← Hồi 0996 | Hồi 0998 → |
Thái Bình Công chúa khẽ chau đôi mày đen, trầm giọng nói:
- Huynh đệ Trương thị vốn là muốn tranh giành lấy quyền lực, Nhị Lang! Hành động như vậy chẳng phải là khiến chúng ta phải hai tay dâng quyền lực lên cho bọn chúng hay sao? Điều này chẳng phải là đã trúng ý của huynh đệ bọn chúng?
Thư là do Dương Phàm viết, hắn muốn bên phía kinh thành tìm cách để cho huynh đệ Trương thị vào làm quan ở Chủ Lễ Bộ kiêm quản Quốc Tử Giám, lấy danh là nhiếp quốc. Tuy trong thư Dương Phàm cũng đã liệt kê ra rất nhiều lý do, nhưng Thái Bình vẫn cảm thấy rất khó hiểu.
Thư là do Dương Phàm viết gửi cho Thái Bình và Uyển Nhi, nhưng Uyển Nhi còn nhận được một bức thư mà Dương Phàm gửi riêng cho nàng. Trong bức thư đó Dương Phàm đã thành thật nói hết cho Uyển Nhi biết nỗi khổ tâm của mình. Hành động lần này của Dương Phàm là muốn giáng một đòn uy hiếp tới sĩ tộc vùng Sơn Đông. Nếu như những chính sách của Quách Nguyên Thần đối với Lũng Tây chỉ có thể khống chế được một Lý thị vùng Lũng Tây, thì những bước đi của Dương Phàm lần này mới xem như giáng một đòn chí mạng vào điểm yếu của sĩ tộc vùng Sơn Đông.
Từ trước tới giờ đặc quyền Giáo hóa vẫn luôn là gốc rễ lập thân của các thế gia. Hàng nghìn hàng trăm năm nay, thế gia lúc thịnh lúc suy, nhưng cuối cùng thì bọn họ vẫn dựa vào năng lực văn giáo thâm hậu của mình để mà đứng dậy thâu tóm lấy quyền lực. Thế gia sẽ quyết không cho phép để ưu thế, địa vị về lĩnh vực văn giáo bị rơi vào tay kẻ khác. Đặc biệt là lúc này, khi mà đã thực hiện chế độ khoa cử. Nếu như thế gia bị mất đi những ưu thế, địa vị trên văn giáo, thì cho dù có đến ba mươi, năm mươi năm sau cũng không chắc sẽ có thể ngẩng đầu quay lại được nữa. Chẳng có ai dám mạo hiểm chuyện này.
Nhưng Thái Bình không biết rằng Dương Phàm sử dụng đến "vũ khí lợi hại" này là để uy hiếp đến giới sĩ tộc vùng Sơn Đông. Dương Phàm không thể để lộ sự tồn tại của "Thừa Tự Đường" và thân phận Tông chủ của Hiển Tông cho Thái Bình biết. Như vậy thì động cơ hành động của Dương Phàm sẽ trở nên thiếu sức thuyết phục. Nhiệm vụ thuyết phục Thái Bình trao lại cho Uyển Nhi.
Thượng Quan Uyển Nhi suy nghĩ kỹ lưỡng một hồi rồi nói:
- Mục đích mà Trương Dịch Chi soạn sách là để trở thành Đại Tông sư trên Văn đàn. Thông qua hành động đó để tích lũy sự ủng hộ hắn trên Văn đàn, đồng thời thu nạp được một nhóm những văn sĩ tài tử về dưới trướng của hắn. Mục đích cuối cùng vẫn là muốn thâu tóm quyền lực để có thể khống chế được triều đường.
Thái Bình cười nhạt nói:
- Đúng vậy! Lòng tham của hắn, người người đều rõ!
Thượng Quan Uyển Nhi thở dài một tiếng rồi nói:
- Còn nhớ tuy lần trước vì những lời gièm pha của Trương Xương Tông mà đã ép chết hai vợ chồng Hoàng Thái tôn và Vĩnh Thái công chúa, điện hạ người và Lương Vương đã dâng tấu buộc tội hắn, vậy mà kết quả ra sao? Trương Xương Tông chỉ bị đem ra ngoài kinh để tránh nạn, Nữ Hoàng vẫn còn để cho hắn giữ trọng chức Khâm sai, dành công lao to lớn như vậy cho hắn.
Thái Bình trầm ngâm một lúc, trầm ngâm nói:
- Vi Phi hạ sinh được ba công chúa. Trong số ba người Trường Ninh, Vĩnh Thái và An Nhạc chỉ có duy nhất Vĩnh Thái là hòa thuận, hiền lành giữ lễ nhất. Chẳng ngờ rằng lại chính là Vĩnh Thái phải gặp phải nạn diệt thân. Phải chăng quả thật là "Người tốt không được sống lâu"...
Thái Bình Công chúa đã từ lâu không có qua lại gì với ba đứa cháu gái đó, tình thân đương nhiên là có chút phai nhạt, nhưng mối quan hệ huyết thống thì vẫn còn đó. Nghĩ tới Lý Tiên Huệ trong lúc mang thai mà vẫn bị bức ép tàn khốc cho tới chết, khiến cho người ta không khỏi cảm thấy đau lòng. Hơn nữa người hại chết Lý Tiên Huệ lại chính là Tổ mẫu của nàng ấy, chính là mẫu thân của Thái Bình. Mặc dù từ lâu đã biết mẫu thân của mình là người máu lạnh, nhưng Thái Bình cũng không khỏi cảm thấy sợ hãi
Nghe thấy Thái Bình nhắc đến Lý Tiên Huệ, Thượng Quan Uyển Nhi bất giác sờ nhẹ lên vùng bụng đang ngày càng to ra của mình.
Một sinh linh bé nhỏ đang dần sinh trưởng trong bụng của nàng ta. Những đau khổ và tuyệt vọng mà Lý Tiên Huệ từng phải trải qua, cùng là người phụ nữ mang thai, Uyển Nhi cũng có chung cảm nhận. Chuyện nàng ta có thai chẳng còn có thể giấu được bao lâu nữa. Uyển Nhi biết Nữ Hoàng kiêng kị điều gì nhất. Nàng cũng chẳng rõ những sự chuẩn bị, sắp đặt của nàng ta có thể cứu được bản thân, đặc biệt là đứa con trong bụng qua được cơn hoạn nạn này. Nghĩ tới mà thấy thật phiền lòng.
Thái Bình đột nhiên nhắc tới cái chết của Lý Tiên Huệ, tuy vẫn chưa hiểu hết được ý tứ của Uyển Nhi, nhưng nàng ta cũng phải thừa nhận rằng chuyện hai họ Võ và Lý liên kết với nhau rất khó có thể ảnh hưởng đến vị mẫu thân thiên tính máu lạnh của nàng ấy. Nay chỉ có duy nhất huynh đệ Trương thị mới có thể có ảnh hưởng đến những suy nghĩ của Nữ Hoàng. Cũng vì lẽ đó mà Thái Bình đành miễn cưỡng thừa nhận những suy đoán của Uyển Nhi.
Uyển Nhi nói:
- Huynh đệ Trương thị đã thu nạp không ít người dưới trướng, trong số đó có không ít nhân tài. Thành Trường An xảy ra chuyện lớn như vậy, Hoàng đế lại dời đô về đây. Cho dù huynh đệ Trương thị không nghĩ tới cơ hội chiếm quyền khống chế Văn giáo, thì thuộc hạ của bọn chúng lẽ nào đều không nghĩ tới hay sao? Nếu như bọn chúng chủ động xin Hoàng đế quyền quản lý Quốc Tử Giám, vậy thì cho dù điện hạ người có muốn ngăn cản thì cũng chưa hẳn sẽ thành công.
Thái Bình Công chúa chau mày nói:
- Vậy thì chúng ta nên làm theo lẽ ngược lại hay sao? Lỡ không may hành động lần này đưa tiến thành lùi, từ may lại thành khôn, Mẫu Hoàng lại được đà đẩy thuyền, lợi dụng Trương Dịch Chi có công biên soạn "Tam Giáo Châu Anh" mà giao cho hắn quyền quản lý Quốc Tử Giám..., Bọn chúng tuổi vẫn chỉ đôi mươi, chúng có đủ thời gian để lợi dụng việc nuôi dưỡng đào tạo nhân sĩ cho quốc gia mà biến toàn bộ nho sĩ triều đình này đều phải mang họ Trương cùng với bọn chúng.
Uyển Nhi nói:
- Tuy Quốc Tử Giám là căn cứ địa để trau dồi bồi dưỡng nhân sĩ cho quốc gia, nhưng để có kết quả nhất định thì phải cần tới một khoảng thời gian. Chỉ khi nào bọn chúng có thể luôn nắm vững đại quyền Văn giáo trong tay thì mới xuất hiện những chuyện mà ðiện hạ ngýời lo lắng!
Thái Bình Công chúa đột nhiên tỉnh ngộ ra, huynh đệ Trương thị đương tuổi đôi mươi, bọn chúng đương nhiên có đủ thời gian để thâu tóm quyền lực Văn giáo, nuôi binh dưỡng sĩ cho bản thân mình. Nhưng Nữ Hoàng thì tuổi đã cao, người còn sống được bao nhiêu lâu nữa? Nếu như Nữ Hoàng băng hà thì bọn chúng còn giữ cái quyền Văn giáo gì chứ?
Uyển Nhi nhẹ nhàng nói tiếp:
- Vậy nên cho dù chúng ta có thực sự từ may thành khôn, thì cũng sẽ không để lại quá nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hơn nữa, trong thư Nhị Lang cũng đã liệt kê ra một số điều có thể đảm bảo rằng đại quyền Văn giáo sẽ không thực sự rơi vào tay của huynh đệ Trương thị. Lại nói, Nhị Lang đặc biệt có ảnh hưởng rất lớn đối với Trương Xương Tông. Nay Trương Xương Tông cũng đang ở thành Trường An, người thử nghĩ xem Nhị Lang sẽ có những biện pháp phòng ngừa hắn hay không?
Ánh mắt của Thái Bình Công chúa sáng lên một cái. Uyển Nhi thản nhiên nói:
- Trí tuệ của Trương Xương Tông thua xa Trương Dịch Chi, nhưng Hoàng đế lại sủng ái hắn nhất. Nếu như Nhị Lang có những ảnh hưởng nhất định tới hắn, vậy thì kết cục của chuyện này lại càng không thoát khỏi sự khống chế của chúng ta.
Thái Bình Công chúa chậm rãi gấp lại bức thư trong tay, nhẹ nhàng gật đầu nói:
- Tốt! Đã như vậy thì bên phía ta sẽ tìm cách để tạo nên sóng gió, trước tiên hãy cứ gây thanh dựng thế cho huynh đệ Trương thị bọn chúng đã!
Hai người phụ nữ nhìn nhau cười một cái, trong đám hoa cỏ bỗng nhiên vang lại tiếng bước chân tới phía này. Hứa Hậu Đức, người đánh xe cho Thái Bình Công chúa trước đây, nay nhậm chức Tổng quản của Tử Trạch Uyển, xuất hiện trước mặt bọn họ, chắp tay hành lễ với Thái Bình rồi nói:
- Điện hạ, phủ của An Nhạc công chúa đưa tin, An Nhạc công chúa đã hạ sinh thành công, mẹ tròn con vuông.
Thái Bình Công chúa nghe xong, một tia nhìn chán ghét khinh thường bất giác lướt nhẹ trong đáy mắt. Tính cách và phẩm giá của An Nhạc không qua mắt được Võ Tắc Thiên Hoàng đế thì đương nhiên cũng không qua được huệ nhãn của Thái Bình Công chúa. Lúc ban đầu khi mới gặp đứa cháu này ở Long Môn, Thái Bình còn rất thích nó. Nhưng khi đã nhìn rõ bản tính của An Nhạc, thì nàng ta lại thấy chán ghét cái đứa cháu xảo trá hám lợi, lả lơi này.
Lần này An Nhạc công chúa xuất giá mới có bảy tháng đã hạ sinh quý tử, đó chính là nỗi nhục của Hoàng gia. Cứ theo như ý của Hoàng đế thì ban đầu phải dùng thuốc để đánh hỏng cái thai. Nhưng Võ Tam Tư không chịu, đó chính là cháu ruột của y, y bèn chạy tới trước mặt Võ Tắc Thiên mà khóc lóc cầu xin, Hoàng đế mới chịu cho tha.
Nhưng cũng chính từ đó mà phủ Lương Vương và phủ An Nhạc Công chúa đều hết sức kín tiếng trong việc sinh nở của An Nhạc. Nay An Nhạc đã sinh con rồi, Hoàng gia không tuyên bố đông đảo cho mọi người biết, cũng chẳng có thưởng phong gì hết. Ngay đến cả việc thông báo tin vui cho vị Hoàng cô này cũng hết sức đơn giản lạ thường. Thái Bình Công chúa suy nghĩ một hồi rồi sắp xếp:
- Lệnh cho Lý Dịch mang quà sang chúc mừng, ngày khác bổn cung sẽ sang phủ thăm sau!
Hứa Hậu Đức cúi người lui xuống. Thái Bình Công chúa làm ra vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra, quay đầu nói với Uyển Nhi:
- Trong vườn vừa mới thu dọn được một sân bóng. Ta và ngươi đã lâu rồi không cùng đá bóng, có muốn cùng đi luyện tập một chút không?
Uyển Nhi vội nói:
- Muội không có hứng thú, lại cũng đang lúc xuân thu giao thời mệt mỏi, người ta mới ngồi có một lúc mà đã thấy mệt rồi, muốn đi ngủ một lát.
Thái Bình Công chúa cũng thuận theo đứng dậy, cười khanh khách nói:
- Ngươi đó, gần đây tiệc tùng nhiều quá đến nỗi người cũng muốn lười rồi, cẩn thận không khéo thân hình lại phát phì ra đó. Ồ? Dường như ngươi quả thật là đã phát phì rồi đó.
Uyển Nhi thấy lo lắng trong lòng, nào dám để cho Thái Bình nhìn ngắm kỹ hơn, nguýt nàng ấy một cái rồi giả vờ giận dỗi nói:
- Có phát phì cũng chẳng thể nào có được thân hình gợi cảm đẫy đà của người. Đừng có nói chuyện phiếm nữa.
Nói đoạn bèn phẩy tay áo một cái rồi vội vã lánh đi mất.
※※※※※※ ※※※※※※ ※※※※※※ ※※※※※※※※※
Trên hòn đảo giữa hồ Long Khánh, Trương Xương Tông ngồi trên ghế cùng với Dương Phàm đang ngồi trên xe lăn đối diện trên tay hai người đều cầm một chiếc cần câu cá. Nhưng sự tập trung của y lại không đặt vào chiếc phao cần trên mặt nước kia. Dường như không để ý đến chiếc phao cần đang giật lên cuống quýt từng hồi, y cơ bản là không hề biết cá đã cắn câu, y đang mừng rỡ khoe với Dương Phàm công lao thành tích của mình.
Đứng đằng sau y là Lục Mao Phong, tướng lĩnh của Thiền Kỵ Doanh. Lục Mao Phong vốn có mối quan hệ từ xưa với Trương thị. Hôm nay chính gã thống lĩnh binh mã hộ tống Trương Xương Tông tới thăm Dương Phàm.
Dương Phàm mỉm cười nói:
- Lục lang quả thật là người có trí tuệ và bản lĩnh lớn. Quan lại của Hình Bộ và Ngự Sử Đài lưu lại trong thành Trường An vài tháng cũng coi như tìm ra được một số nhân chứng vật chứng. Chỉ tiếc là bọn họ không có được năng lực to lớn, cũng không biết nên ra tay như thế nào, để đến nỗi rơi vào thế bị động, bị đám tham quan ô lại kia dắt mũi làm nhục, lại còn liên lụy cả đến Dương mỗ trúng tên, suýt chút nữa là mất đi cả tính mạng.
Lục Lang lần đầu tới Trường An mà đã có được năng lực lớn đến như vậy, đại đao quét sạch đám tham quan, dựa vào thế của Thiên tử mà đánh nhanh thắng gọn, giải quyết nhanh chóng, tận gốc cục diện loạn lạc của Trường An. Thông qua lần chỉnh đốn cục diện quy mô lớn này của Lục Lang, việc di dời về phía Tây của Thiên tử nhất định sẽ thuận buồn xuôi gió.
Trương Xương Tông vui mừng lắm. Ngay cả đến Dương Tái Tư đường đường là một Tể tướng, cũng xem như là một nhân vật đã lăn lộn trong chốn quan trường vài chục năm, mà cũng chỉ có biết khen Trương Xương Tông y nhan sắc như hoa. Lão ta không hề biết những người trẻ tuổi như y, ai mà chẳng muốn được người khác thừa nhận rằng bản thân mình thực sự có bản lĩnh. Ngay cả những người đàn ông có tướng mạo đẹp cũng không hề để tâm đến tướng mạo. Đặc biệt là Trương Xương Tông, kẻ dùng sắc đẹp để hầu hạ bậc Đế vương, lại càng không thích người khác lấy chuyện đó ra để nói.
Những lời lẽ khen ngợi của Dương Phàm quả là gãi đúng chỗ ngứa của Trương Xương Tông. Trong lòng y vui như nở hoa, nhẹ nhàng nhấc chiếc cần câu trong tay rồi lại hớn hở vung mạnh ra mặt hồ. Con cá đó đã thoát được cần câu, mồi câu cũng chẳng còn, nhưng y không hề phát hiện ra.
Trương Xương Tông vung mạnh cần câu rồi làm ra vẻ nho nhã nói với Dương Phàm:
- Ngũ Lang biên soạn cuốn "Tam Giáo Châu Anh" đã sắp được hoàn thành. Ý của huynh ấy là muốn giảm tốc độ xuất bản, trước tiên cứ kéo dài thời gian, đợi cho đến sau khi Thánh nhân dời đô Trường An sẽ dâng lên cho người bộ sách đó, coi như là làm quà cho Thánh nhân dời đô!
Dương Phàm vỗ tay thở dài nói:
- Ngũ Lang cao kiến, nếu như đợi cho tới khi Thánh nhân dời đô rồi mới dâng lên kiệt tác này, há chẳng phải là dệt hoa trên gấm hay sao!
Trương Xương Tông cười đắc ý, nghiêng mình hướng về phía Dương Phàm, hạ giọng nói:
- Bộ sách "Tam Giáo Châu Anh" của Ngũ Lang chuẩn bị hoàn thành, tiểu đệ lại lập được công lớn ở Trường An, Thánh nhân chắc hẳn sẽ rất vui mừng.
Trong kinh đã có tin truyền ra, có người đề cử cho Ngũ Lang nhậm chức trong Lễ Bộ kiêm quản lý Quốc Tử Giám, giám sát Văn giáo thiên hạ.
Dương Phàm hơi ngây người, ngạc nhiên nói:
- Giám sát Văn giáo? Đó là đề cử của ai vậy?
Trương Xương Tông mỉm cười nói:
- Lương Vương!
Dương Phàm lại ngây người ra, Trương Xương Tông ung dung nói tiếp:
- Lần trước vì cái chết của Võ Diên Cơ mà hắn dâng sơ buộc tội ta. Chắc hẳn hắn thấy ta nhận được thánh ân không giảm mới vội vàng gỡ sai. Hành động cung kính đó của hắn chẳng qua chỉ là vì muốn ta sẽ không kiếm cớ làm khó hắn mà thôi. Ha ha, một tên tiểu nhân "Gió chiều nào xoay chiều đó".
- Ồ..., phải... Lục lang nói đúng lắm, đúng lắm!
Trương Xương Tông đã nghe ra được sự miễn cưỡng trong lời nói của Dương Phàm, bất giác nhìn hắn một cái bèn thấy Dương Phàm đang vội vàng che giấu đi sự khác thường của mình. Trương Xương Tông sinh nghi bèn thu lại nét tươi cười mà khó chịu nói:
- Trương mỗ luôn coi Nhị lang là tri kỷ, nay Nhị lang có điều gì mà không muốn nói cho Trương mỗ biết hay sao?1
- Cái này...
Gương mặt Dương Phàm đầy một vẻ khó xử, nhưng ánh mắt của Trương Xương Tông lại sáng quắc, thật khó mà có thể che giấu được. Dương Phàm bèn chần chừ nói:
- Dương mỗ chỉ là cảm thấy Lương Vương có đề cử đó, nếu như thật sự là vì có ý muốn giảng hòa với Lục lang thì thật quá tốt, nhưng chỉ e... chỉ e... hắn có mục đích khác nữa...
Trương Xương Tông giọng đầy nghi hoặc nói:
- Giáo hóa là đại đạo trị thế, nắm quyền Giáo hóa đồng nghĩa với việc nắm giữ càn khôn trong tay, việc này sao lại có mục đích khác được?
Dương Phàm từ tốn nói:
- Giáo hóa không phải là chuyện một sớm một chiều, Thánh nhân tuổi tác đã cao, chỉ e... nước xa không cứu được lửa gần!
← Hồi 0996 | Hồi 0998 → |
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác