← Hồi 51 | Hồi 53 → |
Thuyền đã đến gần bờ đảo. Hòn đảo nhỏ, trông đáng thương hại quá, thương hại một hòn đảo, chẳng qua chỉ là một cách nói thôi, bởi hòn đảo thê lương, cằn cỗi chứ đảo là vô tri, có làm gì để khiến người thương hại nó?
Chiều dài không hơn một dặm, chiều rộng độ mươi trượng.
Đúng là tượng hình một chiếc hồ lô. Có lẽ do đó mà thành danh.
Ngọc Diện Thần Bà là người thứ nhất nhảy lên bờ. Bà nhìn quanh, chỉ thấy bốn phía trơn tru trụi lủi, chẳng có một cọng cỏ. Mường tượng sinh khí nơi đây thiếu hẳn.
Nhuế Vĩ, Giản Hoài Quyên, Hồ Cáp Na, Diệp Thanh lần lượt lên theo.
Độ lượng hình thế, Nhuế Vĩ hỏi:
- Tưởng lão tiền bối, trước kia có người ở trên hòn đảo này chăng?
Ngọc Diện Thần Bà ừ ờ mơ hồ, mắt đăm đăm nhìn ra xa xa...
Để cho bà trầm tư một lúc, Nhuế Vĩ lại hỏi:
- Theo chỗ vãn sinh nhận xét, thì dù có người ở lại đây, cũng chẳng làm sao ở lâu được.
Ngọc Diện Thần Bà chừng như không nghe câu nói đó, một lúc sau, bà chợt đáp câu hỏi đầu tiên của Nhuế Vĩ lúc còn tại thuyền:
- Vị cao nhân đó, ít nhất cũng trên một trăm năm mươi tuổi!
Nhuế Vĩ trố mắt:
- Còn sống?
Ngọc Diện Thần Bà lắc đầu:
- Chết rồi! Chết từ lâu!
Bây giờ bà trở lại câu hỏi sau cùng của chàng:
- Ngươi nói, không ai ở đây lâu được, tại sao?
Nhuế Vĩ giải thích:
- Muốn ở lâu một nơi nào đó, vấn đề tiên quyết cần nghĩ đến là nước uống, thức ăn. Đối với thức ăn thì dưới biển kia, chẳng thiếu gì hải sản, chứ còn nước uống thì tiền bối nhìn quanh xem, có nơi nào cung cấp nước ngọt đâu?
Ngọc Diện Thần Bà khẽ gật đầu:
- Già cũng nghi hoặc như ngươi, nhưng sự thật thì sư phụ của Hồ Nhất Đao ở đây cho đến phút cuối cuộc đời.
Dừng một chút, bà thở dài tiếp:
- Hay là Hồ Nhất Đao lừa dối người đời?
Nhuế Vĩ hỏi:
- Vậy ra Hồ Nhất Đao nói là sư phụ của lão ta ở tại đây đến chết?
Ngọc Diện Thần Bà thốt:
- Bốn mươi năm về trước, sau kỳ vũ hội tại Hoa Sơn, Hồ Nhất Đao quả có nói như vậy. Lão ta bảo sư phụ của lão ở tại Hồ Lô đảo, lúc nói ra việc đó, lão có vẻ thành thật lắm, hay đúng hơn lúc đó già thành thật tin tưởng lời nói của lão.
Bây giờ đến tận nơi đây, thấy tình hình địa thế rồi, già đâm nghi ngờ, thử hỏi con người sống giữa khung cảnh này làm sao chịu cho được?
Bọn Diệp Thanh trông mong đến đảo, để có dịp bước lên đất liền, đỡ túng quẩn đôi chân ngồi lỳ qua nhiều ngày trong thuyền trôi trên mặt biển. Nhưng đến đây rồi, trông qua hòn đảo, không nước, không cỏ cây, họ thất vọng hết sức. Như thế này, thì tìm đâu cho có thực vật, nước uống?
Họ ngồi phệt xuống đất. Không ngồi thì chẳng lẽ xuống thuyền sao? Bởi, ở đây có nơi nào cho họ dạo bước giải khuây?
Nhuế Vĩ hỏi:
- Vãn sinh nghe tiền bối và Âu Dương lão nhân nhắc đi nhắc lại cái vũ hội Hoa Sơn gì đó, chẳng hay tiền bối có thể lược thuật cho vãn sinh biết ít nhiều về việc xa xưa chăng?
Ngọc Diện Thần Bà thở dài:
- Hoa sơn vũ hội là danh từ thuở trước, người sanh sau thì làm gì biết được!
Mà cho đến những khách giang hồ hiện tại, dù có số tuổi cao hơn ngươi đi nữa, cũng ít người biết đến.
Ngừng một chút, bà bảo:
- Mình ngồi xuống đây, già từ từ kể cho ngươi nghe.
Thái dương lên cao, nhả nóng xuống, ba cô nương bắt đầu nghe mệt. Bất chấp nắng làm đen da, ba nàng nằm dài xuống gộp đá, ngủ vùi.
Thực ra, gió biển, nắng biển đã làm cho da họ sạm nhiều, mặt thì vẫn tươi, cái tươi hồn nhiên của tuổi trẻ, chứ làn da tuyết đã biến thành da đồng rồi. Bây giờ, có đen hơn một chút, cũng chẳng sao.
Nhuế Vĩ cũng muốn ngủ như ba nàng, song câu chuyện võ lâm kia đang kích thích chàng cực mạnh, chàng ngồi đó, chờ nghe.
Ngọc Diện Thần Bà bắt đầu kể:
- Vũ hội Hoa Sơn, không có lệ trước, không có kế sau, chỉ có một lần thôi, và số người hiểu biết rất hạn chế, liên quan đến một số ít cao thủ trong võ lâm, còn bao nhiêu nhân vật khác thì không mấy quan tâm, bởi họ chẳng có dính dấp gì đến cuộc diện cả. Do đó, không mấy ai tìm đến dự khán.
Nhuế Vĩ cau mày:
- Vũ hội Hoa Sơn là một biến cố lớn trong võ lâm, chấn động khắp sông hồ, tại sao người ta không tìm đến dự khán?
Ngọc Diện Thần Bà đáp:
- Người ta không chú ý đến vũ hội Hoa Sơn, là vì cuộc hội chẳng giống bất cứ đại hội nào được tổ chức từ trước đến nay, chẳng có lôi đài, chẳng cần những khán giả. Vũ hội quy tụ năm người, mà năm người thì một triệu tập, bốn tham dự.
Phạm vi của vũ hội thu hẹp như vậy, người ta ai lại quan tâm đến một chuyện hầu như riêng biệt của một nhóm người quá ít như vậy? Vũ hội chỉ có tiếng vang là sau khi bế mạc thôi. Lúc mọi người chú ý, thì cuộc hội đã giải tán rồi, còn đâu mà đi dự khán nữa? Rồi người ta đồn đãi, mơ hồ, kể như chuyện thần thoại, chẳng ai biết rõ sự thực ra sao, trừ năm người trong vũ hội.
Bà tiếp:
- Bốn mươi lăm năm trước đây, vào một đêm giữa hạ, già tiếp nhận một mảnh giấy nhỏ, ghi mấy chữ: "Vào giờ Ngọ, Tiết Đoan Dương, tụ hội tại đỉnh Tây dãy Hoa Sơn, xin đừng từ khước". Bên dưới, có ba chữ "Hồ Nhất Đao".
Nhuế Vĩ buột miệng hỏi:
- Hồ Nhất Đao triệu tập?
Ngọc Diện Thần Bà gật đầu:
- Mảnh giấy mờ không gây một kích thích nào nơi già, bắt buộc già phải ly khai Thiên Sơn một thời gian, vả lại từ Thiên Sơn đến Hoa Sơn, đường xa ngàn dặm, già có hứng thú gì phải vất vả làm cuộc hành trình đó? Nhưng cái tên Hồ Nhất Đao làm cho già chú ý. Già suy nghĩ mãi, đến ngày thứ năm, già quyết định ra đi...
Nhuế Vĩ hỏi:
- Tại sao tiền bối lại đi?
Ngọc Diện Thần Bà giải thích:
- Vào thời kỳ đó, cái danh của Hồ Nhất Đao nổi như cồn, trong võ lâm, chẳng ai không nhắc nhở đến. Già nghe khách giang hồ ca tụng đao pháp của lão ta cực kỳ linh diệu, được xem như vô địch trong thiên hạ. Già muốn thấy tận mắt đao pháp đó, xem lão bằng vào đâu mà dám tiếp thọ hai tiếng vô địch?
Nhuế Vĩ lại hỏi tiếp:
- Thế trước kia tiền bối chưa hề gặp Hồ Nhất Đao lần nào?
Ngọc Diện Thần Bà lắc đầu:
- Chẳng những già không biết, mà cả ba người kia, cùng được lão mời như già, đều không biết lão. Bởi vì, Hồ Nhất Đao là tay mới nổi lên, còn già và ba vị kia thì thành danh từ lâu trên giang hồ. Cũng vì bọn già bốn người chẳng ai biết Hồ Nhất Đao, nên cả bốn đều quyết định ra đi.
Nhuế Vĩ thầm nghĩ:
- Chắc là Hồ Nhất Đao muốn ấn chứng võ công sao đó! Lão ta hẳn là không phục bốn vị lão tiền bối! Cho nên lão mới bày ra cuộc vũ hội, để so tài.
Ngọc Diện Thần Bà tiếp:
- Dọc đường, già nghĩ rằng chuyến đi đó chẳng đáng giá gì cả, mình là tay thành danh mà vâng theo lời triệu tập của một kẻ hậu sanh, thì chẳng hóa ra mất thân phận sao? Đã mấy lượt, già toan trở về, nhưng cái tiếng "vô địch đao pháp trong thiên hạ" làm cho già nghe tưng tức, thành thử già bỏ ý định quay về, rồi cuối cùng vào giờ Ngọ, tiết Đoan Dương, già đến nơi ước hội. Lúc lên đỉnh núi, già lại nghĩ, giả như Hồ Nhất Đao chỉ là kẻ hữu danh vô thực, thì thật là oan uổng cho mọi vất vả của già trên đường dài. Còn như đúng là danh bất hư truyền, lão ta đánh bại già, thì già phải làm sao? Trên đỉnh núi, có một tòa lư bằng, dựng sẵn, trong lư bằng một lão nhân đang ngồi nghiêm chỉnh, tác độ hơn năm mươi. Già không biết mặt, cứ cho rằng lão đó là một trong số người được mời. Thấy tòa lư bằng, già suy ra Hồ Nhất Đao có cái ý quyết đấu, đấu để thử tài, chứ chắc là không có ác ý gì. Già đến nơi, lão nhân trong tòa lư bằng bước ra nghinh tiếp. Lão tự xưng là Hồ Nhất Đao. Già sững sờ, không ngờ Hồ Nhất Đao cao niên kỷ như thế. Trước kia, già đinh ninh Hồ Nhất Đao thuộc lứa tuổi trên hai mươi, dưới ba mươi. Ngờ đâu, Hồ Nhất Đao là một lão nhân, hơn già mười tuổi! Sau đó, Hải Long Vương Âu Dương Long Niên, rồi Huỳnh Sơn đại hiệp Trần Nhất Công đến.
Nhuế Vĩ hỏi:
- Huỳnh Sơn đại hiệp Trần Nhất Công có phải là vị sư huynh của Thánh Thủ Như Lai Dược Vương Gia chăng?
Ngọc Diện Thần Bà "ạ" lên một tiếng:
- Ngươi cũng biết như vậy nữa sao?
Nhuế Vĩ đáp:
- Vãn sinh nghe Dược Vương Gia nói, sư phụ của người là Huỳnh Sơn Dã Tẩu, vị sư huynh của người học được chân truyền của sư phụ, tài nghệ rất cao, danh dương khắp Trung Nguyên.
Ngọc Diện Thần Bà thở dài:
- Trần Nhất Công rất xứng với cái danh đại hiệp! Lúc lão thành danh thì chưa ai biết tên tuổi Dược Vương Gia. Sau này, nhờ tinh thông y thuật mà Dược Vương Gia mới nổi tiếng trên giang hồ. Chẳng biết tại sao, Dược Vương Gia lại hạ độc giết chết sư huynh, sự kiện đó hiện nay vẫn còn là một nghi vấn trong võ lâm.
Ai ai cũng trách Dược Vương Gia bất nghĩa.
Nhuế Vĩ cũng thở dài. Nguyên do thì chàng biết, song nỡ nào tiết lộ, gây bại hoại thinh danh của Dược Vương Gia!
Ngọc Diện Thần Bà tiếp:
- Danh vọng của Trần Nhất Công rất lớn, trên hẳn già. Lão ấy mà còn đến, thì chuyến đi của già cũng không uổng! Người đến sau cùng là Trung Châu Thần Kiếm Lưu Trung Trụ, danh khí trên già mấy bậc!
Nhuế Vĩ kêu lên:
- Sư bá của vãn sinh!
Ngọc Diện Thần Bà kinh ngạc:
- Ngươi nói sao? Trung Châu Thần Kiếm là sư bá của ngươi?
Nhuế Vĩ gật đầu:
- Đại sư bá của vãn sinh! Có điều vãn sinh không biết đại sư bá có cái hiệu Trung Châu Thần Kiếm!
Ngọc Diện Thần Bà thở dài:
- Ngươi không biết cũng phải. Sau cuộc hội tại Hoa Sơn, Lưu Trung Trụ bỏ luôn cái hiệu đó. Qua hơn bốn mươi năm dài, trừ một số lão thành còn sống sót, không ai biết đến cái hiệu Trung Châu Thần Kiếm của lão cả!
Nhuế Vĩ hỏi:
- Tại sao vậy?
Ngọc Diện Thần Bà đáp:
- Lão bị Hồ Nhất Đao đánh bại, cho rằng mình không xứng với cái hiệu đó, nên bỏ luôn!
Bà nhìn Nhuế Vĩ, rồi tiếp:
- Không ngờ Lưu Trung Trụ lại là đại sư bá của ngươi! Bình sanh, già chỉ phục hai người, một là Huỳnh Sơn Trần Nhất Công và hai là đại sư bá của ngươi đó! Già không hề thu nhận đồ đệ, song phải thu Lưu Dục Chi, bởi nàng là dòng dõi của Lưu Trung Trụ.
Bà không hỏi sư phụ của Nhuế Vĩ là ai. Bà là con người tự phụ, ngoài Trần Nhất Công và Lưu Trung Trụ, bà chẳng xem ai bằng bà! Không hỏi sư phụ của chàng là ai, bà vẫn công nhận võ công của chàng rất khá!
Nhuế Vĩ thừ người, thầm nghĩ:
- "Đại sư bá mẫu chết vì sản nạn, người con chết lúc sanh ra, thì làm sao đại sư bá có người nối dõi? Huống chi, đại sư bá không hề tục huyền!"
Thấy chàng thờ thẫn, Ngọc Diện Thần Bà hỏi:
- Ngươi không được khỏe?
Nhuế Vĩ lắc đầu:
- Không sao! Chẳng có sao!
Ngọc Diện Thần Bà rất kỳ quái về thần thái của chàng. Bà ngẩng mặt lên nhìn trời. Thái dương lên chưa đến đỉnh đầu. Vô hình trung, bà dùng tay phe phẩy cho mát mặt.
Nhuế Vĩ hỏi:
- Sau khi đại sư bá vãn sinh đến, thì vũ hội khai mạc?
Ngọc Diện Thần Bà gật đầu:
- Khai diễn liền, Hồ Nhất Đao vòng tay chào bốn phía, lộ vẻ đắc ý, thốt mấy câu khiêm tốn, đoạn vào đề ngay. Lão đòi lãnh giáo vũ học của cả bọn già bốn người, cho rằng trong võ lâm thời kỳ đó, chỉ có bọn già là xứng đáng đại diện cho nền vũ học Trung Nguyên. Lão xưng là hậu học, dù niên kỷ chẳng kém ai, điểm đó gây hảo cảm nơi bốn người. Cuộc so tài bắt đầu. Già ra trận đầu. Hồ Nhất Đao thắng già trong vòng ngàn chiêu. Già bại, nhưng tâm phục, không hề nói gì. Tuy nhiên dù sao thì cũng khó chịu ít nhiều. Trận thứ hai là trận của Lưu Trung Trụ, đấu với Âu Dương Long Niên, bất phân thắng bại. Già không nhìn, bởi còn khó chịu vì cái bại của mình. Xong cuộc tỷ thí cho ngày thứ nhất. Đến ngày thứ hai.
Hồ Nhất Đao đấu với Âu Dương Long Niên, Hồ Nhất Đao thắng Âu Dương Long Niên trong vòng ngàn chiêu đầu. Có kẻ bại như mình, già hết khó chịu ngay.
Phần già, trong ngày thứ hai đó, đấu với Huỳnh Sơn đại hiệp. Đủ ngàn chiêu, Huỳnh Sơn đại hiệp thu tay lại, xin hòa. Già biết, nếu đấu tiếp là già phải bại, đại hiệp cố ý nhượng già, già vô cùng cảm kích. Sau đó, Lưu Trung Trụ đấu với già, cũng nhượng già như vậy. Đến nay, già vẫn còn phục khí độ hai vị đó. Cuộc đấu diễn ra liên tiếp bốn hôm. Mỗi hôm Hồ Nhất Đao đấu với một người và cứ đến chiêu thứ một ngàn mới thắng, trong khi lão có thể thắng trước hơn, hoặc kéo dài cuộc đấu quá số ngàn chiêu, còn bọn bốn người của già thì bình hòa, không ai thắng ai bại. Già nhận ra Huỳnh Sơn đại hiệp và Trung Châu Thần Kiếm cố ý nhượng rõ rệt, chỉ có Âu Dương Long Niên thì thực sự quyết thắng, song không thắng nổi ai. Lão không phục Hồ Nhất Đao, tìm cách kích thích cho ba người bọn già liên hữu với lão, hạ Hồ Nhất Đao. Bọn già cũng biết là Âu Dương Long Niên xúi quẩy, song Hồ Nhất Đao cao ngạo quá, giải thích lý do đợi đến chiêu một ngàn mới quyết thủ thắng. Sở dĩ thế, là vì lão cho rằng bọn già dù sao cũng đã thành danh, lão muốn giữ thể diện cho, chứ thật ra thì lão dư thắng trong vòng năm chiêu thôi! Già tức khí, tái đấu. Quả đúng như Hồ Nhất Đao khoa trương, đến chiêu thứ năm, già bại. Rồi Âu Dương Long Niên cũng bại nơi chiêu thứ năm.
Huỳnh Sơn đại hiệp và Trung Châu Thần Kiếm bại tại chiêu thứ bảy. Hồ Nhất Đao chấp cả bốn người. Già và Âu Dương Long Niên vào trước. Vừa giao thủ, già và Âu Dương Long Niên mới xuất phát chiêu đầu, Huỳnh Sơn đại hiệp vội ngăn chận, bảo là đừng làm bại hoại danh khí! Già lùi lại liền. Âu Dương Long Niên không lùi. Chừng như Hồ Nhất Đao không ưa nhân cách của Âu Dương Long Niên, nên đánh ngã lão, lại còn gây nên một vết thương. Thấy thế, Huỳnh Sơn đại hiệp nổi giận, trách Hồ Nhất Đao. Được người bênh vực, Âu Dương Long Niên thách Hồ Nhất Đao giết luôn lão đi. Lão lại ủy thác hậu sự cho Huỳnh Sơn đại hiệp và Trung Châu Thần Kiếm. Lưu Trung Trụ cũng nổi giận, trách Hồ Nhất Đao.
Hồ Nhất Đao đắc ý với các chiến thắng vừa qua, lại thách cả bốn người cùng vào một lượt, lão cả quyết sẽ thắng như cũ và cũng trong vòng tám chiêu trở lại.
Huỳnh Sơn đại hiệp bảo rằng về đao pháp, thì lão đúng là tay đáng sợ, song về nội lực thì lão chưa đủ sung mãn để chi trì một cuộc đấu hỗn hợp trường kỳ, không cần gì phải đến bốn người, chỉ mỗi một đại hiệp và Trung Châu Thần Kiếm liên thủ, cũng đủ đánh bại lão. Hồ Nhất Đao cũng biết, lão thiếu nội lực, song không tin là phải bại. Biết mình kém nội lực, khi giao đấu với một người, lão ít công hơn thủ cốt để dành chân khí, chờ khi đối phương tiêu hao công lực, lão tấn công đúng lúc, địch phải bại ngay. Nhưng gặp Huỳnh Sơn đại hiệp và Trung Châu Thần Kiếm, lão hết phương áp dụng lối đánh đó, và luôn luôn xuất thủ, không thể dưỡng sức được, vì khi đại hiệp Huỳnh Sơn công, Trung Châu Thần Kiếm lại thủ và ngược lại Trung Châu Thần Kiếm công, Huỳnh Sơn đại hiệp lại thủ. Luôn luôn như vậy mãi, làm cho Hồ Nhất Đao phát mệt, còn đối phương thay phiên nghỉ tay, công lực được bảo dưỡng dồi dào. Trước khi giao đấu, Âu Dương Long Niên hỏi, nếu bại thì Hồ Nhất Đao phải làm sao? Lão đáp, bọn già muốn sao, lão chịu vậy. Âu Dương Long Niên vốn hận Hồ Nhất Đao, bèn đòi lão tự vận, lão không do dự, chịu liền vì quá tin tưởng ở tài năng của lão, chẳng qua, lão đánh giá rất thấp Trần Nhất Công và Lưu Trung Trụ. Trần Nhất Công và Lưu Trung Trụ trước đó không đem hết thực lực ra thi tài với lão, cả hai lại trọng tinh thần thượng võ, không hiếu thắng, như đánh nhau chỉ giữ vũ khí sắp chạm vào đích là thu tay về. Do đó, lão tưởng hai người chẳng phải là đối thủ của lão. Thực ra, đánh với một, lão dư sức thắng, đánh với hai, lão khó hơn được hai người. Cuối cùng, lão bị Huỳnh Sơn đại hiệp đánh rớt đao vuột khỏi tay. Lão sững sờ. Âu Dương Long Niên hết sức hân hoan, nhắc lại lời hứa. Hồ Nhất Đao giật mình, nhặt đao tự đâm vào yết hầu ngay. Huỳnh Sơn đại hiệp vội vung kiếm hất đao. Lưu Trung Trụ cũng khuyên giải. Hồ Nhất Đao cảm kích, vâng lời. Nhưng Âu Dương Long Niên không chịu, quyết đòi Hồ Nhất Đao phải tự tử, rằng không thì lão sẽ truyền bá khắp sông hồ, rằng Hồ Nhất Đao là kẻ sợ chết tham sống, mất mặt anh hùng. Trần Nhất Công và Lưu Trung Trụ quở trách Âu Dương Long Niên hẹp hòi, nhưng Âu Dương Long Niên lại cương quyết đòi một điều kiện, nếu Hồ Nhất Đao không tự tử, thì phải tiết lộ "Hải Uyên Đao Pháp" với lão. Trần Nhất Công và Lưu Trung Trụ nổi giận, dọa nếu Âu Dương Long Niên còn đòi hỏi này nọ nữa, thì cả hai sẽ liên thủ giáo huấn lão. Âu Dương Long Niên đành chịu. Bởi chính Hồ Nhất Đao còn phải bại nơi tay hai người đó, thì lão ta mong gì thủ thắng mà dám chống đối. Huống chi, dù cho một đánh một, lão vẫn bại kia mà! Sở dĩ giao thủ với họ mà bình hòa, là vì họ nhượng mà thôi, chứ thực sự lão còn kém họ một bậc. Rồi Lưu Trung Trụ mới hỏi sư phụ của Hồ Nhất Đao là ai, để sau này có dịp tìm đến bái kiến, tỏ lời khâm phục người có đao pháp tinh diệu phi phàm. Hồ Nhất Đao không giấu, thuật lại trường hợp học đao pháp Hải Uyên cho mọi người nghe. Lão không biết tên họ của sư phụ. Đao pháp đó, lão học được, cách đó năm năm thôi.
Một hôm, có một vị lão nhân vô danh đến trang trại của Hồ Nhất Đao tá túc. Qua ngày thứ hai, vị lão nhân ngã bệnh. Hồ Nhất Đao tận tâm phục thị, lo thuốc thang cực kỳ chu đáo. Lão nhân lâm bệnh đúng nửa năm, trong thời gian đó, Hồ Nhất Đao nuôi dưỡng không sai suyễn một ngày nào. Khi bệnh dứt rồi, lão nhân cảm kích thạnh tình của Trang chủ, truyền cho Hồ Nhất Đao tám bản đao phổ, mỗi bản là một chiêu. Chính đao là pháp Hồ Nhất Đao vừa sử dụng. Cố công học tập, trong vòng năm năm, Hồ Nhất Đao luyện thành đao pháp. Luyện đao pháp thành rồi, Hồ Nhất Đao nghe ngứa ngáy trong mình, bèn đi khắp giang hồ, tìm cao nhân xin thỉnh giáo. Không một ai chi trì nổi ba chiêu đao của lão. Dần dần, chẳng ai còn dám so tài với lão nữa. Cuối cùng, lão nghĩ đến việc mời bọn già bốn người, để đánh nhau một phen cho sướng tay. Cả bốn người bọn già đồng hỏi Hồ Nhất Đao, vị lão nhân vô danh đó khi rời trang trại, đi về đâu, có thể tìm được chăng?
Do dự một lúc lâu, Hồ Nhất Đao cho biết, lão nhân vô danh có nói với lão, đao pháp Hải Uyên thực ra chỉ là một vũ học thông thường, chưa phải là siêu việt. Vũ học tân kỳ chân chánh thì ghi chú trong một quyển tập, có tên là "Huyền Quy tập". Ai học được một môn trong "Huyền Quy tập", là cầm chắc trở thành tay vô địch trong thiên hạ. Già nóng nảy, giục Hồ Nhất Đao chỉ chỗ ở của lão nhân vô danh. Trước khi tiết lộ, Hồ Nhất Đao bắt buộc bọn già bốn người phát thề, tuân theo một kiều kiện do lão đề ra, sau khi lão chỉ chỗ. Huỳnh Sơn đại hiệp hỏi, điều kiện gì? Hồ Nhất Đao cho biết, điều kiện chẳng khó khăn gì, nhưng lão chưa vội nói ra. Cả bốn người bọn già sau một phút suy nghĩ, đồng thề độc tuân theo. Hồ Nhất Đao bèn nói, vị lão nhân vô danh trú tại Hồ Lô đảo, nếu Hồ Nhất Đao muốn xem "Huyền Quy tập", thì cứ đến đó tìm lão. Trước khi ra đi, vị lão nhân cười với Hồ Nhất Đao, học xong đao pháp, Hồ Nhất Đao sẽ nghĩ đến "Huyền Quy tập".
Và càng nghĩ đến "Huyền Quy tập", Hồ Nhất Đao càng bỏ ăn bỏ ngủ, dành trọn thời gian để mơ hoài về quyển tập đó, tìm mưu định kế quyết đọc cho được quyển tập quý giá đó.
Ngọc Diện Thần Bà kết luận:
- Hồ Lô đảo, chính là hòn đảo này. Và đúng như lời Hồ Nhất Đao, suốt bốn mươi lăm năm qua, già thực sự bỏ ăn bỏ ngủ, mơ hoài đến quyển tập "Huyền Quy", quyết tìm cho được để học...
← Hồi 51 | Hồi 53 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác