← Hồi 038 | Hồi 040 → |
Thành Kinh Châu, Lưu Phong Cầu Kế
Ðồi Bác Vọng, Gia Cát Dụng Binh
Nhắc lại Tôn Quyền đốc thúc quân tướng công phá Hạ Khẩu, Hoàng Tổ binh thua tướng thiệt, liệu thế địch không nổi, liền bỏ thành Giang Hạ, trốn chạy về phía Kinh châu.
Nhưng Cam Ninh đã đoán chắc Tổ sẽ chạy như thế nên phục binh chờ sẳn ngoài cửa Ðông.
Quả nhiên Hoàng Tổ vừa dẫn mấy mươi quân kỵ từ trong cửa chạy vụt ra...
Chạy được một đoạn thì có tiếng hò reo nổi lên vang dậy.
Cam Ninh sấn ra đón đường.
Hoàng Tổ ngồi trên ngựa bảo Cam Ninh:
- Trước đây ta chưa hề bạc đãi ngươi, sao ngươi nỡ tâm phản phúc?
Cam Ninh mắng rằng:
- Trước đây ở Giang Hạ, ta đã lập biết bao nhiêu chiến công, thế mà ngươi không thấy lòng trung liệt của ta, coi ta như một kẻ cướp sông, thế thì ngươi bảo ta thờ ngươi làm sao?
Hoàng Tổ biết có năn nỉ cũng không xong, liền quất ngựa bỏ chạy.
Cam Ninh liền rẽ quân sĩ ra, chạy xông lên trước, đuổi bắt đến kỳ cùng.
Ðang đuổi, bỗng đằng sau có tiếng reo hò nổi lên, có một tướng dẫn vài mươi tên quân kỵ xông đến.
Xem lại, tướng đó là Trình Phổ.
Cam Ninh sợ Trình Phổ cướp mất công mình, liền rút tên bắn Hoàng Tổ một phát.
Hoàng Tổ trúng tên ngã lăn xuống ngựa.
Cam Ninh mừng rỡ vội chạy đến cắt lấy thủ cấp, quay ngựa lại cùng Trình Phổ hợp binh làm một, kéo về ra mắt Tôn Quyền.
Tôn Quyền sai bỏ thủ cấp Hoàng Tổ vào trong một chiếc hộp đem về Giang Ðông bày trước bàn thờ tế cha.
Kế đó, Tôn Quyền trọng thưởng ba quân, thăng chức Cam Ninh làm Ðô Úy, rồi họp các tướng bàn tính, có ý muốn chia quân giữ thành Giang Hạ.
Trương Chiêu can:
- Một cái thành trơ trọi này không thể nào giữ nổi đâu, chi bằng kéo quân về Giang Ðông nghỉ ngơi. Hoàng Tổ bị giết, thế nào Lưu Biểu cũng kéo quân sang đánh báo thù, chừng ấy ta lấy binh khỏe mạnh mà cự với binh mệt mỏi thì tất thắng.
Tôn Quyền nghe theo, bèn bỏ Giang Hạ rút về Giang Ðông.
Lúc bấy giờ, Tô Phi đang bị giam trong xe tù, ngầm sai người đến báo với Cam Ninh, nhờ cứu mạng.
Cam Ninh được tin, nói ngay:
- Chẳng cần Tô Tướng quân cầu khẩn, ta cũng phải lo. Ðâu dám quên ân nhân?
Khi đại quân về đến Ngô Hội, Tôn Quyền sai đem Tô Phi ra chém, Cam Ninh vào lạy, khóc lóc nói:
- Trước kia nếu tôi không được Tô Phi che chở thì đã nát thịt tan xương rồi, nay đầu còn được vâng lệnh dưới cờ Tướng quân nữa. Tội Tô Phi đáng chết, nhưng nghĩ đến ân tình ngày trước, tôi xin nạp hết chức tước để chuộc tội cho Tô Phi.
Tôn Quyền nói:
- Tô Phi đã làm ơn cho Tướng quân thì ta cũng vì Tướng quân mà tha chết cho Tô Phi. Nhưng tha chết cho hắn rồi hắn bỏ trốn thì sao?
Cam Ninh nói:
- Tô Phi không bị giết, mang ơn Chúa công rất trọng, lẽ nào còn bỏ trốn. Nếu Tô Phi trốn, tôi xin dâng đầu tôi để đền tội.
Tôn Quyền liền tha Tô Phi, chỉ đem đầu của Hoàng Tổ bày trước bàn thờ cha mà tế.
Tế xong, lại bày tiệc mời các quan văn vỷ đến ăn mừng.
Ðang lúc tôi chúa đang ăn uống vui vẻ, bỗng có một người ngồi nơi hàng bên võ tướng khóc rống lên, rồi đứng dậy tuốt kiếm lăm lăm, sấn tới chém Cam Ninh.
Cam Ninh vội đưa chiếc ghế đang ngồi lên đỡ.
Tôn Quyền ngạc nhiên, xem lại thì người toan chém Cam Ninh là Lăng Thống.
Vì trước đây, Cam Ninh đã bắn chết cha Lăng Thống là Lăng Tháo nơi Giang Hạ, nay gặp nhau, Lăng Thống không thể cùng với kẻ thù ngồi chung một mâm được, nên muốn báo thù.
Tôn Quyền lập tức ngăn lại, khuyên giải luôn miệng, và bảo Lăng Thống rằng:
- Ngày trước Hưng Bá bắn thân phụ khanh bởi lẽ "ai vì chủ nấy", không thể không hết lòng. Nay hai người đã thành anh em một nhà rồi, còn giữ cừu hận làm chi? Thôi, trăm việc các khanh hãy vì ta mà xóa bỏ đi cho.
Lăng Thống rạp đầu xuống đất khóc lớn nói:
- Thù cha không chung đội trời, lẽ nào lại không báo!
Tôn Quyền cùng các quan ai nấy khuyên giải hết lời, nhưng Lăng Thống vẫn cứ trừng trừng đôi mắt nhìn Cam Ninh như muốn banh gan xé thịt.
Tôn Quyền không biết làm sao, ngay hôm ấy cấp cho Cam Ninh năm ngàn quân, một trăm chiến thuyền, sai ra trấn giữ Hạ khẩu, để hỏi đụng chạm với Lăng Thống.
Cam Ninh bái tạ, lãnh binh ra đi.
Tôn Quyền lại gia phong Lăng Thống làm chức Thừa Liệt Ðô Úy để phủ dụ.
Thống đành nuốt hận tạ ơn.
Từ đó Ðông Ngô đóng thêm rất nhiều chiến thuyền, chia quân tuần hành khắp các mặt sông.
Tôn Quyền lại sai Tôn Tĩnh dẫn một đạo binh trấn giữ Ngô Hội, còn mình đem đại binh trở về Sài Tang.
Bấy giờ, Huyền Ðức cho người qua Giang Ðông dọ thám, và được tin:
- Ðông Ngô đã dẹp yên Hoàng Tổ, hiện có Châu Du tập luyện thủy quân nơi Ba Dương hồ, còn Tôn Quyền thì trở về Sài Tang rồi.
Huyền Ðức mời Khổng Minh đến thương nghị.
Ðang lúc bàn bạc, bỗng có sứ giả của Lưu Biểu sang mời Huyền Ðức về Kinh Châu nghị sự.
Khổng Minh nói:
- Chắc là Giang Ðông đánh phá Hoàng Tổ, nên Lưu Cảnh Thăng mời Chúa công đến để bàn kế sách trả thù.
Việc này tôi phải đi với Chúa công để tùy cơ ứng biến...
Tôi đã có kế rồi.
Huyền Ðức nghe theo lời, để Quan Vân Trường ở lại giữ Tân Giã, sai Trương Phi đem năm trăm quân kỵ, cùng đến Kinh châu.
Dọc đường, Huyền Ðức ngồi trên ngựa hỏi Khổng Minh:
- Nay sang yết kiến Cảnh Thăng nên đối đáp làm sao?
Khổng Minh nói:
- Trước hết phải trần tạ việc phó hội Tương Dương, và xin nhớ kỹ, nếu Lưu Biểu sai Chúa công sang đánh Giang Ðông thì chớ nên đi, chỉ nên trì hoãn, bảo là về Tân Giã chỉnh đốn binh mã đã.
Huyền Ðức theo lời. Ðến Kinh châu, Huyền Ðức để Trương Phi đóng quân ngoài thành, rồi cùng Khổng Minh vào ra mắt Lưu Biểu.
Thi lễ xong, Huyền Ðức phục dưới thềm tạ tội việc phó hội Tương Dương.
Lưu Biểu vội mời Huyền Ðức lên ngồi và nói:
- Ta đã rõ biết việc hiền đệ bị mưu hại. Ngay lúc ấy đã truyền chém đầu Thái Mạo để hiến tạ hiền đệ, nhưng vì nhiều người kêu xin nên mới tạm tha cho. Mong hiền đệ đừng buồn trách ta nhé!
Huyền Ðức nói:
- Việc ấy không có quan hệ gì đến Thái Tướng quân. Có lẽ do những kẻ dưới tay làm bậy đó thôi.
Lưu Biểu nói:
- Nay Giang Hạ thất thủ, Hoàng Tổ bị hại, nên ta mời hiền đệ đến đây cùng ta bàn kế báo thù.
Huyền Ðức nói:
- Chỉ vì Hoàng Tổ nóng tánh, không biết dùng người nên mới sanh ra việc ấy. Nay ta hưng binh đánh Giang Ðông, là Tào Tháo kéo quân đến xâm phạm Kinh châu thì thế nào?
Lưu Biểu phân vân một lúc rồi nói:
- Nay ta tuổi già sức yếu, không đảm đương nổi công việc, hiền đệ đến đây lo việc với ta... Khi ta chết đi, hiền đệ thay ta mà trấn giữ Kinh châu.
Huyền Ðức nói:
- Sao hiền huynh lại nói như thế? Bị này tài hèn sức mọn, đâu dám đảm đương việc lớn.
Khổng Minh ngồi gần Huyền Ðức vội đảo mắt ra hiệu bảo Huyền Ðức nên nhận lấy.
Huyền Ðức không biết nghĩ sao, nói chữa lại rằng:
- Xin hiền huynh hãy khoan tâm, để tiểu đệ nghĩ một kế cho vẹn toàn.
Nói rồi từ biệt bước ra, trở về quán dịch.
Khổng Minh hỏi Huyền Ðức:
- Vừa rồi Lưu Cảnh Thăng muốn đem Kinh châu giao phó cho Chúa công, sao Chúa công lại từ chối.
Huyền ức nói:
- Lưu Cảnh Thăng hậu đãi ta từ lâu, ta nỡ nào nhân lúc Cảnh Thăng suy yếu mà cướp đất cho đành.
Khổng Minh than:
- Chúa công quá nhân từ!
Hai người đang trò chuyện thì có tin báo:
- Công tử Lưu Kỳ đến thăm.
Huyền Ðức đón vào. Thi lễ xong, Lưu Kỳ khóc lóc nói:
- Ngày nay, kế mẫu quyết tình không dung. Tính mạng cháu chỉ treo trong sớm tối! Xin thúc phụ thương tình cứu mạng tiểu điệt.
Huyền Ðức thở dài than:
- Ðó là việc riêng của cháu. Cháu hỏi như vậy thì ta biết làm sao được!
Thấy Khổng Minh ngồi bên cạnh chỉ mỉm cười, Huyền Ðức liền hỏi kế.
Khổng Minh vội từ chối:
- Ðó là việc riêng của nhà Công tử, Lượng đâu dám dự vào.
Lưu Kỳ khóc sướt mướt. Huyền Ðức tiền Lưu Kỳ ra ngoài cửa, và dặn nhỏ:
- Ngày mai ta sai Khổng Minh đến đáp lễ, cháu cứ làm như thế... như thế... thì Khổng Minh sẽ có mưu giúp cho.
Lưu Kỳ vui mừng bái lạy Huyền Ðức rồi ra về.
Hôm sau, Huyền Ðức giả đau bụng, sai Khổng Minh thay mặt mình đến nhà Lưu Kỳ đáp lễ.
Khổng Minh vâng lời tìm đến nhà riêng của Lưu Kỳ ra mắt.
Lưu Kỳ mời vào hậu đường.
Trà nước xong, Lưu Kỳ ngỏ lời:
- Kỳ này bị kế mẫu không dung, xin tiên sinh dạy cho một lời cứu mạng.
Khổng Minh lắc đầu, nghiêm sắc mặt nói:
- Lượng là người khách tạm trú ở đây, đâu dám can dự vào việc cốt nhục của kẻ khác? Nếu tiết lậu tai vạ không nhỏ...
Nói xong đứng dậy xin cáo từ. Lưu Kỳ vội nói:
- Ðã được gót ngọc chiếu cố, kẻ ngu này quá hân hạn, đâu dám thờ ơ bỏ một cơ hội vàng ngọc.
Rồi Lưu Kỳ nhất định cầm Khổng Minh ở lại cho được, mời vào hậu đường uống rượu.
Uống được vài chén, Lưu Kỳ lại khẩn khoản năn nỉ:
- Kẻ tiện hạ này đang bị kế mẫu mưu hại, mong tiên sinh dạy cho một lời để cứu tánh mạng, ơn đức ấy xin trọn đời ghi dạ.
Khổng Minh vẫn lắc đầu:
- Việc ấy tôi quyết không dám bàn đến.
Dứt lời, lại toan đứng dậy từ biệt. Lưu Kỳ vội níu lại nói:
- Thôi, tiên sinh đã không bày bảo, Kỳ này chẳng dám này nhưng việc gì lại vội vàng như thế?
Khổng Minh mới ngồi nán lại chút nữa.
Bỗng Lưu Kỳ nói:
- Vãn sinh may mắn được bộ sách cổ hay lắm, mời tiên sinh xem qua một chút.
Nói rồi mời Khổng Minh lên một cái lầu nhỏ.
Vừa trèo lên đến nơi, Khổng Minh hỏi:
- Bộ sách ấy đâu thưa Công tử?
Lưu Kỳ phục lạy khóc nức nở nói:
- Kế mẫu tôi sắp ra tay, mạng tôi chỉ còn trong sớm tối, tiên sinh nỡ nào không dạy một lời cứu nguy.
Khổng Minh sa sầm nét mặt, đứng phắt dậy bước ra, toan xuống khỏi lầu, nhưng thang gác đã bị lấy mất rồi.
Lưu Kỳ lại nói như van lơn:
- Vãn sinh cầu xin lương kế mà tiên sinh sợ tiết lộ nên không chỉ dạy. Hiện giờ thang gác đã lấy rồi, nơi đây chỉ còn có một mình tiên sinh và Kỳ tôi mà thôi. Trên không đến trời, dưới không đến đất. Miệng tiên sinh nói ra, tai Kỳ nghe riêng lấy. Còn ai biết nữa? Xin tiên sinh chớ ngại mà dạy bảo cho...
Khổng Minh vẫn vùng vằng không chịu, nói:
- Xin Công tử nên nhớ rằng: "Người dưng không chia rẽ tình thân của kẻ khác." Tôi làm sao mà bày mưu cho Công tử được.
Thấy cầu khẩn mãi vẫn không được, Lưu Kỳ vừa khóc vừa nói:
- Tiên sinh quyết chẳng chịu dạy bảo, mạng này ắt chẳng giữ được. Thôi, thà Kỳ này chết trước mặt tiên sinh cho xong.
Dứt lời, rút kiếm tự tử.
Khổng Minh vội giằng lấy kiếm nói:
- Tôi đã có kế này, Công tử đừng nóng tính.
Lưu Kỳ mừng rỡ hỏi:
- Kế gì, xin tiên sinh dạy bảo cho?
Bấy giờ Khổng Minh mới nói:
- Công tử há không nhớ chuyện Thân Sinh với Trùng Nhĩ khi xưa? Thân Sinh ở bên trong thì chết, Trùng Nhĩ ở ngoài mà được an toàn... Nay Hoàng Tổ vừa bị phá ở Giang Hạ, thiếu người trấn giữ, sao Công tử không xin lãnh binh ra đóng ở Giang Hạ? Ra đấy ắt tránh được tai vạ.
Lưu Kỳ vui mừng, lạy hai lạy tạ ơn, rồi gọi người nhà đem thang tới bắc vào, tiễn Khổng Minh xuống lầu.
Khổng Minh từ biệt, trở về gặp Huyền Ðức kể rõ việc ấy. Huyền Ðức rất mừng.
Hôm sau, Lưu Kỳ xin cha cho ra trấn đóng Giang Hạ, Lưu Biểu do dự không quyết, liền mời Huyền Ðức vào bàn.
Huyền Ðức nói:
- Giang Hạ là nơi trọng địa, không thể giao cho người ngoài được. Nếu Công tử ra trấn đóng thì còn gì tín nhiệm hơn. Thôi thì các mặt Ðông Nam cha con huynh cáng đáng lấy, còn mặt Tây Bắc thì đã có đệ đây.
Lưu Biểu nghe lời và hỏi thêm:
- Gần đây nghe Tào Tháo đào ao Huyền Vũ ở Nghiệp quận, luyện binh ắt có ý đánh Giang Nam. Vậy chúng ta phải đề phòng mới được.
Huyền Ðức nói:
- Tiểu đệ đã biết việc ấy rồi, xin hiền huynh cứ an tâm, để đệ lo liệu.
Huyền Ðức từ giữ ra về. Lưu Biểu sai Lưu Kỳ lãnh ba ngàn quân ra đóng nơi Giang Hạ.
Nhắc lại Tào Tháo từ khi dẹp yên phương Bắc rồi, liền bãi bỏ chức Tam Công, lấy chức Thừa Tướng của mình kiêm nhiệm luôn ba tòa ấy.
Lại phong cho Mao Giới làm Ðông Tào Duyện, phong cho Thôi Diệm làm Tây Tào Duyện, Tư Mã Ý làm Văn Học Duyện.
Nguyên Tư Mã Ý tự là Trọng Ðạt, người đất Ôn, thuộc quận Hà Nội, là cháu nội quan Thái Thú Dĩnh châu Tư Mã Tuấn, là con quan Kinh triệu doãn Tư Mã Phòng, và là em quan Chủ Bạ Tư Mã Lãng.
Các văn quan đều đông đủ, và rất có khả năng. Tào Tháo lại hợp các võ tướng bàn chuyện Nam chinh.
Hạ Hầu Ðôn bước ra nói:
- Gần đây, nghe Lưu Bị ở Tân Giã ngày ngày thao luyện quân sĩ, mưu tính gây vạ về sau. Vậy phải trừ Lưu Bị trước đã.
Tào Tháo nói:
- Lưu Bị tuy là kẻ anh hùng, nhưng thế lực không có là bao, trừ hắn trước cũng phải.
Liền sai Hạ Hầu Ðôn làm Ðô Ðốc; Vu Cấm, Lý Ðiển, Hạ Hầu Lan, Hàn Hạo làm Phó tướng, quản thủ mười vạn tinh binh, kéo thẳng đến đồi Bác Vọng để tiến đánh huyện Tân Dã.
Tuân Húc can:
- Lưu Bị là tay anh hùng, nay lại mới được Gia Cát Lượng theo phò làm Quân sư, chúng ta không nên khinh địch.
Hạ Hầu Ðôn nói:
- Lưu Bị chỉ là lũ chuột nhắt, nay chui chỗ này, mai trốn chỗ kia, quân sĩ có bao mà sợ. Tôi quyết bắt sống Lưu Bị đem về nạp cho Thừa Tướng.
Từ Thứ nói:
- Tướng quân chớ coi thường Lưu Bị. Nay Lưu Bị có thêm Gia Cát Lượng thì chẳng khác nào hổ thêm cánh vậy.
Tào Tháo hỏi:
- Gia Cát Lượng là người như thế nào?
Từ Thứ nói:
- Lượng tên chữ là Khổng Minh, đạo hiệu là Ngọa Long tiên sinh, có tài ngang trời dọc đất, có cơ mưu quỷ khốc thần kinh, thật là một kỳ sĩ trên đời nay, không thể coi thường được.
Tào Tháo hỏi:
- Khổng Minh so với tài của ông thì sao?
Từ Thứ nói:
- Tôi đâu dám sánh với Khổng Minh. Tôi chỉ như con đom đóm lập lòe, Khổng Minh chẳng khác mặt trăng giữa đêm rằm vậy.
Hạ Hầu Ðôn hăng hái nói:
- Sao Nguyên Trực lại quá nhún mình, đề cao người khác như vậy? Gia Cát Lượng như đồ cỏ rác, có gì đáng sợ? Tôi chỉ đánh một trận là bắt sống Lưu Bị, trói tay Gia Cát Lượng! Nếu không làm được, xin nạp thủ cấp dưới trướng mà tạ tội với Thừa tướng.
Tào Tháo nói:
- Ðược rồi. Khanh hãy mau mau báo tin thắng trận về cho ta yên lòng.
Thế là Hạ Hầu Ðôn từ biệt Tào Tháo, hăm hở kéo quân lên đường.
Nhắc lại từ ngày được Khổng Minh làm Quân sư, Huyền Ðức rất mừng rỡ, lễ sư phó mà đãi.
Quan, Trương thấy thế nên không bằng lòng, thường nói:
- Khổng Minh tuổi trẻ, tài học được bao nhiêu mà huynh trưởng quá trọng vọng như vậy? Vả lại, từ ngày ra khỏi lều tranh đến nay, Khổng Minh cũng chưa làm được điều gì tài giỏi mà?
Huyền Ðức nói:
- Anh được Khổng Minh cũng như "cá gặp nước". Hai em đừng nói nhiều nữa.
Quan, Trương nghe nói, lẳng lặng lui ra, nhưng lòng vẫn không phục Khổng Minh.
Một hôm, có người đem đến biếu cho Huyền Ðức một cái đuôi con tê ngưu.
Huyền Ðức tự tay đem ra đan một cái mũ.
Khổng Minh bước vào thấy thế, liền nghiêm sắc mặt hỏi:
- Minh công chỉ trọng đến vật quý này mà không còn nghĩ đến chuyện xa xôi nữa hay sao?
Huyền Ðức vội vứt cái mũ đi, rồi tạ rằng:
- Ta tạm lấy việc đan mũ để bớt nổi lo lắng trong lòng đấy thôi.
Khổng Minh hỏi:
- Minh công lượng sức mình với Tào Tháo thì thế nào?
Huyền Ðức nói:
- Ta tự biết còn kém xa.
Khổng Minh nói:
- Quân số của Minh công hiện nay chỉ được vài ngàn, nếu Tào Tháo đem quân đến đánh thì làm sao đủ sức nghênh địch?
Huyền Ðức thở dài:
- Ðó chính là mối lo hiện nay của ta.
Khổng Minh nói:
- Thế thì phải mộ thêm dân binh ngay đi. Lượng xin ra sức luyện tập để có thể đem chống giặc được.
Huyền Ðức nói:
- Ta cũng có nghĩ đến chuyện ấy, nhưng chỉ sợ thì giờ quá ít, không đủ để luyện dân binh thành thuộc.
Khổng Minh nói:
- Chúa công chớ lo. Những binh sĩ này không cần tài đánh giặc mấy, mà chỉ cần chạy cho thật giỏi.
Huyền Ðức mỉm cười, theo lời Khổng Minh chiêu mộ một số dân binh độ ba ngàn người, giao cho Khổng Minh sớm tối hết sức lo luyện tập theo trận pháp.
Chẳng bao lâu, có tin báo:
- Hạ Hầu Ðôn kéo quân đến đánh, đang thẳng tiến về hướng Tân Giã.
Trương Phi nghe tin, bảo Vân Trường:
- Chuyến này cứ để Khổng Minh đánh trước, xem hắn nghênh địch như thế nào?
Hai tướng đang trò chuyện thì có tin Huyền Ðức gọi vào.
Huyền Ðức nói với Quan, Trương:
- Hạ Hầu Ðôn kéo binh mười vạn đến đánh Tân Giã, hai em có mưu kế gì chăng?
Trương Phi hỏi lại:
- Sao đại ca không sai "nước" ra nghênh địch?
Huyền Ðức cau mày:
- Trí lược thì nhờ Khổng Minh, dũng lược thì cậy có hai em! Ðừng phân bì như vậy.
Quan, Trương không dám nói nữa, lẳng lặng lui ra.
Huyền Ðức lại mời Khổng Minh vào thương nghị. Khổng Minh nói:
- Chỉ sợ hai tướng Quan, Trương không chịu nghe lệnh của tôi thôi. Nếu Chúa công muốn để tôi hành binh thì phải ban cho tôi ấn kiếm mới được.
Huyền Ðức lấy ấn kiếm trao cho Khổng Minh.
Khổng Minh liền tụ tập chư tướng lại truyền lệnh.
Trương Phi nói với Vân Trường:
- Anh em ta cứ đến đó nghe lệnh, xem hắn điều khiển ra sao?
Các tướng hợp mặt đông đủ, Khổng Minh hạ lệnh:
- Bên trái đồi Bác Vọng có trái núi Dự Sơn, bên phải có khu rừng An Lâm, hai nơi đó là chỗ mai phục quân rất tốt. Vân Trường hãy dẫn một ngàn quân đến phục dưới núi Dự Sơn. Khi địch tới, im lặng để cho chúng đi qua. Những xe nặng chở quân nhu, lương thảo ắt đi phía sau. Hễ thấy mặt Nam có lửa cháy, lập tức thả quân xông ra đánh và đốt hết lương thảo ấy. Dực Ðức thì dẫn một ngàn quân đến phía sau rừng An Lâm, mai phục trong hang núi. Hễ thấy phía Nam có ánh lửa bốc cháy, lập tức kéo binh đến đồi Bác Vọng, phóng hỏa đốt lương thảo quân địch ở đấy. Quan Bình, Lưu Phong hãy dẫn năm trăm quân, dự bị những đồ dẫn hỏa, ra phía sau đồi Bác Vọng, chia hai ẩn núp, đợi đến canh một khi giặc kéo tới, nổi lửa đốt rừng lau! Lại phải sai người đến Phàn Thành gọi Triệu Vân về, cho đi tiên phong, không cần đánh lấy được, chỉ cần đánh lấy thua. Còn Chúa công thì lảnh một đạo quân làm hậu viện. Các tướng nên theo kế, chớ nên sơ xuất.
Nghe xong, Vân Trường hỏi:
- Chúng tôi đều phải đi nghinh địch. Vậy chẳng hay Quân sư làm việc gì?
Khổng Minh điềm nhiên đáp:
- Ta chỉ ngồi giữ huyện thành này.
Trương Phi cười ha hả nói:
- Chúng tôi đều phải lăng lưng vào chỗ chém giết, còn Quân sư thì ngồi nhà, thung dung dữ a?
Khổng Minh giơ gươm lên, lớn tiếng nói:
- Ấn kiếm ở đây, nếu ai sai lệnh, ta sẽ chém đầu.
Huyền Ðức nói xen vào:
- Há không hiểu rằng:
- Người ngồi bày mưu trong màn trướng mà có thể quyết thắng ở ngoài ngàn dặm sao? Hai em không được trái lệnh!
Trương Phi cười nhạt, không muốn nói.
Vân Trường bảo:
- Chúng ta thử xem cái kế của thằng hủ nho này có ứng nghiệm hay không rồi sẽ về chất vấn hắn cũng chưa muộn.
Thế là hai người kéo quân đi.
Còn các tướng cũng chưa hiểu thao lược của Khổng Minh như thế nào, nên tuy vâng lệnh song ai nấy lòng đầy nghi hoặc.
Khổng Minh bảo Huyền Ðức:
- Hôm nay Chúa công nên dẫn binh đến chân đồi Bác Vọng mà đóng. Sẩm tối ngày mai, ắt quân địch cũng đến. Chúa công nên bỏ trại mà chạy. Hễ thấy lửa cháy thì lập tức quay binh lại đánh. Tôi cùng với Mê Trước, Mê Phương lãnh năm trăm quân giữ huyện. Tôn Cành, Giản Ung thì lo chuẩn bị tiệc mừng công và sắp sẳn sổ sách ghi công lao cho tướng sĩ.
Khổng Minh điều bát đâu đấy xong xuôi, từ giả Huyền Ðức vào trong.
Còn Huyền Ðức tuy lòng còn áy náy, song vẫn dẫn binh đến chân đồi Bác Vọng hạ trại.
Bấy giờ Hạ Hầu Ðôn với bọn Vu Cấm, Lý Ðiển dẫn binh đến gần Bác Vọng, liền chia quân làm hai, một làm tiền bộ, một đi hậu tập và bảo vệ lương thực.
Lúc này nhằm vào tiết thu, trời trong trăng tỏ, gió thổi vèo vèo.
Bỗng thấy phía trước bụi bay ngất trời.
Hạ Hầu Ðôn lập tức dàn quân ra sẳn sàng, và hỏi quan Hướng đạo:
- Ðây là nơi nào?
Quan Hướng đạo thưa:
- Trước mặt kia là đồi Bác Vọng, mặt sau là cửa sông La Xuyên.
Hạ Hầu Ðôn sai Vu Cấm, Lý Ðiển ở sau điều khiển quân sĩ, còn mình thì giục ngựa tới trước chờ địch. Tức thì trong đám bụi mù, có một đội binh mã kéo đến.
Hạ Hầu Ðôn nhìn qua, ngửa mặt lên trời cười ngất. Chư tướng thấy vậy, ngạc nhiên hỏi:
- Tướng quân cười việc gì thế?
Hạ Hầu Ðôn đáp:
- Ta cười là cười cho Từ Nguyên Trực lúc ở trước mặt Thừa Tướng dám khoe:
- Gia Cát Lượng là một người có tài như người nhà trời!
Nay xem hắn dụng binh, đem binh mã thế kia cho làm tiền bộ tiên phong để đối địch với ta, như vậy chẳng khác nào đem bầy dê ra chống chọi với hổ báo. Lời hứa của ta trước mặt Thừa Tướng là sẽ bắt sống Lưu Bị và Gia Cát Lượng đem về nạp, thì nay quả là thành công mỹ mãn.
Dứt lời, liền giục ngựa xông tới. Triệu Vân thấy quân Tào tràn đến, cũng giục ngựa xông ra.
Hạ Hầu Ðôn chỉ vào mặt Triệu Vân mà mắng rằng:
- Chúng bây theo Lưu Bị thì chẳng khác gì những cô hồn đi theo quỷ sứ mà thôi.
Triệu Vân nổi giận, giục ngựa vung thương đâm tới. Hai ngựa quần nhau chừng hai hiệp, Triệu Vân giả thua bỏ chạy. Hạ Hầu Ðôn giục ngựa đuổi theo.
Triệu Vân chạy được hơn mười dặm, quay lại đánh nữa.
Ðánh qua vài hiệp lại bỏ chạy.
Hàn Hạo thấy thế, giục ngựa tới trước can Hạ Hầu Ðôn:
- Triệu Vân có vẻ dụ địch! Sợ có mai phục đấy.
Hạ Hầu Ðôn đang hăng máu, nói:
- Cái thứ quân mã như cỏ rác thế kia thì dầu có mai phục mười mặt, ta cũng không sợ.
Rồi không nghe lời Hàn Hạo, Hạ Hầu Ðôn xua quân đuổi thẳng đến đồi Bác Vọng.
Bỗng một tiếng pháo nổ vang, Huyền Ðức tự dẫn quân ra đánh, tiếp ứng Triệu Vân.
Hạ Hầu Ðôn thấy thế, cười ha hả, quay lại nói với Hàn Hạo:
- Ðó, quân mai phục thế đó chứ gì? Chiều nay ta phải vào thành Tân Giã cho kỳ được. Nếu không, ta thề không nghỉ quân.
Huyền Ðức và Triệu Vân giục quân xông vào xáp chiến.
Hai bên đánh được ba hiệp, Huyền Ðức ra lệnh rút lui, rồi cùng Triệu Vân chạy miết.
Lúc này trời đã tối, mây phủ mịt mù che khuất bóng trăng.
Buổi chiều gió đã nổi, đến đêm gió càng thổi mạnh...
Hạ Hầu Ðôn chỉ một mực cắm đầu, cắm cổ cứ việc giục quân đuổi theo.
Vu Cấm, Lý Ðiển đi sau, chạy đến một chỗ hẹp, lau lách mọc um tùm, lòng nghi hoặc.
Lý Ðiển nói:
- Hễ khinh địch là thua. Phía Nam đường quá chật hẹp, bờ sông sát chân núi, rừng rậm lau cao thế này, nếu địch dùng hỏa công thì biết liệu làm sao?
Vu Cấm tỉnh ngộ, khen rằng:
- Lời ông nói rất đúng, tôi phải chạy đến trước nói với Ðô Ðốc, còn ông thì lập tức truyền dừng binh lại.
Lý Ðiển bèn gò cương ngựa trở lại hô lớn:
- Ðạo binh sau chớ có vội lắm.
Lúc này người ngựa đang chạy cuồn cuộn, nghe kêu dừng lại làm sao được?
Còn Vu Cấm thì giục ngựa đến trước kêu lớn:
- Tiền quân Ðô Ðốc xin hãy dừng binh ngay!
Hạ Hầu Ðôn đang thúc quân chạy gấp, bỗng nghe gọi, rồi thấy Vu Cấm ở đằng sau chạy tới, liền hỏi vì cớ gì?
Vu Cấm nói:
- Mặt Nam kia đường hẹp, sông núi sát nhau, lau cao rừng rậm, xin Ðô Ðốc đề phòng địch dùng hỏa công.
Hạ Hầu Ðôn lúc này giật mình tỉnh ngộ, vội quay ngựa hạ lệnh cho quân sĩ dừng lại.
Nhưng vừa dứt lời thì đã nghe tiếng kêu la lẫn tiếng reo hò vang dậy, phía sau ánh lửa bùng lên sáng rực.
Rừng lau bắt lửa, rồi lan đến hai bên đường.
Và chỉ trong chốc lát, bốn phương tám hướng lửa bốc cháy ngập trời.
Lúc này, trời lại gió lạnh, lửa bốc cháy càng nhiều, quân Tào thất kinh, hàng ngũ hoảng loạn, người ngựa đạp nhầu lên nhau, chết vô số kể.
Bấy giờ Triệu Vân mới quay ngựa lại đánh úp.
Hạ Hầu Ðôn xông khói đạp lửa chạy trốn.
Mặt sau, Lý Ðiển thấy tiền quân lâm nguy, vội bỏ chạy vào thành Bác Vọng.
Chạy được một lúc, lại thấy trước mặt bỗng hiện ra một đạo quân chận lại đánh, viên tướng đi đầu là Quan Vân Trường.
Lý Ðiển túng thế, phải vọt ngựa xông vào xáp chiến cướp đường mà chạy.
Vu Cấm thấy các xe lương bị cháy hết, lửa cháy ngập trời, vội rẽ vào ngõ tắc chạy trốn.
Hạ Hầu Lan, Hàn Hạo xông ngựa tới cứu xe lương thì gặp phải Trương Phi.
Hai bên đánh nhau mới được vài hiệp, Trương Phi đã đâm Hạ Hầu Lan một xà mâu nhào lăn xuống ngựa chết tốt.
Hàn Hạo thất kinh cướp đường chạy mất.
Quân Tân Dã đánh đuổi mãi tới sáng, giết quân Tào thây nằm đầy đồng, máu chảy thành sông.
Người sau có thơ khen Khổng Minh như sau:
Bác Vọng ra tay dụng hỏa công,
Ðàn cao điều khiển dễ như không.
Binh Tào một trận tan hồn vía,
Ra khỏi lều tranh lập đầu công.
Hạ Hầu Ðôn thua một trận thảm bại, mới thu thập ít tàn quân, chạy về Hứa Xương.
Khổng Minh đắc thắng thu quân, Quan Vân Trường và Trương Phi bảo nhau:
- Khổng Minh thật là bậc anh kiệt!
Hai người vừa đi vừa bàn tán với nhau chưa đầy vài dặm thì đã thấy trước mặt cờ bay phất phới.
Mê Trước, Mê Phương dẫn một toán quân đẩy một cỗ xe nhỏ tới.
Trên xe có một người ngồi chễm chệ, hai người nhìn kỹ, thì ra đó là Khổng Minh.
Quan, Trương liền xuống ngựa, sập lạy trước xe, tỏ ý bái phục mưu cao vừa thắng trận.
Một lúc sau, Huyền Ðức, Triệu Vân, Lưu Phong, Quan Bình cùng kéo đến, tụ tập chư quân, đem những xe lương cướp được chia thưởng cho tướng sĩ, rồi ban sư về huyện thành.
Nhân dân trăm họ Tân Giã đổ xô ra đường lạy mừng thắng trận và nói:
- Sinh mạng chúng tôi được bảo toàn là nhờ ở Sứ quân được người hiền phò tá.
Khổng Minh về đến huyện, nói với Huyền Ðức:
- Tuy Hạ Hầu Ðôn đã thua chạy, nhưng Tào Tháo ắt tự kéo đại quân đến.
Huyền Ðức hỏi:
- Như vậy phải tính thế nào?
Khổng Minh nói:
- Tôi có một kế để đối phó với quân Tào.
Ðó chính là:
Phá giặc còn chưa yên vó ngựa,
Ngăn thù đã sẳn liệu mưu cao.
← Hồi 038 | Hồi 040 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác