàng lại vắn số, chết dưới tay tên ác tăng...
Bông nghe tiếng Cưu Ma Trí nói:
- Cô nương nói đúng một nửa thôi! Lão nạp tuy là ác tăng thật nhưng Đoàn công tử không phải chết vì tay ta.
Vương Ngữ Yên kinh hãi hỏi:
- Không lẽ... không lẽ do biểu ca ta hạ độc thủ hay sao? Sao y... y nỡ nào tàn nhẫn thế?
Cũng vừa lúc đó nội tức Đoàn Dự thuận lợi trở lại nên cũng tỉnh dậy, nghe tiếng Vương Ngữ Yên thánh thót bên tai, sung sướng quá đỗi, thấy được nàng ôm trong lòng nên không động đậy gì cả e nàng phát giác sẽ buông mình ra. Lại nghe Cưu Ma Trí nói tiếp:
- Đoàn lang của cô không phải chết vì tay ác tăng mà ngược lại, ác tăng suýt nữa chết về tay Đoàn lang của cô.
Vương Ngữ Yên thút thít khóc:
- Đến nước này mà ông còn nhẫn tâm đùa cợt được hay sao? Ông có biết lòng ta tan nát, chi bằng ông giết nốt ta đi để cho ta được theo Đoàn lang xuống suối vàng.
Đoàn Dự nghe nàng nói mấy câu thâm tình như thế thật như mở cờ trong bụng, sung sướng không đâu cho hết. Cưu Ma Trí nội lực tuy mất nhưng đầu óc vẫn cực kỳ tinh tế, kiến thức vẫn trác tuyệt như xưa, nghe tiếng thở nhè nhẹ của Đoàn Dự, đủ biết chàng đang hết sức kiềm chế, cũng đoán được dụng ý, thở dài nói:
- Đoàn công tử, bảy mươi hai tuyệt kỹ Thiếu Lâm ta học sai đường đến nỗi tẩu hỏa nhập ma, ở vào tình trạng cực kỳ hung hiểm, nếu không nhờ có công tử hút hết nội lực, lão nạp chắc đã lên cơn điên mà chết. Bây giờ lão nạp tuy võ công mất hết rồi nhưng tính mệnh lại còn, phải bái tạ cái ơn cứu mạng của công tử mới được.
Đoàn Dự vốn là người khiêm khiêm quân tử, bỗng nghe ông ta nói chuyện bái tạ mình nhịn không nổi vội vàng lên tiếng:
- Đại sư việc gì phải khiêm nhường như thế? Tại hạ có tài đức gì đâu mà cứu được mạng đại sư?
Vương Ngữ Yên bỗng nhiên nghe Đoàn Dự mở miệng, hết sức mừng rỡ nhưng lại sững sờ, chợt hiểu ngay ra anh chàng cố ý nằm yên để cho mình ôm vào lòng, không khỏi bẽn lẽn đẩy một cái, hứ một tiếng nói:
- Cái anh này!
Đoàn Dự bị nàng nhìn ra dụng ý cũng ngượng ngập, mặt đỏ bừng vội đứng lên tựa vào tường phía bên kia. Cưu Ma Trí thở dài:
- Lão nạp tuy ở trong cửa Phật nhưng cái tâm tranh cường hiếu thắng còn gấp mấy người thường, cái quả hôm nay ấy là do nhân đã trồng từ ba mươi năm trước. Ôi, tham,, sân, si tam độc không qua được cửa nào, thế mà dám tự cho là cao tăng, đã kiêu ngạo, lại ngã mạn, không biết thẹn, không biết ngượng. Ôi, khi chết đi rồi ắt sẽ thân đọa địa ngục, vạn kiếp chẳng được siêu sinh.
Đoàn Dự trong lòng lo lắng không biết Vương Ngữ Yên có giận mình không, nghe Cưu Ma Trí nói mấy lời chán chường như thế, cảm thấy thương hại, hỏi lại:
- Sao đại sư lại buông những lời như thế? Đại sư mới rồi không được khỏe, bây giờ đã đỡ hơn chưa?
Cưu Ma Trí không nói gì, một hồi sau ám vận chân khí, quả nhiên công phu gian khổ mấy chục năm nay chỉ một buổi đã hết sạch rồi. Ông ta vốn là người đại trí đại tuệ, tu tập Phật học cực kỳ tinh thâm, chỏ vì học võ mà tâm hiếu thắng nổi lên, Phật tâm nhạt dần nên mới có cảnh hôm nay. Ông ta ngồi nơi đống bùn lầy bỗng nhiên tỉnh ngộ: "Như Lai dạy đệ tử rằng việc đầu tiên là phải khứ tham, khứ ái, khứ thu, khứ triền mới mong có thể giải thoát. Còn ta thì chưa bỏ được cái gì, bị danh bị lợi trói cứng không sao thoát ra được. Hôm nay võ công tuy mất, biết đâu chẳng là do đấng Thế Tôn điểm hóa, bảo ta cải tà qui chánh để được thanh tĩnh giải thoát?". Ông ta nghĩ lại những điều mình đã từng làm mấy chục năm qua, mồ hôi trán nhỏ xuống ròng ròng, vừa hổ thẹn lại vừa chua xót.
Đoàn Dự không nghe thấy ông ta trả lời, quay sang hỏi Vương Ngữ Yên:
- Mộ Dung công tử đâu rồi?
Vương Ngữ Yên kêu lên một tiếng nói:
- Biểu ca ư? Ôi chao! Thiếp quên khuấy đi mất.
Đoàn Dự nghe nàng nói "Thiếp quên khuấy đi mất", thật chẳng khác gì được nghe tiếng nhạc nhà trời, không gì hay bằng. Vốn dĩ Vương Ngữ Yên toàn tâm toàn ý chỉ nghĩ đến Mộ Dung Phục, bây giờ cả nửa ngày không nhớ gì đến y, đủ biết nàng đối với mình bằng cái lòng chí thành, trong tâm khảm bây giờ hình ảnh mình đã thay Mộ Dung Phục rồi.
Lại nghe Cưu Ma Trí tiếp:
- Lão nạp trước đây sai lầm đã nhiều, nay xin tạ tội.
Nói xong chắp tay cúi đầu hành lễ. Đoàn Dự tuy không nhìn thấy ông ta cúi chào nhưng cũng vội vàng đáp lễ nói:
- Nếu vãn sinh không được đại sư dẫn tới Trung Nguyên thì làm sao có dịp gặp được Vương cô nương? Vãn sinh đối với đại sư quả là cực kỳ cảm kích.
Cưu Ma Trí đáp:
- Cái đó chẳng qua là phúc báo của công tử nên những điều ác lão nạp làm lại hóa thành trợ duyên. Công tử tâm địa nhân hậu, mai sau phúc đức vô cùng. Lão nạp hôm nay xin cáo biệt, từ nay vạn dặm cách xa, e rằng không còn có dịp gặp lại nhau nữa. Cuốn kinh thư này, sau này nếu công tử thuận tiện, xin thay lão nạp trao trả về cho chùa Thiếu Lâm. Cung chúc hai vị cử án tề mi, bạch đầu giai lão.
Nòi xong đưa cuốn Dịch Cân Kinh dính đầy bùn đất cho Đoàn Dự. Đoàn Dự nói:
- Đại sư định trở về Thổ Phồn chăng?
Cưu Ma Trí đáp:
- Ta muốn quay về nơi chốn cũ của mình nhưng đâu có phải chỉ ở Thổ Phồn mới có.
Đoàn Dự đáp:
- Vương tử quí quốc đang định cầu thân công chúa Tây Hạ, đại sư không đợi cho việc kết thúc rồi về cùng ư?
Cưu Ma Trí mỉm cười đáp:
- Đã đứng ngoài cuộc đời rồi lẽ nào còn để những tục sự đó vướng mắc hay sao? Lão nạp từ nay đi đâu ở đâu đều không định trước, chỉ tùy theo gặp gỡ mà an bài thôi. Tâm đã trụ vào chỗ an lạc rồi thì thân ắt cũng ở vào chỗ an lạc.
Nói xong cầm sợi dây thừng những người nhà quê để lại, giựt giựt thử biết chắc bên trên buộc vào một tảng đá, từ từ trèo lên. Kể từ đó, Cưu Ma Trí đại triệt đại ngộ, về sau thành một vị cao tăng, chuyên tâm dịch kinh luận từ tiếng Thiên Trúc sang Tạng văn, hoằng dương Phật pháp độ được cho rất nhiều người.
Về sau Phật pháp Thiên Trúc suy vi, kinh luật luận ba tạng đều bị thất tán nhưng còn giữ được nhiều ở Tây Tạng cũng do công lao của Cưu Ma Trí một phần lớn.
Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên hai người nhìn nhau đến tiếng thở cũng nghe thấy, tuy đắm chìm trong chỗ bùn đen nhưng trong lòng đầy nỗi vui sướng, không ai còn nghĩ đến việc trèo ra khỏi giếng. Hai người chầm chậm đưa tay ra nắm lấy tay nhau, hai bên cùng một lòng một ý.
Một lúc lâu sau, Vương Ngữ Yên nói:
- Đoàn lang, không biết cổ họng chàng có bị thương không? Đi về xem thế nào?
Đoàn Dự đáp:
- Ta chẳng thấy đau chút nào cả, không cần phải đi vội.
Vương Ngữ Yên dịu dàng nói:
- Chàng không muốn rời khỏi nơi đây, thiếp cũng ở lại với chàng.
Nàng quả là thiên y bách thuận, không trái ý một điều gì. Đoàn Dự cảm thấy thương nàng quá, cười nói:
- Người như nàng mà dầm mình trong đám bùn đen chẳng uổng lắm ru?
Tay trái chàng vòng qua ôm ngang chiếc eo thon, tay phải cầm rợi dây rút một cái, ngờ đâu lực mạnh vô cùng, chỉ hơi dùng sức hai người đã vọt lên đến mấy thước. Đoàn Dự ngạc nhiên, có biết đâu sau chàng vừa hút được nội lực tu tập cả một đời của Cưu Ma Trí, cứ tưởng mình vui quá nên tinh thần phấn chấn, lại được nằm ngủ một giấc cho nên công lực gia tăng.
Hai người ra khỏi giếng rồi, dưới ánh mặt trời thấy người kia mình đầy bùn đất, trông thật nhem nhuốc, liệu tưởng mặt mũi mình chắc cũng chẳng hơn gì, bật cười khanh khách. Hai người bèn tìm một khe nước nhảy xuống tắm rửa hồi lâu, bao nhiêu đất bùn trên đầu tóc, mũi miệng, quần áo, giày dép đều sạch sẽ. Sau đó hai anh chị mới ướt lướt thướt bước ra khỏi suối, nghĩ lại đêm trước Đoàn Dự rơi xuống ao tình cảnh cũng không khác gì, có điều tâm tình hai lần khác nhau xa, thật quả như ở một kiếp nào.
Vương Ngữ Yên nói:
- Hai chúng ta hình dáng thế này không khỏi để người ta dòm ngó, thật là mắc cỡ biết mấy.
Đoàn Dự đáp:
- Chi bằng mình ở lại đây phơi cho khô, đợi đến tối hãy vào thành.
Vương Ngữ Yên gật đầu khen phải, ngồi tựa vào một tảng đá. Đoàn Dự thấy giai nhân như ngọc, mái tóc xanh ướt đẫm trong lòng hết sức hoan hỉ. Vương Ngữ Yên thấy tình lang đăm đăm nhìn mình, e thẹn quay đầu sang một bên. Hai người trong lòng lâng lâng, bao nhiêu chuyện trên đời đều gác bỏ, cảm thấy thời gian sao qua thật mau, trong nháy mắt vầng thái dương đã khuất sau dãy núi phương đoài, mà quần áo giày vớ cũng đã khô từ bao giờ.
Đoàn Dự trong lòng vui sướng chợt nghĩ đến Mộ Dung Phục bèn nói:
- Yên muội, hôm nay tâm nguyện ta đã thỏa rồi, thật thần tiên cũng chưa bằng, không biết biểu ca nàng cầu hôn công chúa Tây Hạ có thành hay không?
Vương Ngữ Yên trước nay mỗi khi nghĩ đến chuyện đó thì đau lòng muốn quyên sinh nhưng lúc này tâm tình đã chuyển biến, đối với Mộ Dung Phục lại cảm thấy có điều áy náy, mong sao cho y lấy được công chúa Tây Hạ bèn nói:
- Đúng đó, chúng mình đi xem thử coi sao.
Hai người lật đật trở về nghinh tân quán, vừa đến cổng bỗng nghe bên kia tường có tiếng người nói:
- Các ngươi cũng về rồi đấy ư?
Chính là tiếng của Mộ Dung Phục. Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên cùng vui mừng nói:
- Phải đó! Thì ra tôn huynh cũng ở nơi đây.
Mộ Dung Phục hừ một tiếng nói:
- Mới vừa đánh nhau với bọn võ sĩ Thổ Phồn, giết được hơn chục tên nhưng cũng làm ta mất bao nhiêu thời giờ. Họ Đoàn kia, sao ngươi không đến hoàng cung phó yến mà lại để cô nương kia giả làm ngươi đi thay? Ta... ta không thể nào để cho ngươi giở trò trí trá, nhất định phải tới tố giác mới được.
Y từ trong giếng chạy ra sau khi tắm rửa, giặt quần áo, nằm ngủ một giấc, lúc tỉnh dậy gặp ngay bọn võ sĩ Thổ Phồn, hai bên đánh nhau một trận, tuy đắc thắng nhưng cũng phí mất bao nhiêu hơi sức, chạy về tân quán thì đã thấy bọn Mộc Uyển Thanh, Tiêu Phong, Ba Thiên Thạch một đoàn đi ra. Y nép vào góc tường quan sát động tĩnh, đang định đi tìm bọn Đặng Bách Xuyên thương nghị kế sách đã thấy Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên hai người sóng đôi đi vào.
Đoàn Dự ngạc nhiên hỏi lại:
- Sao lại có cô nương nào giả mạo làm tiểu đệ? Thật đệ không hề hay biết chuyện gì.
Vương Ngữ Yên cũng nói:
- Biểu ca, chúng em vừa mới chui trong giếng ra...
Nàng chợt nghĩ ra những lời của mình không hoàn toàn đúng sự thật, mình và Đoàn Dự đã ngồi bên khe suối hủ hỉ với nhau cả nửa ngày, đâu có thể nói là vừa ở giếng chui ra, không khỏi sượng sùng. Cũng may trời đang sâm sẩm tối nên Mộ Dung Phục không nhìn thấy vẻ mặt nàng bẽn lẽn, y chỉ mong mau tới hoàng cung chứ chẳng để ý rằng quần áo hai người không còn chút bùn đất nào nữa, không thể nào vừa mới trong giếng chui ra. Lại nghe Vương Ngữ Yên nói tiếp:
- Biểu ca, y... y... Đoàn công tử... cùng em, quả đối với anh không phải chút nào, chỉ mong biểu ca lấy được công chúa Tây Hạ làm vợ.
Mộ Dung Phục tinh thần phấn chấn, vui mừng hỏi lại:
- Ngươi nói thật chứ? Đoàn huynh quả thực không tranh chức phò mã với ta?
Y trong bụng nghĩ thầm: "Chắc thằng ngốc này nổi tính gàn lên, không nghĩ đến chuyện làm phò mã nữa, chỉ nhất định lấy cho bằng được biểu muội, trên đời này sao lại có kẻ hồ đồ như thế, thật là nực cười. Y có Tiêu Phong, Hư Trúc tương trợ, nếu không còn tranh ngôi phò mã với mình, thì đã bớt được một kình địch thực lợi hại".
Đoàn Dự nói:
- Ta quyết không tranh công chúa Tây Hạ với tôn huynh nhưng tôn huynh cũng không được tranh Yên muội của mỗ. Đại trượng phu đã nói ra thì không bao giờ hối hận.
Chàng gặp lại Mộ Dung Phục trong lòng không khỏi băn khoăn. Mộ Dung Phục vui mừng nói:
- Vậy thì chúng mình mau mau tới hoàng cung. Ngươi sẽ bảo cô nương kia không được giả làm ngươi đi tranh chức phò mã.
Thế rồi y hối hả kể lại chuyện Mộc Uyển Thanh giả trang làm sao, Đoàn Dự hiểu ngay vì mình thất tung, Ba Thiên Thạch và Chu Đan Thần vì đã được Trấn Nam Vương giao phó nên mới xúi Mộc Uyển Thanh thay huynh trưởng đi cầu thân. Thế là hai người lập tức đi theo Mộ Dung Phục về nơi cư ngụ.
Bọn Đặng Bách Xuyên đang bồn chồn nóng ruột, vừa thấy công tử trở về, thật mừng hết cỡ. Trước mắt thấy thời giờ cấp bách, mọi người lật đật thay đổi y phục. Đoàn Dự nói thế nào cũng không chịu cách xa Vương Ngữ Yên, thà rằng không tới hoàng cung còn hơn. Mộ Dung Phục không còn đường nào khác đành bảo Vương Ngữ Yên cải trang làm đàn ông cùng nhập cung.
Ba người cùng Đặng Bách Xuyên, Công Dã Can, Bao Bất Đồng, Phong Ba Ác đến được cung vua thì cửa đã đóng nhưng bọn Mộ Dung Phục đâu có vì thế mà bỏ cuộc, len lén đi đến một khúc vắng vẻ trèo tường mà vào. Phong Ba Ác nhảy lên đầu tường, đưa tay kéo Đoàn Dự. Đoàn Dự một tay nắm Vương Ngữ Yên, tay phải thò ra nắm tay Phong Ba Ác dùng sức nhảy lên. Ngờ đâu khi vừa nhún một cái, hai người đã nhẹ nhàng vượt qua đầu Phong Ba Ác, còn cao hơn đến ba bốn thước mới nhẹ nhàng rơi xuống như chiếc lá, không một tiếng động. Mộ Dung Phục đang ở bên trong hoàng cung, Phong Ba Ác ở trên đầu tường, luôn Công Dã Can, Đặng Bách Xuyên bên ngoài cùng cất tấm tắc:
- Hảo khinh công!
Chỉ riêng Bao Bất Đồng nói:
- Ta xem cũng chỉ bình thường.
Bảy người lẻn vào ngự hoa viên tìm nơi tân khách dự yến, định vào đại sảnh cùng ăn tiệc, ngờ đâu những tân khách vừa ngồi xuống đã đi ngay, bao nhiêu thanh niên được Ngân Xuyên công chúa mời uống trà đều tới Thanh Phượng Các. Thành thử Đoàn Dự, Mộ Dung Phục, Vương Ngữ Yên ba người mới gặp lại Mộc Uyển Thanh ở hoa viên.
Tiêu Phong, Ba Thiên Thạch cả bọn thấy Đoàn Dự thần xuất quỉ một ra mặt nơi đây, ai nấy vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Mọi người vội thì thầm thương nghị, cho rằng người cầu hôn đông thế này, quan viên Tây Hạ vị tất đã phát giác, tất cả cứ đi tới Thanh Phượng Các trước rồi tính sau. Đoàn Dự đã tới thì không còn ngại gì bị lộ nữa.
Cả đoàn người đi qua ngự hoa viên, thấy xa xa thấp thoáng một góc lâu đài dưới tàn cây, bên dưới treo hai ngọn cung đăng. Hách Liên Thiết Thụ dẫn mọi người đến nơi rồi, lớn tiếng nói:
- Giai khách bốn phương đến yết kiến công chúa.
Cửa mở toang, bốn cung nữ đi ra, mỗi người cầm một ngọn đèn lồng bằng sa mỏng, đằng sau là một nữ quan mặc áo dài tím nói:
- Các vị gian khổ từ xa đến đây, công chúa mời các vị vào Thanh Phượng Các dùng trà.
Tông Tán vương tử nói:
- Hay lắm, hay lắm! Ta đang khát đây. Được gặp công chúa thì có đi thêm một chút đâu có đáng chi? Có gì mà bảo gian khổ hay không gian khổ? Ha ha, ha ha!
Y cười hô hố ngang nhiên đi ngang qua người vị nữ quan kia vào trong các. Những người còn lại cũng chen vai thích cánh đi theo, ai cũng mong chiếm được một chỗ tốt, càng gần công chúa càng hay.
Chỉ thấy bên trong các là một toà đại sảnh, dưới sàn trải thảm dày dệt bằng lông cừu, trên thêu hoa năm sắc, cực kỳ đẹp đẽ. Những kỷ trà nhỏ bày thành hàng, trên xếp những chén có nắp bằng men hoa xanh. Bên cạnh mỗi chiếc chén có một đĩa thanh hoa, bên trong đựng kẹo sữa, bánh ngọt những loại điểm tâm. Ở tận cùng sảnh đường là một cái sàn cao chừng ba bốn thước, trải thảm màu vàng nhạt, trên bày một chiếc ghế đẩu lót gấm. Mọi người ai nấy tin chắc đây chính là chỗ ngồi của công chúa nên người nọ chen người kia cốt sao cho được ngồi gần bình đài một chút. Chỉ có Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên nắm tay nhau, ngồi ở một góc khuất nẻo thì thầm to nhỏ, mặt mày hớn hở nói chuyệng riêng.
Mọi người yên chỗ rồi, vị nữ quan mới giơ lên một chiếc búa đồng nhỏ, gõ vào một chiếc khánh ngọc kêu lên coong coong coong ba tiếng, sảnh đường lập tức lặng yên không một tiếng động, đến cả Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên cũng không nói nữa, đợi công chúa xuất hiện.
Một hồi sau, chỉ nghe tiếng hoàn bội leng keng, từ nội đường đi ra tám cung nữ áo lục, chia thành hai hàng đứng hai bên, rồi sau một lát là một thiếu nữ mặc áo xanh uyển chuyển bước ra.
Mọi người ai nấy trố mắt nhìn, chỉ thấy thiếu nữ đó thân hình mảnh dẻ, cử chỉ nhàn nhã, diện mạo cực kỳ xinh đẹp. Mọi người ai nấy tấm tắc khen thầm: "Người ta thường bảo Ngân Xuyên công chúa tuyệt sắc vô song, quả thực danh bất hư truyền". Mộ Dung Phục nghĩ bụng: "Ta trước đây vẫn lo Ngân Xuyên công chúa không được xinh đẹp, hóa ra nàng ta tuy so với biểu muội có sút một tí, nhưng cũng là người trong nghìn, vạn người có một, những gì mình e ngại đều là thừa. Xem hình mạo nàng đoan chính thế kia, mai sau có làm hoàng hậu nước Yên, mẫu nghi thiên hạ thì cũng đáng. Ta cùng nàng sinh con đẻ cái, đời đời làm chủ nước Đại Yên".
Thiếu nữ kia chậm rãi đi lên bình đài, hơi khom lưng hành lễ với mọi người. Mọi người thấy nàng đi ra cũng đã đứng dậy, thấy nàng cúi chào đều đáp lễ, có người thấy công chúa khiêm tốn như thế, không có chút gì ra vẻ ta đây, lại càng tấm tắc khen ngợi. Người con gái đó, mắt nhìn mũi, mũi nhìn tâm, mục quang trước sau không để mắt vào ai cả, hiển nhiên cực kỳ e thẹn. Mọi người đến thở mạnh cũng không dám, e rằng kinh động giai nhân, ai nấy nghĩ thầm: "Công chúa cành vàng lá ngọc trước nay ở trong cung cấm, đột nhiên thấy biết bao nhiêu là đàn ông, dĩ nhiên là phải như thế mới hợp với thân phận tôn quí của mình".
Qua một lúc sau, thiếu nữ kia mới bẽn lẽn nhỏ nhẹ nói:
- Công chúa điện hạ chỉ dụ rằng: Chư vị giai khách từ xa đến đây, tiếc thay Thanh Phượng Các không có trà thơm và đồ ăn ngon đãi khách, quả là giản phác, vậy xin quí vị tùy tiện.
Mọi người ai nấy chưng hửng nhìn nhau, không khỏi kêu thầm: "Quả là hổ thẹn, hóa ra nàng ta không phải công chúa, xem ra chỉ là một cung nữ hầu hạ công chúa mà thôi". Thế nhưng ai nấy nghĩ lại: "Mới chỉ là một thị nữ mà đã thế này, công chúa ắt còn phải hơn nhiều". Sau cơn ngỡ ngàng ai nấy lại thêm vài phần phấn khởi.
Tông Tán vương tử nói:
- Thì ra nàng không phải công chúa, vậy mau mau mời công chúa ra đi. Rượu ngon thịt béo ta còn không thèm ăn, ham gì cái thứ trà thơm với lại điểm tâm?
Cung nữ kia đáp:
- Để các vị dùng trà và điểm tâm xong, công chúa điện hạ sẽ có chỉ dụ.
Tông Tán cười nói:
- Được lắm, được lắm, công chúa điện hạ đã bảo như thế thì ta cứ theo thôi.
Y nhắc chén trà lên, mở nắp ra, nghiêng chén đổ tọt cả lá trà lẫn trà vào mồm, nhai trệu trạo rồi nuốt ực xuống bụng. Người Thổ Phồn uống trà có cho thêm muối, sữa đông, cả trà lẫn lá đều nhai nuốt cả. Y uống trà chưa xong đã bốc những món điểm tâm, nhét vào mồm, ú ớ nói:
- Xong rồi! Ta vâng lệnh ăn xong rồi, mời công chúa ra đi.
Cung nữ kia nhỏ nhẹ đáp:
- Vâng!
Thế nhưng vẫn đứng yên đó không cử động. Tông Tán biết nàng đợi cho những người khác ăn xong mới chịu vào thông báo, trong bụng bồn chồn khó chịu, luôn mồm giục:
- Này, tất cả ăn mau lên chứ, lẹ lẹ đi thôi! Lá trà chứ có gì đâu mà không ăn được?
Đến khi hầu hết mọi người đã uống trà ăn điểm tâm xong, Tông Tán vương tử lại hỏi:
- Thế đã được chưa?
Nàng cung nữ mặt hơi ửng đỏ, thần sắc thẹn thùng nói:
- Công chúa điện hạ mời chúng vị giai khách dời gót vào nội thư phòng, thưởng ngoạn thư họa.
Tông Tán hừ một tiếng nói:
- Thư họa thì có gì đáng coi đâu? Mỹ nữ trong tranh đâu có đẹp bằng người thật? Sờ không được, ngửi không được, toàn là giả.
Tuy nói thế nhưng y cũng đứng lên. Mộ Dung Phục trong lòng mừng thầm: "Thế thì hay quá, công chúa muốn mình đến thư họa phòng, ngoài thì nói là quan thưởng thư họa mà kỳ thực là để khảo nghiệm văn tài, cái thứ thô lỗ quê mùa như Tông Tán vương tử, biết đếch gì là thi từ ca phú, thư pháp hội họa? Chỉ e nói ra vài lời thì đã bị công chúa đuổi ra khỏi thư phòng". Y lại nghĩ thầm: "Chỉ riêng tỉ thí võ công ta cũng đủ áp đảo quần hùng, bây giờ lại thêm khảo nghiệm văn tài, thế thì mình ăn đứt". Y nghĩ thế mặt dương dương hớn hở đứng lên.
Cung nữ kia lại tiếp:
- Công chúa điện hạ có dụ rằng: Phàm là các cô nương nữ nhân mặc giả nam trang, những người trên bốn mươi tuổi xin ngồi lại Ngưng Hương Đường này nghỉ ngơi uống trà. Còn ngoài ra các vị giai khách xin mời vào nội thư phòng.
Mộc Uyển Thanh, Vương Ngữ Yên đều kinh hãi thầm: "Thì ra ta là gái giả trai họ đã biết cả rồi". Bỗng nghe có tiếng người nói:
- Sai bét rồi! Không phải vậy!
Người cung nữ mặt đỏ bừng, nàng ta từ bé nhập cung, mấy năm sau chỉ gặp những thái giám bán nam bán nữ, chưa bao giờ gặp đàn ông con trai thực sự, đến hoàng đế và hoàng thái tử cũng chưa thấy, bây giờ gặp nhiều đàn ông đến thế này, trong lòng không khỏi thắc thỏm, lại thêm e thẹn nên một hồi sau mới đáp:
- Không biết vị tiên sinh đây có cao kiến gì?
Bao Bất Đồng nói:
- Cao kiến thì không có, nhưng đê kiến thì có.
Những người nói năng mồm năm miệng mười như Bao Bất Đồng thì cung nữ này chưa từng gặp qua nên nàng không biết phải ứng phó ra sao. Bao Bất Đồng lại tiếp theo:
- Chắc hẳn cô nương muốn hỏi ta: Không biết vị tiên sinh đây có đê kiến gì? Ta thấy cô sượng sùng e thẹn, thôi ta miễn cho khỏi phải hỏi, để ta nói ra cũng được rồi.
← Hồi 89 | Hồi 91 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác