Vay nóng Homecredit

Truyện:Tùy Đường diễn nghĩa - Hồi 028

Tùy Đường diễn nghĩa
Trọn bộ 100 hồi
Hồi 028: Bọn cung nhân cắt vải làm hoa, Hầu phi tử đề thơ tuyệt mệnh
0.00
(0 lượt)


Hồi (1-100)

Siêu sale Shopee

Từ rằng:

Một đêm vườn ngự hoa như dệt

Muôn đóa ganh thơm nhuộm trăm sắc

Tạo hoá khéo tay trời

Phồn hoa mừng không nguôi

Hồng nhan thân luống tiếc

Ơn mây mưa chưa biết

Nào chỗ khóc hồn oan

Đau lòng khóc trướng loan.

Theo điệu: "Bồ tát man"

Người đàn ông tài tình mẫn tiệp trên thế gian này, cũng như chuyện đẹp trai tuấn tú, là chuyện trời cho, so với số phụ nữ khéo léo cẩn thận thì ít hơn nhiều. Đàn ông làm thơ viết văn, hoặc làm nghệ thuật nói chung, còn có chỗ để học tập đua đòi, khác với phụ nữ mà có trí tuệ, thì sự khéo léo của họ, phần lớn đều do tự họ làm lấy.

° ° °

Lại nói chuyện Vương Nghĩa được nhà vua ban cho cung nữ Khương Đình Đình, sau khi đã thành vợ chồng, càng cảm ơn sâu của Dượng Đế, ngày nào cũng vào triều hầu hạ, càng chăm chỉ, siêng năng. Đình Đình cũng không quên ơn vua, nhưng biết lấy gì báo đáp.

Một hôm, Vương Nghĩa ở triều về, nói với vợ:

- Sáng nay trong triều, có một người họ Hà, tên là Điều tự chế được một chiếc xe "Giá ngự nữ xa", đem đến dâng vua, một chiếc xe thật là đẹp lạ lùng, tinh xảo lạ lùng.

Khương Thị hỏi:

- Làm sao lại gọi là xe "Giá ngự nữ xa"?

Vương Nghĩa đáp:

- Xe này ở bên trong rộng rãi, có cả giường, chăn, đệm, gối, bốn bên cùng một loại lụa mịn, gọi là lụa giao làm thành màn, ở bên ngoài nhìn vào không thấy gì cả, nhưng ở bên trong nhìn ra thì lại rất rõ ràng, nên tha hồ mà ngắm sông, ngắm núi bên ngoài. Lại thấy rất nhiều chuông bằng phiến ngọc treo thành màn thưa, lúc nào xe đi, tiếng nghe như nhạc leng keng leng keng, ở bên trong dù có cười nói ầm ĩ, thì bên ngoài cũng chẳng nghe được, chẳng phải giữ gìn kẻ ngoài nhòm ngó, vì vậy mới gọi là "Giá ngự nữ xa".

Khương Thị nói:

- Như thế thì chẳng qua học theo lối xe tiêu giao ngày xưa, thêm thắt ít nhiều chứ có gì lạ, rồi lấy đó làm công. Thiếp cảm tạ ơn sâu của chúa thượng, không biết lấy gì đền đáp, trong lòng lúc nào cũng thắc thỏm không yên. Thiếp định làm một thứ lạ để dâng lên chúa thượng, các vật liệu dùng đã có rồi nhưng chưa đủ, vì vậy chưa thể bắt tay vào việc được.

Vương Nghĩa hỏi:

- Dùng những vật liệu gì mà làm nên?

Khương Thị đáp:

- Chỉ cần tóc xanh của người còn sống, nhưng phải vừa dài vừa nhỏ. Thiếp đã chọn được những sợi đó ở mái tóc của thiếp cùng với tóc một vài thiếu nữ nhưng vẫn chưa đủ.

Vương Nghĩa hỏi:

- Tóc trên đầu ta dùng có được không?

Khương Thị đáp:

- Chàng là bậc trượng phu, đầu mà không còn tóc, trông khó coi lắm!

Vương Nghĩa cười nói:

- Ngày trước, đến cái ở dưới còn chẳng tiếc, định cắt quách đi, chẳng là mấy sợi tóc trên đầu.

Rồi lôi ngay mũ đội xuống mà rằng:

- Nhờ hiền thê cứ chọn sợi nào dùng được mà cắt cho kỳ kết, nếu còn thiếu, ta sẽ đi mua để về làm ngay dâng lên chúa thượng.

Khương Thị thấy Vương Nghĩa nói thế, liền lấy lược chải đầu chồng đâu đấy, rồi chọn những sợi vừa đen vừa dài, cắt kỳ hết, từng sợi từng sợi rớt xuống.

Chính là:

Phòng khuê thoăn thoát tay tiên

Để trong cung cấm ngả nghiêng vui cười.

Lúc này là vào tiết trọng đông, hoa lá rụng tàn, cành gốc trơ trụi. Một hôm Dượng Đế cùng Tiêu Hậu và các phu nhân, trong ngự uyển uống rượu, Dượng Đế nói:

- Phong cảnh bốn mùa, duy chỉ có cảnh mùa xuân là đẹp hơn cả muôn hoa đua thắm, vạn loài đua xanh. Màu hồng dễ làm người ta yêu dấu, màu xanh dễ làm người ta tiếc thương. Đến mùa hạ thì sen xanh đầy mặt nước, mùi thơm đầy ắp quanh người. Một vầng trăng trong mùa thu, treo trên cành ngô đồng, lại thêm cành quế đỏ dưa hương, vị thơm tràn cốc rượu, thật là ý vị biết bao. Duy chỉ có mùa đông là lặng lẽ tịch mịch, như chẳng có ý vị gì cả, chỉ có mỗi chuyện nằm trong chăn chờ ngày qua, ra khỏi cửa là chẳng còn hứng thú gì nữa.

- Thiếp từng nghe, các nhà sư có một loại "thiền sàng", có thể nhiều người cùng nằm. Sao bệ hạ không sai người làm một loại giường như thế, rồi dùng một cái gối thật dài, lấy một cái chăn thật rộng, xếp nhiều cung nữ ở trên, cùng nhau ăn uống, đàn hát có phải hay không?

Tiết phu nhân ở viện Thu Thanh thưa:

- Có một cái giường to như thế, một cái chăn rộng như thế, lại phải có cả một bức trướng thêu thật rộng.

Dượng Đế cười:

- Các ngươi dù có tưởng tượng đến đâu, cũng không thể bằng quang cảnh mùa xuân được? Liễu rủ mành xanh muôn hoa muôn sắc. Đình đài cung viện, chẳng nơi nào là nơi không phô sắc, gợi tình, chẳng có lúc nào là lúc buồn bã, cô liêu.

Tần phu nhân ở viện Thanh Tu lại thưa:

- Nếu bệ hạ không thích cảnh tịch mịch thì cũng chẳng có gì khó. Xin chờ đêm nay thiếp lên Thọ Thiên cung, lấy hết những hoa đã nở về ngự uyển này để bệ hạ thưởng thức.

Dượng Đế cũng coi như một lời nói đùa, bèn trả lời:

- Nói như thế, thì đêm nay ta chẳng dám quấy rầy các khanh nữa đâu!

Nói cười một hồi, uống vài chén rượu buổi sáng, rồi cùng Tiêu Hậu lên xe loan về cung.

Sáng hôm sau, Dượng Đế đang ngự ăn sáng, thì thấy phu nhân mười sáu viện sang mời, Dượng Đế trong lòng cũng ngại không muốn đi. Tiêu Hậu phải hai ba lần thúc giục, Dượng Đế mới miễn cưỡng cùng lên xe với Tiêu Hậu. Vừa tới ngự uyển, thì đã thấy nghìn tía vạn hồng, đào hạnh khoe sắc, chẳng khác gì khắp trời giăng gấm ngũ sắc, Dượng Đế cùng Tiêu Hậu đều vô cùng kinh ngạc, Dượng Đế vội hỏi:

- Tiết trời lạnh giữa đông thế này, làm sao chỉ có một đêm mà hoa có thể nở đến cả vườn rộng, như vậy được? Thật là kỳ quái!

Nói chưa xong, đã thấy mười sáu phu nhân ra đón xa giá, theo sau rất nhiều cung nữ, mỹ nhân, âm nhạc rộn ràng, đầy vẻ xuân sang. Cả bọn đến trước xe rồng, tranh nhau lên tiếng hỏi Dượng Đế:

- Bệ hạ thấy có khác gì cảnh Thọ Thiên cung không nào?

Dượng Đế vừa thích thú vừa ngạc nhiên hỏi:

- Các khanh có phép thuật gì lạ lùng mà có thể làm cho tất cả vườn hoa đều nở trong vòng một đêm thế này?

Mọi người lại đua nhau thưa:

- Bệ hạ chẳng cần hỏi kỹ làm gì. Chúng thần chẳng có phép thuật gì kỳ lạ cả. Chẳng qua tất cả đều chỉ mất một đêm vất vả mà thôi!

Dượng Đế vẫn chưa hiểu ra.

- Một đêm vất vả nghĩa là như thế nào?

Cung nữ lại thưa:

- Xin bệ hạ cứ bẻ một cành hoa mà xem sẽ. õ ngay, chẳng cần phải nghe chúng thần trả lời.

Dượng Đế tin lời, lại gần một gốc hải đường, vịn một cành cây xuống nhìn kỹ, thì mới thấy rõ không phải là hoa thật, mà toàn là hoa gấm, hoa lụa màu cắt thành, rồi đem gắn, buộc vào cây, vào cành mà thôi. Dượng Đế không giấu được vẻ vui sướng, thán phục.

- Ai là người nghĩ ra chuyện này, làm được những bông hoa thế này, búp lá thế này, chẳng khác gì hoa thật. Dù là bàn tay khéo léo nhưng đúng là hơn cả tạo hóa.

Chúng phu nhân thưa:

- Đó chính là do ý của Tần phu nhân, rồi chúng thần cùng cung nữ suốt đêm làm nên, để sáng nay bệ hạ kịp ngự lãm.

Dượng Đế nhìn Tần phu nhân:

- Hôm qua trẫm cũng nghĩ là khanh chỉ nói đùa cho hay, không ngờ là khanh đã nghĩ ra cách làm này.

Rồi cùng Tiêu Hậu, đi chầm chậm từng dãy, từng dãy, chỉ thấy chỗ xanh biếc, chỗ hồng tươi, chẳng cần gì đông hay xuân, lạnh hay ấm, muôn hoa nghìn sắc phô bày, nếu nói kỳ công thì chẳng kém gì Đông quân.

Thấy những gì nữa? Toàn là:

Vôn thợ trời nghiêm đặt bốn mùa

Thợ trần nhào trộn đọ hơn thua

Lụa là úp mở không chồi gốc

Dao kéo vun trồng mặc gió mưa

Muôn đóa khoe màu mai chẳng sớm

Người hoa đua nở cúc không trưa

Xuân chưa hỏi, hạnh vội thưa

Gió đông còn vắng, đào tơ đã cười

Thược dược thắm, tuyết chưa rơi

Mẫu đơn ngạo nghễ một trời móc sương

Tháng ba quế vắt qua tường

Tháng mười sen đỏ rỡ ràng hồ xanh

Đỗ vũ tháng giêng son điểm nhị

Đồ mi năm hết gấm phô cành

Phất phơ dương liễu thân rung nhẹ

Lách tách phù dung móc xuống nhanh

Lan huệ ngọc ngà bay lả lướt

Hải đường son phấn tuyết long lanh

Nở ư? Chẳng đợi gió lành

Rụng ư? Chẳng đợi bướm xanh rập rình

Trăng lạnh thẹn, náu náu hình

Khoảnh chơi dì gió phụ tình vãng lai

Bốn mùa không rụng không phai

Quanh năm tươi thắm xuân dài cõi tiên

Càn khôn tạo hóa mất quyền

Đế vương kim cổ chịu nghiêng mình chào.

Dượng Đế xem một hồi, mặt hồng rạng rỡ:

- Cảnh ở Bồng Lai, Lãng Uyển, chẳng qua cũng đến thế này, các khanh thật khôn khéo quá chừng, định đoạt cả quyền hóa công. Thật là một chuyện xưa nay chưa có, rất khoái ý trẫm vậy.

Bèn sai nội giám đem vàng bạc, lụa gấm, châu ngọc, cùng những đồ chơi kỳ lạ, thưởng cho các viện, các phu nhân, mỹ nữ. Dượng Đế trong lòng vui vẻ, cùng Tiêu Hậu lên lầu, ngắm nhìn từ xa, rồi mới ngồi vào tiệc uống rượu. Chén ngọc, đĩa vàng lấp lánh chói mắt, tiếng tì tiếng trúc rộn ràng bên tai, ai nấy lần lượt rót rượu dâng Dượng Đế. Dượng Đế bỗng cười lớn.

- Việc làm của Tần phu nhân thật mới mẻ, khác lệ thường, cắt lụa gấm làm hoa, tăng thêm vẻ đẹp của ngự uyển của đất trời đông giá này, mà chúng cung nữ vẫn chỉ hát khúc xưa, đàn điệu cũ, thì thật là không xứng. Ai mà hát được khúc mới, trẩm xin uống luôn ba chén rượu lớn để mừng.

Nói chưa dứt lời, thì thấy một mỹ nhân, mặc áo lụa tím, buộc một giải thắt lưng màu ngọc bích, thiết tha yểu điệu, bước ra thưa:

- Tiện thiếp bất tài, cũng xin mạnh bạo dâng chúa thượng một nụ cười mua vui.

Ai nấy nhìn lại, thì là một mỹ nhân ở viện Nhân Trí, có tên là Nhã Nương. Dượng Đế khuyến khích:

- Hay lắm! Hay lắm!

Nhã Nương bước lại gần bàn tiệc, nhẹ nhàng gõ phách, làn môi hồng khẽ động, chẳng khác nào oanh non học hót, hát một bài theo điệu "Như mộng lệnh", sau đây:

Chớ nói phồn hoa là mộng

Một đêm kéo làm hạt giống

Thức dậy gấm đầy cành

Cười ngất gió xuân thật vụng

Chúc tụng, chúc tụng

Thật đúng, Bồng Lai, tiên động.

Dượng Đế nghe xong. thích chí khen:

- Hát hay lắm! Không thể không uống.

Rồi uống đúng ba chén. Tiêu Hậu cùng các phu nhân mỗi người uống hầu một chén. Tiệc rượu xong, lại thấy một mỹ nhân, mặt mày sáng sủa, tóc chải gọn gàng, hoa nhường nguyệt thẹn, bước ra khỏi hàng quỳ tâu:

- Tiện thiếp tuy bất tài, cũng xin dâng thánh thượng một bài từ để chúc mừng.

Dượng Đế đưa mắt nhìn, thì đó là Chu quý Nhi ở viện Nghênh Huy. Dượng Đế cười nói:

- Nếu là quỷ Nhi thì nhất định là tuyệt diệu rồi, lẽ nào mà hát không hay, lời không đẹp cho được.

Quý Nhi rất khoan thai, tay uốn nhịp nhàng, chân bước yểu điệu, cùng hát một bài theo điệu "Như mộng lệnh":

Con gái trời sao khéo giỡn

Khóe khéo gấm mây cắt khéo

Một tối thẩy đều xuân

Tô điểm muôn cành thật giống

Phúc lớn! Phúc lớn!

Phú quý hoàng gia lồng lộng.

Quý Nhi hát xong, Dượng Đế vỗ tay khen:

- Hát hay lắm! Nhất là câu cuối! "Phú quý hoàng gia lồng lộng", vừa hợp với vần của câu "Tô điểm muôn cành thật giống", vừa nói được ý có trước có sau đáng khen lắm?

Lại cũng uống cạn ba chén nữa, bất giác thấy người ngây ngất, rượu đã quá say, thì thái giám thú uyển Mã Thủ Trung, tiến vào quỳ tâu:

- Vương Nghĩa ở ngoài cửa ngự uyển, trình rằng đã làm được một thứ rất lạ, xin dâng lên chúa thượng!

Dượng Đế nghe nói đến Vương Nghĩa liền truyền:

- Cho phép y vào đây.

Chẳng bao lâu đã thấy đến Mã Thủ Trung dẫn Vương Nghĩa vào quỳ dưới thềm, Vương Nghĩa dâng một vật lên trước mặt Dượng Đế tâu:

- Trình chúa thượng, thần thê là Khương Đình Đình cảm ơn lớn của chúa thượng, tự dệt một bức trướng, sai thần đem dâng chúa thượng!

Dượng Đế sai cung nữ giở ra xem, thì ra đó là một gói nhỏ, bọc bằng gấm, bên trong là một mảnh vải rộng dệt bằng một loại lụa gì đen bóng như sơn đen, mềm nhỏ như sa. Dượng Đế lấy làm lạ, hỏi:

- Vương Nghĩa, đây là loại vải gì?

Vương Nghĩa thưa:

- Thần thê Khương Đình Đình, ngày đêm cảm ơn sâu của chúa thượng, mà không thể nào báo đáp, tự cắt tóc trên đầu xanh của mình, chọn lấy những sợi vừa đen vừa dài. Rồi lấy một loại keo lạ nối lại dệt thành loại vải thì ở trong có thể nhìn rõ cảnh bên ngoài, mà bên ngoài nhìn vào chẳng thấy bên trong. Mùa đông rất ấm, mùa hè lại dịu mát. Mở ra thì vừa rộng vừa dài, mà gấp lại chỉ vừa chiếc gối nhỏ.

Dượng Đế khen lạ, sai cung nữ mở rộng ra xem kỹ một lần nữa.

Tiêu Hậu cùng các phu nhân xúm lại xem, thấy mỏng, nhẹ như mây như khói, hương thơm tỏa khắp điện, chăng khắp cả gian lớn. Tiêu Hậu nói với Dượng Đế:

- Không ngờ Đình Đình lại có thể nghĩ được thế này, lại khéo tay đến thế này. Bệ hạ phải có gì ban thưởng cho họ Khương để bõ công vất vả hàng mấy tháng nay chứ?

Dượng Đế nghe Tiêu Hậu nói thế, bèn sai nội giám lấy hai tấm đoạn Quảng Lăng, một chiếc áo choàng màu mây ngũ sắc ban cho Vương Nghĩa rồi phán:

- Vợ ngươi thật hết lòng trung nghĩa mà dệt được tấm vải này, trẫm ban cho hai thứ này để đền công khó nhọc.

Vương Nghĩa quỳ gối nhận rồi vái lạy ra khỏi ngự uyển.

Dượng Đế nói với Tiêu Hậu:

- Hôm vừa rồi, hoàng hậu nói chuyện "thiên sàng", có thể nhiều người cùng nằm. Nay lại có cả tấm trướng này, có thể che thừa cả cái giường nhà chùa đó của hoàng hậu.

Rồi sai bọn nội thị:

- Đem ngay cái giường "Hợp hoan" mà nước ngoài tiến cống và kê ngay ở gian của cung Hiển Nhân, lấy mười cái đệm gấm trải lên trên, rồi treo tấm vải rộng Đình Đình vừa dệt làm trướng cho trẫm.

Sai phái đâu đó, cung nhân, nội giám rối rít vâng mệnh, chẳng mấy lúc, công việc xong xuôi. Dượng Đế nói với Tiêu Hậu và chúng phu nhân:

- Tần phu nhân thì nghĩ được kế hay, Khương Đình Đình thì có bàn tay khéo léo. Một ngày mà gặp cả được hai chuyện kỳ lạ, thì thật chẳng gì thích hơn nữa. Bởi vậy chúng ta hãy cùng nhau uống rượu say mềm một phen, đêm nay hoàng hậu hãy cùng các phu nhân, kéo lên giường "Hợp hoan" này, vui chơi một tối, liệu có nên chăng?

Tiêu Hậu cười:

- Chúng phu nhân, mỹ nhân rất đông đủ kia rồi, thiếp thật không tiện tham dự, xin bệ hạ cho được trở về cung thôi.

Dượng Đế cười:

- Hoàng hậu muốn về phải uống đủ ba chén.

Tiêu Hậu vâng theo, uống ba chén rồi đứng dậy về cung, Dượng Đế cùng các phu nhân, mỹ nhân lại tiếp tục vui vẻ trên giường "Hợp hoan" mới kê.

Chính là:

Nguồn đào nhà có xa đâu

Non Vu, đỉnh Giáp chiêm bao đi về. 1

Lại nói chuyện hậu cung, còn có một cung nhân là Hầu Phi tử, sinh ra đã là thiên hương quốc sắc, trăm đẹp, ngàn xinh, thật đúng nhạn sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn, trời lại phú cho nét thông minh tài văn tài thơ. Từ ngày được đưa vào cung, cậy mình có tài có sắc lại nghe Dượng Đế là kẻ hiếu sắc trọng tài, trong lòng cũng nghĩ sẽ có lúc được như A Kiều ở nhà vàng, Phi Yến ở gác Chiêu Dương. Nhưng rồi đợi đến hết ngày này sang ngày khác, nào ngờ tài mệnh ghét nhau, sắc chẳng gặp thời, tiến cung đã mấy năm nay, mà chưa bao giờ được thấy mặt Dượng Đế dù một lần. Cả ngày chỉ đốt hương ngồi một mình, hết hoàng hôn rồi lại đến đêm dài, qua bao ngày đêm trong cảnh gió sương lạnh lẽo, ngày xuân, đêm thu dằng dặc, đến nỗi hồn phách rã rời, cho dẫu là người sắt, dạ đồng, cũng không tài nào chịu nổi. Lại thêm ngày tháng trôi đi, ai người có tài kéo lại, đến khi đèn tàn, mộng tỉnh, thì quả là lệ chảy nghìn hàng. Ban đầu còn tiếc dung nhan, những gượng tô son điểm phấn, để mong có ngày quân vương thấy mặt. Nào ngờ tháng ngày như nước chảy mây trôi, ngày lại ngày, ngày nào cũng đều vô vị như nhau, bất giác sương tuyết hao gầy tuy cũng một vài chị em bạn bè thăm hỏi, nhưng cũng chỉ là người sầu thăm kẻ khổ, quang cảnh càng thêm vẻ thê lương, ảm đạm.

Một hôm nghe Dượng Đế sai Hứa Đình Phủ vào hậu cung tuyển cung nữ, nhiều người khuyên Hầu phu nhân hãy lấy mấy hạt châu ngọc trang sức của mình mà cho y quách, để y tiến với chúa thượng cho, nhưng Hầu phu nhân nói:

- Thiếp nghe Chiêu Quân đời Hán, thà chịu hắt hủi, nhất định không chịu đem nghìn vàng ra để mua chuộc họa sư Mạo Diên Thọ.

Tuy một thời bị vứt bỏ, rồi còn bị gã cho chúa Thiên Vu, đến nỗi chỉ còn mỗi khúc tỳ bà cùng đám cỏ xanh lưu lại ngày nay. Nhưng ngược lại tiếng thơm thì nghìn đời còn đó, ai mà không thương tiếc Chiêu Quân, chẳng bao giờ mất tiếng người đẹp nghìn xưa. Thiếp nay tuy chẳng bằng Chiêu Quân, nhưng nếu phải hối lộ tụi tiểu nhân để được chúa thượng yêu vì, thì thực đáng hổ thẹn. Thiếp chỉ giận thân này bạc phận, nếu không được gặp quân vương, thì cũng thật uổng thân này một kiếp. Chỉ bằng chết quách một đường, làm con ma đáng thương của nghìn đời, cũng là một chuyện cưỡng lại cái thân phận bị cày ải ở chốn hậu cung lạnh lẽo này chăng!

Về sau lại nghe Hứa Đình Phủ đã kén được một trăm cung nữ để đưa về Tây Uyển, Hầu phu nhân khóc lóc một hồi rồi nói:

- Thiếp kiếp này thế là chẳng bao giờ được thấy mặt quân vương, muốn được quân vương để ý đến, thảng hoặc sau khi chết chăng?

Nói xong lại khóc, mấy ngày sau cơm canh trà nước đều bỏ, gượng đến bên giường, sửa sang y phục mày mặt gọn gàng, rồi đem mấy bức hoa tiên, có những hoa văn màu đen, đem những bài thơ thổ lộ nỗi lòng, buồn vui của mình chép lại, gói chặt trong túi gấm, buộc ở bên mình, còn lại những bài thơ phú khác, đều vứt vào lửa đốt.

Một mình một bóng, lặng lẽ đi vòng quanh một hồi thổn thức trước lan can, khóc rồi lại ngắm, đến chiều thì lủi thủi về phòng, thổn thức mãi hết canh hai. Không chịu nổi sự thống khổ quá đáng, bèn lấy một dải-lụa trắng, treo lên xà nhà mà thắt cổ.

Chính là:

Hồn thơm tán đứt, sầu thêm lặng

Mặt ngọc nhòa phai, oán lại sầu.

Một vài cung nữ thấy quang cảnh khác thường, vội vàng chạy vào phòng giải cứu, thì đã ngọc nát châu chìm, hương gãy bình tan, ô hô! Qua đời rồi! Khóc lóc ầm ĩ một hồi, đợi đến sáng ngày mai, việc không giấu được, đành phải đi báo với Tiêu Hoàng hậu.

° ° °

Lại nói, Tiêu Hậu khi ở Tây Uyển, uống luôn ba chén rượu lớn, Dượng Đế đành cho về cung. Sáng ngày hôm sau, Dượng Đế tỉnh dậy, vội lên xe rồng, về cung sớm, sai cung nữ chuẩn bị yến tiệc chờ sẵn, để đáp lại yến tiệc mà các phu nhân đã thết ở Tây Uyển hôm qua, bỗng thấy cung nữ của Hầu phu nhân tới thưa chuyện. Tiêu Hậu đi theo nội giám tới xem xét. Bọn cung nữ tìm thấy túi gấm bên mình Hầu phu nhân, đưa trình Tiêu Hậu. Tiêu Hậu mở ra xem, thì ra là thơ tuyệt mệnh, liền cứ như cũ bỏ vào túi gấm, sai cung nhân đem đưa trình Dượng Đế.

Lúc này Dượng Đế đang ngồi ở long sàng, xem cung nữ trang điểm, vừa nói chuyện được mất xưa nay với Sa phu nhân ở viện Bảo Lâm. Dượng Đế nói:

- Trụ Vương chỉ sủng ái mỗi Đắt Kỷ, Chu U Vương chỉ riêng say đắm Bao Tự, mà bỏ rơi cả thiên hạ, trẫm nay người đẹp đầy trước mặt, mà bốn biển vẫn yên như Thái Sơn, như thế là tại sao?

Sa phu nhân thưa:

- Đắt Kỷ, Bao Tự làm sao mà đủ sức phá nghiệp nhà Ân, nhà Chu, chính bởi tại Ân Vương, Chu Vương tham luyến sắc đẹp của Đắt Kỷ, Bao Tự, không nhìn ngó gì đến thiên hạ, vì vậy mà thiên hạ ngày càng lìa tan. Nay thì bệ hạ lúc thì đi tuần phía nam, lúc đi thú phía bắc, lưu tâm vất vả trị nước, làm sao chín châu không yên lành cho được. Nay là lúc nhàn rỗi giữa bao công việc, tự vui với cảnh cung cấm, phi tần tuy nhiều, nhưng đều có thứ tự, phép tắc đúng theo lề phong hóa cổ xưa.

Dượng Đế cười:

- Trụ Vương, Chu Vương tuy là hai vị vua không có đức, nhưng đãi Đắt Kỷ cùng Bao Tự như thế cũng là cùng cực, nên cũng có thể nói là có ơn sâu nặng vậy.

Sa phu nhân thưa:

- Chỉ trút cả vào một người, thì đó chỉ là tư ái, sủng ái, phải yêu đồng, cho khắp mới là ơn chung ơn lớn vậy. Đó chính là chỗ bại hoại của Trụ Vương, của Chu U Vương, mà cũng là chỗ an hưởng của bệ hạ vậy.

Dượng Đế vui mừng:

- Phu nhân bàn luận, thật là hợp ý trẫm. Trẫm tuy có hai kinh, mười sáu viện, cung nữ tuy nhiều, đủ màu xanh đỏ, nhưng trẫm đều đối xử rất tận tình, chưa bao giờ bỏ rơi một người nào, khiến họ không có nơi chốn yên ổn, cho nên trẫm luôn thư thái ung dung tự tại bởi chính có ơn mà không có oán vậy.

Dượng Đế đang cùng Sa phu nhân sôi nổi bàn cãi thì thấy Tiêu Hậu sai cung nhân đưa trình túi gấm, cùng là trình việc Hầu phu nhân tự tận. Dượng Đế cho rằng đó là một cung nữ tầm thường, dẫu có chết thì chẳng có gì đáng phải hoảng hốt, vẫn cười cười nói nói giở túi gấm ra xem, thấy những tờ hoa tiên cực tinh tế, với những bài từ, bài thơ rất hoa lệ, chữ nào chữ ấy chân phương theo lối chữ khải, nét bút rất tươi tắn, mạnh mẽ, Dượng Đế đã thấy lòng không yên. Lúc này các phu nhân trang điểm đã xong, khăn áo thướt tha xúm lại trước mặt Dượng Đế cùng xem, Dượng Đế mở tờ đầu tiên, thấy hai bài thơ "Xem hoa mai":

Bài 1:

Thềm đá không tan tuyết

Cuối rèm mày bỗng nhăn

Trước sân mai khéo thương ta lắm

Lấp lánh đầu nhành một nhánh xuân.

Bài 2:

Thương hương tàn sắc lạnh

Ai biết ấy trời sinh

Cánh mai là ta, hơi xuân ấm

Riêng để trăm hoa tươi trước mành.

Dượng Đế mới xem hết hai bài thơ đã kinh ngạc vô cùng, không ngăn được lời than thở:

- Sao ở trong cung lại có người đẹp tài giỏi đến thế này?

Rồi vội vàng mở xem tiểp tờ thứ hai. thấy có chép bốn bài, một bài "Điểm trang xong" và ba bài "Tự cãm".

"Điểm trang xong":

Điểm trang xong tủi phận

Mộng đẹp hóa cơn buồn

Chẳng bằng hoa dương sớm

Xuân về bay khắp thôn

"Tự Cảm", bài một:

Muốn khóc không còn lệ

Buồn ca cổ nghẹn lời

Mà hoa vẫn rực rỡ

Sao thế hỡi xuân ơi!

"Tự cảm", bài hai:

Trước sân, xe mất vết

Đất lõm cỏ non chẹt

Văng vẳng đàn sáo nào

Ơn vua về đậu hót?

"Tự cảm", bài ba:

Bóng xuân dài dằng dặc

Một bước một ngẩn ngơ thẹn không bằng cỏ dại

Mưa móc thấm chan hòa.

Mở sang tờ thứ ba là một bài cổ phong, ngũ ngôn, gồm hai mươi sáu câu có tên là "Tự thương".

Buổi mới lạ vào Thừa Minh điện

Cảnh thâm nghiêm ẩn hiện không nguôi

Cảnh dài bảy tám năm trời

Quân Vương chảng một lần vời lược gương

Rét xuân buốt thấu xương

Chiếc bóng lặng buồng không

Quanh hè hài lệt xệt

U uất lòng thương lòng

Đêm khuya bỗng nhớ vòng tuổi trẻ

Chẳng hơn ai cũng thể khác thường

Vì đâu tươi hóa nên tàn

Cái câu bạc mệnh muôn vàn xót xa

Ơn chúa cao dày nhưng vắng xa

Bàng hoàng lòng thiếp bóng chiều tà

Quê hương cốt nhục ai là chẳng

Tựa cửa chẳng vâng bóng mẹ già?

Chim đất khách chơ vơ lông cánh

Cổng tường cao xa lánh được sao?

Mạng ta nặng nhẹ thế nào

Nỡ đem cất giữ tháp cao lụa đào

Kèo cao lụa một giải

Gan ruột như trào sôi

Đưa đau vào ngần ngại

Muôn sợi thắt rối bời

Lẽ tử sinh tuy hai mà một

Quê suối vàng nhẹ gót từ đây.

Dượng Đế đọc chưa hết đã rơi nước mắt nói:

- Đây chính là lỗi của trầm. Trẫm nào có thương tài ái sắc gì đâu ngay ở trong cung này thôi mà để mất bậc tài hoa thế này. Đau xót thay, tiếc thương thay!

Nói xong gạt nước mắt, giở sang tờ thứ tư, chỉ có một bài "Di ý".

Tước run động kín trồng tiên thảo

Trạm chỗ thâm cung nhốt ngọc nhân

Diên Thọ phải đem mà chặt thủ

Sao không vẽ đúng ảnh Chiêu Quân?

Dượng Đế xem hết, nổi giận đùng đùng:

- Thì ra có một chuyện dối trá ở đây!

Sa phu nhân hỏi:

- Ai dối ai, thưa bệ hạ?

Dượng Đế đáp:

- Trẫm trước đây sai Hứa Đình Phủ vào hậu cung tuyển người đẹp sao lại không tuyển Hầu phu nhân? Ở đây nhất định có chuyện dối trá. Bài thơ cuối cùng này là oán Hứa Đình Phủ không tuyển phu nhân, vì vậy ngậm hờn oan mà chết.

Bèn sai người gọi ngay Hứa Đình Phủ tới. Giả phu nhân ở viện Giáng Dương thưa:

- Hứa Đình Phủ chỉ biết đến dung mạo thôi, còn làm sao biết được tài mẫn tiệp của Hầu phu nhân thưa bệ hạ? Dù tài năng thế nữa, nhưng không chắc dung mạo đã tương xứng. Bệ hạ sao không sai người đem đến xem. Nếu như nhan sắc bình thường, thì tội Đình Phủ còn có thể tha thứ. Nếu như tài mạo kiêm toàn, hãy sai gọi đến cũng chưa muộn.

Dượng Đế phán:

- Nếu không phải là bậc tuyệt thế giai nhân, thì làm sao có được lời hoa gấm như thế này. Nhưng cứ như lời khuyên của các khanh, trẫm hãy tự thân đến xem sao?

Bèn từ biệt đám phu nhân, lên xe rồng về cung, Tiêu Hậu ra đón, rồi cùng vào hậu cung xem xét, thấy Hầu phu nhân khoảng hai mươi tuổi trở lại, tuy đã chết, nhưng y phục, đầu tóc chỉnh tề, nhan sắc vẫn như lúc sống vậy, má hồng trán trắng mịn, chẳng khác gì đóa hoa đào sắp nở rộ. Dượng Đế thấy thế, cũng chẳng nghĩ tới tử sinh cách biệt, lại gần vuốt ve trên người Hầu phu nhân, rồi lớn tiếng khóc:

- Trẫm vốn là một kẻ yêu tài, mến sắc, mà ngay trong cung cũng để mất người tài sắc bậc này. Phu nhân là kẻ tài sắc vẹn toàn, gần nhau trong tấc gang mà không được gặp gỡ. Chẳng phải là trẫm phụ phu nhân đâu, mà chính bởi phu nhân mang số bạc mệnh trong người mình đấy thôi. Không phải phu nhân không được gặp trẫm, mà chính là do trẫm vô duyên. Phu nhân ở tuyền đài, cũng đừng oán trẫm.

Nói xong lại khóc, khóc xong lại nói, thổn thức rồi thổn thức, cũng chẳng khác gì Khổng Phu Tử khóc con kỳ lân chết vậy, đều mười phần bi thương.

Chính là:

Đức thánh khóc đạo

Người thường thương sắc

Đau lòng như nhau

Cách xa trời vực.

Tiêu Hậu khuyên:

- Người mất, đàn tan, bi thương cũng chẳng ích gì, xin bệ hạ hãy giữ gìn.

Dượng Đế bèn truyền lệnh bắt Đình Phủ hạ ngục, hỏi tội cẩn thận, lệnh cho thái giám chuẩn bị y phục, quan tài để hậu táng Hầu phu nhân. Lại sai cung nữ tìm thêm thơ văn của Hầu phu nhân, bọn cung nữ tâu:

- Trình chúa thượng, Hầu phu nhân làm thơ rất nhiều, trước khi chết một ngày, khóc than rồi đốt hết tất cả rồi.

Dượng Đế vô cùng tiếc thương, lại lấy những bài thơ trong cẩm nang đặt trên bàn xem một lần nữa, tiếc thương một lần nữa, đọc một lần nữa, muôn ngàn trân trọng. Rồi giao cho các phu nhân để phổ thành nhạc hát.

Chúng phu nhân đều nghe biết chuyện Dượng Đế hậu tình làm tang lễ Hầu phu nhân, nên cũng kéo đến dự, đem theo cả lễ vật. Dượng Đế tự viết văn tế, trong đó có những câu:

Năm năm đằng đẵng

Trắng lạnh hương tàn

Khanh không gặp trẫm

Ấy ai thương khanh

Khanh không gặp trẫm

Gối chiếc mộng tàn

Trẫm không gặp khanh

Ân hận suối vàng

Trẫm thương khanh mất

Như thương còn khanh.

Rồi lại khóc than chua xót, không thể nào nói hết. Dượng Đế làm xong, tự mình ngâm đọc một hồi, đến Tiêu Hậu cũng phải nhỏ nước mắt rồi nói:

- Bệ hạ hà tất phải tiếc thương sầu thảm đến thế!

Dượng Đế đáp:

- Chẳng phải trẫm đa tình đâu. Mà chính là tình đến làm đau lòng, trẫm cố ngăn cũng không được.

Chúng phu nhân cũng vang lời than khóc, Dượng Đế đứng tế Hầu phu nhân một lễ, rồi đem bài văn tế đốt trước linh sàng, tìm đất mai táng. Lại sắc cho quan huyện, quan quận, hậu tuất cho cha mẹ Hầu phu nhân. Còn Hứa Đình Phủ bị hình quan tra khảo, không thể chối được, bèn đem chuyện đòi hối lộ vàng ngọc thế nào cung khai rõ ràng. Hình quan cứ thế tâu trình, Dượng Đế vô cùng tức giận, đòi đem ra giữa chợ Đông chém ngang lưng. Nhưng rồi được chúng phu nhân xúm lại khuyên giải nhiều lần, nên Dượng Đế bằng lòng cho Hứa Đình Phủ phải tự chết trong ngục.

Chính là:

Suốt đời tham lợi cậy quyền

Nào hay tài lại vần liền với tai

Chóng chầy một tối một mai

Cặp kè lũ lượt về nơi... vạc dầu.


Chiến Giới 4D
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Hồi (1-100)


<