← Hồi 07 | Hồi 09 → |
Ðối với một số đông người Nam, cuộc tiến binh của quân Minh vào đất Ðại Ngu là một sự kiện không mấy quan trọng. Họ nghĩ rằng rồi đây, một triều chính khác hơn họ Hồ sẽ lên cai trị giang sơn đất nước. Cần phải có một sự đổi mới, cần phải đánh đổ Hồ Quý Ly và triều đại của ông ta, một triều đại tượng trưng cho phản bội, cho ươn hèn. Những gì Hồ Quý Ly làm cũng đều mang ý nghĩa của gian manh, bóc lột, kể cả những công trình cải cách tiến bộ mà từ xưa chưa có một ai nghĩ tới như thiết lập hệ thống tiền giấy, chương trình dậy toán pháp, dùng chữ nôm v.v.... Sự thua trận của nhà Hồ xảy ra trước mắt bàng quan của mọi người, họ coi đó như là chuyện riêng của nhà Hồ vậy. Thậm chí có những người còn xem đây như là một hình phạt mà Hồ phải gánh chịu. Vì thế, dù quân Minh đã quấy nhiễu không ít, dù chính sách kìm kẹp nhân dân đã khởi sự, nhưng dân từ Ðông Quan trở về bắc gần như không mấy quan tâm. Cái không khí thanh bình giả tạo dưới sự cai quản của các quan quân Minh Triều, làm cho họ như quên đi tình trạng nguy khốn từng giây từng phút của nhà Hồ trong vùng Nghệ An. Tin tức chiến trận hầu như không có nữa, dân thì bắt đầu thu vén tài sản để tổ chức lại cuộc sống, sĩ phu thì ngong ngóng ngày chiến trận chấm dứt đễ đón mừng triều đại mới.
Bầu không khí yên tĩnh đến ngột ngạt của Ðông Quan có chăng chỉ riêng một số rất nhỏ người cảm thấy. Ðiều đó đã khiến Mai Lan buồn phiền vô cùng!
Khiết Tịnh đại sư thì thế nào. Mai Lan hơi thất vọng khi nghĩ rằng ông ta đã qua mặt mình về việc để điền chủ Thành bỏ đi, thay vì khuyên ông này hợp tác với mình.
Mai Lan mang tâm trạng đó đến trai phòng nơi mà Khiết Tịnh đại sư đang chờ nàng ra dùng điểm tâm. Qua khu vườn hồng, rồi dảy hành lang thanh tịnh, Mai Lan bỗng nhớ lại kỷ niệm xa xưa khi còn học võ thuật trên đỉnh Yên Tử Sơn. Cũng khung cảnh tương tự như thế này, mười mấy năm trước đây, nó không phải là cảnh của một nơi tu hành, mà ngược lại, nó chính là chốn bồng lai của những tâm hồn thanh xuân thương mến nhau, ngàn đời thơ mộng. Nhưng ngày nay, cánh chim bạt gió, mỗi người một phương với những hiểm nguy trùng trùng, có giây phút nào nghĩ đến nhau cũng chỉ toàn những lo âu, buồn phiền. Hỡi ơi, hôm nay người có đến nơi này?
Khiết Tịnh đón Mai Lan trước cửa phòng:
- A di đà Phật, Công Chúa ngủ ngon chứ ạ?
Mai Lan khẽ đáp:
- Xin đội ơn Ðại Sư.
Trước bàn ăn, đĩa xôi nóng với mấy khoanh giò lụa ngon lành, đại sư mời nàng dùng điểm tâm.
Mai Lan cầm đũa ăn lấy lệ. Thực sự nàng chẳng đói chút nào. Nghĩ đến đất nước, nghĩ đến mình, nhìn sang Khiết Tịnh, thấy vẽ mặt quá trầm tĩnh của ông ta làm Mai Lan hơi khó chịu.
Có lẽ nhận thấy điều gì không ổn qua nét mặt của nàng công chúa, Khiết Tịnh ngập ngừng:
- Công Chúa có chuyện lo nghĩ? Bần tăng có giúp gì được ngài không?
Mai Lan đã định không nói gì, nhưng cuối cùng lại trả lời:
- Bạch đại sư, có câu kệ rằng: "Tâm không thật thì Phật không có trong tâm?"
Khiết Tịnh Ðại Sư vô cùng sửng sốt, rồi dần dần biến thành ngượng ngùng, cười gượng:
- Công Chúa thực tinh tế, bần tăng xin nhận tội!
Khiết Tịnh đại sư thấy không thể không nói những gì nàng muốn biết.
Ông ta ngồi yên lặng một lúc lâu, rồi mới từ tốn nói:
- Ðiền chủ Thành thực ra không phải là người họ Dương. Ông là một hoạn quan trong triều, phục vụ bên Dương Nhật Lễ khi ông này còn tại vị. Cái ngày các Hoàng Thân nổi dậy giành lại cơ nghiệp cho Trần Gia, Thành trốn thoát với một phi tần của Nhật Lễ đã mang thai. Mấy chục năm luân lạc, người cung phi này chết sớm, để lại một đứa con gái, đồng thời Thành cũng gây dựng được một sản nghiệp ở đây với một ít tiền của mang ra từ trong cung. Ðứa con gái đó sau cùng bị Lê phu nhân lấy cớ là bà con, bắt về nuôi tức là Khuê Bích. Bà đã dùng cô gái như một đứa thị nữ khiến Thành nhiều khi bất mãn. Trong đêm cháy nhà, Khuê Bích có dịp ra tay trả thù Lê phu nhân rồi trốn thoát.
- Thế việc muốn khôi phục cơ nghiệp họ Dương?
- Ðó chẳng qua chỉ là ảo vọng của bọn họ. Chính vì thế mà dù bần tăng có khuyên, Thành vẫn sợ Công Chúa truy lùng nên nhất quyết bỏ đi.
Mai Lan nghe xong câu chuyện, thấy vô cùng chán ngán. Mình với giặc Minh ngày nay, tình trạng nào có khác chi. Bỗng Mai Lan kịp nhận thấy sự sai lầm đến độ vô lý của mình. Bọn Dương gia làm sao so sánh được với nàng hiện thời. Nàng có cả một dân tộc trước mắt, nàng đâu có vì cho riêng Trần Gia, mà cuộc tranh đấu này là cuộc tranh đấu cho sự sống còn của toàn dân.
Mai Lan nhìn sang Khiết Tịnh đại sư:
- Bạch Ðại Sư, ông Thành quả có hiểu lầm tôi. Chúng tôi tranh đấu bây giờ đâu có phải là cho một giòng họ nào. Dương gia đối với chúng tôi vì thế mà không còn mang thù hận. Chúng tôi chỉ mong có sự đoàn kết thực sự giữa trăm họ để khôi phục lại giang sơn gấm vóc khỏi bàn tay bạo tàn của giặc xâm lăng.
Vâng, bần tăng đã hiểu ý Công Chúa từ lâu. Non cao sông dài, nhưng chắc cũng có ngày gặp gỡ, bần tăng sẽ chuyển lời Công Chúa tới ông ta. Riêng bần tăng nguyện sẽ hết lòng theo phụ Công Chúa trên bước đường diệt giặc, cứu nước. Chùa này, bần tăng có thể bỏ bất cứ lúc nào.
Mai Lan cảm động, vội gạt đi:
- Bạch Ðại Sư, thực tôi rất cảm mối thinh tình của Ðại Sư. Ngay lúc này, Ðại Sư cứ trụ trì tại đây cũng có thể làm những công việc thực hữu ích cho đại sự của chúng ta. Với trình độ võ học thượng thừa của ngài, nơi đây có thể là một chốn an toàn để các nghĩa sĩ làm chỗ trú chân trên bước đường hành sự.
Nếu thế thì bần tăng rất sẵn sàng tuân lệnh Công Chúa.
Mai Lan nói vài lời an ủi ông ta, rồi xin phép lui về phòng:
- Nếu được, nội trong ngày hôm nay, chúng tôi có một vài người bạn từ xa tới, phiền Ðại Sư cho mượn một căn phòng để họp.
Khiết Tịnh sốt sắng:
- Xin Công Chúa yên lòng, tôi xin sẳn sàng lo liệu. Khi nào cần, xin Công Chúa cho biết.
Cúc đã đón Mai Lan từ ngoài cửa.
Hai thầy trò lặng lẽ trở về phòng riêng.
Cúc nói nhỏ:
- Hồng cho biết chú Quân đã về xóm chài để đón người trong Nam.
- Về lúc nào?
- Tối qua. Chú hẹn sẽ liên lạc với chúng ta nội chiều nay.
Lòng Mai Lan bồn chồn không ít:
- Thôi cũng được.
Cúc nhìn vẻ đăm đăm của chủ mà lòng thấy se lại. Cả một cuộc đời lênh đênh, cho đến một mối tình cận kề, cô chủ của nàng cũng không được hưởng trong sự an lành. Nàng sẽ đi về đâu, và ngày nào sẽ dừng chân trong mái ấm gia đình? Thực xa và cũng thực mơ hồ, không có ngày thực hiện.
Về tới phòng, Cúc đã sắp sẵn quần áo sạch sẽ để Mai Lan thay.
Sau buổi chiều nay, chúng ta sẽ rời nơi đây ngay.
Nghe Mai Lan nói, Cúc dạ nhỏ như để cho chủ biết mình đang lắng tai nghe nàng. Mai Lan thở dài:
- Những ngày tới sẽ thực vất vả...
- Cô định vào Nam?
- Không, chúng mình sẽ về Vạn Kiếp.
Cúc không biết Mai Lan về đó để làm gì, nhưng không dám hỏi. Bỗng Mai Lan lại nói:
- Cúc, con có muốn về ngang qua quê mình không?
Cô muốn về Siêu Loại?
- Có thề chúng ta về đó trước khi đi Vạn Kiếp.
Cúc bỗng ngậm ngùi:
- Nhưng nào có ai muốn gặp mình đâu cô?
Nhớ lại những ngày tháng phải trốn tránh Hồ Quý Ly. Mai Lan đã bị một số người thân thuộc bên ngoại chối bỏ phiền lòng nàng thực buồn.
- Nhưng bây giờ nhà Hồ đã hết... Người ta đâu còn sợ vạ lây với thầy trò mình nữa. Mình cứ về, Cúc ạ. Cô có việc phải về đó.
Cúc ngập ngừng nói:
- Ấy là con cũng nhắc chừng cô vậy thôi. Con còn hận mãi cái hồi đó.
- Thôi Cúc, mình cũng phải hiểu cho hoàn cảnh của họ chứ.
Cúc giúp Mai Lan thay đồ, việc đó chẳng cần thiết, nhưng Cúc vẫn làm đề tỏ sự trìu mến của cô với chủ.
Nhìn Mai Lan, nàng cũng coi đó như là một an ủi thực thâm tình.
Bữa trưa qua đi trong tẻ nhạt vì sự đợi chờ ray rứt.
Mai Lan ngồi tư lự bên khung cửa sổ. Từ ngoài xa, trên mặt hồ Dâm Ðàm, nước thực trong xanh, không một áng mây trong bầu trời mùa hạ. Những chấm đen của những chiếc thuyền chài lênh đênh đó đây. Mai Lan ngong ngóng trông chờ những chấm đen đó rõ dần rõ dần, để tiến vào bờ ngôi chùa này với nỗi nhớ mong ngút ngàn của nàng chứa chất trong bao năm nay. Nhưng cho tới chiều hôm, những chấm đen đó vẫn không thay đổi, nó vẫn là những chấm đen và tưởng như chằng bao giờ có thể di động? Mặt trời đỏ ối cả phương Tây. Mặt hồ như loang máu đào khiến Mai Lan rùng mình lo sợ, một mối lo sợ trước vẫn còn vần vơ sau trở nên mãnh liệt làm rung động cả lòng nàng.
Cúc nhìn cô chủ mà vô cùng xót xa. Lại bữa cơm chiều dọn ra với những uể oải khó tả. Mai Lan không còn muốn che dấu nỗi lòng với cô hầu thân cận. Nàng không nói năng gì, lẳng lặng ngồi ăn, nhai những hạt cơm mềm mại khó khăn như nhai sỏi đá. Cúc lẳng lặng đứng hầu cơm.
Thốt nhiên, Mai Lan hỏi vu vơ:
- Quân mãi chưa tới nhỉ?
Dường như nàng cũng chẳng cần Cúc đáp lời.
Bữa cơm qua đi. Mai Lan lại cầm chén trà ra đứng bên cửa.
Bên ngoài trời đã cập quạng tối. Cúc đốt đèn lên rồi thu dọn chén bát.
Những đốm lửa đã xuất hiện trên mặt hờ mênh mông.
Mai Lan lại đăm đăm nhìn những đốm lửa mờ nhạt trong sương đêm để lại đợi chờ, đợi chờ sự di chuyển của một ngọn đèn nào đó. Rất lâu và rất lâu, những ngọn đèn đó vẫn bất động trong nỗi buồn phiền của nàng Công Chúa.
Có tiếng mái chèo đâu đây chăng? Mơ hồ nhưng có thực. Thính giác của Mai Lan đã tới cao độ. Nàng nhỏm người vận nhởn tuyến nhìn vào khoảng đêm tối mịt mùng. Ðúng tiếng chèo khua động đâu đây, tuy còn xa, nhưng chắc chắn là có một con thuyền không đèn đang di chuyển lại gần.
Trước mắt là khoảng tối mung lung, những tiếng mái chèo khua động thì có thực. Không còn nghi ngờ gì nữa, có một con thuyền đang đi tới. Tiếng động mỗi lúc một gần, rồi hình như đã im bặt.
Mai Lan gọi nhỏ:
- Cúc?
Cúc hơi giật mình:
- Dạ.
- Con có nghe thấy gì không?
Hình như có thuyền cặp bến.
Mai Lan giục:
- Ra đó xem thế nào? Nhớ phải thận trọng.
Mừng, nhưng trong lòng xốn xang muôn nỗi. Thôi thì sau bảy năm, cũng mong có ngày gặp mặt, rồi mai đây, mỗi người lại một phương, mỗi người lại một nhiệm vụ, mỗi người lại thêm những khó khăn riêng mình, sống chết không biết ngày nào. Thực ngậm ngùi, thực xót xa.
Có tiếng. Mai Lan quay lại.
Cúc đã trở vào phòng. Mai Lan rời chỗ đứng, hỏi dần:
- Thuyền của Quân? Quân đâu?
Cúc đến bên Mai Lan, ngập ngừng:
- Thưa đúng thuyền chú Quân, nhưng chỉ có anh Lai.
Nỗi thất vọng thoáng hiện trên nét mặt, Mai Lan hỏi vu vơ:
- Sao vậy?
Con cũng không hay. xin cô cho anh Lai vào.
Mai Lan gật đầu:
- Ðưa vào đây.
Khi Cúc đi ra, Mai Lan khẽ thở dài, nàng tiến ra phía cửa chờ, không bao lâu, Lê Lai và Cúc mở cửa bước vào.
Không kịp để Lê Lai chào hỏi, Mai Lan hỏi ngay:
- Quân đâu?
- Thưa cô, Quân đi một thuyền khác và sẽ tới sau.
- Sao vậy Lai? Người trong Nam ra chưa?
Họ đã tới nơi, hai người. Nhưng có một người bị thương khá nặng, cho nên anh Quân phải lo tìm thầy chữa thương, vì vậy họ sẽ đến muộn.
- Hai người hình dáng thế nào?
- Một người hơi có râu quai nón, còn người bị thương thì không, Cả hai có vẽ rất mệt mỏi.
Mai Lan khẽ lắc đầu. Người có râu quai nón chắc không phải là người nàng đợi, vì nàng chưa biết là ai.
Còn người bị thương nặng? Không lẽ...
- Lai có biết tên họ không?
- Có Quân chỉ bảo tôi tới đây đưa tin gấp để cô khỏi mong là có Nguyễn Cảnh Dị ra.
- Nguyễn Cảnh Dị... còn người kia?
Lê Lai khẽ lắc đầu:
- Không thấy Quân nói.
Mai Lan gật đầu... "Có thể Quân không muốn nàng lo lắng..." Nhưng như vậy lại càng làm nàng bồn chồn hơn.
- Thôi được, Cúc, con ra pha trà chúng mình uống, chờ Quân.
Lê Lai chắc thấy được sự nôn nóng của nàng, khẽ an ủi:
- Chắc không lâu đâu cô. Lúc tôi xuống thuyền, thầy thuốc đã đến.
- Giặc giã như thế này mà tìm được thầy thuốc cũng là may. Thôi ta cứ việc uống trà đợi họ.
Trong khi chờ đợi Cúc đi xuống bếp pha trà, Mai Lan hỏi:
- Sao mấy bửa rồi, anh có thoải mái không?
- Thưa cô, đời giang hồ thực vui. Từ trước tới nay sống du dú ở nhà, mắt như bưng không thấy được việc đời. Ðúng là đi một ngày đàng, học một sàn khôn.
Mai Lan mĩm cười:
- Tôi sốnglang thang cả chục năm rồi, anh thấy có khôn hơn ai đâu?
- Riêng tôi nghĩ, ít ai hiễu đời và từng trải như cô. Với lứa tuổi của cô, các thiếu nữ ta mới chỉ biết thêu thùa làm bếp và nếu có gia đình thì lo nâng khăn sửa túi cho chàng là hết ngày.
Mai Lan hơi lắc đầu:
- Thế mà tôi ao ước cảnh đó từ bao lâu nay mà không được đó anh.
Lê Lai lắc đầu:
- Nếu sống an phận như thế thì cô đã chẳng là cô nữa rồi.
Mai Lan cười:
- Mấy đứa nó cứ muốn tôi làm bà vãi.
Lê Lai cũng cười theo:
- Chắc hai cô ấy sợ cô lập gia đình rồi hết thương họ như bây giờ nữa đó.
Yên lặng một chốc, Lai ngập ngừng nói:
- Tình hình này, mình ở lại đây bao lâu nữa cô?
- Chắc không lâ. Anh sợ bỏ nơi đây sao?
Lê Lai lắc đầu:
- Không.
Chàng trở nên buồn buồn:
- Mỗi chiều đứng bên này sông Tô Lịch nhìn về phía Kinh thành, tôi lại thấy buồn vô hạn, thà rằng đi thực xa làm việc thật nhiều, chắc tâm hồn sẽ thoải mái hơn.
Mai Lan lắng nghe chàng tâm sự, rồi an ủi:
- Ai mới bỏ gia đình ra đi thì cũng có cái tâm trạng đó Lai ạ. Nhưng thôi khỏi lo, vài ngày nữa chúng ta sẽ rời nơi này... Mình còn nhiều việc phải làm mà. Ðiểm quan trọng cho Lai là phải tìm thầy học. Tôi đã hứa với thầy tôi đưa Lai lên Yên Tử Sơn để trình thư của bà cho các vị trưởng thượng của tôi trên đó. Tôi nghĩ thời gian phản công của mình cũng không còn lâu nữa. Do đó, thời gian học tập cũng không được là bao, Lai hiểu điều đó chứ?
- Thưa vâng.
Cúc đã đưa trà lên phòng. Mùi trà thoang thoảng thơm. Cô thể nữ đặt khay trà lên bàn, rồi mời:
- Xin mời cô với anh Lai lại dùng trà.
Mai Lan và Lê Lai, tới ngồi quanh bàn.
Mai Lan cầm chén trà, hơi nâng lên:
- Mình uống trà đi Lai, cả Cúc nữa.
Uống chưa hết ấm trà, và những truyền vu vơ để qua thời gian chờ đợi thì Mai Lan bỗng uống vội chén nước còn lại, nói:
Có thuyền sắp tới.
Lê Lai hơi ngơ ngác:
- Chắc thuyền anh Quân?
- Tôi cũng nghĩ thế, mình sửa soạn đón họ.
Mai Lan quay sang Cúc, nói:
- Con sang bên Chùa hỏi đại sư xem phòng nào ông dành cho chúng ta. Con cũng mời ông tới họp luôn thể.
Cúc khẽ vâng rồi đi ra, Mai Lan nói với Lai:
- Phiền anh đón họ, xin đợi ngoài đó, Cúc sẽ đưa mọi người vào phòng họp.
Lai đi khỏi. Mai Lan đứng thừ một mình. Nguyễn Cảnh Dí là bạn chí thân của Ðặng Dung. Chuyến này chắc có nhiều chuyện quan trọng phải bàn nên họ mới ra cả đây. Tuy Mai Lan không là lãnh tụ trực tiếp của nhóm Phù Trần, nhưng vì nàng là Công Chúa của Trần Gia, một cô Công Chúa có quá nhiều uy tín, do đó, mặc nhiên nàng trở thành một thứ siêu lãnh tụ của họ. Nhưng Mai Lan nghĩ, nhân tiện họ ra ngoài này, nàng nên khuyến khích họ tự đảm đương lấy trách nhiệm, nhất là cái trách nhiệm đối với dân tộc Việt, với giang sơn gấm vóc của tổ tiên, chứ không phải là chỉ lo cho cái ngai vàng của một dòng họ.
Cúc đã trở về:
- Thưa cô, đã có phòng, chỉ cách đây một bức vách.
- Thế thì rất tiện. Mình sang đó đi.
Hai người đi ra ngoài hành lang. Cúc quay lại khóa cửa phòng, rồi hướng dẫn Mai Lan tới phòng họp. Căn phòng khá rộng. Nó là tàng kinh viện của Chùa. Ngoài những kệ sách chạy dài dọc theo bốn bức tường với những bộ sách còn mới tinh, phòng còn có hai dãy bàn dài với ghế ngựa để khách tới đọc sách hay tham khảo. Phòng được quét dọn rất sạch sẽ, mùi trầm hương thoang thoảng, dễ chịu. Một chú tiểu vừa vào, đặt trên bàn một ấm nước lớn và một khay chén cả chục chiếc, rồi lẳng lặng rời phòng.
Mai Lan nói:
- Cúc, con ra đón họ vào cả đây.
Cúc vừa đi ra, thì Khiết Tịnh Ðại Sư cũng đã tới. Ông xá Mai Lan, trịnh trọng nói:
- Ðược Công Chúa vời tới, thực là hân hạnh...
Mai Lan đáp lễ, rời thư thả nói:
- Ðây là một vài anh em từ trong Nam mang tin ra, tôi cũng muốn Ðại Sư tới nghe cho biết tình hình đất nước hiện thời. Sau đó, mình sẽ bàn tới một thái độ thích đáng cho hoàn cảnh mới.
- Công Chúa có nghĩ đó là một tin vui?
- Không, bạch đại sư, tôi nghĩ đây là một tin chẳng lành!
Có tiếng gõ cửa cắt ngang lời Mai Lan. Nàng ngưng nói, rồi dõng dạc:
- Xin mời vào.
Cửa mở. Như cơn gió lốc, cả bốn năm người vào phòng.
Quân đi đầu với người thanh niên có bộ râu quai nón, bộ râu được cắt tỉa cẩn thận nên trông anh chàng rất bảnh trai. Những người còn lại đều là người nhà cả: Giác Huệ, Lê Lai, Cúc, Hồng.
Quân hướng dẫn khách tới ra mắt Mai Lan:
- Dị này, xin ra mắt Công Chúa.
Mai Lan diu dàng đến bên Nguyễn Cảnh Dị, ôn tồn:
- Xin anh chớ khách sáo. Nghe tiếng anh từ lâu, nay mới được gặp mặt, thực vui.
Rồi nàng hỏi Quân:
- Còn ai nữa không Quân?
Quân biết nàng muốn hỏi gì, chàng ái ngại thưa:
- Thưa cô, còn một anh bạn nữa đi với anh Dị, nhưng bị thương còn nằm ở nhà.
Nỗi thất vọng làm Mai Lan lặng đi một lúc. Nguyễn Cảnh Dị nhìn mọi người như chờ đợi.
Sau đó, Mai Lan mới khẽ nói:
- Anh Dị, đây là Khiết Tịnh phương trượng. Chúng ta là người nhà cả, xin anh cứ tự nhiên.
Tới lúc này, Dị mới nói thực chậm:
- Thưa Công Chúa, Tây Ðô đã thất thủ, cha con Hồ Quý Ly bị bắt tại cửa Kỳ La.
Tuy việc coi như sẽ phải đến, nhưng lời của Dị cũng vẫn còn là tiếng sét đánh ngang đầu. Mọi người chết lặng.
Mai Lan lấy hai tay úp lên mặt. Hai dòng lệ từ từ chảy trên đôi má hóp của Khiết Tịnh đại sư. Cúc và Hồng bật lên tiếng khóc. Thôi thề là hết. Ðại Việt không còn nữa? Bây giờ đất nước chỉ là quận lỵ của Trung Quốc. Ta đã là kẻ nô lệ của người.
Mối xúc động kéo dài rất lâu. Mai Lan buông tay xuống, nhẹ thở dài. Hai mắt nàng đỏ hoe. Giọng nàng như khàn đi:
- Thôi thế là hết. Bây giờ trách nhiệm đổ lên vai chúng ta. Chúng ta mà từ bỏ, bắt chước người khác chạy trốn thì đất nước này sẽ ngàn năm nô lệ giặc Tàu và chúng ta sẽ vô cùng có tội với tổ tiên dân tộc.
Nguyễn Cảnh Dị lấy giọng, rồi nói:
- Thưa Công Chúa, tôi và Ðặng Dung định cấp tốc ra đây bàn kế hoạch lâu dài với cô, nhưng khi tới giáp Sơn Nam trấn, có một chuyện hết sức quan trọng, nên anh Dung phải ở lại, và do đó, chỉ có mình tôi tới yết kiến Công Chúa hôm nay thôi.
Cảnh Dị không nói rõ là chuyện gì, Mai Lan biết ý, nên hỏi:
- Người bạn của anh thương tích có nặng lắm không?
- Thưa cô, vì không dám đi đường lộ, phải băng rừng nên anh bạn vô ý bị sập bảy cọp. May cũng không mất mạng.
- Ai vậy?
- Thưa, Nguyễn Xứng, Tiền quân lệnh của ngài Ðặng Tất.
Mai Lan định hỏi tiếp, nhưng sau thấy không cần thiết, nhất là sự có mặt của Khiết Tịnh Ðại Sư, nàng cũng cẩn thận trọng tối thiểu với những mật tin.
- Thôi được, mọi chuyện chúng ta sẽ bàn sau.
Khiết Tịnh Ðại Sư lên tiếng:
- Xin mời quý vị ngồi nghỉ uống chén trà, chúng ta cứ đứng nói chuyện mãi.
Mai Lan mỉm cười:
- Ðúng thế, xin mời.
Mọi người ngời xuống bàn uống trà.
Nguyễn Cảnh Dị kể tiếp:
- Họ Hồ bị nhục nhã, chúng tôi cũng cảm thấy vô cùng đau đớn. Nhưng dù biết có giúp hắn đi chăng nữa, với sự chia rẽ cùng cực trong nội bộ, dù đổ thêm quân vào cũng như muối bỏ bể thôi.
Ngừng một lát, Dị tiếp:
- Công Chúa xem, tới Thanh Hóa, vì Ngụy Thức thành thực nói là nếu không đánh được giặc thì Hồ nên tự tử hơn là để mang cái nhục bị giặc bắt. Lão Hồ giận dữ, chém luôn ông ta.Ðến thế cùng mà còn chém tướng thì thực là điên.
- Dân tình trong đó thế nào anh?
- Thưa Công Chúa, buồn ở chỗ là dân mình không mấy quan tâm tới việc thua trận của Hồ. Họ như chờ đợi cái ngày đó dứt sớm để dân tình đỡ khổ sở vì chiến tranh và hy vọng Trần Gia lại được phục vị.
Mai Lan thở dài:
- Ðó là cái hố mà chúng ta đã tự đào để chôn mình..
Thấy không nên kéo dài hơn, Mai Lan đứng dậy trước, nói:
- Anh Dị chắc cũng đã mệt. Quân đưa Dị về thuyền nghỉ, tối chúng ta gặp lại.
Khiết Tịnh Ðại Sư đỡ lời:
- Xin Công Chúa và quý vị cứ nghỉ ngơi, mọi việc ẩm thực đã có bần tăng lo.
Mai Lan thành thực:
- Ðược vậy, xin hiện Ðại Sư. Chúng tôi hết lòng cảm tạ.
Khiết Tịnh cười:
- Xin Công Chúa đừng khách sáo.
Ông ta nói xong, cũng đứng dậy:
- Bần tăng xin cáo lui.
Mai Lan khẽ gật đầu chào:
- Xin đại sư cứ tự tiện.
Ðợi Khiết Tinh ra khỏi phòng, Mai Lan nói:
- Anh Dị này, mình còn nhiều chuyện phải bàn. Về nghỉ đi, mình gặp nhau sau.
Nguyện Cảnh Dị và Quân cùng đứng dậy:
- Vậy xin phép cô, chúng tôi về thuyền.
Tiễn hai người ra tới cửa, Mai Lan quay lại:
- Hồng cũng về đi, nhớ chiếu cố tới con Bạch Huệ. Ðể đó ta tính.
Hồng đứng dậy, nhưng hỏi vội:
- Cô ơi mấy hôm rày, cô có khoẻ không? Con trông cô xanh đi đó.
Mai Lan cười gượng:
- Khỏi lo, cứ về ăn ngủ đi, ở đây đã có Cúc lo cho ta.
Hồng miễn cưỡng mở cửa đi ra.
Còn lại một mình với Cúc, Mai Lan mặt buồn hẳn đi, khẽ thở dài. Cúc đến bên nàng:
- Con chắc cậu Dung kẹt chuyện quan trọng lắm mới không ra đây.
Mai Lan cũng gật đầu:
- Ta cũng nghĩ như vậy. Còn tên Tiền quân lệnh của Ðặng Tất, sao cũng ra đây? Ðể tối ta xem.
Hai thầy trò lặng lẽ đưa nhau về phòng riêng.
Về đến phòng riêng. Mai Lan bỗng bảo Cúc:
- Con ra ngoài trông chừng tất cả động tĩnh ở trong khu vực ngôi chùa này, kể cả hành vi của Khiết Tịnh Ðại Sư.
Ta ra thuyền gặp riêng chú Quân và Dị. Tình hình không bình lặng như ta tưởng đâu.
Nói xong, Mai Lan mở nhanh cửa, đi ra ngoài.
Dọc theo bờ là những hàng liễu xanh ngắt, tuyệt đẹp.
Nhưng thuyền bọn Mai Lan thì đậu ở một khu vực độc nhất có những gốc đa cổ thụ, rờm rà che khuất một phện nước trên mặt hồ. Nàng xuống thuyền của Hồng trước.
Thấy chủ tới, Hồng hớn hở ra mặt.
Tội nghiệp con nhỏ, cả ngày bó gối trong khoang thuyền chờ đợi.
Bạch Huệ thì có vẻ buồn. Nhưng hai đứa coi bộ cũng đã thân thiết với nhau.
Thấy Mai Lan đến, cả hai đều sung sướng.
Mai Lan diu dàng hỏi:
- Các con có buồn không?
Hồng mắt rưng rưng:
- Cô đừng lo cho chúng con... con ở đây có bạn, nên cũng đỡ buồn.
Mai Lan quay sang Bạch Huệ:
- Ðời sống của chúng ta nản như vậy đấy, Bạch Huệ ạ, liệu em có theo được không?
Bạch Huệ lễ phép thưa:
- Thưa cô, cô thương con là đủ rồi, con đâu có ngại khổ sở, buồn phiền.
- Vậy thì tốt, ráng đợi ở đây mấy ngày nữa rồi chúng mình đi.
Nàng bỏ lửng câu chuyện ở đó, quay qua nói:
- Thôi ta đến thăm hai đứa. Ta đi đây. Nếu chẳng may có gì bất trắc xảy ra, Hồng ráng bảo vệ Bạch Huệ về phòng ta.
Hồng nghe Mai Lan nói, tâm tuy không động, vì các nàng đã từng gặp quá nhiều hiểm hung trong bấy lâu nay, nhưng lời chủ nói làm cho nàng phải cảnh giác. Riêng Bạch Huệ, vẽ lo âu bỗng hiện trên nét mặt.
Mai Lan mở tấm chiếu đi ra, nhưng còn trấn an:
- Ta nói phòng xa vậy thôi, đừng lo.
Hai người đàn ông vụt nhỏm dậy khi Mai Lan gõ mui thuyền đánh động họ. Nàng nói vọng vào:
- Tôi đây, Quân.
Quân ra đón Mai Lan, Cảnh Di ngồi lại ngay ngắn:
- Nàng khom lưng bước vào. Quân đặt chiếc nệm nhỏ ở một góc khoang thuyền rồi mời:
- Xin cô ngồi tạm ở đây.
Mai Lan không để Quân mời tới lần thứ hai, nhẹ nhàng ngồi xuống.
Hai người thanh niên yên lặng chờ đợi. Mai Lan mỉm cười:
- Ðịnh để đến tối mới gặp lại anh Dị, nhưng tôi bỗng cảm thấy tinh thế hình như có những biến chuyển rất đáng ngại cho chúng mình nên mới vội lại đây.
Rồi nàng bỗng hỏi:
- Suốt dọc đường ra đây, anh có nghe nói về tổ chức của đám anh em Trần Thiêm Bình không?
Cảnh Dị hỏi ngay:
- Có phải cô muốn nói tới cánh Hoàng Tử Dương?
- Té là anh đã biết.
- Chúng không ra mặt một cách rầm rộ, nhưng bè cánh lại biện thành một lực lượng đặc biệt tiếp tay với giặc Minh để đàn áp những người không theo chúng. Và chúng ta là mục tiêu chính.
- Ðúng như vậy, nhất là sau khi cha con Hồ Quý Ly bị bắt. Tôi và Ðặng Dung ra tới Sơn Nam yết kiến đức Giản Ðịnh thì ngay lúc đó nhóm của Trần Gia bị tứ phía tấn công. Chúng tôi quyết định Dung phò ngài Giản Ðịnh vào Nam, còn tôi ra gặp cô. Nguyện Xứng bị thương trong lúc chúng tôi thoát vòng vây.
Mai Lan gật đầu:
- Tôi cũng nghĩ thế... Anh Dị này, tôi ở đây cũng bị nguy hiểm không ít. Tôi không biết Dương đang ở đâu, nhưng mấy ngày nay tụi nó tìm tôi và anh em ở đây rất gắt. Khi biết tin Hồ đã bị diệt, tình trạng này càng thêm hung hiểm. Hơn nữa, chúng tôi lại phát hiện thêm phe cánh của Nhật Lễ cũng nhăm nhe đi với giặc Minh để chiếm ngai vàng. Vì vậy, tại Ðông Quan rồi đây sẽ nổi cơn sóng gió.
Cảnh Dị nói:
- Cuối cùng giặc Minh rồi sẽ tiêu diệt hết các phe nhóm để thống trị giang sơn này.
- Anh nói rất đúng, không có Hồ, cũng chẳng có Trần hay Dương gì cả. Sĩ phu của ta quá ngây thơ. Ðến bây giờ họ vẫn còn bất động để chờ đợi một giải quyết chính trị êm nhẹ và không đổ máu. Thực là nằm mơ.
Mai Lan ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Này anh Dị, tôi nghĩ anh nên xuôi Nam sớm, giúp Dung cầm cự ở trong đó. Tôi cũng phải rời nơi đây nay mai, để bảo toàn lực lượng cho mình trong lúc giao thời rất bất lợi này. Dân mình đang chia rẽ đến cùng cực, ta chưa chắc đã chết về tay giặc, mà chết trong tay của anh em mình! Các anh ở trong đó đợi tôi, tôi ổn định các bạn ở đây và làm một vài việc gấp nữa rồi sẽ vào trong đó với các anh.
Bỗng nàng hỏi:
- Nguyễn Xứng là ai vậy?
- Một tùy tướng của cụ Ðặng.
- Ông ta đang làm quan với Minh Triều mà.
- Ðúng như vậy, nhưng Dung cho biết, chắc cụ có chủ ý. Một điểm rõ ràng là ông cụ cho Nguyễn Xứng theo giúp Dung từ lâu nay. Xứng là một kẻ có tài.
- Còn cụ nhà ta thì sao?
Cảnh Dị cười:
- Tôi ra đây với cô hôm nay thì chắc cô cũng hiểu thầy tôi muốn gì rồi?
- Nếu vậy thì thực may. Quân lo chuyện xuôi Nam của Dị đi nhé. Anh Dị, xin về nói với trong đó, tôi rất phấn khởi. Chúng ta hãy ráng giữ liên lạc với nhau. Ở đây, hai nơi có thể tin được là Báo Thiên Tự và Bạch Mã Tự.
Mai Lan đứng dậy. Quân ra trước vén tấm chiếu che cửa. Cả ba đứng tại mũi thuyền nhìn ra tứ phía. Mặt hồ mênh mông vắng lặng.
Mai Lan khẽ nói:
- Thôi tôi về, mình sẽ gặp lại nhau trong bữa cơm tối nay.
- Xin cô bảo trọng.
- Cảm ơn các anh.
Mai Lan rời thuyền. Hai người thanh niên đứng nhìn cho đến khi bóng nàng khuất sau hàng cây cảnh trong vườn.
Cảnh Dị lắc đầu:
- Thằng Dung cũng muốn ra đây lắm, nhưng kẹt vụ Ðức Giản Ðịnh. Tôi muốn thay nó, nhưng Ngài không chịu, bảo Dung đưa Ngài vào gặp Ðặng Tất đại nhân.
- Lực lượng của ông cụ thế nào?
- Rất mạnh, được tới cả vạn người. Coi như trong trận giặc này, chỉ có cánh quân của ông ta là bảo toàn được lực lượng.
- Nếu đúng đây là khổ nhục kế của ông cụ thì thực lợi cho chúng ta.
- Chúng tôi cũng mong như vậy.
- Chưa chắc sao đức Giản Ðịnh dám vào thăm ông ta?
- Tụi tôi không dám đặt câu hỏi đó với Ngài, nhưng chính Ngài lại nói dù ông ta hiện chưa dứt khoát bỏ giặc nhưng Ngài sẽ thuyết phục.
- Kể Ngài cũng gan dạ.
- Tôi tin là có Dung bên cạnh, Ngài cũng sẽ rất an toàn.
Hai người nhỏ to một lúc lâu, rồi cũng kéo nhau vào trong.
Chỉ có Cảnh Dị và Lê Hoàng Quân dùng cơm chay tại trai phòng nhà chùa, vì thầy trò Mai Lan đã ăn từ lúc chiều.
Mai Lan và Khiết Tịnh đại sư ngồi uống trà ở bàn bên. Cúc thì đứng hầu ở sau lưng Mai Lan.
Trong khi hai thanh niên ăn cơm, Mai Lan nói với nhà sư:
- Bạch đại sư, sau bữa ăn, hai anh Dị và Quân phải về xóm chài. Bọn chúng tôi cũng xin phép đại sư đi vào sáng mai.
Khiết Tính hơi ngạc nhiên:
- Công Chúa nên nghỉ ở đây vài ngày nữa, xem tình thế ra sao?
Mai Lan lắc đầu:
- Không cần đại sư. Vả lại, lúc này là thời gian nhiễu nhương, bọn Hoàng Tử Dương vì muốn bảo vệ quyền lợi nên chắc chắn sẽ tìm mọi cách hãm hại chúng tôi. Cảnh nồi da xáo thit sẽ xảy ra, và cuối cùng, quân Minh sẽ tận diệt tất cả chúng ta, kẻ thắng cũng như người bại. Không bao lâu đại nạn máu đổ thịt rơi sẽ diễn ra khủng khiếp tại khắp nơi trong nước.
- Vâng, như vậy tùy ý Công Chúa định đoạt. Nếu ngài cần bần tăng làm gì, xin cứ dạy.
- Tôi chỉ xin Ðại Sư trụ trì ở đây, và cho phép dùng ngôi chùa này như là một trạm liên lạc thì đã quí lắm rồi.
- Thưa, chuyện đó là đương nhiên rồi, xin ngài đừng ngại gì.
Bữa cơm vừa chấm dứt, sau khi từ biệt Khiết Tinh đại sư bọn Quân kéo về phòng Mai Lan.
Cảnh Dị nói:
- Tôi xin tạm biệt Công Chúa. Mong cô sớm vào đó với anh em chúng tôi.
Mai Lan ngập ngừng một lúc, rồi nói:
- Anh Dị ạ, tôi muốn đi tìm cho các anh những cuốn Binh Thư của Hưng Ðạo Ðại Vương. Tôi nghĩ rằng, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho đại cuộc của chúng ta. Nhờ những cuốn binh thư này mà dân ta đã thắng quân Mông Cổ hùng mạnh khi xưa.
Cảnh Dị gật đầu:
- Cô nghĩ thế rất phải. Chúng tôi sẽ chờ cô.
Quay sang Quân, Dị nói nhanh:
- Thôi anh em mình từ biệt Công Chúa để về thôi.
Bỗng có tiếng xô cửa mạnh, Cúc đi nhanh vào, nói:
- Thưa cô, có kẻ lạ đột nhập vào chùa.
Cả ba bình tĩnh đi ra ngoài. Trời tối, trăng hạ tuần chưa lên, nhưng với thính giác của con nhà võ, họ biết được những bước chân rất gấp đang di chuyển quanh đây.
- Rất đông người thưa cô.
Có tiếng quát tháo ở tiền điện chùa. Rồi bỗng ở khắp nơi những bó đuốc được thắp lên sáng rực. Ngôi chùa coi như bị vây kín. Ngay chỗ đất trống trước cửa phòng Mai Lan, cũng có cả chục tên mặc đồ đen, tay buộc băng đỏ, lăm le khí giới trong thế sửa soạn tấn công.
Cảnh Dị và Quân định xông vào tấn công bọn này, nhưng Mai Lan ngăn lại:
- Tụi này cũng chỉ là quân ô hợp của Hoàng Tử Dương. Ðiều quan trọng không phải là đánh lui tụi nó, mà là phải điều tra xem tại sao chúng biết bọn mình ở đây.
Cả ba tiến ra tiền điện. Bọn áo đen chia nhau theo sau. Tại đây Khiết Tịnh đại sư đang đang đối diện với một bọn người lạ mặt. Ba tên mặc áo chẽn màu xanh đang thay nhau to tiếng với nhà sư. Khi thấy bọn Mai Lan đi ra, một tên quắc mắt nhìn về phía nàng, rồi nói lớn:
- Mi còn chối cãi nữa hay không? Con mụ nào kia?
Bọn Mai Lan hiểu rằng Khiết Tịnh đại sư đang cố chối sự hiện diện của bọn nàng trong chùa.
Mai Lan thư thả ra. Nàng đứng ngay trước mặt bọn này, nói:
- Ðúng, ta là Mai Lan Công Chúa đây. Các anh muốn gì vậy?
Tên đứng giữa, tiến lên, tay lăm lăm cầm kiếm, nói:
- Nếu cô biết điều thì theo chúng tôi về gặp Ðại Vương.
Mai Lan cười:
- Ðại Vương của anh bây giờ ở đâu?
Hắn cười:
- Ngài đang ở trong thành Tây Ðô để chờ sắc phong. Nếu cô chịu đi, chúng tôi sẽ khỏi phải ra tay, và ở đây sẽ tránh được bị tổn thương.
- Cũng được, nhưng ai cho tin các anh biết ta ở đây mà kiếm hay quá vậy?
Tên kia cười, đắc chí:
- Bọn ta tìm cô cũng đã lâu mà không thấy, may là hôm qua có một đứa con gái tới dinh Tổng Trấn thành Ðông Quan cho tin chúng ta.
Cúc đứng đàng sau, bỗng buột miệng:
- Cô gái áo đỏ?
- Ðúng như vậy.
Khiết Tịnh Ðại Sư bỗng "a" lên một tiếng, mặt biến sắc. Bọn Mai Lan đứng lặng một lúc. Thì ra cánh Nhất Lễ hại nàng đây.
Tên áo xanh tiếp:
- Tụi nó nói cô có nhiều bộ hạ võ nghệ cao siêu nên quan trấn thủ bảo bọn ta giốc hết lực lượng tới đây đêm nay. Chúng ta đã vây mọi mặt, biết điều, bọn cô nên hàng đi.
- Ai là người thay mặt Hoàng Tử Dương ở Ðông Quan, ta muốn gặp hắn trước đã.
Tên kia cười:
- Ta là Trần Thái Bảo, em nuôi của ngài Trần Thiêm Bình, đại diện của Ðại Vương ta ở đây. Cô muốn nói gì?
Mai Lan cười lớn:
- Thế thì tụi bay chết đến nơi rồi.
Sóng gió phút chốc nổi lên. Bọn Mai Lan năm người, kể cả Khiết Tịnh đại sư xông vào chiến đấu với một bọn áo đen cả sáu, bảy chục tên. Cảnh Dị và Quân tấn công bọn ba tên áo xanh. Bọn này võ nghệ cũng vào hạng cao, nên trận chiến mỗi lúc một gay. Trừ ba tên áo xanh, bọn áo đen võ nghệ non kém nên chẳng mấy chốc, Mai Lan đã ra ngoài vòng chiến, đứng nhìn hai bên đánh nhau. Chỉ trong một thời gian uống cạn ấm trà, trận chiến coi như thắng bại đã rõ rệt. Một tên áo xanh đã tử thương, nằm bẹp ở góc sân chùa, hai tên kia chiến đấu một cách tuyệt vọng.
Ðám áo đen thì bị hạ gần hết.
Bỗng tứ phía, có thêm bọn áo đen rầm rập cầm đuốc chạy tới miệng la hét: "Nguy rồi! Nguy rồi!"
Mai Lan giật mình nhìn ra. Bọn nó có thêm quân tiếp viện? Không, nhiều tên vào tới nơi, nằm vật ra, tên cắm đầy mình. Ðồng thời, cùng lúc đó, nàng nhìn thấy từ xa, có ánh lửa rực trời, tiếng hò reo kinh động cả trời đêm, rồi tên lửa từ đâu bay tới như mưa. Cảnh tượng thật hãi hùng.
Quân và Cảnh Dị đã bỏ hai tên áo đen trở về bên Mai Lan.
Mai Lan bỗng chợt hiểu, khẽ nói:
- Quân Minh vây kín nơi đây rồi.
Cúc vừa thở, vừa hỏi:
- Quân Minh, sao chúng lại giết cả đồng bọn chúng?
Mai Lan nói nhanh:
- Hồ đã bại, chúng không cần bọn này nữa. Bây giờ là lúc giặc Minh ra tay tận diệt người Ðại Việt chúng ta. Bọn giặc Minh lừa toàn lực lượng của Hoàng Tử Dương đến đây để ra tay một lượt. Bắn một phát tên giết hai chim là vậy.
Cảnh Dị hừ một tràng, rồi nói:
- Cô nói rất đúng, thực nham hiểm. Bọn này chết thật cũng đáng.
Trong lúc đó, cảnh hỗn loạn đang diễn ra trong bọn áo đen. Chúng vây chặt ba tên thủ lãnh, gào thét khiến mấy tên này không sao kiểm soát được tình hình.
Những mũi tên lửa đã bắt đầu tiên sát tới tiền điện, nhiều mũi đã dính trên mái chùa, khói bốc lên nghi ngút.
Cảnh Dị tiến ra trước thềm chùa, nói lớn:
- Giặc Minh đã tiến vào chùa. Chúng sẽ tiêu diệt hết mọi người ở đây, kể cả bọn chúng bay. Ðừng mơ tưởng theo giặc nữa. Muốn sống thì phải cùng nhau hợp sức phá vỡ vòng vây mà thoát.
Tiếng la ó lại nổi lên, Cảnh Dị hét lớn:
- Chỉ còn đường máu là đánh tháng ra phía cửa trước. Tiến.
Một đám người hỗn loạn đi ra phía cổng chùa, nhưng bỗng lại phải tháo lui, một số đã bị tên cắm đầy người.
Mai Lan nói:
- Giặc chỉ dùng tên để vây hãm. Thử chạy ra thuyền mình.
Bọn năm người thoát đi rất nhanh. Nhưng tới nơi, hai chiếc thuyền chài đã không còn ở đây nữa. Cúc la lên:
- Cô ơi! Hồng??!
Mai Lan bình tĩnh:
- Bây giờ không phải là lúc lo lắng, phải tìm cách thoát ra khỏi nơi này đã.
Nhưng khi nhìn ra ngoài, mọi người đều giật mình:
- Chung quanh đây, trên mặt hồ, hàng trăm ánh đèn lấp lánh. Tứ phía đã bị bao vây.
Quân đề nghị:
- Mình lặn qua thuyền giặc được không?
Mai Lan khẽ nói:
- Cúc nó không bơi được xa.
Khiết Tịnh lên tiếng:
- Tôi không biết bơi, xin quý vị cứ thoát đi, phần tôi sẽ tự lo lấy.
Mai Lan khẽ nói:
- Không được, để mình trở lại tiền điện xem sao rồi sẽ tính.
Trước tiền điện, bọn áo đen nằm la liệt, một số rất đông đã chết vì trúng tên. Hai tên áo xanh chạy đôn chạy đáo. Chùa đã bắt đầu bốc hỏa. Bọn Mai Lan vừa đi, vừa phải tránh tên từ ngoài bắn vào. Ðà tên bay mỗi lúc một mạnh, chứng tỏ xạ thủ đã tới rất gần.
Mai Lan quyết định:
- Mình mở đường máu thẳng ra phía của trước. Tôi nghĩ bọn mình may ra thoát, chỉ chết là đám người kia.
Có tiếng reo hò ngay sau chùa. Quân Minh đã từ thuyền đổ bộ. Tình thế cấp bách vô cùng.
Bọn Mai Lan cùng xông ra phía trước.
Tên lửa bắn như mưa, năm người dùng khí giới gạt tên ra để chạy, nhưng cuối cùng cũng bị chặn ở cổng tam quan. Ðuốc đốt sáng rực, giặc trông thấy mình, ngược lại, mình chàng trông thấy chúng.
Tình thế thực nguy ngập. Mai Lan chắc chắn phải làm một quyết định sinh tử, chứ không thể chịu bị bắt.
Lửa cháy rực trời. Trong sân chùa đã tràn ngập những bóng áo xanh của giặc Minh. Chúng ra tay tàn sát nhóm của Hoàng Tử Dương. Tiếng rên la thảm thiết vang động cả một góc trời.
Nấp trong cửa tam quan, Mai Lan biết rằng chẳng mấy chốc nữa, giặc từ trong chùa và ngoài kia sẽ tới vây hãm bọn nàng, với trận tên lửa dữ dội này, Quan Vân Trường xưa cũng đã bỏ mạng. Hàng thì nhục, chiến đấu thì thực vô vọng? Tiếng reo hò chiến thắng của quân giặc như xé nát lòng nàng...
Chắc không còn lối nào thoát, ngoại trừ việc liều mạng đánh thẳng ra phía trước phá vòng vây để thoát thân.
Lê Lai là gánh nặng nhất cho nàng. Nhưng thực không còn thời giờ để đắn đo hơn. Mai Lan nói lớn:
- Các anh, chúng ta sửa soạn đánh thẳng ra ngoài. Ðành phải liều mạng. Tôi hô đến tiếng thứ ba, mọi người phải xông ra, dựa vào nhau để tiến và để bảo vệ lẫn nhau.
Nàng vừa nói, vừa nhìn ra phía trước. Xa xa, ánh đuốc bập bùng. Gần đó, trong những lùm cây đen kia, không trông thấy quân giặc, nhưng tên lửa từ đó lớp lớp bắn ra như mưa bấc. Ðoạn đường sinh tử là khoảng cách từ tam quan tới những lùm cây đó, dài không quá mười trượng. Nếu thoát được đoạn đường này, bọn nàng sẽ đánh thốc vào vòng vây của giặc để tìm đường sống.
Mai Lan định thần một lúc, rồi sửa soạn đếm tiếng thứ nhất.
Bỗng Mai Lan thấy có biến chuyển gì lạ trong hậu quân của giặc ở trước mặt. Có nhiều tiếng rú phát ra từ trong những lùm cây, rồi mưa tên lửa bỗng trở nên rời rạc. Không chậm trể. Sinh lộ đã mở, Mai Lan đếm nhanh ba giăng. Nhóm bảy người nhất loạt xông ra, đánh thẳng vào yểu điểm của vòng vây. Ðoạn đường tử qua không mấy khó khăn. Những bóng áo xanh từ trong bóng tối chồm ra, nhưng bọn Mai Lan không thể để bỏ lỡ cơ hội thoát chết. Họ dựa vào nhau quyết chiến, chiến trường diễn ra ác liệt và chớp nhoáng.
Trong khoảnh khắc, bọn Mai Lan nhận được chỗ sơ hở ở hướng Bắc của vòng vây. Họ đã thoát ra từ đó, chạy thẳng ra vùng lau sậy. Tiếng la ó lui dần về phía sau.
Trong đêm tối, chỉ còn tiếng rì rào của rừng lau, tiếng thở gấp của mỗi người sau một cuộc chiến dành mạng sống.
Mai Lan họp mọi người lại ở một khoảng đất trống trong rừng lau.
Kiểm điểm lại anh em. Mai Lan, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Cảnh Dị, sư Giác Huệ, sư Khiết Tịnh an toàn. Cúc bị thương ở tay trái, Lê Lai bị thương chân trái và đã được Giác Huệ cõng thoát ra đây.
Quân xé áo lấy thuốc dấu băng cho Cúc và Lai. Mọi người tạm ngồi nghỉ.
Mai Lan nói:
- Tình hình này, cơ sở của chúng ta ở đây chắc chắn đã lâm nguy. Bây giờ mình về xóm chài trước xem ở đó thế nào?
Cúc ngồi khóc sụt sùi. Mai Lan thấy lòng quặn đau khi nghĩ đến Hồng và Bạch Huệ, nhất là Hồng. Không biết hiện giờ hai đứa sống chết ra sao? Biết đâu buổi gặp gỡ giữa hai thầy trò nàng lúc chập tối là lần gặp gỡ cuối cùng.
Mười năm sống chết bên nhau, thầy trò tình như ruột thịt, nay bỗng mất đi một cách đột ngột, không lời giăng dối, thực xót xa.
Nàng đến ngồi bên Cúc, dịu dàng nói:
- Cúc miễn là Hồng chưa chết, mình sẽ tìm ra nó bằng mọi giá. Trong trận này, không phải chỉ có Hồng, mà còn các vị đại sư và sa di trong chùa cũng gặp ách nạn như vậy.
Nàng quay sang Khiết Tịnh đại sư hỏi:
- Bạch đại sư, có bao nhiêu chúng tăng trong chùa?
Khiết Tinh khẽ thở dài, đáp:
- Thưa Công Chúa, mười người tất cả.
- Cái họa này chúng tôi mang tới cho chùa, thực là ân hận.
Chiết Tính lúc đầu:
A di đà Phật.Công Chúa đừng nghĩ vậy, ách kiếp khôn lường, chúng ta làm sao biết trước được.
Mai Lan khẽ vỗ vai Cúc, nói:
- Thôi, chúng ta đi.
Mọi người lâng lặng đứng dậy tìm đường ra khỏi rừng lau.
Không mấy chốc, đã ra tới con đường mòn chạy quanh hồ.
Về phía Ðông, chùa của Khiết Tinh Ðại Sư vẫn còn bốc cháy làm đỏ rực một góc trời.
Khiết Tịnh Ðại Sư không cầm được nỗi ngậm ngùi, buột miệng:
- A di đà Phật!
Bảy người lầm lủi đi về phía Tây. Những gốc liễu mờ mờ lả bóng bên hồ. Ngoài xa, mặt hồ mênh mông, lóng lánh dưới ánh trăng hạ tuần mờ nhạt quạnh quẽ.
Mai Lan khẽ nói:
- Trông kìa, đêm nay không thấy một ánh đèn chài nào trên hồ.
Quân nói theo:
- Có thể giặc đã trưng dụng hết thuyền chài ở đây vào trận đánh vừa qua.
Cảnh Dị lên tiếng:
- Vậy thì dân ở đây thực nguy rồi.
Mai Lan nói:
- Chúng có thể tập trung họ ở đâu đó. Nhưng với giặc Minh thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Mọi người tiến nhanh hơn về phía trước. Cúc đi đầu cách khá xa đoàn người.
Bỗng nàng khẽ kêu lên:
- Thưa cô có xác chết ở trước mặt.
Bảy người vây quanh xác một người đàn ông áo quần lam lũ, nằm xấp ở ven hồ. Quân lật xác chết lên, mọi người thấy ngực bị chém toạc một vết dài.
Mai Lan gật đầu, nói:
- Không sai, đây là nhát mã tấu của giặc Minh.
Dọc đường, bọn Mai Lan còn phát hiện thêm nhiều xác nữa, kể cả con nít. Có những xác đàn bà, phần dưới lõa lồ, khiến mọi người phải quay mặt đi. Quân đã phải xé áo xác chết khác đậy lên.
Mai Lan giọng run lên:
- Quân giặc thực dã man, không ngờ chúng mình làm di hại tới dân chúng đến chừng này.
Dị an ủi:
- Không phải chỉ vì bọn mình, mà ở đâu giặc cũng ra tay tàn sát cực kỳ man rợ như vậy.
Bỗng có tiếng rên khóc phát ra từ trong lùm cây trước mặt.
Cảnh Dị và Quân tiến lên trước. Quân nói:
- Ðể chúng tôi lại trước xem sao.
Hai chàng vẹt lá đi vào. Có tiếng hét thất thanh của trẻ nhỏ, rồi tiếng đàn bà van xin:
- Lạy các quan tha cho chúng con.
Quân hiểu ý, ôn tồn nói:
- Các bà yên tâm, chúng tôi là người Nam đây.Quân giặc đã đi khỏi nơi đây rồi.
Lạy các ông cứu chúng tôi với.
- Các bà mấy người, xin ra cả đây.
Từ trong lùm cây đi ra bốn người đàn bà dắt dìu sáu bảy đứa nhỏ, có em còn ẵm ngửa trên tay.
Quân đưa họ tới chỗ Mai Lan đang đợi ở bên vệ đường.
- Thưa cô, tôi chắc còn nhiều người vẫn trốn quanh đây. Mình nên tìm để đưa họ về nhà.
Một người đàn bà dắt đứa con chừng tám chín tuổi, kể lễ:
- Vào đầu canh hai, tụi giặc tới, ra lệnh gom hết thuyền chài lại, bắt chồng chúng tôi chở chúng đi đâu không biết, còn phụ nữ và trẻ em thì chúng đuổi lên bờ. Ai nhanh chân thì chạy trốn vào rừng, vào bụi, có nhiều chị không may bị chúng lột ra hiếp ngay tại đường lộ. Chúng con có đau lòng chống cự thì bị giết ngay tại chỗ.
Mai Lan an ủi:
- Tôi biết... Chúng tôi sẽ tìm cách đưa các chị về nhà. Còn các anh ấy, tôi chắc chỉ sáng mai giặc sẽ tha cho về.
Mai Lan không muốn mất nhiều thì giờ, giục Quân, Cảnh Dị và Cúc đi lục soát các nơi để tìm kiếm mấy người trốn giặc.
Về đến xóm chài, đoàn người có tới năm sáu chục.
Xóm vắng lặng như tờ, không một ánh đèn lcó lắt. Vài tiếng chó nhách sủa ăng ẳng vu vơ.Quạnh quẽ như một làng bỏ hoang.
Mai Lan nói với đám dân chài:
- Các chị ai về nhà nấy. Nhớ đóng cửa cài then cẩn thận. Khi thấy có người quen hãy mở.
Bọn họ toàn đàn bà và trẻ nít. Không một người đàn ông nào còn sót lại. Nghe Mai Lan nói, họ líu ríu cảm ơn rồi tản dần về nhà.
Khi đám dân chài đã về hết, Mai Lan khẽ nói:
- Quân đưa về chỗ Nguyễn Xứng tạm trú. Tôi nghĩ mình cũng không ở đây được đâu. Không lâu, giặc sẽ trở lại đây Mình nên tính trước đi thì hơn.
Cúc nói:
- Vậy thì số phận của những người đàn bà ở đây?
- Mình biết làm sao hơn.
Quân nhắc Cúc:
- Ðây là tai ách chung của cả nước. Cúc đừng nên quá bận tâm như vậy. Chúng mình còn nhiều việc khẩn cấp phải làm.
Cúc yên lặng.
Khiết Tịnh đại sư đưa ý kiến:
- Thưa Công Chúa, tôi biết trong khu rừng lau ở bờ hồ phía Tây, có mấy căn lều của bọn người chăn vịt. Mình có thể tới đó tạm trú trong lúc khẩn cấp này.
Mai Lan không chờ đợi gì hơn, nói:
- Rất tốt, bạch Ðại sư, mình chỉ tạm có nơi để ngồi lại tính cách đối phó với tình hình khẩn trương này, rồi chúng mình phải rời nơi đây ngay.
Tới căn nhà trọ, Nguyễn Xứng còn đang ngủ vùi dưới gằm giường, Quân vào đánh thức anh ta dậy, rồi cõng anh trên vai đi ra. Bọn người lại lầm lủi đi về hướng Tây.
Trong lúc đi đường, Khiết Tịnh đại sư giải thích thêm:
- Sở dĩ tôi biết được nơi này là vì một trong những người chăn vịt là bà con với sư Thiệt Tâm của tệ tự.
- Ðại Sư biết đường tới chứ?
Tôi cũng đến thăm họ một đôi lần.
Xóm chài đã lùi sau lưng khá xa. Cảnh Dị và Quân cõng Lê Lai và Nguyễn Xứng trên vai, tuy nhiên họ vẫn theo được bước đi nhanh của mọi người.
Con đường mòn dẫn sâu vào rừng lau sậy. Một khoảng đất rộng, bằng phẳng ở sát bên bờ hồ. Trên đó, ba khu vực được xây bằng cót trong có trải rơm làm chỗ nuôi vịt. Bên cạnh mỗi chuồng vịt là một chiếc chòi mái rạ, vừa đủ chỗ cho một người chăn vịt dùng làm nơi trú ngụ.
Vào mùa này khí trời ấm áp, người ta đã đưa vịt đi bãi ăn sò, ốc, nhờ đó mà vịt sẽ đẻ nhiều.
Khi bọn Mai Lan tới nơi đây, bốn bề vắng vẻ, quạnh quẽ.
Quân đưa Lai và Xứng vào nằm nghỉ tại chiếc lều ở giữa.
Cúc dọn dẹp một chiếc ở bên để Mai Lan làm chỗ tạm nghỉ.
Bốn người gồm Mai Lan, Quân, Dị và Khiết Tịnh đại sư vào một lều để bàn chuyện trước mắt.
Việc bị tập kích đêm nay làm Mai Lan buồn lòng không ít. Tuy đã thoát nạn được về đây, nhưng Hồng và Bạch Huệ mất tích, bao người trong xóm chài bị hại vì bọn nàng.
Quân lấy đá lửa đánh, nhóm lửa đốt một khúc nến lấy từ chiếc túi vải nhỏ mà chàng thường mang theo bên mình. Ngọn lửa lcó lét, chập chờn soi mờ mờ bốn bộ mặt bơ phờ mệt nhọc.
Mai Lan lấy giọng nghiêm nói:
- Việc đến nước này đã thực nghiêm trọng, các anh và Ðại Sư có ý kiến gì không?
Sau một chút yên lặng, Quân nói:
- Ở bên này coi như đã bị động, mấy cái chòi rạ này cũng chỉ tạm trú một vài ngày là cùng. Có lẽ mình phải trở vào thành.
Mai Lan hơi lắc đầu:
- Quân có thể về được, nhưng còn Lai và Xứng.
Tôi nghĩ, các cơ sở của ta ở trong thành cũng không còn là nơi an toàn. Bây giờ quân giặc đã thắng, chúng không còn phải kiêng kỵ gì nữa, sẽ thẳng tay đàn áp mình.
Ngưng một lát, nàng nói:
- Vết thương của Lai chỉ vài ngày là lành. Còn Xứng không biết thế nào?
Quân nói:
- Thầy lang nói chắc cũng phải dưỡng thương cả mươi hôm mới đi lại được.
Khiết Tịnh Ðại Sư dè dặt đề nghị:
- Tôi trụ trì ở đây khá lâu, có thể nhờ cậy được một vài nơi để Xứng dưỡng thương.
Mai Lan quay sang Nguyễn Cảnh Dị:
- Anh Dị thấy tình hình miền trong ra sao?
Dị suy nghĩ một lát, rồi nói:
- Tôi nghĩ nếu như thuyết phục được ngài Ðặng Tất, đức Giản Ðịnh sẽ làm việc lớn trong nay mai.
Tuy đã có chủ trương từ lâu, nhưng trong lúc nhất thời, Mai Lan cũng đành nói xuôi:
- Nếu được ngài Ðặng Tất giúp thì thực là may.
Quân này, nếu như có anh em nào muốn xuôi Nam cũng nên thu xếp cho họ đi với Dị, nhất là lúc này, chúng mình ở đây thân cô, thế cô cũng rất kẹt.
Nàng quay sang Khiết Tịnh:
- Xin phiền Ðại Sư đi kiếm giùm một nơi để Xứng dưỡng thương. Nội trong đêm nay, chúng ta phải giải quyết cho ổn thoả mọi việc ở đây. Mai tôi đi tìm tung tích của Hồng rồi ngược Bắc. Dị xuôi nam để lo việc trong đó.
Khiết Tịnh mau mắn:
- Tôi xin đi ngay. Công Chúa và các vị chờ ở đây.
Nói xong, Khiết Tịnh ra khỏi lều, rồi biến vào trời đêm. Mai Lan nói:
- Quân tạm đưa Xứng đi dưỡng thương, sau khi anh ta khỏi, phải đưa về Nam. Dị ạ, nếu như mình khởi nghĩa chống giặc Minh lúc này thực rất khó khăn, vì khí thế của giặc đang lên cao, mà nhà Trần ta thì đã tai tiếng quá nhiều. Tuy nhiên, nếu có được Ðặng Tất giúp tôi cũng yên tâm phần nào. Nhưng chủ trương của tôi từ trước tới nay vẫn là mình phải có thời gian chuẩn bị, nhất là về nhân lực. Với thời gian, bộ mặt tàn ác của giặc được phơi bầy, toàn dân hết bị chúng phỉnh gạt, bả vinh hoa của giặc không còn hiệu lực để gây chia rẽ giữa người trong nước ta, tới lúc đó, chúng ta mới có hy vọng quét sạch được quân thù ra khỏi bờ cõi.
Ngẫm nghĩ một lúc nàng nói:
- Tôi biết tính của Giản Ðịnh Vương, không hy vọng thay đổi được quyết định của anh ấy. Vậy Dị và Dung cũng cứ giúp Vương lo việc trong đó đi. Phần tôi, tôi cố gắng những gì có thể làm được ở ngoài này. Khi có thể tiếp tay được, tôi sẽ vào Nam ngay.
Dị có vẻ cũng phân vân về lời nói của Mai Lan, nhưng tình thế trong Nam cũng khó có thể thay đổi được, nên nói:
- Công chúa đã quyết định như vậy, tôi xin tuân lệnh. Tôi sẽ bàn chuyện này với Dung, rồi sẽ gặp cô sau.
Mai Lan mỉm cười:
- Ðược thế là tốt. Quân cứ tiếp tục đường lối của chúng mình đã vạch sẵn. Nhưng tuyệt đối thận trọng.
Một phút im lặng trôi qua, bỗng Mai Lan hỏi:
- Quân này, anh có ý kiến gì về vụ hành tung của chúng ta bị giặc phát giác ra đêm nay không?
Quân nói nhanh:
- Cô muốn nói về việc cô gái áo đỏ?
- Ðúng. Làm sao cô ta có thể biết được sự có mặt của chúng ta trong chùa nhanh như thế?
- Như vậy một là có kẻ nào khác tố cáo, nhưng không dám ra mặt. Vì nó có liên hệ với chúng ta, hai là cô gái kia được người đó cung cấp tin tức, nghĩa là chúng ta hiện có nội gián.
Mai Lan gật đầu:
- Tôi cũng nghĩ vậy.
- Ai? Ai?
- Kẻ theo giặc hiện nay không hiếm.Vì thế, những người trong chùa không thể tin được, kể cả sư Khiết Tịnh.
Dị ngồi nghe hai người đối đáp, chàng thấy họ làm việc rất ăn ý với nhau cũng như rất thận trọng, điều mà anh em ở trong Nam ít khi có. Vì ngày nay, tình thế thực hỗn loạn, ngay giữa những người thân cũng không còn có thể tin nhau được nữa. Chắc chưa có thời nào tinh thần người Nam suy đồi đến như thế.
Mai Lan nói thêm:
- Vì thế, việc giao Xứng cho sư Khiết Tịnh cũng chưa hẳn là một giải pháp hay. Tuy nhiên, trong tình thế này mình không còn cách lựa chọn nữa, nhưng Quân phải thực thận trọng trong việc giao thiệp với họ. Khi Xứng có thể lên đường được, Quân phải lo ngay cho anh ấy về Nam.
- Vâng, tôi xin lãnh ý cô.
Có lẽ trời đã sang canh ba. Ðêm thực vắng lặng giữa bãi hoang vu. Một vài con muỗi bay vo ve trong lều cô.
Khiết Tịnh đại sư đã trở lại. Ngài không vào trong, chỉ ghé người ngang cửa lều. nói:
- Ðược rồi, ta đi thôi.
Mai Lan gật đầu:
- Anh Dị và Quân đưa Xứng đi. Tôi tạm nghỉ ở đây. Sớm mai, Quân về xóm chài dò thám tình hình rồi về đây cho tôi hay. Quân này, nhà Cả Ðông cũng cách đây không xa, có phải không?
Quân như hiểu ý, đáp nhanh:
- Cô nhớ không sai.
Nói xong, Quân chui ra ngoài nói với nhà sư:
- Xin Ðại Sư đưa đường.
Dị sang lều bên cõng Xứng trên vai, rời lom khom ra khỏi lều. Không mấy chốc. tiếng chân mấy người xa dần.
Mai Lan sang lều Cúc. Cô thể nữ đang chống mắt đợi nàng.
Thấy chủ vào, Cúc vui mừng:
- Mời cô đi nghỉ.
Mai Lan ngả lưng xuống ổ rơm, khẽ thở dài:
- Họ đưa Xứng đi rồi. Còn Hồng, không biết bây giờ an nguy thế nào? Ta cũng thực lo cho nó.
Nàng không nói rõ hết ý mình, nhưng Cúc cũng hiểu cô chủ muốn ám chỉ điều gì. Cúc không còn dám khóc để chủ khỏi buồn thêm.
Mai Lan sẽ tiếp:
- Thôi số nó như vậy. Ðể mai mình cố gắng tìm tung tích nó xem sao.
Cúc gắng gượng:
- Vâng. Lúc nãy con cũng chợp mắt được một lúc rồi, mời cô nghỉ đi, để con ngồi ngoài này trông chừng.
- Phải thận trọng...
- Xin cô yên tâm.
Ngoài kia, tiếng dế kêu rỉ ra buồn tênh, lều bên cũng yên lặng như tờ, chắc Lê Lai và sư Giác Huệ cũng đã yên giấc? Cúc mường tượng lại mười năm sống chung với Thu Hồng mà lòng buồn khôn tả.
Bỗng thoáng có bóng người lướt qua cửa, Cúc vội nép sang một bên, sẵn sàng động thủ. Nhưng người kia đã dừng lại bên lều, khẽ nói:
- Tôi đây, Giác Huệ đây.
Cúc hết lo, khẽ cười:
- Ðại Sư chưa đi nghỉ ư?
- Lai đã ngủ rồi... Ðể tôi gát ngoài này, cô và Công Chúa yên tâm nghỉ đi, khi nào mệt, tôi sẽ gọi cô gát thế, nhé.
Cúc thấy thực yên tâm. Nhà sư này mới theo bọn nàng chưa được mấy ngày mà đã tỏ ra như có nhiều kinh nghiệm giang hồ. Nàng không còn khách khí, cảm động:
- Ðược thế thì nhất rồi.Xin phiền Ðại Sư.
- Xin cứ yên tâm.
Cúc quay vào lều, nằm ghé bên Mai Lan. Nàng nghe hơi thở của chủ đã đều đặn nên yên lòng nhắm mắt.
← Hồi 07 | Hồi 09 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác