← Hồi 11 | Hồi 13 (c) → |
Ðường thiên lý có dài, nhưng lữ khách rồi cũng sẽ tới miền quê yêu dấu. Nhưng đường thiên lý của Mai Lan thì hầu như vô tận. vì quê hương nàng đã bỏ lại đang sau. Yên Tử Sơn là điểm tới, nhưng không phải là nơi gửi thân lâu dài. Bọn nàng đâu có là tăng ni để chôn vùi suốt đời bên lời kinh, câu kệ.
Mai Lan đã quyết định bỏ đường sông để đi đường bộ. Con đường từ Vạn Kiếp về Yên Tử dọc theo Bạch Ðằng Giang, xưa kia là vùng trù phú, đông dân cư. Nhưng nay thì thực hoang tàn. Bây giờ là đầu thu, lẽ ra khắp nơi phải sửa soạn đồng áng cho vụ mùa sắp tới. Nhưng hai bên quan lộ, đồng ruộng hoang vắng, cỏ mọc cao ngang đầu người. Có những thôn xóm bi tàn phá, còn trơ những cột nhà cháy xém. Lâu lâu mới thấy được một nhóm người gầy yếu sống lây lất bên đường. Những đứa trẻ bụng ỏng, đang hì hục bới những rễ cây, bẹ chuối chắc là để ăn cho qua ngày.
Có những buổi chiều, Mai Lan nhẩm tính như hồi trước là sẽ qua vùng làng mạc để nghỉ chân, nhưng đến nơi thì đã vườn hoang nhà trống. Vài con chó đói đang gặm những xác chết xình thối bên đường. May bọn nàng được ông cụ Trần Bảo chuẩn bị cho một số lương khô đủ dùng, duy có nước uống, nhiều khi phải nhịn khát vì không dám uống nước hồ ao, vì đâu đâu cũng thấy xác chết ngổn ngang. Nhưng lúc qua vùng làng mạc, nhiều khu bỏ hoang, nhưng những vại nước mưa vẫn còn dùng được.
Trại quân của Minh Triều rải rác trong những vùng đi qua. Chúng bắt từng đoàn người phục dịch, vỡ đất đấp thành vô cùng cực khổ. Qua những khu vực đó, bọn Mai Lan lại phải tìm đường trốn tránh, vì dân làng cho biết hiện quân giặc đã làm những thẻ gọi là hộ thiếp để kiểm soát dân chúng, nếu chúng hỏi mà không xuất trình được thẻ này sẽ bị bắt giữ liền. Nhiều khi Lê Lai nổi cơn thịnh nộ định gây chuyện, nhưng Mai Lan kịp thời ngăn cản, nên dọc đường cũng không xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Mười mấy ngày lặn lội, Mai Lan cũng đưa được ba người tới vùng Yên Tử Sơn. Nơi đây, nàng đã quen thuộc.
Buổi chiều, cả bọn vào khu xóm nhỏ dưới chân một ngọn đồi, là cửa ngõ vào vùng Yên Tử. Xóm nhỏ này là nơi duy nhất giữa miền rừng núi đã biết bao đời nay sống được là dựa vào sự buôn bán cung cấp dịch vụ và mọi thứ cần dùng cho chín ngôi chùa của Yên Tử Sơn. Khách thập phương thường dừng chân nghỉ ngơi ở đây trước khi vào chùa. Họ có thể mua vàng hương, hoa quả để cúng Phật.
Những quán ăn, nhà trọ tuy nhỏ, nhưng sạch sẽ, xinh xắn,là nơi dừng chân rất thơ mộng.
Lúc đó, một vài nhà đã lên đèn. Mai Lan dẫn mọi người vào khu phố nhỏ gồm vài hàng tạp hóa, mấy quán nước, có quán có cả phòng trọ. Nàng hơi yên tâm vì thấy người qua kẻ lại còn tấp nập như xưa. Ngày trước, Mai Lan thỉnh thoảng cũng xuống đây mua nhtmg vật dụng hàng ngày. Nhưng lâu rồi, chắc chẳng ai còn nhận ra nàng.
Mai Lan đưa cả bọn vào một quán trọ cuối dãy.
Trong quán lúc đó thực ồn ào. Một dãy bàn ở giữa nhà đã có hơn chục thực khách. Bọn này ăn vận rất chải chuốt, một vài tên đầu để đuôi sam, đang uống rượu, nói cười lớn tiếng như chỗ không người.
Mai Lan đã định đi ra, nhưng thấy có bóng dáng mấy tên tầu tóc để đuôi xam, nàng quyết định vào, biết đâu qua bọn này, nàng biết thêm được những tin tức quan trọng.
Tên hầu bàn đưa bọn Mai Lan vào bàn trong cùng, rồi đứng đợi một bên.
Mai Lan hiểu ý, nói:
- Cho chúng tôi bốn phần cơm. Một bình nước trà nóng.
Tên hầu bàn vâng dạ rồi bõ đi vào bếp. Một chập sau, hắn đưa ra một ấm nước và bốn cái chén nhỏ, bày ra trước bàn.
Mai Lan ra hiệu cho Cúc, Cúc biết ý, lấy ra ít bạc vụn dúi vào tay tên hầu bàn.
Hắn biết ý nhận nhanh,
- Quí vị còn gì thêm xin cho cháu biết.
Mai Lan gọi hắn lại bên, rồi nói:
-Chú em thu xếp cho chúng tôi hai phòng trọ được không?
Tên hầu nhanh nhẩu:
- Dạ được, ở đây vẫn có phòng trống.
Mai Lan đưa mắt về đám thực khách ở bên ngoài, hắn nhìn theo rồi lắc đầu:
- Họ không ở đây. Họ chỉ đến chè chén rồi về núi.
Mai Lan ngạc nhiên:
- Về núi nào?
- Họ ở trên Yên Tử Sơn xuống chơi thôi.
Mai Lan giật mình, nói cho xong:
- Thôi được, chú dọn phòng cho chúng tôi. Ăn xong là chúng tôi lên nghỉ đấy.
Tên hầu bàn hơi cúi đầu, rồi bỏ ra ngoài vì có khách vừa gọi.
Cúc lo lắng hỏi:
- Thế nghĩa là sao cô?
Lê Lai cũng như Giác Huệ đều có cùng một ý nghĩ như Cúc, nên hai người cũng đưa mắt nhìn Mai Lan chờ đợi.
Mai Lan hơi liếc mắt nhìn ra ngoài rồi thì thầm:
- Nghĩa là trên Yên Tử Sơn đã có biến rồi. Không biết các vị trên đó ra sao. Bọn này là những kẻ hiện đang chiếm ngụ chùa của chúng ta.
Lai hai tay ôm đầu, hỏi:
- Vậy bây giờ tính sao. Chúng ta còn chỗ nào để tới nữa đâu?
Mai Lan bình tĩnh:
- Ðừng lo. Lai phải biết vùng Yên Tử Sơn có tới chín ngôi chùa, mà ngôi nào cũng lớn. Mình hy vọng là chúng không chiếm ngụ hết đâu. Việc bây giờ là chúng ta phải nghỉ ngơi để lấy sức. Sáng mai sẽ tìm hiểu tình hình rồi tùy cơ ứng biến.
Cúc hỏi một câu rất hữu lý:
- Vậy không biết bọn Trần Thắng hiện nay ra sao?
Mai Lan gật gù:
- Ðó cũng là một vấn đề. Nhưng đừng lo rồi đâu sẽ vào đó.
Ba người thấy Mai Lan nói vậy cũng tạm yên lòng.
Cơm đã dọn ra. Cả mấy bữa nay phải ăn lương khô, uống nước lã, bây giờ được ăn một bữa thịnh soạn, có nước trà nóng uống, cả bọn cảm thấy ngon miệng vô cùng.
Tuy vậy, mọi người vừa ăn, vừa để ý và lắng tai nghe bọn ở bàn ngoài.
Chúng cười nói, tâng bốc lẫn nhau, vừa tiếng ta, lẫn tiếng tàu, hoặc tiếng ta giọng lơ lớ.
Bỗng một tên mặc trường bào màu lục đứng lên giơ cao cốc rượu, nói oang oang:
- Chúng ta chúc mừng Bạch tướng quân vừa thăng chức Tổng Quản vùng Yên Tử Sơn.
Cả bọn nhao nhao lên chúc mừng:
- Chúc mừng. chúc mừng.
Một tên có đuôi xam, mặc trang phục võ tướng bằng đoạn xanh, giơ cao tay, nói bằng một giọng lơ lớ:
- Ngộ cảm ơn, cảm ơn...
Mai Lan để ý tới tên mặc áo màu lục này, tuy màu đã bạc, nhưng Mai Lan cũng nhận biết đó là một người có phẩm trật tứ phẩm của Nam triều. À thì ra giặc Minh vẫn để cho bè lũ tay sai vận phẩm phục như xưa để yên lòng dân chúng chăng.
Một tên tay sai mặc trường bào xanh nước biển, đầu đội khăn lượt, tán tụng:
- Sáng nay vừa nhậm chức, Bạch tướng quân đã cho tên sư già một bài học đích đáng.
Mai Lan giật mình lo lắng. Một tên khác nói tiếp:
- Nghe nói các sư trên Yên Tử Sơn võ nghệ cao cường lắm, thế mà cũng lãnh nguyên một cái tát tai của tướng quân, thực là nực cười.
Mai Lan giận tím ruột gan. Lê Lai thì tay nắm chặt như muốn xông ra quyết sống mái với bọn vô liêm xỉ kia nhưng thấy Mai Lan ngồi yên, chàng cũng biết tình hình chưa thuận tiện cho bọn chàng ra tay.
Rồi mỗi đứa tán một câu để cả bọn cười vang đắc ý.
Chợt của quán vụt mở, rồi một tên ăn vận dân giả đang đẩy hai cô gái đến trước bàn tiệc làm cho cả bọn đều im lặng đưa mắt nhìn nhau.
Hai cô gái khép nép, run sợ trước bọn đàn ông đang hau háu nhìn mình.
Tên áo lục vội đứng dậy, đến bên hai cô gái, nắm tay kéo lại phía tên Bạch tướng quân, miệng cười tươi, nói:
- Bẩm Tướng quân. đây là món quà của dân làng quanh đây tặng Tướng quân để mừng ngày thăng chức. Tôi xin đại diện cho chức sắc trong làng kính mời Tướng quân một ly.
Trong khi hắn nói, tên áo xanh đứng dậy rót rượu vào ly tên tướng quân họ Bạch, và một ly khác trao cho tên áo lục.
Tên Bạch tướng quân cười ha hả, cũng uống cạn ly với tên áo lục, mắt nhìn hai cô gái, miệng nói lớn:
- Tốt, tốt. Các nị thực tốt. Ðể chúng tôi sẽ đưa chúng về chùa hầu hạ tướng quân.
Không thấy tên võ tướng nói gì.
Nước mắt từ hai đôi mắt ngây thơ kia rơi lả chả.
Bọn Mai Lan giật mình. Trời, chúng dám làm những chuyện nhơ nhuốc, tồi bại đó ở giữa chốn tôn nghiêm sao?
Mai Lan giận lắm, nàng đã định đánh tháo cho hai cô gái, nhưng xét lại thì cũng đưa tới chỗ bế tắc thôi. Mất người này, chúng bắt người khác. Hơn nữa chính bọn nàng cũng chưa có chỗ dung thân thì lấy đâu để bao bọc cho người khác. Ngoài ra, còn vị nào sáng nay đã bị chúng làm nhục. Mai Lan vô cùng uất ức.
Cơm nuốt hết nổi rồi. Mai Lan ra hiệu cho tên hầu bàn tới tính tiền và đưa bọn nàng về phòng. Ðành đi cho khuất mắt, lương tâm của bọn nàng thực đã bị tổn thương.
Hai căn phòng khá sạch sẽ. Mai Lan giục Lê Lai và Giác Huệ đi ngủ sớm để lấy sức.
Lê Lai thắc mắc:
- Mình không thể cứu hai cô gái được sao?
Mai Lan lắc đầu:
- Với mấy tên này thì chẳng ngại gì, nhưng chỉ sợ rút dây động rừng. Ðại quân của chúng ở đây vì việc này mà ra tay tàn sát dân chúng, không những hai cô gái kia không thoát mà cả thôn xóm quanh đây cũng không còn. Cái kinh nghiệm ở chùa Châu Lâm còn đó. Hơn nữa, mình cũng chưa biết tình hình trên Yên Tử Sơn ra sao.
Lai buồn bã bỏ về phòng.
Mai Lan cho gọi anh hầu bàn tới phòng nàng.
Cúc ra khép cửa lại.
Mai Lan nhìn anh ta, nói:
- Chúng tôi từ xa tới, muốn anh cho biết qua tình hình ở đây, nhất là trên chùa.
Anh hầu bàn vui vẻ:
- Thưa cô, cứ hỏi, cháu biết gì nói vậy.
- Có chừng bao nhiêu quân Minh ở vùng này?
- Một trại ở chân núi, cách đây vài dậm, có khoảng một ngàn quân, một trại trên chùa Ngọa Vân là nơi trú đóng của Bạch tướng quân thì chừng ba trăm.
- Vậy tình trạng các sư trên chùa ra sao?
- Hình như chỉ có chùa Ngọa Vân là bị chiếm đóng, ngoài Trí Tri sư phụ và mấy chú tiểu trên đó ra, các sư ở chùa khác cháu không nghe nói tới.
Mai Lan hết sức ngạc nhiên vì võ công của Trí Tri rất cao, sao lại bị tên tướng Minh này hạ nhục một cách dễ dàng như vậy?
Nàng hỏi tiếp:
- Tên áo lục là ai vậy?
- Thưa đó là Hoàng Ðại tri châu ở vùng này. Ông ở mãi tận miền Bắc, nhưng vì được Bạch tướng quân che chở nên thường lui tới nơi đây thôi.
Mai Lan thấy anh hầu bàn còn e ngại điều gì, nên quay sang Cúc:
- Em tặng anh ấy chút tiền nước đi.
Cúc nghe!ời, dúi vào tay anh hầu bàn chút bạc.
Mai Lan hạ thấp giọng:
- Tôi có người bà con tu trên chùa, anh có thể cho biết thêm chút tin tức về các sư, ni trên đó không?
Ðắn đo mãi, anh ta mới buồn rầu nói:
- Mấy đời chúng cháu ở đây, sống nhờ các vị sư phụ trên chùa, nay thấy giặc gây nên những điều trái mắt mà không làm gì được nhiều lúc thực khổ tâm. Nay thấy quí vị cũng là chỗ bà con với mấy vị trên đó, cháu xin thưa thực là các vị ấy đều trốn tản sang các chùa chung quanh, hàng ngày dân dưới xóm vẫn bí mật mang đồ lên đó cho các Ngài.
Mai Lan vui mừng:
- Các anh và dân ở đây thực có tình nghĩa. Trời Phật sẽ phù hộ cho mọi người. Thôi anh ra ngoài đi.
Khi anh hầu vừa lui gót, Mai Lan gọi lại:
- Khi nào bọn ngoài đó ra về, xin cho tôi hay.
- Vâng, cháu sẽ nhớ.
Ðóng cửa, cài then xong, Cúc trở vào vừa dọn giường ngủ cho chủ, vừa hỏi:
- Thưa cô, Trí Tri đại sư võ công thế nào?
Mai Lan đang nghĩ gì, chợt thấy Cúc hỏi, nên quay lại trả lời:
- Cao lắm, nhưng không hiểu sự tình thế nào mà Ngài đến nỗi bị hạ nhục như vậy.
- Còn các Ðại sư Chân Giác, Thuần Giác, Trí Thủ?
Mai Lan lắc đầu:
- Mấy vị đó nay cũng đã lớn tuổi rồi, nếu trực diện với giặc cũng khó cáng đáng nổi trọng trách. Hơn nữa, giặc có hùng binh chung quanh mình cũng rất khó xoay xở. Nếu được như lời tên hầu sáng thì cũng là may lắm. Hồi mình còn ở trên đó, các vị ấy cũng đã chán sự đấu tranh rồi, huống chi bây giờ. Ta cũng chỉ mong các vị đó chỉ điểm cho các anh chị em lên đây mà thôi. Còn chuyện đấu tranh thì mình phải lo.
Cúc dọn xong giường, đến bên chủ, nói:
- Mời cô đi nghỉ.
Mai Lan trầm ngâm một lúc, đột nhiên đứng dậy, nói:
- Này Cúc, tối nay mình thử một chuyện.
Cúc như hiểu ý:
- Cứu hai cô gái?
- Ðúng. Con đi với ta, nhưng chỉ đứng ngoài thôi.
- Sao vậy ạ?
- Ðể mình ta hành động chắc dễ dàng hơn.
Mai Lan thay bộ trang phục lụa bạch thường nhật, ngồi uống nước chờ đợi.
Bỗng có tiếng gõ cửa gấp. Cúc chạy ra.
Bên ngoài, tên hầu bàn nói nhỏ qua khe cửa:
- Thưa cô, bọn đó đã ra về.
Mai Lan ra hiệu. Cúc tắt phụt ngọn đèn dầu, mở cửa cùng Mai Lan đi ra.
Tuy đã mấy năm xa Yên Tử Sơn, nhưng Mai Lan chưa quên những đường đi nước bước. Con đường từ đây về Ngọa Vân Sơn chạy vòng phía Bắc xóm này. Mai Lan dẫn Cúc vượt đường tắt chờ bọn Bạch tướng quân ở cái dốc đầu tiên lên vùng đồi núi.
Sương đêm là là bay trước mặt. trăng thượng tuần gần khuất sau núi, không đủ soi rõ lối đi. Không chờ lâu, Mai Lan đã nghe thấy tiếng vó ngựa từ dưới chân đồi vọng lên. Nàng quay sang Cúc:
- A, bọn này đi ngựa. Mình không nghĩ ra. Nhưng sao giờ này mới về tới đây kìa?
- Chắc chúng ghé đâu đó, hoặc mình rời nhà trọ trước bọn chúng.
Cúc chưa nói dứt câu, đã thấy bóng đoàn người ngựa thấp thoáng từ dưới chân đồi đi lên.
Mai Lan bảo Cúc:
- Cúc đừng lộ mặt nghe. Tất cả đã có ta liệu.
Mai Lan nói xong, vụt chạy ra chắn giữa đường.
Bóng áo trắng lờ lộ dưới ánh trăng suông.
Những tên đi đầu vội ghìm cương ngựa dừng lại ngơ ngác. Có đứa quay nhìn lại phía sau. Vì vậy, Mai Lan biết tên tướng quân họ Bạch không có trong đám ba đứa đi đầu. Nàng thong thả tiến thêm vài bước, rồi nói lớn:
- Ta muốn nói chuyện với Bạch Tướng Quân.
Bọn Minh đều yên lặng, trong đêm chỉ có tiếng hí và tiếng vó câu của mấy con ngựa chiến.
Mai Lan nhắc lại tới hai lần, tên tướng Minh mới từ dưới rong ngựa đi lên, nói tiếng Việt bằng một giọng lơ lớ:
- Ngộ đây, sao nị dám chặn lối của quân Thiên Triều Mai Lan thong thả nói:
- Quân Minh Triều đã xâm lăng nước ta, giết người, cướp của, hãm hiếp đàn bà con gái, gây nên bao tội ác. Nhưng, không ngờ hôm nay nhà ngươi coi thường cả Trời, cả Phật, dám đem gái về làm nhơ nhuốc giữa nơi cửa thiền.
Tên tướng Minh gò cương ngựa, nói:
-Ngộ..
- Ta còn biết bọn ngươi tự phụ võ công cao cường, khinh miệt võ học nước Nam. Ðêm nay, chỉ một mình ta đợi đây để cứu hai cô gái. Chúng bay cùng ra tay cả đi.
Ðám người ngựa xao động, nhưng không có lệnh của chủ tướng nên chưa tiến lên.
Bỗng tên Bạch tướng quân thong thả xuống ngựa, trao cương cho một tên quân đứng cạnh, rồi quay lại ra hiệu cho đám tùy tùng lùi ra xa phía sau. Hắn tiến đến gần Mai Lan:
- Cô nương, ngộ.
Không muốn để mất thì giờ, Mai Lan ra một đòn nhẹ trước, tên tướng họ Bạch miễn cưỡng xuất thủ. Nhưng không quá mươi chiêu, Mai Lan đã có thể đả thương hắn một cách dễ dàng. Nhưng nàng chỉ đánh dữ chứ không phạm đến người hắn.
Tên Tướng Minh vội nhảy lùi ra ngoài, miệng nói:
- Xin dừng tay. xin dừng tay. Bội phục. bội phục.
Mai Lan ngưng lại, nghiêm giọng nói:
- Vậy nhà ngươi thả hai cô gái ra, và từ nay đừng làm những chuyện như thế nữa.
Hắn tiến lại gần, nói vừa đủ Mai Lan nghe:
- Ngộ đã thả các cô đó rồi. Ngộ đâu có mang về chùa.
Lúc này Mai Lan mới nhìn kỹ đám tùy tùng. Quả thực không có hai cô gái trong đó. Nhưng nàng không thể tin lời tên tướng Minh, nói:
- Ngươi không đem theo đây, nhưng cũng có thể ngươi cho thủ hạ đưa về sau.
Tên tướng Minh lắc đầu:
- Ngộ cũng là Phật Tử mà. Không bao giờ ngộ muốn làm chuyện đó. Chính đám quan lại hèn hạ của nước cô nương tự ý mang đến mà, nhưng ngộ đâu có nhận.
Tên tướng Minh nói được bằng đó câu cũng đã khó khăn lắm rồi.
Mai Lan nửa tin, nửa ngờ.
Tên tướng Minh lại nói tiếp:
- Cô nương chắc từ xa mới tới.
- Ðúng thế, nhưng tất cả những chuyện gì các ngươi làm trên Yên Tử Sơn ta đều biết. Chính ngươi đã hà hiếp các vị chân tu trên đó. Ta cần phải dậy cho ngươi một bài học đích đáng.
Tên tướng Minh lắc đầu:
- Cô nương hiểu lầm ngộ. Ừ đây, trên ngộ còn một vị Ðại Sư nữa. Ông ta tới đây để áp đặt một đường lối hoằng pháp mới cho đạo Phật nước Nam, đúng theo chính sách của Thiên Triều, tức là theo đường lối của Ma Giáo. Ngộ là một Phật Tử chân chính, ngộ cũng khó chịu lắm, nhưng không thể làm gì hơn.
Mai Lan chợt hiểu. Nàng nhìn tên tướng quân thấy vẻ mặt thành thật của hắn, nên nói:
- Nếu thật là vậy, tôi xin cảm ơn tướng quân.
Hắn khẽ cười:
- Ngộ cũng cảm ơn cô nương đã tha mạng.
Mai Lan cười theo:
- Mai tôi đi, nếu được, xin tướng quân giúp đỡ các sư phụ trên Yên Tử Sơn.
Tên tướng Minh gật đầu:
- Ngộ xin hết lòng.
Bỗng Mai Lan hỏi lại:
- Hai cô gái đâu?
Tên tướng họ Bạch lắc đầu:
- Ngộ đã bảo tên Tri Châu trả về nhà họ rồi.
Mai Lan đứng sang một bên, nói:
- Tôi tin tướng quân, xin mời lên đường.
Tên Bạch tướng quân cúi đầu chào nàng trước khi trở lại cùng đám thủ hạ.
Ðợi cho bọn quan quân Minh đi khuất, Cúc từ bụi cây đi ra, hỏi:
- Chuyện ra sao cô?
Mai Lan cho Cúc biết sơ qua sự việc. Cúc hỏi:
- Cô tin tên đó nói thực sao?
- Nếu không có chuyện tên đại sư Tàu và Ma Giáo thì ta cũng không tin hắn, không ngờ trong quân của Minh Triều còn có những người có lòng như vậy. Chỉ hận là đám quan lại mình nhiều tên không ra gì.
Nhà trọ đã đóng cửa, nhưng chủ quán và tên hầu bàn còn đang dọn dẹp.
Mai Lan cho gọi tên hầu bàn lên để hỏi tin tức về hai cô gái:
Ðúng như lời tên tướng Minh, hai cô này đã được trở về nhà.
Buổi sáng, sau khi thăm dò tin tức và biết đích xác Quân Minh chỉ chiếm đóng Ngọa Vân Sơn, còn các chùa khác đều được bõ ngỏ, Mai Lan đưa cả nhóm về Yên Vân am. Ðây là nơi Mai Lan đã sống trong những ngày đầu trốn tránh sự truy lùng của Hồ Quý Ly. Ngày Ðức Nhân Tông từ bõ ngai vàng, xuất gia với pháp danh là Ðiều Ngự, lập nên Trúc Lâm phái là thiền môn đầu tiên của người Ðại Việt thì Ðức Khâm Từ Hoàng hậu cũng xuất gia làm ni. Triều đình đã trùng tu Yên Vân am để hoàng hậu trụ trì. Hơn nữa, khi Ðức Nhân Tông viên tịch, triều đình cho xây lại chùa Yên Vân một bảo tháp lấy tên là Huệ Quang Kim Tháp để thờ ngài và tôn ngài tôn hiệu là "Ðại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Ðầu Ðà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Ðế Ðiều Ngự Tổ Phật".
Vì thế, khi về đây, Mai Lan có cảm tưởng như về nhà mình.
Ni sư Tịnh Huệ vui mừng nắm tay Mai Lan:
- Công Chúa về đúng lúc. Mấy cô cậu ở đây ngày nào cũng ngóng chờ tin tức Công Chúa như hạn hán mong mưa rào.
Mai Lan cảm động:
- Bạch thày, con cũng muốn về sớm, nhưng chậm trễ là vì tại Thăng Long, chúng con đã gặp rất nhiều rắc rối.
Mai Lan gặp lại Quỳnh Như tiểu thư và các bạn gái đang tạm trú ở đây. Còn Trần Thanh và bọn con trai thì được đưa về với Chân Giác Ðại Sư tại chùa Vân Tiêu.
Trong bữa cơm chiều, Mai Lan tóm tắt tình hình hiện tại cho mọi người nghe, rồi tiếp:
- Tình trạng của chúng ta hiện nay rất khó khăn. Giặc đã chiếm cứ tất cả mọi nơi, kể cả những nơi hẻo lánh như vùng Yên Tử Sơn này.
Hoàng Lan hỏi:
- Các nơi khác, quân Minh chỉ cử sư tới chiếm chùa thôi, tại sao chúng mang cả binh mã tới chiếm Ngọa Vân Sơn?
Mai Lan gật đầu:
- Ðúng, là vì chúng biết chùa Ngọa Vân là nơi mà xưa kia Ðức Ðiều Ngự hoằng dương đạo pháp để thiết lập phái Trúc Lâm là thiền phái đầu tiên của người Ðại Việt. Từ đó chùa Ngọa Vân trở thành trung tâm điểm của Phật Giáo nước ta. Sau này, các hoàng đế, hoàng thân và đại thần khi xuất gia đều về trụ trì tại Yên Tử và trở thành những vị Quốc sư của triều đình. Chiếm được Ngọa Vân sơn coi như đã khống chế được cả Phật Giáo nước nhà.
Ngồi cạnh Mai Lan, Ni sư Tinh Huệ tiếp đồ ăn cho nàng, chăm chút như hồi nàng còn thơ dại trốn chạy về đây.
Bà hạ giọng nói nhỏ như tiết lộ một bí mật quan trọng:
- Công Chúa có nghe được tin gì về Ðức Giản Ðịnh Vương không?
Mai Lan hơi ngạc nhiên, nói:
- Bạch thày, gần hai tháng tìm đường về đây đều qua những vùng hẻo lánh nên con chưa nhận được tin tức gì về anh ấy cả.
- Nghe Chân Giác Ðại sư nói thì Vương được Trần Triệu Cơ ở Trường An giúp, đang lo việc phất cờ khởi nghĩa chống quân Minh.
Mai Lan lo lắng:
- Sao lại sớm thế?
- Mấy cô cậu đây đang muốn đi vào đó đấy.
Mai Lan lắc đầu:
- Không thể hấp tấp được, nhất là các em đây đều là tinh hoa của thời đại, nhưng còn quá non nớt, cần phải có thời gian trau dồi, không những là võ nghệ, mà cả về tinh thần trách nhiệm của một người dân một nước bị trị, trước khi muốn tham dự vào các phong trào kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Lê Lai ngồi ở cuối dãy bàn, hỏi:
- Ở đây xa xôi thì sao biết được tin tức mau như vậy?
Mai lan cười.:
- Tại Lai không biết đó thôi. Từ thời kháng Nguyên, quân ta đã dùng chim làm phương tiện truyền tin. Sau này Thái Bảo Trần Nguyên Hãn đã nghiên cứu và hoàn bị việc huấn luyện chim thư một cách rất có hiệu quả. Vì thế các quốc sư trên Yên Tử Sơn thường liên lạc với tôn thất nhà Trần ở khắp nơi bằng chim thư.
Lai gật đầu:
- Tôi cũng biết, nhưng không ngờ dùng chim thư có thể liên lạc được xa như vậy.
Chiều hôm đó, Mai Lan dẫn Lê Lai và Giác Huệ sang chùa Vân Tiêu ra mắt Chân Giác thiền sư. Khi bọn Mai Lan tới thì cổng chùa đã khóa. Chùa Vân Tiêu như có phòng bị nghiêm ngặt.
Mai Lan vừa gõ cửa, qua một lỗ hổng như cái cửa sổ nhỏ của cánh cổng chùa, một đôi mắt xuất hiện, rồi có tiếng hỏi tính danh.
Lê Lai dõng dạc nói:
- Có Mai Lan Công Chúa đến thăm.
Ðôi mắt đảo nhanh về phía Mai Lan, rồi cái cửa sổ nhỏ đó được đóng lại. Một chập sau có tiếng kéo then cửa và cổng chùa được mở rộng để đón khách.
Một nhà sư trạc sáu mươi, vẫn còn vận đạo bào màu nâu sậm của Phật Giáo Ðại Việt, ra đón ngay trước sân. Thấy Mai Lan, Ðại Sư vui mừng chạy nhanh lại phía nàng.
Mai Lan, Lê Lai và Giác Huệ đều cung kính vái chào.
Chân Giác cười ha hả, nói:
- Công Chúa về từ hồi nào không cho thày hay?
Mai Lan cũng cười:
- Bạch thày, con mới về tới Yên Vân am sáng nay thôi. Bây giờ mới sang thăm thày, xin thày miễn lỗi.
Chân Giác là vị cao tăng được truyền tâm ấn và là tăng chủ của phái Trúc Lâm đương thời. Vì thế, dù là người trong hoàng tộc, Mai Lan cũng rất mực tôn kính Ngài. Ngược lại, Ðại Sư cũng vị nể cô Công Chúa này không kém như đối với các đại vương của Trên Triều vậy.
Bọn Mai Lan theo Chân Giác Ðại Sư vào chùa. Tại trai phòng, các tiểu trong chùa đã lo trà nước để mọi người giải khát.
Sau những chuyện hàn huyên, Mai Lan nhìn quanh mấy chú sa di, rồi hỏi:
- Bạch thày, đám thanh niên con gửi lên Yên Tử Sơn hiện họ sinh hoạt thế nào?
Chân Giác đặt chén trà xuống khay, rồi thong thả nói:
- Vận nước đã đến nước này, quy tụ một số thanh niên ưu tú như vậy không phải là dễ. Thày cũng nghĩ như Công Chúa, họ là hy vọng cuối cùng của dân tộc ta. Vì thế, thày muốn họ phải được huấn luyện kỹ càng để đợi ngày thuận tiện lo chuyện kháng Minh, phục quốc. Có điều hiện nay, quân Minh và một số tăng sĩ của Minh Triều đang khống chế chúng ta trên Ngọa Vân Sơn, nếu ta không cẩn thận, chúng sẽ kéo đến thanh toán từng chùa một của chúng ta thì hậu quả tai hại không lường được. Vì vậy, thày đã phân tán các anh em đó mỗi chùa một ít, và giao trọng trách huấn luyện họ cho Thuần Giác và Trí Thủ.
Mai Lan hỏi:
- Bạch thày, tên võ tướng họ Bạch là người như thế nào?
Ðại Sư ngạc nhiên:
- Sao Công Chúa biết tên tướng Minh đó?
Mai Lan tóm tắt câu chuyện cứu hai cô gái đêm qua cho Ngài nghe.
Chân Giác Ðại Sư gật đầu, nói:
- Ðúng như vậy thực. Tuy thày chưa trực diện với tên tướng này, nhưng tin tức từ Trí Tri cho biết đã có sự liên lạc ngầm với tướng họ Bạch. Trí Tri đã chịu khổ nhục kế để hắn có thể giúp mình đỡ phần nào tai kiếp do chính sách xâm lăng Phật Giáo nước ta của Minh Triều. Nếu không có thư của Công Chúa cho biết trước những sự việc đã xảy ra tại chùa Bạch Hổ của Huyền Giác Ðại Sư thì thấy cũng không thể tin được. Thực đó cũng là nhờ hồng phúc của các sư tổ Trúc Lâm phái chúng ta.
Mai Lan không ngờ Yên Tử Sơn được may mắn như vậy, và nhất là Chân Giác có vẻ thay đổi nhiều. Hùng khí của ngài được hâm lại, không còn hờ hững với chuyện đời như xưa.
Mai Lan giới thiệu Lê Lai và Giác Huệ với Ðại Sư.
Ngài nhìn Giác Huệ, gật đầu:
- Giác Huệ là đệ tử của Công Chúa, nhưng cũng có thể ở đây trau dồi thêm võ nghệ với anh em, còn Lê công tử thì thế nào?
Mai Lan mỉm cười quay sang Lê Lai nói:
- Bạch thày, sư phụ con có cho Lai một lá thư giới thiệu, không biết người chọn Ðại Sư nào để gởi gấm Lê công tử. Lai trình thư với Ðại Sư đi.
Lê Lai bỗng cảm thấy như mất mát một cái gì quý báu. Phải chăng vì nếu chàng có sư phụ mới, tất không còn được nhập bọn với Mai Lan Công Chúa nữa. Những ngày tháng sống chung trong nhóm chia xẻ với nàng bao hoạn nạn, hiểm nguy, chàng có cảm tưởng như sự chia cách không bao giờ tới. Nhưng bây giờ, thời gian được theo Mai Lan không còn bao lâu nữa.
Thấy Lê Lai vẫn đứng yên, Mai Lan phải giục:
- Kìa Lai trình thư lên Ðại Sư đi.
Lê Lai như giật mình, buồn bã lấy lá thư trong túi áo trong, hai tay trịnh trọng đưa sang Chân Giác Ðại Sư.
Ðại Sư liếc nhanh chàng, rồi thư thả bóc thư của Sư Bà Diệu Thanh ra đọc. Không biết trong thư viết gì mà Chân Giác Ðại Sư cười lên ha hả, coi vẻ thích thú vô cùng.
Mặt Lê Lai hơi tái đi, chàng khó khăn lắm mới nói được:
- Bạch Ðại Sư, trong tình thế sơn hà nghiêng ngửa, con xin được theo Công Chúa tham gia công cuộc kháng Minh, phục Quốc trước đã. Khi đất nước thanh bình rồi, con sẽ xin về thụ giáo vị sư phụ nào đó của con.
Mai Lan gạt đi:
- Lai nói vậy là sai. Lai cần phải được huấn luyện trước rồi sau đó mới có đủ khả năng tham gia kháng chiến chứ.
Chân Giác lắc đầu, ngài vẫn còn cười tươi khiến Mai Lan ngạc nhiên hỏi:
- Bạch thày, sư phụ con chọn đại sư nào ạ? A, chắc là thày rồi nên coi vẻ thày hứng khởi lắm.
Chân Giác ngưng cười, nhìn Mai Lan, lắc đầu:
- Thày không được cái hân hạnh đó đâu. Bây giờ thầy để Công Chúa đoán ba lần nữa đó.
Mai Lan suy nghĩ... Lạ vậy... Ba lần nữa... Trí Tri, Trí Thủ, Thuần Giác. Như vậy chắc là phải đúng một trong ba vị thì còn đố cái chi nữa.
Mai Lan cười:
- Thưa, chắc là Thuần Giác Ðại Sư, vì Ngài chưa từng chính thức nhận đệ tử bao giờ?
Chân Giác cười, lắc đầu.
Mai Lan nói tiếp:
- Vậy chắc là Trí Thủ, vì tương đối ngài còn trẻ tuổi có lẽ nhờ vậy sẽ hiểu đám thanh niên thời đại hơn?
Chân Giác lại lắc đầu. Mai Lan chán ngán. Thế thì còn đoán gì nữa, chỉ còn mình Trí Tri là xứng đáng nhận đệ tử mà thôi. Nhưng bây giờ, đại sư đang mắc nạn trong Ngọa Vân Sơn, thế mà Chân Giác có thể vui cười được sao.
Mai Lan miễn cưỡng:
- Thì ra sư phụ con tìm đệ tử cho Trí Tri Ðại Sư, nhưng bà có biết đâu hiện giờ Ngài đang mắc trong vòng kiềm toả của giặc.
Nghe tới đây, Chân Giác lắc đầu lia lịa, rồi cười nói:
- Thế là Công Chúa đoán sai cả ba lần rồi nhé.
Cả Mai Lan,. Lê Lai và Giác Huệ đều sửng sốt nhìn Chân Giác Ðại Sư đang chìa lá thư ra trước mắt Mai Lan, vừa cười, vừa nói:
- Công Chúa không tin hả? Ðọc thư đi xem Sư Bà Diệu Thanh chọn ai làm sư phụ cho Lê công tử.
Lê Lai nhìn châm châm vào Mai Lan, chờ đợi một câu nói để từ nay chàng sẽ không bao giờ được dong duỗi dọc ngang một cách hào hùng với nàng Công Chúa mà chàng hằng ngưỡng mộ và tâm phục nữa. Bỗng Lê Lai thấy Mai Lan không cười được nữa, nàng đặt lá thư xuống bàn, vuốt cho nó phẳng phiu lại, khiến Lê Lai càng hồi hộp hơn. Sau cùng, nàng nhìn Chân Giác Ðại Sư nói:
- Bạch thầy, sao thày con lại làm như vậy.
Chân Giác lắc đầu cười:
- Hiểu học trò không ai bằng sư phụ. Thày thấy Sư Bà trao trách nhiệm một cách hết sức sáng suốt,. và lại đúng với tâm nguyện của Lê công tử nữa.
Câu nói làm Lê Lai giật mình.
Trong lúc Mai Lan còn vừa nhìn lá thư, vừa lắc đầu thì Chân Giác Ðại Sư nói với Lai:
- Kìa, Công tử không quỳ xuống lễ thầy nhập môn sao?
Lê Lai nhìn hai người ngơ ngác, Chân Giác hiểu ý nói:
- Công tử vừa xin được theo Công Chúa tham gia việc phục quốc, nay đã được như ý nguyện rồi đó. Vì Sư Bà chọn Mai Lan Công Chúa làm sư phụ công tử.
Lê Lai mừng rỡ, quỳ ngay xuống vái Mai Lan ba vái.
Mai Lan có vẻ hơi ngượng, nhất là trước mặt Chân Giác Ðại Sư là bực trưởng thượng của nàng.
Nhưng Chân Giác thì luôn miệng khen:
- Thực sáng suốt. Công Chúa phải thay thế đám già cả này chứ.
Mai Lan miễn cưỡng đứng dậy đỡ Lê Lai lên, rồi nói:
- Lai đứng dậy. Thôi được, tôi bắt buộc phải theo lời thầy của tôi nhận công tử vào nhà mình. Thôi đứng dậy đi.
Giác Huệ đứng chứng kiến câu chuyện của Lê Lai, bây giờ cũng tới chúc mừng chàng.
Lê Lai nói:
- Ðại sư, bây giờ đã là huynh trưởng của tôi rồi, có gì cũng xin chỉ bảo cho.
Chiều xuống mau trong cảnh núi rừng hùng vĩ của Yên Tử Sơn.
Sau khi bảo các sa di trong chùa lo chổ ở cho Lê Lai và Giác Huệ.
Chân Giác Ðại Sư giữ Mai Lan ở lại Vân Tiêu để bàn ít chuyện quan trọng với ngài.
Khi Mai Lan vào hậu viện của chùa, nơi tiếp khách đặc biệt của phương trượng, thì các phòng đã lên đèn.
Chân Giác Ðại Sư truyền sa di mang ít hoa quả của chùa ra đãi Mai Lan.
Khi chỉ còn lại hai người bên ngọn đèn dầu.
Chân Giác Ðại Sư mới nói:
- Thầy vẫn có chim thư liên lạc với Giản Ðịnh Vương. Gần đây, thầy nhận được tin Vương cùng Trần Triệu Cơ ở Trường An đang mưu việc khởi nghĩa chống Minh. Quân dưới trướng cũng có trên một vạn.
Mai Lan đã nghe chuyện này ở bên Yên Vân, nàng hỏi lại:
- Bạch thày, ý thày thế nào?
Chân Giác Ðại Sư như đã. suy nghĩ rất nhiều về chuyện này, nên trả lời ngay:
- Có được Trần Triệu Cơ cũng tốt, nhưng chưa đủ, vì khí thế và binh lực của giặc còn rất mạnh. Hơn nữa, kế hoạch chiêu dụ của chúng cũng rất hữu hiệu, khiến số người Nam theo giặc còn rất nhiều. Việc khởi nghĩa như vậy sợ ít được hưởng ứng.
Mai Lan gật đầu:
- Bạch thày, ý của thày rất hợp với ý con. Trần gia không còn uy tín với toàn dân nữa, hiện nay rất nhiều người theo giặc để mưu cầu danh lợi. Còn tin vào những lời dụ dỗ ngon ngọt của chúng. Hơn nữa, trong những ngày con vượt đường tới đây, đi qua nhiều vùng trước kia là vựa lúa của nước mình, nay đều bỏ hoang không cầy cấy nạn đói hầu như gần kề. Mình phất cờ khởi nghĩa lúc này, một đàng dân không nhiệt liệt hưởng ứng, mà nếu có chăng nữa thì đàng khác mình cũng thua giặc vì thiếu lương thực nuôi quân. Một đoàn quân đói thì làm sao chống lại được với quân giặc no đủ.
Ngưng một lát, nàng tiếp:
- theo thiện ý của con, chúng ta hiện nay cần phải rèn luyện nhiều nhân tài, củng cố lực lượng và tích trữ lương thảo. Rồi cùng với thời gian, bộ mặt giả nhân giả nghĩa của giặc rớt xuống, chính sách cai trị tham tàn của chúng khiến dân chúng không chịu đựng nổi, họ sẽ tỉnh ngộ để quyết một lòng cùng nhau chỗi dậy đánh đuổi quân thù, lúc đó mình mới hy vọng thành công.
Chân Giác Ðại Sư gật đầu:
- Thày đồng ý với Công Chúa. Nhưng chỉ sợ Giản Ðinh Vương Quỹ ở nơi dầu sôi lửa bỏng, ngày ngày chứng kiến cảnh bạo tàn của giặc, ngài sẽ thấy trách nhiệm lớn lao bên mình mà không thể kiên nhẫn được hơn việc phất cờ khởi nghĩa. Vì hiện nay, chỉ còn mình ngài là đủ tư cách đại diện Trần Gia đứng lên lo việc cả.
Mai Lan nhỏ nhẹ kể lại những diễn biến mà nàng gặp khi còn ở Thăng Long cho Chân Giác Ðai Sư nghe rồi tiếp:
- Bạch thày, con cũng đã bàn với Nguyên Cảnh Dị về việc này, và nếu Dị và Dung đều một lòng can gián anh Quĩ, con hy vọng anh ấy nghe theo.
Chân Giác rót thêm trà vào chén của hai người, rồi nói:
- Thày cũng mong như vậy. Nhưng theo tin tức mà thày nhận được những lúc gần đây thì việc sửa soạn khởi nghĩa rất gần kề.
Mai Lan khẽ lắc đầu. Ðêm đã về khuya, nhưng cả hai hầu như chưa muốn chấm dứt câu chuyện.
Bỗng Chân Giác ngửng mặt lên hỏi:
- A, Công Chúa về qua Vạn Kiếp làm gì vậy?
Mai Lan chợt nhớ ra một việc quan trọng mà vì lo nghĩ quá, nàng đã quên mất, nên vội nói:
- Bạch thày, con đi tìm cuốn Binh Thư của Ðức Hưng Ðạo Ðại Vương. Nhưng rất tiếc ở đó mọi sự đã thay đổi cả. Các thư viện đều đã tan hoang, sách vở thư tịch đều bị giặc tới lấy hết cả rồi. Thày con dạy là mình phải theo sách lược của tổ tiên xưa đã ba lần thắng quân Nguyên thì mới hy vọng thắng bọn giặc Minh ngày nay. Không biết trên Yên Tử còn cuốn nào không?
Chân Giác a lên một tiếng như vừa tìm ra chân lý, nói nhanh:
- Ðúng vậy. Nhưng theo chỗ thày biết thì tại Yên Tử Sơn không giữ những sách đời mà chỉ có kinh Phật mà thôi. Nhưng để mình thử kiếm xem sao.
Mai Lan không mấy hy vọng, nàng hỏi:
- Thưa, còn bộ Vạn Kiếp Tông Bí Truyền thì sao ạ?
Chân Giác lim dim đôi mắt, rồi nói:
- Ðó mới là một cuốn sách đáng kể. Tuy nhiên, chính thày cũng chưa được thấy, vì thày không phải là người trong hoàng gia, hơn nữa không phải người nào trong hoàng gia cũng được dùng nó, mà phải là những bậc Ðại tướng quân.
- Bạch thày, sao lại gọi là Tông Bí Truyền?
- Câu chuyện bắt nguồn từ Trúc Lâm phái?
Mai Lan ngạc nhiên:
- Trúc Lâm phái? A, vâng, sao thiền phái của mình, Ðức Ðiều Ngự lại gọi là Trúc Lâm?
Chân Giác Ðại Sư mỉm cười khi thấy nàng Công Chúa bỗng tự nhiên hỏi tới thiền môn của mình, nên ngài thư thả giải thích:
- Công Chúa biết, Trúc Lâm là thiền môn phái đầu tiên do người Ðại Việt sáng lập. Trúc Lâm có nguồn gốc từ chữ Phạn Nalanda. Ðây là tên của một đại học đường lớn và lâu đời nhất tại thành Vương Xá (Rajagraha) nước Ma Ðà Na (Magaha), miền Trung nước Thiên Trúc ngày nay. Phần lớn các cao tăng trong thiên hạ đều xuất thân tự trường này, kể cả Huyền Trang của Trung Quốc. Nhưng đặc biệt, Nalanda lại là tiêu biểu của thiền phái đại thừa mật tông.
Mai Lan thắc mắc:
- Thế nào là mật tông?
- Phật Giáo chia ra làm hai phái rõ rệt, một là Hiển giáo lấy Ðức Thích Ca làm Giáo Chủ, hai là Mật Giáo nhận Ðức Ðại Nhật Như Lai, pháp thân của Ðức Thích Tôn mà nhân gian thường gọi là Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế làm Giáo Chủ, khác với Hiển Giáo, Mật Giáo có những phương thức tu thiền để cho tinh thần chuyên nhất thiện tâm quang phát hiện, tâm thanh tịnh sẽ tiến tới mức thần thông diệu dụng. Tuy Mật Tông cũng có những phương pháp phù chú, nhưng vẫn là một Phật Giáo chính phái, khác hẳn với Lạc Ma Giáo của Thiên Trúc hoặc Ma Giáo Hiện nay của Minh Triều.
Mai Lan hơi vỡ lẽ, hỏi:
- Thì ra Trúc Lâm Phái là một ngành của Mật Giáo?
Chân Giác Ðại Sư cười, gật đầu:
- Cũng có thể nói là như vậy. Ngay pháp danh của Ðức Nhân Tông, vị Trúc Lâm Tổ thứ nhất, vị sáng lập ra Trúc Lâm phái cũng mang tính chất của Mật Tông. Ðiều Ngự, theo nghĩa hẹp là điều hòa hơi thở, và là một trong bảy phương thức tu luyện của Mật Tông phái, gọi là Sổ Tức Quán. Sáu phương thức khác là Chuyên Tâm Nhất Ðiểm, Quán Tưởng, Mantram Yoga, Nhất Tự Quyết, Tứ Vô Lượng, Bất Ðối Tượng. Tuy nhiên, dân tộc ta là một dân tộc có nhiều sáng kiến và rất trung dung, khởi nguồn từ ý niệm song hợp hoặc song trùng hay âm dương, xuất phát từ Kinh Dịch là cuốn kinh có gốc gác từ dân tộc Cổ Việt xa xưa chúng ta. Ngay như Pháp danh Ðiều Ngự cũng mang tính cách trung dung, dung hòa, không những hơi thở theo nghĩa hẹp mà dung hòa về mọi mặt tinh thần, vật chất, từ chiến bại cho đến chiến thắng. Vì thế, Trúc Lâm Phái không hẳn là một giáo phái đại thừa mật tông, mà là một dung hòa lạ lùng giữa Hiển Giáo và Mật Giáo. theo Hiển Giáo đại thừa để không mất gốc, không sa lầy vào sự huyễn thuật đưa tới phù thủy, ma thuật nhảm nhí, nhưng lại du nhập thêm những tinh hoa của Mật Giáo để biến thành những phương tiện kỳ diệu trong việc dựng nước và giữ nước. Do đó, mới có bộ kinh trác tuyệt Vạn Kiếp Tông Bí Truyền, mà theo như chỗ thày biết gồm những phương thức mà người làm tướng tu luyện thành đạt, tài có thể ngang Tôn Tẩn, Khổng Minh. Chứng cớ là Ðức Hưng Ðạo Ðại Vương là một người được chân truyền, đã từng tạo nên những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử Ðại Việt, để cuối cùng trở thành một bậc thánh nhân được tôn thờ. Bởi vậy truyền thuyết về cuốn sách này ngoài nhân gian cũng không sai.
Mai Lan vội hỏi:
- Thế thày có tu luyện thiền môn mật tông không?
Chân Giác gật đầu:
- Có chứ, các đệ tử trong Trúc Lâm phái đều tu thiền cả. Những vị tổ như đệ nhị tổ Pháp Loa, đệ tam tổ Huyền Quang mỗi khi đăng đàn thuyết pháp đều xảy ra những phép lạ, điềm lành, đều là những bậc Quốc Sư danh tiếng của triều đại. Nhưng về sau, các đệ tử đều kém tài không thể đạt được tới mức quán thông như các bậc thày, thành ra Trúc Lâm phái ngày một suy tàn. Nói ra thì thực xấu hổ, tới đời thày thì mức độ thành đạt đã kém lắm rồi, chỉ đủ tu thân, dưỡng tính cho chính mình mà thôi chứ không còn đủ tài đức để cứu nhân độ thế nữa.
Mai Lan ngồi nghe câu chuyện lạ lùng của Chân Giác Ðại Sư mà tiếc hận cho vận nước. Nàng cố gạn hỏi:
- Bạch thày, mình không còn dấu vết nào để tìm ra cuốn Vạn Kiếp Tông Bí Truyền nữa hay sao?
Chân Giác gật đầu:
- Thày cũng đã cố công trong nhiều năm, nhưng đều vô vọng.
Rồi như an ủi Mai Lan, ngài tiếp:
- Có điều cho dù tìm được cuốn Vạn Kiếp Bí Truyền, vấn đề tu luyện không phải dễ dàng và mau lẹ. Nhưng cuốn Binh Thư Yếu Lược, thì có nhiều hy vọng hơn, vì thời đó cuốn này được truyền tới tay quân sĩ. Nếu tìm được kẻ hiền tài để trao bộ binh thư này chúng ta cũng có cơ phục hưng được giang sơn, cứu vớt được dân.
Mai Lan cũng biết vậy, nhưng điều quan trọng là làm sao tìm được sách.
Ðêm đã về sáng. Chân Giác Ðại Sư cười nhẹ, rồi nói:
- Thôi, đã muộn rồi, xin mời Công Chúa đi nghỉ.
Ðể xem tình hình trong Nam như thế nào rồi chúng mình sẽ tùy cơ định liệu. Mai Công Chúa nên đến thăm nhóm anh em thanh niên đang được huấn luyện lại đây.
Mai Lan uể oải đứng dậy:
- Vâng, con cũng nghĩ trong lúc này, mình làm được cái gì có lợi cho việc cả thì cứ làm.
Ngoài kia, gà đã gáy lần thứ hai.
← Hồi 11 | Hồi 13 (c) → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác