Vay nóng Tima

Truyện:Thần điêu đại hiệp - Hồi 021



Thần điêu đại hiệp
Trọn bộ 104 hồi
Hồi 021: Cưỡi trâu tiếp viện
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-104)

Siêu sale Shopee

Nghe lọt hai tiếng Cổ-mộ Dương-Qua "á" lên một tiếng rồi lắng tai nghe nữa.

Người khàn khàn hỏi:

- Cổ-mộ là môn phái nào, nghe xa lạ quá vậy?

Cơ Thanh-Hư đáp:

- Theo Triệu sư-thúc cho biết thì đệ-tử phái này ít khi xuất hiện giang hồ nên không mấy người biết rõ. Tuy nhiên có một sự lạ là chính Hàn-trại chủ đây cũng không biết rõ?

Người trại chủ họ Hàn đáp:

- Thôi chả nên bàn đến việc đó nữa làm gì. Chỉ nên xem thử sáng mai đối phương có bao nhiêu mạng, tài lực ra sao, mình đối phó như thế nào đây.

Cơ Thanh Hư nói:

- Triệu sư-thúc giao hẹn sẽ gặp con bé tại cửa hang Sài-Lang đúng giờ ngọ ngày mai để so tài, còn bọn họ bao nhiêu người thật cũng chưa biết rõ.

Hàn Trại chủ hỏi:

- Hang Sài-Lang ở đâu, về hướng nào?

Cô Thanh-Hư đáp:

Hang Sài Lang cách đây bốn mươi dặm về phía Tây-Nam. Bọn ta đã được Hàn Trại-chủ, thêm quyền sư họ Trần giúp nó còn sợ gì nữa.

Có tiếng ông già nói:

- Thôi được chúng ta sẽ gặp nhau nơi đây, đúng ngọ ngày mai, bây giờ mình đi, đi đệ.

Cô Thanh Hư tiễn hai người ra cửa còn dặn tiếp theo.

- Chỗ này không xa Trùng-Dương cung là bao nhiêu, nên làm sao cho cuộc đấu ngày mai đừng đến tai các vị Mã, Khưu, Vương biết được thì lôi thôi lắm, cần giữ kín nhẹm nhé.

Hàn trại chủ cười to bảo:

- Các người là môn đệ của Mã Ngọc và Khưu-xứ-Cơ, ta đây là kẻ ngoại phái việc gì phải sợ.

Lão sư họ Trần nói:

- Ngươi cứ yên lòng, nói thế chứ chúng ta không để cho ai biết đâu mà ngại.

Dương-Qua bực quá nghĩ bụng:

- Bọn này quyết tâm hạ thủ Long cô nương của mình nên tìm cách đấu nhẹm không cho Trùng-Dương cung biết. Nhưng sao chủ quan thế? Đã chắc ai hơn ai chưa mà sớm tự phụ lắm vậy.

Khi ấy, bốn người vừa đi vừa chuyện trò, bước luôn ra đường cái.

Dương-Qua thừa dị nhảy phắt qua cửa sổ, chui vô phòng của hai người lục soạn.

Mới nhìn vào đã thấy trên bàn có hai gói bạc, ước chừng vài chục lạng, chàng mừng rỡ nghĩ bụng:

- Thật "buồn ngủ gặp chiếu manh" "đói lòng gặp cơm nguội". Sẵn đây ta lấy đỡ để tiêu xài.

Vừa cất bạc vào lưng, chàng nhìn bên cạnh có một cái bao da dài, mở ra thấy có hai thanh trường kiếm.

Dương-Qua vận sức bẻ gãy thanh kiếm bốn khúc rồi cẩn thận đặt vào bao như cũ. Đoạn, hắn vén quần tiểu vãi lên áo quần, mền chăn của hai đạo sĩ rồi mới rút lui về phòng mình trùm chăn nằm giả bộ ngủ kỹ.

Bỗng có tiếng người phi thân qua tường và nhảy phịch xuống đất. Nghe bước chân đi nặng nề, chàng biết hai đạo sĩ khinh công còn quá non nớt nên chẳng thèm để ý nữa. Tuy nhắm mắt nhưng tai vẫn áp gần vách lắng tai nghe.

Hai đạo sĩ còn bàn tán thêm về cuộc chiến đấu ngày mai trước khi sửa soạn đi ngủ.

Thình lình Bì-thanh-Huyền hét lớn:

- ủa, sao ướt hết cả như vậy?

Kế nghe tiếng hít hơi mấy cái rồi một giọng bực dọc khó chịu thốt lên vang phòng:

- ồ, khai quá, khai không chịu được! Cơ sư huynh đã trót ********* dầm sao! Nếu có thì nói trước để chi tệ vậy?

Cơ-thanh-Hư nạt lớn:

- Đừng nói xàm. Có lẽ mèo, chuột hay con gì ********* đấy. Ta đâu có làm chuyện bậy bạ như vậy.

Bì-thanh-Huyền cãi:

- Mèo chuột gì mà ướt nhẹp cả chăn mền như thế này được.

Bỗng Cơ-Thanh-Hư hốt hoảng hỏi:

- ủa, hai gói bạc đâu mất rồi? Thế là cả hai vội vàng lục soạn khắp phòng để tìm gói bạc, may ra chuột mèo bỏ xó nào chăng?

Dương-Qua nghe hai người bàn bạc cãi lẫy, thích chí cười sằng sặc một mình.

Bỗng Bì-thanh-Huyền gọi lớn:

- Ông chủ ơi, ông chủ? Nơi đây là hắc điếm hay ổ trộm mà có người vào đây cắp hai gói bạc của ta đi rồi.

Tiếng gọi của hai người khiến bọn bồi phòng thức dậy chạy đến.

Bì-thanh-Huyền túm ngực người thủ-quỷ mắng lớn:

- Bọn bây rước trộm về đây lấy hết tiền bạc của ta. Muốn tốt phải giao hoàn lại lập tức. Nếu không ta phá điếm ngay bây giờ.

Khách trọ nghe ồn ào cũng thức giấc chạy đến xem, đứng xung quanh đen nghịt, Dương-Qua cũng thừa dịp trà trộn vào đám đông xem thử.

Người thủ-quỷ cãi lại:

- Quý khách có tiền nhiều sao không gửi chúng tôi, để hỏng hẻo mất mát, làm sao trách chúng tôi được. Tiệm này vốn lương thiện xưa nay, chưa một khách trọ nào than phiền mất một cái gì. Hôm nay hai ông kiếm chuyện sanh sự thật là lần đầu tiên mới có.

Hai đạo-sĩ nghe nói cường lý không biết đối đáp ra sao. Sau cùng Bì-thanh-Huyền tiếc của quá chịu không được, tát vào tai người thủ-quỷ một cái thật mạnh.

Người này nổi nóng, cầm ghế đập nhầu, miệng hô lớn:

- Bà con ơi, có cướp!

Người trong tiệm ùa ra, kẻ cây người gậy xúm lại bao vây hai đạo sĩ đánh nhầu.

Cả hai cố sức đỡ gạt. Tuy nhiên vì bên này quá đông người nên hai người đã rơi vào thế bị động, phải đứng đâu vai vào nhau mà chống cự cầm chừng.

Dương-Qua thích chí quá chạy về phòng leo lên giường trùm chăn cười khúc khích.

Đánh một chập, cự đương hết nổi, hai đạo sĩ vội rút lui vào phòng gài cửa lại.

Sáng sớm ngày sau, Dương-Qua thức dậy ngay từ khi trời còn mờ sương chưa sáng hẳn, gọi hai tô mì ăn điểm tâm.

Chàng để ý thấy các người giúp việc kẻ bưu đầu, người rách áo ai cũng càu nhàu nguyền rủa hai tên đạo sĩ.

Dương-Qua khơi chuyện hỏi:

- Rõ hai đạo sĩ thật quá ngang ngược. Bạc tiền cất giấu trong hồ bao, ít nhiều chẳng ai biết, bỗng dưng hô mất rồi còn làm phiền đến chủ tiệm nữa.

Người tửu bảo tức quá lên tiếng phân bua:

- Quả thật quân ăn cướp, đạo sĩ gì, tu hành chi thứ ấy! Ăn ở không trả tiền, lại kiếm cách phao vu giá họa, gây chuyện đủ điều. Câu chuyện này tức quá, chúng tôi sẽ đi khiếu nại tận Trùng-Dương Cung. Trên ấy người ta đàng hoàng giữ đúng phép tắc lắm! chưa có ai xằng bậy như thế bao giờ. Bao nhiêu đạo sĩ trên núi Chung-nam chưa có một ai ngang tàng như hai tên ấy.

Dương-Qua trả tiền rồi ra phòng tìm đường đi đến hang Sài-Lang Chẳng bao lâu chàng đã vượt quá hai chục dậm đường. Hang Sài-lang đã hiện ra phía xa xa, đàng trước.

Ngó bóng mặt trời chỉ vào khoảng mười giờ thìn, còn sớm chán. Chàng muốn tìm chỗ mát mẻ kín đáo nghỉ chân dưỡng sức để xem thử cuộc đấu ra sao.

Để gây thích thú cho Cô nương, Dương-Qua tìm cách "cải trang" làm một trai cày. Chớ lúc xô xát hai bên, chạy ra để đem sự ngạc nhiên và thích thú cho Tiểu-long-Nữ.

Nghĩ đến việc cải trang, chàng nhớ lại ngày nào đã giả dạng một lần để phỉnh Hồng-lăng-Ba, bây giờ phải làm sao cho thật khéo léo để sư phụ lầm cho vui.

Dương-Qua rảo bước đi vào một nhà nông dân cạnh đó, xem có phương tiện nào để cải trang hóa dạng chăng.

Qua khỏi sân, vào vườn sau, nhìn vào chuồng thấy có một con trâu rất lớn đang nhơi cỏ, cọ sừng nhìn ra như muốn đòi đi.

Vừa thấy bóng Dương-Qua, con trâu trừng mắt, dừng tại nhìn sững.

Dương-Qua bỗng có ý định:

- Hay là mình cải dạng làm đứa bé chăn trâu. Cô nương chắc không thể nào nhận ra được.

Nghĩ xong, chàng xăm xăm bước vào nhà. Trước sân có mấy đứa bé đang ngồi vọc đất chơi nghịch, nhưng thấy dáng điệu chàng hùng hổ, chúng khiếp sợ chẳng dám nói gì hết.

Vào nhà ngó lên vách đất có treo sẵn một bộ áo quần ngắn nhà nông, phía dưới có để một đôi giày cỏ hơi nhục nhục.

Chàng cởi quần áo mình, lấy bộ đồ này mặc thử thấy vừa vặn quá, mà đôi giày cỏ cũng đúng cỡ chân mình.

Chàng vói lên cao lấy một cây roi mây rồi rảo bước lên nhà trên. Khi đi qua nhà cầu, thấy có treo một cây sáo trúc của các mục đồng thường thổi, đưa tay lấy sáo, đội một nón mê, thắt một dãy nịt bằng cỏ, ngắm nghía một chặp rồi đi luôn ra chuồng trâu.

Con trâu thấy người lạ, trừng mắt nhìn, sịt mũi kháng cự lại.

Khi cổng chuồng vừa mở nó đã lồng lên bức dây xông tới định húc Dương-Qua.

Dương-Qua đưa tay điểm trên đầu trâu rồi tung người nhảy lên lưng nó.

Con trâu lực lưỡng, mạnh phi thường, thấy người lạ ngồi trên lưng không chịu, lồng lộng nhảy lên muốn hất Dương-Qua xuống.

Dương-Qua thích chí bảo:

- Thôi, đừng lồng nữa mệt sức. Ta đã có cách trị mi bây giờ.

Chàng dùng tay vỗ nhẹ vào mông, con trâu chịu không nổi, quỵ bốn vó nằm yên. Một chập sau, Dương-Qua thu hồi chưởng lực trâu hết đau đứng dậy, nhưng lần này đã hiền khô, hết còn trở chứng tùy ý chàng điều khiển muốn đi đâu cũng được.

Chàng kịp chân giục mạnh, con trâu phóng đi nước kiệu vừa lên vừa mau không thua gì một con tuấn mã.

Trâu sải đi một hồi, xuyên qua một cánh rừng rậm rồi đến một vùng bao la, bốn bề đá dựng chập chồng thẳng đứng. Xa xa núi non trùng điệp, cao thẳng mây xanh. Trên sườn núi, cây mọc lưa thưa, cành lá xanh tươi mát mẻ, phía dưới thảm cỏ như nhung che kín, phong cảnh vô cùng u nhã ngoạn mục.

Dương-Qua nhìn thấy cảnh rất đẹp, rừng núi hùng vĩ thâm u, chợt nghĩ:

- Tại sao một chốn nên thơ như vầy lại đặt tên là "Sài Lang cốc". Tiếc thay tạo hóa đặt để những cảnh đẹp ở những nơi hiểm bí hoang u nên chẳng mấy người được thưởng thức.

Chàng thả trâu gậm cỏ non bên sườn núi, còn mình nằm dài trên tảng đá dưới gốc cây to, lim dim đôi mắt đợi chờ Tiểu-long-Nữ.

Chẳng bao lâu mặt trời đã đứng bóng. Dương-Qua hồi hộp, đầu óc miên man, chẳng biết chừng nào cô nương mới đến chỗ hẹn.

Bốn bề núi rừng u tịch, ngoài tiếng chim kêu lảnh lót trên sườn đồi!

Dương-Qua đang nằm mơ màng suy nghĩ miên man, thình lình ở phía sau có tiếng nhiều luồng chưởng bị chạm nhau, từ đồi xa vọng lại.

Chàng vội lồm cồm ngồi dậy ngó quanh rồi rón rén bò sang và đưa mắt nhìn, thấy dạng ba đạo sĩ là Cơ-Thanh-Hư, Bì-Thanh-Huyền và một người vào khoảng năm mươi tuổi, hơi lùn, có lẽ là Triệu sư-thúc.

Dương-Qua đang ngờ ngợ nhìn thế cùng khi ấy có hai người nữa từ sau hóc núi đi ra. Người đi trước thân hình hiên ngang vạm vỡ, đó là một ông lão râu tóc trắng như tuyết, ngoài lão quyền sư họ Trần, chắc không còn ai nữa.

Năm người gặp nhau yên lặng chẳng nói một lời, chỉ chắp tay lễ phép chào nhau rồi cũng đứng thành hàng chữ nhứt hướng mặt về phía Tây.

Dầu bóng mặt trời đứng bóng chói lọi quá gay gắt, Triệu sư-thúc không dám sơ ý, vẫn đưa mắt nhìn thẳng lên.

Trông thấy dáng điệu hắn, Dương-Qua suy nghĩ:

- Tài nghệ ra sao chưa biết nhưng trông qua lão này có vẻ thận trọng không coi thường địch thủ.

Ngay lúc đó, từ phía bên kia cửa hang, có tiếng vó câu vang dậy, năm cặp mắt nhìn theo thì bỗng thấy bóng một nữ lang mặc toàn đồ trắng hiện ra trên lưng một con lừa màu đen.

Nàng phi đến mau như gió lốc, chưa nhìn rõ mặt mày. Dương-Qua vừa thấy cõi lòng đã rộn rã, nghĩ thầm:

- Nàng có phải là Cô nương của mình chăng? Nếu quả đúng thì cố nhiên ta phải ra tay tiếp sức.

Nữ lang bạch y dưng lại, cách bọn này chừng bảy tám trượng, ngồi yên trên lưng lừa đưa mắt nhìn sang, vẻ mặt điềm nhiên hình như quá coi thường, chẳng gì đáng lo ngại về bản lãnh của họ.

Cơ Thanh-Hư quát lớn:

- Cô bé học Lục, khá khen đã có gan giữ đúng lời hẹn ước. Bây giờ có đồng bọn nào giúp sức, cứ gọi hết ra đây, chúng ta sẵn lòng tiếp đón.

Nàng cười nhạt đáp:

- Cần gì phải có người giúp sức.

Nàng nói vừa dứt lời, rút dao vung lên một vòng, dưới ánh mặt trời ban trưa sáng rực như muôn ngàn ngân quan, trông chói cả mắt.

Cơ Thanh-Hư nói:

- Mi làm sao chống nổi với năm anh em bọn ta?

Nàng cầm dao chỉ vào mặt hắn nạt lớn:

- Một mình cô nương cũng đủ sức hạ năm đứa bay rồi, cần gì phải thêm người tiếp sức nữa.

Nói xong nàng vung dao tiến tới, xé gió rít lên những tiếng rợn người.

Binh khí của sáu người chạm nhau rang rảng nghe nhức óc. Nàng lanh lẹ như con chim phượng trắng đang bay nhảy tung tăng khắp bốn mặt, chống cự năm người hăm hở như cọp dữ giành mồi.

Nhìn nữ lang bạch y tuy mặt mày xinh đẹp đáng yêu, nhưng không phải là Tiểu-long-Nữ, Dương-Qua thở dài thất vọng.

Vừa buồn rầu, vừa xúc động, chàng bụm mặt, ngồi sụp xuống đất khóc òa.

Cả sáu người vội dừng tay lại, đưa mắt nhìn xem thử kẻ nào vừa khóc. Khi thấy đó chỉ là một chú bé mục đồng, ai cũng đoán có lẽ thằng bé này bị chủ hà khắc, chịu không nổi mới lùa trâu ra đây ngồi than khóc một mình, nên không thèm quan tâm đến nữa.

Muốn làm rủn chí đối phương bằng lối phô trương lực lượng phe mình, Cơ-Thanh-Hư bèn trỏ Hàn Trại chủ long trọng giới thiệu:

- Đây là Hàn Trại chủ, đã lừng danh Tân Tấn!

Rồi ngó Trần lão quyền sư nói:

- Đây là đại võ sư về quyền cước Trần-tiểu-Sinh, một trong tam hùng khét tiếng miền Hà-sóc!

Sau cùng hắn chỉ vào Triệu sư thúc, long trọng nói:

- Còn đây là Đạo trưởng họ Triệu chuyên môn huấn luyện cho hào kiệt võ lâm, môn "Long ngân kiếm".

Mặc cho tán tỉnh đủ điều, nàng ấy vẫn phớt tỉnh như không thèm quan tâm đến và cũng không hề lộ vẻ sợ hãi nể nang gì ráo.

Nàng đưa cặp mắt lạnh lùng ngó mấy đối thủ, nét mặt khinh khi chẳng đáp một lời.

Triệu-bất-Phàm dịu giọng nói:

- Chúng ta đông người không thèm ra tay đánh một mình có em. Vậy để cho em một thời gian năm mười hôm tìm thêm bốn người nữa rồi đây tranh tài cũng được.

Nữ lang áo trắng "xì" một tiếng đáp:

- Đối với bọn giá áo túi cơm như chúng bay, ta đâu cần nhờ ai giúp sức làm gì. Vậy cứ ra tay cho rồi.

Triệu-bất-Phàm nổi lòng tự ái, tuy vậy cũng cố dằn tâm suy nghĩ:

- Ranh con thật quá tự hào, nhìn người nửa mắt. Chưa rõ tài nghệ của hắn ra sao mà lớn lối quá vậy.

Hắn ôn tồn hỏi thêm:

- Cô em có phải môn đồ phái Cổ-Mộ đấy chăng?

- Muốn đúng cũng được, mà không cũng được.

Lão đạo sĩ nổi nóng dằn không được bảo họ Triệu:

- Mình đâu có ngán con ranh này mà phải nhiều lời vô ích. Thôi cứ đánh đi cho rồi, đừng dài giòng thêm mất thời giờ nữa Triệu-ca!

Triệu-bất-Phàm vốn sẵn tánh ý thận trọng và trầm tính, thấy nữ lang đơn độc chỉ một mình nhưng vẫn lớn lời khinh miệt bọn mình nên đoán chắc có âm mưu hay biệt tài ám khí gì đây chăng. Nên lão vẫn ôn tồn nói:

- Cô nương, thường ngày môn phái chúng tôi chưa ai dám vô lễ hay làm điều gì không phải cùng cô nương. Không hiểu vì sao cô nương nỡ nặng tay đả thương người của chúng tôi. Hôm nay xin cô nương vui lòng cho biết hết nguyên nhân. Nếu quả chúng tôi có lỗi xin sẵn lòng đến tạ tội cùng quý phái.

Trái lại, nếu chỉ là một việc làm rồ dại không có lý do xác đáng thì cô nương chớ trách sao chúng tôi thiếu lễ độ.

Nữ lang cười mũi rồi đáp:

- Chẳng hiểu vì sao bọn ấy cả gan dở thói khinh người, nên bên cô nương mới cho nó vài đòn để sửa mình về sau. Từ nay hãy chừa cái thói khinh người như thế đó nhé.

Triệu-bất-Phàm tuy kiên nhẫn nhưng thấy đầu óc cũng xốn với thái độ ngông cuồng của nàng. Trần lão quyền sư chịu không nổi nữa nhảy vọt ra thét lớn:

- Ranh con, sao dám trịch thượng trước mặt các võ lâm tiền bối. Muốn yên thân, lập tức xuống lừa tạ tội cho rồi.

Nói chưa dứt lời lão đã phi thân đến cạnh lừa, đưa tay níu vai nàng định vít cho nhào xuống.

Bận cầm đao nơi tay mặt, người con gái không kịp xoay trở ứng phó với đòn này. Nhưng tài nghệ nàng không đến nỗi bị hạ ngay về ngón ấy.

Nàng chỉ khẽ xoay bàn tay một cái, tức thì hai vừng sáng bạc lấp loáng từ tay áo vun vút lao ra ngay ngực và đầu ông lão.

Trần lão sư hoảng hốt vội nhảy lui mấy bước, tay vung đao lên gạt hai lưỡi diệp dao, miệng la lớn:

- Con a đầu vô lễ thật. Phen này đừng đem lòng oán hận lão gia nhé!

Nói rồi lão huơ dao chém như mưa bấc.

Hàn Trại chủ phía sau, Triệu bất Phàm đứng bên cạnh cũng đồng thời kẻ múa roi, người loang kiếm, nhất tề tấn công một lượt.

Cơ-Thanh-Hư, Bì-Thanh-Huyền cũng múa kiếm xông vào trợ chiến. Nhưng bỗng có hai tiếng leng keng ngân lên, đôi tay cầm kiếm của hai người như tê dại hẳn, và hai thanh kiếm đã bị một vật gì vô hình chạm phải gãy đôi rơi xuống đất. Hai người hết hồn, đưa mắt nhìn quanh vừa bỡ ngỡ vừa lo âu, không dám xông tới nữa.

Nguyên do vì Dương-Qua muốn ra trợ giúp cho nữ lang bạch y đỡ bớt vài đối thủ nên đã lẹ tay phóng hai ám khí đánh gãy kiếm của hai đạo sĩ này.

Nữ lang áo trắng đang tung hoành chống đỡ cùng ba người, bỗng nghe có tiếng động và nhìn thấy kiếm của hai gã gãy đôi thì thích chí cười lên một hồi, rồi đánh mạnh hơn nữa.

Thấy nàng vui vẻ cười to, Dương-Qua cũng thấy hân hoan mừng lấy và phút chốc quên hết âu sầu, cười theo dòn dã.

Thình lình nữ lang xoay bàn tay, một lưỡi diệp dao xé gió vun vút về phía Bì-Thanh-Huyền. Hắn vội vàng cúi đầu né tránh, nhưng đã chậm rồi. Lưỡi diệp dao phớt qua đầu hắn, đã thiến đứt ngon một vành tai rơi xuống đất, máu chảy dầm dề.

Mấy người kia cũng kinh hãi cho tài nghệ về môn ám khí của nữ lang, trong bụng có phần e dè. Nhưng vì đinh ninh phe mình đông người sẽ thắng thế, nên vẫn yên lòng bao vây tấn công ráo riết.

Nói rằng nhiều người cùng tấn công, như hai gã họ Cơ và họ Bì chỉ nắm hai thanh gươm gãy để đánh cầm chừng chứ không có tài dụng gì mấy.

Lợi dụng nhược điểm ấy, nữ lang thét một tiếng lớn, vung tay gạt phắt các môn binh khí ra, giật cương giục lừa nhảy phóc ra xa hai trượng. Cả bọn hè nhau chạy theo bám riết không chịu rời.

Hàn Trại chủ đuổi theo vừa kịp tung thiết-chùy đánh ra một đòn cực kỳ dũng mãnh, nữ lang vung gươm gạt trúng thấy rung động cả cánh tay, thất kinh vội nghĩ:

- Tên này bản lĩnh không phải tầm thường. Cần thận trọng đề phòng hắn mới được.

Nàng giật cương cho lừa né qua một bên tránh được.

Hàn Trại chủ thừa thế vung chùy đánh luôn mấy cái liên tiếp.

Riêng quyền sư họ Trần bình sinh chuyên môn về quyền, nên kém về môn đao kiếm, huống chi tay đã bị thương nên lực lượng không có gì đáng ngại. Nhưng Triệu-bất-Phàm thì quả là một cao thủ, kiếm pháp tinh vi, cho nên mỗi thế kiếm của hắn tung ra là cả một thể tuyệt diệu kinh hồn làm đối phương phải kiêng nể.

Cuộc đâm chém mỗi lúc càng kéo dài, hai bên một đông một ít nhưng mải mê chiến đấu chưa ngã ngũ về bên nào. Dương-Qua thừa dịp ngắm nhìn mặt mày của nữ lang áo trắng.

Chàng thấy nàng rất đẹp. Mặt trái xoan, da dẻ hồng hào, mũi thẳng, mày thanh, môi tươi, có lẽ lớn hơn mình đôi ba tuổi, chàng nghĩ bụng:

- Xem sắc diện cô ta cũng na ná như mình, hèn chi tên tửu-bảo nói nàng là chị mình cũng phải.

Da nàng tuy cũng trắng, nhưng đậm hơn của Tiểu-long-Nữ. Nhìn đao pháp của nàng cũng lạ lùng kỳ ảo nhưng vì phải chống với nhiều người nên chưa giữ được phần thắng lợi.

Theo lối xuất thủ thì rõ ràng là người của phái Cổ-mộ rồi. Phải chăng nàng là đệ tử của Lý-mạc-Thu sư bá?

Lúc mới đánh nhau, Dương-Qua thấy năm người xông ra đánh một nữ lang nên trong lòng bất phục.

Nhưng xét lại thấy mấy người kia bản lãnh tầm thường thì dầu có đông cũng chưa hẳn thắng nổi.

Sau này nhận xét ra nàng là học trò của Xích-Luyện Tiên-tử Lý-mạc-Thu thì chàng đã sanh ra ác cảm nên nghĩ thầm:

- Dầu nàng hay mấy đạo sĩ thắng cũng không có gì can hệ đến ta, thôi chả cần quan tâm làm chi nữa.

Nghĩ xong chàng vếch chân nằm dài trên tảng đá nhìn mây, nghe gió, chẳng để ý đến mấy người.

Mười hiệp sau, nữ lang đã dần dần chiếm lại ưu thế. Nàng ngồi trên lừa tả xông hữu đột, vung kiếm loạn xạ buộc năm người phải lo chống đỡ và từ thế công đã rơi dần vào thế thủ.

Lúc ấy Cơ-Thanh-Hư nhớ lại mình chẳng giúp ích được gì, mới nói cùng Bì-Thanh-Huyền:

- Bì sư-đệ, gươm chúng ta đã gãy, dẫu đánh cho đông cũng chẳng lợi ích gì thiết thực. Chi bằng đôi ta tạm rút lui ra ngoài, kiếm một nhánh cây hay khúc gỗ nào chắc chắn, vừa tay, vào làm côn đánh nhau có lẽ hơn đấy nhỉ?

Bì-Thanh-Huyền cũng đồng ý.

Cả hai chạy luôn ra rừng bên cạnh tìm được một cây gỗ khá cứng rồi trở vào.

Cơ-Thanh-Hư bảo:

- Cây này vừa tay lắm. Nếu đánh hắn không được thì tấn công lừa nó càng thuận tiện hơn.

Thế rồi cả hai hè nhau xông lại cứ nhè bốn chân lừa đập túi bụi.

Nữ lang áo trắng, mãi lo đánh đỡ các đường kiếm vô cùng hiểm ác của họ Triệu, đâu để ý đến thâm ý này. Bỗng nhiên con lừa đen rống lên một tiếng, nhảy dựng lên rồi ngã quỵ xuống què hẳn mất một chân vì ngọn côn của Cơ-Thanh-Hư.

Tiếp đến, Bì-Thanh-Huyền cũng phang trúng một đèn nữa vào chân kia, con lừa chịu không nổi nằm bẹp luôn. Nữ lang buộc lòng phải nhảy xuống đất đánh bộ.

Nàng tung mình lanh lẹ né tránh cả kiếm chùy của địch đánh tới tấp vào đầu, rồi đưa tay chém ngang một nhát lộng gió vù vù, đúng ngay khúc cây trên tay Bì-Thanh-Huyền đứt tiện thành hai khúc.

Nhưng vì đang mải lo chém vào phía Bì-Thanh-Huyền nàng sơ hở bị lão quyền sư họ Trần thừa thế đâm một nhát trúng nơi chân.

Dương-Qua thấy nàng đã thọ thương hốt hoảng la lên:

- úy, nàng nguy mất rồi!

Động lòng nghĩa hiệp chàng muốn xông ra cứu giúp nhưng chợt suy nghĩ:

- Ta cùng cô nương đang chung sống êm đềm trong Cổ-mộ đài chỉ vì con nghiệt súc Lý-mạc-Thu dẫn học trò vào tác quái, làm xáo trộn cả cuộc đời chúng ta. Ngày nay cô nương ta lưu lạc hà phương, và thân ta bây giờ một mình một bóng cũng chưa biết nên về xứ nào, nghĩ càng thêm căm tức. Thôi cuộc đời mặc người lo liệu, hơi đâu nhúng tay vào để gây thêm ân oán cho phiền lòng.

Nghĩ xong chàng làm ngơ không đếm xỉa đến nữa.

Nhưng tiếng reo hò hỗn loạn, tiếng gươm kiếm chạm nhau loảng xoảng lại kéo Dương-Qua trở lại thực tại, không thể làm ngơ, chàng ngó lại thì trận thế đổi khác. Nàng áo trắng đã có bề thất thế, bị bọn này vây hãm càng lúc càng lúng túng, chỉ đánh đỡ cầm chừng và giờ phút bại trận đã gần đến.

Thình lình một ánh sáng xẹt qua, cả nửa mái tóc và cây trăm cài đầu của nàng đã theo một làn gươm bay xuống cỏ. Nàng thẹn đỏ mặt, uất hận tràn trề, bặm môi trừng mắt cố sức múa đao đánh hăng thêm.

Dương-Qua nhìn nàng, lẩm bẩm:

- Lúc này nàng tức giận, sao mà giống hệt như Long Cô-Nương như đúc. Ta không thể thờ ơ mà cần ra tay cứu nàng mới được.

Nữ lang đã đuối lắm rồi, tay cầm đao chỉ đánh qua loa hời hợt như không còn sức lực nữa. Thần sắc có vẻ hoang mang, dáng điệu đã có phần luống cuống.

Chợt Triệu-bất-Phàm lên tiếng hỏi:

- Nàng kia, nàng là người chí của Xích-Luyện Tiên-tử Lý-mạc-Thu. Hãy nói rõ cho ta nghe, nếu không đứng trách ta vô tình đấy nhé.

Nàng ấy không đáp lại, thừa lúc Triệu-bất-Phàm vô ý, vung đao chém mạnh vào giữa lưng. Lão quyền sư thất kinh gọi lớn:

- Hãy xem chừng kẻo nguy đấy.

Nếu Cơ-Thanh-Hư không lanh tay vung còn ra đỡ hộ thì chắc hắn sẽ bị lủng lưng dưới làn gươm ấy rồi.

Triệu-bất-Phàm nghĩ bụng:

- Cứ theo ta đoán thì nàng này nhất định phải có liên hệ mật thiết cùng Lý-mạc-Thu. Phen này nếu để hắn thoát được, rủi đến tai Lý-mạc-Thu, thì bọn mình khó bảo toàn tánh mạng. Cho nên thế nào cũng giết hắn để giữ nhẹm chuyện hôm nay.

Cả bọn năm người cùng hè nhau đánh hăng hơn trước.

Triệu-bất-Phàm nắm chặt đốt gươm, liều mạng xông vào quyết ra tay hạ sát.

Dương-Qua thấy nàng đã lâm vào trạng thái cực kỳ nguy hiểm không thể chậm trễ nữa, bèn nhảy phóc lên mình trâu, vận chưởng lực phổ vào giúp nó hăng sức hơn nữa, giục chạy thẳng về phía sáu người đang hỗn chiến.

Trâu vừa chạy, Dương-Qua càng la thêm như thúc đẩy:

- Trâu ơi, chạy mau lên để cứu người, trâu ơi!

Trong nháy mắt con trâu mộng đã xông vào trận đấu.

Sáu người đang mải mê chiến đấu, bỗng thấy một người cưỡi trâu xông vào, thất kinh dừng tay nhảy qua một bên để né tránh.

Dương-Qua ngồi trên mình trâu, hoa chân múa tay, hò hét luôn mồm, khi trâu chạy tới cạnh hai gã Bi, Cơ, chàng vội lanh tay điểm vào huyệt ở sau lưng hai người. Đây là thuật điểm huyệt "phượng nhỡn" một tuyệt kỳ công phu, chỉ một mình chàng làm được. Hai đạo sĩ bị điểm huyệt, toàn thân cứng đờ không cử động được. Dương-Qua đưa hai tay túm hai người vắt cạnh sừng trâu mang đi vun vút.

Hai đạo sĩ vừa thốt tiếng cầu cứu thì con trâu đã lao thẳng đến sườn đồi. Dương-Qua bỏ hai người nằm đó rồi quày trâu trở lại.

Thật ra bản lãnh của sáu người so với Dương-Qua còn sút kém xa lắm. Khi trâu chạy tới, rồi kế đến lại xảy ra những chuyện bất ngờ gần như ảo thuật, thì ai nấy đều lạ lùng đứng nhìn trân trối, quên cả đánh nhau.

Dương-Qua cho trâu đến gần Hàn Trại chủ và Trần lão quyền sư.

Hàn Trại chủ thấy vậy vung chùy nhắm đầu con trâu bổ xuống. Nhưng Dương-Qua đã lanh tay điểm vào huyệt "Tương đại" rồi xoay qua điểm luôn huyệt "Tĩnh xúc" của Trần lão quyên sư.

Cả hai bị điểm huyệt nơi lưng và giữa bụng đã loạng choạng muốn ngã nhào, nhưng Dương-Qua đã chộp được đầu, kéo luôn để vắt ngang mình trâu rồi giục luôn lên đồi vứt bên cạnh hai đạo sĩ trước.

Nữ lang áo trắng và Triệu-bất-Phàm định xáp lại đánh một trận cuối cùng quyết định ăn thua, nhưng thấy sự việc xảy ra quá lạ lùng nên đứng trố mắt nhìn mãi, lòng ai cũng phân vân, từ cái lạ này qua cái lạ khác.

Khi thấy trâu từ trên vườn đồi phi xuống lần thứ ba, và trên lưng chú mục đồng hoa chân múa tay, miệng la ó om sòm.

Biết mối nguy đã đến phần mình, nên Triệu-bất-Phàm đề phòng vung gươm nhắm đầu trâu vừa đâm vừa chém loạn xạ.

Nhưng lạ quá, gươm tuy bén nhưng đâm hoài không thấy sờn một tý da trâu. Chú mục đồng ngồi vắt vẻo trên mông trâu, tay chỉ cầm một chiếc sáo trúc dài mấy tấc, gạt ngang một cái mà lưỡi kiếm đã cong vòng như một móc câu.

Triệu-bất-Phàm nhằm thế không xong, phi thân tung mình nhảy vút qua khỏi đầu trâu, muốn phóng về phía sau tẩu thoát. Nhưng thân hình lão đang lơ lửng nửa chừng. Bỗng một sức mạnh vô hình níu lại, rơi xuống ngay giữa sừng trâu. Con trâu cứ giữ nguyên như vậy, ngay đuôi giõng thắng một mạch lên sườn đồi rồi hất xuống.

Dương-Qua ném hắn bên cạnh bốn tên kia rồi lại thúc trâu trở lại ngay hướng nàng áo trắng đang đứng nhìn ngơ ngác.

Nàng nhìn tận mắt thấy con trâu đã hạ luôn trong chốc lát cả năm người trong tay có vũ khí, bất giác cũng đem lòng lo sợ và nghi ngờ.

Nàng nghi ngờ vì chưa tin rằng một con trâu mà có tài lạ lùng đến mức đó.

Đang suy nghĩ bâng quơ thì con trâu đã xồng xộc chạy lại, dừng ngay trước mặt mình, mồm đầy nước dãi, mồ hôi ướt cả lòng. Nàng thất kinh vung gươm ra chém. Nhưng Dương-Qua đã hét lớn:

- Xin đừng chém trâu tôi! Vừa la vừa vung tay gạt gươm đỡ đòn cho trâu rồi ghì trâu đứng lại.

Chàng nhảy xuống đất ngó nữ lang nói:

- Xin cô tha cho nó, đừng giết tội nghiệp!

Con trâu đứng yên lặng mũi thở khì khì, đuôi ngoe nguẩy, không có vẻ gì hung tợn.

Nàng thấy trâu không còn hung hăng hại mình như bọn kia nên vội băng người chạy bay lên núi.

Dương-Qua than nhỏ:

- ồ, nàng quyết theo hạ sát bọn này rồi! Phải cứu họ mới được.

Chàng cúi xuống lượm năm viên đá nhỏ, liệng luôn về phía năm người.

Võ công chàng đã đạt tới mức kỳ diệu, có thể đẩy xa hàng mười mấy trượng, liệng năm viên đá giải huyệt cho năm người không sai viên nào.

Cả bọn năm người đang nằm im toàn thân tê liệt, không cử động nổi, bỗng nhiên có vật gì chạm nhẹ vào thân rồi cảm thấy đầu óc sáng suốt và tay chân cử động trở lại như trước. Ai nấy cũng đều đoán có lẽ một dị nhân đã núp đâu đây ra tay cứu mạng cho mình. Nhìn thấy nữ lang đang xách dao chạy thẳng lại đấy, ai nấy cũng tưởng chính nàng này giải cứu nên cùng ngẫm nghĩ:

- Nàng đã tài ba như vậy, thử còn tranh chấp làm sao nổi nữa, chi bằng tẩu thoát đi cho rồi.

Thế rồi mạnh ai nấy tìm đường phân tán cả.

Bì-Thanh-Huyền vừa tỉnh dậy, thấy các bạn chạy, cũng lật đật chạy càn, bất ngờ đúng vào phía nữ lang đang đi tới.

Cơ-Thanh-Hư thất kinh gọi lớn:

- Ô kìa, sao sư đệ chạy về phía đó? Hãy tránh mau nơi khác kẻo nguy hiểm lắm đấy.

Bì-thanh-Huyền lật đật quay mình rẽ sang phía tả, nhưng đã muộn rồi. Người con gái đã đến ngay trước mặt, múa dao chém sả xuống.

Trong lúc tâm thần rối loạn, khí giới không có, Bì-Thanh-Huyền lúng túng, xoay trở không kịp chạy quanh chạy quẩn, đến đâu cũng thấy dao bay lóe mắt. Hắn không tránh đỡ được bị một nhát đứt ngon một cánh tay.

Tuy bị thương nhưng vì quá hoảng hốt, hắn chưa biết đau, cứ lo chạy cuống cuồng tìm lối trốn tránh.

Vừa khi đó, Triệu-bất-Phàm đã đến kịp, vung gươm chặn cô gái lại.

Biết Triệu-bất-Phàm đâu phải tay vừa, nàng không dám tham chiến, kế đó nhìn về phía xa thấy dáng Cơ-Thanh-Hư đang cõng Bì-Thanh-Huyền chạy ra sau núi, nàng thấy hài lòng nhưng suy nghĩ:

- Bọn này đã được người nào giải khai huyệt đạo rồi. Biết đâu kẻ ấy còn ẩn nấp mai phục đâu đây, nếu mình háo thắng e gặp nguy hiểm. Tốt hơn là ta phải đi tìm cho ra sự thật là ai.

Nàng lăm lăm cây gươm trong tay chạy khắp xung quanh đồi, lục lạo hết các bụi lùm, hóc đá để tìm, nhưng chẳng thấy một bóng dáng người nào hết.

Khi trở lại chỗ cũ thì thấy tên mục đồng đang ngồi dưới đất sụt sùi khóc lóc.

Nàng ngạc nhiên hỏi lớn:

- Tại sao lại khóc lóc như vậy, hả chú mục đồng?

Dương-Qua gạt nước mắt bệu bạo đáp:

- Con trâu này trái chứng chạy lồng trong rừng, cọ vào đá rụng lông, e về nhà chủ tôi đánh đòn nên phải khóc.

Nàng đưa mắt nhìn qua con trâu đang gặm cỏ, thấy lông hắn vẫn láng mượt không trầy tróc chỗ nào, nên an ủi:

- Không hề chi đâu. Có xây xát chút ít chăng nữa chủ mi cũng không nhìn thấy được đâu mà sợ.

Trâu này đã giúp cho ta được việc, ta biếu mi ít tiền gọi là đền ơn nhé.

Nói rồi nàng đưa tay vào túi lấy ra năm lạng bạc ném ra đấy, chắc chắn thế nào chú mục đồng cũng hết sức mừng rỡ và tạ ơn mình ngay. Không ngờ sự thật khác hẳn. Hắn vẫn đứng yên, mặt mày ủ đột, không thèm ngó đến bạc.

Nàng nổi giận mắng:

- Đồ ngu, sao chẳng lấy bạc cất đi cho rồi?

Dương-Qua mếu máo đáp:

- ít quá tôi đâu thèm.

Cô gái lấy luôn một gói lớn hơn ném luôn xuống đất nhưng hắn vẫn đứng nhìn, lắc đầu mãi, không thèm lấy.

Nàng tức quá đỏ mặt tía tai, nguýt hắn một cái và mắng:

- Thật quả đồ ngốc. Chưa thấy ai như mày. Ngốc ơi!

Mắng rồi quay mình bỏ đi luôn.

Dương-Qua để ý thấy mỗi khi nàng nổi giận, giống Tiểu-long-Nữ những lúc mắng mình, như hai giọt nước, nên nghĩ bụng:

- Bây giờ chưa tìm được cô nương. Ta cố giữ cô này, để thỉnh thoảng nhìn cho đỡ nhớ.

Nghĩ xong vội vàng chạy theo nắm lấy chân phải của nàng miệng nói lớn:

- Hãy đứng lại, đừng đi đâu hết!

Cô gái cố gỡ ra, nhưng hắn cứ giữ chặt không chịu buông.

Nàng trừng mắt nạt lớn:

- Bỏ ra lập tức, mi không muốn sống nữa hay sao?

Nhìn nàng giận dữ nét mặt hay quá. Dương-Qua càng thích chí cố nài nỉ:

- Cô nương thương tôi và giúp đỡ dùm. Tôi không dám trở về nhà nữa. Thà cô giết tôi chứ về nhà chắc cũng không sống nổi với ông chủ.

Nàng dịu giọng hỏi:

- Nhà mi ở đâu?

Hắn đáp:

- Tôi quên mất nẻo đi rồi. Cô nương cho tôi theo với nhé.

Nàng thấy thằng này ương gàn và ngơ ngác quá, vung dao lên chém. Dương-Qua vội vàng xách giò của nàng đưa lên để đỡ nhát dao ấy.

Nàng nổi nóng giật phắt chân lại rồi bồi thêm một dao nữa mạnh vô cùng.

Dương-Qua lẹ làng bước qua một bên tránh được rồi luôn mồm la lớn:

- Cứu tôi, cứu tôi với bà con ơi!

Thấy thái độ của hắn như vậy nàng cũng thừa hiểu chẳng phải tay vừa, nên bỗng ôn tồn bảo:

- Thôi đừng la nữa, lại đây chị bảo.

Dương-Qua hỏi:

- Đến gần để cô giết tôi sao?

Nàng mỉm cười:

- Không, ta chẳng giết đâu. Cứ lại đây mà em.

Dương-Qua ngầm vận khí dồn huyết vào trong người khiến nước da trở nên tái xanh lợt lạt như một thây ma, rồi giả bộ sợ sệt rón rén bò lại cạnh nàng.

Nữ lang đưa chân hất gói bạc về phía chàng bảo nhỏ:

- Thôi cầm lấy rồi cút đi cho rồi, thằng ngốc! Ta còn phải đi tìm con lừa đen một tý. Chẳng biết lúc nào đánh nhau, nó bị hai gậy thất kinh chạy đi đâu mất biệt chưa trở lại.

Nàng vừa bước đi thì Dương-Qua bỏ tiền vào bọc, giắt trâu chạy theo gọi lớn:

- Cô ơi, cô đi đâu cho tôi cùng theo với.

Nàng bừng bừng nổi giận trợn mắt nhìn hắn rồi triển khai khinh công lao mình đi mau như gió, trong bụng nghĩ thầm:

- Mày có giỏi thì chạy theo xem có kịp không cho biết?

Phi thân đi một hồi lâu, bỗng có tiếng của hắn gọi cách đó không xa:

- Cô ơi, chờ tôi với cô ơi! Sao đi mau thế cô?

Nàng tức quá dừng chân lại, múa đao chém nhầu, miệng hét lớn:

- Cút ngay, thằng ranh!

Dương-Qua giả bộ hoảng sợ, vừa la vừa tìm đường lẩn trốn. Nàng không thèm đuổi theo, cất đao, quay mình phi thân theo đường cũ lao đi thật mau.

Được một chập, bỗng nghe tiếng trâu rống và chân chạy thình thịch đằng sau, nàng ngạc nhiên nhìn lại thấy Dương-Qua cưỡi trâu đi cách mình độ ba, bốn chục thước mà thôi.

Nàng bặm môi dừng chân đứng chờ.

Dương-Qua cũng gò trâu ngừng lại không tiến tới nữa.

Nàng lại rảo bước đi nữa. Trâu lại bước theo. Cứ đi đi, ngừng ngừng như vậy, không biết mấy lần. Nàng tức giận quá sức nhưng chẳng biết nói sao.

Lúc bấy giờ chim rừng đã ríu rít gọi nhau về tổ, ánh tà dương le lói sắp tàn. Sương chiều bay phủ khắp đầu non và màn đêm cũng vừa sụp xuống.

Nữ lang chưa tìm được cách nào để gỡ cho khỏi tên mục đồng kỳ quái cứ cố tình bám riết bên lưng, nên suy nghĩ:

- Thằng này đi mau chạy lẹ không thua gì kẻ có biết khinh công. Có lẽ vì ở miền rừng núi leo trèo đã quen nên chân tay dẻo dai nhặm lẹ. Chi bằng dụ nó lại gần, điểm cho một huyệt bại bớt cặp giò thì hết còn đi theo quấy rầy nữa.

Tuy chẳng nói ra, nhưng dự đoán của nàng đều bị Dương-Qua nhận xét qua mặt và điệu bộ mà biết trước, vì so sánh, bản lãnh của nàng còn thua sút hắn quá nhiều.

Thấy cô ta như thế, Dương-Qua cũng đã có cách để làm nàng khỏi nghi ngờ nữa.

Một chập sau, nàng thấy hai chân mỏi rã rời, dừng bước chờ hắn lại gần nói lớn:

- Này em, bây giờ ta bằng lòng cho em cùng đi theo, nhưng cần nghe lời ta một việc nhé.

Dương-Qua mừng quá vội đáp:

- Cô cho thật sao? Thế thì hay quá! Nhưng thật không cô?

Nàng đáp:

- Thật chứ. Bây giờ ngươi leo lên lưng trâu đi, và để ta cùng ngồi phía trước nhé.

Dương-Qua hân hoan dắt trâu đến gần.

Thấy mắt nàng liếc qua liếc lại sắc như dao hình như đã có một âm mưu gì đây, Dương-Qua vội nghĩ:

- Nàng lại tìm cách hại ta! Chờ xem nàng còn thi thố cái gì nữa đây.

Hắn điềm nhiên nhảy lên ngồi phía mông trâu, nhường phía trước cho nàng.

Cô gái nghĩ bụng:

- Bây giờ lừa đã chạy mất, thì ngồi trâu tạm đỡ chân cũng tốt.

Nàng thúc chân vào sườn, đau quá trâu lồng lên phóng nước đại.

Nàng thừa dịp, đưa tay ra sau điểm mạnh vào mỏ ác Dương-Qua nơi "kỳ môn huyệt" Dương-Qua rú lên một tiếng té nhào ra sau.

Nàng chẳng thèm nhìn lại, mồm mắng nhỏ:

- Đáng kiếp cho mày, từ nay đừng phá rối nữa.

Rồi nàng dùng ngón tay ấn mạnh vào cổ trâu. Con trâu tung bốn chân sải đi như ngựa phi nước đại, cát bụi tung mịt mù!...


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-104)


<