Vay nóng Tinvay

Truyện:Tùy Đường diễn nghĩa - Hồi 005

Tùy Đường diễn nghĩa
Trọn bộ 100 hồi
Hồi 005: Tần Thúc Bảo giữa đường cứu Lý công, Đậu phu nhân trong chùa sinh thế tử
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-100)

Siêu sale Lazada

Từ rằng:

Trời đất vô tình

Nam nhi hữu chí

Xưa ôm mộng vá trời lấp biển

Ứng, chiên 1 giữ chí xông tầng biếc

Loan phượng cánh rù trong gai góc

Tình rầu rầu

Hận thăm thẳm

Hai mái đầu

Lửa lòng nào biết thuở nào nguôi

Thân hèn những muốn dâng tri kỷ

Tha hương chẳng ngại chợ Hàm Dương

Rửa phấn sơn khôn rửa tiếng danh

Bất bình bao thuở sạch can trường

Hận chừ xuôi

Chí chừ lặng

Lòng chừ nguôi

Theo điệu "Thiên thu tuế dẫn"

Chuyện sống chết, lợi hại trên đất trời này chẳng gì không phải số mệnh, lẽ trời vẫn có nhưng không hình thù, sấm sét đùng đùng giận dữ, bất ngờ khó đương nổi, những lúc ấy đành phải chờ kẻ anh hùng đội trời đạp đất, cứu khốn phò nguy.

Lúc đầu Đường Công cũng nghĩ đây chỉ là lũ cướp đường tầm thường, thấy Đường Công xuất hiện thế nào bọn chúng cũng kinh sợ mà chạy biến. Không ngờ chính lại là lính tâm phúc của Đông cung do Vũ Văn Thuật sai đi, đều được chọn kỹ trong đám tinh thông võ nghệ, sẵn sàng xả thân vì chủ. Bọn cướp đường tầm thường, nếu thấy không lợi thế thì cứ thế bỏ chạy chẳng gì ràng buộc, nhưng bọn này vâng lệnh Vũ Văn Thuật mà hành động, nếu không giết được Đường Công cùng gia quyến, thì trở về biết thưa với họ Vũ ra sao, vì vậy chúng phải liều mạng xông vào. Chỉ tính riêng về quân số chúng cũng đã đông gấp hai lần số gia đinh của Đường Công, nhất tề vây kín Đường Công và gia đinh vào giữa, cứ thế lăn xả vào đâm chém.

Bốn mặt mây sầu mù mịt

Đầy trời sương lạnh giăng giăng

Trống nện rầm rầm, pháo nổ ran

Trời soi rõ mặt, giáo sáng loáng

Tướng đối tướng, như thiên thần địa quỷ tranh giành

Ngựa đấu ngựa, như rồng biển, hổ núi đoạt miếng

Ngựa cưỡi là: ngàn giải trãi, ngũ hoa thông, tủ sất bát, hỏa long câu, lục truy thông, lưu kim quai, chiến dạ bạch, ngọc đào dủ, mãn tiêu mã, đích lư mã

Con nào cũng như rồng thiêng nhẹ cưỡi, ngựa thần cất vó

Sắc trắng như vạn đóa hoa lê nổi sóng

Sắc đỏ như nghìn bông hồng hạnh đua tươi

Sắc xanh như sương mù giăng núi

Sắc vàng như mây nổi che trời <

Tay múa kiếm là: tùng văn đao, tang môn kiếm, hòa tiêu thương, phương thiên kích, ngũ minh san, tuyên hoa chỉ, sâm kim chùy, tất ngạn qua, lưu kim đảng, đảo mã độc

Cái nào cũng: kiếm sắc như gươm, mũi giơ sáng tuyết

Phất phới như vạn ngọn thần đao cùng múa

Cuồn cuộn như muôn trùng sóng cả đều dâng

Ráng bay chớp giật, kiếm kích ngang trời

Sao rời nguyệt lặn, qua mâu chói mắt

Khác nào biển lật trời nghiêng

Chỉ để tao thua mày được.

Hai bên quần nhau từ giờ thìn 2 cho mãi đến lúc mặt trời sắp ngả về tây. Đường Công trong lòng càng lo cho vợ con, nên quyết mở một đường máu thoát khỏi vòng vây, nhưng đánh phía đông thì lũ giết người che kín phía đông, trở phía tây, lũ chúng lại kéo đầy phía tây mình tuy chưa mang một thương tích nào, nhưng thân thì khó thoát, thỉnh thoảng lại thầm nhắc gia đinh giữ gìn vợ con, không được liều mạng. Dù cẩn thận, giữ gìn thì bọn Đường Công càng ngày càng yếu thế, thế nguy như ngay trước mặt vậy thôi.

Nhưng số họ Lý vốn có kẻ cứu mạng. Lúc ấy, Tần Thúc Bảo và Phàn Kiến Uy từ Trường An giải bọn phạm nhân vừa kịp đến cửa Đồng Sơn, đang đi qua Tra Thụ Cương, cả hai nghe trong rừng tiếng hò hét, tiếng binh khí chiêng trống rầm trời, vội trèo lên gò cao nhìn, thì thấy năm bảy chục lũ giết người đang vây kín Đường Công vào giữa.

Họ Tần bèn nổi với họ Phàn:

- Thật là vùng núi hoang này, trông về phía Hà Nam Sơn Đông đều mờ mịt, quả là chốn đắc địa cho bọn cướp, mặc dù chỉ mới cách kinh kỳ chưa quá hai mươi dặm đường. Thế mới biết bọn này thật to gan lớn mật.

Họ Phàn chi đám Đường Công trả lời:

- Đám người đang bị vây kia, dáng cũng là quân quan gì đấy, nhưng "quả bất địch chúng" xem ra có vẻ mệt mỏi, yếu thế. Trong sáu phủ của tỉnh Sơn Đông ta, thường ca ngợi là Trại chuyên chủ, nào phải chỉ vì chuyện bất bình ở vùng Sơn Đông mà ra tay. Nay giữa đường gặp việc nghĩa, sao nỡ bỏ qua. Xin đại huynh hãy dùng bản lĩnh cao cường của mình, giúp họ một trận, để thiên hạ một phen thấy vẻ trượng phu ở đại huynh.

Thúc Bảo đáp:

- Hiền đệ, ta cũng có ý đó. Nhưng chỉ sợ hiền đệ không chịu giúp ta.

Họ Phàn hỏi:

- Tiểu đệ đã khuyên đại huynh ra tay, sao đại huynh còn nói chuyện giúp đỡ gì nữa.

Thúc Bảo đáp:

- Nếu đã như vậy, hiền đệ phải giải mấy phạm nhân xuống núi, ra tận ngoài cửa quan, tìm chỗ nào đó ngồi chờ ta.

Họ Phàn hỏi:

- Tiểu đệ ở đây, còn có thể giúp đại huynh một tay, sao đại huynh lại bảo tiểu đệ đi trước?

Thúc Bảo đáp:

- Một mình ta cũng có thể dẹp tan đám cướp này, hiền đệ cũng muốn giúp ta một tay nữa, thì đám phạm nhân kia, lấy ai trông coi?

Họ Phàn đành trả lời:

- Xin đại huynh hãy thận trọng.

Nói rồi, Kiến Uy giải đám phạm nhân đi trước. Còn Thúc Bảo buộc thật chặt lại chiếc mũ Phạm Dương, xem lại giải áo, thắt lưng, nhảy lên ngựa, giơ cao giản, lựa theo đường núi lao xuống. Chẳng khác gì "Mãnh hổ mới rời hang, gầm vang trăm thú sợ", Thúc Bảo vừa phi như bay, vừa thét lớn.

- Lũ cướp không được vô lễ, có ta tới đây!

Tiếng thét dữ dội khác nào sấm mùa xuân, sắc nhọn khác nào ánh chớp phóng tới. Thấy chỉ một người một ngựa, nên bọn giặc cướp cũng chẳng hoang mang, mà Đường Công cũng không tin là có thể giúp được gì cho mình. Bọn cướp đang say sưa vây Đường Công, chờ cho Thúc Bảo tới gần, mới thấy có hai tên ra đối địch. Bọn này vì đánh nhau từ sáng đã mệt mỏi, gặp phải đối thủ như Thúc Bảo, bản lĩnh cao cường dũng mãnh, khí thế đang hăng hái, vũ khí lợi hại, nên vừa mới vài hiệp, cả hai tên lính đều ngã ngựa. Thấy vậy, cả bọn cướp la thét ầm ĩ, bỏ Lý Uyên, vây lại đánh Thúc Bảo. Thúc Bảo không chút sợ hãi, cứ điềm nhiên múa tít hai ngọn giản.

Đao qua thương lại giằng co

Ngựa mỏi người mệt trời chiều

Ngựa mới đến

Cướp chạy tứ phía

Giản mới giương

Núi sông lạnh gáy

Mịt mù bụi bay che mặt trời

Rồi tung ngựa chạy cày đất núi

Giao long rời vực thẳm

Hồ thỏ trốn hang sâu.

Trước đó bọn cướp ỷ đông người, bắt nạt Đường Công cùng bọn gia đinh, hết sức hùng hổ dữ tợn, đến giờ Thúc Bảo xuất hiện, bọn này hết trốn đường đông lại chạy đường tây, núp đường nam lẩn đường bắc, nhiều đứa trốn theo khe núi mà chạy. Đường Công lúc này mới dừng ngựa, sai phái bọn gia đinh hỗ trợ Thúc Bảo. Bọn cướp thì kẻ thức thời đã bỏ chạy hết, những đứa cố chấp vẫn ham đánh thì không ít đứa gãy tay, gãy chân, mang đầy thương tích trên mình, chẳng khác nào:

Khác gì lá rụng gió bão cuốn

Giống như băng mỏng nắng trời tan.

Có thằng bị giản đánh trúng lăn xuống ngựa, bọn gia đinh túm lấy giải tới trước mặt Đường Công. Đường Công quát:

- Bọn lang sói chúng bay sao dám tụ tập đón đường giết người cướp của, lại dám đụng đến bậc quan quân chúng ta? Đem ra chém quách cho xong!

Thằng này run rẩy thưa:

- Bẩm ngài, chúng con không phải kẻ cướp, mà là lính tâm phúc của Đông cung, lệnh của Vũ Văn Tướng công truyền rằng ngài với Đông cung vốn có thù lớn, sai chúng con ra đây chờ đón đường ngài. Đó là lệnh trên, không phải lỗi ở chúng con.

Đường Công nói:

- Ta với Đông cung nào có thù hằn gì. Mày bịa ra điều này để hòng thoát chết. Đáng ra nên chặt quách cái đầu chó của mày, nhưng lại thương mày vốn cũng là kẻ nghèo khổ, sống cũng chẳng hại dược ai nên cũng tha cho cái mạng mày, mau tìm đường mà xéo!

Thằng này nghe Đường Công nói thế vội bỏ chạy như bay.

Đường Công nhìn ra kẻ hảo hán đến cứu mình vẫn đang hăm hở đuổi đánh bọn cướp, bèn sai gia đinh:

- Mau mời tráng sĩ lại đây gặp mặt.

Một gia đinh cưỡi ngựa phi theo sau Thúc Bảo gọi lớn:

- Tráng sĩ? Đại nhân mời tráng sĩ lại gặp mặt.

Thúc Bảo quay lại hỏi:

- Đại nhân là ai?

Gia đinh thưa:

- Là Đường Công Lý đại nhân.

Thúc Bảo dừng ngựa, trù trừ, lại thấy gia đinh cho ngựa lại gần nói tiếp:

- Xin tráng sĩ lại ngay cho, Lý đại nhân chúng tôi nhất định sẽ tạ ơn tráng sĩ rất hậu.

Thúc Bảo thấy nói tới chuyện tạ ơn, liền cười ha hả nói rằng:

- Ta cũng chỉ vì "giữa đường thấy sự bất bình", cũng không nghĩ đó là đại nhân nhà ngươi, cũng không nghĩ đến chuyện tạ ơn của chủ ngươi đâu!

Nói rồi quay ngựa theo đường lớn đi thẳng.

Bình sinh lòng nghĩa hiệp

Cứu nạn chẳng lưu danh

Sống chết đều một kiếp

Nghĩ gì đến nghìn vàng.

Đường Công thấy gia đinh không mời được tráng sĩ liền hối hận nói:

- Đáng ra ta phải thân lại tạ ơn mới phải, bây giờ làm sao mời được tráng sĩ quay trở lại được. Chuyện này đúng là lỗi ở ta.

Nói rồi dặn bọn gia đinh:

- Chúng bay thu dọn xe ngựa, hành lý lại để chuẩn bị lên đường, ta tự đuổi theo tạ ơn mới xong.

Rồi giật mạnh dây cương, Đường Công rượt theo Thúc Bảo, gọi lớn:

- Xin tráng sĩ dừng ngựa, cho Lý Uyên tôi được vái chào một lần.

Thúc Bảo vẫn không muốn xuất đầu lộ diện lần nữa, nên vẫn cho ngựa ruổi dài. Đường Công phóng theo sau không chịu dừng:

- Tráng sĩ, cả nhà ta chịu ơn cứu mạng của tráng sĩ, xin tráng sĩ hãy cho biết tính danh, còn chuyện báo đức đền ơn xin để sau này thưa lại cũng chưa phương hại gì.

Cả hai đuổi theo nhau có đến hơn mười dặm. Thúc Bảo nghĩ: Kiến Uy chờ phía trước, thế nào người ta cũng hỏi ra họ tên, chi bằng cứ nói, để người ta khỏi đuổi theo. Thúc Bảo bèn quay đầu lại đáp:

- Lý đại nhân không cần đuổi theo làm gì. Tiểu nhân họ Tần, tên Quỳnh, thế là được rồi.

Vừa nói vừa giơ cao tay, xòe đủ năm ngón tay vẫy qua vẫy lại, ra roi, như một mũi tên lao thẳng. Chính là:

Sắc núi khó truyền lòng nghĩa hiệp

Nước khe khôn tả hết hùng tâm

Chữ ơn chưa tạc đồng ghi đá

Tên tuổi đã truyền suốt cổ câm.

Đường Công ý vẫn còn muốn đuổi theo, nhưng đánh nhau cả ngày, người ngựa đều mỏi mệt, một mình một ngựa chạy trên đường, lỡ ra gặp một tên cướp còn sống sót nào đó, thừa cơ sinh chuyện, vả lại chỉ chạy đuổi theo sau mãi cũng chẳng ích gì. Trong lúc gió rít bên tai, lẫn tiếng nhạc ngựa, Đường Công chỉ nghe được mỗi một tiếng "Quỳnh", lại thấy tráng sĩ xòe năm ngón tay vẫy vẫy, Đường Công nghĩ thầm rằng tráng sĩ ra hiệu tiếng "Ngũ", nên đinh ninh nhớ kỹ trong lòng tên "Quỳnh Ngũ", cũng chẳng lường được bao giờ mới báo được ơn. Trong lúc phóng ngựa trở về, thấy một đám bụi mù mịt trước mặt, ló ra một người ngựa phi tới, Đường Công nghĩ: "Lại rắc rối rồi đây, hãy chờ thằng này lại gần, sẽ biết tay ta". Rồi nhẹ nhàng lên dây cung, tên vừa bay khỏi, đã thấy người kia ngã lăn xuống ngựa.

Nhìn kỹ lại chỗ đám bụi lúc nãy, chính lại là gia quyến của mình, Đường Công bèn kể lại cho mọi người nghe mọi chuyện, nhắc mãi ơn lớn của "Quỳnh Ngũ", thì thấy mấy người dáng vẻ phu khiêng kiệu, lẫn với mấy người dân làm ruộng ở một trang trại ấp nào đó cũng kéo đến trước ngựa Đường Công khóc lóc, kể lể:

- Thưa đại nhân, không biết ông chủ chúng tôi có việc gì xúc phạm đến đại nhân, mà vừa bị đại nhân bắn chết!

Đường Công ngạc nhiên đáp:

- Ta chưa từng bắn chết chủ nhân các người.

Bọn người này khóc thưa:

- Chúng tôi vừa nhổ mũi tên ở yết hầu, thấy rõ có ghi họ tên đại nhân.

Đường Công nghĩ ngợi:

- À vừa rỗi dẹp xong lũ giặc cướp, thấy một kẻ phi ngựa lại, ta chắc rằng du đãng của bọn này, mới bắn một mũi, không ngờ lại làm chết chủ của các ngươi, rõ là ta nhầm. Chủ các ngươi tên gọi là gì, quê quán ở đâu?

Bọn này đáp:

- Chủ chúng tôi là Nhị Hiền trang thuộc Lộ Châu, họ Đơn tên Đạo hiệu Hùng Trung, trên đường từ Trường An bán lụa về vừa đến đây.

Đường Công đành an ủi:

- Thôi thì người chết làm sao sống lại được, bảo ta phải làm gì bây giờ. Dù có đem đến quan nha nữa chỉ là chuyện ngộ sát, cũng phải đến lo liệu ma chay mà thôi. Ở Nhị Hiền trang các ngươi, hiện còn những ai?

Bọn này thưa:

- Thưa còn Nhị viên ngoại Đơn Thông, hiệu Hùng Tín.

Đường công giảng giải:

- Các ngươi về thưa lại với viên ngoại, ta nhân đánh cướp, lỡ tay bắn chết chủ các ngươi, thực là không cố ý. Nay ta đưa tạm năm mươi lạng bạc, gọi là làm phí tổn khâm liệm, các ngươi đưa linh cữu về quê đợi ta cũng về quê quán xong xuôi, sẽ sai quan tới Lộ Châu, tìm nhà viếng lễ.

Bọn này đều nghĩ: "Nghèo không thi với giàu, giàu không đấu với quan". Vả lại chuyện giữa đường hai bên đều nhường nhịn cho xong, nên cuối cùng ai lo phận ấy.

Đường Công nói như thế nhưng không nỡ bỏ mặc, cũng lại coi sóc cho bọn người nhà Đơn Hùng Trung lo liệu cho chủ, dềnh dàng mai mới đi được cách Trường An khoảng năm sáu mươi dặm. Vùng này lại không có quán dịch, chỉ thấy cổ một ngôi chùa, chữ đề "Vĩnh Phúc Tự", Đường Công tính gia quyến đông, khó có một nhà dân thường nào chứa hết, nên sai gia đinh vào chùa xin nghỉ lại.

Sư cụ trụ trì có đạo hiệu là Ngũ Không nghe thấy thế, vội cho thỉnh chuông lớn, tụ tập chúng sư tiểu, xuống núi tiếp đón. Một mặt cho quét dọn phương trượng, sắp xếp bếp củi, sau đó khoác cà sa, dẫn các vị cao tăng ra làm lễ chào hỏi. Đường Công cho xếp đặt gia quyến, xe tạm ngoài cửa chùa, rồi tự mình vào trước, chỉ thấy:

Nền móng nghìn năm kiên cố

Điện các vạn tuế nguy nga

Cửa chùa tả hữu, gió hòa mưa thuận tứ thiên vương

Điện phật trong ngoài, quá khứ vị lai Tam Đại sĩ

Lụa thắm cửa son, chạm khắc quỳ lựu khéo tay

Tường mờ rêu biếc, tranh vẽ núi sông đậm nhạt

Quan âm cao bệ, ngói đồng cổ lớp lớp sen vàng

La Hán điện tôn, bát bạch ngọc long lanh sắc nước

Vượn núi, thú rừng, nghe "Kim cương kinh" đều được siêu thăng

Hươu nội, hoa ngàn, nghe "Pháp ngữ lục" thảy thoát nghiệp chướng

Ánh sáng muôn luồng xông mây bức

Khí lạnh nghìn đạo ngự từng không.

Lại có người làm thơ ca ngợi:

Phật điện trông vàng son lấp lánh

Như Lai ai dám sánh công lao

Tháp ngoài nghìn trượng vươn cao

Điện trong đèn nến như sao sáng ngời

Càn khôn từ thuở chuyển rời

Công đây quả đấy muôn đời còn ghi.

Ở trên điện, tả hữu đã sắp sẵn giường đệm, sư tiểu lần lượt lên chào Đường Công. Sau đó, Đường Công dẫn gia đinh xem xét phương trượng, các tăng phòng xung quanh, người nhà chùa tạm thời di chuyển nơi khác, sau đó đưa gia quyến vào nghỉ ngơi, rồi lại đóng cửa cài then. Đâu vào đấy rồi, Đường Công lại trở về ngồi ở tiền điện ngẫm nghĩ: "Nếu chỉ là bọn cướp bình thường, thì bị đánh đến thế, không thể nào còn dám tới. Nhưng nếu đúng là lính tâm phúc của Đông Cung sai đi, chưa chắc chúng đã chịu yên, sớm muộn chúng còn xuất hiện". Vì vậy, Đường Công lệnh cho gia đinh, tuần tiễu canh gác trong ngoài, đề phòng bất trắc, còn mình cũng nai nịt gọn ghẽ, kiếm đeo bên mình, ngồi dưới đèn xem sách. Có ngờ đâu rằng, bọn này ở trong rừng, chùi bỏ hóa trang thay quần áo, hội họp nhau lại, ngay sẩm tối hôm đó kéo nhau về Trường An, còn đâu nữa mà tới. Về phía Vũ Văn Thuật với Thái tử, kế tuy không thành, nhưng còn mừng khi Lý Uyên không biết, chưa bị vạch mặt làm trò cười cho thiên hạ, lại thêm bọn tay chân đi về, tô vẽ thêm giết bao nhiêu mạng, đâm bao nhiêu gia đinh, thân thuộc của Lý Uyên, làm bọn họ tả tơi chạy dài ra sao cũng thấy hả dạ, nên coi như cho chuyện đó ra ngoài cửa. Nhưng Đường Công như con chim vừa phải tên, vẫn phấp phỏng lo sợ mà thôi.

Ngồi cho mãi tới canh hai, Đường Công bỗng thấy một mùi thơm lạ lùng, nhìn kỹ mấy lò hương thì đã tro lạnh khói tàn từ bao giờ. Lúc dầu hương thơm còn thoang thoảng, càng lâu hương càng thơm nức, sai người đi xem ở các cửa điện khác, đều trở về thưa các lò hương không nơi nào đốt. Đường Công lấy làm lạ, ra sân nhìn trời, thấy mây đẹp rực rỡ, sao sáng lấp lánh, khí ấm điềm lành đầy đất.

Vốn là lúc ở hậu tự, sao tử vi đến giờ giáng hạ trấn thế, mới rời khỏi cung Đâu Xuất nên hương lành đầy trời đất, mừng tử vi đầu thai. Đương lúc ngửa nhìn trời, bỗng thấy bọn gia đinh gác đêm đến báo phu nhân vừa mới sinh được hai thế tử. Lúc này chính là năm đầu của triều Nhân Thọ, tháng tám ngày mười sáu, giờ tý 3 vậy, Đường Công vội vàng đến bên cửa sai người hỏi rõ sức khỏe của phu nhân và hai thế tử. Người nhà thưa rằng nhân giữa đường gặp bọn cướp trong lòng không khỏi kinh sợ, sau may gặp được bậc hào kiệt ra tay, lại tìm được chỗ trú chân yên ổn, nhưng phu nhân do đi lại nhiều vì vậy mới sinh sớm ít nhiều, may thay mẹ con đều bình yên. Đường Công nghe nói thế mới đỡ lo lắng.

Chờ đến sáng ngày, Đường Công lên điện, tạ ơn Như Lai, khắp gia quyến đều có mặt. Sau đó lại tới phòng phu nhân vấn an. Sư cụ Ngũ Không, dẫn chúng tăng, đem câu đối, viết trên giấy hồng đều đến mừng. Đường Công băn khoăn nói:

- Thưa trưởng lão! Ta vốn ở nhờ nhà chùa, lại gặp việc khai hoa này, chỉ sợ làm ô uế sự thanh tịnh của cửa thần, tội đều ở hạ quan này, có gì vui đâu mà dám nhận lời mừng của quý vị chúng tăng.

Bèn sai gia đinh lấy mười lạng bạc ra gửi sư cụ, nhờ nhà chùa sắm các loại trầm hương, tốc hương, đàn hương, để đốt ở khắp các điện, giải trừ uế huyết. Đường Công lại hỏi sư cụ:

- Ta trông cảnh chùa tuy có tráng lệ, nhưng đã thấy có nhiều chỗ đã đổ nát hư hỏng, cũng muốn sửa sang ít nhiều. Không biết ý trưởng lão thế nào?

Sư cụ thưa:

- Bần tăng từ lâu đã định làm việc này, nhưng chỉ cần sửa chữa nhỏ cũng phải có hàng nghìn lạng bạc, sửa lớn thì không thể dưới vạn lạng, nếu không gặp được bậc đại thí chủ, mà chỉ là những khách đàn việt bình thường, bần tăng nào dám kêu ca, nên cũng không nghĩ đến chuyện hưng công tu tạo được.

Đường Công nói:

- Ta sẽ làm đại thí chủ cho trưởng lão. Cũng chằng cần trưởng lão kêu ca, ngay khi về đến Thái Nguyên, ta sẽ sai người đem tiền bạc tới.

Liền sai người đem nghiên bút, sư cụ bảo mấy chú tiểu giăng ra một tấm lụa hồng lớn, có thêu kim tuyến. Đường Công cầm bút, nhúng đẫm mực viết một hàng chữ lớn: "Tín quan Lý Uyên, nguyện dâng cho vạn lạng bạc trùng tu Vĩnh Phúc Tự, tái tạo kiên thân điện tượng". Sư tiểu đứng nhìn, không ai là không lắc đầu lè lưỡi, cùng nhau bàn tán:

- Có mua sắm bao nhiêu vật liệu, rồi thuê thợ làm vẽ vời hoa lá đi nữa, cũng chẳng tài nào hết chừng ấy bạc.

Lại có người nói:

- Ta tính nhà chùa một ly cũng chẳng có, cứ chờ quyên giáo từng tiền, từng lạng, thì đừng nói một vạn lạng, mà ngay chỉ khoảng năm sáu trăm lạng cũng chẳng bao giờ có được.

Nói chuyện linh tinh một hồi, ngày hôm sau, sư cụ lại sắm đủ đèn nến, trầm hương đủ loại quý giá, mời Đường Công tới các điện dâng hương, chuông trống rộn ràng, kẻ trước người sau chật lối. Từ hôm ấy, Đường Công ngồi nhàn trong chùa, chờ phu nhân đầy tháng sẽ lại khởi hành.

Không biết sự thể ta sao, xin xem hồi sau phân giải.


Khởi Nguyên Mobile

Hồi (1-100)


<