← Hồi 260 | Hồi 262 → |
Quá giờ ngọ ngày hôm ấy, bọn Khấu Trọng bỏ thuyền lên bờ ở bờ Đông Tữ Thủy, sau khi giấu bảy con thuyền vào một nơi bí mật, cả đoàn người ngựa liền lặng lẽ tiến vào một khu rừng rậm. Nhân lúc lũ ngựa nghỉ ngơi gặm cỏ, năm người bọn Khấu Trọng, Từ Tử Lăng, Lạc Phương, Bạch Văn Nguyên và Tuyên Vĩnh liền đi trước quan sát trận địch.
Nơi đóng quân của Đổng Cảnh Trân chỉ cách chỗ bọn gã lên bờ chừng năm dặm, bên bờ Tữ Thủy có xây tạm mấy bến thuyền, xung quanh neo đậu chừng chục cỗ chiến thuyền lớn nhỏ, gần bờ có ba tòa mộc trại, phân biệt là quân đội của Tiêu Tiễn, Chu Xán và Tào Ứng Long.
Địa điểm đóng quân của địch nhân khống chế cả hai đường thủy lục, chẳng những có thể mau chóng chi viện cho đội quân tấn công Viễn An và Đương Dương, lại có thể đi đường thủy hoặc đường bộ chặn đánh Thiếu Soái quân của Khấu Trọng, về mặt sắp xếp quả thực là không hề có kẽ hở.
Cả năm người đều lấy làm đau đầu.
Bạch Văn Nguyên chán nản nói: "Tại hạ tuy thông thuộc địa thế nơi này, nhưng lại không biết bọn chúng chia ra lập trại trên ba ngọn đồi nhỏ thế kia. Chòi canh đặt khắp nơi thì không cần phải nói, hiểm nhất là chúng đã chặt hết cây ở xung quanh đi, khiến cho bên công trại không thể ẩn nấp, cũng không thể lợi dụng địa thế để tấn công bất ngờ".
Tuyên Vĩnh chau mày nói: "Ba trại này đều vô cùng kiên cố, phòng ngự cẩn mật, chỉ cần bọn chúng ở bên trong phóng tiễn qua các lỗ châu mai cũng đủ để đẩy lui quân ta rồi. Nếu dư dật thời gian, có lẽ còn kịp chế tạo một số công cụ công trại, nhưng trong hoàn cảnh này thì vô kế khả thi rồi".
Khấu Trọng nhăn mặt nói: "Nếu đêm nay chúng ta không thể tấn công thì sáng mai nhất định sẽ bị thám tử của chúng phát hiện, đau đầu nhất chính là binh lực của chúng ta muốn tấn công trại nào cũng chẳng đủ, nói gì tới cùng lúc hạ cả ba trại. Xem ra không giở chút thủ đoạn gian trá ra thì không được rồi".
Từ Tử Lăng vỗ vai Lạc Phương, mỉm cười nói: "Huynh đệ, e là phải khuất tất một phen rồi!".
Một chiếc thuyền buồm rẽ ra từ nhánh sông nhỏ, vượt màn đêm tiến về phía trại địch trên thượng du.
Chúng nhân đứng trên đài quan sát, chăm chú theo dõi động tĩnh hai bên bờ.
Đêm nay ánh trăng đặc biệt sáng, cảnh vật xa gần như được khoác lên một tấm áo màu hoàng kim, không cần thắp đèn đốt đuốc cũng có thể nhìn rõ được mọi vật.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đương nhiên đã đeo mặt nạ che đi chân diện mục. Chỉ nghe gã họ Khấu thở dài nói: "Lần sau nếu muốn dùng kỳ binh đột kích, nhất định phải tính toán xem trăng tròn trăng khuyết thế nào, chứ làm như hôm nay, thật chẳng khác gì đánh trộm giữa ban ngày ban mặt cả".
Từ Tử Lăng hỏi Bạch Văn Nguyên: "Theo Bạch huynh thì Trần Võ ở Cửu Giang liệu có dùng cách nào đó kiểu như phi cáp truyền thư để báo trước cho Đổng Cảnh Trân là chúng ta sẽ thay y áp giải tù phạm đến đây không?".
Bạch Văn Nguyên trầm ngâm nói: "Khả năng này rất lớn, có điều bồ câu thì đương nhiên không thể biết đường tới đây, mà sẽ bay tới Di Lăng, sau đó mới dùng khoái mã đưa tin tới cho họ Đổng".
Khấu Trọng nói: "Chuyện này thì biết ngay thôi mà, đến rồi!".
Bạch Văn Nguyên không chút hoảng loạn, bình tĩnh lấy đèn làm hiệu, thông báo cho hai chiếc khoái thuyền đang lướt tới. Hai chiếc khoái thuyền nhận ra đăng hiệu, liền quay ngược lại dẫn đường cho thuyền của Bạch Văn Nguyên cập bến.
Thuyền còn chưa dừng hẳn thì một viên tướng lĩnh của Ba Lăng quân đã nhảy lên, thi lễ vớ Bạch Văn Nguyên: "Bạch tướng quân, mạt tướng Lôi Hữu Thủy. Đổng soái sớm đã biết các vị sẽ đến, chỉ là không ngờ lại nhanh đến vậy mà thôi!".
Bạch Văn Nguyên yên tâm phần nào, mỉm cười đáp lại: "Sự việc trọng đại, đương nhiên có vất vả thế nào cũng phải giao người cho Đổng soái trong thời gian ngắn nhất chứ. À, có tin tức gì của hai tên tiểu tặc kia không?
Viên tướng tên Lôi Hữu Sử kia liền đáp: "Tin tức vừa mới về hôm nay, hai tên tiểu tặc đó ở Hợp Phì dùng quái chiêu khiến cho Bách Ngiệp Đại Hội của Vinh Phụng Tường biến thành một mớ hồ đồ! Ủa, không phải Bạch tướng quân mới ở đó về sao, chắc ngài cũng biết chuyện này chứ?".
Bạch Văn Nguyên làm bộ vui vẻ nói: "Chuyện này phức tạp dị thường, để sau hãy nói. Sau khi giao người cho Đổng soái, Lôi huynh hãy sang trại của ta, uống rượu nói chuyện, ta sẽ kể tận tường".
Lôi Hữu Thủy cười khổ: "Hôm nay mạt tướng phải trực tuần, để tối mai được không vậy? Hai tên tiểu tặc này xưa nay thần xuất quỷ mạt, ngay cả Lý Mật, Vũ Văn Hóa Cập và Lý Tử Thông cũng không phải đối thủ của chúng nữa, không tỉnh táo đề phòng thì sao được chứ?".
Trong lòng Khấu Trọng và Từ Tử Lăng chợt dâng lên một cảm giác kỳ lạ. Đây không phải những lời khiêm nhượng khách khí, mà là những lời thật lòng mang theo vẻ sợ hãi được nói ra từ miệng địch nhân của hai gã. Từ điểm này, có thể thấy uy danh của hai gã đích thực đã chấn động khắp thiên hạ rồi, chẳng trách mà bọn Tiêu Tiễn, Chu Xán và Tào Ứng Long lại coi trọng chuyện đối phó hai gã hơn cả việc công hạ Phi Mã Mục Trường.
Thuyền khẽ nhích động rồi dừng lại trên bến.
Bạch Văn Nguyên quát lớn: "Giải người ra đây!".
Bên dưới lập tức có người đẩy Lạc Phương ra, giao cho Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đứng hai bên giám quản, áp giải lên bờ. Nhìn bề ngoài thì Lạc Phương có vẻ như đã từng bị tra tấn rất dã man, chẳng những y phục rách rưới, tóc tai rối bù, mà trên mặt còn thấy cả vết máu đen bầm lại nữa.
Những người khác vẫn lưu lại trên thuyền.
Lôi Hữu Thủy đi trước dẫn đường, thuận miệng nói: "Thuyền của các vị trầm như vậy, nhất định là chở thứ gì đó nặng lắm".
Khấu Trọng, Từ Tử Lăng, Lạc Phương đang thầm kinh hãi thì Bạch Văn Nguyên đã thản nhiên như không đáp: "Nhãn lực của Lôi huynh thật lợi hại, cả khoang bên dưới đều chất đầy gạo, không nặng mới lạ đó. Nếu không phải thuận gió, e là chúng ta cũng không tới đây được nhanh như vậy đâu".
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đưa mắt nhìn nhau, đều nhận ra sự tán thưởng trong mắt đối phương, mấy câu này của Bạch Văn Nguyên quả thực hết sức lợi hại, chẳng những tán tụng Lôi Hữu Thủy, giải thích được tại sao thuyền nặng, mà quan trọng nhất là đã chỉ ra rằng nhờ thuận gió nên mới có thể đến nhanh như vậy, tránh để đối phương nghi ngờ".
Sau khi lên bờ, bốn người bọn Khấu Trọng được một đội chừng hơn hai mươi binh sĩ Ba Lăng quân hộ tống trước sau, tiến về phía trại của Đổng Cảnh Chân.
Lôi Hữu Thủy quay đầu lại liếc nhìn Lạc Phương đang "ủ rũ cúi đầu", thấp giọng hỏi: "Tên tiểu tử này xem ra đã được Bạch tướng quân cho nếm không ít khổ đầu, rốt cuộc hắn tên gì, có hỏi được chuyện gì quan trọng không?".
Bạch Văn Nguyên đang mong y hỏi câu này, nghe vậy liền vui vẻ trả lời ngay: "Tên tiểu tử này tên Lạc Phương, là phó chấp sự của Phi Mã Mục Trường. Lần này hắn ra ngoài cầu viện hai tên tiểu tặc, sau đó trở về trước để thông báo cho Thương Tú Tuần biết kế hoạch phản công chúng ta, Lôi huynh nói xem tin tức này có quan trọng không?".
Lôi Hữu Sử động dung thốt lên: "Tin tức này đúng là không phải tầm thường, Bạch tướng quân thật biết cách tra khảo".
Bạch Văn Nguyên cười gằn nói: "Vẫn là mấy chiêu cũ thôi, thử hỏi có miệng kẻ nào cứng hơn mấy thứ hình cụ đâu chứ?".
Lôi Hữu Sử liền quát lên với một tên sĩ tốt đang đi phía trước: "Lập tức báo cho Đổng soái, nói Bạch tướng quân có tin tức cực kỳ quan trọng, xin được lập tức diện kiến".
Tên binh sĩ kia lập tức vâng mệnh chạy đi.
Lôi Hữu Sử đột nhiên cười gian tà nói: "Hôm trước mạt tướng có bắt được một số tiểu cô nương ở thôn làng gần đây, trong đó cũng có một hai ả nhan sắc cũng khá, không biết Bạch tướng quân có hứng thú không?".
Trong mắt Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đều thoáng hiện lên sát cơ.
Bạch Văn Nguyên cười cười nói: "Lôi huynh cứ giữ lấy mà hưởng dụng! Tại hạ cũng vừa mới ở Hợp Phì về, hà hà... chắc Lôi huynh hiểu chứ".
Lôi Hữu Thủy bật cười hô hố nói: "Hiểu, hiểu! Hà, cuộc sống ở nơi hoang sơn dã lãnh này quả thật là quá đơn điệu!".
Lúc này chúng nhân đã rẽ vào con đường đi lên trại, chỉ thấy hai bên đường có ba tầng hào cản ngựa, bên trong cắm đầy chông nhọn hoắt, làm Khấu Trọng nhìn mà thầm than may mắn. Nếu không phải có diệu kế này, với đội quân chưa đầy hai ngàn người của gã, tấn công một vạn quân địch chia làm ba trại phòng thủ thế này, thật không khác gì thiêu thân đâm đầu vào lửa hay châu chấu đá xe là mấy.
Bên trong soái trướng đèn đuốc sáng rực.
Đổng Cảnh Trân ngồi trên soái ỷ, hai bên tả hữu có bốn viên tướng lĩnh, người nào người nấy đều đang nhìn chằm chằm vào Lạc Phương vừa được Bạch Văn Nguyên và hai gã áp giải vào.
Họ Đổng niên kỷ trạc tứ tuần, dáng người cao gầy, mặt vuông tai lớn, đường nét rõ ràng, dưới cằm hơi bạnh ra, râu tóc rậm rạp, tướng mạo thập phần uy mãnh.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng đồng thanh quát: "Qùy xuống!".
Lạc Phương khẽ run rẩy, hai chân như mềm nhũn ra, đầu cúi thấp, điệu bộ giống hệt như thật, đến cả Khấu Trọng, Từ Tử Lăng và Bạch Văn Nguyên cũng không nhìn ra sơ hở.
Trừ Lôi Hữu Sử ra, các binh lính đều đứng cả bên ngoài trướng đợi lệnh.
Đổng Cảnh Trân cười ha hả nói: "Bạch tướng quân có thể moi được tin tức quan trọng như vậy từ tên tiểu tử này, lập được đại công, quả thật là đáng mừng, đáng mừng!".
Bạch Văn Nguyên quay sang ra lệnh cho Khấu Trọng và Từ Tử Lăng: "Các ngươi ra bên ngoài đợi lệnh!".
Hai gã lập tức dạ vang, quay người lùi ra bên ngoài.
Soái trướng này nằm ở trung tâm của mộc trại, xung quanh là một khoảng đất trống lớn, những quân doanh khác đều nằm ngoài năm mươi bước, bốn phía có tám binh sĩ đứng canh gác.
Hai mươi quân sĩ theo Lôi Hữu Thủy tới đây đều vòng ra đường cũ để trở về bến tàu. Hai gã cũng đi theo sau lưng đám này ra phía cổng trại.
Quân sĩ trong trại đa phần đều đã vào trong các lều nghỉ ngơi, chỉ còn lại những người phải trực đêm đi xung quanh tuần tra, ngoại trừ con đường thông với bốn cổng trại là đèn đuốc sáng rực ra, kỳ dư khắp trại đều đã chìm trong bóng tối mờ mờ, những căn lều dưới ánh trăng trông như những chiếc bánh bao khổng lồ.
Ngoài cổng trại có hơn mười binh sĩ đang canh giữ, trong đó có bốn người đứng trên hai chòi canh cao gần hai trượng ở hai bên cổng, có điều không ai nghĩ rằng địch nhân sẽ tới, nên tất cả đều hết sức lơ là cảnh giác, phòng ngự rất lỏng lẻo.
Đám lính canh cửa thấy chúng nhân đi tới, vội vàng kéo cửa lên cho đi qua.
Lúc này Tuyên Vĩnh và năm trăm tinh binh nấp trên thuyền sớm đã giải quyết xong đám quân Ba Lăng ở ngoài bến đò và tiếp ứng cho các đội nhân mã khác. Tuyên Vĩnh dẫn theo hơn mười cao thủ khinh công, ẩn thân trong hố chặn ngựa gần chân đồi nhất, vừa thấy cổng trại mở ra, lập tức tung mình lao tới.
Bốn tên lính trên chòi canh cao phát hiện đầu tiên, đang định hét lên báo hiệu thì Khấu Trọng đã nhún người bay lên, phi đao liên tiếp phóng ra, cả bốn tên địch chỉ kịp hự lên một tiếng thảm thiết rồi hồn du địa phủ.
Từ Tử Lăng cũng cùng lúc phát động, chưởng phong cuồn cuộn như hổ lạc giữ bầy dê, đám quân sĩ canh cửa ngã xuống như rạ, không ai kịp kêu lên lấy một tiếng.
Khấu Trọng lại lăng không hoán khí, tung người lộn nhào ra khỏi cửa trại, phối hợp với bọn Tuyên Vĩnh, dùng tốc độ nhanh như sấm đánh không kịp bưng tai, thu thập đám binh lính định xông ra cứu viện, trong nháy mắt đã hoàn toàn khống chế được cổng trại vững như bàn thạch của quân Ba Lăng.
Sau khi hội hợp Tuyên Vĩnh, Khấu Trọng liền hạ lệnh: "Thu thập binh sĩ tuần phòng trước, tránh để bọn chúng kịp báo động".
Các thủ hạ lập tức tuân mệnh chia nhau hành động.
Thiếu Soái quân tràn vào từ ngoài bến tàu.
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng nắm chặt tay nhau để biểu lộ niềm vui, trong lòng đều thầm cảm thấy mình may mắn. Trong trại tuy có hơn bốn ngàn quân Ba Lăng, nhưng không ai kịp phản kháng, chỉ chờ Thiếu Soái tới đồ sát.
Sau khi chuẩn bị và phối hợp, Khấu Trọng, Từ Tử Lăng dẫn theo hai mươi người đã đổi y phục của địch nhân, chạy về phía soái trướng.
Đám binh sĩ canh phòng bên ngoài soái trướng, thấy bọn gã chạy về, lại còn do Khấu Trọng và Từ Tử Lăng dẫn đầu nên đều cảm thấy kỳ quái.
Bọn Tuyên Vĩnh nhân lúc bọn chúng đều chú ý cả vào Khấu Trọng và Từ Tử Lăng, từ trong bóng tối lẻn ra, nhanh nhẹn chế phục toàn bộ.
Chỉ nghe tiếng cười sang sảng của Đổng Cảnh Trân vang lên trong trướng: "Lạc huynh đệ đúng là kẻ thức thời vụ, nếu chịu đầu hàng, Đổng mỗ có thể đảm bảo cho huynh đệ phú quý vinh hoa suốt đời hưởng không hết, tử tôn phúc trạch vô cùng".
Khấu Trọng và Từ Tử Lăng vạch tấm màn xông vào.
Bọn Đổng Thục Trân tròn mắt ngạc nhiên nhìn về phía hai gã, Bạch Văn Nguyên và Lạc Phương cũng lập tức phát động, xuất thủ tấn công người đứng gần mình nhất. Tỉnh Trung Nguyệt của Khấu Trọng rời bao, hóa thành một đạo ánh sáng vàng rực rỡ, chém xả vào Đổng Thục Trân đang lao về phía giá binh khí.
Từ Tử Lăng song chưởng tề xuất, tấn công hai viên tướng lĩnh đứng cạnh họ Đổng.
Nhất thời đao quang kiếm ảnh tràn ngập bên trong soái trướng.
Đổng Cảnh Trân cũng không phải hạng vừa, dù lâm nguy nhưng cũng không rối loạn, y tung mình ra sau, xé toạc màn trướng lăn ra bên ngoài, tuy tránh được một đao kinh thiên động địa của Khấu Trọng, nhưng lại lọt vào giữa vòng vây của Tuyên Vĩnh và hơn mười người khác, trên người lập tức có thêm mấy vết thương, máu chảy đầm đìa, nếu không phải y có chân khí hộ thân, lại lăn về phía chỗ trống, thì sớm đã mất mạng rồi.
Tỉnh Trung Nguyệt đuổi theo như bóng với hình, chém thẳng xuống đầu Đổng Cảnh Trân.
Đổng Cảnh Trân tức giận gầm lên một tiếng, hữu chưởng sử ra tuyệt chiêu cứu mạng tinh diệu tuyệt luân, quét thẳng vào lưỡi đao của Khấu Trọng.
Loa Hoàn Kình lập tức chạy dọc theo cánh tay y, xâm nhập vào kinh mạch.
Một bên thuận thế toàn lực tấn công, một bên là hoảng loạn ứng chiến trong khi đã thọ thương, cao hạ thế nào thiết tưởng không cần nói cũng biết.
Đổng Cảnh Trân toàn thân run lên lẩy bẩy, lăn tròn về phía sau như một quả bóng, máu tươi không ngừng phun ra nơi miệng, cuối cùng thì cũng dừng lại, thở hồng hộc.
Từ Tử Lăng tung mình phóng ra khỏi soái tướng, mỉm cười nói: "Giải quyết xong cả rồi".
Khấu Trọng đảo mắt một vòng, thấy người trong các quân doanh gần đó đã bị tiếng đánh nhau làm tỉnh giấc, liền cởi bỏ mặt nạ xuống, hét lớn: "Kẻ nào đầu hàng thì tha chết, kháng cự giết không tha!".
Chúng nhân lập tức lãnh mệnh tản đi.
Khấu Trọng liếc nhìn Đổng Cảnh Trân đang bị thủ hạ dùng dây gân bò trói chặt chân tay, thở dài nói với Từ Tử Lăng: "Lăng thiếu gia ngươi chắc cũng biết ta không còn sự lựa chọn nào khác, trên chiến trường nếu không phải ngươi giết ta thì là ta giết ngươi. Đừng quên rằng bọn chúng đã gây hại cho người dân ở đây như thế nào".
Từ Tử Lăng cười khổ nói: "Ta đâu có trách gì ngươi, đâu cần phải nói nhiều như vậy làm gì, đi thôi!".
Nói đoạn liền tung mình lướt đi trước.
Đây căn bản không thể coi là chiến trường.
Do Đổng Cảnh Trân và các tướng lĩnh khác đã bị bắt sống ngay từ đầu, đám binh lính Ba Lăng quân vừa tỉnh giấc như liền như quần long vô thủ, lần lượt đầu hàng, giảm cho Khấu Trọng rất nhiều sát nghiệp.
Quá canh hai, toàn bộ trại của quân Ba Lăng đã lọt vào tay Khấu Trọng, khiến cho gã có thể tiếp tục tiến hành bước thứ hai của kế hoạch.
Khấu Trọng, Từ Tử Lăng, Bạch Văn Nguyên áp giải Đổng Cảnh Trân cùng hơn bốn mươi người khác đóng giả thành thân vệ của họ Đổng thúc ngựa tiến về phía mộc trại do đại tướng Văn Lương của Chu Xán thống lĩnh, theo sau là hơn ngàn Thiếu Soái quân do Tuyên Vĩnh dẫn đầu. Lạc Phương và mấy trăm người khác thì ở lại giữ trại.
Chúng nhân thúc ngựa lao đi như gió, chẳng mấy chốc đã đến trước cổng trại của quân Già Lâu Lan cách đó chừng gần một dặm: "Đổng Cảnh Trân đại soái có chuyện gấp cần gặp Văn soái, đã có tin tức của Thiếu Soái quân rồi".
Đám lính canh cửa làm sao biết được có điều trá ngụy, vừa thấy Đổng Cảnh Trân, vừa thấy Bạch Văn Nguyên là đại tướng bên mình, liền lập tức phái người phi báo cho Văn Lương, đồng thời mở lớn cổng nghênh tiếp.
Cổng vừa mở ra, chúng nhân đã tràn vào như nước lũ, thấy người là giết, tiếng hò hét vang động cả góc trời, khiến cho đám quân sĩ đang ngủ trong quân doanh đều bừng tỉnh.
Đại quân của Tuyên Vĩnh ồ ạt tràn vào, phóng hỏa khắp nơi, mặc sức phá hoại.
Chẳng mấy chốc thì cả mộc trại rộng lớn đã chìm trong biển lửa, đám tàn binh bại tướng còn lại chỉ biết mở tung những cổng trại còn lại, hoảng loạn bỏ chạy.
Tào Ứng Long cũng dẫn quân tới cứu viện, nhưng đã bị Thiếu Soái quân mai phục đánh cho một trận tơi bời, bỏ cả trại tháo chạy.
Đến sáng hôm sau liên quân tinh nhuệ của Tiêu Tiễn, Chu Xán và Tào Ứng Long đã không còn tồn tại.
← Hồi 260 | Hồi 262 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác