Vay nóng Tima

Truyện:Thất bang Bát hội Cửu liên minh - Hồi 07

Thất bang Bát hội Cửu liên minh
Trọn bộ 10 hồi
Hồi 07: Ngạo Mạng Và Thiên Kiếm
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-10)

Siêu sale Lazada

Không dám đi trước thiên hạ

Bọn họ đều cho rằng cái gã này quá buồn cười. Đúng vậy. Cái năm gã vừa được bốn chục tuổi, còn chưa lấy vợ, bèn cặp trong nách một lá chiêu bài vải trắng, vác trên vai thanh kiếm quặc quẹo xiên xiên của gã, đi khắp kinh thành rêu rao: "Ai có mụ vợ kiều diễm, tôi xin đổi lấy dùm cho..."

... Đổi lấy gì nhỉ? Tự nhiên là đổi lấy thanh kiếm của gã.

... Kết quả có đổi được gì không? Đương nhiên là không. Gã không nỡ lòng nào rời bỏ cái thanh kiếm hình dạng cổ quái đó của gã. Gã cũng chẳng cho rằng có được mấy người đàn bà xứng đáng làm mụ vợ kiều diễm trong tâm mục mình. Nói thật ra là, cũng chẳng có ai muốn đổi với gã. Đem cái thanh kiếm ngay cả lưỡi còn méo xẹo đó của gã về nhà làm gì?

Còn tôi thì từ lúc nghe được cái chuyện "độc đáo hy hữu" đó của gã rồi, cơ hồ như hoàn toàn đồng ý với mọi người bình phẩm cho gã là một "quái nhân".

... "Quái nhân" chắc chắn là không nghi ngờ gì nữa rồi, vấn đề là: gã có thể xem là một người tốt hay không nhỉ? Trong giang hồ có thể xem được là một tay hiệp giả không nhỉ?

Bọn nhân sĩ trong giang hồ có cái ấn tượng rất mơ hồ, phiêu dưỡng về gã, thậm chí còn có thể nói được hai chữ "không đẹp", còn những chuyện ký sự gì trong võ lâm gì về gã lại còn ít thấy nữa.

Chẳng qua, bởi vì tôi có nhiều nguồn tin tức đến từ đủ thứ nhiều chỗ khác nhau, do đó, căn cứ tài liệu tôi thu lượm được, những chuyện trước giờ cái người này đã làm, có thể nói là mười phần phong phú đa dạng, lớn mật đến mức độ cuồng vọng tày trời, mà cuồng vọng cũng chưa bao giờ đi ngược lại với hiệp nghĩa đạo.

Điều này thật có hơi quái lạ.

Nếu mà người nào khác, chỉ cần làm một phần chuyện công đức mà gã làm, đã sớm trở thành một tay đại hiệp một thời; còn mà là người nào kia, chỉ cần có hai phần cái thông minh mẫn tiệp của gã, đã sớm trở thành một tay mệnh quan vinh hiển triều đình rồi; còn mà là người nào khác nữa, chỉ cần có ba phần bản lãnh của gã, e rằng nếu không làm Minh chủ võ lâm thì cũng đảm đương nổi một chức tông chủ một môn phái nào rồi... Có điều gã thì không thế! Cô hồn dã quỷ, môn nhân sùng bái của gã, ai ai cũng cho rằng gã là thứ ấu trĩ cuồng đồ, còn chính gã thì cũng đã một nửa giống như một kẻ điên rồ!

Thật không hay ho tý nào!

Người này họ Ngao, tên là Mạn Dư, nghe nói thanh kiếm trong tay gã, từ cán kiếm cho đến lưỡi kiếm đều xiên; còn kiếm chiêu của gã thì cũng chẳng có chiêu nào là đi đường chính lộ cả.

Gã trước giờ đánh kiếm theo lối xiên, do đó mà người ta đặt cho gã biệt hiệu là Thiên Kiếm.

Có điều trong lúc thu thập tài liệu có liên quan đến gã, tôi có một câu hỏi:

... Kiếm của gã xiên, nhưng tâm của gã có xiên không?

Căn cứ vào tin tức tôi có, Lại bộ Thượng thư Sa Lãng Thi trên đường đi Quả Châu, chỗ Đại Sơn Cước, đụng phải chuyện, bị bọn Lục Dục Thần Ma nhóm Bạo Lực Minh là Ngô Cức, Khất Kinh, Tôn Thành, Trần Vi, Hà Cụ, Dư Ái chặn lại. Nghe nói, bởi vì nhờ Ngao Mạn Dư kịp thời rút kiếm tương trợ, mới đánh lui được sáu tên cao thủ trong hắc đạo ở Quả Châu, sáu tên ma đầu danh tiếng lẫy lừng thiên hạ.

Vì chuyện đó mà tôi lại thám phỏng Sa đại nhân.

Sa đại nhân rầy rà.

"Gã đó hả? Chẳng ra gì cả. Hắn ta muốn thăng quan phát tài, chỉ có nước ra mặt thôi, chẳng có hắn, ta cũng thu thập được sáu tên cầm thú kia thôi!"

Tôi đi hỏi bọn bộ hạ dưới tay Sa đại nhân có mặt lúc đó, bọn họ đều nói một lời như nhau:

"Đương nhiên là chỉ một tay Sa đại nhân làm nên chuyện thôi, tên họ Ngao chỉ bất quá thò đầu ra kiếm chác thế thôi".

Có một tên quân sĩ kia tên Nguyễn Lánh, bởi vì ăn nói không cẩn thận đắc tội với Hà Hoa Điền, rồi bị trục xuất ra khỏi bọn môn hạ nhà họ Sa, lúc đó cũng có mặt trong trận ở Quả Châu, tôi lại hỏi hắn, lúc đầu hắn chẳng nói gì cả, một hồi lâu rồi, tôi cũng có đưa cho hắn chút đỉnh tiền, hắn mới nói rằng:

"Cái gì mà Sa đại nhân! Động thủ chưa được hai chiêu, lão ta đã chổng mông nằm đó la cứu mạng. May mà có cái gã họ Ngao xuất thủ, không thì bọn tôi chẳng có một đứa còn sống mà về lại kinh sư".

Tôi lấy làm bực bội, do đó mới hỏi: "Tại sao Ngao Mạn cứu Sa đại nhân, mà Sa Lãng Thi lại đối với y hình như có vẻ khinh bỉ quá như vậy?"

Nguyễn Lánh dần mặt ra một cái, lúc đầu còn không muốn mở miệng ra nói gì, thấy tôi cứ gạn hỏi đủ thứ, hắn chỉ còn nước phang ra một câu:

"Ngao Mạn là thứ chẳng biết gì cả đấy mà".

"Nghĩa là sao?"

"Sa đại nhân muốn nâng đỡ cho hắn ra làm quan, hắn không chịu, còn nói gì gì: 'Chốn triều đình đảng tập thối nát, biên cương thì cướp bóc đùng đùng, người tranh quyền, kẻ tranh sủng, thiên hạ hỗn loạn một bầy, ta không dám đi trước thiên hạ'. Sa đại nhân bèn tức giận muốn vỡ tung lồng ngực".

Tôi còn muốn hỏi thêm, Nguyễn quân sĩ đã cười khổ nói tiếp: "Tôi cũng là thứ ham nói, xem ra, cũng giống như gã tính Ngao, nói nhiều chỉ thiệt thòi, ăn chưa hết cháo đã bị đuổi".

Tôi không biết nên tin vào ai mới phải.

Rồi thêm vài ngày nữa, nghe nói Nguyễn Lánh phạm tội ở một cái phố nào đó, bị giam vào ngục, ngày hôm đó, y bèn tự sát chết mất.

Mấy tháng sau, cơ duyên run rủi tôi gặp phải hai người trong bọn Lục Dục Thần Ma, hỏi tới chuyện ở Quả Châu, bọn họ phản ứng lại không giống nhau:

Tôn Thành: "Tôi chịu phục! Kiếm pháp của hắn chẳng có chiêu nào tôi thấy qua, nghe qua, chống đỡ nổi! Con mẹ nó, gặp phải hắn chỉ có nước chịu xui xẻo!"

Dư Ái: "Tôi trả thù vào con em của hắn! Nếu mà không có cái gã Ngao Mạn đó thò tay vào, thằng tham quan kia đã bảy phần cho chó ăn, tám phần cho ó rỉa rồi! Trời đánh hắn! Tôi thề đeo theo thằng ngốc tử đó không tha!"

Rốt cuộc tôi cũng đã hiểu sơ sơ ra.

Không dám đi sau người ta

Có điều không lâu sau đó, tôi lại bị làm cho mơ hồ hoang mang.

Bởi vì gã lại ra làm quan.

Tôi đã nghe chuyện gã từng cự tuyệt không ra làm quan với triều đình, không chịu đầu quân chinh chiến ít nhất không dưới mười lần, có điều lần này ra làm quan, lại là do chính gã giành người khác làm.

Lúc đó Hoàng Hà bị lụt, tràn ngập khắp bốn tỉnh mười tám huyện, bách tính ở miền Nam phát động chương trình chẩn tai cứu tế, được sáu trăm vạn lượng bạc, chia làm ba đợt áp về, Ngao Mạn Dư vì chuyện tranh cho được chức Tổng Chỉ Huy, đã không tiếc phấn thân một mình một kiếm, tỷ vũ tới mười bảy trận, tổn thương mười một người, đánh bại bốn người, giết mất hai người, rốt cuộc mới làm được chức tổng thống lãnh hộ tống tiền bạc cứu trợ.

... Không phải là gã không muốn ra làm quan sao?

Bất kể ra sao, lần này gã đã thi triển thần oai ra một lần cái năng lực mà gã đã có, đương thời, những người ra tỷ vũ tranh quan với gã đều là những tay cao thủ rõ rõ ràng ràng, và đã bị gã đánh bại, đánh cho thương tích, đánh cho mất mạng dưới thanh kiếm ốm yếu ho hen đó của gã.

Chẳng qua, rốt cuộc rồi, cái lần hộ tiêu này vẫn bị đụng phải chuyện: làm cho một kẻ vốn không có tý nhân duyên gì với thiên hạ, bây giờ thanh danh lại càng thêm tả tơi tơi tả trong giang hồ.

Tiền tiêu bị cướp đi mất. Kỳ quái là, trên khoảng đường hộ tiêu dài hơn ba trăm bốn mươi dặm đó, Ngao Mạn Dư bị chận đường mất ba lần, và đều có thể tàn sát đánh bại bọn cường khấu dễ dàng thuận lợi, có điều khi đi đến chỗ tiếp thu tiền bạc chẩn tế rồi, mở rương ra trước mặt thị sát tai tình khâm sai đại thần thì bên trong chẳng có gì cả. Chẩn Tai đại thần là Hà Hoa Điền lập tức hạ lệnh bắt giữ Ngao Mạn Dư, Ngao Mạn Dư chống cự, chẳng ai bắt giữ được gã, rốt cuộc để gã trốn thoát được.

Sau đó rồi, tôi mới đi hỏi hai vị chỉ huy phó theo hộ tiêu suốt con đường, bọn họ đều là những nhân vật nổi danh trong giang hồ, đồng thời cũng là đại tướng tâm phúc của Tôn công công... lần đi hộ tiêu này chỉ làm chức phụ tá, không khỏi có cảm giác "may mà thoát khỏi".

Bọn họ là Nhất Trụ Kích Thiên Mã Tân và Trung Lưu Mài Trụ Liệt Tân.

Theo Liệt Tân thì: "Ngao Mạn Dư quá ngạo mạn. Gã này không thể làm việc chung được, quá độc đoán".

Mã Tân thì cũng vậy: "Gã tiểu tử họ Ngao mình làm mình chịu, chuyện bị mất tiêu, toàn là do gã ta thất trách, liên lụy đến nạn dân, tội không tha thứ được".

Bởi vì chuyện này liên lụy đến trăm vạn dân bị tai ương, tôi cũng không thể nào tha thứ được cho Ngao Mạn Dư cái tính tự cho mình là siêu phàm, kiêu căng lơ đễnh làm hư việc; có điều, vấn đề là: tiền tiêu làm sao bị mất đi nhỉ?

Liệt Tân lạnh nhạt nhìn xéo tôi, rồi hỏi ngược lại: "Ông ở đâu lại đây? Ai sai ông lại đây?"

Mã Tân cũng xáp gần lại, lạnh lùng hỏi: "Ông muốn gì? Ông tính làm gì vậy?"

Tôi vội vã nói rõ thân phận của mình ra, cơ hồ ngay cả thủ dụ của Gia Cát tiên sinh và mật dụ của Thần Hầu phủ đều trình hết ra cả, lúc đó mới thoát khỏi nạn.

Điều đó làm cho tôi cảm thấy thái độ của Mã Tân và Liệt Tân hai người có vẻ phản thường tình, vì vậy làm cho tôi đâm ra nghi ngờ, đi khắp nơi tìm kiếm, hy vọng tìm ra được Ngao Mạn Dư hỏi cho ra lẽ.

Có điều tôi tìm mãi mà tìm không ra được gã, chẳng qua, những tin tức liên quan đến gã càng lúc tôi thu thập được càng nhiều.

Thì ra gã vốn là đệ tử nhập thất của Chưởng môn nhân Chính Kiếm môn Hoắc Tang. Hắc Tang vốn rất thương mến gã, có điều gã tự mình sáng chế ra một môn Thiên Khích Kỳ Kiếm, rồi torng một cuộc tỷ vũ với đồng môn, pho kiếm gã sáng chế đánh bại ba mươi năm người, chiêu nào cũng đi đường xiên, chiêu nào cũng chọn đường nguy hiểm, làm thành ra một môn phái riêng biệt.

Chính Kiếm môn vốn là môn phái cường nhất, thịnh nhất và cũng cỗ lão nhất trong mười đại môn phái, vậy mà năm đó cái chức Viện Sĩ của Võ Học Công Thuật viện, trong trận tỷ kiếm để chọn đệ tử ưu tú nhất, lại do một đệ tử không dùng kiếm pháp của bản môn mà thắng được, Hoắc trưởng lão dĩ nhiên là kinh khủng, còn Hoắc Tang nổi cơn thịnh nộ, trục xuất Ngao Mạn Dư ra khỏi môn tường, nói rằng: "Từ rày về sau, nhất đao lưỡng đoạn, không được phép thấy lại tà phái kiếm thuật, đạo thì suy mà ma thì thịnh; không nỡ thấy kiếm pháp chính đạo bị tà ma tiêu hủy!"

Ngao Mạn Dư vốn là một cô nhi, không biết có phải vì vậy mà gã đâm ra đau lòng thất chí hay không, thật tình tôi cũng không biết, tôi chỉ suy đoán rằng: người ta nói Ngao Mạn Dư trước giờ không xem ai vào đâu, ta làm chuyện ta, tôi thì nghĩ rằng "không coi ai ra gì" có lẽ là do người ta không chịu coi gã ra gì trước, do đó gã mới khỏi coi người ta luôn, còn chuyện "ta làm chuyện ta" thì chắc là do cái thái độ "người ta và mình không giống nhau mà không biết làm sao hơn" của gã mà ra. Sao thì sao, gã cũng cứ một kiếm (kiếm của gã là "thiên kiếm") tung hoành thiên hạ. Sau đó thì cứ thế: người biết tài của gã, qua lại gọi gã, gã chẳng màng, nói rằng, thời buổi bây giờ, thà làm tù phạm còn hơn đi làm quan lại hiếp đáp dân. Đám quan gia ai ai cũng tức giận gã.

Người trong võ lâm, cũng có kẻ biết tài của gã, muốn được liên minh với gã, gã cũng xử lý y dạng, nói rằng "một mình qua lại, tự do tự tại, không muốn để người ta sai khiến", nếu có ai khi dễ gã một mình không có thế lực, gã nhất định sẽ phản kích, người ta dậm gã ngón chân, gã chặt người ta cái đuôi, người ta kính trọng gã một thước, gã kính trọng người ta một trượng. Căn cứ vào tài liệu đường dây mối nhợ, gã đích thực đã từng trượng kiếm can thiệp chuyện bất bình, giúp đỡ không biết bao nhiêu kẻ đáng thương, có điều những kẻ được gã giúp đỡ đều là những người không tên không tuổi không quyền không thế, những kẻ y đắc tội lại là những kẻ không nên chọc đến.

Lại càng nguy tai nữa là: gã không phải hoàn toàn là một mình một bóng, một ngựa một thương, gã không nhất định là để mắt đến những kẻ muốn chiêu mộ mình, nhưng đối với những tay vô danh hậu bối trẻ tuổi, lại nhiều lần vui lòng bỏ công ra đề bạt bang trợ, trên phương diện vũ thuật, không tiếc phí tâm hao lực, chỉ điểm tận tình, thậm chí còn khích lệ, đốc thúc, điều đó dĩ nhiên là làm cho gã được một bọn giang hồ ưu tú hậu bối ủng hộ, nhưng cũng đem lại cho gã ba thứ tai ách:

Thứ nhất, bọn ưu tú hậu bối đó, chính họ không có tý thanh danh thế lực gì, có điều bởi vì vào đời chưa được bao lâu, huyết khí phương cương, dễ dàng sinh sự kết thù, người ta thường hay đổ hết lỗi vào đầu Ngao Mạn Dư.

Thứ hai, duới trướng của Ngao Mạn Dư có bao nhiêu đó bọn trẻ tuổi nóng nảy, dễ bị người ta để ý, người ta cho gã là cuồng ngạo quái dị thì cũng xong đi, còn lập thành quần thành đảng, làm ra môn hộ như vậy, lại là chuyện đại kỵ của các danh môn danh phái trong võ lâm.

Thứ ba, Ngao Mạn Dư bỏ ra vô số thời gian chiếu cố cho những tay ưu tú võ lâm, làn sóng sau của giang hồ đó, có điều, những người đó thành danh rồi, đối tượng đầu tiên họ muốn đánh sập xuống, đa phần là chính Ngao Mạn Dư, mà chính Ngao Mạn Dư cũng chẳng lấy gì làm phiền lòng, dưới mắt người khác, rõ ràng là gã đi ôm đá ném xuống chân mình... mà những viên đá đó thường thường cũng làm chướng ngại đường kẻ khác. Bất kể ra sao, cho dù gã có ứng phó được đi nữa, nhất định cũng hao phí không biết bao nhiêu thời gian và tâm sức.

Cái lối hành sự và tác phong của gã thật tình làm cho ai ai cũng tức giận.

Rốt cuộc, tôi cũng tìm ra được một cơ hội (đấy là một cơ hội khó khăn vô cùng, hiếm có vô cùng, thậm chí tôi vì đó mà chẳng màng gì đến thiên thời địa lợi), trực tiếp hỏi Ngao Mạn Dư được một vài câu hỏi:

"Tại sao ông không chịu ra làm quan?"

"Làm quan để đi nghinh đón phụng thừa hoàng đế? Hay là để làm thịt bách tính? Thời buổi này còn làm quan? Không hiềm triều đình còn chưa loạn đủ sao?"

"Có phải không chẳng thèm đi theo cung cách của các bậc võ lâm tiền bối?"

"Võ lâm mà không biến đổi đi, thì chẳng còn cái gì để truyền về sau nữa. Tôi muốn cho xứng với các bậc võ lâm tiền bối, thì phải cần phế bỏ đi trước rồi mới lập lên lại. Nếu mà bọn họ đã đi đến đường cùng rồi, thì tôi sẽ từ khúc sau đi theo tiếp khúc nữa, như thế còn chưa phải một đám rớt hết xuống không có thể siêu sinh!"

"Ông không thích làm quan, tại sao lại đi cứu một kẻ tham quan là Sa Lãng Thi?"

"Lão ta quả thật là một tham quan, nhưng lão cũng có đích thực làm không ít những chuyện hay ho cho bách tính trong địa phương".

"Ông không muốn làm quan, tại sao lại trăm phương ngàn kế đi giành làm cái chức tổng chỉ huy hộ tiêu?"

"Bởi vì đó là tiền bạc để chẩn tế tai dân bị nạn lụt sông Hoàng Hà. Chuyện trên thế gian này, tôi trước giờ không dám đi trước thiên hạ, nhưng cũng có những chuyện, tôi chưa từng cam lòng đi sau người ta".

"Tiền... tiền chẩn tế làm sao mất đi đâu hết?"

"... Cái rương tiền đó, vốn không hề có đồng tiền nào bên trong".

"Sao?"

Tôi giật bắn người lên.

"Tôi cũng đi khơi khơi xong một trận bảo tiêu rồi sau đó mới hiểu ra". Gã nói với vẻ u oán, cái vẻ mặt buồn man mác của gã như còn in đậm trong trí não của tôi, "Tiền chẩn tế, đã bị đại thần trong triều xài đâu mất sạch từ lâu".

Gã thở dài.

... Tôi không biết lời gã nói là thật hay giả.

Thiên hạ đại trị chính là thiên hạ đại loạn

Không chừng cũng chính vì cái tính tình như thế của gã, do đó mà cái kiếp vận của gã đại khái cũng như là tầng này qua tầng khác, sóng này qua sóng khác, đợt này tiếp đợt tới.

Bạn nghĩ xem, thiên hạ khổ lên khổ xuống mới vào được cái chỗ Võ Học Công Thuật viện, thành ra một tay viện sĩ, có biết bao là tiền trình, có điều, gã đối với cái chế độ của Võ Học Công Thuật viện lại có phê bình rất khắt khe, điều đó đã làm các bậc lão thành, trưởng lão trong đó nổi giận bất mãn, thêm vào gã còn đối với bao nhiêu chuyện thù tạc trong viện, nhân tình hối lộ, tống lễ, đều chẳng hề tham dự vào, đối với một nơi chuyên giảng cứu "lễ giáo" như Võ Học Công Thuật viện mà nói, tự nhiên gã là một nhân vật vô cùng đáng ghét khả ố.

Gã đối với cái thanh danh "viện sĩ" lại càng chẳng có một tý gì để tâm tới.

Bạn xem, cái lần đó, gã đụng phải Thất Tình Sát Tinh ở Tinh Châu, muốn báo thù cái chuyện Lục Dục Thần Ma bị đánh bại, bảy tên Sát Tinh của Thất Tanh phái: Lương Nhất Vong, Hà Nhất Phiền, La Nhất Đảm, Trần Nhất Lộ, Ôn Nhất Tiếu, Tôn Nhất Khốc, Ngô Nhất Lan đi theo truy sát gã, gã vừa đánh vừa chạy, trong cái cảnh mạo sống mạo chết đó, còn rỗi công chạy về Hoa Bang đi thăm bạn thân một vị tiểu cô nương tên là Mễ Tuyết Hoa, ôn tồn thăm hỏi một phen, rồi lại đâm đầu vào chuyện truy sát đào vong trong giang hồ.

Gã đối với chuyện giang hồ phong ba và giang hồ truyền thuyết đều rất thản nhiên, phảng phất như đối với gã mà nói, "cái gì cũng có thể", "chẳng là gì thì không thể nào được".

Do đó mà lúc ấy đối với câu hỏi của tôi, gã mới có cái câu trả lời như thế này:

"Hiện tại gặp phải loạn thế như thế này, mình là người cũng có bản lãnh tại sao không dấn thân ra để vì thiên hạ vạn dân mà làm một phen đại sự nhỉ?"

"Nếu đã là loạn thế, thì còn nói sao được không ra tay làm việc gì thì làm sao có thể làm được những chuyện mình muốn làm!" Gã làm ra vẻ trịnh trọng nghiêm trang nói, "thiên hạ đại loạn tức là tiền thân của thiên hạ đại trị, đấy cũng chẳng phải là điều gì không tốt".

"Còn nếu thiên hạ đại trị thì sao? Ông còn có đi ra làm một phen sự nghiệp không?"

"Nếu mà thiên hạ đã đại trị rồi, còn cần gì đến tôi ra làm gì? Hà huống thiên hạ đã trị rồi, không lâu sau đó lại muốn loạn lên". Lần đó, mưa xuống lớn lắm, xuống khích liệt mạnh bạo vô cùng, tôi cứ ráng đeo dính vào gã, nắm lấy thời cơ để hỏi những câu đó.

Nhưng tôi không hỏi được nhiều.

Gã đã bị người ta bao vây.

Những người bao vây gã có đủ từ quan trường cho đến võ lâm, hắc đạo và bạch đạo, bao quát cả Thất Tình Sát Tinh, Lục Dục Thần Ma, thậm chí còn có cả đồng môn sư môn của gã.

Tôi nhớ cái bối cảnh sau lưng gã thật cô đơn tịch mịch, trước lúc tính xung sát giữa màn mưa lớn vào trong trận tiền, gã còn nói một câu:

"Cái trận mưa này rớt xuống thật ngạo mạn làm sao".

Tôi nhớ cái lúc gã nói câu đó, khóe miệng đượm nửa nụ cười thê lương không ý vị.

Lúc đó gã đã bị thương trầm trọng lắm.

Tối hậu rồi gã cũng chết.

Có điều không phải chiến đấu mà chết.

Sư phụ của gã bắt được vị tiểu cô nương bạn của gã là Mễ Tuyết Hoa lại, mỗi khi gã giết một người, bọn họ bèn lóc tiểu cô nương một miếng thịt, gã bèn dừng tay, vẫn còn mang nụ cười trào lộng mà bi thương đó, xoay kiếm lại kết liễu tính mạng của mình.

... Phảng phất như ngay cả tính mệnh của chính gã, cũng chẳng phải là một chuyện gì trọng yếu.

Gã chết rồi, một đám nhân sĩ chính đạo đó, cũng chẳng buông tha người bạn nhỏ của gã.

Truyền thuyết trong giang hồ, thì ai ai cũng sợ cái chuyện "nhổ cỏ không nhổ tận gốc, mùa xuân sau lại mọc lên", làm sao bây giờ.

Chuyện đã xong rồi, tôi nhớ đến cái lúc gã xuất chiêu trong màn mưa, mỗi chiêu đều đi thiên hướng, thiên tà, thiên khích, nhưng thanh kiếm xiên xiên của gã, trước giờ chưa có ai tiếp được, chống đỡ được.

Tôi cũng nhớ đến cái câu gã nói lúc bước vào trận chiến: "Cái trận mưa này rớt xuống thật ngạo mạn làm sao".

Câu đó là có nghĩa gì?

Không chừng gã cũng chỉ tùy ý nói thế thôi.

... Như nếu lúc đó lại là ánh tịch dương sáng lạng ngàn phương, bầu trời xanh ngắt không một chút mây, hoặc cái thác nước rơi xuống như ngàn vạn con ngựa đang chạy như bay, gã cũng sẽ thuận miệng nói:

"Cái thác nước này rớt xuống thật ngạo mạn".

Hoặc là:

"Ánh tịch dương này ngạo mạn làm sao".

Hoặc là:

"Bầu trời ngạo mạn làm sao".

... Đại khái là vậy thôi đó mà.

Sao thì sao, lúc người ta đề cập gì đến gã, cũng đều cảm thấy rất buồn cười là đúng rồi.


Cửu Mộng Tiên Vực

Hồi (1-10)


<